Tin Biển Đông – 19/10/2018
Bản tin Biển Đông ngày 18/10/2018
Mỹ tiếp tục điều máy bay B52 đến Biển Đông
Ngày 18/10, CNN đưa tin, theo một tuyên bố từ cơ quan Không lực Thái Bình Dương, Mỹ đã điều hai máy bay ném bom chiến lược phản lực B-52H từ căn cứ ở Guam đến gần các đảo tranh chấp ở Biển Đông. Tuyên bố cho biết các máy bay này “tham gia vào nhiệm vụ huấn luyện thường xuyên tại khu vực lân cận Biển Đông”. Không lực Thái Bình Dương cho biết thêm nhiệm vụ này “phù hợp với luật pháp quốc tế và cam kết lâu dài của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở”. Lầu Năm góc không khẳng định các máy bay này sẽ bay qua đảo nào, nhưng có thể thấy những căng thẳng gần đây đều tập trung ở khu vực Trường Sa. Theo Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randall Schriver, “Trung Quốc đã quân sự hóa thành công một số tiền đồn và hành vi của họ ngày càng trở nên quyết đoán hơn, chúng tôi đang cố gắng đưa ra một phản ứng thích hợp”. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho biết thêm, bất chấp vụ việc gần đây liên quan đến tàu chiến Decatur, Mỹ vẫn tiếp tục tiến hành các hoạt động tự do hàng hải tương tự. Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về Nam Á và Đông Nam Á Joe Felter khẳng định “Điều chúng tôi không muốn làm là khen thưởng cho hành vi hung hăng như bạn thấy với vụ tàu Decatur bằng cách thay đổi hành vi của chúng tôi. Điều đó sẽ không xảy ra, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các quyền của mình theo luật pháp quốc tế và khuyến khích tất cả các đối tác của chúng tôi cùng thực hiện”.
Các nhà lãnh đạo Châu Á, Châu Âu sẽ thảo luận về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị cấp cao Brussels
Ngày 17/10, hãng ABS-CBN dẫn nguồn từ Kyodo News cho biết, lãnh đạo của 51 nước Châu Á và Châu Âu sẽ nhóm họp tại Brussels trong tuần này để tập trung thảo luận về một số vấn đề, trong đó có phản ứng với căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông. Dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị có đoạn “các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không và chống cướp biển một cách hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế”. Dự thảo Tuyên bố đề cập 51 lãnh đạo “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật quốc tế, cụ thể là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và các hành động đơn phương… có thể làm leo thang căng thẳng, phá vỡ sự ổn định, và theo đuổi các biện pháp xây dựng lòng tin và tự kiềm chế”. Các nhà lãnh đạo cũng sẽ bày tỏ hoan nghênh đối với tiến trình tham vấn đang diễn ra giữa Trung Quốc và 10 nước thành viên ASEAN nhằm hướng tới một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu quả.
Mỹ kêu gọi đàm phán minh bạch, mang tính tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông
Theo Mainichi của Nhật ngày 17/10, tại một hội nghị trực tuyến ngày 16/10 tại Singapore, Phó Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ về Đông Nam Á Patrick Murphy đã kêu gọi Trung Quốc và ASEAN có các cuộc đàm phán minh bạch và mang tính tham vấn trong quá trình dự thảo Bộ quy tắc ứng xử để tránh các xung đột ở Biển Đông. Với lưu ý rằng Mỹ không phải là một bên tranh chấp, không can thiệp vào quá trình thảo luận Bộ quy tắc ứng xử, ông Murphy cho biết do phần lớn các tuyến đường hàng hải thương mại của thế giới đều đi qua khu vực này nên Mỹ “là một bên rất quan tâm”. Ông Murphy cho biết thêm Mỹ dự định sẽ tận dụng các cuộc họp khu vực khác nhau liên quan đến ASEAN và các đối tác để nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp lâu dài, dựa trên luật lệ dành cho Biển Đông. Ông nói “Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các cơ hội để bày tỏ lợi ích của chúng tôi trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế và tầm quan trọng của điều này tại Biển Đông”.
