Khi Bảo Đại đưa ông Diệm về làm Thủ Tướng, một trận đấu đá đã xảy ra

Cac Bai Khac

No sub-categories

Khi Bảo Đại đưa ông Diệm về làm Thủ Tướng, một trận đấu đá đã xảy ra
Trong cuốn “Việt Nam Máu lửa Quê hương tôi” do Đỗ Mậu đứng tên, được Văn Nghệ xuất bàn tại Weatminster, California, năm 1993, nhóm viết cuốn sách này đã dựa theo những tài liệu truyền truyền của CSVN, cho rằng có ba cuộc vận động đưa ông Diệm về làm Thủ Tướng: Hồng Y Spellman, Ngoại Trưởng Foster Dulles và Phong Trào Bình Dân Thiên Chúa Giáo Pháp (MRP).
Nhưng trong cuốn “Vietnam, A history”, một cuốn sách viết về lịch sử chiến tranh Việt Nam nổi tiếng của Mỹ, sử gia Stanley Karnow, lại viết hoàn toàn khác:
         Quốc trưởng Bảo Đại
“Khi cuộc các cuộc thương thuyết tại Geneva gần kết thúc, cuối cùng Bảo Đại nhận thức rằng địa vị của ông treo mỏng manh như sợi tóc, ông ta mời ông Diệm đến. Người ăn chơi và nhà đạo đức không thích hợp nhau, nhưng họ có thể dùng nhau. Diệm coi Bảo Đại là con đường đưa đến chính quyền.  Còn Bảo Đại nhìn thấy hai cái lợi ở ông Diệm. Thứ nhất Ngô Đình Nhu, em ruột ông Diệm, đã thành lập được Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc ở Saigon, một cơ cấu xem ra được coi là một liên minh chính trị đáng tin cậy. Thứ hai Bảo Đại nghĩ rằng Diệm đã từng ở Hoa Kỳ, có thể đưa Mỹ vào chính trường Việt Nam thay thế Pháp mà sự có mặt sẽ chấm dứt trong những ngày gần đây. 
Nhưng trái với chuyện hoang đường cho rằng (Ngoại trưởng) Foster Dulles, Hồng Y Spellman và nhiều người Mỹ khác vận động đưa ông Diệm lên, Hoa Kỳ lúc ấy vẫn chưa chấp nhận Diệm. Quả thật các viên chức ngoại giao Mỹ tại Geneva đã từ chối khéo ông Luyện, em ông Diệm, khi ông thúc đẩy họ tiếp kiến ông Diệm. Trong khi đó chính phủ Pháp  nhìn Diệm với sự thờ ơ.”
(Stanley Karnow, Vietnam a History, Penguin Book 1984, tr. 234).
BẢO ĐẠI NÓI RÕ LÝ DO ĐƯA ÔNG DIỆM VỀ
Trong cuốn hồi ký “Le Dragon d’Annam” do Plon, Paris, xuất bản năm 1980, Quốc Trưởng Bảo Đại đã trình bày tình hình chính trị và những lý do cá nhân khiến ông mời ông Diệm làm thủ tướng với toàn quyền quân sự và dân sự như sau: 
“Chúng tôi không còn có thể trông cậy vào người Pháp được nữa. Tại bàn hội nghị Geneva, chỉ còn người Mỹ là đồng minh của chúng ta. Trước tình thế đang biến chuyển, họ muốn dựng nên một hệ thống phòng thủ mới tại Đông Nam Á. Họ có thể giúp chúng tôi tiếp tục cuộc chiến đầu chống CS. Tại Saigon thủ tướng chính phủ (Bửu Lộc) gặp phải sự chống đối mãnh liệt của những thành phần quốc gia được kết hợp lại trong phòng trào Đoàn Kết Quốc Gia do Ngô Đình Nhu lãnh đạo. Những thành phần này tiên thiên chống lại những quyết định sẽ được đạt đến tại Geneva. Tôi bèn triệu tập đến Cannes các lãnh tụ của tất cả các xu hướng chính trị và tôn giáo của VN để tham khảo ý kiến. Tôi giải thích cho họ những gì sẽ xảy ra, tôi cho họ biết tất cả đã được sắp xếp, kể cả việc phân chia đất nước. Tôi gợi ra sự cần thiết phải đem lại cho nước VN một hướng đi rõ rệt hơn, và đề nghị thay thế Hoàng Thân Bửu Lộc trong chức vụ thủ tướng bởi ông Ngô Đình Diệm. Tất cả những người có mặt đã nồng nhiệt chấp thuận đề nghị của tôi”.
