Tin Biển Đông – 20/11/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 20/11/2018

Biển Đông:

 Mỹ “kiên quyết không nhượng bộ Trung Quốc”

Trọng Nghĩa

Phát biểu tại Hồng Kông ngày 19/11/2018, một quan chức ngoại giao Mỹ một lần nữa đã nhắc lại rằng Washington sẽ không nhượng bộ Bắc Kinh trong các vấn đề Biển Đông và Đài Loan, cho dù Mỹ vẫn mong muốn duy trì hợp tác ngoại giao cấp cao với Trung Quốc thông qua các cuộc đối thoại song phương và đa phương.

Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, ông Patrick Murphy, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của bộ Ngoại Giao Mỹ, từng tháp tùng phó tổng thống Mỹ Mike Pence công du châu Á vào tuần trước, đã quy trách nhiệm cho Trung Quốc là bên đã phức tạp hóa và làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của hai vấn đề Biển Đông và Đài Loan đang khuấy động quan hệ Mỹ – Trung hiện nay.

Đối với quan chức Mỹ này, trên cả hai vấn đề Biển Đông và Đài Loan, Hoa Kỳ đã duy trì được nguyên trạng từ nhiều thập niên qua, nhưng hiện nay, « Trung Quốc đang thay đổi hiện trạng ở cả Biển Đông lẫn Đài Loan, và điều đó dẫn tới căng thẳng và hỗn loạn, làm cho tình hình ngày càng rắc rối thêm ».

Về Biển Đông, ông Murphy cho rằng: « Làm sao đối thoại được khi vào cùng một lúc, một quốc gia tiếp tục xây dựng, cải tạo và quân sự hóa… phá vỡ lòng tin ».

Theo South China Morning Post, tuyên bố trên đây nhắc đến việc Trung Quốc bồi đắp 7 đảo nhân tạo trên Biển Đông, và quyết định triển khai quân lính và vũ khí lên các thực thể này.

Các vụ trực diện giữa chiến hạm Trung Quốc và Hoa Kỳ đã tăng lên trong thời gian qua ở Biển Đông, nơi Đài Bắc và Bắc Kinh có tranh chấp với 4 nước Đông Nam Á là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Mỹ đã nhấn mạnh quyền tự do lưu thông của mình trong vùng biển này, trong khi Trung Quốc cho rằng họ có chủ quyền trong khu vực.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181120-bien-dong-my-kien-quyet-khong-nhuong-bo-trung-quoc

 

Mỹ điều tàu sân bay tới Biển Đông

Hôm 20/11 hãng tin AP cho biết Hoa Kỳ vừa điều hai tàu sân bay chuẩn bị đến Biển Đông là tàu USS Ronald Reagan và tàu USS John C. Stennis.

Tờ Liberty Times của Đài Loan trích thông báo của quân đội Mỹ cho biết tàu sân bay USS Ronald Reagan đã nhập cùng với các tàu khu trục US Antietam và USS Milius là những tàu vừa đi qua eo biển Đài Loan gần đây để chuẩn bị vào Biển Đông.

Trong khi đó, tàu sân bay USS John C. Stennis hiện vẫn ở gần Philippines. Tàu này sau đó cũng sẽ đến Biển Đông.

Trước đó, tại thượng đỉnh APEC hồi cuối tuần qua ở Papua New Guinea, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã lên tiếng cảnh báo Trung Quốc rằng Biển Đông không thuộc về bất kỳ ai và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho máy bay và tàu chiến đi qua khu vực này nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hai và hàng không trong khu vực.

Theo AP, Trung Quốc mới đây đã đồng ý cho tàu USS Ronald Reagan cùng ba tàu khác của Hải quân Mỹ đến Hong Kong. Ba tàu khác được cho biết là các tàu Curtis Wilbur, Chancellorsville và Benford. AP trích thông tin từ cơ quan chức năng cảng Hong Kong cho biết những tàu này sẽ đến Hong Kong vào ngày 21/11. Trước đó, vào tháng 9, Trung Quốc đã từ chối không cho tàu sân bay Mỹ đến Hong Kong giữa lúc có những căng thẳng trong quan hệ hai nước.

Chuyến thăm Hong Kong của tàu sân bay Mỹ lần này diễn ra vào ngay trước thượng đỉnh Mỹ Trung nhân hội nghị các nước G 20 ở Argentina vào 2 tuần tới.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/Us-aircraft-carrier-in-scs-11202018083613.html

 

Giới chuyên gia TQ đang tìm cách

“lấp liếm” vấn đề Biển Đông

Từ năm 2010 đến nay, Trung Quốc đặc biệt chú trọng công tác nghiên cứu khoa học về Biển Đông nhằm củng cố, biện minh cho yêu sách “chủ quyền” của Bắc Kinh ở Biển Đông và phản bác, chỉ trích tuyên bố của các nước. Một trong những biện pháp đó là động viên, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho giới công chức, viên chức và học giả viết các bài luận (luận văn thạc sĩ, tiến sĩ…) liên quan vấn đề Biển Đông.

Số lượng chuyên gia, học giả Trung Quốc nghiên cứu về Biển Đông ngày một tăng; các đề tài, bài nghiên cứu về Biển Đông ngày càng nhiều. Trước đây, số chuyên gia, học giả Trung Quốc nhiên cứu về Biển Đông chỉ có một nhóm nhỏ, nằm rải rác ở một số Viện, Trung tâm, đại học lớn của Trung Quốc, như Viện Nghiên cứu Nam Hải, Đại học Phúc Đán, Đại học Bắc Kinh… Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng các chuyên gia, học giả và các Viện, Trung tâm nghiên cứu của Trung Quốc “nhiều như nấm”, hầu hết các tỉnh, thành và đại học của Trung Quốc đều có các Viện, Trung tâm nghiên cứu riêng. Đáng chú ý, Trung Quốc đang trẻ hóa đội hình chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, đa phần số chuyên gia của Trung Quốc có độ tuổi từ 30 – 45 và số lượng các bài viết, đề tài nghiên cứu về Biển Đông của Trung Quốc tăng đột biến trong 10 năm gần đây.

Nội dung các bài luận của giới nghiên cứu Trung Quốc tập trung một số vấn đề như: Lý luận và thực tiếp áp dụng Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); Lập trường, chủ trương, chính sách của các nước tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei) và các nước có lợi ích ở Biển Đông (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia…); Lịch sử và văn hóa Biển Đông; Kinh tế chính trị xã hội các nước ven Biển Đông; Tài nguyên

môi trường Biển Đông; Hợp tác an ninh và tự do hàng hải trong khu vực Biển Đông; Chiến lược và quyết sách trong vấn đề Biển Đông; Nghiên cứu đối sách giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông; Bảo vệ môi trường và khai thác phát triển tài nguyên Biển Đông; Chiến lược và cơ chế phát triển kinh tế hải dương; “Con đường tơ lụa trên Biển” thế kỷ 21… Hầu hết cài bài nghiên cứu của giới tri thức Trung Quốc đều mang tính ngụy biện về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc; xuyên tạc, viện dẫn sai các quy định của UNCLOS và phản bác chứng cứ pháp lý, lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông; lên án các hành động can dự của Mỹ và đồng minh trong khu vực; đổ lỗi cho các nước khác làm phức tạp tình hình và “xâm chiếm” biển đảo của Trung Quốc; ít có các bài viết phân tích từ khía cạnh luật pháp quốc tế một cách công bằng, cụ thể:

Xuyên tạc chủ trương, chính sách của một số nước trong vấn đề tranh chấp Biển Đông

Chính sách của Việt Nam:

