Tin Việt Nam – 05/11/2018
Dân tố cáo bị đánh tại trụ sở công an
Một nam công dân tại thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang tố cáo bị đánh bầm dập toàn thân sau khi bị công an Phú Quốc tạm giữ.
Mạng báo VTC News vào ngày 5 tháng 11 loan tin dẫn nguồn từ Trung tá Lê Minh Chánh – Trưởng Công an thị trấn Dương Đông (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) xác nhận, cơ quan này vừa nhận được đơn trình báo của ông P.Q.H. (sinh năm 1975) như vừa nêu.
Trong đơn nêu rõ lời khai của ông P.Q.H rằng “4 công an thị trấn Dương Đông và 4 cảnh sát cơ động không đeo số hiệu, không nói gì và xông tới còng tay tôi rồi đưa về thị trấn Dương Đông. Tại trụ sở công an, những người này nhốt vào phòng kín rồi đánh đập tôi. Khi tôi quỵ xuống, họ tiếp tục túm tóc tôi, đánh vào đầu và mặt. Tôi ngất đi thì họ đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Quốc”, ông H. nói.
Theo đơn của nạn nhân, do mâu thuẫn buôn bán đất đai, chiều 30/10, ông cùng 2 người khác cãi nhau với bà N.T.H. tại khu phố 10, thị trấn Dương Đông.
Đến khoảng 18h30 cùng ngày, lực lượng công an thị trấn Dương Đông đến, áp giải ông cùng 2 người về trụ sở.
Tại đây ông cáo buộc mình bị 8 cán bộ công an đánh bất tỉnh và đưa vào cấp cứu ở bệnh viện đa khoa Phú Quốc để chích thuốc giảm đau.
Lúc 11 giờ ngày 31/10, tức là 16 tiếng sau khi bị tạm giữ, ông H được trả tự do và người nhà đem đi cấp cứu tại bệnh viện trên.
Một bác sĩ không nêu tên xác nhận với báo chí nhà nước việc ông H phải đi cấp cứu tạo bệnh viện này 2 lần với đa chấn thương và nhận định các vết thương trên người ông H có thể do tác động từ “tay, chân hoặc gậy.”
Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
lên tiếng về việc cưỡng chế chùa An Cư
Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vừa công bố một bản lên tiếng sau khi nhận được tin nhà cầm quyền CS quận Sơn Trà, Đà Nẵng sắp sửa cưỡng chế thu hồi đất chùa An Cư của Thượng tọa Thích Thiện Phúc.
Như SBTN đã loan tin, nhà cầm quyền thành phố Đà Nẵng thông báo sẽ cưỡng chế giải tỏa chùa An Cư vào ngày 9 tháng 11 này. Bản lên tiếng của Tăng đoàn Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất do viện trưởng chùa Giác Hoa là Thượng tọa Thích Viên Định ký ngày 3 tháng 11. Trong đó, Tăng đoàn nêu rõ, Chư tăng và Phật tử vô cùng xót xa, lo lắng cho hoàn cảnh của Thượng tọa và Phật tử chùa An Cư sẽ giống như tình trạng đau thương của chùa Liên Trì của Hòa thượng Thích Không Tánh ở Thủ Thiêm, Sài Gòn.
Hội đồng Điều Hành Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hoàn toàn đồng ý với những đề nghị của Thượng tọa Thích Thiện Phúc với nhà cầm quyền Đà Nẵng về việc hoán đổi đất và tái định cư tại chỗ. Tăng Đoàn cầu mong cho đề nghị của Thượng tọa sớm được thực hiện, và nhà cầm quyền Đà Nẵng sẽ không lặp lại tình trạng sai trái như ở Thủ Thiêm, khi nhà cầm quyền CS quận 2, Sài Gòn đã không thực hiện theo bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm năm 1996, mà tự ý thay bằng bản đồ mới để cưỡng chế, khiến cho chùa Liên Trì và dân chúng Thủ Thiêm phải di dời ra khỏi nơi chôn nhau cắt rún, xóm làng, chùa chiền, thánh thất quen thuộc, với sự bồi thường bất hợp lý.
Huy Lam / SBTN
VN cấm 6 người nước ngoài nhập cảnh
vì ‘an ninh quốc gia’
Bộ Công An Việt Nam đã từ chối cho nhập cảnh tổng cộng 18 người nước ngoài theo chương trình thực điện tử trong trong hai năm qua, trong đó có 6 người bị cấm nhập cảnh được cho là vì lý do “an ninh quốc gia.”
Theo số liệu thống kê của Bộ Công An từ ngày 1/2/2017 – 15/10/2018, Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đã cấp 336.932 thị thực điện tử cho người nước ngoài.
Báo Tuổi trẻ trích lời Bộ Trưởng Bộ Công An Tô Lâm phát biểu tại Quốc hội hôm 5/11 rằng Việt Nam đã từ chối đối với 6 người “thuộc diện chưa cho nhập cảnh” và từ chối 13 trường hợp “vì khai không đúng sự thật khi làm thủ tục” khi bộ này áp dụng thí điểm chương trình thị thực điện tử trong hai năm qua.
Tuy nhiên, cũng báo này cho biết, hai năm qua Việt Nam cũng chưa phát hiện người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử có hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia hoặc có vấn đề phức tạp về an ninh trật tự.
Truyền thông trong nước cho biết, việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam được thực hiện bắt đầu từ ngày 1/2/2017, áp dụng với công dân của 46 quốc gia bao gồm cả Hoa Kỳ, tại 28 cửa khẩu của Việt Nam.
Thời gian qua, Việt Nam đã nhiều lần bị cáo buộc ngăn không cho một số người nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền nhập cảnh.
Vào tháng 9, bà Debbie Stothard, Tổng Thư ký Liên Đoàn Quốc tế về Nhân Quyền, cho VOA biết bà bị An ninh sân bay Nội Bài đã tạm giữ và sau đó trục xuất hôm 9/9 khi đến dự Diễn Đàn Kinh tế Thế giới về Đông Nam Á 2018 tại Hà Nội.
“Đây là lần đầu tiên tôi bị chặn. Thật là điều mỉa mai vì tôi từng đến phát biểu tại các hội thảo về nhân quyền nhưng lại không gặp rắc rối nào, nhưng khi tôi tới tham dự hội nghị về kinh tế, tôi lại gặp trở ngại”, quan chức nhân quyền quốc tế mang quốc tịch Malaysia nói với VOA Việt Ngữ.
Cũng trong sự kiện này, bà Fon Mathuros, nữ phát ngôn viên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới xác nhận rằng Việt Nam đã từ chối không cấp visa cho một lãnh đạo nhân quyền quốc tế khác, ông Minar Pimple, Giám đốc cấp cao của tổ chức Ân xá Quốc tế.
Vào tháng 10 năm ngoái, ông Dominic Pham, một người Mỹ gốc Việt tại thành phố Westminster, bang California, cho VOA biết rằng ông đã bị các viên chức an ninh cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội, chặn lại, “mời làm việc” và sau đó thông báo miệng là ông từ chối nhập cảnh với lý mà ông tin là từng đăng bài, ảnh “nói xấu chế độ.”
https://www.voatiengviet.com/a/vn-cam-6-nguoi-nuoc-ngoai-nhap-can-vi-an-ninh-quoc-gia/4644949.html
Bình luận về phát ngôn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng
Một luật sư ở Việt Nam nói với BBC rằng “không cần thiết” buộc đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng phải đính chính về phát ngôn của ông này về vi phạm của cơ quan điều tra.
Mạng xã hội nổ ra tranh cãi quanh phát ngôn của ông Lưu Bình Nhưỡng hôm 31/10 tại nghị trường: “Vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp. Tỷ lệ không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho Viện Kiểm sát 86%, xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%, vi phạm trong tống đạt 100%…”
“Tôi thấy đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an phải có thái độ hết sức nghiêm khắc đối với anh em trong cơ quan điều tra trong lĩnh vực này.”
VN: ‘Quốc hội cần đổi cách lập pháp’
VN: Quốc hội mất nhiều quyền vào tay Chính phủ?
