Tin Việt Nam – 20/11/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 20/11/2018

Phiên xử Huỳnh Thục Vy bất ngờ dời ngày

vì Kiểm sát viên bận

Sáng ngày 20/11, một ngày trước phiên xử sơ thẩm nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy với cáo buộc “xúc phạm quốc kỳ”, TAND thị xã Buôn Hồ bất ngờ ra thông báo dời thời gian và địa điểm xét xử với lý do trụ sở đang sửa chữa và Kiểm sát viên bận đột xuất không thể thay thế.

thông báo của tòa án nhân dân thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk nêu rõ: “… Do trụ sở Tòa án đang được sửa chữa, không đảm bảo các điều kiện để tổ chức việc xét xử, đồng thời Kiểm sát viên tham gia phiên tòa bận công tác đột xuất, không có Kiểm sát viên thay thế nên không thể mở phiên tòa vào thời gian và địa điểm ấn định”,

Theo thông báo, phiên tòa sẽ được dời tới Hội trường trụ sở Ủy ban nhân dân phường An Bình, thị xã Buôn Hồ vào 13 giờ 30 phút ngày 30/11/2018.

Cô Huỳnh Thục Vy, sinh năm 1985 là một blogger và là một trong những thành viên sáng lập của Hội Phụ nữ Nhân quyền hiện đang sống ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lak.

Vào ngày 9/8 cô bị công an bắt giữ 1 ngày với quy kết tội xịt sơn lên lá cờ đỏ sao vàng và cô cũng thừa nhận mình là người xịt sơn để biểu đạt quan điểm của bản thân phản đối chính quyền Việt Nam hiện nay.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/huynh-thuc-vy-trial-postponed-11202018081201.html

 

Tổ chức HRW kêu gọi dừng đàn áp Huỳnh Thục Vy

Tòa án Buôn Hồ vừa thông báo chuyển địa điểm và thời gian diễn ra phiên tòa xét xử nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy, theo thông tin trên Facebook nhà hoạt động.

Phiên tòa dự kiến diễn ra hôm 22/11 tại Tòa án nhân dân thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk sẽ chuyển sang Hội trường trụ sở Ủy ban nhân dân phường An Bình, thị xã Buôn Hồ và hôm 30/11, theo thông báo của tòa hôm 20/11.

Nếu bị kết án, nhà nữ hoạt động 33 tuổi sẽ phải đối mặt với 3 năm tù giam vì tội “Xúc phạm quốc kỳ” theo Điều 276 thuộc Bộ luật hình sự năm 1999.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền vừa ra thông cáo kêu gọi phía Việt Nam bỏ các cáo buộc hình sự đối với bà Vy.

Huỳnh Thục Vy – chuyện từ buôn làng

Blogger Huỳnh Thục Vy bị khởi tố

“Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã tìm mọi lý do để trừng phạt Huỳnh Thục Vy vì sự đấu tranh không mệt mỏi cho nhân quyền và dân chủ của cô, và tuyệt vọng đến mức giới chức giờ phải vin vào sự việc tạt sơn lên lá cờ,” Phó giám đốc khu vực châu Á của HRW Phil Robertson viết.

“Việc đặt một biểu tượng quốc gia lên trên quyền lợi của dân tộc là sai lầm.”

“Việc đưa Huỳnh Thúc Vy ra tòa và cuối cùng là vào chốn lao tù cho thấy Việt Nam rất tuyệt vọng trong việc ngăn chặn các nhà hoạt động để hạn chế ảnh hưởng của họ đối với xã hội và chính trị,” Robertson nói.

“EU và các nhà tài trợ nước ngoài và các đối tác thương mại khác nên kêu gọi Việt Nam và yêu cầu họ thực hiện các cam kết cải thiện hồ sơ nhân quyền dài vô tận của họ nếu muốn có các mối quan hệ chính trị và kinh tế tốt hơn,” ông Robertson nói thêm.

Trước ngày Quốc Khánh 2017, nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy đăng lên trang Facebook cá nhân hình lá cờ đỏ sao vàng bị dính vết sơn trắng, với dòng chú thích: “Quốc gia Khánh tận! Có chi mà Lễ với Lạc. Formosa, nhiễm độc toàn diện, ung thư, thuốc giả, tù nhân lương tâm, vi phạm nhân quyền, cận cảnh mất nước… Phản đối lễ lạc bằng cờ đỏ sơn trắng.”