Quốc Trưởng Bảo Đại viết tiếp:
“Biết trước mình khó lòng theo đuổi được con đường đã vạch, Bửu Lộc đệ đơn xin từ nhiệm cho cả chính phủ.
“Sau khi thảo luận với ông Foster Dulles, để cho ông ta biết ý định ấy, tôi cho mời ông Ngô Đình Diệm và bảo ông ta:
– Cứ mỗi khi mà tôi cần thay đổi chính phủ, tôi lại phải gọi đến ông. Ông thì lúc nào cũng từ chối. Nay tình thế rất bi đát, đất nước có thể bị chia cắt làm đôi. Ông cần phải lãnh đạo chính phủ.
– Thưa Hoàng thượng, không thể được ạ. Ông ta đáp. Tôi xin trình Ngài là sau nhiều năm suy nghĩ, tôi đã quyết định. Tôi định đi tu…
– Tôi kính trọng ý định của ông. Nhưng hiện nay, tôi kêu gọi đến lòng ái quốc của ông. Ông không có quyền từ chối trách nhiệm của mình. Sự tồn vong của Việt Nam buộc ông như vậy.
Sau một hồi yên lặng, cuối cùng ông ta đáp:
– Thưa Hoàng thượng, trong trường hợp đó, tôi xin nhận sứ mạng mà Ngài trao phó.
“Cầm lấy tay ông ta, tôi kéo sang một phòng bên cạnh, trong đó có cây thánh giá. Trước thánh giá, tôi bảo ông ta:
– Đây Chúa của ông đây. Ông hãy thề trước chân dung Chúa là giữ vững đất nước mà người ta đã trao cho ông. Ông sẽ bảo vệ nó để chống lại bọn Cộng Sản, và nếu cần, chống luôn cả người Pháp nữa.
“Ông ta đứng yên lặng một lúc lâu rồi nhìn tôi, sau khi nhìn lên thánh giá, ông nói với một giọng nghẹn ngào:
– Tôi xin thề.
(Bảo Đại, “Le Dragon d’Annam”, Plon, Paris 1980, tr. 514 – 515)
Ngày 16.6.1954 Thủ Tướng Bửu Lộc từ chức. Bảo Đại ký Sắc Lệnh số 38-QT cử Ngô Đình Diệm thành lập tân chính phủ.
Bốn mươi tám giờ đồng hồ sau, ông Diệm trở về Saigon cùng với Hoàng thân Bửu Lộc để bàn giao quyền hành. Trước khi ra đi, Bảo Đại đã trao cho ông một Đạo Dụ ủy cho ông mọi quyền hành về hành chánh cũng như quân sự. Nhưng khi ông Diệm vừa rời Paris thì một nhóm người Pháp thuộc Ngân Hàng Đông Dương (Bank de l’Indochine) đã đến phản đối Bảo Đại về việc cử ông Diệm làm Thủ Tướng. Họ sợ rằng ông Diệm sẽ gạt bỏ mọi quyền lợi về kinh tế và văn hoá của Pháp tại Việt Nam. Nguyễn Đệ, Đổng Lý Văn Phòng Quốc Trưởng, và một số người thân cận với Bảo Đại cũng không đồng ý việc cử ông Diệm. Họ sợ ông thâu tóm hết mọi quyển hành.
Ngày 24.6.1954, ông đáp phi cơ hãng Air France rời Ba Lê và hai ngày sau đến Saigon.  Cùng đi với ông, có người em trai là Ngô Đình Luyện, ông Trần Chánh Thành, ông Nguyễn văn Thoại, một giáo sư đại học tại Pháp,
Ông Diệm và các ông Luyện, Thành, Thoại đều vui vẻ hân hoan ra mặt. Ngày 26.6.54, phi cơ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Ngoài số người đón tiếp tại phi trường, nhiều nhóm dân chúng chờ đợi hai bên các con đường mà đoàn xe chở thủ tướng Ngô Đình Diệm đi qua, như nhân chứng Đại tá Edward Lansdale thuật lại, chứ không phải họ tránh né như ông Joseph Buttinger đã viết. Nhưng đoàn xe chở Thủ tướng Diệm chạy nhanh làm dân chúng không thấy rõ mặt thủ tướng, theo nhận xét của Trung tá Lansdale.
