Gian lận bầu cử
Vũ Linh
Kết quả bầu cử quốc hội vừa qua cho đến nay coi như đã tạm xong dù một vài nơi còn thưa kiện, kiểm phiếu lại,… Đại khái, đảng Cộng Hòa chiếm thêm được 2 ghế, nâng thế đa số lên 53/47 tại Thượng Viện. Tại Hạ Viện, đảng Dân Chủ chiếm được 39 ghế, dành lại được thế đa số với 234/200 ghế.
Trước hết, vài nhận định chung.
Cả hai kết quả đều không có gì đáng ngạc nhiên. Tất cả các chuyên gia trước ngày bầu cử đã tiên đoán CH sẽ giữ Thượng Viện trong khi DC sẽ chiếm được Hạ Viện. Chỉ là con số ghế chính xác được thêm hay mất đi dĩ nhiên không ai biết trước. Đưa đến việc Dân Chủ thắng lớn hơn dự đoán rất nhiều tại Hạ Viện.
Chiến thắng quá khổ đó chính là vấn đề đang gây tranh cãi. Đặc biệt là thành công quá ‘rực rỡ’ của DC tại tiểu bang Cali. Bài này sẽ bàn về vấn đề này.
Theo những kết quả sơ khởi ngay cuối ngày bầu cử, chiến thắng của DC tại Hạ Viện không lấy gì làm ‘rực rỡ’ lắm, đại khái, các chuyên gia dự tính DC sẽ chiếm được khoảng 26 ghế, tức là sẽ có 220 ghế, với thế đa số hơn khối CH có đúng 2 ghế. Nhưng rồi qua ba tuần kế tiếp, cuộc kiểm phiếu lan qua các phiếu gửi qua người khác (nhờ người khác đi bầu dùm, sẽ bàn chi tiết trong bài này) hay gửi qua bưu điện, qua các cuộc đếm phiếu lại, bất ngờ ‘khám phá’ ra thêm nhiều phiếu đâu đó,… đưa đến kết quả là thêm hơn một tá ứng cử viên DC thắng, lật ngược thế cờ giờ chót, mà không có một ứng cử viên CH nào thắng ngược hết. Cuối cùng, DC đại thắng, chiếm được tới gần 40 ghế, phần lớn là tại Cali.
Câu hỏi mà tất cả mọi người có trong đầu: có gian lận bầu cử không? Không ai có câu trả lời chính xác. Riêng kẻ này cho rằng thật sự đã không có gian lận bầu cử quy mô lớn gì theo chỉ thị của cả đảng trên cả nước. Cả hai chính đảng không dại gì làm chuyện gian lận quá lộ liễu, sẽ bị bắt dễ dàng và các ứng cử viên có thể bị mất phiếu bộn nếu bị bắt có bằng chứng là gian lận. Tuy nhiên, ở cấp địa phương hay tiểu bang, có thể đã có những gian lận vặt.
Quan trọng hơn những gian lận vặt, là những cái ‘mánh’ hợp pháp. Cách đi kiếm phiếu một cách hợp lệ, trong … lý ngay nhưng tình gian. Tức là khai thác luật bầu cử sao cho có lợi cho phe mình, một cách hợp pháp, đúng luật, dù là luật… phe đảng do chính mình đặt ra.
Một điểm quan trọng trước khi bàn xa hơn: bài này trình bày những cái ‘mánh’ cả hai chính đảng có thể đã hay đang xài để mưu đoạt lợi thế. Trong bối cảnh đảng DC thắng tại Hạ Viện, đảng CH không nên vin vào những cái mánh này để phân bua, giải thích tại sao CH thua. Thua là thua. Tìm cách rút bài học kinh nghiệm để kỳ sau làm khá hơn. Lèo nhèo, than vãn, đổ thừa, rằng thì là mà,… hoàn toàn vô ích và mang nặng tính chủ bại. Và hiển nhiên rất… xấu tính!
Ta thử xem lại những cách các nhà làm luật đã khai thác luật lệ bầu cử như thế nào.
