Tin khắp nơi – 21/10/2018
TT Trump: Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước hạt nhân;
Nga cảnh báo trả đũa
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói vì Nga đã có những vi phạm nên Washington sẽ rút khỏi hiệp ước thời Chiến tranh Lạnh mà đã loại bỏ một hạng mục vũ khí hạt nhân. Sau khi tuyên bố này được đưa ra, Moscow cảnh báo sẽ có các biện pháp trả đũa.
Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), do Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachov đàm phán năm 1987, yêu cầu loại bỏ các tên lửa hạt nhân và thông thường thuộc tầm ngắn và tầm trung của cả hai quốc gia.
“Tiếc thay, Nga đã không tôn trọng thỏa thuận này vì vậy chúng ta sẽ chấm dứt thỏa thuận và chúng ta sẽ rút ra”, ông Trump nói với các phóng viên hôm 20/10 sau một cuộc mít tinh ở Nevada.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết hôm 21/10 rằng việc Mỹ đơn phương rút khỏi sẽ “rất nguy hiểm” và dẫn đến việc trả đũa “quân sự-kỹ thuật”.
Các nhà chức trách Mỹ tin rằng Moscow đang phát triển và đã triển khai một hệ thống phóng từ mặt đất, vi phạm hiệp ước INF và có thể cho phép Nga khởi động một cuộc tấn công hạt nhân vào châu Âu chỉ cần một khoảng thời gian ngắn. Nga đã liên tục phủ nhận về bất kỳ vi phạm nào như vậy.
Ông Trump cho biết Hoa Kỳ sẽ phát triển vũ khí trừ khi Nga và Trung Quốc đồng ý ngừng phát triển.
Trung Quốc không phải là một bên tham gia hiệp ước và đã đầu tư mạnh vào các tên lửa thông thường, trong khi INF đã cấm Mỹ sở hữu tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất hoặc tên lửa hành trình có tầm bắn trong khoảng 500 đến 5.500 km.
Cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump là ông John Bolton sẽ thăm Mátxcơva vào tuần tới.
Ông Ryabkov được hãng tin RIA thuộc sự kiểm soát của nhà nước dẫn lời nói rằng nếu Hoa Kỳ rút lui, Nga sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc trả đũa, bao gồm cả các biện pháp có “tính chất kỹ thuật-quân sự”, nhưng không nói cụ thể những biện pháp đó là gì.
“Nhưng chúng tôi mong rằng mọi chuyện không đi xa đến mức đó”, RIA trích lời ông cho biết.
Hãng tin TASS trích lời ông nói rằng việc rút ra “sẽ là một bước rất nguy hiểm”, và chính Washington mới là bên không tuân thủ hiệp ước, chứ không phải Moscow.
Ông cho biết chính quyền của ông Trump đã sử dụng hiệp ước này để tìm cách ép buộc điện Kremlin, khiến an ninh toàn cầu gặp rủi ro. “… Tất nhiên, chúng tôi sẽ không chấp nhận các trò ra tối hậu thư hay gây sức ép”, theo lời phát biểu của ông được Interfax trích dẫn.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson được Financial Times dẫn lời cho hay London “kiên quyết” hậu thuẫn Washington về vấn đề này, và rằng điện Kremlin đã nhạo báng hiệp ước.
Vụ Khashoggi: Trump ‘không hài lòng’ về Saudi
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông “không hài lòng” về chuyện Ả Rập Saudi thừa nhận cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi.
Hôm 19/10, lần đầu tiên Ả Rập Saudi cho rằng ông Jamal Khashoggi, một người chỉ trích mạnh chính phủ Saudi, đã chết trong một “trận ẩu đả”.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ‘tiết lộ hết’ về cái chết của Khashoggi
Anh và Mỹ ‘có thể tẩy chay’ hội nghị ở Ả Rập Saudi
Vụ án Jamal Khashoggi: Cảnh sát Thổ tiếp tục tìm kiếm
Nhưng lời giải thích đó đã gặp phải sự hoài nghi.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng ông Khashoggi đã bị sát hại và thi thể của ông bị phân xác.
“Tôi không hài lòng cho đến khi chúng tôi tìm thấy câu trả lời”, ông Trump nói và cho biết thêm rằng đang tính đến biện pháp trừng phạt, nhưng việc đình chỉ một thỏa thuận vũ khí sẽ “hại cho chúng tôi nhiều hơn là cho họ”.
Ông Trump nói rằng “có khả năng” là Thái tử Mohammed bin Salman không biết về vụ giết người.
Cho đến hôm 19/10, Ả Rập Saudi phủ nhận về vụ việc và khăng khăng rằng ông Khashoggi đã rời khỏi lãnh sự quán nước này.
Thổ Nhĩ Kỳ cam kết tiết lộ mọi chi tiết về vụ giết Khashoggi.
Các nhà điều tra Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng họ có bằng chứng ghi âm và video cho thấy ông Khashoggi bị một nhóm đặc vụ Saudi giết ngay bên trong lãnh sự quán.
Cảnh sát khám xét lãnh sự quán, dinh lãnh sự, cũng như một khu rừng gần đó, nơi giới chức tin rằng thi thể ông Khashoggi có thể được chôn.
Vương quốc Ả Rập chịu áp lực lớn phải giải thích việc ông Khashoggi biến mất sau khi ông bước vào lãnh sự quán ở Istanbul hôm 2/10 để lấy giấy tờ cho lễ cưới sắp tới của mình.
Chuyện gì xảy ra theo lời của phía Ả Rập Saudi?
Vương quốc này nói một cuộc ẩu đả đã nổ ra giữa ông Mr Khashoggi, người không được chính phủ Saudi ưu ái, và một số người gặp ông trong tòa lãnh sự, dẫn đến cái chết của ông.
Quốc gia này nói cuộc điều tra đang được tiến hành, và tới giờ 18 người Saudi đã bị bắt.
Các quan chức ẩn danh nói với hãng tin Anh Reuters và tờ the New York Times rằng người Saudi không biết thi thể của nhà báo ở đâu sau khi nó được giao cho một “cộng tác viên địa phương” để tẩu tán.
Ngoài việc bắt giữ người, hai quan chức cao cấp của Saudi cũng đã bị sa thải vì vụ việc này – phó giám đốc tình báo Ahmad al-Assiri và ông Saud al-Qahtani, phụ tá cao cấp cho Thái tử Mohammed Bin Salman.
Chính quyền Saudi hiện vẫn chưa đưa ra bằng chứng để chứng minh cho lời giải thích của họ.
Các nhà quan sát đang đặt câu hỏi liệu các đồng minh phương Tây của Ả Rập Saudi có bị thuyết phục bởi “lời kể” của nước này, và liệu nó có thuyết phục được họ không đưa ra các biện pháp trừng phạt không.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói chuyện xảy ra là “không chấp nhận được” nhưng việc Saudi bắt giữ một số người là “bước đầu” quan trọng. Bộ Ngoại giao Việt Nam nói họ đang cân nhắc bước đi tiếp theo sau khi nghe tin này.
‘Tôi bị Thằng Lùn đánh ở Ả Rập Saudi’
‘Tôi bị năm gã bạo hành trong trại Ả Rập Saudi’
Thổ Nhĩ Kỳ: Erdogan và đối thủ chê bai nhau
Phía Thổ Nhĩ Kỳ nói gì?
“Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiết lộ những gì đã xảy ra,” ông Omer Celik, phát ngôn viên của đảng cầm quyền Công lý và Phát triển (AKP) nói, theo hãng tin Anadolu.
“Không một ai phải nghi ngờ về điều đó. Chúng tôi không kết tội ai trước nhưng chúng tôi không chấp nhận bất cứ điều gì để che đậy [vụ việc này].”
Thổ Nhĩ Kỳ cho đến giờ chỉ còn thiếu nước đổ cho Ả Rập Saudi đã gây ra vụ ám sát.
Tuy nhiên, các nhà điều tra Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng họ có bằng chứng âm thanh và hình ảnh cho thấy ông Khashoggi bị một nhóm điệp viên Saudi giết hại bên trong tòa lãnh sự và chặt làm chân tay.
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ tuần này đưa những chi tiết rùng rợn về những gì được cho là những phút cuối cùng của ông Khashoggi.
Hồi đầu tuần, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ nói họ có thông tin về một nhóm gồm 15 người, nghi là điệp viên của Ả Rập Saudi, những người bay đến và đi khỏi Istanbul đúng hôm nhà báo mất tích.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói chuyện với Vua Salman của Saudi tối thứ Sáu, và hai bên đồng ý sẽ tiếp tục hợp tác trong cuộc điều tra.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45931047
Trường đại học USC đền bù 215 triệu Mỹ kim
cho nạn nhân bị lạm dụng tình dục
Los Angeles, California – Hôm Thứ Sáu (ngày 19 tháng 10), trường đại học USC đã đồng ý trả 215 triệu Mỹ kim nhằm dàn xếp vụ bê bối một bác sĩ phụ khoa lạm dụng tình dục nữ sinh trong nhiều năm qua.
Bên nguyên đơn cho rằng viên chức nhà trường đã biết về hành vi quấy rối và lạm dụng tình dục của bác sĩ này. Trước đó, tờ Los Angeles Times đưa tin rằng hàng loạt cáo buộc chống lại cựu bác sĩ phụ khoa George Tyndall đã không được thông báo đến các bệnh nhân, và ông Tyndall được cho phép từ chức.
Theo tuyên bố của bà Wanda Austin – hiệu trưởng tạm thời của USC, khoản tiền đền bù sẽ được gửi đến các nữ sinh từng sử dụng dịch vụ y tế của ông Tyndall. Theo đó, toàn bộ bệnh nhân sẽ nhận được 2,500 Mỹ kim, và những bệnh nhân sẵn sàng cung cấp thêm thông tin về hành vi của bác sĩ Tyndall sẽ nhận khoản tiền 250,000 Mỹ kim.
Trường USC cho biết nhà trường đã thay đổi toàn diện để ngăn chặn mọi hành vi sai trái tại trường. Bà Austin cảm thấy rất tiếc vì nhân viên nhà trường đã làm cho các nữ sinh không thoải mái và bị đối xử sai trái.
Trường USC đã đưa ra thông báo đền bù sau khi 250 phụ nữ lên tiếng cáo buộc ông George Tyndall quấy rối tình dục. Sự dàn xếp này chỉ là một phần trong chuỗi kiện tụng mà nhà trường USC sắp phải đối mặt. Các viên chức điều tra của thành phố Los Angeles cho biết những cáo buộc nhằm vào ông Tyndall kéo dài suốt 26 năm qua, và nhiều bệnh nhân miêu tả ông Tyndall đã có những hành vi vượt quá phận sự.
Cảnh sát trưởng Billy Hayes cho biết bác sĩ Tyndall đã khám cho 10,000 sinh viên từ năm 1990 đến năm 2016, và hiện chỉ có 52 người đứng ra tố cáo. Sau khi sự việc bị phanh phui, hiệu trưởng trường USC, ông Max Nikias, đã từ chức khi đứng trước áp lực từ hàng loạt chỉ trích của sinh viên và cựu sinh viên về cách giải quyết của nhà trường. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/truong-dai-hoc-usc-den-bu-215-trieu-my-kim-cho-nan-nhan-bi-lam-dung-tinh-duc/
Mỹ tìm kiếm quan hệ quân sự linh hoạt với TQ
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis gặp người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hoà ngày 18.10, khi Washington tìm kiếm mối quan hệ quân sự linh hoạt hơn với Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng quan hệ song phương.
