Tin Biển Đông – 12/11/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 12/11/2018

Mỹ yêu cầu TQ gỡ tên lửa

khỏi các đảo nhân tạo ở Biển Đông

Vào lúc kết thúc cuộc hội đàm ngoại giao và an ninh Mỹ-Trung được tổ chức gần đây, Hoa Kỳ đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ các tên lửa ra khỏi các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng phi pháp ở Biển Đông.

“Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc rút hệ thống tên lửa ra khỏi các khu vực tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, đồng thời tái khẳng định rằng tất cả các nước nên tránh dùng cưỡng chế hoặc đe dọa để giải quyết tranh chấp”, phía Mỹ tuyên bố.

Cuộc họp cấp cao Mỹ-Trung xoay quanh các vấn đề ngoại giao và an ninh có sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc Mỹ James Mattis, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, và Bộ trưởng Quốc Phòng Ngụy Phượng Hòa.

Ông Dương tiếp tục khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, dù tòa án quốc tế đã bác bỏ cơ sở pháp lý cho điều này vào tháng 7/2016. Ông Dương nói trong cuộc hội đàm: “Không có chuyện tự do lái tàu và máy bay trên không phận nước khác mà không bị cản trở, do đó, sử dụng vấn đề này như một cái cớ để hành động quân sự là không hợp lý.”

Ngược lại, ông Dương đề nghị Mỹ ngừng điều tàu chiến và máy bay quân sự tới Biển Đông và nhận được lời từ chối thẳng thừng từ phía Mỹ. Theo AP, Hoa Kỳ đã từ chối lời đề nghị này, và nhấn mạnh rằng sẽ tiếp tục “bay, đi lại và [thực hiện các] hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.

Đầu năm nay, tại cuộc đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã lên tiếng về việc quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông trước các quan chức an ninh châu Á và chuyên gia quốc phòng.

“Việc quân sự hoá các thực thể nhân tạo ở Biển Đông bao gồm triển khai tên lửa chống tàu, tên lửa đối không, thiết bị làm nhiễu điện tử, và gần đây hơn là hạ cánh máy bay ném bom tại đảo Phú Lâm”, ông Mattis nói. “Việc lắp đặt các hệ thống vũ khí này có mục đích là đe dọa và ép buộc bằng quân sự, mặc dù Trung Quốc tuyên bố ngược lại”

Bất chấp việc Mỹ đề nghị rút vũ khí ra khỏi Biển Đông, Bắc Kinh chắc chắn sẽ không thực hiện, theo ký giả Ankit Panda của The Diplomat. Từ năm 2014, Trung Quốc đã từng bước hoàn thành một loạt cơ sở hạ tầng trên 7 hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa.

http://biendong.net/bi-n-nong/24666-my-yeu-cau-tq-go-ten-lua-khoi-cac-dao-nhan-tao-o-bien-dong.html

 

Nguy cơ đụng độ quân sự Mỹ-TQ

ở Biển Đông là có thật

Tại điểm nóng Biển Đông, cả Trung Quốc và Mỹ đều không nhượng bộ nhau và nguy cơ hai bên đụng độ quân sự tại đây là điều khó loại trừ.

Tàu chiến Decatur của Mỹ suýt va chạm mạnh với tàu hải quân Trung Quốc ở Biển Đông hồi tháng 9/2018. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Từ đằng xa, tàu chiến Trung Quốc cảnh báo tàu khu trục Mỹ rằng đây là “hành trình nguy hiểm” ở Biển Đông. Sau đó, tàu Trung Quốc tiến lại gần một cách nguy hiểm. Trong một vài phút căng thẳng, dường như va chạm là điều khó tránh khỏi.

Con tàu Mỹ có tên Decatur kéo còi. Tàu Trung Quốc không buồn để ý. Thay vào đó, thủy thủ đoàn của tàu này chuẩn bị ném các tấm hấp thu xung lực lớn để bảo vệ tàu. Một trong các thủy thủ Mỹ nhớ lại: Họ chuẩn bị để đẩy chúng tôi ra khỏi đường đi.

Chỉ nhờ nỗ lực ngoặt đột ngột mà tàu Decatur mới tránh được va chạm thảm họa vào buổi sáng sớm của một ngày tháng 9/2018. Nếu tai nạn xảy ra, có thể cả hai tàu đã bị hư hại nặng khiến thủy thủ hai tàu thiệt mạng và nghiêm trọng hơn, sự việc có thể đẩy hai cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân vào một cuộc khủng hoảng quốc tế, theo một quan chức cấp cao của Mỹ giấu tên.

