Tin Việt Nam – 23/11/2018
Vụ Thủ Thiêm: Dân ‘mắng’
công an, quân đội, chính quyền ‘đê tiện’
“Tại sao các vị phải ti tiện đến như vậy? Đó là một sự đê tiện thực sự”, một người dân đại diện cho cử tri quận 2 đã nói với chính quyền TP.HCM như vậy sau khi “mắng” lực lượng công an, quân đội đã “chĩa súng vào đầu” người dân, “tự tiện, núp lén, canh người ta không có nhà để dỡ rào lấy đất” thay vì thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cho người dân.
Phần phát biểu của chị Nguyễn Thị Thùy Dương, người phụ nữ bất đắc dĩ “nổi tiếng” vì đã ném giày vào lãnh đạo TP.HCM trước đây, trong buổi tiếp xúc cử tri quận 2 (Q.2) ngày 22/11 đã được cả hội trường vỗ tay tán thưởng. Thậm chí, cử tri còn yêu cầu lãnh đạo mở loa lên để cho phép chị được nói tiếp sau khi phần phát biểu của chị bị cắt đi theo quy định.
“Chảo lửa”
Được sự ủy nhiệm của nhiều người dân trong khu vực quận 2, nơi đã bị lấy đất theo kế hoạch lấy đất “chồng chéo” mà chính quyền gọi là “tái định cư” cho người dân mất đất ở Thủ Thiêm, chị Nguyễn Thị Thùy Dương đã nói như mắng vào các lãnh đạo TP.HCM, đứng đầu là bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, về hành động lấy đất “như đi ăn cướp” của chính quyền thành phố trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
“Không đền bù cho người dân mà dám làm hồ sơ đã đền bù rồi, sau đó tự tiện núp lén, canh người ta không có nhà dỡ rào lấy đất. Luật pháp chỗ nào, trong khi đơn vị lấy đất lại là quân đội? Quân đội để làm gì? Để bảo vệ nhân dân hay là để hù nhân dân lấy đất?”
Gia đình cô Dương cũng là một trong những hộ dân bị lấy đất, trong đó có phần đất hiện đã trở thành trụ sở UBND quận 2.
“Vào hơn 10 năm về trước, UBND quận 2 vì muốn xây dựng của mình nên đã cướp đất người ta. Công an đã làm gì? Lực lượng công an nhân dân là để bảo vệ nhân dân, nhưng hôm đó, chính lực lượng công an nhân dân đã kề súng vào đầu của con trai cô đó [cô Dương chỉ về hướng người phụ nữ tóc bạc, được cho biết là bác dâu của cô Dương] và nói rằng ‘Mày cần đất hay cần mạng?’. Vậy thì công an để làm gì? Bảo vệ cho cái gì?”, cô Dương đặt câu hỏi với lãnh đạo thành phố.
Video clip ghi lại phần phát biểu của cô Dương đã thu hút hơn 800.000 lượt xem và hàng chục ngàn lượt chia sẻ khi cô mới đăng lên trang Facebook cá nhân chưa đầy một ngày.
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, thuộc đoàn Luật sư TP.HCM, nói qua trang cá nhân rằng ông “rụng rời, đau xót và căm phẫn” khi nghe những phát biểu của người dân.
“Không biết quan chức ngồi ở bàn Tiếp dân có biết muối mặt, xấu hổ và nhục nhã hay không?”, LS. Phúc đặt câu hỏi.
Trong khi đó, nhà báo Hữu Danh, người chuyên theo dõi và đưa tin về dự án Thủ Thiêm, nhận xét với VOA rằng không chỉ khu vực Thủ Thiêm, mà hiện nay, các khu vực lân cận của quận 2 cũng như một “chảo lửa”.
“Nó đang là chảo lửa. Thủ Thiêm chỉ là điển hình thôi, còn Q.2 sắp tới sẽ còn bùng nổ nhiều cái khác nữa”.
Chuyển biến tích cực?
Với sức mạnh của mạng xã hội, ý thức của người dân về quyền và nghĩa vụ của mình, cộng với những thay đổi trong dàn lãnh đạo thành phố, nhà báo Hữu Danh dự báo rằng “cuộc chiến đòi công lý”, kéo dài hàng chục năm của người dân Thủ Thiêm, sắp tới sẽ có những chuyển biến tích cực, trong đó người dân ngay tại khu vực Thủ Thiêm có thể sẽ có được một số đền bù cơ bản.
Thành công bước đầu này, theo nhận định của nhà báo Hữu Danh, là do nhiều yếu tố, “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
“Hiện nay có một số lãnh đạo mới. Họ không có quyền lợi trong đó, thành ra câu chuyện sẽ được giải quyết”, nhà báo Hữu Danh nhận xét.
Theo anh, trước đây “khi còn ông Tất Thành Cang, Nguyễn Hữu Tín, Ba Đua, Lê Thanh Hải… còn nắm quyền, Sài Gòn giống như một vương quốc riêng, có những câu chuyện cứ kéo dài mà không thể giải quyết được”.
Theo tường thuật của truyền thông trong nước, buổi tiếp xúc cử tri hôm 22/11 đã thu hút hàng trăm người dân đến vây kín Nhà thiếu nhi Q.2, nơi tổ chức buổi tiếp xúc, để đăng ký xin phát biểu. An ninh khu vực này đã được thắt chặt và chỉ những người có giấy mời mới được phép vào bên trong.
Sau hơn 4 giờ trình bày, các cử tri yêu cầu chính quyền phải xử lý nghiêm các lãnh đạo thành phố mắc sai phạm, trả lại 160 ha đất tái định cư và phải định ra thời hạn rõ ràng trong việc giải quyết đền bù cho người dân.
Đáp lại, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, người đại diện cho chính quyền trong cuộc họp, nói rằng bà đã ghi nhận tất cả những bức xúc của người dân và báo cáo Quốc hội để tổ chức thanh tra toàn diện Khu đô thị Thủ Thiêm. Còn về phía thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy đã yêu cầu chính quyền đưa ra các phương cách “sửa sai bằng được” rồi sẽ thảo luận với người dân để giải quyết, theo VnExpress.
Luật sư Võ An Đôn: “Tôi sẽ khởi kiện
Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra tòa!”
Luật sư Võ An Đôn, người bị Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên xóa tên khỏi danh sách luật sư và mới đây bị Bộ Tư pháp bác bỏ toàn bộ nội dụng khiếu nại, cho hay bước tiếp theo của ông là khởi kiện Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long dù biết sự việc sẽ không đi đến đâu.
Tối 23/11, luật sư Võ An Đôn cho Đài Á Châu Tự Do biết ông đã nhận được quyết định về giải quyết khiếu nại của Bộ Tư pháp, qua đó cho rằng quyết định kỷ luật ông Đôn là đúng mặc dù có những sai sót nhỏ của Đoàn Luật sư Phú Yên, nhưng không ảnh hưởng đến quyết định kỷ luật.
Ông Đôn, người thường bào chữa cho những nạn nhân chết trong đồn Công an, các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng quyết định này mang tính áp đặt.
“Tôi không đồng ý với quyết định này, vì quyết định giữ nguyên hình thức kỷ luật của Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên cũng như Liên đoàn Luật sư Việt Nam không có căn cứ pháp lý, không đúng quy định của pháp luật, đưa ra những căn cứ mơ hồ để kỷ luật tôi. Cho rằng tôi trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài, những cá nhân nước ngoài và làm ảnh hưởng đến uy tín của Đoàn Luật sư cũng như chế độ ở Việt Nam là không có cơ sở và mang tính áp đặt”, luật sư Võ An Đôn nhận định.
