Tin Việt Nam – 15/11/2018
Đà Nẵng cưỡng chế giáo xứ Cồn Dầu,
bắt 10 người
Sáng ngày 15/11/2018, hàng trăm người thuộc lực lượng cưỡng chế của thành phố Đà Nẵng tiến hành cưỡng chế 7 hộ gia đình trong khoảng 100 hộ chưa đồng ý di dời thuộc giáo xứ Cồn Dầu, huyện Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ.
Đây là những hộ gia đình nằm trong khoảng 400 hộ thuộc giáo xứ Cồn Dầu phải giải tỏa để nhường đất cho khu đô thị sinh thái Hòa Xuân được chính quyền Đà Nẵng đề nghị từ năm 2008. Nhiều hộ trong số này đã đồng ý chuyển đi hoặc chạy sang Thái Lan để lánh nạn do bị chính quyền đàn áp sau vụ tranh chấp đất ở nghĩa trang giáo xứ Cồn Dầu với chính quyền hồi năm 2010.
Ông Huỳnh Ngọc Trường, một người dân ở địa phương, vào chiều ngày 15/11 cho Đài Á Châu Tự Do biết như sau:
“Họ đem lực lượng rất đông cỡ khoảng 500 dân quân, an ninh, công an, dân phòng, xe cứu thương, xe phá sóng, xe chữa cháy, họ còn huy động Quy tắc phường thành phố, đồng thời còn có xe đào, múc để san bằng gia đình 7 hộ đang cưỡng chế. Có 2 gia đình bị nhốt và chưa biết đã được thả về hay chưa.”
Ông Trường cho biết, có hai hộ gia đình bị tạm giữ là gia đình bà Nguyễn Thị Hải và gia đình bà Nguyễn Thị Nhị. Con số người bị tạm giữ ít nhất là 10 người, theo ông Trường cho biết.
Ông Nguyễn Đình Hiệp thuộc gia đình hộ bà Nguyễn Thị Nhị lúc 5 giờ chiều cho hay, gia đình ông có khoảng 8 người bị bắt từ 10 giờ sáng.
Đến khoảng 3 giờ 30 chính quyền đọc lệnh giao nhà chung cư tái định cư và cho phép người dân trở về.
Tuy nhiên 4 người trong gia đình ông Hiệp không đồng ý và vẫn ở lại trụ sở phường Hòa Xuân để đòi biên bản cưỡng chế, lệnh bắt và tịch thu tài sản.
Đài Tiếng nói Việt Nam VOV sáng nay cũng có bài viết về người dân ở Cồn Dầu và cho rằng bộ mặt xứ Cồn Dầu hiện nay đã đổi thay nhờ chủ đầu tư san lấp nên đất đai đã cao ráo hơn và không còn ngập lụt.
VOV cũng cho biết cuộc sống của những người dân đến khu tái định cư đã thay đổi và ổn định khi đồng ý nhận tiền đền bù tái định cư.
Ông Hiệp phủ nhận điều này và cho biết Cồn Dầu đã không còn ngập từ năm 2012.
“Ngày trước chưa đắp đập trên nguồn nên năm nào đến mùa mưa cũng ngập lụt. Nhưng sau đó đắp đập nên hết lụt vào khoảng năm 2012. Khu đất của những người còn ở lại do (chủ đầu tư) đổ đất quanh khu vực người dân đang ở và có làm mương nhưng mương nhỏ quá, khi trời mưa nước tứ bề đổ về nên ngập lụt. Có lẽ họ cố tình làm mương nhỏ…”
Ông Trường cho Đài Á Châu Tự Do biết những hộ gia đình chưa muốn dời đi vì tiền đền bù không thỏa đáng.
“Tất nhiên họ có đền bù nhưng giá cả rất bèo, họ đền bù 50 ngàn/ 1 mét đất nông nghiệp, nhưng bán lại giá hiện tại là 20 – 40 triệu 1 mét vuông đất. Họ đổ đất vào và chia lô ra và bán với 1 cái giá chênh lệch rất khủng khiếp. Nhà tôi có khoảng 7000 m2 đất nông nghiệp và 1600m2 đất ở.”
Theo báo Công an Đà Nẵng, ngày 12/9/2016, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình ra Thông báo số 288/TB-VPCP nêu rõ, được sự thống nhất của nhà đầu tư, UBND thành phố đã phê duyệt điều chỉnh quỹ đất tại khu vực đất cây xanh gần nhà thờ Cồn Dầu thành đất ở chia lô thuộc Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân và thực hiện việc hoán đổi cho mỗi hộ 1 lô ở gần khu vực nhà thờ Cồn Dầu theo Quyết định số 2138/QĐ-UBND ra ngày 19/4/2017.
Vụ đòi ‘hóa đơn đỏ’ chạy thận ở Hòa Bình
Theo báo Pháp Luật, đến nay tất cả các gia đình trong vụ tai biến chạy thận chết người ở Hòa Bình hồi tháng 5/2017 vẫn chưa nhận được tiền bồi thường từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
“…Đã hơn nửa năm trôi qua mà phía bệnh viện chưa bồi thường cho các gia đình nạn nhân. Lý do chính mà bệnh viện chưa bồi thường là các gia đình phải xuất trình hoá đơn tài chính việc ma chay,” tờ báo dẫn lại thông tin trên trang Facebook của luật sư Nguyễn Hoàng Trung.
Vụ xử BS Hoàng Công Lương ‘nhiều sơ sót’
Ý kiến về vụ BS Hoàng Công Lương
Vụ BS Hoàng Công Lương: Tòa trả hồ sơ, điều tra lại
“Trong khi các gia đình nạn nhân đa phần là đồng bào dân tộc, ở tít tận trong bản. Bà con loay hoay không biết làm thế nào mà liên hệ với dưới âm để xin hoá đơn được đây…,” ông Trung viết trên Facebook.
Phóng viên báo Pháp luật xác nhận với bà Quách Thị Phượng và ông Bùi Văn Chính, người thân của hai nạn nhân rằng họ vẫn chưa nhận được đền bù nào.