Hai tàu tiến sát cách nhau chỉ có 42m. Sự cố ngày 30/9 này gửi đi tín hiệu về điều mà các tư lệnh Mỹ lo ngại là một giai đoạn nguy hiểm trong cuộc đối đầu ở vùng biển này.

Hai bên cùng liều?

Brendan Taylor, một chuyên gia về Biển Đông tại Đại học Quốc gia Australia nhận định: “Người ta đang chơi trò chơi mạo hiểm kiểu chim ưng-bồ câu quanh các điểm nóng của châu Á. Vấn đề chỉ còn là thời gian trước khi xảy ra một xung đột nào đó.”

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis dự kiến sẽ nỗ lực làm giảm những căng thẳng như thế này và giảm nguy cơ tính toán lầm giữa đôi bên.

Tuy nhiên cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vào tháng 10 rằng Mỹ sẽ có quan điểm cứng rắn hơn nhiều nhằm vào Trung Quốc khiến cho 2 vị bộ trưởng quốc phòng có ít không gian để làm giảm căng thẳng giữa hai bên trên biển.

Năm 2017, chính quyền Tổng thống Trump yêu cầu hải quân nước này thực hiện thêm các hoạt động đối phó với các tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc.

Và họ đã cử nhiều tàu chiến tới vùng biển này một cách thường xuyên và các tàu đó đã đi sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng trái phép ở Biển Đông (những đảo này có nhà chứa máy bay, đường băng, cảng nước sâu và gần đây là cả tên lửa tầm ngắn). Ngoài ra, Washington còn yêu cầu các đồng minh đóng góp tàu bè cho nhiệm vụ này.

Thiếu quy tắc “trò chơi”

Giới phân tích cho biết, việc thiếu một thỏa thuận giữa Trung Quốc và Mỹ về các quy tắc “trò chơi” ở Biển Đông làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố chết người.

Năm 2001, một vụ va chạm giữa một chiến đấu cơ Trung Quốc và một máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ trên vùng biển đảo Hải Nam đã làm thiệt mạng một phi công Trung Quốc và làm xấu đi quan hệ giữa hai nước trong nhiều tháng. Chính phủ hai nước sau đó nhất trí thiết lập một đường dây nóng giữa quân đội hai nước để xử lý các sự cố như vậy nhưng kênh này đã không hoàn toàn hiệu quả.

Thời Chiến tranh Lạnh, Washington và Moscow tuân theo một thỏa thuận về các sự cố trên biển mà dù ít dù nhiều đã góp phần quản lý cách thức hải quân hai nước hoạt động trên biển. Nhưng cuộc cạnh tranh hải quân giữa Mỹ và Trung Quốc có đặc điểm khác.

Khi đó, Mỹ và Liên Xô muốn bảo đảm tự do hàng hải ở vùng biển quốc tế để hai nước có thể cùng theo đuổi các lợi ích toàn cầu. Tuy nhiên cuộc đối đầu giữa Bắc Kinh và Washington lại xoay quanh các tuyên bố chủ quyền đơn phương và phi lý của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông và các nỗ lực của Mỹ thách thức lại điều này. Và hai bên đều không nhượng bộ nhau trong cuộc đối đầu này.

Sứ mệnh của tàu Mỹ Decatur là nhấn mạnh rằng hải phận quốc tế là tự do, dành cho tất cả các bên và rằng tuyên bố 12 hải lý của Trung Quốc quanh các đảo nhân tạo mà họ xây trái phép là không có cơ sở trong luật quốc tế. Phía Trung Quốc thì bất chấp luật quốc tế trong vấn đề này, họ cho rằng phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế tại La Hay năm 2016 không có giá trị đối với họ.

 

Năm 2014, Mỹ và Trung Quốc cùng với các nước khác đã ký Bộ quy tắc cho các tình huống va chạm bất ngờ trên biển – bộ quy tắc này mô phỏng các khía cạnh của thỏa thuận trước đó giữa Mỹ và Liên Xô về ứng xử giữa đôi bên khi đối đầu trên biển.

Nhưng bộ quy tắc mới nói trên mang tính tự nguyện và không giải quyết vấn đề cơ bản là vùng lãnh hải và ai có thể đi tới đâu, theo ông Collin Koh, chuyên gia hàng hải tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam ở Singapore.

