Tin Biển Đông – 27/10/2018
Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ đạo Quân khu giám sát
Biển Đông và Đài Loan chuẩn bị cho chiến tranh
Trang tin South China Morning Post hôm 27/10 trích lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Quân khu Nam hôm 25/10 phải luôn sẵn sàng cho một cuộc chiến.
Phát biểu của ông Tập Cận Bình được truyền hình Trung Quốc CCTV trích đưa, nói rằng Quân khu Nam của Quân đội Trung Quốc phải chịu trách nhiệm quân sự nặng nề trong những năm gần đây. Quân khu này vì thế cần phải tăng cường khả năng, tập trung chuẩn bị để chiến đấu trong một cuộc chiến.
Ông Tập Cận Bình nói điều này trong chuyến thăm đặc biệt ở Quân khu Nam ở tỉnh Quảng Đông.
“Chúng ta cần phải đẩy mạnh các bài tập sẵn sàng ứng phó, diẽn tập chung và diễn tập đối đầu để tăng cường khả năng cho quân nhân, chuẩn bị cho chiến tranh”, ông Tập Cận Bình nói.
Quân khu Nam của Trung Quốc chịu trách nhiệm giám sát Biển Đông và Đài Loan.
Bài phát biểu của ông Tập đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoàng tuyên bố tại Diễn đàn Hương Sơn rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ một tấc đất lãnh thổ ở Biển Đông và Đài Loan. Ông cũng cảnh báo sự phô diễn sức mạnh quân sự từ các nước bên ngoài khu vực, ý nói Hoa Kỳ.
Anh đâu sợ lời đe doạ của Bắc Kinh ở Biển Đông!
Bộ Ngoại giao Trung Quốc có lời “khiển trách” Vương quốc Anh hồi tháng trước, bởi nước này đã cử tàu chiến tới các hòn đảo tranh chấp trên Biển Đông. Dù vậy, Hải quân Hoàng gia cho biết sẽ đến khu vực theo nhiều hướng.
Vương quốc Anh có nghĩa vụ “thể hiện” hỗ trợ quân sự cho các đồng minh trong khu vực, quan chức hàng đầu của Hải quân Hoàng gia, Đô đốc Sir Philip Jones, cho biết trên tờ Financial Times trong một cuộc phỏng vấn hôm Chủ nhật tuần trước.
“Nếu bạn có một cách giải thích khác về quy ước quốc tế về luật biển cho đa số các quốc gia, thì có nghĩa là điều đó phải được ngăn lại”, ông Jones nói.
Đô đốc Hải quân Anh dự kiến sẽ có nhiều cuộc tập trận hơn cho thấy tàu của Anh đi gần các hòn đảo tranh chấp.
Tờ Asia Times nhận định, nếu các tàu chiến Anh tiếp tục đi qua vùng biển gần các đảo mà Trung Quốc kiểm soát và tuyên bố chủ quyền phi pháp, sẽ cho thấy các lời đe dọa úp mở từ Bắc Kinh dường như “rơi vào tai này ra tai nọ” của London.
Vào tháng 9, tàu HMS Albion của Hoàng gia Anh đã vào trong khu vực mà Trung Quốc tuyên bố là biên giới biển ngoài quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Đáp lại, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã xuất bản một bài xã luận bằng tiếng Anh, cho thấy những hành động như vậy sẽ khiến các giao dịch thương mại giữa Trung Quốc và Vương quốc Anh gặp rủi ro.
Tờ Asia Times trích dẫn bài xã luận từ Bắc Kinh: “Trung Quốc và Vương quốc Anh đã đồng ý tích cực tìm kiếm khả năng thảo luận một thỏa thuận thương mại tự do sau Brexit, nhưng bất kỳ hành động nào gây hại cho lợi ích cốt lõi của Trung Quốc sẽ chỉ đặt ra một yếu tố cản trở”.
“Trong chuyến thăm Bắc Kinh đầu năm nay của Thủ tướng Anh Theresa May đã cam kết tăng cường ‘kỷ nguyên vàng’ của quan hệ Trung – Anh. Để đạt được điều đó, nhà nước [Anh] nên kiềm chế trở thành ‘cá mập’ của Washington tại Biển Đông”.
http://biendong.net/dam-luan/24358-anh-dau-so-loi-de-doa-cua-bac-kinh-o-bien-dong.html