Tin khắp nơi – 06/12/2018
Trump dọa đánh thuế tiếp
nếu không có ‘thỏa thuận thực sự’ với TQ
Ngày đăng 06-12-2018
Tổng thống Mỹ cho biết các cuộc đàm phán đã bắt đầu để xem hai nước có thực sự đi đến thỏa thuận sau cuộc gặp ông Tập hay không.
“Các cuộc đàm phán với Trung Quốc đã bắt đầu rồi. Trừ phi được gia hạn, nó sẽ chấm dứt sau 90 ngày kể từ bữa tối rất nồng ấm và tuyệt vời cùng Chủ tịch Tập tại Argentina”, Tổng thống Mỹ – Donald Trump hôm qua cho biết trên Twitter. Đàm phán sẽ tập trung vào việc “liệu chúng ta có thể đạt một thỏa thuận thực sự với Trung Quốc hay không”, ông cho biết, “Nếu có, chúng ta sẽ thực hiện điều đó. Trung Quốc sẽ bắt đầu mua nông sản Mỹ ngay lập tức. Chủ tịch Tập và tôi muốn thỏa thuận này diễn ra. Và điều đó là có thể”.
Không lâu sau đó, cũng trên Twitter, ông Trump cho biết nước Mỹ sẽ cố gắng đàm phán để “có một thỏa thuận thực sự” với Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu không đạt được sự đồng thuận nào, ông sẽ tiếp tục đánh thuế.
Ông đã chỉ định Đại diện Thương mại Mỹ – Robert Lighthizer dẫn đầu đoàn đàm phán trong thời gian tới. Nếu đàm phán thất bại, Mỹ sẽ tiếp tục áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Cùng ngày, Cố vấn Kinh tế Quốc gia của Mỹ – Larry Kudlow cho biết thỏa thuận mà ông Trump thông báo đã đạt được với Trung Quốc về giảm hoặc gỡ bỏ thuế nhập khẩu lên xe hơi Mỹ chưa phải thỏa thuận cuối cùng. Việc này trái ngược tuyên bố của ông Trump cách đây 2 ngày. “Tôi cho rằng sẽ đạt được thôi. Nhưng nó vẫn chưa được ký kết”, Kudlow cho biết trên Fox News hôm qua.
Chứng khoán Mỹ hôm thứ Hai tăng điểm nhờ quyết định đình chiến của Mỹ – Trung Quốc sau cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 cuối tuần trước. Tuy nhiên, các chỉ số chính tại Wall Street hôm qua mất tới hơn 3%, do khả năng đạt thỏa thuận vẫn còn mơ hồ.
Hai bên không ra thông cáo chung sau cuộc gặp. Thông báo sau đó của Nhà Trắng và Bắc Kinh về kết quả buổi gặp này cũng có một số điểm khác biệt. Sự ngờ vực của thị trường càng tăng lên sau dòng tweet của ông Trump nói rằng Trung Quốc đã đồng ý giảm thuế nhập khẩu với xe hơi Mỹ, trong khi Bắc Kinh không xác nhận chuyện này. Thông báo hôm qua của ông về khả năng gia hạn đình chiến cũng khiến mọi việc thêm thiếu chắc chắn.
Nguy cơ xung đột
từ những ‘mũi dùi’ Trump chĩa vào TQ
Chính quyền Trump liên tục gây áp lực với Bắc Kinh cả về thương mại, chính trị, quân sự, làm tăng mâu thuẫn và xung đột giữa hai siêu cường.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua ca ngợi cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Argentina “rất phi thường”, khẳng định quan hệ hai nước đã đạt được bước nhảy lớn và kỳ vọng vào “những điều rất tuyệt vời sẽ diễn ra”, sau khi lãnh đạo hai nước thống nhất không áp thêm thuế vào hàng hoá của nhau và Trung Quốc đồng ý mua “một lượng đáng kể” hàng hóa khác từ Mỹ.
Giới quan sát phân tích đánh giá đây là một quyết định “đình chiến” giữa Washington và Bắc Kinh, nhằm ngăn chiến tranh thương mại giữa hai nước leo thang đến mức nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo rằng thời kỳ hòa hoãn này có thể rất ngắn ngủi, khi nhiều mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự vẫn tồn tại âm ỉ, sẵn sàng bùng phát bất cứ lúc nào.
Trong một bài viết trên tờ The Hill, Harry J. Kazianis, chuyên gia nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia Mỹ, cho rằng giữa Bắc Kinh và Washington hiện nay tồn tại hai tầm nhìn hoàn toàn đối lập về diện mạo thế giới thế kỷ 21 cũng như quốc gia đóng vai trò thống trị thế giới đó.
Với Trung Quốc, thế kỷ 21 là kỷ nguyên để họ trỗi dậy sau thời gian dài chịu nhiều thiệt thòi. Bắc Kinh coi châu Á là “địa bàn tự nhiên” cho ảnh hưởng của mình và các cường quốc phương Tây đang cướp đoạt ảnh hưởng đó bằng cách lợi dụng điểm yếu của Trung Quốc để phục vụ cho lợi ích của mình.
Giờ đây, khi đã sở hữu nền kinh tế 12 nghìn tỷ USD và lực lượng quân đội được hiện đại hóa mạnh mẽ, Chủ tịch Tập Cận Bình muốn nhanh chóng khẳng định rằng Trung Quốc đã đủ mạnh để thống lĩnh châu Á. Điều đó đồng nghĩa với việc tăng sức ép để giải quyết vấn đề Đài Loan, biến Biển Đông và Biển Hoa Đông thành “ao nhà” của mình và cạnh tranh trực tiếp với Mỹ về thương mại, công nghệ.
Những mục tiêu đầy tham vọng này có thể giúp Trung Quốc trở thành một siêu cường, một thế lực thống trị châu Á, nhưng đồng thời cũng đẩy Bắc Kinh vào tầm ngắm của Washington. Trong tầm nhìn chiến lược của Mỹ, châu Á – Thái Bình Dương là nơi họ đã duy trì ảnh hưởng từ lâu; sự trỗi dậy và tham vọng của Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với hiện trạng mà họ thiết lập tại đây từ sau Thế chiến II.
Điều này thúc đẩy sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ với châu Á – Thái Bình Dương, bắt đầu từ chiến lược “xoay trục” hay “kiềm chế mềm” dưới thời tổng thống Obama. Mục tiêu của chiến lược này là tăng cường mạng lưới đồng minh và sự hiện diện quân sự của Mỹ, đồng thời thúc đẩy nỗ lực hợp tác với Trung Quốc để răn đe Bắc Kinh có bất cứ động thái nào nhằm xóa bỏ trật tự hiện nay trong khu vực.
Nhưng chiến lược này tỏ ra không hiệu quả trong việc kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, trong bối cảnh ngân sách quốc phòng Mỹ liên tục bị cắt giảm và Washington bị cuốn vào những cuộc xung đột khác ở Trung Đông cũng như cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Đúng lúc đó, Donald Trump xuất hiện và trở thành Tổng thống Mỹ. Với lời khuyên từ các cố vấn có tư tưởng cứng rắn với Trung Quốc như Peter Navarro, Steve Bannon hay Robert Lighthizer, chính quyền Trump quyết định tung đòn nhắm vào Bắc Kinh một cách quyết liệt hơn, trên nhiều mặt trận hơn.
Trump tăng cường giao thiệp với Đài Loan, tăng ngân sách quốc phòng và nỗ lực tái xây dựng quân đội Mỹ theo hướng tập trung đối phó với “các siêu cường”. Bên cạnh phát động chiến tranh thương mại, Trump còn gây thêm sức ép về chính trị, quân sự khi liên tục triển khai tàu chiến, máy bay tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và eo biển Đài Loan. Đây là dấu hiệu cho thấy chính quyền Trump sẽ không chịu nhượng bộ trước Trung Quốc, dù cuộc chiến thương mại có hạ nhiệt hay không, theo Kazianis.
Chuyên gia này cho rằng cách tiếp cận của chính quyền Trump tạo nên nhiều “mũi dùi” chĩa vào quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, làm gia tăng đáng kể nguy cơ nổ ra xung đột trong tương lai, dù cuộc chiến thương mại giữa hai nước có kết thúc hay không. Khi các tàu
chiến, máy bay Mỹ và Trung Quốc cùng hoạt động gần nhau trên một vùng biển, vùng trời, chỉ một hiểu nhầm hay sai lầm của phi công, thủy thủ cũng có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột.
Bài học lịch sử cho thấy những xung đột giữa các siêu cường thường dẫn tới chiến tranh và với những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân như Mỹ và Trung Quốc, cuộc chiến đó có thể hủy diệt cả nhân loại.
Giáo sư Amitai Etzioni thuộc Đại học George Washington cho biết Mỹ trên thực tế đã chuẩn bị cho một cuộc chiến với Trung Quốc, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi về mức độ xung đột và một kế hoạch tham chiến vẫn chưa được trình lên Nhà Trắng hay quốc hội. Trong bối cảnh đó, một số chuyên gia cho rằng cách hiệu quả nhất để tránh chiến tranh với Trung Quốc là yêu cầu Bắc Kinh tham gia vào trật tự thế giới tự do, thượng tôn pháp luật hiện nay, trong đó Mỹ tạo ra không gian đủ cho Trung Quốc trỗi dậy mà không làm suy giảm lợi ích cốt lõi của mình và đồng minh.
Tuy nhiên, hai cựu quan chức chính quyền Obama là Kurt Campbell và Ely Ratner gần đây cảnh báo rằng với tham vọng trỗi dậy của Bắc Kinh, việc đưa họ vào khuôn khổ của trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo hiện nay là điều bất khả thi. Ngay cả khi chính quyền Trump buộc Bắc Kinh thay đổi được hành vi thương mại, những mâu thuẫn khác vẫn tồn tại và Trung Quốc sẽ không thay đổi cách hành xử trên Biển Đông hay lập trường về vấn đề Đài Loan.
Theo bình luận viên Sulmaan Khan của Foreign Policy, khi nguy cơ tính toán sai lầm châm ngòi cho xung đột tăng lên, lãnh đạo Mỹ – Trung cần phải giữ cho mình cái đầu lạnh để tránh “làm những việc ngu ngốc”. Washington và Bắc Kinh từng nhiều lần đứng bên bờ vực chiến tranh, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng trên eo biển Đài Loan 1995-1996, vụ Mỹ ném bom nhầm đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư năm 1999, hay vụ trinh sát cơ Mỹ va chạm tiêm kích Trung Quốc ngoài khơi đảo Hải Nam năm 2001. Lãnh đạo hai nước trong các cuộc khủng hoảng này đều cố gắng không đưa ra những quyết định vội vàng và giúp thế giới tránh một cuộc chiến kinh hoàng.
Tuy nhiên, Kazianis cũng cảnh báo rằng Trung Quốc hiện nay rất khác so với thời kỳ trước năm 2001, bởi sức mạnh và tham vọng của họ lớn hơn rất nhiều. “Một điều không thể nghi ngờ là quan hệ Mỹ – Trung như chúng ta từng biết đã không còn nữa. Hãy tận hưởng những thời khắc hòa hoãn, bởi chúng có thể không kéo dài được lâu”, ông nói.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25104-nguy-co-xung-dot-tu-nhung-mui-dui-trump-chia-vao-tq.html
Nhà ngoại giao Mỹ yêu cầu Nga
thả thủy thủ Ukraina trước Giáng sinh
Đại diện đặc biệt của Mỹ phụ trách Ukraina Kurt Volker nói Nga phải trả tự do cho các thuỷ thủ Ukraina bị bắt giữ tại eo biển Kerch trước Giáng sinh hoặc “trước năm mới” 2019.
Từ Washington DC, hôm 3/12, ông Volker với VOA rằng Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây đang xem xét một số biện pháp ngăn chặn không để Nga tuyên bố thêm quyền “kiểm soát đơn phương” đối với vùng biển Azov.
Ông cũng nhắc lập trường của Hoa Kỳ trong việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraina vào năm 2014: “Chúng tôi không chấp nhận và sẽ không chấp nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea.”
Ông nói Hoa Kỳ kiên quyết yêu cầu Nga thả các tàu và trả tự do cho 24 binh sĩ và các điệp viên tình báo Ukraina bị lực lương an ninh Nga bắt giữ.
Ông nói rằng Hoa Kỳ muốn thực hiện các biện pháp nhằm gây áp lực lên Nga để “Nga phải sẵn sàng đàm phán một giải pháp.”
Ông Volker còn cho biết việc hủy bỏ cuộc họp dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Buenos Aires, Argentina, là “thích đáng” để cho Nga biết rằng Hoa Kỳ rất lo ngại, có thể nói là “ở mức cao nhất,” về việc Nga bắt giữ thủy thủ Ukraina trên vùng biển Azov.
Hôm 4/12, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng chỉ trích Nga về một số cáo buộc, trong số đó có việc xâm lược lãnh thổ Ukraina, can thiệp vào Mỹ và các cuộc bầu cử khác, và vụ ám sát cựu điệp viên Sergei Skripal tại Salisbury, Anh hồi đầu năm nay.
Lãnh đạo Huawei của TQ bị bắt tại Canada
theo yêu cầu của Mỹ
Con gái của nhà sáng lập Công ty công nghệ Trung Quốc Huawei bị bắt ở Canada và đang đối mặt với yêu cầu dẫn độ sang Mỹ, làm dấy lên lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ – Trung và có gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán toàn cầu.
Theo Reuters, việc Canada bất ngờ bắt giữ bà Mạch Vãn Chu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính của công ty công nghệ Huawei Technologies Co Ltd theo yêu cầu của Mỹ làm dấy lên nghi ngại có thể làm bế tắc thỏa thuận đình chiến thương mại 90 ngày mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đạt được.
Bà Mạch Vãn Chu bị bắt giữ được cho là liên quan đến cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, Reuters dẫn một nguồn tin cho biết.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ không bình luận về việc bà Mạch Vãn Chu bị bắt tại Canada.
Cũng theo Reuters, việc bắt giữ bà Mạnh và những biện pháp trừng phạt mà Mỹ có thể áp dụng đối với nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới này sẽ tác động lớn đến chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Giá cổ phiếu của các nhà cung cấp châu Á cho Huawei, tính cả Qualcomm Inc và Intel, đột ngột giảm vào ngày 6/12.
Bà Mạch, một trong những Phó chủ tịch hội đồng quản trị của công ty Huawei và con gái của người sáng lập công ty Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), bị bắt vào ngày 1/12 tại Vancouver, Canada, theo yêu cầu của chính quyền Mỹ và một phiên tòa dự định diễn ra ngày 7/12, theo người phát ngôn Bộ Tư pháp Canada.
