Tin khắp nơi – 27/10/2018
Nhà Trắng chính thức
mời Tổng thống Putin đến Washington
Nhà Trắng vừa chính thức mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Washington, Reuters dẫn lời Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Bolton nói hôm 26/10. Đây được xem là động thái quay lại ý tưởng đã bị đình trệ từ tháng Bảy giữa cơn thịnh nộ của Mỹ trước viễn cảnh một hội nghị thượng đỉnh như vậy.
Tổng thống Donald Trump đã họp thượng đỉnh với ông Putin ở thủ đô Helsinki của Phần Lan, và sau đó có lời mời ông Putin đến thăm Washington vào mùa thu. Nhưng việc này đã bị trì hoãn sau khi ông Trump phải đối mặt với những cáo buộc về quan hệ ấm lên với điện Kremlin.
“Chúng tôi đã mời Tổng thống Putin tới Washington”, Reuters dẫn lời ông Bolton cho biết tại cuộc họp báo trong chuyến thăm Gruzia thuộc Liên Xô cũ, vài ngày sau cuộc họp với ông Putin và các quan chức an ninh cấp cao tại Moscow.
Ông Bolton cho biết trong chuyến đi tới Moscow, ông đã gửi lời mời ông Putin đến thăm Nhà Trắng vào năm tới, đài truyền hình Mỹ RFE/RL đưa tin.
Không rõ liệu ông Putin có chấp nhận lời mời hay không. Lần gần nhất ông họp với một tổng thống Mỹ trên đất Mỹ là vào năm 2015, khi ông gặp Tổng thống Barack Obama bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Lời mời trước đó của ông Trump dành cho ông Putin đã gây ra phản đối kịch liệt ở Washington, kể cả từ phía các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa của ông Trump, người từng nói rằng ông Putin là một đối thủ không xứng đáng đến thăm Nhà Trắng.
Việc ông Putin đến thăm Hoa Kỳ là một chủ đề nhạy cảm vì các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 của Mỹ để giúp ông Trump giành chiến thắng. Nga phủ nhận có bất kỳ can thiệp nào.
Tổng thống Trump từng nói rằng việc thiết lập một mối quan hệ làm việc vững chắc với ông Putin là lợi ích của Hoa Kỳ.
Tổng thống Trump và Tổng thống Putin có kế hoạch tổ chức một cuộc họp song phương tại Paris vào ngày 11/11 bên lề sự kiện kỷ niệm 100 năm kết thúc Đệ nhất Thế chiến.
Theo lời ông Bolton, cuộc gặp ở Paris sẽ ngắn gọn.
https://www.voatiengviet.com/a/nha-trang-chinh-thuc-moi-tong-thong-putin-den-washington/4630785.html
Mỹ cáo buộc Nga triển khai tên lửa chiến lược
ở châu Âu là đáng lo ngại
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho rằng việc Nga bố trí hệ thống tên lửa chiến lược ở châu Âu mới là vấn đề đáng lo ngại, chứ không phải việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF).
“Vấn đề là hiện có những tên lửa hạt nhân tầm trung của Nga ở châu Âu. Mối đe dọa không nằm ở việc Mỹ rút hỏi Hiệp ước (INF), mà nằm ở các tên lửa Nga đang được triển khai ở đấy”, RIA Novosti dẫn lời ông Bolton nói trong một cuộc họp báo sau cuộc gặp với Tổng thống Putin hôm 23/8 tại Moscow.
“Đây là việc rất quan trọng. Tổng thống Trump đã đề cập đến vấn đề này”, ông Bolton nói thêm.
Cố vấn an ninh Mỹ cũng cho biết nước này chưa có quyết định cụ thể về việc triển khai các tên lửa của mình ở châu Âu.
Vị quan chức của Mỹ cáo buộc Nga đã triển khai tên lửa tại châu Âu từ 5 năm trước, vào thời Tổng thống Obama.
Moscow và Washington đã cùng thảo luận về khả năng của một hiệp ước sửa đổi về chế tạo tên lửa từ năm 2004, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Ngày 21/10, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước INF mà nước này ký kết với Liên Xô năm 1987, với lý do Nga vi phạm những điều khoản quy định của hiệp ước.
Cuộc gặp kéo dài hơn 90 phút của ông John Bolton với Tổng thống Putin trong ngày 23/8 đã không đem lại kết quả đột phá nào trong việc Mỹ thay đổi quyết định về Hiệp ước INF, một bước đi mà Moscow mong đợi.
Tuy nhiên, 2 bên đã thông qua thỏa thuận về cuộc gặp thượng đỉnh của hai tổng thống Nga, Mỹ vào tháng tới ở Paris.
Một Mũi Tên Hai Con Chim
Vi Anh
TT Trump, Ông Già Gân của Mỹ, quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp Ước INF lợi cho Nga hậu CS và quá lợi cho TC hiện CS, theo kiểu dùng một mũi tên hạ hai con chim, chữ Hán gọi là ‘nhất tiễn song điểu’.
Tin RFI của Pháp “Ngày 20/10/2018, tổng thống Donald Trump xác nhận rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp ước vũ khí nguyên tử tầm trung (Intermediate-range Nuclear Forces Treaty – INF), được ký vào năm 1987 giữa Washington và Moscow. Theo giới chuyên gia, với quyết định này của ông Donald Trump, chính quyền Washington đang tăng tốc cuộc đọ sức chiến lược dài hạn với Bắc Kinh.”
Hiệp ước INF được ký kết giữa Nga và Mỹ nhằm cấm các bên phát triển và khai triển hoả tiễn hành trình, đạn đạo phóng từ mặt đất với tầm bắn từ khoảng 500km đến 5.500km. Hiệp ước được cho là nhằm ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang thời kỳ Chiến tranh Lạnh.”
Trung Quốc không phải là một bên ký kết INF, do đó có thể khai triển hoả tiễn đạn đạo mà không bị hạn chế. Các hoả tiễn DF và HN của Trung Quốc có tầm bắn lên tới 15.000km, tức là có thể đặt toàn bộ nước Mỹ vào trong tầm bắn. Tổng thống Trump nói: “Chúng tôi là những người vẫn tuân thủ thỏa thuận, nhưng Nga thì không, do vậy chúng tôi sẽ chấm dứt thỏa thuận và rút khỏi thỏa thuận đó.” Giới chuyên gia cho rằng việc Mỹ rút khỏi hiệp ước INF dường như không nhằm trực diện vào Nga, mà hướng mục tiêu sang Trung Quốc.
Thử phân tích hành động này của TT Trump lợi và hại thế nào cho Mỹ và TC.
Một về phía Mỹ, lợi nhiều. INF là hiệp ước song phương giữa Washington và Moscow. Trung Quốc không tham gia ký kết nên có thể phát triển các hoả tiễn tầm trung mà không bị hạn chế gì. Nhờ vậy theo báo SCMP, Trung Quốc có thể phát triển hoả tiễn đạn đạo mà không bị giới hạn về tầm bắn. Giới chuyên gia quân sự cho biết các hoả tiễn dòng DF và HN của Bắc Kinh có tầm bắn 15.000 km, khoảng cách đủ để đặt toàn bộ lãnh thổ Mỹ vào tầm ngắm và tầm sát hại.
Theo CNN, Trung Quốc đã bắt đầu hiện đại hóa nền quân sự nước này từ những năm 1987, đầu tư hàng tỷ USD vào việc phát triển vũ khí mới. Một trong những lĩnh vực Trung Quốc dồn nhiều công sức nhất chính là các hoả tiễn.
Ô. Fu Mengzi, phó giám đốc viện quan hệ quốc tế đương đại (Bắc Kinh), nhận định “Sau khi rời INF, Mỹ sẽ khai triển và phát triển các hệ thống quân sự mới”. Mỹ rút khỏi hiệp ước INF là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc chiến “dài hơi” với Trung Quốc, ông Fu tuyên bố.
Thượng nghị sĩ Tim Cotton của bang Arkansas cho rằng Trung Quốc chính là một trong những lý do khiến Mỹ cân nhắc rời khỏi INF. “Trung Quốc đang tăng cường phát triển kho tên lửa vì họ không bị bất cứ thứ gì ràng buộc. Tôi từ lâu đã kêu gọi Mỹ cân nhắc rằng liệu hiệp ước trên còn phục vụ cho lợi ích quốc gia của chúng ta hay không”, ông Cotton nói.
Liu Weidong, chuyên gia về quan hệ với Mỹ tại học viện khoa học xã hội Trung Quốc nói, động thái của ông Trump sẽ giúp Mỹ tự do hơn trong việc phát triển và khai triển các vũ khí thường và vũ khí nguyên tử. Ông Liu cho rằng, động thái trên không chỉ gây ra mối đe dọa cho Trung Quốc hay Nga mà cho toàn thế giới.
Một bài báo đăng tải trên New York Times hôm 20/10 cho biết nếu Mỹ rút khỏi INF, nước này có nhiều khả năng sẽ khai triển phiên bản phóng từ mặt đất của tên lửa hành trình Tomahawk. Các tàu nổi và tàu ngầm hiện đã được trang bị hoả tiễn mang đầu đạn thường, nhưng giới chuyên gia cho rằng kịch bản Tomahawk mang đầu đạn nguyên tử hoàn toàn có thể xảy ra. Tờ The New York Times phân tích, nếu Mỹ thực sự rời khỏi INF, nước này có thể khai triển một phiên bản tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ mặt đất. Hiện Tomahawk mang đầu đạn thông thường mới được triển khai phóng từ các tàu ngầm, song các chuyên gia cho rằng hoả tiễn hành trình này cũng có thể mang đầu đạn nguyên tử.
Nước Anh đồng minh lâu đời thân thiết của Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson tuyên bố hoàn toàn sát cánh bên Mỹ. Báo The Guardian của Anh quy trách nhiệm cho Nga trong việc làm gây tổn hại tới hiệp định INF, và kêu gọi Điện Kremlin hãy “giữ trật tự nội bộ”.
Hai, Trung Quốc thiệt hại. TQ lo sẽ là nạn nhân của hành động Mỹ rút khỏi hiệp ước INF với Nga. Nga lên án quyết định của Mỹ rút khỏi hiệp ước nguyên tử đã ký với Nga hồi 1987 là một “bước đi rất nguy hiểm”.
Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng kế hoạch rút INF với Nga không chỉ là tấn công vào cựu thù thời Chiến tranh Lạnh, mà còn có khả năng nhằm mục tiêu vào Bắc Kinh. TQ tin rằng Mỹ rút khỏi hiệp ước INF để đối phó với Trung Quốc. Nhiều chuyên gia, trong đó có một số nhà phân tích Trung Quốc cho rằng mục tiêu chính của Hoa Kỳ khi quyết định rút ra khỏi INF là đối phó với Trung Quốc, vào lúc quan hệ Washington – Bắc Kinh không chỉ căng thẳng trong vấn đề thương mại mà cả trong lĩnh vực quân sự.
Theo nhận định của tờ New York Times, quyết định rút này sẽ tai hại cho chiến lược xâm lấn Biển Đông của TC. Nó «sẽ cho phép Mỹ đối phó với việc Trung Quốc trang bị vũ khí tại Thái Bình Dương». Đặc biệt là tại vùng Biển Đông đang có tranh chấp, Trung Quốc đã bồi đắp, quân sự hoá nhiều bãi đá ngầm thành những đảo tiền tiêu quân sự.
Ba, TT Trump đập phá cái cũ để xây dựng cái mới không thiệt hại cho Mỹ. Tình hình mới thì nhiệm vụ cũng phải mới. Không có lý do gì giữ nguyên trạng khi tình hình địa chánh trị, quân sự đã thay đổi quá nhiều. INF đã được Mỹ và Liên sô ký vào thời Chiến Tranh Lạnh, lúc bấy giờ Liên xô là đối thủ nguy hiểm của Mỹ, TC không gần gũi với Liên xô và Mỹ đang bắt tay với TC. Còn bây giờ TC hiện CS là đối thủ đáng gờm của Mỹ hơn Nga hậu CS. Nên TT Trump đã mở lời,”Trừ phi là Nga đến chỗ chúng ta, Trung Quốc đến chỗ chúng ta, tất cả họ đều đến và nói, ‘Hãy để chúng ta trở nên khôn ngoan, không ai trong chúng ta phát triển những thứ vũ khí đó,’ thế nhưng nếu Nga đang phát triển, Trung Quốc đang phát triển còn chúng ta lại chịu bó buộc với cái thỏa thuận này, thì thật là không thể chấp nhận được. Cho nên chúng ta có một khoản tiền lớn để chi cho quân sự.”
TT Trump chơi xỏ Chủ Tịch Tập cận Bình với kiểu cách người Trung Quốc gọi là ‘Nhứt tiễn song điêu’, chắc Chủ Tịch Bình tức đổ lửa con mắt. Nhưng thực ra cái kiểu tấn công này không phải là binh pháp, sáng kiến riêng của Trung Hoa. Đó là chiến pháp của Con Người nói chung. Người Việt diễn đạt binh pháp này là ‘một mũi tên bắn hai con chim’, gậy ông đập lưng ông, mượn tay người làm việc mình, tá tha nhân chi thủ, hay dân Tây gọi là đánh bi da ba băng./.(VA)
https://vietbao.com/p123a286931/mot-mui-ten-hai-con-chim
Rút khỏi hiệp ước hạt nhân,
Mỹ có thể triển khai hệ thống tên lửa áp đảo TQ
Kho vũ khí ngày càng gia tăng của Trung Quốc đã khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi Hiệp ước Vũ khí hạt nhân trong thời Chiến tranh lạnh năm 1987 với Nga (INF).
Do không bị ràng buộc bởi hiệp ước vũ khí hạt nhân, Trung Quốc đã xây dựng và triển khai một kho vũ khí tên lửa tinh vi và hiện đại, có thể nhắm vào các tài sản quân sự của Mỹ và liên minh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm các tàu sân bay và căn cứ không quân, theo SCMP.
Một trong những tên lửa đạn đạo liên lục địa Trung Quốc đang phát triển là DF-41, và toàn bộ nước Mỹ có thể nằm trong phạm vi của nó. Trong khi các vũ khí hiện đại khác như máy bay siêu âm và súng laser sẽ càng là mối đe dọa cho Mỹ nếu có xung đột quân sự giữa hai bên.
