Tin Biển Đông – 05/12/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Căn cứ trí tuệ nhân tạo dưới đáy biển:

Kế hoạch mới của TQ ở Biển Đông

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng căn cứ khoa học và quân sự ngầm ở Biển Đông. Căn cứ này sẽ được vận hành bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Theo đó, dự án trên sẽ do Viện Khoa học Trung Quốc triển khai xây dựng một căn cứ tại vùng sâu nhất của đại dương, ở độ sâu từ 6.000 – 11.000 m.

Một trong những địa điểm lý tưởng để Trung Quốc đặt căn cứ dưới đáy biển

Một số thông tin về dự án

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, ngân sách cho dự án này lên tới 1,1 tỷ NDT, tương đương 160 triệu USD. Trung Quốc sẽ sử dụng các tàu ngầm robot để thăm dò nền biển, ghi lại các sinh vật tồn tại dưới đáy biển và tìm khoáng thạch, sau đó nó các robot trên sẽ tự động phân tích các mẫu vật và gửi kết quả về trung tâm kiểm soát trên mặt đất. Về địa điểm đặt căn cứ, giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng chỉ có khu vực rãnh Manila gần Philippines đạt được yêu cầu đưa ra. Theo đó, rãnh này có độ sâu 5.400 m. Rãnh này cũng nằm gần bãi cạn Scarborough, vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines.

Tuy nhiên, Trung Quốc triển khai kế hoạch trên sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức lớn. Theo đó, thách thức lớn nhất trong kế hoạch trên là tìm ra được vật liệu có khả năng chống lại áp lực nước ở độ sâu hàng nghìn mét. Vật liệu này vừa phải cứng, vững chắc, vừa phải đủ độ linh hoạt để có thể kết nối với tàu điện ngầm. Ngoài ra, đáy biển là khu vực có môi trường khắc nghiệt, áp lực cao, xói mòn, địa chất yếu và động đất có khả năng đe dọa bất cứ cấu trúc nào ở đáy biển. Rãnh Manila cũng là một trong những khu vực có nguy cơ động đất mạnh nhất thế giới. Một cuộc nghiên cứu của Viện địa chất thuộc Cơ quan Động đất Trung Quốc năm nay dự đoán một trận động đất lớn tại rãnh Manila có thể tạo ra sóng thần cao tới 4m về phía đồng bằng Châu Giang, bao gồm Hong Kong, trong vòng 3 giờ đồng hồ.

Trung Quốc đang tập trung mọi nguồn lực để phát triển trí tuệ nhân tạo

Về nhân sự: Trung Quốc đang tìm kiếm những “thiên tài” và tập trung đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực phát triển AI. Bắc Kinh mới đây đã tuyển 27 nam sinh và 4 nữ sinh, tất cả đều từ 18 tuổi trở xuống, đã được lựa chọn cho một chương trình 4 năm về “thí nghiệm lập trình cho hệ thống vũ khí trí tuệ nhân tạo” tại Đại học Công nghệ Bắc Kinh (BIT) từ hơn 5.000 ứng cử viên. Sau khi hoàn thành khóa học, các sinh viên sẽ được học tiếp PhD và trở thành các chuyên gia đầu ngành của Trung Quốc trong lĩnh vực phát triển vũ khí trí tuệ nhân tạo. Không những vậy, để tìm kiếm nguồn nhân tài còn đang khan hiếm ở mọi nơi, các công ty Trung Quốc đang mở các phòng thí nghiệm tại thung lũng Silicon và chi trả mức lương khủng để thu hút giới chuyên gia trên thế giới.

Về chủ trương, chính sách: Vào tháng 7/2017, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố đã đưa ra kế hoạch tạo “bước đột phá lớn” trong công nghệ AI vào năm 2025. Chính quyền Bắc Kinh hy vọng sẽ thúc đẩy thương mại hóa AI trong các lĩnh vực khác nhau tại Trung Quốc như thành phố thông minh và khả năng ứng dụng AI vào các mục đích quân sự. Trong diễn biến khác, Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc (9/2018) đã phát hành Sách Trắng về phát triển trí tuệ nhân tạo năm 2018. Sách Trắng đề cập tới các lĩnh vực phát triển AI của Trung Quốc, trong đó có phát triển và ứng dụng giọng nói thông minh, thị giác máy tính và phát triển các thuật toán về nhận dạng giọng nói.