Tôi không đồng ý với quyết định này, vì quyết định giữ nguyên hình thức kỷ luật của Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên cũng như Liên đoàn Luật sư Việt Nam không có căn cứ pháp lý, không đúng quy định của pháp luật, đưa ra những căn cứ mơ hồ để kỷ luật tôi. – Võ An Đôn
Khoảng một năm trước, ngày 26/11/2017, đại diện Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên cho biết, chiều cùng ngày, Ban chủ nhiệm này đã có quyết định kỷ luật xóa tên Luật Võ An Đôn (Trưởng Văn phòng LS Võ An Đôn) ra khỏi danh sách Đoàn LS tỉnh Phú Yên.
Lý do kỷ luật được nêu ra là: ông Đôn đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, có nhiều bài viết, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài mang tính bịa đặt; nói xấu luật sư, các cơ quan tố tụng, Đảng, Nhà nước Việt Nam nhằm mục đích kích động, tuyên truyền, xuyên tạc, không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đặc biệt xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng và Luật sư Việt Nam.
Luật sư Võ An Đôn được nhiều người biết đến qua sự việc đại diện bào chữa cho phía gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều trong vụ 5 công an dùng nhục hình đánh chết người trong đồn Công an thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Vì vụ việc này mà vào năm 2014, liên ngành Công an, Viện Kiểm sát và thành phố Tuy Hòa có công văn đề nghị Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên và Sở Tư Pháp tỉnh Phú Yên thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của ông Đôn vì cho rằng trong quá trình tham gia tố tụng cho bị hại Ngô Thanh Kiều ông đã có nhiều lời lẽ xúc phạm đến các bị cáo đồng thời lãnh đạo của các cơ quan nội chính, tư pháp tại tỉnh Phú Yên.
Đề nghị này sau đó vấp phải chỉ trích của dư luận và chính quyền thành phố Tuy Hòa phải rút lại kiến nghị này.
Sau sự việc kỷ luật Võ An Đôn hôm 26/11/2017, hơn 100 luật sư cũng ký tên vào bản kiến nghị đề ngày 10/12 kêu gọi Liên đoàn Luật sư Việt Nam cân nhắc”dựa trên tinh thần bảo vệ đồng nghiệp, bảo vệ nghề luật sư, bảo vệ công bằng và lẽ phải”.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/voandon-to-sue-justice-dept-11232018091303.html
Hai đại tá hải quân Việt Nam
bị bắt vì ‘vi phạm đất đai’
Hôm 23/11, Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng cho biết, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam hai đại tá hải quân với cáo buộc “vi phạm về quản lý đất đai”.
Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã bắt tạm giam đại tá Trần Trọng Tuấn – Phó giám đốc Công ty Hải Thành, thuộc Quân chủng Hải quân, và bà Vũ Thị Hoan – nguyên giám đốc Công ty TNHH Yên Khánh, Giám đốc Công ty Cổ phần Yên Khánh – Hải Thành.
Một đại tá hải quân khác là ông Bùi Văn Nga, nguyên giám đốc Công ty Hải Thành, “bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú do mắc bệnh ung thư trực tràng đã phẫu thuật đang trong giai đoạn điều trị tích cực”, theo báo Tuổi Trẻ.
Tin cho hay, cơ quan điều tra đã tiến hành khám xét nơi ở, nơi làm việc, thu giữ tài liệu, xác minh tài khoản ngân hàng, phong tỏa tài sản của các bị can để phục vụ điều tra, xét xử.
Theo VTV, Công ty Hải Thành, trực thuộc Quân chủng Hải quân đã sử dụng khu đất quốc phòng ở số 7-9 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM, với mục đích là để góp vốn liên doanh với Công ty TNHH Yên Khánh, và được biết việc góp vốn này là “sai quy định”.
Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng cho biết, thường vụ Quân ủy Trung ương, thủ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu các cơ quan tư pháp đẩy nhanh tiến độ điều tra, làm rõ các sai phạm và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, ban hành cáo trạng truy tố, đưa ra xét xử công minh, chính xác, kịp thời, đúng pháp luật, không có “vùng cấm,” không có ngoại lệ.
https://www.voatiengviet.com/a/hai-dai-ta-hai-quan-vietnam-bi-bat-vi-vi-pham-dat-dai/4671012.html
Vụ xe Innova đi lùi: TAND Cấp cao
đề nghị hủy hai bản án
Hôm 21/11, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm trong vụ án lùi xe trên cao tốc Thái Nguyên – Hà Nội làm bốn người chết hồi 2016.
Trước đó, tại phiên tòa phúc thẩm hôm 2/11 đã kết án tài xế lái xe container Lê Ngọc Hoàng 6 năm tù giam và người lái xe Innova đi lùi Ngô Văn Sơn 9 năm tù vì tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Tuy nhiên đến hôm 12/11, TAND Tối cao đã chỉ đạo rút hồ sơ để xem xét và đánh giá lại.
Vụ xe Innova đi lùi: ‘Đừng biến mọi người có thể thành tội phạm’
Lái xe bị công an sách nhiễu vì dán decal
Hôm 21/11, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình giải thích quyết định của TAND tối cao tại cuộc họp với các chuyên gia và báo chí:
“Với vụ án này, qua hai cấp xét xử, thấy rằng Ngô Văn Sơn lỗi chính gây ra tai nạn, bản thân ông Sơn nhận tội. Còn bị cáo Lê Ngọc Hoàng, theo kết luận của HĐXX là có lỗi bởi mặc dù có nhiều biển báo trong khu vực nguy hiểm nhưng vẫn không làm chủ được tốc độ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng còn nhiều chi tiết thông tin cần làm rõ, như tình trạng xe, điểm va chạm đầu tiên của hai xe, tín hiệu hộp đen bị mất 52 giây…
“Hơn nữa, trên hiện trường để lại còn một số thông tin cần làm rõ như mất tín hiệu hộp đen trong 52 giây, nhưng kết luận lại nói tốc độ xe bằng 0. Đó là cách nói của nhà lập trình, sản xuất xe, còn về mặt khoa học cũng không thể nói, mất tín hiệu là tốc độ xe bằng 0.”
“Vậy nên chúng ta chưa thể kết luận là Hoàng không có lỗi trong vụ án này,” Chánh án Nguyễn Hòa Bình kết luận.
Gia đình vui mừng
Dù chưa biết kết quả phiên Giám đốc thẩm sẽ như thế nào, nhưng trước thông tin TAND Cấp cao quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, gia đình của ông Lê Ngọc Hoàng rất vui mừng.
Chị Vũ Thị Thúy, vợ lái xe Hoàng cho biết chị “không kiềm được nước mắt vì xúc động”.
“Hơn một năm, chạy ngược chạy xuôi, tôi gõ cửa các cơ quan chức năng để kêu oan cho chồng, cũng có được kết quả bước đầu,” chị Thúy nói với báo Dân Việt.
Chị Thúy cho biết chị sẽ đợi TAND huyện Phổ Yên, TAND tỉnh Thái Nguyên ra thông báo chính thức về việc hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm và sau đó sẽ làm đơn xin tại ngoại cho chồng.
“Từ ngày vụ việc xảy ra, hai đưa con ít có cơ hội gặp bố, chúng sẽ vui lắm.”
Đây là một kết quả khả quan được nhiều cánh tài xế và dư luận ủng hộ vì nhiều người cho rằng tài xế Lê Ngọc Hoàng đã bị oan.
Hôm 19/11/2016, tài xế Ngô Văn Sơn nhận hợp đồng chở 10 khách từ Bắc Ninh về Thái Nguyên ăn cưới trên chiếc xe Innova 7 chỗ.
Khi đi qua khỏi nút giao thông Yên Bình, Sơn xi nhan sang làn bên phải hỏi đường rồi lùi xe ngược lại theo hướng cao tốc Thái Nguyên-Hà Nội.
