Tin khắp nơi – 07/12/2018
Mỹ sắp điều tàu chiến đến Biển Đen để hỗ trợ Ukraine
Mỹ đã bắt đầu hoạt động chuẩn bị cần thiết để đưa một tàu chiến đến Biển Đen sau khi Ukraine kêu gọi NATO có hành động đáp trả Nga.
Tàu khu trục USS McCampbell của hải quân Mỹ phóng tên lửa trong một cuộc diễn tập. Ảnh: RT.
Quân đội Mỹ đã đề nghị Bộ Ngoại giao nước này thông báo với Thổ Nhĩ Kỳ về kế hoạch đưa tàu chiến tới Biển Đen như một phản ứng trước cuộc đối đầu của Nga và Ukraine tại Biển Đen và Biển Azov, CNN ngày 5/12 dẫn nguồn tin từ ba quan chức giấu tên Mỹ.
“Những hành động của Mỹ đều phù hợp với điều khoản của Công ước Montreux. Tuy nhiên, chúng tôi không bình luận chi tiết hoạt động liên lạc ngoại giao với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ”, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Công ước Montreux năm 1936 quy định tàu hải quân của các quốc gia không có chủ quyền ven Biển Đen muốn đi qua các eo biển Bosphorus và Dardanelles, khu vực kết nối Biển Đen và Địa Trung Hải, đều phải thông báo trước với Thổ Nhĩ Kỳ ít nhất 15 ngày.
Hai quan chức Mỹ cho biết, thông báo này nhằm giúp hải quân có thời gian lên kế hoạch đưa một tàu chiến vào khu vực.
“Hạm đội 6 của Mỹ luôn sẵn sàng triển khai tới mọi địa điểm được yêu cầu. Chúng tôi thường xuyên tiến hành các hoạt động để thúc đẩy an ninh và ổn định tại các khu vực do hạm đội phụ trách gồm cả vùng biển và không phận ở quốc tế Biển Đen. Chúng tôi có quyền tự do hoạt động phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế”, phát ngôn viên Hạm đội 6 Mỹ Kyle Raines nhấn mạnh.
Thông tin về kế hoạch của Mỹ được đưa ra chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin kêu gọi NATO có hành động đáp trả toàn diện việc Nga bắt ba tàu hải quân nước này đồng thời khẳng định có ít nhất một thành viên NATO luôn sẵn sàng tăng cường hiện diện tại Biển Đen để hỗ trợ Kiev.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine gia tăng sau sự việc cảnh sát biển Nga hôm 25/11 nổ súng khống chế, bắt ba tàu chiến Ukraine cùng 24 thủy thủ tại khu vực gần eo biển Kerch, nối Biển Đen và Biển Azov với cáo buộc xâm phạm lãnh hải, có hành vi nguy hiểm. Ukraine phủ nhận, nói rằng tàu của họ hành động đúng theo luật pháp quốc tế.
Không quân Mỹ tuần tra trên bầu trời Ukraina
Lầu Năm Góc ngày 06/12/2018 thông báo, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã thực hiện một chuyến bay « quan sát bất thường » trên không phận Ukraina, nhằm khẳng định Washington ủng hộ Kiev sau vụ Nga bắt giữ ba tàu chiến của Ukraina trên biển Azov.
Thông cáo của bộ Quốc Phòng Mỹ nói rõ phi vụ đã được thực hiện cùng ngày 06/12/2018 nhằm « quan sát » các hoạt động quân sự trong khu vực. Cùng với Hoa Kỳ, nhiều nhà quan sát Anh, Pháp, Đức, Canada và Rumani có mặt trên chuyến bay « bất thường » này.
Quyết định được đưa ra trong khuôn khổ thỏa thuận Open Sky. Văn bản này cho phép 34 nước thành viên Hội Nghị An Ninh Hợp Tác Châu Âu CSCE có quyền thực hiện các chuyến bay phi vũ trang với mục tiêu quan sát các hoạt động quân sự. Trên nguyên tắc, lịch bay được thông báo từ trước. Nhưng lần này, thông cáo của Lầu Năm Góc đã nhấn mạnh đến tính đột xuất của đợt quan sát vừa qua. Điều này nhằm chứng tỏ Mỹ đứng về phía Ukraina trong cuộc đọ sức với Nga trên biển Azov.
Hôm 25/11/2018, Hải Quân Nga đã bắt giữ ba tàu chiến của Ukraina cùng 24 thủy thủ trong vùng biển Azov đang tìm cách tiến về Hắc Hải. Giới quan sát coi đây là một mặt trận mới trong cuộc đọ sức giữa Kiev và Matxcơva, kể từ khi Nga thôn tính bán đảo Crimée của Ukraina hồi năm 2014.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181207-khong-quan-my-tuan-tra-tren-bau-troi-ukraina
Mỹ yêu cầu Nga hủy các tên lửa vi phạm hiệp ước INF
Nga phải bỏ các tên lửa hành trình có khả năng hạt nhân và bệ phóng các tên lửa này hay điều chỉnh lại tầm bắn của chúng để chứng tỏ sự tuân thủ của một hiệp ước kiểm soát vũ khí then chốt có từ thời Chiến tranh Lạnh và tránh nguy cơ Mỹ rút ra khỏi hiệp ước, một quan chức cấp cao của Mỹ tuyên bố hôm 6/12.
“Hoặc là quý vị từ bỏ hệ thống tên lửa, từ bỏ bệ phóng hay thay đổi hệ thống để nó không vượt quá tầm bắn cho phép một cách có thể kiểm chứng,” Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Andrea Thompson nói.
Hôm 4/12, Mỹ thông báo họ cho Nga 60 ngày để chấm dứt điều mà Washington cáo buộc là Moscow vi phạm Hiệp ước Vũ khí Hạt nhân Tầm trung vào năm 1987, bằng không, Mỹ sẽ bắt đầu rút ra khỏi hiệp ước.
Đại sứ Mỹ ở Nga Jon Huntsman, người tham gia vào cuộc họp báo với bà Thompson, nói rằng việc Mỹ rút ra khỏi hiệp ước ‘không có nghĩa là chúng tôi sẽ từ bỏ kiểm soát vũ khí’.
“Chúng tôi vẫn cam kết kiểm soát vũ khí, và chúng tôi cần một đối tác đáng tin cậy – điều mà chúng tôi không thấy ở Nga,” Đại sứ Huntsman nói.
Moscow phủ nhận rằng các tên lửa này vi phạm hiệp ước trong khi các quan chức Mỹ cho rằng chúng có thể tấn công các mục tiêu châu Âu với các đầu đạn hạt nhân hay các đầu đạn quy ước.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã cảnh báo rằng Nga sẽ phát triển tên lửa mà hiệp ước này cấm, nếu như Mỹ rút khỏi hiệp ước.
TT Trump đề cử ông William Barr
làm Bộ trưởng Tư pháp
Hôm 7/12, Tổng thống Donald Trump cho biết ông chọn ông William Barr làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp, theo hãng tin Reuters.
CNN cho biết Tổng thống Donald Trump đã quyết định bổ nhiệm ông William Barr làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thay cho ông Jeffrey Sessions bị sa thải vào tháng trước.
Ông Barr từng là bộ trưởng tư pháp dưới thời Tổng thống George H.W. Bush.
Theo The Hill, nếu được Thượng viện chuẩn thuận, ông Barr, có thể sẽ phải đối mặt với những nghi vấn về việc liệu Bộ Tư pháp do ông lãnh đạo có khả năng độc lập về mặt chính trị đối với Nhà Trắng hay không; cũng như phải đối mặt với những chỉ trích của Tổng thống Trump về vụ tra đặc biệt của công tố viên Robert Mueller cũng thuộc bộ này về sự thông đồng giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với Nga.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-de-cu-ong-william-barr-lam-bo-truong-tu-phap/4691002.html
TT Trump chọn bà Nauert làm đại sứ tại LHQ
Tổng thống Donald Trump tuyên bố hôm 7/12 rằng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Heather Nauert được ông chọn làm người kế nhiệm bà Nikki Haley nắm chức đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc.
Phát biểu với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc, ông Trump nói bà Nauert đã “làm việc rất tuyệt vời” tại Bộ Ngoại giao.
“Bà ấy rất có tài, rất thông minh, rất nhanh nhẹn, và tôi nghĩ bà ấy sẽ được mọi người tôn trọng”, ông Trump nói.
Bà Nauert, từng là người dẫn chương trình của Fox News và đã làm việc ở Bộ Ngoại giao vào năm 2017, sẽ là một tân đại sứ tương đối thiếu kinh nghiệm ở một trong những vị trí cao nhất trong ngành ngoại giao Mỹ. Người ta dự báo rằng sau khi được đề cử, bà sẽ đối mặt với phiên điều nhiều khả năng là khó khăn ở Thượng viện để được bổ nhiệm. Tại Thượng viện, nhiêu khả năng đảng Dân chủ sẽ chất vấn căng thẳng bà Nauert về trình độ, năng lực của bà liên quan đến chức vụ đại sứ ở LHQ.
Trong một chính quyền đầy mâu thuẫn nội bộ và không mấy tin tưởng LHQ, việc đề cử bà Nauert sẽ đưa một người thuộc diện không cao cấp bằng bà Haley tới LHQ. Có tin là bản thân bà Haley cũng có những mâu thuẫn với các quan chức khác trong chính quyền của ông Trump.
Việc chỉ định bà Nauert sẽ điều chỉnh cơ cấu quyền lực của đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia dưới quyền Tổng thống Trump. Ngoại trưởng Mike Pompeo đã nói với các phụ tá rằng ông muốn chức người nắm đại sứ tại LHQ bị hạ cấp, không còn là thành viên nội các như bà Haley đã từng đòi hỏi, một quan chức biết về lời phát biểu của ông Pompeo kể lại với CNN. Việc đưa bà Haley lên làm thành viên nội các đã phá vỡ truyền thống của các chính quyền Cộng hòa trước đây.
Có tin là Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton cũng muốn hạ cấp vai trò đó, theo những người nắm rõ suy nghĩ của ông. Từng là cựu đại sứ Mỹ ở LHQ, ông Bolton quan tâm đến một số vấn đề của LHQ, như Tòa án Hình sự Quốc tế.
Sự thay đổi như vậy đồng nghĩa là bà Nauert sẽ có ít sức mạnh hơn người tiền nhiệm của mình, cả ở LHQ lẫn trong chính quyền, và hệ quả là bà sẽ không cạnh tranh đáng kể với ông Bolton, hay Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc John Kelly, hay ông Pompeo.
(CNN, Washington Post)
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-chon-ba-nauert-lam-dai-su-tai-lhq/4690988.html
Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly sắp từ chức
Ông John Kelly dự kiến sẽ từ chức Chánh văn phòng Nhà Trắng trong những ngày tới, hai nguồn tin thân cận cho CNN biết hôm 7/12.
Trong mấy ngày qua, Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc John Kelly và Tổng thống Donald Trump đã không nói chuyện với nhau, và người thay thế ông đang được tìm kiếm, theo kênh truyền hình WSFA12.
CNN nói Tổng thống Trump đang tập trung vào một kế hoạch thay thế nhân sự, mặc dù một người tham gia vào quá trình tuyển chọn nói hiện nay chưa có kết quả cuối cùng cho đến khi ông Trump công bố. Một trong những người thay thế tiềm năng là ông Nick Ayers, Chánh văn phòng của Phó Tổng thống Mike Pence, người vẫn được xem là ứng cử viên hàng đầu.
Kênh WSFA12 loan tin rằng ông Nick Ayers, 36 tuổi, đang được xem xét để thay thế ông Kelly.
Nhiều nguồn tin cũng nói với CNN rằng ông Kelly dự kiến sẽ rời khỏi vị trí chánh văn phòng trong những ngày tới, với một bế tắc “không thể phủ nhận” giữa ông và Tổng thống Trump.
Vào tháng 7/2018, ông Kelly cho biết ông Trump đã yêu cầu ông tiếp tục giữ chức vụ chánh văn phòng cho đến ít nhất là năm 2020 và ông đã đồng ý.
Ông John Kelly là cựu tướng 4 sao của Thủy quân lục chiến Mỹ. Trước khi được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Nhà Trắng vào cuối tháng 7/2017, ông là bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa.
https://www.voatiengviet.com/a/chanh-van-phong-nha-trang-john-kelly-sap-tu-chuc/4690867.html
Quốc hội Mỹ cấp ngân quỹ tạm thời,
tránh đóng cửa chính phủ
Quốc hội Mỹ hôm 6/12 phê chuẩn dự luật chi tiêu tạm thời kéo dài hai tuần để tránh nguy cơ đóng cửa chính phủ và việc này có thể dẫn tới khả năng sẽ xảy ra một cuộc đối đầu cuối tháng này xung quanh bức tường biên giới theo đề xuất của Tổng thống Donald Trump.
Nếu không có hành động của Quốc hội thì ngân quỹ cho một số cơ quan liên bang, trong đó Bộ Nông nghiệp, Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh Nội địa, sẽ hết hạn vào tuần này. Dự luật tình thế này kéo dài việc cấp ngân quỹ cho đến ngày 21/12.
Trước khi đạo luật tình thế này hết hiệu lực, Quốc hội do Đảng Cộng hòa chi phối dự kiến sẽ xem xét một dự luật trị giá 450 tỷ đô la để cấp ngân sách cho các cơ quan suốt năm tài chính kéo dài tới ngày 30/9 năm sau.
Tổng thống Trump đã yêu cầu 5 tỷ đô la trong năm nay trong kế hoạch của ông xây dựng một bức tường ở biên giới với Mexico mà phe Dân chủ cho rằng sẽ không hiệu quả trong việc chặn di dân bất hợp pháp và các đường dây vận chuyển ma túy.
Thay vào đó, phe Dân chủ muốn tiếp tục cải tiến hàng rào đỡ tốn kém hơn và sử dụng các thiết bị công nghệ cao để phát hiện những vụ vượt biên trái phép. Họ đã đồng ý chi 1,6 tỷ đô la cho các biện pháp an ninh biên giới bổ sung.
