Tin khắp nơi – 25/10/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 25/10/2018

Trump lên án bạo lực chính trị

nhằm vào các nhân vật Dân chủ

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 24/10 đã lên án một loạt những nỗ lực tấn công vào các nhân vật có tiếng tăm của Đảng Dân chủ và nói rằng ‘những hành động và đe dọa bạo lực chính trị không có chỗ ở Mỹ’.

Trong nỗ lực có một khoảnh khắc phi đảng phái giữa một chiến dịch vận động tranh cử đầy chia rẽ, ông Trump đã kêu gọi đoàn kết sau khi những quả bom thô gửi đến cho cựu Tổng thống Barack Obama, cựu ứng viên tổng thống Hillary Clinton, kênh truyền hình CNN và những người khác bị chặn lại trong hai ngày 23 và 24/10.

Xảy ra vào lúc còn 13 ngày nữa là đến bầu cử giữa kỳ, những mưu toan tấn công này thể hiện rõ khoảnh khắc chia rẽ trong chính trị Mỹ. Các gói bưu kiện được gửi đến các nhân vận lớn bên Đảng Dân chủ và một kênh truyền hình không được lòng phe bảo thủ. Ông Trump trước nay vẫn hay đả kích bà Clinton, ông Obama và CNN cũng như các nhân vật Dân chủ khác – thường là với giọng điệu đe dọa.

Trong lời phát biểu hôm 24/10 tại Nhà Trắng, ông Trump không nhắc đến bất cứ đối tượng nào mà các gói bưu kiện này nhắm đến.

“Chúng tôi cực kỳ tức giận, bực tức và đau buồn trước những gì chúng ta chứng kiến vào sáng nay và chúng ta sẽ phải làm cho ra lẽ,” ông nói.

Bà Clinton, người thua trước ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2016, nói rằng đó là ‘thời khắc đau buồn’ và là ‘thời khắc chia rẽ sâu sắc’. “Chúng ta cần làm tất cả mọi thứ có thể để gắn kết đất nước chúng ta lại với nhau,” bà nói.

Tuy nhiên, các đồng minh của ông Trump phản công trước cáo buộc rằng chính ông Trump đã góp phần tạo ra bầu không khí chính trị độc hại ở Mỹ.

Thượng nghị sỹ Cộng hòa Orrin Hatch của bang Utah nói: “Tôi chẳng thấy có điều gì thật sự sai ở tổng thống cả. Ông ấy đang trong hoàn cảnh khó khăn do bị tấn công từ mọi phía và ông ấy cần phải được cất lên tiếng nói của mình.”

Các nhân vật Cộng hòa cũng lên án các bưu kiện khả nghi.

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan lên án ‘những hành động đáng trách mắng’ này là ‘nỗ lực để gây khiếp sợ cho các nhân vật của công chúng.’ Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell gọi đó là ‘khủng bố nội địa’

Thượng nghị sỹ Ted Cruz của bang Texas, người đang đối mặt thách thức mạnh mẽ từ đối thủ Dân chủ Beto O’Rourke, viết trên Tweeter rằng ‘bạo lực không bao giờ là tốt’.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-l%C3%AAn-%C3%A1n-b%E1%BA%A1o-l%E1%BB%B1c-ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B-nh%E1%BA%B1m-v%C3%A0o-c%C3%A1c-nh%C3%A2n-v%E1%BA%ADt-d%C3%A2n-ch%E1%BB%A7/4627943.html

 

Trump chỉ trích báo chí sau vụ bom thư

Tổng thống Donald Trump kêu gọi truyền thông “chấm dứt sự thù địch không hồi kết”, sau khi các chất nổ khả nghi được gửi bằng bưu điện tới các nhân vật cao cấp của Mỹ.

Ông nói sau khi các bưu kiện được gửi tới CNN và những người đứng đầu trong Đảng Dân chủ, trong đó có cả Barack Obama và Hillary Clinton.

Không có bưu kiện nào phát nổ. FBI đã tiến hành truy tìm người gửi những bưu kiện này.

Thiết bị nổ được gửi tới nhà Clinton và Obama

Melania Trump: ‘Donald Trump và tôi ổn’

Donald Trump: Mỹ sẽ phát triển vũ khí hạt nhân

Những người chỉ trích tổng thống gọi những bình luận của ông là đạo đức giả, vì ông thường sử dụng ngôn từ hằn học chống lại các đối thủ của mình và cả báo chí.

Tại cuộc mít tinh tối thứ Tư (24/10) ở Wisconsin, tổng thống Mỹ cam kết sẽ bắt thủ phạm, trong khi kêu gọi truyền thông chấm dứt “những cuộc tấn công và những câu chuyện tiêu cực liên tiếp và thường là giả mạo”.

Ông Trump cũng kêu gọi sự lịch sự hơn ở nơi công cộng, và nói rằng: “Những người tham gia vào đấu trường chính trị phải ngừng coi đối thủ chính trị như thể khiếm khuyết về mặt đạo đức.”

“Không ai nên bất cẩn so sánh đối thủ chính trị với nhân vật phản diện lịch sử, mà họ vẫn thường làm.”

Tuy nhiên, tổng thống không đề cập cụ thể những người được nhận bưu kiện.

Trước đó, chủ tịch CNN Jeff Zucker chỉ trích Tổng thống Trump và thư ký báo chí của Tòa Bạch Ốc đã không hiểu “vấn đề ngôn từ” đó.

“Có sự thiếu hiểu biết toàn diện tại Tòa Bạch Ốc về mức độ nghiêm trọng của các cuộc tấn công liện tục của họ trên truyền thông,” ông nói.

Các bưu kiện được gửi tới ai?

Hàng loạt cảnh báo về bom được bắt đầu hôm thứ Hai khi các thiết bị nổ đáng nghi được gửi tới các địa điểm ở New York, khu vực Washington DC và Florida, giới chức cho biết hôm thứ Tư.

Các thiết bị phát nổ được gửi tới các cá nhân sau, theo tuyên bố mới nhất của FBI:

Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton

Cựu Tổng thống Barack Obama

Cựu Phó tổng thống Joe Biden

Cựu Giám đốc CIA John Brennan, gửi qua CNN

Cựu Tổng chưởng lý Eric Holder

Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ California Maxine Waters

Nhà từ thiện và tài chính George Soros

Một bưu kiện khả nghi giống với bưu kiện được gửi đến CNN và các nhân vật cấp cao của Đảng Dân chủ cũng đã được gửi tới một nhà hàng ở New York được sở hữu bởi nam diễn viên Robert De Niro vào sáng sớm thứ Năm (25/10) theo giờ địa phương, truyền thông Mỹ đưa tin.

De Niro là người lớn tiếng phản đối Trump, và từng gọi ông là “thảm họa quốc gia”.

Nếu xâu chuỗi với các bưu kiện trước, đây là thiết bị phát nổ thứ tám được gửi đến một người chỉ trích Tổng thống Trump.

Văn phòng CNN tại New York đã được sơ tán vào sáng thứ Tư sau khi bưu kiện, gửi cho ông Brennan, đã được tìm thấy trong phòng thư.

Một bưu kiện khác, được cho là gửi tới cựu Phó Tổng thống Joe Biden, đang được các điều tra viên liên bang Mỹ tìm kiếm.

Tại sao nó mang ý nghĩa chính trị?

Tất cả các mục tiêu thường xuyên bị chỉ trích bởi những người bảo thủ – đặc biệt là Tổng thống Trump.

Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Một người Cộng hòa thay đổi quan điểm về súng

TT Trump cắt viện trợ Mỹ vì khủng hoảng nhập cư

Mỹ rút khỏi hiệp định hạt nhân với Nga

Một số nghị sĩ Đảng Dân chủ cáo buộc tổng thống kích động bạo lực bằng những lời lẽ hùng biện trước đây của ông, bao gồm việc chế giễu truyền thông là “tin giả” và gọi những nhà phê bình truyền thông của ông là “kẻ thù của người dân”.

Hồi tháng Tám ông gọi “truyền thông tin giả” là “đảng đối lập”.

Một số người ủng hộ ông Trump nói họ tin rằng các bưu kiện được gửi trong tuần là một phần của một âm mưu của Đảng Dân chủ nhằm giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử giữa kỳ. Không có bằng chứng về điều này, và cảnh sát chưa tiết lộ bất kỳ thông tin vào về bất kỳ nghi phạm nào.

Các nỗ lực tấn công được tiến hành chưa đến hai tuần trước giữa kỳ, khi nền chính trị Mỹ đang phân cực cao độ.

Đã có phản ứng gì?

Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio, gọi những nỗ lực tấn công là “một hành động khủng bố”.

Ông nói trong cuộc họp báo: “Với tất cả các quan chức, với tất cả các chi nhánh đảng phái – không khuyến khích bạo lực, không khuyến khích hận thù, không khuyến khích các cuộc tấn công trên truyền thông. Bạn có thể không đồng ý, nhưng bạn phải thể hiện sự tôn trọng.”

Hôm thứ Tư, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders lên án “những nỗ lực tấn công bạo lực” chống lại các nhân vật công chúng. Bà ghi rõ trong một tweet sau đó rằng Tòa Bạch Ốc cũng lên án các đe dọa nhắm đến CNN.

Những lời công kích của tổng thống trên truyền thông liên tục làm dấy lên mối lo ngại, kể cả từ các chuyên gia Liên Hiệp Quốc mà nói rằng chúng làm xói mòn tự do báo chí và tăng nguy cơ bạo lực chống lại báo giới.

Tuần trước, ông ca ngợi một nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã tấn công một phóng viên bằng một cú “đẩy ngã”.

Trong một tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ Nancy Pelosi và Chuck Schumer cho biết những lời nói gần đây của tổng thống “nghe có vẻ giả tạo cho đến khi ông thay đổi các tuyên bố của mình mà tha thứ cho các hành vi bạo lực.”

FBI cho biết cuộc điều tra đang diễn ra là “ưu tiên cao nhất”.

Có gì trong các bưu kiện?

Các thiết bị bị nghi ngờ là bom ống. Không cái nào phát nổ.

Những bưu kiện gửi tới ông Obama và bà Clinton đã bị các cơ quan an ninh chặn lại trước khi chúng được chuyển giao.

Tất cả đều được gửi bằng phong bì có bong bóng hơi bọc trong, địa chỉ gửi đi được in bằng máy tính. Mỗi bưu kiện được đề tên người gửi là Debbie Wasserman Schultz, cựu chủ tịch của Ủy ban Quốc gia Dân chủ (Democratic National Committee), mặc dù tên của bà bị đánh sai.

Trong một tuyên bố, nữ nghị sĩ bang Florida cho biết bà “vô cùng lo âu” khi tên bà bị sử dụng như vậy.

Gói bưu kiện gửi đến ông Brennan đã được gửi tới CNN khi ông có lịch xuất hiện vào hôm thứ Tư, truyền thông Mỹ đưa tin.

Ủy viên cảnh sát New York James O’Neill cũng cho biết lực lượng hỗ trợ tư pháp đang phân tích một “phong bì chứa chất bột trắng” được tìm thấy trong bao bì chứa thiết bị đó được gửi đến CNN.

Những mục tiêu rõ ràng nói lên điều gì?

Phát biểu tại một chiến dịch tranh cử ở Florida, bà Clinton cảm ơn Sở Mật vụ và nói rằng bà và gia đình “vẫn ổn”.

“Đây là một thời điểm khó khăn”, bà nói. “Đây là thời điểm của sự phân rẽ sâu sắc và chúng ta phải làm mọi thứ có thể để đoàn kết mọi người. Chúng ta cũng phải lựa chọn những ứng cử viên sẽ cố gắng làm như vậy”.

Phát ngôn viên của ông Obama từ chối bình luận về vụ việc, và chỉ các phóng viên về tuyên bố của Sở Mật vụ.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45977230

 

Hoa Kỳ truy tìm người gửi bom

đến thành viên cấp cao Dân chủ

Hôm 25/10 Hoa Kỳ tiếp tục truy lùng các nghi phạm đã gửi bưu phẩm chứa bom đến các thành viên cấp cao của đảng Dân chủ chưa đầy hai tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ.

Theo bản tin Reuters vào sáng sớm 25/10, lại có thêm một bưu kiện nghi có chứa bom được phát hiện ở thành phố New York. Đài CNN cho biết có một bưu kiện được gửi tới nam diễn viên Robert De Niro, bang New York, và một bưu kiện gửi đến cựu phó Tổng thống Joe Biden ở thành phố Wilmington ở bang Delaware.

Theo Reuters, cho tới giờ đã có ít nhất 9 bưu phẩm nghi chứa bom được phát hiện và ngăn chặn kịp thời trước khi đến tay những người nhận trong đó có cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, cựu Ngoại trưởng và ứng cử viên Tổng thống Hillary Clinton và ông Eric Holder, cựu Bộ trưởng Tư pháp thời Tổng thống Obama.

