Tin khắp nơi – 19/10/2018
Mỹ ‘tránh’ nói Trung Quốc thao túng tiền tệ
Hoa Kỳ tránh gọi Trung Quốc là ‘kẻ thao túng tiền tệ’ trong một động thái có thể giúp xoa dịu căng thẳng thương mại đang leo thang giữa hai nước.
Tổng thống Donald Trump trước đây đã cáo buộc Trung Quốc làm mất giá đồng nhân dân tệ để giúp cho xuất khẩu cạnh tranh hơn.
Tuy nhiên Bộ Tài chính Hoa Kỳ không tuyên bố chính thức cáo buộc trên trong báo cáo công bố tuần này.
Chính sách của Trung Quốc vẫn là “mối quan tâm đặc biệt”, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho hay.
Mỹ muốn đàm phán thương mại với Nhật, Anh và EU
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới VN lần hai trong năm
Sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh và sự suy yếu của đồng nhân dân tệ tiếp tục đặt ra những thách thức lớn đối với mục tiêu “cân bằng thương mại”, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết trong một báo cáo công bố hai lần mỗi năm về chính sách ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ.
Tuy nhiên, không thấy Bộ Tài chính Mỹ chỉ ra việc Trung Quốc đã trực tiếp can thiệp để làm suy yếu giá trị của đồng tiền.
Đồng nhân dân tệ đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng đô la kể từ tháng 1/2017, theo báo cáo.
Tổng thống Trump lập luận rằng tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã lấy mất việc làm của người Mỹ. Ông Trump đã ra lệnh áp gói thuế quan trị giá 250 tỷ đô la lên hàng xuất khẩu Trung Quốc để cố gắng ngăn chặn thâm hụt ngày càng tăng của Mỹ với Trung Quốc.
Trong lúc vận động tranh cử, và mùa hè vừa qua, ông Trump đã tuyên bố Trung Quốc đang theo đuổi chính sách phá giá đồng nhân dân tệ.
Đồng đô la Mỹ đã tăng giá so với đồng nhân dân tệ trong những tháng gần đây, làm nẩy sinh suy đoán rằng báo cáo tháng này của Mỹ có thể bao gồm những tuyên bố chính thức về sự thao túng tiền tệ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, tại các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ quốc tế ở Bali, Indonesia tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương nói rằng Bắc Kinh sẽ không tham gia vào việc làm mất giá đồng tiền để cạnh tranh, hoặc sử dụng tỷ giá hối đoái như một “công cụ để đối phó với những mâu thuẫn thương mại”.
Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết đã đưa Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc và Thụy Sĩ vào danh sách để tăng cường giám sát.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45898304
Trực thăng rơi trên tàu USS Ronald Reagan,
thủy thủ bị thương
Một máy bay trực thăng của Hải quân Hoa Kỳ rơi trên đường băng của tàu sân bay USS Ronald Reagan hôm 19/10, làm hơn 10 thủy thủ bị thương nhưng không gây tử vong, Hải quân Mỹ cho hay.
Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng máy bay MH-60 Seahawk bị rơi ngay sau khi cất cánh vào sáng 19/10, khi tàu sân bay ở ngoài khơi Philippines.
Tất cả các thủy thủ bị thương đều ở trong tình trạng ổn định sau đó, và thương tích của họ không đe dọa đến tính mạng, Hải quân cho biết, và nói thêm là các vết thương có nhiều mức khác nhau, từ những vết trầy xước nhỏ cho đến gãy xươngt. Những người bị thương nặng nhất đã được đưa đến một bệnh viện ở Philippines.
Các gia đình của những người bị thương đã được thông báo, Hải quân cho biết, trong khi tàu sân bay đã nối lại hoạt động bay.
Trung tá Hải quân Matt Knight, phát ngôn viên của Lực lượng 70, nói với tờ Stars and Stripes rằng 4 thành viên tổ bay đã có mặt trên chiếc máy bay trực thăng khi vụ tai nạn xảy ra. Ông nói 12 người đã bị thương và tàu sân bay chỉ bị hư hại ở mức tối thiểu.
Vụ tai nạn xảy ra trong khi Nhóm Tàu tấn công Ronald Reagan đang tiến hành các hoạt động thường lệ ở Biển Philippine, trải dài ở phía bắc và đông bắc Philippines. Nguyên nhân vụ việc đã được điều tra.
Tàu sân bay này đã tham gia cuộc duyệt binh hải quân quốc tế được tổ chức ngoài khởi đảo Jeju của Hàn Quốc hồi tuần trước.
(AP, FOX)
Báo Mỹ chỉ rõ 4 điểm yếu “chí mạng”
khiến TQ lép vếtrước Mỹ trong Chiến tranh Lạnh
Tất nhiên Mỹ vẫn có những vấn đề của riêng mình, nhưng Trung Quốc vẫn khó có cơ hội thắng được Mỹ trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới, tác giả Harry J. Kazianis khẳng định.
Nguy cơ “Chiến tranh Lạnh” kiểu mới
Kể từ đầu thập niên 1990, các nhà khoa học chính trị và lịch sử học trên toàn thế giới đã bắt đầu dự đoán về các kịch bản “Chiến tranh Lạnh” tiềm tàng giữa hai “ông lớn” Mỹ và Trung Quốc.
Và mặc dù giữa hai nước này đã từng trải qua những xung đột không nhỏ, nhưng thương mại luôn là chiếc “phao cứu sinh” cứu vãn mối quan hệ song phương ấy và ngăn những thảm họa khôn lường xảy ra.
Nhưng chiếc phao cứu sinh ấy không còn hiệu nghiệm nữa, kể từ khi cuộc xung đột thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng nổ ra hồi đầu năm nay.
Chuyện xảy ra không phải là điều gì đáng sửng sốt hay kinh ngạc. Chất “hồ kết dính” từ thập niên 70 trong mối quan hệ của Washington và Bắc Kinh đã biến mất từ 1/4 thế kỷ trước.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp Mỹ còn có mối quan tâm khác quan trọng hơn sau khi nhiều biến cố diễn ra như vụ khủng bố 11/9, hay cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008 khiến Mỹ phải mất rất nhiều năm để phục hồi.
Trung Quốc cũng vậy. Cho đến thập kỷ trước, Bắc Kinh vẫn chủ trương “giấu mình, chờ thời”, và đặt ưu tiên tập trung tăng cường tiềm lực kinh tế – quân sự để có thể chống chọi lại những mối đe dọa từ Washington.
Và “thời cơ” đã đến. Điều này thể hiện qua những động thái gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình như tăng cường quân sự hóa và xây dựng đảo trái phép trên các vùng biển lân cận, xây dựng lực lượng quân đội tầm cỡ thế giới có khả năng ngăn chặn và đánh bại quân đội Mỹ, lấy cắp sở hữu trí tuệ và chi hàng tỉ USD cho nghiên cứu quốc phòng…
Những động thái trên cho thấy Bắc Kinh dường như không chỉ muốn thống lĩnh tại châu Á và đẩy Mỹ ra khỏi khu vực này, mà còn muốn thay thế vị trí cường quốc số 1 của Mỹ trên trường thế giới.
Tất cả những điều trên cho thấy thế giới của chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới, được dự đoán là sẽ tái định hình trật tự thế giới trong tương lai. Rất nhiều nhà phân tích và học giả cũng đã dự đoán và lo lắng về kịch bản này. Vậy, giữa Mỹ và Trung Quốc, nước nào sẽ có nhiều khả năng giành chiến thắng trong cuộc chiến ấy?
Bắc Kinh sẽ thua cuộc
Nếu xét tổng thể sức mạnh của một quốc gia, thì Trung Quốc vẫn nên tránh các cuộc xung đột địa chính trị kéo dài, cho dù nước này sở hữu một nền kinh tế khổng lồ và tiềm lực quân sự tân tiến, mạnh mẽ. Bắc Kinh chắc chắn sẽ thua cuộc vì những lí do sau đây:
Thứ nhất, việc thắng hay bại trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố đồng minh. Thật không may, Trung Quốc chỉ có Triều Tiên là đồng minh quân sự.
Trái lại, mạng lưới liên minh của Mỹ trên toàn cầu lại rất rộng lớn; không chỉ mỗi NATO, Mỹ còn có các đồng minh thân thiết tại châu Á-Thái Bình Dương như Hàn Quốc và Nhật Bản – hai quốc gia thuộc top đầu thế giới về sức mạnh kinh tế và quân sự. Hơn nữa, Mỹ cũng sở hữu nhiều căn cứ quân sự tại châu Á và trên toàn thế giới.
Do đó, có thể nói rằng “độ phủ” về các mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và quân sự của Mỹ là “không có đối thủ”.
Thứ hai, cho dù sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày càng gia tăng, nhưng Mỹ vẫn có lợi thế lớn hơn về các hoạt động huấn luyện và khả năng chiến đấu của quân đội.
Quân đội Trung Quốc chưa từng tham chiến trên thực địa trong một thời gian khá dài kể từ sau năm 1979. Trái lại, Mỹ đã tham gia nhiều cuộc xung đột quân sự từ sau vụ khủng bố 11/9.
Lí do thứ ba là kinh tế. Nếu xét về triển vọng phát triển kinh tế, thì Mỹ vẫn “trên cơ” Trung Quốc về nhiều mặt và có nền tảng vững mạnh hơn.
Một số ý kiến có thể cho rằng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc hoàn toàn có khả năng vượt mặt Mỹ trong 10 năm, nếu xét theo GDP, nhưng nhiều nhà kinh tế học phản biện rằng điều đó là “viễn tưởng”. Thậm chí có chuyên gia còn khẳng định rằng Trung Quốc chỉ tăng trưởng ở mức 1%.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn đang phải đối mặt với một “núi nợ công” khổng lồ, trong khi phải chịu nhiều sức ép lớn từ phía Mỹ trong cuộc chiến thương mại.
Lí do cuối cùng, và cũng không kém phần quan trọng, là vấn đề dân số. Trung Quốc đang phải đối mặt với tác dụng ngược của chính sách một con được áp dụng trong nhiều năm nay, ban đầu vốn được triển khai để kiểm soát tốc độ gia tăng dân số chóng mặt.
Năm ngoái, Trung Quốc có 241 triệu dân số già. Ước tính đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên 487 triệu người, tương đương gần 35% tổng dân số nước này.
Tất cả những lí do kể trên mới chỉ ở mức bề mặt. Mỹ có lợi thế lớn trong các thị trường năng lượng, các thương hiệu phủ sóng toàn cầu, và sức hấp dẫn đặc biệt đối với các nhân tài trên thế giới – rõ ràng Trung Quốc khó có thể so bì với Mỹ về lâu dài.
Tất nhiên Mỹ vẫn có những vấn đề của riêng mình – như khoản nợ công và sự chia rẽ trong chính trường – tuy nhiên Bắc Kinh đừng mong thắng Washington dễ dàng. Trung Quốc nên nhìn lại bài học xương máu của Liên Xô trước đây để có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất cho mình.
Tổng thống Trump cho rằng Jamal Khashoggi
đã chết, nhưng tránh lên án Saudi Arabia
Washington DC.- Hôm Thứ Năm (ngày 18 tháng 10), Tổng thống Trump nhận định rằng nhiều khả năng ký giả Hoa Kỳ Jamal Khashoggi đã chết. Vì cho đến nay, chính quyền Saudi Arabia vẫn tránh né đưa ra kết luận về số phận của ông Khashoggi.
