Tin khắp nơi – 14/11/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 14/11/2018

PTT Pence chỉ trích bà Suu Kyi:

Myanmar ‘bức hại’ người Rohingya

Hôm 14/11, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence mạnh mẽ lên án chính phủ Myanmar đã “đàn áp” người Hồi giáo Rohingya khi ông gặp bà Aung San Suu Kyi tại Singapore, theo hãng tin Reuters.

Phó Tổng thống Pence cũng hối thúc bà Suu Kyi đặc xá cho hai nhà báo Reuters bị bắt gần một năm trước và vào tháng 9 bị kết án đến 7 năm tù về tội vi phạm Đạo luật bí mật Nhà nước.

Phó Tổng thống Pence nói với bà Suu Kyi với sự chứng kiến của giới truyền thông trước khi họ bước vào cuộc họp kín bên lề một hội nghị thượng đỉnh châu Á-Thái Bình Dương ở Singapore.

Ông Pence nói: “Tôi mong muốn được biết tiến độ hành động của bà trong việc xác định kẻ chịu trách nhiệm về hành động đàn áp bạo lực đã đẩy mấy trăm ngàn người vào cảnh ly hương, đau khổ, kể cả sinh mạng của họ cũng bị đe dọa.”

Bà Suu Kyi tỏ vẻ mặt lạnh lùng khi nghe những lời chỉ trích của ông Pence,

Vào cuối tháng 8 năm ngoái, Quân đội Myanmar đã phát động một cuộc tấn công lớn vào phía bắc bang Rakhine để đáp trả mấy vụ tấn công do các phần tử nổi dậy Rohingya gây ra trước đó.

Myanmar phủ nhận việc bức hại người dân tộc thiểu số Hồi giáo Rohingya, và nói rằng các lực lượng của họ đã tấn công tự vệ hợp pháp.

Đáp lại lời ông Pence, bà Suu Kyi nói: “Tất nhiên mỗi người có một quan điểm khác nhau nhưng điểm chính là quý vị đưa những quan điểm đó ra thảo luận để có thể thông hiểu nhau hơn.”

Hoa Kỳ đã cáo buộc quân đội Myanmar đã hành động thanh lọc sắc tộc nhắm vào người Rohingya.

Các nhà điều tra của LHQ cáo buộc quân đội Myanmar đã thực hiện một chiến dịch giết người, hiếp dâm và đốt phá làng mạc với “ý định diệt chủng.”

https://www.voatiengviet.com/a/ptt-pence-chi-trich-ba-suu-kyi-/4658073.html

 

Phó TT Mỹ gây áp lực lên lãnh đạo châu Á

về vấn đề Biển Đông

Ralph Jennings

Trong khi các lãnh đạo của 10 nước Đông Nam Á bàn thảo nhiều về thương mại ở Singapore hôm 14/11 thì Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence lại tập trung vào việc giữ cho hải phận của châu Á rộng mở đối với quốc tế bất chấp sự bành trướng của Trung Quốc. Ông Pence cũng mưu tìm sự hỗ trợ trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn cũng như gây áp lực lên Myanmar về cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya.

Tại một hội nghị thượng đỉnh hàng năm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các nhà lãnh đạo ASEAN bàn thảo về các vấn đề kinh tế và thương mại trong phần lớn thời gian hôm 14/11, cũng như trong cuộc họp với các quan chức từ các nước lớn khác được mời tham dự như Ấn Độ, Nga và Trung Quốc.

Tuy nhiên, Phó Tổng thống Mỹ đưa các cuộc đàm thoại của ông hôm 14/11 hướng chủ yếu tới vấn đề địa chính trị.

Biển Đông

Phó Tổng thống Pence hôm 14/11 nói với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi rằng các cuộc tập trận hải quân gần đây ở châu Á là “bằng chứng của cam kết của chúng tôi trong việc đảm bảo sự tiếp cận tự do và rộng mở của lãnh hải trên toàn khu vực.” Cả Ấn Độ và Mỹ đều tìm cách khống chế Trung Quốc trong khi nước này tiếp tục quân sự hóa các đảo trong khu vực biển có tranh chấp ở phía nam của nước này.

Hôm 13/11, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi ASEAN hợp tác với Trung Quốc trên Biển Đông. Bốn quốc gia ASEAN – gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam – đều có tuyên bố chủ quyền hàng hải chồng lấn với Trung Quốc.

ASEAN trong hai thập kỷ qua đã thúc thục Trung Quốc ký một bộ quy tắc ứng xử nhằm giúp ngăn chặn các tranh chấp trên biển. Hai bên bắt đầu trở lại các cuộc đàm phán về bộ quy tắc này vào năm ngoái nhưng trong năm nay họ được cho là sẽ không thương thảo về bộ quy tắc này do có những lo ngại về các vấn đề chủ quyền và các biện pháp giải quyết tranh chấp.

“Điều đó phụ thuộc vào Trung Quốc,” Termsak Chalermpalanupap, một thành viên của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS ở Singapore nói. “Thực ra thì ASEAN nói rằng việc này có thể được hoàn tất trong vòng một tháng vì chúng ta đã có một bản dự thảo thống nhất cho việc đàm phán. Chúng ta chỉ cần đưa thêm vào một số chi tiết là xong.”

Bắc Hàn

Cũng trong cuộc gặp với Thủ tướng Modi, Phó Tổng thống Pence kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn nữa trong các mối quan hệ với Bắc Hàn. Chính phủ Mỹ coi Bắc Hàn là một quốc gia cô lập có tên lửa và vũ khí hạt nhân có thể bắn tới các quốc gia láng giềng là đồng minh của phương Tây.

“Chúng tôi cám ơn sự ủng hộ to lớn của Ấn Ðộ cho chiến dịch gây sức ép lên Bắc Hàn,” Phó Tổng thống Pence nói. “Nhưng chúng tôi mong muốn có nhiều phương thức hơn nữa để chúng ta có thể cùng hợp tác, thậm chí như Tổng thống (Donald Trump) đang tiến tới một cuộc họp thượng đỉnh tiếp theo với Chủ tịch Kim với hy vọng rằng chúng ta cuối cùng có thể đem lại một nền hòa bình lâu dài cho Bán đảo Triều Tiên.”

Washington và Bình Nhưỡng đang chuẩn bị cho một cuộc họp thượng đỉnh thứ 2 giữa ông Trump và ông Kim cho dù có tin nói rằng Bắc Hàn đã tích trữ được 60 vũ khí hạt nhân.

Ông Pence dự kiến gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo và tham dự một bữa ăn tối do Thủ tướng Singapore chủ trì.

Rohingya

Trong cuộc họp với lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi hôm 14/11, ông Pence nói ông mong muốn nhận được thông tin về bất cứ sự tiến triển nào trong việc xác định kẻ chịu trách nhiệm cho hành động bức hại những người thiểu số Hồi giáo Rohingya.

Washington “mong muốn một xã hội dân sự phồn vinh, hòa bình và thành đạt ở Miến Điện với một nền báo chí tự do và độc lập,” phó tổng thống Mỹ nói và dùng tên trước đây của Myanmar.

“Đây là một thảm kịch đã làm lay động trái tim của hàng triệu người dân Mỹ,” ông Pence nói. “Bạo lực và hành động đàn áp của của quân đội và dân quân đã buộc hơn 700.000 người Rohingya phải chạy sang Bangladesh ti nạn là không thể biện minh được.”

Hơn 730.000 người Rohingya đã chạy sang Bangladesh kể từ tháng 8 năm ngoái để trốn chạy cái mà các nhà thanh tra của Liên hợp quốc gọi là thảm họa diệt chủng. Myanamar luôn phủ nhận cáo buộc này và nói rằng chiến dịch của họ là sự phản công tự vệ hợp pháp đối với cái mà họ gọi là những cuộc tấn công khủng bố.

Ông Pence nói Hoa Kỳ “vui mừng nhận được những tin tức cho thấy một vài gia đình đã bắt đầu tìm đường quay trở về quê hương” và phó tổng thống Mỹ nói rõ rằng “điều đó phải được thực hiện bằng phương thức minh bạch và an toàn cũng như tự nguyện.”

Nhà lãnh đạo Myanmar hạ thấp giọng và nói với ông Pence rằng “ông nên trao đổi quan điểm để hiểu nhau hơn.”

“Chúng tôi đang ở trong vị trí tốt hơn trước đây để giải thích với ông về điều gì đang xảy ra và ghi nhận mọi việc đang diễn tiến ra sao,” bà Suu Kyi nói.

Thương mại ASEAN

Hôm 14/11, ông Pence không nói nhiều về thương mại mặc dù ông nói với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc rằng ông nhìn thấy một “môi trường thương mại công bằng và tương hỗ hơn đang tiến triển.”

ASEAN, được thành lập khởi điểm với 5 quốc gia cách đây nhiều thập kỷ, phát huy sức mạnh bằng cách tận dụng một thị trường chung của hơn 600 triệu dân để ký các hiệp định thương mại với thế giới. Các quốc gia ĐNÁ xuất khẩu các mặt hàng sản xuất với giá trị thấp, xuất khẩu lao động và tài nguyên thiên nhiên cho nhiều khu vực trên thế giới.

Trong khi các lãnh đạo của khu vực chủ yếu bàn thảo các vấn đề thương mại ở Singapore thì cuộc họp thượng đỉnh tới hết ngày 15/11 dường như sẽ chỉ đưa ra một thông cáo chung hơn là có các hiệp định to lớn nào, theo nhà nghiên cứu quốc tế của Đại học Nanyang Singapore Oh Ei Sun.

Nhà phân tích này nói: “Theo những gì tôi theo dõi, thượng đỉnh ASEAN về cơ bản là cho các nhà lãnh đạo thêm cơ hội gặp nhau song phương hơn là cùng đưa ra một điều gì chắc chắn.”

https://www.voatiengviet.com/a/pho-tt-my-gay-ap-luc-len-lanh-dao-chau-a-ve-van-de-bien-dong/4658419.html

 

Mỹ nhấn mạnh vai trò của NATO với châu Âu

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis hôm 13/11 nói rằng NATO là hòn đá tảng để bảo vệ châu Âu vào lúc Pháp và Đức đang kêu gọi thành lập lực quân sự chung cho Liên minh châu Âu.

Khi được hỏi liệu ông có ủng hộ quân đội EU hay không, ông Mattis nói với các phóng viên: “Chúng tôi xem NATO là hòn đá tảng để bảo vệ châu Âu trong lĩnh vực an ninh và chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các nước làm việc nhiều hơn để chia sẻ gánh nặng.”

Ông Mattis đưa ra phát biểu này trước khi ông bắt đầu cuộc gặp với người đồng cấp Ba Lan tại Lầu Năm Góc.

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-nh%E1%BA%A5n-m%E1%BA%A1nh-vai-tr%C3%B2-c%E1%BB%A7a-nato-v%E1%BB%9Bi-ch%C3%A2u-%C3%A2u/4657705.html

 

Lại sắp có thay đổi nhân sự cấp cao trong Toà Bạch Ốc

Toà Bạch Ốc dưới quyền Tổng thống Trump lại bị bao trùm trong bất ổn hôm thứ Ba, giữa lúc tương lai của nhiều phụ tá cấp cao đang trong tình trạng bấp bênh vào thời điểm chỉ mới một tuần sau khi diễn ra các cuộc bầu cử quốc hội.