Bình luận về kỳ họp Quốc hội VN
Chủ tịch Quốc Hội: ‘Đưa trạm BOT về tên cũ’
Sau đó, hôm 1/11, Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an dẫn lời đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: “Tôi yêu cầu trong trường hợp này là phải đính chính, phải đính chính trước Quốc hội và trước các chủ thể trong các cơ quan tư pháp đang ngày đêm làm việc tốt nhất trong việc đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm.”
“Đại biểu đưa ra con số như vậy trước Quốc hội thì chắc chắn phải chịu trách nhiệm về phát biểu của mình, nhất là nó dẫn đến một sự hiểu lầm trong xã hội, đặc biệt là các lực lượng chức năng, cụ thể là các cơ quan điều tra của Công an, Quân đội, cơ quan điều tra của Viện kiểm sát và các cơ quan tiến hành tố tụng là Viện Kiểm sát, Tòa án.”
‘Không nghiêm trọng’
Hôm 5/11, trả lời BBC từ Phú Yên, Luật sư Nguyễn Khả Thành bình luận: “Theo tôi, diễn đàn quốc hội là nơi các đại biểu cùng nhau bàn bạc để làm sáng tỏ những vấn đề hệ trọng của quốc gia. Chuyện một bên hiểu lầm ý bên kia, hay đưa ra một con số không đúng. Sau tranh luận vấn đề sẽ sáng tỏ. và có lẽ chủ tịch Quốc hội, người chủ trì sẽ đưa ra kết luận về vấn đề đó.”
“Trường hợp này không nghe Chủ tịch Quốc hội nói gì, theo tôi sự việc chắc cũng không nghiêm trọng.”
“Tôi không nói sai, không hề bịa đặt, không sử dụng bất kỳ thông tin, tài liệu “ngoài luồng” và đặc biệt không áp đặt quan điểm cá nhân với dụng ý xấu xa.ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội
“Có người cho rằng đây là tài liệu mật, không được đề cập công khai. Tôi nghĩ rằng những vụ án xâm phạm an ninh quốc gia đều thuộc về thông tin mật. Nhưng phiên tòa xét xử lại công khai. Vậy khi bào chữa, các luật sư dựa vào những tài liệu chứng cứ trong hồ sơ đưa ra tranh luận giữa phiên tòa mọi người dân đều được tham dự là đã vi phạm hết sao?”
“Đó là chưa nói đến chuyện theo Hiến pháp 2013, đại biểu Quốc hội có những quyền rất lớn khi thực hiện những nhiệm vụ của mình. Trong đó có quyền chất vấn cả chủ tịch nước, thủ tướng, bộ trưởng, và những người này có trách nhiệm trả lời. (Điều 80 Hiến pháp 2013).”
“Hầu hết đại biểu Quốc hội là người có uy tín, nhưng không phải mọi chuyện thì họ đều biết, đều đúng. Lỡ nói sai lại buộc phải đính chính theo tôi là không cần thiết.”
Cùng ngày, một nhà quan sát ở Hà Nội đề nghị ẩn danh nói với BBC: “Theo tôi hiểu, trong vụ phát ngôn của ông Nhưỡng, kết quả tính toán khác nhau thì số liệu nguồn có thể khác nhau. Các đại biểu Quốc hội có trách nhiệm nói đúng tiếng nói của cử tri nhưng phải có căn cứ vững chắc thì mới thuyết phục được.”
“Tôi biết ông Nhưỡng đã khẳng định trên trang cá nhân rằng mình phát ngôn có căn cứ, còn về phía các đại biểu có quan điểm bất đồng thì chưa thấy họ đưa ra quan điểm gì thêm. Do vậy chúng ta cùng chờ xem vụ này ngã ngũ thế nào.”
BBC liên hệ ông Lưu Bình Nhưỡng nhưng không nhận được phản hồi.
Trước đó, ông Nhưỡng, người từng là luật sư, tiến sĩ luật có hơn 20 năm làm giảng viên Đại học Luật Hà Nội, khẳng định trên trang cá nhân: “Tôi không nói sai, không hề bịa đặt, không sử dụng bất kỳ thông tin, tài liệu “ngoài luồng” và đặc biệt không áp đặt quan điểm cá nhân với dụng ý xấu xa.”
“Cái mà tôi nói có tính chất “cửa miệng” là “khủng khiếp” chẳng qua là một thói quen bình thường trước một tỷ lệ vi phạm cao, khi so sánh với các vi phạm của cơ quan khác trên lĩnh vực đó.”
Luu Binhnhuong
on Saturday
Thưa các bạn,
Tôi là Lưu Bình Nhưỡng, tiến sỹ luật học, ĐBQH Khoá 14, đơn vị tỉnh Bến Tre, hiện là Phó trưởng ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban thường vụ Quốc hội, thành viên Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Hôm nay tôi viết mấy dòng này không mong gì hơn ngoài mục đích muốn tâm sự một đôi điều với các bạn trên MXH, những người thuộc lớp tiên phong trong thế hệ 4.0; rất quan tâm và nhạy cảm trước các vấn đề xã hội xung quanh và của đất nước. Tôi thực sự lấy làm phấn khởi vì các bạn đang góp công sức vào sự nghiệp chấn hưng đất nước, chấn hưng dân tộc, để mọi người đều được cống hiến với non sông, đất nước.
Tôi rất muốn các bạn dành chút thời gian đọc những lời tâm sự sau đây của tôi để mọi người cùng chia sẻ, cùng hiểu nhau hơn.
Vừa qua, tôi phát biểu trên Hội trường Quốc hội về tỷ lệ vi phạm trong hoạt động tư pháp của cơ quan điều tra công an. Tôi nói điều đó với mục đích là mong muốn đồng chí đứng đầu ngành công an nước ta quyết liệt hơn để nâng cao hiệu quả điều tra phòng chống tội phạm, thực hiện chỉ tiêu Quốc hội giao; đồng thời chấn chỉnh, xử lý những sai phạm của một bộ phận cán bộ công an thoái hoá, biến chất; mà ngay nhiều cử tri là cán bộ, sỹ quan, chiến sỹ trong ngành công an trao đổi với tôi nói rằng không thể chấp nhận. Như các bạn đã biết câu chuyện về các sỹ quan cấp tướng trong ngành công an tiếp tay cho tội phạm; nhiều người vi phạm pháp luật bị xử lý về mặt đảng, thậm chí bị xử lý hình sự… Nỗi đau và sự xấu hổ càng trầm trọng khi mà người đứng đầu cơ quan điều tra phòng chống tội phạm, một người từng được xã hội tung hô, ca ngợi… cũng vướng vào đường dây phạm tội; người đứng đầu cơ quan phòng chống tội phạm công nghệ cao là chính là kẻ tòng phạm, bảo kê cho đường dây đánh bạc ngàn tỷ; rồi mới đây, tiếp tục lại có một số sỹ quan, kể cả cấp tướng sai phạm đã bị phát hiện, bị xử lý… Điều đó làm cho người dân không còn yên tâm, thiếu sự tin cậy với lực lượng chấp pháp từng được dân tin yêu, với 6 lời thề như khắc vào đá; lực lượng được quan tâm, ủng hộ, trang bị… để giữ cho dân yên, giờ lại là nỗi ám ảnh của người dân? Tình trạng bức cung, nhục hình, bỏ qua lời kêu than của người dân, sử dụng quyền lực người dân trao cho để vun vén lợi ích riêng; sử dụng nghiệp vụ được nhà nước đào tạo để làm những việc không chính đáng… Điều này báo chí, xã hội đều biết.
Đáng tiếc là nó đã làm hoen ố hình ảnh đẹp của CAND vì Nước quên thân, vì Dân phục vụ, mà các thế hệ cán bộ, sỹ quan, chiến sỹ hôm qua và hôm nay phải tốn bao mồ hôi, đổ bao máu xương mới tạo dựng được.