Ngoài ra, những nhân vật khác bị nhắm tới trong âm mưu này còn có cựu giám đốc CIA John Brennan, tỷ phú George Soros, nhà tài trợ hàng đầu cho Đảng Dân chủ, và Thượng nghị sĩ bang California Maxine Waters, một người thường xuyên chỉ trích Tổng thống Donald Trump.

Trong số 9 bưu kiện được phát hiện, chưa có bưu kiện nào phát nổ và cũng không có ai bị thương. Hiện chưa có ai nhận trách nhiệm về vụ gửi các bưu kiện chứa bom này.

Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết một lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố hỗn hợp do FBI lãnh đạo, gồm cả các cơ quan thực thi pháp luật liên bang, tiểu bang và địa phương “sẽ tiếp tục làm việc để xác định và bắt giữ bất cứ kẻ nào chịu trách nhiệm gửi các bưu kiện này.”

Nhiều chính khách, kể cả Lãnh tụ phe đa số Thượng viện Mitch McConnell và Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio, gọi đây là một hành động “khủng bố”.

Phát biểu tại một cuộc vận động bầu cử ở bang Wisconsin hôm 24/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói chính phủ của ông sẽ tiến hành một cuộc điều tra rốt ráo vào âm mưu này.

Ông nói: “Bất kỳ hành động hoặc đe dọa bạo lực chính trị nào cũng là một cuộc tấn công vào chính nền dân chủ của chúng ta. Chúng tôi muốn tất cả các bên hãy đến với nhau trong hòa bình và hòa hợp.”

https://www.voatiengviet.com/a/hoa-ky-tim-nghi-pham-gui-bom-den-thanh-vien-cap-cao-dang-dan-chu/4628662.html

 

Trump: Thái tử Ả Rập

có thể đứng sau vụ giết nhà báo Khashoggi

Tổng thống Donald Trump nói Thái tử của Ả Rập Xê-út phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về vụ giết hại ông Jamal Khashoggi. Trong khi đó cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ được phép mở rộng điều tra tại Lãnh sự quán của Ả Rập Xê-út ở Istanbul.

Trong lời bình luận cứng rắn nhất cho tới lúc này, Tổng thống Trump nói với tờ Wall Street Journal rằng ông muốn tin vào thái tử khi thái tử nói rằng những quan chức cấp dưới của ông là người đáng trách trong vụ giết người tại phái bộ của Ả Rập Xê-út.

Tuy nhiên ông Trump cho rằng trách nhiệm nằm ở cấp cao hơn: “Thái tử đang điều hành mọi việc ở đó nhiều hơn vào giai đoạn này. Ông ấy đang điều hành mọi việc và do đó nếu ai đó phải chịu trách nhiệm thì sẽ là ông ấy.”

Bình luận của ông Trump đã làm tăng thêm áp lực lên đồng minh thân cận nhất của ông giữa lúc toàn thế giới phản đối vụ giết hại nhà báo của tờ Washington Post. Tổng thống đưa ra bình luận nhiều tiếng trước khi Thái tử Mohammed bin Salman xuất hiện tại một hội nghị đầu tư Ả Rập hôm 24/10. Thái tử Mohammed cho biết nước ông sẽ làm tất cả những gì có thể để hoàn tất việc điều tra và đưa thủ phạm ra trước công lý.

Một số quan chức cấp cao trong kinh doanh và chính trị đã hủy không tham dự hội nghị này vì vụ giết hại nhà báo Khasoggi, một người nổi tiếng với các chỉ trích nhắm vào người trên thực tế đang điều hành Ả Rập Xê-út.

Một cố vấn của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói Thái tử Mohammed “có bàn tay vấy máu” trong vụ Khashoggi. Đây là lời bình luận thẳng thừng nhất cho tới lúc này từ một người có liên hệ tới Tổng thống Tayyip Erdogan.

Các quan chức Ả Rập cho đến lúc này không trả lời yêu cầu bình luận về những phát biểu của ông Trump và cố vấn của ông Erdogan.

Riyadh đổ lỗi cho “chiến dịch ngoài luồng” vì cái chết của nhà báo Ả Rập danh tiếng và nói rằng thái tử không biết gì về vụ giết người này.

Cái chết của ông Khashoggi, một người dân cư trú ở Mỹ và phụ trách một chuyên mục của tờ Washington Post, đã làm dấy lên sự phản đối trên toàn cầu và đe dọa các mối quan hệ giữa Riyadh và Washington cũng như với các nước phương Tây.

Đối với các đồng minh của Ả Rập Xê-út, câu hỏi cấp thiết nhất là liệu họ có tin rằng Thái tử Mohammed, người tự mô tả mình là một nhà cải tổ, có bất kỳ sự dính líu nào tới vụ sát hại này không, một khả năng mà một số nhà lập pháp Mỹ đã đưa ra.

Ả Rập Xê-út bắt giữ 18 người và cách chức năm quan chức cấp cao của chính phủ như là một phần của cuộc điều tra. Trong số những người bị sa thải có trợ lý hàng đầu của Thái tử Mohammed, Saud al-Qahtani. Theo hai nguồn tin tình báo, Qahtani tiến hành vụ sát hại ông Khashoggi bằng cách ra lệnh qua Skype.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-thai-tu-a-rap-co-the-dung-sau-vu-giet-nha-bao-khashoggi/4627526.html

 

Giám đốc CIA đã nghe bản ghi âm

vụ sát hại nhà báo Khashoggi

Công tố viên Ả Rập Xê-út nói vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi có mưu tính trước.

Đài truyền hình nhà nước al-Ekhbariya loan tin này hôm thứ Năm 25/10 và nói rằng các công tố viên đang thẩm vấn các nghi phạm căn cứ vào thông tin được nhóm đặc nhiệm điều tra chung của Ả-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp.

Trước đó, báo Washington Post loan tin rằng Giám đốc CIA của Hoa Kỳ Gina Haspel, người đã tới Thổ Nhĩ Kỳ để tìm hiểu thông tin về cái chết của nhà báo Khashoggi, đã được nghe bản ghi âm của vụ tra tấn và giết hại ông.

Bà Haspel theo dự liệu sẽ báo cáo về vụ này cho Tổng thống Mỹ Donald Trump trong ngày thứ Năm 25/10.

Trước đó hôm thứ Tư, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng những người chịu trách nhiệm về vụ sát hại ông Khashoggi sẽ không “thoát khỏi công lý.”

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói với các phóng viên hôm thứ Năm: “Chúng tôi chia sẻ các thông tin và kết quả điều tra được các công tố viên cho phép chia sẻ với những ai tìm kiếm thông tin bổ sung về vụ sát hạt nhà báo này.”

Ông nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ không có ý định đưa vụ việc ra tòa án quốc tế nhưng sẽ chia sẻ thông tin nếu một cuộc điều tra quốc tế được thực hiện.

Tổng thống Trump, người đã nhiều lần lập lại rằng ông xem Ả Rập Xê-út là một đồng minh lớn và là một khách hàng quan trọng mua các loại vũ khí của Mỹ, dường như đã nghi ngờ về vai trò của hoàng tử Mohammed bin Salman về cái chết của ông Khashoggi.

Hôm thứ Tư, Anh làm theo Hoa Kỳ thu hồi thị thực của những người bị nghi ngờ giết nhà báo 59 tuổi Khashoggi, trong khi Washington và một số chính phủ phương Tây cân nhắc các biện pháp chống lại Ả Rập Xê-út, trong đó có vấn đề bán vũ khí.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết việc thu hồi thị thực của một số nghi can Ả Rập Xê-út “chưa phải là biện pháp cuối cùng về vấn đề này từ phía Hoa Kỳ.” Ông nói: “Chúng tôi sẽ có thêm các biện pháp đối với những ai gây ra vụ ám sát này. Chúng tôi muốn nói rõ rằng Hoa Kỳ không không chấp nhận hành động liều lĩnh này.”

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã giảm số vũ khí sẽ bán cho Ả Rập Xê-út trong tương lai và đang xem xét liệu có nên ngưng giao số vũ khí đã được chấp thuận cho xuất khẩu nhưng chưa được giao đến Ả Rập Xê-út hay không.

Thủ tướng Anh Theresa May cho biết sẽ xem xét lại số vũ khí sẽ bán cho Ả Rập Xê-út. Và Úc cũng bày tỏ lập trường tương tự như vậy.

Nhưng Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết Madrid sẽ thực hiện cam kết bán 400 quả bom có độ chính xác cao cho Ả Rập Xê-út, mặc dù ông “thất vọng ” đối với “vụ giết người khủng khiếp.”

Tại Quốc hội Mỹ hôm thứ Tư, một dự luật đã được trình lên Hạ viện sẽ chặn hầu hết các vụ bán vũ khí của Mỹ cho Ả Rập Xê-út.

Tuy nhiên trong dự luật có nói rằng Tổng thống Trump có thể yêu cầu ngoại lệ đối với lệnh cấm bán vũ khí nếu ông cũng đệ trình một báo cáo điều tra của Mỹ đối với những ai liên quan đến “vụ giết nhà báo và thường trú nhân Hoa Kỳ Jamal Khashoggi.”

(Reuters, VOA)

https://www.voatiengviet.com/a/giam-doc-cia-da-nghe-ban-ghi-am-vu-am-sat-nha-bao-khashoggi/4628657.html

 

TT Trump tuyên bố sẽ điều động quân đội

tới chặn đoàn vượt biên vào Mỹ

Hôm 25/10, Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông sẽ “điều quân” tới bảo vệ biên giới Hoa Kỳ giữa lúc một đoàn di dân từ Trung Mỹ đang đi xuyên Mexico để tiến về phía lãnh thổ Hoa Kỳ.

Báo The Hill dẫn lời Tổng thống Mỹ viết trên Twitter: “Tôi sẽ điều động quân đội dể ứng phó trước tình trạng khẩn cấp quốc gia này. Đoàn di dân sẽ bị chặn lại!”

Vào tối 24/10 tại một cuộc vận động bầu cử ở bang Wisconsin ông Trump nói “quân đội đã sẵn sàng” để bảo vệ biên giới, chặn làn sóng di dân, NBC News tường thuật.

Hồi đầu tuần này Tổng thống Trump đã lặp đi lặp lại nhiều lần rằng ông đã đặt quân đội trong tình thế sẵn sàng hành động, nhưng phát biểu của ông hôm 25/10 dường như thể hiện thái độ cứng rắn hơn.

Vào cuối tuần trước cảnh sát Mexico đã phải đối phó với hàng ngàn di dân tìm cách nhập cảnh vào Mexico, nơi mà họ hy vọng là điểm dừng chân cuối cùng trong cuộc hành trình tới Hoa Kỳ.

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-tuyen-bo-se-dieu-dong-quan-doi-toi-chan-doan-vuot-bien-vao-my/4628932.html

 

Trump ký dự luật lưỡng đảng

 ứng phó với nạn lạm dụng opioid

Tổng thống Donald Trump hôm thứ Tư tuyên bố sẽ kìm chế “cực kỳ đáng kể” vấn nạn nghiện ma túy ở Mỹ khi ông ký luật giúp giải quyết cuộc khủng hoảng opioid, là tình trạng sử dụng quá liều các chất giảm đau và ma túy vốn đã lên đến mức dịch bệnh gây chế người nhất trong lịch sử của Mỹ.

Gần 48.000 người chết vào năm ngoái trong những vụ sử dụng quá liều liên quan đến các loại opioid. Nhìn chung, các trường hợp tử vong do sử dụng thuốc quá liều ở Mỹ đã bắt đầu giảm xuống, nhưng Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar nói còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng.

Luật sẽ bổ sung các lựa chọn điều trị và quy định Bưu cục Hoa Kỳ phải rà soát các gói hàng từ nước ngoài để phát hiện một dạng opioid tổng hợp được gọi là fentanyl đang được chuyển tới chủ yếu từ Trung Quốc.

Chính quyền Obama đã giành được một cam kết mở rộng điều trị và Quốc hội đã cấp 1 tỉ đôla tài trợ cho các bang. Ông Trump tuyên bố dịch opioid là tình trạng khẩn cấp quốc gia và hai dự luật tài trợ chính đã được thông qua trong nhiệm quyền của ông.

“Chính quyền của tôi cũng đã phát động một nỗ lực chưa từng có để nhắm mục tiêu vào những người bán ma túy và buôn lậu,” ông Trump nói. “Chúng tôi đang chặn đứng những mạng lưới trực tuyến, trấn áp các lô hàng quốc tế và nhắm mục tiêu vào những người buôn bán nước ngoài như chưa từng có trước đây.”