ÔNG DIỆM GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN KHI LÊN NẮM QUYỀN
Bảo Đại nói rằng công việc của ông Diệm không dễ dàng.Việc ông đến Saigon chẳng ai hoan nghênh. Người ta cần phải động viên tinh thần của mọi người đang rơi vào tình trạng hoang mang. Ngày 30.6.1954 ông đến Hà Hội. Những điều ông thấy không thể tưởng tượng được. Chẳng còn ai nghỉ đến chống lại Cộng Sản. Hàng trăn ngàn người đau khổ, trong đó có những người công giáo mà ông tin rằng sẽ ủng hộ ông, đang tìm đường chạy vào miền Nam. Thật quá chậm trể để không còn hành động gì được nữa. Ông trở về Saigon.
Thủ tướng Ngô Đình Diệm
Việc thành lập chính phủ rất khó khăn vì có sự tranh chấp của các đảng phái và giáo phái, nhưng rồi ngày 6.7.1954, ông Diệm cũng đã ban hành Sắc Lệnh số 43-CP công bố thành phần chính phủ và ngày 7.7.1954 chính phủ Ngô Đình Diệm bắt đầu chấp chánh.
Ngày 20.7.1954 đại diện Pháp và Việt Minh ký hiệp định Genève chia cắt đất nước làm đôi, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Thủ Tướng Ngô Đình Diệm ra lệnh treo cờ rủ và đọc một bài diễn văn chống lại sự bất công của Hiệp Định Genève đã trao cả miền Bắc cho Cộng Sản và thêm 4 tỉnh miền Trung. Thủ Tướng nói: “Chúng tôi không thể đặt vào vòng nô lệ hàng triệu đồng bào trung thành với chủ nghĩa quốc gia…” Từ trên sự đổ nát và hổn loạn, ông Diệm đã đưa được khoảng một triệu người từ miền Bắc vào miền Nam, ổn định tình miền Nam và xây dựng chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa.
Mặc dầu tuyên bố chính thức chấp chánh, chính phủ Ngô Đình Diệm không nằm được bao nhiêu quyền hành. Người thật sự có quyền lúc đó là tướng Pháp Paul Ely, Cao ủy Pháp kiểm Tổng Tư lệnh Quân đội Pháp, đóng tại dinh Norodom của Toàn quyền Pháp ngày trước tại Saigon. Tướng Ely cầm đầu luôn cả guồng máy dân sự.
Chỉ có Bộ Tư lệnh Pháp có quyền điều động “Quân đội quốc gia VN” và chỉ huy tác chiến. Pháp cử Tướng Nguyễn văn Hinh, con cựu thủ tướng ông Nguyễn văn Tâm, “Hùm Xám Cai Lậy”, làm Tham mưu trưởng “Quân đội Quốc gia”. 
Ông Diệm căn cứ vào các thỏa ước mà Pháp đã ký kết về việc thừa nhận và hoàn thành nền độc lập của Việt Nam, để đòi Pháp trao trả các quyền và tài sản của một quốc gia độc lập mà Pháp còn sử dụng hay nắm giữ. Hai tháng sau, Pháp mới chịu giao trả dinh Norodom cũng như Phủ Toàn quyền tại Hanoi.
MỸ CHỚP THỜI CƠ, NHẢY VÀO CUỘC
Khi nhận thấy tình hình đang thuận lợi, ngày 20.8.1954, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia HK đã họp và ban hành các nghị quyết nói về chính sách của Hoa Kỳ sau Hiệp định Genève (US policies toward post-Geneva Vietnam), đồng thời phái Trung Tá Lansdale thuộc cơ quan OSS (tiền thân của CIA) đến hướng dẫn ông Diệm thi hành.
Nghị Quyết số NSC 5429/2 ngày 20.8.1954 và Nghị Quyết số NSC 5429/3 ngày 19.11.1954 nhận định rằng Pháp đã mất ý chí chiến đấu tại Việt Nam và Mỹ phải đưa ra kế hoạch để đảm đương vai trò của Pháp trên đất nước này. Ngoài phần nhận định, sau đây là những điểm chính của hai Nghị Quyết: (1) Pháp phải trao trả hoàn toàn độc lập cho Việt Nam; (2) Truất phế Bảo Đại một cách hợp pháp (legally dethrone Bao Dai); (3) Diệm phải mở rộng căn bản chính phủ, bầu cử quốc hội và soạn thảo hiến pháp; (4) Thành lập một chính phủ bản xứ mạnh (a strong indigenous government); (5) Kết hợp việc cải cách ruộng đất với việc định cư người tỵ nạn và (6) Xây dựng những lực lượng quân sự có thể bảo đảm an ninh quốc nội.
