Tin khắp nơi – 05/12/2018
Thủ đô Mỹ vĩnh biệt cố TT Bush
Người dân cũng như các quan chức Mỹ và nước ngoài, hôm 5/12, vĩnh biệt cố Tổng thống George H.W. Bush ở Washington D.C., trước khi thi hài của ông được đưa về nơi an nghỉ cuối cùng bên cạnh phu nhân Barbara và con gái ở Texas.
Một buổi lễ tại Nhà thờ lớn Washington, nơi từng cử hành nhiều tang lễ cấp quốc gia, sẽ khép lại nhiều ngày tưởng nhớ cố tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ tại thủ đô, theo AP.
Nhiều đoàn người, cả dân thường lẫn quan chức, ba ngày qua đã tới nơi quàn thi hài ông Bush “cha” ở Quốc hội Mỹ để viếng cố tổng thống có công trong tiến trình chuyển tiếp hậu Chiến tranh Lạnh cũng như lãnh đạo thành công Chiến tranh vùng Vịnh.
Ngoài ông Bush “con”, ba cựu tổng thống Mỹ hiện còn sống là ông Jimmy Carter, Bill Clinton và Barack Obama có mặt tại buổi lễ tưởng niệm.
Tổng thống Donald Trump cũng tham dự, nhưng dự kiến không phát biểu, theo Reuters.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi cố Tổng thống Lyndon Johnson qua đời năm 1973, một đương kim tổng thống không đọc điếu văn tại tang lễ của một cố tổng thống Mỹ.
Các quan khách đại diện cho hơn mười quốc gia gồm vua và nữ hoàng của Jordan, thái tử của Anh và Bahrain cũng như thủ tướng Đức và tổng thống Ba Lan.
Trong số người được mời tham dự buổi lễ ở Nhà thờ lớn Washington còn có ông Mike Lovejoy, một thợ điện và thợ sửa chữa tại nơi nghỉ dưỡng mùa hè của gia đình ông Bush ở Maine kể từ năm 1990. Ông Lovejoy cho AP biết rằng ông cảm thấy xúc động khi nhận được lời mời.
Hôm 4/12, hai hình ảnh tại lễ viếng ông Bush ở thủ đô được nhiều hãng thông tấn và mạng xã hội đăng tải, đó là chú chó Sully tới bên linh cữu chủ, và cựu Thượng nghị sĩ Bob Dole được đỡ khỏi xe lăn để đứng lên chào bạn cũ và cựu đối thủ một thời.
Sau lễ tang ở thủ đô Washington D.C., thi hài của ông Bush sẽ được đưa trở lại thành phố Houston cho lễ an táng hôm 6/12.
Ông sẽ an nghỉ bên phu nhân Barbara và con gái Robin, mất năm 1953 lúc 3 tuổi vì bệnh ung thư máu, tại khuôn viên thư viện tổng thống ở Texas.
Ông Trump đã lệnh đóng cửa chính phủ liên bang hôm 5/12 và yêu cầu các công sở treo cờ rủ trong vòng 30 ngày để tướng nhớ cố Tổng thống Bush.
TT Trump: ‘Thành quả của cố TT Bush tuyệt vời
từ khởi đầu cho đến kết thúc’
Một hàng dài người xếp hàng tại tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Washington hôm thứ Ba (4/12) để đến bày tỏ lòng tôn kính và thương tiếc đối với cựu Tổng thống George H.W. Bush khi linh cữu ông đang được đặt tại khu Rotunda trong tòa nhà Quốc hội Mỹ.
Sáng sớm thứ Tư, linh cữu của ông sẽ được chuyển đến Thánh đường quốc gia Washington để làm lễ tang, và ông sẽ được chôn cất vào thứ Năm tại thư viện tổng thống của ông ở bang Texas.
Vị tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ, người đã phục vụ một nhiệm kỳ duy nhất trong Tòa Bạch Ốc từ năm 1989 đến 1993, đã qua đời ở Texas, quê hương của ông, vào thứ Sáu tuần trước ở tuổi 94 sau nhiều năm lâm bệnh.
Trong một nghi lễ ở Quốc hội hôm thứ Hai, các giới chức Washington đã đến viếng ông Bush. Tổng thống Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania Trump đứng im lặng bên cạnh quan tài của cố tổng thống trong khoảng một phút trước khi chào ông và bước ra.
Ông Trumps sẽ tham dự lễ tang, nhưng không dự kiến sẽ phát biểu. Trên trang Tweeter hôm thứ Hai, ông nói rằng ông “Mong chờ được ở cạnh gia đình Bush để bày tỏ lòng tôn kính đối với Tổng thống George H.W. Bush”.
Trong một bài viết trước đó, ông Trump nói “Tổng thống George H.W. Bush đã sống một cuộc đời dài, thành công và rất đẹp. Bất cứ khi nào tôi ở bên ông, tôi đều thấy niềm vui tuyệt đối của ông đối với cuộc đời và niềm tự hào thực sự trong gia đình ông. Những thành quả của ông tuyệt vời từ khi khởi đầu cho đến kết thúc. Ông là một người đàn ông thực sự tuyệt vời và tất cả mọi người đều sẽ nhớ ông!”
Lãnh đạo khối đa số Thượng viện Mitch McConnell nói rằng nước Mỹ đồng hành với gia tộc Bush “trong thương tiếc và lòng biết ơn. Biết ơn vì những cuộc đời đẹp và những nhiệm vụ đã được hoàn thành trọn vẹn”.
Phó Tổng thống Mike Pence nói lòng tốt của ông Bush là “điều hiển nhiên đối với tất cả những ai đã từng gặp ông”.
Nhà phân tích chính trị Larry Sabato của Đại học Virginia nói với VOA rằng trong số 45 tổng thống của nước Mỹ, tầm vóc của ông Bush đã lớn mạnh trong phần tư thế kỷ kể từ khi ông rời khỏi chức vụ.
“Điều đó khá rõ ràng khi mọi người nhìn lại và khi mọi người đang hồi tưởng về nhiệm kỳ của tổng thống Bush, mọi chuyện trông có vẻ tốt hơn rất nhiều so với thời điểm kết thúc nhiệm kỳ”, ông Sabato nói. “Tất nhiên, ông Bush đã thất bại trong việc tái cử, và hầu hết mọi người lúc đó coi ông là một tổng thống thất bại” bởi vì cuộc suy thoái trong thời gian ông ở Tòa Bạch Ốc.
“Nhưng bây giờ, tôi nghĩ chúng ta có thể thấy rằng ông ấy thực ra khá thành công”, ông Sabato nói, đặc biệt là trong các vấn đề đối ngoại, khi ông giúp định hình phản ứng của phương Tây đối với sự sụp đổ của Liên Xô và thống nhất nước Đức. Ông cũng dẫn Hoa Kỳ đến một chiến thắng quân sự trong việc lật đổ nhà độc tài Iraq Saddam Hussein và giải phóng Kuwait.
Ngoài ra, theo nhà phân tích Sabato, ông Bush cũng có lợi thế khi đem so sánh với cung cách của ông Trump trong gần một nửa nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống đương nhiệm tại Tòa Bạch Ốc.
Ông Sabato nói:
“Thành thật mà nói, tại một thời điểm lịch sử, sẽ không có ngoại lệ để có một vị tổng thống luôn tuân thủ và đánh giá cao các thông lệ của hệ thống Mỹ và nhiệm kỳ tổng thống, là người của công chúng, tử tế với mọi người và vượt trội hơn những người khác. Nhưng bạn thấy đấy, mọi thứ đều thay đổi, đặc biệt là trong vài năm qua. Và sự tương phản giữa ông George H.W. Bush và vị tổng thống đương nhiệm không thể rõ ràng hơn”.
James Baker, cựu thư ký của Tổng thống Bush và là người bạn của ông suốt 60 năm, nói với CNN hôm Chủ nhật rằng ông coi ông Bush là “người tử tế và ân cần nhất mà tôi từng biết”.
Ông cho biết “sức khỏe của ông Bush đã xấu đi rất nhiều” trong những tháng gần đây, nhưng đến phút cuối, ông đã nói chuyện được qua điện thoại với các con của ông, trong đó có cựu Tổng thống George W. Bush.
Ông Baker cho biết những lời cuối cùng của ông Bush là “Cha cũng yêu con”, khi ông nói chuyện với Tổng thống Bush “con”, vị tổng thống thứ 43 của nước Mỹ.
Trong một tuyên bố, Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders cho biết ngày thứ Tư (5/12) đã được chỉ định là ngày quốc tang và lá cờ của Tòa Bạch Ốc sẽ được hạ xuống một nửa.
Sàn giao dịch chứng khoán New York cho biết sẽ đóng cửa vào thứ Tư để vinh danh ông Bush.
Quốc tang được tổ chức theo truyền thống dành cho các tổng thống đương nhiệm, cựu tổng thống và các quan chức khác mà tổng thống chỉ định.
Quốc tang là sự kiện kéo dài từ 7 đến 10 ngày, bao gồm ba giai đoạn: nghi lễ trong tiểu bang nơi chính thức cư trú, nghi lễ ở thủ đô Washington, và sau đó là nghi lễ trong tiểu bang mà người quá cố đã chọn để được an táng.
Chứng khoán Mỹ lao dốc vì đình chiến thương mại?
Các chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ đều giảm điểm ít nhất 3% trong bối cảnh giới đầu tư lo lắng về tăng trưởng kinh tế Mỹ và ngờ vực về kết quả thực sự của hội đàm thương mại Mỹ – Trung vừa qua.
Theo hãng tin AFP, chỉ một ngày sau khi chứng khoán toàn cầu có sự khởi sắc nhờ việc Mỹ và Trung Quốc thông báo thỏa thuận đình chiến thương mại, tạm ngừng áp thuế mới, hầu hết các thị trường trên thế giới đã lại có diễn biến đảo chiều đi xuống.
Giới đầu tư đã chuyển sang tâm trạng hoang mang về kết quả tích cực thực tế của đàm phán thương mại Mỹ – Trung sau khi chính quyền ông Trump phát đi những tín hiệu không rõ ràng, nhất quán về những thỏa thuận đàm phán thương mại đạt được giữa họ và Trung Quốc.
Cả ba chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ đều giảm điểm ít nhất 3%, trong đó chỉ số S&P 500 mất 3,2% còn 2.700,06 điểm trong ngày 4-12. Chỉ số Down mất 799 điểm (3,1%), Nasdaq giảm 3,8%.
Các thị trường chứng khoán tại London, Paris, Frankfurt và Tokyo cũng đều lao dốc.
Trong loạt tweet tung ra ngày 4-12, ông Trump đột ngột cho biết ông sẵn sàng áp thuế với Trung Quốc nếu một thỏa thuận “công bằng” với họ không được thực thi.
“Tôi là một Tariff Man” (Tariff man: tạm dịch là “người đánh thuế”). Khi mọi người hay các nước tới và khai thác của cải của đất nước chúng tôi, tôi muốn họ phải trả tiền cho quyền lợi…. Hiện tại chúng tôi đang thu vào hàng tỉ USD tiền thuế. Hãy làm cho nước Mỹ giàu có trở lại”, ông Trump viết trên Twitter.
Trong một diễn biến liên quan, báo Washington Post dẫn nguồn tin từ một cựu quan chức chính phủ Mỹ không nêu tên có liên lạc với phía Trung Quốc cho biết giới chức nước này rất bực mình cách hành xử của chính quyền ông Trump sau cuộc hội đàm thương mại bên lề G20 vừa qua.
Tờ báo dẫn lời vị cựu quan chức: “Anh không thể làm như vậy với Trung Quốc. Anh không thể tuyên bố thắng lợi tất cả những sự nhượng bộ của họ với công luận”.
Trong cuộc gặp tại Argentina, theo Nhà Trắng, ông Trump và ông Tập đã nhất trí đình chiến thương mại trong 90 ngày. Sau cuộc gặp này ông Trump nói với báo giới đó là “một thỏa thuận không thể tin được” và nếu được thực thi, đó sẽ là “một trong những thỏa thuận lớn nhất từng đạt được”.
Tuy nhiên tờ Washington Post cho rằng Trung Quốc không thừa nhận thời hạn chót 90 ngày cho những đàm phán thương mại giữa hai bên. Nước này cũng không nói họ sẽ “ngay lập tức” tăng lượng mua các nông sản của Mỹ.
Rõ ràng theo tờ Post, đã có “những khác biệt sâu sắc” giữa thông tin của hai chính phủ về những nội dung đạt được trong cuộc thương lượng tại bữa tối ở Argentia.
Trước đó, truyền thông quốc tế cũng đề cập nhiều việc các cơ quan thông tấn, báo chí nhà nước của Trung Quốc như Tân Hoa xã, Nhân dân Nhật báo, khi đưa tin về kết quả hội đàm thương mại Mỹ – Trung bên lề G20 đều đã “quên” chi tiết thời hạn đình chiến 90 ngày.
http://biendong.net/bien-dong/25088-chung-khoan-my-lao-doc-vi-dinh-chien-thuong-mai.html
TT Trump giữ vững quan điểm về biến đổi khí hậu
“Tôi sẽ không để cho đất nước này bị đóng cửa, ngừng làm ăn, chỉ vì phải cố gắng duy trì một số tiêu chuẩn mà có lẽ cũng chẳng có gì quan trọng”, Tổng thống Donald Trump nói với VOA khi được hỏi về tác động kinh tế của biến đổi khí hậu.
Không phủ nhận sự tồn tại của tình trạng đó, song cách tiếp cận của chính quyền ông Trump đối với biến đổi khí hậu tập trung chủ yếu vào ba lý lẽ. Một là Hoa Kỳ đã cắt giảm phát thải khí nhà kính nhiều hơn các quốc gia khác, không cần căn cứ vào bất kỳ thỏa thuận quốc tế nào. Hai là những quy định về cắt giảm khí thải đi kèm với chi phí cao trong khi lợi ích lại thấp. Và ba là những quy định đó sẽ đưa Hoa Kỳ vào thế bất lợi vì các nước khác sẽ không tuân theo.
“Khi bạn nhìn vào Trung Quốc, và khi bạn nhìn vào các nước khác, nơi có bầu không khí bẩn thỉu, thì chúng ta sẽ sạch sẽ, nhưng họ thì không, và điều đó làm tốn rất nhiều tiền”, ông Trump nói thêm.
Quả thực, Hoa Kỳ đã giảm lượng phát thải khí nhà kính nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Lượng phát thải của Mỹ đạt đỉnh điểm vào năm 2005. Trong thập kỷ qua, lượng phát thải đã giảm khoảng 13%, theo Đánh giá Thống kê của BP về Năng lượng Thế giới.
