Tin Việt Nam – 07/12/2018
Tù chính trị Nguyễn Trung Tôn bị bắt “học kỷ luật”
do không kiểm điểm nhận tội
Tù nhân chính trị-Mục sư Nguyễn Trung Tôn hiện đang bị lãnh đạo trại giam Gia Trung bắt “học kỷ luật” mỗi ngày do ông không chịu viết bản kiểm điểm nhận tội.
Hôm 4/12/2018, bà Nguyễn Thị lành, vợ Mục sư Nguyễn Trung Tôn đi thăm ông theo định kỳ và được ông cho biết, trại giam Gia Trung bắt các tù nhân chính trị bị khép theo điều 79 BLHS chung buồng giam với Mục sư Tôn phải viết bản kiểm điểm hàng ngày, nhưng Mục sư Tôn từ chối và nói rằng những việc ông làm hoàn toàn phù hợp với hiến pháp nên không thể xem là tội, do đó ông thấy không có gì cần phải kiểm điểm. Vì vậy, quản giáo nói thẳng với ông rằng họ cần tách riêng ông và đưa đi “học kỷ luật” mỗi ngày vì lo sợ các tù nhân khác sẽ phản kháng giống ông.
“Họ buộc phải viết bản kiểm điểm mỗi ngày, nhưng chồng tôi nói không có tội chỉ đấu tranh cho một đất nước dân chủ; mọi người dân được có quyền theo Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Do đó họ đưa chồng tôi sang một phòng khác với lý do để người khác viết kiểm điểm. Chồng tôi rất cứng rắn, đã dấn thân chấp nhận tù đày.”, bà Nguyễn Thị Lành cho Đài Á Châu Tự Do biết hôm 7/12/2018.
Theo bà Lành thì Mục sư Nguyễn Trung Tôn không chấp nhận bản án 12 năm tù mà tòa tuyên cho ông vào ngày 4 tháng 6 vừa qua trong vụ án Hội Anh Em Dân Chủ. Ông đang chuẩn bị hồ sơ để khiếu nại lên Giám đốc thẩm cũng như những cấp cao hơn.
Thân nhân của những tù nhân lương tâm/tù chính trị tại Việt Nam luôn cho biết người nhà của họ bị ngược đãi trong tù nếu cương quyết không nhận tội.
Vừa qua, tù chính trị Trần Huỳnh Duy Thức phải tiến hành tuyệt thực để phản đối những biện pháp hà khắc của nhà tù. Sau chuyến thăm hôm 28 tháng 11, gia đình của ông Trần Huỳnh Duy Thức phải lên tiếng kêu cứu vì nghi ngờ ông bị đầu độc trong trại giam. Bản thân ông Trần Huỳnh Duy Thức nói với gia đình chỉ ăn mì gói; tuy nhiên Trại giam dọa không cấp nước sôi cho ông.
Trong khi đó, tại một cuộc họp báo tại Hà Nội hôm 6/12/2018, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Việt Nam, bà Lê thị Thu Hằng nhắc lại Việt Nam có báo cáo về những thành tựu trong việc đảm bào quyền con người cho đợt Kiểm điểm định kỳ Phổ quát Toàn cầu (UPR) chu kỳ 3 của Hội đồng Nhân quyền LHQ vào ngày 22 tháng 1 năm 2019.
Bà Hằng nói rằng Việt Nam luôn hỗ trợ UPR và luôn nghiêm túc trong việc đưa ra đánh giá và thực hiện các khuyến nghị đã được UPR đưa ra trong đợt Kiểm định định kỳ đầu tiên năm 2009 và đợt thứ hai năm 2014.
Tại Hội thảo công bố Báo cáo quốc gia về nhân quyền UPR chu kỳ 3 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, được tổ chức vào ngày 3 tháng 12 ở Hà Nội, Chánh văn phòng Bộ Ngoại Giao, ông Đặng Hoàng Giang cho biết Việt Nam đã thực hiện xong 96,2% khuyến nghị về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, cao hơn tỉ lệ 78% của chu kỳ 1 năm 2009, và sẽ báo cáo tại kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát Toàn cầu (UPR) chu kỳ 3 của Hội đồng Nhân quyền LHQ vào ngày 22 tháng 1 năm 2019.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế tiếp tục đánh giá thành tích nhân quyền Việt Nam ngày càng thụt lùi.
