Tin khắp nơi – 25/11/2018
Mỹ cho rằng quân đội của mình
khó địch nổi Nga, TQ
Theo trang tin Đông Phương, ngày 14.11, Ủy ban chiến lược quốc phòng Mỹ đã công bố bản báo cáo thường niên cho rằng, trong cuộc xung đột trong tương lai, quân đội Mỹ có thể sẽ chịu tỷ lệ thương vong và tổn thất về tiền của khó có thể chịu đựng được; thậm chí có thể thua trắng trong cuộc chiến tranh với Nga và Trung Quốc.
Báo cáo của Ủy ban chiến lược quốc phòng Mỹ cho rằng ưu thế chiến lược của quân đội Mỹ ngày càng mất dần và đã tới mức nguy hiểm.
Bản báo cáo nhận định: “So với mấy chục năm trước đây, mức độ an toàn và chỉ số hạnh phúc của Mỹ đang ở mức nguy hiểm, ưu thế chiến lược của quân đội Mỹ ngày càng mất dần và đã tới mức nguy hiểm”. Được biết Ủy ban chiến lược quốc phòng – nơi soạn thảo báo cáo này là một ủy ban độc lập gồm 12 thành viên là các cựu quan chức và chuyên gia về an ninh quốc gia.
Trong tương lai, quân đội Mỹ có thể không địch nổi Nga, Trung
Theo bản báo cáo, do cục diện quốc tế thay đổi, ưu thế của quân đội Mỹ đang bị suy giảm, lợi ích của Mỹ bị đe dọa, cán cân lực lượng quân sự ở các khu vực Đông Âu, Trung Đông và Thái Bình Dương phát sinh biến đổi gây nên nguy cơ an ninh, thậm chí Mỹ lâm vào “trạng thái khẩn cấp”. Những biến đổi đó không chỉ làm tổn thương lòng tin của các đồng minh của Mỹ, đồng thời còn làm gia tăng khả năng xảy ra xung đột quân sự.
Báo cáo cảnh báo: “Trong cuộc xung đột sắp tới, quân đội Mỹ có thể sẽ chịu tỷ lệ thương vong cao khó tưởng tượng nổi, sức của cũng bị tổn thất rất lớn. Quân đội Mỹ có thể chỉ thắng một cách không mấy vẻ vang và cũng có thể thua trắng trong một cuộc chiến tranh với Trung Quốc hoặc với Nga”.
Báo cáo viết: “Sự thách thức của Nga và Trung Quốc đối với Mỹ và đồng minh lớn hơn bất cứ đối thủ nào kể từ sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc. Nếu Mỹ buộc phải nghênh chiến với Nga tại biển Baltic hoặc giao chiến với Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan thì Mỹ có thể sẽ đối mặt với thất bại quân sự mang tính quyết định”.
Trong những năm gần đây, Mỹ tập trung vào chiến tranh chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan. Trong khi kẻ thù của Mỹ lại tập trung tinh lực nghiên cứu cách thức đánh bại Mỹ. Quân đội Mỹ đang mất đi ưu thế trong các lĩnh vực tác chiến then chốt. Các lĩnh vực này bao gồm lực lượng không chiến và phòng ngự tên lửa, tác chiến mạng và không gian, chống tàu mặt nước và chống ngầm, hỏa lực mặt đất tầm xa và tác chiến điện tử.
Báo cáo cho rằng, mối nguy hiểm của quân đội Mỹ sẽ càng lớn khi buộc phải tác chiến ở hai hay nhiều phía. Nguyên tắc chiến lược mà Mỹ cần tuân thủ là “đồng thời đánh thắng hai cuộc chiến tranh”.
Trung, Nga tìm kiếm bá quyền khu vực, Mỹ đối mặt với nhiều thử thách
Báo cáo của Ủy ban chiến lược quốc phòng Mỹ viết, nước Mỹ hiện đang đối mặt với một loạt cạnh tranh và xung đột. Các nước có quyền uy, đặc biệt là Trung Quốc và Nga hiện đều đang mưu cầu bá quyền khu vực và nỗ lực mở rộng lực lượng trên toàn cầu. Hai nước này dốc sức xây dựng lực lượng quân sự, mục tiêu là nhằm triệt tiêu sức mạnh quân đội Mỹ. Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức gay go nhất kể từ sau khi kết thúc Chiến Tranh Lạnh. Những năm gần đây, do Iran và Triều Tiên đều đang phát triển các vũ khí tiên tiến hơn, sự uy hiếp của họ đối với nước Mỹ cũng đang lớn thêm. Ngoài ra, Mỹ còn phải đối mặt với mối đe dọa từ các tổ chức phi quốc gia như các nhóm Hồi giáo thánh chiến cực đoan.
Các quốc gia và đối thủ phi quốc gia này tiến hành đọ sức với Mỹ ngày càng nhiều ở các “khu vực màu xám” khắp nơi trên toàn cầu. Tức là không sử dụng thủ đoạn chiến tranh mà uy hiếp ngoại giao và kinh tế, thao túng truyền thông, tấn công mạng, lợi dụng lực lượng bán quân sự và những lực lượng đại diện để đối phó. Sự phát triển trí tuệ nhân tạo và truyền bá công nghệ cao cũng gặm nhấm dần ưu thế của Mỹ, gây nên những thách thức mới.
Bản báo cáo cũng đặc biệt chỉ ra những nhân tố nội tại của Mỹ khiến ưu thế quân sự suy giảm, như công năng chính trị mất đồng bộ, dự toán ngân sách không ổn định và đầu tư quốc phòng giảm.
Phương hướng của “Chiến lược an ninh quốc phòng” mới
Báo cáo cũng đưa ra đánh giá về Chiến lược an ninh quốc phòng do Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đề ra hồi tháng 1.2018. Trong chiến lược an ninh quốc phòng mới này, Trung Quốc và Nga bị coi là thách thức lớn nhất đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Báo cáo đánh giá, phương hướng cơ bản của chiến lược mới này là đúng đắn, nhưng lại không chỉ ra Mỹ cần phải làm thế nào để đạt được mục tiêu đó.
Theo Ủy ban chiến lược quốc phòng, do ngân sách không đủ và gánh nặng của quân đội trên toàn cầu quá lớn nên quân đội Mỹ khó có thể hoàn thành được mục tiêu trung tâm của chiến lược an ninh quốc phòng. Ví dụ, làm thế nào đánh bại được nước lớn đối thủ cạnh tranh đồng thời vẫn duy trì được sự uy hiếp tại các khu vực khác. Báo cáo viết, Mỹ phải đối mặt với ít nhất 5 thách thức an ninh ở 3 khu vực địa lý lớn. Đây là một nhược điểm lớn của Mỹ. Để ứng phó với những thách thức như thế, Bộ Quốc phòng cần có sự điều chỉnh, cải thiện nhanh chóng và với mức độ lớn.
Báo cáo kiến nghị tăng thêm dự toán quốc phòng, phát triển mạng và năng lực hạt nhân
Bản báo cáo đưa ra 32 điều kiến nghị. Ủy ban chiến lược quốc phòng Mỹ kêu gọi tăng thêm chi tiêu ngân sách quốc phòng từ 3 – 5% sau khi trừ đi tỷ lệ lạm phát, “nếu không Bộ Quốc phòng phải tu sửa mục tiêu chiến lược toàn cầu của Mỹ hoặc dự báo chiến lược”.
Không gian mạng là một lĩnh vực được các tác giả báo cáo đặc biệt quan tâm khi họ viết: “Một sự thực rất đau lòng là, trong không gian mạng, Mỹ không thể đối đầu có hiệu quả với các đối thủ cạnh tranh hoặc uy hiếp họ”.
Về năng lực hạt nhân, các tác giả lo ngại sự đầu tư của Mỹ không bằng các địch thủ tiềm tàng. Ủy ban này ủng hộ bản “Đánh giá tình trạng hạt nhân” được công bố đầu năm nay. Mong muốn chính phủ tăng cường đổi mới vũ khí hạt nhân, nghiên cứu vũ khí hạt nhân kiểu mới, nâng cao khả năng đe dọa hạt nhân.
Báo cáo cũng đề xuất các kiến nghị ứng phó với Trung Quốc và Nga. Để có thể đối phó được với Trung Quốc tại Tây Thái Bình Dương, Ủy ban đề nghị đầu tư thêm nhiều máy bay vận tải quân sự tầm xa và các thiết bị tác chiến dưới nước. Họ cũng đề nghị tiếp tục xây dựng NATO, đặc biệt là xây dựng các quốc gia phía Đông và biển Baltic để đối kháng với Nga.
Nhận xét về bản báo cáo này, Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) nói trong tuyên bố chính thức: sự mô tả môi trường an ninh mà Mỹ đang gặp phải, nhắc nhở nghiêm khắc về tính khốc liệt của những vấn đề này. Đồng thời cũng là kèn hiệu đánh thức hành động. Bộ Quốc phòng hoan nghênh bản báo cáo của Ủy ban chiến lược quốc phòng và sẽ tích cực xem xét những kiến nghị của họ.
http://biendong.net/doc-bao-viet/24912-my-cho-rang-quan-doi-cua-minh-kho-dich-noi-nga-tq.html
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung
trở lại điểm xuất phát
Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa, Hội nghị cấp cao Tập đoàn 20 quốc gia (G-20) sẽ khai mạc tại Buenos Aires. Theo kế hoạch dự kiến, hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Tập Cận Bình sẽ tiến hành hội đàm về vấn đề tranh chấp mậu dịch giữa hai nước Mỹ – Trung. Tuy nhiên, ngày 21.11 cố vấn kinh tế Nhà Trắng Peter Navarro và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã lần lượt ra tuyên bố chỉ trích Trung Quốc không hề thay đổi cách làm “không công bằng” – vấn đề cốt lõi của cuộc chiến mậu dịch giữa hai bên. Đồng thời ngầm ám chỉ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ xảy ra cuộc đọ sức trực diện tại Hội nghị G-20 về vấn đề mậu dịch.
10 ngày trước cuộc gặp gỡ Donald Trump – Tập Cận Bình, báo cáo của USTR chỉ rõ: 8 tháng sau khi có bản báo cáo điều tra đầu tiên, Trung Quốc không hề thay đổi về căn bản kiểu mậu dịch không công bằng, bất hợp lý và bóp méo thị trường của họ.
Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) ngày 20.11 cũng công bố bản báo cáo điều tra cập nhật (update) về “Điều khoản 301” đối với hành vi lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ và chính sách chuyển nhượng kỹ thuật của Trung Quốc. Ông Robert Lighthizer nói trong văn bản tuyên bố: “Chúng tôi đã hoàn thành bản báo cáo cập nhật này. Đây là một phần trong công tác tăng cường giám sát và thực thi pháp luật của chính phủ khóa này”. Ông nói: “Bản báo cáo mới cập nhật cho thấy, sau 8 tháng sau khi có bản báo cáo điều tra đầu tiên, Trung Quốc không hề thay đổi về căn bản kiểu mậu dịch không công bằng, bất hợp lý và bóp méo thị trường của họ. Cách làm này của họ (Trung Quốc) chính là chủ đề của bản báo cáo điều tra về điều 301 đã công bố hồi tháng 3.2018”.
Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 21.11, các nhà quan sát và nhân sĩ giới phân tích am hiểu cuộc chiến mậu dịch Trung – Mỹ cho rằng, bản báo cáo điều tra cập nhật Điều 301 mà USTR vừa công bố hôm 20.11 rõ ràng là một nhiễu loạn lớn xuất hiện trước khi diễn ra cuộc gặp gỡ Donald Trump – Tập Cận Bình bên lề Hội nghị cấp cao G-20.
