Tin khắp nơi – 23/11/2018
Donald Trump gia tăng áp lực lên đoàn di dân
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 22/11/2018 đe dọa đóng cửa biên giới với Mêhicô, trong lúc hàng ngàn di dân tiếp tục tràn đến thành phố Tijuana, gần tiểu bang California. Ông còn nêu ra khả năng ngưng trao đổi thương mại với Mêhicô, nếu tình hình diễn biến xấu đi.
Trước đó, ông Trump chỉ thị cho quân đội sử dụng vũ lực đối với di dân, nhưng bộ trưởng Quốc Phòng khẳng định lực lượng điều đến không được vũ trang.
Từ San Francisco, thông tín viên RFI Eric de Salves cho biết thêm chi tiết :
Hiện nay, 5.700 quân nhân Mỹ được điều đến biên giới Mêhicô theo lệnh của ông Donald Trump chỉ lắp đặt các hàng rào kẽm gai, những khối bê-tông, và tuần tra bằng trực thăng.
Nhưng trong một văn bản gởi cho Lầu Năm Góc hôm 20/11/2018, tổng thống Mỹ yêu cầu phải mạnh tay hơn trong trường hợp xảy ra bạo động với di dân. Trong chỉ thị, Nhà Trắng cho phép quân đội bảo vệ cảnh sát biên phòng qua việc phô trương hoặc sử dụng vũ lực, kể cả vũ khí sát thương nếu cần.
Ngay hôm sau, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã làm nhẹ bớt đề nghị của tổng thống. Ông James Mattis khẳng định, nếu quân đội được yêu cầu tăng viện, thì không quân nhân nào mang súng và rất có thể đó là quân cảnh được trang bị khiên và dùi cui, chứ không phải súng ống.
Khi ra lệnh triển khai quân đội, một quyết định bị chỉ trích nhiều trong chiến dịch vận động bầu cử giữa kỳ, Donald Trump đã hàm ý là những người lính được phép bắn vào di dân – nếu họ ném đá, có thể coi như là súng, ông Trump nói.
Hôm 22/11/2018, khi hàng trăm người trong đoàn di dân từ Trung Mỹ biểu tình ở Tijuana gần một đồn biên giới để xin tị nạn tại Hoa Kỳ, ông Donald Trump lần này không nói đến việc sử dụng vũ lực, nhưng đe dọa sẽ đóng cửa toàn bộ đường biên giới với Mêhicô.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181123-donald-trump-gia-tang-ap-luc-len-doan-di-dan
TT Trump dọa đóng cửa chính phủ
nếu không có tiền xây tường biên giới
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 22/11 cảnh báo rằng chính phủ sẽ bị đóng cửa vào tháng tới do bất đồng về vấn đề an ninh tại biên giới với Mexico.
Điều này cho thấy ông sẽ trì hoãn các cuộc thương thảo nếu Quốc hội không cấp thêm tiền xây bức tường biên giới giữa hai nước.
“Liệu chính phủ có đóng cửa hay không? Chắc chắn là có thể và đó là do an ninh biên giới mà bức tường là một phần,” Tổng thống Trump phát biểu trước các phóng viên tại Palm Beach, Florida.
Ông cũng nói rằng ông đã cho quân đội quyền được sử dụng vũ lực sát thương tại biên giới với Mexico nếu cần thiết.
“Nếu họ phải dùng thì họ sẽ dùng vũ lực sát thương. Tôi đã bật đèn xanh cho họ nhưng tôi mong rằng họ sẽ không phải dùng vũ lực,” ông nói thêm.
Ông Trump cũng dọa rằng Hoa Kỳ sẽ đóng cửa toàn bộ biên giới với Mexico trong một khoảng thời gian ‘nếu chúng tôi nhận thấy rằng tình hình lên đến mức chúng tôi mất kiểm soát hay người dân của chúng tôi bắt đầu bị tổn thương.”
Trong thời gian gần đến cuộc bầu cử giữa kỳ hồi đầu tháng, ông Trump đã lên án việc một đoàn xe chở di dân từ các nước Trung Mỹ trên đường đến Mỹ là ‘cuộc xâm lăng’ đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ, và ông đã triển khai hàng ngàn binh sỹ đến biên giới để đảm bảo an ninh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis hôm 21/11 cho biết ông đã được trao quyền hành để cho binh sỹ ở biên giới với Mexico quyền hành động lớn hơn để bảo vệ các viên chức làm việc biên giới và ông chờ đợi hướng dẫn của Bộ An ninh Nội địa.
Ông Mattis nói rằng các binh sỹ có thể giúp bảo vệ các viên chức ở biên giới với khiên chắn và dùi cui nhưng sẽ không được trang bị vũ khí.
Với việc giành lại Hạ viện từ tay Đảng Cộng hòa, Đảng Dân chủ nói rằng họ thậm chí còn ít có động lực hơn trước trong việc đáp ứng yêu sách của Trump về bức tường.
Trước đây ông Trump đã từng ra tối hậu thư cho Quốc hội đòi cấp tiền cho bức tường nhưng không ăn thua, ngay cả khi Đảng Cộng hòa của ông nắm thế đa số ở cả Thượng viện và Hạ viện.
Nếu cả hai đảng không thể đạt được thỏa thuận ngân sách thì chính phủ Mỹ sẽ bị đóng cửa một phần với những ‘dịch vụ thiết yếu’, bao gồm một số nhân viên của Bộ An ninh Nội địa, vẫn thi hành nhiệm vụ.
Trump: CIA không quy trách nhiệm
cho Thái tử Saudi vụ giết Khashoggi
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói CIA không kết luận rằng Thái tử Mohammed bin Salman của Ả-rập Saudi đã ra lệnh giết chết phóng viên Jamal Khashoggi.
Ông Khashoggi, người Ả Rập Saudi nhưng làm phóng viên tại Hoa Kỳ và thường chỉ trích giới chức tại Vương quốc Hồi giáo vùng Vịnh, bị giết hôm 2/10 tại Tòa Lãnh sự Saudi tại Istanbul.
Vụ Khashoggi: Trump nói gì về đánh giá của CIA?
Vụ Khashoggi: Ả Rập Saudi ‘phái người hủy bằng chứng’
CIA: Thái tử Saudi ‘liên quan’ vụ giết Khashoggi
Các quan chức Mỹ được cho là đã nói một chiến dịch như vậy hẳn cần có sự chuẩn thuận của thái tử. Nhưng Ả-rập Saudi luôn tuyên bố đó là một “chiến dịch xấu” (rogue operation).
“Họ không kết luận,” ông Trump nói khi các phóng viên tại Florida hỏi về báo cáo của CIA.
Lời bình luận của ông hôm thứ Năm được đưa ra trong lúc Thái tử của Saudi có chuyến đi Trung Đông, đầu tiên là tới Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), là chuyến công du ra nước ngoài đầu tiên của ông kể từ sau khi ông Khashoggi bị giết.
Thái tử của Abu Dhabi, Mohammed bin Zayed, đăng trên Twitter rằng UAE “sẽ luôn là nơi yêu thương và ủng hộ những người anh em của chúng tôi tại Ả-rập Saudi.”
Thái tử Saudi cũng được trông đợi là sẽ tham dự cuộc họp G20 của các lãnh đạo thế giới tại Buenos Aires vào cuối tháng này, là sự kiện mà các lãnh đạo của Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước châu Âu cũng có mặt.
Trong lúc đó, Pháp tuyên bố sẽ áp các lệnh trừng phạt lên 18 công dân của Saudi, là những người đã bị các nước Mỹ, Anh và Đức trừng phạt, do bị cho là có liên hệ tới vụ sát hại ông Khashoggi.
Trong danh sách này không có thái tử, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp nói.
Trump nói gì về bản phúc trình của CIA?
“Họ có những cảm nhận theo một số cách nhất định. Tôi có bản phúc trình, họ không kết luận, tôi không biết là sẽ có ai kết luận rằng thái tử làm việc đó không,” ông Trump nói với các phóng viên tại Florida.
“Nhưng dù ông ấy có làm hay không, thì ông ấy cũng đã quyết liệt bác bỏ. Cha của ông ấy, quốc vương Saudi, quyết liệt bác bỏ,” ông nói thêm.
Hồi đầu tuần, ông Trump ra một tuyên bố gợi ý rằng thái tử biết “có thể rất rõ ràng” về vụ việc.
Tuyên bố của ông viết: “Có thể rất rõ ràng là thái tử biết về sự kiện bi thảm này – có thể ông ấy làm, có thể ông ấy không làm!”
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ‘tiết lộ hết’ về cái chết của Khashoggi
TT Trump: vụ giết Khashoggi là ‘che đậy tồi tệ nhất’
Vụ Khashoggi: Mỹ gặp thái tử Saudi dù chỉ trích
Tổng thống lặp đi lặp lại trong việc nhấn mạnh tầm quan trọng của Ả-rập Saudi đối với Hoa Kỳ sau vụ giết hại, và gọi vương quốc này là một “đối tác trước sau như một” đã đồng ý đầu tư vào “một số tiền kỷ lục” tại Mỹ.
Hôm 17/11, Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders nói với các phóng viên rằng ông Trump tin tưởng CIA sau khi có các cuộc nói chuyện với Giám đốc Gina Haspel và Ngoại trưởng Mike Pompeo về vụ giết hại Khashoggi.
Các nguồn được trích dẫn trên truyền thông Mỹ khi đó nhấn mạnh rằng không có bất kỳ một manh mối nào cho thấy có sự liên hệ trực tiếp của thái tử tới vụ sát hại phóng viên, nhưng các quan chức tin rằng vụ đó cần phải được thái tử đồng ý mới có thể xảy ra.
Trong một diễn biến riêng rẽ, báo Hurriyet hôm thứ Năm tường thuật rằng bà Haspel nói với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng trước rằng CIA đã có nội dung ghi âm một cuộc trao đổi ,trong đó thái tử đã ra chỉ thị muốn khiến nhà báo người Saudi phải “im lặng” càng sớm càng tốt.
Khi được hỏi về các nội dung trên, ông Trump đáp: “Tôi không muốn nói về chuyện đó. Quý vị phải đi hỏi họ.”
Jamal Khashoggi là ai?
Là một nhà báo nổi tiếng, ông từng chuyên theo dõi, đưa tin về các vấn đề lớn, trong đó có cuộc xâm chiếm Afghanistan của Liên Xô, và sự trỗi dậy của Osama bin Laden, cho một số hãng tin của Ả-rập Saudi.
Trong hàng thập niên, ông là người thân cận, gần gũi với gia đình hoàng gia Saudi, và từng giữ vị trí cố vấn chính phủ.
Nhưng ông bị thất sủng và tự lưu đày mình sang Mỹ hồi năm ngoái.
Tại Mỹ, ông đã viết bài cho chuyên mục hàng tháng của tờ Washington Post trong đó ông chỉ trích các chính sách của Thái tử Mohammed bin Salman.
Trong bài viết đầu tiên của mình cho báo này, Khashoggi nói ông sợ bị bắt trong đợt trấn áp bất đồng chính kiến của thái tử.
Trong bài cuối cùng, ông chỉ trích việc Saudi can dự vào cuộc xung đột Yemen.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46289935
Biển Đông và Đài Loan: Hai vấn đề
Mỹ không bao giờ nhượng bộ TQ
Một quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ cho hay, Washington muốn duy trì mối quan hệ ngoại giao hòa hợp ở mức cao với Bắc Kinh, nhưng Biển Đông và Đài Loan là hai vấn đề Mỹ sẽ không bao giờ nhượng bộ Trung Quốc.
Bình luận trên được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và phó Tổng thống Mỹ Mike Pence lời qua tiếng lại vì cuộc chiến thương mại giữa hai nước ngay trong hội nghị cấp cao APEC diễn ra ở Papua New Guinea. Căng thẳng Mỹ – Trung cũng là nguyên nhân khiến lần đầu tiên, APEC không thể đưa ra được tuyên bố chung sau hội nghị.
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin hôm 19/11, tại Hong Kong, ông Patrick Murphy từ Cục Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay trong bối cảnh bùng nổ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, Washington vẫn muốn duy trì mối quan hệ ngoại giao hòa hợp ở mức cao cả trong các cuộc đối thoại song phương và đa phương với Bắc Kinh.