Phát thải của Mỹ bắt đầu giảm khi công nghệ khai thác dầu khí có tên là fracking phát triển mạnh. Công nghệ cắt phá thủy lực mới đó đã biến Hoa Kỳ thành một nước sản xuất khí tự nhiên lớn. Khi giá khí tự nhiên giảm xuống, nó đã dần dần thay thế than làm nhiên liệu chủ yếu trong ngành phát điện. Vì việc đốt khí tự nhiên tạo ra carbon dioxide (CO2) ít hơn đốt than đá, nên khí thải nhà kính đã giảm.
Gần đây, có thêm các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió bắt đầu hòa vào lưới điện.
Trong khi lượng phát thải của Hoa Kỳ đã giảm kể từ những năm 2000, phát thải của Trung Quốc đã tăng vọt. Đất nước có hơn 1,4 tỉ dân theo đuổi sự tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc với một khoản đầu tư khổng lồ vào các nhà máy điện chạy bằng than. Trung Quốc hiện là nước phát ra khí nhà kính hàng đầu, tăng gần gấp đôi lượng phát thải của Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-giu-vung-quan-diem-ve-bien-doi-khi-hau/4687624.html
Trump để ngỏ khả năng triển hạn hưu chiến thương mại
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba nêu ra khả năng triển hạn thỏa thuận hưu chiến thương mại 90 ngày với Trung Quốc nhưng cảnh báo ông sẽ quay lại đánh thuế nếu hai bên không thể giải quyết được những khác biệt của mình.
Ông Trump nói nhóm các cố vấn thương mại của ông do Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer dẫn đầu sẽ xác định liệu một “thỏa thuận THỰC SỰ” với Bắc Kinh có khả dĩ hay không.
“Nếu có, chúng tôi sẽ hoàn tất nó,” ông Trump viết trong những dòng tin đăng trên Twitter. “Nhưng nếu không hãy nhớ rằng tôi là ‘Tariff Man’” (ý nói ông sẽ không ngần ngại áp đặt thuế quan).
Mối đe dọa chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã phủ bóng lên thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu phần nhiều suốt cả năm nay, và các nhà đầu tư ban đầu hoan nghênh thỏa thuận hưu chiến mà ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được vào cuối tuần.
Tuy nhiên, sau khi khởi sắc hôm thứ Hai, các thị trường hôm thứ Ba đã sụt giảm mạnh giữa những nghi ngờ về điều gì có thể thực sự đạt được giữa cơ hội đàm phán hạn hẹp. Điều này càng gia tăng những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu đang yếu dần.
Chỉ số Công nghiệp Dow Jones giảm hơn 3 phần trăm, chỉ số S&P 500 mất 3,2 phần trăm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 3,8 phần trăm.
Tổng thống Đảng Cộng hòa dường như lên tiếng về một trong những mối lo ngại này bằng cách cho thấy ông sẽ không phản đối việc kéo dài thời hạn hưu chiến 90 ngày.
Ông Trump và ông Tập cho biết họ sẽ đình chỉ áp đặt thêm thuế quan trong khoảng thời gian 90 ngày kể từ ngày 1 tháng 12 trong khi họ tìm cách giải quyết những tranh chấp thương mại. Dòng chảy hàng trăm tỉ đôla giá trị hàng hóa đã bị xáo trộn bởi thuế quan của đôi bên.
Ông Trump nói Trung Quốc có nghĩa vụ phải bắt đầu mua sản phẩm nông nghiệp của Mỹ ngay lập tức và cắt giảm 40 phần trăm thuế nhập khẩu xe hơi của Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-de-ngo-kha-nang-trien-han-huu-chien-thuong-mai/4687265.html
Vụ sát hại Khashoggi: Giới lập pháp Mỹ
chắc chắn về vai trò của Thái tử Ả Rập Xê Út
Các thượng nghị sĩ hàng đầu của Mỹ hôm thứ Ba nói rằng họ chắc chắn hơn bao giờ hết Thái tử Ả-rập Xê út Mohammed bin Salman chịu trách nhiệm về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi sau một phiên điều trần của CIA về vụ việc này.
“Phải cố tình nhắm mắt làm ngơ mới không đi tới được kết luận vụ này đã được sắp xếp và tổ chức bởi những người dưới quyền của MbS,” Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham nói với các phóng viên, nhắc đến Thái tử bằng tên viết tắt của ông ta.
Trong nỗ lực của mình nhằm gây áp lực lên chính quyền Trump, ông Graham nói có thể không có một “khẩu súng bốc khói,” nhưng có một “cái cưa bốc khói,” ám chỉ cái cưa xương mà các nhà điều tra nói là đã được dùng để cưa nhỏ thi thể của ông Khashoggi.
Đưa ra một số cáo buộc mạnh mẽ nhất tính đến thời đểm này, các thượng nghị sĩ cả Cộng hòa lẫn Dân chủ nói họ vẫn muốn thông qua luật để gửi một thông điệp đến Ả-rập Xê út rằng Mỹ lên án cái chết của ông Khashoggi. Và họ kêu gọi đích thân Tổng thống Donald Trump lên án mạnh mẽ vụ việc này sau khi ông tuyên bố đứng về phía Thái tử.
“Nếu Thái tử đứng trước bồi thẩm đoàn, ông ta sẽ bị kết án trong 30 phút,” Thượng nghị sĩ Cộng hòa Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói. Khi được hỏi liệu ông ta có bị kết tội giết người không, ông Corker trả lời “Có.”
Các thượng nghị sĩ nói chuyện với phóng viên khi họ rời khỏi một phiên điều trần kín dành cho một số người lãnh đạo trong ủy ban Thượng viện và các lãnh đạo Thượng viện, trong đó Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Gina Haspel trình bày thẩm định tình báo của Mỹ về vụ sát nhân.
“Những quan điểm mà tôi đã có trước đó chỉ càng được củng cố,” Thượng nghị sĩ Bob Menendez, thành viên hàng đầu của phe Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại, nói.
Tuần trước, 14 thượng nghị sĩ đồng đảng Cộng hòa của ông Trump, những người nắm giữ thế đa số mong manh trong Thượng viện và hiếm khi đối nghịch với tổng thống, đã bất chấp mong muốn của ông và biểu quyết cùng với phe Dân chủ để xúc tiến một dự luật mà sẽ chấm dứt sự hỗ trợ của Mỹ dành cho nỗ lực chiến tranh do Ả-rập Xê út dẫn đầu ở Yemen.
Cuộc biểu quyết bất thường này diễn ra ngay sau một phiên điều trần của Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis. Họ kêu gọi các nhà lập pháp không làm bất cứ điều gì làm suy yếu mối quan hệ Mỹ-Saudi.
Sự vắng mặt của bà Haspel trong phiên điều trần đó đã làm các các thượng nghị sĩ tức giận.
Mỹ ra tối hậu thư buộc Nga
chứng tỏ tuân thủ hiệp ước hạt nhân
Mỹ ra tối hậu thư 60 ngày cho Nga để thú nhận điều mà Washington nói là nước này vi phạm hiệp ước kiểm soát vũ khí ngăn việc điều động phi đạn ở Châu Âu, nói rằng chỉ có Moscow mới có thể cứu vãn hiệp ước này.
Tại một cuộc họp ở Brussels, các đồng minh NATO do Đức dẫn đầu đã thúc giục Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thúc đẩy một nỗ lực ngoại giao cuối cùng trước khi Washington rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) năm 1987, lo sợ một cuộc chạy đua vũ trang mới ở Châu Âu.
“Nga có cơ hội cuối cùng để cho thấy một cách xác tín rằng họ tuân thủ hiệp ước … nhưng chúng tôi cũng phải bắt đầu chuẩn bị cho thực tế là hiệp ước này có thể đổ vỡ,” Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg nói với các phóng viên.
Các bộ trưởng ngoại giao trong khối NATO đã đồng ý chính thức tuyên bố Nga đã “vi phạm có tính thực chất” hiệp ước INF trong một tuyên bố ủng hộ Mỹ, sau khi ông Pompeo trình bày với họ tại trụ sở liên minh tại Brussels về các hành vi vi phạm của Nga và mục tiêu đã nêu của Tổng thống Donald Trump rút khỏi hiệp ước.
Nga phủ nhận việc phát triển bất kì phi đạn Cruise tầm trung, đặt trên bộ nào có khả năng chở theo các đầu đạn hạt nhân và tấn công các thành phố Châu Âu không lâu sau cảnh báo.
Đức, Hà Lan và Bỉ lo ngại về việc triển khai các phi đạn của Mỹ ở Châu Âu – như đã xảy ra trong thập niên 1980 và khơi ra các cuộc biểu tình lớn chống Mỹ – trong khi vướng vào một cuộc cạnh tranh hạt nhân giữa Moscow và Washington.
Việc Mỹ rút khỏi hiệp ước INF sẽ gây thêm căng thẳng cho các đồng minh NATO vốn đã bị chao đảo vì ông Trump đòi hỏi chi tiêu quốc phòng cao hơn và bởi điều mà các nhà ngoại giao nói là sự thiếu sự rõ ràng về chiến lược của Mỹ.
Khó phát hiện và được bắn đi từ các bệ phóng di động, các phi đạn của Nga đặc biệt nguy hiểm vì chúng giảm thời gian cảnh báo mà các hệ thống phòng không của NATO có thể có để bắn hạ chúng, các chuyên gia quân sự nói.
Ông Pompeo cho biết chính phủ Mỹ đã nêu vấn đề này ít nhất 30 lần kể từ năm 2013 với Moscow nhưng vấp phải điều mà ông nói là sự phủ nhận và những hành động đáp trả.
Ông cũng nói rằng Mỹ có bằng chứng cho thấy các cuộc thử nghiệm được thực hiện từ một địa điểm duy nhất ở Nga, cơ sở Kupustin Yar thời Soviet, gần Volgograd, phía đông nam Moscow.
“Vì những những sự kiện này, Hoa Kỳ tuyên bố Nga vi phạm có tính thực chất hiệp ước này và sẽ đình chỉ nghĩa vụ của chúng tôi … có hiệu lực trong 60 ngày trừ phi Nga quay lại tuân thủ một cách đầy đủ và kiểm chứng được,” ông Pompeo nói.
Triều Tiên, Nga hay TQ là đối thủ mạnh nhất của Mỹ?
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, Triều Tiên là vấn đề an ninh cấp bách nhất của Mỹ, trong khi Nga là đối thủ mạnh nhất hiện nay và trong tương lai sẽ là Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã phát biểu như vậy tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan tổ chức tại thung lũng Simi, bang California cuối tuần qua.
Theo tuyên bố ra ngày 3/12 của Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Mattis đánh giá về tính cấp bách thì Triều Tiên là vấn đề lớn khẩn cấp mà Mỹ cần giải quyết. Đây cũng là lý do mà các biện pháp trừng phạt (đối với Triều Tiên) đều nhận được sự nhất trí của các nước ủy viên thường trực trong của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Hồi năm ngoái, cơ quan quyền lực này đã thông qua một loạt các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên sau các vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và vũ khí hạt nhân của nước này.
Bộ trưởng Mattis nhấn mạnh nếu muốn “thoát khỏi” các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Triều Tiên phải đạt được một số tiến bộ trong nỗ lực phi hạt nhân hóa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ cam kết giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên khi thông báo ý định tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 1 hoặc tháng 2 tới.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra tại Singapore hồi tháng 6 vừa qua, lãnh đạo hai nước đã ký tuyên bố chung, theo đó Washington cam kết cung cấp đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng để đổi lại cam kết phi hạt nhân hóa.
Tuy nhiên, kể từ sau cuộc gặp trên, đàm phán Mỹ-Triều đã rơi vào bế tắc do hai bên còn quá nhiều khác biệt. Bình Nhưỡng muốn Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đổi lấy việc phi hạt nhân hóa theo từng giai đoạn. Trong khi đó, Mỹ tuyên bố sẽ chỉ dỡ bỏ những lệnh trừng phạt này khi Triều Tiên đã phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Trong một cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Buenos Aires (Argentina) mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Trump đã nhất trí cần duy trì các lệnh trừng phạt Triều Tiên hiện nay cho tới khi nước này phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Hiện giới chức Mỹ và Triều Tiên đang tiến hành các cuộc thảo luận nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp lần thứ hai giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sau cuộc gặp lần đầu tiên diễn ra ngày 12/6 vừa qua ở Singapore.
Phát biểu với báo giới trên chuyến bay trở về Mỹ sau hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Trump nhấn mạnh quan hệ giữa hai bên hiện “tốt đẹp” và ông sẽ mời nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Mỹ vào một thời điểm thích hợp.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25102-trieu-tien-nga-hay-tq-la-doi-thu-manh-nhat-cua-my.html
Mỹ: Chưởng lý Mueller muốn
cựu cố vấn Michael Flynn thoát án tù
Trong cuộc điều tra về nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016, chưởng lý đặc biệt Robert Mueller đề nghị tránh cầm tù cựu cố vấn Nhà Trắng Michael Flynn, vì nhân vật này đã cung cấp thông tin quan trọng cho cuộc điều tra.
Ông Flynn chỉ làm cố vấn ở Nhà Trắng trong vòng 24 ngày, nhưng trước đó ông đã tích cực tham gia vào cuộc vận động tranh cử tổng thống. Tháng 12 năm ngoái, ông đã nhận tội nói dối với FBI, đặc biệt là về các cuộc nói chuyện với đại sứ Nga. Cuộc hợp tác của ông trong điều tra của chưởng lý Mueller được đánh giá rất tốt.
Thông tín viên RFI tại Washington, Anne Corpet cho biết thêm chi tiết :
Trong biên bản ghi nhớ của ông, Robert Mueller cho biết đã thẩm vấn tướng Flynn đến 19 lần, từ khi ông Flynn quyết định hợp tác cách đây hơn một năm. « Việc ông sớm hợp tác đặc biệt quý giá vì ông Flynn là một trong những người hiếm hoi có tầm nhìn hàng đầu về những sự kiện mà chúng tôi điều tra. »
Văn bản nói rõ là cựu cố vấn an ninh Nhà Trắng đã cung cấp những thông tin gì về « mối liên hệ giữa chính quyền Nga và những người có liên quan đến cuộc vận động tranh cử của ông Trump ». Từ ngữ « những người », có nghĩa là nhiều người thân cận tổng thống Mỹ đang trong tầm nhắm của công tố viên Mueller.
Nhưng đó là ai và trên vấn đề gì ? Không thể biết. Nhiều dòng chữ trong biên bản đã bị tô đen để không ảnh hưởng đến cuộc điều tra đang tiến hành.