Công ty Huawei đã xác nhận vụ bà Mạch bị bắt giữ và cho biết thêm rằng công ty “không biết rõ các hành động sai trái” của bà như cáo buộc.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada tuyên bố kiên quyết phản đối vụ bắt giữ này và kêu gọi trả tự do cho bà Mạch ngay lập tức.
Phát ngôn viên của đại sứ quán Trung Quốc hôm 5/12 cho biết: “Trung Quốc kiên quyết phản đối các hành động làm tổn hại nghiêm trọng tới quyền con người của nạn nhân. Trung Quốc yêu cầu Hoa Kỳ và Canada ngay lập tức phải sửa sai và trả tự do cho bà Mạch Vãn Chu ngay lập tức.”
Các nguồn tin nói với Reuters vào tháng Tư rằng nhà chức trách Mỹ đã điều tra công ty Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, kể từ ít nhất năm 2016 vì bị cáo buộc vận chuyển các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc sang Iran và các quốc gia khác, và vì vậy đã vi phạm luật xuất khẩu và lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ được tiến hành sau hàng loạt hành động nhằm chấm dứt hoặc hạn chế công ty Huawei và nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc ZTE tiếp cận với nền kinh tế Mỹ sau những cáo buộc rằng các công ty này có thể sử dụng công nghệ để do thám Mỹ.
Đâm máy bay Mỹ ở Nhật, 5 binh sĩ mất tích
Năm binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ mất tích sau khi hai chiếc máy bay đâm nhau trên không lúc diễn tập tiếp nhiên liệu, và rơi xuống vùng biển ngoài khơi Nhật Bản hôm 6/12.
Reuters dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết đã tìm thấy hai trong số 7 binh sĩ thủy quân lục chiến có mặt trên chiếc chiến đấu cơ F/A-18 Hornet và máy bay chở nhiên liệu KC-130 Hercules lúc xảy ra tai nạn.
Bộ này cho hay rằng một binh sĩ trong tình trạng ổn định tại căn cứ không quân Iwakuni của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, theo Reuters.
Nhật Bản tính sắm thêm máy bay tàng hình F-35
Trong khi đó, một người thứ hai được tìm thấy 10 tiếng sau vụ va chạm trên không và đã được đưa lên tàu quân sự của Nhật. Hiện chưa có các thông tin khác về tình trạng của binh sĩ này.
Tin cho hay, công tác tìm kiếm năm binh sĩ mất tích tiếp tục diễn ra, và Đại sứ Mỹ tại Nhật, ông William Hagerty, đã lên tiếng cám ơn phía Nhật.
Theo hãng tin Anh, đây là vụ việc mới nhất trong một loạt các vụ tai nạn không quân của Mỹ trên khắp thế giới trong những năm gần đây, dẫn tới nhiều cuộc điều trần tại Quốc hội Mỹ.
Các lãnh đạo trong cơ quan lập pháp Mỹ coi đó là “cuộc khủng hoảng” đồng thời đổ lỗi cho các hoạt động chiến đấu liên tục, tình trạng chậm hiện đại hóa, việc thiếu huấn luyện và các trang thiết bị cũ kỹ.
Tàu chiến Mỹ băng qua
vùng biển Nga tuyên bố chủ quyền
Một tàu khu trục của Hải quân Hoa Kỳ hôm 5/12 đã băng qua vùng lãnh hải mà Nga tuyên bố chủ quyền ở Biển Nhật Bản, lần đầu tiên thách thức Moscow ở khu vực này kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
USS McCampbell, tàu chiến trang bị tên lửa dẫn đường, băng qua một phần của Vịnh Peter Đại Đế, thực hiện điều Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ nói là hoạt động thể hiện “quyền tự do hàng hải”.
ABC News dẫn lời một quan chức hải quân Mỹ nói rằng đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ tiến hành một hoạt động như vậy qua Vịnh này.
Hải quân TQ lại đối đầu tàu chiến Mỹ ở Biển Đông
CNN là hãng đầu tiên đưa tin về hoạt động trên.
Quan chức hải quân Mỹ được trích lời nói rằng việc làm trên không nhằm “điểm mặt” Nga mà là một phần hoạt động nhằm giữ cho các tuyến đường biển rộng mở.
Hoa Kỳ thường thực hiện các hoạt động duy trì quyền tự do hàng hải ở Biển Đông nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển này của Trung Quốc.
George HW Bush:
bốn điều khác biệt về tang lễ của ông
Anthony ZurcherPhóng viên Bắc Mỹ
Bush là con trai của một thượng nghị sĩ; McCain, con trai của một đô đốc. Nhưng sự khác biệt trong tang lễ của họ nói lên rất nhiều điều.
Vào một ngày lạnh lẽo tháng 12, bạn bè, gia đình, viên chức và chức sắc tập trung tại Nhà thờ Quốc gia Washington để tưởng niệm cố Tổng thống George HW Bush.
Chỉ hơn ba tháng trước đó, vào ngày đầu tiên và nóng như thiêu của tháng Chín, cùng cảnh hoành tráng này là hiện trường của một tang lễ khác, cho thượng nghị sĩ và cựu ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa John McCain.
Donald Trump viếng linh cữu của TT George HW Bush
George HW Bush: Điều gì khiến TT chỉ được một nhiệm kỳ?
Bush là con trai của một thượng nghị sĩ; McCain, con trai của một đô đốc Hải quân. Bush gần như chắc chắn là tổng thống Mỹ cuối cùng đã chiến đấu trong Thế chiến II. McCain có lẽ chắc chắn là một cựu chiến binh Việt Nam đạt chiến thắng cao nhất trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Trên bề mặt, tang lễ của hai người đảng Cộng hòa rất tương tự – trang phục quân sự lộng lẫy, lễ nghi long trọng, dàn hợp xướng và các bài giảng. Hai tang lễ này, tuy nhiên, khá khác biệt – và, có lẽ, đánh dấu những con đường khác nhau mà Hoa Kỳ có thể bước lên trong những ngày tới.
Donald Trump
Sự tương phản đầu tiên và rõ ràng nhất giữa hai tang lễ là sự có mặt của người hiện đang ở trong Nhà Trắng. Donald Trump rõ ràng đã không được mời đến dự tang lễ của McCain, làm nổi bật mối quan hệ căng thẳng giữa hai người đàn ông trong những năm cuối đời của McCain.
Ông Trump, trong một trong những tranh cãi đầu tiên thời còn làm ứng cử viên tổng thống, đã chế giễu hồ sơ chiến tranh của McCain và thời gian ông bị giam cầm trong một nhà tù Bắc Việt.
Tổng thống Trump cũng đã gây hiềm khích với gia đình Bushes, tất nhiên, kể cả sỉ nhục ông Jeb Bush là người có “năng lượng thấp” trong chiến dịch tranh cử năm 2016.
Trong vài ngày qua, tuy nhiên, vết thương cũ dường như đã được xoa dịu. Ông Trump chào đón gia đình Bush tại nhà tiếp khách (Blair house) của tổng thống, đối diện với Nhà Trắng, và đến viếng linh cữu của Bush Cha tại vòm nhà Quốc hội Hoa Kỳ.
Hôm thứ Tư, ông Trump xuất hiện tại nhà thờ, ngồi bên cạnh ba cựu tổng thống khác và vợ của họ.
Tuy nhiên, không phải là không có kịch tính khi tổng thống bước vào nhà thờ, khi ông đi về phía gia đình Clinton và Carters mà không có lời chào và chỉ bắt tay Michelle và Barack Obama sau khi ngồi xuống bên cạnh họ.
Tuy nhiên, với gia đình Bush, không có gì ngoài sự lịch thiệp.
Những bài điếu văn
Tại đám tang của McCain, sự chỉ trích mà không nêu đích danh ông Trump trong nhà thờ rất rõ ràng. Susan Glasser của tờ New Yorker gọi tang lễ đó là “một cuộc họp của kháng chiến, dưới trần nhà hình vòm và cửa sổ kính màu.”
Barack Obama, trong bài điếu văn của ông, đã có lời chỉ trích người kế nhiệm.
“Chính trị của chúng ta nhiều lúc có vẻ đầy ác ý và nhỏ mọn, dao to búa lớn, những lời xúc phạm, những tranh cãi giả tạo và tạo sự phẫn nộ vô căn cứ,” Obama nói. “Đó là một chính trị tỏ ngoài mặt thì hùng hồn, nhưng trên thực tế là do sự sợ hãi.”
Trong bài điếu văn cho cha, lời lẽ của Meghan McCain thậm chí còn trực tiếp hơn: “Nước Mỹ của John McCain không cần phải trở nên vĩ đại nữa, bởi vì nó đã tuyệt vời rồi.”
Hôm thứ Tư, bất kỳ lời chỉ trích nào về ông Trump cũng chỉ có thể được nhận ra bằng cách ghi nhận sự hăng hái của lời khen ngợi đã được người người trao tặng cho vị tiền nhiệm của ông.
Sử gia và tác giả Jon Meacham gọi Bush là “người sáng lập thế kỷ 20” và “một con sư tử không chỉ dẫn dắt chúng ta, mà còn yêu thương chúng ta”.
Với George W Bush, những lời khen ngợi ông rất chí tình.
“Cha đã cho tôi thấy thế nào là một tổng thống phục vụ với sự chính trực, dẫn đầu với lòng dũng cảm, và hành động với tình yêu trong tim dành cho công dân của đất nước chúng ta”, con trai cả của George HW Bush nói.
“Sách lịch sử Hoa Kỳ được viết sau này sẽ nói rằng George HW Bush là một tổng thống vĩ đại của Hoa Kỳ – một nhà ngoại giao với kỹ năng chưa từng có, một lãnh đạo với thành tựu đáng gờm, và một người thi hành trách nhiệm của văn phòng mình với phẩm giá và danh dự.”
Cả hai bài điếu văn về ông Bush và McCain đều thu hút được những tràng pháo tay vang trời từ cử toạ trong nhà thờ – một sự hiếm có trong những dịp như vậy. Tuy nhiên, ông Bush con đã kết thúc bài diễn văn của mình, ngay sau khi giọng ông oà vỡ lúc mô tả Bush là “vị cha tốt nhất mà một người con có thể có”.
Những tràng pháo tay của người dự tang lễ lúc ấy như đang cố nhấc ông ra khỏi nỗi đau buồn của mình.
Bài điếu văn của con gái ông McCain kết thúc bằng câu nước Mỹ đã rất tuyệt vời, như thể khán giả đã khóa cánh tay trong tình đoàn kết.
Nếu đám tang của McCain là một lời kêu gọi phản kháng, thì của Bush là mong mỏi cho sự trở lại của một thời của lễ độ và nhã nhặn dường như đã qua.
“Một số người nói rằng đây là kết thúc của một thời đại,” Mục sư Houston của Bush, ông Bush Levenson, nói trong bài thuyết pháp của mình. “Nhưng nó không cần phải là như thế. Có lẽ đó là một cơ hội để lấp đầy những hố sâu đã có.”
Một sự kiện toàn cầu
Có lẽ không ai ngạc nhiên khi đám tang của vị cựu tổng thống thu hút sự chú ý của cả thế giới, điều mà tang lễ của McCain không làm được.
Có một số chức sắc, bao gồm tổng thống của Ukraine và Panama, tổng thư ký của NATO, và các bộ trưởng chính phủ khác nhau và cựu quan chức đến dự tang lễ của vị TNS McCain.
Tham dự đám tang của Bush gồm có Hoàng tử Charles, cựu Thủ tướng Anh John Major, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Vua Abdullah của Jordan và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda.
Trong những gì có thể diễn giải là sự tương phản với người hiện giờ đang làm việc tại phòng Bầu dục, cựu Thủ tướng Canada Brian Mulroney – người cũng đọc điếu văn cho Ronald Reagan vào năm 2004 – nói rằng, với Bush giới lãnh đạo thế giới biết họ đang đối phó với một “quý ông” và “nhà lãnh đạo chính cống” – “một người xuất sắc, kiên quyết và dũng cảm”.
Những người phụ tang
Vì McCain được chẩn đoán mắc bệnh ung thư não giai đoạn cuối, và Bush đã 94 tuổi lại sức khỏe kém, cả hai đều có nhiều thời gian để chuẩn bị cho tang lễ của mình.
“George bảo tôi rằng tôi chỉ có 10 phút,” cựu Thượng nghị sĩ Alan Simpson, một trong những người đọc điếu văn của Bush, kể lại. “Ông ấy rất thẳng thắn về điều đó.”
Với các chi tiết quy hoạch, mọi khoảnh khắc biên đạo có thể được phân tích cho ý nghĩa ẩn.
Một khía cạnh thu hút sự chú ý đặc biệt về tang lễ của McCain là danh tính của những người khiêng quan tài của ông – tất cả 15 người trong số này.
Có phải việc McCain chọn một nhà bất đồng chính kiến của Nga là một cú đâm vào ông Trump? Thế còn những chính trị gia lưỡng đảng bao gồm cả cựu tổng thống Obama và George W Bush thì sao?
Với Bush – một cựu phi công hải quân – tất cả 13 người hộ tang đều là các sĩ quan hải quân hiện tại hoặc cựu sĩ quan Hải quân chỉ huy hàng không mẫu hạm USS George HW Bush hoặc lực lượng tấn công của tàu.
Không có gì bí ẩn ở đó cả.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46463920
TT Bush được ca ngợi là ‘người lính-chính khách,
’ bậc thầy của sự nhã nhặn
Cố Tổng thống George H.W. Bush được ca tụng tại tang lễ nhà nước vào ngày thứ Tư như là một anh hùng Thế chiến thứ hai, một nhân vật kì cựu thời Chiến tranh lạnh và kiến trúc sư cho chiến thắng của Mỹ chống lại Iraq. Ông đã trở thành hình mẫu cho một thời đại của sự lịch thiệp trong chính trường Mỹ.
Giữa tinh thần đoàn kết lưỡng đảng hiếm hoi trong lễ tưởng niệm tại Thánh đường Quốc gia Washington, các chính trị gia của cả hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ đều vinh danh một tổng thống từng kêu gọi một quốc gia “tử tế hơn, nhân từ hơn.”
Ông Bush, tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ, qua đời tuần trước ở bang Texas ở tuổi 94. Ông tại nhiệm trong Nhà Trắng từ năm 1989 đến 1993, và lèo lái đất nước trong bối cảnh Liên bang Soviet sụp đổ và đánh bật lực lượng Iraq của cựu Tổng thống Saddam Hussein ra khỏi nước Kuwait giàu dầu mỏ.