Tàu hải quân Mỹ cập cảng Đài Loan khiến Trung Quốc phiền lòng
Ngày 18/10, Business Insider đưa tin, một tàu của Hải quân Mỹ đã cập cảng ở Đài Loan hôm 15/10 và hai ngày sau, Bắc Kinh đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc này, cho rằng hành động này đã phá vỡ ranh giới đỏ của Trung Quốc. Theo “Bộ Quốc phòng” Đài Loan, tàu Thomas G. Thompson (T-AGOR-23) – tàu nghiên cứu thuộc Văn phòng Nghiên cứu Hải quân của Mỹ – đã đến Cao Hùng để tiếp nhiên liệu và thay đổi thủy thủ. Đài Loan nhấn mạnh, đây không phải là chuyến tàu khoa học nghiên cứu đại dương đại dương đầu tiên, và cũng “không liên quan đến hoạt động quân sự”. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, hoạt động này khiến cho Bắc Kinh không hài lòng. Ngày 17/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết Trung Quốc “bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đối với phía Mỹ”, “phản đối bất cứ loại quan hệ quân sự nào giữa Mỹ và Đài Loan”. Đồng thời, Trung Quốc đề nghị Mỹ dừng ngay tất cả các hoạt động trao đổi quan chức và giao lưu quân sự với Đài Loan, giải quyết các vấn đề liên quan đến Đài Loan một cách thận trọng. Ma Xiaoguang, Người phát ngôn Văn phòng về Đài Loan của Quốc vụ viện Trung Quốc, kêu gọi các bên liên quan thận trọng và tránh làm tổn hại đến hòa bình và ổn định hai bên eo biển Đài Loan do “vấn đề Đài Loan liên quan đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”.
http://biendong.net/diem-tin/24266-ban-tin-bien-dong-ngay-18-10-2018.html
Điểm mặt những tàu chiến TQ
đã từng triển khai ở Biển Đông
Từ năm 2010 đến nay, Trung Quốc đã triển khai nhiều loại tàu chiến hiện đại ở Biển Đông nhằm phục vụ tuần tra, giám sát (phi pháp) và từng bước khẳng định “chủ quyền” ở Biển Đông. Việc triển khai tàu chiến của Trung Quốc không chỉ khiến tình hình trong khu vực trở nên căng thẳng, mà còn đe dọa, ảnh hưởng nghiêm trọng đối với chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven Biển Đông.
Trung Quốc đã triển khai nhiều loại hình tàu khu trục tới Biển Đông
Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã triển khai 07 loại hình tàu khu trục ở Biển Đông, là các loại tàu khu trục biến thể của lớp Type 051 và Type 052, gồm: Tàu khu trục lớp Lữ Đại Type 051, Lữ Hải Type 051B, Lữ Châu 051C, Lữ Hồ Type 052, Lữ Dương I Type 052B, Lữ Dương II Type 052C, Lữ Dương III Type 052D.
Các tàu khu trục lớp Type 051 của Trung Quốc có một số đặc điểm chính sau: Lượng giãn nước từ 3.250 – 7.100 tấn; dài 132m – 150m, rộng 12,8m – 17m, mớn nước 4m – 6m; các tàu Type 051 được trang bị động cơ 2 turbine hơi nước; vận tốc các tàu từ 28 – 32 hải lý/h; tầm hoạt động từ 2.900 – 5.000 hải lý; quân số biên chế trên tàu từ 260 – 300 binh lính, trong đó sỹ quan chỉ huy chiếm 7% tổng binh lính biên chế trên tàu. Các tàu Type 051 được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, có tầm bắn và khả năng sát thương cao như: Trang bị 02 bệ phóng tên lửa chống hạm YJ-83 có tầm bắn khoảng 150km, 06 bệ phóng tên lửa phòng không S-300FM, 02 bệ phóng ngư lôi chống ngầm, trang bị trực thăng săn ngầm… Đa phần các tàu Type 051 được trang bị hệ thống radar cảnh giới có tầm quan sát tối đa 300km, có khả năng bám sát 40 mục tiêu; radar quan sát trên không và trên biển, radar điều khiển hỏa lực, radar điều khiển pháo và nhiều hệ thống sóng âm sonar. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã biên chế 5 trong tổng số 13 tàu Type 051 cho Hạm đội Nam Hải; cũng từng triển khai tàu Type 051C và tàu 051B tham gia tập trận ở Biển Đông.