Ông Collin Koh, chuyên gia an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết việc khôi phục các tên lửa tầm trung là cần thiết cho Hoa Kỳ, không chỉ dùng cho các cuộc tấn công hạt nhân mà còn cả những hoạt động thông thường.
Tổng thống Trump nói việc rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí là mối đe dọa cho Trung Quốc, Nga và “bất kỳ ai muốn chơi trò chơi đó” và Mỹ sẽ xây dựng kho vũ khí hạt nhân của riêng mình.
Adam Ni, một nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại và an ninh của Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Úc, nói rằng việc Mỹ rút khỏi hiệp ước INF sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến cán cân quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đặc biệt nếu xung đột nổ ra.
“Mỹ hiện có khả năng tấn công các mục tiêu ở Trung Quốc thông qua các cuộc không kích và các hệ thống tên lửa trên biển. Việc triển khai tên lửa tầm ngắn hoặc tầm trung trên mặt đất, chẳng hạn như Nhật Bản sẽ thêm vào khả năng của Mỹ trong khu vực và làm xói mòn lợi thế của Trung Quốc, vốn đã được xây dựng trong nhiều thập kỷ”, ông Ni nói.
Ủy ban châu Âu kêu gọi Hoa Kỳ và Nga nên tiếp tục đàm phán để bảo tồn hiệp ước, Bắc Kinh cũng kêu gọi Washington “hãy suy nghĩ lại”.
Nhưng ông Liu Weidong, một chuyên gia về vấn đề của Mỹ từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết Mỹ có thể không bắt đầu xây dựng các tên lửa tầm ngắn và tầm trung ngay cả khi rút khỏi hiệp ước, vì một chương trình như vậy sẽ tốn kém.
Chính Sách “Cây Gậy và Củ Cà Rốt” của Hoa Kỳ
Phạm Gia Đại
Chính sách của Mỹ trên thế giới thường được nhắc đến nhiều nhất là “Cây Gậy và Củ Cà Rốt” (A Carrot and Stick) phản ánh hai mặt cương và nhu trong các hành xử của Mỹ về mặt đối ngoại. Theo định nghĩa về thành ngữ của Farlex Dictionary of Idioms thì “a carrot and stick” là chiến thuật dùng phần thưởng và sự trừng phạt để khuyến khích một hành vi hay sự thực hiện tốt hơn.
(A motivational tactic that uses a reward and punishment system to encourage improved performance or behavior.) Thế nhưng trong tình hình thế giới đang nhiễu nhương vì các thủ đoạn bành trướng thế lực ngang nhiên của Trung Cộng, có lẽ chiến thuật đó của Hoa Kỳ bây giờ không còn hữu dụng nữa, bởi lẽ Washington đã đưa ra nhiều củ cà rốt nhưng không nhận lại được một hành vi tốt nào từ phía Bắc Kinh, cho nên thời gian gần đây Hoa Kỳ đã đột nhiên chuyển mình qua thế tiến công với “cây gậy”.
Thời gian qua, Hoa Lục đã được hưởng nhiều mối lợi khổng lồ nhờ vào mậu dịch thương mại với Bắc Mỹ, hay nói cách khác vì cán cân mậu dịch không cân xứng, Hoa Kỳ đã bị thiệt hại có thể lên đến 1,800 tỷ trong hai thập niên qua. Vì thế mà dưới thời của Tổng Thống Donald Trump, cần phải xét lại cho công bằng không những về phương diện mậu dịch thương mại mà cả về vấn đề quân sự hóa của Trung Cộng ở Biển Đông, bởi nếu không kịp ngăn chặn bàn tay tham lam thâm hiểm của người Tầu từ lục địa vào vùng biển này, trị giá của luồng hải lưu hàng hóa quốc tế qua Biển Đông mỗi năm $5 ngàn tỷ sẽ vào tay China. Từ đó China sẽ có thêm thế lực để khuynh đảo các nước trong vùng và cả thế giới, và trở thành hiểm họa da vàng.
Về mặt kinh tế, sau khi Tổng Thống Trump quyết định tăng lãi suất, kêu gọi các công ty Mỹ rút vốn về, và ngăn chặn việc rút tiền của các công ty China về nước, thị trường chứng khoán tại Hoa Lục đang lung lay và trên đà sụp đổ. Các cổ đông bán tháo cổ phần để mua các ngoại tệ dự trữ. Chủ Tịch Tập Cận Bình không có phương thuốc gì cứu vãn, và quay sang lên án Mỹ nặng nề. Theo David Lynch và Gerry Shih của Washington Post ngày 24-10-2018, Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Cộng Wang Yi (Vương Nghị) đã quy kết trong phòng họp tại Mahattan rằng Bắc Kinh đã bị phản bội hết lần này đến lần khác vì Hoa Kỳ hay thay đổi (China betrayed again and again by a fickle United States). Thí dụ như họ đã đạt được thỏa thuận năm ngoái với Bộ Trưởng Thương Mại Wilbur Ross xong, thì Tổng Thống Trump phủ quyết. Hay như tháng Năm, họ đạt được thỏa thuận lần thứ nhì với Bộ Trưởng Tài Chính Steven Mnuchin thì TT Trump lại twit ra bác bỏ. Hoặc như trong tháng Chín, phía China đang phái một viên chức cao cấp qua họp với Mỹ thì TT Trump lại đánh phủ đầu chuyến đi này với các loại thuế mới (new tariffs). Và Bắc Kinh vô cùng bất mãn.
Về mặt tình báo, theo tờ Washington Post và NBC cảnh giác, Trung Cộng đã ngăn chặn và nghe lén được các cuộc điện đàm của Tổng Thống Donald Trump và các nhân viên nội các, đặc biệt trong bộ ngoại giao, và sẽ tìm cách phá hoại lại Hoa Kỳ.
Về phương diện quân sự, trong chuyến công du lần thứ hai của Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Jim Mattis đến Việt Nam, Hoa Kỳ và cộng sản Việt Nam (CSVN) đã ký kết một thỏa ước theo đó phía Mỹ sẽ viện trợ cho CSVN lên đến $350 triệu, trên danh nghĩa để diệt trừ hiểm họa chất độc mầu da cam, nhưng thực ra cũng để giúp CSVN thêm sức mạnh về kinh tế trong chiều hướng xa dần Tầu và gần Mỹ hơn. Mỹ và CSVN cũng hoạch định sẽ cùng hợp tác khai thác các mỏ dầu hỏa trên thềm lục địa của Việt Nam. Và để thực hiện được việc khai thác này không bị các chiến hạm Trung Cộng làm áp lực, hải quân Hoa kỳ sẽ được lệnh đến vùng biển khai thác dầu của Việt Nam để bảo vệ dàn khoan của Mỹ.
Thêm vào đó, trong mấy năm vừa qua các chiến đấu cơ hay máy bay tuần thám của không quân Mỹ cũng như các chiến hạm của hải quân Hoa Kỳ thường bị các chiến đấu cơ và chiến hạm của Trung Cộng quấy nhiễu và gây hấn trong vùng Biển Đông, gây rất nhiều trở ngại cho việc không lưu và hải lưu của Hoa Kỳ, nên phía Mỹ cần phải có phản ứng. Ngũ Giác Đài đã ra lệnh cho các chiến đấu cơ và các chiến hạm của Hoa kỳ, nếu bị các máy bay tầu chiến của Trung Cộng bức bách, gây hấn, thì được quyền nổ súng tấn công trước và sẽ không tránh né nữa.
Hơn thế nữa, nhằm bao vây Hoa Lục từ phía Đông và Đông Nam, Hoa Kỳ đang ra sức yểm trợ cho Đài Loan để biến hòn đảo này thành một pháo đài chống Trung Cộng. Đài Loan tuyên bố họ có 180 ngàn quân chính quy và 1,5 triệu quân dự bị sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Từ án binh bất động, Hoa Kỳ chuyển qua tấn công vì đã nhìn thấy mối hiểm họa từ phía Trung Cộng. Thế chuyển mình mạnh mẽ của Mỹ đã làm cho con sư tử ngủ yên từ Thế Chiến Thứ Hai là Nhật Bản tỉnh giấc, và tại Biển Đông những cơn sóng ngầm đang xô tới./. (Tin Tổng Hợp)
https://vietbao.com/p112a286901/chinh-sach-cay-gay-va-cu-ca-rot-cua-hoa-ky
Mỹ-Nhật thử nghiệm thành công
tên lửa đánh chặn mới
Quân đội Mỹ ngày 26/10/2018 thông báo thử nghiệm thành công một hệ thống tên lửa bắn chặn mới được thiết kế với sự hợp tác của Nhật Bản. Đây là lần thử thành công thứ hai, sau hai lần thất bại liên tiếp.
AFP trích dẫn nguồn tin bộ Quốc Phòng Mỹ nêu rõ vụ thử hệ thống tên lửa bắn chặn SM-3 Block IIA đã được thực hiện ở bờ tây đảo Hawai. Với sự hợp tác của Nhật Bản, tên lửa bắn chặn mới này có thể được phóng đi từ đất liền hay trên biển, nhờ các bệ phóng tên lửa phòng không đạn đạo AEGIS.
Thành công của đợt bắn thử này sẽ cho phép hiện đại hóa hệ thống phòng không AEGIS vốn chủ yếu trang bị cho tầu chiến của Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, bộ Quốc Phòng Mỹ cũng cho biết là không loại trừ khả năng trang bị tên lửa mới này cho hệ thống AEGIS được triển khai tại Rumani và Ba Lan.
Cơ quan phụ trách phát triển tên lửa phòng không của Mỹ MDA cho biết trong chương trình hợp tác này, Hoa Kỳ đóng góp 2,2 tỷ đô la và Nhật Bản góp 1 tỷ đô la.
AFP nhắc lại là tính cả lần thử nghiệm này, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã tiến hành tổng cộng bốn vụ thử. Đợt thử đầu tiên vào tháng 02/2017 được cho là mỹ mãn, nhưng hai đợt thử liên tiếp sau đó hồi tháng 06/2017 và tháng 01/2018 đều thất bại.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181027-my-nhat-thu-nghiem-thanh-cong-ten-lua-danh-chan-moi
Ngoại trưởng Mỹ : Bắc Kinh tung tiền hối lộ
để gia tăng ảnh hưởng
Trong một cuộc trả lời báo Mỹ hôm qua, 26/10/2018, ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tố cáo Trung Quốc tăng cường dùng tiền hối lộ lãnh đạo nhiều nước đang phát triển, ở khắp nơi trên thế giới, để mở rộng ảnh hưởng.
Trả lời phỏng vấn một chương trình phát thanh theo xu hướng bảo thủ, của nhà báo Hugh Hewitt, về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, lãnh đạo ngoại giao Mỹ nhấn mạnh đến một bước ngoặt khá rõ trong chính sách của Bắc Kinh « trong khoảng hai, ba năm trở lại đây ». Đó là tăng cường hối lộ chính quyền nhiều nước, đặc biệt để « đổi lấy các dự án xây dựng hạ tầng ». Theo ông Pompeo, mỗi khi Trung Quốc làm như vậy thì đều để lại những hệ quả tiêu cực đối với dân chúng nước sở tại.
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định là Hoa Kỳ « hoan nghênh các cạnh tranh thương mại với Trung Quốc, trên cơ sở công bằng và có đi có lại », nhưng sẽ « không ngừng » chống lại việc Trung Quốc dùng nguồn lực tài chính hùng hậu để thao túng các nước, hành động đồng thời gây tổn hại cho lợi ích của chính Hoa Kỳ.
Năm 2015, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa hẹn sẽ đầu tư trực tiếp đến 250 tỉ đô la vào khu vực châu Mỹ Latinh và vùng Vịnh Caribê, đồng thời dự kiến trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và khu vực này sẽ tăng gấp đôi. Vị thế đối tác kinh tế số một của Hoa Kỳ với khu vực bị thách thức. Chính sách gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này cũng nhằm tước đi các quốc gia bạn hữu ít ỏi còn lại của Đài Loan, hòn đảo được Hoa Kỳ bảo trợ, mà Bắc Kinh sẵn sàng dùng vũ lực để chiếm lại.
Nhiều nhà quan sát ghi nhận việc Trung Quốc gia tăng đầu tư vào châu Mỹ Latinh và châu Phi chủ yếu là để khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhưng Trung Quốc rất coi nhẹ lợi ích của người lao động địa phương, vấn đề bảo vệ môi trường, cũng như tăng trưởng kinh tế của các nước sở tại xét về dài hạn.
Lời cảnh báo nói trên của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được đưa ra trong bối cảnh quan hệ song phương Mỹ-Trung đang xấu đi nhanh chóng trong những tháng gần đây. Ngoài cuộc chiến thương mại, với các biện pháp tăng thuế đối với một nửa lượng hàng nhập khẩu Trung Quốc, Washington còn lên án Bắc Kinh về các vụ đàn áp tôn giáo, nhân quyền, và chính sách gia tăng quân sự hóa Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc đi Mỹ
Theo Reuters, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis thông báo là đồng nhiệm Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) sẽ tới Washington tuần tới, để tiếp tục thảo luận về quan hệ quân sự song phương. Trong cuộc họp báo tại Manama, thủ đô Bahrain, hôm nay, lãnh đạo quốc phòng Mỹ nhận định : « Cạnh tranh chiến lược không đồng nghĩa với đối đầu ». Ông Mattis đã gặp đồng nhiệm Trung Quốc bên lề hội nghị bộ trưởng Quốc Phòng khối Đông Nam Á hồi tuần trước.
Mời đọc thêm : Biển Đông: Nội dung chính cuộc gặp bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ -Trung
Quan hệ quân sự Mỹ-Trung có chiều hướng ít căng thẳng hơn. Hồi cuối tháng 09/2018, một cuộc họp dự kiến của một chỉ huy Hải Quân Trung Quốc với đồng nhiệm Mỹ tại Washington bị hủy vào giờ chót. Chuyến đi Mỹ dự kiến của bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc cũng bị dời lại. Bản thân kế hoạch đi Bắc Kinh của ông Jim Mattis vào tháng 10 cũng bị hủy bỏ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181027-ngoai-truong-my-bac-kinh-tung-tien-hoi-lo-de-gia-tang-anh-huong
Nghi phạm bị buộc tội trong vụ bom thư Mỹ
Một người đàn ông 56 tuổi đã bị bắt giữ tại Florida, liên quan tới chiến dịch gửi bom thư tới những gương mặt nổi tiếng, những người chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Giới chức Mỹ nêu danh tính người bị bắt là Cesar Sayoc.