Trả lời đài Fox News, luật sư của ông Donald Trump đánh giá là không có gì trong biên bản ghi nhớ cho thấy có sự câu kết với Nga. Để tỏ thái độ coi thường của mình, luật sư Rudolph Giuliani còn gọi ê-kíp công tố viên là « đám chó con bệnh hoạn ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181205-my-cong-to-vien-mueller-muon-cuu-co-van-michael-flynn-thoat-an-tu
NATO cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước tên lửa
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, Nato đã chính thức lên tiếng cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước Vũ khí Tên lửa Hạt nhân Tầm trung năm 1987 (INF), vốn cấm các tên lửa hạt nhân mặt đất ở châu Âu.
Các bộ trưởng ngoại giao của NATO vừa ban hành một tuyên bố ủng hộ Mỹ cáo buộc các vi phạm của Nga theo sau một buổi họp.
Hoa Kỳ từng đe dọa rút khỏi hiệp ước này vì các hành động của Nga.
Cơ quan Tình báo Anh cảnh báo Nga
G20: Vì sao Trump và Tập sẽ không đi tới thỏa thuận nào?
Tương lai nước Đức sẽ ra sao thời hậu Merkel?
Nga phủ nhận việc đã vi phạm thỏa thuận INF, nói rằng Moscow “nghiêm túc tuân theo” các điều kiện của Hiệp ước.
Hiệp ước này cấm các loại tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500km.
“Các nước đồng minh đã kết luận rằng Nga đã phát triển và đưa ra 9M729, một hệ thống tên lửa vi phạm Hiệp ước INF và tạo những rủi ro đáng kể đối với an ninh vùng Âu-Đại Tây Dương,” tuyên bố của các bộ trưởng ngoại giao Nato viết.
“Chúng tôi mạnh mẽ ủng hộ kết luận của Hoa Kỳ rằng Nga vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước INF.
“Chúng tôi kêu gọi Nga phải khẩn trương trở lại việc tuân thủ hiệp ước một cách đầy đủ và có thể kiểm chứng được. Hiện tại, trọng trách bảo tồn INF là của Nga.”
Tên lửa tầm trung mới mà Hoa Kỳ – và bây giờ NATO – cáo buộc là Nga đã triển khai có thể khiến cho Nga bắn ngay vào các quốc gia Nato trong một thời gian rất ngắn.
Giới phân tích nói rằng Nga thấy vũ khí này là một lựa chọn tiết kiệm hơn các vũ khí thông thường.
Phát biểu sau tuyên bố của NATO, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Nga có 60 ngày để tuân thủ hiệp ước trở lại, sau thời gian đó Mỹ cũng sẽ đình chỉ sự tuân thủ.
“Trong 60 ngày này, chúng tôi sẽ vẫn không thử nghiệm hay sản xuất hoặc triển khai bất kỳ hệ thống nào và chúng tôi sẽ xem điều gì sẽ xảy ra trong khoảng thời gian 60 ngày này”, ông Pompeo nói.
“Chúng tôi đã đối thoại với phía Nga rất nhiều. Chúng tôi hy vọng họ sẽ thay đổi, nhưng cho đến giờ không có dấu hiệu nào cho thấy họ có ý định làm như vậy.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã được hãng tin Interfax trích lời đáp: “Nga tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản của hiệp ước [INF], và phía Mỹ biết điều này.”
Trước đó vào 2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước INF sau khi có cáo buộc Nga đã thử nghiệm một tên lửa hành trình trên mặt đất.
Obama nói ông quyết định không rút khỏi hiệp ước vì các áp lực từ các nhà lãnh đạo châu Âu, những người cho rằng động thái này có thể tái khởi động một cuộc chạy đua vũ trang.
Lần cuối cùng Hoa Kỳ rút khỏi một hiệp ước vũ khí lớn là vào 2002, khi Tổng thống George W. Bush kéo Mỹ ra khỏi Hiệp ước Vũ khí chống Tên lửa đạn đạo.
Chính quyền của ông Bush muốn thiết lập một lá chắn tên lửa ở châu Âu và điều này đã đánh động điện Kremlin. Chính quyền Obama đã loại bỏ kế hoạch này vào 2009 và thay thế bằng một hệ thống phòng thủ khác vào năm 2016.
‘Thế là quá đủ’
Phân tích của phóng viên quốc phòng Jonathan Marcus, tại trụ sở Nato ở Brussels
Hiệp ước INF là điểm nhấn quan trọng trong việc kiểm soát vũ khí thời Chiến tranh lạnh vì nó bãi bỏ toàn bộ một loại tên lửa dựa trên đất liền.
Nhưng trong nhiều năm nay, Hoa Kỳ ngày càng quan ngại rằng Nga đang vi phạm hiệp ước này. Theo Mỹ, Nga hiện đã triển khai nhiều tiểu đoàn tên lửa mới đang đe dọa các mục tiêu ở châu Âu.
Và bây giờ Washington đã quyết định rằng thế là đã quá đủ, và cho Moscow 60 ngày để tuân thủ trở lại hoặc Mỹ sẽ tự chấm dứt cam kết của nó với INF.
Các đồng minh của NATO cũng chia sẻ mối quan tâm của Washington và ủng hộ quan điểm của Hoa Kỳ, cũng hy vọng trong thời gian ngắn này, Nga sẽ thay đổi ý định.
Nhưng cơ hội đó rất mỏng manh. Và mối lo sợ là sự sụp đổ của thỏa thuận INF có thể dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống hiệp ước kiểm soát vũ khí, vốn rất quan trọng trong việc duy trì ổn định chiến lược.
Được ký kết năm 1987 bởi Lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, Hiệp ước INF cấm các loại tên lửa hạt và không hạt nhân có tầm bắn ngắn và trung, trừ các vũ khí trên biển.
Vào 1991, gần 2.700 tên lửa đã bị phá hủy. Hai quố gia cũng được phép kiểm tra việc hệ thống lắp đặt của nhau.
Đến 2007, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng hiệp ước này không còn phục vụ cho lợi ích của Nga.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46450480
Moscow nhận thông báo của Mỹ về hủy hiệp ước vũ khí
Bộ Ngoại giao Nga cho biết bộ đã nhận được thông báo chính thức từ Hoa Kỳ rằng họ có ý định rời khỏi một hiệp ước quan trọng có từ thời Chiến tranh Lạnh.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thông báo tại một cuộc họp của NATO hôm 4/12 rằng Washington sẽ đình chỉ các nghĩa vụ của mình nêu trong Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung năm 1987 (INF) trong 60 ngày tới do có cáo buộc là Nga “gian lận”.
Nga đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ và NATO rằng họ đang vi phạm hiệp ước mang tính bước ngoặt đã cấm toàn bộ hạng mục vũ khí nêu trên.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nói với các phóng viên hôm 5/12 rằng Moscow đã nhận được một thông báo chính thức từ Washington trong đó đưa ra những bằng chứng không cụ thể về các vi phạm của Nga. Bà Zakharova nhấn mạnh rằng Nga luôn tôn trọng hiệp ước và coi đó là “một trong những trụ cột chính của sự ổn định chiến lược và an ninh quốc tế”.
(Fox, TIME)
https://www.voatiengviet.com/a/moscow-nhan-thong-bao-cua-my-ve-huy-hiep-uoc-vu-khi/4687642.html
TT Putin: Nếu Mỹ phát triển tên lửa bị cấm,
Nga cũng làm như vậy
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 5/12 cảnh báo rằng nếu Hoa Kỳ rút khỏi một hiệp ước vũ khí quan trọng và bắt đầu phát triển loại tên lửa bị cấm, Nga cũng sẽ làm như vậy.
Phát biểu của ông Putin được đưa ra với các cơ quan thông tấn Nga hôm 5/12, một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố tại một cuộc họp của NATO rằng Washington sẽ đình chỉ các nghĩa vụ của mình nêu trong Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) trong 60 ngày tới, với lý do là Nga “gian lận”.
Hoa Kỳ đã chia sẻ bằng chứng tình báo với các đồng minh NATO, mà theo lời Mỹ, bằng chứng đó cho thấy tên lửa hành trình phóng từ mặt đất SSC-8 mới của Nga có thể mang lại cho Moscow khả năng tiến hành tấn công hạt nhân ở châu Âu mà hầu như không dấu hiệu báo trước nào. Nga đã phủ nhận những cáo buộc đó.
Hôm 5/12, ông Putin cáo buộc Hoa Kỳ đang “bịa ra lý do” để rút khỏi hiệp ước, nói rằng trước hết Hoa Kỳ quyết định rời khỏi hiệp ước rồi sau đó mới “bắt đầu tìm kiếm lý do biện minh cho việc họ nên làm điều đó”.
Đức, đồng minh của Hoa Kỳ, muốn duy trì hiệp ước và đã kêu gọi Nga cố gắng cứu hiệp ước khi vẫn còn thời gian.
(FOX, Sputnik)
Quốc hội Anh nổi giận vì bị Thủ tướng May ‘lừa dối’
Thủ tướng Anh Theresa May bị cáo buộc là đã “lừa dối Quốc hội, tuy là không chủ tâm” sau khi toàn bộ nội dung tư vấn pháp lý đối với chính phủ của bà về thỏa thuận Brexit được công bố.
Nội dung trên được công bố lúc 11:30 trưa ngày 5/12.
Đảng SNP nói bà đã “che giấu các sự kiện” sau khi lời tư vấn với nội dung cảnh báo về thỏa thuận thiết lập chốt chặn ‘backstop’ với EU được đưa ra.
Các thành viên chính phủ hôm thứ Ba bị cho là đã coi khinh Quốc hội khi chỉ cung cấp bình luận pháp lý khái quát về thỏa thuận.
Tuy nhiên, bà May nói hai tài liệu trên có nội dung phù hợp với nhau và quan điểm được nêu ra trong đó là rất rõ ràng.
Tuy Anh không có quyền đơn phương rút khỏi ‘backstop’ – là biện pháp nhằm tránh việc phải thiết lập trở lại các chốt kiểm tra thực sự trên đường biên giới với Ireland – nhưng bà thủ tướng nói rằng cả Anh lẫn EU lúc ban đầu đều không muốn có ‘backstop’ – các chốt chặn thực tế.
Chính phủ nói rằng nội dung phân tích của Tổng chưởng lý Geoffrey Cox đối với thỏa thuận Brexit là dủ, và việc tiết lộ toàn bộ nội dung đó sẽ không phục vụ lợi ích quốc gia.
Đảng Lao động và các đảng đối lập khác nói rằng các thành viên chính phủ đã “cố ý” khước từ việc tuân theo kết quả biểu quyết có tính ràng buộc mà Hạ viện đưa ra hồi tháng trước, theo đó đòi nội dung trên phải được tiết lộ đầy đủ, và việc biểu quyết của các dân biểu hôm thứ Ba, 4/12, cũng đưa ra yêu cầu đó.
Cuộc chiến quá khó khăn
Trong hôm thứ Tư 5/12, các thành viên chính phủ tiếp tục cuộc chiến nhằm giành sự ủng hộ của giới dân biểu đối với thỏa thuận Brexit của bà Theresa May, một ngày sau khi chính phủ chịu liên tiếp ba thất bại trong các đợt biểu quyết then chốt.
An ninh là nội dung trọng tâm trong ngày thứ hai của năm ngày tranh luận tại Hạ viện Anh.
‘Anh có quyền đơn phương hủy Brexit’
Lãnh đạo EU phản ứng về Brexit
Thủ tướng Anh dám để Brexit ‘rơi tự do’
Điểm mấu chốt vào lúc này là các dân biểu đã hậu thuẫn cho yêu cầu cần làm rõ điều gì sẽ xảy ra nếu như thỏa thuận của bà May bị bác bỏ vào tuần tới.
Các thành viên chính phủ đồng ý công bố toàn bộ nội dung tư vấn pháp lý về thỏa thuận sau khi các dân biểu hôm thứ Ba bỏ phiếu thuận rằng chính phủ đã coi thường Quốc hội khi phớt lờ việc Hạ viện đã biểu quyết đòi phải công bố nội dung đó.
Thỏa thuận mà bà thủ tướng đưa ra đã được các lãnh đạo EU chấp thuận, nhưng cần phải được Quốc hội Anh thông qua mới có hiệu lực.
Theresa May – Người tù trong dinh thủ tướng?
Trump: Kế hoạch Brexit có thể đe dọa thương mại Anh-Mỹ
Các dân biểu sẽ quyết định việc thông qua hay bác bỏ vào thứ Ba tới, 11/12.
Anh sẽ rời Liên hiệp châu Âu vào ngày 29/3/2019. Các thành viên chính phủ nói nếu các dân biểu bác bỏ thỏa thuận này thì cũng có nghĩa là họ đang đẩy mạnh khả năng hoặc là Anh rời khỏi EU mà không dạt được thỏa thuận gì, hoặc Anh sẽ không rời EU nữa.
Các thành viên chính phủ sẽ nỗ lực giành sự ủng hộ của các dân biểu trong hôm thứ Tư, là ngày sẽ có tám giờ đồng hồ tranh luận về các vấn đề an ninh và nhập cư nêu trong thỏa thuận rút khỏi EU.
Bà May được trông đợi là sẽ tiếp tục thuyết phục các nhóm nhỏ dân biểu qua các cuộc họp riêng.
Bà sẽ đương đầu với lãnh đạo đảng Lao động, ông Jeremy Corbyn, trong phần chất vấn thủ tướng sẽ diễn ra vào giữa ngày, trước khi cuộc tranh luận về Brexit diễn ra.
Lời cảnh báo bị phớt lờ?
Thành viên nội các, Bộ trưởng Môi trường Michael Gove, người chủ trương theo đuổi việc Anh ra khỏi EU, cảnh báo các dân biểu rằng nếu họ không bỏ phiếu ủng hộ thì có nguy cơ “sẽ không có Brexit”.
Tuy nhiên, Mark Harper, cựu lãnh đạo nắm quyền kiểm soát kỷ luật đối với các dân biểu thuộc đảng Bảo thủ trong Hạ viện và là người muốn Anh ở lại EU, nói rằng ông thấy bà thủ tướng sẽ không hội đủ số phiếu ủng hộ.
Ông Harper nói với báo Daily Telegraph rằng ông sẽ bỏ phiếu chống thỏa thuận của bà May, và dự đoán thỏa thuận này sẽ bị khoảng 80 dân biểu trong đảng của ông bác bỏ.
Ông thúc giục bà thủ tướng hãy tái đàm phán thỏa thuận và nói kế hoạch rời khỏi EU như hiện nay sẽ khiến nước Anh thiệt thòi.
Vì sao các thất bại mới đây có ý nghĩa quan trọng?
