Tin khắp nơi – 24/11/2018
Giải mã mưu chước Tôn Tử
của Trump với truyền thông
Nguyễn Tiến HưngGửi cho BBC từ Virginia, Hoa Kỳ
Thương trường, chính trường và chiến trường, cả ba đều có một mẫu số chung – phải sử dụng mánh khóe, mưu lược, có khi cả lừa bịp để thành công.
Trên 60 năm tiếp xúc với mọi giới ở Thủ đô Washington, chúng tôi có nhiều cơ hội được nghe những tiếng kẽo kẹt của ‘cối xay tin đồn’ (rumor mill) về những gì đang toan tính trong Tòa Bạch Ốc, lúc thì chúng thành tin thật, lúc là tin giả.
Khi ông Trump vừa nhậm chức tổng thống, người ta đồn rằng ông sẽ áp dụng những mưu kế đã giúp ông thành công ở thương trường vào chính trường và chiến trường.
Về thương trường, ngay từ năm 1987, doanh nhân trẻ Donald Trump đã viết cuốn sách nổi tiếng “The Art of the Deal” (Nghệ thuật Thương lượng) nói về những thành công của ông và lý do hành công.
Tuy nhiên, chính trường phức tạp hơn thương trường rất nhiều. Cho nên tin đồn ông sẽ áp dụng thêm cả ‘Binh pháp Tôn Tử’ của Trung Quốc để khuất phục các đối phương.
Tôn Tử (Sun Tzu) là nhà quân sự nổi tiếng thời Xuân Thu Chiến Quốc (Thế kỷ V). Mưu kế của ông đã trở thành sách gối đầu giường của các nhà quân sự, chính trị từ Đông sang Tây. Bên Nhật có cả một trường phái nghiên cứu nó để áp dụng vào kinh doanh.
Donald Trump và Binh pháp Tôn Tử
Chính ông Trump đã từng nói: “Tôi đọc rất nhiều sách về Trung Quốc,” cho nên tôi đưa ra giả thuyết là ông đã nghiên cứu và áp dụng một số trong ‘Tam Thập Lục kế’ (36 kế sách).
“Tất cả nghệ thuật chiến tranh đều dựa vào mưu kế lừa bịp đối phương,” Tôn Tử viết.
Vào đầu kỳ tranh cử năm 2016, John Barro của tờ New York Times có kể câu chuyện về mưu kế của Trump như sau: năm 1982, ông ta rất muốn Công ty Holiday Inn mua một phần của dự án sòng bạc Trump ở Atlantic City, nhưng lo ngại là Holiday Inn sẽ từ chối vì tiến độ của dự án quá chậm.
Ông bèn chỉ thị cho giám đốc công trường thuê thật nhiều xe ủi đất và xe đổ đất rồi cho xe chạy lòng vòng quanh khu vực dự án, lúc thì đào đất, lúc lấp đất, lúc ủi đất tạo nên một khung cảnh xây cất thật là nhộn nhịp.
Ông chỉ thị như vậy là để chuẩn bị cho chuyến thăm dự án của lãnh đạo Holiday Inn. Lệnh của ông rất đơn giản: “Xe ủi đất và xe đổ đất làm những gì thì không quan trọng, tôi (Trump) nói, miễn là những xe đó làm cho thật nhiều” (What the bulldozer and dump trucks did wasn’t important, I said, as long as they did a lot of it).
Theo ông Trump, màn trình diễn này đã thành công: “Ban quản lý Holiday Inn nhìn kỹ cảnh nhộn nhịp này, và một số đã lộ rõ sự kính phục,” ông viết.
“Tôi sẽ không bao giờ quên được là có người trong bọn họ đã quay sang tôi, lắc đầu và nói, ‘Ông biết đấy, thật tuyệt vời khi ông chỉ là một tư nhân mà lại có thể mang ra tất cả các bảng stops’: ‘Pull out all the stops’ là sẵn sàng làm mọi việc để thành công, như ‘mở hết phím’ hay nút stops của đàn organ cùng lúc để âm thanh phát ra thật lớn.
Barro thêm rằng: “trong tất cả các bài học trong ‘Art of the Deal’, đây có thể là bài học soi sáng rõ ràng nhất cho chiến dịch tranh cử của ông Trump.”
Tổng thống Mỹ và truyền thông
Sau thắng cử, Tổng thống Trump phải đối đầu với giới truyền thông, vốn không ưa khuynh hướng siêu bảo thủ của ông.
Ít người để ý tới một điểm quan trọng về nước Mỹ, đó là nước này không có Bộ Thông tin như hầu hết các nước khác. Theo nguyên tắc dân chủ về ‘check and balance’ thì chính phủ không được phép dùng một cơ quan nào để tuyên truyền trong nước.
Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ chỉ có USIA (United States Information Agency), trong đó có Đài VOA – mục đích chính là tuyên truyền ở ngoại quốc.
Cho nên, các tổng thống Mỹ luôn ở vào thế thủ vì không có một công cụ nào, dù chỉ là một đài phát thanh, kênh TV, hay một tờ báo để phản biện khi bị truyền thông chỉ trích.
Chúng tôi còn nhớ mùa tranh cử năm 1960, Tổng thống Eisenhower đang có uy tín lớn bỗng xảy ra vụ U-2 ngày 1/5, máy bay trinh thám Mỹ bị Nga bắn rơi. Báo chí Mỹ ngay lập tức tấn công, khiến uy tín của ông bị giảm nhiều.
Tôi cho rằng sự kiện này đã đóng góp phần nào vào việc Đảng Dân chủ thắng cử với ông John F. Kennedy trở thành tổng thống năm 1961.
Tới lượt ông Kennedy, khi đang danh tiếng về thắng thắng trong vụ Liên Xô đặt tên lửa ở Cuba thì bị báo chí tấn công cho là đã can thiệp quân sự trực tiếp vào Việt Nam mà che dấu nhân dân và quốc hội Hoa Kỳ.
Trong cuốn ‘Khi Đồng Minh Nhảy Vào’ (trang 467-468) chúng tôi đã kể lại câu chuyện về một số nhà báo Mỹ ngồi uống bia trước khách sạn Majestic ở Sài Gòn phát hiện một chiếc tàu Mỹ phun khói đen, lù lù tiến vào cảng Sài Gòn. Khi khói đen dần tan thì mấy chiếc trực thăng trên boong tàu lộ hẳn ra; thế là những bản tin nóng cứ ùn ùn về tới Washington là đã có bằng chứng ông Kennedy sắp mang quân vào Việt Nam.
Tới Tổng thống Johnson, ông cầm cự để leo thang cuộc chiến được ba năm, cho tới khi phóng viên nổi tiếng Walter Cronkite của đài CBS tỏ ra thất vọng về cuộc chiến (sau Tết Mậu Thân), ông nói: “Tôi đã mất Cronkite là đã mất tất cả tầng lớp trung lưu của nước Mỹ.” Sau đó, ông quyết định không ra ứng cử nữa.
Về Tổng thống Nixon, chúng ta đều đã biết rằng vì tờ Washington Post đào sâu vụ Watergate nên đã dẫn đến việc Nixon phải từ chức.
Đi bước trước
Sau Nixon, các tổng thống Hoa Kỳ từ Ford tới George H. W. Bush, George W. Bush, Clinton và Obama đều phải o bế giới truyền thông. Vì trên thực tế, nó được coi là trục quyền lực thứ tư trong ‘tứ trụ triều đình’ – “The Power That Be”.
Giờ đây ông Trump hành động ngươc lại. Ông biết chắc truyền thông sẽ lấy vụ Putin và bầu cử 2016 để dồn mình vào thế giống Nixon, nhưng Trump đã đi bước trước – tự đặt mình vào thế công, đưa truyền thông vào thế thủ.
Đi xa hơn, Tổng thống Trump còn sử dụng chính truyền thông để tạo lợi thế cho mình.
Ông dùng Twitter để đả kích báo chí chính thống. Không cần Bộ Thông tin mà hiệu quả lớn hơn nhiều vì nó lan đi rất nhanh tới bảy tám chục triệu người. Vì rất nhiều người Mỹ rất thích dùng
Ông Trump đăng các dòng Tweet hàng ngày từ sáng sớm, nay nói thế này mai nói thế khác, thậm chí nhiều khi nói sai, nói ngược lại chính mình. Hậu quả là gây nên tình trạng rối ren, lẫn lộn, làm lạc hướng.
Tờ Washington Post (2/11) trích dẫn bản tin Fast Checker sưu tầm được 6,420 lời ông tuyên bố sai lầm hay làm lạc hướng trong 649 ngày tính tới 30/10/2018.
Có phải ông cố ý làm như vậy?
Rất có thể, vì có lẽ ông đã áp dụng mấy mưu kế sau đây của Tôn Tử:
1. ‘Sấn hỏa đả kiếp’: theo lửa mà hành động.
Có nghĩa là lợi dụng tình hình rối ren mà hành động theo ý muốn của mình. Nếu có sẵn lửa thì tốt, nếu không có thì phải ‘phóng hỏa’ – chính mình gây ra sự rối loạn.
Điểm này được lộ ra ngay từ đầu nhiệm kỳ của Trump khi vừa vào Tòa Bạch Ốc, ông đã ‘phóng hỏa’ bằng việc ký pháp lệnh về vấn đề cấm nhập cư, di cư.
Chỉ thị này lập tức gây nên sự xáo trộn, rối ren. Từ các phi trường ở ngoại quốc, nhiều người bị chặn không được lên máy bay để đi Mỹ dù đã có visa. Tại các sân bay trong nước, rất nhiều người, dù có thẻ xanh, cũng vẫn không được vào Mỹ.
Lệnh này quá bất chợt: truyền thông tấn công ào ạt, cho là ông kỳ thị chủng tộc, màu da, và chống đối Hồi Giáo, là những vấn đề gây xúc động.
2. ‘Đả thảo kinh xà’: đập vào cỏ để rắn giật mình sợ hãi.
Ý nói làm điều gì cho thật kỳ lạ, ngoạn mục để kích động đối phương. Chiến thuật của Trump là kích động truyền thông để gây nên phản ứng. Nhưng khi phản ứng quá mức thì sẽ mất bình tĩnh, mất sáng suốt, nhiều khi còn bị hố, như đã xảy ra với một số bình luận gia trên truyền hình, dẫn đến mất uy tín, hoặc bị thôi việc.
Như Tôn Tử có viết: “Đem mồi ra nhử địch, gây nên rối loạn để đè bẹp kẻ địch”.
Chi phí quảng cáo trên TV trung bình cho một mục (khoảng từ 30 tới 60 giây) là 8.286 USD (Fox News) và 5.467 USD (CNN).
Quảng cáo cả trang trên báo Washington là 30.734 USD (ngày thường) và 33.392 USD (ngày Chủ Nhật).
Theo cách nhìn của ông Trump thì ông được quảng cáo ‘miễn phí’ trên tất cả các phương tiện truyền thông, và hầu như hàng ngày.
Ông Trump viết trong ‘Art of the Deal‘:
“Có một điều tôi đã học được về giới truyền thông, đó là họ luôn đói tin về sự kiện, càng giật gân càng tốt. Đó là bản chất công việc của họ, và tôi hiểu được điều này. Vấn đề là nếu bạn hành động một cách kỳ lạ, thêm một chút lăng mạ, xúc phạm, hoặc nếu bạn làm những điều táo bạo, hoặc gây nên tranh luận (bold or controversial) thì báo chí sẽ viết về bạn.”
CNN kiện Trump vì ‘cấm cửa’ nhà báo Acosta
Ông Trump sẽ dự Thượng Đỉnh Đông Á
Trump ‘tự chứng thực sức khỏe’
Ông cho rằng chính vì truyền thông đả kích nên ông đả kích lại.
“Theo cách tôi thấy, những người phê bình tôi có thể nói những gì họ muốn về công việc của tôi, vậy tại sao tôi không thể nói những gì tôi muốn nói về họ?”
Nhưng dù là ‘bad press’ (báo đưa tin xấu, phê phán) thì ông vẫn có lợi:
“Đứng về phương diện thương mại thuần túy, cái lợi được viết về mình thì trội hơn nhiều những bất lợi. Đây thật là đơn giản… Chuyện buồn cười là dù đó là một tin tức phê phán, chê bai, có thể làm tổn thương cá nhân bạn, nhưng nó lại rất có lợi cho việc kinh doanh của bạn.”
John Barro của New York Times kể lại là năm 1980, ông Trump khi chỉ mới là doanh nhân đã bị báo chí chỉ trích nặng nề vì đã phá bỏ những cấu trúc bên trong của thương xá lịch sử Bonwit Teller để khỏi làm chậm tiến độ của Trump Tower.
Nhưng chỉ trích nặng nề lại giúp cho Trump Tower được nhiều người chú ý nên đã thành công.
“Tôi học được rất nhiều qua kinh nghiệm này,” ông Trump viết, “Nếu họ quảng cáo tốt cho bạn thì tốt hơn là viết xấu về bạn, nhưng xét cho cùng thì đôi khi nói xấu còn hơn là không nói gì. Nói tóm lại, tranh luận giúp bạn bán được hàng (Controversy, in short, sells).”
3. ‘Vô trung sinh hữu’: không có mà làm thành có.
Ông Trump luôn lên án truyền thông là “kẻ thù của nhân dân.” Đây là một chuyện chưa bao giờ có, chưa ai từng tuyên bố như vậy. Nhưng ông cứ lặp đi lặp lại, nên nó trở thành một tình huống, một phán xét có ảnh hưởng tới danh dự của truyền thông.
Anthony Zurcher trên BBC News đã bình luận về khả năng độc đáo của ông Trump là cáo buộc truyền thông là ‘kẻ thù của nhân dân’, điều này đã tạo nên nên sự phẫn nộ.
Lần thứ hai, thứ ba và thứ tư ông dùng cụm từ này, thiên hạ cho là điều đó hầu như không xứng đáng với một cái nhún vai. Nhưng bây giờ, loại ngôn ngữ đó – nếu đó là một vấn đề – thì là một vấn đề cho các phương tiện truyền thông phải sửa chữa chứ không phải vấn đề của ông Trump.
Cụm từ thứ hai là “fake news” (tin giả), nhằm đánh mạnh vào danh dự của truyền thông. Mới đầu thì ông bị phê phán là ngạo mạn, nhưng Trump cứ nói mãi thì lại có hậu quả là gieo sự nghi ngờ báo chí vào lòng người. Giờ đây nó đã trở thành câu nói thường xuyên ở cửa miệng nhiều người: hễ cứ nghe tin giật gân chống Trump là họ nói “fake news”.
Fake News: Vì sao Việt Nam có nhiều tin giả?
Vì sao bầu cử giữa kỳ ở Mỹ quan trọng?