Tổng thống Trump đưa ra bình luận trên khi đang trên đường đến buổi vận động tranh cử ở Montana. Trả lời câu hỏi của phóng viên, tổng thống Trump nói có vẻ như ông Khashoggi đã thiệt mạng và điều đó thật đáng buồn. Tổng thống Trump cho biết Saudi Arabia sẽ chịu hành phạt nghiêm khắc nếu có liên quan đến sự việc này.
Vài giờ trước đó tại Tòa Bạch Ốc, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã phớt lờ câu hỏi về cái chết của ông Khashoggi khi ông trở về từ chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia. Hiện nay, Tổng thống Trump vẫn còn do dự trong việc chỉ trích nhà nước Saudi, viện dẫn lý do là vì khoản đầu tư hào phóng của nước này cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Trong chương trình 60 Minutes phát sóng hồi tuần trước, tổng thống Trump nói Saudi đang đặt mua nhiều tỉ đô thiết bị quân sự của Hoa Kỳ. Ông không muốn gây ảnh hưởng xấu đến việc làm của Hoa Kỳ, hay để vuột mất đơn hàng này.
So với tổng thống Trump, lời bình luận của ngoại trưởng Pompeo còn đậm chất ngoại giao hơn. Hồi đầu tuần này, ông Pompeo cho biết chính quyền Saudi cam kết sẽ bắt giữ bất cứ ai có liên quan, dù đó là viên chức cao cấp hay viên chức chính phủ. Ông Pompeo cũng từ chối bình luận về bất kỳ thông tin nào, và cho biết chính quyền Saudi muốn hoàn tất cuộc điều tra một cách kỹ lưỡng. (Mộc Miên)
Khảo sát cử tri gốc Á:
người gốc Việt ủng hộ TT Trump cao nhất
Các chuyên gia khảo sát bầu cử Hoa Kỳ cho VOA biết cộng đồng cử tri gốc Việt ủng hộ Tổng Thống Donald Trump cao nhất trong số các cử tri gốc Á.
Một cuộc khảo sát về cử tri gốc Á công bố vào tháng 10/2018 cho biết người Mỹ gốc Việt là cộng đồng gốc Á duy nhất có số đông ủng hộ Tổng thống Donald Trump, và với tỷ lệ cao nhất, lên đến 64%.
Đây là kết quả khảo sát do tổ chức phi đảng phái có nhiệm vụ xúc tiến quyền bầu cử cho Người Mỹ gốc Á và người Mỹ trên đảo Thái Bình Dương (APIAVote) và Viện Nghiên cứu Người Mỹ gốc Á và Người Mỹ trên đảo Thái Bình Dương (AAPIData) thực hiện từ ngày 23/8 đến 4/10 năm 2018 với 1.316 cử tri gốc Á tham gia, trong đó có 219 cử tri gốc Việt.
Thật là một điều thú vị khi chúng tôi phát hiện ra từ cuộc khảo sát này là cử tri gốc Việt là nhóm cử tri gốc Á ủng hộ cho Tổng Thống Donald Trump cao nhất.
Ông Karthick Ramkrishnan, Giám đốc Viện Nghiên cứu AAPIData
Ông Karthick Ramkrishnan, Giám đốc Viện Nghiên cứu AAPIData, đồng thời là Giáo sư Khoa Chính sách Công thuộc trường Đại học California Riverside, nêu nhận định của ông với VOA về kết quả cuộc khảo sát này:
“Thật là một điều thú vị khi chúng tôi phát hiện ra từ cuộc khảo sát này là cử tri gốc Việt là nhóm cử tri gốc Á ủng hộ cho Tổng Thống Donald Trump cao nhất.”
Kết quả cho thấy chỉ có 1/3 ủng hộ ông Trump (36%), nhưng trong số ủng hộ này thì tỷ lệ cao nhất là người gốc Việt, chiếm 64%, người gốc Philipines thì lưng chừng, khoảng 48%, kế đến là người Hàn Quốc, 32%.
Khi được hỏi “nhìn chung, quý vị tán thành hay không tán thành cách thức ông Donald Trump điều hành công việc tổng thống của ông?” 219 người gốc Việt tham gia khảo sát cho biết 64% tán thành, 32 % không tán thành, và 4% không có ý kiến.
Ngược lại, cũng với câu hỏi này cho 230 cử tri gốc Hoa tại Mỹ thì 24 % cho biết họ tán thành, tới 70% không tán thành Tổng Thống Trump, và 6% không có ý kiến.
Theo kết quả khảo sát, nhìn chung có tới 3/5 cử tri gốc Á (58%) không ủng hộ Tổng Thống Donald Trump, đặc biệt là cử tri trẻ tuổi từ 18 đến 34. Bất đồng cao nhất là nhóm cử gốc Nhật với 72% phản đối và chỉ có 14% ủng hộ ông Trump.
Theo các chuyên gia, kết quả khảo sát này hoàn toàn ngược lại kết quả khảo sát bầu cử giữa kỳ vào năm 2014 dưới thời Tổng thống Barack Obama, khi ấy có đến 50 % cử tri gốc Á ủng hộ ông và 36% phản đối ông Obama.
Bà Christine Chen, Giám đốc của Tổ chức Người Mỹ gốc Á và Người Mỹ trên đảo Thái Bình Dương (APIAVote), cho VOA biết kể từ lần khảo sát đầu tiên vào năm 2012 cho đến nay cử tri gốc Việt nhìn chung có khuynh hướng ủng hộ đảng Cộng hòa, nhưng riêng vào thời ông Obama thì đảng Cộng hòa bị mất một số cử tri gốc Việt và số này chuyển sang đảng Dân chủ.
Với kết quả khảo sát 2018, bà Chen cho rằng cử tri gốc Việt đã về lại phe Cộng hòa.
“Khảo sát của chúng tôi cho thấy trong hai năm qua họ (cử tri gốc Việt) đã quay về đảng Cộng hòa. Điều này có nghĩa là, cho dù là Dân Chủ hay Cộng hòa thì các ứng cử viên đều phải tận dụng cơ hội này để vận động các cử tri gốc Việt, vì đây là một cơ hội để thuyết phục cử tri ủng hộ cho ứng viên của mình.”
Khảo sát của chúng tôi cho thấy trong hai năm qua họ (cử tri gốc Việt) đã quay về đảng Cộng hòa.
Bà Christine Chen, Giám đốc của Tổ chức Người Mỹ gốc Á và Người Mỹ trên đảo Thái Bình Dương (APIAVote)
Ngoài ra, cuộc khảo sát của APIAVote và AAPIData còn cho biết cử tri gốc Việt dành sự ủng hộ nhiều nhất cho các ứng viên Cộng hòa tranh cử vào Hạ viện Hoa Kỳ trong năm nay so với các cử tri gốc Á khác: 46% ủng hộ ứng viên Cộng hòa 32% ủng hộ ứng viên Dân chủ, so với cử tri gốc Hoa: 22% ủng hộ Cộng hòa, 46% ủng hộ Dân chủ.
Trong cuộc đua vào Thượng viện năm 2018 thì 20% cử tri gốc Việt ủng hộ ứng viên Cộng hòa và 50% ủng hộ ứng viên Dân chủ.
Theo cuộc khảo sát 2018 khi được hỏi có ủng hộ cho bà Hiliary Clinton, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ năm 2016 hay không, 38% không ủng hộ, 36% ủng hộ.
Giáo sư Ramkrishnan nói cử tri gốc Việt cũng quan tâm đến chi tiêu của chính phủ và mong muốn rằng chính phủ nên mở rộng hoạt động (52%), đầu tư nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe cho tất cả các di dân, bất kể là di dân hợp pháp hay không hợp pháp (52%).
“Cử tri gốc Việt cũng quan tâm đến chăm sóc y tế, giáo dục, và đặc biệt là kiểm soát vũ khí mạnh hơn.”
Theo kết quả khảo sát, phần lớn cử tri gốc Á đồng thuận với đề xuất “Chúng ta nên có các luật lệ nghiêm ngặt hơn để kiểm soát súng ở Hoa Kỳ” với tỷ lệ ủng hộ từ 70% đến 86%.
Bà Rachel Potucek, Giám đốc Truyền thông của đảng Dân chủ ở khu vực quận Cam, bang California, nơi tập trung phần lớn cử tri gốc Việt tại Hoa Kỳ, cho VOA biết qua email rằng bà bất đồng với kết quả khảo sát này.
Tôi không đồng ý với kết quả khảo sát này vì chúng không mô tả đầy đủ thực trạng của cộng đồng người Việt.
Bà Rachel Potucek, Giám đốc Truyền thông của đảng Dân chủ ở khu vực quận Cam, bang California.
Bà nói: “Tôi không đồng ý với kết quả khảo sát này vì chúng không mô tả đầy đủ thực trạng của cộng đồng người Việt. Các thế hệ trẻ đang gắn bó chặt chẽ hơn với Đảng Dân chủ, trong khi các thế hệ người lớn tuổi thì ủng hộ Đảng Cộng hòa.”
Bà Potucek nói thêm: “Đảng Dân chủ là đảng chính trị duy nhất bảo vệ chính sách nhập cư, chăm sóc sức khỏe và kiểm soát súng. Đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu chống lại những vấn đề này. Ông Donald Trump đã ra sắc lệnh thu hồi luật DACA, và đã nhiều lần lên tiếng chống lại chính sách di dân, an toàn súng, và chăm sóc sức khỏe. Ông Donald Trump đã nhiều lần không lên tiếng vấn đề vi phạm nhân quyền của Việt Nam.”
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến (PIVOT), một tổ chức hỗ trợ cho người Mỹ gốc Việt cấp tiến ao ước xây dựng một nước Mỹ công bằng và đa dạng, đồng thời là giáo sư y khoa Đại học University of California, San Francisco (UCSF), nói với VOA rằng ông nghĩ kết quả khảo sát APIAVote và AAPIData vừa công bố chưa chính xác.
Bác sĩ Tùng nói:
Tôi chưa tin tưởng cuộc khảo sát được thực hiện một cách chính xác, họ chưa gặp những người gốc Việt mà chúng tôi nghĩ là tổng quát. Nói thẳng ra là có nhiều gốc Việt chưa được tham gia vào cuộc khảo sát này.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến (PIVOT).
“Tôi nghĩ rằng cái vấn đề mà người ta đang tập trung vào nhiều nhất là việc hơn 50% người Mỹ gốc Việt bênh vực cho ông Trump. Tôi chưa tin tưởng cuộc khảo sát được thực hiện một cách chính xác, họ chưa gặp những người gốc Việt mà chúng tôi nghĩ là tổng quát. Nói thẳng ra là có nhiều gốc Việt chưa được tham gia vào cuộc khảo sát này.”
Tiêu biểu như quận Cam, là nơi có số lượng người Việt tập trung đông nhất ở Mỹ và ở ngoài Việt Nam với khoảng 200 ngàn người, có phần lớn cử tri gốc Việt đăng kí theo Đảng Cộng hòa và có truyền thống thường bỏ phiếu cho các ứng cử viên Đảng Cộng hòa.
Nếu tính chung cả cử tri gốc Á, theo số liệu từ Trung tâm nghiên cứu Pew, thì tại quận Cam có khuynh hướng bỏ phiếu cho phe Dân chủ, với 65% xác định là thành viên đảng Dân chủ hoặc nghiêng về Dân chủ, và chỉ có 27% người xác nhận hoặc có ảnh hưởng của đảng Cộng hòa. Khi Pew bắt đầu theo dõi cuộc bầu cử người Mỹ gốc Á vào năm 1998, có 53% được xác định là đảng Dân chủ so với 33% là đảng Cộng hòa.