Về kinh tế: Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng khu công nghệ trị giá 13,8 tỷ nhân dân tệ (2,1 tỷ USD) để phát triển trí tuệ nhân tạo. Nó sẽ được xây dựng trong vòng 5 năm và nằm ở quận Mentougou ở ngoại ô Bắc Kinh, Trung Quốc. Khu công viên công nghệ trên sẽ có khoảng 400 doanh nghiệp và dự kiến sẽ tạo ra một giá trị sản lượng hàng năm khoảng 50 tỷ nhân dân tệ. Một trong những trọng tâm nghiên cứu, phát triển của các doanh nghiệp này là điện toán đám mây, sinh trắc học và AI.

Trung Quốc đang tập trung phát triển tàu ngầm sử dụng AI

Hiện Trung Quốc đã xây dựng cơ sở thử nghiệm lớn nhất thế giới dành cho các tàu không người lái trên mặt nước ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông. Dự kiến, nước này sẽ triển khai tàu ngầm AI vào đầu thập niên 2020. Có thông tin cho rằng tàu ngầm không người lái của Trung Quốc nặng 50 kg, do Đại học công nghiệp Tây Bắc hợp tác thiết kế, chế tạo. Theo giới thiệu, tàu ngầm AI của Trung Quốc sẽ tự triển khai các kế hoạch, tự xử lý nhiệm vụ được giao và trở về căn cứ riêng. Chúng có thể liên lạc với chỉ huy ở mặt đất theo định kỳ để cập nhật thông tin, nhưng hoàn toàn có khả năng hoàn thành nhiệm vụ mà không cần đến sự can thiệp của con người. Các chuyên gia nghiên cứu quân sự của Trung Quốc cũng đang phát triển một hệ thống hỗ trợ giúp các chỉ huy đưa ra những nhận định nhanh và chính xác trong tình huống chiến đấu.

Theo thiết kế, tàu ngầm không người lái cỡ nhỏ rất khó bị hệ thống định vị thủy âm (sonar) dò tìm được. Chúng có thể xâm nhập cảng biển của đối phương trong tình hình đối phương không hề cảnh giác. Ngoài ra, một trong những ưu thế chính của tàu ngầm tự lái là chi phí vận hành tương đối thấp, bởi vì mọi chi phí để tạo ra môi trường cho phép con người có thể tồn tại trong tàu ngầm được loại bỏ. Điều này cho phép tàu hoạt động linh hoạt hơn. Hệ thống trí tuệ nhân tạo cho phép tàu xác định tình hình xung quanh và không cần quan tâm đến việc bảo vệ tính mạng thủy thủ bên trong tàu.

Tuy nhiên, tàu ngầm AI cũng có hạn chế, đặc biệt là trong giai đoạn đầu triển khai và do các mẫu khí tài không người lái, dưới nước hiện nay hầu hết có kích thước tương đối nhỏ, hạn chế về tầm hoạt động và trọng tải tối đa. Việc triển khai và thu hồi chúng về căn cứ đòi hỏi sự điều động thêm tàu nổi hoặc tàu ngầm khác. Không những vậy, các tàu ngầm AI còn phải tự dự vào trí tuệ nhân tạo để đối phó với môi trường phức tạp trên biển. Chúng phải tự quyết định liên tục: thay đổi lộ trình và độ sâu để tránh bị phát hiện; phân biệt dân thường với các tàu quân sự; chọn cách tiếp cận tốt nhất để đến được một vị trí được chỉ định.

Âm mưu của Trung Quốc khi muốn xây dựng căn cứ ngầm dưới đáy Biển Đông

Thứ nhất, căn cứ trên có khả năng thu thập thông tin về cấu tạo địa chất dưới đáy biển, môi trường dưới nước, đặc biệt là nhiệt độ và độ mặn; khiến Bắc Kinh nắm bắt được sự thay đổi về môi trường sinh thái ở các vùng biển và đưa ra những chiến lược phát triển kinh tế biển phù hợp với đặc điểm từng vùng.