Hai ông Mattis và Ngụy gặp nhau bên lề hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN ở Singapore, theo Reuters. Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương Randall Schriver cho hay Trung Quốc đã đề nghị tổ chức cuộc gặp giữa hai bộ trưởng ở Singapore sau khi hủy một cuộc họp an ninh với Bộ trưởng Mattis ở Bắc Kinh được lên kế hoạch cũng vào tháng 10.
Quân sự từ lâu là một trong những lĩnh vực dễ bị tác động trong quan hệ chung Mỹ-Trung. Bắc Kinh thường hạn chế liên lạc với Washington mỗi khi căng thẳng leo thang. Tình trạng này khiến nhiều quan chức Mỹ quan ngại, sợ rằng một cuộc đụng độ ngoài ý muốn có thể đẩy căng thẳng leo thang.
Nội dung cuộc gặp mới giữa hai bộ trưởng chưa được tiết lộ nhưng ông Schriver trước đó cho giới phóng viên hay trong cuộc gặp, ông Mattis dự kiến tìm kiếm mối quan hệ quân sự linh hoạt hơn đối với Trung Quốc. Ông Schriver cho rằng việc làm cho quan hệ quân sự Mỹ-Trung khó đổ vỡ sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ xung đột.
Mặt khác, ông Schriver cho biết thêm trong cuộc gặp ở Singapore, Bộ trưởng Mattis sẽ tái khẳng định lập trường của Mỹ về việc duy trì tự do hàng hải ở vùng biển quốc tế trong bối cảnh Trung Quốc ra sức củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
“Tôi nghĩ thông điệp của chúng tôi sẽ là: Không quốc gia nào có thể thay đổi luật pháp quốc tế và chuẩn mực quốc gia. Chúng tôi sẽ bay, đưa tàu tới và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, ông Schriver nhấn mạnh.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/24259-my-tim-kiem-quan-he-quan-su-linh-hoat-voi-tq.html
Thêm cử tri quan tâm đến bầu cử giữa kỳ,
giúp TT Trump tăng tín nhiệm
Mối quan tâm của cử tri đến cuộc bầu cử giữa kỳ đã tăng cao kỷ lục ở cả hai đảng, giúp tăng mức tín nhiệm dành cho Tổng thống Trump, trong khi vẫn duy trì lợi thế cho đảng Dân chủ với nhiều người cho rằng đảng này nên được nắm thế đa số ở Quốc hội.
Gần 2/3 cử tri đã đăng ký cho thấy mức độ quan tâm cao đến cuộc bầu cử – mức cao nhất từng được ghi nhận về bầu cử giữa kỳ kể từ khi cuộc thăm dò của Wall Street Journal/NBC bắt đầu đặt câu hỏi khảo sát vào năm 2006.
Hiện nay, 68% cử tri đảng Cộng hòa và 72% của đảng Dân chủ cho biết họ rất quan tâm đến cuộc bầu cử – mức cao nhất được ghi nhận ở cả hai đảng trong cuộc khảo sát về bầu cử giữa kỳ.
Cũng góp phần có lợi cho đảng Cộng hòa là sự gia tăng mức tín nhiệm đối với công việc của Tổng thống Trump đã lên đến 47%, mức cao nhất trong nhiệm kỳ của ông tính đến nay. Trong khi đó, tỷ lệ không tín nhiệm ông là 49%. Dù sao đây cũng là sự cải thiện so với tháng trước, khi tỷ lệ tín nhiệm là 44%, và 52% bất tín nhiệm.
Đảng Dân chủ vẫn dẫn đầu trong khảo sát về đảng nào nên nắm quyền kiểm soát Quốc hội. Trong số những người được hỏi, những người nhận là cử tri tiềm tàng có 50% thích đảng Dân chủ, trong khi 41% thích quyền kiểm soát thuộc về đảng Cộng hòa, tỷ lệ này vẫn tương tự như cuộc thăm dò của tháng trước. Trong số tất cả các cử tri đã đăng ký, là nhóm người lớn hơn được khảo sát, lợi thế của đảng Dân chủ đối với đảng Cộng hòa bị thu hẹp lại – mức chênh là 48% so với 41%.
Mặc dù đảng Dân chủ được ủng hộ nhiều hơn trong cuộc thăm dò trên toàn quốc, nhưng lợi thế của họ đã biến mất ở các quận hạt quan trọng nhất đối với cuộc đua vào Hạ viện. Ở các quân hạt được xem là cạnh tranh nhất, theo Báo cáo Chính trị Cook, một nhóm phi đảng phái, cả hai đảng đều nhận được sự ủng hộ bằng nhau về câu hỏi đảng nào nên kiểm soát Quốc hội.
Khi được hỏi đảng nào có thể xử lý tốt hơn các vấn đề chính yếu, cử tri vẫn cho rằng họ tin cậy đảng Dân chủ hơn để giải quyết vấn đề về chăm sóc sức khỏe, trong khi đảng Cộng hòa vẫn có lợi thế về kinh tế.
Về các vấn đề thương mại, đảng Cộng hòa được ủng hộ hơn đảng Dân chủ với mức chênh 17%, tăng từ lợi thế chênh 8% trong một cuộc thăm dò hồi tháng 8. Vấn đề này đã được chú ý nhiều vì vào đầu tháng 10, ông Trump đã ký một thỏa thuận thương mại mới với Canada và Mexico.
Trong số các cử tri độc lập, 38% ủng hộ đảng Cộng hòa về việc xử lý vấn đề thương mại, trong khi 16% ủng hộ đảng Dân chủ.
Cuộc khảo sát, được tiến hành với 900 cử tri đã đăng ký, cũng bao gồm 645 cử tri tiềm tàng, đã diễn ra từ ngày 14-17/10.
(WSJ, NBC)
Di dân bơi, đi bè vào Mexico, nhắm đến đích là Mỹ
Một số người di cư mệt mỏi bị mắc kẹt trên một cây cầu ở ở vùng biên giữa Guatemala và Mexico hôm 20/10 đã quyết định bơi, lội để sang Mexico. Những người khác trả tiền cho người dân địa phương 1,25 đô la để được chở qua làn nước đục ngầu trên những chiếc bè được làm từ săm cao su lớn.
Cảnh sát Mexico nhìn thấy họ, nhưng cảnh sát quá bận rộn đối phó với hàng ngàn di dân đứng ken đặc trên cây cầu, cố nhập cảnh vào Mexico, nơi mà họ hy vọng là điểm dừng chân cuối cùng trên hành trình trước khi vào Hoa Kỳ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo rằng đoàn xe của di dân – bắt đầu ở Honduras và hiện đang ở Guatemala – phải bị chặn lại trước khi đoàn xe đó đến được Mỹ. Ông Trump đã biến đoàn xe di dân đó trở thành vấn đề chính trị gắn với cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ sẽ diễn ra vào tháng 11. Ông đe dọa cắt viện trợ cho khu vực, đóng cửa biên giới Mỹ-Mexico và triển khai binh lính ở đó nếu Mexico không ngăn chặn được di dân.
Mexico đã từ chối cho di dân trên cây cầu được nhập cảnh ồ ạt. Thay vào đó, họ chấp nhận xử lý theo các nhóm nhỏ. Các cá nhân phải xuất trình hộ chiếu hoặc thị thực để được đi qua biên giới, hoặc nộp đơn xin tị nạn.
Chính phủ Mexico đã đề nghị Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) giúp đỡ xử lý hồ sơ cho các di dân xin tị nạn, việc này có thể giúp họ giải tán đoàn xe.
Hầu hết những di dân là những người Honduras, họ nói rằng nạn đói nghèo lan rộng và tội phạm băng đảng là lý do họ muốn rời khỏi đất nước của mình. Honduras là một trong những nước có tỷ lệ tội phạm giết người cao nhất trên thế giới.
Sau một cuộc họp khẩn cấp ở Guatemala, các tổng thống Honduras và Guatemala cho biết ước tính có khoảng 5.400 di dân đã đi vào Guatemala kể từ khi có tin về đoàn xe đó cách đây một tuần và khoảng 2.000 người đã tự nguyện quay về Honduras.
https://www.voatiengviet.com/a/di-dan-boi-di-be-vao-mexico-nham-den-dich-la-my/4622562.html
Cảnh sát Mexico dùng hơi cay để giải tán
hàng ngàn di dân đổ dồn về biên giới
Guatemala/ Mexico – Hôm Thứ Sáu (ngày 19 tháng 10), dòng người di dân tiếp tục tiến đến gần biên giới Hoa Kỳ, khi hàng ngàn người Trung Mỹ không muốn bị giữ lại ở biên giới Guatemala và Mexico.
Những người di dân đã phá hàng rào biên giới và tràn qua lãnh thổ Mexico. Hàng ngàn người đã chen chúc trên cây cầu hẹp và hô lớn khẩu hiệu “yes we can”, nhưng họ đã bị chặn lại ngay tại biên giới Mexico, nơi cảnh sát cơ động phải dùng hơi cay để giải tán đám đông. Đài TV Telemundo quay được cảnh những người di dân hoảng loạn và nhảy khỏi cây cầu để bơi sang Mexico, bất chấp nguy cơ bị chết đuối, thay vì phải quay về quê nhà. Khi được hỏi tại sao lại bất chấp nhảy xuống sông, một thiếu niên 16 tuổi giải thích rằng quê hương cậu không có việc làm.
Hiện nay, cảnh sát đã ổn định trật tự trên cây cầu nhưng đoàn người di dân vẫn quyết tâm di chuyển lên phía bắc. Đây là một trong những nhóm di dân lớn nhất hướng đến Hoa Kỳ. Trước đó, Tổng thống Trump đe dọa sẽ đóng cửa biên giới phía Nam Hoa Kỳ; phía Mexico cũng phải điều động 500 cảnh sát liên bang để giải quyết khủng hoảng.
Chính quyền Mexico cho biết những người di dân có giấy tờ đúng quy định sẽ được qua biên giới nước này, trong khi số còn lại có thể xin tỵ nạn.
Nhận xét về vấn đề di dân ở Mexico City, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho rằng Hoa Kỳ sắp phải đối mặt với khủng hoảng. Hoa Kỳ cần phải sửa đổi các điều luật để giải quyết vấn đề này. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/canh-sat-mexico-dung-hoi-cay-de-giai-tan-hang-ngan-di-dan-do-don-ve-bien-gioi/
Brazil : Biểu tình ủng hộ ứng viên cánh tả,
ngăn làn sóng cực hữu
Liệu ứng viên cánh tả Fernando Haddad còn có hy vọng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Brazil ngày 28/10/2018 trước đối thủ cực hữu Jair Bolsonaro đang « lên như diều gặp gió » ? Ít nhất đây là mong muốn của vài nghìn người người tham gia biểu tình ngày 20/10 tại nhiều thành phố của Brazil. Họ kêu gọi ủng hộ nền dân chủ, bỏ phiếu cho ứng viên cánh tả Fernando Haddad và đả kích những bài diễn văn gieo rắc hận thù của ứng viên cực hữu Bolsonaro.
Thông tín viên RFI Sarah Cozzolino tường trình từ Rio de Janeiro :
« ‘Ông Bolsonaro bênh vực cho cái chết và tra tấn, chúng ta bảo vệ sự sống. Vì lý do này mà chúng ta cùng hô : « Không bầu cho ông ấy » !’