Câu chuyện tôi nêu trên nghị trường là một phần của tất cả những cái ngoài xã hội đang tồn tại mà các bạn và tôi ít nhiều đều biết, dễ hiểu. Chỉ có những ai dối trá, thiếu trách nhiệm hoặc cố tình che đậy, cố tình không muốn hiểu để tiếp tục dùng danh hiệu dân trao nhằm vụ lợi, làm chuyện xấu xa mới nói là KHÔNG mà thôi.
Với tư cách là người đại biểu hoạt động chuyên trách của Nhân dân, vì sự cẩn trọng và tôn trọng nguyên tắc pháp luật, sự điều hành của Chủ tịch nên tôi chỉ nêu tỷ lệ phần trăm vi phạm của cơ quan điều tra trong các lĩnh vực đã được thống kê trong báo cáo gửi cho ĐBQH nghiên cứu, thảo luận. Và tôi cũng đã cam đoan trước quốc dân đồng bào cử tri cả nước là tôi không nói sai, không hề bịa đặt, không sử dụng bất kỳ thông tin, tài liệu “ngoài luồng” và đặc biệt không áp đặt quan điểm cá nhân với dụng ý xấu xa. Cái mà tôi nói có tính chất “cửa miệng” là “khủng khiếp” chẳng qua là một thói quen bình thường trước một tỷ lệ vi phạm cao khi so sánh với các vi phạm của cơ quan khác trên lĩnh vực đó. Ngay cuối giờ chiều hôm đó, thật may mắn tôi đã được Chủ tịch Quốc hội cho phép trao đổi và tôi đã báo cáo rõ nguồn tài liệu, cách tính và so sánh của tôi để Chủ tịch biết. Các bạn hết sức thông cảm vì tôi không thể nói chi tiết hơn về việc đó, chỉ mong các bạn hãy tin đó là sự thật 100%, với độ chính xác cao với hai con số sau “dấu phẩy”.
Tôi nói vậy không để thanh minh điều gì, nhưng muốn khẳng định rằng, là ĐBQH chuyên trách ở Trung ương, lại là người luôn phải biết lắng nghe tiếng Dân, tôi không được phép làm điều trái đạo lý và đi ngược lòng Dân.
Tôi rất muốn các bạn, đồng bào cử tri và Nhân dân cả nước luôn quan tâm, ủng hộ, dõi theo, giám sát chặt chẽ hoạt động của người đại biểu do mình bầu ra; ủng hộ Quốc hội và các cơ quan thực hiện tốt những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã trao cho. Mọi người hãy vì cái chung để góp ý kiến, bàn luận với tinh thần cởi mở, dân chủ, thẳng thắn và không nên có thái độ hằn học, cực đoan, xúc phạm người khác. Khi tham gia MXH cũng là thời điểm phải đề cao phẩm chất con người, tôn trọng người khác, tự rèn luyện và tập dượt thói quen đạo đức để tránh làm hại bản thân vì sự hằn học và đừng làm tổn thương người khác, biết đâu làm khổ tâm chính người thân yêu của mình…Cũng đừng để ai lợi dụng mình để thoả mãn những mục đích thấp hèn của họ. Nếu thực sự chưa rõ, chưa hiểu, chưa chắc chắn thì không nên nói như “đinh đóng cột”. Vì khi nói sai là tự tạo “Khẩu Nghiệp” cho mình và gia đình của mình.
Riêng tôi, tôi sẽ có báo cáo với các đồng chí lãnh đạo và cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý thật công bằng vụ việc này.
Tôi xin có mấy lời mạo muội mong các bạn trên MXH, cử tri cả nước biết để cùng chia sẻ.
Chúc mọi người cuối tuần vui vẻ, tâm an lạc, nhiều may mắn./.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46088077
Bộ công an lên tiếng
sau chất vấn của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng
Bộ Công an cho rằng số liệu của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đưa ra trong phiên chất vấn sáng 31/10/2018 là không chính xác.
Kết luận vừa nêu được đưa ra tại Cổng Thông tin Điện Tử của Bộ Công An ngày 5 tháng 11. Theo đó, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, sáng 31/10, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng có chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an và đưa ra con số vi phạm của cơ quan điều tra rất lớn, cụ thể không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho Viện kiểm sát 86%, xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%, vi phạm tống đạt 100%…
Theo số liệu của Bộ công an đưa ra hôm nay, 5/11/2018 trên báo chí trong nước thì từ 1/10/2017 đến 30/9/2018, các Cơ quan điều tra tiếp nhận và giải quyết 98,83% lượng tin báo, tố giác tội phạm.
Tổng số tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đã giải quyết đạt tỷ lệ 87,20%.
Cũng theo Bộ công an thì tại phiên chất vấn, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã cung cấp đánh giá của Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho thấy đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đánh giá không chính xác.
Tuy nhiên trên trang facebook cá nhân, hôm 3/11/2018 ông Lưu Bình Nhưỡng có viết rằng “Với tư cách là người đại biểu hoạt động chuyên trách của Nhân dân, vì sự cẩn trọng và tôn trọng nguyên tắc pháp luật, sự điều hành của Chủ tịch nên tôi chỉ nêu tỷ lệ phần trăm vi phạm của cơ quan điều tra trong các lĩnh vực đã được thống kê trong báo cáo gửi cho ĐBQH nghiên cứu, thảo luận. Và tôi cũng đã cam đoan trước quốc dân đồng bào cử tri cả nước là tôi không nói sai, không hề bịa đặt, không sử dụng bất kỳ thông tin, tài liệu “ngoài luồng” và đặc biệt không áp đặt quan điểm cá nhân với dụng ý xấu xa.”
Lo ngại dự thảo nghị định an ninh mạng
‘bóp nghẹt’ tự do biểu đạt
Người dân Việt Nam có một tháng, từ ngày 2/11 đến 2/12, để góp ý về Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật An ninh Mạng mới được Bộ Công an công bố chính thức.
Trong những ngày qua, trên mạng xã hội Facebook, nhiều người bày tỏ quan điểm lo ngại rằng nếu dự thảo nghị định được thông qua, bí mật cá nhân của người dân sẽ bị lộ trong khi quyền tự do biểu đạt sẽ bị “bóp nghẹt”.
Dự thảo nghị định, được báo chí trong nước như VnEconomy, Zing.vn hay Enternews.vn tóm lược lại, chứa đựng các quy định theo đó nhiều loại doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài phải “lưu trữ dữ liệu” khi đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện ở Việt Nam.
Đó là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet; dịch vụ lưu trữ, chia sẻ dữ liệu trên không gian mạng; cung cấp tên miền quốc gia hoặc quốc tế cho người sử dụng tại Việt Nam; thương mại điện tử; thanh toán trực tuyến; mạng xã hội và truyền thông xã hội; trò chơi điện tử trên mạng; thư điện tử, và một số dịch vụ khác, theo các bản tin.
… về kinh tế là nó sẽ ảnh hưởng đến ngành ICT. Rất nhiều người muốn làm việc, muốn mở chi nhánh hoặc muốn làm dịch vụ tại Việt Nam nhưng người ta ngại. Ngành ICT khi anh làm chính sách thì anh để cho chính sách là hành lang để ngành ấy phát triển chứ không phải là chính sách để bóp nghẹt.
Một chuyên gia IT
Vẫn theo các báo, dự thảo nghị định này cũng có điều khoản yêu cầu rằng dữ liệu phải lưu trữ ở Việt Nam gồm 19 trường thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, trong đó có các thông tin bị nhiều người xem là “nhạy cảm” về mặt bí mật cá nhân như “số thẻ bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng, tình trạng sức khỏe, hồ sơ y tế, sinh trắc học”.
Một bài tường thuật của Enternews.vn hôm 3/11 trích lời phát ngôn viên của Bộ Công an, Thiếu tướng Lương Tam Quang, nói tại một cuộc gặp với báo chí rằng bộ của ông “khẳng định” là dự thảo nghị định “không trái với quốc tế”. Ông Quang nói thêm là sau khi các cơ quan, cá nhân, tổ chức góp ý về dự thảo, Bộ Công an “sẽ tổng hợp và giải trình cụ thể”.