Ông Zurcher còn trích dẫn một cuộc thăm dò của CBS News cho thấy có tới 91% số “người ủng hộ ông Trump mạnh mẽ” nói họ tin tưởng là ông Trump luôn cung cấp cho họ những tin chính xác. Chỉ có 11% nhận định như vậy về truyền thông.
4. ‘Khích tướng kế’: chọc giận tướng giặc.
Trong giới truyền thông, CNN thuộc ‘hàng tướng lãnh’. Ngay từ đầu, ông Trump đã nhắm vào CNN. Tôi cho rằng: hành động của ông mới đây về việc tước thẻ của phóng viên CNN Jim Acosta không phải là bất chợt mà đã được tính toán từ trước: ông Trump đã chuẩn bị để có cơ hội thuận tiện dằn mặt hãng này, và các hãng khác theo cách “sát nhất nhân, vạn nhân cụ”.
Tin mới nhất cho hay thẻ của nhà báo Jim Acosta đã được phục hồi theo lệnh của tòa án.
Ván bài đảo ngược?
Đó là tình huống trong hai năm qua. Bây giờ sân khấu chính trường Mỹ đã mở ra một màn kịch mới với nhiều diễn viên thuộc Đảng Dân chủ: trẻ trung, đầy sinh lực, đầy tức giận. Họ sẽ vận động để giữ chức chủ tịch của các ủy ban quan trọng tại Hạ viện và mở ra những cuộc điều tra về tổng thống Trump.
Ngoài vụ bầu cử 2016, điều tra sẽ nhắm vào những điểm yếu của Trump, ví dụ, sau bốn lần phá sản tại sao các ngân hàng vẫn cho ông vay tiền để làm giàu? Tại sao ông không chịu công bố hồ sơ thương mại cá nhân? Ông đã tránh thuế (tax avoidance) hay trốn thuế (tax evasion)? Tránh hay lách thuế thì OK nhưng trốn thuế thì có tội.
Và nếu có bằng chứng rõ ràng qua các cuộc điều tra thì liệu chiêu bài “fake news” của ông có còn hữu hiệu nữa hay không?
Bỗng nhiên ván bài đảo ngược.
Hoàn cảnh đã dồn ông Trump vào thế thủ: ban ngày ông sẽ nhức đầu hơn, ban đêm sẽ mất ngủ nhiều hơn.
Chúng tôi đi thăm ngôi trường cũ – Đại học Virginia (UVA) – ở Charlottesville, nơi có khủng hoảng da mầu, biểu tình trong mấy năm qua. Nhiều người ở đây cho rằng chính vì ông Trump quá khích nên đã ảnh hưởng nhóm người quá khích, gây nên bạo động? Đây là một vấn đề hết sức bén nhậy.
Như vậy, trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ một, ông Trump sẽ hành động ra sao?
Rất có thể ông sẽ phải xuống thang về các chính sách nhập cư, bảo hiểm sức khỏe, cắt thuế, giá thuốc, Iran, NATO.
Đối với Trung Quốc có thể ông sẽ áp dụng kế sách “Dương Đông kích Tây” để đánh lạc hướng. Đối thủ không biết ông sẽ làm gì: lúc thì khép chặt cửa với Bắc Kinh, lúc lại mở, mở rồi lại đóng.
‘Sói già’ Trump đang áp đảo Tập Cận Bình?
TQ chúc mừng Jair Bolsonaro vì lo ngại?
TQ đưa Chiến Lang 2 đi tranh giải Oscar
Mỹ dọa đánh thuế toàn bộ hàng TQ
Tuy nhiên, mưu lược của Trung Quốc – nơi sinh ra Tôn Tử – thì cũng không phải vừa.
Chắc chắn rằng trong những ngày tháng tới, cả thế giới sẽ theo dõi trận đấu mới giữa Trump và Tập.
Ngay tới đây, hai ông sẽ gặp nhau ở hội nghị G20 tại Argentina sau khi ông Tập và người phó của TT Trump là Mike Pence đã va chạm nhau công khai ở APEC, Papua New Guinea.
Chúng ta hãy chờ xem bên nào sẽ thắng cuộc?
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Tiến Hưng từVirginia, Hoa Kỳ, cựu Tổng trưởng Kế hoạch VNCH kiêm cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trước 1975 ở Sài Gòn. Ông là tác giả hai cuốn ‘Khi Đồng minh Tháo chạy’ và ‘Khi Đồng minh Nhảy vào’, đồng tác giả cuốn ‘The Palace Files – Hồ sơ Dinh Độc Lập’ viết cùng Jerrold L. Schecter bằng tiếng Anh.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-46316389
Mỹ mời quan chức Trung Quốc
thăm tàu sân bay Ronald Reagan neo tại Hồng Kông
Ngày 23/11/2018, tàu sân bay MỹUSS Ronald Reagan, đang ghé Hồng Kông, một lần nữa mời các quan chức Trung Quốc viếng thăm. Mục tiêu là để quảng bá cho chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương « mở và tự do » của Washington, không loại trừ quốc gia nào.
Theo South China Morning Post, chủ tọa của buổi tiếp tân tối 23/11 là tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Hồng Kông, ông Kurt Tong. Về phía khách mời có tham mưu trưởng lực lượng Trung Quốc đóng tại đặc khu, ông He Qimiao, một số sĩ quan và dân biểu địa phương.
Phát biểu trong cuộc gặp này, tổng lãnh sự Mỹ tại Hồng Kông nhấn mạnh là các nỗ lực về ngoại giao và quân sự của Hoa Kỳ và các đồng minh có mục tiêu duy trì tự do và ổn định tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, nền tảng của thương mại quốc tế. Tổng lãnh sự Mỹ Kurt Tong mô tả chiếc tàu sân bay – nơi diễn ra buổi tiếp tân – như là một minh chứng « cho cam kết mang tính lịch sử và liên tục của nước Mỹ với khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương ». Theo nhà nghiên cứu Wilson Chan Wai Shun, đại học Trung Văn Hồng Kông, tổng lãnh sự Mỹ đặc biệt lưu ý đến mối quan hệ gắn bó từ một thế kỷ nay của nước Mỹ với Hồng Kông, và Hồng Kông luôn nằm trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ.
Khác với lúc viếng thăm trước đó của tư lệnh Trung Quốc tại Hồng Kông hôm 20/11, chủ yếu để thể hiện uy lực của hàng không mẫu hạm Mỹ, đặc biệt là các màn diễn tập cất cánh và hạ cánh của phi cơ F-18, buổi tiếp tân tối 23/11 được mô tả là diễn ra « trong bầu không khí thân mật », nơi giới chức quân sự và dân sự hai bên gặp gỡ giao lưu. Washington muốn cho thấy mặc dù quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng, Hoa Kỳ vẫn để ngỏ cánh cửa với Bắc Kinh.
Hoa Kỳ thu hồi visa các nhà nghiên cứu Trung Cộng
Theo tin từ Reuters, tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Cộng vừa thu hồi visa nhập cảnh nhiều lần trong 10 năm, đối với các nhà nghiên cứu quan hệ Hoa Kỳ – Trung Cộng, vì mối quan hệ giữa 2 nước ngày càng trở nên căng thẳng hơn.
Hồi tháng 11-2014, hai nước đều đồng ý cung cấp visa du lịch và kinh doanh có thời hạn lên đến 10 năm, để người dân không phải xin cấp visa nhiều lần. Các nhà nghiên cứu cho biết, việc thu hồi visa dường như chỉ giới hạn đối với một số ít các chuyên gia tại các trung tâm nghiên cứu Hoa Kỳ. Nhiều người Trung Cộng phàn nàn quá trình cấp visa vào Hoa Kỳ ngày càng bị kéo dài, buộc một số nhà nghiên cứu phải hủy bỏ các chuyến đi Hoa Kỳ của họ.
Dưới sự quản trị của chính quyền Tổng thống Donald Trump, Washington tăng cường việc sàng lọc những công dân Trung Cộng có khả năng tiếp cận với những nhóm ngành kỹ thuật cao của Hoa Kỳ. Tổng thống Trump xem Trung Cộng như là một đối thủ chiến lược, và cáo buộc cường quốc châu Á này trộm cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ, cũng như chỉ trích chương trình “Made in China 2025” của Bắc Kinh. Chương trình này mang mục tiêu đưa Trung Cộng trở thành một đất nước kỹ thuật cao hàng đầu thế giới.
Hồi tháng 6 năm nay, Hoa Kỳ đưa ra chính sách hạn chế visa, nhằm rút ngắn thời hạn visa đối với những sinh viên Trung Cộng tốt nghiệp chuyên ngành robot, hàng không và sản xuất kỹ thuật cao. Visa của họ bị giảm từ thời hạn tối đa 5 năm xuống còn thời hạn 12 tháng.
Một chuyên gia về quan hệ quốc tế Trung Cộng cho rằng, những mối lo lắng về an ninh quốc gia thúc đẩy Hoa Kỳ tăng cường giám sát, và kiểm soát visa chỉ là một trong các biện pháp giám sát đó. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-thu-hoi-visa-cac-nha-nghien-cuu-trung-cong/
Phúc trình cảnh báo hiểm họa khôn lường
của biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu sẽ khiến kinh tế Mỹ thiệt hại hàng trăm tỷ đô la cho đến cuối thế kỷ này và tàn phá mọi thứ từ sức khỏe con người cho đến cơ sở hạ tầng và sản xuất nông nghiệp, theo một bản phúc trình của Chính phủ Mỹ được công bố hôm 23/11.
Bản phúc trình được thưc hiện theo yêu cầu của Quốc hội và được soạn thảo với sự hỗ trợ của một chục cơ quan và đơn vị của chính phủ đã trình bày những tác động dự đoán của tình trạng ấm lên toàn cầu lên tất cả các khía cạnh của xã hội Mỹ.
Bản phúc trình đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc này mâu thuẫn với mục tiêu của chính quyền Tổng thống Donald Trump cổ súy cho nhiên liệu hóa thạch.
“Với lượng khí phát thải tiếp tục tăng với tốc độ lịch sử, thiệt hại hàng năm ở một số ngành kinh tế dự đoán có thể lên đến hàng trăm tỷ đô la cho đến cuối thế kỷ – nhiều hơn GPD hiện tại của nhiều tiểu bang,” phúc trình cho biết.
Phúc trình cũng nói rằng sự ấm lên toàn cầu cũng ảnh hưởng đến người nghèo nhiều hơn, khiến sức khỏe con người xấu đi, tàn phá cơ sở hạ tầng, khiến nước ngọt trở nên khan hiếm, thay đổi đường bờ biển và làm gia tăng chi phí trong các ngành kinh tế từ nông nghiệp cho đến năng lượng.
Mặc dù phúc trình nói rằng nhiều tác động của biến đổi khí hậu – trong đó có những cơn bão, hạn hán và lũ lụt đang xảy ra thường xuyên hơn và có cường độ mạnh hơn – đã hiện diện, nhưng dự đoán về thiệt hại có thể thay đổi nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính được ngăn chặn đáng kể.
“Những nguy cơ từ biến đổi khí hậu trong tương lai tùy thuộc chủ yếu vào quyết định của chúng ta ngày nay,” phúc trình viết.
Bản phúc trình có tên gọi Đánh giá Khí hậu Quốc gia lần thứ tư này đã bổ sung cho một nghiên cứu hồi năm ngoái vốn kết luận rằng con người chính là tác nhân chính gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu và cũng cảnh báo về những hậu quả thảm khốc đối với hành tinh chúng ta.
Những nghiên cứu này trái ngược với quan điểm của Tổng thống Donald Trump vốn dẹp bỏ những biện pháp bảo vệ môi trường và khí hậu mà người tiền nhiệm Barack Obama đưa ra để có thể sản xuất tối đa năng lượng hóa thạch, trong đó có dầu thô mà hiện nay sản lương của Mỹ đã cao nhất trên thế giới, trên cả Ả Rập Xê-út và Nga.
Ông Trump hồi năm ngoái đã thông báo rút Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Paris về khí hậu mà gần 200 quốc gia trên thế giới đã ký kết để đối phó với biến đổi khí hậu với lập luận rằng thỏa thuận này làm tổn thương kinh tế Mỹ và đem lại ít lợi ích cụ thể về môi trường. Bản thân ông Trump và nhiều thành viên trong nội các của ông cũng liên tục bày tỏ nghi ngờ về biến đổi khí hậu.
“Bản phúc trình này đã chứng minh rõ ràng rằng biến đổi khí hậu chẳng phải là vấn đề tương lai xa vời. Nó đang diễn ra ngay lúc này tại tất cả các nơi trên đất nước,” bà Brenda Ekwurzel, giám đốc chương trình khoa học khí hậu thuộc Liên đoàn các nhà Khoa học Quan ngại và là một trong những tác giả của phúc trình, cho biết.
Các nghiên cứu trước đây, trong đó các nhà khoa học của chính phủ Mỹ, cũng đã kết luận rằng biến đổi khí hậu có thể gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng, trong đó có hủy hoại cơ sở hạ tầng, tàn phá nông nghiệp và nguồn nước.
Các tình trạng thời tiết cực đoan cũng làm tăng nguy cơ lây lan bệnh tật, làm giảm chất lượng không khí và làm tăng các chứng bệnh về tâm thần.
Mười ba cơ quan chính phủ Mỹ tham gia vào ủy ban soạn thảo phúc trình, trong đó có Bộ Nông nghiệp và NASA.
Chính quyền Trump lặng lẽ
ngừng trục xuất người nhập cư gốc Việt
Chính quyền Trump đã lặng lẽ đình chỉ nỗ lực trục xuất một số người nhập cư gốc Việt sinh sống ở Mỹ nhiều năm qua, trong một sự dịch chuyển chính sách đáng chú ý được hé lộ trong một phán quyết của tòa án ở California, báo The New York Times đưa tin hôm thứ Năm.
Năm ngoái, chính quyền đã bắt đầu câu lưu những người nhập cư lâu năm đến từ Việt Nam, Campuchia và các nước khác và chuẩn bị trục xuất họ. Một số người có thẻ xanh nhưng chưa được nhập quốc tịch, và phần lớn trong số này từng phạm tội hình sự trong quá khứ.
Nhưng Mỹ đã kí với Việt Nam một thỏa thuận vào năm 2008 nói rằng những người Việt Nam đến Mỹ trước ngày 12 tháng 7 năm 1995 – ngày mà hai nước cựu thù thời chiến tái lập quan hệ ngoại giao – sẽ không bị trục xuất.
Chính quyền Trump đơn phương quyết định diễn giải lại thỏa thuận này theo một hướng khác, nói rằng những người bị kết tội hình sự thì không được bảo vệ. Chính quyền bắt đầu thúc ép Việt Nam nhận lại một số người đến Mỹ trước năm 1995.
Nhiều người nhập cư bị đưa vào diện trục xuất đã bị giam giữ suốt nhiều tháng bởi Cơ quan Thi hành Di trú và Hải quan (ICE). Điều này đã khơi ra một vụ kiện tập thể chống lại chính quyền Trump vào đầu năm nay.