Ông Koh nói: “Cái này giống kiểu thỏa thuận của một quý ông”.

Tuần trước, Đô đốc Richardson hối thúc Trung Quốc “quay trở lại với việc nhất quán tuân thủ bộ quy tắc mà họ đã đồng ý”. Ông Richardson cho rằng việc đó sẽ “giảm thiểu nguy cơ tính toán lầm khiến có thể xảy ra một sự cố khu vực và leo thang căng thẳng”.

Thực tế Đô đốc này đã yêu cầu tàu bè Trung Quốc ngừng các hành động như thể đó họ là ông chủ của Biển Đông.

Mỹ quan ngại sâu sắc về tiềm lực hải quân Trung Quốc

Mỹ ngày càng ý thức về tình trạng đối đầu căng thẳng, nhất là khi họ quan ngại tàu thuyền của họ đang ở thế phòng ngự sau 70 năm không hề bị thách thức quyền lực khi đi trên Thái Bình Dương.

Hồi tháng 5, người đứng đầu Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Philip S. Davidson, nói với Quốc hội Mỹ rằng Trung Quốc mưu toan kiểm soát Biển Đông bằng “mọi kịch bản chỉ thiếu chiến tranh”.

Điều này dẫn Mỹ tới chỗ phải đánh giá lại các ưu tiên chiến lược và chi tiêu của hải quân nước này. Khi chính quyền Tổng thống Trump thúc đẩy hải quân Mỹ làm thêm nhiều điều nữa ở Biển Đông thì lực lượng này có ít trang bị hơn Trung Quốc, và Trung Quốc đang đầu tư rất mạnh cho hải quân của họ.

Năm 2017, Trung Quốc có 317 tàu chiến và tàu ngầm so với 283 chiếc trong hải quân Mỹ.

Một quan chức cao cấp của quân đội Mỹ nói: Một dự đoán của Lầu Năm Góc cho thấy, vào năm 2025, quân đội Trung Quốc sẽ có thêm 30% máy bay tiêm kích và 4 hàng không mẫu hạm so với 2 chiếc hiện nay.

Trung Quốc dự kiến cũng có thêm đáng kể tàu khu trục tên lửa dẫn đường, hệ thống tác chiến dưới biển hiện đại và tên lửa siêu thanh, vẫn theo nguồn tin nói trên.

Mối quan ngại của Mỹ về việc Trung Quốc hiện đại hóa hải quân được phản ánh trong một tác phẩm mang tên “How We Lost the Great Pacific War” do giám đốc tình báo của hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ) viết. Bài viết này vạch ra một kết quả ảm đạm có thể xảy đến với hải quân Mỹ trên Thái Bình Dương.

http://biendong.net/bi-n-nong/24686-nguy-co-dung-do-quan-su-my-tq-o-bien-dong-la-co-that.html

 

Bản tin Biển Đông ngày 09/11/2018

Đại sứ Mỹ hy vọng trao đổi thẳng thắn trong đối thoại Mỹ – Trung

Ngày 9/11, The Straits Times đưa tin, phát biểu với báo giới tại Bộ Ngoại Mỹ ngày 8/11, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad bày tỏ hy vọng, tại hội đàm cấp cao về an ninh và ngoại giao giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis với những người đồng cấp Trung Quốc là Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phụng Hòa, hai bên sẽ có cuộc trao đổi thẳng thắn về các vấn đề, trong đó có nhân quyền và Biển Đông. Cuộc hội đàm này dự kiến được tổ chức vào tháng 10 vừa qua tại Bắc Kinh nhưng bị hoãn lại do những căng thẳng gia tăng giữa hai nước liên quan đến thương mại, vấn đề Đài Loan và vấn đề Biển Đông. Đại sứ Branstad phát biểu “chúng tôi muốn đây là mối quan hệ mang tính xây dựng, có kết quả với Trung Quốc”, đồng thời nhấn mạnh “Mỹ không cố gắng kiềm chế Trung Quốc nhưng chúng tôi muốn có sự công bằng và có đi có lại”.