Ông Murphy là một trong những quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ tháp tùng Phó Tổng thống Pence tới châu Á hồi tuần trước. Theo ông Murphy, Biển Đông và Đài Loan là hai vấn đề mang tính thách thức lớn nhất trong mối quan hệ Mỹ – Trung. Tuy nhiên, Bắc Kinh chính là bên chịu trách nhiệm cho việc làm phức tạp hóa và bất đồng sâu sắc với Washington liên quan tới vấn đề Biển Đông và Đài Loan.
“Mối quan ngại của Mỹ về vấn đề Biển Đông và Đài Loan chính là việc Trung Quốc đang làm thay đổi hiện trạng hàng thập niên qua ở Biển Đông và Đài Loan. Hành động của Trung Quốc đã làm gia tăng thêm căng thẳng và phức tạp thêm quan hệ với Mỹ. Làm sao chúng tôi có thể đối thoại với Trung Quốc khi Bắc Kinh lại đang xây dựng, cải tạo và quân sự hóa trái phép. Hành động của Trung Quốc đã phá vỡ lòng tin của Mỹ”, ông Murphy nói.
Tuyên bố của ông Murphy liên quan tới việc Trung Quốc trái phép cải tạo và xây dựng 7 hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông đồng thời huy động binh sĩ cùng vũ khí tới những khu vực này.
“Quan điểm của Mỹ vẫn duy trì suốt nhiều thập niên qua và cùng lên tiếng với cộng đồng quốc tế khuyến cáo Trung Quốc không nên thay đổi hiện trạng bởi hành động thay đổi hiện trạng sẽ làm gia tăng thêm căng thẳng và nghi ngờ”, ông Murphy nói thêm.
Trong thời gian qua, các vụ đối đầu quân sự giữa tàu chiến Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông có dấu hiệu gia tăng. Dù Mỹ khẳng định việc hải quân nước này điều động tàu chiến tới Biển Đông là nhằm mục đích đảm bảo tự do hàng hải ở vùng biển chiến lược, Trung Quốc vẫn cáo buộc việc làm của Mỹ là vi phạm chủ quyền mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố ở Biển Đông.
Ngoài ra, quân đội Trung Quốc còn tăng cường sự hiện diện ở eo biển Đài Loan. Trong khi, Bắc Kinh chỉ xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và sẵn sàng dùng vũ lực để sáp nhập vào đại lục nếu cần thiết, thì kể từ khi lên nắm quyền vào năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại đưa ra những quyết sách mang tính tăng cường quan hệ với Đài Loan.
Cụ thể, hồi tháng Ba, ông Trump đã ký Đạo luật Đi lại với Đài Loan nhằm mở đường cho các quan chức cấp cao Mỹ tới thăm Đài Bắc. Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ và khẳng định Washington vi phạm “chính sách một Trung Quốc” đồng thời cáo buộc quyết định của Trump làm ảnh hưởng xấu tới quan hệ Mỹ – Trung.
Cũng trong năm ngoái, ông Trump còn cho công bố chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương. Theo một số chuyên gia, động thái của Mỹ nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Song theo ông Murphy, chiến lược này không hề nhắm tới “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình hay nhằm kiềm chế Trung Quốc.
“Đây không phải là chính sách về Trung Quốc càng không phải là chính sách nhằm kiềm chế Trung Quốc. Chính sách của Mỹ là tạo cơ hội cho tất cả các quốc gia có được cơ sở hạ tầng cần thiết”, ông Murphy chia sẻ.
Liên quan tới “Bộ Tứ kim cương” gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản, ông Murphy cho hay liên minh này “không tập trung vào các vấn đề quân sự” mà là một nền tảng đa cấp độ chia sẻ những mối quan tâm chung và lợi ích giữa 4 quốc gia.
Mỹ cố thúc giục
các đồng minh tẩy chay Hoa Vi
Chính phủ Mỹ đang kêu gọi các đồng minh chủ chốt trên thế giới chấm dứt sử dụng các thiết bị viễn thông của tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi (Huawei). Wall Street Journal hôm qua 22/11/2018 cho biết như trên.
Tờ báo Mỹ dẫn các nguồn thạo tin nói rằng chính quyền Donald Trump đã thông tin cho các nước bạn như Đức, Ý, Nhật ; cũng như các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại và internet, về các mối quan ngại liên quan đến an ninh quốc gia khi sử dụng thiết bị của Hoa Vi. Một số quan chức nói rằng Hoa Kỳ đang cân nhắc tài trợ cho các nước tẩy chay Hoa Vi.
Báo Mỹ The Hill không liên lạc được với Nhà Trắng lẫn Hoa Vi để có lời bình luận.
Lời kêu gọi này được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang chuẩn bị cho kỷ nguyên mới của công nghệ không dây 5G. Với việc ngày càng nhiều người lệ thuộc vào internet, các viên chức Mỹ gióng lên tiếng chuông báo động về khả năng Trung Quốc lợi dụng để dọ thám.
Vào đầu năm nay, tình báo Hoa Kỳ đã cảnh báo người dân Mỹ không nên mua điện thoại do Hoa Vi (nhà sản xuất điện thoại thông minh thứ nhì thế giới) và ZTE (Trung Hưng, một tập đoàn viễn thông Trung Quốc khác) sản xuất. Nhiều dân biểu, nghị sĩ Mỹ nghi ngờ hai tập đoàn này có liên hệ chặt chẽ với Nhà nước Trung Quốc. Theo Wall Street Journal, chủ yếu chính quyền Trump lo ngại việc sử dụng công nghệ của Huawei tại những nước có sự hiện diện quân sự quan trọng của Mỹ.
Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington đã tăng lên với cuộc chiến tranh thương mại, cũng như quan ngại về việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181123-my-co-thuc-giuc-cac-dong-minh-tay-chay-huawei
Thống đốc California ký quyết định ân xá
trong đó có 3 người Việt Nam
Hôm qua (21 tháng 11), Thống đốc tiểu bang California, Edmund Brown đã ký quyết định ân xá 38 người đang bị giam giữ chờ trục xuất, đồng thời giảm án tù 70 phạm nhân khác. Trong danh sách trên có 3 người gốc Việt tên Nguyễn Thanh Tùng, Lý Quang Trương và Nguyễn Trọng Hải. Ba ông này bị bắt trong một chiến dịch truy quét di dân sinh sống bất hợp pháp tại Hoa Kỳ kể cả thường trú nhân phạm tội và bị kết án tù thời gian qua của Cảnh sát Di trú và Thuế quan Hoa Kỳ (ICE).
Thống kê của ICE cho hay có đến 71 người gốc Việt bị bắt trong chiến dịch càn quét di dân phạm pháp và cư trú bất hợp pháp từ tháng 2 năm ngoái. Một năm trước đó cũng đã có 35 người Việt Nam bị bắt. Chiến dịch lùng bắt di dân bất hợp pháp và phạm tội hình sự tại Hoa Kỳ được tăng cường kể từ khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ và áp dụng chính sách cứng rắn bài di dân. Các phạm nhân đã hoàn thành bản án từ nhiều năm trước cũng bị bắt để trục xuất.
Theo Tinia Phạm, luật sư trợ giúp pháp lý cho khoảng 40 di dân gốc Việt bị giam từ tháng 10 năm ngoái để chờ trục xuất, thì 3 ông Nguyễn Thanh Tùng, Lý Quang Trương và Nguyễn Trọng Hải được yêu cầu nộp bản kiến nghị xin cấp lại thẻ xanh. Thời gian để hoàn tất thủ tục này có thể kéo dài đến 1 năm.
Theo thống kê của Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, hiện có khoảng 1.3 triệu người Việt Nam sinh sống tại Hoa Kỳ, trong số này có tới 10,000 người đã nhận được lệnh trục xuất, bao gồm nhiều trường hợp bị thu hồi thẻ xanh vì phạm tội hình sự.
Linh Phụng
https://www.sbtn.tv/thong-doc-california-ky-quyet-dinh-an-xa-trong-do-co-3-nguoi-viet-nam/
Hỏa hoạn ở Mỹ: Mẹ ném con,
cư dân nhảy xuống đất
Một số người dân tại khu chung cư ở thành phố Dallas, tiểu bang Texas, đã phải nhảy từ tầng ba xuống đệm đặt ở dưới đất, và một bà mẹ phải ném con xuống cho người phía dưới, khi đối mặt với hỏa hoạn.
AP trích lời phát ngôn viên Jason Evans của lực lượng cứu hỏa Dallas nói rằng với sự trợ giúp của cảnh sát, nhiều người đã đi gõ cửa từng nhà để báo cho các hộ dân về vụ hỏa hoạn xảy ra sáng 21/11.
Chính quyền cho biết rằng ba người, trong đó có một lính cứu hỏa, đã bị thương nhẹ.
Kênh truyền hình KDFW-TV đưa tin rằng một người phụ nữ đã buộc phải ném người con sơ sinh xuống cho một người chìa tay đón bên dưới.
Những người khác thì nhảy từ cửa sổ tầng ba xuống các tấm nệm mà cư dân mang ra, trước khi lực lượng cứu hỏa tới.
Tờ Dallas Morning News đưa tin rằng ít nhất 5 người dân của khu chung cư đã nhảy từ tầng ba.
Theo AP, các nhà điều tra đang tìm cách xác minh nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn làm hơn hai chục căn hộ bị thiêu rụi.
Hàng trăm bác sĩ Cuba bắt đầu rời Brazil
Hai chuyến bay chở hàng trăm bác sĩ Cuba đã rời sân bay Brasilia ngày 22/11/2018 để về nước sau khi La Habana quyết định ngừng chương trình cử bác sĩ sang làm việc tại Brazil, nhằm phản đối chỉ trích của tổng thống tân cử Jair Bolsonaro.
Theo AFP, nhóm bác sĩ hồi hương đầu tiên gồm 430 người làm việc cho chương trình « Nhiều bác sĩ hơn nữa ». Tổng cộng khoảng 8.300 bác sĩ Cuba sẽ về nước trước ngày 12/12. Cuba tham gia chương trình « Nhiều bác sĩ hơn nữa » ngay từ khi hoạt động này được hình thành vào năm 2013 thông qua Tổ Chức Y Tế Liên Mỹ (OPS).
La Habana quyết định ngừng tham gia chương trình này vì tổng thống tân cử Brazil Jair Bolsonaro thông báo muốn trực tiếp tuyển mộ những bác sĩ Cuba nào muốn ở lại Brazil và trả trực tiếp toàn bộ lương cho họ, thay vì phải tài trợ cho « chế độ độc tài Cuba ».
Cuba chỉ trả cho các bác sĩ làm việc ở Brazil khoảng 30% số tiền mà chính quyền Brasilia thanh toán cho La Habana, phần còn lại được đưa vào ngân sách quốc gia.
Đội ngũ bác sĩ và nhân viên cứu thương Cuba hiện làm việc ở 67 nước. Đây được gọi là « ngành ngoại giao áo blu trắng » kéo dài từ vài thập kỷ nay. Hoạt động này là nguồn thu nhập chính của đảo quốc với khoảng 11 tỉ đô la hàng năm, cao hơn cả doanh thu từ du lịch và kiều hối.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181123-hang-tram-bac-si-cuba-roi-brazil
Ngân sách Ý :
Roma dịu giọng với Liên Hiệp Châu Âu
Hai ngày sau cuộc gặp với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker ở Bruxelles, ngày 22/12/2018, thủ tướng Ý Giuseppe Conte tiếp tục bảo vệ những điểm chính trong dự thảo ngân sách 2019 trước Nghị Viện Châu Âu. Roma mong muốn tiếp tục đối thoại với Liên Hiệp Châu Âu và nhượng bộ trên một số điểm.
Thông tín viên RFI tại Roma Anne Le Nir tường trình :
« Đối với thủ tướng Ý Giuseppe Conte, Bruxelles nên hiểu rằng Roma cần ngân sách lớn vì các chính sách thắt lưng buộc bụng đã không đạt hiệu quả.
Nhưng để bù đắp các biện pháp tốn kém, như bảo đảm thu nhập tối thiểu cho các công dân Ý, thủ tướng Conte hứa thúc đẩy đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh và cắt giảm một số khoản chi tiêu. Thủ tướng Giuseppe Conte cũng khẳng định có cùng mục tiêu chung với châu Âu là giảm khối nợ của Ý.