Công an sách nhiễu
gia đình tù nhân lương tâm Trần Thanh Phương
Tin từ Sài Gòn – Ngày 06/12/2018, Công an TPHCM tiếp tục sách nhiễu gia đình nhà hoạt động Trần Thanh Phương, người bị công an thành phố bắt giữ từ đầu tháng 9 năm nay và vẫn chưa được trả tự do cho dù không bị cáo buộc.
Cô Lê Khanh, vợ Trần Thanh Phương, cho biết ngày 05/12, cô đến trại tạm giam Phan Đăng Lưu của CATP để tiếp tế cho chồng, thì một số an ninh nói muốn mời chị làm việc về hoạt động của chồng. Chị Khanh nói chị không biết về các hoạt động xã hội của chồng mình, và từ chối làm việc với công an. Phía công an cũng nói muốn triệu tập con gái chị lần nữa để tra hỏi về hoạt động của chồng chị.
Trước đó, vào giữa tháng 10, CATP đã gửi giấy triệu tập cô con gái Trần Lê Thanh Hà lên đồn công an để làm việc, tuy nhiên, Lê Khanh không cho cô con gái 14 tuổi đi vì sợ bị ảnh hưởng đến tâm lý.
Trần Thanh Phương là một trong số 9 thành viên của nhóm Hiến Pháp bị bắt hoặc bị bắt cóc vào đầu tháng 9. Những người khác là Ngô Văn Dũng, Huỳnh Trương Ca, Hồ Văn Cương, Đoàn Thị Hồng, Đỗ Thế Hoá.
Nhóm được thành lập năm 2017, với mục tiêu cổ suý quyền dân sự và chính trị được ghi trong Hiến pháp 2013 cũng như các hiệp ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Nhiều thành viên của nhóm đã tham gia biểu tình ôn hoà chống hai dự luật An ninh mạng và Đặc khu kinh tế vào ngày 10/6 tại Sài Gòn. Nhóm dự định sẽ tham gia biểu tình vào ngày 4/9 nhưng bị bắt trước khi biểu tình nổ ra.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/cong-an-tphcm-tiep-tuc-sach-nhieu-gia-dinh-tu-nhan-luong-tam-tran-thanh-phuong/
Phó bí thư TPHCM Tất Thành Cang bị đề nghị kỷ luật
Phó bí thư thường trực Thành phố Hồ Chí Minh, ông Tất Thành Cang, bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật. Đề nghị được đưa ra với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đảng cộng sản Việt Nam.
Truyền thông trong nước đưa tin ngày 7 tháng 12. Theo đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra đề nghị vừa nệu tại kỳ họp thứ 32, từ ngày 03 đến 06 tháng 12 năm 2018, tại Hà Nội. Chủ trì kỳ họp là Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú.
Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung trong đó có đề nghị thi hành kỷ luật đối với ông Tất Thành Cang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về các vi phạm đã được kết luận tại kỳ họp 31 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang một người dân khiếu kiện tại Thủ Thiêm đưa ra nhận định liên quan việc này:
“Tôi có ý kiến là kẻ ác, kẻ phá nát đạo lý và pháp lý, không chỉ Thủ Thiêm, Nhà Bè, mà còn trong cả quốc gia, cho nên Ủy ban kiểm tra trung ương đảng không có con đường nào khác, phải kỷ luật những loại sâu mọt, mà nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang gọi là sâu chúa, phải đưa ra trước pháp luật cùng bè đảng với nó, đồng lõa với nó phải chịu tội. Đó là chờ đợi của nhân dân thành phố Sài Gòn.”
Trước đó vào ngày vào ngày 15/11, Ủy ban kiểm tra trung ương công bố kết luận ông Tất Thành Cang đã vi phạm quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, quy trình xử lý công việc, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ và vi phạm quy định pháp luật trong việc hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng các dự án và quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, kết luận còn cho biết ông Cang đã vi phạm trong việc thiếu trách nhiệm, gây ra nhiều vi phạm pháp luật làm thiệt hại lớn cho ngân sách thành phố Hồ Chí Minh.
Kết luận cũng cho biết trong thời gian giữ cương vị giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM, ông Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai, quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Bốn tuyến đường chính này dài gần 12 kilomet và khoản kinh phí đầu tư lên đến 12 ngàn tỷ đồng. Truyền thông trong nước mệnh danh đó là con đường ‘dát vàng’.