Chưa có thông tin chính thức từ nhà chức trách cho biết khi nào dự thảo nghị định sẽ được thông qua, trong khi chính Luật An ninh Mạng, vốn cũng gây nhiều tranh cãi và lo lắng, sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019 sắp tới.
Bộ Công an: Luật ANM sẽ không kiểm soát hoạt động công dân
Bộ Công an soạn dự thảo Nghị định Luật An ninh mạng, dân lo bị ‘xâm hại’
Không lâu sau khi công bố dự thảo nghị định hướng dẫn về thi hành Luật An ninh Mạng, Bộ Công an cũng công bố một bản giải trình về luật dưới dạng hỏi-đáp, theo một bản tin của VnEconomy hôm 4/11.
Bài báo trích thông tin từ Bộ Công an nói bộ “khẳng định” là Luật An ninh Mạng “không kiểm soát và làm lộ thông tin của công dân”. Theo giải thích của Bộ, chỉ khi nào việc “điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng” đặt ra yêu cầu, lúc đó, một số doanh nghiệp nhất định mới phải “cung cấp thông tin” của cá nhân nào “có liên quan tới hành vi vi phạm pháp luật đó”.
Bộ nói lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng “chỉ được phép tiếp cận thông tin cá nhân của người sử dụng có hoạt động vi phạm pháp luật” với trình tự, thủ tục mà bộ mô tả là “nghiêm ngặt (bằng văn bản), được các cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
Nếu lực lượng bảo vệ an ninh mạng lạm dụng, làm lộ thông tin cá nhân của người sử dụng, lực lượng đó “sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”, bộ nhấn mạnh, theo bài báo của VnEconomy.
Vẫn theo bản tin, Bộ Công an nói Luật An ninh Mạng “không cấm người dân truy cập Facebook, Google, Youtube”. Người dân Việt Nam vẫn “được tự do” truy cập vào các trang mạng này hay trên bình diện rộng hơn là bất kỳ trang mạng xã hội nào khác ở trong và ngoài nước, bộ cho hay.
Tuy nhiên, những lời trấn an này chưa làm công chúng và giới chuyên môn yên lòng. Một số luật sư, chuyên gia công nghệ thông tin được nhiều người biết tiếng đã góp lời về vấn đề này.
Luật sư Trần Vũ Hải viết trên Facebook cá nhân hôm 3/11 rằng ông “hoan nghênh” chính phủ và Bộ Công an “đã lắng nghe ý kiến của cư dân mạng” và ông cho rằng dự thảo nghị định “đã điều chỉnh một số nội dung so với trước, ghi nhận có lắng nghe ý kiến của các chuyên gia!”
Ông Hải đưa ra đề nghị rằng “giới luật, kinh doanh và các công dân Việt cần nghiên cứu Dự thảo này và đóng góp ý kiến cho Chính phủ và Bộ Công an”. Ông khẳng định lại quan điểm cá nhân rằng nếu Luật An ninh Mạng vẫn giữ “nội dung hiện tại”, nó sẽ gây ảnh hưởng “nghiêm trọng đặc biệt” đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Luật này “cần phải xem xét lại”, ông Hải viết.
Một chuyên gia công nghệ thông tin từng làm việc ở nước ngoài nhiều năm song không muốn nêu tên, chia sẻ với quan điểm của luật sư Hải. Vị chuyên gia nói với VOA:
“Về mặt kỹ thuật đã đành, nhưng cái chính là về kinh tế là nó sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghệ thông tin và máy tính, ICT. Rất nhiều người muốn làm việc, muốn mở chi nhánh hoặc muốn làm dịch vụ tại Việt Nam nhưng người ta ngại. Ngành ICT khi anh làm chính sách thì anh để cho chính sách là hành lang để ngành ấy phát triển chứ không phải là chính sách để bóp nghẹt”.
Giới hoạt động, luật sư kêu gọi phản đối dự thảo nghị định an ninh mạng
Gần 70 ngàn người ký kiến nghị đòi hoãn luật an ninh mạng
Trên diễn đàn “Bàn luận về Kinh tế – Chính trị” có gần 200.000 thành viên, trong những ngày qua đã có ít nhất 3 cuộc thảo luận với hàng chục lời bình về dự thảo nghị định.
Sau khi dự thảo nghị định về thi hành Luật An ninh Mạng được nhà nước công bố, quản trị viên có tên Nguyễn Việt Nam của diễn đàn mở công khai này, đặt trên nền tảng Facebook, viết hôm 3/11 rằng luật kể trên sẽ được thực thi, song không phải là để bảo vệ nhân dân mà “mục đích chính là nhằm triệt hạ bất đồng chính kiến trên mạng xã hội để ngu dân”.
Quản trị viên này, thường gọi tắt là admin, có quan điểm là các điều khoản của luật “rất khắt khe, vô lý về tự do ngôn luận, nhân quyền, thông tin cá nhân”. Vị này cũng đưa ra dự đoán rằng khi luật chính thức có hiệu lực từ đầu năm tới, có thể xảy ra việc các hãng như Facebook, Google, Youtube sẽ rút khỏi Việt Nam, và thay thế vào đó là các hãng có chức năng tương tự đến từ Trung Quốc.
Nhiều thành viên diễn đàn bày tỏ đồng quan điểm với bài viết của admin Nguyễn Việt Nam. Một số người kêu gọi ký tên vào một thư kiến nghị trên trang change.org đòi “hoãn Luật An ninh Mạng”.
Sau khi Luật An ninh Mạng ra đời, xuất hiện mối lo các hãng Facebook, Google v.v… sẽ rời Việt Nam
Tính đến ngày 5/11, đã có hơn 71.300 người ký vào thư kiến nghị có tiêu đề “Dự thảo nghị định về Luật An ninh Mạng: Đặc biệt xâm phạm không gian riêng tư”.
Ân Xá Quốc Tế kêu gọi VN tôn trọng nhân quyền trong Luật An ninh mạng
17 nghị sĩ Mỹ yêu cầu Google, Facebook chống lại Luật an ninh mạng VN
Hồi tháng 10, Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) bày tỏ quan ngại sâu sắc về Luật An ninh Mạng sắp có hiệu lực và thúc giục Quốc hội Việt Nam hãy lập tức có biện pháp phòng ngừa những tác hại của dự luật đối với quyền con người.
Trước đó ba tháng, 17 nhà lập pháp Mỹ kêu gọi các lãnh đạo hai hãng Facebook và Google chống lại những thay đổi được quy định tại Luật An ninh Mạng của Việt Nam.
Bức thư do các dân biểu Mỹ thuộc Nhóm Vietnam Caucus soạn thảo có đoạn: “Nếu chính phủ Việt Nam buộc các công ty của quý vị phải hỗ trợ và kiểm duyệt thông tin, thì đây là vấn đề cần được nêu thông qua kênh ngoại giao và ở cấp cao nhất”.
Cựu tướng Công an Phan Văn Vĩnh
muốn hầu tòa trong lúc nằm bệnh viện
Cựu Trung Tướng Công an Phan Văn Vĩnh vừa nộp đơn lên thẩm phán xin tham gia phiên tòa trong lúc ông đang điều trị bệnh ở Bệnh viện đa khoa Phú Thọ.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu vào ngày 5 tháng 11.
Tin cho biết cựu Tướng Phan Văn Vĩnh cùng 91 bị cáo khác sẽ ra hầu tòa trong phiên sơ thẩm, xét xử vụ án “đánh bạc ngàn tỷ” xuyên quốc gia, được dự kiến bắt đầu diễn ra vào ngày 12 tháng 11 tới đây và sẽ kéo dài trong 20 ngày.
Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang, luật sư bào chữa cho cựu Tướng Phan Văn Vĩnh cho báo giới biết bên cạnh việc nộp đơn xin tham gia phiên tòa, cựu Tướng Phan Văn Vĩnh còn làm giấy cam kết với bệnh viện để xin xuất viện tham gia phiên tòa. Lý do được nói vì bị cáo Phan Văn Vĩnh đang điều trị tại bệnh viện nên khi xuất viện thì phải làm cam kết.