Ba thành viên trong nội các của Tổng thống Trump gồm Chánh Văn phòng Tổng thống John Kelly, Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen, và Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke có thể sớm ra đi, theo các nguồn tin hiểu biết về những chuyện nội bộ trong chính phủ của Đảng Cộng hoà.

Những thay đổi về nhân sự tại Toà Bạch Ốc đã tạm dừng lại trong thời gian dẫn tới bầu cử sau khi các giới chức cao cấp của Đảng Cộng hoà yêu cầu Tổng thống Trump ngưng sa thải nhân viên, với hy vọng giảm thiểu cảm tưởng về tình trạng mất trật tự trong nội bộ.

Hồi tuần trước, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đã bị TT Trump buộc phải từ chức chỉ vài giờ sau khi kết quả bầu cử ngày 6/11 trao quyền kiểm soát Hạ viện cho Đảng Dân chủ, đảng chiếm đa số ghế.

Những thay đổi nhân sự thường xuyên xảy ra trong 22 tháng Tổng thống Trump cầm quyền. Một cuộc khảo sát do Viện Brookings, một tổ chức tư vấn chính sách, thực hiện trong năm nay, cho thấy Toà Bạch Ốc dưới quyền Tổng thống Trump có tỷ lệ thay đổi nhân sự cấp cao cao nhất so với 5 đời Tổng thống tiền nhiệm.

Các nguồn tin cho biết là ngoài ra, Tổng thống Trump cũng đang chuẩn bị sa thải bà Mira Ricardel, Phó Cố vấn An ninh, theo yêu cầu của vợ ông, sau khi xảy ra xung khắc giữa hai người trong chuyến công du Châu Phi mới đây của Đệ nhất Phu nhân Melania Trump. Đây được coi là một động thái bất thường.

Văn phòng phu nhân Tổng thống xác nhận sự bất hòa giữa hai phụ nữ này.

Tổng thống Trump đã dự kiến sẽ sa thải bà Nielsen, một nguồn tin thân cận với Toà Bạch Ốc cho biết. Bà đảm nhận chức Bộ trưởng An ninh Nội địa sau khi ông Trump đề cử Tướng John Kelly vào chức Chánh Văn phòng Tổng thống. Nhưng bây giờ thì nguồn tin tiết lộ rằng ông Trump đang cân nhắc việc bãi nhiệm cả hai giới chức này.

Về phần Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke, ông đã bị điều tra về nhiều vấn đề đạo đức gây tranh cãi, kể cả vấn đề lem nhem trong các chuyến du hành và một thỏa thuận làm ăn tại Montana, bang nhà của ông, vì thế có nghi vấn về ông sẽ còn giữ chức vụ hiện tại trong bao lâu nữa.

Ngoài ra Toà Bạch Ốc còn đang xem xét việc sa thải các quan chức cấp cao khác nữa.

Tuần trước, Tổng thống Trump nói ông Zinke đã làm tốt nhiệm vụ của mình, nhưng ông để ngỏ giải pháp thay thế ông này.

Tình trạng xáo trộn trong Toà Bạch Ốc càng được nêu bật hơn trong khi Công tố viên đặc biệt Robert Mueller chuẩn bị tung ra thêm các cáo trạng buộc tội trong cuộc điều tra đã kéo dài 18 tháng về hành động can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, và về khả năng có sự thông đồng giữa Moscow và chiến dịch vận động tranh cử của Tổng thống Trump.

https://www.voatiengviet.com/a/lai-co-thay-doi-nhan-su-cap-cao-tai-toa-bach-oc/4658058.html

 

TT Trump sắp sa thải bộ trưởng An ninh Nội địa

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các cố vấn rằng ông muốn cách chức Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen trong vài tuần nữa. Năm quan chức hiện đang và từng làm việc trong Nhà Trắng nói như vậy với tờ Washington Post.

Trong một bài báo được đưa ra tối hôm 12/11, tờ Washington Post cho biết việc sa thải bà Nielsen có thể được công bố trong tuần này. Reuters không thể ngay lập tức khẳng định thông tin trên.

Ông Trump đã hủy các kế hoạch công du với bà Nielsen, người được ủy nhiệm tiến hành việc đàn áp di dân của ông Trump, để tới thăm các binh sỹ Mỹ ở biên giới phía nam ở Texas trong tuần này, theo tờ báo có trụ sở ở Washington. Ông Trump đang tìm kiếm một người thay thế để thực hiện chính sách di dân gây tranh cãi của ông với nhiều tâm huyết hơn, theo tờ Washington Post.

Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly, người cũng có thể sắp rời chức vụ này, đang tìm cách hoãn việc sa thải, theo tờ Washington Post trích dẫn nguồn tin của ba quan chức.

Tờ báo này cho biết các quan chức của Bộ An ninh Nội địa, những người làm việc với Bộ trưởng Nielsen từ chối nói thẳng đến khả năng ra đi của bà. Một người phát ngôn của bộ này nói bà bộ trưởng “cam kết thực hiện nghị trình tập trung vào an ninh của Tổng thống để bảo vệ người dân Mỹ khỏi tất cả các mối họa và sẽ tiếp tục làm như vậy.”

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-sap-sa-thai-bo-truong-an-ninh-noi-dia/4656975.html

 

Ông Trump chịu cung cấp lời khai

cho Công tố viên Mueller

Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ đưa ra câu trả lời bằng văn bản trong tuần này để trả lời trước những câu hỏi của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller – người đang điều tra cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016, một người nắm rõ sự việc nói cho Reuters biết.

Một trong những vấn đề được ra là cuộc gặp hồi năm 2016 giữa ông Donald Trump Jr., con trai ông Trump, và các thành viên khác trong ban vận động tranh cử của ông với một nhóm người Nga, nguồn tin cho biết.

Ông Trump đã gặp các luật sư của ông trong tuần này để chuẩn bị trước cho các câu hỏi, theo nguồn tin.

Các luật sư của ông Trump đã bàn bạc với nhóm của ông Mueller kể từ năm ngoái về việc liệu ông Trump có ngồi xuống trả lời ông Mueller hay không. Vấn đề đó đã không được giải quyết, nguồn tin này cho biết.

Hồi tháng trước, ông Rudy Giuliani, một luật sư của ông Trump đã nói với Reuters rằng ông Trump sẵn sàng trả lời bằng văn bản các câu hỏi về việc liệu ban vận động của ông có thông đồng với phía Nga để ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016 hay không nhưng không trả lời liệu ông có hành động cản trở cuộc điều tra hay không.

Không rõ liệu lúc nào đó ông Mueller có ép ông Trump trả lời câu hỏi về cản trở điều tra hay không.

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài NBC hồi năm ngoái, ông Trump gắn kết quyết định ông sa thải giám đốc FBI James Comey với cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử. Vào thời điểm bị sa thải, ông Comey đang dẫn đầu cuộc điều tra.

Ông Trump cũng từng bác bỏ ông có biết cuộc gặp ở tháp Trump với người Nga vốn hứa hẹn có những thông tin gây tổn hại cho đối thủ của ông bên Đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton.

https://www.voatiengviet.com/a/%C3%B4ng-trump-ch%E1%BB%8Bu-cung-c%E1%BA%A5p-l%E1%BB%9Di-khai-cho-c%C3%B4ng-t%E1%BB%91-vi%C3%AAn-mueller/4657720.html

 

Mỹ dựng rào kẽm gai ngăn di dân vào biên giới

Hàng trăm di dân đến từ các quốc gia Trung Mỹ đang muốn xin quy chế tị nạn ở Mỹ đã di chuyển về hướng biên giới của Mỹ với Mexico hôm 13/11 trong lúc quân đội Mỹ đang củng cố các biện pháp an ninh, đặt dây kẽm gai và dựng hàng rào.

Khoảng 400 di dân tách ra khỏi đoàn xe chính ở Mexico City đã đến thành phố biên giới Tijuana hôm 13/11 bằng xe buýt, theo lời một nhân chứng nói với Reuters. Các đoàn đông đảo hơn dự kiến sẽ đến trong những ngày sắp tới, các tổ chức nhân quyền cho biết.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết ông sẽ đi đến khu vực biên giới vào ngày 14/11 – chuyến thăm đầu tiên của ông kể từ khi quân đội Mỹ loan báo hơn 7.000 binh sỹ Mỹ sẽ được triển khai đến biên giới với Mexico vào lúc đoàn xe gồm chủ yếu là di dân Honduras trên đường băng qua lãnh thổ Mexico.

Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) ra thông cáo cho biết họ sẽ đóng cửa các làn xe ở San Ysidro và Otay Mesa tại các cửa khẩu ở Tijuana để cho phép Bộ Quốc phòng đặt dây kẽm gai và dựng hàng rào. Tijuana, thuộc tiểu bang Baja California của Mexico, nằm ở điểm cực tây của biên giới Mỹ – cách thành phố San Diego khoảng 38km.

“CBP đã, đang và sẽ tiếp tục chuẩn bị cho sự đổ bộ của hàng ngàn người di cư trong một đoàn xe hướng về phía biên giới với Mỹ,” ông Pete Flores, một quan chức cấp cao của CPB ở San Diego, nói và nhắc đến ‘nguy cơ an toàn và an ninh tiềm tàng’.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có lập trường cứng rắn về đoàn xe di dân vốn bắt đầu cuộc hành trình hôm 13/10 và đã xung đột với lực lượng an ninh ở phía Nam Mexico vào lúc mới bắt đầu hành trình.

Tuần trước, ông Trump đã ký một sắc lệnh tạm hoãn việc cấp quy chế tị nạn cho những người vượt biên bất hợp pháp.

“Tôi thà là bị ngồi tù ở Mỹ còn hơn là quay trở về đất nước tôi mà tôi biết là họ sẽ giết tôi vì tôi khác người,” Nelvin Mejía, một phụ nữ chuyển giới đến Tijuana hôm 12/11 với một nhóm khoảng 70 người tìm kiếm quy chế tị nạn, nói. “Hồi tháng trước, họ đã giết người bạn đời của tôi. Tôi không muốn có kết cục như vậy.”

Trong nhiều năm, hàng trăm di dân chủ yếu đến từ các nước Trung Mỹ và Mexico để đến Mỹ. Nhiều người trong số đó đã chết hoặc đã bị các nhóm tội phạm có tổ chức bắt cóc.

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-d%E1%BB%B1ng-r%C3%A0o-k%E1%BA%BDm-gai-ng%C4%83n-di-d%C3%A2n-v%C3%A0o-bi%C3%AAn-gi%E1%BB%9Bi/4657701.html

 

Đảng Dân chủ giành ghế Thượng nghị sỹ Arizona

Ứng cử viên Dân chủ Kyrsten Sinema đã đánh bại ứng viên Cộng hòa Martha McSally để giành ghế Thượng nghị sỹ tiểu bang Arizona trong một cuộc đua sát nút trong kỳ bầu cử giữa kỳ cách nay một tuần.

Đây là thắng lợi có ý nghĩa lớn của Đảng Dân chủ vì trong vòng 30 năm qua, bang Arizona chưa bao giờ bầu cho một thượng nghị sỹ Dân chủ nào.

Tuy nhiên, bất chấp thắng lợi này của Đảng Dân chủ, Đảng Cộng hòa vẫn sẽ giữ thế đa số tại Thượng viện ít nhất là cho đến kỳ bầu cử năm 2020. Hiện Đảng Cộng hòa đang giữ 51 ghế so với 47 ghế của Đảng Dân chủ. Cuộc đua ở các tiểu bang Florida và Mississippi vẫn chưa có kết quả chung cuộc.

