Trung Quốc ‘mạo danh Khổng Tử’ và sự cao tay của Tổng thống Trump

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trung Quốc ‘mạo danh Khổng Tử’ và sự cao tay của Tổng thống Trump

Nhìn vào thực tế cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện nay, truyền thông quốc tế đa phần đều khen ngợi sự cứng rắn, nói được làm được của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như dự đoán một kết quả ngã ngũ khả quan cho Mỹ. Nhưng còn một cuộc chiến khác giữa Washington và Bắc Kinh, tuy âm thầm nhưng không kém phần khốc liệt, đang diễn ra hằng ngày. Và trong cuộc chiến đó, một lần nữa, ông Trump lại đang thắng thế. 

Âm mưu thiết lập và thống trị trật tự thế giới mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không phải điều gì bí mật, mà đã là kim chỉ nam cho mọi hoạch định, chính sách toàn cầu của đảng này suốt mấy năm nay. Trong kế hoạch “Mộng Trung Hoa” của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Viện Khổng Tử (VKT) giữ vai trò quan trọng giúp ĐCSTQ thâu tóm quyền lực thông qua khía cạnh giáo dục đào tạo bằng nhiều phương thức, từ tô son điểm phấn hình ảnh vốn-không-mấy-đẹp của Trung Quốc, thúc đẩy quyền lực mềm, đến gây dựng ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Cánh cửa đưa Viện Khổng Tử tiến vào các trường đại học thế giới

Gửi giáo viên ra nước ngoài dưới hình thức ngoại giao văn hoá và ngôn ngữ là chuyện không mới, rất nhiều nước phương Tây đã và đang làm thế. Đơn cử như Alliance Française cho tiếng Pháp, Viện Goethe cho tiếng Đức, Viện Cervantes cho tiếng Tây Ban Nha và Hội đồng Anh cho tiếng Anh. Viện Khổng Tử của Trung Quốc cũng hoạt động theo đúng mô thức như trên.

Viện Khổng Tử tại Đại học Quốc gia Al-Farabi Kazakh ở Almaty, Kazakhstan.

Từ thời điểm Viện Khổng Tử đầu tiên thành lập ở Seoul 14 năm trước, tính đến nay, hơn 516 trung tâm giảng dạy văn hoá và ngôn ngữ loại này, được tài trợ và quản lý bởi Văn phòng Hội đồng Ngôn ngữ Trung Quốc Quốc tế (gọi tắt là Hanban) (1), đã được thiết lập tại 142 quốc gia và vùng lãnh thổ toàn cầu (2). Hanban hiện nằm dưới quyền kiểm soát của bà chủ tịch Lưu Diên Đông, nguyên Phó Thủ tướng nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, nguyên thành viên Bộ Chính trị từ năm 2007 đến 2017, và từng là người đứng đầu Mặt trận Thống nhất Trung Quốc từ năm 2002 đến 2007 (3). Nên có thể nói, Viện Khổng Tử là một đứa con được chính quyền Trung Quốc sinh ra và nuôi dưỡng.

Mặt trận Thống nhất Trung Quốc, như Reuters miêu tả trong một bài viết xuất bản vào tháng Ba năm nay, “đặt mục tiêu giành ủng hộ về lợi ích chính trị cho Trung Quốc, xây dựng tầm ảnh hưởng thông qua nhiều phương thức, như tiếp cận và kiểm soát cộng đồng người Hoa hải ngoại cũng như các nhóm có tầm ảnh hưởng khác bên ngoài ĐCSTQ” (4). Hay nói cách khác, Mặt trận Thống nhất Trung Quốc là công cụ để ĐCSTQ vươn cánh tay sắt vượt biên giới, kiểm soát và chi phối người dân Trung Quốc bất kể họ đang sinh sống tại đâu.

Người Canada phản đối Viện Khổng Tử của Trung Quốc bên ngoài tòa nhà Hội đồng trường Công lập Toronto vào ngày 29 tháng 10 năm 2014.