(1) Học giả Trung Quốc xuyên tạc cho rằng dưới sự bảo trợ của Mỹ, chính quyền Nam Việt Ngô Đình Diệm phát động quân nhiều lần chiếm các đảo ở Trường Sa, đỉnh cao là vào năm 1974 với cuộc chiến tranh bảo vệ Trường Sa. Sau khi thống nhất Nam Bắc Việt năm 1975, tiếp tục tuyên bố chủ quyền hai quần đảo và đặt tên là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Trung Quốc nhiều lần tuyên bố “chủ quyển hợp pháp không thể tranh cãi đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Học giả Trung Quốc cũng tìm cách xuyên tạc để bác bỏ căn cứ pháp lý lịch sử chủ quyền của Việt Nam khi cho rằng các quan chức Việt Nam tỏ thái độ trước sau không thống nhất về chủ quyền. Đồng thời đánh giá Việt Nam đang sử dụng chính sách hai mặt đối với Bắc Kinh. Một mặt, Việt Nam tăng cường quan hệ (kinh tế, chính trị, ngoại giao, thương mại…) với Trung Quốc, một mặt Việt Nam không ngừng hoạt động ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông, “thái độ cứng rắn, ngoan cố” khi chọn cách hành động đơn phương, đi ngược lại tinh thần “Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông”, không tiếp nhận chủ trương “Gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác” mà TQ đề ra. (2) Đánh giá Việt Nam sử dụng chính sách hai mặt đối với Trung Quốc là do nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh, thực lực kinh tế có sự tăng trưởng nhất định; Quan hệ đối ngoại, đặc biệt là với các nước lớn ngoài khu vực phát triển khá nhanh; Quá trình hội nhập trong Đông Nam Á nhanh chóng và tăng cường hợp tác với các nước tranh chấp, tạo chỗ dựa về mặt tâm lý nhất định cho VN. (3) Nhận định trong bối cảnh Việt Nam đang đang thực hiện chính sách ngoại giao hai mặt này, nếu Trung Quốc phản ứng hòa hoãn, có thể được nước làm tới, nếu Trung Quốc phản ứng quyết liệt, có thể phá vỡ hòa bình khu vực mà trách nhiệm phát triển đặt lên đầu Trung Quốc và có thể khuấy động luận điểm “mối uy hiếp Trung Quốc”, đẩy ngoại giao Trung Quốc rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. (4) Cho rằng các quốc gia tranh chấp đều mong muốn thông qua đối thoại cách hòa bình để giải quyết vấn đề tranh chấp, không hy vọng xảy ra cục diện đối kháng quân sự. Nhưng Việt Nam lại “lợi dụng” tâm lý này để ra sức chiếm các đảo và nói hành động chiếm lĩnh này là do Trung Quốc “bức ép” họ phải làm như vậy. (5) Cho rằng Trung Quốc không thể không cảnh giác với chính sách tuyên truyền của Việt Nam về vấn đề Biển Đông; nhấn mạnh Việt Nam thường tuyên truyền rằng “vì sự ổn định và hòa bình khu vực, các bên liên quan nên thông qua đàm phán để tìm kiếm một giải pháp giải quyết căn bản và lâu dài, trong quá trình tiếm kiếm giải pháp giải quyết, các bên nên kiềm chế, duy trì hiện trạng, không thực hiện bất cứ hành động nào có thể làm cho tình hình xấu đi, không nói đến vũ trang hoặc lấy vũ tranh uy hiếp lẫn nhau”.

Chính sách của Philippines:

(1) Sau khi giành độc lập ngày 23/7/1946, Phillipines công khai bày tỏ nguyện vọng có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Từ đó nhiều lần cho người ra đóng tại một số đảo tại Trường Sa và chính phủ Philipines chiếm luôn một số đảo và cho đóng quân, như đảo Thị Tứ tại quần đảo Trường Sa vào năm 1971, rồi cho dân khai thác quy mô tài nguyên ở đây. Phillipines vừa chiếm lĩnh và tuyên bố cái gọi là “chủ quyền” đối với Trường Sa. Thập niên 40,50 của thế kỷ 20 đưa ra “nguyên tắc an ninh”, “nguyên tắc giáp ranh” và dựa vào “đất vô chủ” làm lý do và căn cứ pháp lý, nhưng bị Trung Quốc cho là “hoang đường, mờ nhạt và không tôn trọng Trung Quốc về cứ liệu lịch sử của Trung Quốc”. Khẳng định, Trung Quốc (năm 1946-1947) đã thăm dò, đặt tên và vẽ đường biên giới biển đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. (2) Philippines nhiêu lần khiêu khích Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, xâm chiếm các đảo, tuyên bố chủ quyền…một mặt thăm dò sự chịu đựng của Trung Quốc đối với Philippines, mặt khác thăm dò khả năng can thiệp của Mỹ vào vấn đề tranh chấp quần đảo Trường Sa. (3) Trong lúc Philippines không ngừng khuấy động vấn đề tranh chấp Biển Đông nhưng nhiều lần gặp khó khăn, chính phủ Philippine cho rằng nguyên nhân dấn đến việc này là “thiếu sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế”. Do vậy, ra sức lôi kéo Mỹ và các cường quốc can thiệp vào vấn đề tranh chấp Biển Đông, để kìm hãm Trung Quốc và làm cho vấn đề phức tạp hóa và quốc tế hóa tranh chấp trong khu vực. (4) Philippines cũng đề ra chủ trương và vận dụng “khuôn khổ an ninh toàn diện” trong vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Thông qua chủ trương này, chính phủ Philippines để thế lực ngoài can thiệp, thúc đẩy sự quốc tế hóa và đa phương hóa trong vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Chính sách của Mỹ:

(1) Chính sách Biển Đông của Mỹ cơ bản có thể khái quát là: không thể hiện lập trường nào trong vấn đề yêu cầu chủ quyền lãnh thổ có tranh chấp; phải giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông trên cơ sở hòa bình; Mỹ phản đối thủ đoạn dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp; giải pháp nào đạt được không nên ảnh hưởng đến tự do vận chuyển đường biển trến toàn Biển Đông. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Mỹ đã có sự thay đổi, điều chính chính sách trong vấn đề Biển Đông. Từ việc “không can thiệp”, “không tỏ thái độ” cho tới thực chất nhúng tay vào vấn đề Biển Đông, mục đích là thúc đẩy vấn đề tranh chấp Biển Đông có lợi đối với sự phát triển lợi ích của Mỹ và không ngừng thể hiện ý chí và lực lượng tại khu vực này; nhấn mạnh lợi ích của Biển Đông đối với Mỹ chủ yếu bao gồm lợi ích kinh tế, lơi ích chiến lược an ninh, lợi ích chính trị…trong đó lợi ích kinh tế là chủ đạo, lợi ích an ninh la điểm tựa, mặt khác lợi ích chính trị là mục tiêu căn bản mà Mỹ theo đuổi. (2) Trước thập niên 90, Mỹ duy trì thái độ trung lập trong vấn đề chủ quyền Biển Đông, không ủng hộ bên nào, nhưng sau khi bước vào thập niên 90, chính sách của Mỹ thể hiện rõ những thay đổi trong vấn đề Biển Đông là do: Sau khi bước vào thập niên 90 đến nay, Mỹ xem vấn đề tranh chấp quần đảo Trường Sa trở thành một “sự uy hiếp an ninh khu vực”; Mỹ bề ngoài tuyên bố “trung lập”, nhưng nhắm thẳng vào Trung Quốc, bênh vực các nước có quan hệ với Mỹ, và trọng tâm của chính sách Biển Đông của Mỹ là hạn chế Trung Quốc thực hiện những hành động chủ quyễn lãnh thổ tại Biển Đông. (3) Mỹ cố gắng lợi dụng “Thỏa thuận quân Mỹ đến thăm Philippines”, phát huy tác dụng uy hiếp quân sự tại Đông Nam Á. Thông qua Thỏa thuận này nhằm ngăn chặn Trung Quốc “đe dọa” vị trí chiến lược của Mỹ tại Đông Nam Á, ngăn ngừa mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đông Nam Á tiến lên một bước phát triển và Mỹ cố gắng thông qua các hoạt động hợp tác quân sự, sự thăm viếng các hạm đội và diễn tập quân sự Mỹ-Philippines để cường điệu hóa sự tồn tại của Mỹ tại Đông Nam Á, đảm bảo lợi ích quân sự và kinh tế của Mỹ trong khu vực này.