Nhà Trắng cho biết Bộ Tư pháp đã đóng cửa một nhà phân phối ma túy “Darknet” lớn và vào tháng 8, hai công dân Trung Quốc bị buộc tội sản xuất và vận chuyển fentanyl và 250 loại ma túy khác tới ít nhất 25 quốc gia và 37 bang.

Fentanyl không đắt tiền nhưng mạnh hơn gấp 50 lần so với heroin, theo Thượng nghị sĩ Rob Portman từ bang Ohio, người được ghi nhận công lao tại sự kiện trong Phòng Đông Nhà Trắng cùng với các nhà lập pháp khác đóng vai trò then chốt giúp đạo luật này được thông qua.

Luật không chỉ bao gồm các loại opioid mà còn bất kỳ hình thức lạm dụng chất gây nghiện nào. Ngoài ra luật này còn mở rộng khả năng tiếp cận chữa trị của người Mỹ và thay đổi luật cấm chương trình Medicaid hoàn lại tiền chữa trị tại một số cơ sở nhất định với hơn 16 giường.

Luật dành riêng ngân khoản 60 triệu đôla cho trẻ en sinh ra là đã lệ thuộc vào các loại thuốc này và cho phép thi hành một loạt các chương trình, chẳng hạn như tòa án ma túy giúp những người phạm tội được đưa vào điều trị thay vì vào tù.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-ki-du-luat-luong-dang-ung-pho-voi-nan-lam-dung-opioid/4627955.html

 

New York Times : Điện thoại của Trump

bị Trung Quốc nghe lén

Trọng Nghĩa

Nhật báo Mỹ The New York Times hôm 24/10/2018 tiết lộ : Gián điệp Trung Quốc thường xuyên nghe lén những cuộc nói chuyện của tổng thống Mỹ Donald Trump trên các đường dây điện thoại không được bảo mật, và Bắc Kinh sử dụng thông tin thu thập được để tìm cách ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ. Bên cạnh đó tình báo Nga cũng lợi dụng kẽ hở này.

Trích lời một số thành viên chính quyền Mỹ, cũ cũng như đương nhiệm, tờ New York Times cho biết là các cố vấn của ông Trump đã nhiều lần nhắc nhở tổng thống Mỹ rằng những cú điện thoại mà ông gọi đi bằng các máy di động của ông không được bảo đảm an toàn. Thế nhưng tổng thống Mỹ vẫn bỏ ngoài tai những lời khuyên.

Theo tờ báo, Bắc Kinh đã có những phương pháp xử lý thông tin nghe trộm được một cách tinh vi, sử dụng những cuộc đối thoại của ông với bạn bè để suy ra những tính toán của ông, xem ai là người được ông chú ý nhất, qua đó tìm cách ảnh hưởng tốt nhất đến tổng thống Mỹ.

Đối với New York Times, Trung Quốc hy vọng nắm bắt được những yếu tố cho phép họ ngăn chận chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang. Chính quyền Bắc Kinh thường dựa vào doanh nhân Trung Quốc để họ chuyển lập trường của Bắc Kinh đến giới thân cận với tổng thống Mỹ.

New York Times còn cho biết thêm là chính nhờ các nguồn tin đến từ các chính quyền nước ngoài, và kết quả của những cuộc nghe trộm của mình mà tình báo Mỹ biết được là Trung Quốc và Nga đã nghe lén tổng thống Trump.

Nhà Trắng cho đến sáng nay chưa bình luận gì về thông tin của tờ New York Times, nhưng nhiều quan chức chính quyền Mỹ, trong những tuần lễ gần đây, đã khẳng định rằng Trung Quốc đang tiến hành một chiến dịch chưa từng thấy, để định hướng dư luận Mỹ vào thời điểm sắp đến cuộc bầu cử giữa kỳ 06/11.

Các nguồn tin trên cho rằng Trung Quốc đã trở thành mối đe dọa lớn nhất, về lâu về dài, đối với các cơ quan phản gián Mỹ.

Vào tháng 9 vừa qua, trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, ông Donald Trump đã tố cáo Bắc Kinh tìm cách làm cho đảng Cộng Hòa thất bại trong cuộc bầu cử sắp tới, để trả đũa chính sách thương mại Mỹ không thuận lợi cho Trung Quốc.

Sau đó đến lượt phó tổng thống Mike Pence công khai tố cáo các thái độ bị cho là đầy ác ý của Bắc Kinh.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181025-new-york-times-dien-thoai-cua-tt-my-bi-trung-quoc-nghe-len

 

Căng thẳng Mỹ-Trung: Tại sao lúc này?

Bài nói chuyện của ông Trump trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, của PTT Mike Pence tại Viện Hudson, của Bolton trên chương trình phát thanh Hugh Hewitt Show, hay chuyến viếng thăm Việt Nam và Singapore của Mattis, tất cả những hành động nhắm tới Trung Quốc này đều diễn ra chỉ hơn hai tuần trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ (6 tháng 11 năm 2018).

Điều này cho thấy tính quan trọng của thời điểm thi hành chiến lược. Một chiến lược hay ho đến mấy vẫn chưa đủ. Kế hoạch thi hành, trong đó chi tiết thực hiện từng bước, từng nước cờ, khi nào bắt đầu hay chấm dứt, liên tiếp hay song hành,vv…, mang tính quyết định sự thành bại.

Với những gì được tiết lộ qua các phương tiện truyền thông cho đến nay, chúng ta có thể suy luận rằng chính quyền Trump chọn thời điểm này để khai chiến với Trung Quốc vì hai lý do chính: bầu cử giữa nhiệm kỳ, và sức mạnh của Trung Quốc hiện nay.

Một, đây là một chiến lược đối nội lẫn đối ngoại mà có lẽ sẽ mang lại thuận lợi cho vị thế của Chính phủ Trump và Đảng Cộng hòa hiện nay trước kỳ bầu cử. Một chiến lược lớn như thế chắc chắn đã được cân nhắc kỹ lưỡng từ những năm qua, và đã được giới tinh hoa và tình báo Hoa Kỳ cố vấn kỹ càng. Nhưng việc chính phủ Trump chọn thời điểm này để chính thức khai chiến rõ ràng là một chiến lược tính toán, như mọi đảng chính trị khác, nhất là đảng đang cầm quyền, cần phải làm trước thời điểm bầu cử. Đảng Dân chủ hay các đảng đối lập nào khác cũng phải tung các đòn phép của mình vào thời điểm này.

Trong bài phát biểu của mình, ông Pence nói rằng Trung Quốc đang muốn tạo ảnh hưởng và can thiệp vào chính sách và chính trị của Hoa Kỳ, sử dụng biện pháp toàn diện của chính quyền (a whole of government approach), kể cả tuyên truyền. Ông Pence mong mỏi người dân Mỹ quan tâm: “Tôi đến với quý vị ngày hôm nay bởi vì người dân Mỹ xứng đáng được biết điều này”. Ông Pence cho rằng vào tháng Sáu năm nay, Bắc Kinh đã phổ biến một tài liệu nhạy cảm, có tên “Thông báo về Tuyên truyền và Kiểm duyệt”, trong đó một trong các chiến lược của họ là “tấn công chính xác và cẩn thận, chia tách các nhóm trong nước khác nhau” tại Hoa Kỳ. Ông biện luận rằng sự lãnh đạo của Tổng thống Trump là hiệu quả, đã gây khó khăn cho Trung Quốc về kinh tế, cho nên Bắc Kinh muốn một tổng thống Hoa Kỳ khác. Một hòn đá hai con chim.

Bắc Kinh tất nhiên phủ nhận điều này. Còn Bộ trưởng An ninh Nội địa Hoa Kỳ Kirstjen Nielsen cho biết Trung Quốc có khả năng và ý chí làm việc này, nên Hoa Kỳ đã theo dõi từng bước các hành động của họ; tuy nhiên những gì diễn ra hiện nay vẫn chủ yếu là các chiến dịch muốn tạo ảnh hưởng, giống như các truyền thống trước đây. Trong khi đó, Giám đốc FBI Christopher Wray vào tháng Bảy năm nay cho rằng nhìn từ quan điểm phản gián thì Trung Quốc “đại diện cho mối đe dọa rộng nhất, thách thức nhất và nghiêm trọng nhất mà đất nước chúng ta đã từng phải đối diện”.

Dù các nhân sự hàng đầu của Hoa Kỳ không hoàn toàn thống nhất khi trình bày về dữ kiện tình báo, nhất là mức độ can thiệp và ảnh hưởng của Trung Quốc vào kỳ bầu cử này, sự tố cáo của ông Trump, ông Mike và ông Bolton sẽ thu hút sự quan tâm và qua đó có thể giành được một số phiếu cử tri. Trong thời gian trước đó, sự ủng hộ của Chính phủ Trump đã sụt giảm và cơ hội để Đảng Dân chủ thắng cử tại Hạ viện kỳ này khá cao, nhưng nước cờ khai chiến với Trung Quốc trong những tuần qua có khả năng thay đổi tình thế. Cuộc thăm dò mới đây cho thấy sự ủng hộ của ông Trump và Đảng Cộng hòa được gia tăng đáng kể, nhất là sau khi ông Trump ký thỏa thuận thương mại mới với Canada và Mexico.

Hai, sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc về kinh tế và quân sự là rất đáng quan tâm. Trong bài viết mới đăng trên tạp chí Foreign Affairs, “Hãy ngừng ám ảnh về Trung Quốc”, Michael Beckley đã đưa ra những dữ kiện và cách đánh giá rất khác về Trung Quốc so với nhiều học giả trước đây. Ông Beckley kết luận rằng Hoa Kỳ vẫn đang tiếp tục dẫn trước Trung Quốc rất xa về kinh tế lẫn quân sự nên không cần quá quan tâm về sự trỗi dậy của họ. Ông Beckley viết nguyên một cuốn sách về đề tài này.

Tuy nhiên tôi cho rằng không phải vì thế mà Hoa Kỳ hay các đồng minh và các quốc gia khác có thể tự mãn hay không cần lo lắng. Chính sự tự mãn và sự coi thường – một quốc gia còn nghèo đói lạc hậu vào thập niên 1970 – mà mãi đến gần bốn thập niên sau, Hoa Kỳ và một số quốc gia khác mới thật sự nhìn ra được hiểm họa của Trung Quốc. Chưa phải là bá chủ bá quyền, chưa đủ mạnh hàng đầu về kinh tế và quân sự, mà Bắc Kinh đã hành xử hung hăng, chèn ép các nước nhỏ và không nể nang ai, kể cả Hoa Kỳ. Huống chi khi họ đã ngang ngửa Hoa Kỳ thì chiến lược đối phó sẽ khó hơn, và các biện pháp sẽ giới hạn hơn, trừ khi một cuộc chiến toàn diện, kể cả quân sự, xảy ra. Thiệt hại sẽ là khủng khiếp. Giới lãnh đạo chính trị và tinh hoa của Hoa Kỳ đã tính toán rất kỹ bài toán này, và nhận định rằng càng để lâu càng khó, nhất là khi Trung Quốc đã trở nên quá mạnh để có thể ảnh hưởng hay kiềm chế.

Nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển nhanh hơn gấp hai lần Hoa Kỳ, và Bắc Kinh đã đổ tiền vào kỹ nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử và kỹ nghệ sinh học. Thời gian đứng về phía Trung Quốc, như tạp chí The Economist nhận định. Cho nên nếu không tạo được áp lực với Trung Quốc hôm nay về những chuyện như đánh cắp tài sản trí tuệ, hay thách thức yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, thì những gì khó thực hiện hôm nay sẽ càng trở thành điều bất khả trong tương lai.

http://biendong.net/xung-dot-chien-tranh/24374-cang-thang-my-trung-tai-sao-luc-nay.html

 

Liệu có quá muộn

để Mỹ kiềm chế một TQ đang trỗi dậy?

Trong những năm gần đây, tranh luận về chính sách Trung Quốc ở Mỹ bắt đầu phản ánh thực tế hơn khi nhận ra tham vọng của Trung Quốc trong việc thay thế Mỹ trở thành siêu cường dẫn đầu toàn cầu.

Cách tiếp cận của Mỹ từng tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của Trung Quốc. (Ảnh: China Daily)

“Liệu có quá muộn để Mỹ kiềm chế đối thủ địa chính trị?” – câu hỏi được chuyên gia Brahma Chellaney, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm nghiên cứu chính sách New Delhi và Học viện Robert Bosch Berlin đặt ra trong bài bình luận trên tạp chí Project Syndicate.

Theo ông, một sự thay đổi chậm trễ trong chính sách Trung Quốc của Mỹ đang được thực hiện. Sau hàng thập niên “tham gia một cách xây dựng” – cách tiếp cận tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của Trung Quốc, bất chấp vi phạm quy tắc và luật lệ quốc tế – Mỹ hiện tại đã tìm đến những cách tiếp cận đối phó tích cực và cụ thể hơn.