Quảng trường Cinêlandia ở Rio de Janeiro, đông kín người. Ba tuần trước, bà Eneida Vernas đã có mặt trên quảng trường này để phản đối Jair Bolsonaro.
Bà nói : « Cuộc tuần hành này vẫn nhằm mục đích : « Không bầu cho ông ấy », vì đó là điều mà chúng tôi tiếp tục nghĩ đến, nhưng đồng thời cũng để ủng hộ ứng viên Fernando Haddad.
Những người biểu bình tưởng nhớ đến Moa do Katendê, một thầy dạy võ capoeira, bị chết vì bị một người ủng hộ Jair Bolsonaro đâm 12 phát dao, đúng hôm trước cuộc bầu cử vòng một. Nguyên nhân là vì Moa do Katendê bầu cho đảng Lao Động. Bầu không khí thù hận khiến Leila Ripoll, một nhà phân tâm học, lo ngại. Cô giương cao biểu ngữ : « Các nhà phân tâm học ủng hộ nền dân chủ ».
Cô cho biết : « Các phòng tư vấn của chúng tôi tiếp đón rất nhiều người hoang mang lo sợ, những người muốn rời khỏi đất nước vì họ nghĩ sẽ không sống nổi ở đây. Ví dụ, ở Brazil, những người chuyển giới thường bị sát hại chỉ vì họ là người chuyển giới, và giờ tình hình còn trầm trọng hơn. Đây là điều không chấp nhận được ».
Các vụ tấn công cũng xảy ra với phụ nữ, người da đen, người đồng tính và do những người ủng hộ Jair Bolsonaro gây ra. Trong khoảng thời gian giữa hai vòng bỏ phiếu, chuyện này xảy ra hàng ngày ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181021-brazil-bieu-tinh-ung-ho-ung-vien-canh-ta-ngan-lan-song-cuc-huu
Đức Giáo Hoàng đồng ý thăm Bình Nhưỡng,
từ chối lời mời của Đài Loan
Nam Hàn – Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in cho hay, chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un sẽ chào đón chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng Francis.
Hôm thứ năm (18/10), sau cuộc gặp gỡ với Đức Giáo hoàng, ông Moon trích lời của Đức Giáo Hoàng Francis rằng, Đức Giáo Hoàng chắc chắn sẽ hồi đáp nếu chủ tịch Kim đưa ra lời mời chính thức, và có khả năng ngài sẽ thực hiện chuyến đi Bình Nhưỡng. Chủ tịch Kim bày tỏ niềm vinh hạnh về việc được chào đón Đức giáo hoàng đến thăm Bắc Hàn.
Vatican tuyên bố rằng, các cam kết chung trong việc tìm ra những giải pháp hữu ích, nhằm vượt qua những căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên, rất đáng được trân trọng. Điều này sẽ mở ra một thời đại mới của hòa bình và phát triển. Theo nguồn tin thân cận, phía Vatican sẽ suy nghĩ về các điều kiện cần thiết để thực hiện chuyến thăm Bắc Hàn. Tuy Đức giáo hoàng rất sẵn lòng, nhưng những chuyến thăm như trên cần có sự chuẩn bị chu đáo . Đức giáo hoàng lên tiếng ủng hộ quá trình xây dựng hòa bình tại bán đảo Triều Tiên, và khuyến khích Tổng thống Nam Hàn nên tiếp tục tiến về phía trước.
Phó tổng thống Đài Loan Trần Kiến Nhân cũng gửi lời mời tới Đức Giáo Hoàng, trong một buổi tiếp kiến hồi tuần trước. Tuy nhiên, Vatican tuyên bố sẽ không thực hiện chuyến đi đến Đài Loan. Hồi tháng 9 năm nay, Vatican và Bắc Kinh đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt về việc bổ nhiệm các giám mục, mở đường cho việc lập lại mối quan hệ ngoại giao giữa hai bên. Vatican và Bắc Kinh đã cắt đứt quan hệ ngoại giao kể từ năm 1951. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/duc-giao-hoang-dong-y-tham-binh-nhuong-tu-choi-loi-moi-cua-dai-loan/
Vụ Khashoggi : Châu Âu
muốn một cuộc điều tra “tỉ mỉ, đáng tin”
Ngày 20/10/2018, chính quyền Riyad khẳng định nhà báo đối lập Jamal Khashoggi đã chết « vì tai nạn » trong lãnh sự quán Ả Rập Xê Út tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Sau phản ứng của Mỹ và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Âu yêu cầu mở một cuộc điều tra về cái chết « vô cùng mờ ám ».
Trong bản thông cáo ngày 20/10/2018, được AFP trích dẫn, bà Federica Mogherini, người đứng đầu ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, cho biết : « Liên Hiệp Châu Âu và các đối tác nhấn mạnh đến việc phải tổ chức điều tra kỹ lưỡng, đáng tin cậy và minh bạch, nhằm làm rõ hoàn cảnh dẫn đến cái chết (của Khashoggi) và buộc những người tham gia phải chịu trách nhiệm hành vi của mình ».
Pháp và Đức đều mạnh mẽ lên án vụ sát hại nhà báo Khashoggi và cho rằng những lời giải thích của Riyad là « chưa đủ », không thỏa mãn được mọi nghi vấn. Paris và Berlin yêu cầu « một cuộc điều tra thấu đáo và nghiêm túc » để làm sáng tỏ chủ ý đằng sau vụ sát hại này và phải tìm ra được « kẻ chủ mưu ».
Sau khi đánh giá lời giải thích của Ả Rập Xê Út là « đáng tin », ngày 20/10, tổng thống Mỹ tuyên bố ngừng bán vũ khí cho Riyad sẽ khiến nền kinh tế Hoa Kỳ bị « thiệt hại nhiều hơn » là Ả Rập Xê Út, ảnh hưởng đến « 1 triệu công ăn việc làm » của người lao động Mỹ.
Nhà báo Jamal Khashoggi là nạn nhân của một chiến dịch hãm hại các nhà ly khai sống lưu vong tại Mỹ được chính quyền Ả Rập Xê Út triển khai. Theo thông tin ngày 20/10 của báo New York Times, trụ sở của cơ quan chuyên tung tin thất thiệt được đặt tại Riyad. Một nhân viên tình báo theo dõi tài khoản của các nhà bất đồng chính kiến Ả Rập Xê Út trên mạng Twitter, bôi xấu hoặc định hướng công luận chống lại họ.
Chiến dịch này có lẽ được bắt đầu vào năm 2010 theo sáng kiến của Saud Al Qahtani, trợ lý giám đốc cơ quan tình báo quốc gia và là cánh tay phải của hoàng thái tử Mohammed Ben Salman.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181021-vu-khashoggi-chau-au-muon-mot-cuoc-dieu-tra-%E2%80%98ti-mi-dang-tin%E2%80%99
Quan chức A-rập Xê-út lại nói khác
về cái chết của ông Khashoggi
Giữa lúc A-rập Xê-út phải đối mặt với sự hoài nghi ngày càng tăng của quốc tế về thông báo của nước này về cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi, một quan chức chính phủ cấp cao lại đưa ra lời kể khác về vụ tử vong xảy ra bên trong lãnh sự quán của A-rập Xê-út ở Istanbul.
Lời kể mới nhất, do một quan chức A-rập Xê-út muốn giấu tên đưa ra, chứa đựng các chi tiết về việc một nhóm 15 công dân A-rập Xê-út, được cử đến đối đầu với ông Khashoggi vào ngày 2/10, đã đe dọa và sau đó giết ông với hành động làm nghẹt thở ra sao khi ông chống đối. Một thành viên của nhóm sau đó đã mặc quần áo của ông Khashoggi để làm như thể là ông đã rời khỏi lãnh sự quán.
A-rập Xê-út vào sáng 20/10 thông báo ông Khashoggi, 59 tuổi, đã chết trong một cuộc đấm đá lẫn nhau ở lãnh sự quán. Một giờ sau, một quan chức A-rập Xê-út khác nói vụ tử vong xảy ra vì hành động làm nghẹt thở.
Ông Kashoggi là một nhà báo của tờ Washington Post và là người chỉ trích mạnh mẽ Thái tử Mohammed bin Salman.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nghi rằng thi thể của ông Khashoggi đã bị phân thành nhiều mảnh, nhưng quan chức A-rập Xê-út lại nói rằng người ta đã cuộn xác của ông bằng một tấm thảm và giao cho một “người cộng tác ở địa phương” để xử lý. Khi được hỏi về những cáo buộc rằng ông Khashoggi đã bị tra tấn và chặt đầu, vị quan chức nói kết quả điều tra sơ bộ không cho thấy điều đó.
Đây là lời tường thuật mới nhất của A-rập Xê-út sau nhiều lần họ thay đổi các thông tin được đưa ra. Các nhà chức trách ban đầu khẳng định tin tức nói rằng ông Khashoggi đã mất tích trong lãnh sự quán là thông tin sai, và tuyên bố ông đã rời khỏi tòa nhà không lâu sau khi ông vào trong. Khi báo giới đưa tin một vài ngày sau đó rằng ông đã bị giết ở đó, họ gọi những cáo buộc đó là “vô căn cứ”.
Khi Reuters hỏi tại sao các thông tin của chính phủ A-rập Xê-ut về ông Khashoggi lại tiếp tục thay đổi, quan chức nước này nói thông báo ban đầu của chính phủ dựa trên “thông tin sai lệch được báo cáo nội bộ vào thời điểm đó”.
“Khi người ta thấy rõ là các báo cáo ban đầu là sai, họ đã tiến hành điều tra nội bộ và hạn chế đưa ra thêm các bình luận trước công chúng”, quan chức nói và cho biết thêm rằng cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20/10 nói ông không hài lòng với việc A-rập Xê-út xử lý vụ ông Khashoggi bị chết và vẫn còn có những câu hỏi cần được giải đáp. Đức và Pháp hôm 20/10 nói những lời giải thích của A-rập Xê-út về việc ông Khashoggi chết ra sao là không đầy đủ.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói với Reuters rằng những kẻ giết ông Khashoggi có thể đã vứt những phần thi thể của ông ở Rừng Belgrad gần Istanbul, và tại một địa điểm nông thôn gần thành phố Yalova, cách Istanbul 90 km về phía nam.
Việc ông Khashoggi mất tích đã biến thành một cuộc khủng hoảng lớn đối với vương quốc vùng Vịnh, buộc quốc vương 82 tuổi, ông Salman, phải đích thân tham gia giải quyết. Nó cũng đe dọa đến các mối quan hệ làm ăn của vương quốc, khi các lãnh đạo doanh nghiệp và các quan chức chính phủ một số nước không muốn dự một hội nghị đầu tư ở Riyadh dự kiến diễn ra vào tuần tới, cũng như một số nhà lập pháp Mỹ gây áp lực lên Tổng thống Trump, đòi áp đặt lệnh trừng phạt và ngừng bán vũ khí cho A-rập Xê-út.
Quan chức A-rập Xê-út cho biết tất cả 15 thành viên trong nhóm đã bị bắt và bị điều tra, cùng với ba nghi phạm khác là người địa phương.