Cũng theo báo, các gia đình sẽ nhận được mức bồi thường khác nhau. Tuy nhiên phải có hóa đơn cụ thể các khoản mà gia đình tổ chức ma chay cho nạn nhân như mua quan tài, chi phí tang lễ, thuê người tụng kinh…
“Tang gia bối rối, bây giờ hầu như cả 8 gia đình đều không có một giấy tờ nào đưa [bệnh viện], nên không thể lấy tiền bồi thường,” bà Phượng nói với phóng viên báo Pháp Luật.
Cũng theo báo này, ông Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình, là đến thời điểm hiện tại, Sở Y tế chưa nhận được báo cáo nào của BV Đa khoa Hòa Bình về vấn đề này.
Bác sĩ Lương lại bị cấm đi khỏi nơi cư trú
Trả lời BBC hôm 15/11, bác sĩ Hoàng Công Lương người trực tiếp đang bị điều tra trong vụ việc chạy thận ở Hòa Bình nói ông lại bị cấm đi khỏi nơi cư trú lần thứ hai trong năm.
Vào đầu tháng 10, ông Lương nhận được Lệnh của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh cấm đi khỏi nơi cư trú là thành phố Hòa Bình trong thời điểm 10/10 đến 28/11.
Lần trước ông đã bị cấm đi khỏi nơi cư trú từ 11/9 – 10/10.
Ông cho biết ông vẫn đang đi làm bình thường vì bệnh viện nằm trong thành phố, nhưng nếu muốn đi xa thì cần phải làm đơn xin phép để được ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định.
“Những người thân nạn nhân ở thành phố thỉnh thoảng tôi cũng hay gặp. Họ cũng rất thông cảm động viên. Và cũng mong muốn cơ quan tiến hành tố tụng xét xử đúng người đúng tội,”
“Tránh oan sai. Tránh bỏ lọt tội phạm. Và bồi thường sớm cho các gia đình nạn nhân,” bác sĩ Lương nói nguyện vọng của gia đình nạn nhân cũng chính là nguyện vọng của ông.
Cách đây 5 tháng, hôm 5/6, Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vì vụ án có dấu hiệu vi phạm tố tụng, chứng cứ buộc tội ông Lương chưa đầy đủ.
HĐXX cũng kiến nghị khởi tố, điều tra với ông Hoàng Đình Khiếu, Phó giám đốc kiêm trưởng Khoa hồi sức và Trần Văn Thắng, nguyên Trưởng Phòng vật tư bệnh viện về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Thêm vào đó HĐXX cũng kiến nghị điều tra, làm rõ trách nhiệm đối với ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình trong việc ký kết các hợp đồng liên doanh sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị y tế và căn cứ để thu nguồn tiền chạy thận nhân tạo.
Theo báo Zing, vào 29/5/2017, bác sĩ Hoàng Công Lương ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân, chín người đã tử vong tại bệnh viện tỉnh Hòa Bình do hóa chất trong nước cao gấp 260 lần mức cho phép.
Trước đó hôm 28/5, Bùi Mạnh Quốc đã được thuê sửa chữa hệ thống lọc nước RO tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình nhưng để tồn dư axit trong hệ thống.
Ông Trần Văn Sơn không kiểm tra việc ông Quốc sửa chữa, không lấy mẫu xét nghiệm mẫu nước nhưng vẫn thông báo cho điều dưỡng về việc hệ thống có thể sử dụng.
Vì vậy, trước đó Viện Kiểm Sát TP Hòa Bình đã đề nghị tuyên bác sĩ Hoàng Công Lương 30-36 tháng tù hưởng án treo và ông Trần Văn Sơn bị 4-5 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Còn ông Bùi Mạnh Quốc bị đề nghị 5-6 năm tù tội Vô ý làm chết người.
Hiện tòa đã trả hồ sơ nên cuộc điều tra vẫn đang được diễn ra.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46218916
Các cây bút trong nước
xuất bản tác phẩm tại hải ngoại
Kính Hòa RFA
Nhà văn Nguyễn Viện, sống tại Sài Gòn vừa xuất bản một tác phẩm của ông mang tựa đề Ma và Người, tại Hoa Kỳ do Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương tại Mỹ thực hiện.
Ông không phải là người duy nhất làm việc này trong thời gian gần đây. Nhà văn Phạm Thành đã xuất bản tác phẩm Cò hồn xã nghĩa tại Mỹ, nhà thơ Hoàng Hưng xuất bản tập thơ Ác mộng tại hải ngoại,….
Nói với chúng tôi về việc xuất bản sách ở hải ngoại, nhà văn Nguyễn Viện cho biết: “Những vấn đề đề cặp trong tác phẩm của tôi đều rất nhạy cảm vì bàn đến chính trị xã hội, mà nếu anh là người cầm bút trung thực thì nếu nói chuyện chính trị thì sẽ đụng chạm đến chính quyền.”
Blogger Đoan Trang lại chọn một phương cách khác cho quyển sách Chính trị bình dân của cô vào năm 2017, đó là in trong nước nhưng là in không có giấy phép và cách đó dễ đến với người đọc hơn. Và cô cũng có phát hành qua Amazon nhưng cho rằng bằng cách đó cũng khó đến với người đọc trong nước.
Cô Đoan Trang nói: “Sách báo bằng tiếng Việt tại Mỹ không nhiều, và tôi có cảm giác là những người đọc là những người Việt lớn tuổi, và nói chung là không nhiều, và con đường về Việt Nam càng khó hơn.”
Chính trị bình dân là quyển sách mà Đoan Trang mong muốn bình dân hóa những khái niệm chính trị để phổ cặp trong dân chúng với những ví dụ trong thực tế Việt Nam.
So sánh cách chọn lựa của mình và của blogger Đoan Trang, ông Nguyễn Viện nói tiếp:
“Chúng tôi đã từng lập nhà xuất bản riêng để in tác phẩm của mình. Việc in chui là một phong trào tại phía Nam, nhưng do gặp khó khăn từ chính quyền nên không còn nhiều người hoạt động.
In ở trong nước vẫn là cách tốt nhất, nhưng khó khăn nên chỉ còn cách duy nhất là in ở nước ngoài mặt dầu không dễ dàng để sách trở về Việt Nam. Việc xuất bản dù sao vẫn là cách để lưu trữ tác phẩm của mình, cách ký gửi để nó không mất đi, vì lúc nào cũng đối diện với nguy cơ bị xét nhà, tịch thu tác phẩm.”