Trước tiên, chính phủ đã thua trong việc muốn nội dung tư vấn pháp lý được xem xét riêng biệt bởi Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện.
Trong lần biểu quyết thứ nhì, các thành viên chính phủ bị kết luận là đã coi khinh quốc hội và bị buộc phải chấp nhận rằng họ lẽ ra phải công bố đầy đủ nội dung tư vấn đó, trong lúc trước đó chính phủ nói rằng việc công bố như vậy là vi phạm quy ước làm việc và không phục vụ lợi ích quốc gia.
Quan trọng nhất là lần thất bại thứ ba, có nội dung quanh các thay đổi về thủ tục cần tiến hành trong Quốc hội nếu xảy ra trường hợp Hạ viện bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận của bà May.
Thay vì được giới hạn trong phạm vi “ghi biên bản” về những gì chính phủ trình bày trước Hạ viện, thì các dân biểu cũng có thể gây thêm ảnh hưởng với việc biểu quyết về những gì họ muốn chính phủ sẽ làm tiếp.
Điều này có thể sẽ dẫn tới việc Quốc hội tước quyền kiểm soát tiến trình Brexit từ tay chính phủ, nếu như các dân biểu thúc đẩy cho “Phương án B” – điều mà hiện nay đang được cho là sẽ xảy ra – thay cho thỏa thuận của bà May, và tìm cách chặn cơ hội Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46454514
Phong trào Áo Vàng :
”Cuộc nổi dậy sinh thái” đầu tiên ở Pháp
Phong trào « Áo Vàng », với mục tiêu khởi đầu chống chính sách tăng thuế xăng dầu để có tiền đầu tư cho kinh tế Xanh, vẫn tiếp diễn dù chính phủ hôm 04/12/2018, bắt đầu nhượng bộ (1). Đối với khá nhiều người, phong trào này cho thấy chính sách đánh thuế sinh thái của chính phủ đã phá sản, bởi bị đông đảo người dân coi là bất công. Tuy nhiên, nhiều người không chấp nhận đối lập mục tiêu chống biến đổi khí hậu về dài hạn với nhu cầu sinh kế trước mắt của hàng triệu người Pháp.
Trả lời RFI, kinh tế gia Eloi Laurent (2), đồng tác giả cuốn « Những bất bình đẳng về môi trường » (Les inégalités environnementales – Nxb Presse Universitaire), khẳng định là : Đòi hỏi hành động vì môi trường không hề đối lập với đòi hỏi công bằng xã hội. Ngược lại, gắn kết hai mục tiêu công bằng xã hội và bảo vệ môi trường chính là mấu chốt của công cuộc chuyển đổi lớn mà nhân loại thế kỷ 21 cần phải tiến hành. Những nạn nhân của chính sách thuế carbone hiện nay cũng là nạn nhân của tình trạng môi trường sinh thái bị hủy hoại (theo nghĩa đó, họ là các nạn nhân sinh thái), và cuộc nổi dậy của nhiều người trong số họ, chống lại các chính sách thuế khóa bất công ắt hẳn cũng là một cuộc nổi dậy vì sinh thái.
***
RFI : Ông nhận định ra sao về việc phong trào « Áo Vàng » coi sắc thuế sinh thái đánh vào xăng dầu là một bất công xã hội ?
Eloi Laurent : Tôi không cho rằng sinh thái đồng nghĩa với bất công xã hội. Phong trào này thực sự là cuộc nổi dậy xã hội mang tính sinh thái đầu tiên của nước Pháp đương đại. Trước khi giải thích điều này, chúng ta cần hiểu được lý do đã dẫn đến nỗi thất vọng rất sâu sắc tại Pháp về vấn đề thuế. Sự bất công trong vấn đề này không liên quan gì đến mục tiêu chuyển đổi sang mô hình kinh tế không sử dụng năng lượng hóa thạch. Lý do của nỗi thất vọng lớn nói trên là do chính sách của chính quyền Macron, đã cố tình giảm thuế cho những người giàu có nhất, trong khi đó lại không hề bù đắp gì cho những người nghèo nhất. Không phải bản thân vấn đề sắc thuế vì sinh thái bị phản đối, vì thực ra mức thuế cho sinh thái ở Pháp là rất thấp. Nếu chúng ta xem xét tỉ trọng của thuế môi trường trong toàn bộ hệ thống thuế khóa và tổng sản phẩm quốc nội của Pháp, có thể thấy nước ta đứng hàng thứ 27 trong Liên Hiệp Châu Âu (theo số liệu của Eurostat).
Tại sao ông cho rằng đây là một cuộc khủng hoảng xã hội – sinh thái ?
Bởi vì khả năng tiếp cận với năng lượng, cũng như toàn bộ các điều kiện môi trường khác như nước, không khí… đều là những vấn đề mang tính xã hội. Như vậy, cuộc khủng hoảng hiện nay vừa mang tính xã hội, vừa mang tính sinh thái. Lý do là các điều kiện tiếp cận với năng lượng trong một đất nước như Pháp không được công bằng, khiến người dân nổi giận. Việc không chấp nhận đối mặt với vấn đề « các bất bình đẳng môi trường » của thế kỷ 21 đồng nghĩa với việc để cho « các trái bom nổ chậm xã hội » rải rắc khắp nơi tại Pháp…. Chúng ta biết khoảng 8 triệu người ở Pháp không trả được tiền điện, tiền sưởi ấm. Một bấp bênh khác về năng lượng nữa là trong vấn đề giao thông. Đơn giản là cần phải thừa nhận đây là một vấn đề vừa mang tính xã hội, vừa mang tính sinh thái. Nếu không chấp nhận điều này, trong tương lai sẽ còn nhiều khủng hoảng nữa.
Ông giải thích như thế nào về việc một số người phát ngôn phong trào Áo Vàng cho rằng họ là nạn nhân của cuộc chuyển đổi sang mô hình kinh tế Xanh ?
Đúng họ là nạn nhân. Thu nhập của họ dao động giữa 800 và 1.100 €/tháng (mức lương tối thiểu tại Pháp là 1.500). Những công dân này bị kẹt trong chiếc bẫy giá cả năng lượng, dùng cho nơi ở và cho việc đi lại. Họ hết sức dễ bị tổn thương, bởi giá cả các loại năng lượng hóa thạch chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng nữa, với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hiện nay. Đây là một vấn đề lớn. Những người này đã hoàn toàn có lý khi cho rằng, nếu không làm gì để giúp cho cuộc chuyển đổi sang Kinh tế Xanh đi liền với công bằng xã hội, thì điều này chắc chắn sẽ là bất công. Cốt lõi của vấn đề là thừa nhận hai chuyện, sinh thái và công bằng xã hội, là tương hợp với nhau.
Cụ thể là ví dụ như, nếu bạn sửa chữa một ngôi nhà theo hướng tiết kiệm năng lượng hơn, thì chính bạn đã đóng góp vào việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, và giảm bớt nghèo khó. Đây cũng chính là một chiến thắng kép. Và nếu như ngược lại, không có sự bồi hoàn xã hội về thuế carbone, thì sẽ không có sự tương hợp.
Vào năm 2009, chúng tôi đã làm thử một tính toán rất chính xác về các bồi hoàn xã hội dựa trên thu nhập và nơi ở, để đánh giá cụ thể về việc sử dụng xe cộ. Đối với 40% người nghèo nhất, chúng tôi đã từng xây dựng một biểu thuế carbone theo hướng giảm dần. Có nghĩa là tái phân phối thông qua hình thức ngân phiếu năng lượng. Chính những người Áo Vàng hiện nay lẽ ra đã được hưởng khoản tiền này. Mục tiêu nói trên hiện nay hoàn toàn có thể thực hiện được. Vấn đề là không thể đưa ra quyết định một cách gấp rút và dưới áp lực, mà là phải với một độ lùi và sự minh mẫn.
Theo tôi, đã đến lúc cần bắt đầu làm việc nghiêm túc để có thể nối kết được hai chuyện, chuyển đổi sinh thái và các vấn đề xã hội. Và điều này là hoàn toàn nằm trong tầm tay.
Có quốc gia nào đã thành công trong việc kết hợp được chuyển đổi sang kinh tế Xanh với công bằng xã hội ?
Thụy Điển là một trường hợp thành công. Họ đã khởi động cuộc tranh luận này ngay vào đầu những năm 1990. Chính phủ Thụy Điển đã dành thời gian để giải thích với toàn xã hội về các lợi ích của cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh. Họ hiểu rằng xu thế các đô thị mở rộng ra khắp lãnh thổ, đi liền với ô nhiễm nghiêm trọng, để lại các hệ quả tồi tệ về sức khỏe. Đây cũng là vấn đề mà Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã nghiên cứu rất kỹ. Hiện nay, theo tôi biết, một tấn khí thải CO2 ở Thụy Điển có giá tới 120 euro, trong khi đó Thụy Điển cũng là nước vừa thành công về mặt kinh tế, xã hội, cũng như trong các mục tiêu về khí hậu. Tại Pháp, cách tiếp cận của chúng ta hiện nay là rất vô lý, đây là điều đã dẫn đến cuộc khủng hoảng này.
Ghi chú
1. Xem thêm « Pháp – Áo Vàng : Chính phủ xem xét thêm khả năng nhượng bộ », 05/12/2018 và « Khủng hoảng “Áo Vàng”: TT Pháp phải chạy đua với thời gian », 04/12/2018.
2. Nhà kinh tế học Eloi Laurent làm việc tại Viện nghiên cứu chính trị Paris (Institut d’études politique de Paris).
http://vi.rfi.fr/phap/20181205-phong-trao-ao-vang-cuoc-noi-day-sinh-thai-dau-tien-o-phap
Pháp đình chỉ tăng thuế nhiên liệu
sau các cuộc biểu tình ‘Áo vàng’
Thủ tướng Pháp hôm 4/12 đã đình chỉ kế hoạch tăng thuế nhiên liệu trong ít nhất sáu tháng, sau nhiều tuần lễ xảy ra các cuộc biểu tình thỉnh thoảng dẫn đến bạo lực. Theo Reuters, đây là quyết định đảo ngược đầu tiên của chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron sau 18 tháng nhậm chức.
Khi công bố quyết định, Thủ tướng Edouard Philippe nói rằng chỉ những người “điếc hoặc mù” mới không nhìn thấy hoặc nghe thấy cơn thịnh nộ đang diễn ra trên đường phố vì một chính sách mà ông Macron nói là quan trọng để chống lại biến đổi khí hậu.
“Những người Pháp mặc áo vàng muốn giảm thuế, và công việc được trả lương. Đó cũng là điều mà chúng tôi muốn. Nếu tôi không giải thích được, nếu đa số cầm quyền không thuyết phục được người Pháp, thì phải thay đổi điều gì đó”, Reuters dẫn lời ông Philippe nói.
“Không có thứ thuế nào đáng để gây nguy hiểm cho sự đoàn kết của đất nước”.
Cùng với việc trì hoãn tăng thuế đã cho đến tháng Giêng, ông Philippe cho biết thời gian này sẽ được sử dụng để thảo luận các biện pháp khác nhằm giúp cho giới công nhân nghèo và tầng lớp trung lưu đông đảo phải dựa vào xe cộ để đi làm và đi mua sắm.
Trước đó, các giới chức Pháp gợi ý rằng có thể tăng mức lương tối thiểu, nhưng ông Philippe không đưa ra cam kết như vậy.
Tuy nhiên, ông cảnh báo công dân rằng họ đừng mong đợi các dịch vụ công cộng tốt hơn và thuế thấp hơn.
Phong trào “Áo vàng”, bắt đầu vào ngày 17/11, là các nhóm biểu tình qua lời kêu gọi trên mạng xã hội và được đặt tên theo những chiếc áo khoác có màu hiển thị cao, mà tất cả những người lái xe mô tô ở Pháp đều mang theo xe của họ. Phong trào bắt đầu với mục tiêu nêu bật những chật vật về chi tiêu của các gia đình với chính sách thuế nhiên liệu của ông Macron.
Tuy nhiên, trong ba tuần qua, phong trào đã phát triển thành một cuộc nổi dậy chống lại ông Macron lan rộng, với nhiều người chỉ trích tổng thống vì đã theo đuổi chính sách mà họ nói là ủng hộ cho người giàu và không có ích gì cho người nghèo.
Mặc dù không có người lãnh đạo và đôi khi mục tiêu không rõ ràng, nhưng phong trào đã thu hút mọi người ở mọi lứa tuổi và gốc gác, dẫn đến sự bất bình ngày càng tăng về đường hướng mà ông Macron đang cố gắng để lèo lái đất nước. Trong hai ngày qua, các tài xế xe xe cứu thương và sinh viên cũng đã tham gia và phát động các cuộc biểu tình riêng của chính họ.
Sau ba tuần thất vọng tăng cao, có dấu hiệu rõ ràng rằng các biện pháp của ông Philippe sẽ xoa dịu “Áo vàng”, những người mà bản thân họ đang cố gắng để tìm ra một quan điểm thống nhất.
Pháp – Áo Vàng :
Chính phủ xem xét thêm khả năng nhượng bộ
Chính phủ Pháp cố gắng dập ngọn lửa phản kháng vẫn âm ỉ, với hy vọng ngăn ngừa một cuộc biểu tình bạo động mới vào thứ Bảy tới. Sau khi thông báo « đình hoãn » tăng thuế xăng dầu, thủ tướng Edouard Philippe tiếp tục xoa dịu phong trào « Áo Vàng » với lời hứa « xem xét lại » biện pháp thuế khóa bị xem là bất công. Cụ thế là luật giảm thuế đánh vào tài sản người giàu (gọi tắt là ISF).
Các biện pháp nhượng bộ đầu tiên, có thể làm thiệt hại 2 tỷ euro cho ngân sách, thông báo ngày 04/12/2018, sau 3 tuần khủng hoảng dường như không hạ nhiệt được phong trào « Áo Vàng ».
Theo AFP, ngoại trừ đường ra vào hai nhà máy lọc dầu đã được khai thông, trên khắp nước, bóng Áo Vàng vẫn tiếp tục tụ tập ở nhiều trục lộ kèm theo lời đe dọa « một ngày thứ Bảy đen » nữa tại Paris.
Viễn cảnh những hàng quán, trạm bus, xe hơi và những công trình biểu tượng của nền cộng hòa tại thủ đô Paris bị đập phá, bị chìm trong khói lửa, một lần nữa gây lo ngại cho chính phủ và công luận. Chiều thứ ba, bộ trưởng Nội Vụ Pháp một mặt kêu gọi « những người Áo Vàng ôn hoà » bỏ ý định biểu tình, mặt khác, trấn an dân chúng với lời cam kết huy động thêm lực lượng cảnh sát.