Về phần mình, ông Luigi Di Maio, phó thủ tướng và là người đứng đầu Phong trào Năm sao, tuyên bố ủng hộ đối thoại với Bruxelles. Nhưng ông từ chối sửa đổi ngân sách trước bầu cử châu Âu.
Còn ông Matteo Salvini, lãnh đạo đảng Liên Đoàn, vốn rất bực bội vì phát biểu của Ủy viên châu Âu Pierre Moscovici, theo đó, một thỏa thuận với Ý không thể là kết quả của một cuộc mặc cả cò kè bớt một thêm hai. Ông Matteo Salvini nhấn mạnh rằng Bruxelles phải tôn trọng người dân Ý, và cũng như Luigi Di Maio, ông không đồng ý sửa đổi dự thảo ngân sách ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181123-ngan-sach-y-roma-diu-giong-voi-lien-hiep-chau-au
EU-Anh đạt được tuyên bố chính trị về Brexit
Anh quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý một bản thảo đề ra mối quan hệ gần gũi giữa hai bên sau khi Anh rời khỏi EU (Brexit), các quan chức cho biết, mặc dù những tranh cãi về quyền đánh cá và tương lai của Gibraltar cần phải được giải quyết trước khi các nhà lãnh đạo khối họp lại vào ngày 25/11.
Tin tức này đã khiến đồng bảng Anh tăng lên 1% khi các nhà đầu tư cảm thấy thở phào vì 18 tháng đàm phán căng thẳng cũng đã có kết quả, giúp cho Anh vẫn gần gũi với thị trường lớn nhất của họ và đảm bảo không có thay đổi gì lớn trong ít nhất là hai năm.
Thủ tướng Anh Theresa May nói với các phóng viên ở London: “Người dân Anh muốn việc này được giải quyết, họ muốn một thỏa thuận tốt giúp đưa chúng ta đến tương lai tươi sáng hơn. Thỏa thuận đó giờ đây nằm trong tầm tay chúng ta và tôi quyết tâm đem đến thỏa thuận này.”
Giới chức EU cho biết có sự đồng thuận chắc chắn rằng những điểm vụn vặt còn lại không thể nào làm trì hoãn thỏa thuận cuối cùng tại kỳ họp sắp tới khi 27 nước sẽ xem xét văn bản mới này. Câu hỏi chính giờ đây là liệu có thể thuyết phục được Tây Ban Nha, vốn xem Brexit là cơ hội để tranh thủ sức nặng của EU cho chiến dịch kéo dài 300 năm qua của họ để giành lại Gibraltar từ Anh, giữ kiên nhẫn hay không.
Sau khi bản thảo thỏa thuận được loan báo hồi tuần trước đặt ra những điều khoản cho sự ra đi của Anh vào tháng Ba năm sau, bà May đã gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker hôm 21/11 với hy vọng chốt lại một tuyên bố đầy tham vọng về quan hệ giữa hai bên trong tương lai vốn sẽ giúp bà giành được sự ủng hộ ở trong nước cho gói Brexit của bà trong bối cảnh gặp nhiều chống đối trong Quốc hội, thậm chí ngay trong Đảng Bảo thủ của bà.
Với Tây Ban Nha, Pháp và những nước EU khác đang vận động cho những lợi ích riêng của họ trong tuyên bố chính trị đó – một danh sách những điều mong muốn dài 26 trang về mối quan hệ thương mại và an ninh tương lai và riêng biệt với thỏa thuận tách ly dài 585 trang, Brussels đang quan ngại rằng việc mặc cả có thể vượt ra khỏi vòng kiểm soát và làm chệch hướng hội nghị thượng đỉnh được tính toán chặt chẽ giữa bà May và 27 nhà lãnh đạo EU.
Các nguồn tin EU nói với Reuters rằng các yêu cầu khác của các nước sẽ được nêu trong một hay hai trang riêng rẽ. Pháp kêu gọi được quyền vào vùng đánh bắt hải sản của Anh và nhấn mạnh rằng nước Anh sau khi rời EU vẫn tuân theo các quy định về môi trường, thuế, lao động và công nghiệp của khối. Hai yêu cầu này của Pháp đã được đưa toàn bộ vào văn bản để lại cho Tây Ban Nha một lỗ hổng với yêu cầu của Madrid là họ được quyền phủ quyết đối với việc thực thi bất cứ thỏa thuận nào trong tương lai về Gibraltar.
Nội dung của tuyên bố chính trị này mà Reuters được xem qua nói rằng EU và Anh ‘đồng ý phát triển mối quan hệ đối tác kinh tế tham vọng, cân bằng và rộng lớn’.
Điều quan trọng đối với bà May là tuyên bố này đưa ra cam kết của EU là tránh kích hoạt một điều khoản ‘đường biên giới mềm’ – điều khoản nhằm để đảm bảo biên giới giữa Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland vốn là thành viên EU vẫn tiếp tục không có kiểm soát hải quan.
Văn kiện này nói rằng mối quan hệ song phương hậu Brexit sẽ ‘tôn trọng sự toàn vẹn của Thị trường Chung của Liên minh và Liên minh Hải quan cũng như thị trường nội địa của Anh, và công nhận quyền của nước Anh được xây dựng chính sách thương mại độc lập ngoài phạm vi của quan hệ đối tác kinh tế này.
Các đồng minh của bà May trong Quốc hội, một đảng nhỏ của Bắc Ireland vốn giúp Chính phủ của bà đứng vững, than phiền rằng kế hoạch của EU về đường biên giới mềm giữa Bắc Ireland và Ireland sẽ khiến Bắc Ireland bị cô lập với phần còn lại của nước Anh. Trong khi đó, EU lo ngạ rằng nước Anh sẽ dùng vấn đề Ireland để có thể tiếp cận được thị trường EU mà vẫn bỏ qua những quy định của khối.
Hiệp định INF chấm dứt :
Nguy cơ chiến tranh hạt nhân
Ngày 20/10/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ hủy bỏ INF (Intermediate Nuclear Forces Treaty), hiệp định cấm sử dụng tên lửa tầm trung trang bị đầu đạn hạt nhân mà tổng thống Mỹ Ronald Reagan và chủ tịch Liên Xô Mikhail Gorbatchev đã ký vào năm 1987. Hôm thứ Hai 19/11, tổng thống Nga Vladimir Putin tái khẳng định Nga sẽ « đáp trả » khi Mỹ hủy bỏ hiệp định INF. Nếu Matxcơva cảnh báo về những hậu quả của việc Mỹ rút khỏi INF, thì Hoa Kỳ dường như đang « chờ thời » để hành động, còn Liên Hiệp Châu Âu lại có vẻ vắng bóng.
Nhấn mạnh là Matxcơva vẫn sẵn sàng thảo luận với Washington về hiệp định cấm sử dụng tên lửa tầm trung trang bị đầu đạn hạt nhân, tổng thống Nga Putin cũng kêu gọi Mỹ hành động có trách nhiệm. Đặc biệt, chủ nhân điện Kremlin không ngần ngại cảnh báo tổng thống Mỹ Donald Trump. Nếu Mỹ chính thức rút khỏi INF – điều mà ông Trump vẫn chưa làm cho dù đã thông báo ý định cách nay 1 tháng – thì Nga sẽ có hành động đáp trả.
Việc chấm dứt hiệp định song phương sẽ lại tạo ra một mối đe dọa lớn khác cho châu Âu, nhất là vì các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu không có cùng mục tiêu về quốc phòng. Pháp không ngần ngại thách thức Mỹ khi khẳng định muốn có một quân đội của châu Âu. Trong khi đó, nhiều nước Đông Âu, chẳng hạn Ba Lan, Rumani, lại muốn lắp đặt các tên lửa của Hoa Kỳ để đối phó với Nga.
Nếu Hiệp định INF chỉ liên quan đến Mỹ và Nga, thì Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu vẫn nằm trong tâm điểm những vấn đề đặt ra giữa Matxcơva và Washington. Trung Quốc là một cường quốc về hạt nhân còn Liên Hiệp Châu Âu dường như đang có phản ứng mềm mỏng.
Trên đây là những nhận định trong bài viết đăng trên trang Sputnik France ngày 20/11/2018. RFI lược dịch bài phân tích của ông Jean-Marie Collin về mối nguy mới về vũ khí hạt nhân. Jean-Marie Collin là phát ngôn viên chi nhánh Pháp của tổ chức Chiến Dịch Quốc Tế Giải Trừ Vũ Khí Hạt Nhân (ICAN) và là tác giả cuốn sách « Ảo tưởng hạt nhân : Mặt ẩn giấu của bom nguyên tử » – NXB Charles Loepold Mayer.
Tổng thống Nga Vladimir Putin có ngụ ý gì khi nói tới việc « đáp trả » ?
Đáp trả có thể chủ yếu là triển khai, chế tạo các tên lửa mà cho tới nay vẫn hoàn toàn bị cấm. Hoa Kỳ cho rằng thực ra Nga đã thực hiện điều này một cách không chính thức. Vì thế, đáp trả có thể là sản xuất hàng loạt vũ khí nói trên, thậm chí cũng có thể là triển khai các tên lửa này – loại tên lửa có tầm phóng đến châu Âu để gây sức ép thực sự lên các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, qua đó gây áp lực đối với NATO và Mỹ.
Đối với ngoại trưởng Nga Sergeil Lavrov, Hoa Kỳ đã quyết định rút khỏi Hiệp định cấm sử dụng tên lửa tầm trung trang bị đầu đạn hạt nhân ? Ông có nghĩ như vậy không ?
Từ khi Donald Trump thông báo hôm 20/10 về việc rút khỏi hiệp định, Washington vẫn chưa đưa ra thông báo là cuối cùng quyết định nói trên sẽ không được thực hiện nữa. Trái lại, Hoa Kỳ cũng vẫn chưa gửi thư thông báo chính thức, tức là chưa tiến hành thủ tục chính thức để thông báo là Mỹ rút khỏi hiệp định. Việc hủy bỏ hiệp định chỉ thực sự bắt đầu từ thời điểm đó, khi mà phía bên kia, tức là Nga nhận được thư thông báo. Việc này sẽ kéo dài 6 tháng cho tới khi có hiệu lực chính thức. Việc Washington chưa thực hiện thủ tục chính thức cho thấy một số quan chức ở Mỹ vẫn còn một số câu hỏi.
Liệu quyết định của Mỹ cũng là do Washington không muốn tụt lùi so với Bắc Kinh ?
Đó cũng là môt lý do được đưa ra. Có thể đó cũng là lý do đáng ngạc nhiên nhất, bởi vì trên thực tế hiệp định cấm loại vũ khí này chỉ liên quan đến Hoa Kỳ và Liên Xô, tức là liên quan đến Nga. Lý do được đưa ra là Trung Quốc có loại tên lửa mà đương nhiên là đối với Bắc Kinh, Trung Quốc được phép sở hữu. Do đó, Mỹ không muốn phải đối phó với một nước Trung Quốc có những loại vũ khí mà Washington không có khả năng đáp trả.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ở Hoa Kỳ nói rằng ngay cả khi Mỹ không được trang bị loại tên lửa có tầm phóng 500-5.000km, thì điều đó cũng không ảnh hưởng gì đến khả năng Mỹ đáp trả một mối đe dọa từ Trung Quốc.
Vì thế, có một điều cần nói, đó là Donald Trump muốn khởi động chế tạo một số loại tên lửa không phải vì việc này có ích hay không có ích cho quân đội, mà vì việc này mang lại lợi ích kinh tế cho liên hiệp công nghiệp – quốc phòng.
Ngoại trưởng Nga Sergeil Lavrov cũng đã lấy làm tiếc là các nước châu Âu không ủng hộ đề nghị của Nga là đưa việc Mỹ hủy bỏ hiệp định ra thảo luận ở Liên Hiệp Quốc. Việc Liên Hiệp Châu Âu thiếu phản ứng, trong khi đó là những nước có liên quan nhiều, liệu có phải là một sai lầm ?
Sai lầm thì chắc là không. Nhưng có thể đó là sự thiếu thống nhất, thiếu bàn tính và không có suy nghĩ thực tế. Nhưng đó cũng là vì Châu Âu thiếu thông tin từ Mỹ. Hoa Kỳ đã khiến tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu, tức là đa phần các nước thành viên NATO, ngạc nhiên về kiểu quyết định như thế này.