Trong một phán quyết một phần xác chứng vụ kiện tập thể, Thẩm phán Cormac J. Carney của Tòa án Liên bang Hoa Kỳ Khu vực Trung tâm California cho biết chính quyền Trump nói với tòa án rằng họ đã đạt được một thỏa thuận với Việt Nam vào tháng 8 mà theo đó “việc trục xuất những người Việt Nam đến trước năm 1995 có phần chắc sẽ không diễn ra,” tờ Times cho biết.
Ông cho biết chính quyền đã nói với tòa án rằng họ sẽ bắt đầu thả nhiều người bị giam giữ và trong một số trường hợp bị giam giữ suốt nhiều tháng chờ chấp thuận trục xuất. Báo Times cho biết văn phòng của Thẩm phán Carney từ chối bình luận về vụ việc.
Một phát ngôn viên của Bộ An ninh Nội địa, Katie Waldman, xác nhận với báo này rằng việc trục xuất những người nhập cư gốc Việt này không được cân nhắc nữa vào thời điểm hiện tại. Nhưng bà mô tả sự chống đối chính sách này là nguy hiểm, nói rằng “những lỗ hổng nguy hiểm và những quyết định sai lầm của tòa án” đang buộc chính phủ phải thả “những người ngoại quốc phạm tội này” thay vì trục xuất họ.
Một phán quyết của Tòa án Tối cao năm 2001 xác định rằng chính phủ không thể giam giữ những người nhập cư hơn 180 ngày nếu việc trục xuất “có phần chắc sẽ không diễn ra.” Tính đến ngày 15 tháng 10, 28 người nhập cư gốc Việt đến Mỹ trước 1995 vẫn bị ICE giam giữ; bốn người đã bị giam hơn 90 ngày.
Báo Times cho biết khi họ hỏi tại sao ICE lại giam giữ những người không thể bị trục xuất – và liệu cơ quan này có định thả họ hay không – một phát ngôn viên của cơ quan, Brendan Raedy, nói rằng họ không bình luận về những vụ kiện đang chờ xét xử. Khi được yêu cầu xác nhận số người Việt Nam nhập cư trước năm 1995 hiện đang bị giam giữ, ông này nói họ không thống kê con số đó, theo báo Times.
Tờ báo cũng cho biết các quan chức Bộ Tư pháp không trả lời nhiều yêu cầu xin bình luận giải thích cơ sở pháp lí của họ cho việc tiếp tục các vụ giam giữ này.
Tin cho hay quyết định trục xuất những người Việt đến trước năm 1995 vào năm ngoái đã khiến đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Ted Osius, phẫn nộ. Báo Times đưa tin ông Osius bị đình chỉ chức vụ vào mùa thu năm ngoái và sau đó từ chức khỏi Bộ Ngoại giao. Ông mô tả nỗ lực trục xuất này là một sự thất hứa đối với các gia đình Việt Nam Cộng hòa vốn là đồng minh của Mỹ trong chiến tranh và rằng họ sẽ không an toàn khi ở Việt Nam.
Chính quyền yêu cầu Tối cao Pháp viện
cấm người chuyển giới nhập ngũ
Washington, DC – Trong một nỗ lực tìm kiếm sự phê chuẩn của tòa án liên bang, hôm thứ Sáu (23 tháng 11), chính quyền Tổng thống Trump đã yêu cầu Tối cao Pháp viện mở phiên điều trần về chính sách cấm người chuyển giới nhập ngũ do tổng thống đưa ra.
Chính sách này được Tổng thống Trump công bố trên mạng xã hội Twitter vào tháng 6/2017 và sau đó được công bố chính thức bởi Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Ngoài quy định cấm người mắc chứng rối loạn định dạng giới tính nhập ngũ, chính sách cũng yêu cầu người không mắc chứng bệnh trên phải nhập ngũ đúng với giới tính trong giấy khai sinh.
Tuy nhiên, các tòa án quận khắp Hoa Kỳ đã ngăn chặn chính sách này: Tòa kháng án số 9 đã mở phiên điều trần vào đầu mùa thu này, và Tòa kháng án vùng DC cũng sẽ điều trần vào đầu tháng 12.
Hôm thứ Sáu, luật sư Noel Francisco đã kiến nghị thẩm phán Tối cao Pháp viện giải quyết vấn đề ở ba trường hợp riêng biệt tại các tòa án cấp dưới. Ông Francisco lập luận rằng các lệnh cấm toàn quốc của tòa án cấp thấp là sai phạm và cần phải xem xét ngay lập tức. Ông Francisco viết rằng các phán quyết này buộc quân đội phải duy trì chính sách cũ suốt một năm qua, dù ông Mattis và nhiều chuyên gia đánh giá rằng chính sách của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter có thể đặt ra nguy cơ lớn đối với sự hiệu quả quân sự và có thể gây chết người.
Đầu tháng 11, Bộ Tư pháp khuyến cáo Tòa kháng án số 9 rằng cơ quan này sẽ yêu cầu lệnh an toàn để dỡ bỏ phán quyết toàn quốc. Trong điều kiện thông thường, Tối cao Pháp viện sẽ không tiếp nhận các trường hợp chưa được tòa án cấp dưới giải quyết xong.
Trước đây, luật sư Francisco cũng nhiều lần yêu cầu Tối cao Pháp viện can thiệp các quyết định của tòa án cấp thấp hơn, điển hình như quyết định thêm câu hỏi quốc tịch trong đơn điều tra dân số năm 2020 và bãi bỏ Chương trình Hoãn trục xuất người di dân tới Hoa Kỳ lúc vị thành niên (DACA). (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/chinh-quyen-yeu-cau-toi-cao-phap-vien-cam-nguoi-chuyen-gioi-nhap-ngu/
Bảo hiểm Obamacare 2019 có thêm
nhiều chương trình và nhiều mức giá
Phoenix, Arizona – Trong những năm gần đây, nhiều thành phố lớn, như Memphis của Tennessee, và Phoenix của Arizona, đã trở thành những nơi không có bảo hiểm y tế, do các hãng bảo hiểm rời đi và giá bảo hiểm tăng cao tại các thị trường bảo hiểm Affordable Care Act, còn gọi là ACA hay Obamacare. Tuy nhiên, hiện tại, tương tự như nhiều nơi khác tại Hoa Kỳ, 2 thành phố này đang chứng kiến việc giá bảo hiểm giảm bớt và các chương trình bảo hiểm rất đa dạng.
Tại thị trường mới tại Memphis, mức giá trung bình cho chương trình bảo hiểm y tế hạng Silver cho năm 2019 là $498 một tháng cho người trên 40 tuổi, giảm 17% so với năm ngoái. Và tại Phoenix, 4 hãng bảo hiểm đang bắt đầu bán các dịch vụ thuộc thị trường ACA cho năm 2019.
Trên toàn 50 tiểu bang, giá trung bình cho các chương trình bảo hiểm hạng Silver đã giảm khoảng 1%. Và tại phân nửa số quận hạt ở 39 tiểu bang tham gia thị trường bảo hiểm HelathCare.gov, các chương trình bảo hiểm đã giảm giá trung bình khoảng 10%.
Việc giảm giá này không đủ để bù lại mức tăng giá bắt đầu từ năm 2014, khi thị trường ACA được thành lập. Tuy nhiên, mức giảm này đủ để bù lại mức tăng trong năm 2018, khi các hãng bảo hiểm tăng giá dịch vụ vì lo ngại Đảng Cộng hòa giảm tài trợ cho chương trình ACA. Dù vậy, trong năm 2019, giá bảo hiểm mức Silver vẫn cao hơn 75% so với mức giá năm 2014.
Khi Đảng Cộng hòa không thể xóa bỏ luật bảo hiểm y tế vào năm ngoái, họ ngược lại đã giúp thị trường này mạnh thêm. Các hãng bảo hiểm đã thu lợi nhuận khổng lồ trong năm 2018, và điều này đang thu hút thêm nhiều công ty tham gia thị trường ACA. Tất cả các yếu tố này đã giúp giá bảo hiểm trung bình giảm bớt, và thị trường bảo hiểm ở các tiểu bang như Tennesse hay Arizon có thêm nhiều hãng cung cấp dịch vụ. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/bao-hiem-obamacare-2019-co-them-nhieu-chuong-trinh-va-nhieu-muc-gia/
Ủy ban Hạ viện sẽ điều tra
quan hệ giữa Trump và Ả-rập Saudi
Các nghị sĩ Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ sẽ điều tra phản ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump về vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại như một phần trong một cuộc điều tra “đào sâu” vào năm sau nhắm vào quan hệ giữa Mỹ và Ả-rập Saudi, người sắp đứng đầu ủy ban này cho biết.
Ủy ban sẽ điều tra thẩm định của giới tình báo của Mỹ về cái chết của ông Khashoggi cũng như cuộc chiến ở Yemen, sự ổn định của hoàng gia Saudi và cách thứ mà vương quốc này đối xử với những người chỉ trích và báo giới, cùng những chủ đề khác, Dân biểu Hoa Kỳ Adam Schiff nói với báo The Washington Post trong một bài báo đăng ngày thứ Sáu.
Nhà Trắng không hồi đáp yêu cầu bình luận.
Ông Schiff, thành viên Dân chủ hàng đầu của ủy ban, sắp sửa trở thành chủ tịch ủy ban này vào tháng 1 khi đảng của ông nắm quyền kiểm soát Hạ viện Hoa Kỳ sau các cuộc bầu cử Quốc hội trong tháng này.
Điều này sẽ cho phép phe Dân chủ thực hiện chức năng giám sát ông Trump và chính quyền của ông, cho họ quyền điều tra, bao gồm khả năng ra trát buộc khai chứng và mở các phiên điều trần.
“Chắc chắn chúng tôi sẽ đào sâu hơn vào vụ ám sát Khashoggi,” ông Schiff nói với tờ Post. “Chúng tôi chắc chắn sẽ muốn xem xét những gì mà cộng đồng tình báo biết về vụ sát nhân.”
Ông Trump đã bác bỏ thẩm định của CIA rằng vụ giết hại ông Khashoggi được trực tiếp chỉ đạo bởi Thái tử Saudi Mohammed bin Salman, người cai trị Ả-rập Saudi trên thực tế. Ông Khashoggi, một nhà báo người Saudi hay chỉ trích các nhà lãnh đạo nước này và chuyên viết bài bình luận cho tờ Post, được nhìn thấy lần cuối cùng khi ông đi vào lãnh sự quán Saudi ở Istanbul vào ngày 2 tháng 10.
Hôm thứ Năm, ông Trump nhắc lại những nghi ngờ của ông về cộng đồng tình báo Mỹ, nói với các phóng viên rằng CIA “đã không đi đến kết luận. Họ có những cảm nhận nhất định,” trong khi thái tử “kịch liệt phủ nhận sự dính líu.”
Ông Schiff nói ủy ban của ông sẽ xem xét những phát hiện của CIA cũng như liệu mối quan hệ tài chính riêng của ông Trump với người Saudi có ảnh hưởng đến phản ứng của ông trong tư cách tổng thống hay không.
Ông Trump đã bênh vực lập trường của mình đối với Ả-rập Saudi, một đồng minh trọng yếu của Mỹ tại Trung Đông, viện dẫn các thương vụ vũ khí của Mỹ với Riyadh và chiến lược lớn hơn của Mỹ đối với Iran.
Tối cao Pháp viện New York bác bỏ
yêu cầu hủy vụ kiện Trump Foundation
New York – Trong văn bản công bố hôm thứ Sáu (23 tháng 11), Tối cao Pháp viện tiểu bang New York đã từ chối yêu cầu bãi bỏ vụ kiện của Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang New York nhằm vào tổ chức Donald J. Trump Foundation. Theo đó, Tối cao Pháp viện New York đã từ chối yêu cầu của Tổng thống Trump, bà Ivanka Trump, ông Eric Trump và Donald J. Trump Foundation trong việc bãi bỏ vụ kiện cáo buộc họ lợi dụng tổ chức Donald J. Trump Foundation cho mục đích cá nhân và lợi ích chính trị.
Bộ trưởng Tư pháp New York Barbara Underwood rất hoan nghênh quyết định của thẩm phán Saliann Scarpulla. Bà Underwood cho biết tổ chức Trump Foundation hoạt động như một cuốn checkbook, nhằm phục vụ cho lợi ích kinh doanh và chính trị của Tổng thống Trump. Bên cạnh đó, tiểu bang New York dự định sẽ áp đặt các quy định có sẵn để giám sát các tổ chức tư nhân.
Bà Underwood khởi kiện vào tháng 6, yêu cầu tòa án tiểu bang phải giải tán tổ chức Donald J. Trump Foundation, kèm theo số tiền bồi thường 2.8 triệu Mỹ kim. Vụ kiện cho rằng tổ chức Donald J. Trump Foundation đã hỗ trợ trái phép cuộc tranh cử của tổng thống bằng cách gây quỹ trên truyền hình quốc gia vào tháng 1/2016, sau đó cho phép các thành viên ban tranh cử quản trị khoản gây quỹ. Vào thời điểm khởi kiện, phát ngôn viên của tổ chức đã gọi đây là đỉnh điểm tồi tệ của chính trị, đồng thời tuyên bố tổ chức đã đóng góp 19 triệu Mỹ kim cho hoạt động từ thiện.
Vào tháng 10, thẩm phán Scarpulla đã hoài nghi nhận định của nhóm pháp lý đại diện gia đình Tổng thống Trump sau khi họ cho rằng vụ kiện là sự thiên vị chính trị. Thẩm phán Scarpulla khẳng định bản thân không muốn bị lôi vào chính trị và các cáo buộc chỉ đơn giản là cáo buộc. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/toi-cao-phap-vien-new-york-bac-bo-yeu-cau-huy-vu-kien-trump-foundation/
Di dân Trung Mỹ tìm đường đến Tây Ban Nha
Di dân từ các nước Trung Mỹ đang tìm đến Tây Ban Nha, nước cai trị thực dân họ trước đây, sau khi họ bị chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump không cho vào trong nỗ lực trốn khỏi tình trạng bạo lực và nghèo đói hoành hành ở quê nhà.
Tuy nhiên, đường phố ở thủ đô Madrid không làm cho cảnh ngộ của họ tốt hơn.
Sau khi bán tất cả những gì mà họ có để mua vé máy bay đến châu Âu, những di dân này thường phải ngủ ngoài đường hay trước cửa nhà người dân mà không có quần áo ấm, thức ăn hay tiền bạc.
“Con chúng tôi chỉ mới hai tháng tuổi và chúng tôi đã cạn tiền… hiện giờ chúng tôi không có nơi nào để ở,” anh Nelson Delgado, 40 tuổi, đến từ El Salvador nói trong lúc anh đang xếp hàng cùng vợ con bên ngoài trung tâm di dân duy nhất ở Madrid ngày thứ ba liên tiếp.