Giới quan sát cho rằng không chỉ ông Tất Thành Cang mà một số quan chức cao cấp khác nữa ở thành phố Hồ Chí Minh như ông cựu bí thư Lê Thanh Hải cũng phải bị kỷ luật vì nhiều sai phạm trong thời kỳ đảm đương chức vụ của họ.
Thêm quan chức, tướng công an và tướng quân đội
bị đề nghị kỷ luật
Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại kỳ họp thứ 32 kéo dài từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 12 vừa qua ngoài đề nghị kỷ luật Phó bí thư thường trực Thành phố Hồ Chí Minh, ông Tất Thành Cang, còn đề nghị kỷ luật đối với một số tướng lĩnh Công an, Quân Đội và quan chức một số tỉnh thành khác.
Cụ thể có 3 ông tướng Công an bị cảnh cáo gồm Trung tướng Nguyễn Công Sơn, nguyên Ủy viên Ban Thường Vụ Đảng Ủy, nguyên Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Cảnh Sát; Trung Tướng Nguyễn Văn Ba, nguyên Ủy Viên Ban Thường Vụ Đảng Ủy, nguyên Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Cảnh sát; Thiếu Tướng Lê Đình Nhường, Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Quốc Phòng & An Ninh của Quốc Hội, nguyên đảng ủy viên, nguyên Chánh Văn Phòng Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra, Bộ Công An.
Cả ba bị kết luận tại kỳ họp thứ 30 Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương đảng là có những vi phạm, khuyết điểm trong vụ án liên quan đến một số cán bộ lãnh đạo Tổng Cục và Cục Cảnh sát Phòng Chống Tội Phạm Công Nghệ Cao- C50; tiếp tay, bao che cho tổ chức đánh bạc trực tuyến trên Internet.
Một ông tướng bị kỷ luật cảnh cáo nữa tại kỳ họp thứ 32 là Thiếu Tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên Thường Trực Ủy ban Quốc Phòng & An Ninh của Quốc Hội. theo kết luận, trong thời gian giữ chức Ủy viên Ban Thường Vụ Tỉnh Ủy, Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên- Huế từ tháng 4 năm 2005 đến tháng giêng năm 2012, ông này đã có những vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu và thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Nam Đông- A Lưới mà hệ quả là công trình kém chất lượng, nhiều đoạn đường hư hỏng nặng không sử dụng được.
Hai cán bộ cao cấp tỉnh Dak Nong bị Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương đề nghị kỷ luật tại kỳ họp thứ 32 gồm Phó Bí Thư Tỉnh Ủy Nguyễn Bốn và tỉnh ủy viên Trương Thanh Tùng bị qui phải chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Dak Nong nhiệm kỳ 2016-2021 về những sai phạm trong quản lý, bảo vệ đất rừng.
Vào ngày 7 tháng 12, Thành ủy Đà Nẵng tiến hành hội nghị lần thứ 15 Ban chấp hành đảng bộ khóa XXI. Tại hội nghị, đại tá Lê Văn Tam, nguyên giám đốc Công an Thành Phố bị quyết định kỷ luật khiển trách.
Ông này bị kết luận có vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập không đúng qui định trong suốt thời gian làm giám đốc Công an Đà Nẵng.
Hồi cuối tháng 8 vừa qua, ông đại tá Lê Văn Tam bị Bộ Công an cho nghỉ việc chờ hưu trí.
Một trong những xôn xao của người dân thành phố Đà Nẵng đối với ông Lê Văn Tam là việc sở hữu căn biệt thự giá gần 100 tỉ đồng tại làng biệt thực Châu Âu (Euro Village). Đích thân ông này sau đó xác nhận thông tin đó là chính xác.
Nhân Cách “Thằng” và “Ông”
Nguyệt Quỳnh
Sông Hóa chỉ là một nhánh sông nhỏ tách ra từ sông Luộc tại địa phận An Khê; thế nhưng nó đã in dấu trong lòng người Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác chỉ vì nó khắc ghi lời thề của một dũng tướng: “Phen này không phá xong giặc Nguyên, ta thề không trở lại khúc sông này nữa”. Con sông đã trôi đi hàng nghìn năm nhưng câu nói của Hưng Đạo Vương như còn âm vang trong cỏ cây trời nước. Ngài nói câu ấy khi voi chiến bị sa lầy ở bờ sông Hóa; ngay trước phút xuất quân đánh trận Bạch Đằng với danh tướng giặc là Ô Mã Nhi.