Viện Khổng Tử – Chân rết của ĐCSTQ trên đất Hoa Kỳ

     1.  Tài chính

Điểm khác biệt căn bản giữa Viện Khổng Tử của Trung Quốc và các viện ngôn ngữ phương Tây khác đó là thay vì xây dựng cơ sở vật chất biệt lập, Viện Khổng Tử kiên quyết đi theo mô hình hoạt động ngay trong lòng các trường đại học và cao đẳng hiện hữu. Trường chủ nhà sẽ cần cung cấp cơ sở vật chất, chỉ định một giảng viên giữ vai trò quản trị hành chính tại Viện Khổng Tử của trường. Đổi lại, Hanban sẽ trả cho trường 100.000 USD/ năm, Viện Khổng Tử sẽ tự thiết kế chương trình, chuẩn bị tài liệu và thực hiện công tác giảng dạy. Đồng nghĩa trường chỉ việc nhận tiền, còn Viện Khổng Tử sẽ chịu mọi trách nhiệm thực thi phần giảng dạy.

Động thái trên là bước đi chủ yếu nhắm đến Hoa Kỳ, nước hiện sở hữu gần 40% số lượng Viện Khổng Tử và lớp học Khổng Tử toàn cầu, nhiều hơn mọi quốc gia và vùng lãnh thổ bất kỳ khác (5).

Kinh phí hoạt động của Viện Khổng Tử đa phần do Bộ Giáo dục Trung Quốc chu cấp. Mặc dù Hanban từng đặt ra mục tiêu tự chủ tài chính trong kỳ hạn 5 năm, nhưng đến nay có thể nói mục tiêu này khá không thực tế (6). Trong quyển ‘China’s Propaganda System: Institutions, Processes and Efficacy’, tác giả ông David Shambaugh, giáo sư khoa học chính trị và các vấn đề quốc tế tại Đại học George Washington ở Washington DC viết, kinh phí hoạt động của Viện Khổng Tử “thực ra được chi thông qua Bộ Giáo dục từ túi của Ban Tuyên truyền Đối ngoại Trung Ương Trung Quốc” (7).

Tiến sĩ David Shambaugh, Giám đốc Chương trình Chính sách Trung Quốc và giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học George Washington, Washington DC. Trong bài viết đăng trên Inside Higher Ed năm 2012, nhà báo Elizabeth Redden kể ông David Prager Branner, nhà ngôn ngữ học và phó giáo sư trợ giảng tại Đại học Columbia, nói sẽ là sai lầm nếu cho rằng “nhận tiền từ chính quyền Trung Quốc sẽ không gây hậu quả nghiêm trọng về lâu dài” (8).

Một số nhà phê bình còn đánh giá việc Bắc Kinh liên quan tài chính với các trường đại học chủ nhà Mỹ cho chính quyền Trung Quốc quá nhiều lợi thế lên chính các trường này, khiến trường dễ vì nhận áp lực từ Bắc Kinh mà tự kiểm duyệt, nhất là trong các vấn đề liên quan đến nhân quyền tại Trung Quốc hay các chủ đề chính trị mà ĐCSTQ liệt vào hàng “nhạy cảm” khác.

Tự kiểm duyệt mang màu sắc Trung Quốc.

     2.  Chính trị

Thoạt nhìn, tuy có vẻ Viện Khổng Tử chỉ đơn giản là trung tâm giảng dạy các khoá học về văn hoá, ngôn ngữ, thư pháp hay Thái Cực Quyền Trung Hoa, nhưng thực ra đó lại là nơi nuôi dưỡng quan điểm thân Trung và định hình cái nhìn của công chúng về Trung Quốc.

Trong bài viết đăng trên tờ Politico vào tháng Một năm 2018, nhà báo Ethan Epstein viết: “Viện Khổng Tử dạy một phiên bản lịch sử và văn hóa Trung Hoa rất đặc biệt vốn đã được Bắc Kinh phê chuẩn: phiên bản làm ngơ mọi quan ngại về nhân quyền, và dạy rằng Đài Loan và Tây Tạng không-thể-chối-cãi thuộc chủ quyền của đại lục” (9). Điều này hoàn toàn trùng khớp với những gì Lí Trường Xuân, nhân vật cấp cao thứ năm trong Bộ Chính trị Trung Quốc từng miêu tả Viện Khổng Tử trên tờ The Economist là “phần quan trọng trong chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc tại hải ngoại” (10).