Trung Quốc tiết lộ tên lửa chống hạm mới có khả năng phá tàu Mỹ chỉ bằng một lần bắn

Ngày 8/11, The Irish Sun đưa tin, tại Triển lãm hàng không Trung Quốc 2018 đang diễn ra tại thành phố Châu Hải, Quảng Đông, Trung Quốc đã trưng bày tên lửa đạn đạo siêu thanh chống hạm CM-401. Tên lửa này có tốc độ nhanh gấp 6 lần vận tốc âm thanh và có khả năng bay cơ động siêu thanh trên đường nhắm đến mục tiêu. Trong bối cảnh Hải quân Trung Quốc và Mỹ xảy ra hàng loạt các vụ đụng độ căng thẳng ở Biển Đông trong những năm gần đây, người ta cho rằng Trung Quốc đang tìm cách cân bằng với một Hải quân Mỹ mạnh hơn bằng cách sử dụng các tên lửa như CM-401 để giữ Mỹ ở khoảng cách an toàn ở Thái Bình Dương. Theo Hoàn Cầu Thời báo, tên lửa này có nhiệm vụ tấn công nhanh chóng và chính xác các tàu từ cỡ vừa đến cỡ lớn. Tờ báo này trích dẫn lời một chuyên gia quân sự giấu tên cho biết, tên lửa CM-401 có khả năng phá hủy tàu chỉ bằng một lần bắn. Một khi tên lửa đã đi vào quỹ đạo, sẽ rất khó để ngăn chặn bởi tốc độ của nó.

http://biendong.net/diem-tin/24691-ban-tin-bien-dong-ngay-09-11-2018.html

 

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung

tác động đến Biển Đông như thế nào?

Tờ ‘The Diplomat’ gần đây cho đăng một bài viết của Trịnh Lê, Thạc sỹ Đại học Melbourne, phóng viên tạp chí ‘Meld Magazine’, trong đó phân tích những tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, đối với Biển Đông và các nước ASEAN.

Ông Trịnh Lê cho rằng thương mại và đại dương luôn là những thứ không thể tách rời trong cuộc đấu tranh giành quyền tối cao toàn cầu. Năm 1829, nhà thám hiểm người Anh Walter Raleigh đã viết: “Đối với bất cứ ai thống trị được biển, người đó thống trị thương mại; Ai thống trị được thương mại, người đó thống trị sự giàu có của thế giới, và do đó là thống trị thế giới”.

Đó là trường hợp của Vương quốc Anh với thời kỳ ‘Hòa bình Anh Quốc’ (Pax Britannica) ở thế kỷ 19 [khi Đế quốc Anh bá chủ thế giới với vai trò của một cảnh sát toàn cầu], Mỹ với ‘Thái Bình Mỹ’ (Pax Americana) ở thế kỷ 20, và sẽ là trường hợp của Trung Quốc, nếu muốn xây dựng ‘Thái bình Trung Hoa’ (Pax Sinica) trong thế kỷ 21, ông Trịnh Lê nhận định.

Do đó, theo ông Trịnh Lê, không phải ngẫu nhiên mà Bắc Kinh bắt đầu chiến dịch xây dựng đảo ở Biển Đông vào quãng thời gian mà khi Trung Quốc vượt qua Mỹ trở thành quốc gia thương mại lớn nhất thế giới.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã đưa ra những lời cáo buộc chưa từng có trong tháng 10/2018 về những hoạt động thương mại không công bằng và sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Do đó, việc tăng cường chiến tranh thương mại, do Tổng thống Mỹ Trump khởi xướng, không phải là một cuộc tranh cãi bình thường, mà là một sự thay đổi từ một “sự chung sống hòa bình sang một hình thức đối đầu mới”, giữa Mỹ và Trung Quốc.

Hiểu được cuộc chiến thương mại trong bối cảnh này, chắc chắn sẽ đặt ra câu hỏi về việc nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các tranh chấp Biển Đông?

Theo ông Trịnh Lê, khía cạnh tác động chính sẽ là kinh tế. Để chính thống hóa, một chế độ độc tài như Trung Quốc phụ thuộc chủ yếu vào hiệu quả kinh tế xã hội. Khi đất nước chịu đựng khó khăn về kinh tế, các nhà lãnh đạo tại Trung Nam Hải sẽ khuấy động chủ nghĩa dân tộc, để chuyển hướng sự không hài lòng của dân chúng; Ví dụ như quyết định của Argentina khởi xướng cuộc chiến tranh Falklands với Vương quốc Anh trong năm 1982.

