Tin Biển Đông – 21/10/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 21/10/2018

Nhật – Trung so kè năng lực tàu ngầm

Nhật Bản và Trung Quốc được cho là đang cạnh tranh ưu thế trên biển, phô diễn khả năng tác chiến tàu ngầm ở châu Á.

Hồi tháng trước, Bộ Quốc phòng Nhật Bản lần đầu tiên xác nhận tàu ngầm nước này tham gia cuộc diễn tập ở Biển Đông. Động thái này theo sau việc Trung Quốc tham gia cuộc tập trận do Nga tổ chức ở vùng biển nằm giữa Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên hồi năm ngoái, theo báo Nikkei Asian Review.

Giới chuyên gia quân sự Nhật mới đây quan sát lại kỹ sự di chuyển của 28 tàu Nga vào vùng biển nói trên và thấy có một tàu đặc biệt thu hút sự chú ý của họ. Đó là tàu tìm kiếm và cứu hộ Igor Belousov, được thiết kế để cung cấp hỗ trợ tàu ngầm gặp sự cố.

Giải cứu tàu ngầm được cho là một lĩnh vực mà Trung Quốc đang nỗ lực cải thiện, biết rằng họ vẫn còn đứng sau hải quân Mỹ cũng như lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật.

“Rất có khả năng, quân đội Trung Quốc đã điều tàu ngầm đến biển Nhật Bản để huấn luyện cùng với Nga, hoặc sẽ làm điều này trong tương lai”, một nguồn thạo tin nhận định với Nikkei Asian Review. Biển Nhật Bản là tên Tokyo gọi vùng biển nằm giữa Nhật và bán đảo Triều Tiên.

Khi Nga tiến hành cuộc tập trận hải quân ở vùng biển nằm giữa Nhật và bán đảo Triều Tiên hồi tháng 9.2017, Trung Quốc đã điều một tàu tìm kiếm và cứu hộ tàu ngầm. Vì vậy, giới chuyên gia tin rằng Bắc Kinh có thể đã điều tàu ngầm đến cùng khu vực với mục đích học hỏi kinh nghiệm từ hải quân Nga.

Tuy những tàu sân bay và chiến đấu cơ tàng hình thu hút sự chú ý nhiều nhất, nhưng “thứ thay đổi cuộc chơi” thật sự của chiến lược hải quân ngày nay được cho là tàu ngầm.

Trung Quốc hiện đang bận rộn với việc phát triển tàu sân bay, nhưng loại tàu này cần một đội tàu ngầm hộ tống. Những tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo mà Trung Quốc đã triển khai cũng cần có sự bảo vệ của tàu ngầm hộ tống. Do đó, Trung Quốc đang nhờ Nga hỗ trợ phát triển khả năng phòng thủ cho đội thủy thủ tàu ngầm, theo Nikkei Asian Review.

Trung Quốc hiện có khoảng 60 tàu ngầm, vượt xa con số 22 của Nhật. Tuy nhiên, Nhật được cho là đang dẫn đầu trong các hoạt động tàu ngầm.

Theo Nikkei Asian Review, bằng cách thông báo cho tàu ngầm diễn tập ở Biển Đông, Nhật gửi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc: Tàu ngầm Trung Quốc sẽ không thể bình yên nếu cuộc xung đột bùng nổ trong những vùng biển tranh chấp. Ngoài ra, Tokyo dường như muốn chứng minh với Washington rằng Nhật có thể đóng một vai trò nhất định trong nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế tàu ngầm Trung Quốc ở Biển Đông.

http://biendong.net/bien-dong/24258-nhat-trung-so-ke-nang-luc-tau-ngam.html

 

Mỹ: Vào Sâu Biển Đông Chận TQ

BIỂN ĐÔNG — Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho rằng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc nên hợp tác trong chính sách đối phó với việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).

Bản tin NHK ghi rằng hôm thứ Sáu, tại Singapore, ông Mattis họp với người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ông dẫn bài phát biểu trong tháng này của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence rằng Mỹ sẽ thực thi tự do hàng hải ở tất cả những nơi mà luật quốc tế cho phép, và Mỹ sẽ không bị đe dọa hoặc lùi bước.

Ông Mattis cũng bày tỏ hy vọng tăng cường phối hợp giữa 3 nước dân chủ để hợp tác chặt chẽ hướng tới mục tiêu chung là xây dựng khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương hòa bình, cởi mở và thịnh vượng.

Bộ trưởng Phòng vệ Nhật Bản Iwaya Takeshi nhất trí với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, và nói Nhật Bản cũng sẽ nỗ lực tăng cường hợp tác 3 bên.