“George H.W. Bush là người lính-chính khách vĩ đại cuối cùng của nước Mỹ,” Jon Meacham, một tác giả viết tiểu sử tổng thống, nói trong một bài điếu văn. “Ông ấy đương đầu chống lại chủ nghĩa toàn trị trong Chiến tranh Lạnh. Ông ấy đương đầu chống lại sự chia rẽ đảng phái không suy xét ở Washington,” ông nói.
Những tranh cãi chính trị hiện thời ở thủ đô của Mỹ được tạm gác sang một bên để vinh danh vị tổng thống quá cố, người từng là phi công hải quân sống sót sau khi bị lực lượng Nhật Bản bắn hạ ở Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ hai, và từng làm giám đốc CIA.
Tổng thống Donald Trump bắt tay người tiền nhiệm của ông, cựu Tổng thống Barack Obama, người mà ông thường đả kích gay gắt, khi ông ngồi vào ghế tại nhà thờ.
Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, và phu quân Bill Clinton cùng ngồi hàng ghế đầu với ông Obama, ông Trump và hai vị phu nhân của họ.
Vị cố tổng thống được nhớ tới như một bậc quân tử cao quý, người đại diện cho một thời đại của sự nhã nhặn trước đây trong chính trường Mỹ.
Ông thất bại trong nỗ lực tái tranh cử một phần vì suy thoái kinh tế. Nhưng danh tiếng của ông về sự ôn hòa và lịch thiệp tỏa sáng hơn trong những năm gần đây giữa một nước Mỹ đầy chia rẽ và giận dữ cùng với sự trỗi dậy của ông Trump.
Cựu Thủ tướng Canada, Brian Mulroney, tán dương vai trò của Tổng thống Bush trong việc chấm dứt Chiến tranh Lạnh và giúp thống nhất nước Đức.
“Khi George Bush là tổng thống Hoa Kỳ, tất cả những người đứng đầu chính phủ trên thế giới đều biết rằng họ đang làm việc với một quý ông, một nhà lãnh đạo chân chính, một người lỗi lạc, kiên quyết và can đảm.”
Nước Mỹ đoàn kết
trong dịp vĩnh biệt cựu tổng thống “Bush cha”
Cựu tổng thống George Herbert Walker Bush được an táng hôm nay 06/12/2018 tại Texas. Tang lễ của tổng thống Mỹ thứ 41 được cử hành long trọng hôm qua tại Vương cung thánh đường Washington, với sự hiện diện của năm cựu tổng thống Hoa Kỳ, trong đó có con trai ông là George Walker Bush, và đương kim chủ nhân Nhà Trắng Donald Trump. Một hình ảnh đoàn kết hiếm hoi trong một nước Mỹ đang chia rẽ.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường thuật :
« Trong Vương cung thánh đường đầy nghẹt người, cứ như là nước Mỹ vinh danh một kiểu chính khách ngày nay đã biến mất. Một quân nhân can trường, tự nguyện xung vào Không quân trong thời chiến, một vị nguyên thủ khiêm tốn, luôn tìm kiếm thỏa hiệp, quan tâm đến lợi ích của mỗi bên.
Ông Brian Mulroney, cựu thủ tướng Canada nói : « Khi ông George Bush làm tổng thống Hoa Kỳ, mỗi nhà lãnh đạo trên thế giới đều biết rằng họ đối diện với một người lịch sự, một nguyên thủ thực sự, một nhân vật ưu tú, kiên quyết và can đảm ».
Tổng thống Donald Trump ngồi ở hàng đầu với khuôn mặt bình thản, trong buổi lễ vinh danh một con người mà tính cách hoàn toàn tương phản với ông. Barack Obama, Bill Clinton và Jimmy Carter ngồi bên cạnh ông Trump.
Một cựu tổng thống Mỹ khác, George Bush, tổng thống thứ 43 của nước Mỹ phát biểu. Ông nhắc lại nỗi đau thầm kín của người cha, từ khi mất đi người con trai là Robin, chết lúc ba tuổi, và những quan tâm thường xuyên của « Bush cha » đối với gia đình.
Ông « Bush con » nói : « Qua dòng nước mắt, chúng con hạnh phúc có ba và được ba yêu thương : một người vĩ đại, cao thượng, người cha tốt nhất mà con cái có thể có được. Và trong nỗi đau của chúng con, con chỉ giản đơn mỉm cười khi biết rằng ba ơi, giờ đây ba lại nắm lấy tay mẹ và Robin ».
Quan tài của tổng thống Mỹ thứ 41 được các quân nhân khiêng ra khỏi giáo đường. Một trong những cộng sự cũ của George H.W.Bush bình luận, với sự ra đi của ông, chúng ta đã mất đi một trong những kiến trúc sư của một thế giới đang sụp đổ ».
Tổ chức Trump bị buộc giao nộp tài liệu
trong vụ kiện thù lao
Tổng chưởng lí của bang Maryland và Địa khu Columbia (thủ đô Washington) hôm thứ Ba đã chính thức yêu cầu hồ sơ tài chính từ các cơ sở kinh doanh của Tổng thống Mỹ Donald Trump như một phần trong vụ kiện của họ cáo buộc các giao dịch của ông với chính phủ nước ngoài vi phạm các điều khoản chống tham nhũng của Hiến pháp Hoa Kỳ.
Các tổng chưởng lí đã ra trát buộc Tổ chức Trump, công ty bất động sản thuộc sở hữu tư nhân của tổng thống, và các công ty liên đới phải giao nộp tài liệu.
Hàng loạt trát đòi giao nộp tài liệu được gửi đi một ngày sau khi Thẩm phán liên bang Peter Messitte ở Greenbelt, bang Maryland bắt đầu giai đoạn khám phá của vụ kiện. Giai đoạn này cho phép đương đơn đòi câu trả lời cho những câu hỏi cụ thể và đòi bị đơn trưng ra các tài liệu nhạy cảm.
Bộ Tư pháp Mỹ, cơ quan hiện đang biện hộ cho tổng thống trong vụ kiện, không trả lời yêu cầu bình luận ngay lập tức, Reuters cho biết.
Các tổng chưởng lí đang tìm kiếm một loạt tài liệu, bao gồm báo cáo doanh thu và hồ sơ khai thuế từ các công ty thuộc Tổ chức Trump.
Phớt lờ các trát đòi giao nộp tài liệu sẽ đưa tới phán quyết khinh mạn tòa án.
Các luật sư của chính phủ Mỹ cho biết hôm thứ Sáu tuần trước trong hồ sơ đệ trình tòa án rằng họ dự định yêu cầu tòa án phúc thẩm dừng giai đoạn khám phá lại và xét lại phán quyết trước đó của Thẩm phán Messitte cho phép vụ kiện được xúc tiến.
Vụ kiện, được đệ trình vào tháng 6 năm 2017, lập luận rằng tổng thống Đảng Cộng hòa đã không tách mình khỏi hoạt động kinh doanh của các khách sạn và các doanh nghiệp khác, khiến ông dễ trở thành đối tượng mà các quan chức muốn hối lộ để được ưu ái.
Vụ kiện cáo buộc ông Trump vi phạm các điều khoản “thù lao” của Hiến pháp được minh định để ngăn chặn tham nhũng và ảnh hưởng của nước ngoài. Một điều khoản cấm các quan chức Hoa Kỳ nhận quà tặng hoặc các khoản thù lao khác từ chính phủ nước ngoài mà không có sự chấp thuận của Quốc hội. Một điều khoản khác cấm tổng thống nhận thù lao từ các bang riêng lẻ.
Thẩm phán Messitte sau đó đã thu hẹp phạm vi vụ kiện với các tuyên bố liên quan tới Khách sạn Quốc tế Trump ở Washington chứ không phải các cơ sở kinh doanh của ông Trump bên ngoài thủ đô của Mỹ.
Michael Flynn ‘hợp tác tích cực’
với cuộc điều tra của ông Mueller
Văn phòng của công tố viên đặc biệt của Mỹ, ông Robert Mueller, hôm 4/12 nói rằng cựu cố vấn an ninh quốc gia Tổng thống Donald Trump, ông Michael Flynn, đã có sự hợp tác ‘tích cực’ với cuộc điều tra về khả năng thông đồng giữa ban vận động tranh cử của ông Trump và Nga.
Văn phòng ông Mueller cho biết trong một văn bản gửi tòa rằng ông Flynn đã hỗ trợ cuộc điều tra ‘về mối liên hệ hay sự phối hợp giữa Chính phủ Nga và các các nhân nằm trong ban vận động tranh cử của ông Trump’.
Ông Flynn cũng cung cấp ‘những thông tin mà ông biết trực tiếp về nội dung và bối cảnh những lần liên lạc giữa ban chuyển giao quyền lực và các quan chức chính phủ Nga,’ văn bản này cho biết.
Dẫn ra 19 cuộc phỏng vấn mà Flynn đã trả lời văn phòng ông Mueller và các công tố viên liên bang, văn phòng ông Mueller đề nghị thẩm phán liên bang không kết án tù ông Flynn.
Các công tố viên nói rằng ông Flynn cũng giúp đỡ các cuộc điều tra hình sự khác, mặc dù những chi tiết này không được nêu ra để giữ bí mật cho các cuộc điều tra đang diễn ra.
Ông David Weinstein, một cựu công tố viên liên bang, nói rằng những phần bị bôi đen nhiều khả năng cho thấy những cáo trạng đang treo lơ lửng đối với một số nhân vật xung quanh ông Trump và dấy lên hoài nghi về những phỏng đoán cho rằng ông Mueller đang tiến gần đến kết thúc cuộc điều tra.
“Nó ắt hẳn phải có liên quan đến những người khác mà ông ấy tin rằng có liên quan đến âm mưu chung hay sự thông đồng mà ông ấy được giao nhiệm vụ điều tra,” ông Weinstein nói. “Nếu ông ấy gần như hoàn tất điều tra thì không thể có chuyện có thông tin bị bôi đen đi.”
Ông Flynn, vốn tham gia vào đội ngũ ở Nhà Trắng chỉ được 24 ngày, hồi tháng 10 năm 2017 đã nhận tội nói dối với FBI về các lần liên lạc của ông với người Nga. Ông sẽ bị tuyên án ở Tòa án của District of Columbia vào ngày 18/12.
Cho đến nay ông là người duy nhất trong chính quyền Trump thừa nhận một tội danh mà cuộc điều tra rộng lớn của ông Mueller về nỗ lực của Nga can thiệp bầu cử Mỹ khám phá ra.
Cuộc điều tra của ông Mueller, vốn có khả năng đe dọa nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, liên đới 32 cá nhân và ba công ty Nga. Dự kiến ông Mueller sẽ công bố bản báo cáo về những phát hiện của ông vào năm sau.
Những người khác cũng bị ông Mueller buộc tội có ông Paul Manafort, cựu quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump và phó quản lý chiến dịch Rick Gates cùng với cựu luật sư riêng của ông Trump là ông Michael Cohen, người mà hồi tuần trước đã nhận tội nói dối với Quốc hội về một dự án bất động sản của ông Trump ở Moscow.
Trong một thỏa thuận đưa lời khai, ông Flynn thừa nhận trước tòa án ở Washington rằng ông đã nói dối khi được các nhà điều tra của FBI hỏi về nội dung cuộc nói chuyện của ông với Đại sứ Nga khi đó là ông Sergei Kislyak chỉ một vài tuần trước khi ông Trump nhậm chức.
Các công tố viên cho rằng hai người đã thảo luận các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga và rằng Flynn cũng yêu cầu Đại sứ Kislyak giúp hoãn một cuộc bỏ phiếu ở Liên Hiệp Quốc vốn được xem là có hại cho Israel.
Cuba đổi ý, nới lỏng cho kinh tế tư nhân
Chính quyền Cuba hôm qua 05/12/2018 đã có động thái bất ngờ : loan báo không áp dụng một số những luật lệ nhằm siết chặt kinh tế tư nhân, lẽ ra sẽ có hiệu lực từ ngày mai.
Nhìn nhận rằng 20 đạo luật được đăng trên Công báo từ hôm 10/7 đã gây hoang mang và bất bình trong lãnh vực tư nhân, bộ trưởng Lao Động Margarita Gonzalez thông báo trên truyền hình, là một số luật sẽ được sửa đổi.
Quy định gây tranh cãi nhiều nhất là mỗi người chỉ được cấp một giấy phép kinh doanh duy nhất – chẳng hạn nhà trọ không được phục vụ bữa ăn cho khách – sẽ được bãi bỏ. Nhà hàng không còn bị giới hạn không quá 50 chỗ, các doanh nhân không còn bị buộc mở tài khoản ngân hàng.
Từ năm 2008, các « cuentapropistas » (lao động tự do) được phép hành nghề bán hàng ăn, sửa xe đạp, thợ may, lái taxi, cắt tóc…Có 1,5 triệu người sống nhờ thu nhập từ khu vực này, trên tổng số 11,2 triệu dân Cuba.
Tuy nhiên theo luật lệ mới, số nghề được làm từ 201 giảm xuống còn 123. Luật cũng cấm thương lượng buôn bán với các công ty ngoại quốc, trong khi các công ty này hiện diện ngày càng nhiều trên đảo quốc.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181206-cuba-doi-y-noi-long-cho-kinh-te-tu-nhan
Lo ngại rửa tiền, Anh ngưng chương trình ‘visa vàng’
Anh sẽ ngưng chương trình cấp thị thực theo dạng đầu tư 2 triệu bảng (2,5 triệu đô), trong nỗ lực chống rửa tiền và tội phạm có tổ chức.
Theo Reuters, trong vòng hai thập kỷ qua, các “đại gia” từ Nga, Trung Đông, và mới đây là Trung Quốc, đã đổ tới London. Tầng lớp giàu có này đã mua các căn biệt thự sang trọng và cả các câu lạc bộ bóng đá.
Việc giới siêu giàu “đổ” hàng chục tỷ đôla đầu tư đã giúp London duy trì vị thế là một trong hai thủ đô tài chính hàng đầu thế giới, dù chính phủ Anh lo ngại về nguồn gốc của các tài sản này.
Ông chủ người Thái của đội bóng Anh gặp nạn
Việc cấp visa theo dạng đầu tư ba năm cho các công dân không thuộc Liên minh châu Âu, để đổi lấy 2 triệu bảng đầu tư vào Anh, sẽ bị ngưng lại từ ngày 7/12.
Reuters dẫn tuyên bố của Bộ Nội vụ Anh nói rằng sau khi có các thay đổi, những ai muốn xin thị thực đầu tư cần phải cung cấp thông tin chứng minh về tài chính và các hoạt động kinh doanh do các công ty kiểm toán của Anh thực hiện.