Xe container của Lê Ngọc Hoàng đang đi đúng chiều làn xe cao tốc với tải trọng 26 tấn không chuyển làn kịp thời nên đã tông vào đuôi xe Innova khiến ba người lớn và một bé trai tử vong, sáu người khác bị thương.
Tài xế Ngô Văn Sơn được xác định là đã uống rượu, lùi xe trên đường cao tốc và chở khách quá số lượng. Còn việc tài xế Lê Ngọc Hoàng có chú ý quan sát, giảm tốc độ trước thời điểm xảy ra vẫn đang là vấn đề đang gây tranh cãi.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, đơn vị sẽ cho rà soát và kiểm tra lại bản án trên theo quy định pháp luật.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46313604
Một ngư dân Việt Nam bị bắn chết ngoài biển
Trang Gnews ngày 22 tháng 11 loan tin, vào lúc 20 giờ ngày 20 tháng 11, ông Nguyễn Văn Mười làm thuyền trưởng tàu cá QNg 96677 TS ở xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi, cùng 12 lao động đang hoạt động đánh bắt cá trên biển thì bất ngờ bị một chiếc tàu vỏ gỗ, nổ súng bắn liên tục về phía tàu ông Mười. Sự việc đã khiến ông Trần Văn Định, thuyền viên trên tàu bị đạn bắn vào đầu, tử vong ngay tại chỗ, còn chiếc thuyền bị dính đạn thủng nhiều chỗ.
Ngay sau đó, tàu QNg 96677 TS đã nhanh chóng đưa thi thể ông Định về đảo Lý Sơn, đồng thời báo cáo vụ việc lên lực lượng biên phòng và các cơ quan chức năng. Theo ông Mười, do bị tấn công bất ngờ nên mọi người trên tàu đã rơi vào trạng thái hoảng loạn nên không ai xác định được đó là tàu nước nào.
Đây không phải là lần đầu tiên ngư dân miền Trung bị các tàu, thuyền nước khác tấn công, cướp đi tính mạng trên vùng biển Việt Nam. Mà những sự việc như thế này đã xảy ra rất nhiều lần, hầu như năm nào cũng có, thế nhưng không một cơ quan chức năng nào của Việt Nam có hành động bảo vệ ngư dân, thậm chí không dám gọi những chiếc tàu đã giết chết ngư dân nước mình là tàu của Trung Cộng mặc dù ngư dân có những hình ảnh, clip chứng minh tàu gây án là của phía Trung Cộng.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/mot-ngu-dan-viet-nam-bi-ban-chet-ngoai-bien/
Chạy thận Hòa Bình:
Khởi tố giám đốc công ty bảo dưỡng máy
Ngày 21/11, công an tỉnh Hòa Bình đã quyết định khởi tố bị can với ông Đỗ Anh Tuấn, giám đốc Công ty Thiên Sơn, để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án chạy thận chết 9 người hồi 2017, theo báo Tuổi Trẻ.
Dù trước đó, công an tỉnh Hòa Bình cho rằng ông Tuấn không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo hồ sơ vụ án, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã ký hợp đồng với Công ty Thiên Sơn hôm 25/5/2017 để sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2.
Vụ đòi ‘hóa đơn đỏ’ chạy thận ở Hòa Bình
Vụ BS Hoàng Công Lương: Tòa trả hồ sơ, điều tra lại
Vụ xử BS Hoàng Công Lương ‘nhiều sơ sót’
Nhưng trong ngày ký hợp đồng với Giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương, ông Tuấn “bán thầu” lại cho ông Bùi Mạnh Quốc, giám đốc Công ty Trâm Anh để thực hiện việc sửa chữa hệ thống lọc.
Hôm 28/5/2018, ông Quốc đến Bệnh viện Hòa Bình để sửa chữa hệ thống lọc nước RO dùng để chạy thận nhưng còn tồn dư axit.
Theo báo Dân trí, ông Trần văn Sơn, cán bộ phòng vật tư của bệnh viện, không giám sát quá trình ông Quốc sửa chữa. Khi sửa xong, ông Quốc báo cho ông Sơn qua điện thoại là sáng hôm sau sẽ đến bàn giáo và lấy mẫu nước đi xét nghiệm.
Nhưng sau đó ông Sơn gọi điện cho một điều dưỡng đến khóa cửa và nói “… đã sửa xong, sáng mai có thể hoạt động bình thường”.
Hôm 29/5/2017, bác sĩ Hoàng Công Lương được giao phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo.
Sau khi nghe điều dưỡng nói hệ thống có thể sử dụng, ông Lương không kiểm tra, không báo cáo kết quả sửa chữa cho cấp trên và ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân, khiến 9 người tử vong.
Sau khi vụ việc xảy ra, công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố các bị can Hoàng Công Lương, Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc.
Trong khi đó, các luật sư cho rằng vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm khi không khởi tố ông Đỗ Anh Tuấn, giám đốc Công ty Thiên Sơn.
Đồng thời, họ cũng cho rằng có dấu hiệu oan sai cho bác sĩ Lương khi bị khởi tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, vì ông Lương không chịu trách nhiệm liên quan đến thiết bị vật tư.
Đến ngày 5/6, tòa trả lại hồ sơ và yêu cầu điều tra bổ sung. Đến nay bác sĩ Hoàng Công Lương đã được trả tự do nhưng chịu lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cho đến 28/11.
Đến tháng 7, sau khi có kết luận điều tra bổ sung, cơ quan điều tra đã khởi tố thêm ông Hoàng Đình Khiếu, phó giám đốc kiêm trưởng khoa hồi sức tích cực, Trần Văn Thắng, nguyên trưởng phòng vật tư và Trương Quý Dương, nguyên giám đốc bệnh viện.
Đến 12/9, khi công bố kết luận điều tra bổ sung lần 2, bác sĩ Hoàng Công Lương bị đổi tội danh Thiếu trách nhiệm sang tội Vô ý làm chết người.
Theo Bộ luật hình sự 2015, tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng mà Hoàng Công Lương bị khởi tố trước đây có khung hình phạt cao nhất là 12 năm.
Còn tội Vô ý làm chết người có khung hình phạt gồm cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Trường hợp phạm tội làm chết 2 người trở lên thì mức án tù cao nhất là 10 năm
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46313605
Con cháu bí thư đột nhập vào nhà thờ
đòi giết Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam
Lúc 1 giờ 57 chiều ngày 22/11, ông Nguyễn Văn Hoàng người xóm Tiên Khánh, xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đã đột nhập vào nhà thờ, nhà xứ Mỹ Khánh chửi bới bằng những lời lẽ thô tục, đòi đánh và dọa giết Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam. Được biết ông Nguyễn Văn Hoàng là con rể của ông Nguyễn Văn Hội – bí thư xóm Tiên Khánh và là cháu ruột của ông Nguyễn Văn Lịch – bí thư xóm Khánh Hòa, thuộc xã Khánh Thành.
Trước đó nhiều người dân xóm Tiên Khánh và Khánh Hòa đã rất bất bình khi bỗng dưng có tên trong danh sách đơn thư vu cáo Linh mục Đặng Hữu Nam gửi cho các cấp chính quyền và Giáo hội. Trong đơn thư này có chữ ký của ông bí thư xóm!
Sau khi khiếu nại với chính quyền xã, người dân tiếp tục chất vấn hai ông bí thư tại cuộc họp “đại đoàn kết ngày 19/11/2018.” Tại đây ông Nguyễn Văn Hội, bí thư xóm Tiên Khánh đã rút dép đòi đánh vào mặt người dân trước sự chứng kiến của chính quyền các cấp!