Nhưng vào năm 2016, Quận Cam lần đầu tiên bỏ phiếu cho ứng cứ viên tổng thống Đảng Dân chủ, với một xu hướng chính trị đang đổi chiều ở Quận Cam với các sắc dân trở nên đa dạng hơn và những cử tri thế hệ trẻ hơn bớt bảo thủ hơn.
Tuy nhiên, nếu đúng như nhận định của các chuyên gia thực hiện cuộc khảo sát với kết quả 64% cử tri gốc Việt ủng hộ ông Trump, nhiều dấu hiệu cho thấy phe Cộng hòa đang khôi phục lại sự ảnh hưởng thông qua các chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump, ít nhất là có một sự chuyển hướng trong cộng đồng cử tri gốc Việt tại Mỹ.
(Kỳ tới: Vì sao cử tri gốc Việt ủng hộ TT Donald Trump?)
Mỹ điều tra vụ linh mục xâm hại tình dục trẻ em
Bộ Tư pháp Mỹ đã mở một cuộc điều tra về việc các linh mục lạm dụng tình dục trẻ em ở tiểu bang Pennsylvania, bốn giáo phận Công giáo ở tiểu bang này cho biết hôm 18/10.
Các giáo phận Philadelphia, Pittsburgh, Erie và Allentown nói với Reuters rằng họ đã nhận được trát liên bang yêu cầu họ hợp tác điều tra sau một bản phúc trình của đại bồi thẩm đoàn trong đó tố cáo rằng hơn 300 linh mục Công giáo ở bang Pennsylvania đã xâm phạm tình dục hơn 1.000 trẻ em trong hơn 70 năm.
Các trát này cầu các giáo phận cung cấp các hồ sơ mật và lời khai từ các lãnh đạo cao cấp.
Các giáo phận này cho biết họ đang hợp tác với cuộc điều tra nhưng từ chối cho biết thêm chi tiết.
Bản phúc trình dài 884 trang được Chưởng lý bang Pennsylvania Josh Shapiro công bố hồi tháng Tám sau cuộc điều tra kéo dài hai năm có đưa ra những ví dụ hình ảnh của những trẻ em được các tu sỹ dạy dỗ và lạm dụng tình dục. Vào lúc đó, ông Shapiro nói rằng bảo phúc trình chủ yếu dựa trên những tài liệu trong kho lưu trữ mật được các giáo phận cất giữ, bao gồm lời thú tôi do các linh mục viết tay.
Bản phúc trình nêu tên 301 linh mục, một số người trong số này đã qua đời.
Hồi tháng Chín, các giám mục Công giáo ở Mỹ cho biết họ sẽ thiết lập một đường dây nóng để nhận trình báo về các vụ việc xâm phạm tình dục do các tu sỹ và nhân viên do Giáo hội tuyển dụng gây ra.
Cuộc điều tra của chính phủ liên bang đã mở ra một hiểm họa pháp lý cho Giáo hội Công giáo do các cuộc điều tra về linh mục xâm hại tình dục trước giờ vẫn chỉ được các giới chức tiểu bang và địa phương xử lý.
Không có dấu hiệu cho thấy Bộ Tư pháp có kế hoạch điều tra trên phạm vi toàn quốc.
TT Trump dọa triển khai quân,
đóng cửa biên giới vi làn sóng di dân
Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ triển khai quân đội và đóng cửa biên giới phía nam nước Mỹ vào thứ Năm, khi nhiều người Honduras và Salvador đã gia nhập số hàng nghìn người di cư từ Guatemala đi lên phía bắc.
“Tôi phải, trong điều kiện mạnh nhất, yêu cầu Mexico ngăn chặn sự tấn công này – và nếu không thể làm như vậy, tôi sẽ triệu tập Quân đội Hoa Kỳ và ĐÓNG BIÊN GIỚI PHÍA NAM CỦA CHÚNG TÔI!” Trump viết trên Twitter.
Hàng ngàn người di cư Honduras đi trong tuần này qua Guatemala đến Mexico, với hy vọng sẽ vượt biên sang Hoa Kỳ, thoát khỏi bạo lực và nghèo đói ở Trung Mỹ.
Những người di cư Trung Mỹ đã di cư từ Honduras qua những khu rừng lầy lội và các khu dân cư, một số trẻ em cũng đi bộ cùng ba lô.
Tại thành phố Guatemala, những khu vực trú ẩn của người di cư đông nghẹtngười, làn sóng di cư khởi hành vào lúc rạng sang trên những con đường dẫn đến Mexico. Khu vực biên giới gần nhất là khoảng 177 km.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chuẩn bị chuyến công cán trong ngày đến Panama và sau đó là Mexico City, nơi ông gặp Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto vào thứ Sáu.
Bộ ngoại giao Mexico không phản ứng ngay tức thì với yêu cầu bình luận. Bộ trưởng ngoại giao tiếp theo của Mexico cho biết ông không ngạc nhiên bởi những bình luận của Tổng thống Trump, nhưng không giải thích.
Ông Trump, người đã tìm cách giảm số người nhập cư và xây dựng một bức tường biên giới trên biên giới Mexico, tuần này đe dọa sẽ cắt viện trợ nếu các chính phủ Trung Mỹ không hành động.
Ông Trump tranh cử tổng thống vào năm 2016 với lời hứa củng cố chính sách nhập cư của Hoa Kỳ và xây dựng một bức tường dọc theo biên giới Hoa Kỳ với Mexico.
Nhập cư bất hợp pháp có thể là vấn đề hàng đầu trong cuộc bầu cử quốchộiHoa Kỳ vào ngày 6 tháng 11 tới đây, khi đảng Dân chủ được xem là có cơ hội tốt để giành quyền kiểm soát Hạ viện từ đảng Cộng hòa.
Thất vọng bởi Quốc hội không tài trợ toàn bộ kinh phí xây dựng bức tường theo đề xuất của mình tại biên giới với Mexico, ông Trump vào tháng 4 đã yêu cầu Vệ Binh Quốc Gia giúp Bộ Nội An bảo đảm biên giới ở bốn tiểu bang phía tây nam Hoa Kỳ.
Trong một chuỗi bài trên Twitter vào thứ Năm, Tổng thống Trump cũng cho biết vấn đề này quan trọng với ông hơn là thỏa thuận thương mại mới với Mexico để thay thế Hiệp ước thương mại tự do Bắc Mỹ.
“Cuộc tấn công vào đất nước của chúng tôi tại biên giới phía Nam gồm có cả các tội phạm hình sự và buôn bán ma túy, quan trọng hơn rất nhiều đối với tôi, với tư cách Tổng thống, hơn là thương mại hoặc USMCA. Hy vọng rằng Mexico sẽ ngăn chặn sự tấn công này tại biên giới phía Bắc của họ,” ông Trump viết.
Đoàn người di cư đã tăng số người tham gia đều đặn kể từ khi nó rời thành phố San Pedro Sula của Honduras vào ngày thứ Bảy. Hiện không có ước tính chính thức về số lượng người tham gia trong đoàn di cư này.
Tổng thống Guatemala Jimmy Morales cho biết hôm thứ Tư rằng chính phủ của ông bác bỏ những đe dọa được đặt ra liên quan đến viện trợ nước ngoài.
Ông nói ông đã nói chuyện với Tổng thống Honduras Juan Orlando Hernandez về việc đảm bảo những người di cư muốn trở về nhà và có thể làm điều đó một cách an toàn.
Ecuador trục xuất đại sứ Venezuela
Chính quyền Ecuador vào ngày 18/10/2018 đã trục xuất nữ đại sứ Venezuela Carol Delgado, sau khi bộ trưởng Thông Tin Venezuela có những lời chỉ trích bị cho là xúc phạm tổng thống Ecuador Lenin Moreno.
Thông tín viên RFI tại Quito, Éric Samson cho biết thêm chi tiết :
Bà đại sứ Delgado đã phải trả giá cho những lời lẽ bị cho là xúc phạm tổng thống Ecuador của bộ trưởng Thông Tin Venezuela, Jorge Rodriguez. Bộ Ngoại Giao Ecuador đã rất nghiêm khắc, khẳng định rằng « Cộng Hòa Ecuador không chấp nhận bất kỳ sự thiếu tôn trọng nào đối với lãnh đạo của mình ».
Sự vụ là hôm thứ Tư 17/10, trong diễn văn trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ông Rodriguez đã tố cáo tổng thống Lenin Moreno nói láo khi nói đến người di dân Venezuela, thổi phồng số lượng di dân. Vị bộ trưởng Thông Tin còn nói thêm là người Venezuela đến Ecuador đã bị ngược đãi, bóc lột như nô lệ, bị tấn công, bị kỳ thị…
Đáp trả những lời lẽ không chút gì ngoại giao này, bộ trưởng Thông Tin Ecuador Andrès Michelena cũng không nể nang, nhắc lại là hiện có 300.000 người Venezuela đang được đón tiếp tại Ecuador, và nước ông sẽ không đóng cửa biên giới vì làn sóng di dân sẽ tiếp diễn do chính quyền tồi tệ của tổng thống Venezuela Maduro, đại diện của một chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21, đồi bại, dối trá, giết người.
Giáo hoàng sẵn sàng thăm Bắc Hàn
nhưng tránh Đài Loan?
Tuyên bố này được đưa ra hôm 18/10/2018 khi Đức Giáo hoàng Francis tiếp Tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae-in tại Rome.
Ông Moon chuyển lời mời từ nhà lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong-un.
Một phát ngôn viên của Vatican xác nhận “có lời mời như thế” nhưng Vatican nói còn đợi “thư mời chính thức” từ Bình Nhưỡng.
Ông Moon không chỉ kể lại cho Đức Giáo hoàng Francis về chuyến thăm của ông đến Bình Nhưỡng hồi tháng 9, mà còn chuyển lời giúp vị lãnh đạo trẻ tuổi của miền Bắc.
Theo lời một người phát ngôn cho Tổng thống Moon thì Giáo hoàng Francis “muốn thấy một thư mời chính thức” để Ngài thăm Bình Nhưỡng.
Vẫn nguồn tin của Hàn Quốc nói Đức Giáo hoàng người Argentina “ủng hộ mạnh mẽ cho tiến trình hòa bình” trên bán đảo Triều Tiên.
‘Sẽ không thăm Đài Loan’
Đức Giáo hoàng gửi thông điệp tới giáo dân TQ
Kim Jong-un mời Giáo hoàng thăm Bình Nhưỡng
Đức Giáo hoàng tiếp Chủ tịch Việt Nam
Cùng dịp này, trong một tuyên bố riêng rẽ, Vatican nói Giáo hoàng Francis “không có kế hoạch thăm Đài Loan”.
Sự việc diễn ra sau khi Phó Tổng thống Đài Loan Trần Kiến Nhân (Chen Chien-jen) chính thức mời Giáo hoàng Francis sang thăm đảo quốc.
Trong cuộc diện kiến Giáo hoàng Francis cuối tuần qua, vị khách Đài Loan đã ngỏ lời mời, nhưng Giáo hoàng “chỉ mỉm cười”.
Điều này xảy ra trong bối cảnh tháng trước Vatican ký thỏa thuận quan trọng với Bắc Kinh để tạo lập cơ chế bổ nhiệm chung các chức giám mục tại Trung Quốc, một dấu hiệu hai bên tiến lại gần nhau.