Làm tướng phải có khí phách của người làm tướng, trước khó khăn không hề nao núng, thế cho nên đoàn chiến thuyền của quân giặc Mông Thát lại một phen nữa tan tác trên giòng sông Bạch Đằng.
Tôi có cái bệnh (có lẽ không ít người VN cũng thế) là hoài cổ, là say mê lịch sử nên chuyện gì xảy ra trong hiện tại cũng làm mình hồi tưởng đến những chuyện ngày xưa. Nhắc lại câu chuyện trên để sẻ chia cùng người dân nghèo quê tôi những điều não lòng khi phải chứng kiến phiên xử cựu Trung Tướng Phan Văn Vĩnh, ông Tướng đã từng đoạt danh hiệu vinh dự, cao quý nhất của nước ta: “Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân”.
Nhưng trước hết, tưởng cũng cần nhắc lại phiên xử hai ông thượng tá Phan Văn Anh Vũ và Đinh Ngọc Hệ. Nếu hôm 30/7 thượng tá Đinh Ngọc Hệ đã rất thành khẩn khi khai báo trước hội đồng xét xử rằng bằng cấp đại học của ông chỉ là bằng giả, và rằng “trình độ dân trí bị cáo thấp”; thì Tướng Vĩnh cũng thành khẩn không kém :“Do trình độ hạn chế, do năng lực có hạn” và rồi ông khóc khi được tháo còng tay.
Từ thái độ thiểu não của các cán bộ lãnh đạo trong vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng đến thái độ vụng về té ngã, quên quên, nhớ nhớ trước tòa của tướng Vĩnh làm chúng ta không khỏi kinh hãi với cái ý nghĩ – Than ôi! Thời buổi loạn lạc mà lãnh đạo đất nước ta sao lại thế. Người được sắc phong hàm tướng của cả một lực lượng được xem là thanh kiếm, là lá chắn của tổ quốc sao nhân cách lại thế! Không ai nỡ trách người sa cơ, nhưng nhân cách ấy mà là tướng lĩnh, là cán bộ lãnh đạo thì chúng ta là ai đây? Dân tộc ta sao lại chịu hèn kém thế này!
Tôi lại ngậm ngùi nghĩ đến lịch sử, nghĩ đến chữ “thằng” trong văn hóa dân gian VN. Người Việt ta xưng hô ai đó là “ông” để bày tỏ lòng kính trọng, và gọi bằng “thằng” những kẻ hèn hạ đáng khinh. Lịch sử ta chép rằng một trong những truyền thống của người Việt cổ là tín ngưỡng thờ cúng các vị anh hùng, thũ lĩnh. Người VN trọng cái khí phách, cái đảm lược của một tướng lĩnh trước gian nan, kính cái đức hy sinh, thờ người dám xả thân vì nước; bởi thế cho nên lại càng thêm khinh ghét những kẻ nhu nhược, lòn cúi, làm tay sai cho giặc. Thời Pháp thuộc cha ông ta có câu vè để răn con cháu:
Việt Gian có lũ thằng Tường
Thằng Lộc thằng Tấn thằng Phương một bầy
Thằng Tường tức danh sĩ Tôn Thọ Tường, Thằng Lộc là Tổng Đốc Trần Bá Lộc, Thằng Tấn là Lãnh binh Huỳnh Công Tấn và Thằng Phương là Tổng Đốc Đỗ Hữu Phương. Tất cả bốn người trên đều là những “quan to”, thuộc hàng thượng lưu do cộng sự đắc lực và có công lớn với thực dân Pháp trong những vụ truy nã, đánh dẹp các phong trào nghĩa quân của ta. Cha ông đã liệt họ vào hạng “Thằng” để nói lên sự khinh miệt những kẻ theo giặc “cõng rắn cắn gà nhà” là vậy.
Ngày nay các quan to của nước ta đa số là quan tham; chỉ khi bị vướng vòng lao lý thì mới thành khẩn nhận rằng mình xài bằng giả, mình năng lực kém, mình “não bé” chỉ có trái tim trung thành với đảng (lời của Tướng Hóa). Mà đảng thì đã thần phục Trung Quốc; cho nên hễ dân đi biểu tình chống Trung Quốc là chúng mê muội, cứ y lịnh của giặc mà đánh đập người dân đến tóe máu, mà nhốt tù người dân vô tội vạ.