Luật sư bào chữa của cựu tướng Phan Văn Vĩnh còn cho biết thêm bệnh viện đa khoa Phú Thọ sẽ cử một tổ y, bác sĩ theo cùng ông cựu tướng bị cáo trong suốt phiên tòa.
Trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát bị truy tố với cáo buộc “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan trong đường dây đánh bạc ngàn tỷ. Tướng Phan Văn Vĩnh bị Cơ quan điều tra đề nghị truy tố vào hôm 18 tháng 7 năm 2018 và với tội danh bị truy tố, cựu Tướng Phan Văn Vĩnh được nói có thể đối mặt hình phạt tối đa là 10 năm tù.
Trong vụ đánh bạc vừa nêu, ngoài ông Phan Văn Vĩnh, còn có ông cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục Trưởng Cục Cảnh Sát Phòng Chống Tội Phạm Công Nghệ Cao (C50) bị bắt tạm giam khi ở tại Bệnh Viện 198. Sau đó ông này bị di lý về Trại giam Công an tỉnh Phú Thọ. Cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa bị khai nhận hối lộ hơn 17 tỷ đồng từ ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản Trị Công ty TNHH Phát triển An Ninh Công Nghệ Cao. Ngoài ra ông này còn bị nghi nhận 700 triệu đồng từ của các đối tượng khác dưới dạng quà biếu, lễ tết, các chuyến đi nghỉ mát… Theo cáo trạng của Công an tỉnh Phú Thọ thì Công ty của ông Nguyễn Văn Dương là dạng bình phong cho C50. Công ty này cũng biếu cho ông Phan Văn Vĩnh hằng chục tỷ đồng.
Dân TQ Quậy Quá Cỡ:
Vô Đà Nẵng Dẫn Tour Chui
HANOI — Người Trung Quốc tràn vào Đà Nẵng kinh doanh du lịch…
Báo Người Đưa Tin ghi nhận tình hình: Đà Nẵng “đau đầu” vì người nước ngoài dẫn tour “chui”…
Hiện tượng người nước ngoài nhập cảnh vào TP.Đà Nẵng sai mục đích thị thực là có thực. Nhiều đối tượng liên kết người Việt để dẫn tour du lịch, hướng dẫn viên du lịch trái quy định pháp luật…
Bản tin ghi rằng vào ngày 1/11/2018, đại diện sở Du lịch TP.Đà Nẵng cho biết, trong tháng 10/2018, đơn vị đã kiểm tra, phát hiện và xử phạt 6 trường hợp vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt 42,5 triệu đồng. Trong đó, 5 hướng dẫn viên Việt Nam vi phạm với số tiền 25 triệu đồng, 1 người nước ngoài về hoạt động hướng dẫn du lịch trái phép tại Việt Nam với số tiền 17,5 triệu đồng.
Cũng theo đơn vị này, trong 9 tháng đầu năm 2018, Sở tiến hành hơn 180 lượt kiểm tra hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên du lịch và các cơ sở lưu trú, đã phát hiện và ban hành 47 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 294 triệu đồng. Trong đó, hoạt động lưu trú 6 triệu đồng, hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch hơn 288 triệu đồng.
Đặc biệt, chỉ trong 6 tháng đầu năm Thanh tra sở Du lịch TP.Đà Nẵng đã phát hiện 23 người nước ngoài vi phạm trong hoạt động hướng dẫn du lịch, 20 người Trung Quốc và 3 người Nam Hàn. Cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính 20 người, hủy thị thực, buộc xuất cảnh và tạm cấm nhập cảnh 11 trường hợp.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là không mang theo chương trình, giấy tờ phân công nhiệm vụ khi hành nghề; tự ý thay đổi chương trình du lịch; không quản lý đoàn khách theo quy định; không hướng dẫn du lịch tuân thủ pháp luật; giả mạo giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp thẻ hướng dẫn du lịch; không mang thẻ hướng dẫn viên trong khi hành nghề…
Gần đây, sở Du lịch TP.Đà Nẵng đã có công văn gửi Công an TP.Đà Nẵng xử lý chi nhánh công ty TNHH Du lịch Eviva tại địa phương này về hành vi không thực hiện đúng trách nhiệm của đơn vị bảo lãnh nhập cảnh người nước ngoài. Đồng thời, gửi văn bản đề nghị cục Quản lý xuất nhập cảnh, bộ Công an, đưa trường hợp bà Wang Jihong (SN 1970), quốc tịch Trung Quốc, vào diện chưa cho nhập cảnh vào Việt Nam và xem xét lại việc thực hiện bảo lãnh nhập cảnh cho khách du lịch ở chi nhánh công ty Eviva tại TP.Đà Nẵng.
Thê thảm cũng là khi áo dài bị xuyên tạc là từ xường sám. Bản tin Người Đưa Tin kể:
“Công ty Eviva bảo lãnh gia hạn tạm trú cho Wang Jihong nhập cảnh vào TP.Đà Nẵng với mục đích du lịch. Tuy nhiên, người này lại thực hiện dẫn khách, làm hướng dẫn viên và bị phát hiện thuyết minh sai lệch. Bà này nói, áo dài Việt Nam xuất xứ từ sườn xám của Trung Quốc và Việt Nam trước đây là một khu vực nhỏ thuộc Trung Quốc.”
https://vietbao.com/p124a287245/dan-tq-quay-qua-co-vo-da-nang-dan-tour-chui
Nhật Bản truy tìm
người viết chữ tiếng Việt lên di tích quốc gia
Một trong những phiến đá thuộc thành cổ Yonago, tỉnh Tottori , Nhật Bản bị phá hiện có nhiều ký tự tiếng Latinh được vạch lên, trong đó có 1 phiến đá có dòng chữ “A Hào” cùng hình vẽ ngôi sao và trái tim.
Báo trong nước dẫn nguồn từ các trang tin với nội dung trong thông báo mới nhất của Ban quản lý văn hoá thuộc di tích thành cổ Yonago hôm thứ Hai 5 tháng 11.
Tin cho biết, khoảng 4 giờ chiều ngày 26 tháng 10, 1 nhân viên bộ phận văn hoá thành phố này phát hiện các ký tự ‘A’ và ‘Hào’ cùng 2 ký hiệu hình ngôi sao và trái tim trên 1 phiến đá, có chiều dài 70 cm rộng 40 cm. Theo đánh giá ban đầu, những hình ảnh được tạo ra từ vật nhọn khắc lên đá. Cộng đồng mạng cho rằng dòng chữ đó do người Việt Nam tên Hào cố ý viết lên.
Nhật báo Mainichi cho biết đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng vẽ bậy tại khu di tích thành cổ Yonago. Đại diện của Ban quản lý thành cổ khẳng định đang tham vấn thêm về việc vi phạm luật Bảo tồn di sản văn hoá đối với trường hợp này.
Tình trạng khắc lên đá như vừa nêu ngay tại Việt Nam cũng từng xảy ra ở những khu di tích như Núi Ngũ Hành Sơn, các hang động tại Quảng Bình…
Giới chức Tổng Liên đoàn Lao động CSVN
lo ngại về ‘công đoàn vàng’
Một giới chức Tổng Liên đoàn Lao Động CSVN bày tỏ lo ngại về một loại tổ chức gọi là “công đoàn vàng,” hoặc một loại tổ chức đại diện cho người lao động nhưng tham gia hoạt động chính trị.
Truyền thông trong nước đưa tin, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động CSVN Ngọ Duy Hiểu đã đưa ra nhận định đầy sợ hãi như vừa nêu, trong một phiên họp hôm 2 tháng 11 tại trụ sở quốc hội CSVN về dự thảo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo ông Hiểu, sự kiện lần đầu tiên những nghiệp đoàn độc lập được phép hiện hữu dưới chế độ CS sẽ đặt ra thách thức rất lớn với tổ chức công đoàn hiện hữu. Nhưng giới quan sát đánh giá rằng, những phát biểu của quan chức tổng liên đoàn phản ánh thái độ sợ sệt của những cán bộ CS quen hưởng thụ nhiều đặc lợi.
