Đọc báo Pháp – 22/11/2018
Pháp thu hút nhiều đầu tư nước ngoài :
Bước ngoặt thời tổng thống Macron
Hấp lực của nước Pháp đối với giới đầu tư nước ngoài là đề tài được nhiều báo Pháp hôm nay quan tâm bàn luận, nhân dịp vài trăm lãnh đạo chi nhánh Pháp của các doanh nghiệp nước ngoài họp tại Paris, để tổng kết về sức hút của Pháp trên trường quốc tế và đưa ra các đề xuất với chính phủ để nâng cao hơn nữa sức thu hút của Pháp.
Báo Le Figaro nhận định « Pháp chưa bao giờ có hình ảnh đẹp đến như vậy ở nước ngoài ».Nước Pháp đã có « một bước ngoặt thực sự » kể từ khi Emmanuel Macron đắc cử tổng thống cách nay 18 tháng. Vào năm 2016, chỉ có 27% lãnh đạo chi nhánh Pháp của các doanh nghiệp nước ngoài nhận định công ty mẹ mang hình ảnh tích cực về nước Pháp, con số này tăng lên thành 44% vào năm 2017 và 67% trong năm 2018.
Còn báo kinh tế Les Echos cho biết « Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm đến Pháp ». Theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến do IPSOS thực hiện, 74% số doanh nghiệp nước ngoài cho rằng « nước Pháp hấp dẫn ». Ba phần tư số người được hỏi đánh giá tích cực về giai đoạn đầu trong nhiệm kỳ của tổng thống Emmanuel Macron. Nhiều chủ doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao một số cải cách của tổng thống, chẳng hạn quy định giảm thuế doanh nghiệp.
Cơ quan tư vấn Thương mại và Đầu tư Pháp Business France cũng thực hiện một thăm dò ý kiến nhắm vào các lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài đang làm việc tại Pháp, theo đó 82% số người được hỏi nhận định « Pháp là một nước cần phải đầu tư vào », 83% đánh giá Pháp « bắt đầu nhiều cải cách để hiện đại hóa nền kinh tế ».
Còn trong bài trả lời phỏng vấn của báo Les Echos, ông Christophe Le Courtier, tổng giám đốc Business France khẳng định Pháp đã trở lại cuộc đua thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đang « bám sát » Đức và có thể sắp « đuổi kịp » Anh Quốc, quốc gia hiện đang dẫn đầu châu Âu về thu hút đầu tư nước ngoài. Với Brexit, làn sóng đầu tiên gồm các doanh nghiệp nước ngoài đã tới Pháp, tạo ra 3.000 – 4.000 việc làm.
Trong bài viết « Nước Pháp củng cố hấp lực ở nước ngoài », báo La Croix cũng nhấn mạnh là bối cảnh quốc tế cũng mang lại lợi thế cho nước Pháp : Brexit sẽ củng cố hình ảnh của Pháp trên trường quốc tế, khuynh hướng dân túy đang lên ở nhiều nước cho thấy ở Pháp có sự ổn định vốn đang trở nên hiếm hoi tại châu Âu.
La Croix còn trích dẫn Business France theo đó, Pháp đang xây dựng hình ảnh dựa trên bốn cột trụ : nền kinh tế cởi mở, sự năng động trong sáng chế, văn hóa doanh nghiệp và một nền công nghiệp đang hướng tới các công nghệ mới.
Bạo lực : Năm đen tối đối với nữ giới
Vẫn liên quan đến nước Pháp, nhưng trên lĩnh vực xã hội, báo Le Figaro nói về « Bạo lực : Năm đen tối đối với nữ giới ». Số vụ trình báo tăng 23% trong năm 2018, nhưng trong giai đoạn 2007-2017, số phiên tòa xử các vụ hiếp dâm lại giảm tới 40%. Hai phần ba số vụ không được xét xử vì bị cho rằng không đủ chứng cớ.
Theo báo cáo ngày 21/11/2018 của nhóm công tác liên bộ về bảo vệ phụ nữ trước nạn bạo lực và đấu tranh chống nạn buôn người (Miprof), năm 2017, tại Pháp, 93% số phụ nữ báo cáo bị bạo hành là nạn nhân của bạo lực trong gia đình. Còn theo số liệu của Viện Thống Kê Pháp (Insee), có 219.000 phụ nữ bị hành hạ về thể xác và tình dục, 3/4 số nạn nhân bị bạn đời bạo hành nhiều lần. Trong khi đó, theo Cảnh Sát Pháp, 50% số nạn nhân bị hiếp dâm hoặc bị tấn công tình dục là trẻ vị thành niên, trong đó 80% là các em gái.