Trước khi in sách ở hải ngoại, cũng như làm những ấn bản điện tử, các tác giả trong nước đã từng dùng những trang chuyên về văn học, hoặc chính trị xã hội, như Da màu, Tiền vệ, Talawas để truyền bá tác phẩm của mình.
Blogger Đoan Trang nhận xét về các trang này như sau: “Các trang như Tiền Vệ, Da Màu,… là phương tiện tốt để các tác giả lưu trữ tác phẩm. Tuy nhiên các trang này bị chặn ở Việt Nam. Mặc dù tường lửa có thể được vượt qua, nhưng vẫn làm ảnh hưởng đến độc giả. Nhưng tôi bi quan về sự phát triển của các trang này. Nhưng các trang này có độc giả riêng, giống như một cộng đồng khép kín, không có khả năng phát triển.”
Tuy đồng ý phần lớn với blogger Đoan Trang, nhưng ông Nguyễn Viện cũng hy vọng rằng các trang mạng vẫn càng ngày càng được biết đến, vì nó tùy thuộc vào ý muốn của người đọc.
So sánh các tác giả hiện nay của dòng văn học mà ông gọi là văn học phản kháng với các tác giả phản kháng thời Xô Viết phải xuất bản sách ở nước ngoài, hay đi lưu vong như Solzenitsyl, Pasternak,… Nhà văn Nguyễn Viện cho rằng có giống nhau nhưng có một sự khác biệt lớn là văn học phản kháng hiện nay tại Việt Nam đi kèm với sự cách tân trong văn học.
Ông cũng cho rằng:
“Công bằng nhìn nhận rằng có một sự tiến bộ so với thời kỳ ở miền Bắc hay sau 1975 tại miền Nam. Người ta bây giờ vẫn chửi Đảng công khai trên mạng xã hội. Ở một mức độ nào đó họ chấp nhận, tôi vẫn bị làm phiền nhưng ít nhất tôi vẫn tự do.”
So sánh với các tác giả bị cấm thời Xô Viết blogger Đoan Trang nói: “Sự khác biệt giữa các tác giả Xô Viết với Việt Nam hiện nay là có Internet. Những tác phẩm cho dù bị cấm, vẫn có thể đến với những người quan tâm.”
Tuy nhiên cô không lạc quan về tình trạng hiện nay mặc dù chưa có tác giả nào bị đi tù trong 10 năm gần đây, nhưng tư duy của công an, của an ninh văn hóa thì không bao giờ thay đổi. Họ chưa bao giờ coi trọng nhà văn, nhà báo, blogger, họ không thích phản biện.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/dissidents-authors-oversea-publishing-11142018133139.html
ĐCSVN khai trừ GS Chu Hảo ‘vì chống đối’
Giáo sư Chu Hảo, nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ vừa bị Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam tuyên bố khai trừ vì ‘có hành vi chống đối’.
Ngày 26/10/2018, bản thân GS Chu Hảo đã tuyên bố ông “từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Thông cáo báo chí của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đăng hôm 15/11/2018 nói họ kết luận rằng trong quá trình xem xét kỷ luật, ông Chu Hảo không chấp hành quy định của Đảng, “có hành vi chống đối” và “tự diễn biến”.
“Đồng chí Chu Hảo đã vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, vi phạm tư cách, tiêu chuẩn đảng viên và quy định những điều đảng viên không được làm; có những bài viết, phát ngôn trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước, biểu hiện rõ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Đây là cách nói ở Việt Nam để chỉ việc biến đổi trong tư tưởng theo cách mà Đảng cầm quyền coi là trái với khuôn mẫu chính thống.
“Ngay từ khi phát hiện vi phạm, các tổ chức đảng đã nhắc nhở, kiểm điểm, nhưng đồng chí không khắc phục, sửa chữa, mà còn tiếp tục có những vi phạm mới. Quá trình xem xét, thi hành kỷ luật, đồng chí đã không chấp hành các quy định của Đảng, không chấp hành kiểm điểm, có hành vi chống đối, thách thức.
“Vi phạm của đồng chí Chu Hảo là rất nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội. Căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Chu Hảo,” thông cáo viết.
Vụ GS Chu Hảo khiến sách về dân chủ ‘cháy hàng’
GS Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật vì ‘tự diễn biến’
GS Chu Hảo tuyên bố ‘từ bỏ Đảng CS’
Quyết định khai trừ ông Chu Hảo được đưa ra trong kỳ họp thứ 31 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương do ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban, chủ trì diễn ra tại Hà Nội từ ngày 12 đến 14/11.
Ủy ban cũng nêu các chức danh của GS Chu Hảo là Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức, nguyên Ủy viên Ban cán sự Đảng, nguyên Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ, nguyên thành viên Hội đồng Trung ương Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Hôm 26/10, ông Chu Hảo viết thư “từ bỏ Đảng Cộng sản” sau khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật ông trước đó.
Thông báo của ông có đoạn:
“45 năm về trước, tôi cũng như nhiều bạn bè và đồng nghiệp cùng thế hệ, đã tự nguyện gia nhạp đảng Lao động Việt Nam (nay là đảng Cộng sản Việt Nam) với lý tưởng cao quý là đấu tranh vì Độc lập dân tộc, vì Dân chủ và Phát triển đất nước.
“Nhưng càng ngày tôi càng nhận thức rõ hơn rằng tổ chức chính trị mà mình tham gia không có tính chính danh, hoạt động không chính đáng, có nhiều khuất tất, ngày càng thoái hóa, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại.
GS Hảo nói kết luận của UBKTTW đề nghị kỷ luật ông trước đó là bản cáo trạng vô căn cứ và thâm độc nhằm không những đe dọa riêng ông mà cả những người đồng chí hướng.
“Tôi cực lực phản đối và không chấp nhận bản Kết luận này,” ông Hảo viết.