Anh Quốc : Nửa triệu người xuống đường
tại Luân Đôn chống Brexit
Năm tháng trước ngày vương quốc Anh chính thức chia tay với Liên Hiệp Châu Âu, ngày 20/10/2018, hơn 500.000 người biểu tình tại Luân Đôn chống Brexit và đòi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ nhì. Đây là cuộc tuần hành quy mô nhất tại Anh Quốc từ khi dân Anh xuống đường phản đối chính phủ can thiệp quân sự vào Irak hồi năm 2003.
Cuộc biểu tình tại thủ đô Luân Đôn ngày hôm qua diễn ra trong bối cảnh đàm phán về Brexit hoàn toàn bế tắc. Thông tín viên đài RFI Marina Daras có mặt tại chỗ tường trình :
“Ban tổ chức muốn đây phải là cuộc tập hợp chống Brexit quy mô nhất trong năm nay. Nhiệm vụ đã hoàn hành. Hơn 550.000 người tham gia, bất luận màu sắc chính trị. Ngay cả những người từng ủng hộ Brexit trước đây, nay cũng đã đổi ý và họ đã xuống đường như trường hợp của Matthew Mitchson. Ông nói “Năm nay tôi 58 tuổi, tôi luôn sống tại Luân Đôn, tôi từng bỏ phiếu ủng hộ Brexit bởi vì không hài lòng với chính sách của Bruxelles. Thế nhưng tôi cũng hoàn toàn không hài lòng về cách mà Luân Đôn đàm phán về thủ tục li dị với châu Âu. Tôi đặc biệt ủng hộ quyền tự do đi lại và khi bỏ phiếu ủng hộ Brexit, tôi đã không nghĩ rằng quyền này bị xâm phạm. Do vậy giờ đây tôi muốn có một cơ hội thứ nhì. Lần này thì tôi sẽ bỏ phiếu chống Brexit”.
Một lần nữa công luận Anh đã ngạc nhiên vì lãnh đạo bên Công Đảng, ông Jeremy Corbyn vắng mặt trong cuộc biểu tình rầm rộ ngày hôm qua, cho dù là đã có nhiều nhân vật đại diện cho đảng này, chẳng hạn như đô trưởng Luân Đôn Sadiq Khan hay nhiều vị dân biểu như là ông Owen Smith, đã dẫn đầu cuộc tuần hành. Owen Smith từng là một đối thủ của Corbyn.
Đoàn người biểu tình vẫn hy vọng Anh Quốc sẽ tổ chức một cuộc trưng dân ý khác về Brexit. Một người tuần hành giải thích “Một trong những lý do vì sao nước Anh có thể tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ nhì về Brexit, là bởi vì đảng Bảo Thủ đã biến Brexit thành một thứ hổ lốn. Có thể là bà Theresa May sẽ chấp nhận ý dân để củng cố quyền lực”.
Một tiếng nói khác chia sẻ, ông hy vọng công luận sẽ thay đổi. Hàng tuần vẫn có một doanh nghiệp hay một lãnh đạo công ty than rằng họ không thể tiếp tục hoạt động tại Anh Quốc trong điều kiện hiện nay. Do vậy ông tiếp tục đấu tranh để nước Anh ở lại Liên Hiệp Châu Âu và kết luận : “Tôi là một công dân châu Âu cho đến hơi thở cuối cùng”.
Nói tóm lại đối với nhiều người dân Anh, ngày nào mà tiến trình đàm phán vẫn còn tiếp diễn, thì vẫn còn hy vọng”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181021-anh-quoc-nua-trieu-nguoi-tren-duong-pho-luan-don-phan-doi-brexit
Israel nổ súng khiến 130 người Palestine bị thương
tại biên giới dải Gaza
Palestine.- Bộ Y tế Dải Gaza cho biết, vào hôm Thứ Sáu (19/10), Các binh sĩ Israel đã bắn và làm bị thương 130 người Palestine trong các cuộc biểu tình gần biên giới Dải Gaza.
Một phát ngôn viên quân sự Israel cho biết khoảng 10,000 người biểu tình đã tập trung tại biên giới. Một số người đã ném lốp xe, lựu đạn và các thiết bị gây nổ vào phía quân đội qua hàng rào. Cuộc biểu tình này tương đối nhỏ – vì một số cuộc biểu tình trước đó lên đến khoảng 30,000 người. Đây là dấu hiệu cho thấy tình hình trong khu vực này có thể đang dần cải thiện.
Vào hôm Thứ Năm (18/10), Israel đã tăng cường lực lượng thiết giáp dọc theo biên giới Gaza, một ngày sau khi một hỏa tiễn bắn từ khu vực này phá hủy một ngôi nhà ở miền nam Israel. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ đưa ra “hành động quyết liệt” nếu các cuộc tấn công còn tiếp diễn.
Một viên chức Palestine ẩn danh cho biết, trong vài ngày qua, các viên chức an ninh Ai Cập đã tổ chức các cuộc họp riêng với các đối tác Israel, và với các nhà lãnh đạo của nhóm Hồi giáo Palestine Hamas đang kiểm soát dải Gaza, nhằm tìm cách ngăn chặn tình trạng bạo lực gia tăng.
Người Palestine đã biểu tình dọc theo biên giới kể từ ngày 30 tháng 3, để yêu cầu Israel chấm dứt việc phong tỏa lãnh thổ cũng như đòi quyền trở về những vùng đất mà người Palestine đã bỏ chạy hoặc bị đuổi đi khi Israel thành lập vào năm 1948.
Theo thông tin của Bộ Y tế Palestine, khoảng 200 người Gaza đã bị quân Israel giết hại kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra. Một người lính Israel đã bị một tay bắn tỉa người Palestine bắn chết. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/israel-no-sung-khien-130-nguoi-palestine-bi-thuong-tai-bien-gioi-dai-gaza/
Liên quân không kích
nhắm vào nhà thờ Hồi giáo nằm trong tay IS
Liên quân do Mỹ đứng đầu chiến đấu chống nhóm Nhà nước Hồi giáo cho hay họ đã thực hiện không kích vào một nhà thờ Hồi giáo ở Syria, nhắm mục tiêu vào một trung tâm chỉ huy và điều khiển của phiến quân, và cuộc không kích đã giết chết hơn 10 tay súng.
Theo tin AP hôm 21/10, trong một tuyên bố, liên quân nói rằng mặc dù luật về giao chiến bảo vệ các nhà thờ Hồi giáo, song việc sử dụng tòa nhà trong trường hợp này làm trụ sở của IS khiến nó không còn thuộc diện được bảo vệ nữa.
Truyền thông nhà nước Syria và Đài quan sát Nhân quyền Syria đặt ở Anh cho biết hồi tuần trước rằng các cuộc tấn công ở Sousa gần biên giới Iraq đã giết và làm bị thương hàng chục người, bao gồm cả dân thường và các tay súng IS.
Liên quân nói rằng IS cố tình chọn nhà thờ Hồi giáo kể trên và liên tục sử dụng nơi đó để lên kế hoạch và điều phối các cuộc tấn công vào Lực lượng Dân chủ Syria do Mỹ hậu thuẫn. Sousa nằm trong lòng khu vực cuối cùng còn thuộc quyền kiểm soát của IS ở Syria, ở đó, Lực lượng Dân chủ Syria đã chiến đấu chống phiến quân cực đoan trong nhiều tuần.
Syria : Damas muốn chiếm lại Idlib bằng quân sự
Trong bối cảnh lãnh đạo bốn nước Nga,Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Đức sắp gặp nhau vào ngày 27/10/2018 tại Istanbul để tránh cho tỉnh Idlib của Syria một thảm họa nhân đạo, tổng thống Bachar al Assad, với hậu thuẫn quân sự của Matxcơva, dường như đang chuẩn bị tấn công, giải quyết bằng vũ lực.
Từ Beyrouth, thông tín viên khu vực Paul Khalifehtường thuật :
“Tướng Souhail al-Hassan đã đến căn cứ không quân Abou Zouhour, ở phía đông Idlib, sau khi được lệnh của bộ tổng tham mưu quân đội Syria bố trí lực lượng ở mặt trận này. Truyền thông Syria, trích dẫn các nguồn tin quân sự, loan tải như trên.
Viên tướng này, chỉ huy đơn vị thiện chiến có tên là « Mãnh Hổ » thị sát chiến tuyến cùng với nhiều sĩ quan khác. Nhiệm vụ của họ là phát động lại cuộc tấn công hiện đang phải đình chỉ vì một thỏa thuận Nga- Thổ Nhĩ Kỳ, thiết lập một hành lang phi quân sự rộng từ 15 đến 20 cây số chung quanh tỉnh Idlib, nơi mà các nhóm thánh chiến kiểm sóat khoảng 60% . Tuy họ tuân thủ thỏa thuận Nga-Thổ, triệt thóai vũ khí nặng, nhưng lực lượng võ trang vẫn từ chối rút đi.
Hayat Tahrir al-Cham, nguyên là cánh tay võ trang của Al Qaida tại Syria cho biết sẽ tiếp tục đương đầu với quân đội Damas và không buông vũ khí.
Quân đội chính phủ gia tăng áp lực và bắt đầu chuyển quân tới gần đường ranh chiến tuyến ở phía đông Idlib. Trong 24 giờ qua, máy bay trinh sát xuất hiện nhiều lần trong khu vực.
Một nguồn tin quân sự Syria khẳng định là nếu phe thánh chiến không triệt thóai khỏi vùng phi quân sự thì cuộc tấn công sẽ khai diễn trong những ngày tới nhưng không nói rõ khi nào.
Theo tuyên bố của bộ trưởng quốc phòng Nga Serguei Choigu, tính từ khi quân đội Nga can thiệp vào Syria cách nay ba năm « hầu hết phiến quân bị tiêu diệt, gần 88.000 bị giết chết, 95 % lãnh thổ được giải phóng ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181021-syria-damas-muon-chiem-lai-idleb-bang-quan-su
TQ đang hưởng lợi vô lý
từ danh nghĩa ‘quốc gia đang phát triển’?
Mỹ ngày 17/10 cho biết nước này có ý định rút khỏi một liên minh bưu chính quốc tế 144 năm tuổi, trích dẫn một “hệ thống thiếu sót” cho phép một số nước thành viên như Trung Quốc hưởng lợi vô lý.
Thông báo này là dấu hiệu mới nhất cho thấy căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đã vượt ra ngoài lĩnh vực thương mại.
Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) là một tổ chức trực thuộc Liên Hợp Quốc được thành lập vào năm 1874. Công ước UPU cho phép các quốc gia đang phát triển gửi hàng hóa đến các quốc gia giàu có hơn với giá rẻ. Mục đích ban đầu là giúp kết nối các nền kinh tế nghèo hơn với các nước giàu, góp phần tạo ra động lực kinh tế.
Giải thích về quyết định này, chính quyền Trump nói rằng các “thiếu sót trong hệ thống” của UPU đang mang lại lợi ích không công bằng cho các quốc gia như Trung Quốc khi có thể vận chuyển hàng khắp thế giới với mức phí rẻ hơn.
Ngoài ra, chính sách này cũng tạo điều kiện cho Trung Quốc đổ dồn lượng lớn hàng hóa vào thị trường Mỹ, gây bất lợi cho các doanh nghiệp sở tại.
“Đây là một hành động mạnh mẽ của chính quyền để sửa chữa những thiếu sót trong hệ thống và làm cho nó tốt hơn”, website chính trị của Mỹ, The Hill, trích dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ.