Thứ hai, căn cứ trên cũng hỗ trợ các hoạt động của hải quân Trung Quốc, nhất là lực lượng tàu ngầm chiến lược và tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc trong việc định hướng, xác định mục tiêu và theo dõi tàu chiến của các nước khác. Không những vậy, Trung Quốc có thể sự dụng các tàu ngầm AI cho các nhiệm vụ thu thập tình báo, trinh sát, đặt thủy lôi và tiến hành các cuộc tấn công cảm tử kiểu ‘kamikaze’ vào các mục tiêu có giá trị cao trên biển như tàu ngầm, tàu sân bay, tàu chiến và các giàn khoan dầu mỏ.

Thứ ba, dự án này không chỉ là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm tăng cường sức mạnh hải quân bằng công nghệ AI, nó còn nhằm các mục tiêu tuyên truyền, quảng bá sức mạnh hải quân Trung Quốc ở Biển Đông.

Thứ tư, ngoài việc thực hiện nghiên cứu khoa học, theo dõi sự thay đổi môi trường và tìm kiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên biển, dự án tàu ngầm robot của Trung Quốc còn nhằm theo dõi, ngăn chặn và tấn công các lực lượng Mỹ trên các vùng biển chiến lược như Biển Đông và Tây Thái Bình Dương.

Việc triển khai kế hoạch trên của Trung Quốc sẽ là bước đi nguy hiểm, tác động lớn đối với hòa bình, ổn định ở Biển Đông

Thứ nhất, một khi được hoàn thiện, căn cứ này sẽ giúp gia tăng đáng kể năng lực kiểm soát trên thực địa của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp; đe dọa đến hoạt động tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông; góp phần gia tăng cơ sở vật chất – kỹ thuật để khẳng định “chủ quyền” phi pháp trong khu vực; đẩy mạnh khả năng thăm dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản ở Biển Đông đê phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế trong nước. Ngoài ra, việc triển căn cứ dưới biển còn khiến Trung Quốc nắm bắt, kiểm soát tàu thuyền hoạt động ở Biển Đông.

Thứ hai, mục đích thật sự của Chính quyền Bắc Kinh khi triển khai kế hoạch trên là nhằm phục vụ nhu cầu quân sự. Hành động theo dõi, giám sát hoạt động của tàu, thuyền của các nước đang qua lại ở Biển Đông là vi phạm các quy định về luật pháp quốc tế và đe dọa trực tiếp đến an ninh, an toàn hàng hải.

Nhìn chung, Bắc Kinh có kế hoạch xây dựng căn cứ dưới đáy Biển Đông là để tăng cường quyền kiểm soát trong khu vực, ngăn chặn Mỹ và các nước can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Hành động của Trung Quốc không chỉ đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực Biển Đông mà còn vi phạm luật pháp quốc tế liên quan. Trước tình hình trên, các nước liên quan, nhất là Mỹ, Philippines và liên quan cần theo dõi chặt chẽ những hoạt động phi pháp của Trung Quốc để đưa ra phương án xử lý hiệu quả nhất.

http://biendong.net/bi-n-nong/25118-can-cu-tri-tue-nhan-tao-duoi-day-bien-ke-hoach-moi-cua-tq-o-bien-dong.html

 

Lộ căn cứ quân sự “nhỏ nhưng có võ”

Mỹ dùng để đối phó TQ ở Biển Đông

Căn cứ hải quân Lombrum ở Papua New Guinea tuy có quy mô nhỏ nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông.

Trong bối cảnh Mỹ và Australia có kế hoạch cùng nâng cấp căn cứ Lombrum và khả năng điều động thêm cả vũ khí tới khu vực này trong tương lai, nhiều nhà quan sát nhận định Washington và Canberra cần có những tính toán thận trọng nhằm tránh kích động Indonesia. Bởi Papua New Guinea và Indonesia có đường biên giới chung trên đất liền dài 820 km.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), giữa lúc Mỹ và Australia dự định nâng cấp căn cứ Lombrum, chưa có thông tin nào cho thấy chính quyền của Tổng thống Indonesia Joko Widodo lên tiếng phản đối. Tuy nhiên, những lời bình luận của giới chức cấp cao Indonesia hồi tuần trước đã phần nào hé lộ mối quan ngại của chính quyền quốc đảo này.