Giới công đoàn hoan nghênh thái độ nhượng bộ của chính phủ. Thế nhưng, một trong những « phát ngôn viên » của phong trào công dân tự phát giải thích : « muốn cả ổ bánh mì, chứ không thèm mảnh vụn ».
Trong phe đối lập, lãnh đạo đảng Những Người Cộng Hoà đề nghị hành pháp ban hành tình trạng khẩn cấp. Trong ngày hôm nay, Quốc Hội Pháp sẽ tranh luận tìm một giải pháp thoát khủng hoảng.
Trong khi đó, ít nhất 200 trên tổng số 4.000 trường trung học Pháp lao vào phong trào phản kháng. Giới học sinh lớp 11,12 bãi khóa chống lại lối thi tú tài mới, kể từ năm 2021 thêm phần vấn đáp, và thể thức ghi danh đại học qua hệ thống phân bổ, thường khi không đúng nguyện vọng của sinh viên.
http://vi.rfi.fr/phap/20181205-phap-ao-vang-chinh-phu-xem-xet-them-kha-nang-nhuong-bo
Paris : Hơn 10 người ra tòa
về tội phá hoại Khải Hoàn Môn
Sau những vụ phá hoại, bạo động nghiêm trọng bên lề cuộc biểu tình của những người Áo Vàng tại Paris vào thứ Bảy 01/12/2018, ngành tư pháp đã làm việc khẩn trương trong những ngày qua để xét xử những nghi can bạo động. Hôm qua, 04/12/2018, 13 người, trong đó có một thiếu niên, đã phải ra tòa để trả lời về vụ phá hoại gây chấn động tại Khải Hoàn Môn – Paris, một biểu tượng của nước Pháp.
Trước tính chất nghiêm trọng của các hành vi phá hoại, bôi bẩn và cướp bóc nhắm vào Khải Hoàn Môn, Viện Công Tố Paris đã yêu cầu mở một cuộc điều tra tư pháp về các tội « xâm nhập trái phép vào một di tích lịch sử », « tham gia vào một băng nhóm được hình thành để chuẩn bị các hành vi bạo lực hoặc phá hoại », « tàng trữ đồ gian », « có hành vi trộm cắp nghiêm trọng » và « tụ tập để phá hoại một di sản ».
Những hình ảnh và video trên phương tiện truyền thông và mạng xã hội cho thấy công trình kiến trúc cổ kính bị phá hoại nặng nề, với những khẩu hiệu loằng ngoằng viết và vẽ lên bằng sơn, phòng bảo tàng trên nóc bị phá tan hoang, nhiều hiện vật lịch sử bị cướp đi, một tượng bán thân của Napoléon bị chặt đầu, một mô hình bằng thạch cao của Khải Hoàn Môn năm 1930 bị đập nát. Gây chấn động nhất bức tượng nàng Marianne, tượng trưng cho nước Pháp bị đập thủng.
Các nghi can đều bị bắt hôm 01/12/2018 ngay bên trong Khải Hoàn Môn, có một người bị câu lưu ngay trên nóc công trình. Tại tòa, nghi can này đã giải thích rằng anh leo lên nóc công trình chỉ để tránh hơi cay.
Các nghi can này nằm trong số 412 người bị câu lưu tại Paris ngày 01/12. Ngay hôm thứ Hai, 03/12, đã có hơn 200 người đã phải ra trình diện thẩm phán điều tra, và cả trăm người bị đưa ra tòa tiểu hình.
Lo ngại bạo động tiếp tục thứ Bảy tới đây do việc phe Áo Vàng tiếp tục hẹn nhau biểu tình, đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR) hôm nay đã kêu gọi tổng thống Macron ban bố tình trạng khẩn cấp.
http://vi.rfi.fr/phap/20181205-paris-hon-mot-chuc-nguoi-ra-toa-ve-toi-pha-hoai-khai-hoan-mon
Hồng Kông: Hồng y Trần Nhật Quân
bảo vệ phong trào dân chủ
Đức hồng y nổi tiếng Hồng Kông Trần Nhật Quân (Joseph Zen), vào hôm nay, 05/12/2018, đã lên tiếng bảo vệ các nhà đấu tranh dân chủ đang bị chính quyền đặc khu xét xử về vai trò trong các cuộc biểu tình năm 2014.
Theo AFP, được phía bảo vệ mời ra với tư cách nhân chứng, cựu tổng giám mục Hồng Kông, giải thích ông nghĩ là việc bất phục tùng dân sự là một ”cách tiếp cận phải lẽ” của hành động chính trị. Ông nói thêm là rất ”xấu hổ”, vì đã không cùng hứng chịu hơi cay mà những người biểu tình phải chịu.
Từ ngày 19/11 vừa qua, giáo sư xã hội học Trần Kiện Dân (Chan Kin-man), 59 tuổi, giáo sư luật Đái Diệu Đình (Benny Tai), 54 tuổi, và linh mục Chu Diệu Minh (Chu Yiu-ming), 74 tuổi, đã bị xét xử về tội gây rối loạn trật tự công cộng.
Năm 2013, những người nói trên đã thành lập phong trào « Chiếm Đóng Trung Hoàn – Occupy Central», tức phong tỏa khu tài chính Hồng Kông, đòi thiết lập chế độ phổ thông đầu phiếu. Hai tháng biểu tình, bất phục tùng dân sự đòi dân chủ, tự do chính trị năm 2014 đã làm tê liệt Hồng Kông.
Đức hồng y Trần Nhật Quân còn tuyên bố là sử dụng khí cay chống biểu tình là điều không tốt, vì những người bị truy tố đều là những người ôn hòa.
Từ năm 2014, chính quyền Hồng Kông bắt đầu truy tố những người ‘‘gây rối’’. Họ có thể bị đến 7 năm tù.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181205-hong-kong-hong-y-tran-nhat-quan-bao-ve-phong-trao-dan-chu
TQ chính thức nói về
‘hưu chiến thuế quan 90 ngày’ với Mỹ
Trung Quốc bắt đầu đưa ra các chi tiết về một thỏa thuận hưu chiến thuế quan đạt được hồi cuối tuần qua với Hoa Kỳ, sau nhiều ngày có những phát biểu mơ hồ từ một số quan chức Trung Quốc.
Trong một tuyên bố hôm 5/12, Bộ Thương mại Trung Quốc lần đầu tiên xác nhận rằng Bắc Kinh vào ngày 1/12 đã đồng ý “ngừng bắn 90 ngày” để mở đường cho các cuộc đàm phán diễn ra.
Trong vài ngày qua, các ý kiến của Tổng thống Trump đăng trên Twitter cũng như các tuyên bố từ chính ông và các quan chức hàng đầu trong chính quyền đã mô tả về những nhượng bộ mà Bắc Kinh tự nguyện đưa ra – bao gồm giảm thuế đối với ô tô do Mỹ sản xuất và thỏa thuận mua một số lượng rất lớn sản phẩm nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp, và các sản phẩm khác từ Mỹ.
Nhưng tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc lại không đề cập đến việc mua các sản phẩm nông nghiệp và các sản phẩm khác, giảm thuế nhập khẩu ô tô của Mỹ hoặc đàm phán về bảo vệ sở hữu trí tuệ, hay chuyển giao công nghệ và các vấn đề về cơ cấu khác mà Hoa Kỳ đã loan báo.
Tuyên bố của bộ cũng không xác định cụ thể ngày tháng mà các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu, cũng như không nói rõ giai đoạn 90 ngày bắt đầu từ khi nào. Các quan chức Hoa Kỳ, sau khi có những thông tin không rõ ràng, đã nói rằng thời điểm đó bắt đầu vào ngày 1/12, có nghĩa là hạn chót sẽ rơi vào khoảng ngày 1/3/2019. Ông Trump mới đây viết trên Twitter rằng hạn chót đó có thể được gia hạn.
Việc Trung Quốc thừa nhận về thời hạn 90 ngày báo hiệu rằng Trung Quốc chấp nhận một điều khoản của Hoa Kỳ trong thỏa thuận “ngừng bắn” thương mại. Tương tự như vậy, việc trừng phạt hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ là một tiến bộ trong một vấn đề mà Bắc Kinh đã hứa sẽ giải quyết nhưng lâu nay vẫn không làm gì nhiều.
Trong một tuyên bố chung mới đây, hơn 30 cơ quan chính phủ Trung Quốc và các cơ quan chính thức đã đưa ra 38 hình phạt đối với các công ty vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các hình phạt bắt đầu có hiệu lực trong tháng này và bao gồm cả việc hạn chế những kẻ vi phạm được tiếp cận các nguồn tài chính, kể cả trợ cấp của nhà nước. Tuyên bố đề ngày 21/11, nhưng đến hôm 4/12 mới được công bố.
(WSJ, CNBC)
https://www.voatiengviet.com/a/tq-chinh-thuc-noi-ve-huu-chien-thue-quan-90-ngay-voi-my/4687694.html
Cường quốc đình chiến, doanh nghiệp Mỹ vẫn rời TQ
Nhiều doanh nghiệp Mỹ lo ngại cuộc “đình chiến” thương mại Donald Trump- Tập Cận Bình và kiên quyết rời khỏi Trung Quốc.
Hãng bán dẫn Qualcomm của Mỹ vừa loại trừ khả năng mua lại hãng bán dẫn Hà Lan NXP Semiconductors ngay khi cả chính phủ Mỹ và Trung Quốc đã tìm cách bật đèn xanh cho thương vụ này bằng một thỏa thuận “đình chiến” thương mại.
Bloomberg dẫn email của Qualcomm cho biết họ đã “khép lại” thương vụ mua NXP Semiconductors, bất chấp việc cả Nhà Trắng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang để ngỏ khả năng chấp thuận thương vụ.
Email của hãng bán dẫn Mỹ nói rõ:“Dù chúng tôi dễ chịu khi được nghe bình luận từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về lời chào mua NXP trước đó của Qualcomm, thời hạn thương vụ đã qua, chấm dứt thỏa thuận được dự tính. Qualcomm xem việc này là đã khép lại, và đang hoàn toàn tập trung tiếp tục thực hiện lộ trình 5G của hãng”.
Thương vụ trị giá 44 tỷ USD đã bị hủy bỏ hồi tháng 7/2017 sau gần 2 năm đợi phê duyệt do ảnh hưởng từ cuộc đối đầu thương mại Mỹ- Trung. Thỏa thuận được công bố lần đầu tiên vào tháng 10/2016 với giá khoảng 38 tỉ USD.
Một số cổ đông NXP muốn giữ cổ phần công ty với giá tốt hơn nên Qualcomm phải tăng giá chào mua lên 44 tỉ USD trong tháng 2/2017.
Thỏa thuận đã được chấp thuận bởi các nhà quản lý ở 8 khu vực pháp lý khác nhau, bao gồm Liên minh châu Âu và Hàn Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc là nước duy nhất không thông qua thỏa thuận này.
Cuối tuần trước, Nhà Trắng cho biết, ông Tập Cận Bình nói sẽ xem xét phê duyệt thỏa thuận thâu tóm NXP, nếu thỏa thuận này được Qualcomm đưa đến ông một lần nữa.
Nhưng Qualcomm đã không làm điều này.
Các tín hiệu tích cực từ phía Trung Quốc được cho là do buổi làm việc ăn tối của hai nhà lãnh đạo Mỹ- Trung Quốc từ đó dẫn tới một thỏa thuận “đình chiến” kéo dài 90 ngày.
Song, tuyên bố xem xét lại thương vụ Qualcomm – NXP được ghi vào văn bản do Nhà Trắng đưa ra, nhưng không có trong văn bản từ phía Trung Quốc.
Đình chiến thương mại Mỹ- Trung khó tạo ra lòng tin với doanh nghiệp hai nước.
Sự bất nhất này khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ lo ngại về những thương vụ mua bán công ty đầy rủi ro trong tương lai.
Ông Stephen Lamar, Phó chủ tịch điều hành Hiệp hội Dệt may và Giày da Mỹ – tổ chức đại diện hơn 1.000 nhà sản xuất, bán lẻ và tên thương hiệu, nhận định: “Chưa có gì được giải quyết cả, chưa có gì dừng lại hết. Tất cả chỉ được hoãn lại. Mức thuế 25% vẫn còn ở đó, chỉ là treo lơ lửng mà thôi”.
Cũng đã có một số dấu hiệu cho thấy Mỹ và Trung Quốc có cách miêu tả khác nhau về thỏa thuận “ngừng bắn”.
Rõ nhất là Trung Quốc không hề công bố cam kết xóa và giảm thuế quan đối với xe hơi nhập khẩu từ Mỹ, một nhượng bộ mà ông Trump đã công bố trên mạng xã hội Twitter.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng lo lắng không kém.
Bà Jennie Zhang, Chủ tịch Guangzhou Jinhuamei Leatherware, một công ty chuyên sản xuất thắt lưng và túi xách nằm trong diện bị chính quyền ông Trump áp thuế quan bổ sung 10% lên sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, bày tỏ không lạc quan về cuộc đình chiến thương mại.
“Mùa đông sẽ tiếp tục. Thỏa thuận đạt được có vẻ như chỉ có tác dụng trì hoãn vấn đề, thay vì đi đến giải pháp thực sự” – bà Zhang bày tỏ.
Ông Leung Lun, Chủ tịch công ty sản xuất đồ chơi Lung Cheong Group của Trung Quốc cũng cho rằng, dù hiện nay các nhà sản xuất đồ chơi ở Trung Quốc vẫn chưa bị Mỹ áp thuế quan bổ sung lên sản phẩm nhưng họ đã bắt đầu lo ngại về khả năng trở thành “nạn nhân” chiến tranh thương mại nếu hai nước không đi đến được một thỏa thuận để giải quyết triệt để mâu thuẫn sau 3 tháng nữa.
http://biendong.net/bien-dong/25087-cuong-quoc-dinh-chien-doanh-nghiep-my-van-roi-tq.html
Tổng giám đốc Đức bị Trung Quốc sa thải :
Một gáo nước lạnh cho Berlin
Hôm thứ Hai 26/11/2018, ông chủ mới Trung Quốc khi loan báo về việc sa thải Till Reuter, tổng giám đốc KUKA, tập đoàn Đức nổi tiếng về sản phẩm « cánh tay thông minh », biểu tượng cho công nghệ thời kỳ 4.0, đã dội một gáo nước lạnh vào giới kỹ nghệ nước Đức.