Trong bản báo cáo, USTR cho rằng, Trung Quốc không trả lời một cách xây dựng bản báo cáo điều tra đầu tiên về Điều 301 và cũng không áp dụng bất cứ hành động thực chất nào để giải quyết nỗi lo ngại của Mỹ. USTR cũng bổ sung, Trung Quốc đã bày tỏ một cách rõ ràng rằng họ không vì bản báo cáo điều tra đầu tiên về Điều 301 đó mà thay đổi chính sách của mình.
USTR khẳng định, Trung Quốc đang tiếp tục thực hiện chính sách và cách làm của họ, ủng hộ dùng phương thức tấn công mạng để lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ và tiếp tục hành vi kỳ thị về hạn chế giấy phép công nghệ. Điều này có nghĩa là một loạt các sự kiện đối đầu và xung đột từ sau ngày 22.3 đến nay đã quay trở lại điểm xuất phát ban đầu.
Các nhân sĩ trong giới kinh doanh rất kỳ vọng vào cuộc đối thoại Mỹ – Trung tại Argentina; trông chờ cuộc đàm phán giữa hai ông Lưu Hạc và Steven Mnuchin có thể đạt kết quả tại nơi ít bị nhiễu loạn này. Tuy nhiên, xét từ cục diện hiện nay, sự cản trở từ Washington không chỉ là những tạp âm từ giới lãnh đạo cấp cao; hành động của Washington từ nay về sau sẽ sử dụng cây gậy thay vì củ cà rốt, là điều hầu như chắc chắn.
Ngoài ra, bản báo cáo của USTR viết: “Trung Quốc tuy đã nới lỏng một phần hạn chế đối với các công ty vốn nước ngoài, nhưng chính phủ Trung Quốc vẫn không ngừng lợi dụng việc hạn chế doanh nhân nước ngoài đầu tư để yêu cầu gây sức ép buộc các công ty Mỹ phải chuyển nhượng công nghệ cho các thực thể Trung Quốc”. Thêm nữa, việc ông Robert Lighthizer phát biểu nhấn mạnh “trong 8 tháng qua, Trung Quốc hầu như không áp dụng bất cứ biện pháp gì để ứng phó với những nội dung trong bản báo cáo điều tra đầu tiên”, càng khiến cho không khí giữa Bắc Kinh và Washington đột nhiên căng thẳng thêm.
Trong cùng một ngày, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow khi trả lời phỏng vấn của hãng FoxNews đã cho rằng cuộc đối thoại Mỹ – Trung ở Argentina “vẫn có cơ hội”. Ông thậm chí cho rằng cục diện hiện nay có sự cải thiện so với 2, 3 tuần trước, thậm chí hồi tháng 10; tựa hồ quan hệ hai bên đang có sự hòa dịu, thậm chí có dấu hiệu “nhượng bộ” nhau.
Có điều, mọi tiếng nói từ Washington cuối cùng đều cần có sự phản hồi tối hậu từ từ giới cao cấp chính phủ, thậm chí từ người đứng đầu. Ví như thái độ của ông Donald Trump vẫn khá kiên quyết. Ông trước sau cho rằng bất cứ hiệp nghị nào cũng đều phải phù hợp lợi ích nước Mỹ và nhấn mạnh Trung Quốc cần phải giải quyết các vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, rào cản thuế quan và chuyển nhượng công nghệ.
Trong không khí đó, tuy giới kinh tế Mỹ trông chờ hai nước đối thoại, hưu chiến, nhưng thái độ kiên quyết và dư luận của phía Mỹ rất khó để hai nước trực tiếp nhượng bộ. Khi mà người có lập trường cứng rắn với Trung Quốc như Đại diện thương mại Robert Lighthizer thậm chí công khai phủ nhận thành quả giải quyết va chạm mậu dịch suốt 8 tháng qua của hai bên, e rằng chính phủ Donald Trump vốn luôn “hy vọng chuỗi cung ứng toàn cầu và ngành chế tạo thế giới quay trở lại với nước Mỹ” khó có thể nở nụ cười với Bắc Kinh được.
Thực ra, bản báo cáo mới nhất của USTR và tuyên bố của ông Robert Lighthizer có thể đã thể hiện lập trường và thái độ hiện nay của phía Mỹ. Nó cũng là sự kéo dài những xung đột giữa hai bên vừa mới xảy ra tại Hội nghị cấp cao APEC.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ, việc Hội nghị cấp cao APEC không ra được Tuyên bố chung, nguyên nhân chủ yếu là “cá biệt thực thể kinh tế” kiên trì áp đặt chủ nghĩa bảo hộ của họ. Chính phủ Mỹ trong tuyên bố của mình cũng nêu rõ, Mỹ sẽ tiếp tục đả phá “thứ mậu dịch
không công bằng”; cộng thêm trước khi đến dự hội nghị, Phó tổng thống Mike Pence còn đe dọa tăng thuế, yêu cầu “Trung Quốc khuất phục các yêu cầu của phía Mỹ”. Thái độ này có lẽ sẽ quyết định tình trạng quan hệ Mỹ – Trung không dễ gì phát triển theo hướng lạc quan.
Đa Chiều cho rằng, về lâu dài Donald Trump và những người thân cận của ông đối với vấn đề cuộc chiến mậu dịch Mỹ – Trung có thể sẽ không vì kinh tế Mỹ năm 2018 suy thoái mà thay đổi. Bởi phía Washington luôn nhận định sự phát triển công nghệ của Trung Quốc là kết quả của việc Mỹ buông lỏng quản chế xuất khẩu công nghệ và Trung Quốc áp dụng những thủ đoạn không chính đáng để lấy cắp công nghệ của Mỹ. Vì vậy, Mỹ cần phải xây dựng bức “trường thành công nghệ” khiến tiến bộ về khoa học kỹ thuật của Trung Quốc bị ngưng trệ lại để đảm bảo cho ưu thế của Mỹ.
Đa Chiều kết luận: mặc dù hiện trạng vấn đề công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc có thể trái ngược với dự liệu của các giới Washington; nhưng báo cáo mới nhất của Robert Lighthizer đã thể hiện phía Mỹ rất tin vào quan điểm này. Vào lúc Donald Trump trước sau vẫn nhấn mạnh “không cho phép Trung Quốc và các nước khác chiếm lợi thế về mậu dịch trước Mỹ”, có lẽ Bắc Kinh khi chuẩn bị cho cuộc đối thoại Tập Cận Bình – Donald Trump tại Argentina cũng đã phát hiện ra một sự thật tàn khốc: sự đối đầu Trung – Mỹ sau 8 tháng giờ đây lại quay trở lại xuất phát diểm khi mới xảy ra cuộc chiến.
Trong một bản tin phát đi ngày 21.11, VOA cho biết, sáng ngày 20, ông Lary Kudlow nói, nếu kế hoạch đàm phán tại Washington tan vỡ, ông dự đoán Mỹ và Trung Quốc sẽ xảy ra xung đột trực tiếp tại Hội nghị G-20. Ông nói: “Hội nghị cấp cao G-20 là thời khắc có tính quyết định. Đây là thời điểm then chốt”. Ông nói, Tổng thống Donald Trump lạc quan rằng sẽ đạt được hiệp nghị vì ông ấy tin là người Trung Quốc muốn đạt được một hiệp nghị.
Trong khi đó, ông Matthew Goodman, Cố vấn cao cấp về kinh tế châu Á của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ (CSIS) lại cho rằng, có khoảng 50% cơ hội để hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình đạt được một hiệp nghị “đình chiến” trong thời gian diễn ra Hội nghị cấp cao G-20. Ông nói: “Tôi có dự cảm sẽ đạt được hiệp nghị “ngừng bắn” ở mức độ nào đó, đương nhiên dự đoán đó có chút mạo hiểm. Tôi nói như vậy bởi cả Tổng thống Donald Trump lẫn Chủ tịch Tập Cận Bình đều có động cơ tạm ngừng cuộc tranh chấp hiện nay”.
http://biendong.net/diem-tin/24913-cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-tro-lai-diem-xuat-phat.html
Những dấu hiệu Mỹ – Trung ‘ngừng bắn’
trước cuộc gặp Trump – Tập
Nhằm tạo đà để chiến tranh thương mại có thể kết thúc bằng cuộc gặp Trump – Tập, Trung Quốc cho tàu sân bay Mỹ cập cảng Hong Kong.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan cùng nhóm tàu hộ tống ngày 21/11 cập cảng Hong Kong, hai tháng sau khi Bắc Kinh từ chối cho tàu đổ bộ tấn công USS Wasp thăm cảng ở đặc khu này.
“Đây là một cử chỉ thân thiện của Trung Quốc trước cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Trump ở Argentina” bên lề hội nghị G20 vào cuối tháng này, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh Zhou Chenming nhận xét, theo SCMP.
“Tất cả mọi người ở Trung Quốc đều đang hy vọng về một ‘lệnh ngừng bắn’ sau khi hai lãnh đạo gặp nhau tại Buenos Aires trong hai tuần nữa, bởi vì thương mại đã đem lại những lợi ích kinh tế to lớn”.
Mỹ áp thuế với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc khiến Trung Quốc đáp trả bằng cách áp thuế với 110 tỷ USD hàng Mỹ. Căng thẳng thương mại cũng lan sang cả quân sự. Ngày 30/9, một tàu Trung Quốc đã áp sát chiến hạm Mỹ ở Biển Đông, có thời điểm chỉ cách mũi tàu Mỹ khoảng 40 m, khiến nó phải đổi hướng để tránh va chạm.
Nhà quan sát quân sự tại Macau Antony Wong Dong nhận xét việc Trung Quốc cho phép tàu USS Ronald Reagan thăm cảng là “dấu hiệu tốt” cho thấy Bắc Kinh đã linh hoạt hơn trong lĩnh vực ngoại giao quân sự.
Chỉ huy quân đội Trung Quốc tại Hong Kong Tan Benhong cùng một số sĩ quan Bắc Kinh ngày 20/11 được mời lên thăm USS Ronald Reagan khi nhóm tàu đang trên đường tới Hong Kong. Các quan chức Trung Quốc và nhóm phóng viên địa phương được đưa lên tàu bằng vận tải cơ C-2 và quan sát biên đội chiến đấu cơ F-18 diễn tập cất, hạ cánh.
Li Jie, nhà phân tích hải quân tại Bắc Kinh, cho rằng đây là một “cơ hội rất hiếm” để quan chức quân đội cấp cao Trung Quốc xem tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể giúp 4 chiến đấu cơ đồng loạt cất cánh bằng các máy phóng hơi nước như thế nào.
“Việc Trung Quốc đồng ý cho Mỹ cập cảng và lời mời của hải quân Mỹ với tướng Tan cho thấy cả lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đều nhận ra rằng quan hệ Mỹ – Trung có thể tiếp tục căng thẳng nhưng họ không muốn nó sụp đổ hoàn toàn”, Li nói, nhận xét thêm rằng chuyến thăm tàu của ông Tan cho thấy hai quân đội có “niềm tin chính trị”.
“Trao đổi quân sự cấp cao chỉ có thể được duy trì nếu có quan hệ chính trị và ngoại giao ổn định”, ông nói.
Ngoài ra, Li cho rằng cũng có khả năng hải quân Mỹ muốn sử dụng cơ hội này để thể hiện sức mạnh quân sự, cho các quan chức Trung Quốc thấy rằng họ vẫn còn rất khó có thể bắt kịp Mỹ trong công nghệ tàu sân bay.