Chính sách của Ấn Độ:

Sau khi kết thúc chiến tranh Lạnh, Ấn Độ dần dần hướng ra thế giới và tỏ dã tâm mạnh mẽ trở thành cường quốc thế giới,  bắt đầu tích cực hướng ra ngoài để mở rộng không gian chiến lược, định ra phạm vi “Bắc phòng Trung Quốc, Tây công Pakistan, Nam chiếm Ấn Độ Dương, Đông khuếch thế lực”. Để thực hiện chiến lược trên, Ấn Độ đã tăng cường hợp tác quân sự với các nước Đông Nam Á, mượn điều này để nhúng chân vào vấn đề tranh chấp Biển Đông. Nhiều hoạt động hợp tác quân sự và diễn tập quân sự với các nước Đông Nam Á đã diễn ra, ký hiệp định hợp tác quân sự với nhiều nước Đông Nam Á. Điều đáng chú ý là “trong các quốc gia này, Ấn Độ đặc biệt coi trọng là đối thủ chủ yếu với Trung Quốc tại khu vực này. Năm 2000, Ấn Độ chính thức quyết định đưa phạm vi hoạt động hải quân mở rộng đến Biển Đông. Mục tiêu chiến lược của hải quân Ấn Độ tại Biển Đông là “bảo đảm sự ổn định và hòa bình ở Đông Nam Á, bảo đảm khu vực này sẽ không bị ảnh hưởng của một cưòng quốc nào”. Không những vậy, Ấn Độ còn ra sức tăng cường thêm lực lượng hải quân, thực hiện “chiến lược hướng Đông”, thẳng tiến Biển Đông. Ấn Độ ngoài thực hiện “chiến lược kiểm soát Ấn Độ Dương” ra, còn bắt đầu thực hiện “chiến lược hướng Đông” từ cuối thập niên 90. Mượn cớ là bảo vệ quyền lợi biển,  ra sức phát triển lực lượng quân sự trên biển, quy mô hải quân Ấn Độ không ngừng được mở rộng. Trong tương lai, Ấn Độ không chỉ sẽ trở thành cường quốc quân sự đứng sau Mỹ và Anh, thay đổi thế lực cân bằng lực lượng hải quân tại Biển Đông, mà còn trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với lãnh thổ Biển Đông của Trung Quốc, tất yếu sẽ gia tăng sự khó khăn trong việc Trung Quốc giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Chính sách của Nhật Bản:

Trong một thời gian dài, Nhật Bản rất tích cực quan tâm đến vấn đề biển Đông, trở thành nhân tố bên ngoài quan trọng ảnh hưởng đến vấn đề Biển Đông. Nhật quan tâm tranh chấp Biển Đông chủ yếu xuất phát từ những xem xét sau: Tranh giành quyền chủ đạo khu vực,  tăng cường sức ảnh hưởng khu vực, hướng tới cường quốc chính trị; Đảm bảo cái gọi là an toàn giao thông trên biển;

Trung Quốc và Nhật Bản vẫn còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, nên Nhật Bản muốn đối kháng với TQ thông qua vấn đề Biển Đông và kìm hãm Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Xuyên tạc vấn đề Biển Đông dưới góc độ luật pháp quốc tế

Giới chuyên gia Trung Quốc tìm cách ngụy biện và xuyên tạc khi cho rằng: Trước khi UNCLOS ra đời, điểm trọng yếu của tranh chấp Biển Đông là tranh giành và xác nhận chủ quyền trên các đảo, đá, bãi cạn và vùng biển xung quanh. Sau khi UNCLOS ra đời, tranh chấp Biển Đông chủ yếu thể hiện sự tranh giành quyền lợi trên biển. Do UNCLOS “tồn tại một cách không đầy đủ” nên một sô quốc gia lân cận dựa vào đó để giải thích sai lệnh, cố tình phân chia khu vực Biển Đông và từ đó mưu đồ chiếm lĩnh các đảo trên Biển Đông. Tuy nhiên, UNCLOS đồng thời cũng đưa ra một khung cơ bản trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông. Cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp Biển Đông là lấy Hiến chương LHQ, UNCLOS và luật quốc tế liên quan làm cơ sở và thông qua hiệp thương, hòa bình, hữu hảo giữa các quốc gia. Cụ thể: (1) Xuyên tạc, bóp méo và viện dẫn sai UNCLOS: Trước khi UNCLOS ra đời, tranh chấp ở Biển Đông chủ yếu diễn ra giữa 3 nước Trung Quốc – Việt Nam – Phillipinea và nhằm vào việc tranh giành các đảo, phạm vi ảnh hưởng nhỏ. Sau khi UNCLOS ra đời năm, đặc biệt khi bước vào thập niên 90, các nước tập trung vào đặc khu kinh tế và thềm lục địa để tranh gianh quyền lợi. Cho rằng các quốc gia tranh chấp khác “giải thích sai lệch” UNCLOS và dựa vào nguyên tắc đặc khu kinh tế và nguyên tắc thềm lục địa để chiếm quyền lợi các đảo, không tôn trọng Trung Quốc. Đến nay, các nước tranh chấp ở Biển Đông là Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Brunei, Trung Quốc và Đài Loan. (2) Chỉ trích UNCLOS có nhiều sai sót: Sau khi UNCLOS ra đời, vấn đề Biển Đông càng trở nên phức tạp, việc này có mối quan hệ rất lớn giũa tính chất phức tạp của vấn đề Biển Đông và sự không hoàn chỉnh của bản thân UNCLOS như: Căn cứ Điều 121 UNCLOS quy định “ duy trì con người sống và đời sống sinh hoạt trên đảo….”, các nước căn cứ vào đây để đạt được mục đích về quyền lợi biển. Biển Đông có biết bao đảo nhỏ khó có thể xác định, nếu không cải chính điều này, việc tranh chấp Biển Đông càng trở nên phức tạp. Hay khoản 2 Điều 7, khoản 6 Điều 10, Điều 15… quy định thiếu rõ ràng về chính sách bảo vệ quyền lợi lịch sử của các nước; đồng thời xuyên tạc “nhân dân Trung Quốc đã sớm hàng ngàn năm trước kinh doanh trên Biển Đông, có quyền lợi mang tính chất lịch sử đối với Biển Đông, là quyền lợi bất di bất dịch của Trung Quốc tại Biển Đông và các nước khác không thể nào tước đoạt”.

Tuyên truyền về đề xuất “Gác tranh chấp, cùng khai thác” ở Biển Đông

Chuyên gia và học giả Trung Quốc nhận định phương án “gác lại tranh chấp, cung nhau khai thác” mà nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra là cách hiện thực nhất có thể tiến hành, cho dù trước mắt tranh chấp vẫn còn tồn tại, nhưng mà các bên tranh chấp xúc tiền hợp tác không thể không có khả năng. Nhiều nguyên nhân trước mắt có thể thúc đẩy các bên tranh chấp tiến hành cùng nhau khai thác, các bên càng ngày càng nhận thức rằng: sự chia rẽ về ý thức sẽ không ngăn được sự cùng nhau khai thác giữa họ; vấn đề tranh chấp cần phải lấy phương thức hòa bình để giải quyết; khai thác kinh tế Biển Đông ngày càng ngày cấp thiết… Đáng chú ý, giới học giả Trung Quốc cũng đề xuất 3 hình thức “cùng nhau khai thác”: (1) Đặc điểm là lựa chọn đơn giản đối với nước có lợi. Hợp tác do 1 bên đại diện 2 bên quản lý và tiến hành khai thác tài nguyên khu vực tranh chấp, bên kia chỉ cần cùng hưởng và khấu trừ thành quả sau khi khai thác. (2) Đặc điểm của hình thức này mang tính cưỡng chế, là yêu cầu nước có lợi cần phải cưỡng chế công ty dầu khí của 2 bên hoặc công ty dâu khí khác đã được ủy quyền để ký kết hợp đồng đầu tư liên doanh, làm thống kê sản xuất và trữ lượng, phân hưởng lợi ích, phân chia rủi ro và thưởng, và giải quyết tranh chấp. (3) Mang tính “siêu cường quốc”, là một trong ba hình thức phức tập nhất và chế độ hóa nhất, yêu cầu sự hợp tác cao. Hình thức này là nước có lợi thông qua hiệp nghị thành lập cơ câu liên hợp quốc tế hoặc ủy ban có tư cách pháp nhân, thành viên sẽ do phân bổ 2 bên hợp thành, được trao quyền và thiết lập quyền hạn, và sẽ do đại biểu của cơ cấu này quản lý toàn diện khu vực chỉ định và khai thác tài nguyên.