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/con-chau-bi-thu-dot-nhap-vao-nha-tho-doi-giet-linh-muc-anton-dang-huu-nam/
Hầm chui 34,000 tỷ
phải dán băng keo để chống dột
Hầm chui dân sinh trên xa lộ Đà Nẵng – Quảng Ngãi có mức đầu tư 34,000 tỷ đồng do nhà thầu thực hiện là Công ty TNHH – Tập đoàn xây dựng cầu đường Sơn Đông của Trung Cộng đã phải dán băng keo để chống dột, vì hư hỏng sau khi đưa vào sử dụng.
Báo Vietnamnet ngày 22 tháng 11, loan tin hầm chui dân sinh này thuộc địa phận thôn 4, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Quảng Nam đã phải dán keo chằng chịt vì bị thấm nước ở những khe nứt.
Theo người dân, mỗi lần trên địa bàn xuất hiện mưa, hầm chui này đã chảy nước, nước ngập hơn 30 cm khiến việc đi lại khó khăn. Cách đây chừng 2 tháng, một nhóm công nhân đã sửa chữa bằng cách dán nhiều lớp băng keo lên đỉnh hầm, nhưng nhiều chỗ bị bong tróc sau đó, nước mưa vẫn thấm chảy qua khe nứt.
Ngày 28 tháng 10, Tổng công ty đầu tư phát triển đường xa lộ Việt Nam nói, tuyến xa lộ đoạn từ Đà Nẵng – Tam Kỳ có 21 cầu bị thấm, đọng nước. Tất cả các dự án ở Việt Nam nếu có các công ty của Trung Cộng thực hiện công trình đều xảy ra tình trạng hư hỏng ngay sau khi công trình đưa vào sử dụng. Nhưng vì quá phụ thuộc Trung Cộng nên nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam xem những sai phạm trên như không có vấn đề gì.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/ham-chui-34000-ty-phai-dan-bang-keo-de-chong-dot/
Bão Usagi đe dọa
vụ mùa cà phê và khai thác dầu ở Việt Nam
Tin cho hay, vụ mùa cà phê và hoạt động khai thác dầu khí của của Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng từ Usagi, mà người Việt gọi là bão số 9.
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai cho biết, tới tối ngày 23/11, cơn bão đang từ Biển Đông di chuyển vào đất liền và sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
“Từ chiều tối và đêm ngày 23/11 đến ngày 26/11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và Nam Tây Nguyên có mưa rất to; Bắc Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to”, thông báo có đoạn.
Theo cảnh báo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, PetroVietnam, Usagi có thể gây ra gió mạnh lên tới 100 km một giờ.
Tập đoàn này dẫn dự báo của cơ quan chức năng nói rằng “từ trưa ngày 23/11, bão số 9 sẽ bắt đầu gây ảnh hưởng đến các lô dầu khí ngoài khơi Trung Bộ – Nam Trung Bộ nước ta”.
PetroVietnam yêu cầu “các đơn vị, nhà thầu dầu khí cần theo dõi chặt chẽ diễn biến, hướng di chuyển và vùng ảnh hưởng nguy hiểm của áp thấp nhiệt đới, bão đến các hoạt động, công trình dầu khí để chủ động trong công tác ứng phó”.
Theo Reuters, tuần trước, cơn bão số 8 đã gây ra lũ quét và lở đất ở tỉnh Khánh Hòa làm ít nhất 19 người thiệt mạng.
Nghiệp đoàn VN sau CPTPP
vẫn không ‘làm chính trị’?
Nguyễn Quang DuyGửi tới BBC Tiếng Việt từ Melbourne, Úc
Miền Bắc trước đây theo mô hình Xô viết, mọi người đều làm công cho nhà nước và đoàn ngũ hóa trong một tổ chức chính trị trực thuộc đảng Cộng sản được gọi là công đoàn.
Ngày nay kinh tế, xã hội và cả chính trị Việt Nam đã thay đổi, nhưng nhiệm vụ của công đoàn vẫn tồn tại như ngày nào.
Tham gia Hiệp định CPTPP, Hà Nội sẽ phải chấp nhận hoạt động của các nghiệp đoàn đại diện cho người lao động nhưng “không làm chính trị”, nghĩa là không chịu sự lãnh đạo của đảng Cộng sản.
Như vậy Hà Nội đang chấp nhận 3 bước lùi: thứ nhất về tư tưởng “đấu tranh giai cấp”; thứ hai là nới lỏng kiểm soát tầng lớp lao động; và quan trọng nhất là đảng Cộng sản mất quyền trực tiếp lãnh đạo.
Quốc tế về quyền lao động
Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Lao Động Quốc Tế (ILO) vào tháng 6/1950, nhưng Hà Nội vẫn chưa ký nhiều Công ước quy định về quyền lao động, như Công ước số 87 và 98 về tự do liên kết và thương lượng tập thể, là những quyền đã được hầu hết các nước thành viên ILO và Liên Hiệp Quốc công nhận.
Khi gia nhập WTO vào 1/2007, Hà Nội đã hứa sẽ ký và thực thi hai Công ước nói trên nhưng đến nay vẫn không thực hiện.
VN: Nghiệp đoàn sau CPTPP ‘không làm chính trị’?
Việt Nam thiếu kinh nghiệm về Công đoàn độc lập?
CPTPP-VN: ‘Thị trường không dễ nhưng thân thiện hơn’
Tranh tụng quyền lao động
Tham gia CPTPP, Hà Nội sẽ có 5 năm không bị trừng phạt thương mại đối với việc thành lập các nghiệp đoàn và 7 năm các nghiệp đoàn được liên kết với nhau.
Trong vòng 5 năm, Hà Nội cũng phải để các nghiệp đoàn thực hiện việc đàm phán thỏa thuận lao động tập thể về tiền lương, về thời giờ làm việc, về thời giờ nghỉ ngơi và các quyền lợi khác.
Nếu Hà Nội vi phạm các điều khoản đã ký nghiệp đoàn tại Việt Nam không có quyền khởi kiện, chỉ có chính phủ 10 quốc gia CPTPP còn lại mới có quyền kiện đòi Hà Nội thực hiện.
Việc vi phạm quyền lao động sẽ ảnh hưởng đến thị trường lao động và quyền lợi nghiệp đoàn 10 quốc gia còn lại, vì thế các nghiệp đoàn Việt Nam có thể làm việc với các nghiệp đoàn tại ít nhất 1 quốc gia có chân trong CPTPP, vận động chính phủ nước họ khởi kiện.
Hay nghiệp đoàn Việt Nam tổ chức tổng đình công trực tiếp tố cáo và vận động chính phủ các quốc gia khác khởi kiện.
Thủ tục khá nhiêu khê nên muốn mang lại kết quả, các nghiệp đoàn tại Việt Nam cần xây dựng liên kết chặt chẽ với nghiệp đoàn quốc tế.
Ngay cả việc chính phủ quốc gia khác có thành công trong việc kiện tụng, việc trừng phạt Hà Nội còn tùy thuộc vào quan điểm chính trị và ngoại giao của nước họ, nên họ có thể chọn thỏa hiệp với Hà Nội vì một lợi ích kinh tế hay chính trị nào đó mà bỏ qua việc trừng phạt.
Những người hoạt động nghiệp đoàn cần biết rõ giới hạn này để đừng hoàn toàn kỳ vọng vào các quốc gia khác trong CPTPP.
Thị trường lao động Việt Nam
Vào đầu năm 2016, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết Việt Nam có 23 triệu nông dân, trong khi tổng cộng 11 nước TPP (cả Mỹ) chỉ có 20,5 triệu nông dân.
Tính trung bình nông dân trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long thu nhập không quá 100 Mỹ Kim mỗi tháng, trong khi lợi tức trung bình của công nhân Việt Nam vào khoảng 250 Mỹ Kim mỗi tháng.