Bắc Kinh và Washington đã có một số động thái tránh làm trầm trọng bầu không khí trước cuộc gặp Trump – Tập. Tuần trước, ông Tập và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence có những bài phát biểu công kích lẫn nhau tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Khi Bộ ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố phản bác ông Pence, họ chỉ nhằm vào các ngôn từ trong phát biểu của Phó tổng thống Mỹ mà tránh đề cập đến chính quyền Trump hay Trump.
Trump cũng giảm đáng kể các bài đăng trên Twitter về Trung Quốc. Ông đã không đăng Twitter về cuộc chiến thương mại kể từ ông điện đàm với ông Tập hồi đầu tháng này. Tổng thống Mỹ ngày 16/11 nói rằng ông có thể không áp thêm thuế với hàng hoá Trung Quốc sau khi Bắc Kinh gửi cho Washington danh sách những biện pháp sẵn sàng thực hiện để giải quyết căng thẳng thương mại.
“Thật khó đoán được kết quả của hội nghị thượng đỉnh Trump – Tập”, Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nói. “Hy vọng lạc quan nhất là Mỹ và Trung Quốc sẽ đồng ý ngừng chiến tranh thương mại”.
Cố vấn diều hâu Mỹ
bị loại khỏi cuộc gặp Trump – Tập
Peter Navarro, quan chức ủng hộ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, sẽ không góp mặt tại sự kiện quan trọng giữa lãnh đạo hai nước ở Argentina.
“Cố vấn Hội đồng Thương mại Quốc gia Peter Navarro sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh”, SCMP dẫn nguồn tin giấu tên hôm qua tiết lộ, đề cập tới cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại thủ đô Buenos Aires của Argentina vào ngày 1/12.
Washington và Bắc Kinh vẫn đang lên danh sách cố vấn được tham gia sự kiện quan trọng, có thể quyết định quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong nhiều năm tới. Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập đang chuẩn bị cho bữa tối làm việc tại Buenos Aires, mỗi người dự kiến mang theo 6 quan chức.
Quyết định loại Navarro, quan chức chủ chốt trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc, khỏi sự kiện tại Argentina được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đều tỏ ý muốn đạt tiến triển, giải quyết bất đồng thương mại trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới.
Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow hôm 20/11 cho biết Trump sẽ “đưa thông điệp tích cực” vào các cuộc đàm phán với Trung Quốc. “Tổng thống tin rằng Bắc Kinh sẽ muốn đạt được một thỏa thuận”, Ludlow tiết lộ, khẳng định chính phủ hai nước đang duy trì liên lạc ở nhiều cấp độ.
Những người có thể tháp tùng Trump trong cuộc gặp lãnh đạo Trung Quốc gồm Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad.
Peter Navarro là quan chức “diều hâu” có quan điểm phản đối Trung Quốc, luôn muốn gây thêm áp lực với Bắc Kinh. Ông thường xuyên có mâu thuẫn với Kudlow, người theo đuổi giải pháp giữ quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) hồi đầu tháng, Navarro cáo buộc một số người Mỹ không được nêu tên đang hành động như “đặc vụ nước ngoài không hưởng lương”, tìm cách đưa “ý chí của Goldman Sachs và Phố Wall” vào một thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc.
http://biendong.net/doc-bao-viet/24916-co-van-dieu-hau-my-bi-loai-khoi-cuoc-gap-trump-tap.html
Hoa Kỳ và Mexico tuyên bố trái ngược nhau
về vấn đề di dân
Washington, DC / Mexico – Hôm thứ Bảy (24 tháng 11), Tổng thống Donald Trump đã đăng dòng tweet thông báo rằng người di dân ở biên giới Hoa Kỳ – Mexico sẽ ở lại Mexico cho đến khi đơn xin tỵ nạn của họ được tòa án Hoa Kỳ phê chuẩn, nhưng tân Bộ trưởng Nội vụ Mexico đã phủ nhận và tuyên bố là hai nước chưa từng có thỏa thuận này.
Bộ trưởng Olga Sanchez Cordero kiêm viên chức chính sách đối nội cao cấp của tân Tổng thống Mexico, Manuel Lopez Obrador nói với Reuters rằng, chính phủ Mexico đang thảo luận với Hoa Kỳ, và nhấn mạnh Mexico không thể đạt được thỏa thuận như Tổng thống Trump đưa ra vì chính phủ vẫn đang chuyển giao quyền lực. Dù để ngỏ khả năng cho phép đoàn người di dân chờ đợi xét duyệt tỵ nạn trên lãnh thổ Mexico, nhưng bà Sanchez đã loại bỏ khả năng Mexico tuyên bố là “quốc gia thứ ba an toàn” cho người tỵ nạn theo như tờ Washington Post đưa tin.
Trước đó, tờ Washington Post đưa tin rằng người di dân sẽ ở lại Mexico trong quá trình xét duyệt tỵ nạn vào Hoa Kỳ, thông qua đó, Hoa Kỳ có thể chấm dứt chính sách “bắt rồi thả,” vốn cho phép người di dân được thả và sống tại Hoa Kỳ trước khi đơn xin tỵ nạn được phê chuẩn. Tờ báo còn dẫn lời các viên chức Mexico và thành viên cao cấp của Tổng thống Lopez Obrador, cho biết thỏa thuận giữa hai nước sẽ phá vỡ các quy tắc tỵ nạn và ngăn cản người Trung Mỹ xin tỵ nạn ở Hoa Kỳ. Nếu Mexico thực sự thừa nhận là “bên thứ ba an toàn”, những người tỵ nạn sẽ cần khai báo tình trạng di trú tại Mexico thay vì tại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động xã hội nhận định Mexico không an toàn để người tỵ nạn có thể ở lại lâu dài. Giám đốc Alison Leal Parker của tổ chức Human Rights Watch tại New York cho rằng thỏa thuận là nỗ lực thảm hại của Hoa Kỳ để rũ bỏ trách nhiệm và người di dân sẽ gặp nguy hiểm ở Mexico. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-va-mexico-tuyen-bo-trai-nguoc-nhau-ve-van-de-di-dan/
Tuyết rơi dày, kèm theo gió lớn
đổ bộ khu vực trung tây Hoa Kỳ
Theo đài CBS, tuyết rơi dày và gió lớn có thể sẽ đổ bộ từ khu vực Great Plains đến vùng Trung Tây vào Chủ Nhật (25 tháng 11).
Nhà khí tượng Jacob Wycoff của CBS Boston cho biết sức gió có thể lên đến 35 dặm/giờ dưới trời tuyết và tầm nhìn sẽ giảm xuống còn 25 dặm. Ngoài ra, lượng tuyết rơi sẽ vào khoảng 6 đến 12 inch khắp các tiểu bang ở trung tâm vùng Great Plains, bao gồm các tuyến đường lớn như xa lộ I-80 qua Des Moines và xa lộ I-70 qua thành phố Kansas.
Trong khi đó, khuyến cáo bão tuyết đang có hiệu lực ở tiểu bang Chicago ??
khi cơn bão được tiên đoán sẽ đổ bộ vào 6 giờ 30 tối Chủ Nhật.
Hiện nay, tiểu bang Colorado đã có tuyết rơi và gió lớn, gây ra nhiều vụ tai nạn và điều kiện di chuyển trên các tuyến đường suy giảm, buộc chính quyền phải phong tỏa xa lộ Interstate 70 đi qua tiểu bang Colorado.
Trung tâm Khí tượng Quốc gia tiên đoán lượng tuyết rơi dày 16 inch kèm theo gió lớn 50 dặm/giờ sẽ gây ra thời tiết buốt giá và tuyết sẽ phủ trắng. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tuyet-roi-day-kem-theo-gio-lon-do-bo-khu-vuc-trung-tay-hoa-ky/
Nhà Trắng nói báo cáo khí hậu mới
dựa trên ‘tình huống cực đoan’
Chính quyền Trump hạ giảm tầm quan trọng của một báo cáo công bố hôm thứ Sáu mà trong đó có những cảnh báo nghiêm trọng về tác động của biến đổi khí hậu ở Mỹ. Nhà Trắng nói nghiên cứu này phần lớn dựa trên “tình huống cực đoan nhất” và không xét tới công nghệ mới và các sáng kiến khác có thể làm giảm lượng phát thải carbon và các tác động của biến đổi khí hậu.
Đánh giá Khí hậu Quốc gia, ấn bản thứ tư của một báo cáo được Quốc hội chỉ định thực hiện về biến đổi khí hậu, lưu ý rằng thiên tai do thời tiết gây ra sẽ trở nên phổ biến hơn. Báo cáo được chuẩn bị bởi hơn 300 nhà nghiên cứu tại 13 bộ và cơ quan của chính phủ Mỹ, dự báo rằng những sự kiện đó sẽ trở nên phổ biến và nghiêm trọng hơn nếu các bước không được thực hiện để “tránh những thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế, môi trường và sức khỏe con người và sự an lạc trong những thập niên tới.”
Phúc trình cảnh báo hiểm họa khôn lường của biến đổi khí hậu
Phát ngôn viên Nhà Trắng Lindsay Walters lưu ý rằng công tác thực hiện bản đánh giá này bắt đầu dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và sử dụng nhiều tình huống tạo lập mô hình để đánh giá các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nhưng báo cáo công bố hôm thứ Sáu, theo bà Walters, phụ thuộc quá nhiều vào tình huống xấu nhất.
“Báo cáo phần lớn dựa trên tình huống cực đoan nhất, mâu thuẫn với xu hướng được xác lập lâu nay bằng việc mặc định rằng, dù tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sẽ làm tăng phát thải khí nhà kính, sẽ có ít công nghệ và sự canh tân và dân số sẽ gia tăng nhanh chóng,” bà Walters nói trong một phát biểu.
Bà cho biết đánh giá khí hậu kế tiếp, sẽ được chuẩn bị trong bốn năm tới, sẽ “thể hiện một quá trình minh bạch hơn và phụ thuộc nhiều hơn vào dữ liệu mà sẽ bao gồm thông tin đầy đủ hơn về các tình huống và kết quả tiềm năng.”
Bà Walters cũng chỉ ra rằng, kể từ năm 2005, lượng phát thải carbon dioxide liên quan đến sản xuất năng lượng ở Mỹ đã giảm 14 phần trăm, trong khi lượng phát thải toàn cầu tiếp tục tăng.
Dù điều này đúng, Mỹ vẫn là nước phát thải carbon dioxide lớn thứ hai rên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Chính quyền Trump đã rút lại một số quy định về môi trường được ban hành dưới thời chính quyền Obama và đã thúc đẩy sản xuất nhiên liệu hóa thạch.
Năm ngoái, Tổng thống Trump tuyên bố ý định của ông rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris năm 2015, được kí kết bởi gần 200 quốc gia để chống lại tình trạng biến đổi khí hậu. Ông lập luận rằng thỏa thuận này sẽ làm tổn hại nền kinh tế của Mỹ và cho biết có rất ít bằng chứng về lợi ích của nó đối với môi trường.
Ông Trump, cũng như một số thành viên Nội các của ông, cũng đã tỏ ra hoài nghi về khoa học biến đổi khí hậu, nói rằng nguyên nhân của sự tăng nhiệt toàn cầu vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Thành phố Tijuana tuyên bố khủng hoảng nhân đạo
Tijuana, Mexico – Theo đánh giá của Reuters, trẻ em vị thành niên không có người lớn đi kèm và những người di dân khác có thể là nạn nhân của những tội phạm ở thành phố biên giới Mexico Tijuana, nơi hàng ngàn người dân Trung Mỹ có thể bị kẹt lại nhiều tháng trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump thắt chặt luật tỵ nạn. Hiện tại, có đến 4,600 người di dân đang ở thành phố Tijuana, tạm trú tại một sân vận động không đủ sức chứa và thiếu thốn thức ăn.
