Tin Việt Nam – 07/11/2018
‘Vụ Thủ Thiêm không thể dàn xếp được nữa’
Có ý kiến rằng vụ Thủ Thiêm đã trở nên phức tạp tới mức khó đạt được thỏa thuận nào giữa dân và chính quyền trong bối cảnh lãnh đạo TP lại gặp dân sáng 7/11.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ông Nguyễn Thành Phong gặp người dân hai phường Bình An và Bình Khánh để giải quyết khiếu nại đất đai liên quan đến vụ khu đô thị Thủ Thiêm.
Đây là buổi gặp thứ hai của Chủ tịch TP Hồ Chí Minh với người dân khu đô thị Thủ Thiêm kể từ khi có kết luận 1483 của Thanh tra Chính phủ.
Dân oan Thủ Thiêm: Có sự dàn dựng trong buổi tiếp dân
Công bố ‘nhiều sai phạm’ trong quy hoạch KĐT Thủ Thiêm
Vụ Thủ Thiêm ‘đã động đến các quyền của dân’
Vụ Thủ Thiêm: ‘Dân mất, chính quyền cũng mất’
Vụ Thủ Thiêm: ‘Dân mất, chính quyền cũng mất’
Ở cuộc gặp lần một ngày 18/10, ông Phong đã gặp khoảng 30 hộ dân ở khu phố 1, phường Bình An, có đất ở khu 4,3 ha – được Thanh tra Chính phủ xác định trong kết luận 1483 là nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm.
“Không dàn xếp được nữa”
Ông Nguyễn Văn Lung, một người dân Thủ Thiêm “may mắn” nằm trong khu 4,3 ha ngoài ranh nói với BBC rằng chính quyền đã gặp gỡ dân nhiều lần, cũng nhiều lần hứa hẹn và thỏa thuận, nhưng tình hình nay đã phức tạp tới mức “không dàn xếp được nữa”.
“Tôi may mắn vì nằm trong khu 4,3 ha. Nhưng tôi cũng không hiểu vì sao chính quyền hôm 18/10 họp với chúng tôi – những hộ không chịu di dời – lại mời thêm các hộ đã nhận tiền và di dời từ lâu – về lại để đền bù thêm.”
“Có thể là vì họ [chính quyền] muốn tỏ ra nhân văn, và muốn đánh bóng sự nhân văn đó.”
“Nhưng cũng chính vì việc này mà kéo theo 5.000 hộ dân Thủ Thiêm đã di dời trước đây kéo về, tiếp tục khiếu kiện, đòi đền bù thỏa đáng.”
“Trước đây chúng tôi chỉ chia hai nhóm để đấu tranh, thì nay 5.000 hộ dân này phát sinh thêm rất nhiều nhóm khác nhau. Mỗi nhóm có một yêu cầu riêng về đền bù, khiến tình hình trở nên rất phức tạp.”
“Tôi cho rằng chính quyền không lường trước được điều này. Bây giờ thì không thể dàn xếp hay thỏa thuận gì giữa dân và chính quyền nữa. Rất khó. Chỉ có thể dẫn đến đưa vụ việc ra tòa, giải quyết bằng pháp lý.”
“Như vậy, đây có thể trở thành một vụ đại án. Và như vậy lại mất thêm vài năm nữa để điều tra, lập hồ sơ, v.v….”
Cũng theo ông Lung, các hộ thuộc hai phường Bình An và Bình Khánh bị xác định nằm trong ranh quy hoạch, nhưng họ cũng khẳng định đất đai của mình nằm ngoài quy hoạch. Và kết luận 1483 của Thanh tra chính phủ đã không xem xét đến phần đất của họ.
“Cần thanh tra toàn bộ khu đô thị Thủ Thiêm”
Trong buổi họp sáng 7/11, nhiều hộ dân tại hai phường Bình An và Bình Khánh cũng cho rằng kết luận 1483 “chỉ mang tính nội bộ”, không phải là kết luận cuối cùng nên chưa có tính pháp lý, theo truyền thông Việt Nam.
Theo đó, kết luận 1483 mới kiểm định khu 4,3ha, trong khi toàn bộ hồ sơ khiếu nại tố cáo của dân thuộc năm khu phố và ba khu dân cư cũng nằm ngoài quy hoạch thì lại không được kể đến.
Bà Nguyễn Thị Hà (phường Bình An) được dẫn lời trên Vietnamnet, cho rằng không thể dùng kết luận kiểm tra 1483 để giải quyết cho tất cả các trường hợp.
Người dân có mặt cũng nói khiếu kiện đã kéo dài 22 năm, rất mệt mỏi, đau khổ. Nếu chính quyền tiếp tục “ghi nhận ý kiến rồi trả lời sau” thì khiếu kiện sẽ còn kéo dài nữa.
Ông Nguyễn Văn Khương (phường Bình Trưng Đông) yêu cầu được cung cấp tất cả bản đồ quy hoạch để người dân được biết họ có thực sự nằm vùng phải di dời hay không. Ông cũng cho rằng nhà mình không nằm trong quy hoạch.
Chánh văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan nói có tới hơn 10 tấm bản đồ quy hoạch, và “rất khó xác định” cái nào là ranh của Thủ Thiêm do các bản đồ này giống nhau, chỉ khác nhau ở ranh. Có bản đồ thể hiện khu 4,3ha bằng nét chấm gạch, có bản đồ lại không có khu này.
Người dân có mặt trong buổi họp 7/11 yêu cầu phải thanh tra toàn diện khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Về vấn đề này, ông Lung nói với BBC rằng, đó là do kết luận 1483 không phải là kết quả thanh tra của chính phủ đối với các kiếu kiện về đất đai ở Thủ Thiêm.
“Thủ tướng chính phủ chưa bao giờ có yêu cầu nào đối với Thanh tra chính phủ để thanh tra toàn bộ khu đô thị mới Thủ Thiêm.”
“Kết luận 1483 chỉ là kết quả của một cuộc thanh tra định kỳ của họ. Trong đó họ thanh tra rất nhiều vấn đề như BOT, tài chánh, v.v… Ở mục môi trường có dính một phần nhỏ là Thủ Thiêm. Do đó họ bóc tách ra và làm thành báo cáo này.”
“Trong kết luận 1483, họ nói đã thanh tra khu 4,3 ha theo đơn thư khiếu kiện. Nhưng thực tế chúng tôi chưa bao giờ khiếu nại về khu 4,3 ha này mà khiếu nại toàn bộ 60 ha đất nằm ngoài ranh đã bị thu hồi,” ông Lung nói với BBC.