Ông Till Reuter, 50 tuổi, vốn là người tích cực ủng hộ việc tập đoàn Midea của Trung Quốc mua lại KUKA với giá 4 tỉ đô la hồi năm 2016. Bộ trưởng Kinh Tế Đức thời đó là Sigmar Gabriel đã làm mọi cách để ngăn cản nhưng không được. Từ đó đến nay, ông Reuter không bỏ lỡ một dịp nào để nhấn mạnh việc Midea mua KUKA rất có lợi cho tập đoàn Đức.
Nhưng những lời ca ngợi này không cứu vãn được sự nghiệp của chính ông Reuter. Ông bị ông chủ Hoa lục cho về vườn một cách phũ phàng, sau mười năm lãnh đạo tập đoàn KUKA, tên tuổi hàng đầu thế giới trên thị trường robot thông minh.
Nhật báo kinh tế Handelsblatt dẫn các nguồn tin kỹ nghệ tiết lộ, đó là do cổ đông Trung Quốc muốn tăng thêm trọng lượng trong những quyết định của KUKA. Tất nhiên ban lãnh đạo do Bắc Kinh khống chế cố tìm mọi cách trấn an, bảo đảm việc làm cho công nhân đến năm 2023. Nhưng sự kiện Till Reuter bị ông chủ Trung Quốc đột ngột tống cổ, đã kết thúc hẳn thời kỳ ngây thơ của Berlin.
Tin tưởng rằng các nhà đầu tư Hoa lục là vô hại, Đức đã để yên cho họ mua lại các công ty của mình. Nhưng Bắc Kinh quá háu ăn, một loạt các vụ thâu tóm năm 2015 và 2016 khiến Berlin bắt đầu lo ngại.
Mikko Huotari, giám đốc Viện Merics giải thích : « Chúng tôi nhận ra rằng người Trung Quốc không giống những nhà đầu tư các nước khác. Ba năm sau đợt hàng loạt công ty Đức bị Trung Quốc mua lại, các ông chủ mới không hề quan tâm đến các vấn đề sát sườn của địa phương. Trường hợp KUKA chứng tỏ khả năng hành động của doanh nghiệp châu Âu bị thu hẹp dưới sự can thiệp của ban lãnh đạo Trung Quốc ».
Sự kiện này làm giới kỹ nghệ Đức tăng thêm ngờ vực trước đối tác Trung Quốc. Kể từ sau Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc gần đây, người Đức ghi nhận chính quyền Bắc Kinh đè nặng chưa từng thấy lên các quyết định của giới công nghiệp. Các công ty ngày càng bị giám sát chặt hơn, hy vọng cải thiện, mở rộng thêm thị trường Hoa lục tan thành mây khói. Cho đến nỗi BDI, nghiệp đoàn kỹ nghệ Đức nay kêu gọi các thành viên giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Trong một thông báo chưa công bố nhưng hãng tin Anh Reuters đọc được hôm 31/10, BDI khuyến cáo các công ty Đức tính toán lại chuỗi gia công sản xuất, xem lại trọng lượng thị trường Hoa lục trong tổng lượng hàng bán. BDI nhấn mạnh : « Có sự cạnh tranh dứt khoát giữa mô hình kinh tế thị trường rộng mở của chúng ta và nền kinh tế Trung Quốc do nhà nước lãnh đạo », và nhận định, việc mở cửa thị trường Hoa lục như hứa hẹn có thể sẽ không bao giờ xảy ra.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steimeier, từ hôm qua 04/12/2018, bắt đầu chuyến công du Trung Quốc 6 ngày. Quan hệ thương mại đôi bên hiện căng thẳng đến nỗi tất cả phát biểu đều được theo dõi kỹ càng.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181205-duc-ngay-cang-ngo-vuc-dau-tu-cua-trung-quoc
Hé mở nỗ lực hiện đại hóa quân đội của TQ
Được thúc đẩy bởi nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng và năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng ngày càng tăng, quân đội Trung Quốc tiếp tục đưa vào phiên chế số lượng lớn trang thiết bị quân sự ngày càng tinh vi và có năng lực lớn hơn. Mỗi năm, ảnh chụp các tàu chiến, máy bay và tên lửa mới lại xuất hiện, đem lại cho các nhà phân tích những dữ liệu quan trọng để đánh giá năng lực quân sự của nước này.
Trên thực tế, dù sản lượng công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc rất ấn tượng, nhưng dòng chảy trang thiết bị mới hàng năm chỉ góp một phần nhỏ trong toàn bộ kho vũ khí. Thông thường, thời hạn sử dụng của các trang thiết bị quân sự nói chung là từ 20 đến 40 năm. Do đó, việc theo dõi cách Trung Quốc xử lý các trang thiết bị hiện có của nước này là điều quan trọng đối với các nhà phân tích.
Xét cho cùng, công cuộc hiện đại hóa quân đội ngày càng mạnh mẽ và toàn diện kéo dài 2 thập kỷ của Trung Quốc cho thấy rõ ràng họ không chỉ quan tâm tới việc đưa vào phiên chế nhiều nhất có thể các trang thiết bị. Mà thay vào đó, cường quốc châu Á này ưu tiên các nguồn lực, mua các trang thiết bị mới khi cần thiết nhưng đồng thời nâng cấp các hệ thống cũ đang được đưa vào phục vụ để tận dụng tốt nhất thời hạn sử dụng của chúng.
Nâng cấp hải quân
Trong hơn một thập kỷ, các xưởng đóng tàu của Trung Quốc không chỉ cho ra đời số lượng lớn tàu chiến mới mà còn đưa vào phiên chế những thiết kế hoàn toàn mới. Chẳng hạn, kể từ năm 2010, Hải quân Trung Quốc đã đưa vào phiên chế 3 lớp tàu khu trục với năng lực ngày càng tăng.
Mặc dù tốc độ sản xuất là rất ấn tượng, nhưng việc hiện đại hóa một hạm đội với quy mô lớn như hạm đội của Trung Quốc là một tiến trình kéo dài nhiều thập kỷ. Việc kết thúc tiến trình này báo hiệu sự thay thế đợt tàu hiện đại đầu tiên. Nhưng sẽ là thiếu sót nếu xem xét quá trình hiện đại hóa hải quân của quốc gia này mà lại bỏ qua hiệu quả của việc nâng cấp các tàu cũ hiện có.
Từ năm 2011, ngay khi hoạt động sản xuất ở các xưởng đóng tàu Trung Quốc đạt tới thời kỳ cường độ cao, Trung Quốc đã bắt đầu nâng cấp một số tàu chiến hiện có. Đầu tiên là 2 tàu khu trục lớp Type 052, thuộc những tàu khu trục hiện đại đầu tiên do Trung Quốc sản xuất. Vào thời điểm được nâng cấp, tàu mới nhất trong số các tàu Type 052 đã có tuổi đời 17 năm, đồng nghĩa với việc đây là một sự nâng cấp vào giữa thời hạn sử dụng. Các hệ thống phòng không mới đã được bổ sung, cải thiện khả năng sống sót khi phải đối mặt với các tên lửa hành trình đồng thời giảm bớt yêu cầu về nhân lực.
Để cải thiện khả năng phát hiện các mục tiêu trên không, radar Type 517M đã được lắp đặt. Và để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai ở tầm xa hơn, một hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh (SATCOM) cũng đã được bổ sung.
Không có sự nâng cấp nào trong số này đòi hỏi phải có những thay đổi lớn về cấu trúc, như trong trường hợp thay thế hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) HQ-7 với năng lực hạn chế bằng một hệ thống có năng lực lớn hơn sử dụng hệ thống phóng theo chiều thẳng đứng (VLS). Trong khi những thay đổi này có thể nhìn thấy được, thì những thay đổi nếu có đối với các hệ thống bên trong lại không thể nhận thấy được từ hình ảnh. Tuy vậy, có thể giả định một cách hợp lý rằng hệ thống quản lý chiến đấu (CMS) đã được sửa đổi để tích hợp các hệ thống cảm biến và vũ khí mới.
Nhìn chung, các tàu khu trục lớp Type 052 được nâng cấp không ấn tượng lắm. Tuy nhiên, xét ở nhiều khía cạnh, phần lớn lý do là vì chúng tương đối lỗi thời ngay từ khi được sản xuất. Khó có thể nâng cấp toàn diện các tàu chiến đã cũ và lỗi thời, và việc này hầu như không xứng đáng với chi phí bỏ ra, đặc biệt khi xét đến các tàu chiến tiên tiến hơn nhiều vẫn đang được đóng mới. Tuy nhiên, trên thực tế thì lại không hẳn như vậy.
Năm 2014, Trung Quốc bắt đầu nâng cấp 2 chiếc cũ nhất trong số 4 tàu khu trục lớp Sovremenny do Nga sản xuất. So với những thay đổi đối với lớp Type 052, việc nâng cấp các tàu lớp Soveremenny hiệu quả hơn nhiều. Có thông tin cho biết 48 ống phóng VLS do Nga sản xuất dành cho SAM Shtil của Nga đã được thay thế bằng 38 ống phóng VLS của Trung Quốc.
Mặc dù có số lượng ít hơn, nhưng các yêu cầu về logistics đã được nới lỏng vì không còn phải hỗ trợ cho hệ thống nước ngoài cũ kỹ này nữa. Hơn nữa, VLS mới có thể phóng các tên lửa SAM HQ-16 của Trung Quốc cũng như tên lửa tác chiến chống tàu ngầm ASW. Những thay đổi lớn khác bao gồm việc lắp đặt radar tìm kiếm trên không mới và có tin là việc thay thế tên lửa hành trình chống tàu (ASCM) Moskit siêu thanh của Nga bằng tên lửa YJ-12 tương tự của Trung Quốc.
Nhìn chung, phân tích hình ảnh nguồn mở cho thấy có khoảng hơn chục thay đổi có thể xác định được đối với các vũ khí và hệ thống cảm biến được lắp đặt trên 2 tàu khu trục lớp Sovremennyy được nâng cấp.
Năm 2015, Trung Quốc lại bắt đầu nâng cấp tàu khu trục lớp Type 051B duy nhất, nhấn mạnh mong muốn không bỏ phí dù chỉ một thân tàu. Sau 16 năm phục vụ, năng lực phòng không ở mức hạn chế của con tàu này đã được cải thiện đáng kể.
Hệ thống SAM HQ-7 với tầm bắn khoảng hơn 10km đã được thay thế bằng SAM HQ-16 với tầm bắn khoảng 50km. Điều quan trọng hơn là trong khi trước đó tàu này chỉ mang theo 16 SAM HQ-7, trong đó có 8 quả sẵn sàng khai hỏa, thì giờ đây nó được trang bị 32 ống phóng VLS, tất cả đều sẵn sàng khai hỏa, được trang bị các SAM HQ-16 tầm xa.
Để dẫn đường cho các tên lửa này và cải thiện tầm bao quát trên không, một radar Type 382 tiên tiến hơn cũng đã được lắp đặt. Nhà chứa máy bay, súng phòng không và các năng lực tác chiến chống tàu ngầm cũng có những thay đổi. Những sự nâng cấp này đã làm cho tàu khu trục lớp Type 051B trở thành một tàu chiến có năng lực lớn hơn nhiều, chắc chắn sẽ được xem xét trong những đánh giá quân sự trong khoảng 10 năm tới, tức là trong thời hạn sử dụng còn lại của nó theo dự kiến.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng thực hiện nâng cấp áp dụng những thay đổi về thiết kế cho các tàu chưa đến lượt nâng cấp giữa thời hạn.
Chẳng hạn, đến khi việc hoàn thành sản xuất vào năm 2019, sẽ có gần một nửa hạm đội khinh hạm gồm 30 tàu lớp Type 054A sẽ được trang bị thiết bị định vị thủy âm ở độ sâu biến đổi (VDS). Mặc dù không nhất thiết phải trang bị cho tất cả tàu chiến một hệ thống ASW mạnh đến như vậy, nhưng Hải quân Trung Quốc có thể muốn trang bị VDS cho nhiều tàu hơn và có thể nâng cấp một số khinh hạm được đưa vào hoạt động gần đây.
Hiện nay, Trung Quốc chỉ còn 6 tàu khu trục cần nâng cấp trong vài năm tới. Tuy nhiên, trong một thập kỷ tới, nước này có thể phải nâng cấp khoảng 20 tàu khu trục hiện còn rất mới để theo kịp những tiến bộ về chất lượng trong mối đe dọa ASCM.
Thay đổi về không quân
Mỗi năm, Trung Quốc bổ sung hàng chục máy bay chiến đấu mới cũng như số lượng lớn các phương tiện hỗ trợ, chẳng hạn như máy bay cảnh báo sớm trên không (AEW). Trong khoảng một thập kỷ qua, Không quân và Hải quân Trung Quốc đã đưa vào phiên chế 11 máy bay AEW KJ-200. Mặc dù hỗ trợ tốt cho 5 máy bay AEW KJ-2000 có kích cỡ và năng lực lớn hơn mà nước này đã đưa vào phiên chế trong cùng thời gian, nhưng KJ-200 có một hạn chế lớn là thiết kế của nó không cho phép radar bao quát 360º.
Đồng thời, vào năm 2013, các nhà quan sát quân đội Trung Quốc đã có bằng chứng cho thấy một loại máy bay AEW mới đang trong giai đoạn phát triển. Ít nhiều dựa trên cùng một khung máy bay với KJ-200, chiếc KJ-500 mới sử dụng một thiết kế radar khác cho phép quét được 360o.
Mặc dù phương tiện mới này báo hiệu rằng năng lực của các AEW sắp được cải thiện, nhưng nó không làm thay đổi năng lực hạn chế của 11 chiếc KJ-200 hiện có, mà trước mắt vẫn còn hàng chục năm phục vụ. Năm 2016, các nhà quan sát đã có được hình ảnh đầu tiên của khung máy bay KJ-200 được nâng cấp, được cho là mang số hiệu KJ-200A. Thay đổi rõ ràng nhất là việc bổ sung radar mới tiên tiến và khá lớn để cải thiện tầm bao quát hơn.
Không rõ liệu các linh kiện bên trong có thay đổi hay không, nhưng điều này không phải là không có khả năng khi xét tới những tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong ngành điện tử quốc phòng.
Vào cuối năm 2017, xuất hiện bằng chứng cho thấy có sự nâng cấp hơn nữa đối với phi đội KJ-200, bổ sung hệ thống SATCOM và các cảm biến điện tử thụ động để hỗ trợ cho hệ thống radar. Do vậy, nhìn chung, mặc dù số lượng máy bay KJ-200 vẫn cố định ở mức 11 chiếc và mặc dù ngày càng có nhiều AEW KJ-500 mới hơn hỗ trợ cho chúng, nhưng việc nâng cấp KJ-200 rõ ràng là đã giúp nước này tiếp tục cải thiện năng lực AEW mà không thu hút sự chú ý như các thiết kế và khung máy bay mới.