Sau đó, từ tháng 10/2017, công an thị xã Buôn Hồ đã nhiều lần gửi giấy triệu tập nhưng bà Vy đều từ chối.

Đến 9/8 năm nay, vài chục công an đã đến khám xét nhà và bắt nhà nữ hoạt động về đồn. Bà Vy thừa nhận bà chính là người xịt sơn lên lá cờ. Sau 15 giờ bắt giữ thì bà được thả.

Đến 2/11, Tòa án Thị xã Buôn Hồ ký lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Vy từ 6/11 đến 1/12.

Ngày 8/11, tòa ra quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 22/11.

Hiện bà Vy đang có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, nên được tại ngoại.

Báo công an Đắk Lắk thì cho rằng bà Vy “móc nối với các phần tử xấu bên ngoài, nhiều lần trao đổi, trả lời phỏng vấn, viết bài, làm các video clip phát tán trên blog và các trang mạng xã hội với nội dung xuyên tạc, bóp méo sự thật ở Việt Nam, bôi nhọ, nói xấu Đảng, Nhà nước ta”.

Trước đó vào tháng 7/2012, bà Vy đã được trả tự do sau một ngày bị bắt giam vì tham gia biểu tình chống Trung Quốc.

Cha của bà Huỳnh Thục Vy là ông Huỳnh Ngọc Tuấn ở trong Hội tù nhân lương tâm, ông từng đi tù 10 năm từ 1992 đến 2002 theo Điều 88.

Cũng vào năm nay, bà cùng ông cha nhận được giải thưởng Hellman-Hammet, dành cho các nhà văn bị đàn áp. Khi em trai bà Huỳnh Trọng Hiếu chuẩn bị sang Mỹ nhận giải thưởng thì bị thu hồi hộ chiếu.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46272798

 

Khánh Hòa: Số người chết và mất tích

 do mưa lũ và lở đất tiếp tục tăng

Con số người chết và mất tích do mưa lũ và lở đất ở Khánh Hòa tiếp tục tăng theo thống kê mới nhất của cơ quan chức năng tỉnh này.

Truyền thông trong nước trích thông tin từ lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cho biết tính đến ngày 20/11, con số người chết đã lên 18 người và 2 người mất tích vẫn chưa tìm thấy. Hiện địa phương vẫn đang tiếp tục huy động người tìm kiếm những nạn nhân mất tích.

Ủy ban Nhân dân thành phố Nha Trang cho báo chí biết ngoài thiệt hại về người, sạt lở và mưa lũ đã làm 30 ngôi nhà theo xác định ban đầu nhưng chưa phải là con số chính xác.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vào sáng ngày 18/11, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) đã có mưa lớn dẫn đến lụt ở nhiều tuyến phố. Mưa lớn cũng khiến sạt lở núi, đất đá đổ xuống vùi dập nhiều người dân không chạy kịp.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Khanh-hoa-number-of-dead-missing-increases-11202018074158.html

 

Quảng Bình: bắt tạm giam 3 người

 mua tàu tổ chức vượt biên sang Úc

Công an tỉnh Quảng Bình vừa bắt tạm giam 3 người mua tàu tổ chức vượt biên sang Úc nhưng bị trục xuất về lại Việt Nam.

Báo Pháp Luật loan tin này ngày 20 tháng 11, trích dẫn thông tin từ phía Công an tỉnh Quảng Bình.

Theo Pháp Luật, ba người bị bắt giữ là anh Phạm Thế Nhân (35 tuổi) – chủ tàu cá QB 91269TS, anh Trần Ngọc Châu – 49 tuổi và anh Nguyễn Trung Kiên – 39 tuổi. Đoàn tàu 17 người bao gồm cả ba người vừa nói xuất phát từ Cảng Đà Nẵng vào ngày 29/7. Đến ngày 26/8, khi tàu chỉ còn cách bờ biển Úc 100 mét thì đoàn người chia làm hai nhóm đi bằng thuyền thúng vào đất liền. Tuy nhiên 17 người vẫn bị phía cảnh sát Úc phát hiện và bắt giữ, trục xuất về Việt Nam.

Tại Việt Nam, những người vượt biên trốn ra nước ngoài thường bị xử phạt dựa theo Điều 275 Bộ luật Hình sự về việc tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Mức án tù có thể từ 2 đến 7 năm đối với những người tổ chức. Đối với những người phạm tội nhiều lần, mức án có thể lên đến hơn 10 năm.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên chính phủ Hà Nội kết án tù những người vượt biên bị Úc trả về. Mặc dù trước khi trao trả những người này, phía Úc có yêu cầu Việt Nam cam kết không bỏ tù họ và tạo điều kiện cho những người ngày có công ăn việc làm.