>
Nỗi oan của Khổng Tử: Ảnh bên trái ghi lại cảnh Hồng vệ binh của Đảng Cộng sản Trung Quốc đập phá Đền Khổng Tử trong thời Cách mạng Văn hóa. Giờ đây, thanh danh của ông bị lợi dụng để truyền bá tư tưởng của ĐCSTQ ra khắp thế giới.

“Tiến sĩ Bành Minh Mẫn, nhà hoạt động độc lập và chính trị gia Đài Loan viết, các trường cao đẳng và đại học chủ nhà của Viện Khổng Tử đều phải ký một thoả thuận tuyên bố ủng hộ chính sách Một Trung Quốc, và vì vậy cả Đài Loan và Tây Tạng sau đó trở thành chủ đề cấm kỵ tại các trường này. Cũng theo tiến sĩ Bành, một số chủ đề nhạy cảm khác của Viện Khổng Tử gồm Thảm sát Thiên An Môn 1989, nhân quyền, ô nhiễm môi trường tại Trung Quốc, và bắt giữ nhà hoạt động Lưu Hiểu Ba.(11)”

Bộ trưởng Ban Tuyên truyền Trung Ương Trung Quốc Lưu Vân Sơn từng phát biểu trong một bài viết trên tờ Nhân dân Nhật báo xuất bản năm 2010, rằng mục tiêu của Viện Khổng Tử là “phối hợp các nỗ lực tuyên truyền trong và ngoài nước, về lâu dài xây dựng môi trường quốc tế có lợi cho chúng ta… liên quan đến các vấn đề chủ chốt như chủ quyền và an ninh… Chúng ta nên sẵn sàng, chủ động tiến hành các chiến dịch chống lại các chủ đề như Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan, nhân quyền, và Pháp Luân Công… Chúng ta nên thực hiện tốt công tác thiết lập, vận hành các trung tâm văn hoá và Viện Khổng Tử ở hải ngoại” (12). Có thể nói yêu cầu của Lưu đã được nghiêm túc tuân thủ khi Viện Khổng Tử thi nhau mọc lên khắp thế giới.

Video: Từ Thảm sát Thiên An Môn đến Pháp Luân Công, Bắc Kinh giấu tội như thế nào?

       3.  Kiểm duyệt và Tự do học thuật

Nhà báo Isaac Stone Fish viết trong bài báo “Why are America’s elite universities censoring themselves on China?” (tạm dịch: “Tại sao các trường đại học ưu tú của Mỹ lại tự kiểm duyệt trong các vấn đề Trung Quốc?”) đăng trên tờ The New Republic như sau: “Một số các vị trong giới học thuật Hoa Kỳ, hoặc quá hăng hái lấy lòng Bắc Kinh, hoặc quá sợ làm phật ý Trung Quốc và người dân Trung Quốc, đã khuất phục trước một chế độ kiểm duyệt toàn cầu. Điều này không chỉ làm suy yếu tính thanh liêm của bản thân họ, mà còn khiến họ yếu thế khi đàm phán với Bắc Kinh trong các vấn đề như tiếp cận nghiên cứu, hội nghị và hợp tác học thuật khác, cũng như các chương trình chung giữa các học viện Mỹ-Trung.”

Ông Fish đưa ra khá nhiều ví dụ để giải thích lập luận trên. Như Trung tâm toàn cầu của Đại học Columbia tại Bắc Kinh liên tiếp huỷ một số bài diễn thuyết vì e sợ làm phật lòng giới chức Trung Quốc, hay Đại học Bắc Carolina hủy chuyến thăm của Đạt Lai Lạt Ma vào năm 2009, vì vị hiệu trưởng trường này, Warwick Arden nói “Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Bắc Carolina” (13). 