Hiện Vatican vẫn không có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc mà giữ quan hệ đó với Trung Hoa Dân Quốc, tức Đài Loan, tuy không cử đại sứ sang đóng tại Đài Bắc.
Ở Đài Loan đang có lo ngại thỏa thuận với Bắc Kinh sẽ dẫn tới việc Vatican bỏ Đài Loan để lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.
Trung Quốc có khoảng 12 triệu người Công giáo và Giáo Hoàng Francis hy vọng thỏa ước ký tháng trước “sẽ giúp làm cho các vết thương của quá khứ liền da” và mang lại sự đoàn kết Công giáo trọn vẹn ở Trung Quốc.
Vị Giáo hoàng hiện nay có quan điểm khác vị tiền nhiệm, Giáo hoàng Benedict XVI, người cho rằng Hội Công giáo ‘ái quốc’ do nhà nước Trung Quốc kiểm soát là không phù hợp với Giáo hội toàn cầu.
Hiện nay cả ba quốc gia cộng sản có tín đồ Công giáo tại vùng Đông Á là Việt Nam, Trung Quốc và CHDC Nhân dân Triều Tiên đều chưa hề đón một vị giáo hoàng nào tới thăm.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45908445
EC đệ trình ký kết
2 hiệp định thương mại – đầu tư với Việt Nam
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 18/10 đã thông qua việc đệ trình Hiệp định Tự do Thương mại (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, chuẩn bị cho việc ký kết và hoàn tất tiến trình.
Trong thông cáo của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho rằng Hiệp định Tự do Thương mại và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư với Việt Nam đã minh chứng cho chính sách thương mại của châu Âu. Hai hiệp định này mang lại những lợi thế và lợi ích chưa từng có trong tiền lệ cho các doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng ở châu Âu và Việt Nam.
Cụ thể, EVFTA sẽ xóa bỏ trên 99% thuế quan với hàng hóa giao thương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Thỏa thuận cũng sẽ giải quyết hàng rào phi thuế quan trong ngành ô tô và bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho
169 sản phẩm của châu Âu, tạo điều kiện cho các công ty EU tham gia đấu thầu bình đẳng với công ty Việt Nam trong hợp đồng công.
Ngoài ra, EVFTA còn có những cam kết mạnh mẽ có tính ràng buộc pháp lý về phát triển bền vững, bao gồm cả việc tôn trọng quyền con người, quyền lao động, bảo vệ môi trường và đấu tranh với biến đổi khí hậu, với tham chiếu rõ ràng tới Hiệp ước Paris.
Trong khi đó, Hiệp định Bảo hộ Đầu tư bao gồm quy định hiện đại và có tính thực thi cao thông qua Hệ thống Toà án Đầu tư mới. Thỏa thuận này được cho là sẽ giúp tạo bước tiến xa hơn về hợp tác ở tầm khu vực giữa Đông Nam Á và châu Âu.
Ông Juncker nhận định việc thông qua đệ trình ký kết 2 hiệp định vài giờ trước khi chào đón đại biểu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEM – EU thể hiện cam kết của Ủy ban châu Âu về thương mại cởi mở với châu Á.
Theo Cao ủy về Thương mại, bà Cecilia Malmström, EC đã có 2 hiệp định tiến bộ và rất giá trị với Việt Nam.
Bà Malmström đánh giá Việt Nam có những tiềm năng to lớn về làm ăn cho các nhà đầu tư và xuất khẩu EU trong cả hiện tại và tương lai nhờ sở hữu thị trường sôi động và lực lượng lao động trẻ.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của EU tại Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chỉ sau Singapore, với thương mại hàng hóa trị giá 47,6 tỷ Euro và thương mại dịch vụ ở mức 3,6 tỷ Euro một năm.
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang EU các mặt hàng thiết bị viễn thông, hàng may mặc và thực phẩm. Ngược lại, EU xuất khẩu sang Việt Nam máy móc và thiết bị vận tải, hóa chất và nông sản.
Ăn phải “quả đắng” của TQ, nhiều nước châu Phi
dù đói đến mấy vẫn phải vội nhả ra
Chuyên gia Mỹ đã chỉ ra 4 lí do khiến nhiều nước châu Phi dần “buông tay” Trung Quốc.
Thời gian gần đây, ảnh hưởng của Trung Quốc tại “Lục địa Đen” châu Phi ngày càng được tăng cường. Điều này đã được chính các bên tuyên bố trong Diễn đàn về Hợp tác Trung Quốc – châu Phi (FOCAC) hồi tháng 9 vừa qua, cùng với đó là lời cam kết của Bắc Kinh về khoản vay hỗ trợ phát triển 60 tỉ USD – được tuyên bố là “không ràng buộc” – dành cho các nước châu Phi.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử lịch sử của Zimbabwe năm nay đã cho thấy ngày càng có nhiều người châu Phi phản đối sự hỗ trợ và tiền của Trung Quốc. Ví dụ, trong chiến dịch tranh cử, ứng cử viên đảng đối lập Nelson Chamisa đã cam kết sẽ “đuổi cổ” hết các doanh nghiệp Trung Quốc khỏi châu Phi, tuy nhiên sau đó ông này không dành được thắng lợi.
Một ví dụ điển hình khác là trong cuộc bầu cử năm 2011 của Zambia, khi ứng cử viên đối lập Michael Sata luôn chỉ trích các thương nhân Trung Quốc là “những kẻ trục lợi”. Quan điểm này đã giúp ông Sata giành thắng lợi trước Tổng thống đương nhiệm vào thời điểm đó là Rupiah Banda.
Mới đây, một quốc gia nghèo ở châu Phi – Sierra Leone – đã bất ngờ tuyên bố hủy dự án xây dựng sân bay 318 triệu USD hợp tác với Trung Quốc, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022. Rõ ràng thái độ phản đối Trung Quốc không chỉ xuất hiện trong các cuộc tranh cử, mà đang ngày càng phổ biến hơn trong cộng đồng các quốc gia trên Lục địa Đen.
Ông Richard Aidoo, Phó Viện trưởng kiêm Phó Giáo sư chính trị của trường Nghệ thuật và Nhân văn Thomas W. và Robin W. Edwards, Đại học Coastal Carolina, đã chỉ ra 4 lí do khiến nhiều nước châu Phi dần “buông tay” Trung Quốc:
1. Kinh tế đi liền với chính trị
Đối với phe ủng hộ hợp tác với Trung Quốc, thì khoản vay “hời” từ Bắc Kinh không chỉ được quy đổi ra cơ sở hạ tầng, mà nó còn tạo ra nhiều việc làm mới cho đất nước. Tuy nhiên, nhiều quốc gia châu Phi đã hợp tác với Bắc Kinh trong thời gian dài, nhưng tỉ lệ người thất nghiệp và thu nhập thấp vẫn gia tăng.
Ví dụ, tại một trong các đối tác thành công nhất của Trung Quốc tại châu Phi là Nam Phi, tỉ lệ người thất nghiệp vẫn tiếp tục tăng, và ước tính sẽ vượt quá 26% trong năm 2018. Các đảng đối lập có thể tận dụng điều này để thuyết phục người dân rằng các khoản vay từ Trung Quốc thiếu hiệu quả.
Tân Tổng thống Julius Maada Bio của Sierra Leone cũng từng chỉ trích các dự án của Trung Quốc là “lừa đảo” trong một cuộc tranh biện, và sau khi nhậm chức, ông đã thẳng tay hủy dự án trăm triệu đô do người tiền nhiệm kí kết với Bắc Kinh.
2. Lo ngại về nguồn tài nguyên
Kinh tế châu Phi chủ yếu phụ thuộc vào nguồn tài nguyên, khoáng sản, và đây cũng chính là mặt hàng được Trung Quốc nhập nhiều. Theo số liệu của Sáng kiến Nghiên cứu Trung – Phi, 3 loại tài nguyên được Trung Quốc nhập nhiều nhất từ châu Phi trong năm 2015 là dầu mỏ, đồng và quặng kim loại.
Do ngành khai thác tài nguyên và khoáng sản là trọng tâm của kinh tế châu Phi, nên sự hiện diện của nước ngoài trong lĩnh vực này thường dấy lên nhiều quan ngại trong dư luận. Sự “quan tâm” của Trung Quốc cũng không phải là là ngoại lệ.
Ngoài ra, còn có một số báo cáo về vấn đề người lao động châu Phi phải làm việc trong môi trường không đảm bảo tại các khu vực khai thác do Trung Quốc sở hữu.
3. Hàng kém chất lượng của Trung Quốc tràn ngập thị trường châu Phi
Theo kết quả khảo sát năm 2016 của Afrobarometer tại 35 quốc gia châu Phi, 35% số người tham gia cho rằng các mặt hàng của Trung Quốc kém chất lượng.
Mặc dù các mặt hàng này có giá thành rẻ và phù hợp với mức thu nhập thấp của người tiêu dùng châu Phi, nhưng họ không muốn thấy các công trình được xây dựng bằng vật liệu kém chất lượng, hoặc mua phải các loại dược phẩm giả.
4. Nỗi lo về chủ nghĩa thực dân mới trong quan hệ Trung-Phi
Nhiều chính trị gia phương Tây lập luận rằng sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi chính là một hình thức “chủ nghĩa thực dân mới”, và khoản vay từ Bắc Kinh của châu lục này cũng là một điều rất đáng lo ngại.
Sri Lanka, Djibouti là các quốc gia đã vay khoản tiền lớn từ Trung Quốc, và đã buộc phải cho Bắc Kinh thuê các cơ sở hạ tầng chiến lược trong 99 năm để cấn trừ nợ. Từ bài học xương máu này, nhiều ý kiến cũng lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng các khoản vay để gây áp lực với các quốc gia châu Phi về chính trị và kinh tế.
EU sắp ký thương ước với Singapore,
tránh chỉ trích Trung Quốc
Liên hiệp châu Âu dự kiện ký một thỏa thuận thương mại với Singapore hôm 19/10 sau cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo châu Á muốn đẩy lùi chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ, nhưng những nỗ lực khuyến khích Trung Quốc bỏ trợ cấp nhà nước đã bị Bắc Kinh chống lại.
Hội nghị Á-Âu hai năm một lần (ASEM) quy tụ các nhà lãnh đạo đại diện cho 65% sản lượng kinh tế toàn cầu – đến từ EU, Thụy Sĩ, Na Uy và 21 nước châu Á, trong đó có Nga và Trung Quốc.
Bản thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh dự kiến sẽ không bao gồm lời kêu gọi các chính phủ chấm dứt làm méo mó các giao dịch thương mại, theo thông tin về bản thảo mới nhất và theo lời các nhà ngoại giao EU.
Trung Quốc đã đề nghị về những thay đổi đó trong cuộc đàm phán qua đêm với các quan chức cấp cao của EU và châu Á, hai nhà ngoại giao cho biết. Thay vào đó, tuyên bố sẽ cam kết về “thương mại tự do và cởi mở trên một sân chơi bình đẳng” và chống lại “tất cả các hình thức bảo hộ”, một lời nói gián tiếp về thuế quan mà Tổng thống Trump của Mỹ đánh vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc trực tiếp trợ giá cho các công ty nhà nước thông qua các ngân hàng Trung Quốc để giúp họ thống trị thị trường toàn cầu, phá vỡ các quy tắc do Tổ chức Thương mại Thế giới đặt ra, trong khi Trung Quốc là thành viên của tổ chức.