Hy vọng “ngây thơ”

Ông Chellaney cho biết, từ Richard Nixon đến Barack Obama, các tổng thống của Mỹ đều coi sự phát triển kinh tế Trung Quốc là một vấn đề quốc gia. Ông Jimmy Carter từng một lần đưa ra bản ghi nhớ tuyên bố như vậy. Và ngay cả khi Trung Quốc bất chấp các quy tắc thương mại thế giới, ép các công ty chia sẻ tài sản trí tuệ, tăng cường sức mạnh quân sự, Mỹ dường như vẫn hy vọng một cách “ngây thơ” rằng khi trở nên ngày càng thịnh vượng, Trung Quốc tự nhiên sẽ theo đuổi tự do hóa kinh tế và thậm chí là chính trị, chuyên gia nhận định.

“Ảo tưởng Trung Quốc” của Mỹ, như nhà báo James Mann từng nói, được minh họa bằng những tranh luận của cựu tổng thống Bill Clinton khi ủng hộ cho phép Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO. Dẫn lời tầm nhìn của cựu tổng thống Woodrow Wilson

về “thị trường tự do, bầu cử tự do, người dân tự do”, Clinton tuyên bố việc Trung Quốc tham gia WTO báo hiệu “một tương lai cởi mở hơn và tự do hơn cho người dân Trung Quốc.”

Dù vậy, đó không phải là những gì đã xảy ra, theo nhà nghiên cứu. Thay vào đó, Trung Quốc trở thành trung tâm của chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, khi vô số công ty chuyển dây chuyền sản xuất sang nước này – bao gồm cả Mỹ. Cùng lúc đó, Trung Quốc vẫn giữ được thị trường, chính trị và người dân của mình trong tầm kiểm soát nghiêm ngặt. còn Mỹ đã tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD trong thâm hụt thương mại song phương.

Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng ảo tưởng Trung Quốc khiến cựu tổng thống Obama không phản ứng đáng kể khi Bắc Kinh xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Ở cao điểm xây dựng của chính phủ Trung Quốc với các đảo, ông Obama cho rằng “chúng ta có nhiều thứ để sợ hơn từ một Trung Quốc yếu ớt và bị đe dọa so với một Trung Quốc thành công và phát triển.” Kết quả, Trung Quốc thúc đẩy kiểm soát một hành lang chiến lược quan trọng trên biển, nơi chứng kiến một phần ba giao dịch hàng hải toàn cầu, mà không phải trả bất cứ chi phí quốc tế nào.

Kết thúc “ảo tưởng Trung Quốc”

Trong vài năm qua, cuộc tranh luận về chính sách Trung Quốc ở Mỹ đã trở nên thực tế hơn. Ngày càng nhiều người nhận ra tham vọng của Trung Quốc khi muốn thay thế Mỹ trở thành siêu cường thế giới, chuyên gia cho biết. Mỹ cuối cùng cũng gọi Trung Quốc là “thế lực cách mạng” và “đối thủ cạnh tranh chiến lược”. Tháng 10/2018, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thẳng thừng cáo buộc Trung Quốc sử dụng các công cụ chính trị, kinh tế và quân sự cũng như tuyên truyền để tăng cường ảnh hưởng và hưởng lợi ở Mỹ.

Sự thay đổi này cũng biến thành hành động. Chiến tranh thương mại của Tổng thống Donald Trump tràn lan khắp các mặt báo và tạo nên ảnh hưởng lớn, dù nhiều nhà quan sát dường như không nắm bắt được chiến lược cụ thể đằng sau những vòng thuế quan này.

Dù ông Trump sử dụng thuế quan chống lại các đồng minh như một đòn bẩy để nhận được sự nhượng bộ, hướng đến thỏa thuận thương mại mới, đòn thuế của Mỹ nhắm vào Trung Quốc – có thể kéo dài trong nhiều năm – có thể mang lại thay đổi nền tảng và sâu rộng hơn.

Ngay cả những thỏa thuận sửa đổi được khôi phục lại giữa Mỹ với đồng minh cũng nhằm cô lập Trung Quốc, buộc Bắc Kinh từ bỏ các hoạt động thương mại vụ lợi như chuyển giao công nghệ cưỡng ép.

Những gì chính quyền tổng thống Donald Trump khởi xướng thậm chí đã vượt ra ngoài phạm vi thuế quan, dẫn đến sự thay đổi về cấu trúc trong chính sách Trung Quốc của Mỹ, hứa hẹn định hình lại địa chính trị và thương mại toàn cầu.

Sự thay đổi này hơn nữa cũng nhận được sự ủng hộ từ lưỡng đảng, mong muốn hành động quyết đoán hơn để kiềm chế Trung Quốc, nên có lẽ nó còn kéo dài đến sau nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, chuyên gia cho biết.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Mỹ sẽ áp dụng chính sách đối đầu Trung Quốc một cách công khai, hay không hẳn là một cuộc chiến tranh lạnh mới đang diễn ra như nhiều người nhận định. Thay vào đó, Mỹ dường như đang hy vọng đòn bẩy kinh tế có thể khiến Trung Quốc suy yếu – một cách tổn thương theo kiểu mưa dầm thấm lâu.

Nhờ có bước tiến lớn trong việc tăng cường sức mạnh công nghệ và địa chính trị, Trung Quốc đang ở vị thế mạnh để chịu đựng áp lực của Mỹ. Dù phải hy sinh phần nào sự phát triển kinh tế nhưng sự hy sinh này được cho là xứng đáng để bảo vệ giấc mơ Trung Quốc. Ngay cả khi áp lực leo thang, Trung Quốc vẫn có thể áp dụng chiến lược lùi một bước tiến hai bước để tiến tới mục tiêu tham vọng của mình.

Nhưng những nỗ lực của Mỹ không hẳn là vô ích, nhà nghiên cứu cho biết. Trái lại, nó tạo ra cơ hội cuối cùng để Mỹ ngăn cản Trung Quốc trước khi nước này có được công nghệ quan trọng để giành được lợi thế địa chính trị ở châu Á và xa hơn.

http://biendong.net/diem-tin/24370-lieu-co-qua-muon-de-my-kiem-che-mot-tq-dang-troi-day.html

 

“Nếu Mỹ-Trung có chiến tranh,

nguy cơ tấn công hạt nhân không nhỏ”

Trọng Thành

Cho đến nay, ngày càng có nhiều dự đoán về khả năng xung đột quân sự một ngày nào đó có thể bùng phát giữa Mỹ và Trung Quốc (1). Xung đột dễ bùng lên đặc biệt tại vùng Biển Đông, nơi tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh thách thức luật pháp quốc tế hiện hành (2). Tuy nhiên, ít ai nghĩ xung đột như vậy có thể kéo theo một cuộc chiến hạt nhân. Viễn cảnh chiến tranh hạt nhân có thể buộc cả Washington và Bắc Kinh thay đổi cách tiếp cận để tránh một thảm họa cho khu vực và thế giới.

Trên đây là quan điểm của chuyên gia an ninh quốc tế Caitlin Talmadge, trong bài « Beijing’s Nuclear Option. Why a U.S.-Chinese War Could Spiral Out of Control », được đăng tải trên trên tạp chí Foreign Affairs, số tháng 11 và 12/2018 (3).

***

1 – Lý do nào khiến người ta ít nghĩ đến nguy cơ một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ?

Theo chuyên gia Caitlin Talmadge, từ lâu Trung Quốc đã được biết đến như một cường quốc hạt nhân, với học thuyết mang tính tự vệ. Sau vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 1964, Trung Quốc đã hết sức tránh một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh, như Hoa Kỳ và Liên Xô trước đây. Hệ thống vũ khí hạt nhân của Trung Quốc nhỏ và đơn giản hơn rất nhiều so với hai siêu cường nói trên. Các lãnh đạo Trung Quốc luôn luôn khẳng định vũ khí hạt nhân sẽ chỉ được sử dụng để làm phương tiện răn đe. Cho đến nay, Bắc Kinh hứa hẹn sẽ không bao giờ là quốc gia đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân. Về mặt lịch sử, hệ thống vũ khí hạt nhân tương đối nhỏ của Trung Quốc hiện nay là đủ để thực hiện mục tiêu làm phương tiện răn đe này.

Xét trên quan điểm này, viễn cảnh về một cuộc xung đột hạt nhân dường như chỉ là câu chuyện viễn tưởng, một tàn tích sót lại của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nay đã khép lại.

Thêm một yếu tố nữa khiến tình hình hiện nay rất khác với thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh. Đó là Hoa Kỳ và các đồng minh, vào thời điểm này, lo sợ trước kịch bản quân đội khối Vacxava, do Liên Xô cầm đầu, ồ ạt xâm chiếm châu Âu bằng đường bộ. Trong trường hợp đó, khối NATO sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên để vô hiệu hóa một cuộc tấn công như vậy. Nỗi lo sợ bị đối phương tấn công trước tiếp tục trong suốt một thời kỳ dài sau này, có thể dẫn đến bùng phát chiến tranh hạt nhân, đặc biệt trong những năm 1950, trong lúc vũ khí hạt nhân Mỹ, được bố trí tại châu Âu, được quản lý không được thực sự nghiêm ngặt, và giới chỉ huy quân sự Mỹ không hoàn toàn chịu trách nhiệm trước lãnh đạo dân sự, khiến nguy cơ tấn công hạt nhân xảy ra khi không có lệnh chính thức từ phía tổng thống Mỹ.

Tình hình quan hệ Mỹ-Trung hiện nay là hoàn toàn khác. Hiện tại, không quân đội bên nào có thể trực tiếp xâm chiếm nhanh chóng lãnh thổ của nhau, trong một cuộc chiến quy ước. Kiểm soát của giới lãnh đạo dân sự đối với hệ thống vũ khí hạt nhân của đôi bên đều được coi là hết sức chặt chẽ. Điều này khiến cho vũ khí hạt nhân, về mặt lý thuyết, sẽ chỉ được sử dụng như một phương tiện răn đe, và cứ theo lô gic thông thường này, thì sẽ không bên nào tấn công hạt nhân phủ đầu trước, bởi sợ đối phương cũng sẽ hành động tương tự. Theo quan điểm này, khả năng xẩy ra chiến tranh hạt nhân Trung – Mỹ là không thể có.

Đây chính là quan điểm của cựu tư lệnh lực lượng Mỹ khu vực Thái Bình Dương, ông Dennis Blair, người từng phục vụ 34 năm trong Hải Quân. Trong một phát biểu hồi năm 2015, cựu tư lệnh Mỹ khẳng định « nguy cơ chiến tranh hạt nhân Mỹ-Trung là từ không đến zero ».

Theo Caitlin Talmadge, cộng đồng nghiên cứu chiến lược Trung Quốc có xu hướng phủ nhận viễn cảnh này. Về phía các nhà nghiên cứu Mỹ cũng tương tự, khả năng (Trung Quốc) sử dụng vũ khí hạt nhân coi như không được tính đến trong các kịch bản xung đột.

2 – Lý do gì để cho rằng chiến tranh hạt nhân Mỹ- Trung có thể bùng phát?

Theo chuyên gia Caitlin Talmadge, quan điểm nguy cơ chiến tranh hạt nhân bằng không là hoàn toàn sai lầm. Một con đường căn bản có thể dẫn đến nguy cơ bùng phát khủng hoảng hạt nhân là thông qua một cuộc chiến quy ước.

Phương pháp mà Washington vẫn thường sử dụng lâu nay trong các cuộc chiến tại Irak, Libya…, là sử dụng hỏa lực áp đảo để tấn công vào các hệ thống vũ khí quan trọng nhất của đối phương, nhằm dập tắt khả năng phòng ngự. Tuy nhiên, các quốc gia nói trên không sở hữu vũ khí hạt nhân. Vấn đề là, trong một chiến với một cường quốc hạt nhân như Trung Quốc, quân đội Mỹ, khi tấn công vào các hệ thống vũ khí quy ước chủ chốt của đối phương, như các dàn hỏa tiễn, tên lửa, tấn công hay phòng không, cũng có thể nhắm luôn vào hệ thống vũ khí hạt nhân của kẻ thù. Trong bối cảnh hệ thống vũ khí hạt nhân bị chính cuộc chiến bằng các vũ khí quy ước đe dọa, lãnh đạo Trung Quốc có thể quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên, trước khi quá muộn, do phán đoán đối phương có chủ trương triệt tiêu hệ thống vũ khí hạt nhân của mình.

Trong trường hợp này, Bắc Kinh có thể sử dụng một cuộc tấn công hạt nhân quy mô nhỏ, để báo động là đối phương đã vượt qua lằn ranh đỏ, và cũng để tránh bị trả đũa ở quy mô lớn. Phản ứng bằng vũ khí hạt nhân, trong trường hợp này, lại được coi như một biện pháp phòng vệ khả dĩ. Ví dụ như bắn tên lửa hạt nhân vào một nơi vắng người, ở giữa đại dương, hay tấn công vào một số căn cứ của Mỹ chẳng hạn.