>
Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng, là một trong các nhân vật “nhạy cảm” của chính quyền Trung Quốc.
>

Hay tháng 9 năm 2016, hiệu trưởng Đại học Alfred New York, Rick Stephens, đã đích thân từ chối không cho nhà nghiên cứu Rachelle Peterson vào khuôn viên trường khi Peterson bày tỏ ý muốn điều tra ảnh hưởng của chính quyền Trung Quốc tại trường (14). Hay nữ sinh viên người Hoa Dương Thư Bình bị chỉ trích và phải xin lỗi công khai vì bài phát biểu tốt nghiệp tại Đại học Maryland vào tháng 5 năm 2017, khi cô ca ngợi “làn gió trong lành” của hệ thống Mỹ và nói dân chủ và tự do là điều “đáng để tranh đấu” (15).

Tự kiểm duyệt thường không dễ phát hiện. Không nhiều chuyên gia về Trung Quốc sẵn sàng thảo luận vấn đề này, họ thậm chí còn không xem đó là vấn đề, bởi vì chưa từng có bất kỳ hướng dẫn hoặc yêu cầu chính thức nào yêu cầu họ nên và phải làm gì trước các chủ đề được xem là “nhạy cảm” với Trung Quốc.

Tuy nhiên, những người không theo kịp xu hướng tự kiểm duyệt, hay nói cách khác là xem thường ĐCSTQ, lại gặp phải nhiều hình thức “trừng phạt” thực chất, hoặc công khai hoặc kín đáo. Thông thường nhất là huỷ hoặc từ chối cấp thị thực, như trường hợp Hoa hậu Thế giới Canada 2015 cô Anastasia Lin bị từ chối cấp thị thực nhập cảnh vào Trung Quốc tham dự vòng chung kết Hoa hậu Thế giới 2016 vì là học viên Pháp Luân Công. Hoặc đe doạ sẽ đóng cánh cửa tiếp cận thị trường 1.4 tỷ người tại Trung Quốc, hoặc công khai đăng bài chỉ trích làm “tổn thương người dân Trung Quốc”—thuật ngữ dùng để ám chỉ ai đó đã vượt quá giới hạn của ĐCSTQ—như trường hợp truyền thông nhà nước chỉ trích hãng hàng không United Airlines khi hãng này thay vì tuân theo yêu cầu không liệt Đài Loan là quốc gia trên trang chủ, đã thay đổi thể thức sắp xếp quốc gia/ vùng lãnh thổ theo tiền tệ (16).


>
Trung Quốc dùng tiền mua chính trị xuôi dòng.

      4.  Gián điệp

Trong bài viết của mình, Isaac Stone Fish đề cập sinh viên Trung Quốc đang học tại Mỹ, giảng viên người Mỹ và các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng sinh viên và giảng viên từ Trung Quốc đôi khi theo dõi cả các sinh viên Trung Quốc khác – thậm chí theo dõi cả giáo sư người Mỹ.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz từng phát biểu trên tờ Washington Post rằng “Đảng Cộng sản Trung Quốc thâm nhập vào các trường đại học Mỹ để can thiệp vào chương trình giảng dạy của chúng ta, dập tắt chỉ trích hướng về chính quyền họ, và ăn cắp tài sản trí tuệ gồm cả rất nhiều nghiên cứu nhạy cảm”(17).

Giám đốc FBI Christopher Wray và nhiều thành viên cộng đồng tình báo khác bày tỏ lo ngại rằng có thể Viện Khổng Tử tham gia vào hoạt động gián điệp. Ông Wray từng mô tả Viện Khổng Tử là “những kẻ thu thập kiểu mới – đặc biệt là trong môi trường học thuật” tại buổi điều trần vào tháng Hai năm 2018 (18).

Các nghị sĩ Michael McCaul và Henry Cuellar gửi lá thư lưỡng đảng đồng thuận vào ngày 23 tháng 3 năm 2018 tới các trường đại học ở Texas, kêu gọi xem xét cắt đứt quan hệ với ĐCSTQ thông qua quan hệ đối tác với Viện Khổng Tử. “Các viện này là mối đe dọa tới an ninh quốc gia, hoạt động dưới hình thức thu thập tình báo và phục vụ các mục tiêu chính trị của Trung Quốc”, thư viết (19).