“Tôi tự nguyện từ bỏ đảng CSVN, ngay từ hôm nay, để tiếp tục đi theo con đường mình đã chọn: Góp phần nâng cao dân trí theo tinh thần Khai sáng của Phan Châu Trinh: Dân tộc, Dân chủ và Phát triển: chủ yếu thông qua các hoạt động văn hóa và giáo dục. Đề nghị Chi bộ, và các cấp ủy xóa tên tôi trong Danh sách Đảng viên”.
Hôm 30/10, trang web của Ủy ban Kiểm tra TW có bài viết nêu quan điểm chính thức của Đảng nhận định ông Chu Hảo, khi làm Tổng Biên tập, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức, đã cho in nhiều sách “có nội dung sai phạm, trái quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng”.
Theo đó, từ 2005 đến 2009, ông Chu Hảo xuất bản 5 cuốn bị chính quyền cấm phát hành.
Ví dụ, cuốn “Đường về nô lệ” của F.A. Hayek “đã thổi phồng các mặt hạn chế của chủ nghĩa xã hội, đánh đồng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô với chủ nghĩa phát xít”, theo bài viết.
Cuốn “Karl Marx” của Peter Singer, “nhận xét sai lầm về học thuật, phủ định những nội dung tư tưởng cốt lõi của chủ nghĩa Marx”.
Cuốn sách “Ông Sáu Dân trong lòng dân” cho thấy Nhà Xuất bản có “dấu hiệu khuynh hướng tập hợp những bài viết về những người có quan điểm khác với chủ trương, đường lối của Đảng, nhằm “gợi ý”, “gợi mở” một hướng đi khác, cách nhìn khác không có lợi cho sự nghiệp xây dựng đất nước”.
Bài báo cũng tiết lộ rằng năm 2009, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã kết luận vi phạm của ông Chu Hảo “đã đến mức phải kỷ luật khiển trách, nhưng miễn kỷ luật do xét các tình tiết giảm nhẹ như công lao, quá trình cống hiến, sự thành khẩn của đồng chí”.
Tuy vậy, ông Chu Hảo vẫn cho in các sách “vi phạm”, gồm 2 cuốn bị cấm phát hành, 5 cuốn cấm tái bản, bài báo nêu ra và cho rằng đây là vi phạm nghiêm trọng.
Vi phạm ‘rất nghiêm trọng’
Bài viết tiếp tục tiết lộ ông Chu Hảo đã tham gia ký vào các thư kiến nghị, thư ngỏ và có nhiều bài viết trên báo chí trong và ngoài nước, mạng xã hội.
Trong đó có “Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992” mà tác giả nói thư ngỏ này cho rằng Đảng Cộng sản “dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm”.
Hay “Thư gửi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, các đại biểu dự Đại hội lần thứ XII và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam” có nội dung phê phán đường lối lãnh đạo của Đảng trong 30 năm qua.
“Thư kiến nghị về Luật An ninh mạng” năm 2018, bị nói là “tự ý đưa tên đồng chí Nguyễn Khánh Toàn, nguyên thứ trưởng Thường trực Bộ Công an (không được sự đồng ý của đồng chí Nguyễn Khánh Toàn) vào danh sách những người đứng tên”.
Đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói ông Chu Hảo còn có “nhiều bài trả lời phỏng vấn trên các đài, báo nước ngoài có các nội dung sai trái (BBC, RFA, RFI)”.
Tháng 6/2016, Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với ông Chu Hảo.
Nhưng hai tháng sau, ông lại viết bài “Đã đến lúc cần đối thoại” trong đó, cho rằng: “Nguyên nhân gốc rễ của mọi bất đồng, mọi bức xúc và phẫn uất đều nằm trong những bất cập, phản khoa học, phản tiến bộ, phản dân chủ của Cương lĩnh Đảng Cộng sản Việt Nam và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” từ đó đòi hỏi Đảng phải đối thoại với nhân sĩ, trí thức.
Ông Chu Hảo còn sáng lập hay tham gia nhiều hội, nhóm, diễn đàn…trong đó có “Diễn đàn xã hội dân sự”, bị nói là “nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta một cách ôn hòa”.
Bài này đánh giá: “Năm 2007, đồng chí cùng một số nhà khoa học lập Viện Nghiên cứu phát triển (IDS) (nay đã giải thể), là thành viên của “Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh” sau đó là “Quỹ Phan Chu Trinh”, quỹ này trao giải cho cả cựu chiến binh Mỹ từng tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.”
Phản ứng quốc tế
Quyết định khai trừ Đảng đối với GS Chu Hảo được đưa ra vài ngày sau khi một loạt trí thức Việt Nam và nước ngoài ký một bản kiến nghị phản đối cách chính quyền của Đảng CSVN đối xử ông.
‘Thư bày tỏ quan ngại về các cáo buộc đối với Giáo sư Chu Hảo và Nhà Xuất bản Tri Thức’ được gửi tới TBT, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và các Đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội.
Hơn 80 người ký tên ở Việt Nam và nước ngoài nói họ là “học giả, các giáo sư và nhà nghiên cứu, những người đã dành phần lớn sự nghiệp và cuộc sống” cho việc nghiên cứu Việt Nam, và đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu trên khắp thế giới”.
Lá thư có đoạn viết:
“Chúng tôi viết lá thư này để bày tỏ sự không đồng và thất vọng sâu sắc của chúng tôi về những cáo buộc đối với Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, bởi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào ngày 25 tháng 10 năm 2018, cũng như về các bình luận tiếp theo được đăng trên trang mạng của Ủy ban vào ngày 31 tháng 10.”
Trong số các tên tuổi ký tên có những nhà nghiên cứu, giáo sư, tiến sỹ từ Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Hà Lan, Australia, Việt Nam.
Cho đến ngày 15/11, BBC chưa thấy có đài báo nào ở Việt Nam đăng tin rằng lãnh đạo nước này đã nhận được thư hoặc có phản hồi gì chưa.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46223846
Hơn 80 học giả khắp thế giới
lên tiếng bênh vực GS. Chu Hảo
Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa ra quyết định thi hành kỷ luật đối với Giáo sư Chu Hảo qua hình thức khai trừ ông ra khỏi Đảng, giữa lúc hơn 80 học giả ở nhiều quốc gia viết thư cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để bày tỏ quan ngại.