Trước bầu cử giữa kỳ, tỷ lệ giữa Cộng hòa-Dân chủ trong Thượng viện là 51-49. Trong kỳ bầu cử giữa kỳ vừa qua, Đảng Dân chủ phải bầu lại 25 ghế, trong khi phe Cộng hòa chỉ bầu lại có 8 ghế.

Bà Sinema, 42 tuổi, là dân biểu liên bang và từng là nhà hoạt động xã hội. Bà sẽ trở thành nữ thượng nghị sỹ đầu tiên của Arizona. Bà sẽ thay thế ông Jeff Flake của Đảng Cộng hòa, người không tái ứng cử và là một nhân vật lớn tiếng chỉ trích Tổng thống Donald Trump.

“Mọi việc không hề dễ dàng và không hề xảy ra sau một đêm, nhưng chúng ta có thể làm việc cùng nhau để giải quyết các thách thức mà đất nước chúng ta đối mặt,” bà Sinema nói với các phóng viên tối 12/11 ở Scottsdale, Arizona, sau khi nhiều cơ quan truyền thông loan báo bà đã thắng cử.

Bà nhắc đến cố Thượng nghị sỹ John McCain của bang nhà, vốn là người của Đảng Cộng hòa và đã qua đời hồi tháng Tám. “Chúng ta có thể làm việc theo cách khác. Vì tương lai chúng ta, vì Thượng nghị sỹ McCain và vì nhau. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải làm như vậy,” bà nói.

Đối thủ của bà, bà McSally, 52 tuổi, cũng là dân biểu liên bang và cựu phi công chiến đấu của không quân Mỹ, đã chúc mừng bà Sinema.

“Tôi chúc bà ấy thành công khi bà ấy đại diện Arizona ở Thượng viện,” bà McSally nói trong một đoạn video đăng tải trên mạng xã hội.

Trong một dòng tweet hồi thứ Sáu tuần trước, Tổng thống Trump cáo buộc ‘tham nhũng bầu cử’ ở Arizona mà không đưa ra bằng chứng và dường như kêu gọi bầu cử lại ở bang này mặc dù tất cả các phiếu bầu đều chưa được đếm hết.

https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91%E1%BA%A3ng-d%C3%A2n-ch%E1%BB%A7-gi%C3%A0nh-gh%E1%BA%BF-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-ngh%E1%BB%8B-s%E1%BB%B9-arizona/4657101.html

 

Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát sẽ ủng hộ

ông Trump trong chiến tranh thương mại

Phe Dân chủ chiếm đa số tại Hạ viện Mỹ sẽ ủng hộ cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc và thậm chí còn khuyến khích Tổng thống mạnh tay hơn nữa.

Việc đảng Dân chủ nắm đa số ở Hạ viện Mỹ không làm thay đổi chính sách của ông Trump về chiến tranh thương mại với TQ. Ảnh: CNN

Đối với Trung Quốc, đảng Dân chủ còn “diều hâu” hơn ông Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt thuế quan đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc để ngăn chặn hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các công ty Mỹ và cắt giảm chương trình trợ cấp ngành công nghệ cao của Bắc Kinh.

Đảng Dân chủ ủng hộ những động thái như vậy, đặc biệt là hy vọng các động thái này sẽ có hiệu quả trong việc giúp đỡ các công nhân Mỹ.

“Tôi nghĩ ông Trump sẽ thoải mái theo đuổi cách tiếp cận mạnh mẽ của mình. Nếu có điều gì mà chính sách của đảng Dân chủ hiếu chiến hơn cả ông Trump, thì đó là vấn đề Trung Quốc”, Gary Hufbauer, một chuyên gia cao cấp và chuyên gia thương mại tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết.

Bắc Kinh đã trả đũa bằng cách cắt giảm mua đậu nành và áp đặt thuế đối với sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ.

Động thái này được một số chuyên gia cho rằng có thể làm tổn hại đến đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ bởi Trung Quốc là khách hàng mua đậu nành lớn nhất của Mỹ trước cuộc chiến thương mại.

Nhưng ngay cả trong các bang “thủ phủ đậu nành” như Bắc Dakota, Indiana và Missouri đều bỏ phiếu trong các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa.

Scott Kennedy, người đứng đầu nghiên cứu của Trung Quốc tại Washington, nói rằng đang ngày càng có nhiều mối quan tâm từ cả 2 đảng ở Washington về việc tăng cường kiểm soát đối với nền kinh tế Trung Quốc, hoạt động quân sự ở Biển Đông và các vấn đề an ninh liên quan đến các công ty công nghệ Trung Quốc.

Nhà lãnh đạo phe Dân chủ ở Hạ viện, bà Nancy Pelosi đã hoan nghênh vòng áp thuế đầu tiên của ông Trump lên Trung Quốc để có được các cuộc đàm phán thương mại công bằng hơn cho các sản phẩm nội địa của Mỹ.

“Mỹ phải có hành động mạnh mẽ, thông minh và chiến lược chống lại chính sách thương mại không công bằng của Trung Quốc,” bà Pelosi phát biểu hồi đầu năm.

Tổng thống Trump đã tuyên bố ông sẽ đạt được một thỏa thuận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 11.

Nếu không, Tổng thống Trump sẽ áp đặt thuế lên toàn bộ 267 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại của Trung Quốc vào Mỹ.

“Dân chủ là phe bảo hộ thương mại nhất trong Quốc hội. Nếu ông Trump không đạt được những thay đổi đáng kể với Trung Quốc, họ (phe Dân chủ) sẽ rất tức giận”, ông Derek Scissors, một học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington cho biết.

Về phần mình, Trung Quốc có vẻ cũng không ảo tưởng rằng kết quả bầu cử sẽ giúp cuộc chiến thương mại hạ nhiệt.

Canada, Mexico là câu chuyện khác

Tuy nhiên, trong vấn đề đàm phán với các đồng minh, điều này lại khó khăn hơn. Việc phe Dân chủ chiếm đa số ở Hạ viện mới có thể gây khó khăn cho việc thông qua việc sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico.

Những người đứng đầu Ủy ban Tài chính và Thuế vụ của Hạ viện đã tuyên bố sẽ đưa các quan chức thương mại hàng đầu của Tổng thống Trump ra điều trần để giải thích chiến lược của họ về Trung Quốc và các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai với Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Anh.

Các điều khoản sửa đổi của Hiệp định thương mại NAFTA dự kiến ​​sẽ được trình lên Quốc hội để phê duyệt vào đầu năm 2019.

Nếu đảng Dân chủ không thông qua những điều khoản sửa đổi, các cuộc tái đàm phán có thể buộc phải tiếp tục, các nhà phân tích và vận động hành lang nói.

Emily Davis, phát ngôn viên của văn phòng đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, cho biết cơ quan này “rất tự tin” rằng Quốc hội sẽ phê chuẩn thỏa thuận hiện tại vì những lợi ích cho công nhân và doanh nghiệp Mỹ.

http://biendong.net/diem-tin/24684-ha-vien-do-phe-dan-chu-kiem-soat-se-ung-ho-ong-trump-trong-chien-tranh-thuong-mai.html

 

Nghị sĩ Mỹ kêu gọi trừng phạt TQ về vụ Tân Cương

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ trình dự luật hôm 14/11 kêu gọi chính quyền Trump có biện pháp mạnh mẽ hơn về việc Trung Quốc đàn áp người Hồi giáo thiểu số.

Việc chế tài có thể gồm các biện pháp trừng phạt đối với người đứng đầu Tân Cương và các quan chức khác bị cáo buộc lạm dụng nhân quyền.

TQ chi hàng tỷ USD xây trại giam ở Tân Cương

Lãnh đạo Tân Cương ca ngợi ‘trung tâm giáo dục’

Tìm hiểu chuyện ‘người Hồi giáo ở TQ bị trấn áp’

Trung Quốc chặn các học giả nước ngoài ra sao?

Theo Reuters, dự luật cũng sẽ yêu cầu tổng thống Trump lên án các hành động của Trung Quốc ở Tân Cương, kêu gọi có một “điều phối viên đặc biệt” của Mỹ về vấn đề này và gây sức ép về việc cấm xuất khẩu công nghệ của Mỹ mà Bắc Kinh có thể lợi dụng để giám sát và giam giữ hàng loạt người dân tộc Uighur.

Các nhà lập pháp muốn chính quyền Trump cân nhắc các biện pháp trừng phạt liên quan đến quyền con người đối với Bí thư Tân Cương Trần Toàn Quốc, người cũng là ủy viên Bộ Chính trị và các quan chức khác bị cáo buộc chịu trách nhiệm cho cuộc đàn áp an ninh, dự luật viết.

“Các quan chức chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về tội đồng lõa trong tội ác này và cần ngăn các doanh nghiệp Mỹ góp phần giúp Trung Quốc hình thành chế độ cảnh sát công nghệ cao ở Tân Cương”, dân biểu Cộng hòa Chris Smith, một trong những người đề xướng dự luật tại Thượng viện và Hạ viện.

Nhà Trắng và sứ quán Trung Quốc tại Washington không bình luận về dự luật, cũng được Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio và Thượng nghị sĩ Dân chủ Bob Menendez đề xướng.

Các trợ lý cấp cao của Trump gần đây cũng mạnh mẽ hơn khi chỉ trích Trung Quốc về chuyện Tân Cương.

Tuy nhiên, bất kỳ biện pháp chế tài nào, sẽ là động thái hiếm hoi dựa trên cơ sở nhân quyền của chính quyền Trump chống lại Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng cuộc chiến thương mại vẫn đang tiếp diễn.

Bắc Kinh luôn bác bỏ cáo buộc về Tân Cương, kêu gọi Hoa Kỳ và các nước khác tránh xa các “vấn đề nội bộ” của họ.

Trước đó, tin cho hay Trung Quốc tăng mạnh chi tiêu an ninh trong năm 2017 tại khu vực Tân Cương ở miền viễn tây, nơi có hàng trăm ngàn người Hồi giáo bị cho là đang bị giam giữ, theo nội dung một bản phúc trình mới.

Chi tiêu cho các khu vực ”có các công trình cơ sở xây dựng liên quan đến an ninh” của Trung Quốc tăng lên 213% trong thời gian từ 2016 đến 2017, Quỹ Jamestown có trụ sở tại Mỹ nói.

Dữ liệu từ vệ tinh cũng chỉ ra có sự tăng đột biến về các cơ sở an ninh mới trong năm 2017.

Trung Quốc nói đó chỉ là những trung tâm đào tạo nghề.

Tuy nhiên, theo dữ liệu về ngân sách mà tác giả bản phúc trình, Andrian Zenz, một nhà nghiên cứu người Đức, rà soát, thì chi tiêu cho đào tạo nghề tại Tân Cương trên thực tế là giảm 7% trong năm 2017.

Trong khi đó, chi tiêu cho những công trình liên quan đến mục đích an ninh tăng 2,9 tỷ đô la.

Các số liệu về ngân sách Tân Cương “phản ánh hạng mục chi tiêu tương ứng với việc xây dựng và vận hành các trại cải tạo chính trị, được thiết kế để giam giữ hàng trăm nghìn người Uighur với quy trình tối giản,” ông nói.

