Tin Việt Nam – 11/11/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Phát hiện cá chết hàng loạt dọc bờ biển Đà Nẵng

Truyền thông trong nước hôm 10/11 cho biết cá chết hàng loạt dạt vào bờ biển Đà Nẵng kéo dài gần 1 km khiến người dân lo lắng.

VTC trích lời ông Mai Mã, Giám đốc Công ty thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết, các công nhân của công ty vừa thu gom và xử lý một lượng lớn cá chết dạt vào bờ biển Đà Nẵng. Nhưng thông tin trên VTC không cho biết ước lượng số cá chết là bao nhiêu. Một số hình ảnh được đăng trên trang mạng của VTC cho thấy có nhiều loại cá chết cả lớn lẫn bé trên bờ biển Đà Nẵng.

Ông Mã được trích lời cho biết hiện nguyên nhân cá chết vẫn chưa thể xác định. Ông cho biết thêm là Chi cục bảo vệ môi trường thành phố Đà Nẵng đã lấy mẫu nước để tìm lý do cá chết.

Theo VTC, Sở Tài nguyên Môi trường Đã nẵng cũng cho lấy nước để theo dõi chất lượng nước ven bờ đến ngày 12/11.

Nhiều người dân miền Trung vẫn chưa thể quên tình trạng cá chết hàng loạt dạt vào bờ biển hồi giữa năm 2016. Nguyên nhân sau đó được phát hiện là do nhà máy gang thép Formosa của Đài Loan xả thải gây độc ra môi trường biển. Hậu quả của vụ việc này đã khiến ngành công nghiệp du lịch và đời sống người dân các tỉnh miền Trung gặp nhiều khó khăn trong thời gian dài. Formosa sau đó cam kết trả 500 triệu đô la tiền đền bù, khắc phục thiệt hại.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/mass-fish-dead-in-danang-11102018111719.html

 

Nhiều cá chết ở bờ biển Đà Nẵng nghi do nổ mìn

TTO – Tối 10-11, ông Tô Văn Hùng – giám đốc Sở Tài nguyên môi trường TP Đà Nẵng – đã báo cáo nhanh UBND TP về tình trạng cá chết trôi dạt ở bờ biển Đà Nẵng trưa cùng ngày.

Cá chết trắng ao cạnh sông Trường Giang

Người nuôi cá khóc ròng, vớt cá chết bán 1000 -2000 đồng/kg

Hàng trăm lồng cá chết vì thủy điện không xả, nước sông Bồ không chảy

Trước đó, khoảng 12h trưa nay, người dân phát hiện xác cá chết hàng loạt trôi dạt vào khu vực bãi biển, từ đoạn Thanh Khê đến bãi tắm Xuân Thiều (quận Liên Chiểu).

Theo ghi nhận, cá chết chủ yếu là loại cá mòi. Nhiều ngư dân và nhân viên cứu hộ cho rằng cá chết hàng loạt do nổ mìn đánh cá. Hiện Công ty CP Môi trường đô thị đã tiến hành dọn xác cá chết, vận chuyển đi chôn lấp, tránh tình trạng ô nhiễm biển.

Tối 10-11, Sở Tài nguyên môi trường Đà Nẵng đã có báo cáo gửi UBND TP thông tin việc kiểm tra thực tế và xử lý xác cá dạt vào bờ. Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường đã tiến hành lấy mẫu nước biển ven bờ tại khu vực trên để kiểm nghiệm.

Qua rà soát, Sở Tài nguyên môi trường không phát hiện hiện tượng xả thải từ các nguồn thải xung quanh khu vực.

Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường đã yêu cầu Trung tâm Quan trắc tiếp tục tiến hành lấy mẫu, theo dõi chất lượng môi trường nước biển ven bờ từ ngày 10 đến 12-11, đồng thời yêu cầu Công ty CP Môi trường đô thị bố trí công nhân theo dõi, xử lý kịp thời nếu tiếp tục xảy ra tình trạng cá chết dạt bờ.

https://tuoitre.vn/nhieu-ca-chet-o-bo-bien-da-nang-nghi-do-no-min-20181110211058379.htm

 

Nhà cầm quyền lại xây dựng

trên đất chiếm của Tổng Giáo phận Hà Nội

Tòa Tổng Giám mục Hà Nội vừa gửi một đơn kiến nghị khẩn cấp tới bí thư thành ủy và chủ tịch UBNDTP Hà Nội, để phản đối việc nhà cầm quyền ngang nhiên xây dựng trên đất đai và cơ sở của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội. Đơn kiến nghị đề ngày 5 tháng 11 do Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Hà Nội, và Đức Giám mục phụ tá Laurenxo Chu Văn Minh ký tên, thay mặt cho hàng linh mục Tổng Giáo phận Hà Nội và toàn thể giáo dân.

Kiến nghị viết rằng, nhà cầm quyền thành phố Hà Nội mới đây lại tự ý xây dựng tại số 29 phố Nhà Chung, là khu đất thuộc sở hữu của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội. Đây là cơ sở trường Dũng Lạc của Tổng Giáo phận Hà Nội. Cho đến nay, Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội chưa hề có bất cứ một văn bản nào về việc hiến, tặng, cho hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất và tài sản tại đây cho bất cứ ai.

Blogger J.B. Nguyễn Hữu Vinh từ Hà Nội cho biết, việc xây dựng đã được tiến hành lén lút, bởi dự án không có bất cứ một thông báo, bản vẽ hoặc thông tin cần thiết nào theo luật định cho việc tiến hành một dự án.

Tưởng cũng nên nhắc lại, từ cuối năm 2007 đến 2008, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đã yêu cầu nhà cầm quyền thành phố trả lại Tòa Khâm sứ đã bị nhà cầm quyền chiếm dụng làm nơi ăn chơi nhảy múa, khiêu khích cơ sở tôn giáo tôn nghiêm tại đây và sau đó bán cho một cơ sở tư nhân. Toàn thể giáo dân Hà Nội cũng như giáo dân cả nước đã phản đối mạnh mẽ dưới sự hướng dẫn của Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt.

Trước áp lực mạnh mẽ của công luận và của nhiều cơ quan ngoại giao các nước quan tâm, nhà cầm quyền thành phố Hà Nội buộc phải dừng việc xây dựng và biến mảnh đất đó thành một vườn hoa khẩn cấp. Cho đến nay, người dân Hà Nội vẫn gọi đó là “vườn hoa ô nhục” của nhà cầm quyền thành phố.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/nha-cam-quyen-lai-xay-dung-tren-dat-chiem-cua-tong-giao-phan-ha-noi/