“Để tôi nói cho rõ: gói tiền 1,6 tỷ đô la này không thể được sử dụng cho bất cứ phần nào của bức tường biên giới bằng xi măng của Tổng thống Trump. Nó chỉ có thể được sử dụng để làm hàng rào, sử dụng các công nghệ hiện đang được sử dụng ở biên giới và chỉ ở những chỗ nào mà các chuyên gia cho rằng dựng hàng rào là phù hợp và có ý nghĩa,” Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện, nói hôm 6/12.
Ông Trump đã đe dọa sẽ buộc đóng cửa chính phủ một phần nếu Quốc hội không cấp cho ông số tiền ông muốn để xây dựng tường biên giới.
‘Lệnh ngừng bắn’ 90 ngày
khó làm tan bão tố Mỹ – Trung
Cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ – Trung không giúp hạ nhiệt căng thẳng vì Washington xác định Bắc Kinh là mối đe dọa của mình.
Sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina ngày 1/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump thống nhất sẽ tạm thời được giữ nguyên mức thuế với hàng Trung Quốc ở mức 10% từ ngày 1/1/2019, thay vì nâng lên 25%.
Đổi lại, Trung Quốc đồng ý mua các sản phẩm nông phẩm, nhiên liệu, sản phẩm công nghiệp và nhiều hàng hóa khác từ Mỹ để cân đối thương mại giữa hai nước. Hai nước cũng nhất trí sẽ không áp thêm thuế vào hàng hoá của nhau từ đầu năm sau, bắt đầu đàm phán về các thay đổi cấu trúc liên quan đến ép buộc chuyển giao công nghệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ, rào cản phi thuế quan, tấn công mạng, cũng như ngành dịch vụ và nông nghiệp. Hai bên đồng ý nỗ lực hoàn tất thỏa thuận này trong vòng 90 ngày tới. Nếu đến hết thời hạn, cả hai không đạt được một thỏa thuận, thuế 10% sẽ được nâng lên 25%.
Trao đổi với VnExpress, Barbara Weisel, cựu trợ lý Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, phân tích Trump và Tập Cận Bình đã nhất trí có một “lệnh ngừng bắn”, hai bên có 90 ngày để thảo luận tiếp về các vấn đề. Bà cho rằng việc hai bên đạt được các thỏa thuận là điều thách thức.
Cựu trợ lý tin Bắc Kinh có thể đồng ý tăng mua hàng của Washington hoặc thực hiện các cải cách vừa phải, nhưng sẽ không có các thay đổi căn bản về kinh tế theo cách mà Mỹ mong muốn. Kể cả hai bên tìm được giải pháp cho một số vấn đề, Mỹ và Trung Quốc cũng không thể nhất trí về giải pháp lâu dài cho xung đột thương mại, vì Washington muốn Bắc Kinh có các thay đổi lớn với nền kinh tế. Đồng thời, Mỹ cũng sẽ tiếp tục áp đặt các biện pháp “siết chặt” như xem xét đầu tư và kiểm soát hàng xuất khẩu của Trung Quốc để ngăn Bắc Kinh chiếm giữ các công nghệ nguồn của Mỹ.
“Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không giảm sau cuộc gặp của Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình, vì xung đột giữa hai bên không chỉ là vấn đề thương mại”, Weisel nói.
Tổng thống Mỹ Trump khi công bố Chiến lược an ninh quốc gia hồi cuối năm 2017 đã cáo buộc Trung Quốc tìm cách “để thay thế Mỹ” ở châu Á. Ông liệt kê hàng loạt vấn đề của Bắc Kinh như tăng cường sức mạnh, tác động đến chủ quyền các nước khác, tạo thâm hụt thương mại, trộm cắp dữ liệu của Mỹ.
Đến tháng 10 năm nay, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố Trung Quốc là “đối thủ chiến lược chính”. Ông cáo buộc Trung Quốc muốn đẩy Mỹ khỏi vùng phía tây Thái Bình Dương, cố gắng ngăn cản Washington hỗ trợ các đồng minh, “nhưng họ sẽ thất bại”. Trước cuộc gặp của Trump và Tập Cận Bình ở G20, ông Pence khẳng định Bắc Kinh cần nhượng bộ trong một số lĩnh
vực như sở hữu trí tuệ, tiếp cận thị trường, tôn trọng những quy định và tiêu chuẩn quốc tế cũng như tự do hàng hải trên các vùng biển toàn cầu.
Bà Barbara Weisel nhận định chính quyền Trump đang theo đuổi một chiến lược lớn hơn nhằm chia tách nền kinh tế hai bên và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai đảng trong quốc hội Mỹ.
Cũng nhấn mạnh đến các yêu cầu của Mỹ, William Overholt, Đại học Harvard, cho hay Mỹ muốn Trung Quốc cải cách nền kinh tế theo hướng giống như phương Tây. Mô hình đó tương tự như nền kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc thời kỳ đầu cải cách. Trong khi đó, Trung Quốc có thể chỉ chấp nhận thảo luận các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ và tiếp cận thị trường.
“Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận cải cách toàn bộ nền kinh tế, do đó khả năng cao là Trump sẽ quay trở lại việc áp thuế với hàng hóa của Bắc Kinh sau 90 ngày đình hoãn”, Overholt dự đoán.
David Dollar, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Brookings, lưu ý Trung Quốc cam kết mua thêm hàng hóa Mỹ và mở cửa thị trường nhưng chưa rõ chi tiết. Mỹ có rất nhiều yêu cầu với Trung Quốc nhưng Bắc Kinh có vẻ như không đáp ứng tất cả. “Câu hỏi là liệu Mỹ có chấp thuận thỏa hiệp không. Phải mất vài tháng trước khi chúng ta có câu trả lời”, Dollar nói.
Giáo sư Peter Morici, Đại học Maryland, đánh giá thời hạn 90 ngày tạm ngưng chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là thời gian ngắn để giải quyết vấn đề phức tạp giữa hai nước. Trong khi Mỹ cho rằng đây là thảo luận toàn diện về quan hệ thì Trung Quốc chỉ tập trung vào thuế với hàng hóa.
“Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra sau 90 ngày và Trump sẽ muốn điều gì”, Morici nói.
Cho rằng căng thẳng Mỹ – Trung tiếp tục gia tăng là “điều không may”, Scott Kennedy, Trung tâm nghiên cứu nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), cho hay ông tin điều đó sẽ xảy ra. Ông đánh giá có ba vấn đề cần lưu ý sau cuộc họp Trump – Tập.
Thứ nhất, Mỹ và Trung Quốc cần thống nhất khi nào và ở đâu hai bên sẽ khôi phục đàm phán và chương trình nghị sự là gì. Hai nước cần đưa ra khung thảo luận về các vấn đề mang tính cấu trúc, như là chính sách công nghiệp của Trung Quốc và các ưu tiên dành cho Mỹ, chẳng hạn như hiệp ước đầu tư song phương.
Thứ hai, Trung Quốc sắp tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 40 của Phiên họp toàn thể lần ba năm 1978, nơi chính sách Kỷ nguyên Cải cách và Mở cửa được đưa ra. Đây là cơ hội tốt nhất và có thể là cuối cùng với Trung Quốc để đưa ra cải cách kinh tế căn bản giúp giải quyết các quan ngại của cộng đồng quốc tế và khu vực tư nhân của nước này. Dự kiến ông Tập sẽ có bài phát biểu vào ngày 18/12.
Thư ba là các bước đi Trung Quốc cần thực hiện, cho thấy những thay đổi về quy định, về liệu pháp hoặc thành phần của nền tảng thương mại điện tử cùng các hành động thực thi pháp luật.
William Overholt nhấn mạnh chính quyền Trump đã xác định Trung Quốc là mối đe dọa lớn cả về kinh tế và quân sự của Mỹ, vì thế cần thách thức Bắc Kinh. Hiện chưa rõ điều gì sẽ xảy ra sau cuộc gặp của Trump và Tập, cần phải chờ xem Trump có đưa ra những yêu cầu khả thi hay không.
“Chúng ta đang ở trong giai đoạn rất bất ổn”, ông cảnh báo.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25163-lenh-ngung-ban-90-ngay-kho-lam-tan-bao-to-my-trung.html
Mỹ Ép Canada Bắt Giữ Giám đốc Hãng Huawei,
Vì Meng Wanzhou Phạm Lệnh Trừng Phạt Iran
WASHINGTON – Trung Cộng đòi Canada và Hoa Kỳ làm rõ vụ bắt giữ Meng Wanzhou, con gái của chủ nhân, cũng là giám đốc tài chính của đại doanh nghiệp viễn thông Huawei.
Meng bị bắt tại Vancouver hôm 1-12 và có thể bị dẫn độ cho Hoa Kỳ.
Các chi tiết liên quan chưa được công bố trong lúc Hoa Kỳ đang điều tra Huawei về các vi phạm luật trừng phạt Iran.
Mới đây, Huawei đã trở thành nhà sản xuất smartphone lớn hạng 2 thế giới, qua mặt Apple, chỉ kém Samsung.
Huawei loan báo: không có nhiều thông tin, không biết Meng làm gì sai – nhà cầm quyền Trung Cộng lên án “vi phạm nhân quyền”. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao nói: Canada và Hoa Kỳ phải minh định các lý do bắt giữ và trả tự do tức khắc Meng để bảo vệ các quyền pháp lý của cá nhân.
Phản ứng của Beijing gây ngạc nhiên các nhà vận động nhân quyền. Amnesty International nhắc nhở: nhân quyền bị đe dọa nghiêm trọng tại Hoa Lục, bất kỳ ai lên tiếng chống đối đều bị xách nhiễu, bắt và giam giữ.
Meng bị bắt giữa thời điểm nhậy cảm trong các quan hệ Mỹ-Hoa, đặc biệt là “hưu chiến 90 ngày” để 2 bên tìm kiếm giải pháp giải tỏa đối đầu mậu dịch. Buổi họp báo thường lệ ngày Thứ Năm của Bộ ngoại giao Trung Cộng khẳng định thiện chí thực hành tức khắc những điểm đã thỏa thuận.
New Zealand và Australia đang cấm xử dụng các sản phẩm viễn thông của Huawei.
Tại Ottawa, Bộ tư pháp Canada báo tin: phiên điều trần tại ngoại đã được định vào ngày Thứ Sáu 7-12, và không cung cấp thông tin chi tiết.
Truyền thông Hoa Kỳ cho biết: Meng đang là đối tượng điều tra về vi phạm lệnh trừng phạt Iran. Huawei đã bị các nhà lập pháp Hoa Kỳ lên án như là mối đe dọa an ninh quốc gia với Hoa Kỳ, bởi kỹ thuật của nó có thể được khai thác vào việc do thám.
Nghị sĩ Ben Sasse tuyên bố với thông tấn AP “Trung Cộng thường ngầm phá các quyền lợi an ninh quốc gia bằng các cơ sở thuộc lãnh vực tư”.
Các chính quyền phương tây đang cảm thấy quan ngại về khả năng tiếp cận thế hệ di động 5G của Trung Cộng bằng hệ thống và công cụ của Huawei để mở rộng hoạt động do thám.
Tại Hoa Kỳ trong thời gian gần đây, 1 số công ty Trung Cộng bị kiện ra tòa về các tội trộm cắp mạng và vi phạm lệnh trừng phạt Iran.
CNN viết: vụ Meng Wanzhou là 1 mặt trận mới.
Meng bị bắt tại Canada theo yêu cầu của chính quyền Trump gây chấn động tại các thị trường tài chính – Wall Street chứng kiến chỉ số Dow giảm 450 điểm khi các giao hoán sáng Thứ Năm bắt đầu, cũng có ảnh hưởng của giá dầu được tin là sắp tăng sau hội nghị OPEC.
Phó Chủ tịch Huawei cũng bị Mỹ điều tra
về gian lận ngân hàng
Giám đốc tài chính của Tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc Huawei Technologies Mạnh Vãn Châu bị Canada bắt giữ trong khuôn khổ cuộc điều tra của chính phủ Mỹ về một chương trình bị cáo buộc là sử dụng hệ thống ngân hàng toàn cầu để né các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran, Reuters dẫn nguồn tin nắm rõ về vụ việc cho biết.
Hoa Kỳ đang xem xét liệu tập đoàn Huawei Technologies Ltd có vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran kể từ ít nhất là năm 2016 hay không, và mới đây hơn, là việc tập đoàn này thông qua ngân hàng HSBC Holdings Plc để thực hiện các giao dịch có liên quan đến Iran.
Hồi năm 2012, HSBC đã phải đóng khoản tiền 1,92 tỷ đô la để đạt được thỏa thuận hoãn truy tố với văn phòng Công tố liên bang ở Brooklyn do vi phạm luật cấm vận và chống rửa tiền của Mỹ.
Tuy nhiên, HSBC không bị điều tra, cũng theo nguồn tin nắm rõ vụ việc được Reuters trích dẫn.
Bà Mạnh, cũng là con gái của sáng lập viên công ty viễn thông Huawei, bị bắt hôm thứ bảy trong lúc chuyển máy bay ở Vancouver.
Nhà chức trách Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích cả Canada lẫn Mỹ và yêu cầu phóng thích bà.
Vụ quan chức của một tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc bị bắt ở Canada có thể bị dẫn độ sang Mỹ làm khuấy động các thị trường và gây nghi ngại về cuộc đình chiến thương mại Mỹ-Trung hiện nay.
Canada là một trong số hơn 100 nước có hiệp ước dẫn độ với Mỹ.
Hiệp ước dẫn độ lâu nay giữa Mỹ và Canada quy định trường hợp bị yêu cầu dẫn độ phải là tội phạm ở cả hai nước.
Các bị can kháng cự việc dẫn độ thường dựa vào cơ sở rằng quyền của họ ở đất nước bắt giữ họ sẽ bị vi phạm nếu họ bị giải qua nước đòi dẫn độ. Các vụ tranh cãi trước đây có khi kéo dài tới nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm.
Mỹ có thể gây sức ép với TQ
bằng vụ bắt giám đốc Huawei
Giới phân tích cho rằng vụ bắt Mạnh Vãn Chu là hành động có tính toán của Mỹ nhằm tạo ưu thế cho đàm phán thương mại với Trung Quốc.
Mạnh Vãn Chu, con gái của người sáng lập tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi, và cũng là giám đốc tài chính kiêm phó chủ tịch tập đoàn này bị nhà chức trách Canada bắt hôm 1/12 theo yêu cầu của Mỹ, theo SCMP. Không có thông tin chi tiết về sự việc nhưng nguồn tin am hiểu vấn đề từ Canada cho biết bà Mạnh bị bắt do vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Bà Mạnh bị bắt vào ngày diễn ra cuộc gặp được kỳ vọng cao giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Buenos Aires, Argentina. Sau cuộc gặp, hai bên thỏa thuận “đình chiến” thương mại trong 90 ngày để tiến hành đàm phán, giải quyết những lo ngại của Washington. Nếu không có thỏa thuận vào cuối giai đoạn đó, Mỹ sẽ áp thuế từ 10% đến 25% đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc.
Liu Weidong, một chuyên gia về các vấn đề Mỹ – Trung tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng vụ bắt Mạnh Vãn Chu là một hành động được Washington tính toán nhằm tạo đà cho đàm phán thương mại với Bắc Kinh. “Chúng ta sẽ chứng kiến thêm những trường hợp kiểu này trong ba tháng tới. Mỹ sẽ trừng phạt các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân của Trung Quốc để tăng động lực cho họ”, Liu nói.
Vụ bắt người cũng xảy ra giữa lúc công nghệ của Huawei bị hạn chế ở các nước phương Tây với việc Mỹ, Australia và New Zealand đều ngăn chặn việc sử dụng mạng di động 5G. Mối quan hệ mật thiết của Huawei với chính phủ Trung Quốc cũng làm xuất hiện lo ngại tập đoàn này là “cánh tay nối dài” cho hoạt động tình báo của Trung Quốc. Huawei nhiều lần phủ nhận cáo buộc.
Wang Heng, giáo sư luật kinh doanh Trung Quốc tại Đại học New South Wales, Australia, cũng cho rằng Mỹ có thể sử dụng trường hợp của Mạnh để gây áp lực lên Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại. Ông nói thêm rằng việc xử lý đúng cách sẽ giúp giải quyết những vấn đề gây tranh cãi giữa Bắc Kinh và Washington. “Nếu chúng ta bỏ lỡ cơ hội và không giải quyết đúng những mối lo ngại trong 90 ngày, các vấn đề sẽ chỉ leo thang”, Wang nhận định.
Dù đã thỏa thuận “đình chiến” thương mại, Washington và Bắc Kinh vẫn bất đồng trong nhiều vấn đề, trong đó có Biển Đông, Đài Loan. Việc Trung Quốc cử đại sứ tại Mỹ Cui Tiankai tới dự tang lễ cố tổng thống Mỹ George H.W Bush cũng phản ánh căng thẳng hai nước. Theo thông lệ, Bắc Kinh thường cử đặc phái viên của chủ tịch nước sang viếng tang lễ các cựu tổng thống Mỹ.
Sun Yun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu Stimson của Mỹ, đánh giá thời gian và chi tiết trong trường hợp của Mạnh Vãn Chu cho thấy đây là động thái chính trị. Tuy nhiên, Drew Thompson, cựu giám đốc các vấn đề Trung Quốc, Mông Cổ và Đài Loan tại Bộ Quốc phòng Mỹ, cho rằng việc bắt giam Mạnh không nên bị đánh đồng với các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra giữa Washington và Bắc Kinh.
Theo giám đốc điều hành của một công ty đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ, sự việc có thể không phải là một phần trong chiến thuật của Trump. “Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng cọ xát và đối đầu sẽ là chủ đề chính giữa hai nước trong một thời gian dài”, người này nói.
Eric Harwit, một giáo sư nghiên cứu châu Á tại Đại học Hawaii ở Manoa, nhận định vụ bắt Mạnh Vãn Chu cũng phản ánh mối lo ngại của Washington về việc các công ty công nghệ cao của Trung Quốc trở thành kình địch của các công ty Mỹ trong tương lai. “Đó chỉ là phần mở rộng trong nghi ngờ của Mỹ về tham vọng công nghệ của Trung Quốc trên thế giới. Huawei tất nhiên là một đối thủ lớn, đã xâm nhập ở các nước đang phát triển và thậm chí cả các nước phát triển”, Harwit cho hay.
Marriott : Dấu ấn tin tặc Trung Quốc
trong vụ đánh cắp dữ liệu
Các tin tặc thâm nhập vào kho dữ liệu khách hàng của chuỗi khách sạn Starwood, thuộc tập đoàn Mỹ Marriott International, đã để lại một số dấu vết cho thấy khả năng họ làm việc cho chương trình thu thập thông tin của chính phủ Trung Quốc.
Hãng tin Anh Reuters vào hôm qua, 06/12/2018, trích dẫn nguồn tin thông thạo hồ sơ, cho biết, trong tuần qua, Marriott đã thông báo vụ tin tặc, từ 4 năm nay, đã thâm nhập được vào kho dữ liệu và đánh cắp thông tin liên quan đến 500 triệu khách hàng của Starwood.
Ba nguồn tin xin ẩn danh, cho biết là các nhà điều tra tư nhân đã khám phá những công cụ, kỹ thuật, cũng như cách thức thâm nhập đã từng thấy trước đây trong các vụ tấn công được cho là do tin tặc Trung Quốc tiến hành.
Cho dù Trung Quốc bị xem là kẻ tình nghi hàng đầu trong hồ sơ này, nhưng các nhà điều tra xác định rằng họ phải thận trọng, vì thủ phạm có thể là người khác, do các công cụ cũng như cách thức thâm nhập đã từng được đưa công khai lên mạng.
Bên cạnh đó, việc nhận diện thủ phạm vụ đánh cắp cũng phức tạp, vì nhiều nhóm có thể cùng một lúc tấn công vào hệ thống của Marriott từ năm 2014.
Riêng bộ Ngoại Giao Trung Quốc thì đã lên tiếng phủ nhận mọi trách nhiệm, khẳng định rằng Bắc Kinh « chống mọi hình thức tin tặc, và có biện pháp trừng trị theo luật pháp ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181207-marriott-dau-an-tin-tac-trung-quoc-trong-vu-danh-cap-du-lieu
Hoa Kỳ và Trung Quốc
kiểm soát 2 tỷ người kết nối internet
Nếu như Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai cường quốc lớn nhất trên thế giới, thì quan niệm của hai nước về con người cũng như tầm nhìn kinh tế và chiến lược lại hoàn toàn khác nhau.
Trong bài trả lời phỏng vấn báo Le Figaro, số ra ngày 06/12/2018, kinh tế gia Christian Saint-Etienne, giảng dậy tại Trường Kỹ Nghệ Quốc Gia Pháp, cho rằng nguy cơ xung đột quân sự trực tiếp giữa hai nước có thể đạt tới đỉnh điểm trong chưa đầy 5 năm tới.
* * *
Hưu chiến thương mại được ký kết giữa Donald Trump và Tập Cận Bình trong dịp thượng đỉnh G20 vừa qua liệu có xóa bỏ được sự ganh đua giữa Mỹ và Trung Quốc hay không ?
Xung đột thương mại giữa hai cường quốc chỉ là một trong số các yếu tố cạnh tranh chiến lược giữa hai nước. Hoa Kỳ hiểu ra sai lầm mắc phải khi chấp nhận vào năm 2001 để cho Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO. Trung Quốc đã không áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong việc mở của thị trường và tiến hành đánh cắp công nghệ của phương Tây. Đồng thời, Trung Quốc trang bị một lực lượng hải quân hùng mạnh, phát triển nhanh nhằm kiểm soát tốt hơn biển Trung Hoa, đặc biệt là vùng Biển Đông, nơi tập trung những tuyến hàng hải vận chuyển tới 20% thương mại toàn cầu và có những mỏ dự trữ dầu lớn.
Trong cuộc truy đuổi này, Donald Trump đã không ngần ngại áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch và đòi xem xét lại các hiệp định (về tự do trao đổi mậu dịch, khí hậu, quân sự với NATO), cho dù gây bất lợi cho cả các đồng minh truyền thống như châu Âu.
Ông cho rằng Donald Trump và Tập Cận Bình có tính chính đáng làm lãnh đạo vì được bầu lên, nhưng họ lại thực hiện một chính sách tự sát chống lại chính người dân nước họ …
Nhân danh cuộc chiến chống tham nhũng, Tập Cận Bình thiết lập một thể chế độc tài, phá hủy sự cân bằng tinh tế về quyền lực mà Đặng Tiểu Bình, một trong những người tiền nhiệm, đã tạo dựng. Tập Cận Bình phải cẩn thận nếu như tăng trưởng kinh tế của một đất nước có tới 1,4 tỷ dân, sẽ bị chậm lại.
Còn về phần Donald Trump, chính sách giảm thuế để thúc đẩy kinh tế và chủ trương bảo hộ mậu dịch, tuy có hiệu quả trong ngắn hạn, nhưng trong trung hạn lại bấp bênh hơn.. Đợt giảm thuế thứ hai rất cần thiết mà ông ta mong muốn, sẽ vấp phải vấn đề thâm hụt ngân sách – điều này đã thấy rõ – và chắc chắn sẽ bị phe đa số Dân Chủ tại Hạ Viện bỏ phiếu chống.
Các loại thuế mới đánh vào thép và nhôm nhập khẩu sẽ tác động đến giá cả, nhất là giá xe hơi, bất lợi cho các tầng lớp bình dân. Vấn đề là liệu các hệ quả này sẽ lộ rõ trước hay sau kỳ bầu cử tổng thống năm 2020 hay không ?
Ganh đua giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thể hiện qua việc làm chủ công nghệ số …
Trung Quốc đang khắc phục sự chậm trễ so với đối thủ Hoa Kỳ, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Lĩnh vực này mang tính chiến lược rất cao vì tầm vóc chính trị (nhận dạng khuôn mặt được ứng dụng trong hệ thống tính điểm tín dụng xã hội, bóp nghẹt các quyền tự do công dân), kinh tế (phát triển người máy trong công nghiệp, giao dịch tài chính qua điện thoại di động), khoa học (y tế, công nghệ sinh học và công nghệ nano), quân sự (vệ tinh, tình báo).
Bản thân kinh tế số (iconomie) là một thách thức quan trọng. Trung Quốc và Hoa Kỳ, mỗi nước đang kiểm soát một tỷ người kết nối mạng, đang muốn thông qua công nghệ 5G để kiểm soát thêm một tỷ người nữa thuộc tầng lớp trung lưu. Trung Quốc tiến hành khéo léo việc mua lại các doanh nghiệp kỹ thuật số trên thế giới. Trong lúc nhóm GAFAM của Mỹ (Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft) xuất khẩu thương hiệu của mình, thì nhóm Bathx của Trung Quốc (Baidu – Bách Độ, Alibaba, Tencent – Đằng Tấn, Huawei – Hoa Vi và Xiaomi – Tiểu Mễ) lại kín đáo phát triển ra bên ngoài Trung Quốc.
Vậy châu Âu ra sao trong vòng xoáy cuồng nộ này ?
Liên Hiệp Châu Âu bị suy yếu và chia rẽ, ngày càng bị chậm trễ trong nhiều lĩnh vực : kinh tế, lĩnh vực số, khoa học, quân sự, không gian… Hiệp định Roma trù tính đến việc xây dựng châu Âu dựa trên nguyên tắc cạnh tranh, điều này là đúng đắn trên thị trường hàng hóa và dịch vụ, nhưng lại bất lợi về thuế khóa và xã hội.
Như chúng ta thấy qua các twitt khá bất nhã của Donald Trump đối với tổng thống Macron, đã đến lúc châu Âu phải tỉnh ngộ. Để làm việc này, tôi cho rằng cần tạo lập, ngay từ những tháng tới, một nhóm nòng cốt các nước (Pháp, Đức, Áo, Bỉ, Hà Lan, Luxemburg, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha), quan tâm đến ý nguyện của người dân muốn bảo tồn bản sắc và chủ quyền quốc gia. Những nước này sẽ có một ngân sách có thể nhanh chóng đạt mức từ 2 đến 3% tổng sản phẩm quốc nội (9000 tỷ euro), để khắc phục sự chậm trễ trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở và các công nghệ mang tính quyết định, như 5G, cho một tương lai gần. Nhóm nòng cốt này có thể thiết lập liên minh quân sự chặt chẽ với nước Anh hậu Brexit.
Trong viễn cảnh này, liệu cặp Pháp-Đức có hoạt động được không ?
Ngoài yếu tố mong manh về chính trị, Emmanuel Macron và Angela Merkel không có cùng quan điểm. Tháng Bẩy vừa qua, Peter Almaier, bộ trưởng Kinh Tế Đức, đã đề xuất nhanh chóng thành lập một tác nhân chiến lược Pháp-Đức trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và xe hơi tự hành. Thế nhưng, Pháp không trả lời !
Đề nghị này vấp phải mong muốn lập một ngân sách chung cho vùng euro mà Emmanuel Macron đưa ra cách nay vài tháng. Mục đích không phải là giúp châu Âu khắc phục sự chậm trễ trong cuộc cách mạng công nghiệp mới, mà chỉ là hỗ trợ các nước không cân đối được các khoản chi tiêu công. Đức cũng như các nước Bắc Âu không chấp nhận đề xuất của Macron.
Thất bại này cũng thể hiện tại Pháp. Là người ủng hộ gây dựng một quốc gia khởi nghiệp, Emmanuel Macron sẽ chi ra 50 tỷ euro, tính tổng cộng trong cả nhiệm kỳ 5 năm, cho việc hủy bỏ thuế ở, chưa tính đến việc từ bỏ tăng thuế môi sinh hiện nay. Số tiền này lẽ ra nên đầu tư vào việc tái công nghiệp hóa và các vùng lãnh thổ để giảm bớt sự rạn nứt phân hóa giàu nghèo trong xã hội. Và như vậy thì chính phủ có thể đã tránh được bạo lực của phong trào Áo Vàng.
* * *
(Christian Saint-Etienne, kinh tế gia theo chủ trương tự do, giảng viên Trường Kỹ Nghệ Quốc Gia Pháp, tác giả cuốn Trump và Tập Cận Bình, những kẻ học nghề non nớt – Observatoire, 11/2018).
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181207-hoa-ky-va-trung-quoc-kiem-soat-2-ty-nguoi-ket-noi-internet
Chi tiết cuộc điều tra các phụ tá cũ
của TT Trump sắp được công bố
Công tố viên đặc biệt của Hoa Kỳ Robert Mueller vào ngày 7/12 sẽ cung cấp các chi tiết mới về việc hai trong số các phụ tá thân cận nhất của Tổng thống Donald Trump đã giúp đỡ hoặc cản trở ra sao đối với cuộc điều tra của ông Muller về khả năng có thông đồng giữa Nga và ban vận động bầu cử năm 2016 của ông Trump.
Hồi tháng trước, ông Mueller đã cáo buộc ông Paul Manafort, cựu chủ tịch ban vận động của ông Trump, về vi phạm thỏa thuận thương lượng với hành động nói dối các công tố viên, và ông Muller sẽ gửi thông tin về những lời bị cho là nói dối đó trong một hồ sơ nộp tòa án liên bang ở Washington.
Hồ sơ này có thể bao gồm những thông tin mới đưa ra ánh sáng các giao dịch làm ăn của ông Manafort hoặc việc ông ta tư vấn cho các nhân vật ở Ukraine có lợi ích thân với Kremlin.
Ông Manafort, người khăng khăng rằng ông ta đến nay vẫn trung thực với ông Mueller, từng quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump trong ba tháng hồi năm 2016.
Cũng vào ngày 7/12, văn phòng của ông Mueller và Quận hạt Nam New York sẽ nộp các bản ghi nhớ về ông Michael Cohen, cựu luật sư riêng của ông Trump.
Ông Cohen đã thú nhận đã phạm tội hình sự về tài chính tại một tòa án New York vào tháng 8, và tuần trước ông này cũng nhận tội đã nói dối với Quốc hội trong một vụ án mà ông Mueller điều tra. Việc tuyên án về cả hai vụ này sẽ do một thẩm phán quyết định.
Giờ đây, người ta sẽ tập trung sự chú ý vào việc ông Mueller có tiết lộ thông tin mới hay không để bổ sung vào lời thú nhận của ông Cohen hồi tuần trước rằng ông này đã tìm cách xin điện Kremlin giúp đỡ cho một dự án xây nhà chọc trời của ông Trump ở Moscow ở thời điểm cuộc vận động bầu cử năm 2016 đã diễn ra khá lâu.
Cuộc điều tra của ông Mueller đã làm ông Trump phẫn nộ. Ông phủ nhận không có bất kỳ sự thông đồng nào giữa đội ngũ của ông và Nga, và ông cáo buộc rằng các công tố viên của ông Mueller đã gây áp lực lên các phụ tá cũ của ông để họ nói dối về ông, cũng như về chiến dịch tranh cử và các giao dịch làm ăn của ông.
Các hồ sơ về hai ông Cohen và Manafort là bước tiếp nối một bản ghi nhớ hồi đầu tuần này về việc kết án cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump là ông Michael Flynn.
Trong bản ghi nhớ đó, ông Mueller khen ông Flynn vì đã hợp tác “nhiều” và lập luận rằng ông Flynn sẽ không bị kết án gian tù, một động thái được nhiều chuyên gia pháp lý xem như một thông điệp nói rằng nếu những người khác hợp tác, họ sẽ được thưởng xứng đáng.
Kevin Hart không làm MC cho Oscar 2019
vì scandal kỳ thị người đồng tính
Chỉ hai ngày sau khi xác nhận sẽ dẫn chương trình lễ trao giải Oscar 2019, nghệ sĩ hài Kevin Hart hôm 6/12 loan báo rút khỏi vinh dự làm MC cho chương trình này vì vướng phải một scandal kỳ thị người đồng tính trước đây.
Ông Hart thông báo trên twitter: “Tôi quyết định không nhận làm MC cho lễ trao giải Oscar năm nay … vì tôi không muốn làm tổn thương tình cảm của mọi người trong đêm lễ hội có mặt nhiều nghệ sĩ tài danh. Tôi chân thành xin lỗi cộng đồng LGBTQ vì những lời lẽ không hay của tôi trước đây.”
Trước đó trong ngày, danh hài Hart không chịu xin lỗi như đề nghị của Viện Hàn Lâm Nghệ thuật.
Trong một clip trên Instagram, ông nói: “Viện Hàn lâm vừa gọi điện cho tôi và nói rằng: “Này Kevin, hãy xin lỗi vì những phát ngôn trên Twitter… còn nếu không thì chúng tôi đành phải chọn một MC khác.”
Viện Hàn lâm hiện đang tìm một MC khác cho chương trình trao giải Oscar dự kiến diễn ra ngày 25/02/2019.
Điểm khôi hài là sau khi thông báo trên Twitter là sẽ không làm MC cho lễ Oscar nữa, thì ông lại xin lỗi cộng đồng LGBTQ.
https://www.voatiengviet.com/a/kevin-hart-khong-lam-mc-cho-oscar-2019-vi-scandal-ky-thi/4690986.html
Canada : Giám đốc tài chánh Hoa Vi
trình diện trước tòa án Vancouver
Bị Canada bắt giữ hồi đầu tháng, vào hôm nay, 07/12/2018, bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi (Huawei) được đưa ra trình diện trước tòa án Vancouver. Nội dung phiên tòa là xem xét đơn xin tại ngoại của bà, trong khi chờ đợi quyết định có cho dẫn độ bà qua Mỹ hay không.
Theo hãng tin Anh Reuters, hiện có rất ít thông tin về những cáo buộc nhắm vào bà Mạnh Vãn Châu. Bộ Tư Pháp Canada đã giữ kín vụ việc, khiến báo chí không biết gì nhiều.
Theo các luật sư, phiên tòa hôm nay chỉ là một phiên sơ bộ xem xét việc có cho bà Mạnh Vãn Châu được tại ngoại hay không và đưa ra một lịch trình. Luật sư của chính quyền Canada được cho là sẽ viện lý do Còn luật sư của bà sẽ cố cung cấp bằng chứng cho thấy là thân chủ của họ sẽ không bỏ trốn.
Nếu được tại ngoại, bà Mạnh Vãn Châu có khả năng phải đóng hàng triệu đô la tiền thế chân.
Bà Mạnh Vãn Châu bị Canada bắt hôm 01/12 theo đề nghị từ Mỹ, dường như về một số hoạt động trong quá khứ của Hoa Vi, liên quan đến việc vi phạm cấm vận Iran của Mỹ.
Theo các quan chức Mỹ, tổng thống Trump dường như không biết trước về vụ bắt giữ. Theo AFP, cố vấn An Ninh Quốc Gia Mỹ John Bolton hôm qua xác nhận biết trước về vụ bắt người nhờ thông báo của bộ Tư Pháp. Nhưng bản thân ông Bolton cho rằng ông không biết là liệu tổng thống Mỹ Donald Trump có được báo cáo về vụ bắt quan chức Hoa Vi hay không.
Riêng phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm nay khẳng định rằng cả Canada lẫn Mỹ đều không cung cấp cho Trung Quốc bất kỳ bằng chứng nào cho thấy tội trạng của lãnh đạo Hoa Vi, đồng thời đòi trả tự do ngay lập tức cho bà Mạnh Vãn Châu.
Họa vô đơn chí, lãnh đạo Hoa Vi bị bắt vào lúc Nhật Bản có ý cấm dùng ngân sách mua sản phẩm từ tập đoàn này và tập đoàn ZTE do lo ngại về an ninh.
Toyko dự kiến sửa đổi các quy tắc nội bộ về mua sản phẩm công nghệ từ Trung Quốc vào ngày 10/12 tới đây, và theo nhật báo Yomiuri vào hôm nay, các cơ quan chính phủ Nhật sẽ bị cấm mua các sản phẩm viễn thông từ hai tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc là Hoa Vị và ZTE. Quyết định này xuất phát từ lo ngại về nguy cơ rò rỉ thông tin tình báo và tấn công mạng từ các thiết bị Trung Quốc, nhất là khi cả Hoa Vi lẫn ZTE đều bị nghi ngờ có liên hệ mật thiết với chính phủ và quân đội Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181207-canada-giam-doc-tai-chanh-hoa-vi-trinh-dien-truoc-toa-an-vancouver
Liên Hiệp Quốc bác bỏ nghị quyết của Mỹ
lên án tổ chức Hamas
Washington vào hôm qua 06/12/2018 đã thất bại trong việc lên án tổ chức Hồi Giáo Palestine Hamas tại Liên Hiệp Quốc. Dự thảo nghị quyết của Mỹ đã không hội đủ 2/3 số phiếu cần thiết tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc để lên án lực lượng vũ trang Hamas vốn đã kiểm soát dải Gaza từ năm 2007.
Vào trung tuần tháng 11, Hamas đã bắn đi từ dải đất này 400 quả rocket nhắm vào Israel trong suốt 2 ngày, sau khi một lãnh đạo của họ chết vì bị đặc công Israel hạ sát. Cho dù được châu Âu ủng hộ, nhưng dự thảo nghị quyết của Mỹ lên án Hamas không được thông qua.
Thông tín viên RFI Marie Bourreau tại New York, tường thuật :
“Đại sứ Mỹ Nikki Haley, người sẽ từ chức vào cuối năm nay, xem việc thông qua dự thảo là một vấn đề cá nhân, và không ngần ngại đặt việc bỏ phiếu dưới dấu ấn đạo đức. Yếu tố thuận lợi cho Mỹ là tổ chức Hamas đã bị Mỹ và châu Âu liệt vào danh sách khủng bố, do đó có thể lần đầu tiên bị lên án.
Tuy nhiên, bà Nikki Haley đã thất bại. Nhờ vấn đề thủ tục, phía Palestine được sự hậu thuẫn của các quốc gia Ả Rập và dự thảo nghị quyết của Mỹ đã không được thông qua. Tuy nhiên, một văn kiện khác mang tính biểu tượng và mang tính đồng thuận hơn được chấp nhận. Văn kiện này gợi lại những nghị quyết trước đây, nhất là về giải pháp có hai Nhà nước và lấy Jerusalem làm thủ đô.
Ryiad Mansour, đại sứ Palestine nhấn mạnh: Chúng tôi bác bỏ một nỗ lực vô lương tâm, xem Palestine chỉ là một nhóm khủng bố, bạo động.Vấn đề là phải chấm dứt các hành vi chiếm đóng đất của người Palestine.
Văn kiện được thông qua sẽ không có tác dụng ở hiện trường, nhưng lại là một lời cảnh báo nghiêm trọng đối với Mỹ, đang chuẩn bị đưa ra một kế hoạch hòa bình cho khu vực, trong những tuần lễ tới đây.”
Tuy dự thảo nghị quyết lên án Hamas của Mỹ không được thông qua, nhưng thủ tướng Israel Netanyahu, vào hôm nay, lên tiếng hoan nghênh« đa số rộng rãi » đã ủng hộ nghị quyết, cám ơn từng nước một trong số 87 quốc gia đã bỏ phiếu thuận.
LHQ : Tân đại sứ Mỹ có thể là đương kim phát ngôn viên bộ Ngoại Giao
Đại sứ Mỹ Nikki Haley sắp từ chức vào cuối năm nay. Theo Reuters, một nguồn thạo tin hôm qua cho biết là tổng thống Trump đã quyết định đề cử phát ngôn viên bộ Ngoại Giao, bà Heather Nauert thay thế bà Haley.
Tin này lần đầu tiên được hãng tin Bloomberg đưa ra. Bộ Ngoại Giao Mỹ đã từ chối bình luận.
Bà Nauert, nguyên là một nhà báo truyền hình của đài Fox News, được cử làm phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ vào năm 2017. Bà bị cho là không có nhiều kinh nghiệm chính trị.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181207-lien-hiep-quoc-bac-bo-nghi-quyet-cua-my-len-an-to-chuc-hamas
Biểu tình Pháp:
Tháp Eiffel đóng cửa vì Paris sợ bạo động
Tháp Eiffel ở Paris sẽ đóng cửa vào thứ Bảy trong bối cảnh lo ngại cuộc biểu tình “áo vàng” chống chính phủ sẽ gây ra bạo động trên đường phố.
Trên khắp nước Pháp, 89.000 cảnh sát sẽ phải đi làm và xe bọc thép sẽ được triển khai tại thủ đô, Thủ tướng Edouard Philippe tuyên bố.
Cảnh sát đã kêu gọi các cửa tiệm và nhà hàng trên đại lộ Champs-Elysees của Paris đóng cửa và một số viện bảo tàng cũng sẽ đóng cửa.
Thứ Bảy tuần trước Paris đã chứng kiến một số cuộc nổi dậy tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Chính phủ cho biết họ đang loại bỏ việc tăng thuế nhiên liệu không được dân chúng chấp nhận trong ngân sách – kích hoạt ban đầu cho các cuộc biểu tình.
Nhưng sự bất mãn rộng lớn hơn với chính phủ đã lan rộng và các cuộc biểu tình đã tiếp tục nổ ra trên các vấn đề khác.
Chính quyền nói gì?
Một quan chức Bộ Nội vụ nói với cơ quan thông tấn AFP là chính quyền đang chuẩn bị đối phó với “bạo lực đáng kể” vào thứ Bảy, với các nhà hoạt động từ cả hai bên cực hữu và cực tả có kế hoạch hội tụ về thủ đô.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình TF1, ông Philippe cho biết 8.000 cảnh sát cũng như một tá xe bọc thép sẽ được triển khai tại Paris.
Paris bạo động: Khó khăn lớn cho Macron
Việt Nam: Biểu tình để làm gì?
Macron lệnh cải tổ Điện Élysée
Ông Philippe lập lại lời kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh nhưng nói thêm: “Chúng tôi đang đối mặt với những người không đến đây để phản đối, nhưng để phá hủy và chúng tôi muốn có phương tiện để không cho muốn làm gì thì làm.”
Trước đó, ông Philippe đề nghị nhượng bộ những người biểu tình thêm nữa, nói với Thượng viện rằng chính phủ đã mở ra những biện pháp mới để giúp những người lao động với đồng lương ít ỏi nhất.
Paris sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Giới điều hành tháp Eiffel cho biết các mối đe dọa của bạo lực từ biểu tình vào thứ Bảy khiến họ không thể nào đảm bảo “điều kiện an ninh đầy đủ”.
Chính quyền thành phố cho biết đang đẩy mạnh thêm các biện pháp bảo vệ địa danh nổi tiếng này sau khi Khải Hoàn Môn bị hư hại tuần trước.
Bộ trưởng bộ Văn hóa Franck Riester cho biết các bảo tàng viện Louvre và Orsay, nhà hát opera và khu phức hợp Grand Palais nằm trong số những địa điểm sẽ đóng cửa.
“Chúng tôi không thể để rủi ro xẩy ra khi biết có mối đe dọa”, ông nói với đài phát thanh RTL.
Cảnh sát đã yêu cầu các cửa tiệm và nhà hàng dọc theo đại lộ Champs-Elysees và các phố mua sắm lớn khác đóng cửa và không để bất cứ vật dụng như bàn ghế ở ngoài trời.
Một loạt các trận đấu bóng đá hôm thứ Bảy cũng đã bị hoãn lại. Trong đó có những trận giữa Paris và Montpellier, Monaco và Nice, Toulouse và Lyon, và Saint-Etienne và Marseille.
Đã có những cuộc biểu tình nào trước đó?
Hôm thứ Năm, nhiều người trẻ tuổi đã xuống đường, phản đối cải cách giáo dục.
Hơn 140 học sinh bị bắt khi cuộc biểu tình bên ngoài một trường học ở Mantes-la-Jolie ở Yvelines kết thúc trong các vụ đụng độ với cảnh sát. Hàng chục trường khác bị phong tỏa ở các thành phố như Marseille, Nantes và Paris.
Học sinh tức giận vì kế hoạch thay đổi kỳ thi cuối kỳ, được gọi là bằng cử nhân, của Tổng thống Emmanuel Macron. Học sinh cần vượt qua kỳ thi này để được vào đại học.
Giới phê bình lo sợ những cải cách sẽ hạn chế cơ hội cho mọi người và tạo ra bất bình đẳng xã hội.
Những người biểu tình là ai?
Những người biểu tình “áo vàng”, được đặt tên như vậy vì họ xuống đường phố mặc quần áo màu vàng có thể nhìn thấy rõ từ xa, ban đầu phàn nàn về thuế dầu diesel tăng mạnh.
Tổng thống Macron cho biết động lực của ông trong việc tăng giá là vì môi trường, nhưng những người biểu tình cáo buộc ông không nắm rõ được sinh hoạt của dân.
Chính phủ sau đó đã loại bỏ kế hoạch tăng giá xăng, nhưng những người biểu tình áo vàng vẫn không được xoa dịu. Tuần trước, phong trào này – mặc dù thiếu lãnh đạo trung ương – đã đưa ra hơn 40 yêu sách cho chính phủ.
Trong số đó có lương hưu tối thiểu, cải tổ rộng rãi hệ thống thu thuế và giảm tuổi nghỉ hưu.
Phong trào biểu tình lan tỏa mạnh qua các phương tiện truyền thông xã hội, thu hút được người từ mọi thành phần tham gia từ phía đối lập chính phủ cực tả đến phía theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu, và những người ở giữa.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46478486
Pháp Bất Ổn: 89,000 Cảnh Sát Dẹp Biểu Tình
PARIS – Chính phủ Pháp đã đình chỉ thuế nhiên liệu để xoa dịu phong trào phản đối của quần chúng – nhưng, không thấy dấu hiệu giảm căng thẳng của phong trào áo vàng, vì bất bình với chính sách của chính quyền lan rộng.
Biểu tình chống 5, 6 đề tài khác đã phát sinh. 140 người bị bắt hôm Thứ Năm tại Yvelines trong 1 cuộc biểu tình phản đối cải tổ về học đường. Hàng chục trường học bị phong tỏa tại 1 số thành phố lớn như Paris, Marseille.
Phong trào “áo vàng” đã dự định tổ chức xuống đường quy mô tại Paris trong ngày Thứ Bảy tuần này – nhà chức trách thủ đô cảm thấy lo ngại về bạo động lớn.
Biểu tình ngày 1-12 là quy mô nhất từ nhiều thập niên với hàng trăm người bị thương và bị bắt cùng với thiệt hại vật chất trị giá nhiều triệu euro.
Bộ trưởng y tế Agnes Buzyn lên tiếng quan ngại về bạo động và lên án 1 thành phần không muốn tìm kiếm thỏa hiệp.
Đài BFMTV báo tin: chính phủ có thể huy động quân đội bảo vệ các tượng đài và cơ sở công cộng.
BBC báo tin: nhiều trận túc cầu bị hoãn theo yêu cầu của cảnh sát hay chính quyền địa phương.
Kết quả phân tích dự thảo ngân sách 2018-2019 cho thấy: nhà giàu được lợi – thuế ưu đãi giới giàu chiếm 1% dân số. 20% dân số là phe nghèo nhất bị thiệt hại vì các thay đổi.
1 số tổ chức cảm thấy phấn khởi về thắng lợi của phong trào “áo vàng” định bắt đầu các hành động riêng, gồm cảnh sát, công nhân vận tải.
Báo Le Monde đưa tin: 2 nghiệp đoàn vận tải đường bộ CGT và FO định xuống đường ngày Chủ nhật. Sinh viên học sinh xuống đường ngày Thứ Năm 6-12, phản đối các cải tổ của chính quyền Macron.
TT Macron định thay đổi chương trình thi sát hạch cuối năm, đòi hỏi bằng baccalauréat để học tiếp bậc đại học. Ông Macron muốn cho phép các trường đại học tuyển sinh viên theo ý riêng.
Giới phê bình cảm thấy quan ngại về hạn chế cơ hội và thiếu công bằng.
Hàng trăm học sinh bị bắt tuần này – họ biểu tình không mặc áo vàng. Đài France 3 báo tin: khuôn viên trường Sorbonne 1 đóng cửa ngày Thứ Năm vì “lý do an ninh”.
Trong khi đó bản tin của Reuters hôm Thứ Năm cho biết Thủ Tướng Pháp Edouard Philippe nói rằng 89,000 nhân viên an ninh sẽ được bố trí trên toàn quốc vào Thứ Bảy, gồm 8,000 tại Paris, nơi mà cũng sẽ có xe bọc thép trên trường phố.
https://vietbao.com/p122a288367/phap-bat-on-89-000-canh-sat-dep-bieu-tinh
Macron, mục tiêu tấn công
của mọi phẫn uất trong xã hội Pháp
Mọi phẫn uất của xã hội Pháp đang trút cả lên Emmanuel Macron. Từ một phong trào biểu tình tự phát, chống giá xăng dầu tăng cao, những người Áo Vàng giờ đây đòi tổng thống từ chức sau 18 tháng cầm quyền.
Trong vỏn vẹn sáu tuần lễ, tổng thống Macron mất 20 điểm tín nhiệm. Không một tổng thống tiền nhiệm nào lại bị công luận phê phán gay gắt như Emmanuel Macron.
Một phần dân Pháp thực sự “căm hờn” Emmanuel Macron khi vẽ bậy lên Khải Hoàn Môn, lên những tòa nhà đòi ông từ chức. Bên cạnh đó là những lời lẽ đầy hận thù trên các trang mạng xã hội nhắm vào chủ nhân điện Elysée. Nhất cử nhất động của tổng thống Macron đều bị dân chúng la ó, phản đối.
Hơn 350.000 người Áo Vàng tham gia biểu tình ngày 01/12/2018 vẫn chưa nguôi trước những nhượng bộ liên tiếp của chính phủ, từ thông báo bãi bỏ hẳn thuế xăng dầu cho cả năm 2019 đến biện pháp tăng mức lương tối thiểu nhằm bơm thêm mãi lực cho người dân.
Theo viện thăm dò dư luận Ipsos của Pháp, trong vòng một năm, số người bất mãn vì chính sách và cá nhân ông Macron tăng 17 %.
Vì sao tổng thống Pháp lại bị công luận ghét bỏ đến như vậy ? Có hai yếu tố cho phép trả lời phần nào câu hỏi này.
Thứ nhất, về mặt hình thức, Emmanuel Macron thường xuyên có những phát biểu bị coi là khinh người. Thí dụ như khi bắt tay một người tham quan phủ tổng thống nhân ngày Di Sản, để khuyến khích đối tượng là một người đang bị thất nghiệp, tổng thống Macron nói, tìm việc làm rất dễ, “chỉ cần đi qua bên kia đường là tôi tìm được việc cho ông ngay!“.
Câu nói này của nguyên thủ Pháp đã bị đả kích mạnh mẽ. Những người khoan hồng nhất cũng cho rằng đây là lời nói vụng về. Các đối thủ chính trị của ông và công luận coi đó là bằng chứng Emmanuel Macron sống rất xa vời với thực tế, và ngụ ý tại Pháp chỉ có những người lười biếng mới bị thất nghiệp.
Giám đốc cơ quan thăm dò dư luận của Ifop, Jérôme Fourquet nhận định, “trong một xã hội Pháp từ năm 1995 đã ngày càng bị chia rẽ , những phát biểu kiểu này càng đổ thêm dầu vào lửa“. Một cây bút uy tín trên nhật báo Le Monde, Gérard Courtois, cho rằng, Emmanuel Macron đang phải “trả giá” cho những phát biểu thiếu tế nhị của ông chạm vào tự ái của những thành phần kém may mắn trong xã hội. Ông bị coi là “tổng thống của những người giàu có“.
Lý do thứ nhì khiến một phần công luận Pháp quay lưng lại với tổng thống Emmanuel Macron là do vị tổng thống trẻ tuổi này đã tập trung quyền lực nhiều hơn tất cả những người tiền nhiệm. Vẫn theo nhà báo Courtois của tờ Le Monde, Emmanuel Macron đã “bước lên tuyến đầu trên tất cả mọi công trình cải tổ, xem thủ tướng Edouard Philippe và các bộ trưởng như những người thi hành quyết định của phủ tổng thống“. Trong hoàn cảnh đó, đương nhiên mọi cặp mắt đều hướng về điện Elysée.
Trong số những quyết định cải tổ quan trọng trong 18 tháng qua, mọi người lại chú ý nhiều đến quyết định bãi bỏ thuế đánh vào tài sản lớn của người giàu – ISF. Biện pháp này được thông qua vào tháng 6/2018. Gần một năm trước đó, chính phủ đã quyết định cắt giảm trợ cấp nhà ở cho người có thu nhập thấp, trong đó có thành phần sinh viên. Ông Macron khi đó đã buông lời bình luận : “Cắt trợ cấp 5 đồng bạc một tháng có là bao !” Lập tức tổng thống Pháp bị chỉ trích là ông không biết rằng 5 euro mỗi tháng đó lớn tới cỡ nào đối với người nghèo.
Về thực chất, cả hai biện pháp vừa nêu không tác động nhiều đến kinh tế Pháp, nhưng với công luận, rõ ràng Emmanuel Macron đứng về phía người giàu. Như ghi nhận của giám đốc viện thăm dò IFOP đó là ngòi lửa, dẫn tới sự bùng nổ hiện nay.
Emmanuel Macron đắc cử nhờ chương trình cải tổ đầy tham vọng theo hướng tự do, hướng về doanh nghiệp và giới chủ, bởi theo ông, họ khả năng giải quyết thất nghiệp và đem lại tăng trưởng cho đất nước. Có điều, trong 18 tháng qua, tổng thống Pháp điều hành đất nước như một “công ty khởi nghiệp start up Nation” mà lơ là với những trăn trở khác của xã hội.
Bernard Sananès điều hành cơ quan thăm dò dư luận Elabe nhận định về phong trào Áo Vàng như sau : “Phản đối tăng thuế xăng dầu là điểm khởi đầu. Động cơ của những người xuống đường là đấu tranh bảo vệ mãi lực, nhưng chính tinh thần căm thù Emmanuel Macron khiến tình hình trở nên dồn dập hơn trong ba tuần qua“.
http://vi.rfi.fr/phap/20181207-macron-muc-tieu-tan-cong-cua-moi-phan-uat-trong-xa-hoi-phap
Pháp: Hơn 200 trường bị phong tỏa,
700 học sinh bị câu lưu
Vào hôm qua, 06/12/2018, đã có đến 280 trường trung học tại Pháp bị xáo trộn do phong trào học sinh phản đối một số cải cách, như thi tú tài hay vào đại học. Sau một số vụ xô xát, khoảng 700 học sinh đã bị câu lưu, chủ yếu tại vùng phụ cận Paris.
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, phong trào học sinh phản đối cải cách giáo dục đang lan rộng, không chỉ ở Paris và vùng phụ cận mà còn ở các tỉnh thành, từ Orléans, Grenoble cho đến Annecy, Toulouse, Marseille…
Các công đoàn và liên đoàn phụ huynh học sinh kêu gọi bộ Giáo Dục Pháp lắng nghe ý kiến các học sinh, yêu cầu bãi bỏ cải cách dự kiến, đặc biệt là về cuộc thi tú tài cũng như về việc vào đại học.
Các học sinh biểu tình không chỉ bãi khóa, phong tỏa trường học, một số học sinh còn đốt thùng rác, xe cộ, ném gạch đá vào cảnh sát. Lực lượng an ninh đã phản ứng, và có đến 700 học sinh bị câu lưu.
Tuy nhiên, cảnh một cảnh câu lưu các học sinh đã gây sốc trong dư luận, như tại Mantes-la-Jolie, ngoại ô Paris, nơi có hơn 140 em bị bắt. Một đoạn video cho thấy cảnh các học sinh bị bắt quỳ hoặc ngồi dưới đất, tay vòng sau lưng hoặc để trên đầu.
Bộ trưởng Giáo Dục Jean Michel Blanquer vào hôm nay, 07/12, cho là bản thân ông cũng bị sốc khi thấy những hình ảnh này. Nghị sĩ các đảng cánh tả, từ đảng Xã Hội, Cộng Sản, cho đến đảng Nước Pháp Bất Khuất, đã lên tiếng chỉ trích một hành động « làm nhục thanh thiếu niên ».
Một nghị sĩ đảng Cộng Hòa Tiến Bước đang cầm quyền cũng nhận thấy đây là những hình ảnh khó có thể chấp nhận. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh là trong số những người bị bắt có những kẻ che mặt, trang bị dụng cụ để phá hủy, để đốt phá cơ sở, thể hiện ý muốn rõ ràng gây bạo động.
http://vi.rfi.fr/phap/20181207-hoc-sinh-phap-phong-toa-hon-200-ngoi-truong-700-em-bi-cau-luu
Paris triển khai xe thiết giáp,
đóng cửa tháp Eiffel đề phòng bạo động
Lo ngại trước khả năng bạo động sẽ lại bùng lên với đợt biểu tình thứ tư của phong trào Áo Vàng vào ngày mai, thứ Bảy 08/12/2018, chính quyền Pháp đã cho tăng cường an ninh tối đa trên toàn quốc.
Đặc biệt tại Paris, lần đầu tiên từ năm 2005 đến nay, hơn một chục xe thiết giáp chống bạo động sẽ được triển khai, hỗ trợ cho lực lượng an ninh gồm khoảng 8.000 người, trong tổng số 89.000 cảnh sát và hiến binh được huy động trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, Paris đã cho đóng cửa một số địa điểm du lịch như Tháp Eiffel, bảo tàng Louvre… vào cuối tuần, đồng thời kêu gọi các cửa hàng kinh doanh tại các điểm “nóng” như đại lộ Champs-Elysées phải có biện pháp cụ thể để tự bảo vệ, chống bị đập phá.
Theo giới quan sát, việc điều động xe thiết giáp chống bạo động là một biện pháp rất hiếm hoi. Lần cuối cùng loại xe bọc thép chạy bằng bánh cao su này được triển khai để duy trì trật tự trên lãnh thổ Pháp là vào năm 2005, khi nổ ra những vụ bạo động tại ngoại ô một số thành phố.
Phát biểu trên đài truyền hình TF1 vào hôm qua, 06/12, thủ tướng Pháp Edouard Philippe giải thích rằng chính quyền phải dùng đến phương tiện trấn áp đặc biệt này vì lực lượng an ninh có nguy cơ phải đối mặt với “những phần tử đến Paris không phải để biểu tình, mà chỉ là để đập phá”.
Theo hãng tin Pháp AFP, loại xe thiết giáp chống bạo động đã được lực lượng hiến binh Pháp sử dụng từ năm 1975. Loại xe được sơn màu xanh này cỏ vỏ dày chống đạn, có thiết bị bắn lựu đạn cay và phun khói cay, và có thể được trang bị phương tiện phá các rào cản để mở đường cho lực lượng an ninh.
Ngoài việc lực lượng an ninh được tăng cường đáng kể, hàng chục bảo tàng, địa điểm văn hóa, du lịch nổi tiếng của Paris cũng sẽ đóng cửa vào cuối tuần, trong đó có biểu tượng của Paris và nước Pháp là Tháp Eiffel. Trong danh sách những nơi đóng cửa còn có bảo tàng Louvre, bảo tàng Orsay, và dĩ nhiên là Khải Hoàn Môn, từng bị phá hoại và cướp bóc hôm 01/12.
Nhiều hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ cũng bị hủy bỏ, kể cả những trận bóng đá trong giải Vô Địch nước Pháp. Cảnh sát Paris còn khuyến cáo các cửa hàng dọc đại lộ Champs-Elysées đóng cửa vào ngày mai 08/12, và có những biện pháp tự bảo vệ mình chống đập phá như dùng các tấm ván che chắn cửa kính …
Cũng nằm trong số các biện pháp dự phòng bạo động, Viện Công Tố Paris bật đèn xanh cho việc kiểm tra căn cước, khám xét vật dụng cá nhân mang theo của bất kỳ ai tại những “địa điểm nhạy cảm”. Cảnh sát có nhiệm vụ câu lưu ngay lập tức những kẻ đến Paris nhưng mang theo vũ khí hay vật dụng bị tình nghi là nhằm đập phá hay “ăn thua đủ” với lực lượng bảo vệ trật tự, trị an.
Phát biểu trên đài phát thanh Pháp RTL, chưởng lý Paris Rémy Heitz cho biết là những nơi nhạy cảm là nhà ga, bến xe và một số nơi khác. Mục tiêu của quyết định này là ngăn ngừa tận gốc các hành vi bạo động, phá hoại.
http://vi.rfi.fr/phap/20181207-paris-trien-khai-xe-thiet-giap-dong-cua-thap-eiffel-du-phong-bao-dong
Công Ty Internet Anh
Loại Bỏ Thiết Bị Viễn Thông Của Huawei
Khoảng đầu tháng 12/2018, BT Group Plc, tập đoàn viễn thông của Anh, đã công bố kế hoạch loại bỏ thiết bị của Huawei khỏi hệ thống mạng 4G của mình trong vòng 2 năm tiếp theo. Đồng thời, nhà mạng cũng từ chối cho Huawei tham gia đấu thầu thiết bị mạng 5G.
BT cho biết kế hoạch nằm trong chiến lược nội bộ của tập đoàn, qua đó đẩy thiết bị của Huawei khỏi hạ tầng mạng viễn thông vì quan ngại nguy cơ bảo mật. Tuy nhiên, BT cho biết vẫn sẽ tiếp tục sử dụng những thiết bị của Huawei ở những phần được xem là “an toàn” của hệ thống.
Anh là cái tên mới nhất gia nhập vào danh sách những quốc gia đang cấm vận thiết bị viễn thông của Huawei. Trước đó, Mỹ cũng đã cấm các cơ quan chính phủ và đối tác sử dụng thiết bị viễn thông của thương hiệu Trung Quốc, thậm chí còn kêu gọi các nước đồng minh làm điều tương tự.
Dù không đưa ra kế hoạch loại bỏ mạnh tay như BT của Anh, một số quốc gia như Úc và New Zealand cũng đã từ chối cho Huawei đấu thầu cung cấp hạ tầng mạng 5G vì lý do an ninh quốc gia. Về phía Huawei, hãng khẳng định mình hoàn toàn không có liên quan gì tới chính phủ Trung Quốc và thiết bị viễn thông của hãng vẫn đảm bảo về bảo mật.
https://vietbao.com/p122a288360/cong-ty-internet-anh-loai-bo-thiet-bi-vien-thong-cua-huawei
Nga: Bắt bà Mạnh Vãn Chu
cho thấy Mỹ quá ngạo mạn
Hôm 7/12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói việc bà Mạnh Vãn Chu, Phó Chủ tịch Công ty Huawei của Trung Quốc bị bắt tại Canada là một minh chứng cho chính sách “kiêu ngạo” của Hoa Kỳ ở nước ngoài.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Milan, ông Lavrov cho biết việc bắt giữ bà Mạnh cho thấy Washington đã áp dụng luật riêng của mình ngoài phạm vi quyền hạn như thế nào.
Bà Mạnh Vãn Chu, 46 tuổi, cũng là con gái của người sáng lập công ty, đã bị Canada bắt vào ngày 1/12 theo yêu cầu của Hoa Kỳ.
Vụ bắt giữ bà Mạnh, được chính quyền Canada tiết lộ ngày 5/12, là một phần trong cuộc điều tra của Hoa Kỳ về cáo buộc sử dụng hệ thống ngân hàng toàn cầu để tránh các trừng phạt của Washington đối với Iran.
https://www.voatiengviet.com/a/nga-bat-ba-manh-van-chu-cho-thay-my-qua-ngao-man/4690761.html
Tổng thống Đức nhắc nhở giới trẻ TQ
về tai họa của chủ nghĩa Marx
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier phát biểu với các sinh viên Trung Quốc hôm 7/12 rằng có những “tai họa” đã xảy ra ở Đức và Đông Âu nhân danh Karl Marx, nhưng ông Marx cũng đã đấu tranh cho một số điều trong đó có tự do báo chí.
Phát biểu với các sinh viên tại Đại học Tứ Xuyên ở tây nam Trung Quốc, ông Steinmeier ghi nhận việc Trung Quốc đã tặng một bức tượng lớn của người sáng lập chủ nghĩa cộng sản cho quê hương ở Đức của ông là Trier.
“Trong năm kỷ niệm này, tôi thấy dường như người Đức và người Trung Quốc có lẽ có những quan điểm rất khác nhau không chỉ về các vấn đề thời sự, mà cả về những tư tưởng lịch sử và hàn lâm”, ông Steinmeier nói, theo bản sao bài phát biểu do đại sứ quán Đức ở Bắc Kinh cung cấp.
Chắc chắn ông Marx là một nhà trí thức vĩ đại, một triết gia, kinh tế gia, sử gia và nhà xã hội học có ảnh hưởng của Đức, song cũng là“một nhà giáo và lãnh tụ công nhân không thành công lắm”, Tổng thống Đức nói.
“Tuy nhiên, cũng có một điều chắc chắn là ông Marx là một người hết sức ủng hộ nhân văn. Ông đòi phải có tự do báo chí, điều kiện làm việc nhân đạo, giáo dục phổ thông, quyền chính trị cho phụ nữ và bảo vệ môi trường”, ông Steinmeier phát biểu.
Nhưng tư tưởng của ông Marx không chỉ là lý thuyết, ông Steinmeier nói.
“Chúng tôi, những người Đức, không thể nói về ông Marx mà không nghĩ đến những tai họa xảy ra nhân danh ông ở Đông Đức và Đông Âu trong thời kỳ khốn khổ sau Bức màn Sắt”.
Trong thời gian đó, chủ nghĩa Marx là tất cả mọi thứ và các cá nhân bị coi là con số 0, các gia đình bị xé lẻ, hàng xóm hại lẫn nhau, và “con người bị giam giữ sau các bức tường còn những người cố gắng bỏ trốn đều bị sát hại”, ông nói.
Ông Steinmeier không đưa ra những lời chỉ trích cụ thể nhằm vào Trung Quốc.
Lịch sử của Đức, ông nói, trong nhiều năm được đánh dấu bởi “chế độ độc tài và đàn áp”.
Steinmeier nói: “Điều này khiến chúng tôi đặc biệt nhạy cảm và nhận thức được những gì xảy ra với những người không có chung ý kiến với số đông, những người thuộc sắc dân thiểu số, muốn thực hành tôn giáo của họ, hoặc vận động ôn hòa về các tư tưởng và đức tin của họ”.
Đức : Đảng CDU họp đại hội
và quyết định người kế nhiệm bà Merkel
Liên Minh Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDU vào hôm nay 07/12/2018 đã mở đại hội tại thành phố Hamburg để bầu ra lãnh đạo mới thay thế bà Merkel. Tân chủ tịch của đảng CDU rất có thể sẽ trở thành thủ tướng Đức tiếp theo, kế nhiệm bà Merkel.
Đại hội đảng CDU lần này có dấu hiệu rất sôi động, vì đây là lần đầu tiên từ gần nửa thế kỷ nay các đại biểu được chọn người đứng đầu giữa ba ứng cử viên, chứ không phải là phê duyệt một người được ban lãnh đạo Đảng chọn trước.
Đặc phái viên RFI Pascal Thibaut từ Hambourg phân tích :
“Phải ngược trở về năm 1971 mới thấy một đại hội đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDU mà chủ đề không phải là chọn một người được chỉ định trước để lãnh đạo đảng.
Có nghĩa là không khí rất căng thẳng tại đại hội lần thứ 31 này, sau 18 năm bà Merkel được bầu lên rồi liên tiếp được bầu lại. Đã có 8 hội nghị cấp vùng được tổ chức, với 3 ứng viên ra trình diện các đảng viên cơ sở, đó là chưa kể đến một loạt sự kiện khác và những lần phỏng vấn trên truyền thông.
Jens Spahn, 38 tuổi, vị bộ trưởng Y Tế đầy cao vọng, còn bảo thủ hơn bà Merkel, được xem như gương mặt thứ yếu, và cuộc đấu chủ yếu là giữa hai ứng viên bà Annegret Kramp – Karrenbauer hay AKK, và ông Friedrich Merz.
AKK là tổng thư ký đảng CDU, thân cận với bà Merkel, cho dù trong những tuần lễ gần đây, bà cố giữ khoảng cách với thủ tướng Đức. Còn Friedrich Merz, đã rời chính trị từ gần 10 năm nay, là một cựu đối thủ của bà Merkel, chủ trương một đường lối bảo thủ hơn về giá trị hay chính sách kinh tế.
Cuộc chạy đua rất mở và kết quả khó dự đoán. Friedrich Merz có vẻ đã chiêu dụ được đảng viên cơ sở trong các hội nghị vùng. Thế nhưng, trong các cuộc thăm dò ý kiến nơi các cảm tình viên của đảng CDU, bà AKK dẫn đầu.
Dẫu sao thì với việc bầu hôm nay, 1001 đại biểu đảng CDU sẽ chỉ định người sắp tới đây làm ứng viên thủ tướng.”
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181207-duc-dang-cdu-hop-dai-hoi-va-quyet-dinh-nguoi-ke-nhiem-ba-merkel
TQ giận vụ bắt Mạnh Vãn Chu
và tìm tin Trương Thủ Thịnh chết
Dư luận, báo chính thống của Trung Quốc giận dữ với Mỹ và Canada vụ bắt giám đốc tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Chu và quan tâm tin nhà khoa học Trương Thủ Thịnh ở Stanford vừa chết.
Cả hai sự việc này đều xảy ra ngày 1/12/2018, cùng thời gian Tổng thống Donald Trump trao đổi và ăn tối với Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề G20 ở Buenos Aires.
Sau khi tin bà Mạnh bị bắt ở Vancouver lan về đến Trung Quốc, chính phủ nước này gọi vụ việc là “sự vi phạm nhân quyền”, và yêu cầu Canada thả bà ngay.
Thủ tướng Canada, ông Justin Trudeau cho hay hôm 06/12 rằng chính phủ ông được phía Mỹ thông báo trước “vài ngày” về yêu cầu bắt bà Mạnh.
Mạnh Vãn Chu là ai và sao không mang họ bố?
Phó chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt
Hãng ZTE của TQ ‘có thể gây hại cho an ninh Anh Quốc’
Tuy thế, ông Trudeau nói Canada không có dính líu ở cấp độ chính trị trong vụ việc vì nước ông có hệ thống tư pháp độc lập và chính phủ tôn trọng quyết định của tòa án.
Bà Sabrina Mạnh Vãn Chu được quyền ra toà để yêu cầu tại ngoại theo thủ tục pháp lý của Canada.
Hoa Kỳ thì yêu cầu Canada trao nộp bà để điều tra vi phạm cấm vận công nghệ với Iran mà Washington cho là Huawei đã gây ra.
Canada cùng Hoa Kỳ, Anh, New Zealand và Úc thuộc nhóm ‘Five Eyes’ lập ra để chia sẻ thông tin tình báo.
Hoa Kỳ ‘bất hảo, còn Canada là chó’
Sang hôm 07/12, báo chí và dư luận Trung Quốc tiếp tục lên tiếng về vụ việc gây chấn động nước này, đúng vào khi cuộc thương chiến với Mỹ tưởng như sắp có hạ nhiệt.
Như một dấu hiệu vụ việc đánh động giới quyền lực cao nhất của Trung Quốc, trang Global Times của Đảng Cộng sản chạy bài và ảnh trên trang nhất, gọi vụ bắt Mạnh Vãn Chu là một phần của “chiến lược ngăn chặn Trung Quốc” mà Washington đang làm.
Lần đầu tiên từ nhiều năm, báo Trung Quốc gọi Hoa Kỳ là quốc gia “bất hảo đáng kinh tởm” (despicable rogue) vì đang thách thức vị thế thượng phong của Trung Quốc trong thị trường 5G.
Trang China Daily cũng phê phán Hoa Kỳ còn Tân Hoa Xã thì đăng lại tuyên bố của Bộ Ngoại giao yêu cầu thả bà Mạnh ngay lập tức.
Tuy thế, trang tiếng Trung của Nhân dân Nhật báo không nói gì đến vụ Huawei, tập đoàn toàn cầu có doanh số nhiều tỷ đô la của Trung Quốc.
Nhưng phần đối ngoại và của tờ báo đăng lại tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về bà Mạnh Vãn Chu, con gái ông Nhậm Chính Phi, tỷ phú có thế lực ở Trung Quốc.
Báo Hong Kong có vẻ ủng hộ chính quyền trung ương về vụ Huawei.
Ta Kung Bao lên án vụ bắt này là “vi phạm nhân quyền và tự do nghiêm trọng”, còn Wen Wei Bao (Văn Hối Báo) nói vụ này làm ngược lại toàn bộ “hưu chiến” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về thương mại.
Tờ Ming Pao cho rằng đây là một phần chiến lược ngăn chặn Trung Quốc trong ngành công nghệ cao của Hoa Kỳ.
Trang South China Morning Post thì trích lời giới chuyên gia nói Hoa Kỳ có thể dùng vụ bắt bà Mạnh để gây sức ép với Trung Quốc trong giai đoạn “hưu chiến” 90 ngày.
Tuyên bố của Huawei đăng hôm 6/12 trên mạng xã hội được hàng chục nghìn người bấm ‘like’.
Có dân mạng Trung Quốc đăng ý kiến gọi vụ này cho thấy “Canada chỉ là con chó của chủ Mỹ”.
Một bình luận được nhiều người bấm ‘like’ nói “Huawei không thể bị đánh bại trên thị trường nên chúng nó bắt đầu chơi bẩn”.
Cũng có ý kiến cảnh báo không nên để tình ái quốc bị kéo vào vụ này.
Cái chết của giáo sư Trung Quốc ở Stanford
BBC Monitoring ghi nhận người dùng mạng Weibo ở Trung Quốc cũng chú ý đến vụ nhà vật lý học Trương Thủ Thịnh (Zhang Shoucheng), chết ở Mỹ cũng vào hôm 1/12 vì trầm cảm.
Chừng 270 triệu lượt đọc đã bấm vào tin nói ông Trương qua đời ở tuổi 55.
Có quốc tịch Mỹ, ông Trương làm việc ở ĐH Stanford và cũng là người lập ra công ty Danhua Capital, nay có tên là Digital Horizon Capital.
Theo tờ China Morning Post, mạng xã hội Trung Quốc đồn đoán nhiều về chuyện cái chết của ông có liên quan hay không đến các cuộc điều tra của Hoa Kỳ.
Theo điều 301 luật thương mại Mỹ dùng để điều tra các vụ “hoạt động bất công” của Trung Quốc nhằm chiếm đoạt công nghệ cao của Hoa Kỳ, tên công ty Danhua bị nêu trong hồ sơ dùng vốn từ Trung Quốc.
Dân mạng Trung Quốc cố tìm hiểu xem vụ công ty Danhua có liên quan gì đến Huawei và vụ bắt bà Mạnh hay không.
Được biết năm 2013, ông Trương Thủ Thịnh lập ra công ty Danhua để khai thác mảng trí tuệ nhân tạo, số liệu, tự động hóa và blockchain.
Công ty này, có trụ sở ở California, đã nhận được vốn đầu tư 434 triệu USD, theo Crunchbase.
Nhà đầu tư chính của Danhua là Zhongguancun Development Group, tập đoàn của nhà nước do chính quyền thành phố Bắc Kinh bỏ tiền thành lập.
Tuy thế, gia đình ông Trương bác bỏ chuyện ông tử vong có liên quan gì đến thương chiến Mỹ – Trung và yêu cầu mọi người tôn trọng sự riêng tư của họ.
“Những thông tin sai trái chỉ làm tăng thêm đay khổ cho gia đình giáo sư Trương,” một đại diện cho gia đình ông ra thông báo.
Sinh năm 1963 ở Thượng Hải, ông Trương làm bằng tiến sỹ ngành vật lý ở State University of New York tại Stony Brook, nơi ông được thầy là nhà vật lý được giải Nobel, Dương Chấn Ninh (Yang Chen-ning) hướng dẫn.
Các đồng nghiệp của ông Trương ở Standford ca ngợi ông là một nhà tiên phong đầy trí tuệ trong lĩnh vực vật lý lý thuyết.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46480878
Học giả TQ mơ ước về hạm đội 5-6 tàu sân bay
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng hải quân nước này phải đóng thêm 2-3 tàu sân bay nữa để phục vụ chiến lược vươn ra biển lớn.
“Hải quân Trung Quốc (PLAN) cần ít nhất 5 hàng không mẫu hạm để thực hiện những thay đổi chiến lược khi chuyển trọng tâm từ ‘phòng thủ duyên hải’ sang ‘phòng vệ đại dương'”, chuyên gia quân sự Song Zhongping ở Bắc Kinh tuyên bố trong cuộc thảo luận gần đây về thông báo khởi đóng tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc, Global Times ngày 5/12 đưa tin.
Theo Song, hai tàu sân bay đầu tiên của Bắc Kinh Liêu Ninh và Type 001A hiện vẫn sử dụng phương pháp cất cánh kiểu nhảy cầu truyền thống, nên chỉ có thể thực hiện nhiệm vụ ở vùng biển gần bờ. Chiếc thứ ba Type 002 vừa được khởi đóng nhiều khả năng được trang bị máy phóng điện từ và có thể triển khai ở vùng biển xa hơn.
Chuyên gia hàng hải Wang Yunfei thì cho rằng PLAN cần có 6 tàu sân bay nhằm đảm bảo có đủ lực lượng hiện diện liên tục trên biển khi các tàu khác phải nằm bờ để bảo dưỡng.
Wang dự đoán Trung Quốc sẽ đóng thêm ba tàu sân bay, trong đó chiếc thứ tư chạy bằng động cơ thông thường và hai chiếc tiếp theo sử dụng động cơ hạt nhân. Mục tiêu sở hữu 6 tàu sân bay nhiều khả năng sẽ được hoàn thành trong giai đoạn 2030-2035.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hiện chưa tiết lộ thông tin cụ thể nào về việc đóng thêm các tàu sân bay mới. Phát ngôn viên quân đội Trung Quốc Nhậm Quốc Cường hồi tháng 11 tuyên bố việc phát triển tàu sân bay phải dựa vào kế hoạch quân sự tổng thể và tiềm lực quốc gia.
Tuy nhiên, giới quan sát quốc tế cho rằng mơ ước về hạm đội 5-6 tàu sân bay của các chuyên gia Trung Quốc nhiều khả năng sẽ gặp trở ngại lớn và khó thành hiện thực trong tương lai gần do những trở ngại về kinh tế và công nghệ.
Một số nguồn tin của tờ SCMP gần đây tiết lộ dự án đóng tàu sân bay thứ tư của Trung Quốc đang bị chững lại do thiếu ngân sách, hậu quả của những tác động từ chiến tranh thương mại với Mỹ và hoạt động cải tổ quân đội nước này. Chi phí cho chương trình phát triển tiêm kích hạm J-15 bị đội lên đáng kể cũng cản trở tham vọng tàu sân bay Trung Quốc.
http://biendong.net/bien-dong/25161-hoc-gia-tq-mo-uoc-ve-ham-doi-5-6-tau-san-bay.html
Doanh nghiệp tại TQ
trì hoãn dịch chuyển sang Việt Nam
Nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc đang xem xét lại việc chuyển hoạt động sang Việt Nam sau khi Mỹ-Trung bước vào giai đoạn ‘đình chiến’ 90 ngày.
Theo SCMP, thời gian hòa hoãn 90 ngày để Mỹ không tăng mức áp thuế lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đã khiến các nhà sản xuất tại Trung Quốc đủ yên tâm để trì hoãn các kế hoạch di chuyển nhà máy.
Mức thuế 10% được coi là khó khăn nhưng các doanh nghiệp hầu hết có thể chấp nhận được, trong khi mức thuế 25% sẽ là “giấy khai tử” cho nhiều công ty và là động lực chính cho các nhà sản xuất tại Trung Quốc di dời sang quốc gia khác.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, thời gian 90 ngày là quá ngắn ngủi để đàm phán thành công các giải pháp cho sự khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc trong các vấn đề hóc búa như cải cách doanh nghiệp nhà nước và kế hoạch công nghiệp “Made in China 2025”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc nếu sau 90 ngày mà Trung Quốc không nhượng bộ.
Các chuyên gia cho rằng, mối đe dọa thuế quan cao hơn dự kiến sẽ vẫn còn và kéo dài trong nhiều năm, ngay cả khi giai đoạn hòa hoãn được mở rộng.
Nhiều nhà sản xuất hàng xuất khẩu tại Trung Quốc đang lo ngại chi phí di dời sang Việt Nam cao và đang tăng lên.
Xie Jun, một nhà xuất khẩu đồ gỗ có trụ sở tại tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc, cho biết, chi phí xây dựng một nhà máy mới ở Việt Nam đã tăng vọt trong vài tháng qua.
“Vì vậy, thỏa thuận ngừng chiến tranh thương mại thực sự là cứu cánh đối với chúng tôi. Và chúng tôi hy vọng chính phủ thực sự có thể chấm dứt cuộc chiến vào năm tới”, Xie nói.
Ông này cũng cho biết, một chủ nhà máy sản xuất bọt xốp và bọt biển của Chiết Giang đã mở một nhà máy ở tỉnh Đồng Nai vào đầu năm nay với chi phí gần 10 triệu nhân dân tệ (1,4 triệu USD) chỉ trong giai đoạn đầu di dời. Chủ nhà máy này phải trả tiền chuyển đổi các nhà máy công nghiệp, chuyển các dây chuyền sản xuất tự động từ Chiết Giang sang cũng như trả phụ cấp để gửi công nhân lành nghề Trung Quốc ở đó.
Nhiều nhà máy Trung Quốc gặp khó khăn từ mùa hè vừa qua với việc di dời sau khi nhận thấy chi phí sản xuất không còn rẻ ở các địa phương của Việt Nam như TP.HCM, Bình Dương, Long An và Đồng Nai.
Điều đáng nói, năm nay có khoảng 5.000-6.000 nhà máy ở Trung Quốc đã cử người sang xem xét việc chuyển sản xuất sang Việt Nam, thuế quan đối với hàng xuất khẩu từ Trung Quốc.
Bởi ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài “di cư” đến Việt Nam nên chi phí đất đai, lao động và vật liệu xây dựng ở Việt Nam đã tăng lên. Tại khu công nghiệp Giang Điền, tỉnh Đồng Nai, giá thuê đất công nghiệp dài hạn lên đến 50 năm là 90 USD/m2 so với tháng trước , tăng từ 60-70 USD vào năm ngoái.
Tiền thuê nhà hàng tháng tại các khu công nghiệp gần TP.HCM đã tăng lên 4 USD/m2 so với 3 USD năm ngoái, theo Vincy Nguyen, Giám đốc kinh doanh của BW Industrial Development, công ty xây dựng và quản lý các khu công nghiệp.
Hsu Yu-lin, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Đài Loan tại Việt Nam, cho biết, sự gia tăng đột biến trong việc di dời này là do có những lo ngại về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Đã có hơn 100 nhà máy thuộc sở hữu của Đài Loan chuyển từ đại lục sang Việt Nam trong vài tháng qua. Số lượng các nhà máy thuộc sở hữu của Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) đã di chuyển phải gấp ba lần hoặc nhiều hơn”, Hsu nói.