Tờ Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam hôm 5 tháng 10 nhận định rằng, Tổng Liên đoàn Lao động CSVN có thể được xem là tổ chức “công đoàn vàng” lớn nhất.
Theo nhiều nguồn tin từ công nhân, các lãnh đạo công đoàn nhà nước CS được trả lương cao nhưng chỉ biết chăm lo cho giới chủ đầu tư và làm theo chỉ thị của đảng cầm quyền thay vì bảo vệ người lao động. Giới lãnh đạo công đoàn ở nhiều địa phương thường thỏa hiệp với giới chủ và toa rập với công an để theo dõi công nhân, chỉ điểm những người đứng đầu phong trào đình công để công an truy bức. Từ rất nhiều năm qua, tổng liên đoàn còn tự đặt ra quy chế để thụ hưởng ít nhất 3% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp, gồm 2% do các doanh nghiệp đóng góp bắt buộc, và 1% từ thu nhập của người lao động. Trong khi đó, tổng liên đoàn chưa bao giờ đứng ra tổ chức bất cứ cuộc đình công nào để tranh đấu cho những quyền lợi chính đáng của công nhân, trong gần 1,000 cuộc đình công diễn ra hàng năm tại Việt Nam.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/gioi-chuc-tong-lien-doan-lao-dong-csvn-lo-ngai-ve-cong-doan-vang/
Vụ GS Chu Hảo khiến sách về dân chủ ‘cháy hàng’
Tin Giáo sư Chu Hảo bị xem xét kỷ luật làm dấy lên một “làn sóng săn lùng sách của Nhà xuất bản Tri Thức,” chủ nhiệm một nhóm nghiên cứu học thuật Việt Nam trả lời BBC hôm 3/11.
Chị Nguyễn Vi Yên, Chủ nhiệm nhóm Tinh Thần Khai Minh, một nhóm hoạt động nghiên cứu thuần túy trong lĩnh vực khoa học chính trị, bình luận rằng không chỉ giới tri thức mà cả đại chúng cũng “bất bình trước cách hành xử vô lý của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản.”
Hôm 25/10, cơ quan này tuyên bố ông Chu Hảo, Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức bị “đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật” vì những “vi phạm nghiêm trọng”.
Ngày 26/10, ông Chu Hảo ra tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng sản.
Sau đó, nhiều người trong giới trí thức, văn sĩ đồng loạt tuyên bố rời khỏi Đảng Cộng sản, trong đó đáng chú ý có nhà văn Nguyên Ngọc.
Kỷ luật GS. Chu Hảo có giúp bảo vệ Đảng?
Đảng Cộng sản nêu ‘sai trái’ của GS Chu Hảo
Kỷ luật ông Chu Hảo là ‘giọt nước tràn ly’
Sách về tự do, dân chủ ‘cháy hàng’?
“Chưa bao giờ tôi được chứng kiến một làn sóng săn lùng sách của NXB Tri Thức như lần này,” chị Vi Yên bình luận về mối quan tâm của không chỉ giới học thuật mà còn cả quần chúng đối với vụ GS Chu Hảo bị kỷ luật.
“Nhiều chủ tiệm sách cho biết hàng loạt sách về tự do, dân chủ trong Tủ sách Tinh hoa của NXB Tri Thức đã ‘cháy hàng’.”
Không chỉ có giới tri thức hay giới học thuật lên tiếng đứng về phía GS Chu Hảo, mà đại chúng cũng lấy làm bất bình trước cách hành xử vô lý và phản tiến bộ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản.Nguyễn Vi Yên, Chủ nhiệm nhóm Tinh Thần Khai Minh
“Nói vậy để thấy được vụ việc này đã lan rộng tới đâu,” chị Vi Yên nói thêm.
“Không chỉ có giới tri thức hay giới học thuật lên tiếng đứng về phía GS Chu Hảo, mà đại chúng cũng lấy làm bất bình trước cách hành xử vô lý và phản tiến bộ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản.”
“Rõ ràng, qua những sự vụ như thế này, Đảng Cộng sản đang tự đánh mất tính chính danh của mình, làm xấu hình ảnh của mình trong lòng dân.”
Có thêm các trí thức ‘bỏ Đảng’ sau vụ TS Chu Hảo
GS Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật vì ‘tự diễn biến’
‘Đóng góp quan trọng cho xã hội dân sự và tri thức’
Chủ nhiệm nhóm Tinh Thần Khai Minh trong chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt hôm 1/11 cho biết chị từng có thời gian làm việc với GS Chu Hảo, từ 2014 đến 2016.
Từ kinh nghiệm cá nhân, chị Vi Yên nói chị thấy “những đóng góp của GS Chu Hảo cho xã hội dân sự nói chung và trong mảng tri thức nói riêng là rất quan trọng cho Việt Nam”.
“Thầy Bùi Văn Nam Sơn, một nhà nghiên cứu Triết học ở Việt Nam rất nổi tiếng, từng nói là “bạn hãy nói cho tôi biết nước bạn đã dịch được những gì thì tôi sẽ nói cho bạn biết nền học thuật của nước bạn hiện như thế nào,” Vi Yên nói với ý so sánh với các đầu sách từng được dịch, in trong thời gian ông Chu Hảo lãnh đạo Nhà xuất bản Tri Thức.
‘Môi trường học thuật bị chèn ép’
Từng học tập tại châu Âu và hiện đang làm việc tại Cộng hòa Czech, chị Vi Yên nhận xét ở Việt Nam “môi trường học thuật không tự do dẫn đến chưa thể hình thành được một đội ngũ các nhà khoa học chất lượng”.
Chị Vi Yên nêu ví dụ về “môi trường học thuật bị ràng buộc” qua việc “những ấn phẩm của Nhà xuất bản Tri thức như cuốn Đường về nô lệ, chỉ đơn thuần là chuyển tải tư tưởng của một vị triết gia là Hayek thôi mà đã bị cấm xuất bản và đã bị nêu tên trên tuyên bố của Ủy ban Kiểm tra Trung ương”.
Đừng hỏi tại sao các chính sách ở Việt Nam mình lại tồi tệ và đừng hỏi tại sao vấn nạn ở Việt Nam lại xảy ra nhiều như vậy khi mà môi trường học thuật ở Việt Nam bị ràng buộc, bị chèn ép giống như là vụ GS Chu Hảo bị đưa ra xem xét kỷ luật.Nguyễn Vi Yên , Chủ nhiệm nhóm Tinh Thần Khai Minh
“Có thể thấy là trong quá trình nghiên cứu, trao đổi và thảo luận ở Việt Nam mà mình còn chưa làm sáng tỏ được những vấn đề xã hội về mặt khoa học để có thể làm cơ sở cho việc đưa ra cuốn sách.”
“Cho nên là đừng hỏi tại sao các chính sách ở Việt Nam mình lại tồi tệ và đừng hỏi tại sao vấn nạn ở Việt Nam lại xảy ra nhiều như vậy khi mà môi trường học thuật ở Việt Nam bị ràng buộc, bị chèn ép giống như là vừa rồi GS Chu Hảo bị đưa ra xem xét kỷ luật.”
Theo chị Vi Yên, ở Việt Nam có nhiều chuyển dịch khác nhau trong xã hội. Có người chọn cách ở trong Đảng và sử dụng vị trí của họ để xây dựng xã hội, trong khi có người chọn cách bước ra khỏi Đảng và “đứng về phía người dân và lên tiếng”.
Giáo sư Chu Hảo hoàn toàn có thể bước ra bên ngoài và “tham gia mạnh mẽ hơn vào trong xã hội dân sự giống như có rất nhiều nhóm NGO, CSO vẫn đang hoạt động,” chị Vi Yên nói hôm 1/11.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46097008
Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương
phân trần việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo
Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam ra thông báo giải thích vì sao có đề nghị kỷ luật Giáo sư Chu Hảo.