Các tàu khu trục lớp Type 052 của Trung Quốc có một số đặc điểm chính sau: Lượng giãn nước từ 4.200 – 7.000 tấn; dài 144m – 157m, rộng 16m – 19m, mớn nước 5,1m – 6m; các tàu Type 052 được trang bị động cơ 2 turbine hơi nước 67.000 mã lực và 2 động cơ diesel 10.420 mã lực; vận tốc các tàu từ 28 – 32 hải lý/h; tầm hoạt động từ 4.500 – 6.000 hải lý; quân số biên chế trên tàu từ 280 – 300 binh lính, trong đó sỹ quan chỉ huy chiếm 7% tổng binh lính biên chế trên tàu. Các tàu Type 052 được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, có tầm bắn và khả năng sát thương cao như: Trang bị 08 bệ phóng tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm, 01 bẹ phóng phòng thủ tầm gần Type 730, 1 bệ phóng tên lửa HQ-10, 02 bệ phóng ngư lôi chống ngầm, trang bị trực thăng săn ngầm… Đa phần các tàu Type 052 được trang bị hệ thống radar phòng không đa công dụng 3D, hệ thống radar tầm xa Type 71H, hệ thống radar đối không, choosmg hạm, hệ thống vệ tinh, hệ thống radar cảnh giới và điều khiển hỏa lực có tầm quan sát tối đa 450km, có khả năng bám sát 50 mục tiêu; radar quan sát trên không và trên biển, radar điều khiển hỏa lực, radar điều khiển pháo và nhiều hệ thống sóng âm sonar. Trung Quốc đã biên chế 06 tàu Type 052 cho Hạm đội Nam Hải; từng triển khai phi pháp , 01 tàu chiến Type 052 và 01 tàu Type 052C tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; 02 tàu Type 052B tại đá Chữ Thập và 01 tàu Type 052C tại đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã nhiều lần cử các tàu chiến thuộc lớp Type 052 tham gia tuần tra, tập trận phi pháp ở Biển Đông.
Trung Quốc đã triển khai nhiều loại hình tàu hộ vệ tới Biển Đông
Bắc Kinh đã triển khai 07 loại hình tàu hộ vệ tới Biển Đông, là các phiên bản khác nhau của lớp Type 053, Type 054 và Type 056, cụ thể: Tàu lớp Giang Hỗ I – Type 053H, Giang Hỗ II – Type 053H1, Giang Hỗ V – Type 053H1G, Giang Vệ I – Type 053H2G, Giang Vệ II – Type 053H3, Giang Khải II – Type 054A và Giang Đảo – Type 056.
Các tàu Type 053 vốn là tàu khu trục hạm hạng nhẹ nhưng sau đó được Trung Quốc chuyển đổi mục đích sử dụng, cải tiến chúng thành các loại hình tàu hộ vệ. Đa phần các tàu thuộc lớp Type 053 có thiết kế gần giống nhau: Lượng giãn nước 1.660 tấn – 2.000 tấn; dài 105m, rộng 10,8m, mớn nước 3m; trang bị động cơ diesel 18.000 mã lực; vận tốc tàu khoảng 26-28 hải lý; tầm hoạt động trong phạm vi 4.000 – 5.000 hải lý; tàu được biên chế 180 – 200 binh lính. Các tàu Type 053 được trang bị nhiều loại vũ khí như 02 bệ phóng tên lửa chống hạm SY-1A có tầm băn 100 km hoặc YJ-83 có tầm bắn 150km, pháo cao xạ, 02 hệ thống phóng bom chống ngầm, hệ thống phóng ngư lôi, hệ thống phóng bom gây nhiễu điện từ… Các tàu Type 053 thường được trang bị hệ thống thông tin vệ tinh, hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống sonar và radar quan sát trên không tầm xa, radar quan sát trên biển, radar điều khiển hỏa lực, radar hàng hải. Hầu hết các loại Type 053 đều được Trung Quốc triển khai phi pháp tuần tra, tập trận và điều đến các đảo, đá ở Biển Đông như Phú Lâm, Gạc Ma, Chữ Thập, Xu Bi, Vành Khăn, Tri Tôn.
