Tin khắp nơi – 18/11/2018
Bão tuyết khiến cả thành phố New York tê liệt
New York –Thành phố New York hiện đang hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt bão tuyết đầu tiên trong năm. Hàng ngàn người đã mắc kẹt tại trạm xe buýt Port Authority ở Manhattan khi 1,100 chuyến xe bị hủy. Trong khi đó, cây cầu George Washington đã biến thành bãi đỗ xe sau khi 20 phương tiện đâm nhau và nhiều tài xế bỏ lại xe hơi trên cầu.
Tại New Jersey, các tuyến xe buýt đều không hoạt động, buộc nhiều học sinh phải ngủ qua đêm ở trường học cho đến khi phụ huynh có thể đến đón vào sáng hôm sau. Dù cường độ bão không lớn nhưng thành phố New York vẫn bị tê liệt, điều đó cho thấy hệ thống giao thông cũ kỹ ngày càng không đáng tin cậy, từ tàu điện ngầm cho đến xe buýt.
Cơn bão tuyết đã tác động mạnh đến mọi phương tiện giao thông của người dân. Tuyết rơi dày trên mặt đường ở thành phố và nông thôn nhưng vẫn không được dọn dẹp, cản trở di chuyển của nhiều tuyết xe buýt. Tình trạng bất lợi này khiến xe buýt từ New Jersey Transit không thể đến trạm xe buýt Port Authority ở New York. Nhiều người đi làm đã bỏ trạm và phải chen chúc trên các chuyến tàu. Chỉ có tuyến tàu điện ngầm vẫn hoạt động bình thường.
Các viên chức chính quyền ở New York và New Jersey đã hứng chịu không ít chỉ trích nặng nề, đồng thời bày tỏ sự bất ngờ trước cường độ của cơn bão. Mật độ tuyết rơi đo được ở Central Park lên đến 6.4 inch, mức cao nhất trong vòng 136 năm qua. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/bao-tuyet-khien-ca-thanh-pho-new-york-te-liet/
Phó tổng thống Hoa Kỳ
gặp gỡ phái đoàn Đài Loan tại APEC
Port Moresby, Papua New Guinea – Theo tin tức từ phương tiện truyền thông, vào hôm thứ Bảy (17/11), Phó tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã gặp gỡ ông Morris Chang, đại sứ của Đài Loan tại Hội nghị thượng đỉnh APEC, bên lề một diễn đàn kinh doanh tại Port Moresby. Bản tin này là của một nhà báo có tham dự hội nghị thượng đỉnh với ông Pence, và không hề chứa bất kỳ thông tin chi tiết nào khác.
Mặc dù Đài Loan không được nhiều quốc gia công nhận về mặt ngoại giao, nhưng APEC lại cho phép hòn đảo này tham gia dưới danh nghĩa một nền kinh tế riêng biệt, chứ không phải một thực thể chính trị.
Hoa Kỳ không có quan hệ chính thức với Đài Loan, nhưng lại bị luật pháp ràng buộc về việc cung cấp cho hòn đảo những phương tiện để tự vệ, và là quốc gia hùng mạnh nhất ủng hộ hòn đảo này trên trường quốc tế. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/pho-tong-thong-hoa-ky-gap-go-phai-doan-dai-loan-tai-apec/
Vụ Khashoggi: Trump nói gì về đánh giá của CIA?
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói việc CIA quy trách nhiệm cho Thái tử Saudi Mohammed bin Salman về vụ giết nhà báo Jamal Khashoggi “còn quá sớm”.
Ông nói thêm rằng mình sẽ nhận báo cáo hoàn chỉnh về vụ này hôm 20/11.
CIA: Thái tử Saudi ‘liên quan’ vụ giết Khashoggi
Vụ Khashoggi: Ả Rập Saudi ‘phái người hủy bằng chứng’
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ‘tiết lộ hết’ về cái chết của Khashoggi
TT Trump: vụ giết Khashoggi là ‘che đậy tồi tệ nhất’
Theo Reuters, trong chuyến đi khảo sát khu vực bị cháy rừng ở California, ông Trump cho biết vụ giết người “lẽ ra không bao giờ nên xảy ra.”
Bản báo cáo hôm 20/11 sẽ giải thích về bên nào mà chính phủ Hoa Kỳ tin rằng đã giết Khashoggi và tác động của vụ này là gì.
Không rõ ai là người soạn báo cáo.
Trump cũng nói rằng CIA phát hiện “khả năng” bin Salman chịu trách nhiệm về vụ giết người.
Ông Trump đưa ra bình luận sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chính phủ vẫn đang xác định trách nhiệm ai là người phải chịu trách nhiệm về cái chết của Khashoggi, một nhà báo làm việc cho Washington Post.
“Các báo cáo gần đây chỉ ra rằng chính phủ Mỹ đã đưa ra kết luận cuối cùng là điều không chính xác,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Heather Nauert cho biết. “Vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời đáp liên quan đến vụ sát hại ông Khashoggi.”
Bà Nauert cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ tiếp tục tìm kiếm sự thật và phối hợp với các nước khác để buộc những người liên quan đến vụ giết nhà báo phải nhận trách nhiệm “trong khi vẫn duy trì mối quan hệ chiến lược quan trọng giữa Hoa Kỳ và Ả rập Saudi.”
Trước đó, Cơ quan tình báo Hoa Kỳ, CIA, tin rằng Thái tử Mohammed bin Salman là người đã ra lệnh giết chết phóng viên Jamal Khashoggi, theo tường thuật trên truyền thông Mỹ.
Các nguồn tin thân cận với CIA nói rằng cơ quan này đã đánh giá chi tiết các bằng chứng.
Tin cho hay tuy không có bằng chứng hiển nhiên, nhưng các quan chức Hoa Kỳ nhận định một chiến dịch như vậy cần phải được sự chuẩn thuận của thái tử.
Ả rập Saudi nói tuyên bố đó là sai và nói thái tử không hề biết gì.
Trong lúc đó, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence nói sẽ quyết buộc những kẻ giết hại nhà báo Khashoggi phải chịu trách nhiệm.
Phát biểu bên lề một hội nghị thượng đỉnh ở Papua New Guinea, ông nói Mỹ “quyết tâm buộc toàn bộ những kẻ liên quan tới vụ giết người đó phải chịu trách nhiệm”.
Phóng viên Khashoggi bị giết tại cơ quan lãnh sự của Ả rập Saudi tại Istanbul hôm 2/10. Thi thể ông đến nay vẫn chưa được tìm thấy.
Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng lệnh sát hại ông phải được đưa ra từ những cấp cao nhất.
Tờ Washington Post, nơi Khashoggi đang làm việc, nói rằng việc đánh giá của CIA một phần được dựa trên một cuộc điện thoại của em trai thái tử là Hoàng tử Khaled bin Salman, đại sứ Ả rập Saudi tại Hoa Kỳ.
Hoàng tử Khaled được cho là đã gọi điện cho ông Khashoggi theo chỉ thị của anh trai mình, và đảm bảo với phóng viên rằng ông sẽ an toàn khi tới văn phòng lãnh sự.
Hoàng tử Khaled, nay đã trở về Ả rập Saudi, nói trên Twitter rằng ông đã không liên hệ gì với ông Khashoggi từ gần một năm nay. Ông nói ông chưa bao giờ gợi ý ông Khashoggi, khi đó đang ở London để dự một cuộc hội thảo cho tới trước ngày ông mất tích, rằng ông Khashoggi nên tới Thổ Nhĩ Kỳ vì bất cứ lý do gì.
Vụ Khashoggi: Mỹ gặp thái tử Saudi dù chỉ trích
Vụ án Jamal Khashoggi: Cảnh sát Thổ tiếp tục tìm kiếm
Anh và Mỹ ‘có thể tẩy chay’ hội nghị ở Ả Rập Saudi
Lời bác bỏ này đang được đăng tải rộng rãi trên truyền thông Ả-rập Saudi, phóng viên BBC Sebastian Usher từ Riyadh tường thuật.