Sau các phiên họp về cải thiện kết nối và hệ thống đa phương, cũng như một loạt các cuộc họp song phương, hội nghị thượng đỉnh dự kiến kết thúc hôm 19/10 với việc EU ký một hiệp ước với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
Công tác chuẩn bị cho hiệp ước này đã kéo dài 8 năm. Các cuộc đàm phán kết thúc năm 2014, nhưng khi xảy ra ngày càng nhiều hoạt động phản đối các hiệp ước thương mại khác, như bản dự kiến sẽ ký với Mỹ và bản đã đạt được với Canada, hiệp ước với Singapore đã được chuyển đến Tòa án Tư pháp châu Âu để được chuẩn thuận.
Ủy ban châu Âu hy vọng hiệp ước này, vẫn cần được Nghị viện châu Âu hậu thuẫn, sẽ có hiệu lực vào năm tới.
Nó có thể là bước tiếp theo của một hiệp định thương mại tự do lớn hơn mà EU lên kế hoạch với Nhật Bản, và sẽ là hiệp định thương mại đầu tiên của EU với một thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 nước.
EU vẫn quan tâm đến một hiệp định với toàn bộ khối ASEAN, sau khi các cuộc đàm phán bị hoãn lại hồi năm 2009. Trong khi đó, các nhà đàm phán EU đã đạt thỏa thuận về một hiệp định thương mại với Việt Nam, và đang đàm phán với Indonesia, cũng như đã đàm phán với ba thành viên ASEAN khác.
https://www.voatiengviet.com/a/eu-sap-ky-thuong-uoc-voi-singapore-tranh-chi-trich-tq/4620382.html
Pháp: Bất bình đẳng chăm sóc y tế
giữa nông thôn và thành thị
Tại Pháp, ốm (bệnh) cũng cần kiên nhẫn. Ngồi chờ đến lượt ở phòng khám tư nhân hay bệnh viện, may mắn thì 15-20 phút, thậm chí 40 phút hoặc hơn một giờ là chuyện bình thường dù đã có hẹn trước. Nhưng để có được một cuộc hẹn là cả nhiều ngày chờ đằng đẵng, cần có đủ kiên nhẫn và đặc biệt… không được quên ngày hẹn.
Pháp có hệ thống chăm sóc y tế, cùng với đội ngũ y-bác sĩ có chuyên môn cao, tận tình, nhưng họ cũng đang bị quá tải. Nếu như cần trung bình từ 2 đến 6 ngày để có được một cuộc hẹn với bác sĩ đa khoa, số ngày chờ tăng lên gấp 10, thậm chí gấp 15-20 lần để lấy hẹn được với một số bác sĩ chuyên khoa : 50 ngày với một bác sĩ tim mạch, 60 ngày với một bác sĩ da liễu, 80 ngày với một bác sĩ mắt…
Đây là thống kê được nêu trong bản báo cáo ngày 08/10/2018 của Drees (Cơ quan Nghiên cứu, Thẩm định và Dữ liệu), trực thuộc bộ Y Tế Pháp. Bản báo cáo cho thấy sự chênh lệch rất lớn về khả năng tiếp cận với chăm sóc y tế, sự bất cân bằng giữa đô thị và vùng xa, được nhật báo Le Monde ngày 10/10/2018 đánh giá là « Một nước Pháp với nhiều tốc độ ». Có nghĩa là những nơi có mật độ bác sĩ (hoạt động độc lập) ít hơn thì thời gian chờ càng lâu hơn. Ví dụ, tại Paris và vùng phụ cận, thời gian để có được một cuộc hẹn với bác sĩ mắt là khoảng 29 ngày, nhưng ở những đô thị nhỏ hơn thì phải chờ đến 97 ngày.
Tuy nhiên, vẫn theo Le Monde, phần lớn người Pháp hài lòng về thời gian chờ đợi vì họ thường lên lịch cho lần hẹn khám tiếp theo. Chỉ có hai chuyên ngành, khoa mắt và da liễu, bị gần nửa người dân Pháp đánh giá là thời gian chờ « quá lâu ». Ở một số tỉnh, như Orne (tây bắc nước Pháp), chỉ còn hai bác sĩ da liễu. Bệnh nhân phải đi gần 50-60 km để khám bệnh.
1/3 địa phương Pháp trong tình trạng “thiếu hụt chăm sóc y tế”
Dựa vào số liệu mới của bộ Y Tế Pháp, báo Le Figaro (10/10/2018) đã lập bản đồ hơn 11.300 « địa điểm thiếu hụt chăm sóc y tế » (désert médical) (chiếm gần 1/3 số địa phương của Pháp) ; gần 20% người dân Pháp sống trong những vùng như vậy.
Bác sĩ nha khoa Đỗ Thị Thủy Thảo, làm việc tại một phòng khám nha khoa ở thành phố Châtillon (ngoại ô Paris), giải thích một số lý do khiến vùng xa xôi, hoặc địa phương có ít dân cư, không hấp dẫn các bác sĩ trẻ :
« Hiện nay, các bác sĩ ngày càng ít chấp nhận luôn sẵn sàng cả ngày, trái với các vùng được cho là xa xôi, nơi mà bác sĩ không được nghỉ ngơi. Ngoài ra, còn phải kể đến thiếu vắng trong lĩnh vực dịch vụ và thương mại. Vì thế, các bác sĩ và gia đình họ không thích đến sống ở các vùng hẻo lánh mà không có dịch vụ.
Một bác sĩ thường phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi hoạt động ở vùng nông thôn, ví dụ như sức hấp dẫn, quá tải về giấy tờ hành chính, thu nhập ít hơn. Bác sĩ trẻ hiện nay không muốn đi theo thế hệ trước, làm việc một mình, không thư ký, luôn sẵn sàng từ sáng đến tối. Khi một phòng khám cần nhượng lại, được trang bị đầy đủ và có một thư kí, thì phòng khám đó dễ tìm được bác sĩ chấp nhận mua lại.
Ở những vùng xa xôi, không dễ dàng gì để các bác sĩ trẻ sống và làm việc. Vì vậy, ở đó thường có các nhà chăm sóc y tế. Hoàn cảnh của các bác sĩ cũng khó khăn với các bó buộc ngày càng nhiều. Khi một bác sĩ quen biết mọi người thì rất khó đặt ra được giới hạn. Mọi người đến tận nhà tìm bác sĩ, kể cả vào Chủ Nhật ».
Điều ngạc nhiên là ngay cả một số thành phố ngoại ô Paris cũng rơi vào tình trạng « thiếu hụt chăm sóc y tế ». Ngày 18/09, khi giới thiệu chiến lược cải tổ hệ thống y tế, tổng thống Pháp Macron nhấn mạnh : « Những khu vực thiếu hụt chăm sóc y tế không chỉ nằm ở nông thôn, mà còn nằm trong những khu đô thị gần các thành phố lớn, trong các khu phố nghèo khó nhất ».
Nguyên nhân đầu tiên, được nêu trong báo cáo của Drees năm 2017, là số bác sĩ đa khoa hành nghề độc lập tại các phòng khám ngày càng ít đi kể từ năm 2010, trong đó gần một nửa đã ngoài 60 tuổi. Tình hình này sẽ chưa được cải thiện trước năm năm 2025.
Bác sĩ trẻ « ngại » về nông thôn và vùng hẻo lánh
Thực vậy, rất nhiều bác sĩ trẻ không thích làm việc kiểu biệt lập, đặc biệt là ở vùng nông thôn, theo giải thích của bác sĩ đa khoa Jean-Paul Hamon ở thành phố Clamart, bị đưa vào danh sách « vùng ưu tiên » về y tế, trong khi chỉ cách Paris chưa đầy 10 km. Đây cũng là nhận định của bác sĩ Thủy Thảo :
« Sinh viên ngành Y thường xuất thân từ tầng lớp trung lưu hoặc cao hơn. Họ gần như thường sống, hoặc thậm chí toàn sống ở thành phố. Vì thế, trừ khi có cảm tình mạnh mẽ với một vùng nào đó, thì việc đến sống và làm việc ở khu vực nông thôn, hẻo lánh có thể là sự tách rời khỏi môi trường của họ. Sống ở nông thôn không phải là sống với ít người xung quanh hơn. Việc này đòi hỏi sự thích nghi. Rất nhiều người thành phố từng thử « về nông thôn » nhưng bị vỡ mộng sau khi ấp ủ nhiều hy vọng lãng mạn nhưng phi thực tế.
Hơn nữa, trong số các bác sĩ trẻ, có đến 60% là phụ nữ. Thường thì họ tình nguyện làm nhân viên với thời gian làm việc hạn chế hơn, điều mà chỉ có thể thấy ở những thành phố lớn.
Phần lớn sinh viên mong muốn được làm việc theo nhóm hoặc trong một cơ cấu. Vì họ có cơ hội thảo luận về việc chăm sóc bệnh nhân với đồng nghiệp và các nhóm đa chuyên môn, tham gia vào các dự án của cơ quan đó, mà vẫn tiếp tục được đào tạo.
Các thành phố lớn thu hút bác sĩ trẻ vì hệ thống dịch vụ tốt. Họ không gặp khó khăn để làm thủ tục giấy tờ vì mọi cơ sở hành chính đều nằm gần nhau. Các trung tâm thương mại cũng nhiều hơn. Trong trường hợp gặp vấn đề về sức khỏe, các bệnh viện và đội ngũ bác sĩ cũng đông hơn nên họ được điều trị nhanh hơn. Thêm vào đó là hệ thống giao thông dày đặc. Nếu sống ở nông thôn, phần lớn bác sĩ chỉ sử dụng xe hơi của mình. Ngược lại, ở thành phố có rất nhiều lựa chọn (tầu điện ngầm, xe buýt, tầu điện hoặc tầu hỏa).
Một yếu tố khác là có rất nhiều hoạt động giải trí, như bảo tàng, rạp chiếu phim, hòa nhạc… nên không cảm thấy buồn tẻ và rất tiện khi họ có con. Cuối cùng chính là yếu tố trường học cho con cái. Họ có nhiều lựa chọn hơn (trường công, trường tư, trường quốc tế…), trong khi ở vùng hẻo lánh có rất ít lựa chọn ».
Nhiều ưu đãi cho bác sĩ tình nguyện về nông thôn
Theo lộ trình cải cách Y tế của chính phủ Pháp, cần giảm bớt cường độ cho các bác sĩ, có nghĩa là một số công việc có thể được giao cho trợ lý y tế. Mục tiêu đề ra là tiết kiệm được 15 đến 20% thời gian khám bệnh. Theo tổng thống Pháp, cần có thêm 2.000 bác sĩ từ giờ đến năm 2020. Trước mắt, các bác sĩ nghỉ hưu được khuyến khích tiếp tục làm việc.
Tiếp theo, làm thế nào để thu hút được các bác sĩ trẻ về vùng ít thuận lợi hơn ? Bác sĩ Thủy Thảo giải thích :
« Họ không bị bắt buộc những được khuyến khích mạnh mẽ. Ví dụ, loại hợp đồng cam kết dịch vụ công (Contrat d’engagement de service public, CESP) cấp học bổng 1.200 euro/tháng cho sinh viên ngành Y nào cam kết về làm việc ở vùng khó khăn. Tiếp theo là loại hợp đồng Bác sĩ đa khoa khu vực (Praticien territorial de médecine générale, PTMG), dành cho các bác sĩ trẻ muốn lập nghiệp ở các vùng thiếu thầy thuốc. Họ được đảm bảo tổng thu nhập 6.900 euro/tháng với điều kiện thăm khám ít nhất 165 lần/tháng.