Đảng DC có điểm rất đặc biệt: rất ‘xấu tính’ mỗi khi thua bầu cử. Cũng như một anh xấu tính, đánh bài, thua là nổi cọc, gây gỗ, đập bàn đập ghế, chửi thề, về nhà nạt vợ con. Chuyện PTT Al Gore, bà Hillary, TNS Nelson của Florida,… đòi đếm phiếu lại, ai cũng biết. Khi đếm phiếu lại mà vẫn thua thì đổ thừa đủ kiểu, Tối Cao Pháp Viện giúp, thủ tục bầu cử tri đoàn sai lầm, dân da đen bị cản không cho đi bầu, …, kể cả trời mưa, trời lạnh dân nghèo ở nhà không đi bầu. Khỏi bàn thêm những chuyện đó nữa.
Ngay sau cuộc bầu quốc hội giữa mùa vừa qua, một cụ tỵ nạn, bị dị ứng Trump nặng, đã vặn vẹo tìm cách bào chữa, giải thích tại sao DC thua tại Thượng Viện. Cụ viết “việc DC chiếm đa số tại Thượng Viện rất khó khăn vì cánh cửa vào Thượng Viện của phe Dân Chủ rất hẹp bởi sự phân vùng địa hạt chính trị rất bất lợi cho các ứng viên Dân Chủ”. Ý cụ muốn nói đến việc vẽ bản đồ các “địa hạt chính trị” trong các tiểu bang sao cho có lợi cho đảng của mình mà Mỹ gọi là gerrymandering. Cụ ‘đại bình luận gia’ này hiển nhiên viết mà không biết mình viết cái gì. Vấn đề ở đây không phải là chuyện trình độ học vấn hay bằng cấp, mà là biết chuyện hay không. Có thể bằng cấp rất cao nhưng nếu không biết thì vẫn không nên bàn sảng.
Ta coi lại vấn đề cho rõ. Trước hết, việc vẽ lại bản đồ là cái gì?
Ở cấp liên bang, Mỹ có Hạ Viện và Thượng Viện.
Mỗi tiểu bang bầu một số dân biểu vào Hạ Viện liên bang, tính theo dân số. Như Cali có 53 dân biểu liên bang và Florida 27. Những dân biểu này được bầu để đại diện cho những ‘khu vực’ hay ‘địa hạt’ mà Mỹ gọi là congressional district. Chẳng hạn như trong Quận Cam có những district 45 (bao gồm các tỉnh Irvine, Lake Forest, Mission Viejo), district 48 (Huntington Beach, Laguna Beach), và nhiều district khác. Hạ Viện liên bang hiện nay có 435 dân biểu, tức là cả nước có 435 districts. [Ghi chú, để tránh dịch bậy bạ, bài này sẽ dùng danh từ tiếng Mỹ, district; cũng như dùng vài danh từ tiếng Mỹ khác]
Mỗi chu kỳ 10 năm (1990, 2000, 2010, 2020,…), Mỹ làm thống kê dân số lại, và dựa trên đó, ấn định số dân biểu của mỗi tiểu bang, mỗi người đại diện cho một district, được áp dụng bắt đầu từ cuộc bầu cử hai năm sau, tức là 1992, 2002, 2012,…). Đồng thời cũng vẽ lại phần nào bản đồ các district đó. Việc vẽ lại bản đồ được chính thức gọi là ‘re-districting’, hay bình thường hơn, gọi là ‘gerrymandering’. Đây là công việc mỗi tiểu bang phải làm theo đúng luật lệ khác biệt của mỗi tiểu bang mỗi chu kỳ 10 năm.