Vào ngày 13/12/2016, Tòa án tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tuyên án 4 người tổ chức chuyến vượt biên cho 21 người sang New Zealand, nhưng bị hải quân Úc bắt được và trục xuất. Bản án thấp nhất là 18 tháng tù treo và người bị phạt nặng nhất là anh Nguyễn Giao Thông – 3 năm 6 tháng tù giam.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/detention-of-3-boat-buyers-who-crossed-the-border-to-australia-11202018081812.html

 

Tướng Phan Văn Vĩnh và lời khai về lãnh đạo

Phiên tòa xử ông Vĩnh, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, cùng tướng Nguyễn Thanh Hóa, cựu cục trưởng C50 và những “đồng phạm” trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ đang diễn ra tại Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ.

Chuyên đề về chiến dịch ‘đốt lò tham nhũng’ của ông Nguyễn Phú Trọng ở Việt Nam

Bắt cựu phó chủ tịch TPHCM Nguyễn Hữu Tín

Nguyễn Phú Trọng: ‘Người đốt lò vĩ đại’

TBT Trọng ‘đốt lò’: Mạng xã hội nói gì?

VN: Đâu là thực chất trận đồ chiến dịch ‘đốt lò’?

Bình luận diễn biến về phiên tòa xử tướng Vĩnh

Ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa bị cáo buộc tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Khung hình phạt theo quy định cho tội danh này là từ 5-10 năm tù.

Lời khai nhắc đến Đại tướng Trần Đại Quang

Bài báo ngày 19/11 trên tờ Thanh Niên nói theo cáo trạng, đầu năm 2016, ông Nguyễn Thanh Hóa trao đổi với Phan Văn Vĩnh về ý tưởng xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng và giao cho Công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) thực hiện.

Ngày 11/1/, Nguyễn Văn Dương, khi đó là Chủ tịch CNC, ký báo cáo gửi Nguyễn Thanh Hóa về “kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng”.

Ngày 7/3, Nguyễn Thanh Hoá chỉ đạo cấp dưới soạn thảo công văn để Nguyễn Thanh Hoá ký báo cáo Phan Văn Vĩnh về việc đề xuất lộ trình phát triển công ty nghiệp vụ trực thuộc Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Ngày 17/3, Nguyễn Thanh Hoá tiếp tục chỉ đạo cấp dưới soạn thảo văn bản để Phan Văn Vĩnh ký gửi Bộ trưởng Bộ Công an, đề xuất lộ trình phát triển công ty nghiệp vụ thuộc Tổng cục Cảnh sát.

Ngày 25/3, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, có bút phê: “Kính gửi anh Vương chỉ đạo, chú ý không trùng chức năng của Cục An ninh mạng”.

Ngày 29/3, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương có bút phê: “Tổng cục Cảnh sát thực hiện ý kiến của Bộ trưởng”.

“Sau đó, theo ý kiến chỉ đạo này, Tổng cục Cảnh sát thực hiện. Ngày 20.5.2016, Cục trưởng C50 là anh Nguyễn Thanh Hóa có tờ trình bị cáo với văn bản 1155. Như vậy, bị cáo khi đó là đang thực hiện theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công an”, bị cáo Vĩnh khai trước tòa, theo tờ Thanh Niên.

Hôm 20/11, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế giới Luật pháp, nói với BBC: “Chúng ta không rõ nội dung đầy đủ của bút phê của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang này là gì, nó có bao gồm cả việc đường hướng xử lý vụ việc hay không.”

“Nếu bút phê của ông Trần Đại Quang khi đó thể hiện rõ đường hướng xử lý và giao cho Thứ trưởng Lê Quý Vương phụ trách và chỉ đạo thực hiện thì đúng là đã có chỉ đạo của Bộ trưởng Quang.”

“Còn nếu bút phê chỉ thể hiện nội dung giao Thứ trưởng Lê Quý Vương chỉ đạo thì cần làm rõ nội dung chỉ đạo của Thứ trưởng Vương.”