Phân tích tình hình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông

Giới chuyên gia, học giả Trung Quốc ngang nhiên ngụy biện, xuyên tạc: (1) Quần đảo Trường Sa luôn luôn là “lãnh thổ thiêng liêng” của Trung Quốc; chỉ trích các nước xung quanh Biển Đông nhiều lần “xâm chiếm”, tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông; cho rằng khu vực Biển Đông giàu tài nguyên, đặc biệt là dầu mỏ và khí thiên nhiên, nhưng lại không cách nào khai thác sử dụng được, làm trở ngại nghiêm trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc. (2) Vấn đề Biển Đông luôn là tranh chấp và chia cắt giữa Trung Quốc và một bộ phận các quốc gia Đông Nam Á. Sự kiện này bản thân là vấn đề thuộc về phạm trù khu vực, chỉ cần các quốc gia liên quan trong khu vực tiến hành giải quyết là co thể. Nhưng mấy năm gần đây, cùng với giá trị của Biển Đông về vị trí chiến lược và tài nguyên dầu mỏ không ngừng gia tăng, đã làm cho nhiều nước ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ nhúng tay vào, nhằm mưu đồ mượn cớ phân chia. (3) Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông căng thẳng là do khu vực này tiềm tàng một nguồn tài nguyên phong phú và là con đường tất yếu đi qua giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, cũng là con đường năng lượng của Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc. (4) Thực lực của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông vẫn còn có giới hạn, năng lực tác chiến xa của không hải quân khá hạn chế, đặc biệt là quần đảo Trường Sa, cách cơ sở gần nhất của Biển Đông cũng hơn 1.000 km.

Kết luận:

Nhằm củng cố, biện minh cho yêu sách “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông và phản bác, chỉ trích tuyên bố của các nước, giới chuyên gia, học giả Trung Quốc đã được Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn (tài chính, thông tin, ưu đãi…) viết các bài nghiên cứu, phân tích liên quan vấn đề Biển Đông. Đa phần nội dung các bài viết của Trung Quốc đều mang tính ngụy biện về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc; xuyên tạc, viện dẫn sai các quy định của UNCLOS và bác bỏ chứng cứ pháp lý, lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông; lên án các hành động can dự của Mỹ và đồng minh trong khu vực; đổ lỗi cho các nước khác làm phức tạp tình hình và “xâm chiếm” biển đảo của Trung Quốc; ít có các bài viết phân tích từ khía cạnh luật pháp quốc tế một cách công bằng và có giá trị tham khảo.

http://biendong.net/bi-n-nong/24823-gioi-chuyen-gia-tq-dang-tim-cach-lap-liem-van-de-bien-dong.html

 

Mỹ sẽ đồn trú tại đảo Ba Bình

 để kiềm chế TQ trên Biển Đông

South China Morning Post (5/11) đưa tin, giới chức quốc phòng Đài Loan cho biết chính quyền Đài Bắc đang xem xét việc cho tàu chiến Mỹ sử dụng đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đảo Ba Bình thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông

Về thông tin Mỹ sẽ cử tàu chiến đồn trú trên đảo Ba Bình

Sau khi bà Thái Anh Văn đắc cử Tổng thống Đài Loan, một số học giả Đài Loan kiến nghị Chính quyền Đài Bắc nên cho Mỹ thuê một phần đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) nhằm gián tiếp giúp Đài Loan bảo vệ chủ quyền trong khu vực. Tuy nhiên, đề xuất trên đã bị phía Đài Loan bác bỏ do lo ngại vấp phải phản ứng cứng rắn từ phía Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Feng Shih-kuan từng thẳng thừng bác bỏ đề nghị này, tuyên bố ông sẽ không bao giờ chấp nhận đề nghị như thế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan Andrew Lee tuyên bố Đài Loan không có kế hoạch cho bất kỳ quốc gia nào thuê đảo Ba Bình, kể cả Mỹ, đồng thời đề nghị Trung Quốc “ngừng công kích Đài Loan chỉ vì một tin đồn vô căn cứ”. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Quốc phòng và an ninh Đài Loan (30/6) cho biết thông tin chính quyền Đài Loan đang xem xét cho Mỹ thuê đảo Ba Bình là tin giả, đồng thời kêu gọi truyền thông xác minh sự thật trước khi đưa tin, vì thông tin giả lan truyền có thể ảnh hưởng đến sự hiểu biết của công chúng về vấn đề này. Các chuyên gia quân sự cũng nhận đinh nếu Đài Loan cho quân đội Mỹ đóng quân ở Ba Bình thì Trung Quốc sẽ còn gây sức ép mạnh hơn lên Đài Loan.

Phản ứng của các bên liên quan:

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (29/6) cho rằng ý tưởng như vậy rất nguy hiểm, bởi người dân cả hai bờ eo biển đều phản đối mạnh mẽ bất kỳ động thái nào có hại cho dân tộc Trung Hoa.

Trước câu hỏi của Nghị sĩ Johnny Chiang của Quốc dân đảng về phản ứng của Đài Loan khi Mỹ yêu cầu Đài Bắc cho Hải quân Mỹ sử dụng đảo Ba Bình cho mục đích đảm bảo an ninh khu vực, Người đứng đầu lực lượng quốc phòng đảo Đài Loan Yan De-fa cho hay, đây là một giả thuyết và Đài Loan cũng có thể “cho phép” tàu chiến Mỹ neo đậu tại đảo Ba Bình để phục vụ cho các hoạt động nhân đạo. Tuy nhiên, nếu hoạt động này ảnh hưởng đến an ninh, ổn định khu vực, Đài Loan sẽ xem xét lại.

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng trích dẫn các tin liên quan và cho rằng, động thái của nhóm nghiên cứu Đài Loan giống như một “quả bom”, nếu phát nổ chắc chắn sẽ khiến tình hình trên Biển Đông càng thêm căng thẳng; song việc xây dựng căn cứ trên đảo Ba Bình sẽ có lợi đối với Washington nếu Mỹ tiếp tục đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông.

Trên thực tế, đảo Ba Bình là đảo có diện tích tự nhiên lớn nhất quần đảo Trường Sa. Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam cũng đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hoạt động phi pháp của phía Đài Loan tại Ba Bình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam từng nhiều lần tuyên bố: “Mọi hoạt động của Đài Loan tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam bao gồm việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật từ ở Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông. Việt Nam cương quyết yêu cầu phía Đài Loan không để tái diễn các hành động tương tự và tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với đảo Ba Bình.