Trên nguyên tắc, việc vẽ bản đồ bầu cử cực kỳ quan trọng mà cũng hết sức phức tạp vì phải dựa trên thống kê dân số để làm sao tiếng nói của mọi người dân đều có trọng lượng, kể cả những khối thiểu số trong một vùng nào đó. Lấy ví dụ, vẽ một khu vực trong đó dân da trắng chiếm 90% và dân da đen có 10%, thì chắc chắn tiếng nói và quyền lợi của khối dân da đen đó sẽ không bao giờ được ai đoái hoài tới. Thiểu số dân da đen đó phải có district riêng, có dân biểu riêng đại diện cho họ. Cũng trên nguyên tắc, việc vẽ lại bản đồ phải theo quy luật khắt khe của mỗi tiểu bang, có đủ kiểu kiểm soát để tránh lạm dụng phe phái.
Nhiều khi bản đồ coi… không giống ai hết.
Hình thù vài khu vực bầu cử -congressional districts
Trên thực tế, thông thường, đảng nắm đa số tại Hạ Viện tiểu bang luôn cố vẽ lại bản đồ sao cho có lợi cho phe mình, dùng thế đa số để cưỡng ép khối thiểu số. Đây chính là cái mánh ‘hợp pháp’ đầu tiên để ‘lấn đất dành dân’, mưu tìm lợi thế cho đảng của mình trong Hạ Viện tiểu bang và cả liên bang. Nhìn vào tiểu bang Cali thì thấy tiểu bang này càng ngày càng bị phe DC thống trị vì từ 30 năm nay, tức là qua ba lần kiểm tra dân số, đảng DC đã gặm nhấm và vẽ lại bản đồ rất nhiều khu vực, ít ra là ba lần, đẩy đảng CH về phiá núi miền đông ít dân, trong khi thống trị hết miền duyên hải nhiều dân phiá tây.
Tại Thượng Viện liên bang, mỗi tiểu bang đều bầu hai thượng nghị sĩ, bất kể tiểu bang lớn nhỏ, đông dân hay ít dân. Hai thượng nghị sĩ này được dân cả tiểu bang bầu, có nghiã là khu vực bầu cử hay ‘địa hạt chính trị’ của một thượng nghị sĩ là cả tiểu bang.
Do đó, không có chuyện vẽ lại bản đồ ‘địa hạt chính trị’ của thượng nghị sĩ liên bang như cụ tỵ nạn giải thích vì chẳng bao giờ có chuyện vẽ lại biên giới của các tiểu bang. Chuyện vẽ bản đồ ‘địa hạt chính trị’, re-districting hay là gerrymandering chỉ áp dụng cho dân biểu Hạ Viện.
Sau khi đại bại trong các cuộc bầu giữa mùa năm 1994 (TT Clinton và DC mất 54 ghế) và 2010 (TT Obama và DC mất 63 ghế), đảng DC khám phá ra một cái cớ đổ thừa mới: tố cáo tại CH làm trò gerrymandering, tức là vẽ lại bản đồ vài khu vực bầu cử khiến DC bị rơi vào thế bất lợi, nên thua.
Cái tiếu lâm trong lời tố giác của phe các TT Clinton và Obama sau khi đại bại là trước hai cuộc bầu cử 1994-2010 đó, đảng DC chiếm đa số khổng lồ tại Hạ Viện, từ Hạ Viện liên bang cho tới Hạ Viện các tiểu bang đông dân nhất như Cali, New York và các tiểu bang quanh Đại Hồ, nghiã là chiếm đại đa số khu vực bầu cử, sao lại có thể ‘ngủ gật’ để cho CH vẽ lại bản đồ để giành chiến thắng được?
Lấy gerrymandering để giải thích thất bại bầu cử tại Hạ Viện là chuyện mà nhiều người thiếu hiểu biết dịch lại từ TTDC mà chẳng hiểu chuyện gì hết. Như đã giải thích ở trên, các dân biểu vẽ lại bản đồ để phe mình chiến thắng chứ không ai vẽ bản đồ để mình thua.
Lấy gerrymandering để giải thích thất bại của DC tại Thượng Viện thì còn bá láp hơn nữa, quả là không biết mình đang viết gì vì trong Thượng Viện làm gì có chuyện vẽ bản đồ.