Truyền thông trong nước vào ngày 5 tháng 11 loan tin về thông báo này. Trang web của Ủy ban chuyên trách việc kỷ luật các đảng viên cộng sản, vào ngày 31/10/2018 đăng bài kể ra những điều mà Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng ông Chu Hảo đã vi phạm.
Điều vi phạm đầu tiên là một số sách do ông Chu Hảo cho xuất bản, với cương vị Giám đốc nhà xuất bản Tri thức, được Đảng Cộng sản nói không đi đúng đường lối chủ trương của đảng, cũng như tập hợp những ý kiến của những người có ý kiến khác biệt với đảng cộng sản.
Một vi phạm nữa mà Đảng Cộng sản cho là nghiêm trọng đó là ông Chu Hảo hay tham gia ký các kiến nghị gửi Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam, trong đó có các kiến nghị đòi bỏ điều 4 hiến pháp Việt Nam. Điều số bốn này qui định Đảng Cộng sản là lực lượng chính trị duy nhất nắm quyền ở Việt Nam.
Ngoài ra Đảng Cộng sản còn cho rằng ông Chu Hảo đã tham gia thành lập những tổ chức, diễn đàn truyền bá tư tưởng mà đảng này gọi là sai trái, như Quỹ văn hóa Phan Chu Trinh, Viện nghiên cứu và phát triển.
Ông Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo nhân sự đảng sắp tới
Cũng tin liên quan, tại một cuộc họp vào ngày 4/11 của Ban Chỉ đạo xây dựng qui hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm người đứng đầu Ban này.
Tức là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ có nhiều quyền hành trong việc chọn lựa những cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian tới đây.
Các cán bộ này sẽ được thăng tiến trong guồng máy của đảng vào Đại hội lần thứ 13 sẽ được tổ chức vào năm 2021.
Ông Trọng nói tại cuộc họp rằng việc chọn lựa cán bộ phải được làm một cách công tâm và khách quan, không đưa vào những cán bộ có biểu hiện suy thoái.
Từ suy thoái cũng là từ mà Đảng Cộng sản gọi ông Chu Hảo trong văn bản kỷ luật ông ra ngày 25/10/2018.
‘Đừng nghe Trump nói, hãy nhìn những gì Trump làm’
TS Phạm Đỗ ChíGửi tới BBC từ Florida
Chỉ còn hai ngày nữa là đến ngày bầu cử QH quan trọng 6/11 khi người dân Mỹ sẽ bầu lại 435 dân biểu Hạ viện và thay 33 Thượng nghị sỹ mới.
Thường được gọi là giữa kỳ vì cuộc bầu này nằm giữa nhiệm kỳ TT-Phó TT đương nhiệm và thường được coi như phản ảnh tín nhiệm với hai vị đó.
Không khí sôi động hẳn lên trong các tầng lớp dân chúng Mỹ. Và cũng hâm nóng cộng đồng người Mỹ gốc Việt, dù bình thường nổi tiếng chỉ lo chuyện cơm áo hàng ngày và ít tham dự các hoạt động chính trị như bầu và ứng cử ở địa phương, trừ hai bang California và Texas nơi có đông người Việt sinh sống.
Thí dụ rõ rệt nhất là bài trên BBC Tiếng Việt của người viết này, nói lên quan điểm của một cử tri Cộng hoà về những chuyện “cuồng ghét Trump” quanh cuộc bầu cử sắp tới đã gây nên một phản bác mạnh mẽ từ một ứng viên dân cử ở California (ông Thắng Đỗ), cũng như một bài khác của một nhân vật nữ cùng đảng (Dana Nguyễn) chung một quan điểm phần lớn chỉ trích cá nhân phong cách ông Trump, thay vì đưa ra được một “agenda” khác khả dĩ tương ứng của đảng Dân chủ.
Vào ngày cuối của những vận động tranh cử ở các tiểu bang, nhất là sự có mặt trở lại của Tổng thống Trump ở Pensacola một thành phố biển nhỏ của Florida nơi tôi sinh sống, tìm cách ủng hộ các ứng viên Cộng hòa địa phương, lại có thể làm sống lại các chỉ trích về cá nhân ông Trump. Nhưng nghe đi nghe lại mãi cũng nhàm, khiến người viết chợt cảm thán muốn thốt lên là “Biết rồi, khổ lắm nói mãi.”
Và chợt muốn bắt chước một người bạn lớn tuổi ở Nam California nhận xét về ông Trump như sau:
“Hãy đừng nghe những gì Trump nói, mà nhìn những gì Trump làm”
‘Sói già’ Trump đang áp đảo Tập Cận Bình?
Mỹ sẵn sàng ‘tái đàm phán’ với Bắc Hàn
Ông Trump khen Việt Nam ‘mua than của Mỹ’
Anh này mô phỏng theo câu tuyên bố nổi danh của cựu Tổng thống VNCH Nguyễn văn Thiệu về khác biệt giữa lời nói và hành động của CSVN thời nào, áp dụng vào thời bầu cử này (50 năm sau) của Mỹ để nhận xét về Tổng thống Trump lại thành hay và có phần đúng.
Như vậy sau gần hai năm qua, chúng ta cần ghi lại những thành tích chính mà Chính phủ Trump đã làm được, và tự hỏi có nên chọn lá phiếu cho đảng Dân chủ mà làm đảo lộn giữa kỳ các thành quả đó chăng?
Kết quả thống kê kinh tế Mỹ tháng 10 cho thấy có mức thất nghiệp vẫn giữ được mức thấp nhất từ 49 năm qua (3.7%), và đặc biệt nhất là cùng lương bổng tăng vọt—sau nhiều năm đình trệ. Tăng trưởng GDP vượt 4,1% trong quý 2 và 3,5% trong quý 3 năm nay, đã đưa thị trường chứng khoán lên mức cao kỷ lục gần đụng mức 27,000 của DJ Index, trước khi tụt 6,4% xuống mức 25,270 hôm 2/11.
Công ăn việc làm tốt, lương tăng, niềm tin người tiêu thụ cao, và nhiều hãng Mỹ xếp hàng quay về Mỹ như dự kiến của luật giảm thuế doanh nghiệp–mạnh bạo đưa thuế từ 35% xuống 21%.
Là người Mỹ, bạn có dễ chối bỏ con đường đang đi này để mong trở lại thời kỳ quen thuộc của các chính phủ đảng Dân chủ có trợ cấp thất nghiệp cao hay những phúc lợi xã hội hấp dẫn khác—điển hình là chuyện khó khăn tài chính quen thuộc của chính vùng đất vàng Cali, vì những chính sách này của những vị dân cử thuộc đảng Dân chủ?
Về mặt đối ngoại, điều mà người viết chủ quan cho rằng trong lịch sử nhiều thời Tổng thống Mỹ, chỉ có Tổng thống Trump mới dám gây cuộc chiến thương mại mạnh mẽ như đang xảy ra hiện nay, với nhiều đối tác cả đồng minh và đối nghịch, để tái lập công bằng cho cán cân thương mại Mỹ sau nhiều thập niên “nhường nhịn” để thế giới chấp nhận tự do mậu dịch và các nước khác lấn tới lợi dụng chính sách này. Nay là lúc, theo ông Trump, phải làm “Hoa Kỳ Mạnh Trở lại”.
Và kết quả sơ khởi cho thấy ông Trump đã làm được. Từ việc tăng thuế sơ khởi trên các hàng nhập nhôm và thép để thử “nắn gân” cả các “bạn hàng” và địch thủ chính là Trung Quốc, Mỹ đã đạt được các chiến thắng thương mại quan trọng song phương (với Nhật, Hàn, các nước khối EU…) hay đa phương duyệt lại (NAFTA) với Canada và Mexico, để từ đó lại tạo thành một liên minh quan trọng thắt chặt vòng vây thương mại với Trung Quốc.
Là người Mỹ, bạn có tạm hài lòng với các kết quả này không? Nhất là nhìn ông Trump đêm ngày làm việc và mỗi cuối 3 tháng lại tìm cơ quan từ thiện để tặng lương của mình, vì ông đã là tỷ phú.