>
Hình ông Tập Cận Bình trên một bảng cổ động tuyên truyền tại Bắc Kinh. (Ảnh: AP)

Sự cao tay của Tổng thống Trump trong giải quyết tình hình

Nhận thấy mưu đồ sâu xa của Trung Quốc, đầu năm nay Tổng thống Trump đã ký duyệt Đạo luật Uỷ quyền Quốc phòng cho năm tài khoá 2019, vốn đã được cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà thông qua, và được đánh giá là một bước đi cứng rắn trước sự bành trướng rõ rệt của Trung Quốc, dù không nêu rõ tên. Đạo luật yêu cầu các trường đại học và cao đẳng Mỹ, nếu muốn nhận tài trợ từ chính phủ Liên Bang cho chương trình Hoa văn của trường, thì “bắt buộc không có Viện Khổng Tử tại trường, hoặc phải chứng minh được Viện Khổng Tử và các nhân viên của viện này không tham gia vào chương trình Hoa văn do chính phủ Liên Bang tài trợ. Trường được nhận tài trợ đồng thời phải công khai mọi hợp đồng, thoả thuận liên quan hoặc đã ký với Viện Khổng Tử trước đó” (20).

Về phía giới giáo dục, các trường hiện đã bắt đầu xem xét lại quyết định mở Viện Khổng Tử, một số trường thậm chí đã tiến hành đóng cửa Viện Khổng Tử tại trường mình. Đại học Bắc Florida là trường gần nhất đóng Viện Khổng Tử, tám trường cao đẳng và đại học khác đã đóng hoặc đang trong quá trình đóng, bao gồm Đại học Chicago, Đại học bang Pennsylvania, Đại học Pfeiffer, Đại học Illinois Urbana Champaign, Đại học Tây Florida, Đại học Texas A&M, Đại học Prairie View A&M và Đại học Iowa (21). Tất cả đều là các trường danh giá và có tiếng trong giới học thuật.

Về phần chính giới, Thượng nghị sĩ Ted Cruz đang giới thiệu đạo luật mới có tên ‘Stop Higher Education Espionage and Theft Act of 2018’ (tạm dịch: Dự luật hành động ngăn chặn hành vi trộm cắp và gián điệp giáo dục cấp cao năm 2018), trích lời ông nghị sĩ là nhằm “cho cộng đồng thực thi pháp luật Hoa Kỳ thêm công cụ để giải quyết sự bành trướng của ĐCSTQ trong các viện giáo dục Mỹ”, mặc dù lần nữa không đề cập trực tiếp tên Trung Quốc (22). Dự luật cho phép “FBI chỉ định một thực thể là “mối đe dọa tình báo nước ngoài tới giáo dục đại học”, đồng thời có cơ sở yêu cầu các viện giáo dục tuân thủ quy tắc báo cáo và tiết lộ nghiêm ngặt trong bất kỳ tương tác tài chính nào với tổ chức nước ngoài nói trên”. Thượng nghị sĩ Joe Wilson cũng đang thúc đẩy thông qua đạo luật buộc Viện Khổng Tử đăng ký là tổ chức/ đại diện tại hải ngoại của ĐCSTQ.


>
Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz.
>

Giám đốc FBI Christopher Wray bày tỏ lo ngại và nói FBI đang “theo dõi sát sao” và sẽ điều tra nếu cần (23).


>
Giám đốc FBI Christopher Wray.
>

Không chỉ ở Mỹ, học giả khắp nơi trên thế giới đều đã bắt đầu nhận ra mối nguy hại Viện Khổng Tử có thể gây ra. 

Lhadon Tethong – Giám đốc Học viện Hành động Tây Tạng – mô tả Viện Khổng Tử: “Họ giảng dạy trong các trường học của chúng ta về phiên bản lịch sử của họ, cố gắng thay đổi lịch sử, cố gắng truyền bá tư tưởng, cố gắng tác động nhằm khiến các thế hệ tương lai không chú ý, không quan tâm, hoặc thậm chí không biết đến các vấn đề như Tây Tạng, Đài Loan, Pháp Luân Công, dân chủ cho Trung Quốc, điều đó là không đúng!” (24)