“Sẽ tiếp thu” và “làm rõ”
Về tiến độ giải quyết các sai phạm ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, Chánh văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Hoan trong cuộc họp hôm 7/11 nói đã xác định được ranh quy hoạch khu 4,3 ha trên bản đồ.
Đây là khu đất mà trước đó, kết luận 1483 của Thanh tra chính phủ cho hay “không có trong quy hoạch”.
Ông Hoan nói “sẽ xin ý kiến Thường vụ Thành ủy, Thanh tra Chính phủ để thống nhất hướng xử lý” các trường hợp này, theo Vietnamnet.
Cũng trong buổi gặp, Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Phước Hưng cho biết có 10 nội dung mà thành phố muốn “xin ý kiến bà con”, bao gồm thời điểm để tính bồi thường thiệt hại; mức bồi thường và tái định cư; hỗ trợ các trường hợp có nguồn gốc lân chiến sông, kênh rạch từ 1993-1998, v.v…
Tuy nhiên người dân có mặt tại buổi họp nói 10 nội dung này không liên quan đến các vấn đề của họ.
Về việc xử lý sai phạm của các tập thể, cá nhân trong sai phạm dự án Thủ Thiêm, ông Hoan nói sẽ hoàn tất trong tháng 11.
“Tinh thần là rất lắng nghe ý kiến cô bác, còn quá trình làm việc như thế nào tôi sẽ báo cáo lại với cô bác sau”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ông Nguyễn Thành Phong được dẫn lời trên Vietnamnet.
Nguyễn Thùy Dương, người phụ nữ “ném giày” trong buổi bà Đại biểu Quốc Hội Nguyễn Thị Quyết Tâm tiếp xúc cử tri quận 2 vào sáng 20/10/2018, thì cho rằng bà đã tiếp xúc với nhiều người dân sau các buổi họp với chính quyền, và họ đều không đồng ý với cách giải quyết.
“Vẫn như những buổi tiếp xúc trước, không hề đưa ra phương án giải quyết nào hết. Chỉ nói lắng nghe và sẽ đề xuất. Đã rất nhiều lần rồi,” bà Dương nói trong livestream trên Facebook sau khi phiên họp sáng 7/11 kết thúc.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm được phê duyệt quy hoạch đã gần 20 năm, kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ quốc tế, chi gần 30.000 tỷ đồng bồi thường, tái định cư, nhưng tới nay vẫn chưa thành hình.
Truyền thông Việt Nam cho hay đã có 15.000 hộ dân bị di dời khỏi bán đảo Thủ Thiêm, với chi phí 30.000 tỉ đồng để chi trả bồi thường, tái định cư.
Nhưng còn không ít hộ dân tiếp tục khiếu nại, cho rằng nhà họ không nằm trong quy hoạch, và bồi thường di dời không thỏa đáng.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46120539
Sắp phúc thẩm 15 người trẻ ở Đồng Nai
biểu tình chống 2 dự luật hôm 10/6
Phiên phúc thẩm 15 người ở Đồng Nai bị cáo buộc ‘gây gối trật tự công cộng’ khi tham gia biểu tình chống hai dự luật đặc khu và an ninh hồi ngày 10/6/2018 sẽ diễn ra vào ngày 9/11/2018 ở Thành phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai.
Số người này nằm trong nhóm 20 người bị bắt và xử tù do tham gia cuộc biểu tình vừa nêu tại Đồng Nai. Hôm 30 tháng 7, tòa án sơ thẩm tại Biên Hòa đã tuyên án anh Trần Nguyễn Duy Quang mức án cao nhất 1 năm 6 tháng tù giam; Phạm Ngọc Hạnh chịu án 1 năm 4 tháng tù giam và 13 bị cáo khác nhận mức án từ 8 đến 10 tháng tù. Ngoài ra, có 5 bị cáo bị tuyên án từ 1 năm đến 1 năm 2 tháng cải tạo không giam giữ do đang phải nuôi con nhỏ.
Trong cáo trạng sơ thẩm có nói những người này gây rối trật tự công cộng, nhưng những bị cáo và nhiều nhân chứng tại khu vực Thành phố Biên Hòa nói rằng họ chỉ biểu tình ôn hòa, phản đối dự luật đặc khu mà họ cho là tạo điều kiện cho Trung Quốc kiểm soát đất đai Việt Nam, và luật an ninh mạng bị cho là bóp nghẹt tự do biểu đạt trên không gian mạng.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong ba vị tham gia bào chữa cho 15 thân chủ có kháng cáo bản án sơ thẩm, cho rằng việc làm của những người biểu tình không có gì sai trái, vi phạm pháp luật Việt Nam:
“Họ cầm biểu ngữ và cờ đỏ và trong biểu ngữ ghi rất rõ ‘phản đối dự luật an ninh mạng, luật đặc khu cho Trung Quốc thuê đất 99 năm. Như vậy họ chỉ biểu tỏ quan điểm của họ nên không thể kết tội gây rối trật tự công cộng. Do đó quan điểm của chúng tôi là họ vô tội.”
15 người kháng cáo gồm Trần Nguyễn Duy Quang, Phạm Ngọc Hạnh, Đinh Mã Phong, Nguyễn Thị Thùy Dung, Hồ Công Di, Diệp Út Tiến, Võ Như Huỳnh, Nguyễn Thị Lan Anh, Phạm Ngọc Huyền, Đinh Kha Ly, Đoàn Văn Thưởng, Nguyễn Thanh Toàn, Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Nguyễn Thị Trúc Anh, Nguyễn Thị Ngọc Liễu.
Tính đến nay, tòa án một số tỉnh/thành ở Việt Nam tuyên án tù gần 100 người tham gia đợt biểu tình vào các ngày 9,10 và 11 tháng 6 vừa qua nhằm phản đối hai dự luật đặc khu và an ninh mạng do cơ quan chức năng Việt Nam đưa ra.
Luật sư bị tấn công 3 ngày trước phiên phúc thẩm
xử 15 người biểu tình ở Biên Hòa
Ba luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miểng và Trịnh Vĩnh Phúc vừa bị những kẻ lạ mặt tấn công, chỉ vài ngày trước phiên tòa phúc thẩm xét xử 15 người biểu tình ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Trang mạng Defend The Defenders hôm Thứ Ba (6 tháng 11) dẫn lời luật sư Mạnh cho biết, ba luật sư đi xe hơi tới Biên Hòa vào sáng cùng ngày để gặp gỡ các thân chủ và chuẩn bị cho việc bào chữa cho họ trước phiên tòa phúc thẩm vào ngày 9 tháng 11. Khi họ lên xe và sắp sửa rời đi thì nghe thấy một tiếng nổ lớn, và cửa kính xe bên phải bị vỡ. Một kẻ nào đã bắn vào xe của ông Mạnh. Cách thức kính xe bị vỡ cho thấy hung khí có lẽ không phải là súng. Rất may, ba luật sư ngồi trong xe đều không bị gì.