Người ta tin rằng các nhân viên tình báo cũng đã đánh giá một cuộc điện thoại do nhóm tiến hành vụ giết người gọi tới một nhân viên thân cận cao cấp của Thái tử bin Salman.
Các nguồn được trích thuật trên truyền thông Mỹ nhấn mạnh rằng không hề có một chút bằng chứng đơn lẻ nào cho thấy thái tử có liên hệ trực tiếp tới vụ giết người, nhưng các quan chức Hoa Kỳ tin rằng một chiến dịch như vậy cần phải được sự chấp thuận của ông thì mới có thể diễn ra được.
“Quan điểm được chấp nhận là chuyện đó sẽ không thể xảy ra nếu như ông ấy không biết hoặc có liên quan,” tờ Washington Post trích lời một nguồn tin.
Ả rập Saudi nói gì về những diễn biến xảy ra với phóng viên Khashoggi?
Tại cuộc họp báo ở Riyadh, Phó trưởng Công tố Shalaan bin Rajin Shalaan nói rằng ông Khashoggi đã bị tiêm thuốc độc và thi thể ông bị chặt ra bên trong tòa lãnh sự.
Các bộ phận thi thể sau đó được trao cho một “cộng tác viên” địa phương ở địa điểm bên ngoài tòa nhà, ông nói thêm.
Một bản vẽ phác thảo về ‘cộng tác viên’ này đã được thực hiện, và giới chức đang tiếp tục tìm kiếm các phần thi thể của nhà báo.
Tổng số 11 người đã bị cáo buộc liên quan tới cái chết của phóng viên Khashoggi, và cơ quan công tố muốn ra án tử đối với năm người trong số này.
Ông Shalaan không xác định rõ ai là những người bị đề nghị mức án tử hình.
Khashoggi, người viết bài cho cột chuyên mục hàng tháng của tờ Washington Post, biến mất sau khi vào tòa lãnh sự nước mình tại Istanbul để lấy một giấy tờ liên quan tới hôn nhân.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng vụ sát hại ông đã được một nhóm các điệp viên Ả rập Saudi dàn xếp và thực hiện.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46204409
Pence: Mỹ sẽ duy trì quan hệ với Đài Loan
và chính sách Một Trung Quốc
SINGAPORE — Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm thứ Bảy nói rằng Washington sẽ tiếp tục duy trì “Đạo luật Quan hệ Đài Loan” và “Chính sách Một Trung Quốc” sau cuộc hội kiến giữa ông với Trương Trung Mưu, đại diện của Đài Loan tại diễn đàn kinh tế khu vực ở Papua New Guinea.
Ông Pence gặp ông Trương bên lề Hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) hôm thứ Bảy tại Port Moresby, cuộc họp song phương bên lề đầu tiên giữa một nhà lãnh đạo hàng đầu của Mỹ và một phái viên của Đài Loan trong các hội nghị kinh tế khu vực cao cấp trong những năm qua.
Ông Pence không có kế hoạch tổ chức một cuộc họp song phương riêng biệt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người cũng đang dự APEC, theo các quan chức Mỹ.
Điều này được xem như một sự phản ánh chính sách quyết đoán của Mỹ đối với Trung Quốc. Trung Quốc tuyên bố đảo Đài Loan tự trị và dân chủ là lãnh thổ của mình. Các nhà phân tích cho rằng việc củng cố quan hệ Mỹ-Đài Loan không phải là điều gây xích mích trong mối quan hệ Mỹ-Trung.
“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì Đạo luật Quan hệ Đài Loan và Chính sách Một Trung Quốc. Đài Loan là thành viên của APEC có tư cách chính đáng,” ông Pence nói với đoàn phóng viên tháp tùng hôm thứ Bảy.
Khác biệt mong manh giữa “Chính sách Một Trung Quốc” của Washington và “Nguyên tắc Một Trung Quốc” của Bắc Kinh là lập trường của Mỹ để ngỏ khả năng một giải pháp tương lai có thể được xác định một cách hòa bình bởi cả Trung Quốc lẫn Đài Loan.
“Cuộc trò chuyện với họ là về vấn đề kinh tế,” ông Pence nói. “Họ trình bày lập luận vì sao họ nên được cân nhắc cho tham gia một thỏa thuận thương mại tự do, và tôi bảo đảm với họ là chúng tôi sẽ truyền đạt lại sự quan tâm đó.”
Trong một dòng tweet, chính phủ Đài Loan nói cuộc hội đàm Mỹ-Đài Loan “sẽ củng cố các kết nối khu vực trong việc thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và định hình tương lai kĩ thuật số.”
“Vì Đài Loan là thành viên đầy đủ của APEC nên không có gì bất thường khi có các cuộc gặp gỡ giữa trưởng phái đoàn của Mỹ và Đài Loan, nhưng với chính sách yếu kém của các chính quyền Mỹ trước đây, cuộc gặp gỡ này được xem là một bước đột phá,” Steve Yates, cố vấn cao cấp của cựu Phó Tổng thống Dick Cheney, nói.
“Gặp gỡ người đứng đầu phái đoàn Đài Loan không phải là một bước đi chống Trung Quốc hoặc hung hăng,” ông Yates nói với VOA trong một email. “Việc này là một sự khẳng định tích cực về những lợi ích và giá trị của Đài Loan nhất quán với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ và các đồng minh của Mỹ.”
Trung Quốc chưa bình luận gì về cuộc gặp gỡ của ông Pence và ông Trương.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp ông Trương vào năm ngoái, theo ông Pence. Ông Trương là người sáng lập Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) và công ty này sẽ tiếp tục là nhà cung cấp duy nhất các chip sê-ri A của hãng Apple trong năm 2019.
Các nhà phân tích khác nói một mối quan hệ khắng khít giữa Mỹ và Đài Loan không nên được xem như một nguồn cơn gây xích mích trong mối quan hệ Mỹ-Trung.
“Tôi không nghĩ rằng cuộc họp này nên bị phóng đại. Tôi thấy rất nhiều sự nhất quán trong chính sách của Mỹ đối với Đài Loan. Tôi hi vọng sẽ có tiến bộ cụ thể hơn trong mối quan hệ kinh tế Mỹ-Đài Loan. Những cử chỉ mang tính biểu tượng là chưa đủ,” Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, giám đốc Trung tâm Chiến lược Trung Quốc thuộc Viện Hudson, Michael Pillsbury, nói với VOA rằng ông Pence, bằng việc mô tả những rắc rối trong quan hệ Mỹ-Trung, đã không “tự kiểm duyệt mình” và đang đưa ra “chỉ trích mang tính xây dựng.”
“Đài Loan có vai trò quan trọng,” ông Pillsbury nói. “Tôi nghĩ đã đến lúc xem xét lại lịch sử mới, tất cả các khía cạnh của quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, bao gồm Đài Loan và chính sách ‘Một Trung Quốc’ của chúng ta.”
Thông tín viên Nhà Trắng Patsy Widakuswara đóng góp vào bản tin này từ Papua New Guinea.
Đảng Cộng hòa California tìm kiếm tương lai
sau loạt thất bại kinh ngạc
LOS ANGELES (AP) – Trong một bài phát biểu trước những người đồng Đảng Cộng hòa vào tháng Năm, Dân biểu Hoa Kỳ Mimi Walters đưa ra một cảnh báo đầy u ám về cuộc bầu cử sắp tới. Bà nói những người theo Đảng Dân chủ California “đang nhắm tới tất cả chúng ta.”
Bà đã đúng.
Thất bại đáng kinh ngạc của nữ dân biểu Quốc hội này hôm thứ Năm ở trung tâm Quận Cam, từng được cả nước biết tới như một thành trì của phe Cộng hòa, mở rộng cuộc càn quét của phe Dân chủ mà tới giờ đã chứng kiến năm ghế Hạ viện của phe Cộng hòa bị lật đổ ở bang này, và một ghế khác đang bị đe dọa.