Trong một phiên họp từ ngày 12 đến 14/11 tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra trung ương (UBKTTU) đã xem xét, thi hành kỷ luật ông Chu Hảo, Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri Thức, nguyên ủy viên Ban cán sự Đảng, thứ trưởng Bộ Khoa học – công nghệ, nguyên thành viên Hội đồng trung ương Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng, theo báo Tuổi trẻ.
Từ New York, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê LHQ, người vừa ký vào thư bày tỏ quan ngại về cáo buộc đối với giáo sư Chu Hảo, chia sẻ với VOA:
Việc chính phủ Việt Nam kỷ luật ông ấy về mặt Đảng là việc của họ, nhưng vấn đề tôi quan tâm là chính quyền Việt Nam lại cấm việc truyền bá những tư tưởng của nhân loại.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt
“Việc chính phủ Việt Nam kỷ luật ông ấy về mặt Đảng là việc của họ, nhưng vấn đề tôi quan tâm là chính quyền Việt Nam lại cấm việc truyền bá những tư tưởng của nhân loại. Việc truyền bá những tư tưởng được xem là bình thường ở bất cứ nước nào. Trong khi hầu hết các nước đều dịch các cuốn sách để cho trí thức và sinh viên đọc thì tại sao Việt Nam lại ngăn cấm và xem đó là điều vi phạm.”
Hôm 14/11, hãng tin AFP cho biết nhóm 81 học giả và các nhà nghiên cứu từ 10 quốc gia đã ký tên bày tỏ lo ngại và lên tiếng ủng hộ Giáo sư Chu Hảo. Các học giả này cho rằng những cáo buộc của chính phủ Việt Nam là “vô căn cứ và đáng lo ngại.”
Vào tháng trước, UBKTTU kết luận rằng trong cương vị Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức, ông Chu Hảo phải chịu trách nhiệm chính về việc cơ quan này xuất bản một số sách “có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vi phạm Luật Xuất bản, bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu hủy.”
Uỷ ban này nói giáo sư Chu Hảo đã phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, vi phạm tư cách, tiêu chuẩn đảng viên và quy định những điều đảng viên không được làm; ủy ban tố cáo Giáo sư Chu Hảo là có những bài viết, phát ngôn biểu hiện rõ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa,” cũng như “có hành vi chống đối.”
Trong một thông báo hôm 26/10, ông Chu Hảo tuyên bố từ bỏ Đảng. Ông nói tổ chức chính trị mà ông tham gia ‘không có tính chính danh, hoạt động không chính đáng, có nhiều khuất tất, ngày càng thoái hóa, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại’, và ông cho rằng kết luận của UBKTTW là ‘thiếu dân chủ, đi ngược lại hoàn toàn ý kiến của các đảng viên.”
Hưởng ứng trào lưu thoái Đảng sau quyết định từ bỏ đảng của ông Chu Hảo, hàng chục đảng viên kỳ cựu khác cũng tuyên bố từ bỏ Đảng trong tháng qua.
Từ Hà Nội, Tiến sĩ Mạc Văn Trang, một người vừa tuyên bố bỏ Đảng, chia sẻ với VOA về cáo buộc đối với giáo sư Chu Hảo và trào lưu thoái Đảng.
Bản chất của Đảng là tập hợp các nhóm lợi ích của nhau, chứ không là vì lợi ích của toàn dân tộc, người dân đã thấy rõ. Mặc dù là chống tham nhũng nhưng chỉ đánh phá một số phe phái nào đó thôi.
Nhà giáo Mạc Văn Trang
“UBKTTU Đảng kỷ luật giáo sư Chu Hảo, một người tôi rất quý trọng, là một chủ trương đánh vào giới trí thức. Khá nhiều giáo sư lão thành trong Đảng và các trí thức mà tôi biết đều rất chán sinh hoạt Đảng. Chính TBT Nguyễn Phú Trọng cũng nói công khai hiện tượng nhạt Đảng khô Đoàn. Bản chất của Đảng là tập hợp các nhóm lợi ích của nhau, chứ không là vì lợi ích của toàn dân tộc, người dân đã thấy rõ. Mặc dù là chống tham nhũng nhưng chỉ đánh phá một số phe phái nào đó thôi.”
Từ Bà Rịa-Vũng Tàu, dịch giả Phạm Nguyên Trường nhận định rằng việc kỷ luật giáo sư Chu đã gây bất an trong lòng dân, nhất là trong bối cảnh ông Nguyễn Phú Trọng vừa nhận thêm chức Chủ tịch nước:
“Việc kỷ luật ông Chu Hảo là một hành động rất là không hay bởi vì ông là một người có đóng góp rất lớn cho việc khai dân trí, người có đạo đức tốt. Kỷ luật ông làm cho lòng dân không yên, khi mà dân đang hy vọng ông Tổng Bí thư có thêm một chức vụ nữa thì làm cái gì đó cho quốc thái dân an, đại xá cho thiên hạ, cớ sao lại kỷ luật một ông gần 80 tuổi thì gây bất an rất lớn.”
Kỷ luật ông làm cho lòng dân không yên, khi mà dân đang hy vọng ông Tổng Bí thư có thêm một chức vụ nữa thì làm cái gì đó cho quốc thái dân an, đại xá cho thiên hạ, cớ sao lại kỷ luật một ông gần 80 tuổi thì gây bất an rất lớn.
Dịch giả Phạm Nguyên Trường
Bản tin của AFP hôm 14/11 nói rõ Giáo sư Chu Hảo từ lâu đã là một ‘cái gai’ trong mắt đảng cộng sản Việt Nam, và ông đã bị ngăn chặn các quyền tự do về học thuật.
AFP trích lời ông Hà Quang Vinh, nguyên Phó chủ tịch quận Bình Chánh, người cũng tuyên bố bỏ Đảng Cộng sản hồi tháng trước, nói rằng Đảng luôn tìm cách trừng phạt những người bất đồng chính kiến và giới trí thức chỉ trích Đảng ‘để bảo vệ ngôi vị của mình.’