Trong khi đó, bản tin VOA ghi rằng các nước Đông Nam Á hôm 19/10 nhất trí về các quy tắc quản lý các vụ chạm trán bất ngờ giữa các máy bay quân sự của họ. Nước chủ nhà Singapore nói đây là thỏa thuận đầu tiên trên thế giới và cho biết họ sẽ khuyến khích các đối tác quốc tế của họ tham gia.

Hiệp định, được các bộ trưởng quốc phòng của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ký kết trong một hội nghị ở Singapore, cũng bao gồm một thỏa thuận trên toàn khu vực về trao đổi thông tin về các nguy cơ khủng bố.

Bộ quy tắc có tính chất tự nguyện, không ràng buộc về các cuộc chạm trán trên không là bước phát triển tiếp theo từ một bộ quy tắc hiện hành về quản lý các chạm trán biển được ASEAN thông qua năm ngoái, cùng thông qua là các đối tác Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Hoa Kỳ .

“Tôi vui mừng thông báo rằng bộ quy tắc đa phương đầu tiên về các chạm trán trên không giữa các máy bay quân sự đã được thông qua”, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen phát biểu trong một cuộc họp báo. “Đây là một thành tựu có ý nghĩa”, ông nói.

Các bộ trưởng ASEAN sẽ gặp 8 đối tác quốc tế của họ hôm 20/10 và ông Ng nói các bộ trưởng sẽ “tìm cách đạt được sự đồng ý của các đối tác” về bộ quy tắc.

Văn kiện khung về bộ quy tắc nói rằng cần phải có một thỏa thuận như vậy vì châu Á ngày càng tăng trưởng và thịnh vượng nên đã thúc đẩy sự gia tăng lưu lượng tàu thuyền và máy bay trong khu vực.

Hoa Kỳ và Trung Quốc vào năm 2015 đã ký một thỏa thuận về đường dây nóng và các quy tắc quân sự để quản lý các cuộc chạm trán trên không.

Nhưng ngay cả với các quy tắc hiện có, căng thẳng vẫn tồn tại, đặc biệt là ở Biển Đông đang có nhiều tranh chấp.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền về hầu như toàn bộ tuyến đường thủy bận rộn, trong khi Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei tuyên bố chủ quyền về một phần vùng biển giàu năng lượng. Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền về vùng biển này.

Vào tháng 8, các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc đã thông qua một khung đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử trên bình diện rộng lớn hơn ở Biển Đông.

Các quốc gia ASEAN cũng đồng ý đưa sáng kiến “mắt của chúng ta” làm nền tảng để trao đổi thông tin về “khủng bố, chủ nghĩa cấp tiến, chủ nghĩa cực đoan bạo lực và các mối đe dọa phi truyền thống khác”.

https://vietbao.com/a286701/my-vao-sau-bien-dong-chan-tq

 

Bộ trưởng Indonesia chỉ trích mạnh mẽ

tàu cá TQ ở Biển Đông

Với quan điểm cứng rắn khi đề cập đến tàu cá của Trung Quốc, Bộ trưởng Indonesia gọi đó không phải là đánh bắt cá mà là “hành vi phạm tội” có tổ chức xuyên quốc gia.

Bà Susi Pudjiastuti, Bộ trưởng Thủy sản Indonesia nổi tiếng với lập trường cứng rắn và là “bàn tay sắt” khi xử lý hành vi bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Mới đây trong cuộc họp báo ở Jakarta, Indonesia, bà đã thẳng thắng chỉ trích đồng thời gửi thông điệp mạnh mẽ đến Trung Quốc, quốc gia sở hữu số tàu đánh cá lớn nhất thế giới, về hành vi phạm tội có tổ chức xuyên quốc gia.

Bà Susi Pudjiastuti, Bộ trưởng Thủy Sản Indonesia. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu trước Hội nghị Đại dương ở Bali tháng này, bà nói “Chúng tôi có một số bất đồng với Trung Quốc về các vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp, không có nguyên tắc trật tự và không được báo cáo, tuy nhiên họ vẫn không đồng ý rằng đó là phạm tội xuyên quốc gia. Nếu không có sự hợp tác từ quốc tế, chúng tôi sẽ không thể xử lý vấn đề này,” theo SCMP.

Tổng thống Indonesia oko Widodo đi đến Quần đảo Natuna ở Biển Đông trên tàu chiến Imam Bonjol. (Ảnh: Handout)

Trong thời gian 4 năm, Indonesia đã cấm 10.000 tàu nước ngoài đăng ký đánh bắt cá trong vùng biển của mình. Hàng trăm tàu đã bị tịch thu và bị đánh chìm. Đa số các tàu đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Philippines.

Do trữ lượng cá trong nước của Trung Quốc giảm nhanh chóng, một phần là do nhu cầu dùng hải sản tươi sống ngày càng gia tăng của giới trung lưu, Bắc Kinh khuyến khích “đánh bắt ngoài khơi xa”, vượt xa khu kinh tế độc quyền.