Ông này sẽ phải đối diện với năm cáo buộc, trong đó có việc gửi chất nổ qua đường thư tín và đe dọa cựu tổng thống.
Một người bị bắt trong vụ bom thư Mỹ
Vụ bom thư Mỹ: Lục soát trạm bưu điện Florida
Trump chỉ trích báo chí sau vụ bom thư
Ông Trump nói rằng các hành động đó là “hèn nhát và không có chỗ trong đất nước chúng ta”.
Tổng số có 14 bưu phẩm đã được gửi đi trong những ngày gần đây tới một số gương mặt nổi tiếng, trong đó có cựu Tổng thống Barack Obama và tài tử Robert de Niro.
Có hai bưu phẩm được phát hiện tại Florida và New York City vào sáng hôm thứ Sáu, 26/10.
Sau đó, có thêm hai bưu phẩm nữa được tìm thấy ở California.
Tỷ phú Tom Steyer, cũng là một nhà tài trợ của Đảng Dân chủ, nói rằng có một gói đồ gửi cho ông đã bị chặn lại ở trung tâm bưu điện tại Burlingame; một gói khác gửi cho Thượng nghị sỹ Kamala Harris thuộc đảng Dân chủ được phát hiện tại Sacramento.
Các bưu phẩm được gửi đi khi chỉ còn chưa tới hai tuần nữa là đến kỳ bầu cử giữa kỳ tại Mỹ, trong lúc các quan điểm chính trị đang bị phân cực mạnh mẽ.
Cesar Sayoc bị bắt như thế nào?
Cesar Sayoc bị bắt khi đang ở một cửa hàng bán phụ tùng xe hơi tại thành phố Plantation, Florida.
Giám đốc FBI Christopher Wray tiết lộ rằng ông ta bị bắt giữ sau khi dấu vân tay của ông ta bị phát hiện trên một trong các bưu phẩm.
Các quan chức nói DNA và dữ liệu điện thoại di động đã được sử dụng để truy tìm ra nghi phạm.
Bộ Nội vụ nói nghi phạm sẽ phải đối diện với 48 năm tù.
“Chúng tôi sẽ không nương tay với sự vô pháp như thế, đặc biệt là với tình trạng bạo lực chính trị,” Tổng chưởng lý Jeff Session nói tại một cuộc họp báo.
“Hãy để vụ này trở thành bài học cho tất cả mọi người, bất kể niềm tin chính trị của họ là gì. Nên biết rằng chúng tôi sẽ dùng toàn lực của hệ thống pháp luật để xử lý đối tượng.”
Mỹ: Tại sao bầu cử giữa kỳ 2018 vô cùng quan trọng?
Thiết bị nổ được gửi tới nhà Clinton và Obama
Các cơ quan thực thi pháp luật nói rằng ông Sayoc sống tại Aventura, Florida.
Năm 2002, ông ta bị bắt do đe dọa đánh bom tại Hạt Miami-Dade, và bị một năm thử thách cho cáo buộc này.
Ông Sayoc có tiền án từ hồi 1991 tại Hạt Broward, theo hồ sơ lưu trữ.
Khi đó ông ta 29 tuổi, bị cáo buộc tội trộm cắp. Ông ta cũng đối diện với các cáo buộc gian lận và bạo hành.
Hồ sơ tòa án cho thấy ông Sayoc đã đệ đơn xin phá sản vào 2012, khi đang sống với mẹ. Một mẩu giấy viết tay trong hồ sơ xin phá sản của ông viết rằng: “Sống với mẹ. Không có tài sản.”
Năm 1980, Sayoc theo học ba học kỳ tại Đại học Brevard ở Bắc Carolina, nữ phát ngôn viên của trường này nói với BBC News. Tuy nhiên, ông ta đã không tốt nghiệp, phát ngôn viên của trường nói thêm.
Sau vụ bắt giữ, truyền hình Mỹ chiếu các hình ảnh cho thấy chiếc xe van màu trắng được cho là của Sayoc đã bị cho lên xe lớn ở Plantation, đưa đi để khám nghiệm.
Các tài khoản Twitter và Facebook mang tên Cesar Altieri và Cesar Altieri Randazzo, được cho là sử dụng bởi nghi phạm, đã bị đóng.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46002994
Trump nói truyền thông lợi dụng vụ gửi bom
để ghi điểm chính trị
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu cáo buộc truyền thông tin tức ở Mỹ lợi dụng việc đưa tin về kẻ tình nghi gửi ít nhất 14 quả bom tới một số nhân vật có tiếng thường hay chỉ trích ông là nhằm ghi điểm chính trị chống lại ông.
Vài giờ sau khi một người ủng hộ ông Trump, Cesar Sayoc, bị bắt ở bang Florida trong vụ gửi bom, ông Trump nói với những người ủng hộ tại một cuộc tập hợp chính trị ở thành phố Charlotte bang North Carolina rằng bạo lực chính trị không bao giờ có thể được dung thứ.
“Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn nó,” ông nói.
Nhưng ông Trump nhanh chóng gạt qua một bên bất kì nỗ lực nào nhằm hàn gắn những chia rẽ chính trị khi ông tiếp tục công kích các mục tiêu quen thuộc của ông: giới truyền thông và các đối thủ Đảng Dân chủ của ông.
“Chúng ta đã thấy nỗ lực của giới truyền thông trong những giờ gần đây lợi dụng những hành động xấu xa của một cá nhân để ghi điểm chính trị chống lại tôi và Đảng Cộng hòa,” ông Trump nói.
Nghi phạm gửi bom là người ủng hộ Trump, có tiền án
Ông dường như bình luận về tường trình dồn dập trên các kênh truyền hình tin tức về vụ gửi bom và những người bị nhắm mục tiêu đều là những người thường xuyên bị tổng thống đả kích.
Ông Trump đến Charlotte để vận động tranh cử cho các ứng viên Đảng Cộng hòa trước cuộc bầu cử Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 6 tháng 11. Phe Cộng hòa đang cố gắng giữ lại quyền kiểm soát Hạ viện và Thượng viện.
Một số người trong đám đông hôm thứ Sáu nhanh chóng hô to một khẩu quen thuộc trong các cuộc tập hợp chính trị của ông Trump: “CNN tệ hại.”
Ông Trump dừng lại trong lúc khẩu hiệu đó tiếp tục được hô to, sau đó nói thêm: “Nói về giọng điệu họ cũng có vai trò lớn chứ không phải không. Tường trình không công bằng liên tục của giới truyền thông … và những vụ tấn công tiêu cực chỉ càng đẩy mọi người ra xa nhau và làm suy yếu tranh luận lành mạnh.”
Khi ông Trump chỉ trích phe Dân chủ, đám đông hô vang “nhốt bà ta lại,” một điệp khúc từ chiến dịch vận động tranh cử năm 2016 của Tổng thống Cộng hòa khi ông gọi là đối thủ Dân chủ Hillary Clinton là “Hillary Gian trá.” Ông Trump một lần nữa gọi bà Clinton là “Hillary Gian trá” vào tối ngày thứ Sáu khi ông liệt kê những người theo Đảng Dân chủ được cho là từng ủng hộ xây một bức tường ở biên giới ủa Mỹ với Mexico.
Bà Clinton là mục tiêu của một trong những bưu kiện chứa bom được gửi đi trong tuần này. Những bưu kiện này đã bị chặn lại trong hoạt động rà quét thường xuyên cách xa nơi cư trú của bà.
NBC ngừng phát sóng chương trình
Megyn Kelly Today vì lời bình phân biệt chủng tộc
Los Angeles, California – Theo tuyên bố của đài truyền hình NBC News hôm Thứ Sáu (ngày 26 tháng 10), chương trình buổi sáng Megyn Kelly Today của NBC sẽ dừng phát sóng vào tuần sau.
Hôm Thứ Ba (ngày 23 tháng 10), người dẫn chương trình Megyn Kelly đã chịu vô số chỉ trích vì lên tiếng bảo vệ cách hóa trang Halloween bằng cách bôi đen mặt. Bà Kelly nói trong chương trình truyền hình của mình: “Cái gì là phân biệt chủng tộc? Bởi vì bạn gặp rắc rối nếu bạn là một người da trắng bôi đen mặt trong ngày Halloween, hay là người da đen bôi mặt trắng. Khi tôi còn nhỏ, điều này chấp nhận được miễn là trang phục phù hợp với nhân vật.”
Bà Kelly sau đó đã thừa nhận lỗi lầm cũng như xin lỗi vì các bình luận này. Nhưng vào hôm Thứ Năm (25 tháng 10), đài NBC bắt đầu phát sóng những tập đã thâu hình từ trước của chương trình, thay vì lên sóng trực tiếp như thường ngày. Đài NBC News cũng thông báo rằng, vào tuần sau, một xướng ngôn viên khác sẽ đảm nhận việc dẫn chương trình Today, phát sóng vào lúc giờ 9 giờ sáng, từng thuộc về bà Megyn Kelly.
Chủ tịch đài NBC News Andrew Lack đã phản đối bình luận của bà Kelly trong cuộc họp với nhân viên.
Luật sư Bryan Freedman đại diện cho bà Kelly cho biết, hiện nay thân chủ của ông vẫn làm việc cho đài NBC News và họ đang thảo luận về các bước tiếp theo. Nhưng theo thông tin từ chương trình “Today”, đại diện của bà Kelly và giám đốc đài NBC đang thảo luận về việc bà Kelly phải rời khỏi NBC cùng bản hợp đồng trị giá 69 triệu Mỹ kim của bà.
Đài NBC đã thuê bà Kelly vào tháng 1 năm 2017, sau khi bà nổi tiếng trên chương trình của đài Fox News. Khi đó bà Kelly sắp tái ký hợp đồng với Fox News, nhưng bà muốn tìm kiếm các cơ hội mới. (Mộc Miên)
Khu vực Mid-Atlantic và New England
chịu ảnh hưởng của bão vào cuối tuần này
Theo tin dự báo thời tiết, một phần khu vực bờ biển phía Đông sẽ có mưa lớn và gió lốc vào cuối tuần này, khi cơn bão phía đông bắc sắp đổ bộ vào đất liền.
Trung tâm khí tượng quốc gia (NWS) đã ban hành khuyến cáo lũ lụt ở một số khu vực bờ biển trải dài từ phía bắc tiểu bang New Jersey đến phía đông nam tiểu bang Massachusetts, sau khi một vùng áp thấp đang di chuyển dọc theo khu vực đông nam, gây mưa và gió lốc trên diện rộng. Nhà khí tượng học Dave Dombek cho biết, điều kiện thời tiết do tàn dư của cơn bão cấp 5 Willa đang tăng cường sức mạnh cho cơn bão sắp đổ bộ, với sức gió dự trù có thể từ 40 đến 60 dặm/giờ. Cơn bão dự kiến sẽ đổ bộ vào sáng hoặc trưa Thứ Bảy (ngày 27 tháng 10).
NWS cũng ban hành khuyến cáo thời tiết mùa đông tại phía bắc tiểu bang New York và phía nam New England, nơi các cơn mưa có thể chuyển thành tuyết. Ngoài ra, các hiện tượng như bão sấm sét và ngập lụt ven bờ biển cũng có thể xảy ra dọc theo vùng bờ biển 2 tiểu bang Carolinas. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/khu-vuc-mid-atlantic-va-new-england-chiu-anh-huong-cua-bao-vao-cuoi-tuan-nay/
Mỹ: Tại sao bầu cử giữa kỳ 2018 vô cùng quan trọng?
Dana NguyễnGửi tới BBC từ California
Chỉ còn 12 ngày nữa là cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ sẽ sảy ra vào ngày 6 tháng 11.
Tôi cảm nhận rất rõ cơn sốt bầu cử gia tăng từng ngày, từng giờ, thông qua các trang mạng xã hội và các đài truyền hình.
Đặc biệt hai ngày nay còn có một tin nóng hổi nói đến sự phát giác ra nhiều trái mìn được gửi tới các nhân vật quan trọng bên phe Dân chủ: Cựu tổng thống Barack Obama, cựu bộ trưởng bộ ngoại giao Hillary Clinton, cựu phó tổng thống Joseph Biden, trụ sở của đài phát tin CNN, tỷ phú George Soros, một mạnh thường quân lớn của đảng Dân chủ, và tài tử Robert De Niro – người đóng góp và giúp tranh cử cho một số ứng cử viên đảng Dân chủ.
Tin này thật sự đã làm tôi cảm thấy nước Mỹ đang đi vào giai đoạn chia rẽ tệ hại nhất giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Nhưng nguyên nhân nào tạo ra nông nỗi này?
Bầu cử giữa kỳ Mỹ và cử tri gốc Việt
Thiết bị nổ được gửi tới nhà Clinton và Obama
Trump đang đẩy lùi tiến trình dân chủ ở VN?
Câu trả lời của tôi: Lý do thứ nhất là cán cân quyền lực trong hệ thống chính phủ Mỹ hiện đang không cân bằng. Lý do thứ hai liên quan đến tổng thống Trump. Hai lý do này cộng lại mang đến một hậu quả to lớn hơn bài toán 1 + 1 = 2 rất nhiều.
Là một người đồng ý với nhiều quan điểm của đảng Cộng hòa như “small government” và “free enterprise”, tôi hoàn toàn thất vọng về tổng thống đương thời và e ngại cho một dân tộc tài hoa đang bị phá hủy nặng nề về mặt đạo đức bởi một vị lãnh đạo nhân phẩm kém cỏi đang mỵ dân, lợi dụng sự ngây thơ của một số dân chúng hòng gây chia rẽ & gây hoang mang về nhiều mặt nhằm giữ vững quyền lực cho chính mình.
Chúng ta hay cùng nhau nhìn vào lý do thứ nhất: “checks and balances” (kiểm soát và cân bằng”) là một hệ thống được tạo ra và ghi trong hiến pháp nước Mỹ để đảm bảo không có một chính phủ nào trở nên quá mạnh mẽ để có thể thông qua những bộ luật gây hại cho dân Mỹ.