Không ai chối cãi rằng bạo lực cộng sản đã hủy diệt ý thức và đánh gục ý chí của dân tộc Việt sau hơn 70 năm cầm quyền. Nhưng muốn hạ gục một dân tộc thì cũng cần xem đến quá trình lịch sử của dân tộc đó. Chúng ta đã nhiều lần bị đánh gục nhưng điều quan trọng là người dân VN luôn luôn trỗi dậy mạnh mẽ để vực dậy chính mình và đưa đất nước vượt qua biết bao đau thương và can qua. Điều này đang được nhìn thấy qua thái độ dũng cảm gần đây của số đông người dân VN trước các dự Luật Đặc Khu và An Ninh Mạng.
Và một khi đã nhận diện ra rằng lãnh đạo chỉ là loại tay sai, chỉ là hàng “não bé” thì thái độ của người dân ngày nay cũng khác. Tôi nhớ đến chiếc dép của cô Nguyễn Thị Thùy Dương, khi cô ném thẳng nó về phía đoàn đại biểu Quốc Hội TPHCM trong buổi tiếp dân ở Thủ Thiêm; tôi nhớ thái độ điềm tĩnh của Bs Nguyễn Đình Thành khi nói với người mẹ trước ngày anh ra tòa thụ án “Mẹ an tâm, hãy xem như con đi học vắng nhà vài năm”; tôi nhớ đến nụ cười của người cựu chiến binh Lê Đình Lượng trước bản án 20 năm tù và câu nói vọng lên của chị Quý, vợ anh trước phiên tòa:“sao xử ít thế!”;…
Họ có cô đơn không? Họ có thể đang là thiểu số, họ có thể đang một mình nhưng chắc chắn họ không cô đơn. Họ đã từng có mặt trên mảnh đất này từ hàng nghìn năm trước, và là nhân tố tạo nên những cuộc đổi thay. Đất nước này đang cần lắm những con người như thế, những người dân bình thường mang trong mình cái đảm lược của một vị tướng trước cảnh voi chiến bị sa lầy.
Nếu so với họ về nhân cách thì thật là đáng xấu hổ; nước ta ngày nay những kẻ làm tướng lĩnh, làm lãnh đạo chỉ toàn là “Thằng” cả. Thế nên trước những “trò hề công lý”, bảo sao anh chàng chiến binh Nguyễn Văn Túc chẳng nổi giận, mà mắng thẳng vào mặt những kẻ mặc áo gấm đỏ của Tòa Án Nhân Dân Hà Nội những điều dân gian nghĩ trong đầu: “ĐM Cộng Sản, ĐM Tòa.”
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/ReadersOpinions/villain-and-gentlemen-12072018094443.html
Bình Thuận: Kê Gà hoang phế
do bất nhất trong qui hoạch
Mũi Kê Gà thuộc vùng biển Bình Thuận với núi, nước xanh và cát vàng là điểm du lịch lý tưởng nếu được khai thác đúng qui chuẩn. Nhưng sau 18 năm nhiều khu nghĩ dưỡng cao cấp đang xây dở tại Kê Gà bị hoang hóa và xuống cấp nghiêm trọng. Đâu là nguyên nhân của sự việc được cho là hoang phí một cách đáng tiếc này.
Từ “ốc đảo thiên đường” rồi “Hawaii Việt Nam”, những danh xưng mỹ miều được báo chí trong nước gán cho vùng biển Kê Gà ở Bình Thuận, nay thì nơi đây có những khu resort xây cất dở dang và xuống cấp trầm trọng thì báo chí lãi gọi là khu du lịch ma.
Đây là khu du lịch Thuận Quí-Kê Gà nằm trên con đường ven biển nối thành phố Phan Thiết đến xã Tân Thanh, huyện Hàn Thuận Nam tỉnh Bình Thuận. Với những bãi biển còn hoang sơ, những bãi đá có nhiều hình thù độc đáo cùng điểm nhấn là ngọn hải đăng tạo cho Kê Gà một khung cảnh hấp dẫn.
Từ những năm 2000 chính quyền địa phương tỉnh Bình Thuận đã khuyến khích các nhà đầu tư chung sức phát triển những khu nghĩ dưỡng cao cấp, những biệt thự sang trọng. Khi đó những mỹ từ như Kê Gà là một Hawai của Việt Nam đã thu hút những tiền tỷ đầu tư và lượng khách du lịch đột nhiên tăng cao hơn trước.