Đúng là Liên Hiệp Châu Âu có việc phải làm, bởi vì châu Âu sẽ nằm ở tâm điểm vùng không an toàn do rất có thể sẽ có nhiều tên lửa mới nhắm tới khu vực này. Chính vì thế, Liên Hiệp châu Âu phải hành động, phải thể hiện mạnh mẽ quan điểm, cố gắng kêu gọi Nga duy trì hiệp định, ngay cả khi chỉ còn có Nga trong hiệp định này, đồng thời nỗ lực gây ảnh hưởng lên Hoa Kỳ để Washington trở lại bàn đàm phán, thậm chí nhằm tạo ra một hiệp định mới trong tương lai.
Đúng là điều đó rất phức tạp, vì một trong hai bên đã quyết định rút khỏi hiệp định mà không báo trước cho các nước đồng minh, và sau đó lại muốn Trung Quốc tham gia hiệp định. Đó là một nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng cũng là vai trò của Liên Hiệp Châu Âu.
Nếu việc Mỹ rút khỏi hiệp định INF được xác định rõ ràng, thì điều đó có phải là một nguy cơ mới đối với an ninh, nhất là cho Châu Âu ?
Đúng vậy, đương nhiên đó là một nguy cơ đối với toàn bộ lãnh thổ Liên Hiệp Châu Âu. Đó cũng là một nguy cơ đối với lãnh thổ Nga, bởi vì người ta có thể nghĩ rằng – kể cả khi điều này rất khó có khả năng xảy ra – các nước bị cấm sở hữu tên lửa hồi những năm 1980 như Ý, Bỉ, Anh, Hà Lan, thậm chí là Đức, sẽ chấp nhận lắp đặt trên lãnh thổ của họ các tên lửa nhắm tới Nga.
Có thể mọi chuyện sẽ diễn ra theo hướng đó, và điều này sẽ tạo ra sự ngờ vực về nước Nga. Nhưng sẽ thực sự đáng tiếc nếu mọi chuyện diễn ra như vậy : bởi vì đơn giản là chúng ta sẽ quay ngược trở lại cách nay 30 năm, với sự bất an thực thụ và thực sự sẽ có nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181123-hiep-dinh-inf-cham-dut-nguy-co-chien-tranh-hat-nhan
Brexit : Thủ tướng Anh
bị Quốc Hội chỉ trích dữ dội
Ủy ban Châu Âu và Anh quốc đã thỏa thuận về một dự thảo tuyên bố liên quan đến quan hệ đôi bên sau khi « ly dị », tuy nhiên vẫn còn những điểm bất đồng về Gibraltar, trao đổi hàng hóa và ngư nghiệp.
Quay lại Luân Đôn trong khi chờ đợi cuộc họp thượng đỉnh quan trọng vào Chủ nhật tới, thủ tướng Theresa May khi phát biểu trước Quốc Hội hôm qua 22/11/2018 tiếp tục bị chỉ trích từ mọi phía.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Muriel Delcroix tường thuật :
« Lần lượt từng người một, trong không khí luôn ầm ĩ, các nghị sĩ Anh đều giận dữ, kịch liệt bác bỏ bản dự thảo mà thủ tướng vừa trình bày và rất mong muốn được Quốc Hội thông qua. Bắt đầu là bản tuyên bố chính trị về mối liên hệ trong tương lai giữa Luân Đôn và Bruxelles.
Ông Jeremy Corbyn, thủ lãnh Công đảng đối lập phẫn nộ, đánh giá là 26 trang toàn những lời phỉnh phờ. Ông Corbyn nói: Đó là thứ Brexit mù quáng mà tất cả mọi người đều lo ngại, một cú nhảy vào vô định, và chất vấn: Nhưng chính phủ đã chế ra những gì trong hai năm vừa qua ?
Ngay trong chính quyền, những người ủng hộ Brexit mạnh mẽ nhất, với sự hỗ trợ của các nghị sĩ Bắc Ireland trong đảng DUP (Liên minh Dân chủ), lần lượt lên tiếng đòi hỏi bà Theresa May bỏ qua vấn đề « backstop » (tạm thời vẫn mở biên giới Ireland, Anh quốc vẫn nằm trong liên minh thuế quan châu Âu). Một nghị sĩ bảo thủ thậm chí còn nói rằng bản tuyên bố chính trị mơ hồ này trên thực tế giống như một lá thư gởi cho Ông già Noel.
Về phía các nghị sĩ của tất cả các đảng chống đối Brexit, họ coi đây là bằng chứng cho thấy thỏa thuận bất lợi cho Anh quốc so với những gì đã hứa hẹn, và đòi hỏi, hơn bao giờ hết, cần phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181123-brexit-thu-tuong-anh-bi-quoc-hoi-chi-trich-du-doi
Pháp trừng phạt 18 người Ả Rập Xê-út
dính đến vụ Khashoggi
Pháp hôm 22/11 cho biết họ đã áp đặt lệnh trừng phạt, bao gồm lệnh cấm đi đến Pháp, đối với 18 công dân Ả Rập Xê-út có liên hệ với vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi và rằng họ còn có thể đi xa hơn nữa tùy thuộc vào kết quả điều tra.
Bộ Ngoại giao Pháp không nêu tên các cá nhân bị đưa vào danh sách trừng phạt nhưng cho biết trong một thông cáo rằng động thái này là sự phối hợp với các đối tác châu Âu khác, nhất là Đức, nước đã trừng phạt 18 công dân Ả Rập Xê-út và tiến đến ngừng mọi hợp đồng buôn bán vũ khí cho nước này.
Lệnh cấm đi lại này có hiệu lực bắt buộc đối với toàn bô khu vực Schengen được tự do đi lại của Liên minh châu Âu.
“Vụ sát hại ông Khashoggi là một tội ác cực kỳ nghiêm trọng, vốn đi ngược lại quyền tự do báo chí và những quyền cơ bản nhất,” thông cáo của Bộ Ngoại giao Pháp cho biết.
Paris hy vọng giới chức Ả Rập Xê-út có phản hồi minh bạch, chi tiết và đến cùng, thông cáo nói thêm.
“Sẽ có những biện pháp tạm thời sẽ được xem xét hay áp dụng mở rộng tùy thuộc vào diễn tiến cuộc điều tra đang diễn ra.”
Phản ứng của Pháp cho đến nay vẫn tương đối cẩn trọng do Paris muốn duy trì ảnh hưởng với Riyadh và bảo vệ mối quan hệ thương mại trải trên các lĩnh vực năng lực, tài chính và mua bán vũ khí.
Phó công tố viên của Ả Rập Xê-út hôm 15/11 nói rằng Riyadh muốn áp dụng án tử hình cho 5 trong số 11 nghi phạm bị cáo buộc sát hại nhà báo Khashoggi tại lãnh sự quán Ả Rập Xê-út ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng trước.
“Pháp lặp lại sự phản đối đối với án tử hình ở bất cứ nơi nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào,” Bộ Ngoại giao Pháp cho biết.
Vụ Carlos Ghosn : Truyền thông Nhật Bản
phanh phui quy mô khai gian
Ngày 23/11/2018, Carlos Ghosn, người xây dựng liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi Motors, tiếp tục bị tạm giam sau khi bị bắt hôm thứ Hai 19/11.
Hội đồng quản trị tập đoàn Pháp Renault chính thức bổ nhiệm ông Thierry Bolloré, 55 tuổi, làm quyền tổng giám đốc và có « đủ quyền lực » như ông Carlos Ghosn. Tập đoàn Nissan hy vọng sẽ có tân chủ tịch hội đồng quản trị từ nay đến ngày 20/12 diễn ra phiên họp của hội đồng.
Trong khi đó, theo thông tín viên RFI Frédéric Charles, truyền thông Nhật Bản tỏ ra không nương tay với người đã vực dậy hoạt động của nhà sản xuất ô tô Nissan.
« Báo chí Nhật Bản không tỏ chút thiện cảm nào đối với Carlos Ghosn. Theo các nhà phân tích của hai kênh truyền hình TBS và Asahi, đầu tiên, ông Carlos Ghosn đã bảo vệ Nissan trước ý định thâu tóm nhà sản xuất xe hơi Nhật của tập đoàn Renault vì ông sợ rằng Renault sẽ phát hiện được quy mô tiêu lạm công quỹ của ông.
Còn theo báo Asahi, các khoản thu nhập của ông Ghosn không phải bị khai bớt trong vòng 5 năm với tổng thu nhập là 39 triệu euro, mà kéo dài ít nhất trong suốt 8 năm. Thêm vào đó, đài truyền hình Fuji cho biết Nissan không chỉ mua bốn khu biệt thự sang trọng cho vị chủ tịch sử dụng cá nhân, không liên quan đến lợi ích của doanh nghiệp, mà là tận sáu khu nhà ở Tokyo và New York.
Vẫn theo đài truyền hình Fuji, ông Carlos Ghosn tỏ ra ủng hộ việc sát nhập Nissan vào Renault khi dường như chính Pháp hứa giữ ông ở vị trí đang đảm nhiệm nếu ông làm được việc đó.
Theo nhận định của truyền thông Nhật Bản, Carlos Ghosn, trước hết, có quá nhiều quyền lực, quá đáng sợ. Việc ông có thu nhập cao gấp 5-6 lần các ông chủ Nhật Bản làm nản lòng nhân viên của Nissan ».
http://vi.rfi.fr/phap/20181123-vu-carlos-ghosn-truyen-thong-nhat-ban-phanh-phui-quy-mo-khai-gian
“Áo Vàng” kéo về Paris, Elysée đổi thái độ
Sau một tuần lễ đóng chốt cản trở giao thông, chống biện pháp tăng thuế gasoil, phong trào « Áo Vàng » huy động lực lượng dự trù khoảng 30.000 người kéo về Paris trong ngày thứ Bảy 24/11/2018. Chính phủ Pháp không giấu lo ngại. Tối thứ Năm, 22/11, điện Elysée cam kết sẽ có những « biện pháp hỗ trợ cho tiến trình chuyển đổi dùng năng lượng sạch đáp ứng những ưu tư của người dân ».
Tổng thống đổi hướng hay chỉ đổi trục ?
Trước làn sóng phẫn nộ lên cao điểm, tổng thống Pháp phải quyết định nhanh chóng.
Theo thông cáo của điện Elysée, ngày thứ Ba 27/11/2018, tổng thống Emmanuel Macron sẽ trình bày những lựa chọn chiến lược về năng lượng cho tương lai, gọi tắt là PPE, trước Hội Đồng Quốc Gia Chuyển Đổi Sang Kinh Tế Xanh gồm các đại biểu dân cử, nghiệp đoàn, hội đoàn và các tổ chức phi chính phủ.
Nhưng hai ngày trước cuộc biểu dương lực lượng của phong trào « Áo Vàng » tại Paris, điện Elysée cho biết là tổng thống sẽ đề nghị một hướng mới có hỗ trợ tài chính, tham khảo ý kiến và đổi phương pháp thực hiện : « Chính phủ đã nghe thông điệp của công dân, đó là phải tiến xa hơn. Để được xã hội chấp thuận, công cuộc chuyển đổi qua năng lượng sạch, một nhu cầu cần thiết, phải công bằng và dân chủ ».
Đáp ứng hay đối phó với những đòi hỏi của phong trào công dân tự phát từ hơn một tuần nay không phải là chuyện đơn giản. Thoạt đầu là chống thuế xăng dầu gia tăng, tiếp theo đó là đòi tăng lương, đòi tăng trợ cấp thất nghiệp, tăng tiền hưu và than phiền chính sách thuế khóa bất công …. thậm chí, người biểu tình còn đòi phải lo cho dạ dày trước khi lo cho hậu quả của biến đổi khí hậu. Theo mô tả hơi phóng đại của báo chí, thì « đòi hỏi nhiều như số chốt chặn » (báo Les Echos).
Cùng tắc biến hay sáng suốt ?
Thái độ chính phủ Pháp từ cứng rắn đổi qua đối thoại được giới bình luận xem là tinh tế : chủ nhân điện Elysée hiểu được sự bất bình của phong trào « Áo Vàng » và nhìn ra được cách tiếp cận mới là « lắng nghe và đối thoại » (theo báo Le Figaro). Bên cạnh một số biện pháp tài chính được thủ tướng Edouard Philippe hứa hẹn hồi đầu tuần, như hỗ trợ thay thế máy sưởi đốt bằng dầu cặn, mua xe mới ít gây ô nhiễm, phát triển năng lượng tái tạo, bây giờ có thêm đề nghị « tham khảo, thương thuyết trên mọi vùng lãnh thổ », hàm ý không bỏ rơi nông thôn, không quên các lãnh thổ hải ngoại, mà cụ thể là đảo Réunion vốn đang bị bạo động từ một tuần nay.