Thay vì tuân thủ các khoản phí do UPU chỉ định, Mỹ sẽ tự xây dựng biểu phí riêng cho các dịch vụ bưu chính của Hoa Kỳ để vận chuyển các lô hàng quốc tế.
Trong một tuyên bố được ban hành sau thông báo, Nhà Trắng cho biết: “Tổng thống tán thành đề xuất của Bộ Ngoại giao về việc áp dụng mức phí tự khai báo cho khoản cước đầu cuối sớm nhất có thể, không muộn hơn ngày 1/1/2020”.
Theo hiến chương của UPU, việc một thành viên rút khỏi liên minh này sẽ có hiệu lực sau một năm kể từ khi được thông báo.
Trong năm tới, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ tổ chức các cuộc hội đàm song phương và đa phương với các nước thành viên UPU nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến hệ thống tổ chức. Trong trường hợp các vấn đề mà Mỹ quan tâm được giải quyết, nước này có thể không rút khỏi UPU.
“Nếu đàm phán thành công, chính quyền Mỹ sẽ hủy bỏ thông báo rút lui và tiếp tục ở lại UPU”, thông cáo của Nhà Trắng cho biết
Trước động thái này của Mỹ, Tổng giám đốc UPU Bishar A. Hussein cho biết ông sẽ gặp giới chức Mỹ để thảo luận thêm về vấn đề.
Trước đó, ông Trump đã nhiều lần đề cập tới việc UPU gây ra những chi phí bất công với các công ty vận chuyển và làm tổn hại hệ thống bưu điện Mỹ. Theo quy định hiện hành của UPU, chi phí gửi hàng từ Bắc Kinh đến New York (Mỹ) thậm chí còn rẻ hơn so với từ San Francisco bên Bờ Tây đến Bờ Đông nước Mỹ từ 40% đến 70%.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (Ảnh: Charlotte Cuthbertson / Thời báo Đại Kỷ Nguyên)
Theo chuyên gia Karlyn Bowman thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), chính quyền Mỹ còn “đang đánh giá nghiêm túc lại các chính sách liên quan đến Liên Hợp Quốc, kể cả Tòa Hình sự Quốc tế hay Ủy ban Nhân quyền”.
Lợi dụng danh “nghĩa quốc gia đang phát triển”
Danh nghĩa “quốc gia đang phát triển” của Trung Quốc đã trở thành một nội dung quan trọng trong các khiếu nại mà Mỹ đệ trình lên Tổ chức Thương mại Thế giới. Với sự hỗ trợ của Nhật Bản và EU, Mỹ đã hành động để buộc Trung Quốc phải thay đổi cách thức kinh doanh của mình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần bày tỏ thái độ bất bình với danh nghĩa “quốc gia đang phát triển” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – Trung Quốc.
Ông Trump cáo buộc Trung Quốc đang sử dụng thặng dư thương mại trị giá hơn 375 tỷ USD của Mỹ để “tự xây dựng lại” đất nước.
“Tôi cũng muốn [đất nước] chúng ta được đưa vào danh mục đó [các quốc gia đang phát triển] bởi vì chúng ta cũng đang phát triển. Chúng ta sẽ phát triển nhanh hơn bất cứ ai”, Tổng thống Trump phát biểu tại buổi mít tinh chính trị ở bang Bắc Dakota, Mỹ hồi tháng 9.
TQ có can thiệp bầu cử Mỹ như lời Trump nói?
Sau khi tố Trung Quốc tìm cách can thiệp bầu cử giữa nhiệm kỳ, ông Trump lại bất ngờ cáo buộc Bắc Kinh can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tố Trung Quốc tìm cách can thiệp cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới. Điều này sau đó cũng được đề cập một lần nữa trong bài phát biểu của Phó Tổng thống Mike Pence tại Viện Hudson.
Trong chương trình phỏng vấn “60 phút” hôm 14/10 vừa qua trên CBS, Tổng thống Trump lại một lần nữa nói về việc Trung Quốc can thiệp bầu cử Mỹ. Nhưng lần này bất ngờ hơn, khi ông nói rằng, Trung Quốc đã tìm cách can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Vì sao Trump tố Trung Quốc can thiệp bầu cử
Trong bài phát biểu của mình tại Viện Hudson ngày 4/10, Phó Tổng thống Mike Pence nói rằng, Trung Quốc đã “khởi xướng một nỗ lực chưa từng thấy nhằm gây ảnh hưởng tới quan điểm dư luận Mỹ, cuộc bầu cử 2018 và môi trường dẫn tới cuộc bầu cử tổng thống 2020”, sử dụng “những nhân vật vỏ bọc, các tổ chức tuyên truyền để chuyển hướng quan điểm của Mỹ về chính sách Trung Quốc”.
Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng, không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đang tích cực làm việc để gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới theo cách mà Nga đã làm trong cuộc bầu cử tổng thống 2016. Trong phiên điều trần ngày 10/10, Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen nói rằng, bộ này chưa từng nhận thấy bất cứ nỗ lực nào cho thấy (Trung Quốc) có sự dàn xếp các bộ phận bầu cử.
Các chuyên gia an ninh đồng tình với quan điểm này. “Về khía cạnh các chiến dịch tấn công mạng, Trung Quốc nhằm vào các hệ thống chính phủ và chiết xuất dữ liệu, nhưng chúng tôi chưa từng thấy họ nhằm vào hệ thống bầu cử Mỹ ở cả cấp bang hay cấp liên bang”, Priscilla Moriuchi, một chuyên gia an ninh mạng tại công ty kỹ thuật Recorded Future nói với Newsweek.
Kể từ khi ông Donald Trump bước chân vào Nhà Trắng tháng 1/2017, các nhà phân tích chính trị và các học giả đều quan tâm về sự can thiệp bầu cử của Nga. Các cơ quan tình báo Mỹ kết luận rằng, Nga đã can thiệp theo hướng có lợi cho ông Trump và đảm bảo “kẻ thù” của Tổng thống Putin là bà Hillary Clinton sẽ bị đánh bại, bằng cách sử dụng các chiến dịch truyền thông xã hội và hack các thông tin chính trị nhạy cảm. Giới chức an ninh nói rằng, các hacker Nga đã cố thăm dò hệ thống bầu cử của hơn 20 bang, mặc dù họ không thay đổi phiếu bầu.
Nhưng ngay cả khi vấn đề Nga can thiệp bầu cử Mỹ tràn lan các mặt báo, một số quan chức an ninh quốc tế đã “xì xào” đằng sau rằng, Nga không phải “kẻ thù” mà Mỹ nên tập trung vào. Bởi còn một đối thủ khác đang âm thầm cố gây ảnh hưởng dư luận Mỹ và làm lung lay trái tim ý chí người Mỹ.
Khi Tổng thống Trump chủ trì cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 26/9, ông bất ngờ công kích Trung Quốc. “Thật đáng tiếc, chúng tôi nhận thấy rằng, Trung Quốc đã cố can thiệp cuộc bầu cử 2018 sắp tới, cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới nhằm vào chính quyền của tôi. Họ không muốn tôi hay chúng tôi chiến thắng, vì tôi là Tổng thống đầu tiên từ trước tới nay thách thức Trung Quốc về thương mại. Và chúng tôi sẽ thắng về thương mại. Chúng tôi sẽ thắng ở mọi cấp độ”, ông Trump.
Đầu tiên, các nhà quán sát hoài nghi, liệu Tổng thống Trump, người vốn nổi tiếng là hay cường điệu hóa, có đang tạo ra “bóng ma” nhằm làm phân tâm dư luận khỏi cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt về mối quan hệ giữa chiến dịch tranh cử tổng thống của ông năm 2016 với phía Nga hay không.
Thế nhưng trong cuộc họp báo ngày hôm sau, ông Trump lại xác nhận thêm rằng, có nhiều bằng chứng mật về sự can thiệp của Trung Quốc và những bằng chứng này sẽ sớm được tiết lộ. Những ngày sau đó, các quan chức khác trong chính quyền Trump cũng lặp lại lời cáo buộc này. Tại viện Hudson, Phó Tổng thống Pence nói rằng sự can thiệp của Nga “yếu hơn” so với sự can thiệp của Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn “60 phút” phát sóng tối Chủ nhật 14/10, Tổng thống Donald Trump nói rằng, Trung Quốc can thiệp cuộc bầu cử tổng thống 2016, dù các cơ quan tình báo Mỹ chưa bao giờ nói về điều này.
Trung Quốc có can thiệp bầu cử Mỹ hay không?
Rất nhiều nhà phân tích về Trung Quốc nói rằng, mối đe dọa từ Bắc Kinh là thực tế. Không giống như các nỗ lực của Nga, chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc là cả về dài hạn và phức tạp. Theo các chuyên gia, Trung Quốc không cố gây ảnh hưởng cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ theo cách “rõ ràng” như Nga đã làm năm 2016. Thay vào đó, chiến dịch ảnh hưởng của Bắc Kinh là một phần trong nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ nhằm thay đổi nhận thức của dư luận.
“Tới nay, chúng ta có rất ít các bằng chứng cụ thể về các hoạt động vốn không lộ rõ của Trung Quốc ở Mỹ so với rất nhiều bằng chứng về các hoạt động quy mô rộng mà Nga tiến hành”, Allen Carlson, một giảng viên đại học Cornell University chuyên nghiên cứu về Trung Quốc nói với Newsweek.
“Điều này không phải để nói rằng, Bắc Kinh vô can, mà còn hơn thế Trung Quốc trở thành một mục tiêu thuận tiện khi mà chính quyền Mỹ đang phải miễn cưỡng phải thừa nhận vai trò của Nga trong cuộc bầu cử 2016”.
Robert Manning, một chuyên gia về Trung Quốc tại Hội đồng Atlantic có trụ sở ở Washington nói rằng, các bằng chứng về sự can thiệp bầu cử được cả Tổng thống Trump và phó Tổng thống Pence đưa ra là các bài viết mà phía Trung Quốc trả tiền để đăng trên báo Mỹ, không phải là bằng chứng. “Thẳng thắn mà nói, chúng chỉ là các bài quảng bá. Họ đã làm thế bao nhiêu năm qua”, Manning nói với Newsweek.
“Tôi nghĩ vấn đề ảnh hưởng còn hơn cả nỗ lực tạo quyền lực mềm. Họ rót tiền cho các hiệu trưởng và các trường đại học, và họ làm rất nhiều điều để tác động tới những người có sức ảnh hưởng ở Mỹ. Nhưng mọi nước đều làm thế”, ông Manning nói.
Manning cho biết, ông thường xuyên có các cuộc đối thoại thẳng thừng và gay gắt với giới chức Trung Quốc ở D.C. và chẳng ai cố kiểm duyệt các nghiên cứu của ông về chính sách Trung Quốc cả. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ cố “nhỏ giọt” nguồn tiền đầu tư vào các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu không có hiệu quả trong việc định hình quan điểm dư luận.
Chris Johnson, người chuyên nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) của Mỹ nói rằng, ông có thể nắm bắt được khi nào quan hệ của Mỹ với Bắc Kinh bị căng thẳng từ những chuyến thăm mà ông nhận được từ các cựu quan chức và cả các quan chức đương nhiệm của Trung Quốc.