“Nếu tôi không được phúc lợi gì cũng không sao, chỉ mong vợ con tôi có được chút gì đó ngõ hầu có tương lai tươi sáng hơn,” anh khóc và nói trong nghẹn ngào.
Số lượng người xin quy chế tị nạn từ Trung Mỹ và Venezuela đã tăng lên đáng kể từ tháng trước sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi đoàn xe di dân là ‘xâm lăng’ và triển khai binh lính đến biên giới với Mexico để ngăn chặn họ.
Tuy nhiên hy vọng tìm được tương lai tốt đẹp hơn ở Tây Ban Nha của họ cũng tan vỡ. Tây Ban Nha, cùng với các nước châu Âu khác đã tràn ngập làn sóng di dân từ Bắc Phi và Trung Đông.
Sau khi xếp hàng ròng rã trước trung tâm di dân, họ chỉ có thể nhận được lịch hẹn để bắt đầu tiến trình xin tị nạn. Người may mắn sẽ được buổi hẹn vào năm 2019, người kém may mắn hơn phải chờ đến năm 2020.
Bộ Nội vụ Tây Ban Nha nói họ ‘ý thức được mức độ của vấn đề’ và đang cố gắng tìm cách giải quyết tình hình. Số lượng người xin tị nạn ở Tây Ban Nha đã tăng lên 12 lần kể từ năm 2010.
Chỉ tính riêng trong năm nay, có gần 45.000 người tị nạn đã vào Tây Ban Nha cho đến cuối tháng 10, theo số liệu của Bộ Nội vụ, đông nhất là đến từ những nước Venezuela, Colombia, Syria và Honduras. Còn 63.000 hồ sơ xin tị nạn vẫn chờ được giải quyết.
Ông Delgado, một tài xế xe buýt, nói ông và vợ ông đã rời bỏ quê nhà ở thị trấn Ahuchapan nằm ở biên giới với Guatemala sau khi ông bị bắt cóc và sau đó bị một băng đảng tội phạm đe dọa. Họ đã quyết định vượt biên cùng với một gia đình khác.
“Có một đoàn xe di dân trên đường đến Mỹ… nhưng chúng tôi không nhập vào đoàn. Chúng tôi lo sợ rằng họ sẽ trục xuất chúng tôi trở về El Salvador hay thậm chí chia cách chúng tôi với đứa con trai nhỏ của mình,” ông Delgado nói.
Một nhà thờ giáo xứ cuối cùng đã nhận Delgado và người thân của ông. Nơi này đang cung cấp chỗ ăn ở cho năm gia đình di dân Trung Mỹ khác. Trong đó có Jonathan Martinez đến từ Venezuela và ba đứa con của ông vốn đã phải ngủ ở ngoài cửa sau khi bị đuổi ra khỏi một trung tâm xã hội vì không còn chỗ.
Bác sĩ Cuba về nước,
Brazil đối mặt với khủng hoảng y tế
Khoảng 8.300 bác sĩ Cuba sẽ về nước từ nay đến ngày 12/12/2018, bắt đầu bằng đợt hồi hương đầu tiên hôm 22/11 gồm 430 bác sĩ làm việc cho chương trình « Nhiều bác sĩ hơn nữa » (Mais médicos). Người dân Brazil, đặc biệt là những người sống ở vùng hẻo lánh, tỏ ra lo ngại vì các bác sĩ Cuba hoạt động chủ yếu ở những vùng xa xôi, hoặc tại các thành phố mà bác sĩ Brazil không muốn làm việc.
Thông tín viên RFI Sarah Cozzolino ghi nhận lo ngại của người dân ở São Paulo :
« Ở bang São Paulo, thành phố Mauá sẽ mất 33 bác sĩ, sau khi Cuba ngừng tham gia chương trình « Nhiều bác sĩ hơn nữa ». Con số này chiếm khoảng 1/3 số bác sĩ theo dõi cơ bản ở thành phố này. Quyết định hồi hương đột ngột khiến bà mẹ hai con Arlenilda Santana lo ngại.
Bà nói : « Chúng tôi phải làm sao khi không còn bác sĩ ? Ở đây có rất nhiều gia đình và nếu không có các bác sĩ Cuba thì cũng chẳng còn ai khác. Trước đây, khi có trường hợp khẩn cấp chúng tôi đến và họ chữa trị cho chúng tôi. Giờ thì chúng tôi phải đi đâu ? »
Được triển khai từ năm 2013 dưới thời tổng thống Dilma Roussef, chương trình đã giúp giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em và người mẹ ở những vùng hẻo lánh nhất Brazil, như vùng Amazon và trong các cộng đồng người thiểu số. Tuy nhiên, các thành phố cỡ trung, như Mauá, cũng bị tác động mạnh mẽ.
Ông Luís Carlos Casarin, phó giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết : « Chúng tôi rất lo lắng vì chắc chắn chúng tôi bị ảnh hưởng do quyết định đột ngột này. Từ giờ, các thành phố cần thời gian để tổ chức lại và để có thể tìm bác sĩ lấp vào các chỗ trống ».
Trong vòng 5 năm sống và làm việc ở Brazil, một phần lớn trong số 8.300 bác sĩ Cuba đã bắt đầu một cuộc đời mới, với gia đình và bạn bè. Không một ai chấp nhận trả lời câu hỏi của chúng tôi. Hoặc vì họ bị ảnh hưởng quá nhiều vì quyết định hồi hương, hoặc vì họ sợ bị chính phủ Cuba trả đũa, vì dường như chính phủ đã khuyến cáo họ không nên trả lời báo chí ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181124-bac-si-cuba-ve-nuoc-brazil-doi-mat-voi-khung-hoang-y-te
Hội nghị G20 sắp tới sẽ đối diện nhiều thách thức
Buenos Aires, Argentina – Trong hội nghị G20 tại Argentina vào tuần tới, các lãnh đạo thế giới dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn khi thảo luận về 2 vấn đề quan trọng toàn cầu hiện nay, là thương mại và biến đổi khí hậu.
Các viên chức châu Âu và châu Á, những người đang chuẩn bị cho hội nghị, cho biết họ không thể chắc chắn rằng G20 năm nay sẽ đưa ra được một tuyên bố chung, sau khi phiên họp dài 2 ngày kết thúc vào ngày 1 tháng 12. Nhiều viên chức cho rằng G20 có thể gặp nhiều trở ngại từ Tổng thống Donald Trump, người luôn tỏ ra hoài nghi về nạn biến đổi khí hậu và đang thực hiện nhiều chính sách bảo hộ thương mại.
Vào tuần trước, Hội nghị APEC đã lần đầu tiên không thể đưa ra được tuyên bố chúng, sau khi Hoa Kỳ xung đột với Trung Cộng về thương mại và an ninh. Vào tháng 5 năm nay, Tổng Thống Trump cũng bác bỏ một bản thông cáo của lãnh đạo các quốc gia công nghiệp G7, sau khi cuộc họp kết thúc trong bất hòa, liên quan đến hàng rào quan thuế và thương mại.
Hội nghị G20 sẽ là lần gặp mặt đầu tiên giữa các lãnh đạo, sau khi Tổng thống Trump đánh thuế lên 250 tỷ Mỹ kim hàng Trung Cộng nhập cảng, nhằm buộc Bắc Kinh phải mở cửa thị trường nội địa, ngừng ép buộc chuyển giao công nghệ, và chấm dứt việc đánh cắp tài sản trí tuệ. Trung Cộng đã đáp trả bằng cách đánh thuế tương tự lên hàng Hoa Kỳ nhập cảng.
Một số viên chức các nước G20 cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ không kết thúc trong tương lai gần, nhưng họ hy vọng cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình ít nhất sẽ đạt được một thỏa thuận ngừng đối đầu. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/hoi-nghi-g20-sap-toi-se-doi-dien-nhieu-thach-thuc/
EU gặp khó khăn
trước thềm hội nghị thượng đỉnh Brexit
Brussels, Belgium – Vào hôm thứ Sáu (23/11), sự phản đối của Tây Ban Nha về vấn đề Gibraltar đã khiến Liên minh châu Âu không thể dỡ bỏ rào cản cuối cùng trước hội nghị thượng đỉnh vào ngày Chủ Nhật để xác nhận thỏa thuận Brexit với Anh. Cuộc họp của các nhà đàm phán cấp quốc gia từ 27 thành viên EU tại Brussels vẫn tiếp diễn sau khi vấn đề Brexit kết thúc mà không đạt được thỏa thuận về Gibraltar sau gần ba giờ đàm phán.
Hiện nay, chỉ còn bốn tháng trước khi Anh quốc rời khỏi liên minh EU, theo kế hoạch thì hiệp ước ly khai hợp pháp và tuyên bố chính trị kèm theo, về các mối quan hệ trong tương lai, sẽ do Thủ tướng Anh Theresa May và các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia còn lại ở EU thông qua.
Vào cuối thứ Bảy tuần này, Bà May sẽ đến Brussels để tham dự các cuộc hội đàm với chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Jean-Claude Juncker, vài giờ trước khi hội nghị thượng đỉnh bắt đầu. Tại London, phát ngôn viên của bà May cho biết bà sẽ làm việc với chính phủ Tây Ban Nha về vấn đề Gibraltar, một lãnh thổ nước ngoài của Anh đang bị tranh chấp. Phía Tây Ban Nha đã yêu cầu thay đổi hiệp ước ly khai hợp pháp của Anh quốc, cũng như tuyên bố chính trị kèm theo, nhằm xác định rõ rằng mọi quyết định về khu vực Gibraltar trong tương lai chỉ được quyền thực hiện với Madrid.
Vào hôm thứ Năm, Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết Tây Ban Nha sẽ phản đối thỏa thuận Brexit vào ngày Chủ Nhật tuần này, nếu nội dung của thỏa thuận vẫn không thay đổi. Theo các quy định của EU, hiệp định ly khai phải được đa số thông qua và không cần phải nhận được sự ủng hộ của tất cả các bên, vì vậy một quốc gia đơn lẻ không thể chặn Brexit. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU lại muốn thống nhất với nhau trong vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị này. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/eu-gap-kho-khan-truoc-them-hoi-nghi-thuong-dinh-brexit/
Tây Ban Nha dọa phá thượng đỉnh Brexit,
nếu không được bảo đảm về Gibraltar
Vào Chủ Nhật 25/11/2018, các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu dự kiến có cuộc thượng đỉnh để phê chuẩn thỏa thuận chia tay với Anh Quốc. Tuy nhiên, kết quả 17 tháng thương lượng căng thẳng của khối 27 nước và Luân Đôn có nguy cơ đổ vỡ.
Tây Ban Nha đe dọa sẽ phá hỏng thượng đỉnh, nếu không đạt được « các bảo đảm bằng văn bản » về tương lai của Gibraltar, vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh Quốc nằm ở cực nam Tây Ban Nha. Madrid vẫn thường xuyên đòi hỏi chủ quyền với Gibraltar – vùng đất hẹp chừng 7 km² với hơn 30.000 dân cư, mà Tây Ban Nha buộc phải nhượng lại cho Anh đầu thế kỷ 18.
Thông tín viên François Musseau tường trình từ Madrid :
« Trong những ngày gần đây chính trường Tây Ban Nha tan nát vì nhiều cuộc cãi vã, tuy nhiên, riêng về vấn đề Gibraltar, tất cả đều có chung quan điểm. Mọi phe phái chính trị đều ủng hộ thủ tướng Pedro Sanchez, trong lúc lãnh đạo Tây Ban Nha duy trì quyền phủ quyết đối với các thỏa thuận Brexit, với lý do là tương lai của vùng đất nhỏ bé Gibraltar sẽ rơi vào bất định.
Tây Ban Nha sợ gì ? Mối lo của Madrid là một khi Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu ly dị, thuộc địa Anh Quốc nằm sát với xứ Andalusia, sẽ thoát khỏi quyền kiểm soát của Madrid. Trong khi đó, các hiệp ước trong hiện tại đều nói rõ là, trong trường hợp vùng đất này có thay đổi về quy chế, Tây Ban Nha có quyền có tiếng nói cuối cùng.
Madrid sẽ phải quyết định là liệu Gibraltar vẫn là một khu vực với thuế khóa ưu đãi, với hải phận, chế độ thuế quan riêng hay không. Tóm lại, Tây Ban Nha không bao giờ chấp nhận để cho Gibraltar, do thỏa thuận Brexit, trở thành một lãnh thổ nằm ngoài Liên Hiệp Châu Âu. Để cản trở điều này, chính phủ Pedro Sanchez cho biết sẽ đi đến cùng ».
Pháp : “Áo Vàng” lại biểu dương lực lượng ở Paris
Sau thành công của ngày hành động đầu tiên thứ bảy tuần trước, hôm nay, 24/11/2018, những người « Áo Vàng », tức là những người tham gia phong trào phản đối tăng thuế xăng dầu, lại tập hợp đông đảo ở Paris, nhưng chưa biết là tại những địa điểm nào. Bạo động đã nổ ra trên đại lộ Champs-Elysées.
Thứ Bảy tuần trước, 17/11, khoảng 280 ngàn người « Áo Vàng » đã phong tỏa nhiều trục lộ và nhiều cơ sở chiến lược khắp nước Pháp. Phong trào đã tiếp diễn trong suốt tuần qua, với hậu quả tính cho đến nay là 2 người chết, 620 thường dân và 136 cảnh sát, hiến binh bị thương.
Để ngăn chận bạo động tái diễn, nhất là từ những thành phần cực tả và cực hữu, ngày 24/11, nhà chức trách Pháp huy động một lực lượng an ninh với mức độ « đặc biệt » ở khắp nước Pháp, vì ngoài các cuộc biểu tình ở thủ đô, những người « Áo Vàng » còn có những hành động ở các tỉnh.
Vì lý do an ninh, chính quyền thành phố Paris đã cấm một cuộc tập hợp ở quảng trường Concorde, mà đã có hơn 36 ngàn người trên Facebook tuyên bố tham gia. Nhà chức trách đề nghị họ đến khu Champs de Mars gần tháp Eiffel, nhưng những người « Áo Vàng » đã từ chối địa điểm này. Họ thông báo (nhưng không xin phép sở cảnh sát Paris) là sẽ tập hợp ở khu Champs-Elysées.
Ngay từ sáng sớm, khu vực chung quanh điện Elysée (phủ tổng thống), một đoạn của đại lộ Champs-Elysées, quảng trường Concorde, và tòa nhà Quốc Hội đã bị phong tỏa, không một cuộc biểu tình, tập hợp nào được diễn ra tại đây, theo lệnh của Sở Cảnh sát Paris.