Ba luật sư Mạnh, Miểng và Phúc thuộc số ít luật sư thường tham gia những vụ xử chính trị để bảo vệ người bất đồng ở Việt Nam trong những năm gần đây. Vụ tấn công có thể liên quan tới việc họ sẽ tham gia bào chữa cho 15 người biểu tình tại tòa án tỉnh Đồng Nai. Những người biểu tình đã bị phiên tòa sơ thẩm vào 30 ngày 7 tuyên những bản án từ 8 tới 18 tháng tù giam, vì họ đã tham gia biểu tình ôn hòa vào ngày 10 tháng 6 để phản đối luật đặc khu và luật an ninh mạng.
Luật sư Mạnh cho biết, sau phiên xử, công an tỉnh Đồng Nai đã đe dọa các thân chủ của ông rằng họ không nên kháng cáo, vì nếu kháng cáo thì họ có thể nhận những mức án nặng hơn.
Huy Lam / SBTN
Chừng 500 cảnh sát bảo vệ phiên xử
cựu tướng công an và đường dây đánh bạc
Có đến 500 cảnh sát sẽ được điều động để bảo vệ phiên tòa xử ông Phan Văn Vĩnh, cựu trung tướng công an bị cáo buộc nhận hối lộ để bao che cho một đường dây đánh bạc trị giá hàng nghìn tỉ đồng.
Phiên tòa dự định diễn ra vào ngày 12/11 tới đây.
Báo chí trong nước trích dẫn lời Đại tá Phùng Đức Quang, Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ, cho biết như vậy.
Phú thọ là nơi diễn ra phiên tòa, và là nơi ông Phan Văn Vĩnh về hưu vào năm 2017, sau khi giữ chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát của Công an Việt Nam.
Luật sư của ông Phan Văn Vĩnh là bà Nguyễn Thị Huyền Trang cho hay là ông Vĩnh sẽ ra hầu tòa mặc dù đang bị bệnh, và sẽ cung khai sự thật để tiện việc cho cơ quan điều tra.
Ông Vĩnh bị khởi tố vào tháng sáu năm 2018, trước đó có một viên tướng công an khác cũng bị bắt và khởi tố vào tháng ba, cũng tại Phú Thọ là ông Nguyễn Thanh Hóa, cũng cùng cáo buộc tổ chức đường dây đánh bạc như ông Vĩnh. Ông Hóa từng phụ trách cơ quan chống tội phạm công nghệ cao trong Bộ Công an Việt Nam.
Theo tin từ Công an tỉnh Phú Thọ, vụ án có đến 92 người ra tòa vì cáo buộc tham gia vào đường dây đánh bạc này.
Khánh Hòa: Khách du lịch Trung Quốc
ở lại lao động không phép
Giới chức tỉnh Khánh Hòa mới đây cho biết tỉnh này thời gian qua đã phát hiện nhiều khách Trung Quốc đến lao động bất hợp pháp.
Báo người Lao Động hôm 7/11 trích thông tin từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, 8 tháng đầu năm 2018, các cơ quan chức năng tỉnh này đã phát hiện 314 người nước ngoài, phần đông là Trung quốc, nhập cảnh du lịch nhưng sau đó ở lại lao động không phép. Các cơ quan chức năng tỉnh này đã phạt hành chính 227 trường hợp với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng do các vi phạm trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.
Ngoài ra, cũng theo báo Người Lao Động, người dân địa phương phàn nàn khách du lịch Trung Quốc tràn ngập đường phố nhưng nhiều người không có ý thức, để lại hình ảnh phản cảm.
Theo thống kê của tỉnh này, trong 9 tháng đầu năm, hơn 1,4 triệu khách Trung Quốc đã đến Khánh Hòa, tăng hơn 56% sơ với cùng kỳ năm ngoái và chiếm hơn 66% lượng khách quốc tế đến tỉnh này. Trung bình mỗi khách Trung Quốc lưu trú ở Nha Trang từ 4 đến 5 ngày.
Khách Âu, Mỹ đến Hội An, Huế giảm
vì khách Hàn Quốc, Trung Quốc tăng mạnh
Lượng khách Âu Mỹ đến Huế và Hội An thời gian gần đây đang có chiều hướng giảm xuống trong khi lượng khách đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc tăng mạnh.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn hôm 6/11 trích lời ông Nguyễn Văn Lanh, Trưởng phòng Văn hóa thông tin thành phố Hội An cho biết các thị trường Âu, Mỹ vốn được coi là những thị trường truyền thống của Hội An trong mùa từ tháng 10 đến tháng 3 nhưng đã bị sụt giảm trong 2 năm gần đây. Ông Lanh cho biết, khách Hàn Quốc và Trung Quốc trong khi đó lại tăng đáng kể, có đôi lúc chiếm từ 70 đến 80% lượng khách quốc tế.
Báo cáo của Phòng Văn hóa thông tin Hội An cho biết, năm 2017 thành phố này đón hơn 3 triệu lượt khách, trong đó lượng khách quốc tế luôn chiếm 70 đến 75%.
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Lữ hành Indochina Unique Tourist được Thời báo Kinh tế Sài Gòn trích lời cho biết việc sụt giảm khách từ Âu, Mỹ, Úc đến các khách sạn ở Hội An là do khách Trung Quốc và Hàn Quốc đã phủ kín phố cổ Hội An. Ông Thủy cho biết Huế cũng bị ảnh hưởng tương tự.
Nguyên nhân khiến lượng khách Trung Quốc và Hàn Quốc đến Huế và Hội An tăng cao được cho là do ngày càng có nhiều đường bay thẳng từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đến miền Trung và ngược lại.
Bên cạnh đó, nguyên nhân sạt lở nghiêm trọng ở Cửa Đại, Hội An cũng được coi là nguyên nhân khiến khách Âu Mỹ bớt mặn mà với Hội An.
Hoàn tất xử lý môi trường ô nhiễm dioxin
tại Sân bay Đà Nẵng
Gần 14 hecta đất sân bay Đà Nẵng được Hoa Kỳ xử lý ô nhiễm dioxin với tổng kinh phí 110 triệu đô la Mỹ vừa được bàn giao lại cho Bộ Giao thông – Vận tải Việt Nam vào ngày 7 tháng 11 năm 2018.
Truyền thông quốc nội loan tin trong cùng ngày, cho biết thêm đại diện phía Hoa Kỳ là Đại sứ Daniel Kritenbrink và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đại diện cho Việt Nam tại buổi lễ bàn giao.