‘Bỏ lọt tội danh Nhận hối lộ’

Luật sư Phùng Thanh Sơn cũng bình luận thêm: “Tôi thấy có dấu hiệu của việc bỏ lọt tội danh ‘Nhận hối lộ’ đối với ông Vĩnh.”

“Với lời khai của ông Nguyễn Văn Dương, cựu Chủ tịch CNC, là đã đưa cho ông Vĩnh hàng chục tỷ đồng và hàng triệu đô la, đồng hồ Rolex trị giá 1,1 tỷ đồng và thực tế ông Vĩnh đang sử dụng đồng hồ Rolex thì ai cũng biết thì vụ việc có dấu hiệu của tội nhận hối lộ.”

“Nhưng không rõ vì lý do gì mà tội danh đó không được đưa ra. Cơ quan điều tra phải sử dụng các nghiệp vụ của mình để điều tra, xác minh xem lời khai của ông Dương có đúng sự thật hay không.”

“Cơ quan điều tra không thể trông chờ vào sự thừa nhận của bị can nói chung và ông Vĩnh nói riêng.”

“Là tổng cục trưởng tổng cục cảnh sát thì ông Vĩnh thừa biết phải làm gì để không để lại dấu vết.”

“Và không ai đưa và nhận hối lộ mà có ký nhận cả, nên cơ quan điều tra không thể nói đơn giản là “không có bằng chứng chứng minh việc ông Vĩnh nhận tiền của ông Dương và ông Vĩnh cũng không thừa nhận việc nhận tiền” để không khởi tố ông Vĩnh về tội ‘Nhận hối lộ’.

“Cái mà người dân muốn biết là cơ quan điều tra đã làm những gì để đi đến kết luận đó. Bởi thực tế ở Việt Nam có bao nhiêu doanh nghiệp có thể sống được mà không chung chi?”

“Nếu nói một doanh nghiệp doanh thu bất hợp pháp hàng ngàn tỷ đồng mà không chung chi cho cơ quan quản lý Nhà nước thì rất khó tin.”

“Cái bất cập pháp luật hiện nay của Bộ luật Tố tụng Hình sự là không quy định rõ là trước khi đi đến kết luận có hành vi tội phạm hay không thì cơ quan điều tra phải thực hiện những bước nghiệp vụ cần thiết nào. Nên trên thực tế, chúng ta không biết được việc “không có dấu hiệu tội phạm” là do cơ quan điều tra không tiến hành điều tra hay là đã tiến hành điều tra và thực hiện tất cả các biện pháp nghiệp vụ nhưng vẫn không xác định được hành vi phạm tội.”

‘Giá trị lời khai’

Cùng ngày, nói với BBC từ Hà Nội, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, cựu Vụ trưởng Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng, bình luận: “Lời khai của tướng Vĩnh cho thấy sự bầy hầy, nhem nhuốc của những người tiếm chức tiếm quyền.”

“Cho nên, tôi thấy giá trị của những lời khai trong phiên tòa này là làm cho dư luận xã hội thấy và lên án những người lợi dụng chức vụ, quyền lực để tư lợi cho bản thân, gia đình thì nhiều, làm việc lợi cho dân thì ít.”

“Những người này có thể tạo nên một công ty vỏ bọc của một tổng cục công an để kiếm chác.”

“Và dường như không chỉ những vị phải ra tòa mà còn là những người khác trong hệ thống.”

“Phiên tòa còn cho thấy người dân không dám can dự vào công việc của ngành công an.”

“Vấn đề là phiên tòa này sẽ kết thúc với phán quyết thế nào, có khiến cho người ta tin rằng Việt Nam có nền tư pháp thật sự, những quan tòa có nhân cách và dũng khí hay không?”

Mạng xã hội nói gì?

Trên Facebook cá nhân, phóng viên Nguyễn Hoài Nam nhận định: “Bị cáo Phan Văn Vĩnh khai thực hiện theo chỉ đạo của đại tướng Trần Đại Quang.”

Nhà báo Huy Đức nhận xét: “Chỉ sau một ngày thẩm vấn, dân chúng đủ thấy rõ rằng, CNC không phải là “công ty bình phong” cho C50 mà C50 – Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao – là bình phong cho CNC. Tội phạm (đánh bạc nghìn tỷ) cũng không diễn ra bởi sự tha hoá của các cá nhân đơn lẻ. Nó được “báo cáo”, “bút phê” từ người lãnh đạo cao nhất của Ngành lúc đó.”

Các mốc chính trong vụ này

30/9/2011, ông Nguyễn Văn Dương thành lập Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC).