Nhưng hàng trăm người « Áo Vàng » sáng nay đã kéo đến đại lộ Champs-Elysées và cảnh sát đã phải sử dụng lựu đạn hơi cay và vòi rồng để giải tán những người biểu tình, trong đó có những thành phần cực đoan trà trộn vào đoàn người « Áo Vàng », tìm cách vượt qua hàng rào cảnh sát.
Theo hãng tin AFP, nhiều người « Áo Vàng » ở các vùng khác cho biết là họ sẽ không lên Paris để tham gia biểu tình vì không có phương tiện, nhưng cũng vì sợ xảy ra bạo động ở thủ đô. Họ sẽ tiếp tục những hành động như lập hàng rào trên các trục lộ, hoặc chung quanh các khu thương mại.
Theo bộ trưởng Nội Vụ Castaner, tổng cộng đã có khoảng 8.000 người « Áo Vàng » biểu tình ở Paris, 23.000 người trên toàn nước Pháp.
Cùng với những người « Áo Vàng », hàng chục ngàn người cũng sẽ tuần hành trên khắp nước Pháp ngày 24/11 theo lời kêu gọi của một tập thể công dân chống bạo lực đối với phụ nữ. Tại Paris, họ sẽ tuần hành từ quảng trường Opéra đến quảng trường République.
http://vi.rfi.fr/phap/20181124-phap-ao-vang-lai-bieu-duong-luc-luong-o-paris
Cảnh sát Pháp tấn công
cuộc biểu tình phản đối tăng giá nhiên liệu
Paris, Pháp – Trong hơn 1 tuần qua, hàng trăm ngàn người dân Pháp cùng đổ ra đại lộ Champs Elysees để biểu tình quyết định tăng giá nhiên liệu, và chính sách kinh tế của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Những người biểu tình mặc áo khoác màu vàng huỳnh quang, giống như chiếc áo mà tất cả tài xế ở Pháp phải có trong xe hơi của họ. Đoàn biểu tình chặn các con đường bằng những vật đang cháy và đoàn xe tải di chuyển chậm, nhằm cản trở mọi người tiếp cận các kho nhiên liệu, trung tâm mua sắm và một số nhà máy.
Cuộc biểu tình gây nên sự gián đoạn trên khắp nước Pháp. Một số người biểu tình hát quốc ca, trong khi những người khác mang theo bảng và khẩu hiệu với nội dung “Macron, từ chức” và “Macron, tên trộm.” Họ phản đối các loại thuế về dầu diesel và xăng mà tổng thống Macron giới thiệu hồi năm ngoái. Các loại thuế bổ sung này được đưa ra nhằm khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường hơn, như xe chạy bằng năng lượng xanh hoặc xe điện.
Trong cuộc biểu tình vừa qua, cảnh sát phải bắn hơi cay và sử dụng pháo nước để giải tán đám đông biểu tình ở Paris. Lực lượng an ninh lo lắng rằng, các thành phần cực đoan thuộc cánh tả và cánh hữu cũng có thể tham gia vào các cuộc biểu tình, để kích động người dân ngày càng hỗn loạn hơn.
Theo thông tin từ phía cảnh sát, chỉ riêng tại Paris, ước tính số người biểu tình sẽ lên đến 30,000 người. Tòa thị chính cho biết, vào hôm thứ Bảy (24/11), có đến khoảng 3,000 cảnh sát phải làm việc để giải quyết các vấn đề tại Paris.
Theo thông tin từ các tổ chức người tiêu dùng, hồi hôm thứ Bảy tuần trước, khi gần 300,000 người tham gia biểu tình, doanh thu hàng ngày của các nhà bán lẻ giảm 35%. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/canh-sat-phap-tan-cong-cuoc-bieu-tinh-phan-doi-tang-gia-nhien-lieu/
Leonardo da Vinci gây bất hòa Pháp – Ý
Năm 2019 là kỷ niệm 500 năm ngày Leonardo da Vinci qua đời, nhưng các tác phẩm của nhà danh họa này lại đang gây bất hòa giữa hai nước láng giềng Pháp, Ý.
Trên báo chí Ý ngày 17/11/2018, Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa của Ý, bà Lucia Borgonzoni, thuộc đảng cực hữu Liên Đoàn (Lega), đã đòi xét lại một thỏa thuận cho mượn tranh giữa nước Ý với viện bảo tàng Louvre của Pháp. Theo thỏa thuận này, Roma cam kết sẽ cho Pháp mượn các bức tranh của Leonardo da Vinci để triển lãm ở viện bảo tàng Louvre nhân dịp 500 năm ngày giỗ của nghệ sĩ Ý.
Nhưng nay bà Borgonzoni cho là nội dung của thỏa thuận này là “không thể chấp nhận được”. Quốc vụ khanh Ý cho rằng Leonardo da Vinci là người Ý, ông ấy chỉ chết ở bên Pháp và theo bà, nếu cho viện bảo tàng Louvre mượn tranh của ông, nước Ý sẽ bị gạt sang bên lề một sự kiện văn hóa quan trọng.
Sinh năm 1452 tại Toscana, Leonardo da Vinci đúng là chỉ sống có vài năm cuối đời tại Pháp, nơi mà ông trút hơi thở cuối cùng vào năm 1519. Nhưng Pháp tự cho là mình có quyền đứng ra tổ chức kỷ niệm 500 ngày giỗ của Leonardo da Vinci.
Vấn đề là có thể gọi nhà danh họa là người Ý được không? Theo sử gia Pascal Brioist, một chuyên gia vào thời Phục Hưng, vào thời đó, chưa hề có nước Ý, mà lúc đó chỉ có các công quốc và ở bên Pháp tài năng của Leonardo da Vinci được đánh giá cao hơn. Vào năm 1515, ông đã quyết định sang sống ở Pháp theo lời mời của vua François Đệ nhất, vì thấy mình không còn được giáo hoàng Leon X trọng dụng nữa, mà lại đang bị các họa sĩ thế hệ trẻ như Rafael hay Michel Ange cạnh tranh.
Sử gia Pascal Brioist nhắc lại rằng đây không phải là lần đầu tiên mà Leonardo da Vinci trở thành đối tượng tranh chấp Pháp – Ý. Vào năm 1911, bức tranh nổi tiếng La Joconde của ông, trưng bày ở viện bảo tàng Louvre, đã bị một anh thợ người Ý đánh cắp, vì anh ta muốn trả lại bức tranh này cho quê hương của nó. Mãi đến năm 1913, người ta mới tìm lại được La Joconde.
Vào thời nhà độc tài Mussolini, trong những năm 1930, phe phát xít đã tôn vinh Leonardo da Vinci như là hiện thân của sự vĩ đại của nước Ý. Gần đây nhất, nhiều cư dân mạng của Ý đã bày tỏ phẫn nộ khi thấy viện bảo tàng Louvre dùng hình tượng La Joconde để ăn mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đá Pháp trong Cúp thế giới 2018.
http://vi.rfi.fr/phap/20181123-leonardo-da-vinci-gay-bat-hoa-phap-%E2%80%93-y
Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh:
Nga là mối đe dọa nghiêm trọng hơn Daech
Đối với nước Anh, Nga là mối đe dọa « nghiêm trọng hơn nhiều » so với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech). Đó là tuyên bố của tổng tham mưu trưởng quân đội Anh, tướng Mark Cerleton-Smith, trên tờ nhật báo Anh The Telegraph ngày 24/11/2018.
Theo lời tổng tham mưu trưởng quân đội Anh Quốc, « nước Nga đã chứng tỏ là họ sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự để bảo vệ và phát triển các lợi ích quốc gia của họ. Nga vẫn tìm cách khai thác những điểm yếu ở bất cứ nơi nào mà họ phát hiện ».
Tướng Cerleton-Smith đưa ra nhận định nói trên sau khi thăm Estonia, nơi mà quân nhân Anh được triển khai trong khuôn khổ Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), tại một nơi chỉ cách biên giới Nga 150 km. Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh đặc biệt cảnh báo về những nguy cơ « không truyền thống » từ Nga, như tội phạm tin học, chiến tranh dưới biển hoặc trong không gian.
Tháng 10/2018, Luân Đôn tố cáo Matxcơva đã tiến hành các vụ tấn công tin học lớn ở cấp độ toàn cầu trong những năm gần đây, chỉ đích danh Cơ quan Tình báo Quân sự Nga (GRU) là thủ phạm. Quan hệ giữa Anh Quốc với Nga cũng đã trở nên căng thẳng do vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Serguei Skripal bằng chất độc thần kinh Novitchok, tháng 03/2018 tại Salisbury, miền nam nước Anh. Nước này đã trục xuất nhiều nhà ngoại giao của nước kia.
Ngược lại, theo tướng Cerleton-Smith, mối đe dọa khủng bố Hồi Giáo đã giảm đi với việc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo bị tổn thất nặng nề ở Irak và Syria.
Trung Cộng và Nga tìm cách loại bỏ đồng Mỹ kim
Theo bản tin của tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng, Trung Cộng và Nga đang soạn thảo một hiệp ước nhằm thúc đẩy việc sử dụng đồng Nhân dân tệ và đồng Rúp trong thương mại song phương và quốc tế, đồng thời nhấn mạnh ý định chấm dứt sự phụ thuộc vào đồng Mỹ kim. Mục tiêu của việc phát triển một hệ thống thanh toán tài chính quốc tế mới là để giải quyết các biện pháp trừng phạt và thuế thương mại của Hoa Kỳ.
Trong chuyến thăm Trung Cộng đầu tháng này, Thủ tướng Nga Dmitry Mevedev, cho biết các cuộc thảo luận đang được tiến hành để hợp thức hóa việc sử dụng thẻ tín dụng UnionPay của Trung Cộng ở Nga và thẻ Mir của Nga tại Trung Cộng.
Việc thúc đẩy tạo ra hệ thống tài chính mới xuất phát từ tình trạng quan hệ của Nga và Trung Cộng với Hoa Kỳ ngày càng xấu đi, cùng với nguy cơ Washington sẽ áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế lên một trong hai hoặc cả hai nước này. Vì khoảng 42% giao dịch bằng hệ thống thanh toán quốc tế Swift được tính bằng đồng Mỹ kim, Washington có thể sử dụng hệ thống này để xử phạt những nước vi phạm lệnh trừng phạt. Việc thiết lập một hệ thống thanh toán xuyên biên giới mới có thể cho phép Trung Cộng và Nga tránh sử dụng Swift trong nhiều giao dịch. Từ đó họ có thể tránh được mọi biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, nhà kinh tế học của Nga thuộc ngân hàng ING, ông Dmitry Dolgin cho rằng các bên liên quan cần phải vượt qua nhiều trở ngại trước khi có thể hiện thực hóa những lợi ích của hệ thống thanh toán mới. Trung Cộng hiện đang gắn kết rất chặt chẽ với các chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, do đó khả năng định giá bằng đồng Nhân dân tệ còn hạn chế. Hơn nữa, các nhà xuất cảng dầu từ trước đến giờ đều thanh toán bằng đồng Mỹ kim vì nó thuận tiện và đồng thời những nhà xuất cảng cũng có niềm tin vào giá trị của đồng Mỹ kim. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/trung-cong-va-nga-tim-cach-loai-bo-dong-my-kim/
Osaka sẽ tổ chức hội chợ World Expo 2025
Paris, Pháp – Vào hôm thứ Sáu (23/11), các thành viên của Cơ quan Triển lãm Quốc tế (BIE) tổ chức một cuộc bỏ phiếu tại Paris, để chọn ra thành phố tổ chức Hội chợ Triển lãm Thế giới World Expo vào năm 2025. Ba thành phố tham gia cuộc bình chọn là: Osaka của Nhật Bản, Yekaterinburg của Nga, và Baku của Azerbaijan.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau khi các đại diện từ ba thành phố diễn thuyết lần cuối về đề nghị của họ. Trong vòng đầu tiên của cuộc bỏ phiếu, các nước giành được sự ủng hộ khá đồng đều; nhưng đến vòng thứ hai, Osaka đã đánh bại Yekaterinburg với tỷ số cách biệt 92 – 61. Kết quả chung cuộc, thành phố Osaka của Nhật bản đã vượt qua hai đối thủ Nga và Azerbaijan, để giành quyền tổ chức triển lãm World Expo.
Đây sẽ là lần thứ hai hội chợ quốc tế này được tổ chức tại thành phố Osaka. Hội chợ World Expo kéo dài đến sáu tháng, với chi phí chuẩn bị lên đến hàng triệu Mỹ kim, nhưng bù lại, triển lãm này có thể giúp thành phố chủ nhà tỏa sáng, và thu hút du khách cả trong lẫn ngoài nước.
Hội chợ World Expo được tổ chức mỗi 5 năm, nhằm nâng cao nhận thức và giải quyết các vấn đề toàn cầu. Hội chợ gần đây nhất được tổ chức vào năm 2015, và hội chợ tiếp theo sẽ được tổ chức tại Dubai vào năm 2020.
Hồi năm 1970, Osaka đã từng là thành phố chủ nhà tổ chức Hội chợ Triển lãm Thế giới World Expo, với chủ đề “Thiết kế Xã hội Tương lai cho Cuộc sống”, và tập trung vào các lĩnh vực như kéo dài tuổi thọ lành mạnh, cũng như lĩnh vực về giáo dục và việc làm trong thời đại robot và trí thông minh nhân tạo. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/osaka-se-to-chuc-hoi-cho-world-expo-2025/
Đài Loan trưng cầu dân ý về hôn nhân đồng giới
Đài Loan sắp diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.
Nếu được thông qua thì Đài Loan sẽ là nơi đầu tiên ở châu Á làm được điều này.
Tòa án Tối cao vừa ra phán quyết ủng hộ hôn nhân đồng giới, cho nghị viện hai năm để sửa đổi luật hoặc thông qua luật mới.
Nhưng đây chỉ là một trong 10 vấn đề mà cử tri đang được yêu cầu xem xét.
Tình yêu đồng giới và những định kiến ở VN
Nghị sĩ Úc cầu hôn bạn đời đồng giới tại quốc hội
Tòa Đài Loan ủng hộ hôn nhân đồng giới
Một vấn đề khác cũng rất quan trọng đó là: Tại Thế vận hội Tokyo 2020 sắp tới, Đài Loan muốn được gọi tên như thế nào? Đài Loan hay là Đài Bắc Trung Quốc?
Hiện tại thì Đài Loan vẫn tham gia các thế vận hội với tư cách là Đại Bắc Trung Quốc, một cái tên thỏa thuận với Bắc Kinh hồi những năm 1980.
Nhưng tình trạng độc lập của Đài Loan vẫn khá là nhạy cảm.
Hòn đảo này đã tự cai trị từ năm 1949 nhưng luôn bị Trung Quốc coi như là một tỉnh ly khai, và mong sẽ tái hợp với một ngày.
Các cuộc trưng cầu dân ý đang diễn ra cùng một lúc với các cuộc bầu cử địa phương. Kết quả dự kiến sẽ được công bố vào cuối ngày thứ Bảy.