Chắc chắn, cuộc chiến thương mại vừa mới bắt đầu và vẫn còn chưa rõ điều gì đang ở phía trước. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc đã bị tổn thất. Trong quý 3 năm 2018, tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm xuống còn 6,5% – mức thấp nhất trong một thập kỷ – và thậm chí có thể xuống mức 5% khi đối mặt với tác động đầy đủ của suy thoái thương mại. Tâm trạng bi quan thậm chí còn lan truyền sang một số nhà đầu tư lớn nhất của Trung Quốc. Các công ty Morgan Stanley, Nomura Holdings, Jefferies Group, và gần đây nhất JPMorgan đã cắt giảm số lượng cổ phần nắm giữ ở Trung Quốc vì lo sợ một kịch bản chiến tranh thương mại toàn diện. Nếu tình hình này tiếp tục, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu Bắc Kinh chọn ‘chơi chủ nghĩa dân tộc’ bằng cách thể hiện lập trường hung hăng hơn trong các tranh chấp hàng hải của mình.

Điều này dễ xảy ra vì Trung Quốc có khả năng làm như vậy. Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều để củng cố năng lực quân sự, đặc biệt là lực lượng hải quân. Một báo cáo năm 2018 của Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ Trung Quốc hiện đang sở hữu “lực lượng ‘dân quân’ hàng hải lớn nhất và có năng lực nhất trên thế giới”. Trong khi Hải quân Mỹ có 282 tàu chiến có thể triển khai được, tính đến tháng 8/2018, thì hải quân Trung Quốc có “hơn 300 tàu nổi, tàu ngầm, tàu đổ bộ, tàu tuần tra và các tàu chuyên dụng”, giúp cho nó trở thành lực lượng hải quân lớn nhất trong khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương.

Trung Quốc đã trang bị các hòn đảo nhân tạo tại Biển Đông với 24 xưởng cất máy bay, đường băng, thiết bị liên lạc, vị trí vũ khí đã cố định và doanh trại. (Ảnh: DigitalGlobe/ Getty Images)Trung Quốc đã trang bị các hòn đảo nhân tạo tại Biển Đông với 24 xưởng cất máy bay, đường băng, thiết bị liên lạc, vị trí vũ khí đã cố định và doanh trại. (Ảnh: DigitalGlobe/ Getty Images)

Theo Giáo sư Robert S. Ross tại Đại học Harvard, nếu có một cuộc chiến tranh hải quân giữa Trung Quốc và Mỹ xảy ra cách đây 10 năm, Mỹ sẽ chiến thắng dễ dàng. Tuy nhiên, nếu nó xảy ra bây giờ, cuộc chiến sẽ kéo dài, gay go, và gây thiệt hại cho cả 2 phía.

Điều đó giải thích tại sao Trung Quốc lại tự tin về lập trường hiếu chiến của mình ở Biển Đông, kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh thương mại.

Bên cạnh những cuộc trao đổi, đối thoại căng thẳng giữa 2 nước, tháng trước, một tàu khu trục Trung Quốc đã thách thức một tàu khu trục Mỹ, khi chiếc tàu chiến Mỹ tiến vào vùng biển, gần một trong những hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông.

Rủi ro xung đột leo thang khi chính quyền của Tổng thống Trump đã không do dự thách thức trực tiếp vị thế của Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đe dọa sẽ chống lại Trung Quốc ở mọi thời điểm. Trong những năm gần đây, Mỹ đã tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông, thông qua các “hoạt động tự do hàng hải”. Gần đây, Mỹ đã mở rộng phạm vi của cuộc tuần tra này lên không phận, khi một chiếc máy bay trinh sát P-8A Poseidon của Mỹ, bay qua 4 hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng, vào tháng 8/2018, phớt lờ cảnh báo liên tục của quân đội Trung Quốc. Mỹ thậm chí còn khuyến khích các đồng minh của mình làm như vậy. Pháp, Anh và một số nước khác đã bắt đầu tham gia các hoạt động này.

Theo ông Trịnh Lê, chiến lược Ấn Độ -Thái Bình Dương của Tổng thống Trump có thể được xem như một hành động cân bằng, chống lại Sáng kiến Một vành đai Một con đường của Trung Quốc. Washington cũng đang tham gia vào liên minh 4 bên (Quad Coalition), bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, để ngăn chặn tham vọng bành trướng hàng hải của Bắc Kinh. Việt Nam, hiện là đối tác chiến lược của Hoa Kỳ, giờ đây có thể mua vũ khí của Mỹ do lệnh cấm vận đã được dỡ bỏ vào năm 2016. Việt Nam được coi là quốc gia có tuyên bố chủ quyền thách thức nhất trong các tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc.