Các tàu Type 054A là thế hệ tàu hộ vệ đầu tiên của Trung Quốc có khả năng tàng hình và tác chiến biển xa, Hiện Trung Quốc có 26 tàu được chế tạo và biên chế cho hải quân, trong đó Hạm đội Nam Hải được biên chế 10 tàu. Các tàu Type 054A có lượng giãn nước 4.000 tấn, dài 134m, rộng 16m, mớn nước 4,5m; trang bị động cơ diesel 25.300 mã lực; tốc độ 27 hải lý/h; tầm hoạt động 4.000 hải lý. Trên các tàu Type 054A được trang bị 2 bệ phóng tên lửa YJ-83, 1 bệ phóng tên lửa HQ-16, pháp cao xạ, 2 bệ phóng ngư lôi, 2 bệ phóng bom nhiễu điện tử, 01 trực thăng săn ngầm. Ngoài ra, Type 054A được trang bị hệ thống khí tài điện tử tiên tiến, trong đó có hệ thống dữ liệu chiến đấu, hệ thống thông tin vệ tinh, radar cảnh giới 3D, radar quan sát mặt biển, radar điều khiển hỏa lực, radar hàng hải… Ngoài các tàu Type054A được biên chế cho Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc còn thường xuyên huy động một lượng lớn tàu Type 054A của Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Bắc Hải tới tuần tra, tập trận phi pháp trên Biển Đông.
Các tàu Type 056 là loại tàu hộ vệ tàng hình do Trung Quốc tự nghiên cứu, chế tạo, được triển khai trong việc tuần tra, phòng ngự biển gần và thực hiện các nhiệm vụ chấp pháp khác. Type 056 được sản xuất nhằm thay thế các tàu hộ vệ Type 053 và tàu săn ngầm Type 037 đã lỗi thời. Trung Quốc hiện đã đưa vào sử dụng 30 tàu Type 056 và có kế hoạch chế tạo thêm 60-70 tàu nữa. Hạm đội Nam Hải được biên chế 12 tàu Type 056. Các tàu Type 056 có lượng giãn nước 1.500 tấn, dài 90m, rộng 12m, mớn nước 4m; trang bị 02 động cơ diesel, vận tốc 25 hải lý/h, tầm hoạt động 3.500 hải lý; trên tàu được biên chế 78 binh lính. Hệ thống vũ khí trên tàu chủ yếu là pháp, tên lửa phòng không tầm ngắn HQ-10, tên lửa chống hạm, hệ thống phòng thủ tầm gần, ngư lôi, roket đa nòng và 01 trực thăng. Ngoài ra, tàu Type 056 được hệ thống khí tài điện tử tiên tiến, trong đó có hệ thống dữ liệu chiến đấu, hệ thống thông tin vệ tinh, radar cảnh giới 3D, radar quan sát mặt biển, radar điều khiển hỏa lực, radar hàng hải và hệ thống định vị thủy âm. Tuy được sản xuất nhằm tuần tra, giám sát trong vùng biển gần, nhưng Trung Quốc cũng nhiều lần điều các tàu Type 056 tham gia tập trận, tuần tra phi pháp ở đảo Quang Hòa, đá Gạc Ma và đá Chữ Thập của Việt Nam.