Tin cho biết, đây là đợt bàn giao cuối cùng trong chương trình Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng được thực hiện trong 6 năm do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và Bộ Quốc phòng Việt Nam phối hợp thực hiện từ tháng 8 năm 2012.
Vào tháng 5 năm 2015, khoảng 45.000 mét khối bùn đất nhiễm dioxin tại đây được xử lý thành công. Vào tháng 6 năm ngoái, thêm gần 50.000 mét khối được xử lý.
Kể từ năm 2000 đến nay, Hoa Kỳ đã hợp tác với Việt Nam giải quyết các vấn đề nhân đạo và hậu quả chiến tranh, bao gồm việc loại bỏ vật liệu chưa nổ, xác định danh tính hài cốt lính chiến, xử lý dioxin,…
Vào ngày 11 tháng 5 vừa qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký thỏa thuận viện trợ không hoàn lại cho dự án xử lý dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa.
Sân bay Biên Hòa là nơi được đánh giá bị ô nhiễm dioxin lớn nhất còn lại ở Việt Nam. Quá trình xử lý dioxin tại đây dự kiến sẽ hoàn thành trong 10 năm với tổng chi phí là 390 triệu đôla Mỹ.
Vào ngày 17 tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis đến thăm sân bay Biên Hoà. Mục đích được nói nhằm tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ trong việc đóng góp cho hoạt động tẩy rửa dioxin, 1 công tác quan trọng trong việc xử lý các hậu quả do chiến tranh để lại.
30 triệu người tại ĐBSCL sẽ mất nhà
nếu nước biển dâng 1m
Ít nhất 30 triệu người tại đồng bằng Sông Cửu Long sẽ mất nhà cửa, đất đai, sinh kế nếu mực nước biển dâng lên 1m.
Nhận định trên được đưa ra tại Hội thảo ‘Chia sẻ và kết nối các tổ chức về ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu’ diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng 7/11.
Truyền thông trong nước loan tin cho biết sự kiện này nằm trong khuôn khổ dự án ‘Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó thiên tại tại ĐBSCL’ do Tổ chức Bánh mì Thế giới (BFDW), Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án an ninh xã hội Việt Nam (AFV) và Tổ chức ActionAid Việt Nam (AVV) đồng tổ chức.
Theo cảnh báo của các chuyên gia quốc tế từ trước đó, thành phố Hồ Chí Minh được xác định là 1 trong 25 thành phố nằm trong các vùng ven biển có cao độ thấp và dễ bị tổn thương, tức là thuộc vùng tiếp giáp dọc theo bờ biển có độ cao thấp hơn 10 m trên mực nước biển.
Một báo cáo được công bố vào hồi năm ngoái của các nhà khoa học quốc tế cho biết, nếu nước biển tăng thêm 25 cm vào năm 2050, tần suất lũ lụt 50 năm một lần ở các khu vực nhiệt đới sẽ xảy ra hàng năm hoặc thậm chí nhiều hơn. Nếu nước biển toàn cầu chỉ dâng ở mức vừa phải là từ 20 đến 20 cm, nguy cơ lũ lụt tại các khu vực có khí hậu ấm áp sẽ tăng gấp đôi.
Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ dự báo mực nước biển trung bình toàn cầu sẽ tăng khoảng 2,5 cm vào năm 2100.
Xói lở bờ biển và bồi lấp cửa sông
ở miền Trung diễn ra nghiêm trọng
Tình trạng xói lở bờ biển và bồi lấp cửa sông tại các tỉnh ven biển miền Trung từ Nghệ An đến Bình Thuận diễn ra phức tạp và nghiêm trọng với quy mô, mức độ ngày càng gia tăng.
Đây là nhận định được đưa ra tại cuộc họp về tình hình sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông các tỉnh ven biển miền Trung dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại trụ sở Chính phủ hôm 7/11.
Báo cáo của các địa phương cho thấy tính đến tháng 7/2018, dải bờ biển miền Trung có 88 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 120 km.
Khu vực được nói bị xói lở nghiêm trọng tập trung ở các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Nguyên nhân của tình trạng xói lở được các chuyên gia đánh giá là do tác nhân sóng, thủy triều và dòng chảy. Ngoài ra còn có nguyên nhân từ con người như đắp đập ngăn song, đào kênh tưới tiêu và thoát lũ, quai đê lấn biển, phá rừng ngập mặn, hủy hoại hệ sinh thái rạn san hô, khai thác sa khoáng làm vật liệu xây dựng.
Tình trạng bồi lắng các khu vực cửa sông được nhận định đang diễn ra phức tạp với tổng cộng 40 điểm, trong đó có 24 điểm được đề nghị xử lý khẩn cấp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp nhấn mạnh 60% GDP của Việt Nam là từ các tỉnh, thành phố có biển nên cần phải bảo vệ biển và môi trường biển.
Nhắc đến thực trạng chỉ định các nhà thầu không biết làm mà đút tiền vào túi cá nhân, ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại cuộc họp rằng ‘tham nhũng trong những dự án chống thiên tai là tội ác.’
Nữ Dân Biểu gốc Việt Stephanie Murphy
tái đắc cử vào Hạ Viện Hoa Kỳ
Orlando, Florida — Nữ Dân biểu Hoa Kỳ gốc Việt Stephanie Murphy đã có chiến thắng bầu cử áp đảo để tiếp tục phục vụ tại Hạ Viện liên bang thêm một nhiệm kỳ nữa.
Theo kết quả kiểm phiếu tính đến khuya ngày Thứ Ba, bà Murphy thuộc đảng Dân Chủ giành được 57.5% số phiếu, dẫn trước đối thủ Cộng Hòa là Dân biểu tiểu bang Florida Mike Miller với 42.5% số phiếu. Bà Murphy tuyên bố trong đêm Thứ Ba rằng, việc tái đắc cử thật sự là một niềm vinh dự. Bà cho rằng thành tích của bà phục vụ cộng đồng trong hai năm qua và việc bà đặt người dân lên trên chính trị đảng phái đã khiến cho bà thu hút được lá phiếu của nhiều cử tri.
Bà Stephanie Murphy, tên Việt Nam là Đặng Thị Ngọc Dung, sinh năm 1978 tại Sài Gòn. Năm 2016, bà làm nên lịch sử khi trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên, và là người gốc Việt thứ hai, đắc cử vào Quốc Hội Hoa Kỳ, đánh bại Dân biểu Cộng Hòa John Mica với 24 năm tại chức.