Cuộc bầu cử tuần trước mang tới kết quả thắng thua cho cả hai đảng trên khắp nước Mỹ — Đảng Cộng hòa nắm Thượng viện, Đảng Dân chủ chiếm Hạ viện — nhưng ở California cử tri đã tô sắc xanh dương Dân chủ đậm hơn.
Với thất bại của bà Walters trước ứng cử viên mới toanh Katie Porter, phe Dân chủ sẽ nắm giữ ưu thế 44-9 so với phe Cộng hòa trong phái đoàn dân biểu California tại Hạ viện Hoa Kỳ, với một ghế nữa của phe Cộng hòa ở Quận Cam đang lâm nguy. Quận Cam là quê nhà của Tổng thống Richard Nixon và được coi là nền tảng của phong trào bảo thủ hiện đại, gắn liền với biệt danh “xứ của Reagan.”
Phe Dân chủ đang trên đà chiếm giữ tất cả các chức vụ được bầu cử trên toàn bang — một lần nữa. Và thậm chí không có một ứng cử viên Cộng hòa nào có tên trên lá phiếu tranh cử vào Thượng viện Hoa Kỳ.
“Đảng Cộng hòa California không thể cứu vãn được vào thời điểm này,” Kristin Olsen, một cựu lãnh đạo Đảng Cộng hòa trong viện lập pháp của bang này kết luận.
“Đảng Cộng hòa đã chết — một phần vì nó đã không thể tách mình khỏi thương hiệu quốc gia độc hại ngày nay của nền chính trị Cộng hòa,” bà viết trong một bài bình luận trên website CALmatters.
Shawn Steel, một trong hai thành viên của Ủy ban Đảng Cộng hòa Toàn quốc của bang California, nói đảng Cộng hòa của bang đã “xuống tới điểm tuyệt vọng.”
“Vấn đề của đảng đã tồn tại lâu hơn và thâm căn cố đế hơn bất kì một cá nhân nào. Từ tiền cho tới hoạt động tổ chức cấp quần chúng, phe Cộng hòa California hoàn toàn bị áp đảo,” ông Steel viết trên website của báo The Washington Examiner.
Một thế hệ trước, bang này từng thường xuyên mang tới chiến thắng cho Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống. Và ở Quận Cam, phần lớn cử tri da trắng bảo thủ đã đem lại cách biệt chiến thắng cho các ứng cử viên Cộng hòa hết năm này đến năm khác.
Nhưng số lượng dân nhập cư tăng mạnh đã biến đổi bang này và các khuynh hướng bỏ phiếu. Số lượng người gốc Mỹ Latin, người da đen và người gốc Á đã đông hơn số người da trắng kể từ năm 1998. Và nhiều người trong số những cử tri mới này ngả theo Đảng Dân chủ. Số lượng cử tri đăng kí theo Đảng Cộng hòa tụt dốc không phanh trong nhiều năm qua — ngay cả cử tri độc lập còn đông hơn họ.
Trong một dấu hiệu cho biết chuyện gì sắp xảy tới, Hillary Clinton giành chiến thắng ở Quận Cam trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, ứng cử viên Dân chủ đầu tiên làm được điều này kể từ thời kì Đại Suy thoái trong những năm 1930.
Một đường lối thiên tả hơn giờ đã ồ ạt ập tới.
Thất bại của bà Walters là một cú sốc. Bằng việc lựa chọn bà Porter, địa hạt nghiêng về chủ trương bảo thủ với số lượng cử tri đăng kí theo Đảng Cộng hòa cao hơn 7 điểm phần trăm đã ngả theo người được dìu dắt bởi Thượng nghị sĩ Dân chủ bang Massachusetts Elizabeth Warren, một nhân vật được phe cấp tiến ngưỡng mộ.
Cùng với sự thất bại của bà ở Quận Cam, Dân biểu với thâm niên 15 nhiệm kì, Dana Rohrabacher, bị lật đổ ở địa hạt kế cận. Chiếc ghế do Dân biểu Cộng hòa Darrell Issa nắm giữ, cắt ngang khu vực phía nam của Quận Cam, bị ứng cử viên Dân chủ Mike Levin, một luật sư môi trường, đoạt mất.
Địa hạt 39, án ngữ ở phía bắc Quận Cam, vẫn chưa ngã ngũ trong cuộc đua giữa ứng cử viên Cộng hòa Young Kim và ứng cử viên Dân chủ Gil Cisneros. Ngày thứ Sáu, ông Cisneros đã nới rộng cách biệt dẫn đầu của ông lên khoảng 3.000 phiếu trong một địa hạt được nắm giữ bởi Dân biểu Cộng hòa Ed Royce sắp sửa về hưu. Hàng ngàn lá phiếu vẫn chưa được kiểm đếm.
Trong khi đó, ứng cử viên Dân chủ Josh Harder chiếm ghế của Dân biểu Cộng hòa Jeff Denham trong một khu vực đồng quê, trong khi ứng cử viên Dân chủ Katie Hill hất văng Dân biểu Cộng hòa Steve Knight khỏi chiếc ghế đại diện địa hạt phía bắc thành phố Los Angeles.
Rõ ràng, Tổng thống Donald Trump là một nhân tố.
Ông thua ở California với cách biệt hơn 4 triệu phiếu trong năm 2016 và giờ vẫn không được lòng nhiều người. Nhiều cử tri đã nhìn thấy cơ hội để gửi một thông điệp tới Washington. Ví dụ, bà Walters và ông Rohrabacher đã gắn chặt mình vào tổng thống, trong khi các ứng cử viên Dân chủ vận động công khai chống lại chủ trương của ông Trump.
Nhưng những thay đổi về dân số cũng giúp phe Dân chủ. Và trong các cuộc đua quan trọng vào Quốc hội, nhiều người trong số họ là những gương mặt mới mẻ, không phải các chính trị gia chuyên nghiệp.
Ông Steel, ủy viên của Ủy ban Đảng Cộng hòa Toàn quốc, lưu ý rằng phe Dân chủ đã gây quỹ được nhiều hơn và đã làm tốt hơn trong hoạt động đăng kí cử tri và sử dụng mạng xã hội.
Đảng Cộng hòa California đã tranh luận từ nhiều năm qua rằng liệu họ nên theo chủ trương trung dung hay thiên hữu. Từ năm 2007, Thống đốc Đảng Cộng hòa Arnold Schwarzenegger cảnh báo rằng Đảng Cộng hòa California đang “hấp hối tại phòng phiếu” và cần phải giành lấy các vấn đề thường gắn với chủ trương của Phe Dân chủ, bao gồm biến đổi khí hậu và cải tổ chăm sóc y tế.
Những trở ngại mới nhất đã khơi ra một đợt tự kiểm điểm mới trong nội bộ phe Cộng hòa. Travis Allen, một cựu ứng cử viên Cộng hòa tranh chức thống đốc và là người ủng hộ ông Trump nhiệt tình, hôm thứ Năm nói ông đang bước vào cuộc đua tranh vị trí lãnh đạo Đảng Cộng hòa California. Ông nói đảng này đang ở “điểm thấp nhất kể từ những năm 1880.”
Di dân Trung Mỹ
sẽ phải ở lại thành phố biên giới Tijuana
Tinjuana, Mexico – Vào thứ Sáu (16 tháng 11), khoảng 2,000 người từ đoàn người di dân Trung Mỹ đã tiến đến rất gần biên giới Hoa Kỳ, và 1,200 người di dân khác đã khởi hành từ thành phố Mexico và hướng về phía biên giới. Tuy nhiên, với việc các thanh tra biên giới Hoa Kỳ chỉ giải quyết khoảng 100 yêu cầu tỵ nạn trong một ngày tại thành phố San Diego, khiến đoàn người di dân có thể phải ở lại thành phố Tijuana trong nhiều tháng.