10/10/2011, ông Nguyễn Văn Dương và ông Nguyễn Thanh Hóa ký bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh giữa CNC và C50 của Bộ Công an. Theo đó, CNC hưởng 80% lợi nhuận, C50 20%.

Giữa năm 2015, hai ông Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam (nguyên chủ tịch HĐQT VTC Online) tung ra cổng game Rikvip/Tip.club, thu hút 43.000 người tham gia đánh bạc.

20/5/2016, ông Phan Văn Vĩnh ký công văn gửi Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị cấp phép cho CNC, hợp thức hóa cổng game Rikvip và 23zdo.

11/3/2018, ông Hóa bị khởi tố, bắt tạm giam và bị tước danh hiệu Công an Nhân dân.

5/4/2018, ông Vĩnh bị khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn tháng và tước danh hiệu Công an Nhân dân.

9/4/2018, Giám đốc điều hành Châu Nguyên Anh và Giám đốc Kinh doanh Phạm Quang Vinh của Công ty cổ phần Thanh toán điện tử VNPT Epay bị bắt và khởi tố liên quan đến cung cấp dịch vụ thanh toán và hưởng lợi từ đường dây đánh bạc.

31/8/2018, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ hoàn thành cáo trạng truy tố ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, cùng 90 bị can khác.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46257413

 

Vì sao Việt Nam không đặc xá tội lật đổ chính quyền?

Với kết quả biểu quyết hơn 92%, Quốc hội Việt Nam vừa thông qua  Luật đặc xá sửa đổi và có hiệu lực vào 1/7/2019.

Dư luận xôn xao cho rằng, họ đồng tình với việc không đặc xá cho các tội phản bội tổ quốc, gián điệp, khủng bố…

Tuy nhiên đối với tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, giới hoạt động nhân quyền cho rằng quy định không đặc xá nhằm củng cố vị trí độc tôn của Đảng.

Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang chia sẻ với chúng tôi: “Họ thiết chế lên một cái luật để chủ yếu họ muốn giữ vị trí độc tôn của họ trong cai trị, những điều mà họ cho rằng ảnh hưởng đến ngai vàng của họ thì họ đưa vào những điều luật rất là khắc nghiệt, tội phạm an ninh quốc gia, tuyên truyền chống nhà nước. Bây giờ đưa thêm các tội đó vào luật đặc xá thì cho thấy việc hà khắc nó không có gì thay đổi cả.”

Nhà báo Trương Duy Nhất, người đã từng phải ngồi tù 2 năm với cáo buộc lợi dụng các quyền tự do dân chủ, chia sẻ với chúng tôi, luật đặc xá này hoàn toàn không phải mới mẻ bởi vì nó là những điều luật lâu nay trong chính sách nhà nước rồi.

 Từ xưa đến nay thì nhóm tội phạm trong các vụ án về an ninh quốc gia thì chưa bao giờ nhóm đó được nhà nước quy định trong nhóm được đặc xá cả. Đặc xá chỉ được áp dụng cho những thường phạm những án kinh tế, hình sự, còn án an ninh là chưa bao giờ có. 

– Trương Duy Nhất

“Từ xưa đến nay thì nhóm tội phạm trong các vụ án về an ninh quốc gia thì chưa bao giờ nhóm đó được nhà nước quy định trong nhóm được đặc xá cả. Đặc xá chỉ được áp dụng cho những thường phạm những án kinh tế, hình sự, còn án an ninh là chưa bao giờ có. Vào trong đó mà án an ninh anh nhận tội không thuộc diện các vụ án lớn, những vụ án nhỏ mà anh nhận tội thì quá trình đó người ta có xét giảm, nếu phấn đấu tốt thì hàng quý, hàng tháng, hàng năm người ta xét giảm thời gian thi hành án chứ còn đặc xá thì lâu nay không có trường hợp đặc xá cho án an ninh quốc gia. Vì vậy luật này thông qua để duy trì chứ không có gì mới mẻ cả.”

Anh Lã Việt Dũng thành viên của nhóm No-U từ Hà Nội – một nhóm hoạt động dân sự – cho chúng tôi biết, quy định này đối với các nhà nước độc tài thì chuyện này rất bình thường nhưng vấn đề quan trọng không phải là đặc xá mà là khi bị kết tội, cơ quan chức năng dựa trên cơ sở bằng chứng pháp lý nào để kết tội họ.