Bà Lhadon Tethong, Giám đốc Học viện Hành động Tây Tạng, cho rằng Viện Khổng Tử là công cụ giúp Trung Quốc tuyên truyền về phiên bản lịch sử của riêng họ (Ảnh chụp màn hình từ video)Ông Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin), nhà cựu ngoại giao người Hoa tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở Sydney, Australia, chia sẻ với Trung Quốc Không Kiểm Duyệt – chương trình tin tức châm biếm về Trung Quốc trên Youtube – như sau: “Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ chiến tranh lạnh bằng tư tưởng… ý thức hệ, tuyên truyền. Mọi tuyên truyền đều là dối trá. Khi đọc tuyên truyền của ĐCSTQ, bạn nên hiểu theo nghĩa ngược lại; Đó mới là cách hiểu đúng. Vì vậy, nếu ĐCSTQ nói cái gì đó là xấu, kia là nhóm tà hay ‘Pháp Luân Công là tà’, thì có nghĩa là Pháp Luân Công thực sự tốt.”(25)


>
Ông Chen Yonglin, cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc xin tị nạn ở Australia năm 2005, nói rằng mọi tuyên truyền của Bắc Kinh là dối trá. Ông cho biết nếu ĐCSTQ nói “Pháp Luân Công là tà” thì có nghĩa rằng “Pháp Luân Công thực sự tốt”. 

Hay như chia sẻ của sinh viên Việt Nam Nguyễn Hoàng Khánh hiện đang học tại trường Havard danh giá: “Việc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc là một sự vi phạm nghiêm trọng quyền cơ bản của con người. Đây không chỉ là một mất mát to lớn đối với chính đất nước Trung Quốc mà còn là một nỗi đau của nhân loại vì Pháp Luân Công hướng con người đến cái thiện, làm người tốt trong xã hội”.

Nguy hiểm hơn nữa là dường như chính phủ Trung Quốc đang có những động thái “xuất khẩu” sự đàn áp này ra các đất nước khác. Một ví dụ tiêu biểu là việc các viện Khổng Tử của Trung Quốc (được tài trợ của chính quyền Bắc Kinh), ngay khi hoạt động ở các nước phương Tây như Mỹ hay Canada, vẫn duy trì chính sách phân biệt tôn giáo, cấm đoán nhân viên được tham gia hay tu luyện Pháp Luân Công dưới mọi hình thức. Đây là một sự vi phạm rõ rệt luật lao động cũng như luật bảo vệ tự do tín ngưỡng ở những đất nước văn minh. Chính vì vậy, trong năm 2000, Hội đồng giáo dục thành phố Toronto ở Canada đã chính thức hủy bỏ hợp tác giữa các viện Khổng Tử với tất cả các trường học trong khu vực quản lý của mình.

Trong năm vừa rồi, lần lượt các trường đại học danh tiếng ở Mỹ như trường đại học Michigan, đại học Texas A&M cũng đều tuyên bố ngừng hợp tác với viện Khổng Tử. Sắp tới, dường như rất nhiều tổ chức giáo dục ở Mỹ cũng sẽ xem xét lại mối quan hệ hợp tác của mình với viện Khổng Tử trước những lo ngại về việc vi phạm nhân quyền này. Rất nhiều luật sư quốc tế đã yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các cam kết quốc tế về quyền con người”. 


>
Sinh viên Nguyễn Hoàng Khánh hiện đang học tại Đại học Luật Havard.
>

Như vậy, khi thế giới dần nhận ra bản chất thực sự của Viện Khổng Tử, nhiều hành động hơn sẽ được thực hiện trong tương lai nhằm ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc trong việc thao túng các quốc gia để leo lên vị thế thống trị thế giới. Không ai biết tương lai sẽ ra sao. Nhưng có một điều chúng ta biết chắc chắn, đó là cuộc xâm lược thầm lặng của Trung Quốc, cũng như việc Trung Quốc mạo danh Khổng Tử phục vụ mục đích chính trị, đã không còn dễ dàng qua mắt người đời nữa.