Tại sao đảng DC và TTDC khi đó có thể viết láo, đổ thừa thất bại của đảng DC lên chuyện gerrymandering như vậy được? Vì họ biết trong thiên hạ, tuyệt đại đa số chẳng hiểu gerrymandering là gì, y chang như cụ tỵ nạn thông ngôn viên.
Bây giờ, ta bàn qua một cái ‘mánh’ khác, cũng hoàn toàn hợp lệ trên nguyên tắc, nhưng trên thực tế, cũng có lạm dụng để gian lận dễ dàng được.
Đó là cái phương thức Mỹ gọi là ‘ballot harvesting’, có thể dịch đại khái như đi gặt hái phiếu. Động từ ‘harvest’ thường dùng để chỉ vụ gặt hái lúa khi tới mùa lúa chín.
Theo luật bầu cử Mỹ, để khuyến khích người dân tham gia bầu cử tối đa, nếu một cử tri vì lý do nào đó không đi bỏ phiếu ngày bầu cử được, có thể gửi phiếu bầu qua bưu điện, hay đưa phiếu bầu của mình cho một thân nhân trong gia đình, có giấy phép đi bỏ phiếu dùm.
Cách đây hai năm, trong một cố gắng lấy phiếu cử tri, thống đốc Jerry Brown của Cali ký một luật tiểu bang theo đó, không cần phải là thân nhân, bất cứ ai cũng có thể đi bỏ phiếu dùm người khác được. Hậu quả trực tiếp và cụ thể là bất cứ ai cũng có thể đến nhà quý vị, dụ dỗ ngon ngọt gì đó để quý vị điền vào một phiếu bầu, rồi người đó sẽ mang cái phiếu đó nộp cho văn phòng bầu cử.
Những người không đi bầu gồm rất nhiều thành phần, như những người lớn tuổi, hay sức khỏe yếu kém, khó có thể ra phòng đầu phiếu đứng xếp hàng cả mấy tiếng đồng hồ; những dân nghèo đi làm cật lực cả ngày, đến cuối ngày không rảnh đứng xếp hàng, những người lưỡng lự, những người lười đi bầu hay không để ý đến chính trị. Có thể nói đại đa số những người này cũng là dân da đen hay da nâu, lo cơm áo chưa xong, ít khi rảnh đi bầu dân biểu địa phương. Đảng DC tại Cali khai thác thể thức này, tung cả ngàn tình nguyện viên đi lại từng nhà có tuyển lựa trước, lựa những người có nhiều triển vọng bầu cho đảng DC, chứ dĩ nhiên không đi lại nhà dân da trắng giàu sống trong các khu ngoại ô đắt tiền (chắc dân tỵ nạn ta cũng chẳng được ai đến viếng về chuyện này vì các thăm dò cho thấy đa số dân gốc Việt ủng hộ CH). Dụ dỗ ngon ngọt gì đó để những người không đi bầu nêu trên, chịu điền và ký vào phiếu bầu, rồi họ mang những lá phiếu đó đến phòng đầu phiếu.
Thủ tục này hiển nhiên đúng luật TĐ Brown đã ký, và giúp cho nhiều người hơn có thể tham gia vào cuộc bầu cử.
Thực tế thì lại có khá nhiều vấn đề.
Trước hết, không ai biết mấy anh chị ‘tình nguyện viên” đã đi thu thập phiếu bầu tận nhà như thế nào: dụ dỗ ngon ngọt, hay tuyên truyền xuyên tạc, nói láo, hay hối lộ mua phiếu vài chục đô, hay hăm dọa, hay áp lực kiểu nào khác. Ở đây, kẻ này có lần đã được nghe chuyện Việt Minh và Việt Cộng tổ chức bầu cử. Chúng gửi về làng những cán bộ biết đọc, biết viết, đến điền phiếu bầu cho dân làng mù chữ. Dân cả làng bị ‘động viên’ ra xếp hàng chờ đến phiên mình, được cán bộ hỏi “bầu cho ai?”, thông thường, người dân mù tịt chẳng biết ai là ai thì cán bộ góp ý nên bầu cho ông A, bà B nào đó, ‘yêu nước thương dân, được Đảng tin tưởng’, rồi cán bộ ghi tên người đó vào phiếu bầu. Nếu người dân biết muốn bầu cho ai nhưng không biết viết thì cứ đọc tên rồi cán bộ viết vào phiếu bầu dùm. Vấn đề là dân làng mù chữ, ai biết được cán bộ viết gì, ghi tên ai? Hay cho dù biết đọc, thấy cán bộ ghi tên người khác, cũng chẳng bao giờ cả gan dám sửa lưng cán bộ. Cách ‘ballot harvesting’ của đảng DC có giống như chuyện Việt Minh làm không?