Cách gây ảnh hưởng “âm thầm” của Trung Quốc
“Nếu có căng thẳng nào đó trong quan hệ song phương, bạn sẽ thấy những người làm công tác nghiên cứu như tôi được liên hệ, thường là bởi các quan chức ngoại giao hoặc các cựu quan chức. Họ sẽ tới hàng loạt. Chúng tôi mới trải qua điều đó vài tháng trước”, Johnson, người có 20 năm làm việc trong các vấn đề ngoại giao và tình báo cho chính phủ Mỹ, nói với Newsweek. Ông cũng đặt ra nguyên tắc đối với việc chấp nhận tiền tài trợ từ Trung Quốc, vì “nó phức tạp và có thể sẽ đi cùng với các điều kiện ràng buộc khác”.
Trong khi đó, một số nỗ lực của Trung Quốc nhằm đăng tải các bài viết tạo dư luận cho mình cũng là điều đáng chú ý. Có ít nhất 60 văn phòng truyền thông Trung Quốc làm việc ở Mỹ, trong đó có cả các tờ báo lớn nhỏ, các đài phát thanh hay đại diện của các hãng tin tức trực tuyến. Hầu hết nội dung đăng, phát đều nhằm đến cộng đồng người Mỹ gốc Hoa.
Ông Trump đã sử dụng bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc để nói về việc China Daily – một hãng truyền thông của Trung Quốc, trả tiền để đăng các nội dung tuyên truyền trên báo chí khắp nước Mỹ. Quả thực, theo các nguồn tin, China Daily đã sử dụng gần 16 triệu USD trong các hoạt động ảnh hưởng ở Mỹ từ đầu năm 2017, trong đó có cả tiền được chi cho các mục quảng cáo trên các tờ báo của Mỹ như The Wall Street Journal và The Washington Post. Tất nhiên, các bài đăng không giấu giếm nội dung bảo vệ Trung Quốc.
Các bài đăng trên mục quảng cáo gần đây trên Wall Street Journal đã bác bỏ cáo buộc của chính quyền Trump về việc Trung Quốc can thiệp bầu cử, đồng thời nhấn mạnh nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây sức ép để Mỹ dừng bán vũ khí cho Đài Loan.
Về cuộc chiến thương mại của Trump với Trung Quốc đang leo thang, các công ty ở Bắc Kinh cũng thường trở thành những nhà vận động hành lang truyền thống để bảo vệ lợi ích kinh doanh của mình tại Mỹ. Theo các văn bản được trình lên Bộ Tư pháp Mỹ, các nhân vật chính phủ và phi chính phủ Trung Quốc đã chi 22 triệu USD cho các nỗ lực vận động hành lang kể từ năm 2017. Phần lớn số tiền được chi bởi các tổ chức phi chính phủ, với China Daily là bên chi nhiều nhất trong năm 2017 và 2018.
Các công ty khác chủ yếu muốn chống lại các tác động từ cuộc chiến thương mại bằng cách vận động về khả năng làm ăn kinh doanh của họ tại Mỹ. Tháng 6/2018, khi Mỹ và Trung Quốc bắt đầu đáp trả nhau về các biện pháp thuế quan, công ty Trung Quốc WanKua Chemical đã thuê công ty AUX Initiative để vận động hành lang về việc miễn trừ thuế quan để có thể dễ dàng mở nhà máy hóa chất ở Louisiana.
Một công ty khác, Club Mỹ-Trung, thuộc tập đoàn China Rilin Industrial Group – một công ty xây dựng có trụ sở ở Liêu Ninh, cũng có kế hoạch vận động hành lang về các lợi ích kinh doanh của mình. Tất nhiên nó có thể bao gồm các vấn đề về chính sách nội địa và ngoại giao của chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, không cái nào trong số các hoạt động này có vẻ như liên quan đến can thiệp bầu cử Mỹ.
“Trung Quốc tập trung vào phát triển kinh tế và thu thập tình báo, họ rất giỏi về điều này và được trang bị không hề nhẹ, nhưng nó có vẻ như họ không quan tâm tới chính trị của chúng ta”, Adam Bookbinder, người làm việc gần 20 năm ở Văn phòng tư pháp Massachusetts phụ trách mảng ngăn chặn các cuộc tấn công, nói với Newsweek.
“Với những thông tin tràn lan các mặt báo, họ (Trung Quốc) có thể thấy những gì Nga làm với một chút thành công, và tất nhiên họ cũng có các nguồn lực khó tin cũng như sự phức tạp về công nghệ. Với tất cả những yếu tố này, những gì chúng ta có thể làm là tiếp tục theo dõi”, Adam Bookbinder nói
http://biendong.net/bien-dong/24261-tq-co-can-thiep-bau-cu-my-nhu-loi-trump-noi.html
Những căng thẳng dồn dập
trong quan hệ Mỹ – Trung
Cáo buộc Trung Quốc can thiệp bầu cử Mỹ, chạm trán tàu trên Biển Đông và vấn đề an ninh mạng đang khiến quan hệ hai nước thêm lạnh nhạt.
Vượt ra ngoài vấn đề thương mại, căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đang leo thang trên nhiều mặt trận mà cả hai bên đều không muốn nhượng bộ. Mỹ trong vài quần qua tăng cường miêu tả Trung Quốc là một đối thủ nguy hiểm. Trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ tháng trước, Trump cáo buộc Bắc Kinh can thiệp vào bầu cử giữa kỳ Mỹ. Vài ngày sau, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tiếp tục nhấn mạnh cáo buộc này nhưng không đưa ra bằng chứng, theo SCMP.
Hầu hết chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã không cố gắng can thiệp vào bầu cử Mỹ giống cách Nga bị cáo buộc với cuộc bầu cử năm 2016. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã chấm dứt một thỏa thuận về an ninh mạng đã được thống nhất giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama vào năm 2015. Họ một lần nữa cho đội quân tin tặc đi tìm kiếm bí mật thương mại của các công ty Mỹ.
Thỏa thuận giữa ông Tập và ông Obama năm 2015 không hoàn toàn dừng hoạt động gián điệp mạng nhưng đã giảm nạn ăn cắp tài sản trí tuệ phục vụ cho lợi ích cạnh tranh của các ngành công nghiệp Trung Quốc. Theo Dmitri Alperovitch, người đồng sáng lập công ty an ninh mạng CrowdStrike, thỏa thuận này đã hoàn toàn lui vào dĩ vãng.
“CrowdStrike có thể xác nhận rằng sau một thời gian giảm hoạt động đáng kể vào năm 2016, Trung Quốc đã trở lại là mối đe dọa xâm nhập lớn, xét về lượng hoạt động chống lại ngành công nghiệp phương Tây”, Alperovitch viết trên Twitter.
Tuần trước, Bộ Tư pháp Mỹ lần đầu tiên dẫn độ một quan chức tình báo Trung Quốc có tên Yanjun Xu, người bị dụ sang Bỉ vào ngày 1/4, lầm tưởng rằng ông sẽ được giao bí mật thương mại từ các công ty hàng không Mỹ.
Các quan chức Trung Quốc mô tả những cáo buộc về Xu là bịa đặt, vô căn cứ và cảnh báo Mỹ nên “dừng các hoạt động hạ uy tín Trung Quốc và gây hại cho quan hệ Mỹ – Trung”. Bắc Kinh cũng muốn Washington “bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh” và đối xử với sự phát triển của Trung Quốc bằng sự cởi mở và hợp tác.
Mỹ hồi cuối tháng trước áp mức thuế 10% với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, đồng thời đe dọa đánh thuế với thêm 267 tỷ USD hàng hóa. Bắc Kinh đáp trả bằng cách tuyên bố mức thuế mới lên 60 tỷ USD hàng nhập khẩu Mỹ. Trước đó, hai bên đã áp thuế với 50 tỷ USD hàng hóa của nước đối phương. Washington cáo buộc Bắc Kinh ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ và buộc các công ty Mỹ phải chia sẻ công nghệ. Nhà Trắng tin rằng các gói áp thuế lớn sẽ buộc Trung Quốc chấm dứt hành vi này.
Không chỉ thách thức Mỹ trong thương mại và gián điệp mạng, Bắc Kinh còn ra lệnh cho hải quân sử dụng chiến thuật quyết liệt hơn để ngăn chặn các tàu chiến Mỹ di chuyển gần những nơi nước này tuyên bố có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
Ngày 30/9, tàu chiến Lan Châu của Trung Quốc áp sát tàu khu trục Mỹ USS Decatur ở khoảng cách chỉ vài chục mét. Phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cho biết chiến hạm này được Trung Quốc triển khai để cản trở tàu Decatur thực hiện quyền tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép trên đá Ga Ven và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa.
“Đó là một bước nhảy lớn trong phản ứng của Trung Quốc đối với các hoạt động tự do hàng hải”, chuẩn đô đốc Mỹ về hưu Michael McDevitt nói. “Điều này cho thấy Bắc Kinh đã chán ngấy các hoạt động tự do hàng hải và chọn cách vi phạm bản ghi nhớ mà Mỹ – Trung đã thống nhất ba năm trước về cách hành xử khi các tàu chiến ở gần nhau”.
McDevitt nói rằng động thái của Trung Quốc cũng vi phạm các thỏa thuận về trao đổi tín hiệu và một nghị định thư quốc tế về cách di chuyển trên biển. Đó là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh không còn quan tâm đến việc tuân thủ các quy tắc hiện hành nữa, ông nhận xét.
Cố vấn an ninh quốc gia của Trump, John Bolton, tuần trước nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ không chùn bước. Thông điệp của ông là chính quyền Trump cứng rắn hơn nhiều những người tiền nhiệm trong việc ngăn chặn Trung Quốc viết lại trật tự quốc tế cho phù hợp với lợi ích của Bắc Kinh. “Họ chưa bao giờ thấy một tổng thống Mỹ cứng rắn như vậy”, ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng khẳng định rằng họ sẽ không nhượng bộ và thề sẽ đáp trả mọi động thái “khiêu khích” về thương mại của Washington.
Nhà bình luận chính trị ở Bắc Kinh Hua Po nói rằng Trump dường như muốn “chiến đấu trong một cuộc Chiến tranh Lạnh mới” với Trung Quốc, nhưng ông cho rằng Trump sẽ không nhận được nhiều sự ủng hộ từ các đồng minh, đặc biệt là ở châu Âu.
Ông Trump và ông Tập có thể gặp nhau tại hội nghị G20 ở Argentina vào cuối tháng 11. Giới chuyên gia đánh giá đây có thể là cơ hội để thiết lập lại quan hệ nhưng cảnh báo rằng việc này sẽ đối mặt nhiều khó khăn.
“Ngay cả khi vấn đề thương mại được giải quyết, các vấn đề khác giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục tồn tại”, Hua nói.
“Bắc Kinh tin rằng Washington đang muốn kiềm chế sự trỗi dậy của mình. Vì vậy, họ có thể không mặn mà với việc đáp ứng yêu cầu của Trump về thương mại hoặc các vấn đề khác”, Ryan Hass, chuyên gia tại Viện Brookings, nhận xét.
“Ít khả năng một trong hai bên sẽ điều chỉnh cách tiếp cận của họ theo hướng ôn hòa hơn trong tương lai gần”, ông nói.
http://biendong.net/bi-n-nong/24257-nhung-cang-thang-don-dap-trong-quan-he-my-trung.html
Thủ tướng TQ nói
Bắc Kinh sẽ tiếp tục cải cách kinh tế
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại một cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo Châu Á và Châu Âu tại Brussels rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục khai mở nền kinh tế của mình, thúc đẩy các cải cách và cải thiện môi trường kinh doanh.
