Cam kết của chính quyền Trump về Biển Đông và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Tự do cởi mở
Tuần qua ghi dấu với hội nghị thượng đỉnh ASEAN, nơi không chỉ có sự tham dự của các lãnh đạo đến từ các nước Đông Nam Á, mà còn có sự hiện diện của lãnh đạo nhiều cường quốc thế giới.
Khi cầm trong tay chìa khóa Nhà Trắng, Trump đã thừa kế từ chính quyền Obama chiến lược “xoay trục châu Á”, với “di sản” là một Biển Đông đã được Trung Quốc hoàn thành xong việc bồi đắp phi pháp các đảo nhân tạo, đồng thời đang đẩy mạnh việc quân sự hóa vùng biển này.
Điều này có nghĩa là những kế hoạch kiềm chế và đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của vị tổng thống da màu về cơ bản đã thất bại. Với tình hình như vậy dường như đã buộc chính quyền Trump phải xây dựng một chiến lược mới, và “một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do cởi mở về an ninh, kinh tế, dân chủ và nhân quyền” đã ra đời.
Đống đổ nát của người tiền nhiệm OBAMA
Đánh giá những thành tựu của Tổng thống Trump sau gần hai năm giữ vị trí tổng thống Mỹ, ông Steven W. Mosher, tác giả cuốn sách “Bắt nạt châu Á: Tại sao Giấc mơ Trung Hoa lại là mối đe dọa mới đối với trật tự thế giới”, viết: “Dưới thời Trump, nền kinh tế Mỹ đang bay lên như một con phượng hoàng từ đống tro tàn của những quy định hành chính rườm rà, thuế cao và những thỏa thuận thương mại tồi tệ đã từng đe dọa sẽ bóp nghẹt nó”.
Ông Mosher ví nền kinh tế Mỹ mà cựu Tổng thống Obama để lại cho ông Trump là “một đống tro tàn”, thế thì những gì trên Biển Đông mà vị tổng thống da màu để lại cho người kế nhiệm cũng là một “đống đổ nát”.
Thật vậy, có thể nói với ý tưởng “dùng các thỏa thuận đa phương để biến Trung Quốc thành bạn” của chính quyền Obama đã “kiến tạo” cho Trung Quốc một môi trường thuận lợi để quốc gia đầy tham vọng này củng cố nội lực và tiến hành các bước đi mạnh bạo trên con đường thâu tóm Biển Đông.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2012-2015 chính quyền của ông Obama không cho phép Hải quân Hoa Kỳ thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông [FONOPS] để tránh tạo căng thẳng với Trung Quốc. Đây là cơ hội thuận lợi nhất cho Bắc Kinh “thoải mái” thực hiện các hành động hiện thực hóa tham vọng của mình trên vùng biển này.
Chiến lược “Xoay trục Châu Á” của Obama về ơ bản đã thất bại khi gần như thu tay để Trung Quốc “muốn làm gì thì làm” trên Biển Đông.
Thách thức chính: Trung Quốc
Rõ ràng Trung Quốc là thách thức lớn nhất đối với Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở của Hoa Kỳ, hay ở một góc nhìn khác có thể nói một trong những mục tiêu chủ yếu trong chiến lược của Mỹ là nhắm vào việc kiềm chế tham vọng của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Không thể phủ nhận, với nhiều lợi thế sẵn có như vị trí địa lý, tiềm năng kinh tế và sức mạnh quân sự, Trung Quốc đã và đang tạo ra được ảnh hưởng lớn đối với nhiều quốc gia Đông Nam Á trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và quân sự. Điều này đã làm hạn chế sức ảnh hưởng của Mỹ vốn ở quá xa khu vực này.
Đặc biệt về mặt quân sự, Trung Quốc tạo ra những thách thức đáng kể đối với Hoa Kỳ khi liên tục gia tăng ngân sách đầu tư cho hiện đại hoá quân đội với chi phí hàng năm lên tới hàng trăm tỷ đô la. Chi phí cho quốc phòng năm 2018 của Trung Quốc đánh dấu mức tăng 8,1% so với 7% của năm 2017 [The Diplomat].