“Bởi vì tuyên truyền lật đổ thì những người bị xử đều rất là mơ hồ, họ không có bằng chứng rõ ràng và những người bị đưa ra xét xử họ cũng không có được tòa công bằng. Bằng chứng mà lưu trữ tài liệu phát tán chống phá chế độ thì ranh giới rất là mơ hồ giữa tự do ngôn luận hay chống phá chế độ. Thật ra đối với một người mà lên tiếng phản đối chế độ thì nó rất là bình thường. Ông Hồ Chí Minh cũng từng nói dân có quyền đuổi chính phủ nếu chính phủ yếu kém như vậy bây giờ khi người ta hoạt động, người ta lên tiếng nói ôn hòa người ta không có vũ trang không có bạo lực gì cả, người ta chỉ nói những ý kiến cho rằng đảng lãnh đạo không tốt họ cần phải thay thế nhưng ĐCS cho rằng đó là lật đổ thì là một chuyện rất là buồn cười.”

Việt Nam từ lâu nay vẫn bị quốc tế chỉ trích là sử dụng những điều luật an ninh mù mờ trong bộ luật hình sự để kết án tù những người bất đồng chính kiến. Những điều luật thường được Hà Nội sử dụng nhiều nhất là tội hoạt động lật đổ chính quyền và tội tuyên truyền chống phá nhà nước là những tội không được đặc xá trong Luật Đặc xá sửa đổi lần này.

Theo quy định của Luật Đặc xá sửa đổi, Chủ tịch nước có quyền quyết định về đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của quốc gia. Tuy nhiên, luật sửa đổi có bổ sung quyền xem xét, quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của nhà nước.

Các nhà quan sát chính trị cho rằng, quy định này là chuyện khôi hài và khẳng định rằng quy định này thật chất để hợp pháp hóa việc mặc cả buôn bán như lời của anh Lã Việt Dũng.

 Họ đã lường trước được là các tù nhân lương tâm được cộng đồng thế giới quan tâm và yêu cầu phóng thích, về bản chất họ không hề có tội thì họ sẽ dùng những điều luật như vậy để họ mặc cả với người ta.

– Lã Việt Dũng

“Họ đã lường trước được là các tù nhân lương tâm được cộng đồng thế giới quan tâm và yêu cầu phóng thích, về bản chất họ không hề có tội thì họ sẽ dùng những điều luật như vậy để họ mặc cả với người ta, họ đưa người ta ra nước ngoài, họ ân xá người ta. Thì họ dùng cái luật mà chủ tịch nước có quyền để họ hợp pháp hóa việc mặc cả buôn bán đó.”

Còn theo giải thích của nhà báo Trương Duy Nhất, trường hợp án an ninh quốc gia không phải là đặc xá mà sẽ làm tạm ngưng thi hành án để cho ra nước ngoài, người ta dùng từ vì chính sách nhân đạo nhưng thật ra đó là trục xuất ra nước ngoài để giải quyết các vấn đề ngoại giao.

“Không có trường hợp đặc xá cho án an ninh quốc gia nên người ta mới thòng thêm câu đó vào để giải quyết chính sách đối ngoại như trường hợp Trần Huỳnh Duy Thức vừa rồi, theo những thông tin từ anh Thức và gia đình anh Thức thông báo, thì phía công an luôn luôn gợi ý là anh nhận tội đi để có thể được đặc xá nhưng theo cái nghĩa là tống khứ ra nước ngoài chứ không thể ở trong nước được. Đặc xá là anh phải trả người ta về với cuộc sống tự do bình thường ở bên ngoài chứ không phải trục xuất khỏi tổ quốc được.”

Hồi giữa tháng trước, Việt Nam đã trả tự do cho một blogger nổi tiếng là blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trong một trao đổi với phía Hoa Kỳ. Trước đó, Hà Nội cũng đã đồng ý trả tự do cho một nhà hoạt động nhân quyền khác là luật sư Nguyễn Văn Đài trong một trao đổi khác với phía Đức. Những vụ trao đổi tù nhân lương tâm này thường bị quốc tế lên án và coi đây là những mặc cả mà Hà Nội thường làm với các nước phương Tây để đổi lấy những món lợi về thương mại, kinh tế.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-does-not-specialize-in-overthrowing-the-government-11192018140050.html

 

Luật Công an mới ‘có lộ trình giảm tướng’

Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Công an với số lượng cấp tướng có giảm 6 người so với yêu cầu của Bộ Chính trị.