Trong nhiệm kỳ dân biểu đầu tiên, bà Murphy được xem là một trong những thành viên Quốc Hội có lập trường trung dung nhất. Nữ chính khách đến từ thành phố Winter Park trước đó đã làm việc tại Bộ Quốc Phòng rồi trở thành một nhà cố vấn chiến lược. Trong suốt cuộc vận động tranh cử, bà Murphy đề cao kinh nghiệm làm việc xuyên qua lằn ranh đảng phái tại Hạ Viện, từ việc gặp gỡ Tổng thống Donald Trump tại Tòa Bạch Ốc hồi năm ngoái, cho tới việc đưa thành công một điều khoản vào dự luật ngân sách năm nay, cho phép liên bang tài trợ nghiên cứu về bạo lực súng lần đầu tiên trong nhiều thập niên.
GovTrack, một tổ chức độc lập chuyên theo dõi hồ sơ lập pháp của các dân biểu và nghị sĩ Hoa Kỳ, ghi nhận các dự luật và nghị quyết của Dân biểu Murphy có 505 người đồng bảo trợ trong năm 2017, nhiều nhất trong số các dân biểu phục vụ trong Hạ Viện ở nhiệm kỳ đầu tiên.
Huy Lam/SBTN
https://www.sbtn.tv/nu-dan-bieu-goc-viet-stephanie-murphy-tai-dac-cu-vao-ha-vien-hoa-ky/
Luật sư Trâm Nguyễn trở thành nữ dân biểu
tiểu bang Massachusetts gốc Việt đầu tiên
North Andover, Massachusetts – Một nữ luật sư gốc Việt lần đầu tiên bước vào chính trường Hoa Kỳ, cô Trâm Nguyễn, đã đánh bại vị dân cử đương nhiệm Jim Lyons hôm Thứ Ba, trở thành nữ dân biểu tiểu bang Massachusetts gốc Việt đầu tiên.
Tờ Eagle Tribune đưa tin, Dân biểu Lyons đã gọi điện thoại cho cô Trâm để nhận thua và chúc mừng cô sau 9 giờ tối, giờ Miền Đông Hoa Kỳ. Nữ luật sư 32 tuổi từ thành phố Andover ca ngợi những người ủng hộ cô đã làm việc tận lực. Cô cam kết sẽ trở thành một đại diện qua đó cử tri có thể tin tưởng tiếng nói của họ sẽ được lắng nghe.
Trâm Nguyễn là người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên từng tranh cử vào chính quyền tại Massachusetts. Cô tốt nghiệp Đại Học Tufts và Trường Luật Northeastern rồi làm việc cho Greater Boston Legal Services. Đây là một tổ chức bất vụ lợi chuyên hỗ trợ pháp lý miễn phí cho những thành phần dễ bị tổn thương trong xã hội như cựu chiến binh, người cao niên, người khuyết tật và nạn nhân bạo lực trong gia đình.
Nghị trình tranh cử của Trâm Nguyễn bao gồm đòi hỏi một chính quyền minh bạch hơn, ứng phó với cuộc khủng hoảng opioid như là một vấn đề y tế công, gia tăng các chương trình hỗ trợ cho người già và cựu chiến binh, cũng như củng cố hệ thống giáo dục công lập. Cuộc vận động tranh cử của Trâm Nguyễn đã nhận được một lực đẩy khá lớn hồi đầu tháng 10 vừa qua, khi cô được nêu tên trong danh sách các ứng cử viên thuộc đảng Dân Chủ được cựu Tổng thống Barack Obama ủng hộ.
Huy Lam/SBTN
Luật ANM: chỗ nào bảo vệ riêng tư cho người dân?
Dương Ngọc TháiViết từ Hoa Kỳ
Bài viết nói về một số điểm khác biệt chính giữa Luật An ninh mạng Việt Nam và luật General Data Protection Regulation (GDPR) (Quy định Bảo vệ Dữ liệu) của Liên minh châu Âu, và quyền riêng tư của người dân có thực sự được bảo vệ hay không.
Theo VnExpress, trong cuộc họp báo ngày 3/11/2018, thiếu tướng Lương Tam Quang – Chánh văn phòng Bộ Công an đã nói :
“…Có 18 quốc gia trên thế giới đã có văn bản luật quy định các doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu quan trọng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, như Mỹ, Canada, Trung Quốc.”
Ngày 25/5, quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân của Liên minh châu Âu cũng chính thức có hiệu lực, cho phép cá nhân kiểm soát dữ liệu của mình khi tham gia các diễn đàn, mạng xã hội. Các công ty phải cam kết không chuyển dữ liệu cá nhân cho bên thứ 3; nếu bị phát hiện sẽ bị phạt 20 triệu euro hay 4% doanh số toàn cầu.
Về con số 18 quốc gia tôi đã phân tích trong bài về dự thảo 03/10/2018, chỉ nhắc lại ở đây là ông Quang nhắc đến “dữ liệu quan trọng” nên chắc ông cũng đã tìm hiểu để thấy rằng Mỹ chỉ yêu cầu lưu trữ dữ liệu tài chính và thuế, còn Canada chỉ yêu cầu lưu trữ dữ liệu của những tổ chức hành chính công như trường học công, bệnh viện công hay cơ quan nhà nước (nguồn).
Từ Silicon Valley nghĩ về dự thảo nghị định thực thi Luật ANM
Luật ANM: Nguy cơ ‘cho cả an ninh và kinh tế’
Dự thảo Luật ANM có nhầm giữa thực với ảo?
Giả sử như người Mỹ hay người Canada sử dụng Zalo, chính phủ Mỹ và chính phủ Canada không yêu cầu Zalo phải lưu dữ liệu ở Mỹ hay Canada. Do đó tôi thấy thật khó hiểu khi ông Quang đem hai quốc gia này ra làm ví dụ.
Đến khi ông Quang nhắc đến General Data Protection Regulation (GDPR) của Châu Âu tôi chuyển từ khó hiểu sang khó ở. GDPR không giống gì với Luật An ninh mạng Việt Nam, đặt hai bộ Luật này vào cùng một câu giống như ăn hủ tíu mà cho mắm tôm.
GDPR chỉ yêu cầu lưu dữ liệu ở quốc gia đạt chuẩn
Thứ nhất, luật An ninh mạng Việt Nam yêu cầu các công ty phải lưu dữ liệu ở Việt Nam, nhưng GDPR không bắt buộc phải lưu dữ liệu ở Châu Âu, miễn sao dữ liệu được lưu ở một quốc gia đạt tiêu chuẩn an toàn dữ liệu.
Hiện tại có 13 quốc gia nằm trong danh sách này, trong đó có Mỹ, nếu bên nhận dữ liệu đảm bảo được tiêu chuẩn Privacy Shield. Các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Amazon, Facebook, Google, Microsoft, v.v. đều đạt chuẩn Privacy Shield.
