Tập sách “Trung Quốc, Hoa Kỳ và tương lai Đông Nam Á”
Tác giả: Chin-Hao Huang | Biên dịch: Đinh Nho Minh
China, the United States and the Future of Southeast Asia. David B. H. Denoon chủ biên. New York: New York University Press, 2017. Bìa mềm: 464 trang.
Tập sách mới nhất do David B.H. Denoon chủ biên tập hợp bài viết từ các chuyên gia nổi tiếng về an ninh và quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á. Điểm nhấn chung của tập sách này là: khi Đông Nam Á đang trở thành một trọng tâm mới trong gia tăng đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, các nước Đông Nam Á sẽ có ảnh hưởng như thế nào tới vận động quyền lực đang thay đổi nhanh chóng ở khu vực?
Mức độ phát triển kinh tế và chính trị đa dạng cùng ưu tiên đối ngoại khác nhau của mười nước ASEAN khiến việc tìm được một chính sách chung của khu vực này đối với Trung Quốc và Hoa Kỳ trở nên khó khăn. Ở phần giới thiệu, Denoon thừa nhận rằng “mẫu hình hành vi của các thành viên ASEAN là khá đa dạng” (trang 6). Tuy nhiên, vẫn có một vài xu hướng chung.
Ví dụ, vị trí địa lí gần nhau buộc các quốc gia trong khu vực phải có quan hệ giao thương và kinh tế gần gũi với Trung Quốc. Chẳng hạn, Thái Lan ngày càng ngả về Trung Quốc, một phần do số lượng lớn các thương nhân người gốc Hoa vốn nhận thấy lợi ích trong việc duy trì quan hệ gần gũi với Trung Quốc. Ở Chương 8, Catharin Dalpino cho thấy Lào và Campuchia cũng được lợi từ sự hào phóng của Trung Quốc trong những năm gần đây, đặc biệt từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển, cho vay ưu đãi và đầu tư ngày càng gia tăng vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn từ đập thủy điện đến đường cao tốc và đường sắt. Dalpino kết luận trong chương của mình là ảnh hưởng của quân đội lên chính trị ở Myanmar có nghĩa là quan hệ kinh tế sẽ tiếp tục có vai trò then chốt trong quan hệ Trung Quốc-Myanmar. Tương tự, các nước giáp biển ở Đông Nam Á cũng muốn có quan hệ kinh tế gần gũi với Trung Quốc hơn. Vikram Nehru đã miêu tả rất kĩ vấn đề này ở chương mở đầu. Các nước có kinh tế phát triển cao như Singapore, Malaysia, Brunei và Indonesia tiếp tục phát triển và dựa vào Trung Quốc trong vai trò một thị trường xuất khẩu hấp dẫn.
Cùng lúc, các tác giả viết rằng mặc dù đang có sự hợp tác ngày càng sâu rộng về mặt kinh tế, xu thế đối đầu và phòng bị nước đôi (hedging) cũng đang ngày càng phổ biến trong quan hệ an ninh Trung Quốc-Đông Nam Á. Ví dụ, Việt Nam có quan điểm an ninh phức tạp đối với Trung Quốc. Như Trần Trương Thủy đã chỉ ra ở Chương 6, bất chấp sự tương đồng về ý thức hệ với Trung Quốc, Việt Nam rất cảnh giác với ảnh hưởng quá mức của Trung Quốc, đặc biệt từ sau vụ giàn khoan năm 2014 ở Biển Đông. Sự chia rẽ phe nhóm trong giới lãnh đạo Việt Nam cũng cho thấy Hà Nội phải cân bằng giữa phái dân tộc chủ nghĩa chống Bắc Kinh và phái thân Bắc Kinh. Tương tự, quan hệ an ninh của Philippines cũng đã gặp nhiều phức tạp trong những năm gần đây do hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là sự kiện Bãi cạn Scarborough năm 2012. Những quan chức và chính trị gia muốn tăng cường hợp tác ngoại giao và an ninh với Trung Quốc buộc phải xem lại quan điểm của mình khi có sự gia tăng hiện diện và bành trướng của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biển đảo. Phán quyết có lợi cho Philippines vào tháng 7 năm 2016 của Tòa Trọng tài thúc đẩy cảm giác nghi ngờ Trung Quốc trong dân chúng Philippines. Tuy nhiên, các ưu tiên cấp cách về kinh tế và an ninh trong nước đã áp đảo các quan ngại về ngoại giao, dẫn tới một bộ máy lãnh đạo mới thân Bắc Kinh hơn vào năm 2016. Từ đó tới nay, bộ máy lãnh đạo này đã quan tâm tới việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Sự quan ngại về sức mạnh cứng của Trung Quốc tiếp tục chi phối bối cảnh an ninh tại Singapore, Malaysia, và Indonesia. Evan Laksmana, Heng Yee Kuang và Zakaria Ahmad có phân tích cân bằng trong Chương 4, 5 , và 7, và đều chỉ ra rằng các nước Đông Nam Á đều coi sự xác quyết gia tăng của Trung Quốc như là một thách thức an ninh nguy hiểm và ngày càng lớn đối với ổn định khu vực.