Nhưng từ tháng 10/2017, khi phòng trào #MeToo bắt đầu, số vụ tiết lộ với cảnh sát và qua đường dây nóng « Bạo lực – Phụ nữ – Thông tin » về bạo lực tình dục đã tăng. Trong quý 3/2017, số cuộc gọi báo về bạo lực tình dục ngoài gia đình đã tăng gấp đôi so với năm 2016.
Giáo dục : Tranh cãi về đề xuất tăng học phí
đối với du học sinh nước ngoài tại Pháp
Trên lĩnh vực giáo dục, chuyên mục tranh luận và phân tích trên báo Le Monde dành nhiều bài viết để bàn luận đề xuất của thủ tướng Pháp Edouard Philippe, liên quan tới việc tăng học phí đối với sinh viên ngoài Châu Âu du học tại Pháp.
Hiện nay, Pháp là nước thu hút du học sinh quốc tế nhiều thứ tư trên thế giới. Cũng như sinh viên Pháp, sinh viên các nước ngoài Châu Âu chỉ phải đóng phí ghi danh rất thấp : 170 euro/năm đối với sinh viên đại học, 243 euro cho một năm học thạc sĩ. Thế nhưng, mới đây, thủ tướng Pháp đã đề xuất tăng học phí lên thành 2.770 euro và 3.770 euro/năm. Đề xuất này gây nhiều ý kiến trái chiều.
Ông Jean-Pascal Gayant, giáo sư Khoa học Kinh tế thuộc đại học Mans ủng hộ đề xuất của thủ tướng Pháp. Theo ông, việc học phí quá thấp khiến giáo dục đại học Pháp bị nhìn nhận là có chất lượng kém, đồng thời việc sinh viên ngoại quốc đóng phí ghi danh thấp trong khi sinh viên Pháp sang nhiều nước du học lại phải đóng học phí rất cao là bất công. Một bất công khác là chính sách cho sinh viên nước ngoài được hưởng học phí thấp đang đánh vào thuế của người dân Pháp. Giáo sư Gayant cho rằng chi phí thực sự để đào tạo một sinh viên phải là 10.000 euro/năm. Nguồn thu mới sẽ giúp cho các trường đại học của Pháp thực hiện tốt hơn công tác giảng dạy và nghiên cứu.
Trong khi đó, nhà báo người Brazil thuộc kênh truyền hình Pháp France 24, Augusta Lunardi, từng là du học sinh tại Pháp, trong một bức thư gửi thủ tướng đã hỏi « Edouard Philippe, ông có biết thực tế cuộc sống của một sinh viên nước ngoài tại Pháp ? » và nhấn mạnh đến những khó khăn vất vả của du học sinh nước ngoài tại Pháp : thủ tục hành chính, việc thuê chỗ ở, tìm học bổng, tìm việc làm thêm … Phóng viên Lunardi dự báo việc tăng học phí sẽ ngăn cản hàng chục ngàn thanh niên nước ngoài đến Pháp học tập.
Còn nhà xã hội học Eric Fassin, giáo sư trường Paris VIII và triết gia Bertrand Guillarme thì cho rằng chính sách mới của chính phủ Pháp sẽ làm gia tăng bất bình đẳng giữa các sinh viên nước ngoài. Thu hút con em các gia đình giàu tới Pháp học có cũng có nghĩa là « xua đuổi » các thanh niên có hoàn cảnh khó khăn vì 45% du học sinh nước ngoài tại Pháp tới từ châu Phi.
Hai nhà nghiên cứu còn cho rằng cải cách học phí tạo sự bất bình đẳng giữa sinh viên nước ngoài và cả sự bất bình đẳng giữa các trường đại học. Cuối cùng, sự tăng học phí ban đầu chỉ nhắm sinh viên ngoại quốc, nhưng sau này chắc chắn sẽ được áp dụng cho cả sinh viên Pháp, đào sâu bất bình đẳng giàu nghèo trong xã hội. Hai tác giả kết luận bắt sinh viên đóng học phí cao có nghĩa là Nhà nước từ chối đầu tư cho tương lai.
Ả Rập Xê Út :
Các nhà đấu tranh nữ quyền dưới đòn tra tấn
Nhìn sang Trung Đông, trên trang Quốc Tế, báo Le Monde nói về « Các nhà đấu tranh nữ quyền Ả Rập Xê Út dưới đòn tra tấn ». Từ tháng 05 đến tháng 07/2018, ngay trước và sau khi hoàng thái tử Ả Rập Xê Út Mohamed Ben Salmane cho phép phụ nữ lái xe, một quyết định được nhiều người coi là biểu tượng của chương trình cải cách xã hội của vị thái tử trẻ tuổi, nhiều nhà tranh đấu cho nữ quyền nổi tiếng nhất, đi tiên phong trong lĩnh vực này tại Ả Rập Xê Út lần lượt bị lực lượng an ninh bắt giam. Bốn trong số những người nhiều tuổi nhất đã được thả, chín người khác đang bị giam giữ trong nhà tù ở Djedda, miền tây nước này.