Vào thứ Năm (ngày 22 tháng 11), Thị trưởng thành phố Tijuana, Juan Manuel Gastelum đã tuyên bố rằng, một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra tại thành phố, và mức phí hỗ trợ thức ăn và nơi ở những người di dân đã lên đến 25,000 Mỹ kim mỗi ngày. Thị trưởng Gastelum cũng yêu cầu viện trợ từ các tổ chức quốc tế.
Trong số những người Trung Mỹ, hầu hết là những người đến từ Honduras đang chạy trốn khỏi bạo lực và nghèo đói tại quê nhà, và có đến hơn 80% trẻ vị thành niên trong độ tuổi từ 10 đến 17. Những đứa trẻ này có thể trở thành mục tiêu cho bạo lực tại thành phố Tijuana, vì theo viện nghiên cứu Eguridad Justicia y Paz, thành phố này đứng thứ năm về mức độ bạo lực trên toàn thế giới, với tỷ lệ giết người cao hơn so với các thành phố quê nhà mà người di dân Trung Mỹ đang chạy trốn.
Trong nhiều tuần qua, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã phẫn nộ trước đoàn người di dân. Để giải quyết vấn đề, Tổng thống Trump đã gửi binh lính từ quân đội Hoa Kỳ đến biên giới Hoa Kỳ – Mexico để hỗ trợ, cho phép binh lính sử dụng vũ lực và bên cạnh đó đe dọa sẽ đóng cửa hoàn toàn khu vực biên giới nếu đoàn di dân không ngừng lại. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/thanh-pho-tijuana-tuyen-bo-khung-hoang-nhan-dao/
Liên Hiệp Quốc quyết định miễn trừng phạt
Nam Hàn và Bắc Hàn
Seoul, Nam Hàn – Vào thứ Bảy (ngày 24 tháng 11), Nam Hàn cho biết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã quyết định miễn trừng phạt để tạo điều kiện cho Bắc Hàn và Nam Hàn tiến hành một cuộc khảo sát, nhằm nối lại các tuyến hỏa xa liên Triều.
Vào tháng Tư, lãnh đạo hai bên đã đồng lòng tiến hành các bước để nối lại các tuyến hỏa xa và đường bộ như là một phần của nỗ lực cải thiện mối quan hệ song phương. Phát ngôn viên Nam Hàn Kim Eui-kyeom cho biết, quyết định miễn trừng phạt của Liên Hiệp Quốc cho thấy dự án này đã giành được sự công nhận và ủng hộ từ Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế, và ông hy vọng tuyến hỏa xa sẽ được xây dựng nhanh chóng nhằm mang sự hợp tác giữa Nam Hàn và Bắc Hàn lên một tầm cao mới.
Hãng thông tấn Yonhap cho biết, Nam Hàn đã từng yêu cầu miễn trừng phạt để có thể vận chuyển xăng dầu và những nguyên liệu cần thiết để phục vụ cho công tác khảo sát ở Bắc Hàn. Bắc Hàn đang phải đối mặt với rất nhiều lệnh trừng phạt từ Liên Hiệp Quốc vì vũ khí nguyên tử và các chương trình hỏa tiễn.
Vào tháng 10, Nam Hàn và Bắc Hàn đã đồng ý thực hiện các nghiên cứu thực địa chung về kế hoạch vận tải, với một buổi lễ khởi công vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12. Nhưng kế hoạch trên đã bị trì hoãn trong bối cảnh các cuộc đàm phán bị đình trệ giữa Washington và Bắc Hàn sau một hội nghị thượng đỉnh lịch sử vào tháng Sáu, trong đó hai bên thống nhất làm việc để hướng đến phi nguyên tử hóa và hoà bình trên bán đảo Triều Tiên.
Kể từ đó, các cuộc đàm phán giữa hai nước không tạo ra được những tiến triển đáng kể, và Bình Nhưỡng tức giận khi Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt quốc tế sẽ không được rút lại trừ khi Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí nguyên tử. Hoa Kỳ đã nói với đồng minh Nam Hàn rằng họ không nên cải thiện quan hệ với Bắc Hàn trước khi nước này từ bỏ vũ khí nguyên tử. (Mộc Miên)
Lãnh đạo EU đồng ý thỏa thuận Brexit
EU vừa thông qua thỏa thuận về việc Anh quốc rút khỏi Liên minh châu Âu, và giờ còn chờ Quốc hội Anh xem xét.
Thoả thuận thương mại với Mỹ ‘quan trọng sau Brexit’
Anh: Bộ trưởng Brexit David Davis từ chức
27 lãnh đạo EU bày tỏ ủng hộ sau cuộc họp chưa đầy một giờ ở Brussels.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk hôm thứ Bảy đã xác nhận qua Twitter.
Kết quả có được sau hơn 18 tháng đàm phán, và Anh quốc sẽ rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019.
Quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu vào đầu tháng 12 nhưng chưa chắc đã thông qua vì có những phản đối trong các nghị sĩ nhiều đảng.
Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định đây là thỏa thuận tốt nhất mà bà có thể đạt được và rằng nó tôn trọng kết quả trưng cầu dân ý ở Anh.
Bà Theresa May dự kiến sẽ đi khắp Anh quốc để thuyết phục cử tri trước khi quốc hội bỏ phiếu vào tuần thứ hai của tháng 12.
Nếu các nghị sĩ bác bỏ thỏa thuận, nhiều điều có thể xảy ra, kể cả một cuộc tổng tuyển cử.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46335588
Biểu tình phản đối thuế nhiên liệu ở Pháp
biến thành bạo động
Cảnh sát Pháp đã bắn hơi cay và xịt vòi rồng để giải tán những người biểu tình bạo lực ở Paris hôm thứ Bảy, khi hàng ngàn người tụ tập ở thủ đô và xa hơn và dựng các chướng ngại vật chắn đường để bày tỏ sự tức giận về thuế nhiên liệu gia tăng.
Hàng ngàn cảnh sát đã được triển khai trên toàn quốc để kiềm chế những cuộc biểu tình kéo dài sang ngày thứ tám, vốn khởi đầu là những cuộc biểu tình chống tăng thuế nhưng sau đó biến thành biểu tình phản đối Tổng thống Emmanuel Macron và điều bị xem thái độ xa rời quần chúng của tầng lớp cầm quyền ở Pháp. Hai người đã thiệt mạng kể từ những vụ việc liên quan tới cuộc biểu tình ngày 17 tháng 11.
Những cuộc đụng độ căng thẳng trên Đại lộ Champs-Élysées kết thúc vào lúc chiều tà ngày thứ Bảy, AP đưa tin. Cảnh sát đã đối đầu với những người biểu tình đốt những tấm ván ép, cầm những biểu ngữ viết “Thuế má hãy chết đi” và lật úp một chiếc xe lớn.
Ít nhất 19 người, bao gồm bốn viên cảnh sát, bị thương nhẹ và một người chịu thương tích nặng hơn, theo cảnh sát.
Ông Macron phản ứng trong một dòng tweet với lời lẽ gay gắt: “Những kẻ tấn công (cảnh sát) thật đáng xấu hổ. Những người có hành vi bạo lực với các công dân khác thật đáng xấu hổ… Không có chỗ cho hành vi bạo lực này ở nước Cộng hòa này.”
Cảnh sát nói rằng hàng chục người biểu tình đã bị câu lưu vì “ném những vật tấn công,” trong số những hành vi khác. Đến tối, lửa vẫn âm ỉ cháy trên Đại lộ Champs-Élysées và ở quảng trường Place de la Madeleine, những chiếc xe gắn máy cháy trơ khung nằm chỏng chơ trên vỉa hè, AP tường thuật.
Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner cho biết 8.000 người biểu tình tràn xuống Đại lộ Champs-Élysées vào lúc đỉnh điểm của cuộc biểu tình và có gần 106.000 người biểu tình và 130 vụ bắt giữ trên toàn quốc.
Ông Castaner lên án những người biểu tình cực hữu mà ông gọi là “nổi loạn,” khi ông cáo buộc nhà lãnh đạo Quốc hội Marine Le Pen xúi giục họ.
Nhưng Bộ Nội vụ đã hạ giảm quy mô các cuộc biểu tình hôm thứ Bảy, chỉ ra rằng có tới 280.000 người tham gia vào cuộc biểu tình vào ngày thứ Bảy tuần trước.
Tình trạng bất ổn đang là một thách thức to lớn cho ông Macron. Tỉ lệ ủng hộ dành cho ông đã giảm mạnh trog các cuộc khảo sát ý kiến.
Nhà lãnh đạo này, người đã lên nắm quyền với tỉ lệ ủng hộ cao chỉ mới năm ngoái, là tâm điểm của cơn thịnh nộ của những người biểu tình “áo khoác vàng.” Họ cáo buộc ông, một người có lập trường trung dung ủng hộ giới doanh nghiệp, là dửng dưng trước những vất vả của người dân Pháp bình thường.
Ông Macron cho tới giờ vẫn kiên định chủ trương tăng thuế nhiên liệu mà ông cho là cần thiết để giảm sự phụ thuộc của Pháp vào nhiên liệu hóa thạch và tài trợ các khoản đầu tư năng lượng tái tạo được – nền tảng cho những cải cách quốc gia của ông. Ông sẽ bênh vực các kế hoạch mới nhằm làm cho “sự chuyển tiếp năng lượng” dễ dàng hơn vào tuần sau.
Cảnh sát Pháp xung đột với những người biểu tình
Paris, Pháp – Vào hôm thứ Bảy (24/11), cảnh sát Pháp phải bắn hơi cay và sử dụng vòi rồng để giải tán đám đông biểu tình ở Paris.
Trong hơn 1 tuần qua, hàng ngàn người dân Pháp cùng đổ ra đại lộ Champs Elysees để biểu tình quyết định tăng giá nhiên liệu, và chính sách kinh tế của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Những người biểu tình mang cờ Pháp hoặc khẩu hiệu với nội dung “Macron, từ chức” và “Macron, tên trộm.”
Khoảng 8,000 người biểu tình hội tụ trên đại lộ Champs Elysees. Cảnh sát phải cố gắng ngăn họ đến được Cung điện Elysee của Tổng thống Macron. Khi màn đêm buông xuống, đại lộ Champs-Elysees nổi tiếng vẫn còn rực sáng với những đám cháy do người biểu tình gây ra.
Tổng thống Macron bày tỏ sự biết ơn đối với lực lượng cảnh sát, vì sự can đảm và chuyên nghiệp của họ trong việc đối phó với những người biểu tình, giúp yên bình dần dần trở lại với đại lộ Champs Elysees. Trong một tin nhắn trên Twitter, ông Macron cho rằng, những người biểu tình tấn công cảnh sát thật đáng xấu hổ, và khẳng định không chỗ cho bạo lực này ở đất nước Cộng hòa này.
Trong cuộc đụng độ, một chiếc xe bị đốt cháy và nổ tung trên đại lộ Champs Elysees. Không chỉ vậy, một người đàn ông còn cố gắng tấn công những người lính cứu hỏa đang bị áp đảo bởi một số người biểu tình. Trên đại lộ Avenue de Friedland gần đó, cảnh sát bắn những quả bóng cao su đặc biệt để điều khiển đoàn người biểu tình.