Sau đó, những tình nguyện viên này cuối ngày, giờ chót mang lại cả xấp mấy trăm, mấy ngàn phiếu bầu, chẳng ai kiểm tra xem những phiếu bầu đó là của ai, người bỏ phiếu có quyền bỏ phiếu hay không, hay là đó là một di dân lậu, không có quyền bầu, và người mang phiếu đến có được ủy quyền hợp lệ hay không. Những xấp phiếu đó thường là những phiếu đếm cuối cùng, qua ngày hôm sau hay vài ngày sau hay hai ba tuần sau mới đếm, cùng với việc đếm các phiếu được gửi qua bưu điện, có khi cả tuần sau mới tới.
Cuối cùng là ai kiểm soát được việc thu nhận và nộp những phiếu ủy nhiệm đó? Nếu như có tình nguyện viên đi thu những phiếu đó, rồi về kiểm, giữ lại những phiếu bầu cho ‘phe địch’ để chỉ mang lại phòng phiếu những phiếu bầu cho ‘phe ta’ thì sao?
Việc kiểm tra những phiếu qua harvesting hết sức khó khăn nếu không muốn nói là không thể làm được.
Đưa đến kết quả lạ lùng là DC chiếm tuyệt đại đa số những phiếu giờ chót khó kiểm tra này, khiến vài kết quả bầu cử bị lật ngược bất ngờ vào phút chót, với ứng cử viên CH rớt đài trong khi ứng cử viên DC đại thắng. Hai thí dụ điển hình: bà Janet Nguyễn thất cử nghị sĩ tiểu bang, và bà Kim Young thất cử dân biểu liên bang. Cả hai bà ngay sau khi bầu cử đã thắng với số phiếu khá cao, nhưng rồi nhờ những lá phiếu giờ chót nhận được qua harvesting và bưu điện, bị bất ngờ thua ngược.
Mà không phải chỉ có hai bà này thôi, tổng cộng có tới 6 ứng cử viên dân biểu liên bang của CH bị ‘ngựa về ngược’ giờ chót tại Cali, không kể không biết bao nhiêu nghị sĩ và dân biểu tiểu bang cũng là nạn nhân.
Chiêu võ này đã thành công vượt mọi dự đoán. Phe CH bị bất ngờ, không đề phòng trước, thua liểng xiểng, mất toàn bộ Quận Cam. Một bài học ‘xương máu’ mà phe CH chắc chắn sẽ phải có cách đối phó trong các kỳ bầu tới. Hầu hết các tiểu bang khác cũng đã để ý và ra kế hoạch bắt chước hay chống đỡ.