Quy ước Y Tế 2014 còn áp dụng một loại hợp đồng giúp đỡ các bác sĩ hoạt động ở những vùng ít được trang bị. Số tiền này là 50.000 euro và bác sĩ cam kết làm việc ở đó trong vòng 5 năm ».
Một số địa phương đã đi trước một bước khi giúp các bác sĩ nội trú trẻ mở phòng khám ngay trong bệnh viện với giá thuê hợp lý. Lấy ví dụ bệnh viện ở xã Palais, tỉnh Morbihan, đã cho các bác sĩ hoạt động độc lập « mượn » phòng khám, cấp thư ký và để họ truy cập hệ thống tin học với giá thuê rất ưu đãi, 500 euro/tháng.
Đây cũng chính là hướng mà chính phủ Pháp muốn phát triển. Khi giới thiệu chiến lược cải tổ hệ thống y tế, tổng thống Pháp và bộ trưởng Y tế đã đề xuất thành lập các Cộng đồng Khu vực chuyên ngành Y tế (Communauté professionnelles territoriales de santé, CPTS) vì, theo thống kê năm 2016, có đến 52% bác sĩ đa khoa trẻ, hoạt động tự do, muốn làm việc theo nhóm. Họ không muốn đi theo gương các đồng nghiệp thế hệ trước, tự làm mọi công việc.
http://vi.rfi.fr/phap/20181019-phap-bat-binh-dang-cham-soc-y-te-giua-nong-thon-va-thanh-thi
Vụ án Jamal Khashoggi:
Cảnh sát Thổ tiếp tục tìm kiếm
Cảnh sát tại Thổ Nhĩ Kỳ đã mở rộng cuộc tìm kiếm quanh cáo buộc một nhà báo Saudi Arabia, Jamal Khashoggi, bị giết.
Anh và Mỹ ‘có thể tẩy chay’ hội nghị ở Ả Rập Saudi
Thổ Nhĩ Kỳ: Erdogan và đối thủ chê bai nhau
Giới chức Thổ giấu tên được dẫn lời nói thi thể người này có thể đã bị tiêu hủy trong khu rừng Belgrad hoặc trên đất nông nghiệp.
Ông Khashoggi mất tích sau khi đi vào tòa lãnh sự Saudi ở Istanbul ngày 2/10.
Sau đó chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc ông đã bị Saudi Arabia hạ sát.
Saudi Arabia bác bỏ, nói rằng không biết chuyện gì xảy ra.
Giới chức đã lấy mẫu từ tòa lãnh sự Saudi và nhà viên tổng lãnh sự để so sánh với mẫu DNA của ông Khashoggi.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định ông chưa hề nghe đoạn ghi âm mà Thổ nói là bằng chứng vụ giết người.
“Tôi không hề nghe băng nào, không có đoạn ghi chép,” Ngoại trưởng Mỹ nói.
Vụ việc đang gây rạn nứt giữa Saudi Arabia và các đồng minh phương Tây.
Bộ trưởng tài chính Mỹ Secretary Steven Mnuchin và Bộ trưởng thương mại quốc tế Anh Liam Fox đã rút không tham dự một hội nghị ở Riyadh tuần sau.
Giới chức Thổ tin rằng ông Khashoggi bị nhóm đặc vụ Saudi giết chết bên trong tòa lãnh sự, sau đó xóa dấu vết.
Saudi Arabia bác bỏ cáo buộc, và lúc đầu tuyên bố ông này đã tự do rời khỏi tòa nhà.
Truyền thông Thổ quan hệ thân cận với chính phủ đã đăng các chi tiết ghê rợn, nói rằng có đoạn băng ghi âm cho thấy có giọng nói viên tổng lãnh sự Mohammed al-Otaibi.
Báo Yeni Safak, gần gũi với chính phủ Thổ, đăng tin ông này nói với đặc vụ Saudi được gửi tới Istanbul: “Làm việc này bên ngoài đi. Tôi sẽ gặp rắc rối vì các anh.”
Truyền thông Thổ còn nói rằng đã xác định có 15 đặc vụ Saudi bay vào rồi ra khỏi Istanbul cùng ngày nhà báo mất tích.
Saudi Arabia tuyên bố họ sẵn sàng hợp tác và rằng tin tức vụ giết người “hoàn toàn sai lạc”.
Ông Khashoggi là một nhà báo nổi tiếng viết cho nhiều tờ báo Saudi.
Ông từng làm cố vấn cho các quan chức Saudi nhưng sau này mâu thuẫn với chính phủ.
Năm ngoái, ông chuyển sang Mỹ sống, viết cột báo hàng tháng cho Washington Post.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45914421
Vụ Khashoggi:
Thêm dấu hiệu quy kết thái tử Ả Rập Xê Út
Sức ép càng lúc càng đè nặng trên chính quyền Ả Rập Xê Út, đòi nước này cho biết số phận của nhà báo đối lập Khashoggi. Từ lúc nhân vật này bị mất tích ngày 02/10/2018, thêm nhiều tiết lộ về những khám phá ở hiện trường cho thấy sự vụ có liên can đến thái tử Mohammed Ben Salman.
Thông tín viên RFI tại Istanbul, Anne Andlauer cho biết chi tiết :
« Cho đến nay chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, về mặt chính thức thì giữ im lặng cho đến khi điều tra kết thúc, nhưng một cách không chính thức, đã tiết lộ trên báo chí những thông tin chứng minh là Jamal Khashoggi đã chết, với nhiều chi tiết rất ghê rợn. Những tiết lộ này cho thấy thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed Ben Salman có liên can trực tiếp đến vụ việc.
Tờ nhật báo Thổ thân chính quyền Sabah đã đăng ảnh một sĩ quan an ninh thân cận với thái tử Ả Rập Xê Út, đi lại tại Istanbul và được cho là người chỉ huy toán đặc công 15 người, bị tình nghi là đã giết chết nhà báo đối lập.
Trên những bức ảnh mà camera ghi lại, người ta thấy nghi phạm chính này, tên là Maher Abdulaziz Mutreb, đi vào lãnh sự quán buổi sáng ngày Khashoggi mất tích, sau đó đã xuất hiện ở nhà vị lãnh sự, rồi rời một khách sạn với một chiếc va li to trước khi bay đi từ phi trường Istanbul.
Những ngày gần đây cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã khám soát rất lâu lãnh sự quán cũng như tư dinh của vị lãnh sự. Theo đài truyền hình Al Jazeera, trích dẫn thông tin thân cận với giới điều tra, cảnh sát dường như đã tìm thấy dấu tay của một người khác trong toán đặc công nói trên, đó là một bác sĩ pháp y chuyên giảo nghiệm tử thi ».
Trump dọa trừng phạt nếu Riyad dính vào vụ Khashoggi
Ngày 18/10/2018, lần đầu tiên, tổng thống Mỹ xác nhận có nhiều khả năng là nhà báo Ả Rập Xê Út đã chết. Ông Donald Trump dọa Riyad sẽ phải chịu hậu quả « rất nghiêm trọng » nếu khẳng định trách nhiệm của chính quyền Ả rập Xê Út trong vụ án mạng.
Thông tín viên Anne Corpet tại Washington tường trình :
« Ông Donald Trump có thể lần đầu tiên thừa nhận Jamal Khashoggi chắc chắn đã chết. Hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, nếu điều này được khẳng định, tổng thống Mỹ cho biết thêm. Tuy nhiên, ông Trump vẫn tỏ ra thận trọng trong việc cáo buộc trách nhiệm trực tiếp của Hoàng gia Ả Rập Xê Út. Tổng thống Mỹ vẫn đợi kết luận điều tra do chính quyền Riyad tiến hành, trước khi tuyên bố như ngoại trưởng Mike Pompeo khuyên ông.
Ông Pompeo cho biết : « Tôi đã nói với tổng thống Trump cần phải cho Ả Rập Xê Út thêm vài ngày nữa để kết thúc điều tra và để hiểu được toàn bộ sự việc liên quan đến ông Khashoggi. Tôi nghĩ điều quan trọng là phải hiểu rằng chúng tôi có quan hệ chiến lược lâu đời, có từ 1932, với vương quốc Ả Rập Xê Út ».
Nhưng tại Quốc Hội, các thượng nghị sĩ tỏ ra sốt ruột. Phe Dân Chủ tố cáo ý đồ che đậy vụ sát hại nhà báo. Chris Van Hollen, thượng nghị sĩ bang Maryland, nói :
« Công việc của chúng ta, người Mỹ, là nêu lên và bảo vệ nhân quyền và nói rằng không thể chấp nhận việc sát hại lạnh lùng một người sống ở Hoa Kỳ, là cha của những đứa trẻ quốc tịch Mỹ và là một nhà báo làm việc cho Washington Post. Chơi trò với Ả Rập Xê Út và tự làm phát ngôn viên cho họ như tổng thống đang làm thì sẽ gây tổn hại đến lợi ích an ninh của chúng ta trên toàn thế giới ».
Theo báo New York Times, chính quyền Ả Rập Xê Út đang chuẩn bị đưa ra một thủ phạm trong vụ sát hại Jamal Khashoggi. Đó có thể sẽ là một vị tướng thân cận với hoàng thái tử Ben Salmane ».
Hội nghị kinh tế ở Ả Rập Xê Út ngày càng bị tẩy chay
Do vụ mất tích của nhà báo Khashoggi, danh sách chính khách, tập đoàn hủy bỏ việc tham dự hội nghị kinh tế « Sáng Kiến Đầu Tư Tương Lai », dự kiến tổ chức tại Riyad từ ngày 23 đến 25 tháng 10/2018 ngày càng dài thêm. Hội nghị này do thái tử Mohammed Ben Salman khởi xướng.
Sau bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Lemaire, ngày 18/10, đến lượt bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin rút lui. Bộ trưởng Kinh Tế Anh Liam Fox và bộ trưởng Tài Chính Hà Lan Wopke Hoekstra cũng tuyên bố không đến tham dự.
Các ngân hàng lớn, Goldman Sachs, JP Morgan, HSBC, Crédit Suisse, BNP Paribas, Société Générale… cũng lần lượt cho biết lãnh đạo của họ sẽ không tham dự hội nghị.
Riêng tại Nga, tổng thống Putin vào ngày 18/10, cho là Nga không có đủ thông tin về vụ nhà báo Khashoggi mất tích để phá hỏng quan hệ với Ả Rập Xê Út.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181019-vu-khashoggi-mat-tich-them-dau-hieu-quy-ket-thai-tu-a-rap-xe-ut
Vụ Khashoggi: Thái tử Ả Rập Xê Út tự hại thân
Lần đầu tiên từ khi nhà báo đối lập Jamal Khashoggi mất tích khi vào Toà lãnh sự Ả Rập Xê Út ở Istanbul ngày 02/10/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump gần như nhìn nhận nạn nhân đã chết và đe dọa trừng phạt nghiêm khắc Riyad. Vương triều dự tính bắt một viên tướng an ninh làm vật tế thần, nhưng theo truyền thông quốc tế, nghi can số một chính là thái tử Mohamed Ben Salman, một nhà lãnh đạo hai mặt.
Jamal Khashoggi không phải là người Ả Rập Xê Út lưu vong đầu tiên bị ám sát. Ai cũng còn nhớ nhà đối lập Nassir Al Said biệt tích tại Liban vào năm 1997. Năm 2003, hoàng thân Sultan ben Turki bị bắt cóc ở Geneve. Năm 2015, một hoàng thân khác, Turki ben Badar Al Saoud, đang xin tị nạn tại Paris, đột nhiên biến mất.