Nhóm di dân đầu tiên đã tách ra từ một nhóm lớn hơn khoảng 5,000 người với dự định sẽ đến Hoa Kỳ để yêu cầu tỵ nạn. Thành phố Tijuana được dự đoán sẽ phải nhận thêm 10,000 người, tuy nhiên, các trại tạm trú của thành phố chỉ có sức chứa vào khoảng 700 người. Hiện tại, chính quyền địa phương của thành phố đã mở cửa một phòng tập thể dục và khu thể thao có thể chứa được 1,000 người di dân, và có thể được mở rộng cho 3,000 người.
Để có thể yêu cầu tỵ nạn ở thành phố San Diego, những người di dân phải ghi danh vào một cuốn sổ tay rách nát được chấp vá bằng băng dính và được quản trị bởi những người di dân tại một quảng trường bên ngoài lối vào của thành phố.
Vào thứ Năm, những người di dân đã ghi danh cách đây sáu tuần mới được gọi tên. Số người chờ đợi đã lên đến hơn 3,000, và được dự đoán sẽ càng ngày càng nhiều.
Ông Francisco Rueda, viên chức cao cấp dưới quyền Thống đốc tiểu bang Baja California Francisco Vega de la Madrid, cho biết nếu tất cả thành viên của đoàn di dân Trung Mỹ muốn ghi danh tỵ nạn tại Hoa Kỳ, họ sẽ phải đợi đến 4 tháng với tốc độ giải quyết hiện tại. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/di-dan-trung-my-se-phai-o-lai-thanh-pho-bien-gioi-tijuana/
Hội nghị Ibero – American ở Guatemala
chú trọng vấn đề di dân
Antigua Guatemala – Tại Hội nghị thượng đỉnh Ibero-American tổ chức tại Antigua Guatemala hôm thứ Sáu (16 tháng 11), các quốc gia châu Mỹ La-tinh, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã kêu gọi các bên tăng cường hợp tác đa phương để giải quyết các vấn đề chung như di dân và phát triển.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh hàng ngàn người Trung Mỹ đang di chuyển đến Mexico để đến Hoa Kỳ, với hy vọng thoát khỏi cảnh đói nghèo và bạo lực ở quê nhà. Đa số những di dân này đến từ Honduras và Guatemala.
Khi Hoa Kỳ điều động binh lính đến biên giới và Mexico ngăn cản người di dân sang biên giới, Tổng thống Honduras Juan Orlando Hernandez đã kêu gọi các nước bảo đảm tính nhân đạo, tránh để người di dân mất mạng trong chuyến hành trình.
Tham gia hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba cũng công kích hành động xây dựng bức tường biên giới của Hoa Kỳ thay vì giải quyết nguyên nhân gốc rễ thúc đẩy con người thực hiện di dân.
Cuộc gặp mặt hôm thứ Sáu là kết quả của Tuyên bố Guatemala, thúc đẩy sự hợp tác của các quốc gia nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong khu vực. Hội nghị thượng đỉnh Ibero-American từng bị chỉ trích vì hoạt động không hiệu quả, nhưng các nhà lãnh đạo đang thúc đẩy hợp tác đa phương giữa lúc chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoi-nghi-ibero-american-o-guatemala-chu-trong-van-de-di-dan/
Achentina: Gia đình nạn nhân
đòi trục vớt xác tầu ngầm
Tại Achentina, việc tìm thấy chiếc tàu ngầm San Juan ngày càng gây xúc động mạnh mẽ. Mất tích cách nay một năm, con tàu được tìm thấy hôm thứ Sáu, 16/11/2018, ở độ sâu 900 m. Chiều hôm qua, 17/11, gia đình thủy thủ đoàn đã đòi phải trục vớt con tàu này.
Từ Buenos Aires, thông tín viên Jean-Louis Buchet tường trình :
« Với giọng nói nghẹn ngào, cha của một thành viên thủy thủ đoàn chiếc tàu ngầm San Juan đọc tên và cả cấp bậc của 44 thủy thủ đã thiệt mạng. Tất cả đều được trả lời là « có mặt », để chứng tỏ là người thân của họ vẫn luôn hiện diện bên cạnh họ. Đó là một thời điểm rất xúc động.
Chiều hôm qua, thứ Bẩy, gia đình của các thủy thủ trên con tàu San Juan tụ tập trước căn cứ hải quân Mar del Plata, để hoan nghênh việc đã tìm thấy con tàu và đó cũng là nhờ vào sự đấu tranh của các gia đình. Bởi vì việc tìm kiếm có thể đã bị ngừng lại nếu như họ không duy trì sức ép đối với chính phủ. Tuy nhiên, gia đình các nạn nhân không muốn mọi việc dừng lại ở đây.
Vợ của một thủy thủ thiệt mạng nói: Chúng tôi không chấp nhận chỉ có những hình ảnh. Chúng tôi không muốn các thủy thủ bị bỏ rơi ở biển khơi. Tôi nghĩ rằng giờ đây, trong thảm họa này, chúng tôi đang đối mặt với trận chiến thứ hai, với ác mộng mà chúng tôi đã phải chịu đựng từ một năm qua: chính phủ phải trục vớt chiếc tàu ngầm.
Chính quyền Achentina cho biết, việc trục vớt chiếc tàu ngầm, bị hư hại, nằm ở độ sâu hơn 900 mét, về mặt kỹ thuật là rất khó và rất tốn kém. Và các hình ảnh chụp lại sẽ cho phép biết được điều gì đã xẩy ra. Thế nhưng, gia đình các nạn nhân kiên quyết không chấp nhận như vậy. Họ sẽ kiện và xã hội sẽ ủng hộ họ. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181118-achentina-gia-dinh-nan-nhan-doi-truc-vot-xac-tau-ngam
Pháp: Biểu tình chống tăng giá xăng dầu
quy tụ gần 300.000 người
Trên 400 người bị thương trong đó có 14 người bị thương nặng trong chiến dịch xuống đường chống tăng giá xăng dầu và sức mua giảm sút, diễn ra trên toàn nước Pháp hôm qua 17/11/2018. Theo bộ Nội Vụ Pháp, các cuộc biểu tình đã tập hợp được gần 300.000 người.
Phong trào mang tên « gilet vàng », tức những chiếc áo phản quang màu vàng mà người lái xe phải có sẵn để dễ nhận ra trong trường hợp bị tai nạn, đã khởi đầu từ sáng thứ Bảy 17/11. Nhiều xa lộ, siêu thị, trục lưu thông bị phong tỏa, có những người qua đêm tại các địa điểm này. Ở Paris, người biểu tình từ đại lộ Champs-Elysées tiến về Phủ tổng thống ; căng thẳng diễn ra trong nhiều tiếng đồng hồ tại đây, cuối cùng cảnh sát đã dùng hơi cay để giải tán.
Tổng cộng có 287.710 người tham gia tại 2.034 địa điểm, và theo bộ Nội Vụ đã xảy ra những vụ ẩu đả thậm chí giữa người biểu tình với nhau. Sự cố trầm trọng nhất là vụ một phụ nữ bị cán chết tại một rào chắn ở Savoie. Cả đêm qua vẫn còn khoảng 3.500 người bám trụ tại 87 địa điểm. Lực lượng an ninh câu lưu 280 người, trong số người bị thương có 28 cảnh sát, hiến binh, nhân viên cứu hộ.
Khởi đầu từ việc phản đối giá xăng dầu tăng lên, phong trào phản kháng mở rộng sang tố cáo chính sách thuế của chính phủ và tình trạng sức mua của người dân giảm xuống. Tuy không làm tê liệt được nước Pháp như mong muốn, nhưng sự hưởng ứng rộng rãi trên toàn quốc có thể coi như thành công đối với một phong trào tự phát trên mạng xã hội, không có sự tham gia của các đảng phái và nghiệp đoàn.