Được biết hơn 85% tổng số đại biểu có mặt (416/464) tán thành, với 40 đại biểu đã biểu quyết không tán thành.

Kết quả biểu quyết riêng Điều 25 quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan công an nhân dân có 104 vị không tán thành, 7 người không biểu quyết.

Kết quả biểu quyết riêng một điều quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan công an có 104 đại biểu không tán thành, 7 người không biểu quyết, chỉ đạt gần 73%.

Điều 25 dự thảo luật này nói chỉ có 1 đại tướng, không quá 6 thượng tướng, 35 trung tướng, 157 thiếu tướng, tức là tổng cộng cả bốn hạng mục là 199 người có quân hàm cấp tướng.

Với trần cấp tướng do Bộ Chính trị cho phép là 205, điều này có nghĩa là luật sửa đổi được thông qua có số lượng cấp tướng sẽ giảm 6 người so với yêu cầu.

Tuy nhiên, truyền thông trong nước nói báo cáo giải trình không cho biết số lượng cụ thể tại luật mới là bao nhiêu và đã giảm được bao nhiêu so với quy định hiện hành.

Cựu Phó chủ tịch TP HCM bị khởi tố thêm tội

Tái cơ cấu Bộ CA: ‘Nước cờ chính trị không dễ chơi’

Tái cơ cấu Bộ Công an sẽ ‘xáo trộn rất lớn’

Bộ Công an Việt Nam tổ chức lại bộ máy

TBT Trọng: ‘Công an phải bảo vệ Đảng’

Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, trong kỳ họp Quốc hội hồi giữa năm nay từng khẳng định việc phong tướng khi sửa Luật Công an nhân dân sẽ không vượt trần.

Việc thông qua Luật Công an Nhân dân đã được sửa đổi diễn ra trong bối cảnh một đại biểu Quốc hội mới đây nói “Nhiều ý kiến nói rằng thời bình sao nhiều tướng đến thế”.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) hồi đầu tháng 11 nói “những năm gần đây trong lực lượng vũ trang nói chung và công an nói riêng, cấp tướng tăng lên nhiều” và “người dân rất quan tâm đến uy tín, vị thế của tướng lĩnh, nhất là khi một số cán bộ cấp cao vi phạm”.

Năm 2018 chứng kiến số lượng cao chưa có tiền lệ các tướng công an bị kỷ luật Đảng, bị bắt giam, khởi tố và phạt tù.

Dư luận hiện đang quan tâm tới vụ xử hai tướng công an là Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa trong đường dây đánh bạc ngàn tỉ.

Cây bút Trương Huy San hôm 20/11 trên Facebook cá nhân viết : Tội phạm (đánh bạc nghìn tỷ) cũng không diễn ra bởi sự tha hoá của các cá nhân đơn lẻ. Nó được “báo cáo”, “bút phê” từ người lãnh đạo cao nhất của Ngành lúc đó.

“Bỏ tù tướng Vĩnh, tướng Hoá là cần thiết nhưng nếu Bộ Công an không sửa ngay từ gốc, xác lập trách nhiệm chính với tổ quốc, với nhân dân là giữ gìn an ninh thì trong tương lai không chỉ có một bộ đôi “Hoá – Vĩnh””, ông Trương Huy San, còn được biết tới dưới bút danh Huy Đức, viết.

Hồi cuối tháng Bảy năm nay tòa tại Hà Nội tuyên phạt ông Phan Văn Anh Vũ, còn gọi là Vũ Nhôm, người được cho là có quân hàm thượng tá công an, 9 năm tù về tội Cố ý làm lộ bí mật nhà nước.

Cựu Trung tướng Phan Hữu Tuấn, cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, Bộ Công an bị phạt 7 năm tù và ông Nguyễn Hữu Bách, cựu cán bộ Bộ Công an, nhận mức án 6 năm trong trách nhiệm liên đới từ vụ xử này.

Cũng trong tháng Bảy, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Trung tướng Bùi Văn Thành bằng hình thức cách chức tất cả chức vụ trong Đảng và và giáng cấp bậc hàm đối với ông Bùi Văn Thành, người có hàm Thứ trưởng Bộ Công an.

Cùng với Trung tướng Thành, Bộ Chính trị khi đó nói Thượng tướng Trần Việt Tân đã ký một số văn bản vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46278719

 

Luật chống tham nhũng sửa đổi

vẫn không có quy định xử lý tài sản bất minh

Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi hôm 20 tháng 11, với tỷ lệ 93,20% tán thành.