Mời đọc thêm : Đài Loan, « hàng không mẫu hạm Mỹ » chĩa vào Trung Quốc

Theo chuyên gia Caitlin Talmadge, Đài Loan chính là điểm đáng lo ngại nhất. Trong trường hợp hòn đảo ly khai này bị Trung Quốc tấn công (4), Hoa Kỳ tham gia hỗ trợ Đài Bắc, thì các chiến dịch quân sự của Mỹ nhằm tiêu diệt các hệ thống vũ khí chủ chốt của Trung Quốc cũng tức khắc chạm đến hệ thống hỏa tiễn hạt nhân trên bộ, trụ cột của chính sách hạt nhân Trung Quốc.

3 – Tại sao hệ thống vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có thể là đối tượng bị tấn công, cùng lúc với các vũ khí quy ước ?

Nhà nghiên cứu Mỹ nhấn mạnh là, điểm đặc biệt của hệ thống quân sự Trung Quốc là các phương tiện hạt nhân, như các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, thường chia sẻ cùng các cơ sở hạ tầng với các phương tiện quân sự quy ước, về mạng lưới vận tải, tiếp liệu, lộ trình di chuyển, cũng như các cơ sở hậu cần khác. Và cũng có thể cả về mạng lưới chỉ huy, điều hành, kiểm soát. Đây là điều mà bên tấn công, dù có muốn, cũng khó có thể phân biệt được.

Đó là chưa kể việc tấn công nhằm vô hiệu hóa hệ thống phòng không của Trung Quốc, cũng có nghĩa là đặt hệ thống vũ khí hạt nhân trên bộ trong tầm tấn công, với nguy cơ bị hủy diệt tăng cao. Vấn đề không phải là Hoa Kỳ có mục tiêu tấn công toàn bộ hệ thống vũ khí hạt nhân của Trung Quốc hay không, mà điều chủ yếu là ban lãnh đạo Trung Quốc có coi đây là một nguy cơ hay không. Khía cạnh tâm lý ở đây là rất căn bản.

4 – Đâu là những cội rễ tâm lý mang tính lịch sử, có thể dẫn đến việc Bắc Kinh mạo hiểm sử dụng đòn tấn công hạt nhân đầu tiên, ngược với học thuyết chính thức hiện nay ?

Chuyên gia Caitlin Talmadge lưu ý là, cho dù, về mặt chính thức chính quyền Trung Quốc tuyên bố sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân, khi không bị tấn công hạt nhân trước, rất khó mà biết được quan niệm của ban lãnh đạo Trung Quốc về hệ thống vũ khí hạt nhân của chính họ. Đâu là các bộ phận thứ yếu, đâu là bộ phận cốt lõi. Và trong trường hợp nào có thể khẳng định đối phương đang tìm cách hủy diệt cái lõi của hệ thống phòng thủ hạt nhân.

Bà Caitlin Talmadge nhắc đến một kinh nghiệm lịch sử, cho thấy Bắc Kinh rất có thể liều lĩnh tính đến việc dùng loại vũ khí hủy diệt này, trước một đối thủ mạnh hơn nhiều lần. Đó là vào năm 1969, khi chiến tranh biên giới với Nga bùng nổ. Matxcơva đe dọa dùng vũ khí hạt nhân, nếu Trung Quốc lấn tới.

Đây cũng là lý do đẩy Trung Quốc đến chỗ đặt hệ thống vũ khí hạt nhân, còn rất sơ khai của họ, trong « tình trạng báo động ». Đây là một tình thế rất nguy hiểm, bởi tên lửa có thể được bắn đi, vì một lý do bất thường nào đó, ngoài ý định của người lãnh đạo.

Tuy tình hình hiện tại khác xa với cuộc xung đột 1969, nhưng một cuộc chiến với các vũ khí « quy ước » leo thang, với những kịch bản vượt tầm kiểm soát, có thể khiến ban lãnh đạo Bắc Kinh rơi vào trạng thái « hoang tưởng ».

5 – Điều gì cần làm để giảm nguy cơ xung đột hạt nhân ?

Trong phần kết luận của bài viết này, nhà nghiên cứu Mỹ nhấn mạnh là Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể sử dụng các biện pháp căn bản để giảm các nguy cơ leo thang xung đột, như duy trì đối thoại ở tất cả các cấp, đặc biệt là ở cấp cao, về phía giới quân sự cũng như chính trị, là điều rất quan trọng cho phép xuống thang, khi xung đột xảy ra (5).

Tuy nhiên, dù việc cải thiện lĩnh vực đối thoại, giao lưu có ý nghĩa đến đâu, điều này cũng không thể thay thế được vấn đề cốt lõi là học thuyết quân sự và chiến lược chủ yếu của mỗi bên. Hoa Kỳ có thể tránh tấn công vào các vị trí của Trung Quốc trên đất liền, để không gây hiểu lầm cho phía Trung Quốc. Nhưng nếu như Trung Quốc sử dụng các vị trí này để tấn công vào các lực lượng Mỹ và đồng minh, thì tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ không thể chấp nhận xuống thang.

Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh có thể tiếp tục coi việc gắn chặt hai hệ thống vũ khí, quy ước và hạt nhân, là một điểm then chốt, điều kiện mà Bắc Kinh tin là chắc chắn để bảo đảm sức mạnh răn đe của Trung Quốc không bị phía Mỹ đụng đến, khiến Mỹ không dám khai chiến. Thế nhưng, một khi xung đột bùng nổ, thì trong tình trạng này, hậu quả sẽ rất khốc liệt.

Với những lý do trên, tác giả đề nghị giới lãnh đạo hai bên suy nghĩ thấu đáo tìm ra các phương thức giải quyết các bất đồng về chính trị, kinh tế và quân sự, mà không gây ra chiến tranh (6). Bởi một khi xảy ra, nó sẽ trở thành thảm họa cho khu vực và thế giới.

Ghi chú

1. « Tranh chấp Mỹ-Trung lan sang lãnh vực an ninh Biển Đông và Hoa Đông », ngày 1/10/2018.

2. « Báo Anh: Biển Đông đã trở thành ao nhà của Trung Quốc », ngày 23/06/2018.

3. Tạp chí Foreign Affairs là ấn phẩm của viện tư vấn chính trị quốc tế phi chính phủ Council on Foreign Relations, có trụ sở ở New York, được công bố trên trang mạng cùng tên.

4. « Trung Quốc quyết bảo vệ Đài Loan và Biển Đông “bằng mọi giá” », ngày 25/10/2018.

5. « Biển Đông: Nội dung chính cuộc gặp bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ -Trung » , ngày 18/10/2018.

6. « Biển Đông : Trung Quốc bành trướng và 3 phương án của Mỹ », ngày 8/10/2018.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181025-neu-my-trung-chien-tranh-nguy-co-tan-cong-hat-nhan-khong-nho

 

LHQ : Người Rohingya

tiếp tục bị “diệt chủng” ở Miến Điện

Trọng Nghĩa

Trưởng Phái bộ điều tra Liên Hiệp Quốc về Miến Điện vào hôm qua, 24/10/2018, khẳng định là nạn « diệt chủng » nhắm vào người Rohingya vẫn tiếp tục ở Miến Điện, trước khi trình báo cáo lên Hội Đồng Bảo An trong một cuộc họp đặc biệt do phương Tây yêu cầu mà Trung Quốc và Nga không thể ngăn chận.

Trong một cuộc họp báo tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, ông Marzuki Darusman, trưởng Phái Bộ Tìm Hiểu Thực Tế về Miến Điện của Liện Hiệp Quốc cho rằng nạn « diệt chủng vẫn tiếp diễn » tại Miến Điện nhắm vào thiểu số người Rohingya. Ngoài những vụ giết chóc, còn có những hành vi khác như phân biệt đối xử, ngăn chặn sinh đẻ, nhốt dân Rohingya vào trong các trại…

Trước một cuộc họp đặc biệt của Hội Đồng Bảo An sau đó, ông Darusman đã nhấn mạnh là, từ những gì đang diễn ra ở Miến Điện, vẫn có thể « suy ra một cách hợp lý » là vẫn tồn tại « ý đồ diệt chủng ».

Nhà điều tra đã yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc truy tố trước Tòa án Quốc tế 6 tướng lãnh Miến Điện, trong đó có tổng tư lệnh quân đội, tướng Min Aung Hlaing.

Trước Hội Đồng Bảo An, ông Darusman nêu lên những con số đáng ngại : 390 ngôi làng bị phá hủy, 10.000 người Rohingya bị giết, hơn 720.000 người chạy khỏi bang Rakhine sang lánh nạn ở Bangladesh. Theo ông, những điều kiện để họ hồi hương chưa hội đủ, và nếu thực hiện vào lúc này thì sẽ đẩy họ vào đường chết.

Trung Quốc và Nga thất bại trong việc chặn cuộc họp

Cuộc họp để nghe báo cáo của Phái bộ điều tra về vụ diệt chủng người Rohingya Miến Điện đã được triệu tập theo yêu cầu của 9 trong số 15 thành viên Hội Đồng Bảo An, mà đa số là các nước phương Tây.

Cuộc họp vẫn được tiến hành bất chấp phản đối của Trung Quốc và Nga, hai ủy viên thường trực Hội Đồng Bảo An.

Đại sứ Pháp François Delattre đã nói thẳng là Hội Đồng Bảo An « không thể tự che mắt mình, trừ phi là từ nhiệm, từ bỏ lý do tồn tại của mình ». Theo ông, « nếu Hội Đồng Bảo An đánh giá là mình không liên can gì đến tình hình, thì đến khi nào mới liên can ? »

Đại sứ Trung Quốc và Nga thì cho rằng việc Hội Đồng Bảo An nghe ông Darusman, lãnh đạo một « cơ chế đặc biệt » về nhân quyền, thiết lập cho một quốc gia đặc biệt, là một hành động dẫm chân lên công việc của một cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc, ám chỉ Hội Đồng Nhân Quyền tại Genève. Bắc Kinh và Mátxcơva cũng xem vụ Rohingya là một vấn đề song phương giữa Miến Điện và Bangladesh.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181025-lien-hiep-quoc-nguoi-rohingya-tiep-tuc-bi-diet-chung-o-mien-dien

 

Tại sao Vantican lại đàm phán với TQ?

Trong nhiều năm, các phái đoàn đã đi đi về về giữa Bắc Kinh và Rome với hy vọng đạt được thỏa thuận về cách thức bổ nhiệm các giám mục Công giáo ở Trung Quốc. Những tin đồn gần đây cho thấy họ đã gần đạt được một thỏa thuận hơn bao giờ hết. Nhưng nguồn gốc của sự bất đồng giữa Vatican và Đảng Cộng sản Trung Quốc là gì? Việc giải quyết bất đồng này mang lại lợi ích gì cho cả hai bên?

Tín đồ Công giáo ở Trung Quốc được yêu cầu phải thờ phụng trong các nhà thờ được theo dõi chặt chẽ, được đăng ký và được quản lý bởi các linh mục do đảng lựa chọn. Vatican khá thực tế về điều này, mặc dù những người Công giáo mộ đạo giận dữ với việc một đảng cầm quyền vô thần đang lựa chọn giáo sĩ cho họ. Qua nhiều năm, các hoạt động ngoại giao cẩn trọng đã giúp đảm bảo rằng trong hầu hết các trường hợp, các nhà thờ được nhà nước thừa nhận này được giám sát bởi các giám mục mà cả Vatican lẫn đảng đều coi là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, vẫn có một số giám mục do chính phủ hậu thuẫn không được Vatican chấp nhận. Cũng có nhiều giám mục được Vatican bổ nhiệm mà không có sự đồng ý của Đảng Cộng sản. Có lẽ có đến một nửa các tín đồ Công giáo Trung Quốc tham dự các nghi thức tôn giáo được tổ chức bởi các giáo sĩ “ngầm” này. Những người tham gia phải chịu rủi ro bị bắt giữ và các hình thức bức hại khác.

Ưu tiên của các cuộc đàm phán là tìm ra một cơ chế rõ ràng để đảm bảo rằng trong tương lai sẽ không có giám mục nào có thể được bổ nhiệm mà không có sự ban phước của cả Giáo hoàng lẫn chính phủ Trung Quốc. Trong khi việc chính thức hóa một hệ thống như vậy sẽ thu hẹp sự chia rẽ trong giáo hội Trung Quốc theo thời gian, tin đồn gần đây cho thấy rằng một hiệp ước cũng có thể dẫn đến việc tổ chức lại giáo hội so với cách thức nó đang tồn tại hiện nay. Vào tháng 1 vừa qua, Tòa Thánh được cho là đã cảnh báo các giám mục ngầm của hai giáo phận rằng nếu đạt được một thỏa thuận, họ sẽ được yêu cầu phải nhường chỗ cho các giáo sĩ được chính phủ chấp thuận, những người này trước đây đã bị rút phép thông công nhưng đã được đảng Cộng sản yêu cầu Vantican miễn thứ. Trong thực tế, điều này đồng nghĩa với việc cho phép các con chiên của họ được chăn dắt vào hệ thống nhà thờ mà nhà nước bảo trợ.