Năm ngoái, có khoảng 1 nghìn đơn xin thị thực theo dạng đầu tư như trên.
Hồi tháng Chín, cơ quan chống tội phạm quốc gia của Anh cho biết đang tăng cường nỗ lực chặn tiền “bẩn” của “giới tinh hoa tham nhũng” chảy vào Anh.
Bị chống đối dữ dội,
kế hoạch Brexit của bà May lâm nguy
Bản kế hoạch Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May hôm 5/12 đang hứng chịu chỉ trích dữ dội từ cả các đối thủ lẫn đồng minh sau khi chính phủ buộc phải công bố tư vấn pháp lý của luật sư chính phủ cho thấy nước Anh có thể sẽ vĩnh viễn bị cột chặt trong quỹ đạo của Liên minh châu Âu.
Brexit, tức nước Anh rời khỏi EU, là thay đổi kinh tế và chính trị lớn nhất của nước Anh kể từ Đệ nhị Thế chiến. Brexit đã liên tục đẩy nền chính trị Anh vào khủng hoảng kể từ cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2016 mà theo đó dân Anh quyết định rời khỏi EU.
Sau một loạt những thất bại đáng xấu hổ của bà May ở Quốc hội vào ngày trước đó vốn đã làm dấy lên hoài nghi về khả năng của bà đưa được thỏa thuận Brexit qua ải Quốc hội, ngân hàng đầu tư Mỹ J.P. Morgan nói rằng khả năng nước Anh hủy toàn bộ Brexit đã tăng lên.
Quốc hội Anh đã buộc bà May phải công bố lời khuyên của luật sư hàng đầu của chính phủ về cơ chế đường biên giới mềm để tránh phải quay trở lại kiểm soát biên giới giữa Cộng hòa Ireland thuộc Liên minh châu Âu và Bắc Ireland thuộc Anh.
Đảng DUP của Bắc Ireland vốn liên minh với bà May để giúp bà dựng lên chính phủ nói rằng những lời tư vấn pháp lý về thỏa thuận Brexit là ‘hết sức đáng buồn’.
Ông Nigel Dodds, phó lãnh đạo của Đảng DUP nói rằng lời khuyên pháp lý này chứng tỏ rằng Bắc Ireland sẽ được đối xử khác với phần còn lại của nước Anh.
Giờ đây Quốc hội Anh đã tỏ tất cả các dấu hiệu cho thấy họ sẽ nhấn chìm thỏa thuận Brexit của bà May trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 11/12 tới. Hiện vẫn chưa rõ liệu chuyện gì sẽ xảy ra nếu thỏa thuận bị bác bỏ vì nước Anh sẽ phải rời EU vào ngày 29/3 năm sau.
Hôm 4/12, chỉ vài giờ trước khi bắt đầu cuộc tranh luận kéo dài 5 ngày ở Quốc hội Anh về thỏa thuận Brexit của bà May, một quan chức luật pháp hàng đầu tại Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) nói rằng Anh quốc có thể rút lại thông báo ly khai chính thức.
“Nước Anh giờ đây dường như có lựa chọn đơn phương rút lại đơn ly khai và lấy thời gian theo ý họ để quyết định sẽ làm gì tiếp theo,” kinh tế gia Malcolm Barr của Ngân hàng J.P. Morgan nhận định.
Ông đánh giá có 10% cơ hội nước Anh sẽ rời khỏi EU mà không có thỏa thuận, giảm xuống từ mức 20% và 50% cơ hội nước Anh rời EU với thỏa thuận, giảm từ 60%, trong khi khả năng sẽ không xảy ra Brexit đã tăng gấp đôi từ 20% lên 40%. Đây là sự thay đổi nhận định lớn nhất kể từ cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2016.
Bộ trưởng thương mại Liam Fox, một người ủng hộ Brexit, nói rằng giờ đây có khả năng Brexit sẽ không xảy ra. Ông Fox nói với một ủy ban Quốc hội rằng có nguy cơ thật sự là Brexit sẽ ‘bị lấy mất’ khỏi tay người dân Anh.
Trong cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2016, 52% cử tri bỏ phiếu cho Brexit trong khi 48% yêu cầu ở lại trong EU.
Nếu thỏa thuận Brexit bị bác bỏ, bà May đã cảnh báo rằng nước Anh có thể ra đi mà không có thỏa thuận hoặc là sẽ không có chuyện Brexit luôn.
Những người ủng hộ Brexit nói rằng nếu quá trình Brexit bị đảo ngược, nước Anh sẽ bị đẩy vào khủng hoảng Hiến pháp vì, theo lời họ, giới tinh hoa chính trị và tài chính đã bóp nghẹt nguyện vọng dân chủ của người dân.
Mặc dù cả Đảng Bảo thủ của bà May và Đảng Lao động đối lập đều nói rằng họ sẽ tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu dân ý, ngày càng có nhiều nghị sỹ trong Quốc hội nói rằng giải pháp duy nhất có lẽ là một cuộc trưng cầu dân ý mới để các cử tri có lựa chọn ở lại EU.
Chính quyền Pháp lại nhượng bộ,
Áo Vàng không lùi bước
Chính quyền Pháp hôm nay 06/12/2018 cố gắng làm giảm nhẹ cơn giận dữ của những người Áo Vàng (Gilets Jaunes) trước ngày thứ Bảy tới, hứa hẹn không tăng thuế sinh thái trong năm 2019, ngược lại sẽ đánh thuế bốn tập đoàn internet GAFA (Google, Apple, Facebook, Amazon).
Bên cạnh đó, thủ tướng Edouard Philippe cho biết sẵn sàng bàn đến việc không đánh thuế vào tiền thưởng của người lao động, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp góp sức để giảm các món chi bắt buộc của người dân như bảo hiểm, phí ngân hàng…
Ngoài việc hủy bỏ thuế carbon trong năm 2019 thay vì tạm hoãn 6 tháng như thông báo trước đó cũng như không tăng giá điện và khí đốt, không tăng cường kiểm tra kỹ thuật xe hơi, hôm qua thủ tướng Edouard Philippe còn đặt lại vấn đề về thuế đánh vào tài sản người giàu (ISF). Tuy nhiên sau đó tổng thống Emmanuel Macron đã bác bỏ khả năng này.
Các biện pháp trên nhằm đáp ứng các yêu sách của phe Áo Vàng, tránh biểu tình dẫn đến bạo động. Tuy nhiên có đến 78% người Pháp cho rằng chưa đầy đủ. Khắp nơi trên toàn nước Pháp lại có những lời kêu gọi biểu tình ngày thứ Bảy 8/12, và bộ Nội Vụ lo ngại « sự tham gia của phe cực hữu và cực tả ». Ngoài những người Áo Vàng, nghiệp đoàn nông nghiệp hàng đầu FNSEA loan báo sẽ xuống đường trong suốt tuần tới. Các nghiệp đoàn vận tải cũng kêu gọi đình công vô thời hạn từ Chủ nhật 9/12.
Tổng thống Macron, mục tiêu của mọi chỉ trích, lần đầu tiên đã cầu viện đến các đảng chính trị, nghiệp đoàn và giới chủ, đề nghị cùng « đưa ra lời kêu gọi giữ bình tĩnh ».
Trong một động thái đoàn kết hiếm hoi, bảy nghiệp đoàn đã đáp ứng, tố cáo « mọi hình thức bạo lực », nhấn mạnh đến đối thoại. Đồng thời đòi hỏi chính phủ thương lượng thực sự, có những kết quả cụ thể về vấn đề sức mua, thuế khóa.
Chủ tịch đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR) Laurent Wauquiez hoan nghênh « động thái hòa dịu » của chính phủ, và đòi hỏi tổng thống Macron – vẫn đang giữ im lặng – phát biểu trước quốc dân.
Các dân biểu thuộc đảng Xã Hội, Nước Pháp Bất Khuất và Cộng Sản, không hài lòng trước những giải pháp đề ra, hôm nay cho biết sẽ đưa kiến nghị bất tín nhiệm. Tuy nhiên khó có khả năng giải thể được chính phủ vì cả ba nhóm cánh tả chỉ có 62 trên tổng số 577 dân biểu.
Tỉ lệ tín nhiệm của tổng thống Emmanuel Macron giảm 3 điểm còn 18%, thủ tướng Édouard Philippe mất 7 điểm còn 21%, thấp nhất từ khi nhậm chức đến nay.
http://vi.rfi.fr/phap/20181206-chinh-quyen-phap-lai-nhuong-bo-ao-vang-khong-lui-buoc
Cuộc khủng hoảng Áo Vàng
làm suy yếu vị thế nước Pháp tại châu Âu
Cách nay gần hai năm, chiến thắng của ông Emmanuel Macron trước bà Marine Le Pen trong cuộc bầu cử tổng thống tại Pháp đã biến ông thành “cứu tinh” của châu Âu, góp phần nâng cao vai trò nước Pháp trên trường quốc tế. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng Áo Vàng bùng lên đã làm cho uy tín của tổng thống Pháp bị sứt mẻ đáng kể, với hệ quả rõ nét là làm suy yếu vị thế quốc tế của Pháp, đồng thời ảnh hưởng đến Liên Hiệp Châu Âu trong bối cảnh trào lưu co cụm đang vươn lên tại nhiều nước.
Trong hai bài phân tích khác nhau được công bố đồng thời ngày 05/12/2018, nhà bình luận Pháp Pierre Haski trên đài phát thanh Pháp France Inter, và nhà nghiên cứu Mỹ Desmond Lachman trên tờ báo Mỹ The Hill, đều lo ngại trước nguy cơ uy tín bị suy giảm của tổng thống Pháp sẽ ảnh hưởng xấu đến Liên Hiệp Châu Âu vào lúc sắp diễn ra cuộc bầu cử Nghị Viện Liên Âu.
Cực hữu châu Âu hoan hỉ trước khủng hoảng Áo Vàng tại Pháp
Bài nhận định của Pierre Haski trên đài France Inter trước hết nêu bật nhận xét độc địa về tình thế hiện tại của tổng thống Pháp mà tác giả là ông Matteo Salvini, bộ trưởng Nội Vụ Ý, lãnh đạo Liên Đoàn, đảng cực hữu trong liên minh cầm quyền lực tại Ý, một nhân vật hoài nghi châu Âu và rất ghét quan điểm bảo vệ Liên Hiệp Châu Âu của ông Macron.
Tuyên bố vào hôm qua, 05/12, người được coi là đối thủ chủ chốt của tổng thống Pháp trên chính trường châu Âu đã cho rằng : « Macron không còn là vấn đề đối với tôi nữa… Ông ta đã trở thành vấn đề của người Pháp ».
Đối với Pierre Haski, trong số các thành phần đang vui mừng trước việc phong trào Áo Vàng đang đẩy nước Pháp vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, các đảng dân túy và cực hữu ở châu Âu hiện đang đứng hàng đầu.
Cuộc đối chọi quan điểm « Châu Âu tiến bộ » và « Dân tộc chủ nghĩa » sẽ không diễn ra
Trong những tháng gần đây, Emmanuel Macron một bên, và Matteo Salvini cùng thủ tướng Hungary Viktor Orban ở bên kia, đã vươn lên tuyến đầu trong cuộc đọ sức chính trị ở cấp độ châu Âu, từng được tổng thống Pháp gọi là cuộc đấu tranh của phe « tiến bộ » chống lại các thành phần « dân tộc chủ nghĩa ».
Cuộc đấu Macron chống Salvini và Orban lẽ ra sẽ là điểm nhấn của cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu vào tháng Năm năm tới, bất chấp việc nhiều lực lượng chính trị khác không nhất thiết là đã công nhận rằng mình thuộc bên này hay bên kia.
Thế nhưng, theo Pierre Haski, triển vọng diễn ra trận thư hùng đó đã tan biến trên các chiến lũy mà phong trào Áo Vàng dựng lên tại Pháp. Lý do là vị tổng thống Pháp, cho đến gần đây, vẫn được xem là anh hùng và thậm chí là cứu tinh của phe ủng hộ châu Âu, hiện đã bị suy yếu đáng kể, cùng với chương trình hành động mà ông dự trù cho toàn Liên Hiệp Châu Âu.
Theo Pierre Haski, sự kiện ông đánh bại ứng cử viên cực hữu, chống châu Âu Marine Le Pen để lên làm tổng thống Pháp vào năm ngoái đã biến ông thành bức tường thành chống lại sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy, ngay sau khi nước Anh quyết định rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu và biểu tương của « Nước Mỹ Trên Hết » là Donald Trump lên làm tổng thống Hoa Kỳ.
Các đề xuất của ông Macron về sự phục hưng của châu Âu đã tìm thấy sự cộng hưởng rộng rãi nơi những người không can tâm nhìn thấy 70 năm xây dựng châu Âu bị hủy hoại qua những cuộc khủng hoảng liên tiếp.
Chương trình nghị sự của ông Macron tuy nhiên đã không thể được thúc đẩy, một phần vì những khó khăn nội bộ của thủ tướng Đức Angela Merkel, nhưng một phần khác vì thiếu đồng thuận trong toàn thể Liên Hiệp Châu Âu.
Uy tín trong nước là tiền đề cho việc thúc đẩy chương trình phục hưng châu Âu
Vấn đề là bản thân Emmanuel Macron đã gắn liền ảnh hưởng của Pháp ở châu Âu với thành công của chương trình cải cách mà ông tiến hành tại Pháp. Hình ảnh bạo động tại Paris và bước lùi của chính phủ ngày hôm qua trước sức ép của đường phố, đã làm suy yếu uy tín của tổng thống Pháp.
Đối với Pierre Haski, ngoài số phận của đương kim tổng thống, hình ảnh và ảnh hưởng của Pháp ở châu Âu và trên thế giới đang bị lu mờ, và sẽ phải mất rất nhiều thời gian để hồi phục.
Dẫu sao thì cuộc khủng hoảng tại Pháp đã ngăn chặn một vài bước tiến hiếm hoi trong việc cải thiện Liên Hiệp Châu Âu mà người ta từng cho là có thể được thực hiện trước cuộc bầu cử Nghị Viện Strasbourg vào năm tới.
Khó khăn trong việc vận động ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu
Cuộc khủng hoảng này cũng thay đổi đáng kể các chiến dịch vận động tranh cử vào Nghị Viện Châu Âu. Cho dù hiện chưa thể dự đoán được chính xác những gì sẽ xảy ra trong vòng sáu tháng tới đây, nhưng điều chắc chắn là quan điểm tiến bộ về châu Âu mà tổng thống Macron từng hùng hồn bảo vệ sẽ khó có thể được duy trì nguyên vẹn sau cuộc khủng hoảng Áo Vàng.