Khi đa số thành viên của của lưỡng viện quốc hội và tổng thống cùng thuộc về một đảng, nó không khác gì việc chúng ta có một chế độ độc tài, có nguy cơ gây hại cho dân chúng Mỹ và cả toàn thế giới nếu những người nắm quyền là người xấu!
Kiểm soát và cân bằng khiển tổng thống Mỹ muốn làm gì phải thông qua sự kiểm soát và đồng ý của quốc hội, nhờ vậy giảm thiểu tối đa mọi rủi ro.
Hiện tại nước Mỹ đang nằm trong tình trạng này: Tổng thống, Thượng viện Hạ viện (và cả Tối cao Pháp viện) có đa số thành viên thuộc đảng Cộng Hòa! Nghĩa là một dự luật được tổng thống Trump đề cử rất có thể được chấp thuận, dù phía Dân Chủ không đồng ý!
Chẳng hạn như nếu tổng thống Trump đề xuất bỏ “pre-existing conditions” do cựu tổng thống Obama thành lập nên, nghĩa là Trump cho phép các công ty bảo hiểm không phải trả chi phí y tế cho những người đã mắc bệnh (hiểm nghèo) trước khi họ có bảo hiểm, thì luật đó sẽ được duyệt qua một cách dễ dàng! Và đây là một trong những nỗi lo lớn cho dân tình hiện nay.
Bầu cử giữa mùa là lúc cử tri có cơ hội bầu lại toàn thể 435 dân biểu tại Hạ viện và 33 thượng nghị sĩ tại Thượng viện, để tái thiết lập sự kiểm soát và cân bằng ấy.
Vì lý do này, cuộc bầu cử giữa vào ngày 6 tháng 11 tới đây vô cùng quan trọng vì người dân ủng hộ đảng Dân chủ có thể dành lại sự cân bằng trong cán cân quyền lực, hay nói khác đi là để cho hai đảng chính trị cùng có số người đại diện tuơng đối ngang nhau trong hệ thống chính phủ.
Bây giờ ta hãy nhìn vào vấn đề thứ hai: tổng thống Trump. Trước hết, tôi phải nhìn nhận rằng ông là môt người có khả năng làm cho nhiều dân chúng yêu mến ông một cách cuồng nhiệt. Đặc biệt những người nằm trong thành phần xã hội hoàn toàn không hưởng được lợi ích gì từ chính sách của Trump!
Chẳng hạn như những người làm nghề tay chân, người da đen, da vàng, người di dân, và cả phụ nữ! Một số dân được cho là ‘cuồng Trump” còn bị Trump cười thẳng vào mặt như khi ông tuyên bố trước công chúng trước đây rằng “Tôi đặc biệt thích những kẻ có học vấn thấp kém”. Nhưng điều nực cười nhất là những người phụ nữ cầm bảng “Women for Trump” trong các buổi vận động tranh cử do ông tổ chức! Tôi cứ thắc mắc hoài rằng: Chẳng lẽ những phụ nữ này mong được Trump sờ mó hay sao? Tôi cũng không hiểu tại sao có những người rất trí thức & thông thái cũng ủng hộ và bênh vực ông Trump chằm chặp!
Mà Trump thực sự đã làm được gì cho dân tộc Mỹ?
NV Nguyễn Tâm: ‘Đảng Dân Chủ khó lật ngược thế cờ’
Trump nói đi rồi phải nói lại gây bức xúc ở Mỹ
Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Một người Cộng hòa thay đổi quan điểm về súng
Kinh tế Mỹ có khá hơn từ khi Trump lên chức với thị trường chứng khoán gia tăng và tỉ lệ thấp nghiệp đang ở mức rất thấp (3.8%) nhưng mọi người có lẽ đã quên rằng tỉ lệ thất nghiệp đã đang trên đà đi xuống trong suốt 8 năm Obama giữ ghế tổng thống bắt đầu vào năm 2009, khi nển kinh tế Hoa Kỳ mới rơi vào giai đoạn hoàn toàn khủng hoảng, với chỉ số Dow Jones rớt một cái rụp từ 14000 xuống đến 6443. Obama đã làm giảm tỉ lệ thất nghiệp từ 10% (1/2009) xuống đến 4.9% vào tháng 1, 2017 khi Trump lên nhậm chức!
Có thể nói rằng Trump may mắn lên làm tổng thống khi đất nước đang đi vào giai đoạn xung mãn: Nhà tiếp tục tăng giá, tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm, và chỉ số chứng khoán gia tăng, dù hiện đang xuống và đang đi vào ranh giới của điều chỉnh.
Tuy nhiên, dù Trump có giỏi đến đâu (tôi chưa nhìn thấy điều đó), mà không có đạo đức thì theo tôi cũng chỉ đáng vất đi!
Ai cũng biết rõ ông Trump là người ăn nói lỗ mãng, phát ngôn bừa bãi, nói láo trắng trợn và sẵn sàng sỉ nhục tất cả những ai ông không ưa thích hoặc sửa sai ông như giới truyền thông và những người thuộc phe đối lập.
Ông Trump còn là người coi thường phụ nữ và có một cuộc sống bê bối tình dục. Tôi biết có nhiều người bênh vực ông về chuyện này và nêu ra rằng nhiều người đàn ông khác cũng như vậy thôi.
Tuy nhiên, tôi nghĩ ông Trump rất khác, là vì ông ta tự hào một cách công khai về hành xử của mình! Việc ông sàm sỡ với phụ nữ rồi quay lại sỉ báng họ không chút ngượng mặt truớc mặt toàn dân không những đã quá sai nhưng nó không dừng ở đó: việc ông ba hoa khoác lác ngoài công cộng còn khuyến khích phái đàn ông làm theo và xem đó là chuyện bình thường!
Một ví dụ mới nhất về việc Trump nói láo trắng trợn là khi ông tuyên bố tại rally ở Mesa, Arizona vào ngày 19 tháng 10 về đoàn người từ Honduras đang trên đường đến xin tị nạn ở Mỹ rằng trong số đám người đó có băng đảng MS-13, và nhiều người Trung Đông (ý nói họ là kẻ khủng bố), và rằng đảng Dân Chủ thích tội ác, thích tặng xe cho những công dân bất hợp pháp.
Nhưng khi bị các ký giả hỏi ông có bằng chứng gì về những người Trung Đông trong đoàn người đó không, Trump đã bí và lảng sang chuyện khác. Sau khi bị hỏi lần nữa ngay tài Nhà Trắng, ông Trump đã phải công nhận rằng “tôi hoàn toàn không có bằng chứng gì nhưng rất có thể là như thế!”
Tôi có biết một người cuồng Trump nói rằng ông ta chả thấy Trump nói dối bao giờ cả, và nói thêm: hơn nữa ai mà chẳng nói dối! Xin thưa rằng: ông Trump không những nói dối, mà còn là một kẻ nói dối chuyên nghiệp! Nói dối thường xuyên, nói dối càng ngày càng nhiều và nói dối về nhiều chuyện lớn cùng một lúc. Hơn nữa, Trump tiếp tục tuyên bố bừa phứa đổ tội vô tội vạ cho nhiều người thuộc phe đối lập, và đặc biệt là giới truyền thông và gọi họ là “kẻ thù của dân tộc” và nói họ đưa “fake news” vì họ dám lôi chuyện ông làm sai ra để mổ xẻ! Nói dối riết rồi ai cũng tin là Trump nói thật!!!
Ngoài vấn đề nhân cách, một người ăn nói không suy nghĩ và có cái tôi to bằng trời như Trump thì chẳng ai biết được ông ta sẽ quyết định chuyện tày trời gì ngày mai?
Nhiều người Việt Nam hy vọng Trump sẽ là người đánh bại Trung Quốc và vì vậy dẹp được đảng CSVN, thành ra họ “yêu” Trump, nhưng tôi cho rằng đó là một chuyện viển vông. Việc thay đổi thể chế ở Việt Nam thì chỉ có dân Việt Nam có thể làm được mà thôi.
Nói tóm lại, điều tôi vẫn không thể hiểu nổi là:
Từ khi nào phẩm chất của một con người không còn quan trọng nữa? Từ khi nào chúng ta không những chấp nhận một kẻ vênh váo, nói dối vô liêm sỉ ngay trước mặt công chúng hằng ngày, mà còn tôn thờ hay ủng hộ người con người ấy?
Nếu bạn có con cái đang ở tuổi cần dạy dỗ về mặt nhân phẩm, và bạn đang cổ vũ cho Trump, bầu cho Trump và sẽ bầu Trump lần nữa, thậm chí khuyến khích con mình bầu cho Trump thì có phải bạn đang khuyến khích con bạn xem Trump như là kiểu mẫu của con mình không?
Tôi còn biết những người công giáo bầu cho Trump chỉ vì họ muốn luật cấm phá thai tiếp tục tồn tại, nhưng ai phá thai thì vẫn phá thai, luật lệ đó chẳng cản được ai, trong khi họ không nghĩ rằng là một người công giáo mà ủng hộ ca ngợi một người như Trump thì có phải là điều tốt hay chăng?
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Dana Nguyễn từ Huntington Beach, California, Hoa Kỳ. Bà Dana Nguyễnhiện đang ủng hộ đảng Dân chủ Mỹ. BBC sẽ đăng tải các bài nêu quan điểm ủng hộ đảng Cộng hoà hoặc đảng phái khác trước bầu cử giữa kỳ tại Mỹ, mời các bạn đón xem.
Độc giả muốn chia sẻ quan điểm của mình, xin liên lạc với BBC: vietnamese@bbc.co.uk.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45998340
Nhiều thương vong sau vụ nổ súng
gần giáo đường Do Thái ở Pittsburgh
Cảnh sát cho biết một nghi phạm hiện đang bị câu lưu sau một vụ nổ súng gây nên “nhiều thương vong” tại một giáo đường Do Thái ở thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania.
Ba cảnh sát viên bị bắn và có những người tử vong tại Giáo đường Do Thái Tree of Life trong khu dân cư Squirrel Hill, CNN dẫn lời các quan chức cho biết. Họ nói tay súng đã đầu hàng.
Phát ngôn viên cảnh sát Chris Togneri cho biết cảnh sát không có thêm thông tin nào vào thời điểm này vì họ vẫn đang cố gắng kiểm soát giáo đường và xác định xem liệu có thêm mối đe dọa nào nữa không.
Giáo đường này nằm tại ngã tư hai đại lộ Wilkins và Shady. Khu dân cư Squirrel Hill, cách trung tâm thành phố Pittsburgh khoảng 10 phút, là nơi cộng đồng người Do Thái tập trung đông đúc, hãng tin AP cho biết.
Tổng thống Donald Trump nói ông đang theo dõi tình hình. Trong một dòng tweet, ông Trump khuyến khích mọi người trú ẩn tại chỗ và nói “có vẻ như có nhiều người chết.”
Mexico giúp ngăn di dân tiến tới biên giới Mỹ
Mexico hôm 26/10 đề nghị sẽ cấp giấy chứng minh và công việc tạm thời cho những di dân đăng ký tị nạn tại nước này trong nỗ lực chặn bước tiến của đoàn xe chở di dân từ các nước Trung Mỹ đang hướng về biên giới Hoa Kỳ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa đóng cửa biên giới Mỹ-Mexico và cắt giảm viện trợ cho các nước Trung Mỹ. Các quan chức Mỹ cũng cho biết có tới 1.000 binh sỹ đã được triển khai đến biên giới với Mexico để ngăn chặn các di dân băng qua biên giới vào Mỹ.
Tổng thống Mexico sắp mãn nhiệm Enrique Pena Nieto nói rằng những di dân nào muốn có được giấy chứng minh tạm thời, việc làm và cho con cái học hành có thể được đáp ứng bằng cách đăng ký tị nạn ở miền nam Mexico.
“Kế hoạch này chỉ dành cho những ai tuân thủ pháp luật Mexico, và đó là bước đi đầu tiên hướng đến giải pháp lâu dài cho những ai đã được cấp quy chế người tị nạn ở Mexico,” ông Pena Nieto nói trong bài diễn văn được thâu sẵn được phát sóng hôm 26/10.
Để được xét duyệt cho chương trình mà ông gọi là ‘Hãy xem đây là nhà’, các di dân phải ở các bang miền Nam như Chiapas và Oaxaca, ông Pena Nieto nói.
Đoàn người di dân này, hiện đang di chuyển qua bang Chiapas ở biên giới Guatemala, đã khiến ông Trump vận động quyết liệt trên vấn đề di dân bất hợp pháp trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 6/11 sắp tới.
Các quan chức Mexico nói rằng các di dân không đủ điều kiện để cấp quy chế tị nạn sẽ bị trục xuất.
Chính phủ Mexico cho biết hơn 1.700 người trong đoàn di dân đã đăng ký xin tị nạn, trong khi những người khác đã trở về nhà.
Ông Alden Rivera, Đại sứ Honduras ở Mexico, phát biểu trên đài phát thanh Mexico rằng đoàn di dân này sẽ đến Mexico City vào thứ Sáu tới. Ông đưa ra con số là 3.500 người và ước tính rằng ít nhất hai phần ba trong số đó là người Honduras.
Đoàn xe di dân khởi hành từ Honduras gần hai tuần trước và trên đường đi có thêm nhiều người dân các nước Trung Mỹ gia nhập.
Vòng 2 bầu cử tổng thống Brazil :
Phe quân sự trở lại chính trường
Trước ngày bỏ phiếu bầu tổng thống Brazil vòng hai, ngày mai Chủ Nhật 28/10/2018, cho dù tỉ lệ ủng hộ có phần giảm xuống theo thăm dò dư luận mới nhất, ứng cử viên cực hữu Jair Bolsonaro vẫn vượt xa đối thủ cánh tả.
Theo viện Datafolha, có đến 56% cử tri sẽ bầu cho ông Bolsonara. Theo các nhà quan sát, nếu ứng cử viên cực hữu thắng, phe quân sự sẽ tham gia chính phủ. Cách nay ba tuần, hơn 70 quân nhân đã đắc cử dân biểu trong các kỳ bầu cử địa phương và toàn quốc.