Trong tuần qua, trong báo cáo gửi đến Nghị viện Hoa Kỳ hôm thứ Tư (14/11), Ủy ban Nghiên cứu Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung cho hay Trung Quốc đang nỗ lực phát triển quân đội để có thể cạnh tranh với Mỹ vào năm 2035 trong các hoạt động quân sự trên mặt đất, trên không, trên biển và chiến tranh thông tin ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Vào tháng 5/2016, ông Rodrigo Duterte trúng cử tổng thống Phillippines, thì vào tháng 7/2016 toà trọng tài La Hay đưa ra phán quyết phủ nhận yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông, tức đem phần thắng về cho đất nước ông. Tuy nhiên, ông Duterte đã không tận dụng lợi thế này để củng cố tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông mà, vào tháng 12/2016, còn khẳng định sẽ ‘gác lại’ phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế vì “không muốn tạo áp lực cho Trung Quốc”, theo BBC.
Ông Duterte sau đó ngày càng thể hiện rõ là người có quan điểm thân Trung Quốc. Dư luận cho rằng vị tổng thống hay chửi thề của Phillippines thân Bắc Kinh vì mẹ của ông là người Hoa, nhưng BBC cho rằng ông trở nên xa rời phương Tây vì họ đã chỉ trích chính sách “tiêu diệt” tội phạm ma tuý một cách tuỳ tiện của ông.
Quan điểm thân Bắc Kinh của ông Duterte thể hiện rõ nhất trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra tuần qua. Trả lời phỏng vấn bên lề hội nghị hôm thứ Năm (15/11), ông Duterte nói rằng Trung Quốc đã sở hữu Biển Đông, và các cuộc tập trận quân sự của Hoa Kỳ hay của các đồng minh trên vùng biển này chỉ tạo ra chướng ngại cho các cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh và các nước ASEAN, theo Straitstimes.
“Trung Quốc đang sở hữu [Biển Đông]. Bây giờ nó nằm trong tay họ. Vậy tại sao bạn phải tạo ra những điều kỳ cục… [nhưng hành động đó] sẽ tạo ra một phản ứng từ Trung Quốc”, ông Duterte nói.
Vị tổng thống cua Phillippines, từng nói rằng phán quyết của toà La Hay chỉ là “mảnh giấy”, khẳng định rằng những xung đột trên Biển Đông có thể được giải quyết tốt nhất thông qua các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN, mà không cần sự hiện diện của Mỹ và các đồng minh vì họ chỉ làm gia tăng căng thẳng thông qua các “màn biểu diễn” với cái cớ là để duy trì “tự do hàng hải”.
Tư tưởng thân Bắc Kinh của ông Duterte ít nhiều gây ra sự chia rẽ trong ASEAN và tạo ra những chướng ngại đáng kể trong việc thực hiện kế hoạch kiềm chế Trung Quốc trên Biển Đông của Hoa Kỳ. Theo các nhà phân tích, những phát biểu của vị tổng thống 73 tuổi này để tại những hệ luỵ không nhỏ.
Quan điểm thân Bắc Kinh của Duterte để lại hệ luỵ không nhỏ.
Jay Batongbacal, giám đốc của Viện UP về Hải dương học và Luật biển, cho biết những tuyên bố của ông Duterte có thể được sử dụng làm bằng chứng về sự thừa nhận chống lại lợi ích của Philippines.
“Tuyên bố này có thể được hiểu là sự công nhận về ‘quyền sở hữu’ của Trung Quốc, mặc dù theo luật pháp quốc tế, nguyên tắc chung là các vùng biển không thuộc sở hữu của bất kỳ Nhà nước nào”.
Quyết tâm của Trump ở Biển Đông
Tiếp nối gia tài của chính quyền Obama là một Biển Đông đã được Trung Quốc quân sự hoá về cơ bản, chính quyền Trump đã nỗ lực cải thiện tình hình. Bước đi đầu tiên để xử lý vấn đề Biển Đông cần kể tới của nội các Trump là đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở.
Trong bài phát biểu tại hội nghị APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng, Việt Nam, lần đầu tiên Tổng thống Trump đề cập một cách chính thức tới chiến lược này, ông nhấn mạnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ là một khu vực mà ở đó các quốc gia “tuân thủ luật lệ” quốc tế, và “vươn lên trong tự do và hoà bình”. Đây cũng được coi là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới Trung Quốc khi nước này liên tục có các hành vi vi phạm luật lệ quốc tế như bồi đắp, cải tạo và cơi nới các đảo ở Biển Đông.