Trước đó, những nhà tiên phong về đấu tranh nữ quyền còn bị chính quyền Riyad cấm phát biểu trên các phương tiện truyền thông. Đây được các nhà quan sát coi là biện pháp của chính quyền để phủ nhận vai trò của các nhà tranh đấu tranh trong « bước tiến lịch sử » tại Ả Rập Xê Út, cản trở những người phụ nữ can đảm muốn « ngáng chân » chính quyền, và cũng là để đấu dịu với phe bảo thủ vốn khi đó đang khó chịu về quyết định của hoàng tộc cho phép phụ nữ lái xe.
Báo chí nhà nước Ả Rập Xê Út gọi họ là những « kẻ phản bội », « tay sai cho các đại sứ quán nước ngoài ». Trong khi đó, hồi tháng 10/2018, hoàng thái tử Ben Salmane tố cáo các nhà tranh đấu này là « gián điệp », có liên hệ với cơ quan tình báo Iran và Qatar, hai nước mà Riyad căm ghét nhất. Tuy nhiên, cho tới nay, vẫn không có nhà tranh đấu nào chính thức bị kết án.
Trong khi đó, ba nguồn tin thân cận với chín nhà đấu tranh đang bị giam giữ cho báo Le Monde biết là những người phụ nữ này bị đối xử rất tệ, không được luật sư bảo vệ, người nhà không được tới thăm, thậm chí họ còn bị đánh đập, chích điện, tấn công tình dục … Có người đã nghĩ tới tự sát.
Hồi đầu tháng 10/2018, phát biểu trước các nhà báo của Bloomberg, hoàng thái tử Ben Salmane đã phủ nhận hoàn toàn trách nhiệm của hoàng tộc trong vụ lạm dụng quyền hạn để bắt giam các nhà đấu tranh nữ quyền, cũng tương tự như khi ông phủ nhận trách nhiệm trong vụ sát hại nhà báo đối lập Jama Khashoggi trong tòa lãnh sự của Riyad tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Colombia : Hòa bình vẫn bị đe dọa
Liên quan đến châu Mỹ, báo công giáo La Croix nói tới « Hòa bình chỉ là tương đối ở Colombia ». Ngày 24/11/2018 là kỷ niệm tròn hai năm chính phủ Colombia và lực lượng vũ trang Farc ký thỏa thuận hòa bình. Tuy nhiên, thông tín viên báo La Croix tại Colombia cho biết chưa bao giờ hòa bình tại quốc gia này có nguy cơ bị đe dọa như hiện nay. Bạo lực ở một số vùng lại bùng phát, sản xuất ma túy tăng mạnh và việc tái hòa nhập của các cựu du kích Farc gặp nhiều khó khăn.
Trong hai năm qua, 350 nhà đấu tranh xã hội đã bị sát hại, con số cao chưa từng có. Nhưng các cuộc điều tra của Tư Pháp vẫn giậm chân tại chỗ vì thiếu phương tiện hoặc vì chính quyền không quyết tâm giải quyết. Ở các vùng nông thôn, một cuộc chiến vô hình và lặng lẽ vẫn đang tiếp diễn, bạo lực tăng mạnh, nhất là ở các khu vực mà lực lượng du kích Farc đã rút lui. Một nhà xã hội học ở Medellin cho biết xung đột với Farc đã chấm dứt, nhưng các nhóm du kích khác và các cuộc xung đột khác lại nảy sinh và ngày càng được củng cố. Nguy cơ hậu xung đột, có thể còn nhiều bạo lực hơn cả trong cuộc chiến với du kích Farc, là có thật.
Tại vùng Catatumbo, sát biên giới với Venezuela, hai nhóm du kích ELN và EPL đang đối đầu trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát vùng sản xuất ma túy. Theo Liên Hiệp Quốc, 9.000 người đã phải chuyển đến nơi khác. Và bạo lực dường như còn lâu mới được giải quyết, vì nạn buôn bán ma túy chưa bao giờ nở rộ như hiện nay. Theo Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hiệp Quốc (ONUDC), Colombia vẫn là quốc gia chính điều chế cocain trên thế giới và trong năm 2017, tỉ lệ trồng cây thuốc phiện ở nước này tăng 17%.