Ông Trịnh Lê cho rằng lập trường không khoan nhượng của Tổng thống Trump, được thể hiện trong những tuyên bố cứng rắn của Washington về xung đột với Trung Quốc, khó có thể giảm bớt khi cuộc chiến tranh thương mại ngày càng gia tăng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ không lùi bước. Được coi là nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời ông Đặng Tiểu Bình, ông Tập không muốn ‘trông yếu đuối’ trước người dân trong nước. Gần đây, ông Tập đã nói với lực lượng quân đội chịu trách nhiệm giám sát Biển Đông và Đài Loan rằng “phải chuẩn bị cho chiến tranh”, trong một nỗ lực lặp lại các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh. Mặc dù khả năng xảy ra chiến tranh là rất thấp, nhưng cũng không thể loại trừ.

Đối với các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, chẳng hạn như Việt Nam và Philippines, tình huống phức tạp và đan xen của cuộc đấu tranh giữa các nước lớn có thể có những hệ quả lẫn lộn. Về mặt kinh tế, tranh chấp thương mại Mỹ – Trung thực tế có thể có lợi cho các nước Đông Nam Á, vì nhiều sản phẩm của họ đang cạnh tranh với các sản phẩm của Trung Quốc. Trong trường hợp không có hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, các sản phẩm của ASEAN có thể là sản phẩm thay thế lý tưởng. Ngoài ra, đầu tư nước ngoài có thể chuyển dịch sang ASEAN để tránh mức thuế cao hơn, một động thái thường được gọi là chiến lược “Trung Quốc cộng Một”.

Ông Trịnh Lê nhận thấy có một tác động tiêu cực tiềm ẩn là khả năng hàng tiêu dùng Trung Quốc tràn ngập vào thị trường nội địa Đông Nam Á, đe dọa sự tồn tại của các nhà sản xuất địa phương, đặc biệt là trong các lĩnh vực dệt may, cơ khí, thép và vật liệu xây dựng.

Nhưng, liên quan đến một cuộc tranh chấp hàng hải leo thang, thì tất cả các quốc gia đều bị tổn hại. Các quốc gia Đông Nam Á mong muốn có một trật tự dựa trên luật pháp và có thể dự đoán được ở Biển Đông, chứ không phải tăng cường quân sự hóa và bất ổn. Sự tham gia tích cực của Mỹ trong khu vực nhằm mục đích kiềm chế các hoạt động bành trướng của Bắc Kinh, khiến cho Trung Quốc trở thành một bên liên quan có trách nhiệm, chứ không phải thúc đẩy sự hung hăng của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, có rủi ro biến toàn bộ khu vực trở thành ‘điểm nóng’ của châu Á.

Bị quân đội Trung Quốc áp đảo về quân sự và kinh tế, các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông không thể đủ khả năng cạnh tranh với Bắc Kinh trong một kịch bản đối đầu nhiều hơn. “Một nước dân tộc chủ nghĩa và ‘bị tổn thương’ như Trung Quốc, đối mặt với hậu quả kinh tế của cuộc chiến tranh thương mại, sẽ là một viễn cảnh nguy hiểm cho Biển Đông”, ông Trịnh Lê kết luận.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/24671-chien-tranh-thuong-mai-my-trung-tac-dong-den-bien-dong-nhu-the-nao.html

 

Mỹ yêu cầu TQ thực hiện cam kết,

chấm dứt quân sự hóa Biển Đông

Hãng tin Reuters (9/11) đưa tin, tại Đối thoại Ngoại giao và An ninh Mỹ – Trung thường niên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã yêu cầu Trung Quốc tuân thủ những cam kết về việc không có các hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông.