Dựa trên tài liệu về đấu thầu của chính quyền địa phương, ông Zenz trước đó đã nhận định “ít nhất hàng trăm ngàn người, mà có thể là lên tới hơn một triệu người Uighur cùng với các sắc tộc thiểu số khác theo Hồi giáo có thể đang bị giam giữ tại Tân Cương”.

TQ: Bắc Kinh phủ nhận giam giữ một triệu người Hồi giáo Uighur

Người Philippines vẫn tin Mỹ hơn TQ

Người Tân Cương bị tịch thu hộ chiếu

Những ước tính trên cũng đã được trích dẫn tại Ủy ban nhân quyền của Liên Hiệp Quốc hồi đầu năm nay.

Trung Quốc bác bỏ việc gọi các cơ sở này là trại giam giữ.

Quan chức đứng đầu khu vực nói rằng “chương trình giáo dục và đào tạo nghề” giúp mọi người “nhận ra những sai lầm của mình , thấy rõ được bản chất và tác hại của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan trong tôn giáo”.

Theo các quan chức địa phương, các lớp học tập trung giảng về lịch sử, ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc.

Các cựu tù nhân người Uighur hiện đang sống ở nước ngoài nói với BBC rằng họ phải hát những bài hát của Đảng Cộng sản trong các trại cải tạo, và học thuộc lòng những điều luật, nếu không sẽ bị đánh đập.

Một người đàn ông cho hay ông đã bị giam giữ vào năm 2015 sau khi cảnh sát tìm thấy bức ảnh người phụ nữ đeo mạng che mặt trong điện thoại của ông.

TQ diễu hành ‘chống khủng bố’ tại Tân Cương

TQ: ‘Giam triệu người Uighur’, phá đền thờ Hồi giáo

TQ: cấm râu dài, mạng che mặt ở Tân Cương

Ông Zenz, một nhà nhân chủng học và là chuyên gia về chính sách dân tộc Trung Quốc ở Trường Văn hóa và Thần học Châu Âu ở Đức, cũng phát hiện ra rằng các trại cải tạo được xây dựng bởi cùng một tổ chức vốn chuyên theo dõi hệ thống lao cải của Trung Quốc, là hệ thống nay đã bị bãi bỏ.

Trong một diễn biến riêng rẽ, hôm thứ Ba (06/11), hồ sơ về nhân quyền của Trung Quốc được đưa ra xem xét tại Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneva.

Để đáp trả mối quan ngại của Anh, Pháp, Đức và Mỹ về những vụ nghi là bắt giữ hàng loạt, đại diện Trung Quốc Lạc Ngọc Thành cho biết nước ông “sẽ không chấp nhận những cáo buộc mang động cơ chính trị từ một số quốc gia đầy thành kiến”.

Ông nói Trung Quốc cần phải được tự do “lựa chọn con đường của riêng mình” trong vấn đề nhân quyền.

Mỹ nói sẽ cân nhắc việc áp lệnh trừng phạt lên Trung Quốc do các chính sách của Bắc Kinh, điều mà Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói đã vi phạ quyền tự do biểu đạt, tự do tín ngưỡng và quyền riêng tư.

Người Uighur là ai?

Người Uighur chủ yếu theo Hồi giáo, là cộng đồng có khoảng 11 triệu người sinh sống tại vùng Tân Cương của Trung Quốc, chiếm khoảng 45% dân số nơi đây.

Họ tự coi mình gần gũi với các quốc gia Trung Á về mặt văn hóa và sắc tộc. Ngôn ngữ của họ giống với tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, đã có tình trạng di cư ồ ạt của người Hán tới Tân Cương, và người Uighur cảm thấy văn hóa, đời sống của họ bị đe dọa.

Tân Cương được chính thức coi là một vùng tự trị trong Trung Quốc, giống như Tây Tạng.

Xem thêm tin về Trung Quốc:

https://www.bbc.com/vietnamese/world-46204404

 

Facebook: ‘không trở lại Trung Quốc,

nếu không bảo đảm được tự do biểu đạt’

Tập đoàn Facebook hôm 13/11 tuyên bố tập đoàn này sẽ chỉ trở lại Trung Quốc nếu có thể đảm bảo các quyền tự do biểu đạt và quyền riêng tư. Đây là những điều kiện có thể khiến việc Facebook quay lại thị trường Trung Quốc hầu như là điều không khả thi tại thời điểm nay.

Facebook (FB) đưa ra bình luận vừa kể để trả lời những câu chất vấn của các Thượng nghị sĩ Mỹ. Lập trường của Facebook tỏ ra thận trọng hơn so với Google giữa lúc Google đang vận động để đưa công cụ dò tìm của mình sang Trung Quốc trở lại. Dự án bị đả kích nặng nề và là đề tài tranh cãi trong nội bộ với các nhân viên Google cũng như những người ngoài công ty. Nhiều người cho rằng làm như vậy là Google vi phạm sứ mạng của mình. Lãnh đạo Google, ông Sundar Pichai, từng nói thị trường Trung Quốc quá lớn để có thể ‘quay lưng’.

Bị cấm ở Trung Quốc từ năm 2009, Facebook nói hiện công ty không rõ Bắc Kinh sẽ áp dụng những luật và những quy định nào đối với nội dung trên mạng xã hội này nếu Facebook được hoạt động trở lại ở Trung Quốc.

FB đưa ra những bình luận vừa kể với Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ giữa lúc các công ty internet đang phân vân không biết làm cách nào để làm ăn tại Trung Quốc, bất chấp những hạn chế nghiêm ngặt đối với quyền tự do biểu đạt.

Nhiều công ty đã bị chặn ở Trung Quốc trong nhiều năm, trong đó có Twitter (TWTR), Instagram (do FB sở hữu) và công cụ dò tìm và dịch vụ email của Google (GOOGL).

Điều đó đã không cản trở các công ty tìm nhiều cách để chen chân vào nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, và tiếp cận thị trường béo bở Trung Quốc với 800 triệu người sử dụng internet.

Mới đây Google bị chỉ trích nặng nề về kế hoạch của công ty, cho phát triển một phiên bản công cụ dò tìm có kiểm duyệt cho Trung Quốc giúp chính quyền chặn các trang web và các thuật ngữ nhất định. Dựa trên những tài liệu nội bộ của Google và những nguồn tin am tường kế hoạch này, hồi tháng 8 trang Intercept tiết lộ một dự án có mã tên “Dragonfly” đã được triển khai từ mùa Xuân năm 2017.

Như Google, Facebook là một thành viên của Sáng kiến Mạng lưới Toàn cầu, một liên minh tuân thủ các nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc về thương mại và nhân quyền. Thành tích của mỗi thành viên được đánh giá mỗi hai năm một lần.

Giới hoạt động bảo vệ nhân quyền chỉ trích FB và các công ty internet khác quyết tâm làm ăn với Trung Quốc bất chấp những hạn chế đối với các quyền căn bản.

Đài CNN dẫn lời bà Sophie Richardson, Giám Đốc của Human Rights Watch đặc trách Trung Quốc, mạnh mẽ chỉ trích nhận định của FB, rằng công ty này không biết làm cách nào Bắc Kinh có thể giới hạn các hoạt động, nếu FB được phép trở lại Trung Quốc.

Bà nói ai cũng biết vấn đề liên quan tới kiểm duyệt và theo dõi ở Trung Quốc, và yêu cầu của chính quyền Trung Quốc, đòi các công ty nước ngoài phải tiết lộ dữ kiện và thông tin cá nhân người dùng internet.

Trước đây trong năm, FB loan báo kế hoạch mở một trung tâm sáng tạo tại Trung Quốc. CEO của FB, Mark Zuckerberg, đã cố gắng xây dựng quan hệ với Bắc Kinh qua các cuộc thăm viếng thường xuyên và gặp gỡ các lãnh đạo Trung Quốc, kể cả Chủ tịch Tập Cận Bình.

https://www.voatiengviet.com/a/facebook-khong-tro-lai-tq-neu-khong-bao-dam-duoc-tu-do-bieu-dat/4658304.html

 

Amazon chọn New York và Virginia

làm trụ sở chính thứ 2

Amazon nói họ sẽ chia trụ sở chính thứ hai vốn được mong chờ từ lâu giữa New York và Arlington của Virginia cũng như mở thêm một cơ sở mới ở Nashville, Tennessee.

“Hai địa điểm này sẽ cho phép chúng tôi thu hút được những nhân tài đẳng cấp thế giới để giúp chúng tôi tiếp tục sáng tạo phục vụ khách hàng trong những năm tới đây,” CEO và người sáng lập Jeff Bezos nói trong một thông cáo báo chí ra hôm 13/11.

Hai trụ sở chính thứ hai sẽ chia nhau 50.000 việc làm mới và 5 tỷ USD đầu tư vào hai địa phương mà Amazon hứa hẹn khi các thành phố trên toàn nước Mỹ tranh giành để được chọn làm nơi đặt trụ sở mới. Cũng sẽ có thêm 5.000 việc làm cho Trung tâm hoạt động mới ở Nashville. Đổi lại, Amazon sẽ nhận được khoản tài trợ khuyến khích liên quan trực tiếp đến hoạt động của dự án mới này trị giá 1,5 tỷ USD từ thành phố New York và 573 triệu USD từ Arlington.

Công bố này đánh dấu kết thúc một năm tìm kiếm địa điểm đặt trụ sở thứ 2 của Amazon. Nhà bán hàng trực tuyến khổng lồ thu gọn danh sách của 238 thành phố đăng ký ban đầu xuống còn 20, trong đó có Boston, Chicago và Miami.

Quy trình này đã thu hút một sự quảng bá ác liệt của các quan chức địa phương trên các phương tiện truyền thông nhằm thu hút sự chú ý đối với việc muốn đăng cai của họ và những lời mời chào cắt giảm thuế và xây dựng lại cơ sở hạ tầng để đáp ứng cho công ty có trụ sở chính đầu tiên ở Seattle.

Việc thuê nhân công sẽ bắt đầu từ năm tới. Amazon nói rằng các công việc ở cả hai thành phố mới sẽ có mức lương trung bình hàng năm là 150.000 USD. Các trụ sở mới được kỳ vọng sẽ đem lại những công việc có mức lương và lợi tức thuế cao, nhưng các nhà phê bình cho rằng giá trị bất động sản của những địa phương này sẽ tăng đến mức không thể mua được và cơ sở hạ tầng sẽ bị đông nghẹt.

https://www.voatiengviet.com/a/amazon-chon-new-york-va-virginia-lam-tru-so-chinh-thu-2/4656957.html

 

Thủ tướng Anh mưu tìm sự ủng hộ của nội các

cho thỏa thuận Brexit

Thủ tướng Anh Theresa May hôm 14/11 phải đối mặt với một cuộc trắc nghiệm khó khăn khi bà tìm cách thuyết phục nội các chấp thuận dự thảo thỏa thuận rút khỏi với Liên minh châu Âu (EU).

Hôm 13/11, các nhà đàm phán Anh quốc đã đạt được thỏa thuận ly khai với EU, hay được gọi là Brexit, sau hơn một năm đàm phán, nhưng chi tiết của thỏa thuận chưa được công bố.

Bà May phải thuyết phục các bộ trưởng cao cấp của bà ủng hộ thỏa thuận, và sau đó còn cần được Quốc hội chấp thuận.