Cảnh sát đã bắt giữ 130 người biểu tình ở Paris, và nhiều người ở các khu vực khác của Pháp. Theo cảnh sát, hiện có khoảng 20 người bị thương trên đại lộ Champs Elysees. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/canh-sat-phap-xung-dot-voi-nhung-nguoi-bieu-tinh/
Pháp : Bạo động trong cuộc biểu tình ”Áo vàng”,
hàng trăm người bị bắt
Sáng Chủ Nhật hôm nay, 25/11/2018, đại lộ Champs-Elysées của thủ đô Paris vẫn còn đầy dấu hoang tàn. Cuộc biểu dương chống tăng thuế xăng dầu của phe « Áo vàng » hôm thứ Bảy 24/11/2018 diễn ra trong bạo lực : ném đá, đập phá cửa hàng, trạm xe buýt, đốt rào cản… khói đen pha lẫn với khói trắng của lựu đạn cay bao trùm đại lộ đẹp nhất thế giới.
Theo bộ Nội Vụ Pháp, ngày hôm qua, được gọi là « màn hai » của phong trào chống tăng thuế xăng dầu, huy động 106.000 người trên khắp nước, nhưng chỉ có 8.000 kéo về Paris.
Tại thủ đô, đoàn biểu tình không tập trung dưới chân tháp Eiffel theo đề nghị của cảnh sát mà kéo về khu thương mại và du lịch Champs-Elysées.
Trong suốt nhiều tiếng đồng hồ, một số người biểu tình xung đột với nhân viên công lực, ném đá, lập rào cản, đốt phá … Cảnh sát và lính cứu hỏa phải can thiệp chữa cháy. Chính phủ Pháp, qua tuyên bố của bộ trưởng bộ Nội Vụ Christopher Castaner, lên án lãnh đạo phe cực hữu khuyến khích bạo động. Trong đoàn biểu tình có hàng trăm kẻ bịt mặt, mặc y phục đen trà trộn, xung đột với cảnh sát và đập phá.
Đêm hôm qua, tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố lấy làm « xấu hổ » vì những hành động bạo lực trên. Tại Paris, cảnh sát câu lưu 69 người trong số 103 người bị bắt trên khắp nước.
Theo nhận định của AFP, « màn hai » của phe Áo vàng không huy động đông đảo như trong ngày thứ Bảy đầu tiên : từ 300.000 xuống chừng 100.000. Tuy nhiên, họ vẫn được đại đa số công luận, 72%, ủng hộ.
Thứ Ba tới, tổng thống Pháp sẽ công bố chi tiết phương hướng và các phương pháp chuyển đổi sang Kinh tế Xanh, theo hướng « giảm nhẹ phần nào gánh nặng » cho xã hội.
http://vi.rfi.fr/phap/20181125-phap-bao-dong-trong-cuoc-bieu-tinh-cua-ao-vang-hang-tram-nguoi-bi-bat
Nga chặn hải quân Ukraine vào Biển Azov
Nga hôm 25/11 đã dùng tàu chở hàng lớn chắn dưới một cây cầu do Moscow kiểm soát để chặn ba tàu hải quân Ukraine tiến vào Biển Azov.
Theo Reuters, quan chức hai nước đã cáo buộc nhau có hành vi khiêu khích.
Một thỏa thuận song phương đã cho phép cả hai nước được quyền sử dụng vùng biển giữa hai nước và nối với Biển Đen qua Eo biển Kerch.
Nhưng căng thẳng ở Biển Azov leo thang kể từ khi Nga sáp nhập vùng Crimea của Ukraine gần đó năm 2014.
Moscow có thể kiểm soát việc tiếp cận giữa Biển Azov và Biển Đen sau khi xây một cây cầu bắc qua Eo biển Kerch giữa Crimea và miền nam nước Nga.
Nga trừng phạt tài chính hàng trăm cá nhân Ukraine
Reuters dẫn lời một nhân chứng cho biết trông thấy một tàu hàng lớn chặn dưới cầu và thấy hai chiến đấu cơ Sukhoi Su-25 bay trên đầu.
Truyền hình nhà nước Nga cũng đưa tin rằng các trực thăng chiến đấu cũng được triển khai tới khu vực.
Moscow cáo buộc tàu hải quân Ukraine tiến vào lãnh hải Nga một cách trái phép.
Trong khi đó, hải quân Ukraine cáo buộc tàu tuần duyên Nga hành động một cách khiêu khích và trái phép.
Hungary : Biểu tình ủng hộ đại học Trung Âu Soros
Khoảng 2.000 đến 3.000 người đã tuần hành tại Budapest ngày 24/11/2018 để ủng hộ đại học Trung Âu của nhà tỉ phú Mỹ gốc Hungary George Soros, hoạt động ở Budapest từ 27 năm. Sau khi chính phủ của thủ tướng Viktor Orban từ chối triển hạn giấy phép hoạt động, đại học Trung Âu ra tối hậu thư, nếu đến ngày 01/12, Budapest không ký giấy phép, trường buộc phải chuyển một phần hoạt động sang Áo.
Thông tín viên RFI Florence La Bruyère tham gia đoàn tuần hành tại Budapest :
« Người biểu tình hô vang: Chúng tôi muốn một đất nước tự do, một đại học tự do. Flora Kereszti, một sinh viên Hungary 27 tuổi tự hào giương cao tấm biển và giải thích : Tôi viết là Viktor Orban là một kẻ đạo đức giả, vì ông ấy từng nhận một học bổng của Soros. Và bây giờ, ông ấy phá đại học Soros !
Đại học Trung Âu gồm khoảng 40% sinh viên Hungary và 60% sinh viên nước ngoài. Nhiệm vụ chính của trường là cung cấp một chương trình đào tạo có chất lượng cho thanh niên của các nước cộng sản cũ.
Như Katina, 22 tuổi, sinh viên gốc Nga theo học ngành xã hội học. Cô nói : Đại học Trung Âu rất quan trọng vì trường giảng dậy những giá trị của một xã hội cởi mở và tự do. Tôi không muốn Hungary trở thành một đất nước như Nga ! Vì vậy mà tôi biểu tình ở đây.
Còn giáo sư nghiên cứu thời kỳ Trung đại, Istvan Perczel, nghĩ rằng đại học Trung Âu sẽ tiếp tục tồn tại. Ông tỏ ra lo ngại hơn về việc chính phủ công kích các trường đại học Hungary bị liệt vào danh sách đen.
Ông nói : Rất nhiều đồng nghiệp của tôi bị liệt vào danh sách đen. Giáo sư đại học Luật, giảng dạy về nhân quyền giờ trở thành kẻ thù của chính phủ.
Đám đông tiếp tục hô vang : Đại học Trung Âu phải ở lại, chính Orban mới là người phải ra đi ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181125-hungary-bieu-tinh-ung-ho-dai-hoc-trung-au-soros-0
Tổng thống Iran kêu gọi
người Hồi giáo đoàn kết chống Mỹ
Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm thứ Bảy kêu gọi người Hồi giáo toàn thế giới đoàn kết chống Mỹ, thay vì “trải thảm đỏ cho bọn tội phạm.”
Washington hồi tháng Năm đã tái áp đặt các chế tài đối với Tehran, sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi một thỏa thuận hạt nhân quốc tế năm 2015 với Iran mà theo đó các chế tài được dỡ bỏ.
“Khuất phục trước phương Tây do Mỹ cầm đầu sẽ là phản bội tôn giáo của chúng ta … và các thế hệ tương lai trong vùng này,” ông Rouhani phát biểu tại một hội nghị quốc tế về sự đoàn kết Hồi giáo ở Tehran, trong một bài diễn văn được chiếu trực tiếp trên truyền hình nhà nước.
“Chúng ta có sự lựa chọn: trải thảm đỏ cho bọn tội phạm, hoặc chống lại sự bất công và trung thành với Đấng Tiên tri của chúng ta, Kinh Koran và Hồi giáo của chúng ta,” ông Rouhani nói, dường như nhắc tới Ả-rập Saudi và các quốc gia Vùng Vịnh khác có quan hệ thân thiết với Washington.
Iran và Ả-rập Saudi là hai đối thủ trong khu vực và đã ủng hộ các bên kình địch trong các cuộc xung đột ở Syria và Yemen và các phe phái chính trị khác nhau ở Iraq và Lebanon.
“Chúng ta sẵn sàng bảo vệ lợi ích của người dân Saudi chống lại chủ nghĩa khủng bố, hành vi gây hấn và các cường quốc … và chúng ta không đòi 450 tỉ đôla để làm điều đó,” ông Rouhani nói, đề cập đến các thương vụ vũ khí của Ả-rập Saudi với Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-iran-eu-goi-nguoi-hoi-giao-doan-ket-chong-my/4672469.html
Hong Kong: Phe Dân chủ
mong giành lại quyền phủ quyết
Phe đối lập dân chủ ở Hong Kong đang cố gắng giành lại một ghế Hội đồng Lập pháp trong cuộc bầu cử hôm 25/11 để khôi phục quyền phủ quyết.
Theo Reuters, phe Dân chủ đối lập đã bỏ lỡ một cơ hội hồi tháng 3/2018, chỉ giành lại được hai trong số bốn ghế trong cuộc bầu cử bổ sung. Hội đồng Lập pháp có tổng cộng 70 chỗ hiện đang được kiểm soát bởi phe thân Bắc Kinh.
Hong Kong: Biểu tình tại phiên xử lãnh đạo ‘Occupy’
Trung Quốc giận dữ với nhà hoạt động Hong Kong
Biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong
Phe Dân chủ từng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng trong quá khứ do quan ngại sự kiểm soát ngày càng tăng từ Trung Quốc, nhưng nay họ phải chống chọi trước động thái chưa từng có của chính quyền để kiềm chế quyền tự do bầu cử.
Một đảng chính trị kêu gọi độc lập khỏi Trung Quốc bị cấm hoạt động trong năm nay, trong khi một số nhà hoạt động dân chủ có triển vọng bị cấm tranh cử sau khi bị cho là “có ý thức hệ không phù hợp”.
Cuộc bầu cử hôm hôm 25/11 và hồi tháng 3/2018 diễn ra sau khi sáu dân biểu ủng hộ dân chủ bị loại do không chịu tuyên thệ trung thành với Bắc Kinh.
Thái Anh Văn: ‘Không ai có thể ‘xóa bỏ’ Đài Loan’
TQ: ‘Giam triệu người Uighur’, phá đền thờ Hồi giáo
Biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong
Hôm 19/11, hơn 100 người biểu tình bên ngoài tòa án Hong Kong để ủng hộ ba lãnh đạo của phong trào bất tuân dân sự “‘Occupy'” năm 2014.
Giáo sư luật Benny Tai, 54 tuổi, giáo sư xã hội học Chan Kin-man, 59 tuổi, và mục sư đã nghỉ hưu Chu Yiu-ming, 74 tuổi, phải đối mặt với ba tội danh về gây rối trật tự công cộng và kích động.
Mỗi tội danh đều có mức án tối đa 7 năm tù. Sáu trường hợp khác cũng bị buộc tội trong bối cảnh quyền tự do dân sự tại trung tâm tài chính đang bị xiết lại.
Những người biểu tình vẫy những chiếc dù vàng, biểu tượng của phong trào ủng hộ dân chủ và họ hô vang: “Chúng tôi muốn quyền phổ thông đầu phiếu.”
Một người biểu tình khác cầm một chiếc dù với dòng chữ: “Quyền cho người dân”.