Cụ thể, ông Abdul Kharis Almasyhari, Chủ tịch Ủy ban quốc hội về giám sát quốc phòng và an ninh của Indonesia nhận định các quốc gia nước ngoài “cần tránh tiến hành quân sự hóa ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

Thậm chí, ông Almasyhari còn hối thúc chính quyền của Tổng thống Widodo ngăn chặn những cuộc vận động hành lang đồng thuận với kế hoạch để nước ngoài xây dựng căn cứ hải quân ở Papua New Guinea. Ông Almasyhari cho rằng, hành động này sẽ chỉ làm “gia tăng căng thẳng chính trị trong khu vực”.

Trên thực tế, căn cứ hải quân Lombrum nằm trên đảo Manus của Papua New Guinea vốn đã được Australia nâng cấp trước thời điểm ngày 17/11, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố Washington cũng tham gia vào hoạt động này.

Theo kế hoạch, căn cứ này sẽ là nơi để hải quân Mỹ tiếp nhiên liệu cũng như triển khai các hoạt động tuần tra hàng hải giữa lúc hải quân Trung Quốc không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng khắp Thái Bình Dương.

Trong khi đó, mối quan hệ liên quân giữa Australia và Indonesia cũng đang ở trong giai đoạn sóng gió liên quan tới hàng loạt bất đồng như việc Canberra để quân đội Mỹ đóng quân ở Darwin.

“Những vấn đề liên quan tới Papua New Guinea đều rất nhạy cảm cũng giống như việc Mỹ đặt căn cứ thủy quân lục chiến ở Darwin cách đây vài năm”, ông Evan Laksmana, nhà nghiên cứu quân sự Indonesia tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Jakarta chia sẻ.

Nâng cấp căn cứ Lombrum còn cả chặng đường dài

Căn cứ hải quân Lombrum được quân đội Mỹ xây dựng vào năm 1944 để mở hướng tấn công nhằm tái chiếm Thái Bình Dương khỏi quân Nhật Bản trong Thế chiến thứ Hai.

Ở căn cứ Lombrum, Mỹ xây một đường băng dài gần 3 km cùng nhiều kè để tàu chiến cập bến. Sau Thế chiến thứ Hai, căn cứ này được Mỹ dùng để xét xử các tội phạm chiến tranh Nhật. Gần đây, Australia sử dụng căn cứ trên đảo Manus để giữ người xin tị nạn. Ngoài ra, căn cứ Lombrum

hiện là nơi hoạt động của 200 lính hải quân Papua New Guinea làm nhiệm vụ giám sát hoạt động đánh bắt cá.

Thông tin Mỹ – Australia cùng chung tay nâng cấp căn cứ Lombrum được đưa ra sau vài tháng có thông tin cho rằng, Trung Quốc muốn xây một cảng biển ở đảo Manus song nhiều người nghi ngờ Bắc Kinh có ý định thành lập một căn cứ hải quân tại khu vực.

Trước đó, vào năm 2016, Công ty Kỹ thuật cảng biển Trung Quốc đã trúng thầu phát triển sân bay Momote trên đảo Manus nhưng cả chính quyền Bắc Kinh và Papua New Guinea đều không lên tiếng xác nhận về việc Trung Quốc muốn xây thêm một cảng biển ngay trên hòn đảo này.

Còn theo giới chuyên gia, việc tái lập căn cứ hải quân trên đảo Manus là động thái mới nhất trong nỗ lực bảo vệ lợi ích của Australia trước Trung Quốc giữa lúc Bắc Kinh muốn mở rộng ảnh hưởng tại Thái Bình Dương.

Nói cách khác, quyết định nâng cấp căn cứ Lombrum được xem là câu trả lời trực tiếp mà Australia muốn nhắn nhủ tới Trung Quốc, quốc gia đang đẩy mạnh quân sự hóa trái phép ở Biển Đông.