Tỷ lệ chênh lệch thu nhập là 2.5 lần và số thặng dư nhân lực tại nông thôn cũng rất cao khiến nông dân di cư đến các khu công nghiệp kiếm việc làm.
Về lý thuyết khi thị trường lao động bão hòa tiền lương sẽ quyết định bằng năng suất lao động và sẽ tương đương giữa các nước theo kinh tế thị trường.
Nhưng trên thực tế như Samsung sản xuất gia công theo dây chuyền được cài đặt với một tốc độ cố định, nên bất kể người làm việc trên dây chuyền là người nước nào thì năng suất lao động và sản lượng sản xuất đều như nhau.
Nhưng lương của công nhân Việt Nam chỉ bằng 30% lương công nhân Nam Hàn và chỉ bằng ½ lương công nhân Trung Quốc.
Nhằm thu hút đầu tư, Hà Nội sẽ tiếp tục kềm hãm mức lương tối thiểu để mức lương công nhân Việt Nam luôn thấp nhất trong số 10 quốc gia tham gia CPTPP.
Thị trường lao động lại luôn biến đổi. Samsung đã từng rời hầu hết các cơ xưởng từ Trung Quốc sang Việt Nam, Samsung có thể lại rời sang Bắc Hàn do lương công nhân rẻ hơn lại cùng một dân tộc, một ngôn ngữ và như thế sẽ ảnh hưởng nặng đến nhu cầu nhân dụng Việt Nam.
Các hoạt động kinh tế thì càng ngày càng đa dạng mỗi ngành nghề trong mỗi thời điểm lại có mức cung và cầu khác nhau.
Giới lãnh đạo nghiệp đoàn vì thế ngoài khả năng biết đàm phán còn cần kiến thức để hiểu rõ thị trường nhân dụng trong từng giai đoạn cũng như hiểu rõ về sách lược kinh tế của Việt Nam và thế giới.
Nghiệp đoàn độc lập với đảng chính trị
Nghiệp đoàn là tổ chức đại diện quyền lợi những người có chung một ngành nghề, như nghiệp đoàn thợ dệt, nghiệp đoàn thợ mỏ, nghiệp đoàn tiểu thương, nghiệp đoàn nông dân, nghiệp đoàn giáo chức, nghiệp đoàn báo chí, nghiệp đoàn công chức…
Gia nhập CPTPP, không chỉ người lao động phổ thông mới được quyền lập nghiệp đoàn mà cả những người lao động trí óc, văn phòng cũng có chung quyền lợi.
Vì thế nghiệp đoàn cần phải thực sự độc lập với tất cả các đảng phái chính trị.
Nghiệp đoàn phải do người lao động đứng ra thành lập, được người lao động nuôi dưỡng và phải luôn luôn đấu tranh cho quyền lợi người lao động.
Mỗi nghiệp đoàn cần có nội quy sinh hoạt, với đường lối đấu tranh công khai và rõ ràng phù hợp với luật pháp hiện hành.
Các nghiệp đoàn trên nguyên tắc là cạnh tranh với công đoàn nhằm phục vụ tốt cho người lao động, nên cần tránh lọt vào thế đối đầu với công đoàn không mang lại lợi ích thiết thực.
Những người lãnh đạo nghiệp đoàn ngoài sự hiểu biết và tài năng còn phải là người được người lao động thương yêu, tin tưởng và bầu lên qua những cuộc bầu cử dân chủ.
Như thế họ mới chính danh để đại diện người lao động thương lượng với cả chủ nhân lẫn nhà nước.
Họ cũng cần có khả năng và kinh nghiệm làm việc với các nghiệp đoàn khác, các chính phủ và các tổ chức quốc tế.
Về lâu dài Việt Nam sẽ tạo nên một tầng lớp lãnh đạo nghiệp đoàn khác hẳn với tầng lớp lãnh đạo công đoàn mà đa số là cán bộ công chức được đảng Cộng sản giao cho công tác tuyên truyền vận động chính trị.
Dư luận hiện đang rất lo âu về việc Hà Nội sẽ lập ra các nghiệp đoàn hình thức vẫn chịu sự kiểm soát của đảng Cộng sản.
Điều này dễ dàng xảy ra vì thế trong thời gian tới có thể có 3 hình thức hoạt động khác nhau: (1) công đoàn nhà nước làm nhiệm vụ chính trị cho đảng Cộng sản; (2) nghiệp đoàn trong khuôn khổ giới hạn thương lượng với giới chủ; và (3) những người hoạt động nghiệp đoàn âm thầm tổ chức biểu tình và đình công.
Biểu tình, đình công
Từ khi Hà Nội tham gia kinh tế thị trường năm 1990 đã có hơn 6.000 cuộc đình công, tất cả đều tự phát và hầu hết mang lại kết quả tốt, đặc biệt là 2 cuộc tổng đình công phản đối chính sách của Hà Nội.
Dịp cuối năm 2005 đã diễn ra nhiều cuộc đình công đòi tăng mức lương tối thiểu cho công nhân tại các doanh nghiệp nước ngoài, có cuộc đình công lên đến năm, sáu chục ngàn công nhân tham dự.
Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhanh chóng đáp ứng yêu cầu công nhân bằng cách ký chỉ thị tăng mức lương tối thiểu lên 40 phần trăm.
Cuối tháng 3/2015 nhiều cuộc đình công liên tục diễn ra tại khu công nghiệp Sài Gòn, Bình Dương, Tiền Giang, Tây Ninh, Long An… phản đối chính sách bảo hiểm xã hội đã được Quốc Hội thông qua.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngay tức thì tuyên bố sẽ đáp ứng nguyện vọng công nhân bằng cách kiến nghị lên Quốc Hội sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội.
6.000 cuộc đình công mang lại kết quả cho thấy sức mạnh của người lao động trong việc thương lượng với chủ nhân và nhà nước.
Một số cuộc đình công khi chấm dứt, công nhân đứng ra tổ chức đã bị sa thải và một số người sau đó bị bắt.
Một số trường hợp rõ ràng có những liên kết tổ chức nhưng công đoàn và nhà nước vẫn không kiểm soát được.
Theo hướng dẫn của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) luật lao động sẽ phải thay đổi, để khi có 50% cộng 1 thành viên ban chấp hành đồng ý biểu tình hay đình công thì nghiệp đoàn có quyền tiến hành.
Trong 7 năm đầu và thậm chí khi nhà cầm quyền Hà Nội chưa thay đổi cách nhìn về biểu tình và đình công thì bên trong các cơ sở doanh nghiệp luôn có những người lao động sẵn sàng khởi xướng và tổ chức các cuộc đình công.
Thực tế cũng cho thấy các cuộc biểu tình nhiều khi lên đến hằng trăm ngàn người tham dự nhưng đã nhanh chóng tàn lụi, nên cũng đừng kỳ vọng các cuộc biểu tình sẽ thay đổi thể chế như đã từng xảy ra ở Ba Lan.
Hướng tới tự do
Rõ ràng Việt Nam đang từng bước thay đổi, nghiệp đoàn “không làm chính trị” sẽ chính thức hoạt động, nhưng sức mạnh của tầng lớp lao động về cả kinh tế lẫn chính trị đều luôn bị đảng Cộng sản kềm hãm.
Muốn xã hội phát triển toàn diện và công bằng Việt Nam cần có những chính sách, những đạo luật tiến bộ. Muốn thế cần có những đấu tranh nghị trường, đấu tranh giữa các đảng chính trị với nhau.
Khi Việt Nam có tự do và có đa đảng, các nghiệp đoàn mới tạo quyền lực chính trị bằng cách ủng hộ các chính đảng có chính sách xã hội tiến bộ phục vụ cho quyền lợi tầng lớp lao động nghèo. Hoặc ủng hộ những chính đảng đề ra những chính sách có lợi cho các thành viên trong từng nghiệp đoàn.