Tháng 06/2017, thái tử Mohamed Ben Salman, biệt hiệu MBS, đương kim bộ trưởng quốc phòng mới 32 tuổi, đã được chọn làm người kế vị vua cha Salman, tạo ra một bầu không khí đổi mới. MBS tự cho mình là một nhà lãnh đạo trẻ tuổi, hiện đại, hứa hẹn canh tân chế độ phong kiến lạc hậu và đã không tiếc tiền quảng cáo đánh bóng hình ảnh này.
Biện pháp cụ thể của ông là cho phụ nữ quyền lái xe, xem bóng đá và tung ra nhiều đợt chống tham nhũng mà sự kiện gây tiếng vang lớn nhất là bắt hàng chục hoàng thân, hoàng tử bị cáo buộc tham ô. Tuy nhiên, thái tử Mohamed Ben Salman cũng không tha bất kỳ ai chống lại mình, điển hình qua các cuộc thanh trừng liên tục được phát động nhân danh bài trừ tham nhũng, theo nhận định của chuyên gia về Ả Rập Xê Út, Clarence Rodriguez, của đài France 24, cũng như báo chí Anh Mỹ nhắc lại trong những ngày qua.
Tháng 12/2017, thiếu tướng Ali Al Qahtani, ủng hộ một hoàng tử đối nghịch với thái tử Mohamed Ben Salman, chết trong lúc bị câu lưu, cổ có dấu hiệu bị vặn gẫy. Tại Ả Rập Xê Út, nhiều nhà họat động nhân quyền bị kết tội khủng bố, theo tố cáo của tổ chức Human Rights Watch.
Nhà báo Jamal Khashoggi phải lưu vong để tránh nhà tù. Tại Mỹ, trong mục « Ý kiến » của Washington Post, nhà báo Jamal Khashoggi liên tục chỉ trích thiên hướng độc tài, trấn áp của thái tử MBS. Ngay trong vụ bài trừ tham ô hồi đầu năm 2018 mà hàng chục hoàng tử bị nhốt trong khách sạn Ritz Carlton ở Riyad, nhiều người bị đánh đập và phải ký giấy nợ với giám đốc cảnh sát thủ đô, thân cận của MBS. Kết quả là nhân vật này thu được hàng chục tỷ đôla cho dự án « Vision 2030 ».
Theo một nhà ngoại giao Pháp tại Riyad, thái tử MBS là một người thô bạo mà chính tổng thống Emmanuel Macron và ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian đã có cơ hội trải nghiệm « thực tế ».
Tuy nhiên, nhân vật được chỉ định nắm vận mệnh Ả Rập Xê Út cũng là một nhà lãnh đạo có viễn kiến và muốn canh tân thật sự : Hơn hai phần ba dân số Ả Rập Xê Út là thành phần trẻ, chưa đến 30 tuổi. MBS tuyên bố cải cách cho thế hệ này và được giới trẻ ủng hộ. Rất nhiều doanh nhân và giới lãnh đạo chính trị thế giới cũng đổ xô về Ả Rập Xê Út vì tin vào MBS, nhưng nay phải thất vọng vì thấy mình đánh giá sai lầm. Một bộ mặt khác của MBS xuất hiện đúng như Jamal Khashoggi cảnh báo từ hai năm nay.
Jamal Khashoggi có lẽ đã bị bịt miệng vì người ta không muốn nhà báo nói lên sự thật. « Sự thật, dân chủ và tự do » là ba mục tiêu quan trọng nhất đối với nhà báo Jamal Khashoggi, theo nhận định của Middle Est Eye, báo chuyên đề về thời sự Trung Đông.
Để tháo gọng kềm từ từ siết lại, triều đình Ả Rập Xê Út dự tính quy trách nhiệm cho tướng Ahmed Assiri, một cố vấn của hoàng thái tử. Tuy nhiên, một nhân vật quan trọng khác có mặt trong toán ám sát bị Thổ Nhĩ Kỳ nhận diện là Maher Abdulaziz Mutreb, cũng là một người thân cận của MBS.
Thái tử lần này có thoát được hay không ? Tổng thống Donald Trump sẽ phản ứng ra sao ? Các tổ chức nhân quyền kêu gọi trao cho Liên Hiệp Quốc nhiệm vụ điều tra để tránh trường hợp « đổi chác » ở cấp chính phủ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181019-a-rap-xe-ut-nha-bao-khashoggi-bi-thu-tieu-thai-tu-mbs-tu-hai-than
Ukraina : OSCE báo động vũ khí Nga vào vùng ly khai
Cho dù Matxcơva khẳng định không ủng hộ lực lượng võ trang ly khai chống Kiev, phái bộ quan sát ngưng bắn của Tổ chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu (OSCE) hôm qua, 18/10/2018, cho biết phát hiện vũ khí Nga được chuyển vào vùng đông Ukraina.
Trong một thông báo gửi AFP, tổ chức OSCE khẳng định đã thấy nhiều đoàn xe vận tải đi qua biên giới Nga-Ukraina hồi tuần qua. Một « drone » quan sát đã quay được nhiều xe tải, trong đó có một một chiếc chở xe bọc thép, ra vào biên giới, nơi phe ly khai thân Nga kiểm sóat.
Tuy vậy, OSCE không công khai xác định các vũ khí này đã được trao cho lực lượng ly khai Ukraina. OSCE đã hai lần báo cáo thấy xe chở vũ khí di chuyển gần biên giới, nhưng không đi qua.
Phản ứng về sự kiện mới được ghi nhận này, đại sứ quán Mỹ tại Kiev kêu gọi Matxcơva « ngưng cung cấp vũ khí cho lực lượng thừa hành ở miền đông Ukraina, nhân đêm tối ».
Từ khi thỏa thuận hoà bình ký tại Minsk năm 2015, chiến sự ở miền đông Ukraina giảm nhiều, nhưng không khí rất căng thẳng và vẫn còn xảy ra đụng độ nhỏ. Thông tin về « đoàn xe vũ khí » được loan báo trong bối cảnh xung khắc giữa Nga và Ukraina lan qua lĩnh vực tôn giáo, sau khi Giáo Hội Chính Thống Giáo Ukraina được Toà Thượng Phụ ở Thổ Nhĩ Kỳ công nhân độc lập với Giáo Hội Nga.
Putin : Vụ thảm sát ở Crimée là hệ quả của toàn cầu hóa
Bình luận về vụ thảm sát trong một trường học ở Crimée, một học sinh 18 tuổi, ném lựu đạn và bắn chết 20 bạn cũ, trước khi tự sát, hồi tuần trước, tổng thống Nga cho rằng đây là « hệ quả của toàn cầu hóa, một hiện tượng ở Mỹ du nhập vào nước Nga ». Theo truyền thông Nga, thủ phạm muốn trả thù chuyện bị nhục mạ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181019-ukraina-osce-bao-dong-co-vu-khi-nga-chuyen-vao-vung-ly-khai
ASEAN nhắm đến hoạt động
tập trận hải quân chung với Mỹ vào năm tới
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho biết Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang lên kế hoạch tập trận chung với Hải quân Hoa Kỳ vào năm tới.
Ông phát biểu điều này tại cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng ASEAN tại Singapore hôm 19/10.
Ý tưởng về một cuộc tập trận hàng hải ASEAN – Mỹ được đưa ra vào khi ASEAN sẽ tiến hành diễn tập hải quân chung với Trung Quốc lần đầu tiên từ ngày 22 đến 27 tháng 10 tại vùng biển ngoài khơi thành phố Trạm Giang.
Cuộc tập trận ASEAN – Mỹ nhằm tạo thế cân bằng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai quốc gia có ảnh hưởng đáng kể ở Biển Đông. Kế hoạch tập trận chung lần này dự kiến sẽ được đưa vào bản tuyên bố chung sau cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, do Bộ trưởng Quốc phòng Singapore chủ trì.
Trong tuần này, các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cũng sẽ gặp đồng nhiệm các nước lớn ngoài khu vực gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga.
Hồi tháng Hai, các bộ trưởng quốc phòng của ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý tiến hành một cuộc tập trận hàng hải chung đầu tiên trong tháng này tập trung vào việc tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
Trong khi đó quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự song phương và đa phương với tất cả các quốc gia ASEAN, trừ Myanmar và Lào.
ĐNÁ có bộ quy tắc đa phương
về chạm trán trên không
Các nước Đông Nam Á hôm 19/10 nhất trí về các quy tắc quản lý các vụ chạm trán bất ngờ giữa các máy bay quân sự của họ. Nước chủ nhà Singapore nói đây là thỏa thuận đầu tiên trên thế giới và cho biết họ sẽ khuyến khích các đối tác quốc tế của họ tham gia.
Hiệp định, được các bộ trưởng quốc phòng của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ký kết trong một hội nghị ở Singapore, cũng bao gồm một thỏa thuận trên toàn khu vực về trao đổi thông tin về các nguy cơ khủng bố.
Bộ quy tắc có tính chất tự nguyện, không ràng buộc về các cuộc chạm trán trên không là bước phát triển tiếp theo từ một bộ quy tắc hiện hành về quản lý các chạm trán biển được ASEAN thông qua năm ngoái, cùng thông qua là các đối tác Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Hoa Kỳ .
“Tôi vui mừng thông báo rằng bộ quy tắc đa phương đầu tiên về các chạm trán trên không giữa các máy bay quân sự đã được thông qua”, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen phát biểu trong một cuộc họp báo. “Đây là một thành tựu có ý nghĩa”, ông nói.
Các bộ trưởng ASEAN sẽ gặp 8 đối tác quốc tế của họ hôm 20/10 và ông Ng nói các bộ trưởng sẽ “tìm cách đạt được sự đồng ý của các đối tác” về bộ quy tắc.
Văn kiện khung về bộ quy tắc nói rằng cần phải có một thỏa thuận như vậy vì châu Á ngày càng tăng trưởng và thịnh vượng nên đã thúc đẩy sự gia tăng lưu lượng tàu thuyền và máy bay trong khu vực.
Hoa Kỳ và Trung Quốc vào năm 2015 đã ký một thỏa thuận về đường dây nóng và các quy tắc quân sự để quản lý các cuộc chạm trán trên không.
Nhưng ngay cả với các quy tắc hiện có, căng thẳng vẫn tồn tại, đặc biệt là ở Biển Đông đang có nhiều tranh chấp.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền về hầu như toàn bộ tuyến đường thủy bận rộn, trong khi Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei tuyên bố chủ quyền về một phần vùng biển giàu năng lượng. Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền về vùng biển này.
Vào tháng 8, các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc đã thông qua một khung đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử trên bình diện rộng lớn hơn ở Biển Đông.
Các quốc gia ASEAN cũng đồng ý đưa sáng kiến “mắt của chúng ta” làm nền tảng để trao đổi thông tin về “khủng bố, chủ nghĩa cấp tiến, chủ nghĩa cực đoan bạo lực và các mối đe dọa phi truyền thống khác”.
(Reuters)
Kinh tế TQ
đạt mức tăng trưởng thấp nhất kể từ 2009
Trung Quốc vừa báo cáo mức tăng trưởng quý thấp nhất kể từ khi có cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cho tới nay.
Số liệu cho thời gian từ tháng Bảy đến tháng Chín là 6,5%, Cục Thống kê Quốc gia nói. Kết quả này thấp hơn mức dự đoán mà Reuters đưa ra, 6,6%.