Theo ông Peter Jennings tại Viện Chính sách chiến lược Australia để đối phó với “chiến lược ở Biển Đông” mà Trung Quốc đang thi hành, căn cứ Lombrum cần sự bảo vệ của lực lượng không quân cũng như biến sân bay Momote trở thành khu vực phục vụ cả mục đích dân sự và quân sự.

“Một khi biến sân bay Momote làm nơi phục vụ hoạt động quân sự và dân sự, đảo Manus sẽ nắm thế xoay chuyển chiến lược từ phía bắc cho tới phía tây Thái Bình Dương và cả trên Biển Đông”, ông Jennings nhận định.

Song theo giới phân tích, điều quan trọng nhất mà Mỹ và Australia cần làm bây giờ là trấn an dư luận ở Papua New Guinea và Indonesia về căn cứ hải quân Lombrum. Bởi ngay cả thị trưởng đảo Manus là ông Charlie Benjamin cũng cho rằng, việc nâng cấp căn cứ Lombrum là không cần thiết.

“Nói thật, Papua New Guinea không phải đang trong tình trạng chiến tranh nên chúng tôi không cần sự hỗ trợ vào thời điểm hiện tại. Sự xuất hiện của quân đội Mỹ và Australia ở căn cứ Lombrum chỉ phục vụ lợi ích riêng của hai quốc gia này”, ông Benjamin chia sẻ sau tuyên bố của Phó Tổng thống Pence về việc Mỹ sẽ tham gia nâng cấp căn cứ quân sự ở đảo Manus cùng với Australia.

Còn theo ông Laksmana, các nước trong khu vực kể cả Indonesia không cần phải quá lo lắng về tuyên bố Mỹ – Australia cùng nâng cấp căn cứ Lombrum. Bởi hai quốc gia này sẽ còn rất nhiều việc phải làm mới cho thể biến Lombrum trở thành nơi neo đậu cho các tàu chiến cỡ lớn như tàu sân bay.

“Căn cứ hải quân Lombrum chỉ là một trong những lựa chọn mà Mỹ đang tính sử dụng để đối phó với Trung Quốc”, ông Laksmana kết luận.

http://biendong.net/bi-n-nong/25103-lo-can-cu-quan-su-nho-nhung-co-vo-my-dung-de-doi-pho-tq-o-bien-dong.html

 

Hội thảo tăng cường hợp tác an ninh ở Biển Đông

Một hội thảo quốc tế mang tên ‘Thúc đẩy hợp tác an ninh biển ở Biển Đông’ diễn ra vào ngày 4 tháng 12 tại Hà Nội.

Hội thảo do Học Viện Ngoại giao Việt Nam cùng hai đại sứ quán Anh và Australia ở Hà Nội phối hợp tổ chức. Có hơn 100 đại biểu và gần 30 phái đoàn ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam tham dự hội thảo.

Trong số những đại biểu có các diễn giả đến từ Ủy Ban Luật Pháp Quốc Tế Liên Hiệp Quốc (UNILC), Anh, Australia, Pháp, Nhật Bản, Malaysia, Philippines.

Phó Giám Đốc Học Viện Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Lan Dung, phát biểu tại hội thảo rằng Việt Nam là một quốc gia ven biển, luôn hướng đến hòa bình, ổn định trong khu vực. Hà Nội luôn mong muốn giải quyết các vấn đề trên biển theo các phương thức hòa bình, dựa trên Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Về Luật Biển năm 1982- UNCLOS1982 cùng các qui định khác của luật pháp quốc tế.

An ninh tại khu vực Biển Đông hiện có tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc, Đài Loan, Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam là mối quan tâm của những quốc gia trong khu vực và cả quốc tế.

Trung Quốc vạch ra đường đứt khúc 9 đoạn tuyên bố chủ quyền đến 90% Biển Đông gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa gây ra căng thẳng. Philippines đưa vụ việc ra trước Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế ở La Haye vào đầu năm 2013. Đến tháng 7 năm 2016, Tòa tuyên đường đứt khúc 9 đoạn đó vô giá trị vì không có cả căn cứ pháp lý lẫn lịch sử.

Tuy nhiên Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường Trực Quốc tế và tiếp tục xây dựng, quân sự hóa các đảo chiếm đóng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/workshop-to-promote-maritime-security-in-the-scs-12052018091913.html