Mục đích của đối thoại là « nhận diện những vấn đề đặc thù của mỗi địa phương phải giải quyết khẩn cấp, với sự hợp tác của các tác nhân khác nhau », theo giải thích của phủ thủ tướng. Nói cách khác, tổng thống Pháp « chỉ đổi hướng nhưng không đổi trục ».
Khó khăn hiện nay đã được tiên liệu ngay từ khi Emmanuel Macron mới nhậm chức. Trong mùa hè năm 2017, chủ nhân mới của điện Elysée cảnh báo nhóm cố vấn thân cận : « Chúng ta sẽ bị mất lòng dân nhưng có một điều không thể thay đổi được, đó là sự kiên tâm. Khi tình hình sáng sủa trở lại thì uy tín của mình sẽ lên theo ».
Từ bỏ « tháp ngà », chọn trục « mở hầu bao và đối thoại » giải quyết bài toán « mâu thuẫn giữa xã hội và môi trường », tổng thống Macron được ủng hộ từ nhiều phía. Bên trong có bộ trưởng môi trường François de Rugy và ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian. Bên ngoài, François Bayrou và đảng trung hữu MODEM khuyến khích điện Eysée thương lượng rộng rãi với mọi tầng lớp xã hội. Công đoàn cánh tả CFDT cũng bắn tín hiệu sẵn sàng tham dự.
http://vi.rfi.fr/phap/20181123-ao-vang-keo-ve-paris-elysee-doi-thai-do
Pháp : Biểu tình chống thuế xăng dầu,
Paris chuẩn bị ngày thứ Bảy bất trắc
Tại Pháp, phe « Áo Vàng » tiếp tục đóng chốt trên nhiều trục giao thông. Bị hụt hơi sau một tuần xuống đường, từ gần 300.000 giảm xuống còn 5.000 người phong tỏa 270 chốt trong ngày hôm qua, phong trào chống tăng thuế nhiên liệu kêu gọi nhau kéo về Paris biểu dương lực lượng vào thứ Bảy 24/11/2018.
Đây là trận cuối cùng hay màn hai của một cuộc đấu tranh dài hạn ? Phong trào « Áo Vàng » sẽ có câu trả lời vào ngày thứ Bảy tại thủ đô nước Pháp. Theo Reuters, các phát ngôn viên địa phương của những người phẫn nộ về chính sách nâng giá dầu gasoil lên cao hơn giá xăng cho biết họ « không đến quảng trường Champs de Mars để ngắm tháp Eiffel ». Champs de Mars là địa điểm mà chính quyền cho phép biểu tình.
Đại diện của « Áo Vàng » ở Val d’Oise, ngoại ô Paris, báo trước là sẽ tràn ra khắp đường phố. Lãnh đạo tổ chức cực hữu Marine Le Pen khuyến khích xuống đường ở đại lộ Champs-Elysées, gần dinh tổng thống.
Tên tuổi của nhiều dân biểu thuộc phe đa số và địa chỉ gia đình họ bị tung lên mạng xã hội gây lo ngại cho an ninh cá nhân. Cảnh sát Pháp, ngày hôm nay, một lần nữa khuyến cáo phe « Áo Vàng » không nên manh động để tránh mọi trường hợp tình hình vượt tầm kiểm soát của cả hai bên, người biểu tình và nhân viên công lực.
Trong tuần lễ vừa qua, phong trào phong tỏa giao thông và các khu thương mại đã làm 2 người chết, 606 người bị thương, trong đó có hàng chục cảnh sát. Cảnh sát và Hiến binh dự trù huy động 3.000 nhân viên để đối phó với khoảng 30.000 thành viên « Áo Vàng » theo tiên liệu.
Iran vẫn cam kết tuân thủ thỏa thuận hạt nhân
Iran vẫn đang thực thi nghĩa vụ của mình trong thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc xác nhận hôm 22/11, hai tuần sau khi một loạt những lệnh trừng phạt mới nhất mà Mỹ tái áp đặt lên Tehran bắt đầu có hiệu lực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng Năm đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran được ký vào năm 2015 với lý do là ảnh hưởng của Iran đối với các cuộc chiến ở Syria và Yemen và chương trình tên lửa đạn đạo của nước này vốn không được giải quyết trong thỏa thuận.
Đức, Pháp và Anh đã cố gắng ngăn chặn thỏa thuận sụp đổ. Thỏa thuận này quy định Iran sẽ giới hạn các hoạt động hạt nhân của mình để đổi lấy việc các lệnh trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ.
Nhiều công ty phương Tây đã hủy kế hoạch làm ăn với Iran do lo sợ vi phạm lệnh cấm vận của Washington. Điều này dẫn đến lo ngại rằng Iran sẽ phá vỡ giới hạn về hoạt động hạt nhân của họ.
“Iran đang thực thi các cam kết của họ về hạt nhân theo Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (tức thỏa thuận hạt nhân),” Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano phát biểu tại cuộc họp hàng quý của Hội đồng Quản trị gồm 35 quốc gia thành viên.
“Điều quan trọng là Iran tiếp tục thực thi đầy đủ những cam kết này,” ông nói thêm và xác nhận kết quả của một báo cáo mật gửi đến các thành viên IAEA hồi tuần trước.
Trước đó, Iran đã cảnh báo rằng họ sẽ từ bỏ thỏa thuận nếu các quốc gia ký kết khác là Pháp, Anh và Đức không thể duy trì được các lợi ích kinh tế cho họ như quy định trong thỏa thuận.
Các cường quốc châu Âu đã tìm cách thiết lập cái gọi là ‘phương tiện cho mục đích đặc biệt’ để làm một trạm đầu mối giúp tìm hàng hóa xuất khẩu của Iran và hàng hóa xuất khẩu của EU nào phù hợp để trao đổi ‘hàng lấy hàng’ để né các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tuy nhiên các quốc gia được tiếp cận để làm nơi mở trạm đầu mối này đều từ chối, các nhà ngoại giao cho hay, khiến cho kế hoạch này bị trì hoãn và làm gia tăng nghi ngờ liệu châu Âu có thể đối trọng lại các lệnh trừng phạt của Mỹ vốn nhằm vào ngành dầu khí và nhiều nguồn thu nhập quan trọng khác của Iran.
Trung Quốc hỗ trợ điện than,
gây lo ngại biến đổi khí hậu
David ShukmanScience editor
Các dự án điện than do Trung Quốc hỗ trợ đang được tiến hành hoặc được lên kế hoạch ở các nơi xa xôi như Nam Mỹ, Châu Phi, Đông Nam Á và Balkan.
Khi nồng độ khí nhà kính đạt một kỷ lục mới, lo ngại gia tăng về vai trò của Trung Quốc trong sự nóng lên toàn cầu.
Trong nhiều năm, việc Trung Quốc gia tăng số lượng các nhà máy điện than đã bị chỉ trích.
Nay, các nhóm môi trường nói rằng Trung Quốc cũng đang ủng hộ hàng chục dự án nhiệt than bên ngoài biên giới nước này.
Cá voi chết ở Indonesia ăn phải 6kg nhựa
Trẻ em Việt Nam và nỗi lo sợ biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu ‘tác động nhiều đến phụ nữ’
Than là loạt nhiên liệu hóa thạch gây phá hủy nhất do lượng khí carbon dioxide thải ra khi nó bị đốt cháy.
Năm ngoái, nồng độ carbon dioxide trong khí quyển đạt mức cao nhất trong 3-5 triệu năm qua, theo nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên Hợp Quốc.
Tháng trước, hội đồng khoa học khí hậu của Liên Hiệp Quốc cho rằng than phải được loại bỏ vào năm 2050 nếu thế giới có cơ hội hạn chế sự tăng nhiệt độ.
Các dự án than do Trung Quốc hỗ trợ đang được tiến hành hoặc được lên kế hoạch ở các nơi xa xôi như Nam Mỹ, Châu Phi, Đông Nam Á và Balkan.
Các hợp đồng và tài trợ cho các dự án này thường không hoàn toàn minh bạch nhưng các nhóm vận động bao gồm Bankwatch đã cố gắng theo dõi.
“Bạn không thể là một nhà lãnh đạo thế giới trong việc kiềm chế ô nhiễm không khí và đồng thời là nhà tài trợ lớn nhất thế giới của các nhà máy điện than ở nước ngoài”, điều phối viên nhóm năng lượng Ioana Ciuta nói với BBC.
Bà nói: “Khi Trung Quốc đầu tư vào hơn 60 quốc gia dọc theo Sáng kiến Vành đai và Đường bộ, họ đang duy trì một nguồn ô nhiễm đã được chứng minh là có hại không chỉ đối với khí hậu mà còn cho các nền kinh tế”.
Nhà máy điện than khổng lồ ở Serbia
Tại Serbia, một trong những nhà máy điện than lớn nhất của nước này đang được mở rộng nhờ một khoản vay từ Trung Quốc và do một công ty xây dựng lớn nhất Trung Quốc thực hiện.
Nhà máy điện hiện có do công ty điện lực quốc gia Serbia, EPS, điều hành, cung cấp khoảng 70% điện cho quốc gia từ đốt than, phần còn lại là từ các công trình thủy điện.
Hiện tại, theo hợp đồng trị giá 715 triệu đô la được chính phủ Serbia và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký kết, một nhà máy nữa đang được bổ sung, sẽ mang thêm 350MW điện cho nước này.
Tuy nhiên, công trình này không được trang bị bất kỳ công nghệ thu giữ carbon nào.
Đây là một trong những mô hình dự án do Trung Quốc hậu thuẫn góp phần vào sự gia tăng nồng độ carbon dioxide trong khí quyển.
Bệnh đường hô hấp
Dự án điện than mới với Trung Quốc cung cấp khoảng 3.500 việc làm cho người dân địa phương tại Serbia. Nhưng nhiều người ngày càng trở nên lo ngại về ô nhiễm trong khu vực.
“Chất lượng không khí và nước của chúng tôi rất kém. Chúng tôi không thể trồng trái cây và rau quả. Ngoài ra còn có rất nhiều tiếng ồn. Tất cả điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của những người sống ở đây, nhiều người trong số họ mắc bệnh hô hấp,”ông Momir Savic nói.
EPS cho biết đã chi hàng trăm triệu Euro cho bảo vệ môi trường nhưng hồ sơ theo dõi rõ ràng cho thấy điều này không đáng tin.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46313124
Nỗi buồn mang tên Tân Cương
Nguyễn Trang Nhung
Tân Cương là một vùng lãnh thổ tự trị của Trung Quốc với gần 22 triệu người, trong đó có khoảng 11 triệu người Duy Ngô Nhĩ. Sắc tộc thiểu số Hồi giáo này đang chịu đựng nỗi thống khổ của việc bị giám sát và đàn áp thô bạo bởi “bộ máy an ninh tổng lực” của chính quyền trung ương.
Kể từ sau các cuộc biểu tình bạo động của người Duy Ngô Nhĩ vào năm 2009, chính quyền Trung Quốc đã tăng cường các chính sách an ninh nhằm vào họ một cách quy mô. Trong vòng một thập kỷ, ngân sách dành cho an ninh đã tăng gấp 10, đạt đến hơn 9 tỷ đô-la vào năm 2017.[1] Riêng từ năm 2016 đến năm 2017, ngân sách đã tăng lên 92%.[2] Một phần của ngân sách tăng thêm này được dùng để tuyển dụng khoảng 100 ngàn vị trí an ninh mới.[3]
Cho đến nay, khoảng 7 ngàn đồn công an được thiết lập để giám sát người dân khu tự trị.[4] Cùng với đó, các phương tiện công nghệ, kể cả các phương tiện công nghệ cao như camera công cộng, thiết bị bay không người lái cũng được dùng đến. Các thông tin của người dân như dữ liệu smartphone, đường nét gương mặt đều bị nhận diện bởi công nghệ.[5] Riêng mẫu ADN, dấu vân tay, mống mắt, nhóm máu được thu thập thông qua chương trình khám sức khỏe miễn phí kể từ năm 2016.[6]
Theo cách nói của báo giới, Tân Cương đối với Trung Quốc là một phòng thí nghiệm khổng lồ về giám sát điện tử, để từ đó các công cụ giám sát sẽ được nhân rộng đến các vùng khác ở trong nước, thậm chí, ra ngoài biên giới quốc gia.