Đây cũng là nơi mà Hoa Kỳ có vai trò trong các toan tính của khu vực. Nổi bật nhất là mối quan hệ an ninh mới hình thành và đang phát triển giữa Hoa Kỳ và các nước Indonesia, Việt Nam và Myanmar, như bài viết của Marvin Ott và Michael McDevitt trong tập sách cho thấy. Các nước Đông Nam Á này đều từng có quan hệ phức tạp với Hoa Kỳ, nhưng họ đã quyết định để lại quá khứ sau lưng để hướng về mục tiêu thực dụng hơn với Washington: mở rộng và làm sâu sắc mối quan hệ an ninh với một cường quốc bên ngoài khác để đảm bảo sự sống còn và vai trò của các nước này trong khu vực. Điều này cũng phản chiếu chiến lược lâu nay của các nước nhỏ như Singapore và Brunei. Trong một khu vực mà một số cường quốc bên ngoài đang tìm cách tranh giành ảnh hưởng, Đông Nam Á đang ở vị trí đặc biệt có thể mở rộng quan hệ an ninh với nhiều đối tác. Thay vì đối đầu trực tiếp với ảnh hưởng gia tăng và mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc, gần như tất cả các nước Đông Nam Á đều đang đa dạng hóa các mối quan hệ an ninh của mình. Nói cách khác, các nước này đang “thuê” Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và cả Nga đảm nhiệm vai trò đối trọng với Trung Quốc.
Những phân tích trong tập sách này khẳng định tầm quan trọng của lựa chọn “omni-enmeshment” (can dự đa hướng) như là chính sách chính của các nước trong khu vực trong việc can dự với các cường quốc bên ngoài. Điều này khẳng định ý tưởng rằng mọi thứ càng động thì càng tĩnh. Như Chu Shulong đã quan sát trong chương của mình, sự trỗi dậy của Trung Quốc diễn ra từ từ trong nhiều thập niên thay vì diễn ra trong vòng một đêm hoặc bất ngờ. Nó cho phép các lãnh đạo Đông Nam Á có thời gian để chuẩn bị và đối mặt với sự dịch chuyển quyền lực không thể tránh khỏi này bằng những cách tinh tế, một điều được thể hiện xuyên suốt tập sách tuyệt vời với nhiều bằng chứng thực nghiệm và nghiên cứu sâu về các quốc gia này.
Tập sách này có đóng góp gì cho việc xây dựng lí thuyết? Công luận, bối cảnh lịch sử, phát triển kinh tế, phe phái trong đảng, sự chuyển tiếp lãnh đạo và bản chất của chế độ chính trị là vài yếu tố trong nước có vai trò quyết định với chính sách đối ngoại của các nước Đông Nam Á. Có lẽ chúng ta không thể đo được mức độ ảnh hưởng của từng yếu tố này nếu chỉ dựa vào các phân tích trong sách, khiến cho việc suy đoán các yếu tố này có ảnh hưởng vào thời điểm nào trở nên khó khăn. Nhưng những luận điểm biến thiên theo lịch sử và văn hóa trong tập sách là một điểm quan trọng nhưng chưa được nghiên cứu đầy đủ: nó giải thích được những khác biệt trong lựa chọn về đối ngoại của các lãnh đạo Đông Nam Á khi ứng xử với các cường quốc bên ngoài. Không có chính sách nào có thể phù hợp được với mọi quốc gia, cũng như không thể có một chiến lược đơn giản, hoặc là cân bằng quyền lực hoặc là phù thịnh, cho khu vực. Chỉ riêng điểm này cũng đã là một đóng góp quan trọng cho lĩnh vực nghiên cứu này, cũng như cho những ai muốn thực sự hiểu được chính trị và các ưu tiên của Đông Nam Á.
Chin-Hao Huang là Phó Giáo sư Khoa học Chính trị và Giám đốc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế ở Đại học Yale-NUS.
Nguồn bài điểm sách bằng tiếng Anh: Contemporary Southeast Asia Vol. 39, No. 3 (2017), pp. 587-89.