Mặt khác, cuộc nổi dậy của những người khoác áo gi lê màu vàng ở Pháp, tương tự như sự bùng nổ của phong trào dân túy ở nơi khác, rõ ràng đang đặt ra câu hỏi về bản sắc của châu Âu mà các công dân châu Âu mong muốn hoặc không muốn. Và nhất là, cần phải mang đến cho những người còn hoài nghi bằng chứng là châu Âu quả thực là phục vụ lợi ích của họ, chứ không chỉ là lợi ích của riêng một tầng lớp bên trên ở các đô thị.
Thất bại của giới làm chính trị là đã thấy trong những năm gần đây là tâm lý bất mãn, phẫn nộ gia tăng nhưng lại không thể ngăn chặn những vụ bùng nổ như hiện nay – ở Pháp cũng như ở châu Âu.
Chuyên gia Mỹ: Ngôi sao Macron bị lu mờ là cũng là tin xấu cho châu Âu
Cùng một nhận định như Pierre Haski, kinh tế gia Mỹ Desmond Lachman, thuộc Viện Nghiên Cứu Mỹ American Enterprise Institute cũng cho rằng « Ngôi sao Macron đang lu mờ là tin xấu cho nước Pháp và cho Liên Hiệp Châu Âu ».
Trong bài ý kiến đăng trên trang mạng tờ báo Mỹ The Hill ngày 05/12/2018, chuyên gia từng là quan chức cao cấp của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã cho rằng không thiếu các lý do để chỉ trích cung cách làm việc của tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong 18 tháng qua, nhưng không nên quên rằng ông chính là hy vọng cuối cùng để giúp nước Pháp tiến hành những cải cách cần thiết.
Giờ đây, việc uy tín ông bị giảm sụt không chỉ tác hại đến triển vọng kinh tế của nước Pháp, mà còn tạo thành một cản lực lớn cho một tiến trình rất cần thiết tại Châu Âu là hội nhập kinh tế khu vực đồng euro, nhất là vào lúc thủ tướng Đức Merkel cũng đang trong thế yếu, không thể lãnh đạo châu Âu.
http://vi.rfi.fr/phap/20181206-cuoc-khung-hoang-ao-vang-lam-suy-yeu-vi-the-nuoc-phap-tai-chau-au
Khủng hoảng Áo Vàng đe dọa
tham vọng cải tổ nước Pháp của TT Macron
Áp lực của một bộ phận trong công luận Pháp đã buộc chính phủ phải lùi bước. Paris thông báo bãi bỏ biện pháp tăng giá xăng dầu cho cả năm 2019, qua đó dời lại một số tham vọng về môi trường và có nguy cơ gây thêm thâm hụt từ 2 đến 4 tỷ euro trong cán cân chi tiêu của Nhà nước.
Vấn đề đặt ra là tổng thống Macron đã được bầu lên nhờ một chương trình cải tổ đầy tham vọng, nhưng sau khủng hoảng Áo Vàng, Emmanuel Macron có còn khả năng thi hành các chương trình cải tổ nữa hay không ?
Trong một năm rưỡi vừa qua, tổng thống Macron đã nhanh chóng bắt tay vào việc, đem lại một bộ mặt mới cho nước Pháp nhưng đó mới chỉ là một phần trong chương trình của vị tổng thống không thuộc cánh tả, không thuộc cánh hữu hày. Phần còn lại trong cương lĩnh của ông từ nay đến cuối nhiệm kỳ năm 2022 còn quan trọng hơn thuế xăng dầu hay bãi bỏ thuế ISF cho người giàu.
Trong lĩnh vực kinh tế, Emmanuel Macron muốn Pháp trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư, có một nền kinh tế năng động hơn và qua đó giải quyết nạn thất nghiệp.
Bên cạnh vế kinh tế, ông Macron còn muốn đem lại những thay đổi sâu rộng cho xã hội Pháp. Trong số này bao hàm nhiều hồ sơ, từ chuyển đổi năng lượng, chống biến đổi khí hậu đến kế hoạch cải tổ y tế, giải quyết tình trạng các bệnh viện bị quá tải ; cải tổ ngành giáo dục hay guồng máy tư pháp …
Vế cải tổ thứ ba quan trọng không kém liên quan đến các dự án sửa đổi Hiến Pháp phù hợp với những đòi hỏi của xã hội hiện nay.
Chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế, chính quyền Macron trong 18 tháng qua đã cải tổ theo đường lối tự do : Chính phủ đã sửa đổi luật lao động, giảm thuế cho doanh nghiệp, khuyến khích việc đào tạo và học nghề, bãi bỏ ISF với mục đích khuyến dụ doanh nhân nước khác đến Pháp hoạt động.
Nhưng cũng chính biện pháp vụng về bãi bỏ ISF này khiến ông Emmanuel Macron mang tiếng là “tổng thống của người giàu”. Song song với việc giảm thuế cho doanh nghiệp, cho những thành phần giàu có, thì chủ nhân điện Elysée và chính phủ của thủ tướng Edouard Philippe còn giảm một số các khoản trợ cấp xã hội, thí dụ như là cắt giảm trợ cấp nhà ở APL cho người có thu nhập thấp, tăng các khoản đóng góp cho quỹ an sinh xã hội (CSG) của cả những người còn đi làm và hưu trí…
18 tháng qua, Hạ Viện đã làm việc với một nhịp độ dồn dập đến nổi nhiều đại biểu than phiền “kiệt sức” vì phải liên tục nghiên cứu, soạn thảo, thảo luận về các dự luật cải tổ. Nhịp độ cải tổ của chính quyền trong năm thứ nhì nhiệm kỳ Macron được dự báo còn “tăng nhanh hơn nữa”.
Hiện tại Paris đang lao vào một loạt các hồ sơ gai góc và nhậy cảm không kém : như dự luật cải tổ y tế, giáo dục và tư pháp … tránh nạn bệnh viện, trường đại học và nhà tù liên tục bị quá tải.
Thế nhưng nhịp độ dồn dập mà điện Elysée áp đặt từ tháng 5/2017 tới nay đã bị cuộc xuống đường của phe Áo Vàng chận lại.
Tổng thống Macron đã phải tạm thời rút lại hoạch tăng thuế xăng dầu kể từ ngày 01/01/2019 để xoa dịu công phẫn trong xã hội. Mới chỉ cách nay 10 ngày, cũng Emmanuel Macron trước khi lên đường sang Achentina dự thượng đỉnh G20 tuyên bố quyết tâm cải tổ “đến cùng”.
Bước nhượng bộ đầu tiên của điện Elysée liệu có nguy cơ chôn vùi tất cả những dự án cải cách còn dang dở của ông Macron hay không ? Hai trong số các hồ sơ nóng bỏng nhất chờ đợi chính quyền là dự luật cải tổ hệ thống hưu bổng và trợ cấp thất nghiệp. Liệu chính quyền Macron có còn đủ can đảm cải tổ đến nơi đến chốn hai vế nhậy cảm nói trên nữa hay không ?
Thêm vào đó là sau khi thủ tướng Pháp thông báo “tạm hoãn” biện pháp gây bất bình trong công luận này, phủ tổng thống còn đi xa hơn với quyết định “hủy” tăng thuế xăng dầu trong cả năm 2019. Điện Elysée hy vọng xoa dịu công luận đáp ứng đòi hỏi ban đầu của phe Áo Vàng. Trước mắt dường như phe này vẫn chưa thỏa mãn. Vậy câu hỏi đặt ra là chính phủ sẽ còn phải nhượng bộ tới mức độ nào trước sức mạnh của đường phố ?
Một số nguồn tin thông thạo cho biết tổng thống Macron yêu cầu tất cả các bộ trưởng đang đặc trách về những hồ sơ nhậy cảm tạm thời “đóng băng” các dự án cải tổ. Liệu rằng từ nay đến cuối nhiệm kỳ, mỗi đợt cải cách có là một cuộc đọ sức với công luận, dẫn tới những cảnh tượng đập phá như vừa qua hay không ?
Cuối cùng, lo ngại cũng xuất phát từ cách ứng xử, những thông báo vụng về của bên hành pháp và những tuyên bố trống đánh xuôi, kèn thổi ngược từ ngay trong thành phần chính phủ. Điển hình là những phát biểu trái ngược nhau về khả năng Paris rút lại luật bãi bỏ thuế ISF.
Có một điều chắc chắn, là trước mắt, hành pháp cần nối lại đối thoại với đường phố. Điện Elysée nhìn nhận “cần rà soát lại từ A đến Z” phương pháp làm việc và điều hành đất nước.
Pháp: Phong trào phản kháng
lan rộng sang giáo dục, nông nghiệp
Phong trào phản kháng ở Pháp đã lan tới cả các trường trung học. Hôm qua 06/12/2018, bộ trưởng Giáo Dục Pháp Jean-Michel Blanquer, khi phát biểu trước Thượng Viện, đã cảnh báo rằng việc xúi giục, khích động biểu tình tại các trường trung học sẽ đẩy các trường vào tình huống nguy hiểm nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh bạo động bên lề phong trào đấu tranh Áo Vàng leo thang trong những ngày qua.
Theo AFP, một số nghiệp đoàn trường học đã kêu gọi duy trì sức ép để chống nhiều biện pháp cải cách giáo dục của chính phủ và kêu gọi “tổng biểu tình” vào hai ngày 06 và 07/12, đồng thời phong tỏa các ngôi trường.
Hôm qua là ngày thứ ba liên tiếp diễn ra các vụ biểu tình, phong tỏa tại hàng trăm trường trung học trên toàn nước Pháp, nhiều cuộc biểu tình đã biến thành bạo động, 4 học sinh đã bị thương nặng.
Bộ trưởng Giáo Dục lo ngại về “tình hình bạo lực chưa từng có” và kêu gọi “trách nhiệm của mỗi người”. Bộ trưởng Blanquer nhấn mạnh: Nhiều học sinh đang tự đặt mình vào nguy hiểm, trong khi phong trào phản kháng Áo Vàng không liên quan gì đến cải cách giáo dục.
Tại Paris, 4 cảnh sát bị thương và 5 người bị thẩm vấn vì gây bạo động tại một trường trung học ở quận XIV. Không chỉ ở các trường trung học, biểu tình đã diễn ra tại một số trường đại học tại Paris, như đại học Paris 3 Censier và Paris 1 Tolbiac.
Tại Marseille, khoảng 20 trường học bị phong tỏa hoặc bị gây rối. Tại thành phố Toulouse, có 13 người, trong đó có 11 trẻ vị thành niên bị thẩm vấn. Còn ở Bordeaux, 8 học sinh trung học bị câu lưu vì đốt phá xe hơi và ném các loại gạch đá, vật dụng vào lực lượng an ninh trong các cuộc biểu tình.
Nông dân sẽ biểu tình
Trong khi đó, bà Christiane Lambert, chủ tịch Liên Đoàn Quốc Gia các Nghiệp Đoàn Nông Nghiệp FNSEA, hôm qua thông báo: Nông dân sẽ biểu tình trong tuần tới, vào các ngày khác nhau tùy từng vùng, nhằm phản đối một số chính sách đẩy nông dân vào khó khăn.
Tuy nhiên, bà Lambert khẳng định phong trào biểu tình của nông dân không liên quan tới phong trào Áo Vàng vốn “phi chính trị, phi nghiệp đoàn”.
http://vi.rfi.fr/phap/20181206-phap-phong-trao-phan-khang-lan-rong-sang-giao-duc-nong-nghiep
Khủng hoảng Áo Vàng:
Chính phủ Pháp lo ngại bạo động lớn tại Paris
48 tiếng đồng hồ trước cuộc biểu tình của phe Áo Vàng tại Paris, dự trù vào Thứ Bảy 08/12/2018, phủ tổng thống Pháp lo ngại « bạo động rất lớn » bùng lên. Tổng thống Macron kêu gọi các đảng phái chính trị, giới công đoàn tại Pháp tỏ thái độ có « trách nhiệm » để xoa dịu phẫn nộ trong công luận. Chính phủ thông báo nhiều biện pháp nhượng bộ phe Áo Vàng.
Hãng tin AFP ngày 06/12/2018 trích dẫn một nguồn tin thân cận với điện Elysée cho biết : Phủ tổng thống Pháp nêu lên khả năng trong số những người biểu tình, « có một nhóm cực đoan khoảng vài ngàn người, dự trù đến Paris vào cuối tuần này nhằm mục đích đập phá và giết người ».
Bạo động đã bùng lên bên lề các cuộc xuống đường của phe Áo Vàng từ hôm 17/11/2018. Cho đến nay, đã có bốn người thiệt mạng và 263 người bị thương trên toàn quốc. Trong hai ngày Thứ Bảy liên tiếp, người biểu tình Áo Vàng đã tập hợp về thủ đô Paris, nhiều vụ đập phá và hôi của đã diễn ra trên những khu phố đông khách du lịch và trên con phố đẹp nhất nước Pháp là Đại Lộ Champs Elysées.
Ngày 01/12 bạo động tăng thêm một nấc. Theo thống kê của bộ Nội Vụ, 136.000 người đã xuống đường tại Paris. Lực lượng cứu hỏa đã phải dập tắt 190 đám cháy; tượng đài Chiến Sĩ Vô Danh, Khải Hoàn Môn và nhiều cửa hàng đã bị đập phá; 133 người bị thương và hơn 400 người bị câu lưu. Thiệt hại lên tới « hàng tỷ đô la ».
Chính phủ Pháp đang chạy đua với thời gian, tránh để tái diễn kịch bản đen tối hôm Thứ Bảy tuần trước.
http://vi.rfi.fr/phap/20181206-khung-hoang-ao-vang-chinh-phu-phap-canh-bao-bao-dong-lon-tai-paris
Serbia sẽ ‘dùng vũ lực’ nếu Kosovo xây dựng quân đội
Thủ tướng Serbia hôm 5/12 nói rằng bất cứ việc xây dựng một quân đội thường trực nào ở Kosovo cũng sẽ khiến Belgrade can thiệp quân sự – hai thập niên sau khi người Kosovo gốc Albania nổi dậy chống lại sự áp bức của chính quyền Serbia.
Quốc hội Kosovo gồm đa số là người gốc Albania sẽ bỏ phiếu vào ngày 14/12 về việc chuyển lực lượng phòng vệ của họ gồm 4.000 binh lính vốn cho đến nay chủ yếu được trang bị sơ sài trở thành quân đội thường trực.
Mặc dù quá trình này phải mất nhiều năm, các chính trị gia Serbia vẫn khăng khăng cho rằng quân đội Kosovo sẽ được dùng để trục xuất những người Serbia thiểu số còn lại ra khỏi Kosovo, một cáo buộc mà các nhà lãnh đạo Kosovo, vốn dựa vào sự ủng hộ của Liên minh châu Âu và Mỹ để thực hiện cải cách và phát triển đất nước, bác bỏ.
“Tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ không bao giờ phải sử dụng quân đội, nhưng hiện giờ đây là một trong số các khả năng đang được xem xét do chúng tôi không muốn thấy thanh lọc sắc tộc,” Thủ tướng Serbia Ana Brnabic phát biểu trước các phóng viên ở Belgrade.
Các nhà phân tích trên bán đảo Balkan cho rằng bất cứ hành động nào của quân đội 28.000 quân của Serbia chống lại Kosovo là rất khó có khả năng xảy ra do Belgrade mong muốn xây dựng quan hệ với EU và rằng lời phát biểu của bà Brnabic dường như là để xoa dịu những người Serbia chủ trương chủ nghĩa dân tộc.
“Lời phát biểu của Thủ tướng Brnabic mâu thuẫn với tuyên bố mới đây của Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic rằng triển khai quân đội Serbia đến Kosovo sẽ dẫn đến xung đột trực tiếp với NATO,” ông Milan Karagaca, người từng là nhà ngoại giao quân sự, cho biết.
Mối quan hệ giữa Serbia và Kosovo, vốn tuyên bố độc lập vào năm 2008, đã trở nên căng thẳng và xấu thêm khi Pristina hôm 21/11 đánh thuế 100% hàng nhập khẩu từ Serbia trong một động thái trả đũa rõ ràng đối với việc Belgrade vận động không cho Kosovo gia nhập Interpol, cơ quan cảnh sát quốc tế.
Thủ tướng Brnabic nói rằng việc tăng thuế này sẽ đình trê hoạt động giao thương với Kosovo, khiến Serbia thiệt hại 42 triệu đô la một tháng. Tuy nhiên, Tổng thống Vuci hôm 4/12 nói rằng Serbia sẽ không có biện pháp phản ứng.
EU đã nói rằng cả Belgrade và Pristina cần phải bình thường hóa quan hệ và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và các tranh chấp khác còn tồn đọng như là điều kiện để được xét gia nhập EU mà cả hai nước đều mong muốn.
Kosovo, vốn là một tỉnh của Serbia, đã tuyên bố độc lập một thập niên sau khi NATO tiến hành không kích để chấm dứt việc quân đội Serbia giết hại và trục xuất người Albania thiểu số trong cuộc chiến chống nổi dậy kéo dài hai năm. Kể từ đó, Kosovo đã được 110 quốc gia công nhận ngoại trừ Serbia, Nga và năm quốc gia thành viên EU.
CFO của Huawei vừa bị bắt, bà Mạnh Vãn Chu là ai?
Tin Canada vừa bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính (CFO) đại công ty Huawei hôm 01/12 theo yêu cầu của Hoa Kỳ đã làm rung động Trung Quốc ngày 6/12/2018.
Phó chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt
Hãng ZTE của TQ ‘có thể gây hại cho an ninh Anh Quốc’
Chỉ trong vài giờ, chừng 30 triệu tin nhắn trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc đã đề cập đến vụ bắt giữ bà Mạnh, con gái người sáng lập ra Huawei, theo BBC Monitoring.
Hiện Bắc Kinh đang yêu cầu Canada trả tự do ngay cho công dân của họ, nhưng Hoa Kỳ thì yêu cầu dẫn độ sang Mỹ.
Chính phủ Trung Quốc gọi vụ bắt giữ này là “vi phạm nhân quyền”.
Vụ việc xảy ra không lâu trước 90 ngày ‘hưu chiến’ mà Tống thống Donald Trump đồng ý để Trung Quốc xem lại cách thức tiến hành xuất nhập khẩu của họ, bắt đầu vào 1/1/2019.
Bà Mạnh là ai, và công ty của cha bà đóng vai trò gì, hoặc vì sao rơi vào ‘tầm ngắm’ của Hoa Kỳ thời Donald Trump?
Bố từng làm trong Quân Giải phóng
Sinh năm 1972, Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) hiện là giám đốc tài chính của Huawei, công ty công nghệ Trung Quốc đóng tại Thâm Quyến, Quảng Đông.
Cha bà là Nhậm Chính Phi, làm việc trong ngành công nghệ quốc phòng, và là đảng viên Cộng sản từ 1958.
Ông Mahathir sẽ bàn về ba dự án của TQ
TQ mua ‘quán bia ông Tập từng thăm’
Tên lửa Tomahawk phủ bóng tiệc Tập-Trump?
Đi lên từ tỉnh miền núi Quý Châu nhưng ông Nhậm có cha người gốc Chiết Giang.
Trong thời gian ở quân đội, ông được bầu là Đại biểu của Quân Giải phóng dự Đại hội Đảng Toàn quốc.
Sau khi rời quân ngũ, ông lập ra công ty Huawei.
Năm 2005, ông được tạp chí Times coi là một trong 500 người có ảnh hưởng nhất thế giới.
Một số nguồn tài liệu cho rằng tài sản của ông vào khoảng 3,5 tỷ USD.
Ông Nhậm đã tháp tùng Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Anh Quốc cuối 2015 và được các báo Hong Kong cho là “người thường xuyên ra vào chốn cung đình” ở Bắc Kinh.
Chuyên gia ngân hàng và tài chính
Con gái ông Nhậm, bà Mạnh Vãn Chu đã lấy họ mẹ một thời gian trước, khi cha mình kết hôn lần hai.
Tuy thế, theo BBC Tiếng Trung, nhiều con cháu các nhân vật có thế lực ở Trung Quốc khi đi kinh doanh hoặc xuất ngoại đã dùng họ mẹ để giữ sự kín đáo.
Bà Mạnh Vãn Chu có bằng thạc sỹ đại học công nghệ Hoa Trung ở Vũ Hán.
Việc làm đầu tiên của bà năm 1992 là ở Ngân hàng Kiến thiết Trung Quốc (China Construction Bank) nhưng chỉ một năm sau bà vào Huawei, công ty của cha.
Các vai trò từng trải qua của Mạnh Vãn Chu là trong mảng ngân hàng, quản lý vốn và kế toán.
Tuy thế, trong một cuộc phỏng vấn với báo Trung Quốc, bà Mạnh khoe là đã từng bắt đầu ở Huawei trong vai trò người nhận điện thoại, làm thư ký, và đôi khi lo bán hàng tại hội chợ.
Bà làm phó giám đốc tài chính của chi nhánh Huawei tại Hong Kong cho đến lúc bị bắt ở Canada.
Năm 2003, Mạnh được trao nhiệm vụ thống nhất các bộ phận tài chính của Huawei trên toàn cầu và chuẩn hóa các thủ tục kế toán, IT.
Từ 2005, bà lãnh trách nhiệm lập ra ba khối dịch vụ của Huawei trên toàn cầu, và hoàn tất trung tâm chi trả, thanh toán quốc tế của tập đoàn này, đặt tại Thâm Quyến.
Sang 2007, nhiệm vụ của Mạnh Vãn Chu là chỉ đạo hệ thống tài chính tích hợp trong một dự án chung tám năm với IBM.
Là người kín đáo, bà không trả lời phỏng vấn gì từ lâu này và ít ai biết về gia đình bà.
Chỉ một lần, Mạnh Vãn Chu tiết lộ có con trai.
Tuy thế, bà có cô em gái cùng cha khác mẹ khá nổi tiếng trong giới thời trang.
Con gái của ông Nhậm Chính Phi từ cuộc hôn nhân thứ hai có tên là Annabel Yao năm nay 21 tuổi, tốt nghiệp ĐH Harvard nhưng làm người mẫu và múa ballet.
Cũng lấy họ mẹ là Yao (Diêu), từng sống ở Anh, Hong Kong, và Thượng Hải, cô Annabel xuất hiện trong cả giới thời trang con nhà giàu ở châu Âu gần đây, theo các báo Hong Kong.
Rung động thị trường
Tin Mạnh Vãn Chu bị bắt làm cổ phiếu của Huawei bị sụt giảm ngay lập tức nhất là khi cuộc thương chiến Mỹ – Trung tiếp tục là vấn đề lớn cho Bắc Kinh.
Vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu xảy ra khi Mỹ đang đưa một số vụ kiện nhằm vào công ty công nghệ Trung Quốc, với những cáo buộc như trộm cắp an ninh mạng và vi phạm lệnh cấm vận đối với Iran.
Đầu năm nay, hãng đã cấm các công ty Hoa Kỳ xuất khẩu sang công ty viễn thông ZTE của Trung Quốc vì vi phạm lệnh trừng phạt của Iran.
Hoa Kỳ sau đó đã thay thế lệnh cấm bằng cách phạt tiền và yêu cầu thay đổi cơ chế quản lý.
Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Steven Mnuchin từng nói Hoa Kỳ sẽ “làm mạnh tay” với bất cứ công ty nào “trốn tránh lệnh cấm vận” với Iran.
New Zealand hiện đã ngăn chặn Huawei cung cấp thiết bị 5G cho một mạng di động trong nước.
Tại Anh, thiết bị hỗ trợ mạng 2G, 3G và 4G của Huawei vẫn được các công ty mạng điện thoại sử dụng nhưng BT gần đây nói họ sẽ không dùng Huawei cho mạng 5G.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-46467938
Trung Quốc yêu cầu Canada trả tự do
cho Giám đốc tài chính của Tập đoàn Hoa Vi
Trung Quốc, vào hôm thứ Năm, ngày 6 tháng 12, kêu gọi Canada trả tự do cho nữ Giám đốc tài chính kiêm Phó Chủ tịch của Tập đoàn Công Nghệ Hoa Vi, bà Mạch Vãn Chu.
Bắc Kinh lên tiếng rằng bà Mạch không làm gì sai trái theo luật pháp của Canada và Mỹ; đồng thời yêu cầu Canada “ngay lập tức điều chỉnh việc làm sai trái” và phải trả tự do cho bà Mạch.
Hãng thông tấn AP loan tin vừa nêu trong cùng ngày, cho biết bà Mạch Vãn Chu bị Chính quyền Canada bắt giữ khi đang quá cảnh tại Vancouver vào ngày 1 tháng 12, với cáo buộc bị nghi ngờ vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Bà Mạch có thể sẽ bị dẫn độ về Mỹ.
Theo người phát ngôn Bộ Tư pháp Canada, dự kiến ngày 7/12 theo giờ địa phương, giới chức Canada sẽ mở phiên điều trần tại tòa về vụ việc của bà Mạch Vãn Chu.
Tập đoàn Công nghệ Hoa Vi ra thông cáo báo chí, cho biết có rất ít thông tin về các cáo buộc của Hoa Kỳ đối với bà Mạch Vãn Chu và “không nhận thấy bà Mạch có bất kỳ hành vi sai trái nào”.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng Bắc Kinh yêu cầu Washington và Ottawa phải ngay lập tức trả tự do cho bà Mạch Vãn Chu và cần giải thích lý do đã bắt giữ bà.
Tập đoàn Công nghệ Hoa Vi nhà cung cấp thiết bị lớn nhất cho các công ty điện thoại và mạng internet trên toàn cầu, đồng thời là công ty mà Hoa Kỳ cáo buộc là mối đe dọa cho an ninh quốc gia, cho rằng công nghệ của Hoa Vi có thể được sử dụng để làm gián điệp cho Trung Quốc. Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Obama và Tổng thống Trump kêu gọi các nước phương Tây và những quốc gia đồng minh hạn chế sử dụng công nghệ của Hoa Vi.
Một số các chuyên gia ở Trung Quốc và Hong Kong nhận định rằng vụ việc bà Mạch Vãn Chu bị bắt giữ có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh cũng như đe dọa đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Ở Việt Nam, các doanh nghiệp viễn thông phần lớn sử dụng những thiết bị hạ tầng mạng của hai nhà cung cấp Trung Quốc là Hoa Vi và ZTE để xây dựng, phát triển hệ thống mạng lưới viễn thông của mình.
Hồi tháng 10, hình ảnh về một chiếc điện thoại thông minh của hãng Hoa Vi ở Philippines có hiển thị phần cài đặt ngôn ngữ “Tiếng Việt (Trung Quốc)” khiến nhiều người dùng phẫn nộ vì cho rằng nó ám chỉ Việt Nam thuộc Trung Quốc.
Mưu đồ bá quyền của TQ vấp nhiều trở ngại
Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực đang vấp phải nhiều phản ứng khi hàng loạt nước điều chỉnh lại quan hệ kinh tế với Bắc Kinh. Giới phân tích cho rằng công cuộc mưu đồ bá quyền của Trung Quốc ở châu Á vẫn rất mong manh.
Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Manila hôm 20 – 21/11 diễn ra vào giai đoạn chuyển giao quan trọng trong trật tự khu vực.
Giới quan sát đánh giá chuyến thăm không thể tạo ra một quan hệ liên minh chiến lược như mong muốn của Bắc Kinh mà chỉ phơi bày khát vọng bá chủ còn sớm của nước này, khiến các quốc gia láng giềng ngột ngạt.
Các hội nghị thượng đỉnh của khu vực, bao gồm cấp cao Asean và APEC, chứng kiến quan hệ kiểu Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng nhấn mạnh hàm ý ảm đạm trong quan hệ Mỹ – Trung ngày càng căng là khiến các nước nhỏ cuối cùng bị ép phải chọn đứng về phe nào.
Philippines là nước đồng minh hiệp ước của Mỹ, nhưng những thay đổi chính sách gần đây của chính quyền Philippines khiến nước này nổi lên như một nút thắt quan trọng trong cuộc cạnh tranh quyết liệt Mỹ – Trung để giành vị trí áp đảo ở khu vực.
Dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, quốc gia Đông Nam Á này được cho là có thể trở thành chiếc vương miện cho chính sách ngoại giao ngoại biên của ông Tập, với chiêu thức quyến rũ các nước láng giềng không thân thiện bằng rất nhiều công cụ khích lệ kinh tế.
Trong một bài bình luận vừa đăng trên Channel News Asia, nhà phân tích người Philippines Richard Heydarian viết rằng, dù được kỳ vọng cao, chuyến thăm Philippines vừa qua của nhà lãnh đạo Trung Quốc không mang lại đột phá lớn nào trong các lĩnh vực cùng quan tâm.
Không rơi vào quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc, Philippines đang cân nhắc kỹ càng ván cược của họ. Điều đó cho thấy công cuộc mưu đồ bá quyền của Trung Quốc ở châu Á mong manh như thế nào, ông Heydarian viết.
Nhà phân tích này cho rằng, theo nhiều cách khác nhau, ông Tập đang phải trả giá cho niềm hân hoan quá sớm của mình trên con đường xác định địa vị cho Trung Quốc.
