Nhà thơ cách mạng Nhượng Tống
Nhà thơ Nhượng Tống
Trong vài năm nay người viết bài này làm việc theo chủ đề từng tháng, chẳng hạn “Thương Nhớ Tháng Giêng, Thương Nhớ Tháng Hai…” đọc, suy nghĩ và viết về những người ra đi trong mỗi tháng, làm đều đặn, thì tháng nào có văn nghệ sĩ qua đời mình cũng ít nhất viết được một bài tưởng niệm.
Quả nhiên vào năm 2017, cuốn đầu tiên đã được làm xong, đó là cuốn “Lịch Sách Chân Dung Các Nhà Văn” (quá cố), Việt Nam. Nét chính của những bài ấy là viết về tiểu sử và công trình mỗi nhà văn trong thời kỳ gần mình nhất (60 người), và mình phần nhiều là quen biết họ, vừa ghi lại bằng văn tự, vừa trò chuyện phỏng vấn, dễ hơn là chờ khi họ đã qua đời rồi mới viết.
Lúc này đây là Tháng Mười Một, chúng ta có “các tác giả của Tháng Mười Một,” tức là những người từ trần vào Tháng Mười Một, xa xưa đáng kể nhất là nhà thơ Nhượng Tống.
Học giả Nhượng Tống ra đời năm 1904, bị ám sát chết giữa đường phố Hà Nội ngày 8 Tháng Mười Một, 1949. Ông là người ngoài việc dịch gần hết sáu bộ “Lục Tài Tử của Văn Học Trung Hoa,” ngoài cuốn tiểu thuyết tình cảm thời mới lớn “Lan Hữu,” còn là người sáng lập tổ chức Nam Đồng Thư Xã. Tổ chức này chủ trương giáo dục thanh niên ý thức trách nhiệm với đất nước – một đất nước còn đang dưới ách đô hộ của ngoại bang – cho nên ảnh hưởng của ông lan rộng, sâu bền, khác hẳn ảnh hưởng giai đoạn của chính trị.
Vụ ám sát ông là một án mạng văn hóa, nạn nhân không phải chỉ là một người, nạn nhân là thành phần quan trọng của một thế hệ càng ngày càng đang sa sút văn hóa vì bạo lực đã giết hại bao nhiêu là nhân tài văn hóa của đất nước – chỉ mới tới giữa thế kỷ 20?
“Vũ trụ tan trong mắt lệ mờ!
Lao đao ngồi tựa gốc cây xưa
Như trong mây khói, như trong mộng
Anh ngã! Mình sa giữa lưới ngờ!”
“1949, Nhượng Tống bị ám sát tại phố Chợ Hôm, Hà Nội. Quốc gia mất đi một chiến sĩ cách mạng chân chính, một văn thi sĩ lỗi lạc tài ba!” (Hoàng Văn Đào, 1957, “Từ Yên Bái Đến Các Ngục Thất Hỏa Lò, Côn Nôn, Guyan,” Sống Mới Sài Gòn xuất bản).
“Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân là sáng lập viên Việt Nam Quốc Dân Đảng bị thanh toán bằng một viên đạn súng colt ở Chợ Hôm, Hà Nội năm 1949” (Phan Lạc Phúc, 1968, “Chiêu Niệm Nhượng Tống,” Tiền Tuyến, Sài Gòn).
“Ông là một nhà văn tài hoa, lãng mạn và rất sở trường về dịch thuật. Ông dịch rất tài tình (Vũ Ngọc Phan, 1940, “Nhà Văn Hiện Đại,” V, trang 1193).
Lịch sử văn học Việt Nam luôn chồng chéo với các biến động của lịch sử dân tộc. Nhà văn nhà thơ một thời cũng là những sĩ phu, hay đúng ra, trong suốt ngàn năm thuộc Tàu và non trăm năm thuộc Pháp, lúc nào ta cũng có những cây bút hào kiệt, những nhà thơ chính khí. Mặc dầu bên dòng sông cuồn cuộn của nhân sinh, giới cầm bút cũng thiếu gì những eo xèo của thế sự, những tầm tầm của những ái ố tróc phọc?
Từ Đông Kinh Nghĩa Thục tới trước Đệ Nhị Thế Chiến, trước ảnh hưởng của thuyết Tam Dân, và các phong trào bài thực, bên cạnh các chủ nghĩa lãng mạn tả thực, thơ Việt vẫn rực sáng với những “Chiêu Hồn Nước” của Phạm Tất Đắc, “Hai Chữ Nước Nhà” của Trần Tuấn Khải, “Thề Non Nước” của Tản Đà, hay “Cảm Đề Lịch Sử” của Nhượng Tống.
“Ba xứ non song một dải liền
Máu đào xương trắng điểm tô nên
Cơ trời dù đổi trò tang hải
Mặt đất chưa tàn nghiệp tổ tiên.
Có nước có dân đừng rẻ rúng
Muốn còn muốn sống phải đua chen
Giựt mình nhớ chuyện nghìn năm cũ
Chiêm, Lạp xưa kia vốn chẳng hèn.” (Cảm Đề Lịch Sử)
Thi sĩ Nhượng Tống tên thật là Hoàng Phạm Trân (1904-1949), sinh tại làng Phú Khê, Ý Yên, Nam Định, xuất thân từ một gia đình Nho Giáo, tinh thông Hán học, dịch giả các tác phẩm danh tiếng “Tây Sương Ký” (1942), “Ly Tao” (1943), “Thơ Đỗ Phủ” (1944), “Nam Hoa Kinh,” “Đạo Đức Kinh,” “Hồng Lâu Mộng,” “Sử Ký Tư Mã Thiên”…
Ông viết cho nhiều báo từ 1921 (Khai Hóa), và các báo tranh đấu 1929-1930, như Nam Thanh, Hà Nội Tân Văn, Thực Nghiệp Dân Báo…
Năm 1925, ông cùng Phạm Tuấn Tài thành lập Nam Đồng Thư Xã, dịch nhiều sách của Lương Khải Siêu, Tôn Văn.
Năm 1927, ông cùng Nguyễn Thái Học thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng với rất đông thanh niên cách mạng như Phó Đức Đính, Đoàn Trần Nghiệp (Ký Con)… thanh thế lên như diều.
Năm 1929, Nhượng Tống vào Huế gặp Phan Bội Châu, khi về Hà Nội bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo.
Ông là một tấm gương của thanh niên trí thức yêu nước bằng cả tâm hồn tài hoa và văn chương nung chí cách mạng cùng sự dũng cảm can trường trước gong cùm bạo lực.
Ông để lại đời sau nhiều danh phẩm dịch ra Việt Ngữ trong có “Sử Ký Tư Mã Thiên,” “Tây Sương Ký,” “Ly Tao,” “Thơ Đỗ Phủ”…
Dưới đây là bài thơ “Khóc Nguyễn Thái Học” của Nhượng Tống:
“Nhục mấy trùng cao ách mấy trùng
Thương đời không lẽ đứng mà trông
Quyết quăng nghiên bút thay gươm súng
Đâu chịu râu mày thẹn núi sông.
Người dẫu chết đi lòng vẫn sống
Việc dù hỏng nữa tội là công
Nhớ anh nhớ lúc khi lâm biệt
Cười khóc canh khuya chén rượu nồng.”
Viên Linh