Đặc phái viên RFI Achim Lippold, người vừa tiếp xúc với tướng về hưu Roberto Peternelli, mới trúng cử dân biểu tại Brazilia, gửi về bài phóng sự:
« Ngồi dưới một lá quốc kỳ Brazil lớn treo trên tường, tướng Peternelli tiếp khách thăm tại trụ sở tranh cử của mình. Nhân vật này cho biết, nếu như có rất nhiều quân nhân đắc cử năm nay thì một phần là nhờ chính ông, bởi vì từ nhiều tháng nay, tướng Peternelli cố gắng thuyết phục các đồng đội ra tranh cử.
Tướng Peterneli nói : ‘‘Chúng ta có quá nhiều vấn đề tham nhũng với đảng PT, PMDB và nhiều đảng phái khác. Sự tham gia của phe quân sự trong cuộc bầu cử này có mục tiêu chống nạn tham nhũng và biển thủ tiền công quỹ. Điều này cho phép nhiều ứng cử viên xuất thân từ các đảng phái nhỏ giành chiến thắng’’.
Tuy nhiên, việc các quan chức quân đội tham gia chính trường gây nhiều lo ngại. Nhất là khi có một viên tướng công khai ủng hộ một can thiệp quân sự, mà theo ông ‘‘sẽ đưa nền dân chủ trở lại con đường đúng’’. Trên đây là lời của ông Alessi Souto, người dự kiến sẽ đảm nhiệm chức bộ trưởng Giáo Dục trong chính phủ của Bolsonaro, nếu chính trị gia cực hữu này đắc cử ».
Cảnh sát tháo gỡ các biểu ngữ chống phát xít tại các trường đại học
AFP ngày 26/10/2018 cho biết cảnh sát Brazil từ nhiều ngày qua đã mở chiến dịch rút các băng rôn chống phát xít hay hủy các cuộc hội thảo về dân chủ tại nhiều trường đại học công.
Hãng tin Pháp trích dẫn truyền thông địa phương theo đó khoảng 35 trường đại học lọt vào tầm ngắm của chiến dịch của cảnh sát, được thực hiện theo yêu cầu của Ủy ban bầu cử khu vực, chịu trách nhiệm giám sát cuộc bầu cử tại các bang. Các sinh viên và giáo sư xem chiến dịch này như là một hành động « kiểm duyệt ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181027-vong-2-bau-cu-tong-thong-brazil-phe-quan-su-tro-lai-chinh-truong
Syria : Hội Đồng Bảo An được triệu tập
sau khi Damas từ chối hợp tác
Theo các nguồn tin ngoại giao, vào trưa thứ Sáu 26/10/2018, giờ New York, Hội Đồng Bảo An thảo luận về tình hình Syria sau khi Damas thẳng thừng từ chối soạn thảo Hiến Pháp mới dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc .
Ngày thứ Tư vừa qua, Damas dứt khoát khước từ yêu cầu của đặc sứ Liên Hiệp Quốc về tình hình Syria, hợp tác thành lập một Hội đồng soạn thảo Hiến Pháp mới. Theo hãng thông tấn chính thức Sana, khi tiếp đặc sứ Staffan de Mistura, ngoại trưởng Walid Mouhallem nói rằng « Syria không muốn người ngoài can thiệp vào Hiến Pháp vì đó là vấn đề chủ quyền ».
Vấn đề là sáng kiến thành lập Hội đồng soạn thảo Hiến Pháp được quyết định tại Sotchi, Nga, vào tháng Giêng 2018, trong cuộc họp do Nga chủ trì và có sự hiện diện của phái đoàn Syria. Nhưng quân đội Syria, với hậu thuẫn quân sự của Nga, từ đó đến nay đã giành được thế chủ động.Giải pháp chính trị không là ưu tiên của Damas.
Theo AFP, cuộc họp của Hội Đồng Bảo An, diễn đàn để Nga và các nước Tây phương đưa ra những lập luận xung khắc, được tổ chức một ngày trước một hội nghị khác về Syria. Thứ Bảy 27/10/2018 lãnh đạo bốn nước Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Pháp và Đức họp tại Istanbul theo lời mời của tổng thống Erdogan.
Theo điện Elysée, tối hôm thứ Năm, tổng thống Pháp và Mỹ đã có một cuộc điện đàm « phối hợp » lập trường chung.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181026-syria-hoi-dong-bao-an-duoc-trieu-tap-sau-khi-damas-tu-choi-hop-tac
INF : NATO kêu gọi Mỹ cố thuyết phục Nga
Đồng minh châu Âu của Mỹ trong NATO kêu gọi Hoa Kỳ đừng bỏ hiệp ước đã ký với Nga về hạn chế tên lửa hạt nhân tầm trung (INF) mà hãy tập trung thuyết phục Matxcơva tuân thủ các giới hạn của hiệp ước này.
Viện lý do Nga vi phạm hiệp ước INF ký kết từ thời Liên Xô cũ, thứ Bảy tuần trước tổng thống Donald Trump thông báo Mỹ rút bỏ hiệp ước này và gửi cố vấn an ninh John Bolton sang gặp tổng thống Nga để giải thích. Lập luận của Mỹ là để có thể điều nghiên chế tạo tên lửa mới đối đầu với Trung Quốc tại châu Á.
Theo Reuters,trong cuộc họp kín ngày hôm qua tại trụ sở Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Bruxelles, đại diện của bộ Quốc Phòng, bộ Ngoại Giao và Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ thông báo với NATO về quyết định của tổng thống Donald Trump.
Lo ngại Matxcơva thực hiện lời đe dọa tăng cường triển khai tên lửa hạt nhân nếu Washington làm như thế, Đức và nhiều đồng minh châu Âu kêu gọi Mỹ « nỗ lực » thêm lần cuối cùng để thuyết phục Nga tuân thủ hiệp ước hạn chế tên lửa tầm trung (từ 500 đến 5500 km) và kéo Trung Quốc tham gia.
Châu Âu, nằm trong tầm tên lửa tầm trung của Nga, không muốn xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang. Một nhà ngoại giao xin ẩn danh giải thích : Ai cũng biết Nga vi phạm hiệp ước INF nhưng nếu Mỹ rút ra thì sẽ tạo điều kiện cho Nga chỉ trích chúng ta.
Trong cuộc họp tại Bruxelles mà chi tiết không được tiết lộ, phía Mỹ gián tiếp cho biết từ nay cho đến thượng đỉnh Trump-Putin tại Pháp ngày 11/11, bên lề buổi lễ kỷ niệm 100 năm Thế chiến thứ nhất kết thúc, Mỹ vẫn tôn trọng INF.
Theo cố vấn John Bolton, Nhà Trắng đã mời tổng thống Nga sang thăm Washington nhưng không cho biết chủ nhân điện Kremlin có nhận lời hay không.
Về phần mình, Nga đã đệ trình Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc một dự thảo nghị quyết để « bảo vệ » hiệp ước song phương INF.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181026-inf-nato-keu-goi-washington-co-thuyet-phuc-nga
Pháp, Đức, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ
họp bàn về khủng hoảng Syria
Hôm nay, 27/10/2018, lãnh đạo bốn nước Pháp, Đức, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ họp tại Istanbul, để bàn về xung đột Syria. Đây là lần đầu tiên bộ tứ, có tiếng nói quan trọng trong hồ sơ Syria, chính thức gặp nhau để tìm cách tháo gỡ khủng hoảng.
Theo AFP, mục tiêu trước hết của bộ tứ là tìm cách bảo tồn thỏa thuận ngừng chiến mong manh tại tỉnh Idlib, căn cứ địa cuối cùng của phe nổi dậy, nơi quân đội Damas đang chuẩn bị mở một đợt tấn công lớn. Hội nghị Pháp, Đức, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có mục tiêu thu hẹp bất đồng, để tìm một giải pháp chính trị cho khủng hoảng Syria.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh tình hình tại Idlib có xu hướng căng thẳng hơn. Hôm qua, ít nhất 7 thường dân thiệt mạng, do đạn của quân đội Syria. Đây là thiệt hại nhân mạng lớn nhất kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đạt thỏa thuận lập vùng đệm tại tỉnh Idlib hồi tháng 9.
Cho đến nay, lập trường của các bên vẫn hết sức khác biệt. Hội nghị khai mạc vào 12 giờ trưa nay, giờ quốc tế. Ngay trước hội nghị, sáng nay, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, để bàn về tình hình tại Idlib. Theo phủ tổng thống Pháp, quan điểm của Paris là các bên cần tiếp tục tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn, tạo điều kiện cho hoạt động trợ giúp nhân đạo tiếp cận các vùng dân cư, và xây dựng một lịch trình chuyển tiếp chính trị.
Theo các nhà quan sát, khó có hy vọng đạt được các kết quả đột phá ngay tại hội nghị này. Tuy nhiên, đây là một cơ hội quan trọng, cho phép các đối tác chủ chốt trong hồ sơ Syria tìm kiếm đồng thuận.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181027-phap-duc-nga-va-tho-nhi-ky-hop-ban-ve-khung-hoang-syria
Nữ phóng viên TQ bị buộc tội
hành hung tại hội nghị ở Anh
Một nữ phóng viên người Trung Quốc bị buộc tội hành hung sau khi tát một tình nguyện viên tại một sự kiện bên lề hội nghị Đảng Bảo thủ của Anh vào tháng trước, nơi mà họ thảo luận về các quyền tự do chính trị ở Hong Kong.
Khổng Lâm Lâm, phóng viên 48 tuổi cho Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, đã bị bắt sau vụ việc tại sự kiện có những người ủng hộ dân chủ từ cựu thuộc địa của Anh.
Cảnh sát West Midlands cho biết bà bị buộc tội hành hung và sẽ xuất hiện tại Tòa án Thẩm phán Birmingham vào ngày 7 tháng 11.
Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, còn được gọi là CCTV, là mạng lưới truyền hình lớn nhất của Bắc Kinh, với hàng chục kênh và các kế hoạch đầy tham vọng nhằm mở rộng ra quốc tế.
Reuters cho biết bà Khổng không trả lời yêu cầu bình luận được để lại trong lời nhắn tại văn phòng công ty của bà ở London.
Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc kiểm soát vào năm 1997 theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ,” với sự bảo đảm quyền tự chủ và các quyền tự do ở mức độ cao mà không nơi nào khác ở Trung Quốc được hưởng.
Nhưng những lời kêu gọi độc lập hoàn toàn là một lằn ranh đỏ đối với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, những người coi trung tâm tài chính toàn cầu này là một phần không thể tách rời của đất nước.
Một phát ngôn viên của chính phủ Trung Quốc trước đó mô tả sự đối đãi phóng viên này là “hoàn toàn không thể chấp nhận được” và nói rằng bản thân bà đã bị tấn công vì đặt câu hỏi, theo Reuters.
Bỉ chi 1,5 tỉ euro mua 442 xe bọc thép của Pháp
Hôm qua 26/10/2018, bộ trưởng Quốc Phòng Pháp, Florence Parly, thông báo Pháp sẽ cung cấp cho quân đội Bỉ 442 xe bọc thép. Hợp đồng trị giá hơn 1,5 tỉ euro.
Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benazet cho biết chi tiết :
« Với giá trên 1,5 tỉ euro, thương vụ giữa Bỉ và Pháp không chỉ là bàn giao các xe bọc thép mà còn liên quan đến công tác huấn luyện, đào tạo và bảo trì.
Kể từ năm 2025, lục quân Bỉ sẽ bắt đầu nhận được 2 loại xe bọc thép hạng nhẹ có bánh. Đó là 382 xe bọc thép đa nhiệm VBMR Griffon, chẳng hạn có thể được dùng để chuyển quân hoặc được sử dụng làm sở chỉ huy cơ động. Ngoài ra, còn có 60 chiếc EBRC Jaguar, một loại xe bọc thép trinh sát và chiến đấu có thể được trang bị đại bác hoặc tên lửa chống tăng.
Cả hai loại xe bọc thép Jaguar và Griffon đều do các công ty Pháp như Nexter Systems, Safran hoặc Thales, Renault Trucks Defense (nay thuộc Volvo) sản xuất và lắp đặt thiết bị.
Trong thương vụ này, số xe bọc thép Griffon đã giảm đi 35 chiếc so với dự kiến cách nay 2 năm, nhưng theo nhà chức trách Bỉ, việc nước này lựa chọn xe bọc thép của Pháp chứng tỏ việc mua sắm thiết bị quân sự của Bỉ không đi ngược lại lợi ích của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu. »
http://vi.rfi.fr/phap/20181027-bi-chi-15-ti-euro-mua-442-xe-boc-thep-cua-phap
Nhà nữ cựu ngoại giao Pháp
có thể trở thành tổng thống Gruzia
Chủ Nhật 28/10/2018, người dân Gruzia bỏ phiếu bầu tổng thống. Theo thăm dò, nhà cựu ngoại giao Pháp, bà Salomé Zourabichvili, hiện là nghị sĩ độc lập được cho là chiếm ưu thế, có thể trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Gruzia.
AFP lưu ý là vị trí tổng thống ở Gruzia chỉ mang tính biểu tượng, do quyền lực của tổng thống rất hạn chế, sau đợt sửa đổi Hiến Pháp gần đây. Nhưng cuộc bầu cử này được cho là một phép thử dành cho đảng cầm quyền Ước mơ Gruzia.
Điểm đáng chú ý là ứng viên được cho có nhiều triển vọng thắng cử là bà Salomé Zourabichvili, một nghị sĩ độc lập, đã được đảng cầm quyền Ước mơ Gruzia hậu thuẫn, từng là một nhà ngoại giao của Pháp.
Song thân của bà là người Gruzia, phải rời bỏ đất nước năm 1921 để chạy trốn quân Bôn-sê-vich. Sinh ra ở Paris vào năm 1952, bà Salomé Zourabichvili đã được cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac bổ nhiệm làm đại sứ Gruzia vào tháng 10/2003.
Tháng 11/2003, cuộc cách mạng Hoa Hồng đã đưa ông Mikhail Saakachvili, chủ trương thân phương Tây lên cầm quyền. Đây cũng là dịp để cho bà bắt đầu tham gia chính trường Gruzia cho đến ngày nay.