Tóm lại, Châu Âu không yêu cầu các công ty này phải lưu dữ liệu ở Châu Âu, mà họ có thể lưu ở Mỹ hoặc ở các nước khác đạt chuẩn. Ở Việt Nam đến cái bồn cầu còn theo tiêu chuẩn Châu Âu, vậy mà Luật An ninh mạng lại không theo.
GDPR không yêu cầu các công ty cung cấp dữ liệu của người dân
Thứ hai, GDPR không có bất kỳ điều luật nào yêu cầu các công ty phải cung cấp dữ liệu của người dân Châu Âu cho Nghị viện Châu Âu hay chính phủ các nước thành viên, vì bảo vệ riêng tư của người dân, trước tiên, là không chuyển dữ liệu cho chính phủ, nếu không có lệnh của tòa án.
Trách nhiệm của chính phủ là giúp người dân bảo vệ dữ liệu, nhưng dữ liệu vẫn thuộc sở hữu của người dân, chứ chính phủ không có quyền tự ý quốc hữu hóa dữ liệu của dân chúng. Trong khi GDPR yêu cầu các công ty phải có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu của người dân Châu Âu và cung cấp công cụ để người dân kiểm soát dữ liệu của chính họ. Luật An ninh mạng Việt Nam yêu cầu các công ty phải cung cấp dữ liệu cho Bộ Công an, mà không có sự kiểm soát của tòa án hay bất kỳ thể chế độc lập nào.
Luật ANM Việt Nam tước đi quyền ẩn danh trên Internet của người dân
Thứ ba, Luật An ninh mạng và dự thảo 31/10/2018 tước đi quyền ẩn danh trên Internet, tức là cản trở người dân tự bảo vệ và thực thi quyền riêng tư, vì ẩn danh chính là cách bảo vệ riêng tư tốt nhất. Các công nghệ riêng tư phổ biến như Tor hay VPN chẳng làm gì khác ngoài việc che dấu danh tính của người dùng.
Thay vì giúp người dân che dấu danh tính khi sử dụng Internet, Bộ Công an lại bắt buộc người dân phải tiết lộ danh tính, yêu cầu những công ty Internet phải thu thập, xác minh và cung cấp cho Bộ Công an họ tên, ngày tháng năm sinh cho đến số chứng minh thư, số thẻ tín dụng, tình trạng sức khỏe, v.v.
Thử tưởng tượng mỗi khi đi ăn hủ tíu bà bán hủ tíu yêu cầu bạn phải cung cấp đầy đủ họ tên, địa chỉ, số chứng minh thư, sau đó bả chuyển qua cho Bộ Công an khi họ yêu cầu. Rõ ràng chuyện này không thể xảy ra ở ngoài đời. Vậy cơ sở pháp lý nào cho phép Bộ Công an bắt buộc người dân phải khai báo danh tính khi tham gia Internet?
Về mặt kỹ thuật, mạng Internet không hề yêu cầu chúng ta phải dùng danh tính thật. Bản chất của Internet là ẩn danh. Ai cũng có thể vào blog này hoặc email cho tôi mà không cần phải báo cho tôi biết họ là ai. Tiết lộ danh tính hay không là một lựa chọn của người dân, chính phủ không có quyền ép buộc.
Tôi đoán chính phủ muốn biết danh tính của người dùng Internet để dễ bắt tội phạm. Nhưng có lẽ nào vì những trang blog không do dân chúng tạo ra như Chân Dung Quyền Lực hay Quan Làm Báo mà phải hi sinh riêng tư của tất cả dân chúng và cả hệ thống chính trị?
Dân chúng lên tiếng phê phán chính quyền và các quan chức là phúc chứ không phải họa. Sợ là sợ dân giàu và giỏi bỏ đi hết, chứ sợ gì chuyện người ta bức xúc. Phàm đã là quan chức chính phủ, tức đã là người của công chúng, hãy để cho công luận quyết định công và tội.
Cây ngay không sợ chết đứng, nếu có ai đó nói sai về mình, thay vì dùng quyền lực để bịt miệng người ta, hãy để công chúng lên tiếng bảo vệ. Người dân luôn biết rõ ai làm được việc cho họ, đừng sợ làm tốt mà người ta không biết đến.
Cuối cùng, còn gì mỉa mai và cay đắng bằng khi bộ luật tước đi quyền ẩn danh của dân chúng lại được Quốc hội bỏ phiếu ẩn danh. Ngoại trừ lác đác vài ba vị đại biểu đã lên tiếng, cho đến nay dân chúng hoàn toàn không biết ai đã bỏ phiếu thuận, ai đã bỏ phiếu chống Luật An ninh mạng.
Đất nước mình lạ quá phải không em? Những người quyền cao chức trọng cần phải tuyệt đối rõ ràng minh bạch lại được quyền ẩn danh hèn nhát, còn người dân thấp cổ bé họng lại sắp bị tước đi cả cái quyền lẩn mình vào đám đông để tự vệ trước cường quyền.
* Bài viết thể hiện thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, một chuyên gia về bảo mật thông tin đang làm việc tại Silicon Valley, Mỹ.
Bài đã đăng trên blog cá nhân của Kỹ sư Dương Thái.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-46124978
Trào lưu bỏ đảng
và thoái đảng từ năm 2013 đến nay
Kính Hòa RFA
Ngày 4/11/2018, nghệ sĩ Kim Chi tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam, là người thứ 14 tuyên bố chuyện này trong vòng 10 ngày sau khi ông Chu Hảo, nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ, Giám đốc kiêm Tổng Biên Tập Nhà xuất bản Tri thức bị Ban Kiểm Tra Trung ương Đảng Cộng sản đề nghị kỷ luật.
Cách đây gần đúng 5 năm, một đảng viên cộng sản lão thành là ông Lê Hiếu Đằng cũng tuyên bố bỏ đảng. Cùng thời gian đó, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, từng làm việc cho cơ quan an ninh Việt Nam bỏ đảng. Đầu năm 2014 một viên chức ngoại giao Việt Nam tại Thụy Sĩ là ông Đặng Xương Hùng bỏ đảng.
So sánh hai đợt bỏ đảng cách nhau khá xa như thế ông Mạc Văn Trang, một nhà giáo về hưu, thuộc nhóm 14 người tuyên bố bỏ đảng sau sự kiện Chu Hảo, cho rằng cũng có những nét khác nhau:
“Trước kia mặc dù có sự tác động của việc ông Lê Hiếu Đằng ra khỏi đảng, nhưng người ta ra khỏi đảng chủ yếu là vì những lý do cá nhân. Chuyện ra khỏi đảng hôm nay bị tác động của sự việc Giáo sư Chu Hảo, một trí thức được nhiều người quí mến bị kỷ luật đảng. Nó như một giọt nước tràn ly.”