Các nhóm trí thức khuyến nghị rằng Hà Nội nên khuyến khích việc thảo luận tri thức rộng rãi về tất cả các chủ đề ở Việt Nam, đồng thời mạnh mẽ thúc giục chính phủ từ bỏ mọi ý định quấy rối, đe dọa hoặc trừng phạt những người thể hiện quan điểm hoặc ý kiến riêng của họ một cách ôn hòa.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Bùi Quang Vinh bị đề nghị kỷ luật
Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật vì có liên quan đến vụ công ty Mobifone mua 95% cổ phần Công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu (AVG), gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng.
Thông tin vừa nêu được đưa ra tại kỳ họp lần thứ 31 từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 11 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng cảnh cáo ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó trưởng ban đổi mới doanh nghiệp, văn phòng Chính phủ; khiển trách các ông Lê Mạnh Hà, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính. Đây là những cá nhân nhân cũng được xác định có liên quan đến vụ mua bán giữa Mobifone và AVG.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã kết luận về sai phạm của các bộ ngành liên quan trong dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG. Theo kết luận, Bộ Kế hoạch Đầu tư trong giai đoạn ông Vinh là Bộ trưởng với vai trò chủ trì thẩm định đã không hướng dẫn Bộ Thông tin Truyền thông và MobiFone thực hiện dự án đầu tư đúng theo quy định của Luật Đầu tư.
Hôm 10/11, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh việc điều tra, truy tố, xét xử, sớm kết thúc 8 vụ án tham nhũng, sai phạm kinh tế lớn trong năm nay. Vụ Mobifone mua AVG cũng được điểm danh là một trong 8 vụ án này.
Nhiều nghi phạm trong vụ đánh bạc nghìn tỷ
đã trốn ra nước ngoài
Trong phiên tòa ngày 15 tháng 11 xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ trên mạng, nhiều bị can được xác định phạm tội trong cáo trạng không có mặt vì đã kịp bỏ trốn ra nước ngoài trước khi bị bắt.
Theo Tiền Phong, những người bỏ trốn hiện bị truy nã toàn quốc và yêu cầu truy nã quốc tế gồm có ông Hoàng Thành Trung, Phan Anh Tuấn, Lê Văn Kiên, và Hoàng Đại Dương. Những người này được nhận xét là cánh tay đắc lực cho đường dây đánh bạc nghìn tỷ Rikvip/Tipclup, 23Zdo, Zon/Pen của Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam.
Vụ án đánh bạc trên mạng lên đến hàng ngàn tỷ đồng hiện đang được xét xử tại tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ với 92 bị cáo. Trong số các bị cáo có hai cựu tướng công an là cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, và cựu Thiếu tướng Nguyễn Văn Hóa, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công An. Hai viên cựu tướng này bị cáo buộc tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 356 Bộ Luật Hình sự 2015. Nếu bị kết tội, mỗi người có thẻ đối mặt với án từ cao nhất đến 10 năm.
Trung Ương: ‘Vi phạm của ông Tất Thành Cang
rất nghiêm trọng’
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nói vi phạm của ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, là “rất nghiêm trọng”.
Báo Thanh Niên tường thuật rằng tại kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương từ ngày 12 đến 14/11, ủy ban này nói sẽ “kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm” đối với ông Tất Thành Cang.
Trang Zing.vn cho biết trong số các vi phạm dẫn tới kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương có việc ông Tất Thành Cang ký duyệt 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới ở Thủ Thiêm, Quận 2, trong thời gian giữ chức Thành ủy viên, Ủy viên UBND Thành phố, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, gây nhiều bức xúc và tranh cãi từ người dân địa phương.
Truyền thông Việt Nam nói ông Cang đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền” về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ Thành phố.
Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM trước đó cũng có kết luận ông Tất Thành Cang đã chấp thuận chủ trương chuyển nhượng hơn 32ha đất đã đền bù của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận) tại dự án khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè và chấp thuận chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai là không đúng thẩm quyền và chưa đúng quy định của pháp luật, không báo cáo thường trực Thành ủy và Ban thường vụ Thành ủy trước khi quyết định.
Ông Tất Thành Cang là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Thượng tướng Lê Quý Vương trả lời trước LHQ
về công ước chống tra tấn
Thông tấn xã nói Việt Nam “quyết tâm thực hiện các cam kết về nhân quyền nói chung và chống tra tấn nói riêng” trong lúc giới quan sát có ý kiến khác về vấn đề này.
Trong hai ngày 14 và 15/11 tại Geneva, Thụy Sĩ, đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương, làm trưởng đoàn, trình bày và trao đổi về Báo cáo Quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước về chống tra tấn trước Ủy ban của Liên Hiệp Quốc.
Việt Nam cần học Anh cho tù nhân ‘thụ án tại gia’?
Làm bị can tử vong, 5 công an nhận án
Công an Vĩnh Long và vụ Nguyễn Hữu Tấn ‘tự sát’
‘Cần có giám sát khi dân làm việc với công an’
‘Ưu, khuyết’ công an VN được nêu tại hội nghị toàn quốc
‘Quyết tâm thực hiện cam kết’
Thông tấn xã Việt Nam hôm 15/11 cho hay:
“Việt Nam đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về quyền con người, về chống tra tấn. Báo cáo của phái đoàn Việt Nam cũng liệt kê một số vụ việc có liên quan đến tra tấn, bức cung, dùng nhục hình, là các vụ việc được điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian gần đây. Kết quả xử lý các vụ việc này cho thấy sự nghiêm khắc của pháp luật vừa trừng trị người có tội liên quan đến tra tấn đồng thời cũng răn đe, phòng ngừa vi phạm pháp luật về chống tra tấn.”
Vấn đề này cần được Nhà nước nghiêm túc nhìn nhận khiếm khuyết về việc để ra những cuộc tra tấn trái pháp luật bằng việc luật hóa tội phạm tra tấn trong Bộ luật Hình sự với hình phạt nghiêm khắc để thể hiện việc bảo vệ thực sự quyền con người.luật sư Phạm Công Út
“Báo cáo về các biện pháp Việt Nam đã tiến hành để thực hiện Công ước về chống tra tấn thể hiện sự nghiêm túc và sẵn sàng chia sẻ, học hỏi cũng như quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện các cam kết về nhân quyền nói chung và chống tra tấn nói riêng, qua đó cho thấy sự tích cực và chủ động của Việt Nam tham gia đóng góp vào những công việc quốc tế, nhất là việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.”