Đến cuối 2007, chính quyền tỉnh Bình Thuận lại thông báo qui hoạch cảng Kê Gà, yêu cầu tạm ngưng mọi dự án du lịch để chuyển giao cho Tập Đoàn Than Khoáng Sản làm cảng biển tổng hợp có tầm vóc quốc gia.
Tuy nhiên đến 2013 dự án cảng biển Kê Gà được lệnh ngừng xây dựng vì xét thấy không hiệu quả. Hậu quả là cảng biển không xong thì hàng chục biệt thự và resort cao cấp ở Kê Gà cũng lâm cảnh hoang phế, các công trình dở dang để đó càng ngày càng hư hại xuống cấp.
Ở đâu không rõ chứ ở địa phương thì người dân tiếc mãi, là lời bà Nga, cư dân mà cũng là giáo viên về hưu ở Bình Thuận:
“Về vấn đề Kê Gà thì tiếc chứ, có thời gian bữa rày hỏi lại thì câu trả lời là tiếc, đang xây dựng mà ngừng thì tiếc chứ, không chỉ uổng phí mà còn hoang phí nữa. Đã đầu tư vô trong đó một số tiền lớn như vậy mà ngưng lại thì phải có lý do chính đáng chứ.”
Khi mà qui hoạch cảng Kê Gà thì các dự án hoạt động dịch vụ du lịch đang xây dựng này đều phải dừng. Sau một thời gian nghiên cứu thì công ty than khoáng sản thấy rằng không có khả năng làm được cảng Kê Gà, chính vì vậy người ta tạm dừng dự án. – Ngô Minh – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Bình Thuận
Theo ông Ngô Minh Chính, giám đốc Sở Văn Hóa, Thể Thao, Du Lịch tỉnh Bình Thuận, lý do chính đáng mà người dân muốn biết trong vụ việc liên quan là :
“Khi mà qui hoạch cảng Kê Gà thì các dự án hoạt động dịch vụ du lịch đang xây dựng này đều phải dừng. Sau một thời gian nghiên cứu thì công ty than khoáng sản thấy rằng không có khả năng làm được cảng Kê Gà, chính vì vậy người ta tạm dừng dự án.”
Báo chí trong nước đưa tin đơn vị đầu tư cảng biển Kê Gà là Tập Đoàn Than Khoáng Sản đã chuyển giao qua chính quyền Bình Thuận hơn 65 tỷ đồng để bồi thương cho các doanh nghiệp đầu tư khu du lịch Kê Gà bị thiệt hại thua lỗ do lệnh ngưng xây dựng hồi năm 2007. Với câu hỏi chừng ấy tiền bồi thường có thỏa đáng không, ông Ngô Minh Chính nói:
“Nhà nước và đặc biệt Công ty Than- Khoáng sản là đơn vị đền bù cho các dự án du lịch đó. Nhưng trong cái thời gian dài thực sự mà nói cái đền bù đó chưa đáp ứng được những yêu cầu của các nhà đầu tư du lịch, bởi một lẽ người ta đang làm rồi lại dừng, dừng rồi giờ đền bù để người ta tổ chức lại thì đây là một việc cũng có những khó khăn nhất định. Cho nên Bình Thuận sẽ kiến nghị Công ty Than- Khoáng sản phải đền bù thích đáng cho các dự án này có điều kiện để tiếp tục phát triển.“
Đối với một người hoạt động và viết sách du lịch bao năm nay, ông Nguyện Văn Mỹ, chủ tịch công ty du lịch Lửa Việt, chuyên gia tư vấn du lịch CBT, thì thực tế nên tránh cường điệu thái quá khi gọi dự án du lịch Kê Gà là một Hawaii Việt Nam:
“Kê Gà là một địa danh gắn liền với một trong những hải đăng xưa và đẹp của Việt Nam. Vùng biển ở đó gọi là đẹp nhưng không phải là đẹp đến mức nổi trội hơn hẳn những vùng khác. Sau các vùng Mũi Né, Hòn Rơm thì Kê Gà mới là lựa chọn tiếp theo, để thấy rằng nó không phải là số một. Tôi đã đi khảo sát Kê Gà từ những năm mà chưa có điện, đường đi cực kỳ khó khăn vất vả, biển thì hoang sơ mà nói rằng nó là Hawaii của Việt Nam thì hơi quá. Có khá nhiều dự án ở biển đó, thậm chí nhiều dự án mình cứ tưởng không làm được nhưng họ đã cải tạo thành những bãi rất đẹp.”