Bà May đã tìm cách duy trì mối quan hệ gần gũi với EU khi Anh chính thức ra khỏi EU vào ngày 29/3/2019.

Reuters dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết các nhà lãnh đạo EU có thể sẽ gặp nhau vào ngày 25/11 để chốt lại thỏa thuận Anh rời EU nếu như nội các của bà May chấp thuận thỏa thuận ly khai này.

Phe ủng hộ Brexit cứng rắn trong nội bộ Đảng Bảo thủ của bà cáo buộc bà ‘đầu hàng trước áp lực của Brussels.’

Thách thức tối hậu của bà May sẽ là liệu bà có thuyết phục được Quốc hội Anh phê chuẩn thỏa thuận này hay không.

https://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-anh-muu-tim-su-ung-ho-cua-noi-cac-cho-thoa-thuan-brexit/4658092.html

 

Anh-EU đạt thỏa thuận về Brexit,

bà May đối mặt sức ép

Anh quốc vừa đạt được thỏa thuận ly khai với Liên minh châu Âu (EU) sau hơn một năm đàm phán, nhưng thỏa thuận này đặt Thủ tướng Anh Theresa May vào một cuộc chiến đấu hiểm nghèo với nội bộ trong nước và cuộc chiến này sẽ định hình thịnh vượng của nước Anh trong nhiều thế hệ sắp tới.

Trong lúc các quan chức EU đang hoạch định cho sự rút khỏi khối đầu tiên của một quốc gia có chủ quyền, thách thức tối hậu của bà May sẽ là liệu bà có thể thuyết phục Quốc hội Anh phê chuẩn thỏa thuận này hay không. Phe ủng hộ Brexit cứng rắn trong nội bộ Đảng Bảo thủ của bà cáo buộc bà ‘đầu hàng trước áp lực của Brussels’.

Nội các Anh sẽ họp vào ngày 14/11 để xem xét bản thảo thỏa thuận này, một phát ngôn nhân Phố Downing nói sau khi truyền thông Anh và Ireland được rò rỉ ra các chi tiết của thỏa thuận đột phá này.

Tuy nhiên bà May đã cố gắng tháo gỡ gần 46 năm tư cách thành viên EU của nước Anh mà không hủy hoại thương mại và không làm mất lòng các vị nghị sỹ vốn sẽ có tiếng nói quyết định cuối cùng về thỏa thuận.

“Câu đố cho bà Theresa May là liệu bà có làm hài lòng mọi người hay không?” ông Nigel Dodds, phó lãnh đạo Đảng Liên minh Dân chủ Bắc Ireland (DUP), đảng liên minh với chính

“Tôi nghĩ rằng đó sẽ là việc thuyết phục rất, rất khó khăn, nhưng hãy chờ xem các chi tiết thật sự,” Dodds nói.

Một quan chức cấp cao EU xác nhận một bản dự thảo thỏa thuận đã đạt được đồng thuận. Các nhà lãnh đạo EU sẽ gặp thượng đỉnh vào ngày 25/11 để chốt lại lại thỏa thuận này nếu nội các của bà May ủng hộ nó, các nguồn tin ngoại giao cho hay.

EU và Anh cần một thỏa thuận để duy trì giao thương giữa khối thương mại lớn nhất thế giới và Anh, nơi có trung tâm tài chính quốc tế lớn nhất thế giới.

Với việc tìm cách rời EU trong khi vẫn duy trì mối quan hệ gần gũi nhất có thể, bản kế hoạch nhượng bộ của bà May đã làm phật lòng những người ủng hộ Brexit, những người ủng hộ châu Âu, những người theo chủ nghĩa dân tộc Scotland, đảng Bắc Ireland vốn giúp cho chính phủ mong manh của bà trụ vững và ngay cả một số bộ trưởng trong nội các của bà.

Để thông qua được thỏa thuận bà cần được sự ủng hộ của 320 vị nghị sỹ trong số 650 ghế tại Hạ viện. Đó là thách thức rất lớn mà bà phải vượt qua.

Những nhân vật ủng hộ Brexit chủ chốt như nghị sỹ Bảo thủ Jacob Rees-Mogg và cựu Ngoại trưởng Boris Johnson nói rằng bà May đã bán rẻ nước Anh và họ sẽ phản đối bản thỏa thuận đó.

“Đó là thất bại của lập trường đàm phán của chính phủ, đó là thất bại đối với Brexit, và nhiều khả năng nó sẽ gây chia rẽ cho nước Anh,” ông Jacob Rees-Mogg cho biết.

Đảng Lao động đối lập, vốn nói rằng họ sẽ chống đối bất cứ thỏa thuận nào mà không giữ lại ‘y nguyên’ những lợi ích kinh tế mà họ có với EU. Họ nói rằng không có khả năng thỏa thuận được công bố là điều đúng đắn cho nước Anh.

Bà May đã đối mặt với bước đi quan trọng nhất của một thủ tướng Anh kể từ thời Đệ nhị thế chiến khi bà chính thức khởi động quá trình ly khai của nước Anh khỏi EU hồi tháng 3 năm 2017 và bắt đầu các cuộc đàm phán gian khổ.

Chỉ còn chưa đến năm tháng nữa là đến hạn nước Anh phải ra khỏi EU, cái gọi là đường biên giới mềm giữa Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland vốn là thành viên EU vẫn là vấn đề mắc mứu chính khiến hai bên không tìm được tiếng nói chung. Đường biên giới mềm này là chính sách bảo đảm để tránh quay trở lại tình trạng kiểm soát biên giới giữa hai bên.

Hiện giờ vẫn chưa rõ vấn đề biên giới Ireland được giải quyết như thế nào. Chính phủ Anh vẫn chưa công bố chi tiết của thỏa thuận này vốn dài hàng trăm trang.

Theo đài RTE của Ireland, đường biên giới mềm này sẽ có hình thức là một sự sắp xếp hải quan tạm thời cho toàn nước Anh với những điều khoản riêng biệt dành cho Bắc Ireland vốn sẽ đi sâu vào vấn đề hải quan và tuân thủ những quy định của thị trường chung châu Âu khác với phần còn lại của nước Anh.

Đảng DUP vốn chủ trương ủng hộ Brexit đã loại trừ bất cứ thỏa thuận nào xác định quy chế cho Bắc Ireland khác với phần còn lại của nước Anh.

https://www.voatiengviet.com/a/anh-eu-%C4%91%E1%BA%A1t-th%E1%BB%8Fa-thu%E1%BA%ADn-v%E1%BB%81-brexit-b%C3%A0-may-%C4%91%E1%BB%91i-m%E1%BA%B7t-s%E1%BB%A9c-%C3%A9p/4657710.html

 

Ý cứng rắn duy trì dự thảo ngân sách,

bất chấp đề nghị của châu Âu

Trọng Nghĩa

Chính quyền Ý vào hôm qua, 13/11/2018 đã kiên quyết lao vào cuộc đọ sức với Liên Hiệp Châu Âu trên vấn đề ngân sách.

Roma chính thức cho biết vẫn duy trì dự thảo ngân sách 2019, với mức thâm hụt được duy trì ở 2,4% GDP, bất chấp yêu cầu giảm xuống của Bruxelles. Bên cạnh đó, Ý còn yêu cầu Liên Hiệp Châu Âu « linh động » cho Roma quyền tăng chi do những « tình huống ngoại lệ ».

Phát biểu với báo chí, phó thủ tướng Ý Luigi Di Maio, khẳng định là Roma từ chối sửa lại dự thảo bản ngân sách 2019 theo yêu cầu của Liên Hiệp Châu Âu.

Đây là lời trả lời cứng rắn của Ý trước yêu cầu của Liên Hiệp Châu Âu đòi Roma phải điều chỉnh dự thảo ngân sách, với thời hạn chót là tối 13/11 phải có một phiên bản sửa đổi.

Vừa duy trì dự thảo ngân sách theo ý mình, chính quyền vừa yêu cầu Liên Hiệp Châu Âu « linh động ».

Trong một bức thư gởi đến Ủy Ban Châu Âu vào hôm qua, ông Giovanni Tria, bộ trưởng kinh tế Ý đã kêu gọi châu Âu linh động trong việc áp dụng những nguyên tắc đối với nước Ý hiện đang cần ngân sách phải đối phó với những tình huống nghiêm trọng bất ngờ.

Bộ trưởng Ý đã gợi đến tình trạng thời tiết thiên tai khắc nghiệt mới đây, và vụ sập cầu Morandi ở Genoa gần đây.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181114-y-cung-ran-duy-tri-du-thao-ngan-sach-va-doi-lhca-%E2%80%9Clinh-dong%E2%80%9D

 

Vì sao Donald Trump đột ngột nổi giận

với đồng nhiệm Pháp ?

Trọng Thành

Ngay sau chuyến công du Pháp dự đại lễ tưởng niệm 100 năm kết thúc Thế Chiến Thứ Nhất trở về, sáng hôm qua, 13/11/2018, tổng thống Donald Trump liên tục tung lên nhiều thông điệp Tweet đả kích dữ dội đồng nhiệm Pháp.

Vì sao ? Phải chăng tổng thống Mỹ nổi giận trước hết là vì cặp Pháp-Đức đang có nhiều nỗ lực chưa từng có, đặt nền móng cho một lực lượng phòng vệ độc lập cho châu Âu, với hệ quả là Liên Hiệp Châu Âu sẽ ngày ít phụ thuộc vào vũ khí Hoa Kỳ ?

Kể từ hơn một năm nay, tức từ khi tổng thống Mỹ và phu nhân được đón tiếp trọng thể tại Paris với tư cách khách mời danh dự, nhân lễ Quốc khánh Pháp, có lẽ chưa bao giờ quan hệ giữa Donald Trump và Emmanuel Macron lại căng thẳng đến như vậy.

Mời xem thêm : Macron – Trump: Tình bạn thắm thiết ít ai ngờ

Trước khi đến Pháp dự lễ, tổng thống Mỹ đã gửi Tweet phê phán tổng thống Pháp về dự án phòng thủ riêng của châu Âu. Trở về Mỹ, Donald Trump lần lượt tung ra 4 thông điệp đả kích, về hàng loạt chủ đề khác nhau, từ ý tưởng lập « quân đội » riêng của châu Âu của tổng thống Pháp, đến việc Emmanuel Macron trong buổi lễ vừa qua đã lên án quyết liệt « chủ nghĩa dân tộc », một chỉ trích gần như là trực tiếp nhắm vào cá nhân ông Trump. Tổng thống Mỹ cũng bất bình khi cho rằng Pháp đã bất công với Mỹ khi đánh thuế nhập khẩu rượu cao, trong khi Hoa Kỳ lại rộng rãi mở cửa thị trường cho rượu vang Pháp…

Trong đoạn Tweet cuối cùng gửi tổng thống Pháp, ông Donald Trump nhận xét : « Vấn đề là Emmanuel (tên gọi thân mật của tổng thống Pháp) hiện đang khổ vì tỉ lệ được lòng dân rất thấp tại Pháp : 26%, và một tỉ lệ thất nghiệp gần 10% ». Tổng thống Mỹ tung ra lời hiệu triệu : « Hãy làm cho nước Pháp vĩ đại trở lại! » như một sự mỉa mai. Hồi năm ngoái, chính tổng thống Pháp đã từng dùng điệp khúc «Hãy làm cho hành tinh của chúng ta vĩ đại trở lại!», để gián tiếp phê phán quan điểm đặt nước Mỹ trên hết và quyết định rút Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris, của ông Donald Trump.