Kể từ ngày 01/01/2019, thuế đánh vào diesel tăng lên 6,5 xu, và vào xăng tăng 2,9 xu. Một nghiên cứu do Argus công bố hôm qua cho thấy những địa phương dùng xe chạy dầu diesel nhiều nhất cũng là nơi có nhiều gia đình nghèo nhất. Theo một cuộc thăm dò của IFOP đăng trên Journal du Dimanche hôm nay, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mất thêm 4 điểm tín nhiệm trong tháng 11, chỉ còn 25%, thấp nhất từ trước đến nay.
http://vi.rfi.fr/phap/20181118-bieu-tinh-chong-tang-gia-xang-tai-phap-tren-400-nguoi-bi-thuong
Hy Lạp: Hơn 10.000 người biểu tình
kỷ niệm cuộc nổi dậy sinh viên 1973
Tại Athens, người dân Hy Lạp xuống đường hôm qua 17/11/2018 để kỷ niệm 45 năm vụ đàn áp cuộc biểu tình của sinh viên đại học Bách khoa chống lại chế độ độc tài vào năm 1973. Hơn 10.000 người đã biểu tình một cách ôn hòa, nhưng sau đó đã xảy ra xung đột giữa các thanh niên với cảnh sát.
Từ Athens, thông tín viên Charlotte Stiévenard tường thuật :
« Cuộc tuần hành kỷ niệm ngày 17 tháng 11 ở Athens, như thường lệ, đã kết thúc trước đại sứ quán Mỹ, được nhiều chiếc xe buýt của cảnh sát chống bạo động bảo vệ. Những người tham gia chỉ trích người Mỹ đã ủng hộ tập đoàn quân sự cầm quyền tại Hy Lạp từ năm 1967 đến 1974.
Sau đó đoàn biểu tình giải tán trong ôn hòa. Họ đi bộ, trong khi đa số những đường phố trung tâm bị đặt rào chắn lưu thông, để ngăn ngừa việc một số người biểu tình xung đột với cảnh sát.
Cũng như mọi năm, các cuộc đụng độ bằng bom xăng đã nổ ra vào buổi tối tại khu phố Exarcheia. Trường đại học Bách khoa nằm tại một trong những con đường ở khu phố này với những nét vẽ graffiti từ dưới đất lên đến tận trần nhà.
Trước cổng vào, có thể trông thấy một hàng rào gập lại ; đó là di tích sau vụ các chiến xa được điều đến để đàn áp cuộc nổi dậy của sinh viên năm 1973. Cố thủ bên trong, các sinh viên cho phát thanh những chương trình phản đốichế độ độc tài quân sự. Khoảng vài chục sinh viên đã thiệt mạng ».
Căng thẳng Mỹ – Trung lộ rõ ở Apec
Một hội nghị thượng đỉnh kinh tế châu Á vừa lần đầu tiên kết thúc mà không có tuyên bố chính thức của các lãnh đạo do mâu thuẫn Mỹ – Trung về thương mại.
Toàn bộ diễn văn của Tổng thống Trump ở VN
Tổ chức APEC, Việt Nam được gì?
Thủ tướng chủ nhà Papua New Guinea, Peter O’Neill, nói “hai người khổng lồ trong phòng” đã không đồng ý với nhau.
Hoa Kỳ và Trung Quốc đang có cuộc chiến thương mại, và đã bộc lộ viễn kiến cạnh tranh nhau tại hội nghị Apec.
Tại hội nghị Apec, Hoa Kỳ nói sẽ gia nhập với Australia để phát triển căn cứ hải quân ở Papua New Guinea, trong động thái có vẻ nhằm chống lại ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói căn cứ sẽ giúp “bảo vệ chủ quyền và quyền hàng hải ở các đảo Thái Bình Dương”.
Hôm thứ Bảy, tại Apec, Chủ tịch Tập Cận Bình nói các nước đi theo chủ nghĩa bảo hộ “chắc chắn thất bại”.
Dường như ngụ ý của ông Tập là chỉ trích chính sách Hoa Kỳ Trước tiên của Tổng thống Donald Trump.
Ông Mike Pence sau đó nói sẵn sàng “tăng gấp đôi” thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc.
Ông Pence cũng công khai chỉ trích chương trình Một vành đai, Một con đường của Bắc Kinh, cảnh báo các nước nhỏ có thể “nợ đầm đìa” khi nhận các khoản vay của Trung Quốc.
Ông kêu gọi các nước hợp tác với Mỹ, nói rằng Mỹ “không ép buộc, tham ô, hay làm hại độc lập của quý vị”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định không có “nghị trình che dấu” trong chương trình Một vành đai, Một con đường.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46253905
Căng thẳng Mỹ-Trung,
hậu cảnh của thượng đỉnh APEC
Port Moresby cuối tuần này là nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh châu Á-Thái Bình Dương 2018. Và hậu cảnh là cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng, giữa một Trung Quốc ngày càng hiện diện dày đặc trong khu vực, còn Hoa Kỳ thì lui dần về phía sau.
Tổng thống Mỹ Donald Trump không đến dự cuộc họp thường niên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), gởi phó tổng thống Mike Pence đi thay. Ông Pence thậm chí còn không lưu lại ban đêm tại thủ đô của Papua New Guinea, vốn nổi tiếng là mất an ninh, mà ngủ đêm bên kia bờ biển Corail, thuộc Úc.
Tương phản càng rõ rệt hơn khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Port Moresby từ thứ Năm 15/11/2018, khánh thành một con đường và một trường học do Trung Quốc tài trợ, ngay trước khi hội nghị thượng đỉnh khai mạc vào thứ Bảy 17/11. Papua New Guinea đã trải thảm đỏ cho phái đoàn Bắc Kinh, cờ Trung Quốc treo đầy dọc theo đại lộ.
Theo AFP, trong một bài viết đăng trên báo chí địa phương trước khi đến, Tập Cận Bình cam kết « tạo đà mới cho công cuộc phát triển chung » Trung Quốc – Papua New Guinea, và « đào sâu sự hợp tác thực tiễn với các đảo quốc Thái Bình Dương, thông qua thương mại, đầu tư ».
« Cơ hội rất lớn cho Trung Quốc »
Ông Ben Rhodes, từng là trợ lý cho cố vấn an ninh quốc gia thời Barack Obama, nhận định sự vắng mặt của tổng thống Hoa Kỳ đã « tặng cho Trung Quốc một cơ hội hết sức to lớn để mở rộng ảnh hưởng ». Bắc Kinh có « cơ hội lịch sử để xâm nhập khu vực trong nhiệm kỳ của ông Trump ».
Trước khi thượng đỉnh khai mạc, một viên chức cao cấp Mỹ không muốn nói tên, tố cáo Bắc Kinh lao vào « một kiểu ngoại giao bẫy nợ nguy hiểm trên toàn khu vực ». Nhiều quốc gia châu Á-Thái Bình Dương đã nhận các món vay từ Trung Quốc cho các dự án cơ sở hạ tầng « không minh bạch ».
Hậu cảnh của hội nghị thượng đỉnh có lẽ sẽ căng thẳng này, là cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Bất đồng về cải cách Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) dường như càng làm phức tạp thêm nỗ lực của các nhà ngoại giao APEC để soạn thảo thông cáo chung của các ngoại trưởng sẽ phải công bố trong dịp này.
Ông Donald Campbell, đồng chủ tịch Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương nói : « Chúng ta đang sống trong một giai đoạn khó khăn, với căng thẳng thương mại ngày càng tăng, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và tất nhiên sẽ được phản ánh trong các cuộc thảo luận ở Port Moresby. Sẽ rất khó đồng tình được với nhau về bản thông cáo ».