Tuy nhiên, để có thể ra tranh cử tổng thống, hồi tháng 09/2018, bà Salomé Zourabichvili đã buộc phải từ bỏ quốc tịch Pháp.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181027-nu-cuu-ngoai-giao-phap-co-the-tro-thanh-tong-thong-gruzia
Hôn thê của Khashoggi từ chối lời mời gặp Trump
Hôn thê của nhà báo người Ả-rập Xê út Jamal Khashoggi hôm 26/10 tuyên bố không nhận lời mời từ Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm Nhà Trắng, vì bà nghĩ rằng việc này nhằm mục đích gây ảnh hưởng công luận theo hướng có lợi cho ông Trump.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi hôn phu bị sát hại, bà Hatice Cengiz thuật lại các sự kiện dẫn đến việc họ đến lãnh sự quán Ả Rập tại Istanbul vào ngày 2 tháng 10. Bà Cengiz nói ông Khashoggi đưa cho bà hai chiếc điện thoại di động và đi vào bên trong trong khi bà đợi bên ngoài.
Về lời mời của Tổng thống Trump, bà Cengiz với đài truyền hình Haberturk rằng “Tôi xem lời mời này như một tuyên bố nhằm lấy lòng công luận.”
Ông Khashoggi, người chuyên viết bình luận cho tờ Washington Post và là người thường hay chỉ trích Thái tử Ả Rập Mohammed bin Salman, mất tích sau khi đi vào lãnh sự quán xin giấy tờ cần thiết để kết hôn với bà Cengiz, một công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Sau nhiều tuần phủ nhận liên can và tuyên bố bất nhất, Ả-rập Xê út cuối cùng đã xác nhận vụ giết hại ông đã được mưu tính từ trước.
https://www.voatiengviet.com/a/hon-the-cua-khashoggi-tu-choi-loi-moi-gap-trump/4631118.html
Vụ Khashoggi:
Thổ Nhĩ Kỳ đòi Ả Rập dẫn độ 18 nghi phạm
Các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị đưa ra yêu cầu Ả Rập Xê út dẫn độ 18 nghi phạm trong vụ sát hại nhà báo gốc Ả Rập, Jamal Khashoggi, theo nguồn tin từ giới chức Thổ Nhĩ Kỳ hôm 26/10 sau khi Tổng thống Tayyip Erdogan thúc giục Riyadh tiết lộ người ra lệnh thực hiện vụ sát hại.
Ông Erdogan trong những ngày qua đã gia tăng áp lực đòi Ả Rập Xê út minh bạch về vụ việc trong khi các nước phương Tây ngày càng bày tỏ nghi ngờ khiến cho quốc gia đồng minh chủ chốt ở Trung Đông này lâm vào cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ.
Ông Erdogan nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều thông tin hơn là những gì họ chia sẻ cho đến nay về vụ sát hại nhà báo Khashoggi ở lãnh sự quán Ả Rập Xê út tại Istanbul hôm 2/10.
Các công tố viên Ả Rập Xê út hôm 25/10 nói vụ sát hại này đã được tính toán trước, trái ngược lại tuyên bố chính thức trước đó của nước này rằng ông Khashoggi thiệt mạng trong một vụ giằng co ở lãnh sự quán. Việc Riyadh nhiều lần nói đi nói lại về việc này đã làm tổn hại vị thế của Thái tử Mohammed ở phương Tây.
Các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc 18 người mà họ đòi dẫn độ này là ‘sát nhân có tính toán trước hoặc có ý định ghê tởm hay bằng cách tra tấn’. Trước đó Riyadh đã bắt giữ 18 người này trong khuôn khổ cuộc điều tra về vụ việc. Trong số đó có đội an ninh 15 người mà Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã bay đến Istanbul vài giờ trước khi xảy ra vụ sát hại.
“Ai đã đưa ra mệnh lệnh này?” ông Erdogan phát biểu trong bài diễn văn trước các thành viên Đảng AK của ông ở thủ đô Ankara. “Ai đã ra lệnh cho 15 người này đến Thổ Nhĩ Kỳ?” ông nói.
“Căn cứ đằng sau yêu cầu dẫn độ này là Jamal Khashoggi bị sát hại ở Thổ Nhĩ Kỳ bởi những công dân Ả Rập Xê út – những người đã đến Thổ Nhĩ Kỳ vì mục đích này,” một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cấp cao nói.
Ả Rập Xê út cũng sa thải 5 quan chức chính phủ cao cấp trong quá trình điều tra.
Cách đồng minh phương Tây xử sự với Riyadh như thế nào tùy thuộc vào mức độ mà họ tin rằng Thái tử Mohammed bin Salman và giới chức Ả Rập Xê út phải chịu trách nhiệm đến đâu trong vụ sát hại Khashoggi.
Nhiều quốc gia đang ‘cưỡng lại’ Trung Quốc?
Ana Nicolaci da CostaBBC Business
Các nước trên thế giới đang tìm cách cưỡng lại sự ảnh hưởng và quyền lực ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong vai trò của một cường quốc toàn cầu.
Là quốc gia đông dân nhất trong số những quốc gia lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã luôn là một đối thủ nặng ký cạnh tranh với Hoa Kỳ về tầm ảnh hưởng và quyền lực.
Và trong những năm gần đây, ảnh hưởng của Bắc Kinh đã bùng nổ, khi Mỹ và châu Âu đang vực dậy từ các cuộc khủng hoảng tài chính.
Và điều này đã khiến một số quốc gia lo ngại, đặc biệt là Mỹ, vốn muốn giữ lại vị thế thống trị của mình trên thế giới.
Chiến tranh thương mại … và hơn thế nữa
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát động một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc trong năm nay, đánh một mức thuế quan mới, cao hơn cho khoảng một nửa lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ.
Washington cho rằng thuế quan là một phản ứng đối với thực tiễn thương mại “không công bằng” của Trung Quốc và cáo buộc tình trạng trộm cắp tài sản trí tuệ.
Đó cũng là một phần trong chính sách bảo hộ của chính quyền Trump để rút khỏi các thỏa thuận thương mại đa phương và đàm phán lại, thách thức hệ thống thương mại tự do toàn cầu.
Nhiều người ở Bắc Kinh nghi ngờ rằng Hoa Kỳ thực sự đang muốn kiềm hãm sự phát triển của Trung Quốc – được xem là một thách thức đối với quyền bá chủ của Mỹ.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos vào năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: “Các nước có quyền phát triển, nhưng họ nên xem lợi ích riêng của họ trong bối cảnh rộng hơn. Và không nên theo đuổi lợi ích riêng của họ mà gây hại cho người khác. “
như sự thiếu niềm tin ở lẫn nhau đang khiến cho tình hình trở nên trầm trọng hơn?
Tuy nhiên, kể từ khi tiếng súng khơi mào cuộc chiến thương mại nổ ra thì cuộc tranh chấp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ leo thang mà còn nghiêm trọng sâu sắc hơn.
Trong một bài phát biểu gần đây, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết Trung Quốc đã chọn “gây hấn kinh tế” khi hội nhập với thế giới và dùng “ngoại giao bẫy nợ” để mở rộng ảnh hưởng của nó.
“Không nghi ngờ gì nữa” Trung Quốc đang can thiệp vào nền dân chủ của Hoa Kỳ, ông nói.
Với uy mô và số lượng của các cuộc đả kích, nhiều nhà phân tích cho rằng tranh chấp Mỹ-Trung không chỉ là về thương mại.
“Người Trung Quốc nghĩ rằng Mỹ muốn kiểm soát họ… Rất nhiều người ở Mỹ thì nghĩ rằng người Trung Quốc muốn thống trị thế giới,” theo ông C. Fred Bergsten, người sáng lập của Viện Peterson về Kinh tế quốc tế ở Washington.
“Tất cả người Mỹ hiện nay lớn lên trong một thế giới mà Mỹ chiếm ưu thế … khi một ai đó nghiêm túc thách thức điều đó, như người Trung Quốc, nó sẽ được coi như là một nguy cơ và mối đe dọa.”
Trong khi chính phủ Mỹ đang chịu nhiều áp lực ngày càng gia tăng về một chính sách quyết đoán hơn đối với Trung Quốc trong nhiều năm qua, thì một số cho rằng ông Trump đang thực hiện một giải pháp rất “cực đoan” và “thô thiển”.
Trong khi đó, các tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về một quyền lực vĩ đại hơn đang khiến nhiều người lo lắng.
Ông Bergsten, người cũng từng là Phó tổng thư ký chính phủ về kinh tế của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Henry Kissinger cho biết: “Bản ngã lớn và lập trường mạnh mẽ của hai nhà lãnh đạo đang làm trầm trọng thêm và khiến hướng đến một cuộc chiến tranh lạnh.”
An ninh quốc gia
Quốc hội Úc năm nay đã thông qua luật mới để ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài trong vấn đề nội bộ, nhưng luật này được hiểu là để nhắm vào Trung Quốc.
Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc cũng là một mối lo ngại ở New Zealand, nơi một nghị sĩ gốc Trung Quốc phải bác bỏ cáo buộc ông là gián điệp cho Bắc Kinh.
Những lo ngại về an ninh quốc gia cũng đã dẫn đến việc kiềm hãm các công ty Trung Quốc, như hai công ty viễn thông khổng lồ Huawei và ZTE, và các nguồn đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài.
Chính phủ Úc cấm Huawei và ZTE cung cấp công nghệ 5G cho các mạng không dây của nước này, trong khi ủy ban an ninh Anh đã bày tỏ một số lo ngại về hệ thống viễn thông của Huawei.
Chính phủ Đức đầu năm nay cũng phủ quyết việc tiếp quản một công ty kỹ thuật của Trung Quốc trên cơ sở vì an ninh quốc gia.
Ngoại giao ‘bẫy nợ’
Các quốc gia được cho là được hưởng lợi từ sự giàu có của Trung Quốc cũng dường như đang trở nên thận trọng hơn.
Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, được công bố lần đầu tiên vào năm 2013, nhằm mục đích mở rộng mối liên kết thương mại giữa châu Á, châu Phi, châu Âu và xa hơn nữa.
Các dự án nhiều tỷ đô la đang gây ra một mối lo ngại về vấn đề nợ nần và bị cưỡng lại ở một số quốc gia.
Sri Lanka, Malaysia và Pakistan đều bày tỏ lo ngại về các chương trình này. Các nước nhận viện trợ lo lắng về việc tích lũy nợ và sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại nước nhà.
“Tôi nghĩ đầu tiên và trước hết các dự án này là một công cụ để Trung Quốc mở rộng, để tăng cường ảnh hưởng quyền lực mềm của mình thông qua ngoại giao kinh tế,” ông Michael Hirson, giám đốc châu Á của Eurasia Group cho biết.
“Ngoài ra nó cũng cho thấy một hướng đi chiến lược khi nó nhắm vào các dự án năng lượng và cầu cảng phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc trong việc kiểm soát các khu vực chiến lược ở nước ngoài.”
Ông Pence nhấn mạnh những lợi ích chiến lược này trong bài phát biểu của mình, nhắc đến khu cảng Hambantota của Sri Lanka, đã bị bàn giao quyền kiểm soát cho Trung Quốc để giúp trả nợ.
“Trung Quốc đang sử dụng thứ gọi là ‘ngoại giao bẫy nợ’ (debt diplomacy) để mở rộng tầm ảnh hưởng của nó.
“Hôm nay, quốc gia đó đang cung cấp hàng trăm tỷ đô la cho các khoản vay xây dựng cơ sở hạ tầng cho các chính phủ từ châu Á đến châu Phi đến châu Âu và thậm chí cả Mỹ Latin, “ông Pence nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46001384
Tỷ phú Trung Quốc giàu lên tới mức chóng mặt
Trung Quốc trong năm 2017 cứ mỗi tuần lại có thêm hai tỷ phú mới, theo nội dung một phúc trình ra hôm thứ Sáu 26/10.
Tên thế giới, độ giàu có của các tỷ phú đang đạt mức tăng “cao chưa từng có” trong năm ngoái, tăng 19%, với 2.158 nhà tỷ phú và tổng giá trị tài sản của họ là 8,9 nghìn tỷ đô la, bản phúc trình của ngân hàng khổng lồ Thụy sỹ UBS và hãng kiểm toán PwC nói.
Jack Ma dự định nghỉ hưu để làm từ thiện
Jack Ma rút lời hứa tạo 1 triệu việc làm ở Mỹ
Làm sao để trở thành tỷ phú nghìn tỷ
Thế giới có thêm 199 tân tỷ phú sau một năm, trong đó gần một phần ba giàu lên nhờ một số sáng chế, và số còn lại nhờ vào việc công ty làm ăn phát đạt tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, theo nội dung phúc trình.
Đáng chú ý là các tỷ phú Trung Quốc đã tăng khối tài sản của mình lên gần gấp đôi, với mức tăng là 39%, tương đương 1,12 nghìn tỷ.
Theo xếp hạng của Forbes trong năm 2018, thì lần đầu tiên tỷ phú Jeff Bezos, lãnh đạo của Amazon, với tổng giá trị tài sản là 112 tỷ đô la, trở thành người giàu nhất thế giới, vượt qua Bill Gates (90 tỷ đô la).
Tỷ phú Jack Ma, sáng lập viên của trang thương mại điện tử Alibaba vẫn là người giàu nhất Trung Quốc, với giá trị ròng đạt 34,6 tỷ đô la.
Đứng thứ hai là ông Mã Hóa Đằng, người sáng lập, đồng thời là chủ tịch và giám đốc điều hành của trang thương mại điện tử Tencent, với giá trị ròng 32,8 tỷ.
Bình luận về tỷ phú bất động sản ở VN
Tỷ phú họ Quách xin tỵ nạn chính trị ở Mỹ
“Trong thời gian một thập niên qua, các tỷ phú Trung Quốc đã tạo ra một số các công ty lớn nhất, thành công nhất thế giới, nâng cao tiêu chuẩn sống,” Josef Stadler, người đứng đầu mảng theo dõi, nghiên cứu về những người siêu giàu với giá trị ròng cực lớn của UBS nói.
“Nhưng đây mới chỉ là sự khởi đầu. Mức dân số rất đông, sáng tạo công nghệ và sự tăng trưởng trong sản lượng của Trung Quốc là các yếu tố mà khi được kết hợp với sự ủng hộ của chính phủ thì đang đem lại những cơ hội vô tiền khoáng hậu cho các cá nhân, không chỉ trong việc xây dựng doanh nghiệp mà còn cả trong việc làm cuộc sống của mọi người trở nên tốt đẹp hơn.”