Giương Đông, kích Tây để chinh phục cử tri Mỹ

Ăn miếng trả miếng. Đối lại những lời lẽ hùng biện lên án « chủ nghĩa dân tộc » mù quáng, được ví như « sự phản lại chính lòng yêu nước » của Emmanuel Macron, tổng thống Mỹ khẳng định là « không có quốc gia nào lại dân tộc chủ nghĩa hơn nước Pháp, đó là một dân tộc rất kiêu hãnh. Chính xác là như vậy ! ». Đáp lại các dòng Tweet dữ dội của tổng thống Mỹ, điện Élysée tỏ ra bình thản. Trả lời báo giới, một cố vấn của tổng thống Macron đánh giá là các thông điệp của ông Donald Trump chỉ có mục tiêu duy nhất là nhắm vào các cử tri Mỹ, và đây là công việc nội bộ của nước Mỹ.

Tuy nhiên, đằng sau những lời lẽ cay nghiệt đối với đồng nhiệm Pháp, có lẽ tổng thống Mỹ đang thật sự lo lắng và bất bình về các nỗ lực chưa từng có của cặp bài trùng Pháp-Đức,

đang đặt nền móng cho một lực lượng phòng vệ độc lập cho châu Âu, về quan hệ Pháp – Đức đang ngày càng gắn bó.

Sợ Liên Hiệp Châu Âu tự trị về quốc phòng

Trước mắt Washington đang hiện rõ viễn cảnh một nền công nghiệp châu Âu lớn mạnh, và trong thời gian không xa, thị trường châu Âu sẽ đóng cửa với vũ khí Hoa Kỳ. Theo quan điểm của ông Donald Trump, các nước châu Âu phải chi tối thiểu là 2% GDP cho quốc phòng, và khoản tiền này chủ yếu sẽ được dùng để mua vũ khí và dịch vụ quân sự của Mỹ. Tuy nhiên, tổng thống Pháp đã thẳng thừng bác bỏ điều này. Trong cuộc trả lời phỏng vấn phát trên kênh truyền thông Mỹ CNN, hôm Chủ Nhật vừa qua, 11/11, ngay vào lúc ông Donald Trump còn ở Paris, tổng thống Macron nhấn mạnh là ông « không muốn thấy các nước châu Âu tăng ngân sách quốc phòng để mua vũ khí Mỹ… Nếu chúng tôi (tức Liên Âu) tăng ngân sách, sẽ là để xây dựng sự độc lập (về quân sự) của chúng tôi ».

Từ một năm nay, Pháp và Đức liên tục có các dự án phòng vệ chung trong lĩnh vực quân sự, về máy bay chiến đấu, máy bay không người lái, hay thiết giáp. Một quỹ phòng vệ chung của châu Âu đã ra đời với 13 tỉ euro vốn đầu tiên, cho phép khởi sự kể từ năm tới các nghiên cứu chung trong lĩnh vực quân sự. Tháng 6 vừa qua, 9 nước châu Âu nhất trí thành lập «Sáng kiến can thiệp châu Âu », nhằm tạo ra một « văn hóa chiến lược chung » trong lĩnh vực quân sự. Đối với những người ủng hộ dự án xây dựng châu Âu, thì một Liên Hiệp Châu Âu vững mạnh, không thể không độc lập về quân sự.

Sáng kiến một quân đội chung của châu Âu được tổng thống Pháp đưa ra cách nay ít hôm, bị tổng thống Mỹ chỉ trích dữ dội, đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của thủ tướng Đức. Phát biểu về tương lai châu Âu trước Nghị Viện Châu Âu ở Strasbourg, ngày hôm qua 13/11, bà Angela Merkel khẳng định Liên Âu cần một quân đội chung nhằm tăng cường khả năng tự vệ. Cũng như lãnh đạo Pháp, thủ tướng Đức nhấn mạnh là lực lượng này sẽ phối hợp với Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), sản phẩm của quan hệ đồng minh lâu đời Âu – Mỹ.

http://vi.rfi.fr/phap/20181114-vi-sao-donald-trump-dot-ngot-noi-gian-voi-dong-nhiem-phap

 

Nga dọa tẩy chay Diễn Đàn Kinh Tế Davos

Trọng Nghĩa

Hôm qua, 13/11/2018, Nga đã đưa ra lời đe dọa tẩy chay Diễn Đàn Davos 2019, dự kiến mở ra từ ngày 22 đến 25 tháng Giêng 2019, sau khi có tin ban tổ chức diễn đàn có ý định không mời nhiều nhân vật Nga bị Mỹ trừng phạt.

Từ Matxcơva, thông tín viên Daniel Vallot cho biết thêm chi tiết :

Chính thủ tướng Dmitri Medvedev đã đưa ra lời đe dọa: Nếu những quyết định đưa ra đối với các nhà sản xuất Nga không thay đổi, thì sẽ không có ai đến Davos cả. Tuyên bố bực túc của thủ tướng Nga được đưa ra một tuần sau khi báo Financial Times đăng một bài khẳng định rằng có 3 nhân vật Nga bị Mỹ trừng phạt sẽ bị gạt ra khỏi Diễn Đàn lần này do sức ép của Washington.

Đây là 3 nhân vật này rất quen thuộc đối với Davos, và 1 trong 3 người này, Oleg Deripaska, được biết đến qua những buổi lễ hào nhoáng mà ông tổ chức hàng năm khi đến Diễn Đàn.

Sau những thông tin báo chí đó, mà giới lãnh đạo Diễn Đàn Davos không chính thức xác nhận, điện Kremlin đã bày tỏ sự ngạc nhiên. Phát ngôn viên của tổng thống Putin, Dmitri Peskov, đánh giá : Davos sẽ cắt đứt với các nền tảng của mình, nếu loại 3 nhà doanh nhân Nga.

Đã bị trừng phạt của Mỹ đánh vào túi tiền, giờ đây các đại gia Nga lại bị đánh vào danh dự và tiếng tăm. Đối với họ, Diễn Đàn Davos là biểu tượng của tầng lớp ưu tú trên thế giới mà họ có cảm tưởng là thành viên.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181114-nga-doa-tay-chay-dien-dan-kinh-te-davos-ok

 

Phẫn nộ về lệnh ngưng bắn với Hamas,

BTQP Israel từ chức

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman loan báo quyết định từ chức của ông hôm thứ Tư 14/11 trong một phản ứng chống lại thỏa thuận ngưng bắn với nhóm chủ chiến Hamas của Palestine.

Ông Lieberman là một trong các quan chức chính phủ Israel và giới chức khác chỉ trích cuộc ngưng bắn do Ai Cập đứng ra làm trung gian. Thay vào đó, ông chọn giải pháp sử dụng sức mạnh quân sự để đối đầu với các các phần tử chủ chiến tại dải Gaza.

Phát biểu hôm thứ Tư, ông Lieberman nói thỏa thuận này là “một hành động đầu hàng khủng bố.”

Trước đó không lâu, Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu bênh vực quyết định ngưng bắn trên dải Gaza, và qua đó, chấm dứt nhiều ngày giao tranh gây chết chóc giữa hai bên.

Ông Netanyahu nói:

“Những kẻ thù của chúng ta đã khẩn khoản để đạt cuộc ngưng bắn, và họ biết tại sao.”

Các phần tử chủ chiến tại dải Gaza đã phóng 460 đạn rocket và đạn súng cối vào đất Israel, dẫn tới các cuộc không kích trả đũa của Israel nhắm vào 160 mục tiêu trên dải Gaza.

Những cuộc đụng độ đã giết chết 5 chiến binh Palestine và hai người khác. Về phía Israel, một cuộc pháo kích bằng đạn rocket đã giết chết một người Israel và làm 3 người khác bị thương.

Vụ bạo động mới nhất diễn ra tiếp theo sau một chiến dịch càn quét của Israel hôm Chủ nhật trên dải Gaza, giết chết một sĩ quan Israel và 7 người Palestine.

Đặc sứ của Liên Hiệp Quốc tại Trung Đông, ông Nickolay Mladenov, kêu gọi các bên hãy tự chế và “lật ngược vòng xoáy bạo động.”

https://www.voatiengviet.com/a/phan-no-vi-lenh-ngung-ban-voi-hamas-btqp-israell-tu-chuc/4658148.html

 

ASEAN cảnh báo “hiệu ứng domino”

của chủ nghĩa bảo hộ

Thu Hằng

Lãnh đạo các nước ASEAN, hiện đang có mặt tại Singapore nhân thượng đỉnh lần thứ 33 của khối kéo dài từ ngày 11-15/11/2018, lên tiếng cảnh báo rằng trật tự thế giới hậu Thế Chiến II đang gặp nguy hiểm. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể gây « hiệu ứng domino », với các biện pháp bảo hộ của nhiều quốc gia khác.

Theo Reuters, đây là quan ngại của thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trong bài phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 13/11, trước cuộc họp thượng đỉnh lãnh đạo ASEAN. Ông Mahathir Mohamad nhấn mạnh rằng căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc thế giới « sẽ kích động các nước phát triển khác áp dụng những biện pháp bảo hộ đối với các nước đang phát triển, bao gồm cả các nước ASEAN ».

Vẫn theo thủ tướng Malaysia, dường như ngay nội bộ khối ASEAN cũng đang bị tác động vì « sự trỗi dậy của bảo hộ thương mại, của các phong trào dân tộc chủ nghĩa và các chính sách hướng nội ».

« Trật tự thế giới đang bước vào một bước ngoặt » là nhận định của thủ tướng nước chủ nhà Singapore Lý Hiển Long, trong bài diễn văn chào đón các nhà lãnh đạo ASEAN. Ông Lý Hiển Long nhấn mạnh rằng « Hệ thống đa phương tự do, cởi mở, dựa trên luật lệ giúp thúc đẩy sự tăng trưởng và ổn định của ASEAN đang bị thách thức ».

Quan ngại này, một lần nữa, được thủ tướng Singapore nhắc lại trong bữa ăn tối – làm việc của các nhà lãnh đạo Đông Nam Á. Ông nói : « Các quốc gia trở nên co cụm hơn, từ bỏ đa phương và toàn cầu hóa, trong khi đây lại là nền tảng của hòa bình và ổn định của ASEAN».

Theo hãng tin Nhật NHK, an ninh, thương mại cùng với nhiều hồ sơ khác được đề cập trong bữa ăn tối này. Tuyên bố của nước chủ tịch luân phiên Singapore chưa được công bố, nhưng theo một bản thảo mà NHK có, thì có thể các nhà lãnh đạo ASEAN ủng hộ sáng kiến do Nhật Bản và Hoa Kỳ khởi xướng về một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, cũng như dự án « Con đường tơ lụa mới » của Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181114-asean-canh-bao-hieu-ung-domino-cua-chu-nghia-bao-ho-va-cum-doi-thu

 

ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy COC

Nguyên thủ những nước thành viên Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á – ASEAN và Trung Quốc vào ngày 14 tháng 11 cho biết có tiến triển trong công tác duy trì hòa bình tại khu vực tranh chấp Biển Đông. Đây được cho là bằng chứng cho thấy khu vực quản trị tốt vấn đề này.

AP loan tin cho biết 10 nước ASEAN tại Hội nghị Cấp Cao lần thứ 33 tập trung vào các vấn đề an ninh và mậu dịch trong bối cảnh phải quản trị vấn đề lâu nay là tranh chấp ở khu vực Biển Đông.