Máy bay chiến đấu của Trung Quốc cũng có năng lực ngày càng lớn, với việc nâng cấp các máy bay hiện có và cải thiện các lô sản xuất tiếp theo. Trong một số trường hợp, chẳng hạn như máy bay chiến đấu J-10, có thể nhận thấy rất rõ những thay đổi. Khi so sánh một bức ảnh chụp phiên bản đầu tiên của J-10 và J-10B, các nhà quan sát có thể nhận ra sự thay đổi ở một phần mái che radar và thiết kế lỗ thông gió, và sự bổ sung hệ thống cảm biến tìm kiếm và theo dõi bằng tia hồng ngoại (IRIST).
Tuy nhiên, đây là những điểm khác biệt của các máy bay được sản xuất mới, và nhiều thay đổi trong số này, chẳng hạn như thiết kế lỗ thông gió mới, không thể áp dụng cho các khung máy bay hiện có.
Tuy nhiên, các nhà phân tích có bằng chứng bằng hình ảnh cho thấy máy bay của không quân và hải quân Trung Quốc đã được nâng cấp, chứng tỏ các quân chủng này không dành toàn bộ nguồn lực của mình cho việc sản xuất mới. Các máy bay chiến đấu được trang bị ăng-ten radio mới và được tích hợp các vũ khí mới có năng lực hơn. Một số loại máy bay, chẳng hạn như loại máy bay chiến đấu J-11A, được trang bị hệ thống cảnh báo tên lửa tiếp cận (MAWS) nhiều năm sau khi được đưa vào sử dụng.
Các loại máy bay khác, chẳng hạn như J-11B, đã được trang bị thiết bị đối kháng điện tử (ECM). Mặc dù không có khả năng xuất hiện trên các tít báo như các thiết kế mới hay thậm chí như các vũ khí mới, nhưng những bước phát triển nhỏ này báo hiệu những tiến bộ quan trọng về năng lực.
Cuối cùng, Trung Quốc, bên cạnh là một cường quốc kinh tế, đã có những cải thiện đáng kể về năng lực quân sự của mình. Nhưng sự cải thiện về năng lực quân sự của Trung Quốc không chỉ đến từ việc tiếp tục sản xuất và đưa vào phiên chế các vũ khí hạng nặng mới. Những hệ thống cũ kỹ hơn chiếm phần lớn kho vũ khí và có khả năng tiếp tục được sử dụng trong nhiều thập kỷ tới. Ngay cả với tốc độ sản xuất cao, dòng trang thiết bị mới hàng năm cũng chỉ là một phần nhỏ trong
toàn bộ kho dự trữ, vốn có thể được sử dụng trong các tình huống khẩn cấp vào bất cứ thời điểm nào.
Điều này đã cải thiện đáng kể năng lực của nước này mà không thu hút sự chú ý như khi đưa vào sử dụng những vũ khí hạng nặng mới. Theo đánh giá của các chuyên gia, với những sự nâng cấp này, Trung Quốc hiện có năng lực lớn hơn nhiều so với cách đây chỉ vài năm. Đó có thể là cách làm được cho là khôn ngoan so với nhiều quốc gia khác có tiềm lực kém hơn cả về kinh tế cũng như khoa học kỹ thuật.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25091-he-mo-no-luc-hien-dai-hoa-quan-doi-cua-tq.html
TQ muốn lột xác nông thôn bằng công nghệ
55 triệu học sinh ở các trường nông thôn Trung Quốc hiện có khả năng tiếp cận các lớp học trực tuyến. Công nghệ cao sẽ được áp dụng vào giáo dục và chăm sóc sức khỏe để thay đổi bộ mặt nông thôn.
Là quốc gia đông dân nhất thế giới với gần 1,4 tỉ dân, việc đảm bảo hệ thống chăm sóc sức khỏe và giáo dục hiệu quả là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Điều này đặc biệt quan trọng ở các khu vực xa xôi của đất nước.
Theo Đài CNBC, tại hội nghị East Tech West ở quận Nam Sa của thành phố Quảng Châu hồi tuần trước, các lãnh đạo doanh nghiệp cùng các nhà đầu tư và giới chuyên gia Trung Quốc đã thảo luận cách thức cân bằng các dịch này trên khắp cả nước.
Năm 2017, số người dùng Internet tại nông thôn lên đến 209 triệu, chiếm 30% số người sử dụng Internet của cả nước Trung Quốc.
Đây là điểm khởi đầu tốt để các ông trùm công nghệ đầu tư vào hai lĩnh vực quan trọng: Giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
Trước hết, về mặt giáo dục, Trung Quốc đẩy mạnh giáo dục qua mạng tại những vùng sâu vùng xa. Đây là giải pháp cần thiết trước tình trạng thiếu giáo viên ở các khu vực nghèo và xa xôi của Trung Quốc.
Năm 2017, công ty VIPKid của Trung Quốc đã khởi động Dự án giáo dục nông thôn (REP). Dự án này hướng tới cung cấp giáo dục trực tuyến cho 10.000 lớp học ở nông thôn, thông qua các bài học phát trực tiếp.
Theo báo cáo của quỹ 500Startups, giáo dục qua mạng được đẩy mạnh sau khi Bộ Giáo dục Trung Quốc yêu cầu chính quyền các cấp chi tối thiểu 8% ngân sách cho việc số hóa giáo dục.
Báo cáo cho biết 55 triệu học sinh ở các trường nông thôn Trung Quốc hiện có khả năng tiếp cận các lớp học trực tuyến.
Về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, Trung Quốc mong muốn sẽ ứng dụng sâu rộng AI tại các vùng nông thôn.
Ông Jim Wang, CEO của tập đoàn NovaVision, tin rằng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ở khu vực nông thôn Trung Quốc trong vài chục năm tới, giúp thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn trong lĩnh vực này.
“Trong 30-40 năm qua, các nguồn lực y tế không được triển khai đồng đều. AI y tế sẽ cứu giúp ích cho việc này. Chẳng hạn, chúng ta có thể huấn luyện AI để hỗ trợ các bác sĩ ở nông thôn”, ông Jim Wang giải thích.
Vị này còn lấy ví dụ về khả năng phát hiện các bệnh tật chỉ thông qua một ảnh chụp mắt. Ông nói: “Ở Trung Quốc, chúng ta không có bác sĩ gia đình. Mọi người sẽ đi tới các bệnh viện lớn – nguyên nhân dẫn tới tình trạng quá tải”.
Do đó, ông hy vọng AI sẽ giúp người dân nông thôn giảm thời gian đi những quảng đường xa xôi tới các bệnh viện lớn.
Sui Xiu Chen (66 tuổi đến từ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) chia sẻ với báo South China Morning Post (SCMP) hồi tháng 4: “Trước đây tôi phải mất cả ngày để di chuyển và xếp hàng, đôi lúc ngủ lại. Chi phí đi xe buýt cũng vài chục nhân dân tệ. Giờ thì tôi không cần đi xa như vậy. Tôi có thể nói chuyện qua video với các chuyên gia ở xa để hỏi những thứ mà bác sĩ ở làng không biết”.
Tình trạng già hóa dân số (30% dân số Trung Quốc sẽ ở độ tuổi hơn 60 vào năm 2050) cùng với chính sách khuyến khích sinh hai con gần đây là thách thức lớn của Trung Quốc sắp tới.
Theo bà Catrinel Hagivreta, nhà sáng lập MEDIjobs, AI sẽ giúp bổ sung nguồn nhân lực để giải quyết hai vấn đề này.
Tuy vậy, bất chấp sự lạc quan của giới lãnh đạo doanh nghiệp, một số nhà phân tích cho rằng việc thay đổi bộ mặt nông thôn Trung Quốc vẫn còn là vấn đề phức tạp và không thể diễn ra một sớm một chiều.
“Rõ ràng có nhiều thách thức về công nghệ, xét về khả năng tiếp cận Internet hay thậm chí điện năng”, ông David Tyfield, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Lancaster của Anh, nhận định.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/25089-tq-muon-lot-xac-nong-thon-bang-cong-nghe.html
TQ đang tạo gánh nặng cho Châu Phi bằng nợ nần?
Châu Phi đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ đang lờ mờ xuất hiện, các nhà kinh tế của các nước phát triển hàng đầu cho biết.
“Gần 40% các quốc gia châu Phi hạ Sahara đang có nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng nợ lớn,” theo Viện Phát triển nước ngoài (Overseas Development Institute).
Và mối quan hệ giữa các quốc gia châu Phi và Trung Quốc thường được coi là một phần quan trọng của vấn đề.
Giới chỉ trích nói rằng các dự án cơ sở hạ tầng lớn được thực hiện bởi các công ty Trung Quốc ở châu Phi là quá đắt, và tạo gánh nặng cho các nước chủ nhà với các khoản nợ khổng lồ mà họ không thể hy vọng hoàn trả.
Chính phủ Trung Quốc kiên định rằng mối quan hệ kinh tế với các nước châu Phi là lợi ích song phương và bác bỏ quan điểm rằng họ đang sử dụng nợ để mở rộng ảnh hưởng toàn cầu.
Vậy Trung Quốc có thực sự chịu trách nhiệm về gánh nặng nợ ngày càng tăng của Châu Phi?
Gánh nặng nợ của châu Phi
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã cảnh báo rằng châu Phi đang tiến tới một cuộc khủng hoảng nợ mới, với số lượng các nước có nguy cơ cao tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua.
Ngân hàng Thế giới hiện phân loại 18 quốc gia có nguy cơ cao về khủng hoảng nợ, là những nước có tỷ lệ nợ trên GDP vượt quá 50%.
Tổng số nợ nước ngoài của châu lục này ước tính là 417 tỷ USD.
Khoảng 20% nợ nước ngoài của chính phủ châu Phi là nợ Trung Quốc, theo Jubilee Debt Campaign, một tổ chức từ thiện vận động cho việc xóa nợ cho các nước nghèo.
Điều này khiến Trung Quốc trở thành nước cho vay lớn nhất thế giới, với các khoản vay thương mại và nhà nước kết hợp ước tính 132 tỷ USD trong khoảng thời gian từ 2006 đến 2017.
Hơn 35% nợ của châu Phi được nắm giữ bởi các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới, với 32% là của những người cho vay tư nhân.
Có một cảnh báo quan trọng: dữ liệu này rất khó xác minh. “Trung Quốc không phải là thành viên của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) và họ không tham gia vào Hệ thống Báo cáo Tín dụng của OECD,” Christina Wolf, chuyên gia kinh tế của Đại học Kingston nói. Nhưng Trung Quốc cam kết đầu tư 60 tỷ USD cho châu Phi vào cuối năm nay.
Các quốc gia mắc nợ Trung Quốc nhiều nhất
Hầu hết các khoản cho vay của Trung Quốc cho châu Phi đi vào các dự án cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường sắt và cảng.
Năm 2015, Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc-Châu Phi (CARI) tại Đại học John Hopkins đã xác định 17 nước châu Phi có nguy cơ rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc, khó có khả năng hoàn trả các khoản vay của họ.
Theo đó, ba trong số này – Djibouti, Cộng hòa Congo và Zambia – là những quốc gia có nguy cơ cao nhất bị khủng hoảng nợ từ các khoản vay của Trung Quốc.
Năm 2017, nợ của Zambia lên đến 8,7 tỷ USD – trong đó có 6,4 tỷ USD nợ Trung Quốc.
Đối với Djibouti, 77% nợ của nước này là của những người cho vay Trung Quốc. Các số liệu của Cộng hòa Congo là không rõ ràng, nhưng CARI ước tính các khoản nợ Trung Quốc của khu vực này là 7 tỷ USD.
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Chủ tịch Tập với Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa (trái) và Tổng thống Equatorial Guinea Teodoro Obiang
Ít điều kiện ràng buộc hơn?
So với các tổ chức như IMF, Ngân hàng Thế giới và Câu lạc bộ Paris (nhóm 22 quốc gia chủ nợ không bao gồm Trung Quốc), các khoản vay từ Trung Quốc được xem là nhanh hơn, rẻ hơn và ít điều kiện ràng buộc hơn nhiều.
Hoa Kỳ nói riêng cực kỳ chỉ trích cách tiếp cận của Trung Quốc.
Hồi đầu năm, trước chuyến thăm châu Phi, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson, nói rằng chính sách cho vay của Trung Quốc với châu Phi “khuyến khích sự lệ thuộc, lợi dụng các thỏa thuận tham nhũng và đe dọa nguồn tài nguyên thiên nhiên nơi này”.
Ngay lập tức Trung Quốc phản ứng. Đại sứ Trung Quốc ở Nam Phi, Lin Songtian, tuyên bố rằng Trung Quốc tự hào về ảnh hưởng của nước này ở châu Phi và rằng phát biểu của ông Tillerson là một phần của chiến dịch bôi nhọ của Hoa Kỳ.
“Trung Quốc cũng chỉ như bất kỳ người cho vay nào khác,” Gyude Moore, cựu quan chức chính phủ Liberia nói. “Lợi ích chiến lược của Trung Quốc là các quốc gia châu Phi trả nợ.”
Có nhiều ví dụ về các chương trình hỗ trợ của Trung Quốc giúp trả nợ, theo lời ông Moore, hiện là giáo sư thỉnh giảng tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu.
Và cuối cùng, chính các quốc gia châu Phi mới là người đồng ý hay từ chối các khoản cho vay của Trung Quốc.
Nhưng sự thiếu nghiêm trọng cơ sở hạ tầng và nhu cầu vô cùng cấp bách về liên kết giao thông hiện đại ở những quốc gia nghèo nhất này, khiến cho các lời đề nghị sẵn sàng của Trung Quốc về các khoản vay có giá trị cho các các dự án như vậy thường khó bị từ chối.
Và rõ ràng là vấn đề nợ nần của châu Phi lớn hơn nhiều so với mối quan hệ với Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự can dự ngày càng tăng của Trung Quốc vào châu lục này và cam kết cung cấp các khoản vay cho các dự án quy mô lớn, có nghĩa là bất kỳ giải pháp nào cho vấn đề nợ của châu Phi phải giải quyết được mối quan hệ cả với Bắc Kinh và với các công ty tư nhân Trung Quốc hoạt động trên lục địa.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25098-tq-dang-tao-ganh-nang-cho-chau-phi-bang-no-nan.html
Chủ tịch Tập: Trung Quốc sẽ luôn ‘tôn trọng lẫn nhau’
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 5/12 nói rằng Trung Quốc sẽ luôn “tôn trọng lẫn nhau” trong khi xử lý các thách thức trên thế giới.