Những người hoạt động nghiệp đoàn ngày nay sẽ vượt qua những thử thách, rút tỉa những kinh nghiệm để trở thành những người lãnh đạo đóng góp cho một Việt Nam tự do, dân chủ, và tạo công bằng cho xã hội.
Bài thể hiện quan điểm riêng và văn phong của người viết. BBC Tiếng Việt luôn hoan nghênh các ý kiến tranh luận về các vấn đề thời sự. Hãy gửi bài về cho chúng tôi theo địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46299646
Tướng Vĩnh ‘đưa cả tổ ong vào’
còn tướng Hóa nói có ‘não bé tham vọng to’
Sau phiên tòa tại Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ xử vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ và hai tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, dư luận Việt Nam chú ý đến nhiều câu nói ấn tượng của hai bị cáo này.
Hơn 90 bị cáo đã bị đưa ra xét xử, và đến ngày hôm nay, phiên xét xử đã diễn ra hơn 10 ngày, để lại nhiều lời khai ấn tượng cho dư luận, và giới quan sát vốn đang theo dõi kỹ lưỡng phiên tòa.
Nuôi ong tay áo
Trong phiên tòa xét xử hôm 23/11, Cựu Tổng cục trưởng Phan Văn Vĩnh nhận sai lầm khi xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia.
“… tôi đã đưa con ong vào trong tay áo, đưa cả một đàn ong, cả tổ ong vào tay áo mình. Tôi đã chủ quan, trách nhiệm đó thuộc về mình”, ông Vĩnh cho rằng nếu ông Hóa chỉ đạo sát sao, bóc dỡ, xử lý nghiêm trước pháp luật thì hậu quả cũng không xảy ra.
“Tôi thành tâm xin nhận khuyết điểm trước Đảng, trước nhân dân”, ông Vĩnh nói, theo báo Zing.
Bộ não nhỏ nhưng ước mơ lớn
“Tạo hóa cho tôi bộ não quá bé nhưng lại cho ước mơ quá lớn trên nền nhận thức bé nhỏ để rồi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng, liên lụy tới nhiều người.
Tướng Phan Văn Vĩnh và lời khai về lãnh đạo
Luật Công an mới ‘có lộ trình giảm tướng’
Chiếc lò vĩ đại của Tổng bí thư có thật vĩ đại?
“Bây giờ đối với cuộc đời tôi đã mất tất cả, chỉ còn trái tim trung thành với Đảng,” bị cáo Nguyễn Thanh Hóa trần tình về bối cảnh phạm tội sáng 23/11.
Cho xin lại 100 triệu
Trong phiên tòa sáng 23/11, một luật sư đề nghị HĐXX xem xét xin lại số tiền gia đình bị cáo Nguyễn Thanh Hóa nộp dư.
Theo luật sư, bị cáo Lưu Thị Hồng, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ cao (CNC) khai đưa cho C50 600 triệu, nhưng vợ bị cáo Nguyện Thanh Hóa lại nộp lại… tận 700 triệu.
Dù trước đó Nguyễn Văn Dương khai đã cho C50 700 triệu, và Nguyễn Thanh Hóa thừa nhận đã nhận hỗ trợ 700 triệu từ CNC, chi đều cho các cán bộ chiến sĩ.
Vậy lấy tiền gì mua cây cảnh?
“Bị cáo không lấy lương mua đồng hồ mà lấy tiền mua cây cảnh mua đồng hồ,” Phan Văn Vĩnh giải thích về việc sở hữu chiếc đồng hồ Rolex trị giá 7000 USD (162 triệu) mà Nguyễn Văn Dương khai biếu tặng ông.
Ông Vĩnh nói ông đã trồng cây cảnh hơn 30 năm nay, có cây trị giá khoảng 10 tỷ. Ông nói lấy tiền bán cây cảnh và trả Dương 1,1 tỷ cho chiếc đồng hồ mà ông đã để quên trong nhà vệ sinh lúc rửa tay.
Luật sư xin đọc thơ
Trong phiên tòa xét xử hôm 20/11, trong phần trình bày về quá trình công tác 45 năm của bị cáo Phan Văn Vĩnh, Luật sư Lê Hồng Khanh bào chữa cho ông Vĩnh xin phép được đọc thơ.
Theo báo Vietnamnet, ông Khanh đã tìm hiểu về quê hương Nam Định của bị cáo Vĩnh. Ông Khanh xin phép đọc 4 câu thơ mà người dân viết.
Nhưng bị chủ tọa cắt ngang không để luật sư kịp đọc, vì tòa đang ở phần xét hỏi, thẩm vấn.
Cục trưởng C50 không biết dùng ‘máy tính’
Trong phiên xét xử chiều 22/11, luật sư của bị cáo Nguyễn Thanh Hóa đưa ra bối cảnh rằng ông Hóa được bổ nhiệm làm cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) khi đang là phó cục trưởng Cục cảnh sát kinh tế và chức vụ (C45).
“Ông Hóa giữ chức vụ cục trưởng nhưng không có hiểu biết gì về mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số. Thậm chí ông Hóa cũng không biết sử dụng máy vi tính, do đó phải vừa làm vừa đào tạo,” luật sư Đỗ Ngọc Quang nói.
Ông Quang lập luận rằng đó là lý do C50 cần lập công ty bình phong để giúp đỡ đấu tranh tội phạm mạng.
Người giới thiệu CNC cho C50 là ai?
Trước những lời khai của ông Hóa khẳng định CNC không phải bình phong của C50, hôm 21/11, Nguyễn Văn Dương liên tục nhắc lại rằng người giới thiệu CNC làm công ty bình phong cho C50 là cố thứ trưởng Bộ Công Phạm Quý Ngọ.
Cục trưởng C50 nhờ Dương xin xe vi phạm
Về mối quan hệ với Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch HĐTV CNC, Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa khai quen Dương khi đi lễ hội.
“Khi đó, tôi đi lễ hội và xe của bạn tôi bị bắt vì đỗ sai. Có người nói chỉ anh Nguyễn Văn Dương quen thân với Giám đốc công an tỉnh mới xin được. Đúng sau đó, tôi xin được xe và mới trở về được. Sau đó tôi biết Nguyễn Văn Dương,” bị cáo Hóa nói.
Đã trình Bộ trưởng Trần Đại Quang
Và cuối cùng, đáng chú ý nhất trong phiên tòa hôm 19/11, ông Phan Văn Vĩnh khai đã có văn bản trình Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang hôm 17/3/2016 về lộ trình phát triển Công ty CNC là công ty nghiệp vụ.
Đến ngày 25/3, ông Quang có bút phê rằng “chú ý không trùng chức năng của Cục An ninh mạng”, theo các báo Việt Nam.
Và Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương phê hôm 29/3/2016 rằng “Tổng cục Cảnh sát thực hiện ý kiến của Bộ trưởng”.
“Sau đó, theo ý kiến chỉ đạo này, Tổng cục Cảnh sát thực hiện. Ngày 20.5.2016, Cục trưởng C50 là anh Nguyễn Thanh Hóa có tờ trình bị cáo với văn bản 1155. Như vậy, bị cáo khi đó là đang thực hiện theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công an,” bị cáo Vĩnh khai trước tòa hôm 19/11.
Về các bị cáo khác
Hiện dư luận Việt Nam vẫn tiếp tục bàn thảo về lời khai của các bị cáo khác.
Câu hỏi là ai làm “bình phong cho ai” cũng được nêu ra.
Bị cáo Phan Văn Vĩnh thì muốn nói rằng phần sai trái thuộc về bên ngoài và lỗi của ông ta là “đưa họ vào”.