Ông Lý nói các nước Châu Á và Châu Âu cần phải bảo vệ chủ nghĩa đa phương và hệ thống thương mại tự do dựa trên các quy tắc, Tân Hoa Xã đưa tin.
Trung Quốc đang vướng vào một cuộc chiến tranh thương mại ngày càng xấu đi với Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đòi hỏi nước này phải có những thay đổi sâu rộng về tài sản trí tuệ, trợ cấp công nghiệp và chính sách thương mại.
Brussels có cùng chung lo ngại như Washington về các tập tục thương mại của Trung Quốc, nhưng có quan điểm khác với Mỹ về cách thức bắt buộc Trung Quốc phải cải cách.
Ông Lý nói nền kinh tế của Trung Quốc vẫn khỏe mạnh nhưng đang đối mặt với những thách thức bao gồm những thay đổi với môi trường bên ngoài.
Ông cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến tới một tỉ giá hối đoái được thị trường định hướng, sẽ không phá giá để cạnh tranh, và rằng đồng nhân dân tệ có thể duy trì sự ổn định ở mức hợp lí.
Thủ tướng Trung Quốc cho biết ông ủng hộ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng những thay đổi phải được thực hiện dựa trên các quy định hiện hành của WTO và quyền lợi của các nước đang phát triển phải được tôn trọng, Tân Hoa Xã đưa tin.
Hàng ngàn người Đài Loan
biểu tình chống TQ, kêu gọi độc lập
Hàng ngàn người biểu tình ủng hộ Đài Loan độc lập đã tụ tập tại thủ đô của Đài Loan hôm thứ Bảy để phản đối “hành vi bắt nạt” của Bắc Kinh và kêu gọi trưng cầu dân ý về việc liệu hòn đảo tự trị này có nên chính thức tuyên bố độc lập khỏi Trung Quốc hay không.
Cuộc tập hợp, được mô tả là một trong những cuộc tập hợp lớn nhất ở Đài Loan trong năm nay, được tổ chức bởi một nhóm được gọi là Liên minh Formosa thành lập cách đây sáu tháng, và những người biểu tình tụ tập gần trụ sở Đảng Dân Tiến của Tổng thống Thái Anh Văn.
Kenny Chung, một phát ngôn viên Liên minh Formosa, mô tả số lượng người thanh gia biểu tình là “rất thành công,” theo Reuters.
Quan hệ giữa Đài Loan và Bắc Kinh đã xấu đi kể từ khi bà Thái nhậm chức vào năm 2016. Trung Quốc nghi ngờ bà muốn thúc đẩy độc lập chính thức, một lằn ranh đỏ đối với Bắc Kinh.
Những người biểu tình cho biết chính phủ của bà Thái nên chống cự Bắc Kinh, và kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập để tránh bị “nuốt chửng.” Một số người mang biểu ngữ với thông điệp: “Không bắt nạt nữa; không thôn tính nữa.”
Cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo diễn ra vào năm 2020, nhưng Đảng Dân Tiến cầm quyền sẽ thấy một số dấu hiệu ủng hộ từ các cuộc bầu cử địa phương khắp hòn đảo dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11.
Bà Thái tuần trước nói rằng bà sẽ giữ nguyên hiện trạng với Bắc Kinh, nhưng bà cũng tuyên bố sẽ tăng cường an ninh quốc gia của Đài Loan và cho biết chính phủ của bà sẽ không khuất phục trước sự đàn áp của Trung Quốc.
Thái Lan : Kỳ thị chủng tộc là vũ khí
chống nhập cư trái phép của Bangkok
Tại Thái Lan, cảnh sát liên tục bố ráp quán bar, nhà hàng và những nơi công cộng trong mục đích không che dấu là truy tìm người khác màu da để trục xuất. Tình trạng này gây lo ngại cho những người đang xin tị nạn và đang bị các tổ chức nhân quyền lên án.
Trả lời phỏng vấn AFP sau khi được bổ nhiệm, tân giám đốc cơ quan di trú Thái Lan Surachate Hakparn tuyên bố « nhiệm vụ của cơ quan là nhận diện trong số những người da sậm ai là người tốt và ai là kẻ bất hảo có xác suất phạm tội cao ».
Lập luận của viên chức nhà nước về chiến dịch « X- Quang soi rọi những di dân bất hợp pháp » là « trục xuất kẻ xấu để bảo vệ ổn định quốc gia ». Surachate Hakparn ám chỉ hai vụ lừa đảo mà thủ phạm là một băng nhóm người Ouganda và người Nigeria quyến rũ phụ nữ Thái Lan nhẹ dạ để lừa tình và lừa tiền.
Vấn đề ở đây là cảnh sát Thái không phân biệt được xấu với tốt. Một nhóm 70 công dân Pakistan theo đạo Thiên Chúa, vì bị nạn kỳ thị tôn giáo, phải chạy sang Thái Lan, và tuy có tư cách xin quy chế tị nạn, cũng bị cảnh sát bắt nhốt trong tháng 10 này.
Trước làn sóng bất bình của công luận từ sau vụ đảo chính 2014, chính quyền quân sự làm mọi cách để chứng tỏ họ là « cột trụ » bảo vệ « ổn định » quốc gia và do vậy, công khai cổ vũ cho chính sách kỳ thị màu da.
Trong một vụ bố ráp mà phóng viên AFP được mời tháp tùng, trước giờ xuất quân, một sĩ quan ra lệnh cho 75 cảnh sát viên : Đối tượng truy bắt là những người da sậm.Trước hết, chúng ta khám sóat , sau đó xem hộ chiếu của họ.
Đơn vị cảnh sát chia nhau tuần tra các con đường trong khu phố Nana, đầy quán rượu thu hút đông đảo du khách về đêm. Trong vòng hai tiếng đồng hồ, trong số 30 người bị câu lưu, phân nửa là người da đen, chỉ có một anh da trắng người Pháp bị bắt vì hút cần sa.
Sau « Black Eagle », Ó đen, năm 2017, chính sách trấn áp di dân nhập cư gia tăng với chiến dịch « Quang tuyến ». Khoảng một ngàn người đã bị câu lưu, phần đông do visa du lịch hết hạn : đó là những người dân các nước láng giềng như Miến Điện và Cam Bốt tha phương cầu thực. Phần khác là những người Phi Châu, Pakistan, Afghanistan ôm hy vọng từ Thái Lan đi qua một nước Tây phương tìm cuộc sống mới, sau khi được Liên Hiệp Quốc cấp quy chế tị nạn.
Theo Human Rights Watch, trong « các mẻ lưới » của cảnh sát Thái , không thiếu người đã có quy chế tị nạn hay đang chờ xét cứu xét. Nhiều trẻ em bị đưa vào các nơi tạm cách ly không khác chi nhà tù.
Các tổ chức phi chính phủ kêu gọi chính quyền Thái phải có một thể thức mới để quản lý công dân nước ngoài đến Thái Lan chỉ với mục đích du lịch hay đi làm, phải bỏ chế độ bất công « đồng hóa người tị nạn với kẻ có tội ».
Vì sao Nữ hoàng Anh không trả độc lập cho Úc?
Nguyễn Quang DuyGửi đến BBC từ Melbourne, Úc
Úc lại lâm vào khủng hoảng chính trị với một Quốc hội treo khi cử tri tại đơn vị bầu cử Wentworth bầu cho ứng cử viên độc lập Kerryn Phelps vào Hạ viện thay thế cựu Thủ Tướng Malcolm Turnbull.
Đảng cầm quyền nay muốn tiếp tục thông qua các đạo luật cần phải thu xếp dựa vào ít nhất một dân biểu độc lập hay dân biểu đảng Xanh.
Eugenie, cháu gái Nữ hoàng Anh kết hôn
Thiên đường thuế: Rò rỉ bí mật tài chính giới siêu giàu
Thái tử Charles sẽ là lãnh đạo Commonwealth
Meghan sẽ thành công dân Anh thế nào?
Và nếu đảng đối lập thương lượng được với các dân biểu độc lập và đảng Xanh thành lập Liên Minh trong vài ngày nữa Úc sẽ có 1 Thủ tướng mới, vị Thủ tướng này cũng có thể sẽ chỉ tồn tại tới tháng 5/2019 khi bầu cử lại.
Chỉ trong vòng 11 năm nước Úc có đến 7 hay 8 lần thay đổi thủ tướng và chưa thủ tướng nào làm đủ nhiệm kỳ 3 năm.
Một hệ thống chính trị rối ren như thế là lý do chính vào năm 1999 trong cuộc trưng cầu dân ý nước Úc Cộng Hòa có đến 55% dân Úc từ chối mô hình cộng hòa đại nghị.
… đợi khi Nữ Hoàng qua đời
Để thúc đẩy nước Úc độc lập, tuần qua khi Hoàng tử Harry và Công tước Meghan đang thăm Úc đề tài nước Úc Cộng Hòa lại được mang ra thảo luận.
Phóng viên Robert Hardman tiết lộ khi làm phóng sự “Nữ hoàng của thế giới” (Queen of the World), Nữ Hoàng cho biết quan điểm của bà là nếu nước Úc muốn trở thành một nước cộng hòa thì nên tiếp tục tiến trình đừng đợi đến khi bà qua đời.
Trước đây Cựu Thủ tướng Julia Gillard, một người cộng hòa, chỉ trích các chính trị gia bảo hoàng bằng cách công khai đề nghị hãy chờ cho đến khi Nữ Hoàng “chết” rồi hãy tiếp tục tranh luận về một nước cộng hòa.
20 năm qua mặc dù về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa nước Úc đã thay đổi rất nhiều nhưng việc tranh luận gần như dậm chân tại chỗ. Nhiều chính trị gia Úc còn bảo hoàng hơn cả giới bảo hoàng nước Anh.
Ông Robert Hardman là phóng viên hoàng gia nên việc tiết lộ quan điểm của Nữ Hoàng cần được nhìn một cách tích cực Nữ Hoàng đang muốn thúc đẩy mở lại cuộc tranh luận về nước Úc cộng hòa.
Phóng viên Robert Hardman cho biết khi cuộc trưng cầu dân ý tại Úc thất bại “Cung điện Buckingham không tổ chức lễ mừng”.
Ngay trong bài diễn văn hôm ấy Nữ Hoàng khuyến khích những người cộng hòa đừng chán nản bỏ cuộc hãy tiếp tục tiến trình để nước Úc trở thành 1 nước cộng hòa.
Cuộc Trưng cầu dân ý 1999
Bắt nguồn từ việc Tổng Toàn quyền John Kerr truất phế cựu Thủ Tướng Lao Động Gough Whitlam ngày 11/11/1975, sau nhiều tranh luận, năm 1998 Thủ Tướng John Howard thuộc phe bảo hoàng phải quyết định cho triệu tập Hội nghị Lập hiến.
Ông Howard đưa ra ba mô hình để thảo luận: (1) Tổng Thống trực tiếp do dân bầu; (2) Tổng Thống bầu với ít nhất 2 phần 3 số phiếu tại cả Thượng viện lẫn Hạ viện; và (3) Tổng Thống được bổ nhiệm bởi một hội đồng do Thủ Tướng đề cử.
Phái bảo hòang tin rằng vị Tổng Tòan Quyền là trọng tài cho đàm phán vì thế chính thể quân chủ lập hiến là cơ sở vững chắc cho nền dân chủ tại Úc.