Bản phúc trình nói Trung Quốc trong năm 2017 cứ mỗi tuần lại có thêm hai tỷ phú mới trong số ba tân tỷ phú của châu Á.
Quốc gia đông dân nhất thế giới này cũng cho ra 50 công ty được gọi là “kỳ lân” – tức là các công ty được định giá ít nhất là 1 tỷ đô la – trong thời gian từ 2016 đến 2018, thấp hơn so với con số 62 công ty của Mỹ
Tại vùng châu Mỹ, mức giàu có của các tỷ phú tăng với mức chậm hơn, 12%, đạt 3,6 nghìn tỷ. Hoa Kỳ có thêm 53 tân tỷ phú trong năm 2017, trong khi con số hồi năm năm trước đó là 87.
Đồng tiền euro mạnh lên khiến tài sản của các tỷ phú châu Âu tăng 19%, tuy số lượng tỷ phú chỉ tăng 4%, đạt 414 người.
Bản phúc trình cảnh báo về việc kinh tế sẽ có thể tăng trưởng chậm hơn ở Mỹ và Trung Quốc nếu như cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia tiếp tục leo thang.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45992222
Ngành công nghiệp hắc ám của TQ
bị phơi bày trên sóng BBC
Hãng tin BBC gần đây công bố hàng loạt các cuộc phỏng vấn xoay quanh vấn nạn mổ cướp tạng ở Trung Quốc với những thông tin cho thấy tội ác này rất có khả năng đang diễn ra từng ngày.
Trong phóng sự đăng ngày 9/10, BBC trích một đoạn ngắn trong cuộc điều tra của đài truyền hình Hàn Quốc Chosun TV, về trường hợp một bệnh nhân người Hàn Quốc đang trong quá trình hồi phục sau ca ghép gan tại một bệnh viện ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc.
Bệnh nhân nói rằng ông chỉ phải chờ 2 tháng là được ghép gan, dù không biết bệnh viện lấy nội tạng từ đâu. Trong đoạn video, y tá tại bệnh viện còn nói rằng nếu bệnh nhân trả thêm chút một khoản tiền “ủng hộ” bên ngoài chi phí tạng là 130.000 USD/ lá gan, thì thậm chí có thể còn nhận được nội tạng sớm hơn nữa.
Y tá cho biết một ngày trước đó bệnh viện nói trên đã thực hiện đến 7 ca ghép tạng, nghĩa là có ít nhất 7 nội tạng phù hợp được tìm thấy trong vỏn vẹn 24 giờ. Phóng viên Matthew Hill của BBC bình luận, ở các nước, bệnh nhân thường phải chờ đợi ít nhất vài năm mới có hy vọng tìm được nội tạng để cấy ghép, nhưng tại Trung Quốc con số này có thể tính trong vài tuần.
Bệnh nhân Hàn Quốc chỉ phải chờ 2 tháng để được ghép tạng ở Trung Quốc (Ảnh chụp màn hình từ video phóng sự đăng trên BBC)
Chính quyền Trung Quốc trước kia thừa nhận họ sử dụng nội tạng tử tù để cấy ghép nhưng tuyên bố đã chấm dứt hoàn toàn hoạt động trên từ tháng 1/2015 và chỉ sử dụng nguồn hiến tặng tự nguyện. Tuy nhiên, tỷ lệ hiến tặng nội tạng của nước này thuộc hàng thấp nhất thế giới, cứ một triệu dân thì mới có 0,6 người đăng ký hiến tạng, BBC cho biết trong một bài báo ngày 4/12/2014.
Vậy những nội tạng được cung cấp nhanh tới mức bất thường ở Trung Quốc đến từ đâu? Các nhà điều tra cho biết nguồn nội tạng chủ yếu tại Trung Quốc không phải đến từ tử tù hay những người hiến tạng tự nguyện, mà là từ tù nhân lương tâm, tức những người bị bắt giữ không phải vì có hành vi bạo lực hay vi phạm pháp luật, mà chỉ vì họ có đức tin không được chính quyền thừa nhận.
Theo báo cáo cập nhật năm 2016, nhóm nạn nhân lớn nhất là các học viên Pháp Luân Công, môn khí công thuộc trường phái Phật gia bị chính quyền Trung Quốc đàn áp từ năm 1999 đến nay. Ngoài ra còn có các Phật tử Tây Tạng, tộc người thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương, và các tín đồ Cơ Đốc giáo tại gia.
Các học viên Pháp Luân Công Ạnh QuốcCác học viên Pháp Luân Công Ạnh Quốc ngồi thiền tại Quảng trường Trafalgar, London ngày 23/7/2017. Trái ngược với Anh và các quốc gia khác trên thế giới, Trung Quốc là nơi duy nhất bức hại tàn khốc các học viên Pháp Luân Công. (Ảnh: Falun Dafa in UK /Facebook)
Hãng tin BBC đã phỏng vấn bà Annie Yang, một học viên người Hoa, tại địa điểm thỉnh nguyện 24 giờ mỗi ngày của các học viên Pháp Luân Công ở Luân Đôn, ngay đối diện Đại sứ quán Trung Quốc.
Bà Yang cho biết vào năm 2005 bà bị đưa đến một trại cải tạo ở Bắc Kinh chỉ vì tập Pháp Luân Công. Tại đó, rất nhiều học viên khoẻ mạnh thường xuyên bị ngược đãi và tra tấn nhưng đồng thời lại thường xuyên bị kiểm tra y tế bắt buộc. “Họ bắt các học viên Pháp Luân Công đến bệnh viện gần nhất để khám tổng quát, gồm chụp X-quang, siêu âm và thử máu”, bà Annie nói.
Điểm thỉnh nguyện của các học viên Pháp Luân Công nằm đối diện Đại sứ quán Trung Quốc tại LondonĐiểm thỉnh nguyện của các học viên Pháp Luân Công nằm đối diện Đại sứ quán Trung Quốc tại London, Anh Quốc. Bên trái là một học viên Pháp Luân Công phương Tây. Bên phải là bà Annie Yang, một học viên người Hoa từng bị chính quyền Trung Quốc bức hại ở đại lục (Ảnh chụp màn hình video phóng sự của BBC đăng trên Youtube)
BBC cũng phỏng vấn ông Haikuan Liu, một học viên Pháp Luân Công từng bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ trái phép vừa được trả tự do vào năm ngoái. Ông cho biết: “Ở bệnh viện trong tù, mấy lần họ đưa tôi đi, bảo tôi đưa tay vào một cửa sổ, trong đó có dây quấn quanh bắp tay tôi, rồi họ lấy kim chích máu ra. Không chỉ mình tôi, mọi học viên Pháp Luân Công đang bị giam đều như thế. Họ buộc chúng tôi từ bỏ đức tin, nếu chúng tôi không làm, họ sẽ đánh, vào vùng chân, tay và hông. Nhưng vùng nội tạng, họ tuyệt đối không đụng”.
Cũng trong bài phóng sự, chủ tịch Ủy ban Hiến tặng và Cấy ghép nội tạng Quốc gia, nguyên Thứ trưởng Y tế Hoàng Khiết Phu cho biết năm ngoái Trung Quốc chỉ tiến hành khoảng 15.000 ca cấy ghép, và phần lớn nguồn tạng trong số đó lấy từ hơn 6 triệu bệnh nhân thuộc diện chăm sóc đặc biệt bị tử vong hàng năm.
Khi phóng viên thắc mắc rằng, theo ước tính Trung Quốc phải tiến hành tới 100.000 ca cấy ghép hàng năm và tại sao các bệnh viện tìm được nội tạng rất nhanh chóng, ông Hoàng từ chối trả lời và bỏ đi.
Ông Hoàng Khiết Phu, người đứng đầu hệ thống phân bổ nội tạng của Trung QuốcÔng Hoàng Khiết Phu, người đứng đầu hệ thống phân bổ nội tạng của Trung Quốc, từ chối trả lời khi bị chất vấn về nguồn tạng dồi dào bất thường (Ảnh chụp màn hình phóng sự của BBC đăng trên Youtube)
Trong một cuộc thảo luận khác được ghi lại ở trường quay, BBC đã phỏng vấn nhà báo điều tra Ethan Gutmann, người được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2017 cho nỗ lực phơi bày hoạt động cấy ghép tạng phi pháp ở Trung Quốc; và bác sĩ Enver Tohti, người từng tham gia một ca thu hoạch tạng cưỡng bức ở Trung Quốc vào năm 1995.
Ông Tohti cho biết chỉ khi tới Anh Quốc, ông mới hiểu thế nào là văn minh và nhân quyền, và khi đó ông mới biết hành vi của mình là một tội ác. Sau khi nhà báo Gutmann công bố cuốn sách điều tra The Slaughter (tạm dịch: Đại Thảm sát), ông Tohti quyết định bước ra làm nhân chứng về hoạt động thu hoạch tạng cưỡng bức của chính quyền Trung Quốc. Kể từ đó, lời thú nhận của ông đã thu hút hàng chục triệu lượt xem trên khắp thế giới.
Nhà báo Ethan Gutmann, tác giả cuốn ‘Đại Thảm Sát’, nói với BBC rằng, sau thời điểm Bắc Kinh đưa ra tuyên bố ngừng sử dụng tù nhân làm nguồn cung cấp tạng, ông tiến hành điều tra và phát hiện con số ca cấy ghép mà Trung Quốc tiến hành hàng năm không phải hơn 10.000 như tuyên bố, mà phải “từ 60.000 đến 100.000”.
Ông Gutman nói: “Dù cho tính luôn cả con số nội tạng tự nguyện hiến mà họ bịa ra cũng không đủ lắp vào số chênh lệch đó. Chỉ có khả năng là tộc người Duy Ngô Nhĩ, học viên Pháp Luân Công, người Tây Tạng, tín đồ Cơ đốc giáo tại gia”.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC, ông Gutman cũng thể hiện sự tôn trọng dành cho một số quốc gia tiến bộ trên thế giới đã tiên phong ban lệnh cấm công dân đến Trung Quốc du lịch ghép tạng, gồm Israel, Ý, Đài Loan và Tây Ban Nha.
Nhà báo Ethan Gutmann, tác giả cuốn sách The Slaughter (tạm dịch: Đại Thảm Sát) viết về hoạt động mổ cướp nội tạng do chính quyền Trung Quốc bảo trợ. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh)
Phóng viên Matthew Hill cho rằng các nhóm rất dễ trở thành nạn nhân bị mổ cướp tạng bao gồm các học viên Pháp Luân Công (bị bức hại vì số học viên vượt quá số lượng Đảng viên năm 1999) và người Duy Ngô Nhĩ (có khoảng 500.000 đến 1 triệu người bị giam giữ tại các trại cải tạo ở Trung Quốc, theo báo cáo của Nghị viện Hoa Kỳ). Ông Hill cũng đặt ra nghi vấn về thời gian chờ ghép tạng cực ngắn tại các bệnh viện Trung Quốc, cũng như làm thế nào chính quyền Bắc Kinh vượt qua suy nghĩ “chết phải toàn thây” vốn đã ăn sâu vào tư tưởng người dân Trung Quốc để đi đến con số người hiến tạng mà họ tuyên bố.
Phóng viên Howard Jiang của đài BBC tiếng Trung, chuyên làm phóng sự điều tra về nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc, cho biết đồng tiền là “luật” đầu tiên và cao nhất ở quốc gia này. Ông nói: “Về cơ bản, tiền là luật số 1. Miễn là có lợi, có tiền, rất nhiều loại chuyện đều có thể xảy ra”.
Ông Howard Jiang của BBC tiếng Hoa nói rằng ở Trung Quốc “tiền là luật số 1”. (Ảnh chụp màn hình từ video phóng sự của BBC)
Phóng viên Matthew Hill cho rằng vì Trung Quốc vẫn chưa cho phép bác sĩ phẫu thuật quốc tế thẩm định bệnh viện tại địa phương xem liệu có thật sự diễn ra hoạt động thu hoạch tạng cưỡng bức hay không, từ đây đến lúc hình thức vận hành hệ thống cấy ghép Trung Quốc trở nên minh bạch, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng nạn mổ cướp tạng vẫn đang tiếp tục diễn ra.
http://biendong.net/bien-dong/24357-nganh-cong-nghiep-hac-am-cua-tq-bi-phoi-bay-tren-song-bbc.html
TQ sẽ thải hồi cựu chủ tịch Interpol
khỏi cơ quan cố vấn quốc hội
Trung Quốc sẽ thải hồi cựu lãnh đạo Interpol Mạnh Hoành Vĩ khỏi một cơ quan cố vấn quốc hội phần nhiều mang tính nghi lễ, truyền thông nhà nước đưa tin, sau khi chính phủ Trung Quốc mở cuộc điều tra hối lộ và các vi phạm khác nhắm vào ông.
Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc trấn áp sâu rộng nạn tham nhũng trong giới quan chức.
Đầu tháng này, Interpol, cơ quan hợp tác cảnh sát toàn cầu đặt trụ sở tại Pháp, cho biết ông Mạnh đã từ chức chủ tịch, sau khi nhà chức trách Pháp cho biết quan chức người Trung Quốc này được vợ báo cáo mất tích sau khi trở về nước.
Không rõ ông Mạnh hiện đang bị câu lưu ở đâu và liệu ông có được cho phép có luật sự đại diện hay không. Hãng tin Reuters nói không thể liên lạc được với ông để xin bình luận.
Trong một hành động mới nhất của chính phủ Trung Quốc nhắm vào ông Mạnh, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, đặc trách cố vấn quốc hội dù không có quyền hành lập pháp, đã quyết định thải hồi ông khỏi cơ quan này, truyền thông nhà nước cho biết vào cuối ngày thứ Sáu.
Quyết định vẫn cần chấp thuận chính thức từ ban thường vụ của cơ quan, Tân Hoa Xã đưa tin, dù việc này sẽ chỉ là một thủ tục hình thức.
Ông Mạnh trước đây là thành viên của ban đối ngoại của cơ quan này.
Các thành viên của cơ quan cố vấn này không được quyền miễn tố, không giống như các thành viên của quốc hội Trung Quốc chủ yếu có nhiệm vụ phê chuẩn luật pháp về mặt hình thức.