Việt Nam và 40 chiếc xe sang Maserati
Hôm thứ Sáu 16/11/2018, thủ tướng Papua New Guinea, ông Peter O’Neil chừng như muốn nhắc nhở các vị khách mời về các quy định thương mại quốc tế. Ông nhấn mạnh : « Các nền kinh tế nhỏ nhất, những quốc gia như Papua New Guinea rất trông cậy vào thương mại quốc tế, đặc biệt là việc tôn trọng các quy định WTO ».
Chương trình chính thức của hội nghị gồm các vấn đề hội nhập kinh tế trong khu vực, và cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Nhưng chương trình nghị sự đã bị lu mờ chỉ vì hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên được tổ chức tại một thành phố nổi tiếng là tội phạm hoành hành, các băng đảng được biết dưới tên gọi « raskol » ngự trị với luật pháp do chúng đặt ra.
Vì vấn đề an ninh cũng như hậu cần, các đại biểu và phóng viên phải lênh đênh trên ba chiếc tàu, do nước Úc láng giềng cho mượn trong dịp này. Một phần nhiệm vụ giữ an ninh cho thượng đỉnh được giao phó cho các quân đội nước ngoài. Úc điều đến 1.500 quân nhân, trong đó có lực lượng đặc biệt, phi cơ tiêm kích và chiến hạm.
Việc chuẩn bị cho thượng đỉnh được đánh dấu bởi các tranh cãi về việc chính quyền Papua New Guinea mua 40 chiếc xe sang Maserati cho các lãnh đạo APEC sử dụng, trong khi các bệnh viện thường xuyên thiếu thuốc men và phân nửa dân số thủ đô sống trong những căn nhà ổ chuột.
Bị chất vấn về món đầu tư này, ông O’Neil không giấu được sự bực tức. Ông nói với báo chí : « Quý vị có đặt ra cùng một câu hỏi như vậy với Việt Nam hay không, khi Hà Nội mua 400 chiếc Audi ? Hội nghị thượng đỉnh này là dịp để giới doanh nhân ý thức được về tiềm năng của Papua New Guinea ».
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20181116-cang-thang-my-trung-hau-canh-cua-thuong-dinh-apec
Tranh cãi Mỹ Trung
khiến APEC không đạt được tuyên bố chung
Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương 26 (APEC) ở Papua New Guinea đã kết thúc trong bế tắc khi lãnh đạo các quốc gia không thể đạt được một tuyên bố chung vào giữa khi có những tranh cãi giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề thương mại và đầu tư. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử APEC, lãnh đạo các nước không có được tuyên bố chung.
Phát biểu tại họp báo kết thúc thượng đỉnh hôm 18/11, Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neil nói thay vì có tuyên bố chung, nước chủ nhà sẽ có tuyên bố của Chủ tịch. Ông cũng cho biết các tranh cãi về cải tổ Tổ chức thương mại Quốc tế là vấn đề chính dẫn đến những khác biệt giữa các lãnh đạo APEC.
Hãng tin ABC của Australia trích lời Thủ tướng Peter O’Neil cho biết cả thế giới đang lo lắng về căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ.
Trong những bài phát biểu ở thượng đỉnh hôm 17/11, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có những lời lẽ chỉ trích nặng nề với nhau.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence chỉ trích Trung Quốc đã ăn cắp sở hữu trí tuệ, bắt chuyển giao công nghệ và không công bằng trong các thực tiễn trao đổi thương mại.
Reuters trích lời một giới chức ngoại giao tham gia đàm phán ở APEC cho biết căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra âm ỉ cả tuần qua và bùng phát khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị không đồng ý với hai đoạn trong bản thảo tuyên bố chung của hội nghị, trong đó có nói đến các thực tiễn trao đổi thương mại không công bằng và quan ngại về sự phát triển bền vững.
Malaysia, Úc bất đồng quan điểm về tự do thương mại
Port Moresby – Theo tin từ Reuters, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho biết các quốc gia cần phải đánh giá lại toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế vì nó đã khiến một số quốc gia tuột lại phía sau và thúc đẩy sự bất bình đẳng.
Vào thứ Bảy (17/11), tại Hội nghị thượng đỉnh hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) ở Papua New Guinea, Tiến sĩ Mahathir kêu gọi một sân chơi thương mại bình đẳng hơn giữa các quốc gia thịnh vượng và các quốc gia đang phát triển. Ông cho rằng những lợi ích của thương mại tự do và công bằng cùng hội nhập kinh tế đã bị phá vỡ, điển hình là việc Brexit và các cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Theo ông Mahathir, cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng cũng đã gây tổn hại đến thương mại của Malaysia.
Tuy nhiên trái ngược với Malaysia, Thủ tướng Úc Scott Morrison lại sử dụng bài phát biểu tại APEC để đưa ra một sự bảo vệ toàn diện đối với tự do thương mại. Ông Morrison nói rằng ông biết có những thắc mắc chính đáng xung quanh thỏa thuận thương mại. Nhưng các nước có thể giải quyết tình hình thương mại không công bằng bằng cách đàm phán, thay vì xây dựng lại một bức tường thuế. Ông Morrison cho rằng các nước cần phải nỗ lực thuyết phục người dân một lần nữa về lợi ích nội địa của tự do thương mại.
Bài phát biểu của hai nhà lãnh đạo nói trên là một tham chiếu rõ ràng về ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng, cùng với chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Ông Morrison nói rằng nước Úc nhận thấy một làn sóng chủ nghĩa bảo hộ thương mại nổi lên cùng với sự biến động về tài chính ở một số nền kinh tế mới nổi. Phép thử đối với nước Úc bây giờ là việc đấu tranh cho các giá trị kinh tế mà nước Úc tin tưởng và cho thấy lợi ích mà những giá trị này mang lại. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/malaysia-uc-bat-dong-quan-diem-ve-tu-do-thuong-mai/
Phương Tây cố giúp Papua New Guinea
để chận ảnh hưởng Trung Quốc
Hoa Kỳ và ba nước đồng minh ở Thái Bình Dương là Nhật, Úc, New Zealand hôm nay 18/11/2018 loan báo sẽ giúp Papua New Guinea bảo đảm cung cấp được hầu hết điện năng trên đảo quốc từ nay đến năm 2030, trong nỗ lực ngăn chận ảnh hưởng Trung Quốc trong khu vực.
Tại hội nghị thượng đỉnh APEC tổ chức ở Port Moresby, các nhà lãnh đạo Mỹ và đồng minh cho biết, sẽ giúp gia tăng sản lượng điện, phục vụ cho 70% dân số Papua New Guinea thay vì 13% như hiện nay. Trong số 8 triệu dân của Papua New Guinea, có đến 4/5 sống tại vùng nông thôn, có cơ sở hạ tầng nghèo nàn.
Thông cáo của Nhà Trắng nhấn mạnh sáng kiến này nhằm « phát huy một khu vực tự do, rộng mở, thịnh vượng trên cơ sở Nhà nước pháp quyền ».
Bốn nước trên không nói rõ loại điện năng nào sẽ được cung cấp, cũng như tổng giá trị của kế hoạch, tuy nhiên theo thủ tướng New Zealand, Jacinda Arden, dự án này tốn khoảng 1,7 tỉ đô la.
Một phát ngôn viên chính phủ Úc cho Reuters biết sẽ đóng góp 25 triệu đô la Úc (18,3 triệu đô la Mỹ) trong năm đầu tiên. Úc, đồng minh trung thành của Mỹ xưa nay vẫn là nhà tài trợ lớn nhất của
Các nguồn tin ngoại giao nói rằng phương Tây lo ngại về gánh nặng nợ nần của Papua New Guinea nói riêng và khu vực Thái Bình Dương nói chung đối với Trung Quốc, khi tại APEC, ông Tập Cận Bình ra sức quảng bá cho « Một vành đai, một con đường ».