Năm 2013, bộ ba kể trên bắt đầu vận động và lên kế hoạch cho chiến dịch bất tuân dân sự bất bạo động để chiếm đóng đường phố khu trung tâm Hong Kong nếu Trung Quốc không cho phép một cuộc bỏ phiếu dân chủ thực sự.
Chiến dịch “Occupy” nổ ra vào tháng 9/2014 và trở thành một phần của chuỗi thách thức đáng kể đối với các lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc kể từ sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989.
Hàng trăm ngàn người chiếm đóng các đường phố chính của Hong Kong trong gần ba tháng.
Trong số sáu người khác phải ra tòa có hai thủ lĩnh sinh viên Tommy Cheung và Eason Chung.
Vụ này có thể tạo hệ lụy cho hàng trăm người biểu tình khác chưa bị buộc tội.
Hồi tháng 8/2018, một cuộc nói chuyện vào giờ ăn trưa của một chính trị gia Hong Kong ít tên tuổi đã thu hút sự chú ý toàn cầu về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với tự do ngôn luận ở nước này.
Andy Chan là lãnh đạo Đảng Dân tộc – đảng kêu gọi Hong Kong độc lập khỏi Trung Quốc. Đảng Dân tộc Hong Kong đang phải chịu lệnh cấm vì lập trường ly khai của mình.
Khi chính trị gia 27 tuổi này được mời đến nói chuyện tại CLB Phóng viên Ngoại giao (FCC) vào thứ Ba (13/8), nó đã gây ra những lời chỉ trích nghiêm khắc từ cả chính quyền Trung Quốc và Hong Kong, họ đã yêu cầu sự kiện này phải chấm dứt hoàn toàn.
FCC bảo vệ cuộc nói chuyện và sẽ thúc đẩy nó – với sự chú ý của truyền thông toàn cầu tập trung vào những gì có thể ít gây chú ý hoặc không gì cả.
Tại sao chính quyền Hong Kong quan tâm?
Là cựu thuộc địa của Anh, Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Nhưng nơi này được hưởng nhiều quyền tự do hơn nhờ chính sách “một quốc gia, hai hệ thống”, mà Bắc Kinh đồng ý trao cho quyền tự trị và duy trì nguyên trạng hệ thống kinh tế và xã hội trong 50 năm.
Có những mối quan tâm rộng rãi trong thành phố về việc những quyền tự do đó đang dần bị xói mòn và mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc lên Hong Kong là một vấn đề nhạy cảm.
Các cuộc biểu tình của sinh viên, kêu gọi dân chủ hơn, nổ ra năm 2014 làm tê liệt thành phố trong vài tuần. Một số nhà lãnh đạo phong trào bị kết án và thậm chí phải đối mặt với án tù. Tuy nhiên, những cuộc biểu tình đó chỉ đơn thuần là về quá trình bầu cử dân chủ hơn – không nơi nào gây tranh cãi như vấn đề độc lập.
“Bắc Kinh và những nhà chức trách liên quan rất rõ về ‘ranh giới đỏ’ mà không được cho phép ở bất cứ nơi nào trong phạm vi công cộng,” Mathew Wong từ Đại học Hong Kong giải thích. “Cuộc nói chuyện của Andy Chan tại FCC là một trong số đó và là một ví dụ rõ ràng về những gì họ không muốn thấy.”
Tại sao Trung Quốc rất nhạy cảm về vấn đề này?
Trung Quốc cực kỳ – và ngày càng – nhạy cảm về những câu hỏi về chủ quyền quốc gia.
Người bán sách Hong Kong bị bắt trên tàu TQ
Hong Kong: Joshua Wong bị phạt tù lần hai
Hai tiêu điểm chính của sự nhạy cảm đó là Hong Kong và Đài Loan. Trong trường hợp Đài Loan, vị trí của Bắc Kinh là rất rõ ràng: Trung Quốc xem Đài Loan như một tỉnh ly khai thuộc Trung Quốc một cách hợp pháp.
Trong trường hợp Hong Kong, tình hình mờ nhạt hơn. Hong Kong là một phần của Trung Quốc nhưng vị thế đặc biệt của nó và những quyền tự do được trao cho công dân nơi đây có thể được coi là gián tiếp làm suy yếu sự kiểm soát cứng rắn của Trung Quốc với đại lục.
Tuy nhiên, khi nói đến các cuộc kêu gọi độc lập cho Hong Kong, trên thực tế có rất ít sự ủng hộ công khai cho những người ủng hộ như ông Chan. “Không nhiều người thực sự nghĩ rằng Hong Kong có thể tự tồn tại trên thực tế,” ông Wong nói.
Ông bổ sung rằng trong khi có nhiều người có thể lên tiếng cho tự do thảo luận những ý tưởng như vậy, họ sẽ ngần ngại làm như vậy trong trường hợp này, vì họ có nguy cơ bị xem là ủng hộ chủ nghĩa ly khai.
Vậy chính quyền đã thực sự làm gì?
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi FCC hủy bỏ sự kiện này và quan chức cao cấp của Hong Kong, Carrie Lam, đã chỉ trích nó là “đáng tiếc và không phù hợp”.
Cựu lãnh đạo thành phố và người tiền nhiệm của bà Lam, CY Leung, thậm chí còn thẳng thừng hơn khi lên án sự kiện này. Trong một đăng tải công khai trên Facebook, ông nói rằng buổi nói chuyện “không có gì liên quan đến tự do báo chí”.
Ông đề cập trực tiếp FCC, nói rằng “chẳng bao lâu nữa các bạn sẽ mời những người ủng hộ Đài Loan độc lập đến nói chuyện công khai tại câu lạc bộ của mình”.
“Theo logic này, các bạn gần như chắc chắn sẽ không vạch ra lằn ranh nào chống lại tội phạm và bọn khủng bố. Như tôi nói, chúng ta cần phải lo lắng một cách nghiêm túc.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46333588
Thái Anh Văn thua nặng,
xu hướng thân Bắc Kinh thắng thế?
Đảng Dân Tiến cầm quyền ở Đài Loan thua đau trong bầu cử giữa kỳ hôm thứ Bảy, trong diễn tiến cho thấy cử tri bất mãn với Tổng thống Thái Anh Văn.
Đài Bắc muốn tăng trao đổi quân sự với Mỹ
Bà Thái Anh Văn: ‘Không ai ‘xóa bỏ’ được Đài Loan’
Bà Thái Anh Văn ngay lập tức từ chức chủ tịch đảng Dân Tiến tuy vẫn giữ chức tổng thống, sau khi đảng của bà nay chỉ còn kiểm soát sáu thành phố và quận của Đài Loan, trong khi Quốc Dân Đảng kiểm soát ít nhất 15.
Tỉ lệ phiếu bầu cho đảng Dân Tiến giảm chỉ còn 39% so với 56% trong bầu cử tổng thống 2016, còn ủng hộ cho Quốc Dân Đảng tăng từ 31% lên tới 49%.
Cú sốc lớn nhất là đảng Dân Tiến để mất thành phố Cao Hùng, nơi họ nắm giữ suốt hai thập niên qua.
Đảng cầm quyền cũng để mất thành phố Đài Trung, khu vực Đài Bắc và các thành phố nhỏ.
Kết quả đặt ra nghi ngờ về khả năng thắng cử của đảng Dân Tiến khi tổng tuyển cử diễn ra năm 2020.
Trong chỉ dấu thắng lợi cho xu hướng thân Trung Quốc, cử tri cũng bác bỏ đề xuất đổi tên đội Olympic từ Trung Hoa Đài Bắc sang Đài Loan.
Cử tri cũng đồng ý với thăm dò theo đó, họ bác bỏ hôn nhân đồng giới.
Bà Thái Anh Văn, khi tranh cử năm 2016, đã hứa hẹn bình đẳng trong hôn nhân.
Tòa hiến pháp Đài Loan năm 2017 phán quyết người đồng giới có quyền kết hôn.
Nhưng hôm thứ Bảy, đa số cử tri Đài Loan lại ủng hộ trưng cầu dân ý, theo đó định nghĩa hôn nhân phải là giữa nam và nữ.
Thất bại nặng trong bầu cử địa phương hôm thứ Bảy là thách thức to lớn cho bà Thái trong 18 tháng còn lại nắm quyền.
Kết quả này có thể làm tăng khí thế cho Quốc Dân Đảng, có chủ trương thân thiện với Bắc Kinh, cũng như làm tăng phản đối trong nội bộ đảng của bà Thái.
Bắc Kinh đã ngừng mọi liên lạc với chính phủ Đài Loan sau khi bà Thái Anh Văn từ chối chấp nhận căn bản “một Trung Quốc” từ khi lên nắm quyền năm 2016.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46335595
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn
từ chức lãnh đạo Đảng DPP
Đài Bắc, Đài Loan – Vào thứ Bảy (24 tháng 11), Tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn đã từ chức lãnh đạo Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) sau khi đảng này thất bại trong cuộc bầu cử quan trọng vừa qua.
Trước đó cùng ngày, Đài Loan đã tổ chức những cuộc bầu cử địa phương được cho là bài kiểm tra quan trọng đối với đảng cầm quyền, trước cuộc bầu cử tổng thống diễn ra trong vòng một năm tới. Kết quả của các cuộc bầu cử sẽ được Trung Cộng theo dõi chặt chẽ, vì nước này luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ và liên tục gây áp lực lên Tổng thống Thái Anh Văn và chính quyền của bà kể từ khi bà nhậm chức vào năm 2016. Trước khi cuộc bầu cử diễn ra, Tổng thống Thái Anh Văn đã liên tục cáo buộc Trung Cộng đang tìm cách tác động tới kết quả bầu cử bằng những hành vi “hăm dọa chính trị” và “tung tin giả.”
Tuy nhiên, Đảng DPP đã thua cuộc ở thành phố đông dân thứ hai Đài Loan là Đài Trung và khu vực mấu chốt là thành phố Cao Hùng, khu vực được Đảng DPP cầm quyền trong suốt 2 thập kỷ qua và đóng vai trò chủ yếu trong quá trình Đài Loan trở thành nước Cộng hòa vào những năm 1970. Cả hai thành phố đều được phe đối lập của Đảng DPP là Quốc dân đảng giành chiến thắng.
Reuters dẫn lời cố vấn cao cấp của bà Thái, ông Yao Chia-wen, cho biết sự thất bại của Đảng DPP không phải do người dân ủng hộ Quốc dân Đảng, mà do sự thất vọng của người dân đối với Đảng DPP. Về phần bà Thái, bà cho biết Đảng DPP sẽ tiếp tục cải cách, hướng đến tự do và dân chủ đồng thời bảo vệ chủ quyền đất nước. Bà Thái cũng cho biết bà sẽ không chấp nhận thư từ chức của Thủ tướng Đài Loan Lại Thanh Đức, người đã nộp đơn từ chức cho bà Thái vào chiều hôm thứ Bảy. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-dai-loan-thai-anh-van-tu-chuc-lanh-dao-dang-dpp/
Trung Quốc hoan nghênh thắng lợi
của Quốc dân đảng sau bầu cử ở Đài Loan
Trung Quốc hôm 25/11 lên tiếng hoan nghênh kết quả cuộc bầu cử tại Đài Loan sau khi đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền của Tổng thống Thái Anh Văn chịu thất bại nặng nề ở nhiều nơi trước đảng đối lập Quốc dân đảng.
Truyền thông Trung Quốc trích tuyên bố của Văn phòng sự vụ Đài Loan của Trung Quốc viết rằng kết quả của cuộc bầu cử phản ánh mong muốn mạnh mẽ của người Đài Loan với hy vọng tiếp tục chia sẻ những lợi ích của sự phát triển hoà bình trong quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan, và mong muốn được cải thiện kinh tế và đời sống của người dân.