Đảng Cộng sản muốn giảm số nhà thờ chưa đăng ký. Đảng không ủng hộ bất kỳ hoạt động xã hội nào ngoài tầm kiểm soát của mình. Đảng Cộng sản cũng có thể tin rằng một hiệp định chính thức về các giám mục sẽ là một bước tiến lớn để thuyết phục Vatican chuyển đại sứ quán của mình từ Đài Loan sang Bắc Kinh. Trong khi đó, Vatican có thể nghĩ rằng việc đạt cải thiện quan hệ với chính phủ Trung Quốc có thể giúp các tín đồ tránh khỏi những đau khổ không cần thiết, và điều đó có thể mang lại cho nhà thờ nhiều tự do hơn trong việc truyền giáo. Trong những năm gần đây, số lượng người Công giáo ở Trung Quốc được cho là đã chững lại hoặc thậm chí sụt giảm, trong khi số người Tin Lành tăng vọt. Tuy nhiên, cũng có những rủi ro lớn. Trong trường hợp có được một thỏa thuận, có thể một số tín đồ Công giáo hoạt động ngầm sẽ chọn tham gia một nhà thờ có khuynh hướng ly giáo hơn là phải hợp tác với các giáo sĩ được đảng chấp thuận. Và Giáo Hoàng Francis chắc chắn sẽ phải đối mặt với một số chỉ trích về việc thỏa hiệp với một chế độ mang tính đàn áp.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/24375-tai-sao-vantican-lai-dam-phan-voi-tq.html

 

Mắc kẹt giữa ‘Chiến tranh lạnh’ Mỹ – Trung

Karishma VaswaniPhóng viên Kinh doanh BBC

Phải lựa chọn bên nào không bao giờ là vui vẻ. Đặc biệt nếu bạn bị mắc kẹt giữa hai gã khổng lồ.

Panama là một trong nhiều quốc gia nơi mà sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra trong thực tế.

Bị đặt vào tình thế khó xử giữa bên hồi tuần trước khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong khi thăm Panama, đã chỉ trích các hoạt động kinh tế của Trung Quốc ở nước này.

Thương chiến Mỹ Trung ‘có ảnh hưởng tới VN’

Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là gì?

Chiến tranh TM Mỹ-Trung: Giai đoạn hai có gì lạ?

Thương chiến Trung Mỹ: ‘ASEAN chắc chắn bị ảnh hưởng’

Ông nói rằng các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc có mặt theo cách “rõ ràng là không minh bạch, không hướng đến thị trường và không nhằm mang lại lợi ích cho người dân Panama, mà vì lợi ích của chính phủ Trung Quốc”.

Trung Quốc phản đối, như mong đợi. Nhưng trong những bình luận công khai đầu tiên từ Panama sau những lời chỉ trích của ông Pompeo, Phó Tổng thống Isabel de Saint Malo de Alvarado nói rằng trong khi Panama chào đón đầu tư trực tiếp nước ngoài từ cả Mỹ và các nước khác, gồm cả Trung Quốc, nước này sẽ “cẩn trọng” khi cho các công ty mới vào và khi lựa chọn nhà thầu mới.

Đây không phải là lời chỉ trích công khai về Bắc Kinh, mà là một đánh giá sắc bén hơn về kinh doanh với Trung Quốc mà nhiều quốc gia khác ngày càng bắt đầu lên tiếng.

Điều này cho thấy thái độ thù địch ngày càng tăng của Mỹ với Trung Quốc trên trường quốc tế đang ảnh hưởng đến các quốc gia khác vốn đang bị mắc kẹt giữa hai bên.

Panama luôn rất quan trọng với Hoa Kỳ – cả vị trí và vai trò trong thương mại toàn cầu khiến cho thành công của Panama “quan trọng” với thịnh vượng và an ninh quốc gia Mỹ, như Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ ra.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Panama, và trong vài năm qua Trung Quốc cũng đang tăng cường quan hệ với quốc gia Mỹ La-tinh này.

Năm 2017, Panama bỏ rơi mối quan hệ lâu dài với Đài Loan và bù lại, nước này đã ký kết 19 hợp đồng hợp tác với Trung Quốc, bao gồm một nghiên cứu khả thi hướng đến ký kết thỏa thuận thương mại tự do giữa hai nước.

Thái độ thù địch gần đây của Mỹ với sự gia tăng kinh tế Trung Quốc có nghĩa là các quốc gia như Panama – đã từng rất chào đón đầu tư của Trung Quốc – sẽ phải tìm cách cân bằng mới, tinh tế hơn với hai siêu cường.

Lấy bình luận của bà de Alvarado về Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc làm ví dụ. Nó cho thấy bà cẩn trọng như thế nào khi đánh giá về “ngoại giao nợ” bị chỉ trích rất nhiều là đã gây khó khăn cho một số quốc gia mà tham gia vào dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc.

“Chúng tôi không phụ thuộc vào các công ty đến và tài trợ cho dự án của chúng tôi vì chúng tôi”, phó tổng thống nói trong chương trình Báo cáo kinh doanh Châu Á của BBC.

“[Nhưng] các quốc gia dễ bị tổn thương do nền kinh tế yếu kém, do họ không có một hệ thống đủ mạnh để đảm bảo rằng các bước được thực hiện sẽ cân nhắc đến lợi ích của họ, sẽ là ở một tình huống khác.”

Kiểu định vị sắc bén này đang ngày càng trở nên phổ biến hơn với những quốc gia tự thấy mình bị kìm kẹp giữa Mỹ và Trung Quốc, khi họ cố gắng và định hướng bối cảnh mới này.

Việt Nam và chiến tranh thương mại Trung Mỹ

Ví dụ, các quan chức từ một số nước Đông Nam Á – trong khi không muốn công khai chỉ trích Trung Quốc – đã nói riêng với tôi rằng lập trường mới của chính quyền Trump về Bắc Kinh đã khuyến khích họ lên tiếng.

Và quả không sai. Đây không chỉ là cuộc chiến thương mại như tôi đã nói hồi đầu tuần.

Hai siêu cường thế giới đang ngày càng chiến đấu trên mặt trận mới.

https://www.bbc.com/vietnamese/business-45981470

 

Liên Hiệp Châu Âu cấm đồ nhựa dùng một lần

Tú Anh

Trong phiên họp khoáng đại tại Strasbourg ngày 24/10/2018, Nghị Viện Châu Âu thông qua một chỉ thị cấm hàng chục loại vật dụng bằng nhựa sử dụng một lần rồi vứt bỏ, như ly nhựa, dao muỗng nhựa. Văn bản bảo vệ môi trường đã được đại đa số nghị viên bỏ phiếu thuận.

Nội dung cụ thể ra sao? Từ Strasbourg, đặc phái viên Anastasia Becchio tường thuật :

Chỉ thị đã được thông qua với 571 phiếu thuận, 53 phiếu chống. Với nụ cười rạng rỡ, nghị sĩ người Bỉ Frédérique Ries, tác giả của các biện pháp làm sạch môi trường, tuyên bố : “Những đồ dùng bằng nhựa này đã làm ô nhiễm bờ biển của chúng ta, giết chết đại dương của chúng ta, tiêu diệt sinh vật … và làm hại sức khỏe con người. Do vậy, chúng ta phải cấm.”

Biện pháp cụ thể là cấm triệt để 6 loại vật dụng sử dụng hàng ngày có thể thay thế chất nhựa bằng vật liệu khác cũng bền tốt không kém chẳng hạn như dao, muỗng, nĩa, ống hút uống nước giải khát…. Danh sách nói trên dựa theo phân tích rác thải tìm thấy trong các vùng duyên hải của châu Âu. Khoảng 70% rác thải làm đại dương bị ô nhiễm chính là do các loại đồ dùng bằng nhựa này.

Danh sách còn liệt kê những sản phẩm cần được hạn chế sử dụng như đầu lọc thuốc lá, hộp đựng thực phẩm ăn nhanh (fast-food) bằng polystyrène cũng như bao bì oxoplastiques, được xem là « chất tự hủy », nhưng trên thực tế phân hóa thành những mảnh nhỏ không kém phần nguy hiểm cho sức khỏe con người và thú vật.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181025-moi-truong-sach-lien-hiep-chau-au-cam-do-nhua-dung-mot-lan

 

NATO tập trận lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh

Hôm 25/10, các lực lượng quân sự từ 31 quốc gia đã bắt đầu cuộc tập trận lớn nhất trong nhiều thập kỷ của khối NATO, kéo dài từ biển Baltic đến Iceland.

50.000 binh sĩ, 250 máy bay và 10.000 xe tăng, xe tải và các phương tiện khác tham gia cuộc tập trận ở miền trung Na Uy.

Đại tá Eystein Kvarving từ Bộ tư lệnh phối hợp ở Na Uy nói với Reuters: “Các lực lượng đang sẵn sàng, họ phối hợp với nhau và bắt đầu thực hành các kỹ năng tác chiến trên các chiến trường lớn trong hai tuần tới.”

Cuộc tập trận có tên Trident Juncture 2018 dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 7/11, diễn ra ở khu vực miền trung và miền đông Na Uy, khu vực Bắc Đại Tây Dương và vùng Biển Baltic, theo hãng tin AP.

Hàng năm, Na Uy luôn tìm cách tăng gấp đôi số lượng thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tham gia huấn luyện trên lãnh thổ của mình. Động thái này đã bị Moscow chỉ trích.

Tháng trước, Nga đã tổ chức các cuộc tập trận lớn nhất kể từ năm 1981, có tên là Vostok-2018, với hơn 300.000 binh sĩ tại khu vực gần với biên giới Trung Quốc, có sự tham gia của quân đội Trung Quốc và Mông Cổ.

https://www.voatiengviet.com/a/nato-tap-tran-lon-nhat-ke-tu-chien-tranh-lanh/4628969.html

 

Thị trường châu Âu tìm cách hồi phục

sau ngày chứng khoán thế giới giảm mạnh

Thị trường tài chánh châu Âu phục hồi trong ngày giao dịch hôm thứ Năm 25/10, tiếp theo sau ngày tồi tệ nhất của Phố Wall kể từ năm 2011 và những tổn thất nặng nề trên thị trường châu Á đã đẩy cổ phiếu toàn cầu rớt xuống mức tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.

Đó chưa phải là một tín hiệu lạc quan thực sự. Đầu phiên giao dịch chỉ số DAX của Đức chạm mức thấp nhất so trong gần hai năm; chỉ số FTSE của London và CAC40 của Paris gần chạm mức thấp nhất so trong một năm rưỡi qua, nhưng sau đó các thị trường đã ổn định trở lại.

Chỉ số STOXX 600 của châu Âu tăng trở lại mức lạc quan sau khi giảm gần 1% vào giờ mở cửa, và sau khi chỉ số Nikkei của Nhật Bản đã giảm 3,5% trong đêm.

Trên thị trường hối đoái, đồng franc Thụy Sĩ và đồng yen của Nhật có giá giao dịch ổn định.

Trái phiếu của Ý và Tây Ban Nha được giao dịch ổn định trong lúc các nhà môi giới chờ kết quả cuộc họp mới nhất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

“Các diễn biến trên thị trường là phản ứng di chuyển về khu vực an toàn vẫn thường thấy,” theo nhận định của ông Sanjay Joshi, chuyên gia về chứng khoán có lãi suất cố định của công ty tài chánh London & Capital, về thị trường cổ phiếu giảm và thị trường trái phiếu và ngoại hối tăng.

Hầu hết các nhà kinh tế hy vọng Chủ tịch ECB, Mario Draghi, sẽ loan báo rằng ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục kế hoạch chấm dứt chương trình kích thích kinh tế trong năm nay. Nhưng tín hiệu được ông gửi ra về tình hình biến động trên thị trường và những lo ngại về kinh tế Italy, quê hương của ông, có thể là thiết yếu.