Đối thoại Ngoại giao và An ninh Mỹ lần thứ 2 tại Washington

Mỹ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt quân sự hóa Biển Đông

Tại Đối thoại Ngoại giao và An ninh Mỹ – Trung thường niên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã có cuộc gặp với Ủy viên Chánh văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Tại cuộc gặp, hai bên đã tập trung vào vấn đề phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh ở Biển Đông, tranh chấp thương mại, tự do hàng hải hàng không ở vùng biển châu Á – Thái Bình Dương, vấn đề Đài Loan và việc Trung Quốc đàn áp cộng đồng Hồi giáo thiểu số. Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết: “Chúng tôi tiếp tục quan ngại về các động thái và hành động quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc tuân thủ những cam kết đã đưa ra trước đây về tình hình khu vực”. Trong khi đó, Ủy viên Chánh văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì ngang nhiên cho rằng Bắc Kinh không muốn đối đầu với Mỹ nhưng có quyền “xây dựng các cơ sở quốc phòng cần thiết”, đồng thời kêu gọi Washington ngừng điều tàu chiến và máy bay đến gần các đảo mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền. Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định không chấp nhận yêu cầu của Trung Quốc, cho rằng Washington đang hành động đúng luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền tự do hàng hải, hàng không của mình cũng như các nước khác trên Biển Đông.

Mỹ đã nhiều lần chỉ trích “hoạt động quân sự hóa liên tiếp của Trung Quốc tại các thực thể đang tranh chấp” ở Biển Đông. Đáng chú ý, phát biểu tại Shangri-La 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết: “Chúng tôi đã cảnh báo Bắc Kinh là sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức và cơ hội trong những năm sắp tới. Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ, nếu Trung Quốc chọn lựa hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả các nước, trong khu vực năng động này. Nhưng chính sách của Bắc Kinh tại Biển Đông lại hoàn toàn tương phản với sự cởi mở của chiến lược mà Mỹ muốn phát huy, đặt ra các câu hỏi về những mục tiêu lớn hơn của Trung Quốc. Trung Quốc đã quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông, kể cả triển khai các tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không, thiết bị điện tử gây nhiễu, và mới đây nhất là việc cho máy bay ném bom hạ cánh xuống đảo Phú Lâm. Mặc dù Bắc Kinh chối cãi, sự bố trí các hệ thống vũ khí này trực tiếp gắn với việc sử dụng trên phương diện quân sự, mà mục đích là hù dọa và bức hiếp. Việc quân sự hóa Biển Đông cũng trái ngược hẳn với những cam kết công khai của chủ tịch Tập Cận Bình, ngay tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng vào năm 2015. Vì những lý do đó, Mỹ đã rút lại lời mời hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2018. Đó là câu trả lời bước đầu của chúng tôi trước tình trạng Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông”. Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim lớn tiếng bày tỏ lo ngại về “mọi hành động xác quyết nào hướng tới quân sự hóa”, đồng thời nhận định rằng Trung Quốc “đang hướng tới quân sự hóa các tranh chấp”. Mỹ cũng đã gia tăng áp lực lên Bắc Kinh trong lĩnh vực quân sự khi liệt nước này vào danh sách những đối thủ của Mỹ trong chiến lược an ninh quốc gia công bố hồi năm 2017. Mới đây, Thượng viện Mỹ (1/8) thông qua dự luật quốc phòng trị giá 716 tỷ USD với những điều khoản được cho là cứng rắn nhất với Trung Quốc từ trước đến nay, đặc biệt nhằm vào hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Về cam kết không quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc

Trung Quốc đã nhiều lần đưa ra các cam kết không quân sự hóa ở Biển Đông. Phát biểu trong chuyến thăm Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (9/2015) đã công khai cam kết Trung Quốc sẽ bảo vệ an ninh hàng hải qua Biển Đông và không quân sự hoá quần đảo Trường Sa. Trước đó, nhiều quan chức của Trung Quốc cũng cho rằng các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông là nhằm thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và Trung Quốc không có các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông, hay chạy đua vũ trang trong khu vực. Gần đây nhất, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Trưởng đoàn của Trung Quốc, Trung tướng Hà Lôi, Phó Viện trưởng Viện hàn lâm Khoa học Quân sự Trung Quốc khẳng định phát biểu của Mỹ về việc Trung Quốc triển khai vũ khí tới Biển Đông là “thiếu trách nhiệm, những hành động của Trung Quốc chỉ nhằm mục đích phòng thủ quốc gia, tránh nguy cơ xâm lược từ các nước khác”.