Trung Quốc tiếp tục sản xuất và triển khai tàu ngầm hoạt động phi pháp ở Biển Đông
Hiện hải quân Trung Quốc có 68 tàu ngầm, trong đó có những tàu được xếp vào loại tiên tiến và hiện đại trên thế giới như tàu ngầm hạ nhân chiến lược lớp Tấn (Type 094), tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Thương (Type 093), tàu ngầm tấn công lớp Nguyên (Type 041), tàu ngầm tấn công lớp Tống (Type 039G) và tàu ngầm Kilo điện – diesel mua của Nga (Type 636).
Trong số tàu ngầm của Trung Quốc, tàu Type 094 có lượng giãn nước khoản 9.000 tấn – 11.000 tấn, dài 133m, rộng 12,5m, trang bị 01 lò phản ứng hạt nhân trên tàu, tốc độ đạt khoảng 20-35 hải lý/h. Type 094 được trang bị 6 ống phóng ngư lôi, 12 ống phóng tên lửa thẳng đứng, 12 tên lửa Cự Lang JL-2 SLBM, 12-16 tên lửa JL-2 SLBM (type-2), 20-24 tên lửa JL-2 SLBM (type 3). Type 094 được trang bị 03 hệ thống sonar đặt lần lượt ở mũi tàu, bên sườn tàu. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cải tiến 01 phiên bản Type 094A được trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa JL-3 có tầm bắn lên đến 12.000km. Theo thông tin từ truyền thông phương Tây, Trung Quốc đang chế tạo và đưa vào sử dụng thêm 01 phiên bản tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ ba (Type 096), loại tàu ngầm này được xây dựng và phát triển dựa trên mẫu Type 094. Tuy nhiên, Type 096 được trang bị 24 tên lửa JL-2 SLBM.
Do đặc tính hoạt động bí mật, nên hiện mới chí có thông tin và hình ảnh chính thức xác nhận tàu ngầm Type 091, Type 092, Type 093 và Type 094 đã từng hoạt động ở Biển Đông. Theo giới chuyên gia, Trung Quốc đã triển khai 01 hạm đội tàu ngầm ở căn cứ hải quân Á Long, Tam Á, Hải Nam. Hạm đội trên được biên chế 03 tàu Type 091, 01 tàu Type 092, 02 tàu Type 093 và 03 tàu Type 094.
Tàu sân bay Liêu Ninh, vũ khí mới của Trung Quốc trên Biển Đông
Tàu Liêu Ninh được Trung Quốc mua và sửa chữa, nâng cấp từ tàu Varyag của Ucraina. Tàu Liêu Ninh chính thức đi vào hoạt động từ năm 2013. Theo thiết kế, Liêu Ninh có lượng giãn nước 65.000 tấn, dài 281m, rộng 71m, mớn nước 11m; tốc độ 32 hải lý/h; tầm hoạt động vào khoảng 4.000 hải lý; tàu được trang bị động cơ Turbin hơi nước, công suất 200.000 mã lực, 02 turbin 50.000 mã lực; tàu được trang bị 4 hệ thống radar PAR, 7 hệ thống tên lửa hạm đối không, 3 hệ thống tên lửa hạm đối hạm và 2 hệ thống tên lửa diệt tàu ngầm. Tàu Liêu Ninh của Trung Quốc có khả năng trở 50 máy bay chiến đấu như Su-33, MIG-29, J-15, máy bay cảnh báo sớm YAK-44, trực thăng chống ngầm Ka-27PL, trực thăm tìm kiếm cứu nạn… Tính đến thời điểm hiện tại, tàu sân bay Liêu Ninh đã tham gia nhiều cuộc tập trận, huấn luyện trên biển. Trong đó Biển Đông là một trong những khu vực được Trung Quốc ưu tiên hàng đầu hiện nay.