Các cử tri nghĩ gì về hôn nhân đồng giới?
Đây là chủ đề ở trong hai cuộc trưng cầu dân ý riêng biệt vào thứ bảy, được đưa ra bởi các nhóm đối thủ.
Tình đồng giới: ‘Yêu là yêu thôi, sao không dám nói?’
Các nhóm bảo thủ thì đặt câu hỏi liệu hôn nhân có nên được định nghĩa một cách hợp pháp là cuộc hôn nhân giữa nam và nữ, trong khi các nhà hoạt động LGBT thì đặt câu hỏi có nên ủng hộ cho quyền bình đẳng hôn nhân cho cả đồng giới lẫn dị giới.
Hai bên cũng đưa ra một loạt các câu hỏi khác, bao gồm việc giáo dục về vấn đề đồng tính luyến ái trong trường học.
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Quỹ ý kiến công chúng Đài Loan, 77% số người được hỏi tin rằng hôn nhân nên được định nghĩa về mặt pháp lý là chỉ giữa nam và nữ.
Lá phiếu bầu có thực sự có giá trị?
Chính phủ cho biết cuộc bỏ phiếu sẽ không ảnh hưởng đến việc đưa ra những thay đổi theo phán quyết của tòa 18 tháng trước.
Nhưng các nhà vận động lo ngại điều đó có nghĩa là điều lệ ban hành cuối cùng sẽ yếu ớt hơn.
“Chúng tôi hy vọng rằng tình yêu và sự bình đẳng sẽ giành chiến thắng,” Suki Chung, một nhà vận động của Tổ chức Ân xá Quốc tế tại khu vực Đông Á nói với hãng tin AFP.
“Tuy nhiên, nếu điều ngược lại xảy ra thì chính phủ không được sử dụng kết quả này để bỏ qua các đề xuất hôn nhân đồng giới.”
Cuộc bầu cử địa phương có ý nghĩa gì đối với đảng cầm quyền?
Gần 21.000 ứng cử viên đang tranh giành cho 11.000 vị trí được bầu, từ thị trưởng cho đến các ủy viên hội đồng thành phố và các thị trưởng.
Các cuộc trưng cầu dân ý diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ Đài Loan với Trung Quốc đang căng thẳng, theo phóng viên Cindy Sui từ Đài Bắc.
Kể từ khi Tổng thống Thái Anh Văn thuộc Đảng DPP, vốn ủng hộ sự độc lập, nhậm chức vào 2016, mối quan hệ giữa Đài Bắc và Bắc Kinh đã xấu đi.
Bắc Kinh đã từ chối không làm việc với bà Thái Anh Văn vì bà không công nhận thỏa thuận năm 1992 về việc thừa nhận Đài Loan là một phần của một Trung Quốc.
Và điều đó đã gia tăng căng thẳng quân sự hai bên. Đài Loan cũng mất đi nhiều đồng minh ngoại giao và làm tổn thương nền kinh tế, theo phóng viên BBC Cindy Sui.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46327064
Chủ tịch Trung Cộng sắp đến thăm Panama
Bắc Kinh, Trung Cộng – Sau khi gặp Tổng thống Donald Trump tại Argentina vào tuần tới, Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình sẽ đến Panama, trong chuyến thăm có thể khiến Hoa Kỳ khó chịu.
Bộ Ngoại giao Trung Cộng hôm thứ Sáu (23 tháng 11), cho biết ông Tập sẽ có chuyến thăm cấp chính phủ tới Panama vào đầu tháng 12, nhằm củng cố quan hệ giữa Bắc Kinh và khu vực châu Mỹ La-tinh. Chính phủ Panama cũng đã xác nhận sự kiện này. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo Trung Cộng tới Panama, kể từ khi quốc gia này cắt liên hệ với Đài Loan và thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh vào tháng 6 năm ngoái.
Ông Tập dự kiến sẽ gặp Tổng thống Juan Carlos Varela tại Panama City, và cả hai sẽ chứng kiến lễ ký kết khoảng 20 thỏa thuận hợp tác, trong các lĩnh vực như thương mại, công nghệ, và hạ tầng. Chuyến công du của ông Tập dự kiến sẽ diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 2 đến ngày 3 tháng 12.
Washington lâu nay vẫn lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Cộng tại châu Mỹ La-tinh, và nhiều viên chức cấp cao trong chính quyền Trump đã cảnh báo các nước láng giềng phía nam nên cẩn thận với chiến lược đầu tư của Bắc Kinh.
Nằm tại Trung Mỹ và có biên giới với Costa Rica và Colombia, Panama được coi là có ý nghĩa quan trọng với Hoa Kỳ tại Tây bán cầu. Kênh đào Panama dài 82 cây số, nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương cũng là tuyến đường giao thương hàng hải được nhiều nước sử dụng.
Theo giới chuyên gia, việc ông Tập Cận Bình tới Panama là dấu hiệu cho thấy Trung Cộng đang muốn tăng hiện diện tại khu vực thuộc tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/chu-tich-trung-cong-sap-den-tham-panama/
Rò rỉ thông tin Trung Quốc di chuyển
các trại tập trung ở Tân Cương
Trước những lo ngại về rò rỉ tin tức nội bộ trong “trại cải tạo”, ĐCSTQ đã liên tục di chuyển những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo tập trung từ miền Nam ra miền Bắc Tân Cương, BL Daily tổng hợp đưa tin.
Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác bao gồm Canada, Pháp và Đức đã cùng nhau kêu gọi ĐCSTQ đóng các trại cải tạo tập trung ở Tân Cương. Tuy nhiên, gần đây các cơ quan truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đột nhiên đồng loạt công bố, lớp người đầu tiên trong Trại cải tạo Tân Cương đã “tốt nghiệp”, thậm chí còn tổ chức đám cưới, động thái này đặc biệt thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận quốc tế, theo Banned Book.
Theo Aboluowang, ngày 14/11, thành viên hai đảng của Quốc hội Hoa Kỳ đã đệ trình một dự luật lên án hành vi giam giữ cưỡng chế hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ của ĐCSTQ, đề xuất các hình phạt để trừng phạt các quan chức Trung Quốc liên quan đến trại cải tạo tập trung Tân Cương.
Efree News ngày 15/11 báo cáo, nghị sỹ Chris Smith, chủ tịch Ủy ban điều hành Quốc hội của Mỹ về Trung Quốc (CECC), nói trong một tuyên bố, các quan chức chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm nhân quyền của họ, yêu cầu cấm các công ty Mỹ trợ giúp ĐCSTQ thành lập một khu vực giám sát công nghệ cao ở Tân Cương.
Phát ngôn viên Đại biểu Quốc hội người Duy Ngô Nhĩ Thế giới, ông Địch Lý Hạ Đề cho rằng, nếu không có phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế nhằm lên án hành vi xâm hại nhân quyền của ĐCSTQ thì họ không thể đột nhiên công khai câu chuyện một nhóm người trong trại cải tạo đã ra trại.
RFA báo cáo rằng các nhà tù ở các vùng khác nhau của Tân Cương đang bị quá tải. Vì mục đích bảo mật, 1% số quản trị viên nhà tù hoặc nhân viên cảnh sát có liên quan đến những người bị bắt cũng đã được chuyển đi, nhưng rất khó để bảo mật hoàn toàn thông tin. Để che giấu tai mắt, chính quyền Trung Quốc đã phải di dời quy mô lớn “trại cải tạo” người Duy Ngô Nhĩ. Cảnh sát ở huyện Shufu, quận Kashgar xác nhận, thực sự có một sự chuyển giao quy mô lớn của người Hồi giáo ở khu vực Tân Cương.
TQ sẽ ‘mệt’ với Mỹ trong thượng đỉnh G20 sắp tới
Bắc Kinh cần chuẩn bị cho một cuộc đàm phán khó khăn khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20, các nhà quan sát nêu quan điểm, theo SCMP.
Mỹ-Trung khác biệt trong vấn đề thương mại dẫn đến 21 quốc gia thành viên của APEC đã không đạt được tuyên bố chung sau khi hội nghị kết thúc vào cuối tuần qua tại Port Moresby, Papua New Guinea.
Ba đại biểu tham dự APEC ở Papua New Guinea đã mô tả bầu không khí giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tại hội nghị này là “cực kỳ căng thẳng”.
Các đại biểu Trung Quốc hôm thứ Bảy (17/11) đã rời hội trường sau khi ông Tập phát biểu, gần như không có ai trong số họ ở lại để nghe bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence.
“Một số [đại biểu Trung Quốc] rời khỏi phòng họp, những người ở lại chỉ đứng bên ngoài hội trường – họ đã không nghe bài phát biểu của ông Pence”, một trong những đại biểu tham dự APEC 2018 cho biết.
Các nhà quan sát đánh giá, sự căng thẳng thể hiện giữa hai phái đoàn Mỹ-Trung trong APEC vừa qua phản ánh sự cạnh tranh địa chính trị gay gắt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, và Washington sẽ tìm cách tăng áp lực lên Bắc Kinh trước khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh 20 diễn ra ở Argentina trong hai tuần tới đây.
Liu Weidong, một chuyên gia về vấn đề Trung Quốc – Hoa Kỳ thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nói rằng trong khi cuộc chiến thương mại đang làm tổn thương cả Trung Quốc và Mỹ, Bắc Kinh có thể phải đối mặt với nhiều áp lực hơn.
“Trung Quốc cần cuộc họp này hơn Hoa Kỳ, những người tham gia đàm phán và ra quyết định từ cả hai phía sẽ chịu thêm áp lực trong hai tuần tới”, ông Liu nhìn nhận.
Theo các nhà phân tích, trong hội nghị G20 sắp tới, ông Tập sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự ủng hộ từ các nguyên thủ quốc gia, của Đức, Pháp và Liên minh châu Âu, để cùng công kích cái mà ông gọi là chủ nghĩa bảo hộ Mỹ, thể hiện thông qua khẩu hiệu “Hoa Kỳ trên hết” của Tổng thống Trump.
“Bắc Kinh cần phải chuẩn bị”, ông Liu nói. “[Các cường quốc phương Tây về mặt hình thức] có thể sẽ lựa chọn đứng giữa, không nghiêng về Trung Quốc hay Hoa Kỳ, nhưng họ sẽ ngầm đồng ý với một số biện pháp của Mỹ [dùng để] tiếp tục gây áp lực lên Trung Quốc”.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/24868-tq-se-met-voi-my-trong-thuong-dinh-g20-sap-toi.html
Chuyến thăm Philippines của ông Tập Cận Bình
có ý nghĩa 2 tỷ USD?
Trong bối cảnh tranh chấp thương mại căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, Philippines hoan nghênh Chủ tịch Trung Quốc đến viếng thăm Manila kể từ chuyến đi ngoại giao cuối cùng cách nay 13 năm.
BL Daily cho rằng chính quyền Philippines đang tranh thủ căng thẳng thương mại của hai nền kinh tế lớn để ‘thả câu’.
Tập đoàn Cát Châu Bá của Trung Quốc sẽ đầu tư 2 tỷ USD để xây dựng một khu công nghiệp tại căn cứ không quân Clark Hoa Kỳ ở Philippines. Dự án sẽ trở thành một trong những khoản đầu tư lớn nhất của Trung Quốc tại nước này. Một giám đốc cấp cao của Tập đoàn Cát Châu Bá khẳng định công ty đã “xác định xong ý định đầu tư và khuôn khổ”, hiện đang chờ phía Philippin trả lời chính thức.
Dù trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh APEC, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã nói rõ các khoản vay trong dự án“Một vành đai – Một con đường” của ĐCSTQ không rõ ràng, cũng sẽ gây gánh nặng cho các nước đang phát triển với số nợ không thể nào hoàn trả được.
Bộ trưởng Tài chính Philippines Carlos Dominguez III cho biết theo những lời nhắc nhở này, Philippine sẽ xem xét lại thỏa thuận vay của Trung Quốc một lần nữa, nhưng ông cũng chỉ ra rằng thỏa thuận cho vay của Trung Quốc không có gì không rõ ràng.
Mặc dù chính phủ Duterte đã nhiều lần chào mời sự hỗ trợ tài chính của ĐCSTQ, nhưng lời hứa cho vay 24 tỷ USD của ĐCSTQ vẫn chưa thực hiện.
Trung Quốc cắt sóng trực tiếp
giải Kim Mã vì vấn đề Đài Loan
Bài phát biểu nhận giải Kim Mã của một đạo diễn bị cắt khỏi sóng truyền hình Trung Quốc khi bà đề cập tới vấn đề Đài Loan độc lập.
Trong phát biểu nhận giải “Phim tài liệu hay nhất” hôm 17/11 tại lễ trao giải Kim Mã, giải thưởng được coi là “Oscar của Trung Quốc”, đạo diễn Phó Du đã kêu gọi sự công nhận đối với Đài Loan như một “thực thể độc lập”, Guardian đưa tin.
“Đây là điều ước lớn nhất của tôi với tư cách một người Đài Loan”, nữ đạo diễn 36 tuổi cho biết trong lúc cố kìm nén nước mắt. Đoạn phát biểu của cô nhanh chóng bị xóa khỏi sóng truyền hình và các kênh trực tuyến của Trung Quốc, màn hình trở thành phông đen.
Sau bài phát biểu của đạo diễn Phó, nam diễn viên Trung Quốc đại lục Đồ Môn nhắc lại lập trường của Bắc Kinh về hiện trạng của Đài Loan và gọi hòn đảo là “Đài Loan, Trung Quốc”. Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã đáp trả bình luận của nam diễn viên trong một bài đăng trên mạng.
“Chúng tôi chưa bao giờ chấp nhận cụm từ ‘Đài Loan, Trung Quốc’ và sẽ không đời nào chấp nhận nó. Đài Loan chỉ đơn giản là Đài Loan. Tôi tự hào về lễ trao giải Kim Mã hôm qua, khi nó khẳng định sự thật rằng Đài Loan khác với Trung Quốc. Sự tự do và đa dạng của chúng tôi là lý do khiến nơi đây trở thành vùng đất mà việc sáng tạo nghệ thuật không bị bó buộc”, bà Thái cho biết.
Sự việc tại lễ trao giải xảy ra trước thềm các cuộc bầu cử địa phương ở Đài Loan, sự kiện được xem là cuộc trưng cầu dân ý đối với đảng Dân Tiến của bà Thái. Hành động của đạo diễn Phó nhận được cả phản ứng trái chiều lẫn ủng hộ trên mạng xã hội.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời, sẵn sàng thống nhất bằng vũ lực nếu cần thiết. Quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan trở nên căng thẳng hơn sau khi Thái Anh Văn, người không công nhận chính sách “Một Trung Quốc” nhậm chức vào tháng 5/2016. Bắc Kinh gần đây đã lôi kéo được một số đồng minh ngoại giao của Đài Loan, thuyết phục họ cắt đứt quan hệ với hòn đảo này.