Một ví dụ: Đảo quốc Tonga, nước vừa ký bản ghi nhớ tham gia sáng kiến trên, ban đầu nợ Trung Quốc 65 triệu đô la, nay lên đến 115 triệu đô la do lãi phát sinh và các món vay mới, chiếm 1/3 GDP của nước này.
APEC: Khi phái bộ Trung Quốc
tìm cách “ùa vào” bộ Ngoại Giao PNG
Tại thượng đỉnh APEC 2018, được tổ chức tại Papua New Guinea (PNG), có tin là một sự cố ngoại giao liên quan đến Trung Quốc đã xảy ra hôm qua, 17/11/2018. Cảnh sát đã được huy động đến bảo vệ cửa văn phòng bộ Ngoại Giao nước này khi phái bộ Trung Quốc tìm cách « ùa vào ».
Hãng tin Pháp AFP trích dẫn ba nguồn thạo tin cho biết, hôm 17/11, phái đoàn Trung Quốc « đã cố đột nhập » vào văn phòng của ông Rimbink Pato, ngoại trưởng PNG, ở Port Moresby nhưng bất thành.
Mục đích có lẽ là nhằm tác động đến việc soạn thảo thông cáo chung cho hội nghị thượng đỉnh Diễn Đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).
Một nguồn tin ẩn danh khác xác nhận với AFP là « cảnh sát đã được triển khai ngay trước cửa văn phòng ngoại trưởng ». Vụ việc xảy ra sau khi ngoại trưởng Pato từ chối gặp các đại diện Trung Quốc. « Việc ngoại trưởng đàm phán riêng với Trung Quốc là không hợp lẽ. Các nhà thương thuyết Trung Quốc biết điều đó ».
Sự cố ngoại giao này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trong việc tìm kiếm một đồng thuận về cách thức diễn đạt bản thông cáo chung và nhất là căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
TQ ‘nên cắt giảm thuế thu nhập
để thúc đẩy tăng trưởng’
Trung Quốc nên cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhân để thúc đẩy nền kinh tế đang tăng trưởng chậm, trong khi nước này tranh chấp thương mại với Mỹ, cựu Bộ trưởng Tài chính Lou Jiwei được Reuters trích lời nói hôm 18/11.
Theo hãng tin Anh, đối mặt với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế yếu kém nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nhà lập chính sách của Trung Quốc đang đẩy nhanh các dự án đường bộ và đường sắt, cũng như thúc đẩy ngân hàng gia tăng cho vay và cắt giảm thuế để giảm bớt căng thẳng cho các doanh nghiệp.
“Vẫn còn khả năng cắt giảm hai loại thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhân”, ông Lou, hiện là chủ tịch Hội đồng Quỹ An sinh Xã hội Toàn quốc, được dẫn lời nói tại một diễn đàn.
Theo Reuters, Trung Quốc hồi tháng Mười nâng ngưỡng đánh thuế thu nhập cá nhân lên 5 nghìn Nhân dân Tệ ($720) từ mức 3.500 Nhân dân Tệ, với hy vọng thúc đẩy tiêu thụ.
Chính phủ cũng đã cắt giảm thuế giá trị gia tăng và các lệ phí đối với các công ty, nhưng chưa hạ thuế thu nhập doanh nghiệp hiện ở mức 25%.
Ông Lou còn được dẫn lời nói rằng Trung Quốc không nên tiến hành thêm một đợt đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng vì bước đi đó có thể làm trầm trọng thêm nguy cơ vướng vào nợ nần.
Cựu quan chức tài chính Trung Quốc nói rằng các chính quyền địa phương ở nước này đang phải gánh các khoản nợ lớn, và chính phủ nên sử dụng các công cụ tài chính để giúp hóa giải các nguy cơ nợ nần tại các định chế tài chính.
Ông Lou nói thêm rằng trợ cấp của chính phủ cho quỹ an sinh xã hội đã đạt 1,2 nghìn tỷ Nhân dân Tệ năm ngoái và vẫn gia tăng nhanh chóng.
Hàn Quốc nói Tập Cận Bình dự định
thăm Triều Tiên năm sau
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự định đến thăm Triều Tiên vào năm sau sau khi nhận lời mời từ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, Hàn Quốc cho biết hôm thứ Bảy. Ông Tập sẽ trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Trung Quốc đến thăm Triều Tiên kể từ năm 2005.
Ông Tập nói với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong một cuộc họp song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea rằng ông sẽ “dành thời gian” để thăm Triều Tiên vào năm sau.
Ông Tập nói thêm rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc kiến thiết hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, Kim Eui-kyeom, người phát ngôn của văn phòng tổng thống Hàn Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo sau cuộc hội kiến giữa ông Tập và ông Moon.
Diễn biến này xảy ra vào thời điểm mà các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ dường như đã chững lại về cách thức loại bỏ vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Chuyến đi của ông Tập đến Triều Tiên sẽ là chuyến đi đầu tiên của một chủ tịch Trung Quốc kể từ chuyến thăm của người tiền nhiệm của ông Tập, Hồ Cẩm Đào, vào năm 2005. Ông Tập đã đến Triều Tiên vào năm 2008 trong tư cách phó chủ tịch.
Trong lúc các chế tài hiện hành của quốc tế đang được áp đặt lên Triều Tiên sau khi nước này thử nghiệm vũ khí, Trung Quốc là đồng minh lớn duy nhất của Bình Nhưỡng và là chiếc phao cứu sinh kinh tế quan trọng cho quốc gia bị cô lập này.
Trung Quốc dường như đã nới lỏng việc thi hành các chế tài nhắm vào Bình Nhưỡng, trong khi quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên bớt nguội lạnh khi đồng minh lâu năm của Bắc Kinh bắt đầu giao tiếp với Mỹ trong năm nay, một ủy ban của Quốc hội Hoa Kỳ cho biết đầu tuần này.
Tường tuật của Trung Quốc về cuộc họp song phương ở Papua New Guinea không nhắc đến chuyện ông Tập dự định thăm Triều Tiên.
Ông Tập nói trong năm qua, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã trải qua những thay đổi tích cực trở về “đường hướng đúng đắn” của các cuộc đàm phán, theo một thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
“Hiện nay, tình hình trên bán đảo đang ở giai đoạn hệ trọng,” Bộ dẫn lời ông Tập nói.
Trung Quốc và Hàn Quốc cần tăng cường liên lạc trao đổi và điều phối quá trình thúc đẩy việc giải trừ hạt nhân bán đảo và thiết lập một cơ chế hòa bình, ông Tập nói thêm.
Thủ tướng Ấn Độ sẽ đến dự lễ nhậm chức
của Tổng thống Maldives
New Delhi, India – Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên của ông tới Maldives để tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của tổng thống nước này. Đây được xem là dấu hiệu đánh dấu việc Quần đảo Maldives sẽ chuyển hướng sang Ấn Độ và quay lưng với Trung Cộng.
Chuyến thăm hôm thứ Bảy (17/11) là lần đầu tiên một người đứng đầu chính phủ Ấn Độ đến Maldives kể từ năm 2011. Theo dự đoán thì hành động này sẽ thiết lập lại quan hệ căng thẳng giữa Ấn Độ với Maldives, khi ông Ibrahim Mohamed Solih, một chính trị gia kỳ cựu của phe đối lập, thắng cử và lật đổ thành công cựu Tổng thống thân Trung Cộng Abdulla Yameen.
Cựu tổng thống Abdulla Yameen đã bị cộng đồng quốc tế lên án về việc bắt giam các nhân vật và thẩm phán của phe đối lập. Chính quyền tiền nhiệm cũng nhận được rất nhiều khoản vay từ Trung Cộng, và đẩy đất nước này vào cảnh nợ nần, tương tự như các quốc gia khác trong khu vực, bao gồm Sri Lanka và Pakistan.
