Tù nhân lương tâm
Tiếng Việt có khái niệm tù nhân lương tâm tương đương với hai khái niệm đồng nghĩa trong tiếng Pháp prisonnier de conscience (tù nhân lương tâm) và prisonnier d‘opinion (tù nhân tư tưởng).
Tổ chức Ân xá Quốc tế định nghĩa tù nhân lương tâm là người không sử dụng và không đề cao bạo lực nhưng bị tù vì một số nguyên nhân như nguồn gốc dân tộc, xã hội hay quốc gia, ngôn ngữ, màu da, giới tính, tình trạng kinh tế hoặc tin tưởng về tôn giáo, chính trị. Để bảo vệ nhân quyền, công pháp quốc tế qui định rằng không ai có thể bị giam giữ mà không có lý do chính đáng và mọi người bị qui tội vi phạm pháp luật đều phải được xét xử một cách công bình. Tuy nhiên trên khắp thế giới có rất nhiều quốc gia không tôn trọng những qui định vừa kể : không có luật sư biện hộ cho nghi can khi thẩm vấn, không có bác sĩ độc lập khám xét các nghi can, không cho tiếp xúc với gia đình thân nhân, sử dụng những lời gọi là thú tội được thu thập qua đe dọa khủng bố. Ân xá Quốc tế theo dõi và bảo vệ những cá nhân lên tiếng nhân danh bản thân hay nhân danh hội đoàn. Ân xá Quốc tế hợp tác với báo chí, với những nhà hoạt động xã hội, với những nhà giáo, với những thành viên nghiệp đoàn, với những người đấu tranh chống trưng thu nhà đất.Ân xá Quốc tế đòi hỏi phải thả ngay tức khắc và vô điều kiện mọi tù nhân lương tâm trên khắp thế giới đồng thời phải hủy bỏ mọi đạo luật qui định trừng phạt các cá nhân lên tiếng mạnh mẽ hoặc có hành động chống đối bất bạo động. Giữa tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm có sự khác biệt. Tù nhân chính trị là nguời bị giam giữ vì những lý do chính trị, tức là những người chống đối lại kẻ cầm quyền bằng bạo động hay bất bạo động. Tù nhân lương tâm là những người bị giam giữ không phải vì đã hành động mà đơn giản chỉ vì đã phát biểu lập trường hay tin tưởng. Như thế và theo tiêu chuẩn của Amnesty International thì Nelson Mandela là tù nhân chính trị còn Mẹ Nấm là tù nhân lương tâm. Tuy nhiên trong thực tế, phân biệt giữa tù nhân lương tâm và tù nhân chính trị lắm khi không phải dễ.
Tù nhân lương tâm trên thế giới
Ân xá Quốc tế đã lập danh sách các tù nhân lương tâm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Cămbốt có một tù nhân lương tâm, Bắc Hàn có một tù nhân lương tâm, Trung cộng có bốn tù nhân lương tâm, Nga có năm tù nhân lương tâm, Hoa Kỳ có một tù nhân lương tâm (tên Saifullah Paracha, dân Pakistan, bị giam ở Nhà tù Guantanama vì thuộc phe Al Qaeda). Việt Nam cộng sản có các tù nhân lương tâm sau đây, theo danh sách của Amnesty International : Cù Huy Hà Vũ, Lê Công Định, Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Văn Lý, Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần, Vi Đức Hồi, Trần Huỳnh Duy Thức. Chúng ta thấy trong số này các ông bà Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần đã sang Hoa Kỳ. Người được xem là tù nhân lương tâm mới nhất “bị trục xuất“ sang Hoa Kỳ cùng với thân mẫu và hai con là Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh không có tên trong danh sách của Ân xá Quốc tế. Có ít nhất ba tù nhân lương tâm công khai tuyên bố sẽ không chịu đi Hoa Kỳ và Việt cộng đành để họ tiếp tục ở lại Việt Nam : bác sĩ Nguyễn Đan Quế, linh mục Nguyễn Văn Lý và kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức.Riêng bác sĩ Nguyễn Đan Quế đã được phía Hoa Kỳ chính thức tuyên bố sẵn sàng đón tiếp Bác sĩ sang định cư tại Mỹ nhưng trước sau như một và cho đến hôm nay Bác sĩ Nguyễn Đan Quế vẫn cương quyết không rời khỏi quê hương.Luật sư Nguyễn Văn Đài thoạt tiên cho biết sẽ không ly hương nhưng về sau đổi ý và xuất ngoại sang Đức. Báo cáo năm 2018 của Ân xá Quốc tế cho biết Việt Nam hiện có 97 tù nhân lương tâm.
Một số quốc gia vắng bóng tù nhân lương tâm như Pháp, Đức. Cuba có tù nhân lương tâm Danilo Maldonado, 32 tuổi, ngồi tù mười tháng và vừa được thả hôm thứ ba 23.10.2018. Amnesty International xem anh này là tù nhân lương tâm cuối cùng của Cuba hiện nay. Maldonado nhuộm da hai con lợn màu xanh lá cây rồi viết tên hai lãnh tụ cộng đảng Cuba là Raul và Fidel lên lưng chúng. Maldonado dự định sẽ thả cho hai con heo này chạy rông trong một công viên. Không thấy nói có cá nhân, đoàn thể hay quốc gia nào can thiệp cho Maldonado.