40 năm TQ đi từ ‘náu mình’ đến ‘trỗi dậy’
Ông Tập muốn Trung Quốc có vị thế lớn trên trường quốc tế, khác với triết lý của Đặng Tiểu Bình là “không nên dẫn đầu”.
Sáng ngày 29/1/1979, Tổng thống Jimmy Carter chào đón Đặng Tiểu Bình, lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên đến thăm Mỹ kể từ khi đảng Cộng sản Trung Quốc nắm quyền năm 1949. Chuyến thăm này không chỉ tượng trưng cho việc chấm dứt những gì Đặng Tiểu Bình mô tả là “giai đoạn khó chịu giữa Mỹ và Trung Quốc trong 30 năm” mà còn mở ra một kỷ nguyên mới trong địa chính trị toàn cầu và sự phát triển của Trung Quốc sau đó, theo SCMP.
Đặng Tiểu Bình học hỏi từ Mỹ cách hiện đại hóa đất nước, ông đến thăm các nhà máy nước có gas, máy bay và trung tâm của NASA. Kể từ khi ông Đặng khởi xướng chính sách mở cửa năm 1978, Trung Quốc tự biến đổi từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu và bị cô lập về chính trị thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có sức ảnh hưởng quốc tế.
Năm 1949 – 1978, chỉ 200.000 người Trung Quốc đi nước ngoài. Còn chỉ riêng năm ngoái, họ đã thực hiện 130,5 triệu chuyến đi nước ngoài và 139 triệu lượt người nước ngoài đến Trung Quốc.
Kể từ sau khi mở cửa kinh tế, chính sách đối ngoại của Trung Quốc trở nên thực dụng và linh hoạt hơn, với nỗ lực tập trung vào việc cải thiện quan hệ với Mỹ, Liên minh châu Âu và các nước láng giềng, đặc biệt là những nền kinh tế trỗi dậy của châu Á như Nhật, Hàn và Singapore.
Ông Đặng đưa ra chính sách đối ngoại “náu mình”: “Che giấu khả năng và chờ đợi thời thế. Duy trì ẩn mình và không bao giờ nắm vị trí dẫn đầu”. Ông Đặng lập luận rằng Trung Quốc phải tập trung vào phát triển kinh tế chứ không phải phát triển bằng cách tập trung vào các vấn đề đối ngoại và xây dựng quân đội quá mức.
Zhiqun Zhu, giáo sư về quan hệ quốc tế và giám đốc Học viện Trung Quốc tại Đại học Bucknell, Pennsylvania nói rằng mấu chốt trong chính sách ngoại giao của Đặng Tiểu Bình là duy trì một môi trường khu vực và toàn cầu hòa bình để thúc đẩy phát triển trong nước. “Cách tiếp cận đó đã giúp Trung Quốc phát triển sau năm 1978”, ông nói. “Những người kế nhiệm của Đặng Tiểu Bình là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã thừa hưởng cách tiếp cận này và đây được chứng minh là một lựa chọn khôn ngoan”.
Sau khi vụ khủng bố 11/9 xảy ra, Trung Quốc đã củng cố quan hệ với Mỹ bằng cách nhanh chóng chia buồn và lên án tất cả hoạt động bạo lực của khủng bố. Bắc Kinh ủng hộ kêu gọi hợp tác quốc tế của Mỹ, trong đó có việc thực hiện nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về lên án vụ tấn công.
Việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 là sự kiện mang tính bước ngoặt trong sự phát triển của họ và điều đó chỉ có thể thực hiện được nhờ sự chấp thuận của Washington. Việc Tổng thống Mỹ Bill Clinton ký kết Đạo luật Quan hệ Mỹ – Trung năm 2000 đã khiến Bắc Kinh có quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Mỹ và mở đường cho việc gia nhập WTO.
Năm 2005, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Zoellick xác định chính sách đối với Bắc Kinh của Washington là khuyến khích Trung Quốc trở thành một “bên có trách nhiệm” trong hệ thống quốc tế.
Sự biến đổi kinh tế của Trung Quốc kể từ năm 1978 còn lớn hơn Mỹ vào giai đoạn 1870 – 1914, khi họ vượt qua Anh để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khi Đặng Tiểu Bình khởi xướng cải cách kinh tế năm 1978, kinh tế Trung Quốc chỉ bằng 5% so với Mỹ, với GDP bình quân đầu người ngang bằng quốc gia ở nam châu Phi Zambia.
Từ sau 1978, Trung Quốc có mức tăng trưởng GDP trung bình gần 10% hàng năm cho đến năm 2014, GDP bình quân đầu người tăng gấp gần 50 lần, từ 155 USD năm 1978 lên hơn 8.000 USD năm ngoái và hơn 700 triệu người thoát nghèo.
Trung Quốc không chỉ là một nền kinh tế mới nổi mà đã trở lại là một cường quốc kinh tế toàn cầu (Trung Quốc từng chiếm gần 30% nền kinh tế thế giới trong thế kỷ 15 và 16).
Với sự phát triển ngày càng tăng, chính sách đối ngoại và ngoại giao của Trung Quốc đã có biến đổi to lớn dưới sự cầm quyền của Tập Cận Bình, người được bầu làm Tổng bí thư Trung Quốc cuối năm 2012 và trở thành Chủ tịch Trung Quốc năm 2013.
Không có lãnh đạo Trung Quốc nào hoạt động tích cực về mặt ngoại giao như ông Tập. “Giấc mơ Trung Hoa” đầy tham vọng của ông đã thay thế chính sách ngoại giao “náu mình” của ông Đặng Tiểu Bình. Hai mục tiêu của ông là xây dựng Trung Quốc trở thành một xã hội khá giả về mọi mặt vào năm 2021 và phục hưng Trung Hoa vào năm 2049. Giới chuyên gia cho rằng chúng có thể được hiểu là tăng trưởng kinh tế và đưa Trung Quốc trở thành cường quốc có ảnh hưởng với thế giới.
Bắc Kinh chủ động và tự tin hơn trên trường quốc tế với các chính sách quân sự và an ninh ngày càng quyết liệt hơn. Trong nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên, ông Tập đã thu hút nhiều lãnh đạo nước ngoài đến Trung Quốc và tổ chức 5 hội nghị thượng đỉnh thế giới lớn. Không có lãnh đạo Trung Quốc nào công du nhiều hơn ông trong thời gian ngắn như vậy: ông Tập đã có 28 chuyến đi đến 56 quốc gia trên khắp 5 châu trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Trung Quốc cũng chưa bao giờ có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển kinh tế toàn cầu như vậy. Bắc Kinh đã khởi xướng Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Ngân hàng Phát triển mới và sáng kiến Vành đai và Con đường. Tuy nhiên, tất cả những hành động này đều gây tranh cãi, ít nhất là trong mắt các nhà ngoại giao Mỹ – những người thấy đây là động thái làm suy yếu sự quản trị của các tổ chức do Mỹ dẫn dắt như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
Với sự phát triển này, Trung Quốc đã khiến cả các đối thủ lẫn những nước láng giềng nhỏ lo lắng. Kết quả là mối quan hệ của họ với Mỹ, Nhật Bản và các nước láng giềng trở nên tệ hơn trong những năm gần đây.
Cạnh tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản về sức ảnh hưởng trong khu vực và toàn cầu đã gia tăng. Cả hai đều tìm cách xác định lại vai trò của họ trong bối cảnh môi trường địa chính trị thay đổi nhanh chóng. Họ có mâu thuẫn về vấn đề lịch sử, tranh chấp lãnh thổ và chính sách an ninh.
Mỹ từng bước tái cấu trúc chính sách với Trung Quốc trong 7 năm qua. Tổng thống Mỹ Barack Obama khởi xướng chiến lược “xoay chục sang châu Á” nhằm kiềm chế sự trội dẫy của Trung Quốc với đề xuất triển khai 2/3 khí tài hải quân của Mỹ đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Obama cũng đưa Mỹ tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 quốc gia khác, trong đó không có Trung Quốc. Tuy nhiên, Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này.
Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng xấu đi dưới thời Trump. Trong một số tài liệu chính thức, Mỹ xác định Trung Quốc như một “đối thủ lớn” tìm cách “làm suy yếu nền kinh tế, lợi ích và giá trị của Mỹ”.
Hai nước đang lâm vào cuộc chiến thương mại khi Trump áp đặt thuế với hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ khiến Bắc Kinh tung đòn đáp trả. Trump muốn gây sức ép khiến Bắc Kinh thay đổi những điều Mỹ cho là hành động thương mại không công bằng như trợ giá hay ép công ty Mỹ chuyển giao công nghệ.
Nhiều chiến lược gia ở Washington cho rằng Trung Quốc không chỉ ngày càng quyết liệt hơn trong việc cạnh tranh thương mại với Mỹ mà còn nhắm đến cả những mặt như quân sự và địa chính trị. Điều này có thể báo hiệu sự hồi sinh của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
“Từ một chính sách ẩn mình, thực dụng, thúc đẩy bởi phát triển kinh tế dưới thời Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào chuyển sang một chính sách đối ngoại phô diễn, quyết liệt, và thúc đẩy bởi tính cá nhân dưới thời ông Tập”, Yun Sun, chuyên gia thuộc Trung tâm Stimson, tổng kết hơn 4 thập niên ngoại giao của Trung Quốc.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/24861-40-nam-tq-di-tu-nau-minh-den-troi-day.html
Trung Quốc vẫn muốn được đối xử
như nước đang phát triển
Trung Quốc sẽ không phản đối những thay đổi nhằm để cập nhật hóa những luật lệ thương mại toàn cầu miễn là những luật lệ đó vẫn đem lại lợi ích cho Trung Quốc với tư cách là một quốc gia đang phát triển, một quan chức Chính phủ Trung Quốc cho biết hôm 21/11.
Thứ trưởng Thương mại Vương Thụ Văn cũng nói rằng bất kỳ thay đổi nào cũng phải giải quyết chủ nghĩa bảo hộ và việc lạm dụng kiểm soát xuất khẩu cũng như xem xét an ninh – ý muốn nói đến xung đột thương mại của Bắc Kinh với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hồi tháng Sáu, Bắc Kinh đã đồng ý làm việc với Liên minh châu Âu để đề xuất những thay đổi đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để giải quyết các vấn đề như chính sách công nghệ, trợ cấp và doanh nghiệp nhà nước – tất những vấn đề mà Bắc Kinh chịu chỉ trích. Các quan chức Mỹ than phiền rằng cơ quan trọng tài thương mại quốc tế này quá quan liêu và chậm thích nghi với môi trường thay đổi.
Ông Vương nói rằng mô hình phát triển của mỗi nước “phải được tôn trọng” – ý muốn nói đến kinh tế do khu vực Nhà nước làm chủ đạo của Trung Quốc, vốn đã gây ra nhiều lời than phiền rằng Bắc Kinh vi phạm các nghĩa vụ mở cửa thị trường.
Bắc Kinh đã cáo buộc ông Trump phá hoại hệ thống thương mại toàn cầu với việc đi ra ngoài khuôn khổ WTO để tăng thuế quan vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Ông Trump nói rằng biện pháp đó là cần thiết bởi vì WTO không thể giải quyết được những lời phàn nàn về việc Trung Quốc ăn cắp công nghệ, trợ giá và nền công nghiệp do khu vực Nhà nước lãnh đạo.
Trung Quốc “sẵn sàng đảm nhận những nghĩa vụ tương thích với trình độ phát triển của riêng chúng tôi,” ông Vương nói tại một cuộc họp báo.
“Chúng tôi không cho phép các thành viên khác tước của chúng tôi quyền được đối xử đặc biệt và ưu đãi mà các nước đang phát triển được hưởng,” ông nói.
Ông Vương không đưa ra chi tiết về những thay đổi nào Bắc Kinh có thể ủng hộ. Nhưng ông nói rằng cần phải giải quyết vấn đề trợ cấp nông nghiệp – một lời phàn nàn thường xuyên của các quốc gia đang phát triển đối với các nước công nghiệp hóa – và sự phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp nhà nước (ý nhắc đến các giới hạn đối với các công ty của chính phủ Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài).
Thái độ khăng khăng của Bắc Kinh rằng họ vẫn là một nước đang phát triển do đó được hưởng những quy chế đặc biệt mặc dù họ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là một nhà sản xuất chế tạo lớn đã khiến các đối tác thương mại của họ bực tức. Điều này có thể làm giảm cơ hội đạt được thỏa thuận về cải cách WTO để làm hài lòng Mỹ, châu Âu và các nước khác.
Nhiều nước cũng lên án chính sách thương mại của ông Trump nhưng lại hòa giọng cùng với Mỹ để chỉ trích những rào cản mà Trung Quốc dựng lên đối với thị trường của họ và chính sách công nghệ.
Washington và Bắc Kinh đã áp thuế trị giá hàng tỷ đô la lên hàng hóa của nhau sau khi Mỹ than phiền rằng Trung Quốc đã đánh cắp hoặc gây áp lực với các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ.
Hoa Kỳ cũng phản đối kế hoạch ‘Made in China 2025’ của Chính phủ Trung Quốc để tạo ra những công ty cạnh trạnh trong lĩnh vực tự động và các công nghệ khác. Các quan chức Mỹ lo ngại rằng điều này sẽ làm xói mòn vai trò lãnh đạo của Mỹ trong các ngành công nghệ.
Ông Trump và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau trong tháng nào ở Buenos Aires trong cuộc họp thượng đỉnh G-20 bao gồm những nền kinh tế lớn. Các nhà phân tích khu vực tư nói rằng ít có khả năng cuộc họp này sẽ giải quyết được vấn đề.
Ông Vương không đưa ra chi tiết nào về lập trường đàm phán của ông Trump. Tuy nhiên ông nói rằng Trung Quốc hy vọng các thành viên G-20 có thể “bàn bạc có hiệu quả” về cải cách WTO.
“Trung Quốc hy vọng rằng hội nghị G-20 có thể ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và chống lại chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ mậu dịch,” ông nói.
Ông cũng cảnh báo rằng một vấn đề “đe dọa sự tồn vong của WTO” là tình trạng của các trọng tài để phán xử trong các tranh chấp thương mại. Chính quyền Trump đã ngăn chặn việc bổ nhiệm trọng tài vào cơ quan phân xử của WTO, khiến cho cơ quan này chỉ còn lại ba ghế có người trong số bảy ghế.
Philippines tiết lộ lý do
không đưa hải quân đương đầu với Trung Quốc
Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines vừa bất ngờ tiết lộ lý do khiến ông từ bỏ ý định đưa hải quân ra bãi cạn Scarboborough, Biển Đông, để đương đầu với Trung Quốc, hồi tháng 06/2016, sau phán quyết lịch sử về vụ Manila kiện Bắc Kinh, với phần thắng thuộc về Philippines.