Nhưng theo báo Dân Trí, bị cáo Phan Sào Nam được luật sư của mình là Hoàng Văn Hướng bào chữa rằng ông Nam đã tin tưởng vào công ty CNC và ông Nguyễn Văn Dương.
Theo ông Dương, thì “CNC là công ty bình phong của Bộ Công an”.
“Phan Sào Nam còn được biết Văn phòng của CNC đặt tại số 10 Hồ Giám Hà Nội, đây đã từng là cơ quan của cảnh sát. Thỉnh thoảng trong một số lần gặp gỡ, Nguyễn Văn Dương dùng xe ô tô có biển xanh của Bộ Công an.”
“Chúng tôi vi phạm pháp luật nhưng tương đối tự hào với thành quả khoa học đã làm được trong giai đoạn này,” bị cáo Phan Sào Nam nói trước tòa.
Ông Nam cho biết một trong những lý do phát triển game bài là vì “kỳ vọng sẽ đi đầu trong lĩnh vực này”.
Điều dư luận Việt Nam và các nhà bình luận ghi nhận là chiến dịch nhằm “khôi phục niềm tin” vào Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhắm vào Bộ Công an.
Tương tự nhp các hiến dịch “bàn tay sạch” ở nước ngoài, TBT và Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đưa ra chiến dịch “đốt lò” còn để sắp xếp lại Bộ Công an nhằm để bộ máy “tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Xem thêm về chống tham nhũng:
Dàn lãnh đạo cũ của Tổng cục Cảnh sát bị kỷ luật?
Tòa có bỏ sót tội tướng Vĩnh, tướng Hóa?
CHIẾC LÒ CỦA TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Đồ họa của BBC soạn trong tháng 10/2018 nhắc đến vụ án hai tướng Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa khi hai ông chưa bị tuyên án:
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46313606
Báo Thanh Niên: hơn 10 nhà báo,
cán bộ ngoài đảng bị ‘thôi chức’
Hơn mười phóng viên, cán bộ vừa bị cho thôi giữ các chức vụ quản lý trong báo Thanh Niên vì họ không phải là đảng viên cộng sản Việt Nam.
Tin này được một số bạn bè của các phóng viên chia sẻ trên mạng xã hội hôm 23/11/2018 chỉ ít ngày sau khi một quan chức Đà Nẵng, người từng bỏ sinh hoạt đảng nhiều năm, bị công bố xóa tư cách đảng viên.
Phó TBT Thanh Niên bị thu thẻ nhà báo
VN phạt báo Thanh Niên 200 triệu vì vụ ‘thông tin nước mắm’
VN: Quanh than phiền về lối viết báo ‘theo chỉ đạo’
Hai vụ riêng rẽ trên xảy ra ra chỉ hơn một tuần sau việc Giáo sư Chu Hảo bị Đảng Cộng sản khai trừ vì ‘có hành vi chống đối’.
Trước đó, hôm 26/10, ông Chu Hảo, một cựu thứ trưởng, đã tuyên bố ‘từ bỏ Đảng Cộng sản’.
‘Chuẩn hóa cán bộ’
Một số nguồn tin xác nhận với BBC việc thay đổi nhân sự tại báo Thanh Niên được công bố trong cuộc họp sáng 23/11.
Được biết có 13 người hiện đang là trưởng ban, phó ban hoặc tương đương được cho ‘thôi chức’ tuy vẫn tiếp tục làm công tác chuyên môn.
Một nguồn tin khác từ TPHCM cho hay chuyện này dẫn đến tình trạng “Ban Văn nghệ của báo Thanh Niên hiện thiếu cả trưởng và phó ban” vì không có ai là đảng viên cộng sản.
Một nữ thư ký Ban Biên tập được cho tạm thời nắm Ban Văn nghệ của tờ Thanh Niên, theo nguồn tin này.
Nhà nước nên xem lại việc đình bản Tuổi Trẻ Online
Mạng xã hội nói về vụ Tuổi Trẻ Online
Báo Tuổi Trẻ trước ‘Đêm trước Đổi mới lần hai’
Đáng chú ý, trong số những người bị công bố thôi chức có các vị trí phó Ban Chính trị Xã hội, phó Ban Công tác Bạn đọc, trưởng và phó Ban Mạng Xã hội, và thư ký Tòa soạn tiếng Anh.
Các bộ phận khác như ban Văn nghệ, Thể thao, Phóng viên Báo Điện tử cũng bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, một số bộ phận không trực tiếp liên quan tới nghiệp vụ báo chí cũng có sự thay đổi, như Phòng Tài vụ và Phòng Quảng cáo.
Được biết ở nhiều tòa báo khác, những vị trí này thường được trao cho cán bộ là đảng viên cộng sản.
Hồi năm ngoái, Bộ Chính trị ra quy định về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Trong số các yêu cầu được nêu trong Quyết định 89 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký hôm 04/08/2017, thì những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý phải “trung thành với lợi ích của Đảng” và “chấp hành chủ trương, đường lối, quy định của Đảng” cũng như “các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng”.
Họ cũng được yêu cầu phải “đặt lợi ích của Đảng, quốc gia – dân tộc, nhân dân, tập thể lên trên lợi ích cá nhân”.
Bị phạt
Hồi tháng 7/2017, báo Thanh niên đã bị phạt tiền cùng hai tờ báo khác ở Việt Nam.
Tờ Thanh Niên, có trụ sở chính ở TPHCM bị xử phạt 15 triệu đồng vì đã thông tin sai sự thật trong bài “Doanh nghiệp tặng xe sang được tỉnh “xử nhẹ” sai phạm” đăng ngày 22/2 cùng năm.
Cuối năm 2016, Bộ trưởng TT&TT khi đó là ông Trương Minh Tuấn đã ký quyết định thu hồi Thẻ nhà báo đối với ông Đặng Ngọc Hoa, Phó tổng biên tập báo Thanh Niên vì “đã bị xử lý kỷ luật cảnh cáo”.
Cùng vụ việc, Tổng biên tập tờ Thanh Nhiên, ông Nguyễn Quang Thông cũng bị kỷ luật khiển trách.
Đồng thời, Bộ trưởng Tuấn cũng ra lệnh thu thẻ nhà báo của ông Võ Văn Khối sau khi ông Khối đã bị cách chức ủy viên Ban Biên tập, Tổng thư ký tòa soạn trang báo in Thanh Niên bản tiếng Việt.
Hồi cuối 2008, nhà báo Nguyễn Công Khế phải rời chức Tổng biên tập tờ Thanh Niên.
Sang tháng 1/2009, BBC News có bài về sự việc ông Nguyễn Công Khế, và ông Lê Hoàng, Tổng biên tập Tuổi Trẻ, “bị mất việc”.
Trang web tiếng Anh của đài BBC khi đó nói đây là hai tờ báo ủng hộ “cải cách, đi đầu chống tham nhũng” ở Việt Nam.
Nhưng phải tới tháng 9/2009, Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên CS Hồ Chí Minh mới bổ nhiệm ông Nguyễn Quang Thông, Phó tổng biên tập báo Thanh Niên lên giữ chức Tổng biên tập.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46320335
Đảng yêu cầu cán bộ kiểm soát vợ con sống xa hoa
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính mới đây lên tiếng yêu cầu các đảng viên cao cấp “phải có trách nhiệm nêu gương, kiểm soát không để vợ/chồng, con sống xa hoa, phô trương lãng phí, vi phạm pháp luật”.
Ông Phạm Minh Chính phát biểu điều này tại họi toàn quốc học tập, quá triệt Nghị quyết Trung ướng 8 diễn ra ở Hà Nội vào sáng ngày 23/11.