Tuy đã có nghị quyết như vậy, việc thì hành không dễ dàng vì tình hình miền Nam lúc đó rất phức tạp, đặc biệt là mức sống và dân trí còn quá thấp và thiếu đoàn kết. Quyền hành về chính trị và quân sự lại vẫn còn nằm trong tay người Pháp, nên việc hình thành một chính phủ bản xứ mạnh (a strong indigenous government) như Mỹ muốn để ổn định tình hình và thống nhất miền Nam rất khó. Một cuộc tranh chấp giữa Mỹ và Pháp đã xảy ra.
Trong thời gian chiến tranh, ngoài quân đội chính quy, Pháp phải xử dụng những tổ chức tự lâp để bảo vệ những khu vực mà Pháp không chiếm giữ được. Hai lực lược Bình Xuyên và giáo phái Phật Giáo Hòa Hảo được Pháp coi như là Phụ lực quân (Supplétifs). Bình Xuyên giữa phía Nam Sài Gòn, còn Hòa Hảo giữ một số vùng ở miền Tây. Trong khi đó, giáo phái Cao Đài lại hình thành một lực lượng riêng để vừa chống Việt Minh vừa chống Pháp. Nay thấy Mỹ muốn xử dụng chính phủ Ngô Đình Diệm do Bảo Đại mới thành lập để hất chân Pháp ra khỏi Đông Dương, dĩ nhiên là Pháp phải chống lại để khi quân đội Pháp không còn ở đây nữa, ảnh hưởng về chính trị, kinh tế và văn hóa của Pháp vẫn còn. Vì thế Pháp đã dùng mọi cách để phá sập chính phủ Ngô Đình Diệm.
MỘT TRẬN ĐẤU ĐÁ CẠN TÀU RÁO MÁNG
Vốn biết Bảo Đại là một tay ăn chơi trác táng, nên Pháp đã hướng dẫn Lê Văn Viễn, thường được gọi là Bảy Viễn, vốn là tướng cướp và là người chỉ huy lực lượng Bình Xuyên, tìm cách mua chuộc Bảo Đại để nắm chính quyền. Với sự giúp đỡ của Bảo Đại, kể từ năm 1951, Bình Xuyên trúng thầu sòng bạc Đại Thế Giới (Grand Monde) ở Chợ Lớn. Mỗi tháng Bảy Viễn nạp cho Bảo Đại 240.000$ như đã giao kết. Còn gái và rượu, Bảo Đại muốn bao nhiêu cũng có. Tỉnh chung, tổng số thu nhập của Bảo Đại khoảng từ 110 đến 120 triệu đồng mỗi năm (tương đương 6 triệu Mỹ kim).
Ngày 22.4.1952, Bảo Đại ký Sắc Lệnh phong cho Bảy Viễn làm Thiếu Tướng Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Ngày 30.4.1954, Bảo Đại gởi về một công điện, cử người phụ tá quân sự của Bảy Viễn là Lai Hữu Sang, làm Tổng Giám Đốc Công An Cảnh Sát Quốc Gia. Nhưng theo Tướng Edward G.Lansdale, một nguồn tin từ người Pháp cho biết, Bảo Đại thiếu tiền ăn chơi ở Riviera, đã về bán chức Tổng Giám Đốc Công An CSQG cho Bảy Viển với giá 44.000.000$, tương đương với 1.250.000 US.
Thấy Bảy Viễn là người có thế lực, Tướng Hinh đã liên kết với Bảy Viễn để loại bỏ ông Diệm. Ngày 11.9.1954, Thủ tướng Diệm cho tướng Hinh nghỉ phép 6 tuần và rời khỏi xứ trong vòng 24 giờ.
Ngày 17.9.1954, ông Diệm ký Sắc Lệnh số 84/CP cử Tướng Nguyễn Văn Xuân làm Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng thay Luật Sư Lê Ngọc Chấn. Ngày 20.9.1954, Tướng Xuân đã nhận chức và ra lệnh cho Tướng Hinh phải rời khỏi Việt Nam. Cũng trong ngày hôm đó. 9 trong số 15 tổng trưởng trong chính phủ Ngô Đình Diệm từ chức. Tướng Hình liền gởi một điện văn cho Bảo Đại yêu cầu cất chức ông Diệm.