Trong những tháng gần đây, nhà lãnh đạo này vấp bị dư luận trong và ngoài nước chỉ trích vì “chê” phương châm “giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình và ca ngợi chính sách hành xử quyết liệt, không kiềm chế trong các vấn đề quốc tế.
Ông Long Yongtu, cựu thứ trưởng Thương mại và là người phụ trách quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Trung Quốc, công khai chỉ trích chính quyền của ông Tập là “không nghĩ đủ sâu” khi ứng xử với các đối tác quốc tế, đặc biệt là Mỹ.
Như một chuyên gia nổi tiếng về Trung Quốc từng đánh giá, có “những dấu hiệu cho thấy sự bất hòa trong nội bộ đảng ở Trung Quốc đang gia tăng”.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đang vấp phải phản ứng trên khắp khu vực, với ngày càng nhiều nước như Maldives, Malaysia, Pakistan và Úc đang xem lại quan hệ kinh tế và chiến lược của họ với Bắc Kinh. Sáng kiến Vành đai Con đường rất được lãnh đạo Trung Quốc coi trọng đang bị nhìn qua lăng kính bẫy nợ của Sri Lanka.
Thêm vào đó, chính sách “ngoại giao nộ khí” của Trung Quốc đang đẩy nhiều nước nhỏ ra xa. Điều này được thể hiện chua xót tại Thượng đỉnh APEC, nơi các nhà ngoại giao Trung Quốc được cho là đã tìm đến tận văn phòng của Ngoại trưởng Papua New Guinea để đòi sửa dự thảo thông cáo chung.
Cuộc so găng quyết liệt giữa Washington và Bắc Kinh khiến APEC lần đầu tiên trong lịch sử hai thập kỷ của tổ chức này không ra được thông cáo chung. Những cố gắng của các cường quốc tầm trung, đặc biệt là Indonesia và Úc, không thể khiến hai siêu cường nhất trí về ngôn ngữ cuối cùng trong tuyên bố chung.
Giới quan sát cho rằng điều tội tệ hơn là Trung Quốc đang làm hồi sinh chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Mỹ dưới thời chính quyền Donald Trump, nhằm cùng các cường quốc khu vực kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trên khắp vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Hợp tác với Nhật Bản và Úc, Mỹ đang theo đuổi Sáng kiến minh bạch Ấn Độ – Thái Bình Dương để theo dõi, phơi bày và chống lại chính sách ngoại giao “bẫy nợ” của Trung Quốc cũng như những mối đe dọa đối với tự do hàng hải và tự do bay ở khu vực.
Cùng với Úc, Washington đã quyết định tăng cường hợp tác chiến lược và quốc phòng với các nước Nam Thái Bình Dương để chống lại dấu chân ngày càng nhiều của Trung Quốc ở khu vực này.
Cùng với Ấn Độ, Nhật Bản và Úc, chính quyền Trump đang đối phó với sự hiện diện chiến lược ngày càng tăng của Trung Quốc trên khắp Ấn Độ Dương. Theo rất nhiều cách khác nhau, đây là chiến lược xoay trục thực sự sang châu Á mà nhiều nhà quan sát đã dự đoán từ trước.
http://biendong.net/doc-bao-viet/25123-muu-do-ba-quyen-cua-tq-vap-nhieu-tro-ngai.html
Rúng động tin TQ một ngày
bắt giam 3 Thượng tướng
Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (DWNews) được coi là thân cận với Bắc Kinh, hôm 29.11, 3 viên Thượng tướng quân đội Trung Quốc đã nghỉ hưu là cựu Tư lệnh quân chủng Hải quân Ngô Thắng Lợi, cựu Tư lệnh Quân khu Nam Kinh Thái Anh Đĩnh và cựu Chính ủy Bộ phát triển trang bị Quân ủy Vương Hồng Nghiêu đã bị bắt giam. Thông tin này đã được tờ Thế giới Nhật báo đưa hôm 30.11 và các trang tin Hoa ngữ đăng tải rộng rãi, nhưng giới chức trách và truyền thông chính thức Trung Quốc hiện vẫn chưa xác nhận hay bác bỏ.
Ba thượng tướng có tin đã bị bắt hôm 29.11: (trái sang) Ngô Thắng Lợi, Thái Anh Đĩnh và Vương Hồng Nghiêu.
Ngô Thắng Lợi năm nay 73 tuổi, đã thôi chức Tư lệnh Hải quân hồi tháng 1.2017. Nhưng theo ông Cao Khiêm – một học giả chuyên nghiên cứu về lịch sử đảng Trung Quốc thì việc ông nghỉ hưu có nguyên nhân ngoài tuổi tác. Theo ông Cao Khiêm, dịp cuối năm 2016 đầu 2017, Ngô Thắng Lợi đã trực tiếp lên tàu sân bay Liêu Ninh chỉ đạo tiến hành tuần tra – huấn luyện vòng quanh đảo Đài Loan. Nhưng kết quả không những không “diễu võ dương oai” được mà còn bộc lộ 6 nhược điểm chí mạng, trong đó bao gồm việc không có khả năng cho máy bay cất cánh ban đêm. Điều này khiến ông Tập Cận Bình rất tức giận nên đã thừa cơ thay thế Ngô Thắng Lợi.
Trước đó đã có những tin đồn xung quanh việc tham nhũng của Ngô Thắng Lợi trong 11 năm giữ chức Tư lệnh Hải quân (từ năm 2006). Trang weibo hồi tháng 3.2015 đã đăng bài viết của Thượng tướng Lưu Hiểu Giang, Chính ủy Hải quân, con rể cựu Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào tố cáo đích danh Ngô Thắng Lợi tham nhũng.
Tháng 9.2017, hãng tin Kyodo (Nhật) đã đưa tin Ngô Thắng Lợi đang bị điều tra. Hồi tháng 6.2018 trên các trang Hoa ngữ hải ngoại và weibo trong nước lại xuất hiện tin Ngô Thắng Lợi bị điều tra.
Tư liệu công khai cho biết, Ngô Thắng Lợi sinh 8.1945, quê tỉnh Hà Bắc, nhập ngũ tháng 8.1964 vào Học viện Đo đạc biên vẽ hải đồ của Hải quân. Sau khi tốt nghiệp đã giữ chức trên 4 tàu hộ vệ và khu trục, 8 năm giữ chức thuyền trưởng. Năm 1984 được bổ nhiệm Bí thư, Chi đội trưởng Chi đội tàu khu trục số 6, rồi lần lượt giữ các chức vụ từ Tham mưu phó căn cứ Thượng Hải dần lên đến Phó Tư lệnh Hạm đội Đông Hải (1999). Từ tháng 1.2002 được bổ nhiệm Phó Tư lệnh Quân khu Quảng Châu kiêm Tư lệnh Hạm đội Nam Hải phụ trách tác chiến ở khu vực Biển Đông. Tháng 4.2007 được thăng chức Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội. Từ tháng 8.2006 đến 1.2017 là Tư lệnh Hải quân. Ngô Thắng Lợi được phong hàm Thiếu tướng năm 1994, thăng Trung tướng năm 2003 và Thượng tướng năm 2007.
Ngô Thắng Lợi là Ủy viên Trung ương các khóa 17, 18 và là Ủy viên Quân ủy.
Ông Thái Anh Đĩnh năm nay 64 tuổi, tháng 1.2017 bị bãi chức Viện trưởng Khoa học quân sự trước khi đến tuổi nghỉ hưu 2 năm. Trước đó, vào tháng 1.2016 khi đang giữ chức Tư lệnh Quân khu Nam Kinh, ông Đĩnh bị hạ chức bằng cách điều về Viện Khoa học quân sự, trở thành người duy nhất trong số 7 tư lệnh quân khu phải “ngồi chơi xơi nước” sau khi ông Tập Cận Bình tiến hành cải cách quân đội. Có tin cho rằng ông Đĩnh bị giáng chức là do có người đứng ra tố giác.
Ngày 16.5.2018, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin: Thượng tướng về hưu Thái Anh Đĩnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học quân sự Trung Quốc đã bị Quân ủy kỷ luật giáng 8 cấp, từ cấp 2 (bậc trưởng quân khu) xuống cấp 10 (bậc trưởng tiểu đoàn). Nguyên nhân chính thức của việc tướng Đĩnh bị kỷ luật được cho là đã che giấu việc cô con gái lấy chồng người Pháp và nhập quốc tịch Pháp.
Nguồn tin cho biết, Thái Anh Đĩnh đã bị một cán bộ viết thư tố giác việc ông có con gái lấy chồng và nhập quốc tịch Pháp nhưng không báo cáo tổ chức về mối quan hệ với người nước ngoài. Sau khi thông tin này được xác thực, lãnh đạo rất tức giận và ông Đĩnh đã mất đi sự tín nhiệm từ Quân ủy cùng ông Tập Cận Bình. Sau đó, trên mạng lan truyền bức ảnh chụp đại gia đình Thái Anh Đĩnh, trong ảnh, hai vợ chồng ông chụp cùng con gái, con rể và hai cháu ngoại khi họ đang cùng nhau đi du lịch tại Thanh Nguyên Sơn, Phúc Kiến.
Tuy nhiên các nhà quan sát cho rằng chuyện có chàng rể ngoại chỉ là cái cớ khiến Thái Anh Đĩnh bị giáng cấp. Nguyên nhân thực sự là Thái Anh Đĩnh có quan hệ thân thiết với 2 cựu Phó chủ tịch Quân ủy đã bị quật ngã là Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng và rất được ông Giang Trạch Dân ưu ái, được cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trương Vạn Niên đề bạt.
Tại một hội nghị trung ương khóa 16 năm 2002, hơn 20 cán bộ quân đội cao cấp do Trương Vạn Niên cầm đầu đã ký tên vào một văn bản kiến nghị “bức quan”, yêu cầu tân Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào để ông Giang Trạch Dân tiếp tục ở lại giữ chức Chủ tịch Quân ủy thêm 2 năm, lật ngược lại nghị quyết về việc Giang Trạch Dân thôi giữ mọi chức vụ trước đó. Trong tình thế bị bức bách, ông Hồ Cẩm Đào buộc phải đồng ý. Cùng năm đó, Thái Anh Đĩnh được Trương Vạn Niên đề bạt cấp tốc, từ Thư ký riêng, Phó Văn phòng Quân ủy điều đi Quân khu Nam Kinh giữ chức Phó Tham mưu trưởng. Năm 2004, Trương Vạn Niên nghỉ hưu, Thái Anh Đĩnh được đề bạt Tư lệnh Tập đoàn quân 31 đóng ở Phúc Kiến, 3 năm sau được đề bạt Tham mưu trưởng Quân khu Nam Kinh. Mặt khác, nếu như trước Đại hội 19, sai lầm của Thái Anh Đĩnh không phải là điều gì to tát, nhưng nay ông ta bị xử lý nặng dù đã nghỉ hưu thể hiện việc ông Tập Cận Bình kiên quyết quản chặt quân đội, loại bỏ những người mà ông không tin tưởng.
Thái Anh Đĩnh sinh năm 1954, quê tỉnh Phúc Kiến, nhập ngũ năm 1970, từng là thư ký riêng của Phó chủ tịch Quân ủy Trương Vạn Niên, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quân ủy. Năm 2002, được giao giữ chức Phó Tham mưu trưởng Quân khu Nam Kinh; năm 2004 là Tư lệnh Tập đoàn quân 31; năm 2007 là Tham mưu trưởng Quân khu Nam Kinh. Năm 2011, ông Đĩnh được giao giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội; tháng 10/2012 làm Tư lệnh Quân khu Nam Kinh, tháng 7/2013 nhận quân hàm Thượng tướng – là Thượng tướng trẻ nhất toàn quân khi đó. Đến tháng 2/2016, ông về làm Viện trưởng Khoa học quân sự, nhưng chưa đầy 1 năm sau, vào tháng 1/2017 ông đã buộc phải nghỉ hưu trước quy định 2 năm.
Thái Anh Đĩnh là Ủy viên dự khuyết trung ương khóa 17 và Ủy viên trung ương khóa 18.
Tờ Đa Chiều cho biết, có một dạo Thái Anh Đĩnh từng được coi là “ngựa ô”, thậm chí có tin đồn ông sẽ giữ chức vụ cao nhất chủ quản về mặt quân sự sau khi cải cách quân đội. Nhưng ông ta bất ngờ bị “ra rìa” khi bị điều chuyển từ Tư lệnh Quân khu Nam Kinh về làm Viện trưởng Khoa học quân sự rồi nghỉ hưu trước thời hạn 2 năm.
Ông Vương Hồng Nghiêu năm nay 67 tuổi, đến tuổi nghỉ hưu vào tháng 1.2017. Tháng 3.2017 được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường của Quốc hội. Trong thời gian Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng nắm quyền lãnh đạo Quân ủy, ông được đề bạt chủ quản công tác đảng, công tác chính trị của Quân khu Thẩm Dương và Tổng bộ Trang bị. Có tin, ông Nghiêu bị ngã ngựa do dính líu đến vấn đề của 2 cựu Phó Chủ tịch Quân ủy đã bị xử lý nói trên.
Tư liệu công khai cho biết, Vương Hồng Nghiêu sinh tháng 11.1951, quê Sơn Đông, nhập ngũ 1969, từng tốt nghiệp chuyên ngành Chỉ huy chiến dịch, Đại học Quốc phòng, đã giữ các chức vụ ở Tập đoàn quân 67 và 54. Năm 2000 là Chủ nhiệm Chính trị TĐQ 54, năm 2003 thăng chức Chính ủy. Năm 2007, ông được thăng chức Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Thẩm Dương, năm 2010 là Phó Chính ủy. Năm 2011 thăng chức Chính ủy Tổng bộ Trang bị. Tháng 1.2016 sau cải cách quân đội được bổ nhiệm làm Chính ủy đầu tiên của Bộ Phát triển trang bị Quân ủy.
Vương Hồng Nghiêu được phong hàm Thiếu tướng năm 2002, thăng Trung tướng năm 2009 và Thượng tướng năm 2013. Ông là Ủy viên Trung ương khóa 18 và đại biểu Quốc hội khóa 11.