Ông Chính cho biết trong những năm gần đây, công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí của đảng đã đạt được kết quả ban đầu, nhiều vụ án kinh tế quan trọng phức tạp đã được đưa ra xét xử và xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý tình trạng tham nhũng lãng phí vẫn còn phức tạp, tập trung vào cán bộ có chức, có quyền. Cá biệt có trường hợp tham nhũng chính sách, có dấu hiệu “lợi ích nhóm”. Ông thừ nhận còn tình trạng lạm quyền, lộng quyền, sửdung quyền lực được giao vào mục đích cá nhân, dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.
Vì vậy, trưởng ban tổ chức Trung ương nhấn mạnh đến yêu cầu của Nghị quyết mới trong việc kiểm soát quan hệ đối với gia đình, người thân,chống lợi dụng doanh nghiệp hoặc để doanh nghiệp lợi dụng nhằm vụ lợi, lợi dụng chức vụ quyền hạn, uy tín, sử dụng vay mượn tiền tài sản cá nhân trái quy định. Không để vợ/ chồng, bố mẹ, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để vụ lợi.
Người đứng đầu Ban Tổ chức Trung ương đảng cho biết trong 2 năm trở lại đây, Uỷ ban kiểm tra các cấp và các cơ quan chức năng đã kỷ luật nhiều tổ chức đảng và hàng nghìn cán bộ, đảng viên đương chức và về hưu. Ông cho biết đã có 59 cán bộ diện trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có 13 uỷ viên, nguyên uỷ viên trung ương, đảng đã khai trừ 1 uỷ viên Bộ Chính trị.
Công cuộc chống tham nhũng của đảng cộng sản Việt Nam được Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động rầm rộ từ khoảng giữa năm 2016 sau khi ông đắc cử nhiệm kỳ Tổng Bí thư lần thứ hai. Ông Trọng là người đã nhiều lần nói đến việc nhốt quyền lực vào lồng cơ chế, ý nói quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ.
Bất chấp những kêu gọi chống tham nhũng của người đứng đầu đảng và nhà nước, Việt Nam hiện vẫn bị quốc tế xếp hạng là một trong những nước có tham nhũng tràn lan nhất thế giới. Minh bạch Quốc tế hồi đầu năm nay xếp hạng Việt Nam vào thứ 133/176 nước trong bảng Chỉ số nhận thức tham nhũng 2017.
Tướng Tô Lâm ký cam kết mới
chống buôn người với Anh Quốc
Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam và Bộ trưởng Nội vụ Anh đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác phòng, chống mua bán người ở London trong tuần này.
Trang web Chính phủ Anh đưa tin hôm 21/11 hai nước ký một biên bản ghi nhớ về buôn bán người nhằm tạo điều kiện để cộng tác sâu rộng hơn trong việc chia sẻ thông tin tình báo, hỗ trợ nạn nhân và công tác phòng chống nạn buôn người.
Dân Việt trả 30 nghìn bảng để vào lậu nước Anh
Người Việt và nạn ‘nô lệ hiện đại’ tại Anh
Chủ tiệm người Việt nói về ‘nô lệ hiện đại’
Bản tin mô tả đây là quan hệ đối tác mới nhằm giải quyết vấn nạn nô lệ hiện đại.
Chính phủ của đảng Bảo thủ Anh và đích thân Thủ tướng Theresa May từ mấy năm qua luôn coi chống buôn người và ‘nô lệ thời hiện đại’ là nghị trình quan trọng hành đầu trong đối ngoại của họ.
Chỉ tính riêng năm 2017, nhà chức trách Anh đã xác định 738 nạn nhân được cho là ‘nô lệ hiện đại đến từ Việt Nam’.
Phát biểu sau khi ký kết thỏa thuận với Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid được dẫn lời nói:
“Nạn nô lệ hiện đại là một tội ác ghê gớm hủy hoại cuộc đời của các nạn nhân.
“Chính phủ Anh cam kết làm mọi thứ có thể để bảo vệ người dân trước thực trạng bóc lột ở Anh và ở nước ngoài.
“Hợp tác với các quốc gia khác, chẳng hạn như Việt Nam, nơi nhiều nạn nhân bị buôn bán, là hết sức quan trọng trong việc ngăn chặn nạn nô lệ hiện đại đang diễn ra và có thể quyết tâm truy bắt thủ phạm,” Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid nói.
“Sự hợp tác chặt chẽ này sẽ là một vũ khí mạnh mẽ trong cuộc chiến chống nạn nô lệ hiện đại.”
Được biết Chính phủ Anh đã cam kết cấp vốn tổng cộng 200 triệu bảng để giải quyết nạn nô lệ hiện đại trên toàn cầu.
Cam kết chống buôn người và nô lệ thời hiện đại
Cam kết này bao gồm quỹ chống nạn nô lệ hiện đại trị giá 33,5 triệu bảng của Bộ Nội vụ với trọng tâm là các quốc gia như Việt Nam và Nigeria, nơi có nhiều nạn nhân bị buôn bán vào Vương quốc Anh.
Báo Công an Nhân dân hôm 21/11 đưa tin trong thời gian tới, hai nước nhất trí hàng năm duy trì, triển khai hoạt động trao đổi đoàn các cấp nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm công tác, thông tin nghiệp vụ trên các lĩnh vực về phòng, chống mua bán người.
“Các hoạt động này bao gồm trao đổi thông tin, điều tra các vụ án, đường dây, băng nhóm tội phạm, truy bắt, bàn giao đối tượng và giải cứu, bảo vệ, hồi hương nạn nhân bị mua bán; tăng cường hợp tác trong đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm tài chính, ngân hàng, rửa tiền và phòng, chống di cư bất hợp pháp.
“Hai bên xúc tiến xây dựng, đàm phán và sớm hoàn thành các thủ tục để ký Hiệp định dẫn độ tội phạm và các văn bản hợp tác khác, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động hợp tác song phương giữa hai Bộ”.
Bộ Tư pháp Việt Nam cho biết trong những năm gần đây tội mua bán người diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng về số vụ, tính chất nghiêm trọng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Mắc nợ và bị cưỡng bức lao động
Bên cạnh nhiều bức tranh người Việt du học, làm ăn thành công tại Anh cũng có nhiều trường hợp người ở Việt Nam bị mắc nợ hoặc bị băng đảng kiểm soát được đưa vào Anh để trồng cần sa.
Trong một ví dụ mà BBC Southeast kết hợp với BBC Tiếng Việt tại Anh điều tra hồi tháng 12/2017, một nạn nhân, ông Trần Văn Nam (không phải tên thật) từ Quảng Bình bị mắc nợ xã hội đen và phải đi bán sức lao động.
Sau khi sang một nước Đông Nam Á, ông đã được chuyển vào Anh bất hợp pháp, và làm việc gần một năm trong một cơ sở đóng gói hàng hóa.
Sang năm 2016, ông bị “bán” cho một băng đảng trồng cần sa, và bị bắt, ra tòa ở Southampton, Anh Quốc.
Sau khi ngồi tù được sáu tháng, ông Nam được xác nhận là nạn nhân của tệ buôn người, và được giao cho Salvation Army và hội từ thiện Hestia chăm sóc để chờ cứu xét tỵ nạn nhân đạo.
Mới trong tháng 11 năm nay, tin cảnh sát Anh đưa ra là họ tìm ra 21 người gồm 15 trẻ em ‘đến từ Việt Nam’ trong một xe chở nước đóng chai từ Pháp sang Vương quốc Anh.
Người Việt bị bắt tại trại trồng cần sa khổng lồ ở Anh
Nhóm này, được cho là từ Việt Nam, được giấu trong một xe tải tại cảng Newhaven ở Sussex hôm thứ Năm tuần trước.
Thông tin chi tiết của Cục Biên phòng Anh Quốc chỉ mới được công bố, nhưng một cuộc điều tra tội phạm ngay lập tức được tiến hành.