Trung Quốc cũng triển khai nhiều loại hình tàu tấn công nhanh, tàu chiến hạng nhẹ, tàu đổ bộ và tàu vận tải ở Biển Đông
Trong số những tàu chiến và tàu vận tải, tàu đổ bộ của Trung Quốc, có những loại tàu chiến được trang bị vũ khí hiện đại, có khả năng chiến đấu và vận chuyển tốt như: Tàu tên lửa tàng hình – Type 022 (Trung Quốc hiện có khoảng 70 tàu Type 022), tàu pháo sân ngầm – Type 037 (Trung Quốc có khoản 110 tàu), tàu pháo – Type 062, tàu đổ bộ – Type 071 (Trung Quốc mới có 4 tàu), tàu đổ bộ – Type 072 (Trung Quốc có 28 tàu). Hầu hết các loại hình tàu trên đều được trang bị cho Hạm đội Nam Hải.
Tàu tên lửa tàng hình – Type 022 là loại hình tàu tấn công nhanh, có cấu tạo kiểu hai thân xuyên sóng và có khả năng tàng hình tốt. Type 022 có lượng giãn nước 200 tấn, dài 42m, rộng 12,2m, mớn nước 1,5m; trang bị 2 động cơ diesel, tốc độ 36 hải lý/h. Type 022 được trang bị 2 bệ phóng tên lửa chống hạm, 01 bệ tên lửa phòng không tầm gần, pháo. Type 022 chủ yếu được Trung Quốc triển khai phi pháp tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tàu pháo săn ngầm – Type 037 chủ yếu được sản xuất từ những năm 50 và 60 của thế kỷ trước, song vẫn được Trung Quốc tận dụng và đưa vào hoạt động ở Biển Đông. Type 037 có lượng giãn nước 480 tấn, dài 65m, rộng 7m, mớn nước 2,3m; tàu trang bị 4 động cơ diesel 13.000 mã lực, vận tốc 32 hải lý/h. Type trang bị vũ khí tương đối đơn giản, gồm 2 bệ phóng tên lửa chống hạm YJ-81, 02 pháo tự hành, 3 bệ phóng ngư lôi. Giống như Type 022, Type 037 chủ yếu được Trung Quốc triển khai phi pháp tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tàu đổ bộ Type 071 là loại tàu đổ bộ đa chức năng lớn, có khả năng tham gia tác chiến đổ bộ, vận chuyển binh lính, xe tăng. Type 071 có lượng giãn nước khoảng 17.000 tấn – 25.000 tấn, dài 210m, rộng 28m, mớn nước 7m; trang bị 4 động cơ diesel 47.000 mã lực, vận tốc 22 hải lý/h, tầm hoạt động 6.000 hải lý. Type có khả năng chở 500 – 800 quân, 4 xuồng đổ bộ Type 726, 15-20 xe tăng thiết giáp. Hiện Hạm đội Nam Hải được trang bị 3 trong tổng số 4 tàu Type 071. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã 5 lần điều phi pháp tàu Type 071 ra đá Chữ Thập, đá Vành Khăn, đảo Phú Lâm của Việt Nam.
Tàu đổ bộ Type 072 là loại hình do Trung Quốc độc lập chế tạo, Type 072 là một trong những tàu đổ bộ có tốc độ nhanh nhất trên thế giới. Type o72 có lượng giãn nước 4.200 tấn, dài 119m, rộng 15,6m, mớn nước 3m; tàu được trang bị 02 động cơ diesel và có khả năng hoạt động trong phạm vi 3.000 hải lý. Type 072 có khả năng vận chuyển 500 tấn trang thiết bị khí tài quân sự, 200 binh lính, 10 xe thiết giáp, 02 xuồng chở quân. Type 072 được Trung Quốc sử dụng chủ yếu ở khu vực đả Chữ Thập và đá Xu Bi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Nhìn chung, Trung Quốc hiện là một trong những nước có số lượng tàu chiến và tàu ngầm nhiều nhất trên thế giới. Đa phần các tàu chiến và tàu ngầm của Trung Quốc đều đã được điều đến khu vực Biển Đông để tham gia các hoạt động tập trận, tuần tra, vận tải và trinh sát. Hành động này của Trung Quốc chỉ khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng và việc thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông tiếp tục rơi vào thế bế tắc.