Trang nhất các báo Pháp
Trang nhất các báo Pháp hôm nay dàn trải trên nhiều lĩnh vực. Báo Le Monde quan tâm đến cải cách giáo dục tại Pháp và đặt câu hỏi « Các chương trình học mới sẽ vẽ lại hình ảnh trường trung học phổ thông như thế nào ? ». Báo Le Figaro lại hướng độc giả đến « Sinh thái : một vấn đề nan giải cho chiến lược của tổng thống Macron ». Còn báo La Croix chạy tít « Nghệ thuật châu Phi, con đường trở về », để nói tới việc nước Pháp đang bàn luận về việc trả lại cho châu Phi hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật Pháp đang giữ.
Nhìn rộng ra châu Âu, báo kinh tế Les Echos chạy tít « Bruxelles siết chặt quả đấm thép với Ý » về ngân sách. Trong khi đó, báo Libération hướng sang Trung Đông qua hàng tít lớn « Syria và Irak : cuộc tàn sát dân thường», trên nền bức ảnh chụp những túi lớn chứa thi thể các nạn nhân.
Tin đọc nhanh
(Reuters) – Biển Đông : Việt Nam đòi Trung Quốc chấm dứt xây dựng mới ở Hoàng Sa.
Theo phó phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà ngày 22/11/2018, việc Trung Quốc vừa xây dựng một cơ sở mới trên đá Bông Bay (Bombay Reef), ở vùng quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông, đã « xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam », và Việt Nam« kiên quyết phản đối » hành động nêu trên. Bà Nguyễn Phương Trà đồng thời « yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không tái diễn những hành động tương tự, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế ». Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của mình trên cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
(AFP) – Brexit : Liên Hiệp Châu Âu và Anh đạt được một thỏa thuận tạm thời.
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Donald Tusk ngày 22/11/2018 cho biết thỏa thuận tạm thời đạt được có hình thức « tuyên bố chính trị ». Tuyên bố sẽ phải được thông qua trong cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt, diễn ra vào Chủ nhật tới đây. Văn bản này sẽ giúp các nhà thương lượng ấn định một khung mới cho các cuộc thương lượng sau khi Anh quốc rời Liên Hiệp Châu Âu.
(AFP) – Tây Ban Nha lên án phong trào « Áo gilet vàng » tại Pháp.
Ngoại trưởng Tây Ban Nha ngày 22/11/2018 cho rằng dựng rào cản ngăn chận giao thông của phong trào này tại Pháp đã làm đảo lộn giao thông tại vùng biên giới giữa hai nước. Hành động này gây thiệt hại cho các hãng vận chuyển hàng hóa phải đi qua biên giới nước Pháp mỗi ngày, cản trở tự do lưu thông hàng hóa.
(AFP) – Một cựu quân nhân Guatemala lãnh án hơn 5.000 năm tù.
Ông Santos Lopez, năm nay khoảng 60 tuổi, đã bị kết án chính xác là 5.160 năm tù về tội thảm sát 201 nông dân ở một ngôi làng ở miền bắc Guatemala vào năm 1982, thời quốc gia này còn bị nội chiến. Khung hình phạt là 30 năm tù về tội sát nhân cho mỗi người trong số 171 nạn nhân, mà tòa án đã xét rằng bị cáo là « thủ phạm », cộng với 30 năm nữa vì tội ác chống nhân loại trong vụ bắt cóc và sát hại một thợ mỏ đã chạy thoát khỏi vụ thảm sát. Tuy nhiên, hình phạt 5.160 năm tù chỉ mang tính chất tượng trưng vì tại Guatemala, thời gian thọ án tối đa chỉ là 50 năm.
(AFP) – Ngoại trưởng Maldives sắp đi Bắc Kinh để khất nợ. T
heo một số quan chức Maldives hôm 21/11/2018, ngoại trưởng đảo quốc này Abdulla Shahid, sẽ đi thăm Bắc Kinh trước cuối năm 2018, với mục tiêu đàm phán lại các món nợ vay của Trung Quốc. Vào thời tổng thống Maldives tiền nhiệm Abdulla Yameen, nổi tiếng thân Bắc Kinh, Trung Quốc đã cho Maldives vay hàng tỉ đô la trong nhiều dự án. Chính phủ Maldives của tân tổng thống Ibrahim Mohamed Solih đã kêu gọi xem xét lại các dự án được Trung Quốc tài trợ. Cựu Tổng thống Mohamed Nasheed, hiện là cố vấn của ông Solih, đã cáo buộc Trung Quốc chiếm hữu đất đai tại quần đảo chiến lược này ở vùng Ấn Độ Dương, và tố cáo tính chất một chiều, chỉ lợi cho Trung Quốc, của hiệp định thương mại tự do đã đồng ý với Bắc Kinh dưới thời cựu tổng thống Yameen.