Ngày 23.9.1954, Bảo Đại gởi cho ông Diệm một công điện đồng ý để cho ông Diệm được trút bỏ gắng nặng do lời hứa trung thành. Đây là một cách yêu cầu từ chức nhẹ nhàng. Bảo Đại cũng gởi cho Tướng Nguyễn Văn Xuân một công điện ủy quyền cho Tướng Xuân lập chính phủ. Tướng Xuân đã vào trình công điện này cho ông Diệm xem. Ngay lập tức, Đại Sứ Heath gởi một công điện cho Bộ Ngoại Giao, đề nghị tiếp xúc với Bảo Đại và yêu cầu hủy bỏ hay tạm đình hoãn ý định thay thế ông Diệm. Thứ Trưởng Ngoại Giao Smith liền chỉ thị cho Đại Sứ Dillon cử người gặp Bảo Đại, yêu cầu Bảo Đại nên khuyến khích ông Diệm cầm quyền.
Sau nhiều cuộc tranh luận kéo dài, sáng 28.3.1955 Bình Xuyên đã pháo kích vào Dinh Độc Lập. Cuộc chiến bắt đầu. Nhưng với sự quyết tâm chiến đấu của Quân Đội Quốc Gia VN, sự cộng tác của giáo phái Cao Dài, mưu lược của ông Ngô Đình Nhu và sự vận động khôn khéo và quyết liệt của Tướng Lamsdale, Pháp đã rút quân khỏi miền Nam VN, chính phủ đã dẹp tan được các lực lượng của phiếm quân, thống nhất quân đội, truất phế Bảo Đại và thành lập một chính quyền bản xứ mạnh với một chế độc độc đảng theo mô thức của Trung Hoa Quốc Dân Đảng Đài Loan để chống cộng theo như sự đòi hỏi của chính phù Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, sau khi chế độ miền Nam đã ổn định, Mỹ muốn đổ quân vào để mở một cuộc chiến mới, ông Diệm từ chổi, Mỹ đã tổ chức một cuộc đảo chánh và ra lệnh giết ông Diệm. Đây là một bài học lịch sử quan trọng mà các nước trên thế giới đã học được mỗi khi quyết định làm đồng minh với Mỹ.
BẢO ĐẠI NHÌN NHẬN VIỆC ÔNG DIỆM PHẢI LÀM
 Năm 1982, nhân khai trương Hội Hoàng tộc ở hải ngoại tại California, Bảo Đại sang thăm Mỹ lần đầu tiên với tư cách cá nhân, ông Cao Xuân Vỹ có hỏi Bảo Đại: “Ngài nghĩ thế nào về việc ông Diệm tổ chức trưng cầu dân ý để truất phế Ngài?” Bảo Đại trả lời: “Việc thế thì phải thế thôi. Pháp đã quyết định trước rồi!”.
Trong một bài phỏng vấn được đăng trên tạp chí Phụ Nữ Diễn Đàn số 104, xuấn bản ở Burke, Virginia, ký giả Phan văn Trường hỏi Bảo Đại: “Tại sao Ngài lại trao quyền cho ông Ngô Đình Diệm để rồi bị ống ấy lật Ngài ?”  Bảo Đại trả lời ngay:
“Ông Diệm là người tôi tín nhiệm. Lúc đó thế lực của Pháp đã thất bại. Phía CS đã được Liên Xô tích cực ủng hộ về mọi mặt, nên tôi khuyên ông Diệm nên tìm sự ủng hộ của Mỹ để ngăn chận sự bành trướng của CS. Việc ông ta lật đổ tôi là do sức ép của chính trị. Ông Diệm là người yêu nước, lúc trao quyền tôi có yêu cầu ông ấy cam kết với tôi hai điều trước bàn thờ Chúa và ông rất mộ đạo, là phải giữ miền Nam và nếu ông không làm được sứ mạng ấy thì phải trao trả lại quyền cho tôi. Nhưng rồi ông ta chết khi thi hành nhiệm vụ. Dù sao ông ta cũng cố sức giữ những lời cam kết ấy mà không được”.
Bảo Đại không hay biết gì về nghị quyết của HĐANQG Mỹ truất phế ông.
Ngày 30.10.2018
Lữ Giang