Để hiện thực hoá chiến lược này, chính quền Trump đã có những hành động cụ thể, quyết liệt và kiên trì. “Hoa Kỳ đã chọn việc cho tàu và máy bay đi lại qua khu vực này với tần suất cao đến mức khiến điều đó không còn là việc gì bất thường nữa, như vậy có nghĩa là họ đã chiến thắng trong một trận chiến giành quyền lưu thông trên Biển Đông mà không cần một viên đạn nào”, Business Insider bình luận.
Động thái tiếp theo ghi nhận những nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc hiện thực hoá chiến lược đối với châu Á là vào ngày 13/8/2018, Tổng thống Trump đã ký ban hành Đạo luật ủy quyền quốc phòng John S. McCain (NDAA) cho năm tài khóa 2019, nhắm tới nhiều tham vọng của Trung Quốc, trong đó có Biển Đông, theo WSJ.
Đạo luật quốc phòng cấm Trung Quốc tham gia các cuộc tập trận quốc tế Vành đai Thái Bình Dương cho đến khi Bắc Kinh chấm dứt quân sự hóa Biển Đông. Đạo luật cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ báo cáo Nghị viện bất kỳ động thái leo thang nào của Trung Quốc trong khu vực.
Nhưng Trung Quốc không dễ dàng từ bỏ thạm vọng sở hữu gần 90% diện tích Biển Đông, trong cuộc đối thoại Mỹ-Trung hôm 9/11, Bắc Kinh đã đề nghị Washington không đưa tàu và máy bay tới Biển Đông. Đáp lại lời đề nghị, Hoa Kỳ đã thẳng thừng từ chối và nhấn mạnh rằng sẽ tiếp tục “bay, đi lại và [thực hiện các] hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.
Quyết tâm “đưa Trung Quốc vào khuôn khổ” của Hoa Kỳ tiếp tục được thể hiện rõ trong các phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong kỳ thượng đỉnh ASEAN tuần qua. Ông Pence đã khẳng định Hoa Kỳ coi ASEAN là “đối tác chiến lược không thể thay thế” và đưa ra đề nghị rằng không nên dung thứ cho hành vi xâm lược.
Ông Pence phát biểu: “Mỹ là một quốc gia Thái Bình Dương và chúng tôi coi trọng vị trí trung tâm của ASEAN trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Về an ninh, chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của ASEAN nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực, ủng hộ thượng tôn pháp luật trên Biển Đông”.
“Tất cả chúng ta đều đồng ý rằng các hành động xưng bá và xâm lược không có chỗ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương”, ông Pence nói.
Một ngày sau khi kết thúc thượng đỉnh ASEAN, ông Pence tiếp tục truyền đi thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc và bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Phillippines Duterte thừa nhận Biển Đông đã thuộc về Bắc Kinh.
“Biển Đông không thuộc về bất kỳ quốc gia nào, và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho tàu và máy bay hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, ông Pence tuyên bố.
Qua những chính sách của chính quyền Trump và những hành động trên thực địa ở Biển Đông của tàu chiến và máy bay chiến đấu cũng như tuần tra của Mỹ, và những phát biểu mạnh mẽ của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong thượng đình ASEAN 2018, có thể thấy Hoa Kỳ quyết tâm và sẽ thực hiện quyết liệt để không cho Trung Quốc hiện thực hoá tham vọng của mình trên một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất trên thế giới.
Các nước đồng minh của Hoa Kỳ như Nhật, Úc, Anh, Pháp, Canada hay thậm chí một quốc gia có xu hướng trung lập như Ấn Độ cũng đều nhiều lần điều tàu chiến hoặc máy bay tới Biển Đông để ủng hộ việc thực thi luật pháp quốc tế trên vùng biển này.