Vào ngày 14 tháng 11, ASEAN và Trung Quốc đưa ra cam kết thúc đẩy thương lượng về Bộ Quy Tắc Ứng Xử tại Biển Đông – CoC. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lặp lại hy vọng CoC sẽ ra đời trong vòng 3 năm nữa.

Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippine thì cho rằng cần thiết phải đạt được CoC bằng mọi giá nhằm giúp kiểm soát hành vi và tránh những tính toán sai lầm gậy bất ổn tại vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á.

Từ năm 2002 đã có Tuyên bố Ứng Xử giữa các bên tại Biển Đông DoC; tuy nhiên thỏa thuận này không mang tính ràng buộc và thực tế cho thấy không hiệu quả khi các nước thay đổi hiện trạng tại khu vực tranh chấp.

Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 33 cũng như Diễn Đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu – Thái Bình Dương – APEC vào cuối tuần này qui tụ nguyên thủ, lãnh đạo của các nước ASEAN cũng như Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ cùng các nước lớn trong khu vực.

Tuy nhiên tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump không đến Singapore lần này mà cử phó tổng thống Mike Pence đi thay.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/southchinaseadispute/asian-leaders-push-toward-pacts-on-south-china-sea-11142018082606.html

 

Bắc Kinh biến Đá Xu Bi thành trung tâm tài chính

Trong số 7 thực thể địa lý mà Trung Quốc chiếm giữ tại quần đảo Trường Sa, Đá Xu Bi đang được xây dựng để trở thành một căn cứ quân sự và là thủ phủ hành chính tương lai của quần đảo.

Những phân tích số liệu cho thấy, đá Xu Bi cách bờ biển Trung Quốc khoảng 1.200km, hiện có gần 400 tòa nhà riêng rẽ, trông giống như bất kỳ một thị trấn nhỏ nào, được xây dựng gọn gàng, sạch sẽ, với những khu sân chơi thể thao, đường đi lối lại và những tòa nhà dân sự lớn.

Theo các nhà phân tích an ninh và các nguồn tin ngoại giao, Xu Bi có thể là địa điểm bố trí hàng trăm lính thủy đánh bộ thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trong tương lai, cũng như có thể trở thành trung tâm hành chính khi Bắc Kinh củng cố tuyên bố chủ quyền của mình bằng sự hiện diện của các thành phần dân sự trên đá này.

Giới ngoại giao cấp cao của phương Tây miêu tả việc bố trí binh sĩ hoặc chiến đấu cơ trên các đảo đá ở Biển Đông là một phép thử đối với những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn quyết tâm của Bắc Kinh thống trị tuyến hàng hải thiết yếu này.

Xu Bi là tiền đồn nhân tạo lớn nhất trong số 7 tiền đồn nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo ở Trường Sa. Số tòa nhà được xây dựng trên Xu Bi khiến thực thể này có kích thước giống với đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa. Phú Lâm là một căn cứ và tiền đồn giám sát mà giới tùy viên quân sự nước ngoài nói rằng là trụ sở của một sư đoàn quân sự trên Biển Đông, báo cáo thông tin cho cơ quan chỉ huy phía Nam của PLAA. Mỗi cơ sở ở đá Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập có thể phục vụ một trung đoàn – từ 1.500 đến 2.400 binh sĩ.

Khu vực quần đảo Trường Sa đối mặt với sức ép quân sự nghiêm trọng, đặc biệt kể từ khi ông Trump lên nắm quyền với việc tăng cường các hoạt động tự do hàng hải. Vì vậy, Trung Quốc đã nâng mức độ đánh giá mối đe dọa (đối với quần đảo này).

Nhà Trắng trong tháng này đã bày tỏ quan ngại về những hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc. Sau những tin tức về việc Bắc Kinh lắp đặt các hệ thống tên lửa ở đá Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập.

Cho đến nay, các hoạt động tuần tra hàng hải của Mỹ cũng như các hoạt động triển khai hải quân quốc tế gần các thực thể tranh chấp mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền chỉ như “muối bỏ biển” trong nỗ lực gây ảnh hưởng các kế hoạch của Bắc Kinh. Các nước phương Tây nhận thấy rằng cần có một chiến lược mới, song lại không có chỉ dấu vào về khả năng các nước này sẽ kết hợp thành một mặt trận có ý nghĩa.

Bắc Kinh dường như thận trọng trước bất kỳ động thái tiếp theo nào sau khi việc xây dựng và tôn tạo các đảo đá đã hoàn thành.

Trong khi đó, các lực lượng Trung Quốc đang lợi dụng việc chiếm đóng các đảo đá trên Biển Đông để khống chế các mà giới sĩ quan hải quân Trung Quốc gọi là “khu cảnh giác quân sự”, một thuật ngữ mập mờ mà cả giới chức quân sự châu Á và phương Tây đều cho rằng không dựa trên cơ sở luật quốc tế. Bên cạnh đó, thông tin tình báo phương Tây gần đây miêu tả một dạng thức sóng radio cường độ cao phát đi từ các tàu hải quân Trung Quốc đã gây nhiễu các tàu hải quân nước ngoài khi hoạt động ở Biển Đông. Sự việc gần đây nhất xảy ra với các tàu hải quân của Australia. Giới quan chức quân sự và các chuyên gia phân tích cũng nói rằng các tàu thuyền và chiến đấu cơ của các nước từ Ấn Độ, Pháp, Nhật Bản, New Zealand, Việt Nam, Malaysia và Philippines cũng đều gặp những sự việc tương tự.

http://biendong.net/dam-luan/24742-bac-kinh-bien-da-xu-bi-thanh-trung-tam-tai-chinh.html

 

Nhật Bản đồng ý đàm phán

thỏa thuận mậu dịch song phương với Mỹ

Trọng Nghĩa

Ghé thăm Nhật Bản, phó tổng thống Mỹ Mike Pence vào hôm qua, 13/11/2018 đã thông báo là Washington và Tokyo sẽ ký kết một thỏa thuận tự do mậu dịch có thể làm « mẫu » cho những quốc gia khác.

Từ nhiều năm qua, Nhật không muốn tiến hành đàm phán về tự do thương mại song phương với Mỹ, nhưng vào tháng 9 vừa qua tại New York, thủ tướng Abe đã nhượng bộ trước sức ép của tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn đã dọa áp thuế trên xe hơi nhập từ Nhật Bản.

Thông tín viên RFI, Frédéric Charles cho biết chi tiết :

Để gây sức ép lên người bạn Shinzo Abe, tổng thống Donald Trump đã đe dọa trừng phạt nghiêm khắc các nhà chế tạo xe hơi Nhật với mức thuế 25% trên loại xe hơi mà họ không sản xuất tại Mỹ.

Mức thuế này sẽ rất tai hại đối với các hãng chế tạo xe hơi Nhật Bản, hiện đang nắm 40% thị trường xe hơi ở Mỹ, và chỉ sản xuất tại chỗ một nửa số xe hơi bán ra trên thị trường này, phần còn lại đến từ Nhật Bản và Mêhicô.

Lãnh vực xe hơi chiếm 2/3 thặng dư thương mại của Nhật đối với Mỹ.

Shinzo Abe đã đầu hàng. Nhật Bản đàm phán về một thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ, và cho biết là cả về một số sản phẩm nông nghiệp, Nhật không đi xa hơn là mức thuế ưu đãi đã dành cho những nước khác trong hiệp định TPP. Có điều là Mỹ đã rút ra khỏi hiệp định này.

Tại Tokyo, phó tổng thống Mỹ tuyên bố là một thỏa thuận song phương là cách tốt nhất để có thương mại công bằng, có qua có lại với Nhật Bản.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181114-nhat-ban-dong-y-dam-phan-thoa-thuan-mau-dich-song-phuong-voi-my-ok

 

Triều Tiên bí mật xây căn cứ tên lửa khắp cả nước

Triều Tiên đang xây dựng các căn cứ tên lửa bí mật, quy mô nhỏ trên khắp đất nước, dù đã cam kết từ bỏ chương trình vũ khí tham vọng để tập trung phát triển kinh tế.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế hôm thứ Hai (12/11) đã công bố những phân tích về các bức ảnh vệ tinh, trong đó cho thấy Triều Tiên đang bí mật tăng cường năng lực tên lửa và hạt nhân, kể cả sau khi tuyên bố tháo dỡ bãi thử nghiệm tên lửa chủ chốt của nước này.

Theo Nhật báo Phố Wall, nhiều bức ảnh thể hiện Bắc Hàn đang mở rộng một số cơ sở sản xuất tên lửa chính và nhanh chóng nâng cấp cơ sở nghiên cứu hạt nhân tại Yongbyon.

Fox News đưa tin, báo cáo của CSIS đã xác định khoảng 15 đến 20 căn cứ đang được điều hành bởi Lực lượng Chiến lược của quân đội Triều Tiên. Kết luận được đưa ra dựa trên thông tin từ các quan chức trong chính phủ, quốc phòng và tình báo, cũng như những người đào thoát khỏi Triều Tiên.

“Các cơ sở hoạt động tên lửa đạn đạo có quy mô nhỏ, phân tán khắp cả nước, và, trong một số trường hợp ngoại lệ là nằm trong những thung lũng núi hẹp”, báo cáo của CSIS cho biết.

Triều TiênBức ảnh vệ tinh cho thấy các cơ sở được cho là căn cứ tên lửa bí mật của Triều Tiên (Ảnh: CSIS)

Báo cáo cho biết các cơ sở này có thể xây dựng một loạt tên lửa cho chế độ Kim Jong Un, bao gồm cả tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng tiếp cận lãnh thổ Hoa Kỳ. Các căn cứ này không phải là bãi phóng truyền thống, nhưng các tên lửa vẫn có thể được bắn ra từ các địa điểm trong trường hợp khẩn cấp.

Triều TiênHình ảnh vệ tinh chụp một địa điểm ở Sakkanmol, chỉ cách khu vực phi quân sự tại biên giới Triều-Hàn 50 dặm về phía bắc (Ảnh: CSIS)

Những phát hiện này được công bố trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên không mấy tiến triển. Cuộc gặp của Ngoại trưởng Mike Pompeo với người đồng nhiệm Bắc Hàn, Kim Yong Chol, đã bị hủy vào tuần trước. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết cuộc họp sẽ được rời đến “một ngày sau đó”.

Tổng thống Trump bày tỏ quan điểm rằng phía Mỹ không thấy cấp thiết phải xúc tiến các cuộc gặp với Triều Tiên. “Chúng tôi không vội vàng”, ông Trump nói hôm 7/11. “Các biện pháp trừng phạt đang diễn ra. [Các vụ phóng] tên lửa đã dừng lại. Các tên lửa đã ngừng hoạt động. Các con tin [người Mỹ] đã được đưa trở về nhà.”

http://biendong.net/xung-dot-chien-tranh/24713-trieu-tien-bi-mat-xay-can-cu-ten-lua-khap-ca-nuoc.html

 

Tình báo Hàn Quốc :

Bình Nhưỡng tiếp tục hoạt động hạt nhân quân sự

Trọng Thành

Cơ quan tình báo Hàn Quốc (NIS) nghi ngờ là Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục các hoạt động hạt nhân quân sự, sau thượng đỉnh giữa tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un hồi tháng 6 vừa qua tại Singapore.