Song song với việc tuyên bố ra khỏi đảng một cách chính thức, còn có những đảng viên gọi là thoái đảng, tức là họ không sinh hoạt đảng nữa, không đóng đảng phí. Một trong những người đã từng như vậy là nghệ sĩ Kim Chi. Vào năm 2015, bà nói với đài RFA rằng bà đã bỏ sinh hoạt đảng từ lâu nhưng vẫn chưa tuyên bố bỏ đảng vì những lý do riêng.
Bà là một người bạn thân với ông Lê Hiếu Đằng.
Tôi nói chuyện với anh Chu Hảo, cụ Nguyễn Trọng Vĩnh, tôi đã viết tuyên bố, nhưng mọi người khuyên là ở lại có thể làm được điều gì đó. Tôi cũng nghĩ thế, vì trong đảng cũng có những người tốt, không phải ai là đảng viên đều khốn nạn cả.
-Nữ nghệ sĩ Kim Chi.
Bà kể lại câu chuyện của bà sau khi chính thức tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng sản vào ngày 4/11/2018:
“Tôi rất thân với anh Lê Hiếu Đằng. Lúc ngồi nói chuyện với ảnh tôi có nói chắc là đã đến lúc anh em mình ra khỏi đảng. Anh Đằng nói rằng chuyện này phải tính toán kỹ. Ít lâu sau thì anh Đằng mất. Tôi không thể lỗi hẹn với người đã mất. Tôi nói chuyện với anh Chu Hảo, cụ Nguyễn Trọng Vĩnh, tôi đã viết tuyên bố, nhưng mọi người khuyên là ở lại có thể làm được điều gì đó. Tôi cũng nghĩ thế, vì trong đảng cũng có những người tốt, không phải ai là đảng viên đều khốn nạn cả.”
Bà quyết định bỏ đảng một cách lặng lẽ từ năm 2013. Nhưng cũng như Giáo sư Mạc Văn Trang, bà thấy rằng sự kiện Chu Hảo là giọt nước tràn ly. Bà nói tiếp là không thể khi nhắm mắt mà vẫn còn mang danh hiệu đảng viên cộng sản.
Tâm lý cho rằng ở lại trong đảng dù đã chán nản, để mong có thể làm được điều gì có ích là một thực tế mà Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nói với chúng tôi nhân sự kiện Chu Hảo, vì rằng nếu muốn làm một điều gì đó mà không có liên hệ với Đảng Cộng sản thì khó có thể làm được.
Một nhà quan sát từ bên ngoài là ông Nguyễn Gia Kiểng, người thành lập tổ chức Tập hợp Dân chủ Đa nguyên tại Pháp đấu tranh cho một Việt Nam đa đảng, nói rằng ông không thấy sự khác nhau giữa hai thời điểm nhiều người bỏ đảng, hiện nay và năm 2013.
“Tôi thấy nó không khác nhau, và cũng không tạo nên một phong trào bỏ đảng mạnh mẽ. Nhưng điều cần thấy là một phong trào lớn hơn là từ bỏ sinh hoạt đảng. Chúng tôi có biết nhiều đảng viên, kể cả những đảng viên cao cấp, cho rằng hàng năm có cả chục ngàn người bỏ sinh hoạt đảng. Điều đó chứng tỏ người Việt Nam đang từ chối chủ nghĩa cộng sản và vai trò của đảng cộng sản.”
Sau khi có những tuyên bố bỏ đảng liên tục xuất hiện sau sự kiện Chu Hảo, truyền thông nhà nước cho đăng tải thông báo những tội danh mà ông Chu Hảo phạm phải, như là in sách không phù hợp chủ trương đường lối của đảng, tự chuyển biến,… Báo Thanh niên cũng cho đăng hai ý kiến được gọi là của hai đảng viên trẻ, nói rằng rất tiếc ông Chu Hảo đã có nhiều đóng góp như lại vi phạm, và việc kỷ luật ông thể hiện tính nghiêm khắc của đảng.
Đáp lại những ý kiến này bà Kim Chi cho rằng thế hệ của bà đã tham gia Đảng Cộng sản là vì lý tưởng, còn đối với những người vào đảng hôm nay có động cơ quyền lợi là chủ yếu.
Khi được hỏi rằng sự kiện Chu Hảo có tác động tới Đảng Cộng sản hay không, Giáo sư Mạc Văn Trang cho rằng nó cũng có tác động, ví dụ như một đảng viên cao cấp là ông Nguyễn Đình Bin, cựu đại sứ Việt Nam tại Pháp, viết bài cho rằng sự kiện Chu Hảo là một sai lầm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng ông Mạc Văn Trang nói tiếp rằng những người đứng đầu đảng là các ông Nguyễn Phú Trọng, Trần Quốc Vượng, Phạm Minh Chính, đã đồng ý với nhau rằng đảng đang đi đúng hướng.
Nhưng điều cần thấy là một phong trào lớn hơn là từ bỏ sinh hoạt đảng. Điều đó chứng tỏ người Việt Nam đang từ chối chủ nghĩa cộng sản và vai trò của đảng cộng sản.
-Ông Nguyễn Gia Kiểng.
Ông Nguyễn Gia Kiểng thì nói ở vị trí của họ, họ phải chứng tỏ như thế, chứ thực ra trong thâm tâm họ cũng không còn tin ở chủ nghĩa cộng sản nữa. Ông dẫn ra lời đương kim Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng từng nói rằng đến thế kỷ sau cũng chưa chắc xây dựng được chủ nghĩa xã hội.
Một điều mà những cựu đảng viên Mạc Văn Trang, Kim Chi, và nhà quan sát ngoài đảng Nguyễn Gia Kiểng đồng ý là Việt Nam sẽ phải theo qui luật tự nhiên của xã hội loài người là thực thi dân chủ. Đảng Cộng sản cũng phải tuân theo qui luật đó, nếu sớm thì sẽ bớt mất mát hơn là muộn.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/leaving-the-party-2013-now-11062018123755.html
Ngoại trưởng Triều Tiên sắp thăm Việt Nam
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho sẽ thăm Việt Nam vào ngày 27/11 để tìm hiểu về mô hình cải cách kinh tế của Hà Nội, một nguồn tin ngoại giao cho Reuters biết hôm thứ Tư 7/11.