Mỗi năm một tàu có dung tích 100 GT (khoảng 2,83 mét khối) có thể bắt được 2.000 tấn cá. Hàng triệu tấn và thu được hàng tỷ đô la, bà Pudjiastuti nói.

Các Bộ trưởng và nguyên thủ từ 35 quốc gia sẽ tham dự Hội nghị đại dương trong tháng này cùng với 200 tổ chức phi chính phủ và tư nhân. Các vấn đề an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu, ô nhiễm biển cũng như đánh bắt quá mức sẽ nằm trong chương trình nghị sự năm nay.

Nhưng cho đến nay Trung Quốc, giống như nhiều nước láng giềng không có bất kỳ đoàn đại biểu cấp cao nào đến Indonesia tham dự Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Không hề nao núng, bà Pudjiastati cho biết rất nhiều hòn đảo hoặc quốc gia ven biển dễ bị đánh bắt quá mức và biến đổi khí hậu, bà sẽ vận động tăng cường giám sát và thực thi bảo vệ các lãnh thổ hiện có như khu bảo tồn biển.

Bà chỉ ra rằng các ngư dân Trung Quốc đã bị bắt cóc do săn bắn cá mập ở xa như quần đảo Galapagos Nam Thái Bình Dương, một trong những kho báu sinh thái của thế giới.

Trong khi Bắc Kinh phủ nhận mọi hành vi sai trái và nói rằng các tàu đánh cá của họ, được hỗ trợ bởi tàu tuần duyên và tàu hải quân, đang đi kiểm tra các vùng biển mà họ có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Vào năm 2016, một tàu tuần tra Indonesia đã bắt một chiếc tàu đánh cá Trung Quốc 300 tấn, Kway Fey 10078, do đánh bắt cá gần quần đảo Natuna.

Bà Pudjiastuti nói rằng những kẻ săn trộm đang chuyển đổi chiến thuật, hoạt động vượt ra ngoài phạm vi quốc gia. Nếu không có tác động hơn nữa từ phía quốc tế trong việc giải quyết vấn đề này, việc di cư của các loài cá biển như cá ngừ vây vàng và cá tuyết sẽ bị ảnh hưởng.

http://biendong.net/bi-n-nong/24264-bo-truong-indonesia-chi-trich-manh-me-tau-ca-tq-o-bien-dong.html

 

Biển Đông: Mỹ-Trung-ASEAN

đồng ý quy tắc tránh va chạm trên không

Thu Hằng

Ngày 20/10/2018, sau cuộc họp các bộ trưởng Quốc Phòng của khối ASEAN và các đối tác (ADMM Plus), Hoa Kỳ, Trung Quốc đã nhất trí về những quy tắc hướng dẫn nhằm tránh các sự cố trên không giữa các loại thiết bị quân sự. Đây là sáng kiến mới nhất nhằm ngăn ngừa nguy cơ xảy ra va chạm quân sự ngoài ý muốn tại châu Á

Theo AFP, bộ quy tắc này xác định các tiêu chuẩn ứng xử đối với các phi công, như giữ khoảng cách an toàn, tránh hành động khinh suất, đề xuất đường dây liên lạc hai chiều… Văn kiện này được áp dụng trong không phận trên Biển Đông, bao gồm cả các thực thể đang là chủ đề tranh chấp giữa Trung Quốc, Đài Loan và một số nước ASEAN, Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Các nguy cơ xảy ra đụng độ ngoài ý muốn giữa chiến đấu cơ ngày càng cao trong những năm gần đây, trong bối cảnh Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng ở Biển Đông và làm gia tăng căng thẳng với các nước trong khu vực. Trong khi đó, thời gian gần đây, Hoa Kỳ cũng gia tăng các cuộc tuần tra « bảo vệ tự do hàng hải » tại các vùng biển đang có tranh chấp, khiến Bắc Kinh giận dữ.

Trang South China Morning Post cho biết bộ quy tắc này được các bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN thông qua ngày 19/10 tại diễn đàn ADMM thường niên. Theo đánh giá của bộ trưởng Quốc Phòng Singapore, nước chủ tịch luân phiên của ASEAN, văn kiện trên có thể giúp giảm bớt các nguy cơ đụng độ trên không, dù không mang tính bắt buộc, « nhưng ít nhất cũng cung cấp một số biện pháp bảo vệ nhất định ».

Bản thông cáo chung của các bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN, được công bố tại Singapore sau diễn đàn ADMM Plus ngày 20/10, cho biết bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis và đồng nhiệm Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa ủng hộ bộ quy tắc mới. Ngoài ra, các nước đối tác khác của ASEAN, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand cũng thể hiện ủng hộ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181021-bien-dong-my-trung-asean-dong-y-quy-tac-tranh-va-cham-tren-khong