Những người cổ vũ cộng hòa thì cho rằng đã đến lúc Úc phải hòan tòan độc lập với Nữ Hoàng và Anh Quốc, nên dễ dàng chọn mô hình đại nghị số 2.
Phái cộng hòa cấp tiến cho rằng Hiến Pháp không còn hợp thời phải sửa đổi toàn diện hệ thống Westminster và thực hiện một chính thể Cộng Hòa với Tổng Thống trực tiếp do dân bầu theo mô hình số 1.
Sau nhiều tranh luận cuối cùng Hội Nghị quyết định chọn mô hình 2 Cộng Hòa Đại Nghị, tổng thống được bầu với ít nhất 2 phần 3 số phiếu tại cả Thượng viện lẫn Hạ viện, để đưa ra trưng cầu dân ý.
Như vậy tổng thống chỉ giữ vai trò nghi lễ tương tự như vai trò tổng toàn quyền và hệ thống chính trị không có gì thay đổi quyền lực vẫn bị thao túng bởi các chính trị gia.
Phái cộng hòa cấp tiến đã bỏ phiếu trắng trong Hội Nghị và trong trưng cầu dân ý đã vận động chống lại mô hình này.
Chiến dịch vận động
Chiến dịch YES (ủng hộ chính thể cộng hòa đại nghị) tập trung vào việc cần thay đổi thể chế.
Để vận động NO (giữ nguyên thể chế quân chủ) các nhóm bảo hòang đề cao thành quả nước Úc đã gặt hái được. Đồng thời tạo nỗi lo về sự bất ổn khi phải thay đổi thể chế với khẩu hiệu “Nếu hệ thống hiện tại không vỡ, không cần phải sửa”.
Người Úc vốn không thích thay đổi. Cho đến nay chỉ có 8 trong số 44 đề xuất đưa vào một cuộc trưng cầu đã được đồng thuận thông qua. Nên chiến dịch vận động NO thành công ở chỗ giữ được các cử tri thuộc phái “bảo thủ”.
Vận động tích cực nhất cho NO là những người cộng hòa cấp tiến với một số lập luận như sau:
Thứ nhất, cộng hòa chỉ đúng nghĩa khi mọi công dân phải được bình đẳng về chính trị, được bầu trực tiếp Tổng Thống;
Thứ hai, chỉ chính trị gia mới có quyền bầu vị Tổng Thống nên mô hình Đại Nghị là một mô hình phi dân chủ với một “nền cộng hòa của các chính trị gia”;
Thứ ba, các cuộc khủng hoảng chính trị do các chính trị gia tranh giành quyền lực lại sẽ tiếp tục thường xuyên xảy ra;
Thứ tư, cần viết lại một Hiến Pháp hòan toàn mới cho nước Úc cộng hòa; và
Cuối cùng, chỉ có mô hình Cộng Hòa Tổng Thống chế mới lợi ích thực sự cho nước Úc độc lập vì thế cần từ chối mô hình lần này để sửa sọan trưng cầu dân ý vào lần tới.
Không tới 10% dân Úc ủng hộ phái cộng hòa cấp tiến nhưng cùng với cánh bảo hòang kết quả là 55% dân Úc đã từ chối mô hình cộng hòa đại nghị.
Người Việt tuyệt đối theo cộng hòa
Vào năm 1999 người Việt đã hội nhập và đã bắt đầu quan tâm đến chính trị nước Úc. Trên báo chí Việt ngữ khi đó cũng đã có một số tranh luận về cuộc trưng cầu dân ý.
Nhiều người Việt vẫn tự hào với bản sắc Việt Nam Cộng Hòa và hầu hết người Việt sống trong các khu vực thành trì của đảng Lao Động khi ấy ủng hộ bầu Yes. Là hai lý do có thể kết luận đa số tuyệt đối người Việt đã bầu Yes cho một thể chế cộng hòa.
Ngày nay nhiều bạn trẻ sinh ra và lớn lên tại Úc nhưng vẫn rất tự hào với bản sắc Việt Nam Cộng Hòa. Kiến thức về chính trị lại không khác gì giới trẻ Úc nên vẫn rất ủng hộ cộng hòa.
Thượng Nghị Sỹ tiểu bang Victoria Hương Trương là một điển hình cho người trẻ gốc Việt tham gia chính trị Úc.
Sinh ra và lớn lên tại Úc cô Hương Trương luôn công khai tự hào với bản sắc Việt Nam Cộng Hòa với biểu tượng cờ vàng thường xuyên trên ngực áo trong các cuộc họp Quốc Hội.
Nước Úc ngày nay
Sau Đệ Nhị Thế Chiến giới lãnh đạo Úc đều nhìn nhận quyền lợi nước Úc gắn liền với Mỹ về chính trị và quân sự thay vì với Anh.
Ngày 15/10/2018, Ngoại trưởng Marise Payne tuyên bố Úc cần sự hiện diện lâu dài của Mỹ tại khu vực vì các thế lực khác (Trung Quốc) đang nổi lên, sự thù địch có thể tăng thêm, các thách thức ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương đang gia tăng, khiến liên minh Úc – Mỹ cần thiết hơn bao giờ hết.
Về thương mãi nước Úc không còn phụ thuộc vào thị trường Anh và Âu Châu mà chủ yếu mua bán với các quốc gia Á Châu trong vùng.
Xã hội Úc là một xã hội đa văn hóa. Các sắc dân như người Việt, người Hoa, người Ấn, … đều đã khá phát triển. Những di dân gốc Á châu thường không có gì gắn bó với nước Anh nên cũng đều ủng hộ cộng hòa.
Còn giữa Anh và Úc ngoài lịch sử, nghi thức, ngoại giao và các cuộc viếng thăm hầu như không còn mấy gắn bó.
Từ khi Anh gia nhập Liên Minh Âu Châu càng ngày quyền lợi nước Anh càng gắn liền với Âu châu.
Ngay sau khi nước Anh quyết định rời khỏi Liên Hiệp Âu châu, cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull đã tuyên bố muốn ký Hiệp định thương mại với Anh, nhưng thực tế cho thấy việc xây dựng lại mối quan hệ đòi hỏi nhiều nỗ lực và càng đòi hỏi nước Úc phải hoàn toàn độc lập với nước Anh.
Dân Úc muốn cộng hòa
Tháng 7/2017, Thủ tướng Malcolm Turnball viếng thăm nước Anh đã viết trên tweet: “Mặc dù tôi là một người cộng hòa, tôi cũng là người của Nữ Hoàng Elizabeth”.
Ông Malcolm Turnball trước đây là Chủ Tịch Phong Trào Cộng Hòa và ủng hộ mô hình cộng hòa đại nghị. Ông nói thế để tránh phải rơi vào tranh cãi với thành phần bảo hoàng như cựu Thủ tướng Tony Abbot.
Nhưng ông Turnball cũng không thể tránh khỏi cuộc đảo chánh do chính ông Tony Abbot bày mưu vào tháng 8/2018 vừa qua.
Vào tháng 8/2017 báo chí đã thực hiện một cuộc thăm dò dư luận, kết quả lên đến 51 phần trăm dân Úc muốn một người Úc đứng đầu nước Úc, chỉ có 38 phần trăm ủng hộ chế độ quân chủ và 11 phần trăm chưa quyết định.
Trong trường hợp Hoàng tử Charles trở thành Vua lại có tới 55 phần trăm dân Úc cho biết họ muốn có một nước Úc cộng hòa.
Gần 70 phần trăm dân số Úc có tổ tiên là người Anh với trên 1 triệu công dân Úc đã sinh ra tại Anh nên vẫn còn 38 phần trăm ủng hộ chế độ quân chủ là điều dễ hiểu.
Cựu Thủ Tướng Julia Gillard là một người Anh sinh ra tại Barry, Wales, bà là một người ủng hộ cộng hòa nên đã công khai đề nghị hãy chờ cho đến khi Nữ Hoàng “chết”…. để chỉ trích Cựu Thủ Tướng Tony Abbot có cha mẹ gốc Úc nhưng sinh đẻ cũng tại Lambeth, London, Anh Quốc, một người cực kỳ bảo hoàng.
Nhìn chung các nhà lãnh đạo, các chính trị gia Úc đều có những gắn bó khá mật thiết với Anh Quốc.
Sau cuộc thăm dò dư luận năm 2017, báo chí phỏng vấn Lãnh đạo đối lập Bill Shorten ông hứa nếu thắng cử ông sẽ cho tổ chức một cuộc họp đảng kín (gồm cả các tiểu bang?) về việc liệu có nên trở thành một nước cộng hòa hay vẫn giữ thể chế độ quân chủ lập hiến.
Nếu câu trả lời là ”có”, ông sẽ xem xét hình thức của chính phủ cộng hòa để đưa ra trưng cầu dân ý.
Tình hình chính trị ở Úc cho thấy có thể vài ngày hoặc vài tháng nữa ông Bill Shorten sẽ trở thành Thủ tướng để khởi động lại việc tranh luận và trưng cầu dân ý về nước Úc cộng hòa.
Trả độc lập cho Úc
Trong lần trưng cầu dân ý trước đây một số bạn bè, cả Úc chính gốc và Việt, cho rằng tôi bảo hoàng khi trước đó vài tháng tôi dám đánh cá là phe cộng hòa sẽ thất bại và thất bại nặng nề.
Quan điểm của tôi là người Úc không còn gắn bó với nước Anh và với Nữ Hoàng nhưng họ đã quá chán ngán hệ thống chính trị và các chính trị gia Úc.
Người Úc muốn được tự họ chọn 1 người đứng đầu nước Úc và một thể chế tam quyền phân lập hẳn hoi không phải một thể chế đại nghị như hiện nay.
Sau cuộc trưng cầu dân ý một người bạn hỏi tôi: “Sao Nữ Hoàng không đơn phương quyết định trao trả độc lập cho nước Úc?”
Tôi trả lời:”Nếu bà ấy làm thế chính trị gia Úc sẽ tranh nhau quyền lực và nước Úc sẽ loạn. Nữ Hoàng phải thúc đẩy nước Úc tiến tới cộng hòa một cách dân chủ và khi bà còn trị vì bà có thể giúp tiến trình được diễn ra một cách tốt đẹp hơn.”
Thử nghĩ với chưa đầy 11 năm nước Úc có đến 7 hay 8 lần thay đổi thủ tướng và chưa thủ tướng nào làm đủ nhiệm kỳ 3 năm có phải là một gánh nặng mà Nữ Hoàng đang mang trên vai mà chưa thể cởi bỏ.
Đơn vị Wentworth một đơn vị từ thời Úc mới thành lập chính quyền Liên Bang, 117 năm về trước, vẫn thuộc về đảng Tự Do và lần trước cựu Thủ Tướng Malcolm Turnball đã thắng cử với hơn 18% chênh lệch thật khó tin nay đã mất.
Trong chiến dịch tranh cử tân dân biểu độc lập Kerryn Phelps thường xuyên nhắc tới việc hệ thống chính trị hiện nay đã vỡ và cử tri Úc muốn một hệ thống chính trị hoàn toàn khác.
Nước Úc cộng hòa với một Hiến Pháp mới và một Tổng Thống do dân bầu có lẽ cũng là điều Nữ Hoàng mong muốn có được trong những tháng năm sắp tới.
Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả.