Tin Việt Nam – 06/12/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 06/12/2018

Người H’mong theo Tin Lành bị bách hại

Thanh Trúc

Nhà nước Việt Nam, đặc biệt các chính quyền địa phương, thường tỏ ra không mấy thiện cảm  đối với tập thể  người Thượng hoặc người H’mong theo đạo Thiên Chúa, đặc biệt hơn nữa đối với những ai mới bắt đầu theo. Điển hình là một trường hợp mới đây nhất tại một vùng thuộc tỉnh Nghệ An ngày Chúa Nhật 2 tháng 12 vừa qua.

Chuyện xảy ra hôm Chúa Nhật 2 tháng Mười Hai vừa qua tại bản Phá Lóm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, khi một nhóm sắc tộc H’mong theo đạo Tin Lành bị chính quyền địa phương buộc phải bỏ đạo nếu không muốn gặp rắc rối.

Ông Hoàng Văn Pá, cũng là người H’mong theo đạo Tin Lành hiện đang sống ở Thái Lan, báo cho đài Á Châu Tự Do biết đây là nhóm Tin Lành mới thành lập gồm 7 hộ và 33 nhân khẩu do ông Xồng Bá Chỏ làm trưởng nhóm:

Tôi liên lạc được với nhóm Tin Lành bản Phá Lóm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tình Nghệ An, biết tin nhóm Tin Lành bị đàn áp. Nhóm Tin Lành đó mà Xồng Bá Chò là trưởng nhóm, thuộc Tổng hội miền Bắc có trụ sở tại 2 Bố Trạch do Hà Nội quản lý, đã đăng ký hợp pháp theo Luật Tín Ngưỡng Tốn Giáo của nhà nước Việt Nam từ tháng Tư 2018, mà khi đăng ký rồi họ càng bị công an đến quấy nhiễu, sách nhiễu, đe dọa rất nhiều.

Tại sao đã đăng ký hợp pháp rồi mà lại bị đàn áp? Cần biết rằng khu vực đó từ trước tới nay chưa có Tin Lành mà mới đăng ký hoạt động, nhà nước cộng sản không muốn phát sinh thêm những người mới theo đạo Tin Lành nữa. Họ muốn ngăn chặn, muốn nhóm này bỏ đạo Tin Lành và thờ cúng tổ tiên., họ tới yêu cầu bà con bỏ đạo Tin Lành, họ đưa cho một tượng Phật, cái này rất là lạ, Hôm qua ngày mùng 3 thì mẹ của Xồng Bá Chò là cô Xồng Y Xía có gọi tới  báo cho tôi biết nếu không bỏ đạo Tin Lành nhà nước sẽ  bằng mọi giá mọi cách ngăn cấm và nếu không  muốn chết thì phải nghe theo chính quyền, họ đe dọa như vậy.

…Chính quyền Việt Nam không nhận và sẽ không bao giờ tạo điều kiện cho sinh hoạt, nếu muốn bỏ đạo và muốn sinh hoạt thì họ đưa đạo Phật để chúng tôi theo.

– Ông Xồng Bá Chồ

Vì bị buộc phải từ bỏ đức tin rồi  bị chính quyền Dak Nông bắt giam cùng anh ruột là chấp sự Tin Lành Hoàng Văn Ngài; sau khi người anh bị đánh chết, ông Hoàng Văn Pá đã tìm đường trốn đi:

Hồi ở Việt Nam thì tôi ở Dak Nông. Tôi là em ruột của chấp sự Hoàng Văn Ngài, bị công an giết chết vào ngày 17 tháng Ba 2013. Chắc chắn là tôi biết rõ việc công an đe dọa, bắt bớ, đánh chết anh trai tôi. Hoàng Văn Ngài là chấp sự của Hội Thánh Tin Lành Bụi Tre. Tôi chạy qua Thái Lan vì lý do là tố cáo công an đánh chết anh trai của tôi.

Trở lại vụ việc ngày 2 tháng Mười Hai khi một đoàn những người thuộc chính quyền địa phương đến buộc nhóm người H’mong theo Tin Lành ở bản Pha Lóm vào khi họ đang nhóm họp để cầu nguyện, buộc họ bỏ  đạo nếu không muốn gặp khó khăn, rắc rối, Trưởng nhóm là ông Xồng Bá Chồ trực tiếp kể lại:

Hôm Chúa Nhật vừa rồi thì có ông Già Bá Ná và ông Xồng Bá Do tới nhà và nói không được theo đạo Tin Lành này, đây là đạo Tin Lành trái phép, chính quyền Việt Nam không nhận và sẽ không bao giờ tạo điều kiện cho sinh hoạt, nếu muốn bỏ đạo và muốn sinh hoạt thì họ đưa đạo Phật để chúng tôi theo.

Nhóm Hội Thánh mình không có chống chính quyền, chưa làm cái gì để chống lại chính quyền cơ mà, nhưng họ vẫn không cho  sinh hoạt thôi.

Vẫn theo lời ông Xồng Bá Chồ, từ tháng Sáu ông đã bị theo dõi và cho đến giờ thì ông không còn được quyền tự do đi lại trong những sinh hoạt hang ngày nữa:

Hiện tại là tôi không đi được đâu nữa, ra khỏi làng bản là cứ bị bọn xã hội đen nó che mặt nó chận đường đánh đập, bây giờ không thể đi đâu được nữa. Họ cấm hộ khẩu, y tế và các khoản hỗ trợ từ nhà nước, họ không cho cái gì cho nhà mình cả. Họ còn nói nếu chúng tôi vẫn tiếp tục theo đạo Tin Lành này thì họ sẽ không quản lý chúng tôi nữa, họ sẽ coi như là không có chúng tôi trong bản này, họ cấm hết tất cả.

Hiện tại là tôi không đi được đâu nữa, ra khỏi làng bản là cứ bị bọn xã hội đen nó che mặt nó chận đường đánh đập, bây giờ không thể đi đâu được nữa.

-Ông Xồng Bá Chồ

Theo ông Hoàng Văn Pá từng ở Dak Nông thì chính sách kỳ thị phân biệt đối xử người H’mong theo đạo Tin Lành thực sự là còn tồn tại ở các vùng sâu vùng xa, nhưng thực tế và cấp độ khó khăn cản trở lại tùy vào từng địa phương, và đối tượng bị cản trở nhiều nhất là những điểm nhóm mới xin đăng ký:

Từ khi mình bỏ ra đi thì có sự thay đổi hơn nhiều, họ cũng không có gì mạnh tay, nhưng mà ở những nơi khác cho dù họ có điểm nhóm có nơi thờ phượng Chúa nhưng họ phải cam kết đủ thứ hết. Một khi họ đã đăng ký với chính quyền là họ không được tham gia khiếu nại, nếu tham gia họ sẽ bị hoàn toàn đe dọa, bị như gia đình tôi.

Đó là chuyện người H’mong theo đạo Tin Lành bị cấm sinh hoạt  và bị buộc bỏ đạo tại một điểm nhóm mới ở bản Phá Lóm, xã Tam Hiệp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An,

Đây không phải là động thái mới của các chính quyền địa phương đối với người sắc tộc muốn theo đạo Tin Lành. Để tìm hiểu thêm thì chúng tôi đã cố gắng liên lạc với một người mà trưởng nhóm Xồng Bá Chò đã nhắc tới, đó là ông Già Bá Ná thuộc Bộ Đội Biên Phòng, đã cùng đi với đoàn 12 người đến buộc bà con H’mong ở Phá Lóm bỏ đạo.  Rất tiếc ông Già Bá Ná đã từ chối trả lời . Đường dây nối với điện thoại của chủ tịch xã Phá Lóm cũng không có người bắt máy.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/hmong-christians-still-face-hardship-with-local-authorities-12062018101312.html

 

Rút văn bản cấm hoạt động Giáng sinh

trong trường học vì ‘nhầm lẫn’

Khánh An-VOA

Một chức sắc tôn giáo nói với VOA rằng mặc dù lệnh cấm hoạt động Giáng sinh trong trường học đã được rút lại, nhưng sự kiện này cho thấy những người ra quyết định đã không phân biệt được giữa một lễ hội và một hoạt động tôn giáo, đồng thời phần nào phản ánh tình trạng phân biệt đối xử tôn giáo khá phổ biến trong môi trường học đường ở Việt Nam.

Trong công văn gửi ra ngày 5/12, Phòng Giáo dục huyện Nhà Bè đã yêu cầu hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông, bồi dưỡng giáo dục và chủ các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không được tổ chức trang trí Giáng sinh trong trường học, không đưa ông già Noel vào trường để tặng quà cho học sinh, và nếu đã trang trí rồi thì phải tháo gỡ ngay.

Công văn này đã vấp phải phản ứng dữ dội từ phía giáo viên và phụ huynh học sinh ngay sau khi vừa ban hành khiến lãnh đạo cơ quan quản lý giáo dục phải đưa ra lệnh thu hồi công văn ngay trong chiều hôm sau (6/12), theo VnExpress.

Trong khi một số Facebooker gọi đây là một “chiến thắng” của mạng xã hội, thì một chức sắc tôn giáo, Linh mục Đinh Hữu Thoại của Dòng Chúa Cứu Thế, nói rằng sự kiện trên cho thấy những người đưa ra quy định đã không phân biệt được đâu là một hoạt động tôn giáo và đâu là một lễ hội dựa trên sinh hoạt của tôn giáo.

“Xưa nay các nơi vẫn làm, ngay cả những tụ điểm ca nhạc cũng tổ chức trang hoàng. Nó như một lễ hội bình thường của mọi người. Nhưng không hiểu sao năm nay họ lại có chủ trương lộ liễu ngăn cấm những sinh hoạt đó. Thực tế, những sinh hoạt đó chỉ là ăn theo lễ Noel của người Công giáo, Tin Lành, chứ không phải là hoạt động tôn giáo”, LM. Thoại nói với VOA.

Theo chức sắc tôn giáo này, dịp Noel cũng là thời điểm các học sinh, đặc biệt là học sinh Thiên Chúa giáo, gặp rất nhiều áp lực do việc sắp xếp, tổ chức lịch học mà ông theo ông là “hơi bất thường”.

“Noel không được coi là một ngày lễ nghỉ nên học sinh Công giáo không được nghỉ ngày lễ đó. Ngoài ra, còn có một thông lệ hơi bất thường là các trường học hay tổ chức thi vào ngày lễ Giáng sinh. Họ luôn chọn ngày 24, 25 để thi nên rất ảnh hưởng đến các em học sinh Công giáo. Các em không thể tham gia những buổi lễ một cách trọn vẹn vì phải học hành đủ thứ”.

Vị linh mục Công giáo cho biết thêm rằng các học sinh-sinh viên Công giáo, Tin Lành rất dễ bị rơi vào tình trạng bị phân biệt đối xử trong môi trường học đường ở Việt Nam.

Ông nói: “Theo tôi biết, có những cán bộ tuyên giáo, những người dạy chính trị bên quân đội đã vào các trường mượn chuyện dạy chính trị để bài xích tôn giáo, một cách nào đó làm cho học sinh có đạo cảm thấy bị tổn thương, còn những học sinh không có đạo thì hiểu lầm…”

“Những gì liên quan đến tôn giáo, cụ thể là Công giáo, thì xem ra có những áp lực làm cho ảnh hưởng đến suy nghĩ của mọi người về tôn giáo”.

Giải thích cho lý do rút lại công văn, một lãnh đạo của Sở GD-ĐT TPHCM, ông Nguyễn Thành Trung, nói với báo Tuổi Trẻ rằng “Thành phố và Sở không có bất kỳ chỉ đạo nào, không có một văn bản hay chủ trương về việc không cho tổ chức hoạt động Noel trong trường học”. Theo ông này thì “có sự nhầm lẫn” trong việc ban hành công văn nên đang cho thu hồi lại.

Việt Nam nằm trong thiểu số các quốc gia trên thế giới không tổ chức mừng lễ Giáng sinh, trong đó bao gồm một số quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông và châu Phi, và một số nước châu Á như Trung Quốc, Triều Tiên, Lào, Campuchia…

Năm ngoái, nhiều nơi ở Trung Quốc cũng ra lệnh cấm các đảng viên, người dân mừng lễ Giáng sinh. Chính quyền thành phố Hành Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, trong thông báo “nghiêm cấm cán bộ, đảng viên” tham gia vui chơi Giáng sinh năm ngoái, gọi dịp lễ này là “liều thuốc phiện tinh thần”. Trong khi một trường đại học ở Thẩm Dương kêu gọi sinh viên kháng cự lại “sự gặm mòn của văn hóa tôn giáo phương Tây” trong lệnh cấm sinh viên đón Giáng sinh.

https://www.voatiengviet.com/a/rut-van-ban-cam-hoat-dong-giang-sinh-trong-truong-hoc-vi-nham-lan/4689528.html

 

Điện mặt trời Bình Định:

Dự án tạm dừng vì dân phản đối

Hôm 4/12, trước toàn thể hàng trăm người dân xã Mỹ Thắng, lãnh đạo tỉnh Bình Định tuyên bố tạm ngưng dự án điện mặt trời.

Việc tuyên bố tạm ngưng dự án trên cũng kết thúc hơn 20 ngày người dân Mỹ Thắng chặn xe (từ tháng 11), và bắt giữ hai người ‘lạ mặt’.

Một số người dân tin rằng đó là “hai người Trung Quốc” nhưng không có nguồn nào khác từ phía chính quyền xác nhận điều này.

Nay hai người này đã được thả ra.

TQ: Những tấm pin mặt trời dập dềnh

Quanh vụ nghĩa trang Giải Phướn ‘bị đập phá’

Thủ Thiêm: Hòn ngọc bị đánh cắp?

Chuyện gì đã xảy ra?

Theo tường thuật của báo chí trong nước, hôm 11/11 người dân xã Mỹ Thắng đã giữ lại một ô tô của đoàn rà phá bom mìn cho dự án và đến hôm 29/11 thì bắt giữ thêm hai người lạ mặt.

Xác nhận với BBC hôm 6/12, một số người dân địa phương cho biết, hôm đó, khi bắt gặp một nhóm người xuống khảo sát cho dự án, người dân đã giữ lại chiếc xe với mong muốn được đối thoại với lãnh đạo tỉnh.

Đến hôm 29/11, khi có một phái đoàn khác xuống thăm dò, thì có “hai đàn ông lạ mặt” đã bị người dân bắt giữ lại.

Cuộc đối thoại trực tiếp hôm 3/12, nhiều người dân nêu cảm nghĩ phản đối không cho Trung Quốc thuê đất, đầu tư:

Vụ việc khiến lãnh đạo địa phương phải đến đối thoại gấp với người dân.

“Lo ngại ảnh hưởng đến ngoại giao, cho nên mấy ông xuống đàm phán ngay,” một người dân xin được giấu tên nói về buổi tiếp dân hôm 3/12.

Tuy nhiên, khi đó người dân từ chối lên hội trường ủy ban xã mà yêu cầu lãnh đạo huyện đến hiện trường nơi họ giam giữ xe và hai người lạ bị bắt giữ, trước khi trao trả lại cho chính quyền.

Đến ngày 4/12, hàng trăm người dân đã tụ tập và có buổi đối thoại trực tiếp chính thức.

Chính quyền nói gì?

Ông Hồ Quốc Dũng, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói rằng huyện Phù Mỹ là địa bàn quan trọng cho chiếc lược phát triển kinh tế biển:

“Thế nhưng, huyện có 200.000 dân với nhiều tiềm năng, lợi thế như vậy mà thu ngân sách không bằng huyện miền núi Vĩnh Thạnh chỉ có 30.000 dân. Chúng tôi rất trăn trở, cố gắng kêu gọi đầu tư các dự án để Phù Mỹ phát triển nhưng làm gì cũng bị người dân cản trở, không thể hiểu được. Chẳng lẽ chúng ta chấp nhận nghèo mãi hay sao?” ông Dũng nói, theo báo Tuổi Trẻ.

Một người dân nói họ tiếp nhận chính quyền có mong muốn “cho quê hương nghèo phát triển” nhưng họ không đồng ý cho người Trung Quốc đến đầu tư, làm hàng rào vây quanh, rồi lấy đất người dân.

Ông Hồ Quốc Dũng nói dự án sẽ chỉ làm trên diện tích đất trống, và một phần diện tích người dân trong keo lai, bạch đàn, chứ không đụng đến một cây dương rừng phòng hộ.

Ông cũng khẳng định không cho phép doanh nghiệp khai thác titan ở xã Mỹ Thắng.

“Tôi xin hứa với bà con là từ trước đến giờ và mãi mãi sau này không doanh nghiệp nào được phép khai thác titan trên địa bàn xã Mỹ Thắng. Bà con phát hiện có ai cho phép khai thác titan thì tôi chịu trách nhiệm,” ông Hồ Quốc Dũng nói.

Ông Hồ Quốc Dũng nói hôm 03/12 rằng việc giữ người vô cớ là “việc làm vi phạm pháp luật”.

“Tôi yêu cầu ai giữ người phải thả ra ngay, nếu không thì chính quyền sẽ phải sử dụng biện pháp nghiêm khắc để xử lý.”

Không phải là lần đầu tiên

Đây không phải là lần đầu tiên người dân Phù Mỹ tỏ thái độ phản đối chính quyền. Thực tế, kể từ khi việc khai thác titan được tiến hành ở Bình Định, người dân đã liên tục phản đối.

Vào 2011, người dân Phù Mỹ khi đó đã bắt nhốt nhiều cán bộ để phản đối việc cấp nước sạch sinh hoạt chỉ vì lo sợ những dự án cấp nước này là để khai thác titan.

Trước đó, hồi tháng 4 năm nay, hàng trăm người dân ở Mỹ Thọ, Phù Mỹ, Bình Định cũng phản đối dự án đặt trạm điện gió vì cho rằng mục đích chính là khai thác titan.

Tỉnh Bình Định được xác định là một trong những tỉnh có nguồn quặng titan lớn nhất nước. Từ 2010, đã được Bộ Tài Nguyên và Môi trường và UBND tỉnh cấp phép khai thác titan.

Việc khai thác titan hầu hết đều diễn ra ở các xã ven biển ở hai huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Khu tinh tế Nhơn Hội.

Việc khai thác dẫn đến hàng trăm hécta rừng dương chắn cát ven biển bị triệt phá, các mỏ khai thác titan lún sâu, hút cạn nguồn nước của người dân vốn cần nguồn nước để nuôi trồng thủy sản mưu sinh.

“Dân người ta không có không gian sinh sống, nên người ta không đồng ý giao đất, xây dựng dự án.”

“Nếu mà còn xuống nữa thì người dân sẽ chiến đấu tiếp. Qua chuyện này mới thấy dân mà đoàn kết lại thì có thể giành chiến thắng,” một người dân dấu tên nhận định với BBC về vụ việc vừa qua.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46468458

 

Công ty của Nguyễn Thanh Phượng

thoái hết vốn khỏi Savimex

Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bán hết cổ phiếu nắm của Savimex (SAV).

Truyền thông trong nước đưa tin sau khi “bán sạch” hơn 2,5 triệu cổ phiếu SAV (tương đương 19,15%), CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCI) do bà Nguyễn Thanh Phượng làm Chủ tịch HĐQT đã “không còn là cổ đông lớn” của Savimex (SAV) từ ngày 21/11/2018.

Báo Tiền Phong mô tả cổ phiếu Savimex (SAV) “liên tục suy giảm” trong những ngày gần đây trong lúc giá cổ phiếu của Chứng khoán Bản Việt (VCI) “cũng đang trên đà giảm mạnh”.

“Từ đầu năm đến nay, VCI trải qua 230 ngày giao dịch, biến động giá giảm 6.963 đồng mỗi cổ phiếu, tức 12,2%. Nếu tính theo thị giá hiện tại, vốn hóa thị trường của Chứng khoán Bản Việt đã bị thổi bay hơn 1.129,2 tỷ đồng.

“Theo báo cáo tài chính quý gần nhất, tính đến 30/9, tổng tài sản của VCI đạt hơn 7.370 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm, trong đó nợ phải trả chiếm gần nửa với 3.595 tỷ đồng,” báo này cho hay.

Thương vụ VCI thoái vốn toàn bộ tại Savimex, từng là một doanh nghiệp nhà nước và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, được cho là thu về hơn 20 tỉ đồng.

Hồi cuối tháng 10, báo VietnamNet mô tả doanh nghiệp của bà Nguyễn Thanh Phượng “không còn được như trước đây” và “phải đánh giá lại các khoản đầu tư tài sản tài chính”.

Báo này cho hay trong năm 2017 và quý 1/2018, thị trường chứng khoán Việt Nam sôi động khiến nhiều công ty chứng khoán, trong đó có công ty CTCP Chứng khoán Bản Việt, có doanh thu tăng vọt và lợi nhuận lớn.

“Trong năm 2017, VCI ghi nhận doanh thu hơn 1,5 ngàn tỷ đồng, tăng 77% so với năm trước đó. Trong năm 2017, Bản Việt đã thực hiện thành công các hợp đồng lớn trên thị trường như trường hợp VietJet, VPBank, PNJ,…”, theo VietnamNet.

Tuy nhiên chứng khoán giảm mạnh trong nửa năm qua khiến VCI không còn được thuận lợi như trước đây và doanh nghiệp này phải thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên.

Việt Nam ‘đi ngược Đổi Mới’ vào lúc nào?

Bình luận về tỷ phú bất động sản ở VN

Chứng khoán VN: ‘Hạ sốt hay hoảng loạn’?

Hoạt động chứng khoán

Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt, thành lập năm 2007 do bà Nguyễn Thanh Phượng làm Chủ tịch HĐQT và chồng là Nguyễn Bảo Hoàng, công dân Hoa Kỳ – thành viên HĐQT, được mô tả là một trong những công ty chứng khoán hàng đầu trên thị trường tính theo giá trị vốn hóa.

Công ty này từng tham gia tư vấn định giá để phát hành cổ phiếu của Công ty Thông tin Di động Việt Nam MobiFone.

“Về việc cổ phần hóa Mobifone, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ [Nguyễn Tấn Dũng] đã yêu cầu phải tiến hành cổ phần hóa Mobifone,” báo Người Lao Động đưa tin hồi tháng 9/2015.

Trang ITCNews hồi tháng 9/2005 đưa tin “ông Lê Nam Trà, Chủ tịch MobiFone cho biết, để cổ phần hóa, MobiFone đã ký hợp đồng với Công ty Chứng khoán Bản Việt để tư vấn định giá và chuẩn bị cho IPO”.

Nữ doanh nhân trẻ

Theo các nguồn tin chính thức, bà Nguyễn Phượng sinh năm 1980 tại tỉnh Kiên Giang, nơi Thủ tướng Dũng đã từng là Bí thư Tỉnh ủy.

Bà theo học ngành Tài chính – Ngân hàng tại Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học, bà Phượng đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bà có bằng thạc sỹ quản trị tài chính tại Đại học Geneva, Thụy Sỹ.

Năm 2012, bà làm chủ tịch hội đồng quản trị bốn công ty trong các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, chứng khoán và đầu tư tài chính – tất cả đều mang thương hiệu Bản Việt (Viet Capital).

Năm 2008, lúc 28 tuổi, bà Phượng đại diện cho nữ doanh nhân trẻ Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu tại Hà Nội.

Phu quân của bà Phượng là Việt Kiều Mỹ, ông Nguyễn Bảo Hoàng, tổng giám đốc IDG Ventures Việt Nam – một quỹ chuyên đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin – kể từ năm 2003.

Hai vợ chồng ông bà kết hôn vào năm 2008.

Ông Bảo Hoàng, hay còn được gọi là Henry Nguyễn, là con trai của một gia đình quan chức của Việt Nam Cộng hòa chạy sang Mỹ vào năm 1975.

Ông lớn lên ở Mỹ và có bằng từ Đại học Harvard.

Từng có quốc tịch Mỹ nhưng sau ông Hoàng nhận thêm quốc tịch Việt Nam.

Trong một cuộc phỏng vấn trên báo Người Lao động, bà Phượng nói bà không phủ nhận những lợi thế xuất thân của mình nhưng cũng cho biết điều đó đã gây rất nhiều áp lực cho bà và thành công của bà là do bà tự đứng trên đôi chân của mình.

https://www.bbc.com/vietnamese/business-46456557

 

Việt Nam xem xét phê chuẩn Công ước 98 của ILO

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam vào ngày 5 tháng 12 tổ chức cuộc hội thảo tại Thành phố Hồ Chí Minh để tham vấn về khả năng phê chuẩn, áp dụng Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quyền tổ chức và thương lượng tập thể tại Việt Nam và đệ trình lên Quốc hội để phê duyệt vào năm tới. Truyền thông trong nước đưa tin hôm 5/12.

Theo Vietnam News, tại buổi hội thảo, bà Sarah Galeski, đồng Chủ tịch Tiểu ban Nguồn nhân lực và Đào tạo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết Việt Nam gần đây đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến ​​sẽ có hiệu lực vào năm tới.

Báo này trích dẫn lời bà Sarah Galeski nói rằng cả CPTPP và EVFTA đều yêu cầu Việt Nam tái xác nhận các cam kết của mình theo Tuyên bố năm 1998 của ILO về các nguyên tắc cơ bản và quyền cho người lao động.

Những quyền này nằm trong tám công ước cơ bản của ILO, trong đó có ba công ước chưa được Việt Nam phê chuẩn, bao gồm công ước 98 về thương lượng tập thể.

Bà Sarah Galeski hy vọng Việt Nam sẽ phê chuẩn công ước này vào năm tới. Bà nói thêm rằng mặc dù Việt Nam chưa phê chuẩn công ước nhưng Bộ Luật Lao động sửa đổi hiện hành của Việt Nam đã có nhiều khái niệm then chốt, chẳng hạn như Điều 8.1 của Bộ luật Lao động hiện hành. Theo đó người sử dụng lao động bị cấm phân biệt đối xử với nhân viên trên cơ sở tham gia công đoàn của nhân viên. Người sử dụng lao động cũng bị hạn chế trong việc chấm dứt hợp đồng lao động của nhân viên cũng là nhân viên công đoàn.

Cũng tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết quyền thương lượng tập thể là rất quan trọng vì nó có thể ảnh hưởng đến lợi ích tập thể.

Theo TTXVN, tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng Việt Nam cần hành động để thể hiện sự nỗ lực trong việc tham gia Công ước 98; phấn đấu được ký kết vào đầu năm 2019 để tháng 3/2019 Nghị viện châu Âu xem xét. Các đại biểu cũng đã thảo luận các vấn đề về việc bảo vệ tổ chức Công đoàn trước hành vi phân biệt đối xử, hành vi can thiệp; các vấn đề thương lượng tập thể và những kiến nghị sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện pháp luật khi tham gia Công ước 98.

Giới hoạt động công đoàn độc lập hy vọng cơ quan chức năng thuộc chính phủ Hà Nội sẽ thực tâm thi hành những cam kết ký với quốc tế trong việc bảo đảm những quyền căn bản cho người lao động.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-reviews-legal-framework-for-ratification-of-ilo-convention98-12062018073700.html

 

Lý Quang Diệu và chính sách song ngữ

Nguyễn Trang Nhung

Trở thành một quốc gia độc lập vào tháng 8 năm 1965, Singapore khi ấy đối mặt với nhiều vấn đề chính sách, trong đó có vấn đề ngôn ngữ. Trên vùng đất nhỏ bé này, người Malay, người Hoa, người Ấn và một số sắc tộc khác cùng sinh sống và có tiếng nói riêng. Dưới thời thuộc địa, các sắc tộc được tự do sử dụng ngôn ngữ theo lựa chọn của họ, mà theo lẽ thường là sắc tộc nào sử dụng tiếng mẹ đẻ của sắc tộc ấy (chủ yếu là tiếng Malay của người Malay, tiếng Hoa của người Hoa và tiếng Tamil của người Ấn). Sự đa dạng này, tuy nhiên, lại là trở ngại đối với một cộng đồng vốn xa cách vì thiếu những đặc điểm chung.

Khi thành lập chính quyền vào năm 1959 để chuẩn bị sáp nhập Singapore vào Malaysia, Lý Quang Diệu đã quyết định chọn tiếng Malay làm quốc ngữ, song ông nhận ra rằng tiếng Anh phải trở thành ngôn ngữ nơi làm việc và ngôn ngữ chung, bởi theo ông, với tư cách là một cộng đồng giao thương quốc tế, người dân Singapore sẽ không kiếm sống được nếu dùng tiếng Malay, tiếng Hoa hay tiếng Tamil. Đó là chưa kể sự khác biệt về ngôn ngữ gây khó khăn trong hoạt động của lực lượng vũ trang và trong cả bộ máy chính quyền.[1]

Nhu cầu phải có một ngôn ngữ chung là rất rõ ràng. Song vấn đề là làm thế nào để tiếng Anh được đón nhận trong khi các sắc tộc đều nhiệt tình bảo vệ tiếng nói riêng của họ. Lý Quang Diệu đã đề xuất việc học tiếng Malay, tiếng Hoa và tiếng Tamil trong các trường tiếng Anh, và đảo lại là việc học tiếng Anh trong các trường tiếng Malay, tiếng Hoa và tiếng Tamil.[2] Phạm vi của đề xuất là các trường trung học của chính phủ hay do chính phủ tài trợ, dọn đường cho việc dạy và học bằng tiếng Anh trong các trường đại học. Chính sách được công bố vào tháng 11 năm 1965, và có hiệu lực vào năm 1966.[3]

Phản ứng trước chính sách, các phụ huynh người Malay và người Ấn đón nhận còn các phụ huynh người Hoa thì không.[4] Thậm chí, những người Hoa sốt sắng nhất đã hành động trước khi chính sách được công bố. Phòng Thương mại người Hoa, 8 tuần sau khi Singapore độc lập, đã công khai yêu cầu chính phủ bảo đảm vị thế của tiếng Hoa như ngôn ngữ chính thức, với sự nhấn mạnh rằng người Hoa chiếm đến 80% dân số Singapore. Lý Quang Diệu đã từ chối thẳng thừng yêu cầu đó và khiến họ hiểu rằng ông không cho phép bất cứ ai khai thác tiếng Hoa trở thành vấn đề chính trị và đặt dấu chấm hết cho những âm mưu nâng cao vị thế tiếng Hoa.[5].

Trong số những người phản đối dữ dội nhất có các giảng viên và các sinh viên tiếng Hoa từ Đại học Nanyang và Cao đẳng Ngee Ann. Các sinh viên đã thể hiện sự phản đối bằng cách biểu tình trong khuôn viên của trường hoặc trước văn phòng của Lý Quang Diệu. Cùng phía với họ là các chủ báo, chủ bút và phóng viên báo tiếng Hoa. Các nhóm này đã vận động các phụ huynh gửi con vào các trường tiếng Hoa, và phê phán các phụ huynh gửi con vào các trường tiếng Anh là những kẻ thực dụng và thiển cận.[6] Sự vận động dường như hiệu quả, khi vào năm 1966, số lượng học sinh, sinh viên vào các trường tiếng Hoa tăng lên đến hơn 55%.[7]

Đáp lại sự phản đối này trong khi cần lá phiếu của người Hoa, Lý Quang Diệu đã để các phụ huynh tự do lựa chọn cũng như để thị trường lao động quyết định lựa chọn của họ trong tương lai. Kết quả là, vào thập niên 70, các sinh viên các trường tiếng Hoa khi ra trường khó xin việc, từ đó dẫn đến một cuộc chạy đua vào các trường tiếng Anh. Cuộc chạy đua nhanh đến mức ông phải đề nghị họ chậm lại bởi số lượng giáo viên tiếng Anh không đủ để đáp ứng nhu cầu.[8] Sự chuyển dịch của các sinh viên sang các trường tiếng Anh diễn ra cho đến khi dường như không ai còn băn khoăn khi lựa chọn các trường tiếng Anh nữa.

Một chủ trương có liên quan đến chính sách là khuyến khích người Hoa dùng tiếng Hoa phổ thông, tức tiếng Quan thoại, thay vì dùng phương ngữ. Cho đến cuối thập niên 70, khoảng 60% người dân vẫn dùng chủ yếu phương ngữ tại nhà.[9] Trước thực trạng đó, vào năm 1979, Lý Quang Diệu đã phát động chiến dịch nói tiếng Quan thoại và dùng uy tín của mình để thuyết phục mọi người dùng tiếng này. Bên cạnh đó, ông đã hạn chế các chương trình bằng phương ngữ trên tivi và radio. Chiến dịch đã có tác dụng. Từ năm 1980 đến năm 1990, tỷ lệ người dân dùng chủ yếu tiếng Quan thoại tại nhà đã tăng từ hơn 10% lên đến gần 24%.[10]

Là một người Hoa, bản thân Lý Quang Diệu không phải không lo lắng về hệ quả của chính sách song ngữ đối với văn hóa Trung Hoa. Chính ông cảm thấy mất kết nối với nền văn hóa này vì được giáo dục từ nhỏ bằng tiếng Anh. Thêm vào đó, ông nhận thấy chính sách đã làm cho các sinh viên trở nên ngoại lai, thiếu năng động và quan tâm về mặt chính trị – xã hội như trong quá khứ. Giải pháp của ông cho vấn đề này là giữ lại 9 trường tiếng Hoa tốt nhất dưới sự bảo trợ của một chương trình trợ giúp đặc biệt. Các trường này, theo ông, đã thành công trong việc giữ gìn kỷ luật và nghi thức xã hội của các trường tiếng Hoa truyền thống.[11]

Nhờ chính sách song ngữ, tiếng Anh đã sớm trở thành ngôn ngữ thống trị nơi làm việc. Ngày nay, tiếng Anh thậm chí trở thành ngôn ngữ thống trị trong các gia đình, thay thế vị trí của tiếng Hoa phổ thông trong mấy thập niên trước. Theo một khảo sát của chính phủ Singapore vào năm 2015, 36,9% người dân dùng tiếng Anh như ngôn ngữ chính tại nhà. Đối với tiếng Hoa phổ thông, tỷ lệ này là 34,9%. Ngoài ra, chỉ còn 12,2% người dân dùng phương ngữ, và 73,2% người dân biết ít nhất 2 ngôn ngữ.[12]

Hơn 5 thập niên trôi qua, cho dù còn những tranh cãi về chính sách song ngữ, nhất là tác động làm mai một các phương ngữ cũng như sự thiếu thành thạo đồng thời cả tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ trong trong một tỷ lệ không nhỏ người Singapore, song ít ai có thể phủ nhận rằng tiếng Anh đã góp phần quan trọng vào sự phát triển và thịnh vượng của Singapore. Đảo quốc này từ lâu đã trở thành điểm đến của nhiều công ty nước ngoài và là một trung tâm tài chính một phần là nhờ ngôn ngữ nơi đây là ngôn ngữ toàn cầu.

Xét về phương diện văn hóa, Lý Quang Diệu đã làm những gì có thể để bảo tồn văn hóa Trung Hoa, để người Hoa còn tìm thấy những nét độc đáo của mình trong một đất nước trên đà Tây hóa với ngôn ngữ chung là tiếng Anh. Bên cạnh đó, ông đã làm tiếng Anh trở thành phương tiện kết nối các sắc tộc khác nhau, ngăn ngừa xung đột và mâu thuẫn giữa họ, làm tăng tính đồng nhất của người dân trong một quốc gia. Và, đúng như ông chia sẻ, “Để tồn tại như một quốc gia thống nhất, bạn cần phải có chung một vài đặc điểm nhất định”.[13]

Chú thích:

[1][2] Lý Quang Diệu (2000), Bí quyết hóa rồng: Lịch sử Singapore 1965 – 2000

[3] Breaking down barriers with bilingualism
https://www.straitstimes.com/singapore/education/breaking-down-barriers-…

(Đối với bậc tiểu học, việc học ngôn ngữ thứ hai được thực hiện kể từ năm 1960)

[4][5][6] Như [1]

[7][8] In his own words: English for trade; mother tongue to preserve identity
https://www.straitstimes.com/singapore/in-his-own-words-english-for-trad…

[9][10] Bolton và Ng (2014), The dynamics of multilingualism in contemporary Singapore

[11] Như [1]

[12] Department of Statistics Singapore (2016), General household survey 2015
http://www.singstat.gov.sg/docs/default-source/default-document-library/…

[13] Fareed Zakaria (1994), Culture is destiny: A conversation with Lee Kuan Yew

(Bài viết được đưa ra nhân khi đề xuất công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam được báo chí nêu ra và thảo luận trong những ngày gần đây. Người viết hi vọng rằng việc tìm hiểu về chính sách song ngữ của Lý Quang Diệu sẽ giúp ích cho cuộc thảo luận này.)

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/lee-kuan-yew-and-bilingual-policy-12062018081250.html

 

Chúng ta còn bị khinh rẻ đến bao giờ

Nguyễn Anh Tuấn

Trong khi dự án Công viên Đại dương dưới chân núi Sơn Trà đang bị cộng đồng phản đối quyết liệt, một dự án khác, ở khúc đẹp nhất của sông Hàn cũng đang được tiến hành âm thầm và cấp tập, nhằm né tránh búa rìu dư luận. [1]

Hình hài của dự án thế nào thì cứ nhìn Làng Châu Âu (Euro Village) của SunGroup là có thể mường tượng được: Một khu đô thị biệt lập mà cộng đồng không thể bén mảng – nơi đoạn đẹp nhất của sông Hàn trở thành chốn vãn cảnh riêng của một nhóm rất nhỏ các gia đình quyền thế của thành phố, bao gồm cả cựu Giám đốc Công an Lê Văn Tam, người cư trú trong căn biệt thự có giá cả trăm tỷ mà dư luận xôn xao cách đây ít lâu. [2]

Vài ngày trước đã có 2 tờ báo đưa tin về dự án ven sông Hàn này, song ngay lập tức đã bị gỡ bỏ không một lời giải thích. [3]

Những người nắm quyền ở Đà Nẵng dường như đang quên mất quyền lực của họ đến từ đâu và họ ngồi đó để làm gì.

Họ ngang nhiên coi công thổ thành phố như của riêng, khi thì giành giật lẫn nhau, lúc thì chia phần với nhau, cho bản thân, gia đình và vòng thân hữu.

Họ cười vào mũi người dân thành phố chúng ta, cười cả vào khẩu hiệu ‘dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra’ trong mỗi cuộc thương thảo ăn chia…

Là người Đà Nẵng, bạn có thấy đau không?

Mỏm núi này, khúc sông nọ, góc biển kia đâu chỉ đơn thuần là núi, là sông, là biển, chúng còn chứa đựng biết bao ký ức tập thể của thành phố và cùng cộng đồng đi qua bao thăng trầm lịch sử – những ngày mưa thuận gió hòa, những buổi bão bùng giông tố.

Cộng đồng thành phố chúng ta định nghĩa mình bằng cách nào nếu không phải bằng những ký ức và thăng trầm ấy?

Mỏm núi, khúc sông, góc biển đó, bởi vậy, phải được dành cho toàn bộ cộng đồng thành phố và mãi mãi các thế hệ về sau, chứ đâu thể chỉ là đôi ba công ty, vài chục gia đình quyền thế?

Người dân Đà Nẵng chúng ta, vì làm chưa đủ trong tư cách chủ nhân thành phố, có thấy tủi hổ không khi luôn trở nên vô hình trong mỗi quyết định giao núi giao biển giao sông của chính quyền?

Chúng ta có thấy phẩm giá cá nhân mình, phẩm giá cộng đồng mình bị sỉ nhục trong tiếng cười hỉ hả của những kẻ nắm quyền?

Và rồi chúng ta còn biết làm gì ngoài lặng im trong ô nhục trước chất vấn của con cháu rằng sao lại im lặng khi người ta bán núi, bán sông, bán biển của thành phố.

Chúng ta còn bị khinh rẻ đến bao giờ?

[1] Đây là dự án khu nghỉ dưỡng và căn hộ cao cấp Olalani Riverside Towers trên có diện tích hơn 81.400m2, tổng vốn đầu tư 45 triệu USD. Dự kiến, dự án gồm 3 tòa tháp cao 25-30 tầng với trung tâm thương mại; văn phòng; khách sạn, chung cư cao cấp, đất ở chia lô liền kề, 211 căn nhà phố và 25 biệt thự, khu luyện tập thể thao… (Báo PLVN)

Năm 2016, chính quyền thành phố chi tới 2 tỷ đồng tổ chức cuộc thi thiết kế cảnh quan sông Hàn, với rất nhiều đề xuất giữ hai bên bờ sông làm không gian công cộng. Nhưng với việc cấp phép cho những dự án thế này, chính quyền cho thấy họ đang khiến cuộc thi mà họ tổ chức hai năm trước vô nghĩa ra sao.

https://viettimes.vn/thiet-ke-canh-quan-song-han-12-don-vi-lot-vao-vong-…

[2] https://dantri.com.vn/kinh-doanh/muc-so-thi-biet-thu-tram-ty-cua-giam-do…

[3] Bài “Bắt đầu thi công rầm rộ dự án “triệu đô” ven sông Hàn – Đà Nẵng” đăng trên Báo Tổ Quốc (Bộ VH-TT-DL)

Link cũ (bài đã bị thay đổi): http://toquoc.vn/bat-dau-thi-cong-ram-ro-du-an-trieu-do-ven-song-han-da-nang-20181129114833171.htm

Xem bản lưu ở đây: https://bit.ly/2FXO7c0

Bài “Đà Nẵng: Dư luận lo lắng về những dự án triệu đô ven sông Hàn” đăng trên Báo Pháp luật Việt Nam.
Link cũ (bài không hiển thị nữa):
http://baophapluat.vn/bat-dong-san/da-nang-du-luan-lo-lang-ve-nhung-du-an-trieu-do-ven-song-han-426849.html

Xem bản lưu ở đây: https://bit.ly/2EeVqui

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/until-when-we-have-not-been-disregarded-12062018083551.html

 

Tranh chấp đất đai là vấn đề nóng ở Việt Nam

Kiểm Toán Nhà Nước Việt Nam thừa nhận tình trạng sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai tại Việt Nam vẫn diễn ra phổ biến, kéo dài và chậm xử lý gây hậu quả lớn về kinh tế và xã hội.

Một số vụ việc được Kiểm Toán Nhà Nước Việt Nam nêu ra như các vụ liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, thường được gọi là Vũ Nhôm, Đinh Ngọc Hệ, biệt danh Út Trọc, vụ dự án Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm…

Thừa nhận vừa nêu của Kiểm Toán Việt Nam được đưa ra tại hội thảo tổ chức vào ngày 6 tháng 12. Ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm Toán Nhà Nước được dẫn lời rằng thực trạng hoạt động quản lý, khai thác đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường tại Việt Nam trong thời gian gần đây có những tồn tại, hạn chế tác động đến phát triển kinh tế, xã hội, lãng phí, thất thoát nguồn lực xã hội và gây bức xúc xã hội.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh có mặt tại hội thảo nhấn mạnh giai đoạn 2014 – 2018 đã có nhiều sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai, diễn ra phổ biến, phức tạp ở hầu hết các nội dung và các cấp quản lý.

Các sai phạm về quản lý sử dụng đất được kể ra như tình trạng lấn chiếm đất công ở khắp nơi; đất đai bị hủy hoại vì khai thác khoáng sản; tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, chuyển đổi mục đích như biến đất nông nghiệp, lâm nghiệp thành đất ở, đất kinh doanh trái luật dẫn đến hậu quả bị hoang hóa, mất giá trị.

Nguyên nhân của những sai phạm trên được chuyên gia nhấn mạnh hiếm khi thực hiện cá nhân riêng lẻ mà thực hiện theo tổ chức, theo nhóm có sự dung túng, bao che của nhiều cán bộ và tổ chức nhà nước.

Một số cơ quan chức năng Việt Nam vừa qua cũng thừa nhận khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai chiếm đến ba phần tư các vụ người dân phải đến kêu tại các cơ quan tiếp công dân ở địa phương và trung ương.

Quy hoạch đất đai cũng là nội dung chính được bàn thảo tại kỳ họp Hội Đồng Nhân Dân TP.HCM vào sáng 6/12 với phần chất vấn của đại biểu với các lãnh đạo sở, ngành và Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố.

Truyền thông trong nước đưa tin cho biết các đại biểu đã đặt câu hỏi và trình bày nhiều vấn đề gây bức xúc trong dư luận bấy lâu liên quan đến quy hoạch đất đai.

Cụ thể, đại biểu Trần Quang Thắng dẫn trường hợp một người dân ở huyện Nhà Bè được cấp nền khi bị thu hồi đất nhưng 20 năm vẫn chưa được giải quyết. Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Quận 6 Lê Hòa Bình trả lời xác nhận việc chậm trễ là do sai sót.

Tình trạng nhiều dự án nằm trong quy hoạch đất công viên, cây xanh chậm triển khai gây lãng phí tài nguyên đất được đại biểu Phạm Hiếu Nghĩa chất vấn. Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc cho biết cơ quan này đang phối hợp với các quận, huyện rà soát, nếu bất cập thì sẽ điểu chỉnh.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng trả lời các câu hỏi của đại biểu cho biết thành phố xác định có 547 dự án phải thu hồi chủ trương cho chậm thực hiện liên quan đến Nghị quyết 16. Đối với nghị quyết 21, ông Thắng cho biết thành phố đã rà soát trên 2.800 dự án và 180 dự án trình thu hồi chủ trương. Ông này cũng cho hay vấn đề giá bồi thường là nguyên nhân khiến nhiều dự án chậm trễ.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/land-dispute-is-hot-topic-in-vietnam-now-12062018072939.html

 

Một số chuẩn bị cho đại hội đảng 13

Quân ủy Trung ương Việt Nam vào ngày 6 tháng 12 tiến hành hội nghị giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp Hành Trung ương đảng cộng sản nhiệm kỳ 2021-2026.

Đích thân ông tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, Nguyễn Phú Trọng, chủ trí hội nghị. Ông Nguyễn Phú Trọng cũng là bí thư Quân Ủy Trung ương.Bên cạnh đó còn có thủ tướng chính phủ và bộ trưởng quốc phòng cùng tham dự.

Ông đại tướng Ngô Xuân Lịch, bộ trưởng Bộ Quốc Phòng có báo cáo nêu ra rằng qui hoạch cán bộ cấp chiến lược là công việc hệ trọng, thường xuyên của đảng. Theo người đứng đầu quân đội Việt Nam thì trong thời gian qua, công tác qui hoạch cán bộ trong quân đội được tiến hành chặt chẽ, đúng nguyên tắc, đúng qui trình.

Tin cho biết tại hội nghị việc bỏ phiếu giới thiệu nhân sự quân đội qui hoạch được tiến hành; tuy nhiên danh sách chưa thấy công bố.

Quân đội và Công an là hai lực lượng được đảng cộng sản Việt Nam mệnh danh là ‘thanh kiếm và lá chắn’ để bảo vệ chế độ.

Cũng tin liên quan, vào ngày 5 tháng 12 Thường trực Tiển Ban Văn kiện Đại hội XIII của đảng cộng sản Việt Nam cũng tiến hành cuộc họp dưới sự chủ trì của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tin cho biết đảng cộng sản Việt Nam dự kiến tiến hành đại hội đảng lần thứ 13 vào quí 1 năm 2021 và tiểu ban văn kiện là một trong 5 tiểu ban chuẩn bị cho kỳ đại hội sắp tới.

Tiểu ban văn kiện được cho biết có nhiệm vụ chuẩn bị báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; chuẩn bị báo cáo chính trị trình đại hội đảng lần thứ 13.

Truyền thông trong nước cho biết ông Nguyễn Phú Trọng đề nghị Tiểu ban nên tranh thủ sự tham gia đóng góp ý kiến của những vị nguyên lãnh đạo đản, giới trí thức, các nhà nghiên cứu, quản lý. Tuy nhiên việc đóng góp theo nguyên tắc dân chủ cần phải theo nguyên tắc, có sự thống nhất; đặc biệt đối với những vấn đề mà theo lời ông Nguyễn Phú Trọng là vấn đề lớn.

Đảng cộng sản cầm quyền tại Việt Nam tiến hành đại hội 5 năm một lần để đưa ra đường lối chỉ đạo điều hành đất nước.

Một số nhân sĩ, trí thức cũng như giới hoạt động kêu gọi đảng cộng sản Việt Nam từ bỏ vai trò cai trị độc tôn, thực hiện đa nguyên- đa đảng, cải tổ thể chế để giúp đất nước tiến lên, thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu so với các nước khác trên thế giới và cả trong khu vực như hiện nay.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/central-military-party-commision-votes-representatives-to-join-party-central-committee-12062018104533.html

 

Foxconn xem xét đưa nhà máy sản xuất iPhone

từ Trung Quốc sang Việt Nam

Foxconn, công ty lắp ráp iPhone lớn nhất của tập đoàn Apple, đang xem xét việc thành lập nhà máy tại Việt Nam nhằm tránh các mức thuế mới từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tập đoàn Công nghệ Foxconn, có trụ sở ở Đài Loan, và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã họp bàn về vấn đề này, theo nguồn tin của Báo Đầu tư (VIR).

Bản tin bằng tiếng Anh của VIR ra ngày 3/12 cho biết Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 22/11, tiết lộ rằng tập đoàn Foxconn và UBND TP Hà Nội đang hợp tác để mở một nhà máy sản xuất iPhone ở Việt Nam nhằm giảm thiểu những tác động của cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.

“Chúng tôi đang bàn thảo việc này với Foxconn,” ông Lộc nói với Reuters nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Động thái này được xem là một trong những chuyển dịch đáng chú ý của một công ty lớn đang có các nhà máy sản xuất quy mô lớn ở Trung Quốc để có thêm những cơ sở ở bên ngoài do những căng thẳng về thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo nhận định của Reuters.

Một số người đứng đầu các công ty công nghệ khác được Reuters phỏng vấn đều cho rằng Việt Nam và Thái Lan là hai nơi sẽ được họ xem xét nếu họ muốn chuyển dây truyền sản xuất kinh doanh tới để tránh tác động của cuộc chiến thương mại.

“Trước bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, hiện đang có làn sóng dịch chuyển các nhà đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trong đó, miền Bắc và Hà Nội là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư,” người đứng đầu VCCI, ông Lộc, được Báo Pháp Luật trích lời nói tại cuộc họp với Thủ tướng Phúc hôm 22/11. “Việc đưa dây chuyền sản xuất iPhone về Việt Nam cũng là dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam.”

Để đón nhận làn sóng đầu tư mới, đặc biệt cho lĩnh vực công nghệ cao, ông Lộc đề nghị Hà Nội tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Lý do các nhà đầu tư lựa chọn TP Hà Nội, theo ông Lộc, là vì thành phố có những bước chuyển mới trong cải cách hành chính, có khí hậu tốt, truyền thống văn hóa và gần thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, vẫn theo Pháp Luật, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung lại cho rằng việc giải quyết thủ tục hành chính của TP Hà Nội vẫn không nhanh bằng TP HCM. Ông Cung nói việc giải quyết các thủ tục phát sinh sau các thủ tục ban đầu của Hà Nội còn chậm và rằng nhiều sở, ngành của thủ đô “vẫn có những nhiêu khê nhất định làm khó nhà đầu tư.”

Một trong những bất cập lớn đang làm cản trở môi trường kinh doanh tại Việt Nam là các “chi phí ngoài pháp luật” mà các doanh nghiệp phải trả để ‘bôi trơn.’

Theo khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 công bố đầu năm 2017, khoảng 66% doanh nghiệp tại Việt Nam phải trả phí ‘bôi trơn’ cho quan chức địa phương.

https://www.voatiengviet.com/a/foxconn-xem-xet-dua-nha-may-san-xuat-iphone-tu-trung-quoc-sang-viet-nam/4689438.html