Ông Mạnh, 64 tuổi và là một thứ trưởng bộ công an, trở thành chủ tịch của cơ quan hợp tác cảnh sát toàn cầu vào cuối năm 2016 trong một nỗ lực rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm giành lấy các vị trí lãnh đạo trong các tổ chức quốc tế.
Việc bổ nhiệm ông vào thời điểm đó đã khơi lên những lo ngại từ các tổ chức nhân quyền rằng Bắc Kinh có thể sẽ tìm cách tận dụng vị trí của ông để theo đuổi những người bất đồng chính kiến ở nước ngoài.
TQ dùng ‘quyền lực sắc nhọn’
tấn công Đài Loan như thế nào?
Trả lời phỏng vấn Fairfax Mediam hôm 23/10, Bộ trưởng ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp nói rằng “Úc và các nước có cùng quan điểm” đang quan tâm sát sao tới việc Trung Quốc sử dụng “quyền lực sắc nhọn” để chống lại Đài Bắc, theo Taiwan News.
“Quyền lực sắc nhọn” (sharp power) mà ông Ngô nói tới, theo The Economist, có nghĩa là hành vi dựa vào “việc kết hợp các yếu tố như lật đổ, bắt nạt và gây áp lực, để khiến các quốc gia phải tự kiểm duyệt hành vi của mình”.
Ông Ngô nói rằng Trung Quốc đang cố gắng phân hóa xã hội Đài Loan thông qua các chiến dịch phá hoại, và các phương pháp sử dụng vật chất để mua chuộc, cách mà quốc gia này đã sử dụng trên phạm vi toàn cầu.
Theo Taiwan News, Trung Quốc được cho là đã mua chuộc các ứng viên ứng cử vào các vị trí lãnh đạo ở địa phương của Đài Loan trong kỳ bầu cử diễn ra vào ngày 24/11 tới. Cũng theo trang tin tức này, Trung Quốc sẽ tăng cường các cuộc tấn công mạng nhắm vào cơ quan của chính phủ Đài Loan, cũng như cho lan truyền các tin tức giả trong thời gian hòn đảo này chuẩn bị cho kỳ bầu cử địa phương.
Chính phủ Đài Loan gần đây đã mô tả sự lây lan của tin tức giả mạo là một “mối đe dọa [đối với] an ninh quốc gia”. Cục An ninh mạng Đài Loan, vào tháng Tư, cho hay các cơ quan chính phủ của hòn đảo này đã ghi nhận hơn 20 triệu cuộc tấn công mạng mỗi tháng, chủ yếu là từ Trung Quốc.
“Hầu như tất cả các đoàn ngoại giao Úc hoặc của các nước khác đến Đài Loan đều rất quan tâm tới việc Đài Loan đối phó với tình huống [bị Trung Quốc tấn công] như thế nào. Và với những gì tôi thấy, ngày càng có nhiều quốc gia quan tâm đến việc hợp tác với Đài Loan hoặc ít nhất là quan tâm tới Đài Loan”, ông Ngô nói với Fairfax Media.
Đài Loan Sẽ Giáng Trả Nếu Trung Cộng Tấn Công
Phạm Gia Đại
Trước những áp lực ngày càng nặng nề của Trung Cộng vào các nước trong vùng Biển Đông khi muốn biến vùng biển quốc tế này thành vùng lãnh hải thuộc Hoa Lục, chính phủ Hoa Kỳ, đặc biệt là các giới chức trong chính quyền lập pháp và hành pháp, và Tổng Thống Hoa Kỳ đã lên tiếng khẳng định đây là vùng biển quốc tế tự do lưu hành, và Trung Cộng là hiểm họa cho thế giới.
Nhật Bản trong một chiến lược đổi mới đã công nhận Đài Loan và sẽ phụ giúp hòn đảo tự do này về cả kinh tế, quốc phòng và an ninh. Chính phủ Nhật Bản đã ký với Đài Loan một Chương Trình Giúp Phòng Vệ Hỗ Tương (Mutual Defense Aid Program). Theo một nguồn tin từ Đài Bắc và Kyodo, như vậy nếu Đài Loan bị tấn công, Nhật Bản có thể can thiệp để hỗ trợ hòn đảo này. Ngoài ra, văn phòng liên lạc về văn hóa giáo dục và du lịch của Đài Bắc đặt tại Tokyo sẽ được nâng cấp lên thành tòa đại sứ, và Nhật Bản không công nhận chủ trương một nước Trung Hoa của Hoa Lục. Tên mới của hòn đảo tự do này sẽ là nước Cộng Hòa Đài Loan (The Republic of Taiwan), và người dân Đài Loan từ nay đến Nhật sẽ với một tư cách mới. Tân Hoa Xã đã lên tiếng cực lực phản đối Nhật Bản đã can thiệp vào nội bộ của Hoa Lục.
Cũng trước những đe dọa từ Bắc Kinh có thể tấn công quân sự vào hòn đảo bé nhỏ này, Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Anh đã lên tiếng khẳng định rằng Đài Loan có khả năng đẩy lui mọi cuộc tấn công từ Hoa Lục. Bà nói rằng các nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh nên cân nhắc trước khi quyết định tấn công Đài Loan vì hậu quả sẽ vô cùng tai hại cho họ. Đài Loan có khả năng sẽ giáng trả với các hỏa tiễn liên lục địa vào các điểm trọng yếu tại Hoa Lục, nhất là Đập Tam Hiệp (The Tree Gorges Dam) đã nằm trong bộ nhớ của các hệ thống hỏa tiễn này. Một khi Đài Loan bị tấn công thì Đập Tam Hiệp cũng sẽ tan tành và giòng nước lũ sẽ cuốn hàng triệu dân cư trôi đi theo với các thành phố làng mạc.
Như vậy, sau khi được chính quyền Hoa Kỳ của Tổng Thống Donald Trump hỗ trợ, bây giờ Đài Loan lại được một nước mạnh nhất trong vùng là Nhật Bản giúp về phòng vệ trước nguy cơ bị Trung cộng tấn công.
Ngoài ra xin bổ túc, cũng theo Tân Hoa Xã và Kyodo, Tập Cận Bình đã đe dọa Tổng Thống Trump là họ Tập sẽ sử dụng khoảng 30 triệu người Hoa mà họ có trong tay ở nhiều nơi trên thế giới, chú trọng nhất tại Bắc Mỹ, Canada và Nam Mỹ, để phá hoại uy tín và ngăn cản tiến trình tái đắc cử vào Tòa Bạch Ốc lần thứ nhì của Tổng Thống Trump.
Thời gian gần đây tình hình thế giới đang biến chuyển mạnh mẽ qua chiến lược đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh của Hoa Kỳ, Nhật Bản và một số quốc gia ven Thái Bình Dương. Các bình luận gia đều đang chờ đợi xem Chủ Tịch Tập Cận Bình sẽ đi những nước cờ nào để có thể hóa giải được mũi tấn công trực diện này từ thế giới tự do./. (Tin Tổng Hợp).
https://vietbao.com/p112a286902/dai-loan-se-giang-tra-neu-trung-cong-tan-cong
Tạm gác quá khứ vì hiện tại
Hôm nay, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc kéo dài 3 ngày.
Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Nhật thăm chính thức Bắc Kinh trong 7 năm qua và diễn ra nhân kỷ niệm 40 năm ngày Hiệp ước hòa bình hữu nghị Nhật – Trung có hiệu lực (23.10). Chuyến đi của ông Abe là kết quả của nhiều cuộc đối thoại nhằm hàn gắn quan hệ song phương, vốn đã xấu đi từ năm 2012, khi Nhật quốc hữu hóa quần đảo Senkaku mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.
Chuyến thăm cũng cho thấy hai bên đang tạm gác lại những vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông để tìm kiếm mối quan hệ kinh tế mới giữa thời điểm cả hai đều chịu ảnh hưởng từ chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ. Trung Quốc cần lôi kéo thêm nguồn đầu tư, trong khi đó Nhật Bản cũng không muốn đối tác thương mại lớn nhất của mình lâm vào tình trạng trì trệ kéo dài, có thể dẫn đến liên lụy nền kinh tế thiên về xuất khẩu của Tokyo. Tuy vậy, giới quan sát nhận định Nhật sẽ chỉ hợp tác với Trung Quốc ở mức độ vừa phải khi chính sách kinh tế – chính trị – quân sự của Bắc Kinh vẫn là một mối lo ngại lớn.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/24349-tam-gac-qua-khu-vi-hien-tai.html
Nhật-Trung hứa hẹn thăng tiến bang giao
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 26/10 tiếp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Bắc Kinh.
Ông Tập chào mời ông Abe trong chuyến công du chính thức đầu tiên tới Trung Quốc, ca ngợi việc ông Abe trong nhiều năm qua luôn bày tỏ sẵn sàng cải thiện-phát triển quan hệ Nhật-Trung, và kêu gọi đôi bên hợp tác thực tiễn ở cấp cao và khai thác trọn vẹn các tiềm năng hợp tác.
Chủ tịch Trung Quốc cũng kêu gọi hai nước tuân thủ cam kết, giải quyết các vấn đề theo 4 văn kiện chính trị và sự đồng thuận hiện hữu, xử lý bất đồng một cách xây dựng và duy trì nền tảng chính trị để phát triển quan hệ song phương vững chắc.
Thủ tướng Nhật nói ông vui mừng vì chuyến đi diễn ra tại thời điểm quan trọng khi đôi bên kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Hòa bình-Hữu nghị Nhật-Trung.
Ông Abe kêu gọi hai nước siết chặt bang giao, góp phần bảo vệ tự do mậu dịch, phát huy hòa bình khu vực theo tinh thần hợp tác đôi bên cùng có lợi và trên nguyên tắc bên này không xem bên kia là mối đe dọa.
Gọi sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc là đầy tiềm năng, Thủ tướng Nhật nói Tokyo sẵn sàng củng cố hợp tác với Bắc Kinh trong nhiều lĩnh vực, kể cả cùng nhau phát triển các thị trường thứ ba.
Ông Abe mời ông Tập thăm Nhật Bản vào năm sau.
Ông Tập nói sẽ cân nhắc nghiêm túc về chuyến công du Nhật Bản, một phát ngôn nhân của chính phủ Nhật cho báo giới biết.
https://www.voatiengviet.com/a/nhat-trung-hua-hen-thang-tien-bang-giao/4631110.html
Sri Lanka : Tổng thống bất ngờ
bổ nhiệm cựu đối thủ làm thủ tướng
Hôm qua, 26/10/2018, tổng thống Sri Lanka đã gây bất ngờ khi quyết định bổ nhiệm đối thủ, cựu tổng thống Mahinda Rajapakse vào chức thủ tướng. Việc ông Rajapakse được chỉ định làm thủ tướng bị phản đối mạnh tại đảo quốc, vì đi ngược lại với Hiến pháp nước này.
Thông tín viên RFI Sébastian Farcis tại khu vực cho biết cụ thể :
« Đây là một sự trao đổi liên minh kỳ lạ. Năm 2015, chính ông Maithripala Sirisena đã đánh bại Mahinda Rajapakse trong cuộc tranh cử tổng thống, với kết quả sít sao. Còn giờ đây, hai bên lại liên minh trong một chính phủ ‘‘chung cư’’ (cohabitation).
Sự thể là, tổng thống Sirisena lâm vào thế yếu. Hồi tháng Hai vừa qua, đảng của ông cùng với đảng của thủ tướng mãn nhiệm Ranil Wickremesinghe chịu một thất bại đau đớn trong cuộc bầu cử địa phương. Bên cạnh đó, tổng thống Sirisena và thủ tướng Wickremesinghe khi đó liên tục xung đột về nhiều vấn đề cải cách kinh tế cần tiến hành.
Maithripala Sirisena đã cách chức thủ tướng đối với ông Ranil Wickremesinghe vàquyết định mời ông Mahinda Rajapakse làm thủ tướng. Quyết định nói trên có thể không có giá trị, bởi kể từ năm 2015, tổng thống Sri Lanka không còn có quyền cách chức thủ tướng như trước.
Tuy nhiên, nếu được khẳng định, thì thay đổi này mang tính biểu tượng cao, bởi ông Rajapakse vốn là một nhà dân tộc chủ nghĩa cuồng nhiệt người Sinhala (sắc tộc đa số tại Sri Lanka). Nhân vật này bị cáo buộc đã gây ra cái chết của hàng chục ngàn người Tamil ».
Theo một số nhà quan sát, sau khi cuộc chiến chống lại lực lượng Những Con Hổ Giải Phóng Tamil kết thúc, ông Sirisena đã đắc cử tổng thống vì cho phép hòa giải hai cộng đồng Sinhala và Tamil, và hứa hẹn điều tra các cáo buộc phe cánh Rajapakse tham nhũng.
Mời đọc thêm : Báo Mỹ vạch trần cách Trung Quốc gài bẫy thâu tóm Sri Lanka
Ông Mahinda Rajapakse, tổng thống Sri Lanka trong hai nhiệm kỳ liên tiếp (2005-2015), thường bị lên án là thân Trung Quốc. Ông Rajapakse bị cáo buộc đã vay mượn nhiều của Trung Quốc để xây dựng hạ tầng cơ sở, trong đó có cảng chiến lược Hambantota ở phía nam đảo quốc. Tân chính quyền, sau đó, vào năm 2017 đã phải đồng ý cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm.
Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi tôn trọng Hiến pháp
Thủ tướng bị cách chức gửi thư đến Quốc Hội và yêu cầu triệu tập phiên họp khẩn, và khẳng định ông vẫn còn được sự ủng hộ của đa số, trong lúc tổng thống Sri Lanka tuyên bố đình chỉ mọi cuộc họp của Quốc Hội, gồm 225 thành viên, đến ngày 16/11.
Ngay sau quyết định nói trên của tổng thống Sri Lanka, bộ Ngoai Giao Hoa Kỳ và đại sứ Liên Hiệp Châu Âu tại Sri Lanka, cùng đại sứ Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Anh Quốc…, đã kêu gọi tất cả các bên tại Sri Lanka tôn trọng Hiến pháp và không có các hành động bạo lực.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181027-sri-lanka-tong-thong-bat-ngo-bo-nhiem-cuu-doi-thu-lam-thu-tuong