Ý kiến phản biện
Tuy vậy, giới quan sát và các tổ chức nhân quyền có ý kiến khác về vấn đề này.
Trả lời BBC hôm 15/11, Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật Phạm Nghiêm, nói: “Trước đây có những cuộc tra tấn người dân trong nhà tạm giữ của công an. Có vụ đã được khởi tố nhưng xét xử hời hợt cho có với mức án không đủ tính răn đe, hoặc “thí chốt” như vụ ông Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên, vụ dùng nhục hình đối với các nạn nhân Trần Văn Đở, ông Thạch Sô Phách và ông Khâu Sóc ở tỉnh Sóc Trăng…”
“Cũng có vụ tra tấn tàn bạo dẫn đến chết thảm như ông Nguyễn Văn Đức ở tỉnh Vĩnh Long đã nhiều năm qua rơi vào im lặng dù vụ án dùng nhục hình đã được khởi tố nhưng đến nay vẫn chưa có bị can nào bị khởi tố để chịu trách nhiệm về cái chết của ông Đức.”
“Gần đây, khi các nhà tạm giam, trại tạm giữ dần được trang bị máy ghi hình khi điều tra viên hỏi cung bị can thì những cuộc tra tấn có dấu hiệu đang chuyển về các cơ quan công an phường, xã hoặc những điểm tập kết người bị bắt ngoài trụ sở công an với những người tra tấn mặc thường phục như vụ bắt bớ những người biểu tình vào giữa tháng 6/2018 ở TP.Hồ Chí Minh.”
“Rồi vài ngày trước nhà báo tự do Lê Thị Thư có cáo buộc về việc bà ấy bị hành hung ở Biên Hòa.”
“Những người bị bắt giữ trái pháp luật là người có xu hướng là những đối tượng bị tra tấn nhiều nhất, vì họ bị bắt, bị tra tấn mà không hề có quyết định khởi tố, lệnh tạm giam… Do đó hình thành tâm lý người dân sợ hãi khi có giấy mời của cơ quan công an.”
“Vấn đề này cần được Nhà nước nghiêm túc nhìn nhận khiếm khuyết về việc để ra những cuộc tra tấn trái pháp luật bằng việc luật hóa tội phạm tra tấn trong Bộ luật Hình sự với hình phạt nghiêm khắc để thể hiện việc bảo vệ thực sự quyền con người.”
‘Không có gì cụ thể’
Cũng trong hôm 15/11, bà Luisa Fenu, Giám đốc Vận động và Chương trình của Tổ chức nhân quyền Pháp ACAT, người đang có mặt tại sự kiện ở Geneva, nói với BBC: “Tôi có cảm nhận rằng bài phát biểu khá dài giới thiệu của đoàn Việt Nam khá đơn giản.”
“Họ tập trung vào những sửa đổi luật để phù hợp với nội dung của Công ước về chống tra tấn, nhưng không có gì cụ thể được đề cập về việc thực thi.”
Nhìn chung, đoàn Việt Nam nói họ sẵn lòng thực hiện Công ước về chống tra tấn và công nhận rằng còn phải làm nhiều hơn nữa cho việc này. Nhưng nếu nghiêm túc về việc thực thi Công ước, liệu họ có cho phép báo cáo viên đặc biệt về tra tấn đến Việt Nam trong tương lai gần?bà Luisa Fenu, Giám đốc Vận động và Chương trình của Tổ chức nhân quyền Pháp ACAT
“Cũng chẳng có trích dẫn tham khảo về các nhóm người bị giam giữ cụ thể như người dân tộc thiểu số hoặc tôn giáo hoặc các tù nhân lương tâm. Họ đảm bảo với Ủy ban Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc về mong muốn bảo vệ quyền con người, ngăn chặn tra tấn trên lãnh thổ Việt Nam và có hành động trong trường hợp có khiếu nại về tra tấn.”
“Đoàn Việt Nam nói rằng thủ phạm tra tấn có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến chung thân, nhưng không có trích dẫn về số lượng người bị tra tấn hoặc những gì xảy ra với những người khiếu nại các vụ này.”
“Họ cũng đề cập rằng chính phủ Việt Nam đang nỗ lực đào tạo và phổ biến nội dung của Công ước cho công an nhưng không đề cập đến số lượng các buổi đào tạo, nội dung của nó, và người ta cũng không rõ công an hoặc nhân viên các trại giam có được học các khóa này.”
“Nhìn chung, đoàn Việt Nam nói họ sẵn lòng thực hiện Công ước về chống tra tấn và công nhận rằng còn phải làm nhiều hơn nữa cho việc này. Nhưng nếu nghiêm túc về việc thực thi Công ước, liệu họ có cho phép báo cáo viên đặc biệt về tra tấn đến Việt Nam trong tương lai gần?”
“Tôi tin rằng Việt Nam đang cố gắng tạo ấn tượng rằng họ có những nỗ lực để cải thiện tình hình trong bối cảnh có cáo buộc về sự đàn áp giới bất đồng gia tăng tại nước này.”
“Tuy nhiên, nếu chính phủ Việt Nam mở các khóa đào tạo Công ước về chống tra tấn cho công an và khuyến khích họ, phối hợp với các tổ chức xã hội dân sự, để thay đổi hành vi, thì đó có thể là cơ hội để thực trạng và cáo buộc về tra tấn, tử vong trong đồn giảm bớt.”
“Một điều quan trọng là dừng việc hình sự hóa những người bảo vệ nhân quyền và cản trở công việc của các tổ chức nhân quyền, vì đây là những bên có thể giúp cải thiện thực trạng này.”
Tranh cãi thư ‘kêu cứu’ của một đạo diễn
Thanh niên chết vì chạy quá sức?
‘Thực trạng không thay đổi’
Cùng ngày, ông Nguyễn Đình Thắng, CEO và chủ tịch Ủy ban cứu Người vượt biển (BPSOS), người đang có mặt tại sự kiện ở Geneva, nói với BBC:
“Trong suốt ba tháng trước cuộc kiểm điểm Việt Nam về thực thi Công ước về chống tra tấn, một nhóm khoảng 10 tổ chức xã hội dân sự Việt Nam và quốc tế đã lặng lẽ phối hợp để hoàn thành hai bản báo cáo chung nộp cho Ủy ban Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc.”