Ngoài các công cụ trên, một công cụ khác là các trại cải tạo. Theo BBC, có ít nhất 44 trại cải tạo đã được chính quyền trung ương mở ra để giam giữ những người Duy Ngô Nhĩ[7] “ly khai”, “cực đoan tôn giáo” và “khủng bố”. Đối tượng tiềm năng nhất cho các trại cải tạo là những người Duy Ngô Nhĩ sinh từ năm 1980, vì đây là thành phần “bạo lực” và “không đáng tin cậy”, theo cách nhìn của chính quyền Trung Quốc.[8]
Theo Adrian Zenz, một nhà nghiên cứu tại Đức, hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tại các trại cải tạo.[9] Nhiều hãng thông tấn trên thế giới thậm chí đưa ra con số khiếp đảm hơn – gần hoặc hơn 1 triệu.[10]
Khi bị giam giữ trong trong các trại cải tạo, một người may mắn thì được thả sau nhiều tuần, kém may mắn hơn thì được thả sau nhiều tháng hay nhiều năm, và bi kịch nhất là biến mất vĩnh viễn. Các tù nhân bị đối xử thô bạo, với các điều kiện nghèo nàn về thực phẩm, vệ sinh và y tế.[11] Gần như tất cả người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài đều có các thành viên trong gia đình bị giam giữ tại các trại cải tạo ở Tân Cương.[12]
Đồn công an, công nghệ cao, trại cải tạo không phải là toàn bộ công cụ. Tinh vi hơn, Trung Quốc còn thi hành các chính sách xóa bỏ văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ. Theo lời ông Dolkun Isa, chủ tịch Hội Người Duy Ngô Nhĩ Thế giới, từ năm 2017, Trung Quốc tăng cường cấm đoán nhiều hoạt động tôn giáo ở Tân Cương, như ngăn cản nhân viên công vụ hành lễ tại nhà thờ, buộc mọi người ăn thịt heo, uống rượu trong tháng ăn chay của người Hồi giáo.[13]
Thêm vào đó, Trung Quốc còn buộc người Duy Ngô Nhĩ thực hành văn hóa của người Hán. Từ ngày 1/4/2017, chính quyền trung ương thực hiện chính sách “trừ khử cực đoan” mà thực chất là chính sách “Trung Quốc hóa”, bao gồm việc buộc người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo học tiếng Trung Quốc, hát Hồng ca Trung Quốc, đặt lại tên theo kiểu Trung Quốc, và cảm ơn Đảng Cộng sản Trung Quốc trước khi ăn.[14]
Đầu năm 2018, người thiểu số bản địa còn bị buộc đón tiếp các quan chức Trung Quốc đến nhà mình sống chung để “được” các quan chức này giám sát và tuyền truyền chính trị. Kết quả đến nay là hơn 1 triệu quan chức Trung Quốc đã đến sống chung với các gia đình nông thôn ở miền nam Tân Cương.[15]
Đỉnh cao của sự trấn áp là mổ cướp nội tạng. Theo một báo cáo của cựu nghị viên David Kilgour (Canada), luật sư nhân quyền David Matas (Canada) và nhà báo Ethan Gutmann (Mỹ), một trong các nhóm nạn nhân của mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc là người Duy Ngô Nhĩ.[16] Không rõ lượng người Duy Ngô Nhĩ bị mổ cướp nội tạng là bao nhiêu, song cũng như các học viên Pháp Luân Công, những ai bặt vô âm tín đều có thể đã là nạn nhân của cách thức chết chóc này.
Nhìn tổng thể, bức tranh Tân Cương thật buồn thảm, đen tối và chẳng có mấy hi vọng vào tương lai, khi một nửa dân số của nó là người Duy Ngô Nhĩ mất tự do và bị tẩy não. Cứ như vậy, chẳng bao lâu nữa, Tân Cương sẽ không còn những người Duy Ngô Nhĩ thứ thiệt, mà chỉ còn những người Ngô Duy Nhĩ vong thân, những người bị đánh cắp hết căn cước và không còn biết được đâu là nguồn gốc thực sự mà mình thuộc về.
Chú thích:
[1] Security spending ramped up in China’s restive Xinjiang region
https://www.ft.com/content/aa4465aa-2349-11e8-ae48-60d3531b7d11
[2] Như [1]
[3] Beijing is spending its way to ‘an experiment of what is possible’ to police Xinjiang’s Uyghurs
https://www.theglobeandmail.com/news/world/beijing-increases-presence-ov…
[4] Như [3]
[5] From laboratory in far west, China’s surveillance state spreads quietly
https://www.reuters.com/article/us-china-monitoring-insight/from-laborat…
[6] China: minority region collects DNA from millions
https://www.hrw.org/news/2017/12/13/china-minority-region-collects-dna-m…
[7] China’s hidden camps
https://www.bbc.co.uk/news/resources/idt-sh/China_hidden_camps
[8] Xinjiang authorities targeting Uyghurs under 40 for re-education camps
https://www.rfa.org/english/news/uyghur/1980-03222018155500.html
[9] China security spending surges in Xinjiang despite camp denials
https://www.aljazeera.com/news/2018/11/china-security-spending-surges-xi…
[10] Chẳng hạn như BBC (xem chú thích 7)
[11] Young Uyghur woman dies in detention in Xinjiang political ‘re-education camp’
https://www.rfa.org/english/news/uyghur/death-09252018174834.html
[12] China’s war on islam: Dolkun Isa escaped Xinjiang and Interpol to defend Uyghur existence
https://www.albawaba.com/news/chinas-war-islam-dolkun-isa-escaped-xinjia…
[13] Trung Quốc tiếp tục ‘hành hạ’ Tân Cương bằng những yêu sách mới
https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-tiep-tuc-hanh-ha-tan-cuong-bang-n…
[14][15] Như [13]
[16] Report: China still harvesting organs from prisoners at a massive scale
https://edition.cnn.com/2016/06/23/asia/china-organ-harvesting/index.html
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/xinjiang-plight-11232018082718.html
Những tín hiệu tích cực đằng sau
tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp của TQ
Ẩn sau một thị trường chứng khoán đầy biến động và nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc là những tin tức khá khả quan.
Nỗ lực của chính phủ trong việc kiềm chế những hoạt động cho vay mang nhiều rủi ro, cải tổ ngành công nghiệp, hạn chế tăng giá nhà là những mục tiêu được giữ vững ngay cả khi tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt mức chậm nhất trong gần 30 năm cùng những mối đe doạ từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Thay vì tiếp cận với cách chi tiêu đầu tư đã cũ và chính sách tiền tệ đầy hỗn loạn của năm 2009 hoặc 2015, Bắc Kinh đang làm dịu sự căng thẳng của nền kinh tế với mục tiêu cắt giảm thuế, đưa ra những ưu đãi đầu tư và nỗ lực để có thêm tín dụng cho các công ty tư nhân có hoạt động hiệu quả.
Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đang đưa quốc gia của mình đến một con đường phát triển bền vững hơn, ngay cả khi điều đó có nghĩa là chấp nhận đối mặt với những tổn thất.
Andrew Polk, đồng sáng lập công ty nghiên cứu Trivium Trung Quốc tại Bắc Kinh, cho biết: “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đạt được những thành công ấn tượng trong việc tái cấu trúc một bộ phận có tính đầu cơ nhất của hệ thống tài chính của nước này. Nhiều nhà phân tích lại không nhận ra những thành tựu đáng kể này.”
Đối với thế giới, triển vọng tăng trưởng kinh tế ổn định hơn, kể cả khi tốc độ chậm lại, là điều có thể chấp nhận.
Và bởi Trung Quốc đã lớn mạnh hơn rất nhiều so với trước đây, nên mức tăng trưởng 6% có thể sẽ tạo ra nhu cầu toàn cầu tương đương với thành tựu hai con số trước đây, có nghĩa là Trung Quốc vẫn sẽ là quốc gia có tốc độ tăng trưởng lớn nhất thế giới.
Một phần trong chính sách của ông Tập nhằm kiềm chế tình trạng vượt quá giới hạn là tăng trưởng năng suất, tăng từ mức trung bình khoảng 1,9% hàng năm trong giai đoạn 2014-2016 lên đến 2,4% trong năm nay, theo kinh tế gia về Trung Quốc Robin Xing tại Morgan Stanley Hồng Kông.
Một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy những cải tiến đó là loại bỏ tình trạng dư thừa trong các ngành công nghiệp từ sản xuất thép đến xi măng.
Ông Tập ước tính tình trạng nợ gia tăng sẽ ở “đi ngang” trong năm nay, khiến tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu là khoảng 276% của GDP và cho biết con số này sẽ tăng khoảng 3% vào năm 2019, so với mức tăng trung bình hàng năm 15 điểm phần trăm giữa năm 2007 và 2015.
Nhìn vào tương lai xa hơn, một số chính sách của ông Tập ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và công ty có thể xem là một điều tích cực.
Xét về các khoản nợ doanh nghiệp, mà đang ở mức cao kỷ lục trong năm nay khi chính phủ thắt chặt quản lý đối với các ngân hàng “bóng tối”.
IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) từ lâu đã lập luận rằng việc loại những khoản thế chấp tiềm ẩn sẽ làm giảm mối nguy liên quan đến đạo đức và cho phép rủi ro được định giá chính xác. Điều này đang bắt đầu xảy đến. Biểu đồ dưới đây cho thấy, khối ngoại đang “xếp hàng” để mua trái phiếu Trung Quốc.
Khối ngoại đang mua vào trái phiếu NDT, nhưng tỷ lệ nợ vẫn tăng cao
Các công ty đang hoạt động trong tình trạng ảm đạm do thiếu tín dụng sau khi các nhà hoạch địch chính sách có một cuộc “càn quét” đối với hệ thống ngân hàng “bóng tối”. Và không có dấu hiệu nào cho thấy các nhà hoạch địch chính sách sẽ nới lỏng, hệ thống ngân hàng này đã lao dốc 8 tháng liên tiếp trong tháng 10, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm 2016.
Bước ra khỏi “bóng tối”
Các khoản cho vay của những ngân hàng ngầm đã bị cắt giảm.
Trong thời điểm nền kinh tế suy thoái, các nhà hoạch định chinh sách đã sử dụng ngân hàng nhà nước để tạo ra tín dụng cho các doanh nghiệp nhà nước, được triển khai với việc có thể chi tiêu “vô tội vạ” từ cơ sở hạ tầng đến các toà nhà và bất động sản. Điều đó đã thay đổi.
Tốc độ tăng trưởng của đầu tư cơ sở hạ tầng đã giảm xuống còn 3,3% trong 9 tháng tính từ 1 năm trước đến tháng 9 năm nay – mức thấp kỷ lục theo dữ liệu kể từ năm 2014.
Trong khi tốc độ tăng trưởng trước đó là không bền vững, thì chính phủ muốn nó phải ổn định ngay bây giờ. Tốc độ tăng trưởng đã hồi phục nhẹ lên 3,7% trong giai đoạn từ đầu năm tính đến hiện tại vào tháng trước, báo hiệu rằng nhiều chính sách hỗ trợ hơn đang bắt đầu có hiệu quả đối với nền kinh tế.
Đầu tư cơ sở hạ tầng chậm lại
Và trong khi việc đầu tư bất động sản đã tăng lên kể từ cuối năm ngoái thì hiện tại tình trạng này cũng đã nằm trong tầm kiểm soát. Doanh số bán nhà được thông báo mới đây đã tăng với tốc độ chậm nhất trong 6 tháng tại tháng 10, một dấu hiệu nữa cho thấy rằng thị trường đang dần ảm đạm do áp lực của các chính sách hạn chế mức giá.
David Loevinger, một cựu chuyên gia về Trung Quốc tại Kho bạc Mỹ, cho biết: “Mỗi khi Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi một cú sốc, họ bị hoảng loạn và khiến các đầu mối tín dụng không thể duy trì mức tăng trưởng.
Trái ngược với trước đây, người Trung Quốc có vẻ như đang cố gắng đặt ra mức sàn cho tốc độ tăng trưởng, chứ không phải là lên kế hoạch phục hồi tăng trưởng tín dụng.”