Ông cũng nói thêm rằng, chuỗi cung ứng sản xuất giày dép, quần áo và phụ kiện đã phát triển nhanh chóng ở Việt Nam trong những năm gần đây.
Năm nay các nhà máy sản xuất hàng điện tử bắt đầu chuyển dịch từ Trung Quốc do lo ngại chiến tranh thương mại.
Đối với những công ty còn lại ở Trung Quốc, việc cắt giảm thuế quan đã cho phép họ bám víu vào khả năng có thể không cần phải di chuyển, ít nhất là trong ngắn hạn.
“Thực ra, biên lợi nhuận rất mỏng cho các nhà sản xuất Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Xie nói.“Rất rủi ro và khó khăn cho chúng tôi để quyên góp 1 triệu đô la tiền mặt để bắt đầu hoạt động mới bên ngoài đại lục. Chúng tôi sẽ chỉ làm điều đó nếu không có thêm đơn đặt hàng.
Chi phí di chuyển sang Việt Nam thậm chí còn cao hơn việc xây dựng một nhà máy có cùng kích cỡ ở Chiết Giang. Nhưng anh không có lựa chọn nào vì khách hàng Mỹ của anh ngày càng đặt hàng tại các nhà máy ở Việt Nam, thay vì nhà máy ở Chiết Giang”, ông Xie cho biết thêm
Chiến tranh thương mại với Mỹ
“thổi bùng” nỗi lo thất nghiệp ở TQ
Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu quan ngại về tình trạng thất nghiệp ở nước này trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã hạ nhiệt nhưng chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại.
SCMP đưa tin, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc ngày 5/12 đã đưa ra các chính sách mới liên quan tới tình trạng thất nghiệp. Cụ thể, theo văn bản đăng tải trên một trang web chính phủ, các biện pháp trên bao gồm việc hoàn trả khoản đóng bảo hiểm thất nghiệp cho các công ty không sa thải nhân viên hay ban hành các chính sách cho người thất nghiệp trong độ tuổi từ 16-24 thay vì chỉ có chính sách cho sinh viên mới tốt nghiệp không có việc làm như trước đây.
Theo SCMP, chính sách trên đã được soạn thảo từ ngày 16/11, nhưng mới chỉ được công bố trong tuần này. Tuy nhiên, nó đã được chuyển xuống cho các chính quyền địa phương từ tháng trước. Các chính quyền này có 30 ngày để tự soạn thảo ra chính sách riêng của họ dựa vào chính sách chung, nhằm phù hợp cho hoàn cảnh từng nơi.
Từ trước tới nay, Bắc Kinh luôn ưu tiên việc ổn định thị trường việc làm hơn các mục tiêu kinh tế. Văn bản mới được công bố cho thấy mối quan ngại của chính phủ trung ương về việc liệu họ có thể chống chọi với viễn cảnh tình trạng thất nghiệp gia tăng hay không, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ vẫn đang làm giảm nhu cầu tuyển dụng từ các doanh nghiệp, tập đoàn, cụ thể là từ các nhà sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
Trong khi các số liệu chính thức cho thấy tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức ổn định, khoảng 4,9% vào tháng 10, thì các chỉ số khác cho thấy thị trường việc làm ở Bắc Kinh đang ít nhiều bị ảnh hưởng. Điển hình như các nhà máy xuất khẩu ra nước ngoài trong vài tháng qua đã phải cắt bớt nguồn lao động do nhu cầu giảm sút.
Trong lĩnh vực xuất khẩu, nhu cầu tuyển dụng giảm hơn một nửa so với quý 3, theo Viện nghiên cứu tình trạng thất nghiệp Trung Quốc. Thống kê trên cho thấy, số lượng việc làm đặc biệt giảm sút ở các thành phố duyên hải như Ninh Ba (Chiết Giang) hay Giang Tô (Tô Châu). Đây là những tỉnh có nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại quốc tế.
“Vấn đề việc làm đang đối mặt với những thách thức mới, cụ thể là từ khi căng thẳng thương mại bùng phát”, ông Zhang Yizhen, một quan chức về nguồn nhân lực và bảo hiểm xã hội, nhận định. Ông Zhang nói rằng những công ty có hoạt động làm ăn với Mỹ đều đang chịu áp lực rất lớn về vấn đề nhân sự.
Chính vì vậy, động thái của Hội đồng Nhà nước được cho là nhằm giải quyết những mối lo ngại về thất nghiệp của chính phủ. Theo đó, các công ty không đuổi việc nhân viên hoặc chỉ cho một số ít nghỉ việc có thể được hoàn lại 50% tiền bảo hiểm thất nghiệp. Các công ty đang trong điều kiện khó khăn tạm thời nhưng không tinh giảm biên chế, sẽ có mức hoàn trả cao hơn.
Các công ty Trung Quốc thường phải trích ra 2% tổng doanh thu hàng tháng để chi trả bảo hiểm thất nghiệp.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng kêu gọi chính quyền địa phương tăng cường hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp tư nhân cũng như vừa và nhỏ với các khoản vay tài chính.
Ngoài ra, ở một số địa phương, những bên thứ 3 môi giới việc làm cũng được chính phủ trả tiền nếu như họ giúp các công nhân tìm được công việc. Các công ty quy mô nhỏ sẽ được hưởng các khoản vay ưu đãi dựa trên số lượng lao động và nhân viên họ thuê. Chính phủ Trung Quốc cũng có ưu đãi cho những người khởi nghiệp ở vùng nông thôn, các doanh nghiệp thuê lao động đang sống dưới mức nghèo đói.
TQ chuẩn bị đưa tàu vũ trụ đáp xuống mặt trăng
Trung Quốc đang chuẩn bị thực hiện một sứ mệnh có tính đột phá vào sáng sớm ngày 8/12, theo đó họ sẽ cho một tàu vũ trụ đáp xuống phần tối chưa được khám phá của mặt trăng, thể hiện tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực vũ trụ, cạnh tranh với Nga, Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ.
Với việc phóng tàu Hằng Nga 4, Trung Quốc hy vọng sẽ là quốc gia đầu tiên thực hiện thành công việc đáp xuống như vậy. Phía bên kia mặt trăng còn gọi là phần tối vì nó khuất khỏi trái đất và nói chung vẫn chưa có nhiều thông tin về nó.
Nếu thành công, chuyến bay dự kiến thực hiện bằng tên lửa Trường Chinh 3B sẽ đưa chương trình vũ trụ Trung Quốc lên một vị trí hàng đầu trong một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của việc thăm dò mặt trăng.
Trung Quốc đã cho tàu Thỏ Ngọc đáp xuống mặt trăng cách đây 5 năm và dự định đưa tàu thăm dò Hằng Nga 5 lên đó vào năm tới và đưa nó trở lại trái đất với các mẫu – lần đầu tiên được thực hiện từ năm 1976. Họ cũng đang cân nhắc thực hiện một chuyến bay có con người tới mặt trăng.
Hằng Nga 4 cũng là hoạt động kết hợp có cả tàu đổ bộ và xe thăm dò để tìm hiểu cả trên và dưới bề mặt mặt trăng sau khi tàu đáp xuống hố trũng Von Karman ở khu vực Nam Cực-Aitken sau một chuyến đi dài 27 ngày.
Nó cũng sẽ thực hiện các nghiên cứu thiên văn vô tuyến, mà nhờ nó ở phần mặt trăng luôn luôn không hướng về trái đất nên sẽ “không bị nhiễu từ tầng điện ly của trái đất, hay từ các tần số vô tuyến nhân tạo và nhiễu bức xạ vùng cực”, chuyên gia ngành vũ trụ Leonard David viết trên trang web Space.com.
Tàu cũng có thể mang theo hạt giống thực vật và trứng tằm, theo Tân Hoa Xã.
(AP)
https://www.voatiengviet.com/a/tq-chuan-bi-dua-tau-vu-tru-dap-xuong-mat-trang/4691068.html
Tư pháp Nhật Bản khởi tố
Nissan và cựu chủ tịch tập đoàn
Báo tài chính Nikkei số ra ngày 07/12/2018 tiết lộ, cựu chủ tịch tập đoàn xe hơi Nissan, Carlos Ghosn, và cả hãng xe Nhật này sẽ bị khởi tố vì tội che giấu một phần thu nhập, gây thiệt hại khoảng 38 triệu euro cho Nissan và Nhật Bản. Viện Công Tố Nhật Bản sẽ đưa ra quyết định khởi tố ông Ghosn vào đầu tuần sau.
Đứng đầu liên doanh Renault – Nissan – Mitsubishi, doanh nhân Pháp gốc Liban và Brazil, Carlos Ghosn, đã bị cách chức chủ tịch của hai hãng xe Nhật là Nissan và Mitsubishi Motors, nhưng vẫn giữ chức chủ tịch – tổng giám đốc của hãng xe Pháp Renault.
Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles cho biết thêm :
Quyết định của Viện Công Tố đã khiến một số luật sư tại Tokyo bất ngờ. Các chưởng lý Nhật Bản chắc hẳn đã thu thập được nhiều bằng chứng nhắm vào ông Ghosn để gia hạn thời gian tạm giam ông này. Tại Nhật Bản, 99 % trường hợp bị khởi tố đều không thoát khỏi lưới pháp luật.
Đây là một quyết định đầy rủi ro của Viện Công Tố, bởi vì ông Carlos Ghosn không bị ghép vào tội trốn thuế. Ông khẳng định đã kiểm chứng với giới chức tài chính Nhật Bản về các khoản thu nhập bắt buộc phải khai báo trong những tài liệu liên quan tới Nissan và những tài liệu đó đã được trình lên cơ quan quản lý chứng khoán Nhật Bản.
Điều này có thể giải thích vì sao Viện Công Tố quyết định khởi tố tập đoàn Nissan với tư cách là một pháp nhân. Theo giải thích của một chuyên gia về doanh nghiệp Á châu, Jimmy Allen, « nếu như có bằng chứng là Carlos Ghosn đã có những hành vi nhũng lạm, thì hội đồng quản trị Nissan lẽ ra phải biết điều đó. Đây là một nhược điểm trong hệ thống thanh tra nội bộ của Nissan ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181207-tu-phap-nhat-ban-khoi-to-nissan-va-cuu-chu-tich-tap-doan
Pakistan ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình
của Hoa Kỳ với Taliban ở Afghanistan
Islamabad, Pakistan – Theo tin từ Reuters, vào hôm thứ Năm (6 tháng 12), phát ngôn viên Quân đội Pakistan, Thiếu tướng Asif Ghafoor cho biết, quân đội Pakistan ủng hộ những nỗ lực gần đây của Hoa Kỳ nhằm đạt được thỏa thuận chính trị với Taliban ở Afghanistan và kết thúc cuộc chiến kéo dài 17 năm. Đồng thời Pakistan hy vọng Washington sẽ rời Kabul như một người bạn của khu vực chứ không phải như một “kẻ thất bại.”
Những lời bình luận của ông Asif Ghafoor xuất hiện sau khi đặc sứ của Hoa Kỳ tại Afghanistan, ông Zalmay Khalilzad, kết thúc chuyến công du ở thủ đô Islamabad của Pakistan.
Ông Khalilzad, nhà ngoại giao kỳ cựu của Hoa Kỳ, được sinh ra ở Afghanistan, đồng thời từng là đại sứ dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush tại Afghanistan, Iraq và Liên Hiệp quốc. Cách đây ba tháng, ông được chính quyền Tổng thống Trump bổ nhiệm làm đặc sứ và được yêu cầu đến Pakistan nhằm tìm kiếm sự trợ giúp từ Thủ tướng Imran Khan trong các cuộc đàm phán hòa bình. Việc thương lượng với Thủ tướng Khan diễn ra sau khi hai vị lãnh đạo đáp trả những dòng tweet gay gắt vào tháng trước.
Washington từ lâu đã yêu cầu Islamabad gây sức ép, buộc các nhà lãnh đạo Taliban ngồi vào bàn đàm phán. Hoa Kỳ thường cáo buộc quốc gia Nam Á này ngầm bao che các lãnh đạo Taliban. Tuy nhiên, Islamabad kịch liệt phủ nhận lời buộc tội.
Hồi đầu tuần, Thủ tướng Khan đã gặp ông Khalilzad và cũng cam kết ủng hộ một tiến trình hòa bình với Taliban.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của cựu Tổng thống Barack Obama, Hoa Kỳ có hơn 100,000 quân ở Afghanistan. Hầu hết đã rút khỏi Afghanistan trong năm 2014 nhưng vẫn còn khoảng 14,000 quân ở lại. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/pakistan-ung-ho-cac-cuoc-dam-phan-hoa-binh-cua-hoa-ky-voi-taliban-o-afghanistan/
Thủ tướng Hun Sen bác bỏ tin
Campuchia cho Trung Quốc lập căn cứ quân sự
Trong cuộc họp báo chung vào ngày 7/12 tại Hà Nội với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Campuchia Hun Sen lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng Campuchia sắp cho Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự, và gọi đây là thông tin giả.
Hồi tháng trước, trang tin Asia Times loan tin cho biết Trung Quốc đang vận động Campuchia từ năm 2017 để lập một căn cứ quân sự tại tỉnh Koh Kong trên Vịnh Thái Lan. Đây là vịnh có đường đi nối trực tiếp ra Biển Đông, nơi đang có tranh chấp về chủ quyền giữa Trung Quốc và một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Ông Hun Sen khẳng định tại cuộc họp báo rằng đây là tin giả và nếu thông tin giả này tiếp tục được loan truyền, nó sẽ không chỉ gây lo ngại đối với Campuchia mà còn là sự lo lắng đối với các quốc gia láng giềng cũng như sự ổn định của khu vực.
Trong bài báo được đưa ra hồi tháng trước của Asia Times, căn cứ hải quân của Trung Quốc được nói tới là một phần trong dự án phát triển du lịch trị giá 3,8 tỷ đô la có tên khu nghỉ dưỡng bên biển Dara Sakor do một công ty Trung Quốc đầu tư. Bài báo cho biết dự án có một cảng nước sâu, một sân bay quốc tế và các cơ sở sản xuất khác.