Đảng DC đã chiếm trọn vẹn tiểu bang Cali. Tất cả ứng cử viên dân biểu liên bang CH trong Quận Cam, thành đồng của CH từ hồi nào đến giờ đều thất cử hết. Trong tổng số 53 dân biểu liên bang của Cali, chỉ có 7 người thuộc đảng CH. Chưa kể thống đốc Gavin Newsom và hai thượng nghị sĩ liên bang Kamala Harris / Diane Feinstein đều DC hết. Trong Thượng Viện tiểu bang Cali, DC chiếm đại đa số với tỷ lệ DC/CH là 40/11. Tại Hạ Viện Cali, DC cũng chiếm thế đa số 60/20. Đảng CH tại Cali đã trở thành đảng… làm cảnh. Cách đây 30-40 năm, Cali là thành đồng của CH, là tiểu bang đã mang Nixon và Reagan vào Tòa Bạch Ốc. Bây giờ, với khối dân trí thức trẻ ào vào San Francisco và San Jose, và di dân gốc Nam Mỹ tràn vào Los Angeles và San Diego, Cali đã lột xác hoàn toàn. Với những mánh gerrymandering và ballot harvesting đe dọa, kể từ bây giờ CH có thể tiết kiệm công sức và tiền bạc tranh cử bằng cách rút ra khỏi Cali trọn vẹn và vĩnh viễn.
Cali bây giờ nằm trọn vẹn trong tay đảng DC, từ hành pháp đến lập pháp và tư pháp, từ nội bộ tiểu bang đến các đại diện trong chính quyền liên bang. Như vậy tương lai Cali có khá hơn không? Ta đừng nên quên Cali là tiểu bang có nhiều người giàu nhất tại Thung Lũng Silicon và Hồ Ly Vọng, nhưng cũng nhiều người nghèo nhất, nhiều dân sống bằng trợ cấp nhất, nhiều dân vô gia cư nhất, tức là khoảng cách giàu nghèo lớn nhất trong 50 tiểu bang. Khối DC, nhất là tại Cali, phần lớn đã tranh cử và thắng dựa trên chiêu bài ‘kháng chiến tiêu thổ’ chống Trump. Bây giờ họ đã nắm quyền tuyệt đối tại tiểu bang lớn nhất nước, ta chống mắt chờ xem họ sẽ làm được gì quan trọng hơn là chống Trump.
Cali cũng là tiểu bang có nhiều di dân lậu nhất, là đất hứa của cả triệu dân ‘nghèo’ trung và nam Mỹ, có cả trăm dặm biên giới với Mễ rất khó kiểm soát chặt chẽ, lại cũng là tiểu bang thành đồng của Sanctuary Law. Cả chục ngàn di dân đang đứng bên kia San Diego chờ chạy vào. Ta chờ xem chính quyền Cali trong tương lai lâu dài sẽ đối phó với vấn nạn di dân như thế nào. Hay sẵn sàng tổ chức trưng cầu dân ý, bỏ Mỹ sát nhập vào Mễ như dân Crimea đi bầu bỏ Ukraine sát nhập vào Nga?
Chiến thắng ‘huy hoàng’ vượt qua mọi dự đoán của DC tại Cali, đã gây chú ý chính vì… vượt qua mọi dự đoán, kể cả những dự đoán lạc quan nhất!
Mà điều độc đáo của cuộc bầu cử tại Cali lần này là theo thống kê, có tới gần một nửa số phiếu bầu (5 triệu phiếu hay 40%) là phiếu có được trong ba tuần lễ sau ngày bầu cử qua harvesting và qua bưu điện. Cựu chủ tịch Hạ Viện, dân biểu CH Paul Ryan đã rất ‘tế nhị’ nhận định cuộc bầu cử của Cali “quái dị” –bizarre.
Tới đây, ta đã coi qua hai cách ‘mánh mung’ trên căn bản hợp pháp để chiếm ưu thế trong các cuộc bầu cử. Không phải không còn cách nào nữa.
Báo bảo thủ Washington Times có nghiên cứu về một loạt biện pháp khác mà hai chính đảng, nhất là đảng DC, đã áp dụng để có thêm phiếu (Xin xem trang Báo Mỹ tuần này). Đại khái như cho phép tù nhân tại ngoại cũng được bầu, ‘di dân không giấy tờ’ mà vẫn được bầu, cho bỏ phiếu không cần kiểm tra lý lịch,… Tuy nhiên đây là những ‘mánh’ có tính cục bộ xẩy ra tại một vài địa phương lẻ tẻ, không đáng bàn vì hậu quả không lớn lắm.