Không đề cao quá đáng, không đòi hỏi quá đáng
Đến khi ra nước ngoài, hầu hết tù nhân lương tâm đã gác kiếm, có người gần như qui ẩn. Họ đã không làm được những gì họ nói khi mới rời quê hương. Một Điếu Cày với dự định cải tiến báo chí hải ngoại, bắc cầu giao lưu giữa giới làm truyền thông tại ngoài này và với trong nước qua Câu lạc bộ Báo chí Tự do mà dường như chỉ mới có một người xung phong ghi tên gia nhập tại hải ngoại. Một Tạ Phong Tần với dự án sẽ kiện Việt cộng ra trước các toà án quốc tế một cách “hoành tráng“ nhưng khi tuyên bố như vậy thì lại không biết rằng chẳng thể áp dụng công pháp quốc tế đối với đám chóp bu ViXi như Pháp luân công đã thành công đối với một số lãnh tụ Trung cộng. Mẹ Nấm với nhóm bloggers của Bà, Nguyễn Văn Đài với nhóm Anh em Dân chủ không biết rồi ra sẽ đi đến đâu. Điều đáng nói là các quốc gia chấp nhận cho tù nhân lương tâm tá túc hầu như không bận tâm về hành trạng, số phần của những người mình từng giúp đỡ. Người ta chỉ cần mang tù nhân lương tâm sang nước mình, sau đó tù nhân lương tâm phải hoàn toản tự lực cánh sinh. Hoàn cảnh nghiệt ngả của cuộc sống nơi xứ lạ quê người là nguyên nhân chính đưa đến ngõ cụt sinh hoạt chính trị. Cũng cần nhấn mạnh là Ân xá Quốc tế chỉ tranh đấu để các tù nhân lương tâm được thả khỏi nhà tù chứ không hề đặt mục tiêu vận động cho tù nhân lương tâm xuất ngoại. Cuối cùng và riêng đối với nước Đức là nơi kẻ này đã được cấp qui chế tỵ nạn thì Hiến pháp Liên bang chỉ đề cập đến tù nhân chính trị chứ không biết đến tù nhân lương tâm : Điều 16a minh định Politisch Verfolgte genießenAsyl (Người bị ngược đãi về chính trị được hưởng qui chế tỵ nạn).
Cần tôn trọng quốc kỳ và cần tôn trọng tù nhân lương tâm
Tìm kiếm một cuộc sống khả quan hơn cuộc sống hiện tại là một nguyện vọng chính đáng. Tù nhân lương tâm cũng chỉ là người. Họ không phải là siêu nhân. Cho nên họ thoát được sang các quốc gia giàu có phương Tây là điều đáng mừng cho họ. Người Việt tỵ nạn cộng sản chia vui với tù nhân lương tâm khi các nhân vật này có dịp thoát ly khỏi nhà tù lớn xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là những trường hợp được hay bị tống xuất cùng thân nhân nhưng hoàn toàn không theo lệ thường, ví dụ hoàn cảnh Mẹ Nấm sang Hoa Kỳ với mẹ già và tình huống Luật sư Nguyễn Văn Đài sang Đức với người phụ tá. Tuy nhiên cơ duyên hội ngộ nơi xứ người không tạo thành sự kiện đủ quan trọng để sử dụng quốc kỳ vào những dịp tay bắt mặt mừng buổi sơ giao. Quốc kỳ là một biểu tượng thiêng liêng, không thể tùy tiện tùy hứng sử dụng quốc kỳ để đón chào tù nhân lương tâm.
Huống chi tù nhân lương tâm Việt Nam không phải đương nhiên là thành viên ủng hộ chế độ quốc gia Việt Nam Cộng Hoà mà lá cờ nền vàng ba sọc đỏ là đại biểu tôn quí. Mẹ Nấm có thể có quan điểm chính trị hoàn toàn khác người quốc gia, Luật sư Nguyễn Văn Đài có thể có thế giới quan duy vật biện chứng. Người Việt quốc gia có cảm tình với tù nhân lương tâm chỉ vì tù nhân lương tâm từng can đảm trình bày bằng lời nói bài viết quan điểm chính trị riêng tư của mình, từng mạnh mẽ phát biểu về thế giới quan cá nhân của mình; người Việt quốc gia đã chấp nhận như thế, giờ đây chẳng lẽ lại vô hình trung áp đặt cho tù nhân lương tâm biểu tượng thiêng liêng của bản thân và của cộng đồng, bắt họ phải tôn trọng biểu tượng liên hệ? Còn như đi xa quá đà đến độ ngang nhiên mang khăn quàng có màu sắc cờ quốc gia choàng vào cổ tù nhân lương tâm thì quả thật chẳng còn gì để nói thêm nữa. Kim Hye-young là một tù nhân lương tâm Nam Hàn bị bắt ngày 26.07.2015 vì đấu tranh bất bạo động đòi hỏi hoà bình và thống nhất đất nước. Giá như một ngày nào đó nữ tù nhân này được/bị “tống xuất“ sang Hoa Kỳ thì chẳng lẽ quần chúng có cảm tình sẽ giương cao cờ Bắc Hàn để đón chào?
BS.Trần Văn Tích
26.10.2018