Tổng thống Thái Anh Văn hôm thứ Bảy, ngày 24/11 đã từ chức Chủ tịch đảng sau thất bại của DPP, chịu trách nhiệm về thất bại nặng nề của đảng mình.
Kể từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền ở Đài Loan vào năm 2016, quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã trở nên căng thẳng vì chính sách độc lập của bà Thái Anh Văn với Trung Quốc mặc dù bà luôn nói bà chỉ muốn duy trì thực trạng và bảo vệ an ninh cho quốc đảo.
Căng thẳng giữa hai bên thời gian gần đây đã tăng cao với việc Trung Quốc thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập quân sự gần Đài Loan.
Ngay trước bầu cử, chính phủ của bà Thái Anh Văn đã cảnh báo Trung Quốc đang cố gắng ảnh hưởng đến cuộc bầu cử ở Đài Loan bằng cách tung tin giả. Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc này.
Quốc dân đảng được cho là đảng có chính sách thân thiện với Bắc Kinh hơn so với DPP. Đảng này đã từng nắm quyền ở Trung Quốc trước khi bỏ ra Đài Loan sau cuộc nội chiến năm 1949.
Trung Quốc từ trước đến nay vẫn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời chỉ chờ ngày được độc lập. Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ ý định sử dụng vũ lực để thống nhắt Đài Loan.
TQ đang tạo gánh nặng cho Châu Phi bằng nợ nần?
Reality CheckBBC News
Châu Phi đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ đang lờ mờ xuất hiện, các nhà kinh tế của các nước phát triển hàng đầu cho biết.
“Gần 40% các quốc gia châu Phi hạ Sahara đang có nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng nợ lớn,” theo Viện Phát triển nước ngoài (Overseas Development Institute).
Và mối quan hệ giữa các quốc gia châu Phi và Trung Quốc thường được coi là một phần quan trọng của vấn đề.
Vanuatu và ‘bẫy nợ’ của Trung Quốc
Nhiều quốc gia đang ‘cưỡng lại’ Trung Quốc?
Quân đội Uganda bảo vệ doanh nghiệp TQ
Giới chỉ trích nói rằng các dự án cơ sở hạ tầng lớn được thực hiện bởi các công ty Trung Quốc ở châu Phi là quá đắt, và tạo gánh nặng cho các nước chủ nhà với các khoản nợ khổng lồ mà họ không thể hy vọng hoàn trả.
Chính phủ Trung Quốc kiên định rằng mối quan hệ kinh tế với các nước châu Phi là lợi ích song phương và bác bỏ quan điểm rằng họ đang sử dụng nợ để mở rộng ảnh hưởng toàn cầu.
Vậy Trung Quốc có thực sự chịu trách nhiệm về gánh nặng nợ ngày càng tăng của Châu Phi?
Gánh nặng nợ của châu Phi
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã cảnh báo rằng châu Phi đang tiến tới một cuộc khủng hoảng nợ mới, với số lượng các nước có nguy cơ cao tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua.
Ngân hàng Thế giới hiện phân loại 18 quốc gia có nguy cơ cao về khủng hoảng nợ, là những nước có tỷ lệ nợ trên GDP vượt quá 50%.
Tổng số nợ nước ngoài của châu lục này ước tính là 417 tỷ USD.
Khoảng 20% nợ nước ngoài của chính phủ châu Phi là nợ Trung Quốc, theo Jubilee Debt Campaign, một tổ chức từ thiện vận động cho việc xóa nợ cho các nước nghèo.
Điều này khiến Trung Quốc trở thành nước cho vay lớn nhất thế giới, với các khoản vay thương mại và nhà nước kết hợp ước tính 132 tỷ USD trong khoảng thời gian từ 2006 đến 2017.
Hơn 35% nợ của châu Phi được nắm giữ bởi các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới, với 32% là của những người cho vay tư nhân.
Có một cảnh báo quan trọng: dữ liệu này rất khó xác minh. “Trung Quốc không phải là thành viên của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) và họ không tham gia vào Hệ thống Báo cáo Tín dụng của OECD,” Christina Wolf, chuyên gia kinh tế của Đại học Kingston nói. Nhưng Trung Quốc cam kết đầu tư 60 tỷ USD cho châu Phi vào cuối năm nay.
Các quốc gia mắc nợ Trung Quốc nhiều nhất
Hầu hết các khoản cho vay của Trung Quốc cho châu Phi đi vào các dự án cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường sắt và cảng.
Năm 2015, Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc-Châu Phi (CARI) tại Đại học John Hopkins đã xác định 17 nước châu Phi có nguy cơ rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc, khó có khả năng hoàn trả các khoản vay của họ.
‘Thỏa thuận Maldives-Trung Quốc chỉ là một chiều’
‘Đừng bán đất của tôi cho Trung Quốc!’
Vén màn bí mật ‘tiền viện trợ’ Trung Quốc
Theo đó, ba trong số này – Djibouti, Cộng hòa Congo và Zambia – là những quốc gia có nguy cơ cao nhất bị khủng hoảng nợ từ các khoản vay của Trung Quốc.
Năm 2017, nợ của Zambia lên đến 8,7 tỷ USD – trong đó có 6,4 tỷ USD nợ Trung Quốc.
Đối với Djibouti, 77% nợ của nước này là của những người cho vay Trung Quốc. Các số liệu của Cộng hòa Congo là không rõ ràng, nhưng CARI ước tính các khoản nợ Trung Quốc của khu vực này là 7 tỷ USD.
Ít điều kiện ràng buộc hơn?
So với các tổ chức như IMF, Ngân hàng Thế giới và Câu lạc bộ Paris (nhóm 22 quốc gia chủ nợ không bao gồm Trung Quốc), các khoản vay từ Trung Quốc được xem là nhanh hơn, rẻ hơn và ít điều kiện ràng buộc hơn nhiều.
Hoa Kỳ nói riêng cực kỳ chỉ trích cách tiếp cận của Trung Quốc.
Hồi đầu năm, trước chuyến thăm châu Phi, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson, nói rằng chính sách cho vay của Trung Quốc với châu Phi “khuyến khích sự lệ thuộc, lợi dụng các thỏa thuận tham nhũng và đe dọa nguồn tài nguyên thiên nhiên nơi này”.
‘Vành đai và Con đường lấy tài nguyên của nước đối tác’
Ngay lập tức Trung Quốc phản ứng. Đại sứ Trung Quốc ở Nam Phi, Lin Songtian, tuyên bố rằng Trung Quốc tự hào về ảnh hưởng của nước này ở châu Phi và rằng phát biểu của ông Tillerson là một phần của chiến dịch bôi nhọ của Hoa Kỳ.
“Trung Quốc cũng chỉ như bất kỳ người cho vay nào khác,” Gyude Moore, cựu quan chức chính phủ Liberia nói. “Lợi ích chiến lược của Trung Quốc là các quốc gia châu Phi trả nợ.”
Có nhiều ví dụ về các chương trình hỗ trợ của Trung Quốc giúp trả nợ, theo lời ông Moore, hiện là giáo sư thỉnh giảng tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu.
Và cuối cùng, chính các quốc gia châu Phi mới là người đồng ý hay từ chối các khoản cho vay của Trung Quốc.
Nhưng sự thiếu nghiêm trọng cơ sở hạ tầng và nhu cầu vô cùng cấp bách về liên kết giao thông hiện đại ở những quốc gia nghèo nhất này, khiến cho các lời đề nghị sẵn sàng của Trung Quốc về các khoản vay có giá trị cho các các dự án như vậy thường khó bị từ chối.
Và rõ ràng là vấn đề nợ nần của châu Phi lớn hơn nhiều so với mối quan hệ với Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự can dự ngày càng tăng của Trung Quốc vào châu lục này và cam kết cung cấp các khoản vay cho các dự án quy mô lớn, có nghĩa là bất kỳ giải pháp nào cho vấn đề nợ của châu Phi phải giải quyết được mối quan hệ cả với Bắc Kinh và với các công ty tư nhân Trung Quốc hoạt động trên lục địa.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-46308891
TQ tìm cách lôi kéo Philippines khỏi quỹ đạo của Mỹ?
Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Philippines tuần này được cho là một trong những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm lôi kéo Philippines khỏi quỹ đạo của Mỹ – một đồng minh lâu năm.
Trung Quốc và Philippines đã ký kết tổng cộng 29 thỏa thuận, trong đó có thỏa thuận khai thác dầu và khí đốt chung khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp nhà nước 2 ngày đến Philippines trong tuần này.
Stephen Nagy, phó giáo sư Đại học Quốc tế ở Tokyo, nhận định với CNBC rằng chuyến thăm của ông Tập không chỉ nhằm thúc đẩy quan hệ song phương mà còn vì một mục đích khác nữa đó là kéo Philippines xa rời quỹ đạo của Mỹ, gia tăng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Ông Tập Cận Bình là nguyên thủ đầu tiên của Trung Quốc thăm Manila trong 13 năm qua. Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi chuyến thăm là một “bước ngoặt” trong quan hệ hai nước.
Lôi kéo Philippines
“Trung Quốc và ông Tập Cận Bình đều muốn củng cố quan hệ với các nước láng giềng ASEAN nhưng tôi cho rằng, với chuyến thăm đặc biệt này, Bắc Kinh bắn một mũi tên trúng hai đích”, ông Nagy nhận định.
Chuyên gia này cho rằng, thứ nhất là bởi ông Tập muốn tránh nhắc đến tranh chấp ở Biển Đông. “Thứ hai, Bắc Kinh đang tìm cách kéo Manila khỏi quỹ đạo chính trị của Washington. Thứ ba, theo tôi là nhằm củng cố quan hệ với Manila”, ông Nagy giải thích.
Về phần mình, Tổng thống Philippines Duterte nói rằng, trong chuyến thăm này, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc tăng cường đầu tư và thương mại giữa hai nước. “Với sự tôn trọng lẫn nhau, sự chân thành và tuân thủ quy tắc bình đẳng chủ quyền, tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chủ tịch Tập”, ông Duterte nói.
Tuy nhiên, chuyên gia Nagy cho rằng, mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines vẫn còn tương đối mạnh. Ông Nagy bình luận: “Tôi cho rằng, Trung Quốc đã giành được những thành quả nhất định ở khu vực, nhưng để lôi kéo Manila khỏi Washington vô cùng khó bởi các vấn đề văn hóa, giá trị và mối quan hệ bền chặt giữa hai quốc gia hơn 70 năm qua”. Ông Nagy cũng viện dẫn việc Mỹ và Philippines tiếp tục các cuộc tập trận quân sự chung.
Mặt khác, theo nhà phân tích quốc phòng và an ninh ở Manila Richard Heydarian, nếu Tổng thống Duterte không thể cho thấy những lợi ích thiết thực từ việc xích lại gần Trung Quốc thì vị thế của ông sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trước cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2019. Ông Heydarian nói: “Nếu sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc vẫn không có động thái mạnh rót vốn đầu tư vào Philippines và nếu Trung Quốc tiếp tục bồi đắp, quân sự hóa phi pháp ở Biển Đông thì ông Duterte sẽ phải chịu áp lực cực lớn”.
Chuyên gia Nagy cũng cho rằng, bằng việc củng cố quan hệ với Philippines, Trung Quốc có thể tác động tới sự đoàn kết giữa các nước ASEAN.