Từ sau Đại hội 18 (11.2012) đến nay, đã có khoảng 160 tướng quân đội Trung Quốc bị ông Tập Cận Bình xử lý trong các chiến dịch “đả Hổ”, trong đó có 7 Thượng tướng – cấp quân hàm cao nhất trong quân đội Trung Quốc – gồm các ông: Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu (nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy), Phòng Phong Huy (nguyên Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy), Trương Dương (nguyên Chủ nhiệm Bộ công tác Chính trị Quân ủy), Điền Tu Tư (nguyên Chính ủy Không quân), Vương Kiến Bình (nguyên Tư lệnh Cảnh sát vũ trang), Vương Hỉ Bân (nguyên Hiệu trưởng Đại học Quốc phòng). Ngoài Vương Kiến Bình được coi là tâm phúc của cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính pháp trung ương Chu Vĩnh Khang, những người còn lại đều là người của Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng.
http://biendong.net/bi-n-nong/25115-rung-dong-tin-tq-mot-ngay-bat-giam-3-thuong-tuong.html
TQ thẳng thừng từ chối
gia nhập hiệp ước hạt nhân INF
Trung Quốc phản đối ý định biến Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) trở thành một hiệp định đa phương với lý do đây là hiệp ước đã được “Liên Xô và Mỹ” đồng ý ký kết, Sputnik dẫn lời phát ngôn viên Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 5/12 cho biết.
90% số tên lửa phóng từ mặt đất mà Bắc Kinh phát triển đều nằm trong nhóm vi phạm INF nếu Bắc Kinh là một bên tham gia hiệp ước. (Ảnh: Sputnik)
Tuyên bố này đồng nghĩa với Bắc Kinh từ chối tham gia vào hiệp định đã tồn tại hơn 30 năm qua.
INF được ký năm 1987 bởi Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Hiệp định loại bỏ tất cả tên lửa thường và hạt nhân phóng từ mặt đất cùng thiết bị phóng với tầm bắn ngắn (500-1.000 km) và trung (1.000-5.500 km).
Ngày 20/10, Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi INF với cáo buộc Nga liên tục vi phạm các điều khoản trong hiệp ước. Ông cùng với đó kêu gọi Bắc Kinh nên là một bên tham gia vào hiệp ước này.
Trung Quốc không tham gia ký kết INF nên có thể phát triển tên lửa đạn đạo mà không bị hạn chế. Các tên lửa chuỗi DF và HN của Trung Quốc có tầm bắn lên tới 15.000 km, khiến cả nước Mỹ có thể nằm trong tầm tiếp cận, theo SCMP.
Giới quan sát cho rằng quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ xuất phát từ lo ngại về kho vũ khí tầm trung mà Trung Quốc đang phát triển trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương. Các quan chức Lầu Năm Góc cũng từng khẳng định Bắc Kinh sẽ không chịu ký INF bởi 90% số tên lửa phóng từ mặt đất mà Trung Quốc phát triển đều nằm trong nhóm vi phạm hiệp ước này.
Trong khi đó, đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov tin rằng không chỉ Trung Quốc mà cả các quốc gia ở NATO, đặc biệt là Pháp và Anh nên tham gia vào hiệp ước này.
Trong một diễn biến liên quan, Mỹ mới đây ra tối hậu thư cho Nga, nói rằng Matxcơva có 60 ngày để tuân thủ trở lại các điều khoản đã vi phạm, nếu không Washington sẽ tự hủy bỏ hiệp ước này.
Tuy nhiên, theo Sputnik, nội dung của hiệp ước được ký kết cách đây hơn 30 năm nêu rõ thỏa thuận này cung cấp một thời gian không hạn định để mỗi bên có thể rời khỏi hiệp ước nhưng chỉ khi cung cấp được bằng chứng chứng minh bên còn lại vi phạm các điều khoản.
http://biendong.net/doc-bao-viet/25121-tq-thang-thung-tu-choi-gia-nhap-hiep-uoc-hat-nhan-inf.html
Triều Tiên tiếp tục mở rộng căn cứ tên lửa?
Bắc Hàn đang mở rộng một căn cứ tên lửa quan trọng, có thể được dùng làm một trong các nơi triển khai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng đánh trúng Hoa Kỳ, theo New York Times.
Tờ báo Mỹ trích lời hai chuyên gia nghiên cứu về chương trình tên lửa của Triều Tiên nói như vậy hôm 6/12, dựa trên các hình ảnh vệ tinh.
Các nguồn tin của New York Times được dẫn lời nói rằng các hoạt động tại căn cứ tên lửa Yeongjeo-dong gần biên giới của Bắc Hàn với Trung Quốc, và việc mở rộng một cơ sở tên lửa mới ở cách đó không xa, là các chỉ dấu mới nhất cho thấy rằng Triều Tiên vẫn tiếp tục cải thiện khả năng tên lửa, dù Tổng thống Trump nhiều lần lên tiếng về các tiến bộ trong nỗ lực phi hạt nhân hóa Bắc Hàn.
Các chuyên gia được tờ báo trích lời nói rằng hiện chưa rõ hai căn cứ này riêng rẽ với nhau hay cùng nằm trong một hoạt động mở rộng căn cứ tên lửa của Bắc Hàn.
New York Times dẫn lời các nhà hoạch định quân sự ở Hàn Quốc và Mỹ lâu nay bày tỏ nghi ngờ rằng Bắc Hàn sẽ triển khai các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa gần Trung Quốc nhất có thể để tránh khả năng bị Mỹ tấn công phủ đầu.
Sau cuộc họp thượng đỉnh hồi tháng Sáu ở Singapore với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un, ông Trump cho rằng hiện “không còn mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Hàn”.
CNN dẫn lời cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông John Bolton, nói hôm 4/12 rằng ông Trump tin là ông nên tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh thứ hai với lãnh tụ Kim vì nhà lãnh đạo của Triều Tiên không giữ đúng cam kết trong cuộc họp cấp cao đầu tiên.
Người Rohingya ‘không biết đi về đâu’
Myanmar đóng cửa các khu trại của người Rohingya nhưng xây dựng những khu nhà mới cho họ ngay cạnh đó và kiểm soát việc đi lại, theo Reuters.
Reuters cho hay, trong khi thế giới đang tập trung vào nỗ lực để bắt đầu đưa hàng trăm ngàn người tỵ nạn Rohingya từ Bangladesh hồi hương vào tháng trước, hàng trăm thiểu số Hồi giáo vẫn ở Myanmar đang lên thuyền vượt biên.
ICC mở cuộc điều tra vụ Rohingya
Facebook khóa tài khoản tướng Myanmar
128.000 người Rohingya và những người Hồi giáo bị di dời vẫn đang sống trong các trại đông đúc ở bang Rakhine, sáu năm sau khi bị đám đông Phật tử giật sập nhà.
Chính phủ của bà Aung San Suu Kyi, chịu áp lực quốc tế phải giải quyết vụ khủng hoảng, bây giờ tuyên bố rằng việc đóng cửa các lán trại vì làm như vậy sẽ giúp phát triển và tận dụng được nguồn lao động.
Nhưng các cuộc phỏng vấn của Reuters với hơn một chục người trú ngụ tại 5 trại và các tài liệu Liên Hiệp Quốc cho thấy động thái này chỉ là xây dựng những khu nhà mới, kiên cố hơn bên cạnh lán trại – chứ không phải là cho phép họ trở lại nơi mà họ ra đi. Tình trạng của những người này vì vậy chỉ thay đổi chút ít.
Những người đã chuyển vào chỗ ở mới vẫn bị hạn chế đi lại nghiêm ngặt như trước, cư dân và nhân viên làm việc trong các trại nói.
Một mạng lưới trạm kiểm soát được thiết lập trong lúc vẫn còn đó nguy cơ đe dọa bạo lực từ phía các Phật tử địa phương. Các nguồn tin nói hậu quả là người thiểu số Hồi giáo bị mất đi nguồn sinh kế và hầu hết các dịch vụ, nên chỉ có thể sống dựa vào các vật phẩm cứu trợ nhân đạo.
“Vâng, chúng tôi chuyển đến những ngôi nhà mới – đúng là các trại đã đóng cửa,” Kyaw Aye, người ãnh đạo cộng đồng tại trại Nidin, ở trung tâm Rakhine, nói. “Nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ có thể đứng trên đôi chân của mình vì chúng ta không thể đi đâu cả.”
Reuters nói chuyện với những người Hồi giáo bị di dời ở Rakhine qua điện thoại vì phóng viên của họ bị ngăn tiếp cận các khu trại.
Hồi tháng 9/2018, Tòa án Hình sự Quốc tế mở một cuộc thẩm tra sơ bộ về tội ác nhắm vào người thiểu số Hồi giáo Rohingya mà chính quyền Myanmar bị cáo buộc.
Động thái này có thể mở đường cho một cuộc điều tra đầy đủ về cuộc đàn áp quân sự của Myanmar khiến hàng ngàn người thiệt mạng và hơn 700.000 người phải di tản.
Trước đó, Myanmar bác bỏ một báo cáo của Liên Hiệp Quốc kêu gọi điều tra về tội diệt chủng đối với các tướng lĩnh quân đội nước này.
Nghị sĩ ASEAN đòi ICC ‘điều tra Myanmar’
‘6.700 người Rohingya bị giết trong một tháng’
LHQ: Khủng hoảng Rohingya là ‘thảm họa nhân đạo’
Myanmar: Quân nổi dậy tuyên bố tạm ngừng bắn
Quân đội Myanmar trước đây tuyên bố họ không làm gì sai trái trong cuộc khủng hoảng Rohingya.
Tuy nhiên, báo cáo của họ đã bị các nhóm nhân quyền chỉ trích như là toan tính “thanh lọc sắc tộc”.
Quân đội đã phát động một cuộc đàn áp tại bang Rakhine năm ngoái sau khi các chiến binh Rohingya tiến hành các vụ tấn công chết người tại đồn cảnh sát.
Hàng trăm ngàn người đã chạy trốn sang Bangladesh.
Ngày càng có thêm những cáo buộc lạm dụng nhân quyền, gồm giết người tùy tiện, hãm hiếp và đốt làng.
‘Hành vi cưỡng bách’
Hôm 18/9, công tố viên ICC Fatou Bensouda cho biết bà quyết định “thực hiện cuộc thẩm tra sơ bộ về tình hình Rohingya”.
Bà Bensouda cho biết cuộc điều tra chính thức của ICC có thể tập trung vào một số “hành vi cưỡng bách” dẫn đến việc “ép buộc di tản” nhắm vào người Hồi giáo Rohingya.
Bà nói thêm rằng tòa án đặt tại The Hague sẽ xem xét liệu cuộc bức hại hay “những hành vi vô nhân đạo khác” đóng vai trò thế nào trong vụ khủng hoảng Rohingya.
Trong khi Myanmar không phải là một thành viên của ICC, các thẩm phán phán quyết rằng tòa án vẫn có thẩm quyền xét xử bất kỳ tội danh nào bị cáo buộc nhắm vào người Rohingya, vì Bangladesh là thành viên ICC.
Thông báo của ICC được phát đi trong bối cảnh Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt dự kiến đến Myanmar hôm 19/9 để họp với các nhà lãnh đạo nước này.
Ông Hunt, người sẽ tới thăm bang Rakhine và cũng sẽ gặp bà Aung San Suu Kyi, người gần đây nói rằng lẽ ra chính phủ của bà có thể đã xử lý vụ Rohingya khác đi.
Trước đó, 132 nghị sĩ của 5 quốc gia thành viên thuộc Tổ chức các nghị sĩ Đông Nam Á về nhân quyền (APHR) ra tuyên bố chung kêu gọi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) điều tra “hoạt động giết người ở Bang Rakhine” của quân đội Myanmar cách đây một năm.
Mặc dù chỉ có nghị sĩ của 5 quốc gia là Indonesia, Malaysia, Phillipines, Đông Timor và Singapore đứng ra kêu gọi, đây được xem là sự lên án thống nhất nhất trong khu vực Đông Nam Á về vấn đề bạo lực ở bang Rakhine của Myanmar.
“Tôi cùng với 131 nghị sĩ được bầu chọn kêu gọi các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSC) ngay lập tức đưa vụ việc ở Myanamar ra Tòa án Hình sự Quốc tế. Những người ở Myanmar chịu trách nhiệm về tội ác khủng khiếp này phải bị quy trách nhiệm; họ không thể được tự do để có thể tái phạm trong tương lai”, ông Charles Santiago, chính trị gia Malaysia và là thành viên của APHR được báo chí khu vực trích lời.
Một nghị sĩ khác, bà Eva Kusuma Sundari, thành viên Hạ viện Indonesia cho rằng đã đến lúc các quốc gia Asean cần “gạt bỏ chính sách ‘không can dự’ và thực thi hành động chính đáng”, cũng theo trang Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng 23/8.
“Công lý cho Rohingya là một vấn đề vượt tầm chính trị khu vực – nó liên quan đến cả nhân loại”, bà nói thêm. “Chúng tôi không thể cho phép những hành động tàn bạo này diễn ra ở một trong các quốc gia thành viên của chúng tôi mà không bị trừng phạt gì.”
Trong một động thái được coi là nỗ lực để xoa dịu cộng đồng quốc tế, chính phủ Miến Điện đã công bố hồi tháng Bảy rằng họ đang mở một ủy ban điều tra khác để điều tra các cáo buộc về vi phạm nhân quyền ở bang Rakhine.
Kể từ khi hoạt động bạo lực nhắm vào người Rohingya của quân đội Myanmar bùng phát hồi cuối tháng 8/2017, đã có hơn 700.000 người di cư sang Bangladesh và 25.000 người bị giết, cùng với nhiều làng mạc bị phá hủy và phụ nữ bị cưỡng hiếp.
Người Rohingya là nhóm người thiểu số Hồi giáo không có tổ quốc sống ở bang Rakhine, nơi đa số dân là người Phật giáo.
Từ lâu họ không được thừa nhận ở Myanmar, nơi chính quyền cấm sử dụng cái tên ‘Rohingya’ mà chỉ cho phép báo chí coi đây là người ‘tỵ nạn trái phép từ Bangladesh’.
Quân đội Miến Điện nói họ chỉ đáp trả những cuộc tấn công của nhóm vũ trang Rohingya và phủ nhận tin rằng họ nhắm vào thường dân.
Liên Hiệp Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới đã lên án hoạt động bạo lực này của quân đội Miến Điện và cho rằng có ‘thanh lọc sắc tộc’ ở đây.
Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (Asean), nơi Myanmar là một nước thành viên, đã bị cáo buộc là làm ngơ trước khủng hoảng Rohingya mà không có bất kỳ hành động can thiệp nào.
ICC được thành lập theo Quy chế Rome vào năm 2002, có trụ sở tại The Hague, Hà Lan với hơn 120 quốc gia đã phê chuẩn quy chế này.
ICC chỉ thực hiện thẩm quyền xét xử khi một quốc gia không thể hoặc không muốn tiến hành điều tra và xét xử những người phạm tội nghiêm trọng như tội ác chống lại loài người, diệt chủng, các tội ác chiến tranh.