Khi cuộc xung đột thương mại với Mỹ trở nên căng thẳng hơn, các nhà hoạch địch chính sách đã nới lỏng một số sự điều chỉnh đối với tiền tệ và giảm bớt các yêu cầu quy định đối với các ngân hàng để khuyến khích cho vay, do lo ngại về tốc độ tăng trưởng chậm sẽ kéo dài.
Tuy nhiên, vẫn còn có một số ý kiến suy đoán của các kinh tế gia cho rằng PBOC sẽ sớm cắt giảm lãi suất chuẩn, nhưng PBOC lại chưa đưa ra động thái nào.
Đó có thể là do “cuộc thử nghiệm” lớn nhất đối với Trung Quốc đang ở phía trước. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sẵn sàng tăng thuế quan lên 25% từ mức 10% đối với 200 tỷ giá trị hàng hoá của Trung Quốc vào tháng 1 tới đây, nếu không có thoả thuận “ngừng bắn” trong cuộc gặp tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 vào cuối tháng này.
Việc này sẽ gây áp lực đối với tăng trưởng kinh tế, mọi thứ có thể tồi tệ hơn nếu ông Trump đưa lời đe doạ áp thuế với tất cả các mặt hàng của Trung Quốc.
Tuy nhiên cho đến nay, những thách thức không phải đến từ tổn thất do chiến tranh thương mại gây ra, mà là tâm lý chán chường của người tiêu dùng.
Đối với ông Tập, đã có một “lằn ranh đỏ” đối với sự suy giảm. Cái ông cần là có đủ nhu cầu của người tiêu dùng để đáp ứng được mục tiêu tạo ra 11 triệu việc làm một năm (đã đạt được trong năm 2018) và tổng kết tăng trưởng kinh tế sẽ là 6,2% trong vài năm tới để đưa ra cam kết GDP cho năm 2020 và mức thu nhập sẽ tăng gấp đôi so với năm 2010.
“Các nhà hoạch định chính sách đã thực sự thay đổi hướng đi của họ đối với việc kích thích nền kinh tế”, Andrew Tilton, kinh tế gia trưởng tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Goldman Sachs ở Hồng Kông, cho hay. “Họ nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng họ không muốn
thực hiện một “cú nổ” kích thích như năm 2009 và tôi nghĩ lần này họ thực sự đã thực hiện được.”
TQ muốn đàm phán thương mại với Mỹ
bình đẳng, cùng có lợi
Đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cần phải bình đẳng và cùng có lợi, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn phát biểu hôm thứ Sáu, 23/11, và nói thêm rằng ông hy vọng hai nước có thể tìm cách kiểm soát sự khác biệt thông qua đối thoại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng nhiệm phía Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, dự kiến sẽ tổ chức hội đàm nhân dịp hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires vào tuần tới, vào lúc quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ngày càng gây lo ngại.
“Chúng tôi hy vọng rằng, trên cơ sở tham vấn bình đẳng, cùng có lợi và tin cậy lẫn nhau, chúng tôi có thể cùng nỗ lực để quản lý sự khác biệt và tìm cách giải quyết vấn đề”, ông Vương nói tại một cuộc họp báo ở thủ đô Bắc Kinh.
Các quan chức hai nước đã liên lạc chặt chẽ, được lãnh đạo của họ chỉ đạo, ông nói thêm.
Washington muốn Bắc Kinh cải thiện về mở cửa thị trường và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các công ty Mỹ, cắt giảm trợ cấp trong ngành công nghiệp và cắt giảm chênh lệch thương mại lên đến 375 tỷ đô la. Ông Trump đã áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc trị giá 250 tỷ đô la để buộc Bắc Kinh nhượng bộ.
Thuế suất của Mỹ đối với 200 tỷ đô la hàng Trung Quốc sẽ tăng từ 10% lên 25% vào ngày 1/1. Ông Trump đã đe dọa sẽ đánh thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu Trung Quốc còn lại – trị giá khoảng 267 tỷ đô la – nếu Bắc Kinh không giải quyết được những điều Mỹ yêu cầu.
Ông Trump nói hôm 22/11 rằng ông hy vọng ông có thể đạt thỏa thuận với Trung Quốc khi gặp ông Tập.
“Tôi có thể nói điều này, Trung Quốc thiết tha muốn đạt được một thỏa thuận – vì họ bị đánh thuế”, ông Trump nói với các phóng viên tại thị trấn Palm Beach ở Florida.
“Trung Quốc muốn đạt được một thỏa thuận; nếu chúng tôi có thể đi đến thỏa thuận, chúng tôi sẽ làm như vậy”, ông nói.
Cuộc gặp quan trọng có tính quyết định sẽ diễn ra giữa lúc chính quyền của ông Trump thể hiện rất ít dấu hiệu lùi bước cả về yêu sách lẫn các phát ngôn đao to búa lớn.
(Reuters)
https://www.voatiengviet.com/a/tq-muon-dam-phan-thuong-mai-voi-my-binh-dang-cung-co-loi/4670900.html
Dịch sốt ở lợn làm TQ thêm đau đầu về kinh tế
Nông dân chăn nuôi lợn của Trung Quốc, vốn đã khổ sở vì chi phí thức ăn gia tăng do cuộc chiến thuế quan giữa Bắc Kinh với Tổng thống Mỹ Donald Trump, giờ lại phải đối mặt với cú sốc mới vì dịch sốt châu Phi ở lợn. Đợt dịch này đã gây ra rung chấn kinh tế ở mọi miền nông thôn.
Được phát hiện lần đầu vào tháng 8, căn bệnh này đã làm chết 1 triệu con lợn, buộc chính quyền phải hạn chế việc vận chuyển phần lớn trong tổng số 700 triệu con lợn của Trung Quốc, mặc dù gần như tất cả số lợn đó vẫn khỏe mạnh. Việc này đã làm gián đoạn nguồn cung thịt lợn cho các thành phố lớn trong khi giá giảm mạnh ở những khu vực bị dư cung về lợn trong khi nông dân bị cấm vận chuyển đến các tỉnh khác.
Sốt châu Phi ở lợn không ảnh hưởng đến con người nhưng lại dễ lây lan ở lợn, khiến nó trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với các khu vực nông trại.
Hôm thứ Sáu, 23/11, người ta đã phát hiện các trường hợp đầu tiên ở thủ đô Bắc Kinh. Cùng ngày, hãng hàng không Hạ Môn, một hãng hàng không cỡ trung ở Trung Quốc, tuyên bố họ đã ngừng sử dụng thịt lợn trong đồ ăn trên các chuyến bay.
Vụ dịch này làm tăng thêm các thách thức đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc vào lúc họ phải vất vả đối phó với ông Trump về chính sách công nghệ của Bắc Kinh và cố gắng thúc đẩy tăng trưởng đang bị nguội đi ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Người nông dân đã thua lỗ ở các tỉnh có nghề chăn nuôi lợn trong vài tháng qua và niềm tin của họ đã bị tan vỡ”, Phòng Vĩnh Huy, chuyên gia phân tích của soozhu.com, nói. Soozhu.com là một hãng tư vấn trong ngành thịt lợn.
Chi phí chăn nuôi lợn tăng vọt sau khi Bắc Kinh trả đũa về việc ông Trump tăng thuế đánh vào hàng Trung Quốc bằng cách áp đặt thuế suất 25% đối với đậu tương nhập khẩu của Mỹ được sử dụng làm thức ăn gia súc.
Nông dân Mỹ cung cấp khoảng 1/3 lượng đậu tương nhập khẩu là 96 triệu tấn của Trung Quốc trong năm ngoái, còn các trang trại của chính Trung Quốc sản xuất khoảng 15 triệu tấn mỗi năm.
Giá đậu tương đã tăng 4 hoặc 5% mỗi tháng ở một số khu vực kể từ khi xảy ra việc trả đũa.
Kể từ ca vụ sốt lợn đầu tiên vào tháng 8, người ta cũng đã thấy có các động vật bị bệnh ở các khu vực từ tỉnh Cát Lâm ở miền đông bắc cho tới Vân Nam ven đường biên phía nam của Trung Quốc với Việt Nam.
Các nhà chức trách đã ứng phó bằng cách cấm vận chuyển tất cả các con lợn từ bất kỳ tỉnh nào có một ca bị bệnh.
Theo một quan chức Bộ Nông nghiệp, Phòng Trung Võ, chính quyền đã phát hiện 73 ổ dịch ở lợn nhà và con 1 lợn hoang bị nhiễm bệnh ở 47 thành phố ở 20 tỉnh.
Chưa rõ virus đã xâm nhập vào Trung Quốc như thế nào nhưng người ta thấy nó tương tự về mặt di truyền với các virus ở Nga, Ba Lan và Georgia, một quan chức khác có tên Hoàng Bảo cho hay. Quan chức này cho biết thêm rằng xét nghiệm di truyền cho thấy virus con lợn hoang ở tỉnh Cát Lâm không liên quan đến virus trong lợn nhà.
https://www.voatiengviet.com/a/dich-sot-o-lon-lam-tq-them-dau-dau-ve-kinh-te/4670973.html
Philippines “dính bẫy” của TQ: Hệ lụy khó lường
từ cái bắt tay trên Biển Đông
Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển dầu khí, bao gồm khu vực Biển Đông, với Trung Quốc, có thể mang lại nhiều nguy cơ cho chính Philippines và cả khu vực, chúng tôi phân tích có tham chiếu các phương tiện truyền thông Manila.
Ngày 21.11, nhiều chính trị gia Philippines đồng loạt yêu cầu chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte làm rõ toàn bộ những thỏa thuận đã ký hôm 20.11 nhân chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong đó, gây chú ý nhất là bản ghi nhớ về hợp tác phát triển dầu khí, bao gồm nhiều địa điểm ở Biển Đông.
Văn bản này không nêu chi tiết cụ thể về hợp tác nhưng người phát ngôn Văn phòng tổng thống Philippines Salvador Panelo tuyên bố bất kỳ thỏa thuận nào “cũng sẽ được kiểm soát kỹ lưỡng và không được trái với hiến pháp”. Ngoài ra, thượng nghị sĩ đối lập Antonio Trillanes công bố tài liệu được cho là dự thảo bộ khung hành động cho thỏa thuận hợp tác giữa hai nước tại Biển Đông do Trung Quốc biên soạn. Tờ The Philippine Star dẫn nội dung dự thảo viết việc thăm dò “không nên gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của hai nước” ở Biển Đông và hai bên có thể dựa trên kết quả đó để thương lượng hợp tác khai thác chung. Người phát ngôn Panelo không xác nhận về độ tin cậy của văn bản này.
Kêu gọi điều tra
Tờ Inquirer dẫn lời Phó tổng thống Philippines Leni Robredo nhấn mạnh nghĩa vụ của chính quyền là phải làm rõ những thỏa thuận với Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích gì cho đất nước vì chúng còn có hiệu lực trong nhiều năm tới.
Chiến thuật “bẻ đũa”
Trả lời phỏng vấn hôm qua, PGS Stephen Robert Nagy (ĐH Cơ đốc giáo quốc tế — Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á — Thái Bình Dương ở Canada), cảnh báo:
“Thỏa thuận đạt được với Philippines giúp Trung Quốc tiến thêm một bước để “bẻ đũa”, đàm phán song phương với Manila, né tránh giải quyết đa phương với ASEAN về Biển Đông. Khi Philippines rơi vào quỹ đạo này, tính thống nhất của ASEAN sẽ bị thách thức. Xa hơn, điều này còn giúp Trung Quốc cản trở Mỹ thực hiện chiến lược liên Ấn Độ Dương — Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Về phần mình, tiến sĩ Satoru Nagao thuộc Viện Nghiên cứu Hudson (Mỹ) cho rằng diễn biến mới là một trong các sai lầm điển hình mà ASEAN về lâu dài phải đối mặt giải quyết và Philippines đã “lãng phí những nỗ lực bao lâu nay trong việc đấu tranh chống lại tham vọng của Bắc Kinh”.
Cùng ngày, tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế — ĐH KHXH-NV TP.HCM, nhận định rằng còn cần rất nhiều bước để hiện thực hóa thỏa thuận nhưng “nếu mô hình hợp tác giữa Trung Quốc và Philippines thành công thì Trung Quốc có thể gây sức ép đối với các quốc gia khác như VN hay Malaysia chấp nhận mô hình tương tự. Nếu trường hợp đó xảy ra thì Trung Quốc có thể áp đặt một số quy tắc hợp tác khai thác chung lên các quốc gia trong khu vực theo quan điểm lợi ích của mình”.