Minh Ý

Tài liệu tham khảo:

(1) http://english.hanban.org/ 

(2) Confucius Institutes across Africa are nurturing generations of pro-China Mandarin speakers, https://qz.com/africa/1113559/confucius-institutes-in-africa-are-nurturing-mandarin-speakers-with-pro-china-views/

(3) Liu Yandong, https://en.wikipedia.org/wiki/Liu_Yandong

(4) China strengthens global influence agency in government reshuffle, https://www.reuters.com/article/china-parliament-influence/china-strengthens-global-influence-agency-in-government-reshuffle-idINKBN1GX189

(5) American Universities Are Welcoming China’s Trojan Horse, https://foreignpolicy.com/2017/05/09/american-universities-are-welcoming-chinas-trojan-horse-confucius-institutes/

(6) http://www.atimes.com/atimes/China/IE24Ad01.html

(7) China’s Propaganda System: Institutions, Processes and Efficacy, http://booksandjournals.brillonline.com/content/books/b9789004302488_026

(8) Confucius Says …, https://www.insidehighered.com/news/2012/01/04/debate-over-chinese-funded-institutes-american-universities

(9) How China Infiltrated U.S. Classrooms, https://www.politico.com/magazine/story/2018/01/16/how-china-infiltrated-us-classrooms-216327

(10) A message from Confucius, https://www.economist.com/special-report/2009/10/22/a-message-from-confucius

(11) Criticism of Confucius Institutes, https://en.wikipedia.org/wiki/Criticism_of_Confucius_Institutes

(12) Inside Job: Beijing’s New Allies in Its War on Tibet, https://www.huffingtonpost.com/lhadon-tethong/inside-job-beijings-new-a_b_3353844.html

(13) New Scrutiny for Confucius Institutes, https://www.insidehighered.com/news/2017/04/26/report-confucius-institutes-finds-no-smoking-guns-enough-concerns-recommend-closure

(14) New Scrutiny for Confucius Institutes, https://www.insidehighered.com/news/2017/04/26/report-confucius-institutes-finds-no-smoking-guns-enough-concerns-recommend-closure

(15) A Chinese student praised the ‘fresh air of free speech’ at a U.S. college. Then came the backlash, https://www.washingtonpost.com/news/worldviews/wp/2017/05/23/a-chinese-student-praised-the-fresh-air-of-free-speech-at-a-u-s-college-then-came-the-backlash/?noredirect=on&utm_term=.581f551086f1

(16) Beijing unimpressed by United Airlines’ ‘flexible’ approach to Taiwan, https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/2162022/beijing-unimpressed-united-airlines-flexible-approach-taiwan

(17) Preventing Chinese espionage at America’s universities, https://www.washingtonpost.com/news/josh-rogin/wp/2018/05/22/preventing-chinese-espionage-at-americas-universities/?noredirect=on&utm_term=.d26d1732cb93

(18) The director of the FBI says the whole of Chinese society is a threat to the US — and that Americans must step up to defend themselves, https://www.businessinsider.sg/china-threat-to-america-fbi-director-warns-2018-2/?r=US&IR=T

(19) McCaul, Cuellar Send Letter to Texas Universities Hosting Confucius Institutes, https://mccaul.house.gov/media-center/press-releases/mccaul-cuellar-send-letter-to-texas-universities-hosting-confucius

(20) Defense Bill Limits Funding for Colleges with Confucius Institutes, https://www.nas.org/articles/defense_bill_limits_funding_for_colleges_with_confucius_institutes

(21) How Many Confucius Institutes Are in the United States?, https://www.nas.org/articles/how_many_confucius_institutes_are_in_the_united_states

(22) Washington Post: New Sen. Cruz Bill Aims to Counter Chinese Espionage Efforts Within American Universities, https://www.cruz.senate.gov/?p=press_release&id=3841

(23) FBI Director Wray says he shares Rubio’s concern with Chinese-run Confucius Institute, http://www.tampabay.com/florida-politics/buzz/2018/02/13/fbi-director-wray-says-he-shares-rubios-concern-with-chinese-run-confucius-institute/

(24) Phát biểu của bà Lhadon Tethong, Giám đốc Học viện Hành động Tây Tạng, https://www.youtube.com/watch?v=fXCD05BGVO0

(25) This CCP Official Risked His Life to Defect: Interview with Chen Yonglin, https://www.youtube.com/watch?v=8ErIeAhubAU