Mỹ ít khả năng đồn trú trên đảo Ba Bình:

Vùng nước ở đảo Ba Bình tương đối nông, không thuận tiện cho tàu khu trục lớp Arleigh Burke hay tàu tuần dương lớp Ticonderoga của neo đậu tại Ba Bình. Trong khi đó, khu vực tàu chiến Mỹ neo đậu hiện nay đều có hệ thống cung cấp dầu, nước ngọt hoàn thiện và không cần phải dựa vào đảo Ba Bình, các dịch vụ y tế cho quân nhân, thủy thủ Mỹ cũng vậy. Ngoài ra, Trung Quốc đã bố trí tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm tại các căn cứ quân sự xây dựng (bất hợp pháp) ở Xu Bi, Vành Khăn… có tầm bắn bao trùm đảo Ba Bình, điều này sẽ làm giảm khả năng Mỹ đưa chiến hạm đến đây…

Về thông tin Đài Loan cho Mỹ thuê đảo Ba Bình chỉ là đề xuất của giới học giả, nhằm thể hiện quyết tâm chính trị của Mỹ trong việc duy trì thường trực lực lượng Hải quân của mình tại Biển Đông, nhất là ở khu vực quần đảo Trường Sa. Nó nhằm tạo ra thế trận cân bằng sức mạnh với lực lượng quân sự của Trung Quốc đang hiện diện trên một số căn cứ quân sự của Trung Quốc tại một số thực thể ở quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã đánh chiếm và bồi đắp thành đảo nhân tạo kể từ sau năm 1988.

Về chính sách biển đảo của Tổng thống Thái Anh Văn

Phát biểu sau khi chiến thắng bầu cử tại Đài Loan, Chủ tịch đảng Dân chủ tiến bộ (DPP) Thái Anh Văn kêu gọi tôn trọng tự do hàng hải ở Biển Đông và tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp. Bà Thái Anh Văn nhấn mạnh 3 nguyên tắc: Các bên liên quan tranh chấp phải đưa ra lập trường và chủ trương trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); các nước đều có chung nghĩa vụ bảo vệ quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; các bên có yêu sách và chủ trương khác nhau ở Biển Đông nên thông qua đàm phán, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Đồng thời, bà Thái Anh Văn cũng khẳng định lập trường của DPP trong vấn đề Biển Đông không thay đổi, song cho biết, trước bầu cử DPP là đảng đối lập nên không có nhiều tài liệu chính thức về yêu sách “chủ quyền” lãnh thổ của Đài Loan ở Biển Đông.

Ngay sau khi Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Liên hợp quốc ra phán quyết liên quan vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, Chính quyền của Thái Anh Văn đưa ra tuyên bố phản đối, trong đó nhấn mạnh: (1) Đài Loan có “chủ quyền” đối với các đảo ở Biển Đông, được hưởng tất cả các quyền gắn liền với các quần đảo đó và các vùng nước theo luật quốc tế cũng như luật biển; (2) Tòa Trọng tài đã không mời phía Đài Loan tham gia vào các tiến trình hay tham vấn quan điểm của Đài Loan nên các quyết định của Tòa, vốn vi phạm tới lợi ích của Đài Loan và làm suy yếu quyền lợi của Đài Loan, đặc biệt là các quyền liên quan đến địa vị pháp lý của Ba Bình, đều không ràng buộc pháp lý đối với Đài Loan; (3) Đài Loan chủ trương các tranh chấp trên Biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán đa phương và Đài Loan sẽ làm việc với tất cả các nước liên quan trên cơ sở bình đẳng.

Tuy nhiên, sau đó Đài Loan đã thông qua một chính sách Biển Đông mới không trực tiếp thách thức quyết định của Tòa trọng tài. Chính sách này dựa trên 4 nguyên tắc: “giải quyết các tranh chấp một cách hoà bình theo UNCLOS, đưa Đài Loan tham gia vào các cơ chế đa phương, thực hiện tự do hàng hải và giám sát và tạm gác khác biệt để cùng phát triển”. Chính sách này cũng đưa ra 5 hành động: “Đảm bảo quyền và sự an toàn cho ngư dân Đài Loan, tăng cường đối thoại đa phương với các bên có liên quan, mời học giả quốc tế đến đảo Ba Bình (“Itu Aba” hay “đảo Thái Bình”) để tiến hành nghiên cứu khoa học, phát triển đảo này thành một cơ sở trợ giúp và cung cấp vật tư cho mục đích nhân đạo, và khuyến khích thêm nhiều người bản địa có tài theo học luật hàng hải”.

Quan hệ Trung – Mỹ – Đài

Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump được đánh giá đã nhiều lần dùng Đài Loan làm “con bài” để mặc cả, gây sức ép với Bắc Kinh trên phương diện chính sách: từ vấn đề thương mại đến việc cảnh cáo Bắc Kinh bành trướng trên Biển Đông. Chính quyền Trump đã thông qua đạo luật Du lịch Đài Loan trong đó khuyến khích các quan chức Mỹ đến thăm hòn đảo này. Mỹ còn khánh thành văn phòng mới của Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT). Giới chuyên gia nhận định, động thái này của Mỹ nhằm biểu thị thông điệp của Washington về việc các nước có quyền tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế chiến lược và cam kết bảo vệ đồng minh trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc.

Đài Loan hiện là một trong số những điểm nóng trong mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc bao gồm cuộc chiến thương mại và tình trạng Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa Biển Đông. Trung Quốc trước nay luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ, sẽ sáp nhập về Đại lục trong tương lai. Bắc Kinh luôn bày tỏ quan ngại về các chính sách của Mỹ nghiêng về Đài Loan như bán vũ khí cho chính quyền Đài Bắc dù 2 bên đã cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức vì chính sách “Một Trung Quốc”. Bắc Kinh cũng từng dọa sẽ sử dụng vũ lực để ngăn chặn Đài Loan đòi độc lập đồng thời tăng cường tập trận rầm rộ với máy bay ném bom chiến lược và tàu sân bay tại eo biển Đài Loan thời gian gần đây. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa phê chuẩn thỏa thuận bán các linh kiện chiến đấu cơ cho Đài Loan, còn nhà lãnh đạo Thái Anh Văn tuyên bố sẽ tăng cường ngân sách cho lực lượng phòng vệ.

Trong khi đó, Trung Quốc luôn đưa ra các phản ứng cứng rắn khi cho rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể chia tách của Bắc Kinh. Trong năm 2018, Trung Quốc đã nhiều lần điều máy bay ném bom, tàu chiến và cả tàu sân bay Liêu Ninh đi qua Eo biển Đài Loan. Hành động này của Trung Quốc nhằm đe dọa và cảnh cáo Đài Loan, cũng như thách thức các hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (17/10) bày tỏ mối quan ngại lớn về hành động của Mỹ; nhấn mạnh Trung Quốc phản đối tất cả các mối quan hệ quân sự và liên lạc giữa chính phủ Mỹ với Đài Loan; yêu cầu Mỹ cần chấm dứt tất cả hoạt động trao đổi chính thức và liên lạc quân sự với Đài Loan đồng thời có những biện pháp xử lý vấn đề Đài Loan một cách phù hợp. Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) cho biết, trước thông tin trên, bộ phận dư luận Đài Loan cho rằng, đây là bước chuẩn bị để quân đội Mỹ tiến hành cuộc diễn tập quân sự ở eo biển Đài Loan trong thời điểm nhạy cảm hoặc đây là “giấy đảm bảo” của quân đội Mỹ đối với chính quyền bà Thái Anh Văn về vấn đề ly khai. Thậm chí, có ý kiến lo ngại Mỹ sẽ biến Đài Loan thành Syria thứ hai sau những hành động tương tự. Tuy nhiên, bộ phận giới quan sát Trung Quốc cho rằng, đây là một dấu hiệu nguy hiểm khi Mỹ “lợi dụng danh nghĩa nghiên cứu khoa học” để thử nghiệm “đánh bóng ra biên” và không loại trừ khả năng Nhà Trắng sẽ thực hiện các hành động tương tự trong tương lai.

Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực nếu Đài Loan cho Mỹ thuê đảo Ba Bình

Thời gian gần đây, giới chuyên gia, học giả quốc tế đưa ra nhiều nhận định, đánh giá cho rằng Trung Quốc đang chuẩn bị đánh chiếm đảo Ba Bình đều Đài Bắc đi quá giới hạn ở Biển Đông: Tống Yên Huy, một nhà nghiên cứu Viện Khoa học châu Âu – Mỹ tại Đài Bắc cho biết, Bắc Kinh xem việc phát triển của Đài Loan trên đảo Ba Bình là một tài sản chiến lược dài hạn. Nếu Đài Loan tuyên bố độc lập, có thể Trung Quốc sẽ dùng vũ lực đánh chiếm đảo Ba Bình. Trước đó, một số trang mạng của Trung Quốc cũng cho rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng vũ lực để đánh chiếm đảo Ba Bình khi Đài Loan tuyên bố từ bỏ “chủ quyền” ở Biển Đông. Trong đó nổi lên một số dấu hiệu: (1) Trung Quốc liên tục tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật, tập trận đánh chiếm đảo và tuần tra, giám sát khu vực biển xung quanh đảo Ba Bình và Đài Loan. Nhà quan sát quân sự Antony Wong Dong tại Macau cho biết, các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan và trên Biển Đông của Trung Quốc là “rất bất thường”. Không quân Trung Quốc đang thực hiện các cuộc tuần tra thiết thực và lên kế hoạch kỹ càng gần Đài Loan để thu thập thông tin tình báo quân sự mới nhất, cho thấy quân đội Trung Quốc (PLA) đang đẩy mạnh việc chuẩn bị cuộc chiến với Đài Loan. Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng từng thông báo đã phát hiện PLA ngoài việc triển khai tuần tra bằng máy bay ném bom và máy bay tiêm kích, còn triển khai máy bay trinh sát Tu-154 và máy bay vận tải Yun-8 (được lắp đặt các thiết bị thu thập thông tin tình báo) thực hiện những chuyến bay dài gần Đài Loan. (2) Giới chức lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố cứng rắn, răn đe sẽ sử dụng tất cả các biện pháp (bao gồm việc sử dụng vũ lực) để thu hồi Đài Loan. Phát biểu trước Quốc hội, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (20/3) đe dọa Đài Loan sẽ đối mặt với “đòn trừng phạt lịch sử” nếu có ý định tuyên bố độc lập; nhấn mạnh “bất cứ hành động nào nhằm chia cắt Trung Quốc chắc chắn sẽ thất bại, gặp phải sự lên án của mọi người cũng như sự trừng phạt của lịch sử”. (3) Trung Quốc đang sử dụng ảnh hưởng và sức mạnh (kinh tế, quân sự, ngoại giao) để cô lập Đài Loan; buộc các nước, tổ chức quốc tế không được thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan; phải ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc” và gọi Đài Loan là “Đài Bắc – Trung Quốc”. Tính riêng trong năm 2018, đã có 03 nước châu Phi tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan (El Salvador, Cộng hòa Dominica, Burkina Faso). Tính đến thời điểm hiện tại, Đài Loan hiện có quan hệ chính thức với 17 quốc gia, chủ yếu là các nước nhỏ, kém phát triển ở Trung Phi và Thái Bình Dương. Trong khi đó, Thời báo Hoàn Cầu, tờ báo thuộc People Daily, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, từng cho rằng Trung Quốc không cần phải “trả tiền để cướp đồng minh của Đài Loan” và “thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc là một xu hướng không thể cưỡng lại”. “Việc Đài Loan không có đồng minh chỉ còn là vấn đề thời gian”. (4) Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tích cực sử dụng các chiêu bài, thủ đoạn nhằm phá hoại ổn định nội bộ của Đài Loan và tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Đài Loan. Tờ Apple Daily (Đài Loan) mới đây đã tiết lộ bản danh sách gồm 87 sĩ quan quân đội Đài Loan được cho là tham gia đường dây làm gián điệp cho Trung Quốc. Trong số những quan chức Đài Loan làm gián điệp cho Trung Quốc có 02 quan chức cấp cao là cựu Tổng Tham mưu trưởng Hoắc Thủ Nghiệp và Tổng tham mưu trưởng sắp mãn nhiệm Lâm Trấn Di. Ngoài 02 quan chức cấp cao nói trên còn có 8 thượng tướng 3 sao, 18 trung tướng, 16 thiếu tướng, 25 thượng tá, 14 trung tá, 4 thiếu tá tham gia đường dây gián điệp của Bắc Kinh. Trước đó, Đài Loan cũng từng cho biết có ít nhất 5.000 gián điệp Trung Quốc hoạt động tại Đài Bắc, nhắm vào cả các công sở nhà nước và cơ sở kinh tế, công nghiệp.

Đáng chú ý, giới chuyên gia và truyền thông Trung Quốc nhận định:(1) Đài Loan có tầm quan trọng chiến lược rất lớn đối với Trung Quốc Đại lục vì nó nằm ở vị trí trung tâm trong tuyến hàng hải tới Thái Bình Dương. Theo ông Zhou Chenming, nhà bình luận quân sự tại Bắc Kinh, “Đài Loan là trở ngại chính ngăn PLA tiếp cận Tây Thái Bình Dương vì nó là một phần của ‘chuỗi đảo đầu tiên’, kiểm soát Trung Quốc Đại luc”. (2) Trung Quốc tìm cách ngăn chặn Mỹ và các nước đồng minh tăng cường hiện diện ở Đài Loan và hỗ trợ Đài Bắc tuyên bố độc lập. Chuyên gia hải quân Lý Kiệt tại Bắc Kinh đánh giá rằng việc “Trung Quốc tăng cường tập trung vào Đài Loan có lẽ được kích hoạt từ tình huống chính trị không ổn định gần đây trên hòn đảo này và có những dấu hiệu rõ hơn về việc Mỹ, Nhật Bản sẽ ủng hộ các nỗ lực tuyên bố độc lập chính thức của Đảng Dân chủ Tiến bộ trong nghị trình làm việc của Quốc hội Đài Loan. (3) Trung Quốc ngăn chặn Đài Loan tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực, kiềm chế Đài Bắc tăng cường ảnh hưởng và thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước. Việc Đài Loan xúc tiến tham gia sâu rộng hơn vào cộng đồng quốc tế là điều Trung Quốc không muốn và chế độ Đài Bắc tuyên bố độc lập chính thức là “lằn ranh đỏ” đối với Bắc Kinh. Do đó, Trung Quốc đang phô trương sức mạnh quân sự quanh Đài Loan để răn đe và phòng ngừa, cũng là bước chuẩn bị sẵn sàng cho việc dùng vũ lực trong trường hợp cần thiết.

Bất chấp cảnh báo của Trung Quốc, Đài Loan và Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ quốc phòng. Phát biểu sau cuộc gặp với cựu tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cho rằng các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc mang tính đe dọa và chuyến viếng thăm của Đô đốc Scott Swift “không chỉ cải thiện giao lưu quân sự mà còn thể hiện quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa hai bên”, đồng thời kêu gọi “bình thường hóa” việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và Chính phủ của bà muốn có thêm nhiều hoạt động trao đổi quân sự hơn giữa hai bên.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ (9/2018) cho biết Quốc hội Mỹ đã thông qua hợp đồng bán vũ khí, trị giá 330 triệu USD cho Đài Loan. Theo đó, Mỹ sẽ cung cấp nhiều khí tài lớn cho Đài Loan bao gồm tiêm kích F-16 và vận tải cơ C-130. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng với mức ngân sách quốc phòng 716 tỷ đôla, gồm các điều khoản kêu gọi cải thiện năng lực phòng thủ cho Đài Loan nhằm đương đầu với việc phô trương sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, đồng thời tăng cường trao đổi quân sự cấp cao giữa Mỹ và Đài Loan như mở rộng hợp tác về trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Ông Donald Trump cũng ký ban hành Đạo luật đi lại Đài Loan, một đạo luật mang lại cho Tổng thống vỏ bọc chính trị nhằm thay đổi đáng kể chính sách của Mỹ đối với Đài Loan. Theo đó, Đạo luật cho phép các quan chức Mỹ ở mọi cấp có thể tới Đài Loan để gặp những người đồng cấp Đài Loan của họ và các quan chức cấp cao Đài Loan tới Mỹ để “gặp các quan chức Mỹ, bao gồm các quan chức từ Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng”.