Các nhà đầu tư ngày càng lo ngài về giá cổ phiếu tiếp tục tăng cao, lãi suất tăng nhanh hơn tại Hoa Kỳ và cuộc thương chiến Trung-Mỹ đang diễn ra đe dọa làm tổn thương tăng trưởng kinh tế thế giới.

https://www.voatiengviet.com/a/thi-truong-chau-au-tang-manh-sau-ngay-chung-khoan-the-gioi-giam-manh/4628783.html

 

Putin cảnh báo châu Âu

Tổng thống Vladimir Putin vừa lên tiếng cảnh báo rằng nếu Washington triển khai các tên lửa hiện vẫn bị cấm trong Hiệp ước INF tới châu Âu, Nga sẽ nhắm vào những nước “chứa chấp” chúng.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo ý định rút khỏi INF (Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung) mà Mỹ đã ký với Liên Xô năm 1987.

Tổng thống Putin cho biết, ông hy vọng nếu Mỹ rút khỏi INF thì nước này sẽ không có kế hoạch đặt ở châu Âu bất kỳ tên lửa nào thuộc diện cấm trong Hiệp ước.

“Nếu chúng được triển khai ở châu Âu, chúng tôi tất nhiên sẽ phải phản ứng”, ông Putin tuyên bố tại một cuộc họp báo sau khi hội đàm với Thủ tướng Giuseppe Conte ở Moscow. “Các nước châu Âu nào đồng ý thì cần hiểu rằng họ sẽ phơi lãnh thổ của mình cho nguy cơ một cuộc tấn công trả đũa”.

Nhà lãnh đạo Nga cũng thẳng thừng bác bỏ các cáo buộc của Mỹ và NATO rằng Moscow vi phạm Hiệp ước. Ông chỉ ra rằng chính Mỹ mới là bên vi phạm, với các cơ sở phòng thủ tên lửa đặt ở Romania mà có thể được sử dụng để giữ các tên lửa hành trình vi phạm INF.

Phía Mỹ cho rằng hệ thống tên lửa mới của Nga – được biết đến là 9M729 – đi ngược lại INF. Các thành viên NATO cũng nghĩ như vậy.

INF cấm tất cả các loại tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.200km. Theo các chuyên gia, hệ thống mới 9M729 có thể hoạt động ở các cao độ thấp hơn khiến nó khó bị phát hiện và tiêu diệt. Nó cũng có thể chạm tới tất cả các mục tiêu trên toàn châu Âu, thậm chí là bờ tây của Mỹ nếu được triển khai ở Siberia.

Giữa lúc căng thẳng liên quan đến INF leo thang, ngày 25/10, NATO chính thức tổ chức cuộc tập trận mang tên Trident Juncture (Đinh ba Giáp chiến) ở Na Uy – cuộc tập trận chung lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Nga, nước chung biên giới với Na Uy, đã được NATO thông báo về sự kiện này và được mời tới giám sát.

Tuy vậy, Moscow vẫn rất tức giận. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cảnh báo có thể buộc phải đáp trả việc NATO tăng cường các hoạt động quân sự gần biên giới phía tây nước này.

Trident Juncture 2018 bao gồm khoảng 50.000 quân, 65 tàu chiến, 250 máy bay và 10.000 phương tiện, với kịch bản là khôi phục chủ quyền của Na Uy sau một cuộc tấn công của “kẻ xâm lược giả định”.

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/24361-putin-canh-bao-chau-au.html

 

Pháp tính chuyện cấm vận Ả Rập Saudi

sau vụ Khashoggi

Pháp hôm 24/10 nói họ có thể áp đặt cấm vận lên Ả Rập Saudi nếu các cơ quan tình báo của họ phát hiện được vương quốc này đứng sau vụ sát hại Jamal Khashoggi ngay cả khi Paris đang tìm cách giữ mối quan hệ chiến lược và quan hệ kinh tế quan trọng với Riyadh.

Cho đến nay, phản ứng của Pháp trong vụ nhà báo Khashoggi là tương đối cẩn trọng do Paris muốn giữ ảnh hưởng với Riyadh và bảo vệ các quan hệ làm ăn trong các lĩnh vực năng lượng, tài chính và vũ khí.

“Chừng nào mà sự việc chưa được rõ ràng và chưa được các cơ quan thông tin của chúng tôi xác minh thì chúng tôi sẽ không đưa ra bất cứ quyết định nào,” ông Benjamin Griveaux, phát ngôn nhân chính phủ Pháp nói.

“Mặt khác, một khi sự việc đã được đưa ra ánh sáng và được các cơ quan tình báo của chúng tôi chứng minh, dựa trên giả thiết rằng trách nhiệm của Ả Rập Saudi được chứng tỏ thì khi đó chúng tôi sẽ đưa ra kết luận cần thiết và sẽ áp đặt các lệnh cấm vận phù hợp,” ông nói thêm.

Bất cứ bước đi nào của Pháp không chỉ bao gồm cấm vận buôn bán vũ khí, ông cho biết nhưng không nói rõ thêm.

Trước đó, một nguồn tin Phủ Tổng thống Pháp cho biết sẽ không có ‘quyết định vội vã’.

Trong khi đó, các đồng minh phương Tây khác của Ả Rập Saudi đều đã lên tiếng. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 24/10 nói rằng Thái tử Mohammed bin Salman có khả năng là người đứng sau vụ việc. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gọi vụ sát hại Khashoggi là ‘sự ghê tởm’ và cam kết sẽ ngưng xuất khẩu vũ khí Đức cho Ả Rập Saudi. Anh, cũng là nhà cung cấp vũ khí chính cho vương quốc như Pháp, đã nói rằng lời giải thích của Riyadh rằng ông Khashoggi chết sau một cuộc ẩu đả ở lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở Istanbul là ‘không đáng tin’. Thủ tướng Theresa May nói rằng nước Anh sẽ không cho tất cả các nghi can trong vụ việc này vào Anh.

Một quan chức ngoại giao cấp cao giấu tên của Pháp nói với Reuters rằng Tổng thống Emmanuel Macron hết sức dè dặt do ông theo đuổi chính sách công khai lâu nay là không đứng về bên nào giữa Ả Rập Saudi dòng Sunni và Iran theo dòng Shi’ite.

“Chúng tôi có quan hệ đối tác quan trọng,” nhà ngoại giao này nói. “Mặc dù chúng tôi không bao giờ xem Ả Rập Saudi là một nước có nhân quyền, nhưng vụ việc này là nghiêm trọng. Nó không thể bị bỏ qua. Sẽ có hậu quả, nhưng chúng tôi cần phải cẩn trọng.”

Kể từ khi bước vào Điện Elysee hồi năm ngoái, Tổng thống Macron hầu như bỏ ngoài tai những lời phản đối Pháp bán vũ khí cho Ả Rập Saudi mà ông xem là quan trọng để tạo ra việc làm và đối với quan hệ chiến lược của Pháp trong khu vực.

Trong thời gian từ năm 2008 cho đến 2017, Ả Rập Saudi là khách hàng mua vũ khí Pháp lớn thứ hai với các thương vụ lên đến 11 tỷ euro, tương đương gần 13 tỷ đô la Mỹ, trong đó có 1,5 tỷ euro chỉ tính riêng năm ngoái.

Trong một động thái thể hiện lợi ích kinh tế của Pháp trong khu vực, lãnh đạo tập đoàn dầu khí Total đã đến dự hội nghị đầu tư ở Riyadh trong khi hội nghị này đã bị nhiều lãnh đạo doanh nghiệp phương Tây tẩy chay sau vụ sát hại Khashoggi.

Ông Macron xem Riyadh có vai trò quan trọng trong việc đem đến một thỏa thuận hòa bình với Iran có quy mô toàn khu vực cũng như là một đồng minh trong cuộc chiến chống lại các chiến binh Hồi giáo từ Trung Đông cho đến Tây Phi và là một bức tường thành ngăn chặn tổ chức Huynh đệ Hồi giáo.

https://www.voatiengviet.com/a/ph%C3%A1p-t%C3%ADnh-chuy%E1%BB%87n-c%E1%BA%A5m-v%E1%BA%ADn-%E1%BA%A3-r%E1%BA%ADp-saudi-sau-v%E1%BB%A5-khashoggi/4627940.html

 

Thái tử Ả Rập Saudi hứa

sẽ trừng trị những kẻ sát hại Khashoggi

Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman hôm 24/10 hứa rằng những thủ phạm sát hại nhà báo Jamal Khashoggi cần phải được đưa ra trước công lý và gọi vụ sát hại này là ‘rất đau đớn cho tất cả người dân Saudi’.

Thái tử đưa ra phát biểu này tại một hội nghị đầu tư lớn ở thủ đô Riyadh. Đây là tuyên bố công khai đầu tiên của ông kể từ vụ sát hại nhà báo thổi bùng làn sóng lên án của cộng đồng quốc tế.

Ông cũng nói rằng Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ nên làm việc cùng nhau để ‘đạt kết quả’ trong cuộc điều tra chung về vụ việc.

“Vụ việc xảy ra rất đau đớn cho tất cả người dân Saudi… Nó không thể biện hộ được,” ông nói từ bục diễn giả. “Cuối cùng cũng sẽ có công lý.”

Ông mô tả sự hợp tác giữa Riyadh và Ankara là ‘đặc biệt’ bất chấp lời chỉ trích gay gắt của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và các trợ lý của ông.

Vài giờ trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lời bình luận gay gắt nhất của ông cho đến nay đã nói với tờ Wall Street Journal rằng Thái tử bin Salman phải chịu trách nhiệm cuối cùng trong chiến dịch dẫn đến vụ sát hại nhà báo Khashoggi.

Ông Trump nói rằng ông muốn tin lời Thái tử bin Salman rằng các quan chức cấp thấp là những người chịu trách nhiệm cho vụ sát hại ngày 2/10 tại lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở Istanbul.

Tuy nhiên, ông cho rằng trách nhiệm nằm ở cấp cao hơn: “Ừ, thái tử đang điều hành công việc ở đó nhiều hơn vào lúc này. Ông ấy đang điều hành mọi việc do đó nếu có ai đó phải chịu trách nhiệm thì người đó sẽ là ông ấy.”

Lời phát biểu này của ông Trump đã gia tăng sức ép lên một đồng minh thân cận của ông giữa bối cảnh cộng đồng quốc tế lên án Ả Rập Saudi về vụ việc.

Tổng thống Erdogan hôm 24/10 đã nói chuyện với Thái tử bin Salman và hai nhà lãnh đạo đã bàn thảo những bước đi cần thiết để đưa ra ánh sáng mọi khía cạnh của vụ sát hại Khashoggi, một nguồn tin tổng thống cho biết.

Một cố vấn của ông Erdogan nói rằng Thái tử có ‘đôi tay vấy máu’ trong vụ ám sát Khashoggi – một tiếng nói chỉ trích mạnh mẽ Thái tử.

Tuy nhiên, bản thân Thái tử đã phác họa một bức tranh rất khác trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.,

“Giờ đây có những kẻ đang tìm cách lợi dụng tình hình đau lòng này để gây chia rẽ giữa vương quốc và Thổ Nhĩ Kỳ,” ông nói.

“Tôi muốn gửi cho họ thông điệp rằng họ không thể nào đạt được mục đích ngày nào Quốc vương Salman còn ở đây, chừng nào Thái tử Mohammed bin Salman vẫn còn ở Ả Rập Saudi và lãnh đạo Erdogan vẫn còn ở Thổ Nhĩ Kỳ thì chia rẽ sẽ không xảy ra.”

Riyadh đã quy trách ‘những tay hoạt vụ lưu manh’ gây ra vụ sát hại nhà báo Khashoggi và nói rằng Thái tử Mohammed bin Salman ‘không hề hay biết gì cả’.

Đối với các đồng minh của Ả Rập Saudi, câu hỏi nhức nhối là liệu họ có nên tin rằng Thái tử bin Salman, người thể hiện bản thân như là một nhà cải cách, phải có trách nhiệm gì đó trong vụ sát hại – một khả năng mà một số nghị sỹ Mỹ đã nêu ra – hay không.

https://www.voatiengviet.com/a/th%C3%A1i-t%E1%BB%AD-%E1%BA%A3-r%E1%BA%ADp-saudi-h%E1%BB%A9a-s%E1%BA%BD-tr%E1%BB%ABng-tr%E1%BB%8B-nh%E1%BB%AFng-k%E1%BA%BB-s%C3%A1t-h%E1%BA%A1i-khashoggi/4627939.html

 

Tại sao dân Hong Kong không mặn mà

với cầu vượt biển mới?

Sau những lần trì hoãn, gần một thập niên xây dựng và chi phí đội lên đến 20 tỷ đô la, cây cầu bắc qua biển dài nhất thế giới kết nối Hong Kong với đại lục Trung Quốc cuối cùng cũng đã mở cửa cho lưu thông hôm 23/10 như là siêu dự án mới nhất mang dấu ấn của Bắc Kinh.

Đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cắt băng khánh thành cây cầu có chiều dài 55km này sẽ kết nối Hong Kong với thành phố Chu Hải và Macau.