Nếu có qui hoạch cảng tổng hợp trước thì chắc chắn không ai đầu tư vào đây, kể cả Bình Thuận họ không bết họ mới cấp giấy phép, nhưng khi trung ương đùng một phát qui hoạch cảng biển tổng hợp mà chủ yếu là cho dự án vận chuyển Bauxite thì tỉnh phải chấp hành ngưng các dự án thôi. – Nguyễn Văn Mỹ – công ty du lịch Lửa Việt
Về sự kiện những công trình xây dựng biệt thư cao cấp hay khu nghĩ dưỡng sang trọng ở Kê Gà bị gián đoạn trước qui hoạch cảng biển của chính phủ, ông Nguyễn Văn Mỹ nhận định:
“Đây là nhược điểm tôi cho là có thế cố hữu ở Việt Nam. Đó là thiếu sự qui hoạch đồng bộ và lâu dài. Nếu có qui hoạch cảng tổng hợp trước thì chắc chắn không ai đầu tư vào đây, kể cả Bình Thuận họ không bết họ mới cấp giấy phép, nhưng khi trung ương đùng một phát qui hoạch cảng biển tổng hợp mà chủ yếu là cho dự án vận chuyển Bauxite thì tỉnh phải chấp hành ngưng các dự án thôi. Đáng buồn là sau gần cả chục năm thì dự án không khả thi, thì ở đây là bộc lộ điểm yếu của nhà nước về quản lý nhà nước và về qui hoạch.”
Vẫn theo lời ông, đó là sự thiệt thòi kinh tế cho các nhà đầu tư, và thiệt thòi thứ hai là tỉnh mất niềm tin:
“Sau thời gian đầu tư nửa chừng họ phải để nguyên, biển Bình Thuận thì gió như phang và nắng như rang, công trình xây dựng để phơi mưa nắng thì nó xuống cấp, bỏ hoang. Nhà nước có đền bù nhưng chắc chắn khó tương xứng với những thiệt hại như vậy. Thực tế là như thế, thiếu một sự ổn định về chính sách về qui hoạch. Tỉnh Bình Thuận chẳng làm gì được vì trung ương chỉ đạo như thế, tỉnh chỉ là cấp thưa hành thôi.”
Đó là câu chuyện đằng sau những dự án du lịch gọi là tầm cỡ ở Kê Gà , nay là khu bỏ hoang sau khi bị ảnh hưởng bởi qui hoạch cảng biển của chính phủ hồi năm 2007. Xem ra giải pháp cho vấn đề vừa nêu hãy còn nằm ở phía trước.
Hơn chục người thương vong và thiệt mạng
do nổ nhà máy thép ở Hải Phòng
Nhà máy thép Dragon, ở phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, Thành phố Hải Phòng bị nổ trong ngày đầu tiên vận hành khiến 1 người thiệt mạng tại chỗ và hơn chục người khác bị thương.
Truyền thông trong nước, vào ngày 7 tháng 12 loan tin vừa nêu, cho biết vụ nổ nhà máy thép Dragon xảy ra khoảng 13 giờ cùng ngày với hàng loạt tiếng nổ lớn và khói đen phát ra, kèm theo hỏa hoạn.
Báo Dân Việt Online dẫn lời của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hồng Bàng, ông Dương Đình Ổn cho biết Nhà máy thép Dragon thuộc Công ty Cổ phần thép Cửu Long và Công ty thép Dragon thuê lại để sản xuất. Nhà máy này cho chạy vận hành thử ngày đầu tiên thì bị nổ lò luyện thép. Ông Dương Đình Ổn xác nhận rằng đã có 1 người chết và 11 người khác bị thương, tính đến thời điểm 16 giờ 30 chiều ngày 7 tháng 12. Bên canh đó, công tác chữa cháy gặp khó khăn vì nhiệt độ trong khu vực cháy nổ tăng cao tới hàng ngàn độ.
Hồi đầu tháng 10 vừa qua, Cục Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ công bố số liệu thống kê trong 9 tháng đầu năm 2018 đã xảy ra 2989 vụ cháy và 24 vụ nổ tại Việt Nam, gây thiệt hại xấp xỉ 1600 tỷ đồng, làm chết 78 người và 187 người bị thương.