Theo báo chí Philippines, tại diễn đàn về tranh chấp hàng hải ở Makati City hôm 23/11/2018, ông Delfin Lorenzana, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines cho biết đã hủy bỏ kế hoạch triển khai một đơn vị hải quân Philippines đến vùng bãi cạn Scarborough nói trên, trước khi Tòa Trọng Tài Thường Trực ra phán quyết ngày 12/07/2016, bác bỏ phần lớn các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên gần trọn Biển Đông. Phán quyết của tòa cũng khẳng định Bắc Kinh không có quyền độc chiếm bãi cạn Scarborough, ngư trường truyền thống của ngư dân Philippines và các láng giềng khác như Việt Nam, đang bị hải quân Trung Quốc phong tỏa từ năm 2012.
Phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực được coi là một thắng lợi vang dội của Philippines. Tuy nhiên, ông Rodrigo Duterte, khi ấy vừa nhậm chức tổng thống (ngày 30/06/2016), trong một cuộc họp nội các trước khi tòa ra phán quyết, yêu cầu không nên triển khai quân đội như dự kiến, để tránh gây căng thẳng với Bắc Kinh.
Tiết lộ của bộ trưởng Quốc Phòng Philippines được đưa ra đúng một ngày sau khi hãng tin GMA News cho biết tuần duyên Trung Quốc tại bãi cạn Scaborough cản trở một nhóm phóng viên của hãng này phỏng vấn các ngư dân Philippines. Sáu tháng trước, phóng viên của GMA News đã quay phim được cảnh ngư dân Philippines bị Trung Quốc tịch thu hải sản đánh bắt được tại Scarborough.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ khuyên Philippines kiềm chế
Cũng tại diễn đàn về hàng hải ở Makati nói trên, bộ trưởng Philippines cho biết, một tuần trước khi tòa ra phán quyết, trong một cuộc điện đàm với đồng nhiệm Hoa Kỳ Ashton Carter, ông cũng được khuyên là nên « kiềm chế », sau khi được thông báo là phán quyết « sắp được công bố », và phần thắng được cho là sẽ thuộc về Manila. Theo bộ trưởng Quốc Phòng Philippines, thông điệp của đồng nhiệm Mỹ là « rất quan trọng », bởi lúc đó phía Philippines đã dự định triển khai hải quân.
Bộ trưởng Quốc Phòng Delfin Lorenzana thuật lại phản ứng của ông Perfecto Yasay, ngoại trưởng Philippines vào thời điểm đó, được coi là có công lớn trong chiến thắng tại La Haye. Trong tuyên bố chính thức với báo giới, sau khi tòa ra phán quyết, ngoại trưởng Yasay đã ca ngợi đây là « một quyết định lịch sử », nhưng kêu gọi mọi người phản ứng « điềm tĩnh ».
Nghị sĩ Philippines đòi chính phủ phản đối
Trung Quốc cấm quay phim ở Scarborough
Ít nhất ba thượng nghị sĩ Philippines muốn chính phủ Manila phản đối Bắc Kinh về vụ một đoàn phóng viên truyền hình Philippines bị tuần duyên Trung Quốc cấm quay phim ở bãi cạn Scarborough, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Kênh truyền hình CNN Philippines ngày 23/11/2018, cho biết là ba thượng nghị sĩ Kiko Pangilinan, Antonio Trillanes IV và Joel Villanueva đã yêu cầu chính phủ Philippines gởi công hàm phản đối Bắc Kinh sau khi lực lượng tuần duyên Trung Quốc cấm một đoàn phóng viên của kênh truyền hình Philippines GMA News thực hiện phỏng vấn tại khu vực bãi cạn Scarborough. Bãi cạn này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nhưng đã bị Trung Quốc chiếm từ năm 2012.
Trong một đoạn video được công bố trên mạng ngày 22/11, người ta thấy một lính tuần duyên Trung Quốc cầm loa nói với đoàn phóng viên Philippines rằng « không được phép của Trung Quốc, các ông không được thực hiện phỏng vấn ở đây. Nếu các ông không rời ngay khỏi nơi đây, chúng tôi sẽ dùng biện pháp mạnh ».
Trả lời kênh CNN Philippines hôm 22/11, ngoại trưởng Philippines Teddyboy Locsin nói là những công hàm ngoại giao phản đối gởi đến Trung Quốc đều vấp phải « một bức tường ». Bộ Ngoại Giao Philippines nhắc lại là Manila đã gởi hàng trăm công hàm phản đối những vụ Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Theo CNN Philippines, đa số người dân nước này phản đối việc chính quyền tổng thống Duterte không có phản ứng gì trước những hành động của Trung Quốc ở vùng Biển Đông (mà Manila gọi là Biển Tây Philippines), trong đó có việc cướp tài sản của ngư dân Philippines, và xây các trạm khí tượng ở đây.
Malaysia sẽ không phê chuẩn hiệp ước
về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc
Kuala Lumpur, Malaysia – Vào hôm thứ Sáu (23 tháng 11), chính phủ Malaysia tuyên bố sẽ không phê chuẩn hiệp ước về quyền con người của Liên Hiệp Quốc, sau khi đối mặt với sự phẫn nộ từ các tổ chức Malay và Hồi giáo đang lo sợ về việc bị mất đi quyền lợi.
Văn phòng Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố rằng, “Chính phủ Pakatan Harapan sẽ không phê chuẩn ICERD” (Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc). Chính phủ Malaysia cho biết sẽ tiếp tục bảo vệ Hiến pháp liên bang, bao gồm các điều khoản xã hội đã được các đại diện của tất cả các chủng tộc đồng ý trong quá trình thành lập quốc gia.
Cuộc tranh luận về vấn đề phê chuẩn ICERD đã ngày càng trở nên nghiêm trọng trong vài tuần gần đây, sau khi Thủ tướng Mahathir Mohamad phát biểu hồi tháng 9 tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, rằng chính phủ mới của ông sẽ phê chuẩn tất cả các quy ước về quyền con người của Liên Hiệp Quốc, nhằm thể hiện thiện chí trên trường quốc tế.
Hiện nay, Malaysia cũng đang thực hiện các bước cần thiết để loại bỏ án tử hình. Các đảng đối lập chính, gồm Umno và Parti Islam SeMalaysia (PAS), đều đồng lòng phản đối vấn đề này và hiện đang đưa ra kế hoạch cho một cuộc biểu tình lớn tại Kuala Lumpur vào ngày 8/12 tới đây. Những người phản đối quy ước cho rằng việc phê chuẩn ICERD sẽ làm suy yếu các quyền của người Malay và hoàng tộc Malay, cũng như làm giảm địa vị của Hồi giáo tại Malaysia. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/malaysia-se-khong-phe-chuan-hiep-uoc-ve-nhan-quyen-cua-lien-hiep-quoc/
Chính quyền Pakistan
bắt giữ vị giáo sĩ kích động tín đồ
Lahore, Pakistan – Theo tin từ Reuters, vào tối thứ Sáu (23/11), các nhà chức trách Pakistan đã bắt giữ một nhà lãnh đạo tôn giáo cánh hữu cực đoan, do những tín đồ ủng hộ ông này gây rối ở các thành phố lớn, nhằm yêu cầu chính quyền áp dụng các luật chống báng bổ Hồi giáo một cách nghiêm ngặt hơn. Cảnh sát cho biết họ đã đụng độ với những người ủng hộ giáo sĩ Khadim Hussain Rizvi ở thành phố Lahore, ngay sau khi ông bị bắt đi, với ít nhất năm người bị thương.
Hồi đầu tháng này, Ông Rizvi đã dẫn đầu các cuộc biểu tình trên toàn quốc, nhằm phản đối việc Tối cao Pháp viện Pakistan tha bổng và trả tự do cho bà Asia Bibi, một phụ nữ Kitô giáo, người đã trải qua tám năm trong trại giam tử tù vì một cáo buộc phỉ báng Hồi giáo. Trước đó, Ông Rizvi đã kêu gọi những người ủng hộ tập trung xuống các con đường nếu ông bị bắt, và vào khuya hôm thứ Sáu, con trai của ông cho biết ông đã bị bắt đi trong một cuộc đột kích vào ngôi trường Hồi giáo của ông, còn được gọi là madrassa, ở Lahore.
Ông Rizvi hiện đang lãnh đạo Đảng Tehreek-e-Labbaik (TLP), và hồi đầu tháng này đã chặn những con đường ở các thành phố lớn nhất Pakistan trong ba ngày, đồng thời đe dọa các thẩm phán Tối cao Pháp viện bằng cách kêu gọi các đầu bếp và người hầu của họ giết họ.
Theo hãng tin Reuters, Đảng TLP đã chấm dứt các cuộc biểu tình đầu tiên sau khi đàm phán với chính phủ và đạt được một thỏa thuận về việc đánh giá lại quyết định của tòa án đối với trường hợp của bà Bibi. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/chinh-quyen-pakistan-bat-giu-vi-giao-si-kich-dong-tin-do/
Quân đội Ấn Độ tập trận cùng lúc với cả Nga lẫn Mỹ
Ấn Độ tiến hành cùng lúc hai cuộc tập trận chung riêng rẽ với Nga và Mỹ, thể hiện sự đa dạng hóa trong quan hệ quốc phòng.
Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ từ Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương ngày 19/11 bắt đầu cuộc tập trận chung 12 ngày với đặc nhiệm Ấn Độ tại thao trường Mahajan, bang Rajasthan, phía tây bắc nước này, Deccan Herald đưa tin.
Binh sĩ hai nước sẽ thực hành các nội dung giải cứu con tin, sinh tồn tại môi trường sa mạc, cứu thương và bắn súng, đại tá Sombit Ghosh, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ấn Độ, cho biết. Cuối cuộc tập trận, binh sĩ hai nước sẽ hành quân dã ngoại trong ba ngày để kiểm tra năng lực tác chiến thực tế.
Cũng trong ngày 19/11, cuộc tập trận chung Nga – Ấn mang tên Indra 2018 bắt đầu tại Babina, bang Madhya Pradesh, theo dự kiến kéo dài hết 28/11 với tổng cộng 500 quân nhân tham gia. Nga triển khai binh sĩ thuộc Quân khu phía Đông tham gia cuộc tập trận, trong khi phương tiện chiến đấu do phía Ấn Độ chuẩn bị, Sputnik đưa tin.
Đây là cuộc tập trận chung thường niên giữa Nga và Ấn Độ, với sự tham gia của hải, lục, không quân hai nước, thực hành các chiến thuật chống phiến quân ẩn náu trong đô thị.
Giới quan sát cho rằng việc Ấn Độ tổ chức cùng lúc hai cuộc tập trận chung với Nga và Mỹ thể hiện quan điểm đa dạng hóa quan hệ quốc phòng của nước này. Ấn Độ gần đây tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí Nga, trong khi Mỹ cũng tìm cách tăng cường quan hệ quốc phòng và cung cấp vũ khí cho nước này. Washington và New Delhi đã ký hai thỏa thuận mang tính cơ sở cho hợp tác quân sự giữa hai nước.
Vào tháng 10, Mỹ cảnh báo có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt Ấn Độ theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA) với lý do nước này ký kết thỏa thuận mua tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga. Dù Mỹ đưa ra gợi ý Ấn Độ nên mua lượng lớn tiêm kích F-16 để tránh trừng phạt, Ấn Độ từ chối do quân đội Pakistan sở hữu F-16 hàng chục năm nay và tiêm kích này không tương thích với tên lửa chống hạm siêu thanh BrahMos do nước này hợp tác với Nga phát triển.
http://biendong.net/bi-n-nong/24864-quan-doi-an-do-tap-tran-cung-luc-voi-ca-nga-lan-my.html
Ấn Độ điều tra vụ thanh niên người Mỹ
bị giết trên đảo hẻo lánh
Nhà chức trách Ấn Độ hôm thứ Sáu cho biết họ đang điều tra vụ một người Mỹ trẻ tuổi được cho là bị giết chết bởi một bộ lạc bị cô lập trên một hòn đảo hẻo lánh. Anh này có thể đã được nhiều người trợ giúp hơn để thực hiện hành trình bất hợp pháp của mình.
John Chau, 26 tuổi, được cho là đã bị giết chết vào ngày 17 tháng 11 bởi những người thuộc bộ lạc Sentinel sống trên đảo Bắc Sentinel trong chuỗi đảo Andaman và Nicobar. Gia đình của anh Chau nói trong một phát biểu đăng trên mạng xã hội rằng anh là người truyền bá Kitô giáo và thích leo núi.
Việc tiếp cận hòn đảo này là bất hợp pháp và bảy người tình nghi đã giúp đỡ anh Chau lên đảo, bao gồm những ngư dân, đã bị bắt giữ.
Những ngư dân khai với cảnh sát rằng họ thấy thi thể của anh Chau được kéo lên bãi biển và được chôn dưới cát.
Cảnh sát hiện đang điều tra liệu anh Chau có được những người khác trợ giúp để đi đến đảo Bắc Sentinel hay không, Vijay Singh, tổng quản cảnh sát cao cấp phụ trách đảo Andaman và Nicobar, nói trong một phát biểu gửi cho Reuters.
Cảnh sát sẽ điều tra “trình tự các sự kiện, tuyến đường biển đã đi,” và các sự việc khác, ông Singh nói.
Người Sentinel, những người săn bắn – hái lượm với vũ khí là giáo mác và cung tên nguyên thủy, được xem là bộ lạc từ thời đồ đá cuối cùng trên thế giới và cũng là nhóm người cô lập nhất trong số những người như vậy.
Bộ lạc này, ước tính chỉ có vài chục người, từ nhiều thập niên qua đã kịch liệt chống lại mọi sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Các nhà nhân chủng học có tiếp xúc với họ trong một khoảng thời gian ngắn vào đầu những năm 1990, nhưng họ từ bỏ nỗ lực này do lo ngại rằng tiếp xúc với thế giới bên ngoài có thể khiến bộ lạc nhiễm các tác nhân gây bệnh và dẫn tới diệt vong.
Đảo Bắc Sentinel, 50 km về phía tây Port Blair – thủ phủ của cụm đảo này – được bảo vệ bởi luật pháp mà thậm chí cả việc câu cá trong phạm vi bán kính 5 hải lý quanh đảo cũng bị cấm. Luật cũng cấm du lịch hoặc chụp hình quay phim. Những người phạm luật đối mặt với án tù lên đến ba năm.
Trong một phát biểu đăng trên mạng xã hội, gia đình của anh Chau kêu gọi nhà chức trách thả những người bạn của anh trên Quần đảo Andaman, nói rằng họ không đổ lỗi cho bất cứ ai về cái chết của anh.
Anh Chau đã tiếp xúc được với bộ tộc này và đã quay trở lại bằng thuyền đánh cá hai hoặc ba lần, theo những ghi chép mà anh để lại cho những ngư dân mà giờ nằm trong tay giới hữu trách.