Kể từ khi Mỹ không công nhận Đài Loan và thiết lập quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) vào năm 1979, Washington đã chỉ duy trì quan hệ không chính thức với Chính phủ Đài Loan. Quan hệ Trung-Mỹ được củng cố bởi ba thông cáo báo chí chung (được nhất trí vào các năm 1972, 1979 và 1982), theo đó Mỹ đã “thừa nhận” nhưng không công khai chấp nhận lập trường của Trung Quốc rằng chỉ có một Trung Quốc và rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Mỹ sẽ tiếp tục duy trì quan hệ không chính thức với “người dân Đài Loan”, trong đó có những người trong Chính phủ Đài Loan, thông qua Học viện Mỹ ở Đài Loan, một thực thể giống như sứ quán được thành lập thông qua Đạo luật quan hệ với Đài Loan vào năm 1979. Đạo luật này tuyên bố rằng quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc của Washington dựa trên sự mong đợi rằng tương lai của Đài Loan sẽ được định rõ bằng các biện pháp hòa bình. Nhằm thúc đẩy một giải pháp hòa bình, Mỹ sẽ bán vũ khí mang tính chất phòng thủ cho Đài Loan và duy trì khả năng quân sự để chống lại sự ép buộc của Trung Quốc.

http://biendong.net/bi-n-nong/24824-my-se-don-tru-tai-dao-ba-binh-de-kiem-che-tq-tren-bien-dong.html

 

VN tạo cơ hội để Ấn Độ cứng rắn hơn với TQ ở trên biển

Những bước tiến trong quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ sẽ giúp cả hai nước chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở châu Á, trong đó có cả Biển Đông đang trong vòng tranh chấp, theo các học giả châu Á.

Quan hệ Ấn Độ-Việt Nam lại phát triển thêm trong tuần này khi Tổng thống Ấn Độ Shri Ram Nath Kovind thăm Việt Nam từ ngày 17-20/11. Ông đã gặp và hội đàm kín với Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm 20/11.

Chuyến thăm này thúc đẩy tình hữu lâu đời và cải thiện nhanh chóng, bắt đầu vào những năm 1970 và có bước nhảy vọt vào năm 2016 khi hai bên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Hiện nay, cả hai nước đều quan ngại về Trung Quốc.

Ông Sameer Lalwani, Phó Giám đốc của Chương trình Nam Á thuộc Trung tâm Stimson ở Mỹ, nói: “Trong bối cảnh hai bên cùng lo ngại về sự quyết đoán của Trung Quốc, New Delhi tìm cách tăng cường các năng lực của Hà Nội để kìm chân Trung Quốc, trong khi mở rộng ảnh hưởng của Ấn Độ ở Nam Á”.

Tranh chấp Biển Đông

Việt Nam và bốn chính phủ khác phản đối toàn bộ hoặc một phần tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với khoảng 90% diện tích Biển Đông.

Cùng lúc, Ấn Độ gần đây đã trở nên nhiệt tình hơn trong việc giúp Australia, Nhật Bản và Hoa Kỳ tuần tra các vùng biển châu Á, nơi Trung Quốc đã gây ra báo động đối với các nước khác với việc Trung Quốc bồi đắp các đảo nhỏ, trong đó một số đảo đã được sử dụng cho mục đích quân sự.

Những quốc gia này muốn Biển Đông rộng 3,5 triệu kilomet vuông hoàn toàn mở cửa cho quốc tế thay vì ngày càng nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.

“Tôi nghĩ Việt Nam muốn Ấn Độ đóng vai trò tích cực hơn trong khu vực Nam Á vì Việt Nam thấy Ấn Độ không được tích cực lắm trong nhóm bộ tứ, gồm Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản”, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, nói.

Ấn Độ và Việt Nam đã tổ chức cuộc tập trận chung đầu tiên ở Vịnh Bengal vào tháng 10 để tăng cường quan hệ “ở cấp độ làm việc”, Press Trust of India đưa tin. Ấn Độ cũng đã dành cho Việt Nam khoản tín dụng 500 triệu đô la để mua vũ khí, và đề nghị lập một hệ thống cảnh báo Biển Đông có thể gửi dữ liệu về sóng thần cho Việt Nam.

Thăm dò dầu khí

Các nhà phân tích dự báo rằng Việt Nam và Ấn Độ sẽ sử dụng việc thăm dò nhiên liệu để củng cố vị thế của họ ở Biển Đông, kèm theo là lợi nhuận tiềm tàng.

Ấn Độ và Việt Nam vốn đã có quan hệ thương mại mạnh mẽ, trị giá 12,8 tỷ đô la trong giai đoạn 2017-2018, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết. Thương mại song phương sẽ đạt 15 tỷ đô la vào năm 2020, phó chủ tịch Phòng Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam nói hồi năm ngoái. Đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam khi đó là 2 tỷ đô la.

Trong bốn năm qua, các chi nhánh nước ngoài của hãng ONGC thuộc chính phủ Ấn Độ đã làm việc với Tập đoàn Thăm dò Khai thác Dầu khí PetroVietnam để tìm kiếm dầu khí ở Biển Đông. Trung Quốc có lẽ đang theo dõi một cách thận trọng, các chuyên gia nói.

“Vấn đề dầu mỏ có lẽ là một trong những chuyện chính trị hóc búa”, ông Maxfield Brown, cộng sự cao cấp của công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates tại thành phố Hồ Chí Minh nhận xét. Ông nói tiếp: “Tôi chắc chắn rằng Việt Nam muốn tìm các nước sẵn sàng đầu tư vào khai thác tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam mà cũng không sợ hãi về lời hăm dọa là hải quân Trung Quốc sẽ ra tay ngăn cản”.

Hãng khoan dầu Repsol của Tây Ban Nha đã bỏ một dự án được Việt Nam phê duyệt tại Biển Đông hồi tháng 3, dường như do bị áp lực từ Trung Quốc. Việt Nam hiện đang xem xét một dự án thăm dò khí đốt trị giá 4,6 tỷ đô la với ExxonMobil, đối tác trong nước là Công ty Cổ phần CNG Vietnam cho biết. Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền về lô dầu khí này.

Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Úc, nói: “Việt Nam luôn cố gắng làm cho các công ty thăm dò nhiều hơn, còn Ấn Độ đã ngần ngại với việc tiếp tục nắm các lô không hiệu quả hoặc nhận các lô ở các khu vực nhạy cảm liên quan đến Trung Quốc”.

Trong khi đó, ông Mohan Malik, giáo sư về an ninh châu Á, thuộc Trung tâm Daniel K. Inouye về Nghiên cứu An ninh châu Á Thái Bình Dương ở Hoa Kỳ, cho rằng Ấn Độ không tỏ ra sợ hãi tính đến nay.

“Bắc Kinh đã phản đối các hoạt động thăm dò dầu mỏ chung của Việt Nam và Ấn Độ tại Biển Đông trong gần một thập kỷ, nhưng New Delhi đã không hề suy suyển”, ông Malik nói. “Thông qua các cuộc tập trận hải quân chung và các cuộc ghé thăm các cảng Việt Nam, New Delhi đang báo hiệu cho Bắc Kinh rằng việc bành trướng về hải quân đang gia tăng của Trung Quốc sẽ bị chống lại bằng hoạt động hải quân của Ấn Độ ở Biển Đông”, ông nói thêm.

https://www.voatiengviet.com/a/vn-tao-co-hoi-de-an-do-cung-ran-hon-voi-tq-tren-bien/4666233.html

 

Bỏ đồng minh Mỹ xoay sang TQ,

2 năm sau Duterte được gì?