Đảng của tân Tổng thống Solih đã chỉ trích các hoạt động của Trung Cộng trong nước và dự kiến sẽ xem xét lại các dự án lớn. Chiến thắng của ông Solih ở Maldives hoàn toàn đối lập với biến động chính trị ở Sri Lanka, nơi Tổng thống Maithripala Sirisena đã nỗ lực sa thải thủ tướng của ông hồi tháng trước, và bổ nhiệm cựu thủ lĩnh ủng hộ Trung Cộng Mahinda Rajapaksa vào vị trí này. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/thu-tuong-an-do-se-den-du-le-nham-chuc-cua-tong-thong-maldives/
Tân TT Maldives: Kho bạc nhà nước
bị thâm lạm vì các dự án Trung Quốc
Vừa chính thức nhậm chức vào hôm qua, 17/11/2018, tân tổng thống Maldives Ibrahim Mohamed Solih đã tuyên bố rằng ngân quỹ quốc gia đã bị thâm lạm nghiêm trọng, và nước ông đang gặp khó khăn về tài chính vì đã vay mượn của Trung Quốc quá nhiều trong đợt bùng nổ các dự án hạ tầng cơ sở thời tổng thống tiền nhiệm.
Trong diễn văn ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống, ông Solih báo động: “Vào lúc tôi nhậm chức tổng thống, tình hình tài chính của đất nước đang bấp bệnh. Những thiệt hại đến từ các dự án được thực hiện vì động cơ chính trị, và thua lỗ, rất to lớn… Kho bạc nhà nước đã mất hàng tỉ rufiyaa – đơn vị tiền tệ của Maldives – do nạn biển thủ và tham nhũng ở mọi cấp chính quyền”.
Theo hãng tin Anh Reuters, nổi danh với những khu nghỉ dưỡng sang trọng, đảo quốc Maldives là “nạn nhân” mới nhất trong một loạt các nước nhỏ được Trung Quốc đầu tư hàng triệu đô la để thực hiện các dự án đường cao tốc và các công trình địa ốc trong khuôn khổ Sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường.
Tuy nhiên, các dự án này đã đẩy đất nước chỉ có hơn 400.000 dân một chút này vào cảnh nợ nần. Nhiều tiếng nói đã vang lên đòi phải điều tra để làm rõ cách thức mà hợp đồng xây dựng đều rơi vào tay các công ty Trung Quốc, thời chính quyền tiền nhiệm của cựu tổng thống thân Bắc Kinh Abdullah Yameen.
Ông Solih đã chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 9, đánh bại ông Yameen – người đã đưa Maldives xích lại gần Trung Quốc và bị sức ép quốc tế vì đã bỏ tù nhiều đối thủ chính trị.
Theo lời tân tổng thống, ông chưa nắm rõ được là ngân sách Maldives bị thâm lạm bao nhiêu. Chính quyền ông sẽ kiểm tra lại các thỏa thuận từng được ký dưới thời chính quyền Yameen, trong đó có nhiều hợp đồng ký với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.
Lo ngại lớn của tổng thống Solih là khoản nợ của nước này với Trung Quốc trong nhiều dự án quy mô. Ê kíp nhận chuyển giao quyền lực của ông Solih nói rằng họ đã được thông báo lại rằng Maldives nợ Trung Quốc 1,5 tỷ đô la, tuy nhiên con số thực tế có nguy cơ cao hơn rất nhiều. Ngay cả trong trường hợp Maldives “chỉ” nợ Trung Quốc 1,5 tỷ đô la, số tiền này đã tương đương với hơn 1/4 GDP hàng năm của đảo quốc.
Theo Reuters, lễ nhậm chức của tổng thống Maldives hôm qua chỉ có duy nhất một thượng khách: thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Lãnh đạo Ấn Độ đã hứa với tổng thống Solih rằng New Delhi sẵn sàng giúp Maldives vượt qua khó khăn về tài chính.
Ấn Độ, đối tác kinh tế và chính trị lâu đời của Maldives, đang ngày càng lo ngại về chính sách bành trướng của Trung Quốc, đang muốn xây dựng một tiền đồn tại đảo quốc này. Tại Sri Lanka, Trung Quốc đã thành công khi dùng nợ ép buộc được nước này bàn giao một hải cảng trọng yếu cùng khu đất chung quanh cho Trung Quốc.
Tổng thống Philippines bị chỉ trích
vì nói ‘TQ sở hữu Biển Đông’
Sau khi bình luận Bắc Kinh đã giành được quyền “sở hữu” Biển Đông, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đối mặt với những lời phân tích mang tính phê phán từ một chuyên gia của chính nước ông.
Theo trang tin tiếng Anh ABS-CBN của Philippines, ông Florin Hilbay, cựu cố vấn pháp luật của chính phủ nước này, nói rằng “thái độ thua bại của Duterte có thể dẫn đến việc công nhận không chính thức về tình trạng chiếm đóng của Trung Quốc”.
Ông Hilbay dùng từ “Biển Tây Philippines”, theo cách gọi của người Philippines khi nói về Biển Đông: “Tuyên bố gần đây của Tổng thống Duterte về việc Trung Quốc chiếm đóng một số thực thể ở Biển Tây Philippines không tương thích với nghĩa vụ hiến pháp của ông ta về việc bảo vệ lãnh thổ quốc gia và thực thi chiến thắng của chúng tôi trong vụ kiện của Philippines chống lại Trung Quốc”.
Dưới thời chính quyền tiềm nhiệm của ông Duterte, Philippines với sự ủng hộ của đồng minh Hoa Kỳ, đã nộp đơn kiện tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông ra tòa án quốc tế ở La Hay, Hà Lan. Phán quyết của tòa án được đưa ra vào tháng 7/2016, trong đó bác bỏ cơ sở pháp lý về đường 9 đoạn của Bắc Kinh. Đây được coi là một cơ sở quan trọng cho các nước nhỏ có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines khi chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.
Tuy nhiên, vài tháng sau khi phán quyết được đưa ra, Tổng thống mới nhậm chức Duterte đã quay lưng với mối quan hệ đồng minh hàng thập kỷ với Hoa Kỳ để xây dựng mối quan hệ ấm cúng hơn với Trung Quốc. Quyết định này được đưa ra sau khi ông Duterte bị Mỹ và các nước phương Tây lên án gay gắt vì cuộc càn quét ma túy đẫm máu khiến hàng ngàn người bị giết hại ngoài vòng pháp luật.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 10/2016, Tổng thống Duterte nói phán quyết của tòa án quốc tế La Hay về Biển Đông “chỉ là một mảnh giấy”.
Cựu cố vấn pháp luật Hilbay chỉ trích ông Duterte không thực thi nghĩa vụ cần có của ông ta khi tuyên bố Biển Đông đã nằm trong tay Trung Quốc.
Theo ABS-CBN, ông Hilbay nói: “Ít nhất, Tổng thống phải phản đối hành động của Trung Quốc để xác nhận tính hợp lệ cho quyền lợi của chúng tôi. Thái độ thua bại của ông Duterte có thể dẫn đến việc công nhận không chính thức đối với tình trạng chiếm đóng của Trung Quốc. Trung Quốc nên và phải bị nhìn nhận là một kẻ cư ngụ bất hợp pháp [ở Biển Đông] bởi vì đó là tình trạng thực tế của họ, căn cứ theo phán quyết của tòa án La Hay”.
Jay Batongbacal, giám đốc của Viện UP về Hải dương học và Luật biển, cho biết những tuyên bố của ông Duterte có thể được sử dụng làm bằng chứng về sự thừa nhận chống lại lại lợi ích của Philippines.
“Tuyên bố này có thể được hiểu là sự công nhận về ‘quyền sở hữu’ của Trung Quốc, mặc dù theo luật pháp quốc tế, nguyên tắc chung là các vùng biển không thuộc sở hữu của bất kỳ Nhà nước nào.”