Đánh tráo khái niệm
Cũng trả lời chúng tôi, chuyên gia Hoàng Việt, thành viên Ban Nghiên cứu luật Biển và hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư VN, cho rằng cần phải chờ nội dung cụ thể mới có thể đánh giá đúng được tác động của thỏa thuận nói trên. Tuy nhiên, ông đặc biệt cảnh báo về văn kiện được cho là dự thảo bộ khung hành động thỏa thuận hợp tác do Trung Quốc soạn thảo.
Với chủ trương này, Trung Quốc dùng luận điệu gác tranh chấp cùng khai thác nhưng thực chất là nói đến các khu vực thuộc đặc quyền kinh tế của quốc gia khác. Đây là cách đánh tráo khái niệm với mưu đồ hiện thực hóa yêu sách phi lý ở Biển Đông. Do đó, nếu Philippines chấp nhận điều này thì sẽ tạo ra tiền lệ, trở thành thắng lợi chính trị của Trung Quốc và là tiền lệ để Trung Quốc ép các nước ASEAN theo hướng này. Đó là điều rất bất lợi”, theo chuyên gia Hoàng Việt. Ông còn chỉ ra rằng điều khoản trong dự thảo nêu hợp tác “không ảnh hưởng yêu sách chủ quyền và quyền của các bên”.
Về phần mình, PGS-TS Vũ Thanh Ca, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, lại có góc nhìn khác. Theo ông, hợp tác giữa Trung Quốc và Philippines trên biển không thể đi ngược lại các quy định của Hiến pháp Philippines về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước này nên đến nay hợp tác thực chất trên biển giữa hai bên không có bất cứ tiến triển nào. Ngoài ra, Trung Quốc đang ở vào thế cực kỳ lúng túng trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ và rất cần tìm đồng minh và Philippines “đã tận dụng cơ hội này để tìm kiếm lợi ích cho mình mà không mất gì trên biển”.
Trung Quốc xây dựng phi pháp tại Hoàng Sa
Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) hôm qua công bố báo cáo kết luận Trung Quốc đã xây dựng cấu trúc phi pháp mới trên Đá Bông Bay thuộc nhóm đảo An Vĩnh, quần đảo Hoàng Sa của VN, theo tờ The Philippine Star. Báo cáo dẫn lại hình ảnh chụp từ vệ tinh hồi tháng 7 cho thấy cấu trúc phi pháp mới có kích thước 27,5 m x 12 m.
Đài Loan bầu cử địa phương,
đối mặt với sức ép từ Bắc Kinh
Ngày 24/11/2018, Đài Loan tổ chức bầu cử địa phương cùng với nhiều cuộc trưng cầu dân ý. Đây là bài trắc nghiệm về mức độ tín nhiệm đối với đảng Dân Tiến, vốn ủng hộ độc lập, đảng của tổng thống Thái Anh Văn, trước sức ép ngày càng gia tăng từ Trung Quốc và trước những lời chỉ trích về việc chương trình cải cách của chính phủ bị chậm lại.
Theo Reuters, cử tri Đài Loan sẽ đi bầu lại hơn 11.000 dân cử từ các đô thị, quận huyện, thị trấn và làng mạc. Thành phố Cao Hùng là một địa bàn quan trọng đối với đảng Dân Tiến đang cầm quyền.
Chính quyền Đài Bắc nhiều lần tuyên bố Bắc Kinh tìm cách tác động đến kết quả bầu cử qua việc « hăm dọa chính trị » và « tung tin giả ». Trong bài xã luận ngày 23/11, tờ Global Times, phiên bản tiếng Anh của tờ Hoàn Cầu Thời Báo, viết rằng chính phủ Đài Loan « kiếm phiếu bằng cách kích động người dân hận thù Trung Hoa lục địa ».
Song song với bầu cử địa phương, 10 cuộc trưng cầu dân ý về các chủ đề khác nhau cũng được tổ chức trong ngày 24/11 : đổi tên gọi của đoàn vận động viên Đài Loan tham gia Thế Vận Hội Tokyo năm 2020 thay vì thi đấu dưới mầu cờ « Đài Bắc Trung Quốc » ; hôn nhân đồng tính – một chủ đề gây chia rẽ Đài Loan…
Theo AFP, các nhà bảo vệ người đồng tính lo ngại chính phủ lùi bước trước sức ép của phe bảo thủ. Tháng 05/2017, Tòa Bảo Hiến Đài Loan ra sắc lệnh cho phép hôn nhân giữa hai người đồng giới và cho chính phủ hai năm để triển khai. Nhưng kể từ đó, chính phủ vẫn chưa ra quyết định về vấn đề này.
Để kết quả được ghi nhận, một cuộc trưng cầu dân ý phải thu được ít nhất 25% phiếu « thuận » trên tổng số 19,75 triệu người ghi danh.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181123-dai-loan-to-chuc-bau-cu-dia-phuong-doi-mat-voi-suc-ep-tu-bac-kinh
Lần đầu tiên hai nước Triều Tiên
nối liền bằng đường bộ
Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc hôm qua 22/11/2018 loan báo, lần đầu tiên kể từ 14 năm qua, hai nước Triều Tiên được nối kết bằng đường bộ tại khu vực biên giới. Đây là động thái hòa giải mới nhất giữa Seoul và Bình Nhưỡng.
Con đường đất nện rộng 12 mét không chạy ra khỏi vùng phi quân sự (DMZ) chia đôi hai miền Nam Bắc, hai nước Triều Tiên mỗi bên làm một đoạn đường tại Cheonrwon trong khu vực này. Dự kiến sang năm con đường mới sẽ phục vụ cho các hoạt động tìm kiếm hài cốt các nạn nhân cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Các công sự tại khu vực Bàn Môn Điếm cũng được phá hủy.
Đây là một trong những cam kết giữa tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un trong cuộc họp thượng đỉnh lần thứ ba tại Bình Nhưỡng hồi tháng Chín.
Bên cạnh đó, hôm nay, hai nước Triều Tiên cũng bàn bạc về việc hiện đại hóa những tuyến cáp ngầm tại Bàn Môn Điếm, để thiết lập đường dây điện thoại trực tiếp và các đường truyền thông tin khác. Những đường dây cáp bằng đồng sẽ được thay bằng cáp quang. Tuy nhiên, đôi bên cho biết vẫn tôn trọng biện pháp trừng phạt liên quan của Liên Hiệp Quốc. Hồi đầu năm, Liên Hiệp Quốc đã đặc cách cho Hàn Quốc được cung cấp cáp quang và các thiết bị khác để thiết lập đường dây liên lạc về quân sự.
Trong khi đó, trang web tuyên truyền của Bắc Triều Tiên Uriminzokkiri hôm nay tố cáo Hoa Kỳ có « hành động vô nhân đạo » khi áp đặt trừng phạt lên các loại đồ dùng học tập và đồ chơi trẻ em. Bài viết được đăng vào thời điểm kỷ niệm 29 năm ngày thông qua Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em (ngày 20/11).
Về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, chính quyền Seoul và Washington có quan điểm khác nhau. Trong khi ông Moon không muốn cô lập Bắc Triều Tiên, thì Mỹ nhấn mạnh cần phải duy trì áp lực cho đến khi đạt được mục tiêu. Hôm qua Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cảnh báo Bắc Triều Tiên dường như vẫn tiếp tục triển khai hoạt động tại các địa điểm nguyên tử chính.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181123-lan-dau-tien-hai-nuoc-trieu-tien-noi-lien-bang-duong-bo
Chiến binh Balochistan
coi đầu tư Trung Quốc ‘là áp bức’
Vụ tấn công vào Lãnh sự quán Trung Quốc ở Pakistan xảy ra lúc 09:30 giờ địa phương (11:30 giờ Hà Nội).
Ba tay súng tấn công, hai cảnh sát Pakistan và hai người nữa bị giết.
Cả 21 nhân viên ngoại giao Trung Quốc trong lãnh sự quán đều an toàn.
Nhóm chiến binh ly khai Quân đội Giải phóng Balochistan (Balochistan Liberation Army), phản đối các dự án đầu tư của Trung Quốc ở vùng Tây Pakistan, đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
Quân đội Uganda bảo vệ doanh nghiệp TQ
APEC: Trung Quốc muốn gì ở Thái Bình Dương
Nhiều quốc gia đang ‘cưỡng lại’ Trung Quốc?
Pakistan: 20 người bị giết ở đền thờ Punjab
“Chúng tôi coi người Trung Quốc như kẻ áp bức, cùng với các lực lượng Pakistan,” phát ngôn viên của nhóm nói với hãng tin AFP.
Những người nổi dậy Balochistan cũng cáo buộc Trung Quốc “cướp” tài nguyên của họ.
Trong những năm qua, các dự án xây dựng và công nhân Trung Quốc ở Balochistan nhiều lần trở thành mục tiêu tấn công của những nhóm chiến binh.
Nhưng hôm 23/11, lần đầu tiên một cơ quan đại diện ngoại giao của Trung Quốc tại Pakistan bị tấn công.
Balochistan nằm ngay trong vùng có dự án đầy tham vọng của Trung Quốc là Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC).
Đây là chuỗi đầu tư khổng lồ của Trung Quốc vào các dự án giao thông và năng lượng và phát triển cảng biển sâu để liên kết phía tây tỉnh Tân Cương với cảng Gwadar của Balochistan.
Balochistan là khu vực dân cư thưa thớt, giàu trữ lượng khí đốt và than đá, cũng như khoáng sản đồng và vàng.
Tuy nhiên, đây vẫn là vùng nghèo nhất ở Pakistan và người Baloch từ lâu đã cáo buộc chính quyền trung ương khai thác và phủ nhận quyền sở hữu khoáng sản của họ.
Asif Farooqi của BBC Urdu giải thích thêm về vấn đề này:
“Gas được sử dụng trong mọi gia đình ở Pakistan nhưng nhiều hộ gia đình ở Balochistan lại không có để sử dụng. Điều đáng nói là gas theo cách gọi của người Pakistan là Sui Gas, tức là được đặt tên theo vùng Sui thuộc Balochistan – là nơi khai thác gas.”
“Do sự thiếu thốn này, sự chống đối có thể dễ hiểu khi mà đây là nơi nguồn tài nguyên được khai thác nhưng người dân lại chỉ nhận được một phần nhỏ trong đó.
“Giới quan sát chính trị Pakistan không cho rằng người dân Balochistan sẽ phải đối mặt với vấn đề tương tự cùng với CPEC.
“Nhưng những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Balochistan nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng CPEC, mà Trung Quốc và chính quyền liên bang đang chiếm tài nguyên của họ.
“Và dân địa phương không có cơ hội để tận dụng tài nguyên của họ. Đó là lý do tại sao nhóm nổi dậy Balochistan gọi CPEC là kế hoạch chiếm dụng tài nguyên của họ.”
Nhóm chiến binh Balochistan cảnh báo chính phủ Trung Quốc nên chấm dứt tiếp quản tài nguyên thiên nhiên và đất đai của Balochistan dưới vỏ bọc CPEC nếu không nó sẽ tiếp tục là mục tiêu tấn công.
Con đường dẫn tới ‘đặc khu Vân Đồn’
Từ Biển Đông đến Một Vành đai của TQ
TQ: Bẫy nợ là ‘thuyết âm mưu của Phương Tây’
‘Xa lộ Tự do’ đối trọng ‘Một Vành đai’ của TQ?
Trung Quốc là đồng minh thân cận của Pakistan và đã đổ hàng tỷ USD vào quốc gia này. Vụ tấn công khiến giới chức Pakistan vô cùng lo lắng vì muốn hy vọng đầu tư của Trung Quốc giúp tạo thay đổi lớn, phóng viên Secunder Kermani của BBC tại Islamabad nhận định.
Năm 2015, Trung Quốc công bố kế hoạch đầu tư 46 tỷ USD vào Pakistan, tập trung chủ yếu vào hành lang kinh tế từ Gwadar ở Pakistan tới Kashgar thuộc vùng Tân Cương của Trung Quốc.
Cùng ngày 23/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ, ông Cảnh Sảng đã lên án vụ tấn công tại Karachi.