Hai năm sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ruồng bỏ đồng minh Mỹ và xoay sang Trung Quốc để đổi lấy các lợi lộc kinh tế, ông Duterte vẫn chưa mang về cho nước ông những lợi lộc đáng kể, theo Reuters.

Sau chuyến đi Bắc Kinh năm 2016, ông Duterte về nước với những cam kết của Bắc Kinh sẽ cho vay cũng như đầu tư khoảng 24 tỷ USD, kể cả cho các dự án quy mô đầy tham vọng của ông Duterte để canh tân cơ sở hạ tầng Philippines. Lúc đó, ông Duterte không tiếc lời chỉ trích Mỹ, thậm chí nói Washington đối xử tệ với Philippines ‘như một con chó’, và vì vậy xoay sang Trung Quốc sẽ tốt hơn cho nước ông.

Nhưng cho tới giờ, chỉ có một phần nhỏ các cam kết của Trung Quốc cho Philippines trở thành hiện thực, khiến ông Duterte bị chỉ trích là đã đồng lõa để cho phép Trung Quốc trở thành mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia, và rằng ông đã bị Bắc Kinh ‘sỏ mũi’.

Richard Heydarian, một nhà phân tích quốc phòng và an ninh ở Manila, nói khi Chủ tịch TQ đi thăm Philippines tuần này, ông Duterte sẽ cần ông Tập chi tiền ra thực hiện những cam kết để ông có thể biện minh cho những nhượng bộ có tính cách địa chính trị của ông.

Ông Heydarian nói:

“Nếu không, chắc chắn chúng ta có thể kết luận rằng những hứa hẹn và cam kết đó chỉ là những lời nói rỗng, và Philippines đã bị Bắc Kinh lừa đảo. Sự ngây ngô của ông Duterte với Trung Quốc là một vố chiến lược cho Bắc Kinh, không còn nghi ngờ gì nữa. ”

Bộ trưởng Tài chính Philippines Benjamin Diokno nói kỳ vọng rằng tất cả các cam kết của Trung Quốc sẽ trở thành hiện thực chỉ sau hai năm, là không hợp lý, nhưng các giới chức ở Manila hy vọng sự can thiệp của ông Tập sau chuyến công du Philippines có thể giúp đẩy mạnh các dự án đó.

Kế hoạch quy mô của ông Duterte để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng “Build, Build, Build”, là trọng tâm của chiến lược kinh tế của Tổng thống Philippines, bao gồm 75 dự án ưu tiên, trong đó khoảng phân nửa dành riêng cho các khoản vay, trợ cấp hoặc đầu tư của Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo các tài liệu của chính phủ Philippines có thể được truy cập mà Reuters đã xem qua, chỉ có 3 dự án, hai chiếc cầu và một cơ sở thủy lợi, trị giá chung là 167 triệu đồng, là đã bắt đầu được xúc tiến.

Cam kết đầu tư vào Philippines của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay chỉ lên tới 33 triệu USD, khoảng 40% của Hoa Kỳ và khoảng 1/7 các cam kết của Nhật Bản.

Sở Thống kê Philippines

Phần còn lại, gồm ba dự án đường sắt, ba đường cao tốc và chín cây cầu, vẫn nằm trong giai đoạn quy hoạch và phân bố ngân sách, hoặc đang chờ Bắc Kinh phê duyệt tài chính, hoặc là đang trong giai đoạn chọn nhà thầu Trung Quốc.

Cam kết đầu tư vào Philippines của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay chỉ lên tới 33 triệu USD, khoảng 40% của Hoa Kỳ và khoảng 1/7 các cam kết của Nhật Bản, theo Sở Thống kê Philippines, theo xu hướng tương tự như năm trước đó.

Giao thương giữa Trung Quốc và Philippines đã tăng đáng kể, nhưng dữ liệu cho thấy phần lớn chỉ có lợi cho Trung Quốc.

Áp lực tăng

Ông Duterte không tiếc lời ca tụng Trung Quốc, ngay cả nói ông “yêu” ông Tập, thậm chí có lúc còn đùa rằng Philippines là “một tỉnh của Trung Quốc”.

Nhiều người dân thường Philippines cũng như các luật sư quốc tế và các nhà ngoại giao đều bày tỏ phẫn nộ về việc ông Duterte từ khước ngay cả nêu lên với Trung Quốc việc Philippines đã thắng trong vụ kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Trọng tài quốc tế (PCA) năm 2016, khi tòa án quốc tế tại La Haye ra phán quyết trao phần thắng cho Philippines, và khẳng định các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu hết Biển Đông là “vô căn cứ”.

Ngoài ra, ông Duterte còn chống lại việc các nước Đông Nam Á đưa ra một lập trường thống nhất chống hành động quân sự hóa của Bắc Kinh tại một hội nghị thượng đỉnh khu vực tuần trước, ông Duterte cảnh báo chớ nên gây hiềm khích, bởi vì, theo lời ông, Biển Đông “bây giờ đã nằm trong tay của Trung Quốc”.

Nhà phân tích Heydarian nói nếu ông Duterte không chứng minh được là chiến lược xoay sang Trung Quốc của ông đã mang về lợi ích kinh tế cho Philippines, thì vị thế của ông sẽ bị suy yếu trước các cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2019, mà kết quả có thể định đoạt sự thành công hay thất bại của nhiệm kỳ tổng thống của ông.

https://www.voatiengviet.com/a/bo-dong-minh-my-xoay-sang-tq-2-nam-sau-duterte-duoc-gi/4665050.html

 

Trung Quốc và Brunei tuyên bố

 thúc đẩy việc đồng khai thác Biển Đông

Trọng Nghĩa

Thăm Brunei ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Papua New Guinea, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah ngày 19/11/2018 cho biết là hai nước đồng ý đẩy mạnh việc đồng khai thác dầu khí tại vùng Biển Đông đang có tranh chấp giữa Bắc Kinh và 4 nước Đông Nam Á trong đó có Brunei.

Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã tăng cường hợp tác với Brunei, nước nhỏ nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, để thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng, nhấn mạnh rằng công cuộc hợp tác đó «không ảnh hưởng gì trên các tuyên bố chủ quyền của mỗi bên».

Sau cuộc gặp thượng đỉnh hôm qua giữa lãnh đạo hai bên, cả Trung Quốc lẫn Brunei đều cho biết họ hài lòng với tiến trình hợp tác về năng lượng và sẽ tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực trong lãnh vực đó.

Vào năm 2013, nhân dịp quốc vương Brunei thăm Trung Quốc, hai bên đã nhất trí thành lập một liên doanh giữa tổng công ty dầu khí hải ngoại Trung Quốc CNOOC và tập đoàn dầu hỏa quốc gia Brunei BNPC.

Một năm sau, liên doanh mang tên PBS-COSL đã được đăng ký tại Bandar Seri Begawan, thủ đô Brunei, và bắt đầu xây dựng sáu cơ sở khai thác bao gồm giàn khoan và nhà máy nén khí. Tuy nhiên, công cuộc hợp tác Brunei Trung Quốc rất chậm chạp.

Gần đây, sau khi ASEAN và Trung Quốc quyết định thúc đẩy việc hình thành bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông, hy vọng đẩy mạnh được việc đồng khai thác đã gia tăng.

Theo hãng tin Pháp AFP, là một nước mà nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu hỏa, trong những năm gần đây, Brunei đã quay sang tìm kiếm sự giúp đỡ từ Trung Quốc để đối phó với các khó khăn xuất phát từ việc giá dầu thế giới sụt giảm, còn mỏ dầu Brunei bắt đầu cạn đi. Dù là một trong 4 nước Đông Nam Á (cùng với Việt Nam, Philippines, Malaysia) mà tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông bị Trung Quốc tranh chấp, Brunei hầu như tránh lên tiếng trên vấn đề này.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181120-trung-quoc-va-brunei-tuyen-bo-thuc-day-viec-dong-khai-thac-bien-dong