Đây là lần thứ tư Luật phòng chống tham nhũng được sửa đổi kể từ lần đầu được thông qua vào năm 2005.

Ba điều luật được sửa đổi trong lần này là điều 30, 64 và 80.

Cụ thể, điều 30 quy định về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, điều 64 quy định về xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán và điều 80 quy định áp dụng các biện pháp phòng chống tham nhũng trong doanh nghiệp.

Cũng như những lần sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng trước đây, Quốc hội lần này đã quyết định không chọn phương án mới nào cho xử lý tài sản bất minh, vấn đề được cho là rất quan trọng trong phòng chống tham nhũng.

Điểm mới là kể từ khi Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi có hiệu lực vào ngày 1/7/2019, tất cả cán bộ, công chức đều phải kê khai tài sản, thu nhập. Trước đây chỉ cán bộ từ phó trưởng phòng của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên và tương đương trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới phải kê khai tài sản.

Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi lần này có quy định, kê khai tài sản thiếu trung thực sẽ bị xử lý về mặt đảng và nhà nước. Tuy nhiên, theo luật hiện hành, nếu cơ quan chức năng chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có thì sẽ tịch thu, xử lý, nếu có dấu hiệu trốn thuế sẽ xử lý theo luật thuế.

Cũng trong ngày 20 tháng 11 năm 2018, Quốc hội Việt Nam khoá XIV đã bế mạc kỳ họp thứ 6 sau khi thông qua 9 luật, lấy ý kiến về 6 dự án luật.

Phát biểu trong lễ bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau gần một tháng làm việc dân chủ và trách nhiệm, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành chương trình làm việc của kỳ họp thứ 6 với nhiều nội dung quan trọng. Và quan trọng nhất theo bà là Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-vietnamese-parliament-passed-the-revised-anti-corruption-law-11202018070137.html

 

Việt Nam Ấn Độ cam kết

thúc đẩy hợp tác quốc phòng, thăm dò dầu khí

Việt Nam và Ấn Độ cam kết thúc đẩy hợp tác thương mại, quốc phòng và thăm dò dầu khí trong thời gian tới nhân chuyến thăm 3 ngày đến Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ, ông Ram Nath Kovind.

Phát biểu với báo giới tại họp báo ở Hà Nội hôm 19/11, Tổng thống Kovind cho biết ông tin là kim ngạch thương mại hai chiều sẽ tăng lên 15 tỷ đô la vào năm 2020. Kim ngạch thương mại hai nước vào năm ngoái là 12 tỷ 800 triệu đô la.

Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói Hà nội hoan nghênh tiến độ triển khai gói tín dụng 100 triệu đô la mà Ấn Độ cho Hà Nội vay để đóng tàu tuần tra cao tốc. Người đứng đầu đảng và chính phủ Việt Nam khẳng định quốc phòng, an ninh là một trụ cột quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Ngoài ra, người đứng đầu đảng và nhà nước Việt Nam nhân dịp này cũng hoan nghênh việc hợp tác thăm dò dầu khí giữa Tập đoàn đầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty Dầu khí quốc gia Ấn Đô (ONGC). Ông cho biết hai nước khuyến khích hai công ty chủ động tìm kiếm mô hình hợp tác mới, kể cả với nước thứ ba.

Ông Nguyễn Phú Trọng cũng đánh giá cao lập trường về Biển Đông của Ấn Độ, ủng hộ chính sách Hướng Đông của Ấn và cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Ấn Độ để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện.

Tuy nhiên, tại họp báo lần này, hai bên không đề cập đến gói tín dụng trị giá 500 triệu đô la mà Ấn Độ cam kết cho Hà Nội vay để mua thiết bị quốc phòng vào năm 2016. Tờ Times of India hôm 19/11 có bài viết nhận định việc Hà Nội chậm trễ trong ký kết thỏa thuận khung để thực hiện hợp đồng tín dụng này có thể là vì Hà Nội đang muốn kiểm soát mức nợ nước ngoài đang lên cao và muốn được dùng khoản vay này vào mục đích đầu tư hạ tầng cơ sở trong khi Ấn Độ chỉ muốn cho vay vì mục đích quốc phòng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-and-india-agree-to-boost-trade-defense-cooperation-11202018082213.html