Lựa chọn bền vững về hợp tác đầu tư
Theo WSJ, Hoa Kỳ đã nhìn thấy dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc là một công cụ được Bắc Kinh sử dụng để nâng cao lợi ích chiến lược và quân sự của mình. Một số quan chức trong chính quyền Trump và các nghị sĩ Mỹ đã chỉ ra những rủi ro mà các nước nhận đầu tư từ Trung Quốc sẽ gặp phải, họ nói rằng Bắc Kinh âm mưu đưa ra một “bẫy nợ” khổng lồ và sử dụng “kinh tế học ăn thịt” để giành quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng nhạy cảm và làm suy yếu quyền tự chủ của các nước nhận đầu tư.
Chính quyền Trump đang tìm cách thay đổi điều đó bằng cách khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực tương tự với Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Vào tháng 10, Tổng thống Trump đã ký luật Xây dựng, cho phép cung cấp các khoản vay, bảo lãnh vay vốn và bảo hiểm rủi ro chính trị cho các công ty tư nhân.
Đạo luật Xây dựng cho phép đầu tư 60 tỷ USD trên toàn thế giới, với cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nguồn vốn đầu tư là Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (IDFC). Cơ quan này sẽ hợp nhất các chương trình hiện tại, tăng gấp đôi chi tiêu và có quyền sở hữu cổ phần trong các dự án, một cách linh hoạt hơn để lựa chọn và hướng dẫn các đầu tư.
Chính quyền Trump đã dành ra 113 triệu đô la cho các dự án phát triển kỹ thuật số, năng lượng và cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, như là một “khoản đầu tư trong kỷ nguyên mới với cam kết kinh tế của Hoa Kỳ”, theo mô tả của Ngoại trưởng Mike Pompeo.
Với các công ty Mỹ, người dân trên toàn thế giới biết rằng cái mà họ nhận được là: hợp đồng trung thực, các điều khoản trung thực, và không cần phải lo sợ về những rủi ro”, ông Pompeo nói hồi tháng Bảy.
Nhật và Úc cũng sẽ chia sẻ kế hoạch này với Hoa Kỳ. IDFC đã ký một thỏa thuận với Nhật Bản và Úc vào tháng 7 để cùng nhau huy động nguồn vốn đầu tư, tạo ra một liên minh trên mặt trận kinh tế, bên cạnh liên minh an ninh tại khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương.
Malaysia, sau khi ông Mahathir bin Mohamad trở lại nắm quyền thủ tướng nước này, cũng đã nhìn ra những rủi ro mà Vành đai và Con đường đem lại. Thành viên của ASEAN đã đưa ra quyết định đóng cửa nhiều dự án được thực hiện bởi các nhà thầu Trung Quốc và kiên quyết từ chối nguồn vốn vay mà Bắc Kinh bảo trợ.
Từ những động thái ở Biển Đông và chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, có thể thấy quyết tâm của chính quyền Trump trong việc đối trọng với Trung Quốc và tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực, đặc biệt là ASEAN. Vấn đề còn lại có lẽ là phụ thuộc vào lựa chọn của ASEAN, nơi có nhiều thành viên cùng có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Phát biểu trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN, hôm 15/11, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảnh báo rằng các quốc gia Đông Nam Á có thể bị buộc phải lựa chọn giữa Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ, theo SCMP.
“Nếu các vị là bạn với hai quốc gia ở hai phía khác nhau, đôi khi các vị có thể hòa hợp với cả hai, đôi khi khó xử hơn khi các bạn cố gắng hòa hợp với cả hai”, ông Lý nói.
Tôi nghĩ rằng chúng ta rất mong muốn không phải lựa chọn, nhưng trong những hoàn cảnh nào đó ASEAN có thể phải chọn một trong hai. Tôi hy vọng điều đó sẽ không sớm xảy ra”, Thủ tướng Singapore nói.
Tới đây, một câu hỏi đặt ra là, với những gì diễn ra trên Biển Đông thì đã phải là hoàn cảnh để ASEAN lựa chọn Trung Quốc hay Hoa Kỳ theo lời thủ tướng Lý chưa? và nếu phải lựa chọn thì ASEAN sẽ lựa chọn bên nào? Trung Quốc hay Hoa Kỳ?
Việc các nước Đông Nam Á lựa chọn bên nào trong những hoàn cảnh cụ thể cũng là một nhân tố quyết định tới con đường từ thượng đỉnh ASEAN tới một Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, cởi mở dài bao xa.
Kha Đạt – Đại Kỷ Nguyên 18/11/2018