“Nếu Manila có ý định di chuyển vào quỹ đạo chính trị của Bắc Kinh, điều đó có nghĩa là họ có thể sẽ xao lãng dần hợp tác với với các nước ASEAN khác”, ông Nagy nói. Ông nhấn mạnh, kịch bản đó nếu xảy ra sẽ tác động tiêu cực đến vai trò và tính hiệu quả của khối ASEAN, khiến các nước trong khối trở nên chia rẽ hơn về các vấn đề an ninh, kinh tế, chính trị.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/24909-tq-tim-cach-loi-keo-philippines-khoi-quy-dao-cua-my.html
Hai mặt của dòng tiền TQ ở các nước đang phát triển
Hiện tượng Trung Quốc vung tiền đổ vào hạ tầng ở các nước đang phát triển trong hơn 2 thập niên qua được các chuyên gia quốc tế đánh giá có những tác động trái chiều, tích cực lẫn tiêu cực.
Một báo cáo mới đây của AidData – Trung tâm nghiên cứu tài chính thuộc Đại học William & Mary (Mỹ), nhận xét Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư hạ tầng kinh tế lớn của thế giới, đặc biệt sau khi Bắc Kinh đẩy mạnh chương trình “Vành đai, con đường” để tạo nên hai tuyến giao thương quy mô đồ sộ trên bộ và trên biển.
Thống kê về phần hạ tầng mà các nhà thầu Trung Quốc đã và đang xây ở các nước đang phát triển cho thấy hết sức đa dạng, từ cầu, đường, bệnh viện cho đến đường sắt, sân bay, cảng biển…
Những năm gần đây, Bắc Kinh không giấu giếm, thậm chí thể hiện rõ tham vọng mở rộng giao thương và sức ảnh hưởng thông qua đầu tư và xây dựng hạ tầng ở các nước khác.
Chỉ trừ mục tiêu đó, mọi thứ khác về chiến lược phát triển của Trung Quốc – bao gồm chi tiêu, dự án, vị trí dự án – đều được xếp hạng là bí mật nhà nước.
Chính bức màn bí ẩn đó khiến giới quan sát phương Tây đặt ra nhiều câu hỏi. Chẳng hạn có ý kiến nói phần lớn dự án Trung Quốc ở châu Phi không ích lợi gì cho các nước chủ nhà, cụ thể là chi phí bỏ ra thì lớn nhưng sử dụng chẳng bao nhiêu.
Không trách được khi có những minh chứng thực tế: Một con đường ở Zambia do Trung Quốc xây tan nát trong mùa mưa năm 2009; một cây cầu ở Kenya bị sập trong lúc thi công năm 2017; một bệnh viện ở Angola phải di tản chỉ sau vài tháng khánh thành năm 2010 vì người ta sợ nó sập…
Các chuyên gia phát triển cho rằng thực tế trên đáng quan ngại, nhưng lãnh đạo vài nước nhận viện trợ/vốn vay vẫn thích bắt tay với Bắc Kinh, lý do đưa ra là “thủ tục” đơn giản, đỡ bị “hành”.
Trung Quốc không chỉ cấp vốn, họ còn đứng ra xây luôn, trong khi vay tiền của Ngân hàng Thế giới thì đủ thứ yêu cầu kèm theo, ví dụ họ yêu cầu tư nhân hóa dự án sau khi xây xong.
Trong báo cáo mới, AidData còn chỉ ra một lợi ích khác của đầu tư Trung Quốc, đó là “có thể” chúng hiệu quả hơn nhiều dự án phương Tây trong việc giảm bớt tình trạng bất bình đẳng ở các nước đang phát triển.
Nguyên nhân là nhóm nghiên cứu tìm ra mối liên hệ giữa các dự án Trung Quốc và tăng trưởng kinh tế ở quốc gia nơi công trình được xây.
Bên cạnh đó, các hạ tầng kết nối như cầu, đường, đường sắt… cũng giúp san sẻ sự tăng trưởng cho các khu vực nông thôn tốt hơn các chương trình phát triển truyền thống của phương Tây.
AidData đi đến kết luận đó sau khi phân tích hơn 4.400 dự án Trung Quốc ở 138 quốc gia trong giai đoạn 2000-2014.
Nhưng giới nghiên cứu cũng thận trọng trước phát hiện mới, cho rằng còn nhiều khía cạnh khác phải xem xét.
“Quan trọng phải xác định được thu nhập người dân có tăng hay không, tiền đang được xài là tiền gì, chất lượng cuộc sống có được cải thiện không… Chỉ nhìn vào con số tăng trưởng là không đủ, vì chúng không kể được câu chuyện ở cấp độ vi mô, hoặc thay đổi được tương tác hằng ngày của chúng ta với nghèo đói” – luật sư Jacqueline Muna Musiitwa thường trú tại khu vực Đông Phi bình luận.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/24860-hai-mat-cua-dong-tien-tq-o-cac-nuoc-dang-phat-trien.html
Pakistan đổ cho Ấn Độ
đứng sau vụ tấn công lãnh sự Trung Quốc
Ba kẻ tấn công lãnh sự Trung Quốc ở thành phố Karachi ngày 23/11/2018 định dùng chất nổ C4, nhưng đã bị cảnh sát Pakistan bắn hạ trước khi vào được bên trong. Ngày 25/11, chính quyền Pakistan cho rằng vụ tấn công được lên kế hoạch từ Ấn Độ. New Delhi đã lập tức bác bỏ cáo buộc trên.
Theo hai quan chức Pakistan, bốn nghi phạm và một người được cho là hỗ trợ ba kẻ tấn công đã bị bắt ở Karachi và một số thị trấn khác của tỉnh Sindh. Chính quyền đang điều tra xem liệu chỉ huy phong trào Quân Đội Giải Phóng Baloutchistan, được cho là đầu não của vụ tấn công, đang ở Ấn Độ hay không. Theo ông Uma Khitab, một quan chức phụ trách chống khủng bố Pakistan, phong trào ly khai này được « một nước thù nghịch » ủng hộ, nhằm ám chỉ đến Ấn Độ.
Ngay sau vụ tấn công hụt, thủ tướng Pakistan Imran Khan đã lên án « âm mưu » phá hoại quá trình hợp tác kinh tế và chiến lược giữa Pakistan và Trung Quốc. Phía phong trào Quân Đội Giải Phóng Baloutchistan, qua lời phát ngôn viên Jiand Baloch, giải thích lý do tấn công là vì « Trung Quốc đang khai thác các nguồn tài nguyên của chúng ta ».
Bộ Ngoại Giao Ấn Độ không đưa ra bình luận về chất nổ C4 được phát hiện ở hiện trường, nhưng bác bỏ cáo buộc giúp đỡ phong trào Quân Đội Giải Phóng Baloutchistan và hy vọng « các thủ phạm của vụ tấn công ghê tởm này phải được nhanh chóng đưa ra công lý ».
Báo Hồng Kông South China Morning Post nhắc lại rằng từ lâu Pakistan vẫn thường cáo buộc nước láng giềng Ấn Độ ủng hộ phong trào ly khai ở vùng Baloutchistan (giáp Iran và Afghanistan) trong khi New Delhi lên án Islamabad hậu thuẫn các tổ chức khủng bố trong vùng.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181125-pakistan-do-cho-an-do-dung-sau-vu-tan-cong-lanh-su-trung-quoc
Nữ cảnh sát lập công
trong vụ xả súng ở lãnh sự quán TQ
Nữ nhân viên cảnh sát Suhai Aziz Talpur nghe tin về vụ tấn công vào lãnh sự quán Trung Quốc ở Karachi khi đang lái xe đi làm.
Cô đã nhanh chóng tới hiện trường, phát hiện hai đồng nghiệp đã chết và ba phần tử nổi dậy tìm cách tiến vào tòa nhà.
Ngay lập tức, trợ lý cảnh sát trưởng này đã vào vị trí, nhắm bắn những kẻ tấn công và gọi chi viện.
Theo Reuters, nhiều người đã ca ngợi hành động phản ứng nhanh của cô Talpur trong vụ tấn công kéo dài gần hai giờ đồng hồ vào cơ quan ngoại giao Trung Quốc nằm ở thành phố cảng miền nam.
Cô được coi là đã cứu mạng được nhiều người và ngay lập tức nổi tiếng ở Pakistan, nơi nữ cảnh sát vẫn còn hiếm.
Quân ly khai tấn công Lãnh sự quán TQ ở Pakistan, 7 người chết
Sau vụ tấn công, hình ảnh cô Talpur cầm khẩu súng lục, hai bên là các biệt kích, đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội Pakistan.
Sự dũng cảm cũng giúp cô được đề cử cho giải thưởng danh giá nhất dành cho các cảnh sát của quốc gia Nam Á này.
Các phần tử ly khai từ tỉnh Baluchistan nghèo khó của Pakistan đã nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công làm bốn người chết, trong đó có hai cảnh sát mà cô Talpur nói là các người hùng thật sự.
Không có nhân viên ngoại giao nào của Trung Quốc thiệt mạng trong vụ tấn công hôm 23/11 này.
Tối Cao Pháp Viện Philippines : Bắc Kinh
là “đe dọa nghiêm trọng nhất” kể từ Thế Chiến II
Quyền chánh án Tòa Án Tối Cao Philippines Antonio Carpio ngày 24/11/2018, khẳng định những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye, là « mối đe dọa từ bên ngoài nghiêm trọng nhất đối với Philippines kể từ sau Thế Chiến II ».
Theo trang Philstar, tại diễn đàn « Bảo vệ chủ quyền của Philippines ở biển Tây Philippines (tên Phililippines dùng để gọi Biển Đông) », được tổ chức ở thành phố Taguig, ngoại ô Manila, chánh án Antonio Carpio cảnh báo rằng Philippines « phải chuẩn bị cho ngày mà Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ ra lệnh cho lực lượng hải quân hùng hậu đến kiểm soát vùng 9 đoạn » mà Bắc Kinh đòi chủ quyền, chiếm đến 80% diện tích Biển Đông.
Trung Quốc tự nhận sở hữu Biển Đông từ 2.000 năm nay, theo cáo buộc của chánh án Tòa Án Tối Cao được trang Japan Times trích lại. Và điều này được giảng dạy cho « tất cả tướng lĩnh, giáo sư, công chức, các nhà ngoại giao hay doanh nhân Trung Quốc ngay từ năm thứ nhất đại học. Điều này nằm trong máu của họ. Họ thật sự tin điều đó, nhưng chuyện này hoàn toàn sai »,
Chánh án Tòa Án Tối Cao Philippines nêu lên trường hợp các bản đồ lịch sử được xuất bản tại Trung Quốc, theo đó đến năm 1932, lãnh thổ Trung Quốc chỉ dừng ở đảo Hải Nam và chỉ từ năm 1947, chính quyền Trung Quốc mới bắt đầu đòi chủ quyền quần đảo Trường Sa.
Ông Antonio Carpio cáo buộc Trung Quốc là « nước xâm chiếm trái phép » trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 376.350 km2 của Philippines, khai thác trái phép « nguồn cá, dầu khí, vì theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và theo phán quyết của Tòa Trọng Tài, Philippines có đặc quyền đối với tất cả các nguồn tài nguyên trong khu vực này ».
Chánh án Carpio cảnh báo chính phủ tránh mọi dự án « khai thác, phát triển chung » với Trung Quốc ở Biển Đông, vì Nhà nước Philippines sẽ không có quyền kiểm soát tất cả. Ông nhấn mạnh là khi « nhượng chủ quyền trên một văn bản, chúng ta sẽ nhượng mãi mãi ».