Theo Reuters, ông Tập phát biểu như vậy trong chuyến thăm Bồ Đào Nha, chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm còn đưa ông tới dự cuộc họp thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, nơi Trung Quốc và Mỹ đồng ý ngưng gia tăng cuộc chiến thương mại.
“Cho dù thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, Trung Quốc sẽ luôn tuân thủ sự tôn trọng lẫn nhau và sự phát triển hòa bình, thúc đẩy hòa bình và ổn định”, ông Tập nói trong bài phát biểu ngắn.
Theo Reuters, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói thêm rằng trong chuyến công du lần này, ông cảm nhận được ước vọng của mọi người về “hòa bình, ổn định, thịnh vượng và một cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Trong chuyến thăm kéo dài hai ngày tới Lisbon, Bồ Đào Nha, Trung Quốc và Bồ Đào Nha đã ký một bản ghi nhớ về hợp tác liên quan tới “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh.
Sáng kiến này thúc đẩy việc mở rộng hợp tác trên bộ và trên biển giữa châu Á, châu Phi và châu Âu, với cam kết hàng tỷ đôla nhằm phát triển cơ sở hạ tầng.
Chuyến thăm của ông Tập cũng củng cố sự hiện diện đầu tư của Trung Quốc ở Bồ Đào Nha, nhất là trong các lĩnh vực như năng lượng và ngân hàng.
Hưu chiến thương mại Mỹ-Trung
ảnh hưởng đến Việt Nam và nhiều nước
Cả thế giới như tạm thở phào nhẹ nhõm trước việc hai lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc hôm 02/12/2018 vừa qua quyết định ngưng tấn công nhau về thương mại trong vòng 90 ngày, để đàm phán lại quan hệ mậu dịch song phương. Thỏa thuận hưu chiến đó dĩ nhiên có lợi cho hai bên tranh chấp, nhưng câu hỏi được đặt ra là đối với các nước khác thì tác động ra sao, đặc biệt đối với các đối tác hay đối thủ của Bắc Kinh, trong thời gian qua đã thu hoạch được một số lợi ích từ việc Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt.
Từ lúc Hoa Kỳ bắt đầu khởi động cuộc chiến tranh thương mại đánh vào Trung Quốc, hầu hết các nhà quan sát đều nhận định rằng Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi nhiều từ cuộc chiến đó, với việc các doanh nghiệp di dời sản xuất từ Trung Quốc qua Việt Nam để tránh việc bị Mỹ đánh thuế khi đi vào thị trường Hoa Kỳ.
Với ba tháng hưu chiến vừa được quyết định, và triển vọng Mỹ – Trung tìm được giải pháp chấm dứt cuộc chiến, đà chuyển dịch cơ sở sản xuất đó chắc chắn sẽ chậm lại.
Đây chính là nhận định của lãnh đạo một công ty tại thành phố Hồ Chí Minh, chuyên trách việc giúp các doanh nghiệp Trung Quốc qua làm ăn tại Việt Nam. Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 03/12 vừa qua, từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 11, công ty này đã nhận được hơn 130 yêu cầu tìm hiểu thị trường Việt Nam từ phía các nhà sản xuất ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhân vật này cho rằng thỏa thuận hưu chiến Mỹ-Trung chỉ làm chậm đà di dời cơ sở sản xuất từ Trung Quốc qua Việt Nam, chứ không làm cho việc này dừng hẳn lại.
Lý do là vì việc di dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc là một xu hướng tất yếu, kéo dài trong thời gian, do việc chi phí nhân công tại Trung Quốc ngày càng tăng cao, buộc các công ty sản xuất đi tìm nơi có chi phí thấp hơn, và Việt Nam là một điểm đến lý tưởng.
Mặt khác, tại Trung Quốc, các luật lệ bảo vệ môi trường cũng ngày càng chặt chẽ hơn, làm cho công việc sản xuất tốn kém hơn. Điều đó cũng thúc đẩy các nhà sản xuất tìm đến Việt Nam, nơi luật lệ môi trường còn tương đối lỏng lẻo.
Nhật Bản, Brazil, Achentina cũng bị ảnh hưởng
Nếu quyết định hưu chiến về mặt thương mại được cho là sẽ chỉ có tác động hạn chế đến Việt Nam, thì Nhật Bản có khả năng sẽ bị ảnh hưởng mạnh hơn, do sức ép gia tăng từ phía Mỹ.
Theo tờ South China Morning Post, sau khi đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, Hoa Kỳ có thể chuyển mũi dùi thương mại qua phía Nhật Bản. Trong một cuộc họp hôm thứ Sáu 30/11 vừa qua với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, bên lề Thượng Đỉnh G20 tại Achentina, tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắc nhở rằng thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản thuộc diện đáng kể và hai bên « hy vọng rằng sẽ sớm cần bằng được ».
Chính quyền Trump dự kiến sẽ yêu cầu Nhật Bản mở cửa thị trường xe hơi của họ, đồng thời thúc đẩy giới sản xuất ô tô Nhật Bản mở rộng hoạt động sản xuất tại Mỹ.
Hưu chiến thương mại Mỹ-Trung cũng được cho là sẽ ảnh hưởng đến Brazil và Argentina. Trước khi cuộc chiến bùng lên, Trung Quốc là nước nhập khẩu đến 60% lượng đậu nành bán ra trên toàn thế giới, và đã mua đến 32,9 triệu tấn từ Hoa Kỳ vào năm ngoái.
Thế nhưng, sau khi tổng thống Trump khởi động cuộc chiến thuế quan, Trung Quốc đã áp thuế suất 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ, và quay sang tìm các nhà cung cấp khác. Theo hãng Reuters, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã mua từ 12 triệu đến 14 triệu tấn đậu nành từ Brazil trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 11. Hoa Kỳ cũng vậy, cũng phải tìm thị trường mới cho khối lượng sản phẩm mà Trung Quốc không mua, và Achentina đã thay thế Trung Quốc trong tư cách khách hàng số một của nông sản Mỹ.
Tuy nhiên, với thỏa thuận hưu chiến ngày 01/12 vừa qua, Trung Quốc đã đồng ý mua thêm sản phẩm nông nghiệp Mỹ, và điều này sẽ làm giảm nhu cầu của Trung Quốc đối với các nhà cung cấp khác.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181205-huu-chien-thuong-mai-my-trung-anh-huong-den-viet-nam-va-nhieu-nuoc
Tổng thống Hàn Quốc háo hức
về chuyến thăm của lãnh tụ Triều Tiên
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng chuyến thăm tiềm tàng của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là “rất có ý nghĩa”.
Tổng thống Moon bày tỏ quan điểm về vấn đề này hôm 4/12 với Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern trong chuyến thăm Wellington.
Ông Moon và ông Kim đã tổ chức ba hội nghị thượng đỉnh trong năm nay, bao gồm chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông Moon vào tháng 9, nơi ông Kim hứa sẽ đáp lại bằng chuyến thăm Seoul trong tương lai gần.
Ông Moon nói với các phóng viên rằng lịch trình của chuyến thăm chưa được xác định. Nếu được thực hiện, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo Triều Tiên đến Hàn Quốc kể từ khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt sau Thế chiến thứ hai. Ông Moon nói bất cứ khi nào chuyến thăm diễn ra, nó sẽ “đẩy nhanh quá trình phi hạt nhân hóa” bán đảo, và giúp cải thiện quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Hoa Kỳ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Kim Jong Un đã ký một thỏa thuận mơ hồ trong hội nghị thượng đỉnh lịch sử tại Singapore hồi tháng Sáu, kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, hai bên đã bất hòa về ý định của Triều Tiên và khi nào thì nước này mới thực hiện lời hứa của mình.
Triều Tiên đã cảnh báo sẽ xem xét khôi phục chương trình vũ khí hạt nhân của mình nếu Washington không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Triều Tiên. Bình Nhưỡng cũng đang tìm kiếm một hiệp ước hòa bình với Mỹ và Hàn Quốc, là hiệp ước sẽ chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Cuộc chiến giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên đã chấm dứt bằng một cuộc đình chiến, khiến cho hai miền, về mặt kỹ thuật, vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
Singapore phản đối Malaysia
về kế hoạch phát triển cảng
Singapore vào hôm nay, 05/12/2018, đã mạnh mẽ phản đối kế hoạch của Malaysia, dự trù mở rộng một hải cảng ở vùng phía nam vì cho là công trình này xâm phạm lãnh hải Singapore.
Theo Reuters, bộ trưởng Giao Thông Singapore cho biết là đã yêu cầu Malaysia rút lại kế hoạch mở rộng cảng, hầu tôn trọng chủ quyền của Singapore trên vùng biển của mình, đồng thời tránh những hành động đơn phương trong tương lai.
Trong một thông cáo hôm qua 04/12, Singapore đã nêu bật quan ngại trước việc Malaysia mở rộng cảng phía cực nam, Johor Bahru, xâm phạm vào hải phận Singapore ở ngoài khơi khu vực Tuas, phía tây quốc gia này. Cho nên Singapore gởi phản đối mạnh mẽ đến chính quyền Malaysia.
Singapore nói thêm là trong hai tuần qua, tàu của Malaysia đã vào vùng biển Singapore ngoài khơi Tuas.
Singapore đã phản đối hành động « trái phép » này và sẵn sàng có hành động cứng rắn, tuy nhiên cũng cố giải quyết sự vụ một cách ôn hòa dựa theo luật pháp quốc tế.
Vào hôm nay, 05/12, bộ trưởng Giao Thông Malaysia, lên tiếng phủ nhận cáo buộc của Singapore, cho là việc mở rộng cảng Johor Bahru không hề xâm phạm hải phận Singapore.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181205-singapore-phan-doi-malaysia-ve-ke-hoach-phat-trien-cang
Campuchia nói Đài Á Châu Tự Do
có thể mở lại văn phòng ở Phnom Penh
Chính phủ Campuchia hôm thứ ba cho biết Đài Á Châu Tự Do được chào đón mở lại văn phòng tại thủ đô Pnompenh và khẳng định rằng không có áp lực trong việc Radio Free Asia (RFA) đóng cửa vào năm ngoái và đó là do bản thân tự đóng cửa.
“Đã không có áp lực nào cả, RFA tự đóng cửa văn phòng của mình” Bộ trưởng Bộ Nội vụ Sar Kheng nói trong một cuộc họp công khai có sự tham dự của các sĩ quan cảnh sát và đại diện các tổ chức Phi chính phủ.
“Nhưng bây giờ chúng tôi chào đón họ trở lại, và đài phát thanh có thể tái lập văn phòng ở Pnompenh,” ông Sar Kheng nói.
Đài Á Châu Tự Do – Ban tiếng Khmer đóng cửa văn phòng ở thủ đô Pnompenh hôm 12/9/2017 sau hơn 20 năm hoạt động tại đây, trong bối cảnh Thủ tướng Hun Sen, người lãnh đạo đảng Nhân dân Campuchia gia tăng đàn áp đối với truyền thông độc lập, các tổ chức Phi chính phủ, và những tiếng nói chỉ trích độc lập nhắm tới cuộc bầu cử quốc gia tổ chức hồi tháng 7/2018.
Các phóng viên người Campuchia làm việc cho Đài Á Châu Tự Do đưa tin tức trong nhiều năm qua về tham nhũng, khai thác gỗ bất hợp pháp và trục xuất cưỡng bức.
Bên cạnh đó đài cũng đưa các câu chuyện phần lớn bị lờ đi bởi truyền thông của nhà nước và nhà chức trách đã đóng cửa các đài phát thanh độc lập mang tin tức cho RFA, sử dụng lý do vi phạm về thuế và hành chính.
Hôm 14/11/2017, hai phóng viên RFA là Uon Chhin và Yeang Sothearin bị bỏ tù vì cáo buộc “thu thập thông tin trái phép cho nguồn nước ngoài”.
Bộ Thông tin và Bộ Nội vụ của nước này khi đó cảnh báo sẽ bắt giữ bất kỳ nhà báo nào với cáo buộc gián điệp nếu còn làm cho RFA sau khi văn phòng ở thủ đô đóng cửa.
Cả 2 được tại ngoại vào tháng 9 năm nay sau 9 tháng bị cầm tù vì cáo buộc hoạt động gián điệp.
Nhiều tổ chức nhân quyền địa phương và quốc tế đã lên án chính phủ của thủ tướng Hun Sen trong lúc 2 nhà báo này ở tù và đòi trả tự do cho họ.
Trong khi đó, ông Sar Kheng cho biết, tờ Cambodia Daily – một tờ báo độc lập thường chỉ trích Thủ tướng Hun Sen bị đóng cửa vào tháng 9/2017 – có thể tiếp tục hoạt động nếu tờ báo này trả tiền cho những gì mà ông này nói là “thuế vẫn còn nợ chính phủ”.
Quân ly khai giết hàng chục công nhân Papua ở Indonesia
Ít nhất 31 công nhân xây dựng bị sát hại sau khi họ bị tấn công bởi một nhóm phiến quân ly khai ở tỉnh Papua bất ổn của Indonesia.
Giới chức chính quyền nói các công nhân này bị bắn chết hôm 2/12 tại một huyện hẻo lánh ở Ndugu. Một quan chức cảnh sát địa phương nói với các phóng viên truyền hình rằng một nhóm quân ly khai trở nên tức giận khi họ thấy các công nhân chụp ảnh một cuộc diễu hành độc lập ủng hộ Papua. Những công nhân này lúc đó đang làm việc cho nhà thầu Istaka Karya của nhà nước chuyên về xây dựng các con đường và các cây cầu nằm trong một dự án nâng cấp hạ tầng cơ sở ở tỉnh nghèo đói này.
Các cuộc tấn công này được xem là tồi tệ nhất ở Papua kể từ khi quân ly khai tiến hành cuộc nổi dậy ở mức độ thấp cách đây gần 50 năm.
Vụ sát hạt hôm 2/12 xảy ra cùng thời gian với việc bắt giữa hơn 500 nhà hoạt động Papua – những người đã tiến hành các cuộc diễu hành hôm 1/12, là ngày mà Papua ăn mừng kỷ niệm tuyên bố độc lập khỏi chế độ thuộc địa của Hà Lan. Jakarta chiếm Papua bằng vũ lực vào năm 1963 và chính thức thôn tính khu vực này sau một cuộc thăm dò được Liên hợp quốc hậu thuẫn vào năm 1969 nhưng được coi là có nhiều sai phạm.
https://www.voatiengviet.com/a/quan-ly-khai-qiet-hang-chuc-cong-nhan-papua-o-indonesia/4686594.html