Trong chuyến thăm Việt Nam ba ngày từ ngày 27/11, ông Ri Yong Ho dự kiến sẽ thăm các khu công nghiệp và gặp gỡ các chuyên gia kinh tế.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, trích dẫn các nguồn tin không nêu danh tính, cũng loan tin rằng ông Ri sẽ thực hiện chuyến đi ba ngày vào thời điểm như vừa nêu.
Bộ ngoại giao của Việt Nam chưa lên tiếng, cũng chưa phản hồi báo chí về chuyến thăm Hà Nội sắp tới của ông Ri.
Sau nhiều năm bị cô lập và trừng phạt vì sản xuất vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, Triều Tiên đang cố gắng xây dựng các mối quan hệ ngoại giao.
Trong các cuộc gặp gỡ trước đây với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc, lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đã đề cập đến kỳ vọng cải cách nền kinh tế của Triều Tiên và đã xem xét các mô hình trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Truyền thông Hàn Quốc loan tin rằng ông Kim nhiều lần trích dẫn những thành công đổi mới kinh tế của Việt Nam, cũng như ngưỡng mộ sự phát triển kinh tế của Singapore.
Các quan chức Mỹ cho biết nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam có thể là một ví dụ cho Triều Tiên.
Yonhap nói rằng ông Ri đã trao đổi với chính phủ Việt Nam rằng Triều Tiên hy vọng sẽ học hỏi từ mô hình phát triển của Việt Nam.
https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-trieu-tien-sap-tham-vietnam/4648354.html
Đức xác nhận thảo luận
vụ Trịnh Xuân Thanh với Việt Nam ở Berlin
Một nguồn tin ngoại giao Đức mới xác nhận với VOA tiếng Việt về cuộc họp cấp cao với quan chức Việt Nam ở Berlin giữa tuần trước, trong đó đôi bên có trao đổi về vụ “bắt cóc” ông Trịnh Xuân Thanh.
Nguồn thạo tin không muốn nêu danh tính cho biết rằng “Quốc vụ khanh Đức Andreas Michaelis một lần nữa nhấn mạnh trong các cuộc thảo luận với Thứ trưởng Ngoại giao [Bùi Thanh Sơn] rằng vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là một hành động vi phạm luật pháp quốc tế không thể chấp nhận được và gây tổn hại tới lòng tin”.
Quốc vụ khanh Đức Andreas Michaelis một lần nữa nhấn mạnh trong các cuộc thảo luận với Thứ trưởng Ngoại giao [Bùi Thanh Sơn] rằng vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là một hành động vi phạm luật pháp quốc tế không thể chấp nhận được và gây tổn hại tới lòng tin.
Nguồn tin Đức nói.
“Chính phủ liên bang Đức lên tiếng ủng hộ vụ Trịnh Xuân Thanh và vẫn đang trong quá trình thảo luận với phía Việt Nam”, nguồn tin nói.
Tuy nhiên, quan chức Đức này không xác nhận hay bác bỏ thông tin đăng trên báo chí nước này cũng như từ cộng đồng người Việt về chuyện họ nói là “Berlin đang thương lượng trả ông Trịnh Xuân Thanh về Đức”.
Báo chí Việt Nam đưa tin về cuộc gặp trên, nhưng không nhắc tới việc Đức tiếp tục cáo buộc Hà Nội “bắt cóc” ông Thanh, cũng như quan điểm của Berlin trong cuộc họp về vụ việc gây nhiều sóng gió trong quan hệ hai nước này.
Trên trang Facebook cá nhân, Đại sứ Việt Nam tại Đức, ông Đoàn Xuân Hưng, hôm 1/11 đăng tải một dòng trạng thái kèm theo hình ảnh ông chụp chung với Thứ trưởng Sơn.
Nhà ngoại giao cấp cao nhất của Việt Nam ở Đức viết: “Hôm nay là một ngày vui đối với tôi, đối với chúng ta. Thứ trưởng Thường trực BNG Việt Nam Bùi Thanh Sơn sang thăm CHLB Đức theo lời mời của BNG bạn”.
Đây được coi là cuộc trao đổi chính thức và cấp cao nhất giữa hai nước ở Berlin kể từ tháng Chín năm ngoái, sau khi bùng ra vụ việc khiến quốc gia Tây Âu tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược với nước Đông Nam Á.
Ông Hưng trong ngày 1/11 cũng đăng tải các hình ảnh quan chức hai nước tham gia cuộc họp ở Berlin, với dòng chú thích rằng “nền tảng quan hệ hai nước rất vững chắc”, “tiềm năng hợp tác trên mọi lĩnh vực rất lớn” và rằng “chắc chắn sự hợp tác ở tầm chiến lược giữa hai nước sẽ còn phát triển mạnh hơn trong tương lai”.
Tuy nhiên, hiện không thấy các hình ảnh này công khai trên trang Facebook của ông Hưng. Chưa rõ liệu nhà ngoại giao này có để chế độ riêng tư, dành riêng cho bạn bè xem các bức ảnh mà có ý kiến coi là “các tín hiệu cho thấy hai nước có thể sẽ nối lại quan hệ đối tác chiến lược trong tương lai gần”.
Trả lời VOA Việt Ngữ, luật sư của ông Thanh ở Đức, bà Petra Isabel Schlagenhauf, cho rằng cuộc gặp hôm 1/11 là “bước đi cấp cao đầu tiên” ở Berlin nhằm tìm cách “xử lý xung đột ngoại giao giữa Việt Nam và Đức”.
“Tôi hy vọng rằng phía Việt Nam giờ thấy rõ điều cần làm để giảm căng thẳng”, bà nói. “Tôi đang chờ các kết quả cụ thể về việc trả lại thân chủ của tôi về Đức. Chúng ta phải chờ xem trong vài tuần nữa”.
Tôi hy vọng rằng phía Việt Nam giờ thấy rõ điều cần làm để giảm căng thẳng. Tôi đang chờ các kết quả cụ thể về việc trả lại thân chủ của tôi về Đức. Chúng ta phải chờ xem trong vài tuần nữa.
Nữ luật sư người Đức của ông Thanh nói.
Nữ luật sư người Đức này cũng bác bỏ các tin tức đăng trên Facebook cuối tuần trước về việc ông Thanh đã “lên máy bay” về Berlin. “Ông ấy chưa trở lại Đức”, bà Schlagenhauf nói.
Hồi đầu năm nay, cựu quan chức dầu khí Việt Nam đã hai lần bị kết án tù chung thân trong hai vụ án.
Berlin từng yêu cầu Hà Nội thả ông Thanh về Đức để được cân nhắc đơn xin tị nạn.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng từng nói rằng Hà Nội “đang tiếp tục trao đổi chặt chẽ với phía Đức” và “luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức vì lợi ích của nhân dân hai nước”.