“Các câu hỏi của Ủy ban Chống tra tấn đặt ra cho phái đoàn Việt Nam tại sự kiện này phần lớn dựa vào các bản báo cáo và thông tin cập nhật của chúng tôi.”
“Sau cuộc kiểm điểm, Việt Nam sẽ có văn bản trả lời chính thức các câu hỏi của Ủy ban Chống tra tấn. Khoảng một năm sau, Ủy ban này sẽ có bản báo cáo chung cuộc. Một năm ấy là cơ hội để các tổ chức xã hội dân sự ở trong và ngoài Việt Nam đóng góp với bản báo cáo chung cuộc.”
“Chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với các tổ chức đồng hành từ bấy lâu nay và với các nhóm đấu tranh ở trong nước để tận khai thác cơ hội này.”
Ông Thắng cũng nói thêm: “Số người dân bị chết tại các đồn công an ở Việt Nam có thể tăng hoặc giảm mỗi năm, nhưng thực trạng không có gì thay đổi.”
“Nghĩa là, chính quyền vẫn không có biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa tình trạng tra tấn. Nạn nhân và thân nhân của họ vẫn không thể trông cậy vào hệ thống pháp luật để đòi công lý. Thủ phạm vẫn có thể vô tội vạ vì được hệ thống chính quyền bao che.”
“Muốn tránh tình trạng này thì phải có một định chế độc lập với chính quyền để theo dõi các trường hợp tra tấn, kiểm tra việc thực thi Công ước về chống tra tấn, và báo cáo với Nhà nước, với người dân và với quốc tế về các khiếm khuyết trong chính sách hiện hành cũng như đề nghị các biện pháp cải thiện.”
“Hình thành một định chế độc lập như vậy là một trong những đề nghị trong báo cáo của chúng tôi gửi cho Ủy ban Chống tra tấn. Ngày hôm qua, khi mở đầu buổi kiểm điểm, ông Jens Modvig, Chủ tịch của Ủy ban, đã hỏi phái đoàn Việt Nam là chính quyền của họ có sẵn sàng chấp nhận đề nghị ấy không.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46204408
Sinh viên Việt Nam chi 881 triệu USD du học ở Mỹ
Du học sinh Việt Nam tại Mỹ gia tăng liên tiếp trong vòng 17 năm qua, với số lượng lên đến 24.325 sinh viên trong niên học 2017-2018 ở các trường đại học và đại học cộng đồng, tăng 8,4% so với niên học trước.
Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), có trụ sở tại Hoa Kỳ, ghi nhận số liệu vừa nêu trong báo cáo hàng năm, được công bố vào ngày 14 tháng 11.
Theo số liệu báo cáo của IIE, hiện có 69,6% du học sinh Việt Nam học đại học, 15,2% sau đại học, 8,6% đăng ký Chương trình Lựa chọn Thực tập và 6,6% còn lại theo học các chương trình không cấp bằng.
Việt Nam được xếp thứ 6 trong số 10 quốc gia trên toàn cầu có số lượng du học sinh đông nhất ở Hoa Kỳ trong niên học 2016-2017, và các du học sinh Việt Nam chi ra gần 881 triệu đô la Mỹ (USD) trong niên học này.
Báo cáo của IIE cũng cho thấy Trung Quốc được xếp vị trí hàng đầu trong danh sách có du học sinh ở Mỹ nhiều nhất. 8 quốc gia còn lại bao gồm Ấn Độ, Hàn Quốc, Ả-rập Saudi, Canada, Đài Loan, Nhật Bản, Mexico và Brazil.
Hồi tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Giáo dục Việt Nam Phùng Xuân Nhạ, thông báo trước Quốc Hội số liệu du học sinh Việt Nam chi từ 3 đến 4 tỷ USD hàng năm cho việc học tập ở nước ngoài.
Theo số liệu của Bộ Giáo Dục trong năm 2017, có khỏang 130 ngàn du học sinh Việt Nam, trong đó năm quốc gia hàng đầu được du học sinh Việt Nam chọn đến bao gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, Trung Quốc và Vương quốc Anh.
Thông tin sức khỏe lãnh đạo
thuộc diện ‘bí mật nhà nước’
Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước hôm 15/11 với 91,55% đại biểu tán thành, trong đó, thông tin sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước được xem là một trong những bí mật nhà nước cần được bảo vệ.
Theo tường thuật của truyền thông trong nước, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước bao gồm 5 chương, 28 điều, quy định về những thông tin thuộc phạm vi “bí mật Nhà nước”, mà nếu bị lộ có thể gây nguy hại cho lợi ích quốc gia, dân tộc.
Các thông tin bí mật, theo Luật mới, bao gồm trong nhiều lĩnh vực như: Thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối nội, đối ngoại; Hoạt động của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Chiến lược, đề án về dân tộc, tôn giáo và công tác dân tộc, tôn giáo liên quan đến bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; Thông tin có tác động tiêu cực đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội; Chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển báo chí, xuất bản, in, phát hành, bưu chính, viễn thông và Internet, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng…
Ngoài ra, thông tin bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước cũng được quy định thuộc vào diện bí mật Nhà nước.
Về cấp độ mật, Luật mới thông qua phân loại bí mật Nhà nước thành 3 cấp độ: Tuyệt mật, tối mật và mật. Trong đó, cấp độ tuyệt mật bao gồm các bí mật liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, đối ngoại.
Mức độ tối mật và mật bao gồm các bí mật liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán nhà nước.
Thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước mức độ tuyệt mật là 30 năm, với mức độ tối mật là 20 năm và mức độ mật là 10 năm.
Luật cũng cấm các hành vi làm lộ, chiếm đoạt, mua, bán bí mật Nhà nước; làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí mật Nhà nước; mang tài liệu, vật chứa bí mật Nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ trái pháp luật; truyền, đưa bí mật Nhà nước trên phương tiện thông tin, viễn thông trái với quy định của pháp luật về cơ yếu; đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông…
Luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2020.