Tuy nhiên, phát biểu bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (4/8) hùng hồn tuyên bố: “Một số nước ngoài khu vực, chủ yếu là Mỹ, đã đưa vũ khí chiến lược lớn đến khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông, như là cách để phô bày sức mạnh quân sự và gây sức ép với các nước tại khu vực, bao gồm Trung Quốc. Tôi e rằng đây là động lực lớn nhất cho việc Trung Quốc thúc đẩy việc quân sự hóa tại khu vực”. Không những vậy, ông Vương Nghị còn ngang nhiên cho rằng “Trung Quốc hoàn toàn có quyền làm những việc đó vì Trung Quốc cần bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Và bởi vì ngày càng có nhiều áp lực với Trung Quốc, việc Trung Quốc tiến hành thêm nhiều biện pháp tự vệ là điều tự nhiên”. Đồng thời, ông Vương Nghị cũng không quên cáo buộc “các nước ngoài khu vực” cố tình gây rối tại Hội nghị Ngoại trưởng Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Hội nghị của ASEAN và 8 nước khác, bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Mỹ.

Trung Quốc ngang nhiên quân sự hóa ở Biển Đông (bất chấp cam kết trước đây của Tập Cận Bình) là nhằm ngăn chặn và đẩy Mỹ ra khỏi khu vực này, biến khu vực Biển Đông thành vùng chịu ảnh hưởng chi phối của Trung Quốc; đồng thời tìm cách gây áp lực với các nước cùng có tranh chấp ở Biển Đông, nhằm khiến các nước này nản chí, từ bỏ hy vọng có ngày giành lại được khu vực tranh chấp. Ngoài ra, việc thừa nhận quân sự hóa ở Biển Đông cũng phục vụ mục đích “răn đe” và đe dọa của Bắc Kinh, đặc biệt là trong bối cảnh các tranh chấp về quyền đánh cá và khai thác tài nguyên có thể nóng lên trong khu vực. Đặc biệt, trong bối cảnh Mỹ đánh thuế nặng đối với nhiều loại hàng hóa của Trung Quốc tác động mạnh mẽ đến tình hình xuất khẩu cũng như giá trị đồng tiền của nước này, từ đó ảnh hưởng lớn đến tình hình trong nước. Vì thế, Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa Biển Đông là nhằm hướng sự chú ý của người dân sang một vấn đề khác.

Việc Trung Quốc tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông không chỉ đi ngược lại cam kết của ông Tập Cận Bình mà còn vi phạm hiến chương Liên Hợp quốc; vi phạm Công ước luật biển; vi phạm tuyên bố ứng xử các bên trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký ASEAN (2002) ở PhnomPenh Campuchia. Về mặt đối ngoại họ đã đi ngược lại điều cam kết với các nước ASEAN là giữ nguyên hiện trạng trong quan hệ Việt Nam và thống nhất 6 nguyên tắc ứng xử giải quyết tranh chấp biển Đông. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng ký tuyên bố chung Việt – Trung, trong đó khẳng định lại hai bên cam kết đảm bảo hòa bình ổn định khu vực. Đặc biệt, trong cuộc họp báo quốc tế ở nhà trắng, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc không quân sự hóa biển Đông. Tuy nhiên, trên thực tế Trung Quốc đã đi ngược lại với điều cam kết, ngược lại với quốc tế

Việc quân sự hóa cao độ của Trung Quốc tại các đảo được xây dựng trái phép trên Biển Đông đã làm dấy lên phản ứng mạnh trên toàn khu vực và xa hơn thế, đồng thời đặt ra nguy cơ xảy ra xung đột dữ dội, đặt toàn bộ các nước có tranh chấp khác trong đường ngắm của Trung Quốc. Quá trình quân sự hóa tăng cường tại các tiền đồn tôn tạo trái phép” của Trung Quốc sẽ “chỉ làm gia tăng căng thẳng và gây ra sự mất lòng tin giữa các nước có tranh chấp”.

Không những vậy, việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông khiến cộng đồng quốc tế hiểu rõ bản chất và bộ mặt thật của Trung Quốc. Điều này không chỉ khiến Trung Quốc đã tự cô lập họ trong khu vực, đặc biệt trong mối quan hệ với các nước ASEAN mà còn khiến uy tín, danh dự quốc gia của Trung Quốc bị tụt giảm nghiêm trọng.

Phản ứng của Việt Nam

Phản ứng trước các hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc dừng các hành động trái phép, tránh làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt là việc quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

http://biendong.net/doc-bao-viet/24693-my-yeu-cau-tq-thuc-hien-cam-ket-cham-dut-quan-su-hoa-bien-dong.html