Cục Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn Cứu hộ (CNCH) cho biết nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy nổ đều không đảm bảo yêu cầu an toàn phòng cháy, chữa cháy; trong đó trên 50% do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện gây ra.
Bộ Nội vụ đề nghị tỉnh thành dừng hợp nhất bộ máy
Bộ Nội vụ vừa đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành trực thuộc Trung Ương tạm ngưng việc sắp xếp các cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh, huyện.
Truyền thông trong nước dẫn văn bản do ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Nội vụ ký gửi các tỉnh thành về việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo nghị quyết 18, diễn ra hôm 7/12.
Theo ông Lê Vĩnh Tân, lý do được Bộ Nội vụ đưa ra vì đã có hai dự thảo Nghị định về quy định tổ chức các cơ quan chuyên ngành thuộc UBND cấp tỉnh và huyện. Hai dự thảo này đã được trình lên Chính phủ và chờ Bộ Chính trị cho ý kiến một số nội dung liên quan đến hai nghị định.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ còn cho biết hai nghị định này làm cơ sở để phân cấp cho chính quyền địa phương, tổ chức lại các cơ quan chuyên ngành theo hướng tinh gọn và hoạt động hiệu quả hơn.
Trong khi Chính phủ chưa ban hành hai nghị định này, Bộ Nội vụ đã gửi văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh thành tạm dừng việc sắp xếp, tổ chức các cơ quan chuyên ngành.
Thời gian vừa qua, nhiều địa phương trên khắp cả nước đã hợp nhất một số sở, ngành như tỉnh Lào Cai trong việc hợp nhất Sở giao thông vận tải với Sở xây dựng, tại Hà Giang hợp nhất Ban tổ chức Tỉnh ủy với Sở Nội vụ…
Bên cạnh đó, tại một số tỉnh như Quảng Ninh, việc hợp nhất các chức danh lãnh đạo đảng và chính quyền được tiến hành với mục tiêu được nói nhằm tinh giảm bộ máy, bớt gánh nặng cho ngân sách.
Cảnh sát Liên Âu bắt 37 người đưa di dân lậu
từ Việt Nam sang Tây Ban Nha
Thông báo của cảnh sát Âu châu cho biết đã yểm trợ cảnh sát quốc gia Tây Ban Nha vây bắt 37 thành viên của một tổ chức quốc tế buôn người mưu toan đưa 730 di dân xâm nhập Tây Ban Nha bất hợp pháp.
Tin Europol nói rằng, số di dân lậu người Việt Nam khai đã nộp 18,000 euro mỗi người để được đưa đến lãnh thổ Tây Ban Nha. Cũng theo nguồn tin này, thì họ được đưa từ Việt Nam đến một quốc gia Nam Mỹ, rồi cuối cùng mới sang Liên Âu theo từng nhóm, mỗi nhóm từ 6 đến 12 người. Một thành viên của tổ chức buôn người biết nói tiếng Anh được giao việc đi cùng để dẫn đường trong suốt cuộc hành trình.
Một số di dân cho biết họ có thể trả tiền bằng nhiều cách khác nhau, hoặc chi toàn bộ 18,000 euro tại Việt Nam, hoặc trả bằng đất đai, nhà cửa hiện có ở Việt Nam, hoặc trả tiền một lần tại Liên Âu. Giới chức thẩm quyền ước tính tổ chức buôn người nay đã thu khoảng 13 triệu euro lợi nhuận trong việc đưa người Việt Nam sang Âu châu.
Người đứng đầu cảnh sát quốc gia Tây Ban Nha nói rằng, cuộc điều tra kéo dài 11 tháng qua cho thấy di dân lậu Việt Nam được đưa đến Barcelona trước tiên. Tại đây, giới chức thẩm quyền lục soát 10 căn nhà, và khoảng 100 cơ sở làm đẹp, tịch thu 4 chiếc xe hơi và 60,000 euro vô thừa nhận.
Trong số 37 người bị bắt, có người cầm đầu và một công chức đang làm việc tại Huelva của Tây Ban Nha, người đứng ra liên lạc trực tiếp với một người Việt Nam cầm đầu đường dây buôn người. Cả hai còn làm giấy tờ giả cho di dân lậu trước khi đưa họ sang Tây Ban Nha.
Phụng Linh