Tuy nhiên, nhiều người dân Hong Kong thắc mắc tại sao họ phải gánh chịu chi phí lớn như vậy với rất ít lợi ích thiết thực.

Suy cho cùng, hành trình đi từ Hong Kong đến đại lục trên cây cầu mới này chỉ nhanh hơn có 30 phút so với tuyến đường băng qua những cây cầu hiện tại. Ở Macau, lợi ích được thấy rõ ràng: phà là cách duy nhất để đến đại lục.

Tuy nhiên đó không phải là bức tranh toàn cảnh, các quan chức Trung Quốc cho biết.

Tuyến đường cầu và hầm này được xem là hòn đá tảng trong kế hoạch xây dựng ‘Đại Vùng Vịnh’ của Trung Quốc với mục tiêu kết nối các trung tâm Hong Kong và Macau với 11 thành phố phía nam khác của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn thu hút thêm nhiều du khách và người lao động từ đại lục đến các thành phố bán tự trị này.

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Đặc khu trưởng Hong Kong, ca ngợi dự án ‘có một trong đời người’ này là giúp gắn kết Hong Kong chặt chẽ hơn với đại lục.

Tuy nhiên, có ít người ở Hong Kong nghĩ như vậy.

Người dân Hong Kong lâu nay đã ca thán về việc chính quyền trung ương liên tục can thiệp vào công việc của thành phố, trong đó có nỗ lực mà các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng thu hẹp lại quyền tự do biểu đạt tương đối cởi mở ở đây.

Những người chỉ trích cũng lo sợ con số ngày càng đông người lao động và du khách từ các thành phố trong đại lục đến Hong Kong vốn dĩ đã đông đúc và trung tâm cờ bạc Macau thậm chí còn tấp nập hơn nữa.

Người đóng thuế ở Hong Kong phải chịu gần phân nửa chi phí xây cầu, và không hề dễ dàng chút nào để ai đó chỉ đi qua cầu là xong.

Người dân cần phải trải qua một quy trình phức tạp để xin giấy phép từ tất cả ba thành phố mà cây cầu này đi qua – quá trình có thể mất gần hai tuần – và cũng phải mua bao hiểm ở tất cả nơi này.

Những bình luận trên một đoạn video của chính quyền Hong Kong giải thích quy trình đã mỉa mai quy trình đáng lẽ ra là phải đơn giản này là ‘quan liêu quá mức’. Họ nói rằng người dân Hong Kong chỉ cần lên phà là có thể đến Macau mà không cần phải làm thủ tục như vậy. Bên cạnh đó, giấy phép cho xe tư nhân qua cầu bị giới hạn chỉ vào khoảng 5.000 xe trong thời gian đầu.

“Thật lạ lùng. Nó băng qua biển như vậy mà dân thường lại không thể đi được. Như vậy để làm gì?” Claudia Mo, một nhà lập pháp cổ súy cho dân chủ ở Hong Kong, than phiền. “Dự án này hết sức rõ ràng là một biểu tượng chính trị. Tôi chắc Bắc Kinh biết rõ rằng chúng tôi không thật sự cần cái cầu này và nó không cần thiết vào lúc này.”

Bà nói thêm rằng cây cầu này là ‘công trình vĩnh viễn và lời nhắc nhở thường trực rằng Hong Kong mãi mãi kết nối với vùng nội địa rộng lớn của đại lục Trung Quốc’.

Dự án cũng hứng chịu chỉ trích vì tiêu chuẩn lao động cẩu thả và những tác động môi trường tiêu cực. Trong quá trình xây dựng, 19 công nhân thiệt mạng và hàng chục người bị thương với một số người rơi xuống biển sau khi một giàn giáo bị sập.

Kể từ khi công trình tăng tốc trong những năm gần đây, số lượng loài cá heo trắng Trung Quốc nổi tiếng cư trú ở vùng biển này đã giảm từ 80 vào năm 2012 xuống còn 47 trong năm 2017, theo ông Taison Chang, chủ tịch Hội Bảo tồn Cá heo Hong Kong, trong khi các nỗ lực giảm nhẹ tác động môi trường đã thất bại trong việc giữ đàn cá heo ở lại khu vực.

“Chúng ta có thể rõ ràng nhìn thấy cá heo ở khu vực Bắc Lantau gần như biến mất ở trên toàn bộ khu vực ở gần nơi xây cầu,” ông nói. “Không ai có thể thật sự dừng dự án sau khi dự án nhận được giấy phép môi trường cần thiết để triển khai.”

Cây cầu được hoàn thành vào lúc Chủ tịch Tập Cận Bình đang mở rộng quyền kiểm soát đối với Hong Kong, một thành phố có 7,4 triệu dân với quy chế đặc khu hành chính sau khi được Anh trao trả về Trung Quốc cách nay hơn 20 năm.

Theo chính sách ‘một đất nước, hai chế độ’, chế độ kinh tế và chính trị của Hong Kong được giữ nguyên không bị can thiệp trong vòng 50 năm – cho đến năm 2047 – và riêng biệt với chế độ trong đại lục. Điều này cho phép đặc khu này có chính phủ, tư pháp và tiền tệ riêng.

Tuy nhiên, một loạt các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đã kết nối đặc khu này với đại lục một cách rõ ràng hơn. Hồi cuối tháng Chín, một tuyến đường sắt cao tốc trị giá 11 tỷ đô la đã được khánh thành để kết nối Hong Kong với đại lục và cắt ngắn thời gian di chuyển từ Hong Kong đến các thành phố lớn khác của Trung Quốc.

Bắc Kinh hy vọng rằng những kết nối giao thông này sẽ thúc đẩy sự phát triển ở các thành phố phương nam vốn từng dẫn đầu tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc – nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại tiếp diễn với Mỹ.

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cũng đang đẩy mạnh một dự án bồi đắp đảo vốn sẽ là dự án cơ sở hạ tầng đắt đỏ nhất ở Hong Kong để xây một hòn đảo nhân tạo làm nơi sinh sống của 1 triệu người. Hòn đảo mới này sẽ gần với chiếc cầu mới này.

“Tất cả mọi thứ đều kết nối – đảo bồi đắp, chiếc cầu, đường sắt cao tốc,” nghị sỹ Mo nói. “Tất cả đều nhằm để nói với Hong Kong rằng quý vị là một phần của Trung Quốc và quý vị sẽ không thể nào tách riêng ra được.”

(Theo Washington Post)

https://www.voatiengviet.com/a/t%E1%BA%A1i-sao-d%C3%A2n-hong-kong-kh%C3%B4ng-m%E1%BA%B7n-m%C3%A0-v%E1%BB%9Bi-c%E1%BA%A7u-v%C6%B0%E1%BB%A3t-bi%E1%BB%83n-m%E1%BB%9Bi-/4627945.html

 

Ông Abe gặp ông Tập dưới bóng ông Trump?

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến bắt đầu chuyến thăm chính thức Bắc Kinh từ thứ Năm 25/10 theo lời mời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Quan hệ của Nhật Bản với Trung Quốc đang được cải thiện bằng chuyến thăm dự kiến từ 25-27/10 của ông Abe. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một nhà lãnh đạo Nhật Bản tới Trung Quốc trong gần bảy năm qua, theo CNBC.

Nhưng cũng trong chuyến thăm này, ông Abe sẽ phải đối diện với thách thức giữ cân bằng giữa một bên là mối quan hệ với Trung Quốc và bên kia là với Hoa Kỳ.

Ông Abe sẽ gặp ông Tập dưới cái bóng của ông Trump, bài báo trên CNBC bình luận.

Nhật Bản thắt chặt kiểm soát visa du học từ VN

Nhật Bản sẽ điều tàu chở trực thăng tới Biển Đông

Chuyến thăm cấp nhà nước này được tiến hành khi đồng minh và nhà bảo trợ an ninh lâu năm của Nhật Bản là Hoa Kỳ, vừa trả đũa Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản – bằng cuộc chiến thuế quan, vừa thỉnh thoảng tung ra những đe dọa đáng ngại đối với Nhật Bản.

“Quan hệ thế nào giữa hai nước là một thách thức” đối với ông Abe, chuyên gia chính trị và an ninh của Nhật Bản, Brad Glosserman nói với CNBC hôm thứ Hai.

Ông Abe được cho là sẽ được tháp tùng bởi hàng trăm doanh nhân Nhật Bản đang thèm khát các cơ hội tại Trung Quốc, ngay cả khi họ chia sẻ mối lo ngại của Mỹ và châu Âu về cách thức kinh doanh và vận hành nền kinh tế của Trung Quốc, theo bài báo trên CNBC.

Nhưng ông Abe, và chắc chắn nhiều doanh nhân khác, cũng đang lo lắng trước cái bóng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Trump đã đe dọa đánh thuế các loại xe của Nhật Bản nhằm hối thúc một Tokyo đang lưỡng lự phải tham gia vào các đàm phán thương mại tự do. Nhưng tuần trước, ông Trung viết trên Twitter lời khen ngợi Nhật Bản trước chuyến đi của ông Abe, đăng kèm một bức đồ họa về đầu tư của Nhật Bản vào Hoa Kỳ.

Hai sự kiện quan trọng

Bên cạnh các cuộc họp và đàm phán với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, một lễ kỷ niệm 40 năm ký kết Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị Trung Quốc – Nhật Bản và một diễn đàn hợp tác thị trường bên thứ ba giữa hai nước sẽ được tổ chức.

Hai hoạt động này được sắp xếp trong chuyến thăm của thủ tướng Nhật tới Trung Quốc là có nhiều lý do, theo CGTN.

Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị Trung Quốc-Nhật Bản được xem là cột mốc quan trọng cho quan hệ song phương, tóm tắt các vấn đề chính trị giữa hai nước và mở ra một chương mới về quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát gần đây của Diễn đàn Bắc Kinh-Tokyo, vẫn còn một số trở ngại cho việc cải thiện hơn nữa quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản, như về tranh chấp lãnh thổ, xung đột tài nguyên hàng hải, những bất đồng về các vấn đề lịch sử.

Trong khi đó, Hợp tác thị trường bên thứ ba được cho là “nền tảng” và “đòn bẩy” cho quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản và là cơ sở quan trọng cho sự tin tưởng chính trị lẫn nhau, Gao Feng, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc, cho hay trước chuyến thăm của ông Abe.

Hàng nghìn doanh nhân và cán bộ thương mại dự kiến sẽ tham dự diễn đàn hợp tác thị trường của bên thứ ba được tổ chức trong chuyến thăm của ông Abe tới Trung Quốc.

Nikon Keizai Shimbun, một tạp chí kinh tế Nhật Bản, cho biết hơn 30 thỏa thuận hợp tác sẽ được ký kết tại diễn đàn, bao gồm hợp tác song phương xây dựng đường sắt Thái Lan, hậu cần cho dự án xây dựng đường sắt Trung Quốc-châu Âu, và tài chính của chính phủ, vv ..

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45974310

 

Singapore đọ sức với Con đường tơ lụa mới

Chính phủ Singapore vừa thành lập cơ quan hỗ trợ đầu tư châu Á, định vị nước này trở thành nhà môi giới góp phần lấp đầy khoảng trống đầu tư hạ tầng trị giá 460 tỉ USD của khu vực hằng năm.

Theo Reuters, cơ quan có tên “Hạ tầng châu Á” này chuyên hỗ trợ các dự án hạ tầng trên khắp châu Á và giúp chúng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các tổ chức tài chính và nhà đầu tư tư nhân.

Quyết định của quốc đảo vốn là một trung tâm tài chính toàn cầu này được cho là nhằm định vị Singapore như một quốc gia kết nối cho đầu tư hạ tầng trong khu vực.

Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc cũng đẩy mạnh nỗ lực đầu tư và xây dựng các dự án hạ tầng tại hàng loạt quốc gia trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường, còn được gọi là Con đường tơ lụa mới.

Theo ước tính từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), châu Á đối mặt với một khoảng trống đầu tư lên tới 460 tỉ USD hằng năm ở lĩnh vực hạ tầng. Nhu cầu hạ tầng của các nước phát triển tại châu lục này ước tính lên tới 26.000 tỉ USD trong giai đoạn 2016-2030, tương đương 1.700 tỉ USD/năm.

“Với kiến thức, kỹ năng và nguồn lực tốt hơn, chúng tôi có thể cải thiện mức độ khả thi và ngân sách của dự án, giúp chúng trở thành những dự án thương mại bền vững” – ông Seth Tan Keng Hwee, Giám đốc điều hành của cơ quan Hạ tầng châu Á, cho biết. Cũng theo ông Hwee, cơ quan này sẽ hợp tác chặt chẽ với khối tư nhân, chính phủ cũng như các ngân hàng thương mại và phát triển.

http://biendong.net/doc-bao-viet/24371-singapore-do-suc-voi-con-duong-to-lua-moi.html