Theo Yonhap, thông tin nói trên được NIS đưa ra « trong một cuộc họp kín của Ủy ban Tình báo Quốc Hội », hôm nay, 14/11/2018. Một số dân biểu có mặt trong buổi họp này đã thuật lại với hãng tin Hàn Quốc nhận định của một giới chức tình báo cao cấp, theo đó « các hoạt động hạt nhân và tên lửa dường như vẫn tiếp diễn sau thượng đỉnh Bắc Hàn – Hoa Kỳ… Rất có khả năng là các hoạt động như phát triển vũ khí hạt nhân và thu nhỏ đầu đạn hạt nhân vẫn đang diễn ra ».

Riêng về căn cứ tên lửa Sakkanmol (cách Seoul 135 km về phía tây bắc), mà Bắc Triều Tiên bị tố cáo là đã che giấu, cũng trong buổi họp kín nói trên, cơ quan tình báo Hàn Quốc khẳng định là hoạt động tại căn cứ này là « bình thường » và cam kết sẽ theo dõi sát diễn biến tại các căn cứ tên lửa khác ở miền Bắc.

Cuộc họp của Ủy ban Tình báo Quốc Hội Hàn Quốc diễn ra hôm nay, sau khi phủ tổng thống Hàn Quốc tìm cách trấn an về vấn đề một số căn cứ tên lửa bí mật của Bắc Triều Tiên. Báo chí Mỹ cáo buộc Bắc Triều Tiên « gian dối » (New York Times), còn Hàn Quốc lo ngại sự kiện này cản trở tiến trình đối thoại vốn rất mong manh.

Phản ứng lại cáo buộc nói trên, tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua một lần nữa khẳng định trên Twitter, là Hoa Kỳ « hoàn toàn nắm chắc » sự tồn tại của các địa điểm tên lửa mà một nghiên cứu mới đây cho là bí mật. Ông Donald Trump lên án báo chí tung tin giả : « Lại Fake News… », đồng thời cam kết : « Tôi sẽ là người đầu tiên thông báo với với các vị nếu có diễn biến xấu ».

Hôm thứ Hai, 12/11, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies – CSIS) đã nhận dạng được ít nhất 13 căn cứ hỏa tiễn « bí mật » tại Bắc Triều Tiên, dựa trên thông tin tình báo của nhiều quốc gia. Ông Victor Cha – một chuyên gia về Bắc Triều Tiên, từng làm việc tại Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng thời tổng thống George. W. Bush – cho biết công luận đang lo ngại là tổng thống Trump sẽ chấp nhận một « thỏa thuận tồi » với Bắc Triều Tiên. Cụ thể là, để đánh đổi một hiệp ước hòa bình, Bình Nhưỡng sẵn sàng chơi trò phá hủy một số địa điểm hạt nhân, tên lửa, nhưng tiếp tục duy trì nhiều cơ sở khác.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181114-tinh-bao-han-quoc-binh-nhuong-tiep-tuc-hoat-dong-hat-nhan-quan-su

 

Australia tăng cường lực lượng

để đối phó với các mối đe dọa từ TQ

Mới đây, Chính phủ Australiacho biết nước này sẽ xây dựng lại một căn cứ hải quân Mỹ từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai ở Papua New Guinea. Đây là động thái mới nhấtcủa Australia được xem là nhằm đề phòng trước sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực này.

 Australia mở lại căn cứ hải quân ở Papua New Guinea

Ngày 01/11, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neill nhất trí tái lập căn cứ hải quân Lombrum ở đảo Manus ở phía Bắc Australia, cho phép hải quân hai nước tiếp cận một cảng ở phía Nam Thái Bình Dương và có hướng tiếp cận vùng Biển Đông tranh chấp ở phía Nam. Mặc dù không công khai chi phí của kế hoạch này, song Thủ tướng Morrison cho biết trước những bất ổn và cạnh tranh chiến lược, Australia cần củng cố sự cam kết bảo vệ Thái Bình Dương và sẽ hành động mạnh mẽ hơn.Cùng thời điểm này, Chỉ huy tác chiến của hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson đang thăm Australia, trong đó hai bên đã thảo luận về chiến lược đối phó Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương. Đô đốc John Richardson đánh giá cao việc Australia đề nghị cùng hợp tác tái lập căn cứ Manus.

Căn cứ Manus do quân đội Mỹ xây dựng vào năm 1944, dùng để mở hướng tấn công nhằm tái chiếm Thái Bình Dương khỏi phát xít Nhật, đồng thời yểm hộ nỗ lực Mỹ giải phóng Philippines. Tại đây, Mỹ đã xây một đường băng dài gần 3.000 m cho máy bay cất và hạ cánh, cùng nhiều kè để tàu chiến cập bến. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, căn cứ Lombrum được Mỹ dùng để xét xử các tội phạm chiến tranh của chế độ phát xít Nhật. Vài năm gần đây, Australia sử dụng căn cứ Manus để giữ người xin tị nạn. Theo Tư lệnh hải quân Australia, Chuẩn đô đốc Michael Noonan, Australia sẽ hợp tác cùng Papua New Guinea xây kè, mở rộng căn cứ để tàu tuần tra tặng cho Papua New Guinea và tàu thuyền các nước khác có thể cập bến. Quân đội Papua New Guinea cũng mong muốn Australia cung cấp khí tài quân sự hiện đại, gồm xe quân sự và trực thăng.

Australia nhiều lần quan ngại trước việc TQ gia tăng ảnh hưởng

Việc tái lập căn cứ Manus là động thái mới nhất trong nỗ lực bảo vệ lợi ích của Australia trước Trung Quốc muốn mở rộng ảnh hưởng tại Thái Bình Dương. Hàng chục năm qua, Australia luôn có tầm ảnh hưởng rộng lớn tại Thái Bình Dương, nhưng trong vài năm gần đây, Trung Quốc bắt đầu chú ý đến khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên này. Năm 2018, Papua New Guinea từng cho biết Bắc Kinh ngỏ ý tài trợ cho dự án tái phát triển một căn cứ hải quân trên đảo Manus. Lời đề nghị này khiến Australia cùng nhiều nước phương Tây lo ngại. Tháng 8/2018, Australia đã quyết định tài trợ cho quân đội Fiji xây căn cứ Đá Đen ở Nadi, trong khi một đơn vị tác chiến hải quân Australia cùng lính thủy quân lục chiến Mỹ đã đến khu vực này để biểu thị tinh thần hợp tác quân sự với các đảo quốc ở Thái Bình Dương. Đến tháng 10/2018, khu trục hạm Michael Murphy của hải quân Mỹ đã thăm thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea, nhằm củng cố quan hệ giữa hai nước. Tuyên bố tái lập căn cứ của Thủ tướng Australia diễn ra trước khi Papua New Guinea tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC 2018) trong hai ngày 17 – 18/11. Trước đây, Australia đã đồng ý đầu tư vào hệ thống cáp Internet ngầm dưới nước và một trung tâm an ninh mạng cho quần đảo Solomon để loại bỏ gói thầu tương tự của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei nhằm thiết lập cáp cho đảo quốc ở Thái Bình Dương có thể tiếp cận tới trung tâm băng thông rộng ở Sydney của Australia. Trong dự án này, phía Australia sẽ chi trả 2/3 chi phí của tổng kinh phí 100 triệu USD.

Trung Quốc tích cực lôi kéo Papua New Guinea

Papua New Guinea nằm vào phía Tây Nam Thái Bình Dương, là một thành viên Khối thịnh vượng chung và là quốc gia có nhiều tài nguyên thiên nhiên, trong đó dầu mỏ, đồng và vàng chiếm đến 72% nguồn thu từ xuất khẩu. Tuy nhiên, do còn là một nền kinh tế kém phát triển nên hiện Papua New Guinea đang ngày càng cần Trung Quốc giúp phát triển, vài năm qua đã vay khá nhiều tiền của Bắc Kinh để đối phó cuộc khủng hoảng ngân sách và kinh tế suy thoái. Chính phủ Papua New Guinea hiện nợ Ngân hàng Eximbank của Trung Quốc gần 1,9 tỉ USD khi tham gia vào sáng kiến “Vành đai – Con đường” của Trung Quốc. Hôm 01/11/2018, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thăm Papua New Guinea và cho biết việc Trung Quốc cam kết tăng cường giúp các nước thuộc phía Nam Thái Bình Dương hoàn toàn là thiện chí, rằng Trung Quốc không bao giờ can thiệp vào chuyện nội bộ các nước khác và sự giúp đỡ của đó không bao giờ đi kèm theo các điều kiện chính trị.

Australia cũng nhiều lần lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Biển Đông cách Canberra hơn 6.000 km song những hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp này đang khiến giới chức ngoại giao và quốc phòng Australia không khỏi lo ngại ở hai khía cạnh “tự do hàng hải” và “trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne hôm 30/10/2018 cho biết Chính phủ Australia sẽ xem bất kỳ việc sử dụng chiến thuật hù dọa nào tại Biển Đông là “gây bất ổn và nguy hiểm tiềm tàng”. Ông tuyên bố “Australia đã thường xuyên lên tiếng bày tỏ sự lo ngại việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông và chúng tôi tiếp tục kêu gọi tất cả các bên không thực hiện những hành động đơn phương có thể làm leo thang căng thẳng tại khu vực này”.          Trong Sách trắng Ngoại giao của Australia công bố hôm 23/11/2017, lần đầu tiên trong 13 năm Australia đã bày tỏ sự quan ngại của nước này về các hoạt động “chưa từng có tiền lệ” của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi giải quyết các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế. Australia coi đây là một “vấn đề lớn của trật tự khu vực”. Sách trắng cho biết Australia “đặc biệt quan ngại về tốc độ và quy mô chưa từng có tiền lệ” của các hoạt động bồi đắp, xây dựng mà Trung Quốc tiến hành tại vùng biển tranh chấp. “Australia phản đối việc sử dụng các thực thể tranh chấp và các cấu trúc nhân tạo trên Biển Đông để phục vụ cho các mục đích quân sự. Chúng tôi ủng hộ việc giải quyết các bất đồng thông qua đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế”, Sách trắng Ngoại giao Australia nêu rõ. Trước đó, trong Sách Trắng Quốc phòng công bố hôm 26/2/2016, Australia đã công bố kế hoạch 20 năm tăng cường sức mạnh hải quân với việc trang bị thêm nhiều tàu ngầm, tàu chiến như một sự tích tụ quân sự mà Canberra nói là cần thiết để duy trì hòa bình trong khu vực. Tài liệu này đề cập “mối quan tâm đặc biệt đến tốc độ chưa từng có và quy mô của các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông”. Trong khi tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, Australia “phản đối việc sử dụng các cấu trúc nhân tạo ở Biển Đông vì mục đích quân sự”; đồng thời khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không được luật pháp quốc tế công nhận ở vùng biển này. Sau khi công bố Sách Trắng, Bộ Quốc phòng Australia sẽ công bố Kế hoạch tiềm lực quốc phòng 10 năm và Tuyên bố chính sách công nghiệp quốc phòng đề cập ưu tiên chủ chốt của Chính phủ trong lĩnh vực này cũng như khung thời gian thực hiện.

http://biendong.net/bi-n-nong/24749-australia-tang-cuong-luc-luong-de-doi-pho-voi-cac-moi-de-doa-tu-tq.html