Riêng với Trung quốc, qua việc áp thuế “tariffs” cao trên 250 tỷ đô hàng nhập hiện nay; và còn dọa áp thuế lên nốt 267 tỷ đô hàng nhập còn lại từ nước này. Thêm vào đó, là giai đoạn 2 của cuộc chiến, với áp lực tài chính tiền tệ, khiến tiền chứng khoán New York mất gần 10% trong 7 tháng qua, chứng khoán Thượng hải giảm trên 25%, và khối dự trữ ngoại hối mất đi trên 1,200 tỷ đô.
Thế Cờ Vây của Chính phủ Trump tỏ ra càng siết chặt và tạo áp lực chính trị và kinh tế tài chính đáng kể lên Chính phủ ông họ Tập. Tin không lạ là cuộc nói chuyện giờ chót tuần qua giữa ông Trump và ông Tập, và hôm thứ sáu 2/11 chính Tổng thống Trump đã tuyên bố có thể có thỏa thuận “mới” giữa hai bên để giảm nhiệt cho cuộc thương chiến vào kỳ họp cuối tháng 11 này bên lề cuộc họp G-20 ở Argentina. Đồng thời trong chiến lược quen thuộc “cây gậy và củ cà rốt”, ông cũng thêm là Mỹ sẽ áp thuế lên toàn bộ hàng nhập Trung Quốc, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận trong kỳ họp này.
Tin này giúp thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới phục hồi trở lại từ vài ngày qua ngay trước bầu cử Mỹ, điều không làm ngạc nhiên về chiến thuật cố hữu của ông Trump.
Là người Mỹ, bạn có thấy hãnh diện với thế thượng phong này của Mỹ, để đối lại âm mưu bành trướng của Trung Quốc qua kế hoạch “Một Vành Đai Một Con Đường”, thay vì chỉ dựa vào hiệp ước TPP mà còn rất nhiều người Mỹ e ngại dưới thời Tổng thống Obama là sẽ làm mất việc làm nghiêm trọng cho giới lao động Mỹ?
Sau hết, quan điểm cá nhân đã dẫn nhằm phản bác người viết này, còn vô tình hay “cố ý” bỏ quên mối âu lo chung của cộng đồng Việt hải ngoại và cả trên 90 triệu đồng bào ở bên kia đại dương, là đe dọa bành trướng của Trung Quốc sang Việt Nam trong tương lai gần.
Cuối cùng, quan trọng nhất cho các người Mỹ gốc Việt, khi cuộc bầu cử giữa kỳ lần này của Mỹ được tiên đoán sẽ có ảnh hưởng sâu xa đến tương lai chính trị Việt Nam, là bạn mong đảng nào có được chính sách rõ ràng, hiệu quả, nhất là sự can thiệp quân sự mạnh mẽ của Mỹ và liên minh ở Biển Đông, để bảo đảm sự độc lập tự chủ của quê hương cũ của chúng ta trong tương lai?
Xét cho cùng đảng nào điều hành Hoa Kỳ thì các vấn đề nội bộ của nước Mỹ gồm chuyện yêu ghét giữa người gốc Việt chúng ta cũng sẽ được hàng trăm triệu cử tri lựa chọn, nhưng tác động tức thời của lá phiếu chúng ta bỏ ở Mỹ lại có thể có tác động lâu dài vào thời điểm hết sức nguy kịch cho tương lai Việt Nam, và triển vọng đang hé ra của cơ hội thoát Trung để Việt Nam xích lại gần tới dân chủ và phú cường.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của TS Phạm Đỗ Chí từ Florida, Hoa Kỳ, một người ủng hộ đảng Cộng hòa Mỹ. Ban biên tập BBC Tiếng Việt luôn đón nhận các ý kiến khác nhau về các đảng phái Cộng hoà, Dân chủ hoặc xu hướng độc lập tại Mỹ trước và sau bầu cử giữa kỳ tại Mỹ.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-46093448
CPTPP: Cần phê chuẩn
nhưng vẫn còn nhiều thách thức
Quốc hội Việt Nam ngày 5 tháng 11 tiến hành thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến Bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Truyền thông trong nước loan tin trong cùng ngày, cho biết thêm, hầu hết các đại biểu đều tán thành cần phê chuẩn CPTPP, nhưng bày tỏ lo ngại vì nhận thấy sự chênh lệch giữa Việt Nam và các nước tham gia Hiệp định CPTPP còn quá lớn. Điều đó cho thấy Việt Nam sẽ gặp phải nhiều thách thức, sự cạnh tranh khắc nghiệt.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương Mại- Công nghiệp Việt Nam, thì CPTPP sẽ mở ra nhiều cơ hội, nhưng cho rằng Chính phủ cần phải rà soát và xây dựng tất cả phương án để thực hiện cam kết Hiệp định cũng như xem xét được gì và mất gì nếu vi phạm cam kết. Bên cạnh đó, phải tính các phương pháp thực thi theo từng giai đoạn nhưng vẫn phù hợp với nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần hỗ trợ các đối tượng chịu tác động khi phê chuẩn CPTPP.
Cũng trong buổi họp, sau khi các đại biểu Quốc hội đưa ra ý kiến về việc phê duyệt CPTPP, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã giải trình thêm ba vấn đề lớn khi Việt Nam tham gia CPTPP gồm đánh giá tác động của Hiệp định, lao động, và sửa đổi bổ sung luật.
Hiệp định CPTPP nhắm đến mục tiêu tạo thuận lợi trong việc mua bán, giao thương được dễ dàng và cắt giảm thuế quan giữa các nước thành viên tham gia ký kết với cộng đồng xấp xỉ 500 triệu người cùng mức GDP lên đến 13,5 ngàn tỷ đô la Mỹ.
11 nước vừa ký Hiệp định CPTPP vào ngày 19 tháng 3 vừa qua tại Chile gồm Nhật, Úc, Canada, Chile, Brunei, Mexico, New Zealand, Malaysia, Peru, Singapore, và Việt Nam.
Được biết, Hiệp định CPTPP có hiệu lực sau 60 ngày khi hơn 6 nước hoàn thành phê chuẩn tại nước họ. Hiện tại, Úc, Canada, New Zealand, Mexico, Nhật Bản, Singapore và Australia đã thông qua. Do vây, Hiệp định Đối tác Toàn diện Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ bắt đầu có hiệu lực từ cuối năm 2018.
Thủ tướng Việt Nam hội kiến chủ tịch Trung Quốc
Việt Nam đề nghị Trung Quốc mở cửa và tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam vào Trung Quốc, có chính sách và biện pháp giảm mức nhập siêu qua lớn hiện nay của Việt Nam.
Truyền thông trong nước dẫn lời phát biểu của Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc tại buổi tiếp xúc với Chủ tịch Trung Quốc ông Tập Cận Bình, nhân chuyến tham dự Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần đầu tiên, tại Thượng Hải hôm 4/11.
Tại buổi hội đàm, ông Phúc tiếp tục khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, ổn định và bền vững với Trung Quốc cũng như coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Ông Phúc còn đề nghị hai nước duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc của các lãnh đạo cấp cao hai nước nhằm thúc đẩy cơ chế hợp tác quan trọng của hai Đảng của hai nước.
Ngoài ra, ông còn đề nghị Trung Quốc mở cửa, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam vào Trung Quốc, có chính sách và biện pháp để giảm lượng nhập siêu quá lớn hiện nay của Việt Nam, hướng tới thượng mại song phương tăng trưởng ổn định và ông cũng hoan nghênh sự đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam.
Cán cân thương mại Việt Nam- Trung Quốc luôn nghiêng về phía Trung Quốc. Doanh giới Việt Nam chịu nhiều thiệt hại khi làm ăn với các doanh nghiệp Hoa Lục.
Tình trạng thương lái Trung Quốc ồ ạt mua nông sản của Việt Nam rồi đột ngột ngưng khiến cho nông dân nhiều địa phương Việt Nam điêu đứng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/viet-nam-pm-met-with-xi-11052018073444.html