Chiến tranh thương mại: TQ còn nhiều nhức nhối
Mỹ ‘tránh’ nói Trung Quốc thao túng tiền tệ
Mỹ muốn đàm phán thương mại với Nhật, Anh và EU
Hoa Kỳ và thế trận Cờ Vây đối với Trung Quốc
Trung Quốc đang đối diện với các thách thức kinh tế, trong đó có vấn đề mức nợ cao và cuộc chiến thương mại đang ngày càng căng thẳng với Hoa Kỳ.
Tác động từ cuộc tranh cãi với Mỹ được trông đợi là sẽ tạo áp lực lên mức tăng trưởng trong những tháng tới.
Số liệu công bố trong hôm thứ Sáu đạt mức thấp nhất kể từ quý một của năm 2009, là thời gian đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Kết quả cũng thấp hơn so với mức 6,7% của quý trước, nhưng vẫn đạt mục tiêu cả năm mà chính phủ đưa ra là khoảng 6,5%.
Tuy các nhà quan sát tình hình Trung Quốc ra nhận xét thận trọng về các số liệu GDP chính thức của Bắc Kinh, nhưng các dữ liệu được coi là chỉ số hữu hiệu để dự đoán về mức tăng trưởng của nước này nói chung.
Rủi ro kinh tế
Trong nhiều năm, Trung Quốc đã giảm bớt xuất khẩu và dựa nhiều hơn vào tiêu thụ nội địa để tăng trưởng.
Cùng lúc, chính phủ đang phải vật lộn với việc kiềm chế khoản nợ đang phình to liên quan tới làn sóng phát triển cơ sở hạ tầng, kiềm chế tình trạng bong bóng nhà ở, mà không làm ảnh hưởng tới mức tăng trưởng.
Thông tư 19 cho dùng Nhân dân tệ: Mối nguy bắt đầu?
Thế giới sẽ ‘nghèo hơn’ vì cuộc chiến thương mại
Cuộc chiến thương mại: ‘TQ đang lo lắng’
Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã có các bước đi nhằm hỗ trợ kinh tế, trong đó có việc cắt giảm các đòi hỏi về vốn để làm tăng mức thanh khoản, và để làm dịu bớt mức giảm tốc tăng trưởng.
Kinh tế gia chuyên theo dõi tình hình hình Trung Quốc Julian Evans-Pritchard từ Capital Economics nói rằng trong một ghi chép về số liệu mới nhất, người ta thấy có “một số chỉ dấu sớm… rằng việc hỗ trợ về chính sách đang bắt đầu có tác dụng” nhưng nói thêm rằng “sẽ vẫn cần có thêm quyết tâm trong việc giảm bớt yêu cầu để đảm bảo giữ bình ổn tăng trưởng”.
Các dữ liệu công bố hôm thứ Sáu cho thấy tăng trưởng ở mảng sản lượng đầu ra của ngành sản xuất trong tháng Chín không đạt mức trông đợi, nhưng ngành bán lẻ trong cùng tháng thì tăng cao hơn chút ít so với dự đoán.
Bênh cạnh những thách thức trong nước, Trung Quốc được trông đợi sẽ cảm nhận được tác động từ cuộc tranh cãi thương mại với Mỹ trong những tháng tới.
Các số liệu quý ba là những số liệu đầu tiên được Bắc Kinh công bố kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tấn công Trung Quốc với hai biểu thuế quan, nhắm vào lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 250 tỷ đô la.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-45902691
Chiến tranh thương mại:
Trung Quốc còn nhiều nhức nhối
Karishma VaswaniBBC News
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang mất đà, và với một số rủi ro lớn trước mặt, sự suy giảm có thể sẽ xẩy ra.
Dữ liệu được công bố hôm thứ Sáu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 6,5%.
Đây là một suy giảm nhẹ so với quý trước khi Trung Quốc tăng 6,7% – nhưng đây là mức thấp nhất kể từ quý đầu tiên của năm 2009, khi tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sau hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chỉ tăng 6,2%.
Dĩ nhiên, chúng ta nên luôn có một chút hoài nghi lành mạnh về con số tăng trưởng chính thức của Trung Quốc, nhưng dầu sao đó là một chỉ số tương đối hữu ích để theo dõi.
Những chỉ số này lần đầu tiên được chính phủ Trung Quốc công bố, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, kể từ tháng Bảy, tấn công Trung Quốc với hai lần áp thuế trên hàng hóa trị giá 250 tỷ đôla, điều sẽ làm tăng thêm trọng lượng cho suy nghĩ hiện tại là nền kinh tế Trung Quốc đang chịu áp lực từ cuộc chiến thương mại.
Chiến tranh thương mại và chuyện hai nước TQ
Thương chiến Mỹ Trung ‘có ảnh hưởng tới VN’
‘Chiến tranh thương mại từng dẫn đến Thế chiến’
Nên nhớ là nền kinh tế Trung Quốc đã bị chậm lại trước khi cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh bắt đầu căng thẳng vào đầu năm nay. Sự chậm lại là một quá trình chuyển đổi được quản lý – một quyết định mà chính phủ [Trung Quốc] nói là vì cần tập trung vào chất lượng tăng trưởng chứ không phải số lượng.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng cuộc chiến thương mại đã thay đổi tình thế. Trong khi chỉ số tăng trưởng này không nhất thiết cho thấy cuộc chiến thương mại đã tác động đến Trung Quốc, thì điều gần như chắc chắn là cuộc chiến này còn gây cho nước này nhiều nhức nhối hơn nữa.
Chưa gây ra tác động
“Qua thảo luận với những người liên hệ trong ngành, chúng tôi chưa thấy có tác động rõ rệt nào đến nhu cầu của người tiêu thụ”, Vinesh Motwani của cơ quan Silk Road Research nói với tác giả, sau một chuyến đi Bắc Kinh và Thượng Hải gần đây.
Ông Vinesh dành rất nhiều thời gian nói chuyện với các doanh nghiệp tầm cỡ về nhận định của họ.
“Thật ra, nếu chúng ta có thể thấy được điều gì thì đó là việc một số công ty đang hưởng lợi ngắn hạn từ cuộc chiến thương mại. Đó là bởi vì nhiều khách hàng Mỹ đang cố gắng mua thật nhiều hàng hóa từ Trung Quốc trước khi mức thuế mới có hiệu lực.”
Tuy nhiên, điều này có thể chỉ là một đốm sáng nhất thời vì về lâu về dài, như ông Motwani vạch ra, triển vọng thật đen tối.
“Những điều mà mọi doanh nghiệp cùng đang lo lắng là sự bất ổn cuộc chiến thương mại mang đến. Nếu không có cuộc chiến này, các công ty Trung Quốc sẽ lạc quan hơn nhiều vào triển vọng cho năm 2019. “
Viễn ảnh đen tối này cũng đang được lặp lại bởi các dự báo kinh tế.
Một số ngân hàng đầu tư, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Đơn vị Kinh tế Tình báo đã hạ thấp dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống còn 6,2% vào năm 2019, ước tính hậu qủa của cuộc chiến.
Tất cả những điều này xảy ra vào thời điểm mà các động cơ tăng trưởng kinh tế điển hình của Trung Quốc – đầu tư tài sản cố định, tiêu dùng và xuất khẩu – đang bị chậm lại.
Trung Quốc có thể làm gì?
Như một quan sát viên Trung Quốc nói với tác giả trong chuyến đi đến Bắc Kinh tháng trước, đất nước này không muốn phải đối phó với một cuộc chiến thương mại vào thời điểm mà nó đang phải tìm cácy quản lý những rủi ro hệ thống trong nền kinh tế.
Và có vẻ họ không có nhiều lựa chọn. Các nhà hoạch định chính sách có lẽ sẽ không bơm nhiều gói kích thích lớn vào nền kinh tế theo cách họ đã làm sau năm 2008. Một phần là do quan điểm tập trung mới vào chất lượng tăng trưởng, chứ không chỉ là tăng trưởng.
TQ cảnh báo về chế tài trừng phạt của Mỹ
Vấn đề khác là Trung Quốc đã tăng mức nợ công một cách bất thường – ước tính gần 300% của GDP – và đó là rủi ro chính mà nước này đang cố gắng quản lý.
Điều này có nghĩa là bây giờ Bắc Kinh đang phải chiến đấu ở hai mặt trận, mà không có tất cả các kỵ binh thường có trong tay.
Trung Quốc cũng đang chiến đấu với một kẻ thù ngày càng khó lường và dễ chuyển biến, dưới hình thức một chính quyền Mỹ hung hãn. Tất cả những điều này không mang đến triển vọng tốt cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45913217
‘Trùm kiểm duyệt internet Trung Quốc’
bị tội nhận hối lộ
Ông Lỗ Vĩ, người từng chịu trách nhiệm cho hoạt động theo dõi, kiểm duyệt internet ở nước này, bị quy đã nhận tội ăn hối lộ hơn bốn triệu đô la.
Ông Lỗ, năm nay 58 tuổi, nhận tội trước tòa hôm thứ Sáu, sau khi bị cơ quan công tố buộc tội lạm dụng quyền lực trong thời gian 15 năm giữ các vị trí khác nhau trong chính phủ.
TQ điều tra tham nhũng với ‘một triệu’ quan chức
Chủ tịch Interpol bị bắt ở TQ vì đã ‘nhận hối lộ’
TQ: ‘Ngôi sao đang lên’ bị điều tra tham nhũng
Cơ quan chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trước đó nói rằng ông Lỗ, người từng lãnh đạo cơ quan quản lý mạng của Trung Quốc, bị điều tra về những vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
Kể từ đó, ông đã bị khai trừ đảng, mở đường cho việc bị truy tố.
Ông trở thành một trong số các quan chức cao cấp bị xử lý trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình, Reuters nói.
Cơ quan công tố tại tòa trung thẩm ở thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang nói rằng trong thời gian từ 2002 đến cuối 2017, ông Lỗ đã nhận tài sản bất hợp pháp từ các cơ quan nhà nước và từ các cá nhân, trị giá trên 32 triệu nhân dân tệ (4,6 triệu đô la), Tân Hoa Xã nói.
Hãng thông tấn nhà nước nói phán quyết sẽ được đưa ra sau.
Tuy nhiên, gần như chắc chắn là ông sẽ bị kết tội và sẽ không phản kháng lại các cáo buộc đối với ông, Reuters viết.
Lỗ Vĩ từng được tạp chí Time xếp vào nhóm 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới.
Khi còn tại chức, ông từng có những cuộc tiếp quan trọng với các lãnh đạo của Apple, Facebook và eBay.
Ông nổi tiếng là người sốt sắng đẩy mạnh hoạt động kiểm duyệt và kiểm soát truyền thông ở Trung Quốc.
Đi lên từ Tân Hoa Xã, ông trở thành người đứng đầu cơ quan tuyên huấn ở Bắc Kinh, rồi chuyển sang quản lý internet vào 2013. Sau đó, ông trở thành Phó Ban Tuyên truyền Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Lỗ là một trong số hơn một triệu quan chức Trung Quốc bị kỷ luật trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Chiến dịch này được cho là cũng nhắm đến nhiều đối thủ chính trị của ông Tập.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45913983
Chuyên gia TQ: Bắc Kinh sẽ biến vùng biển
phía Đông Đài Loan thành nơi bất khả chiến bại
Ngày 15/10, chiến đấu cơ trên toàn đảo Đài Loan đã tham cuộc huấn luyện đánh chặn tấn công phòng không với đối tượng giả định được cho là nhóm tàu sân bay Liêu Ninh.
Máy bay trên đảo cất cánh khẩn cấp
Sáng sớm ngày 15/10, toàn bộ chiến đấu cơ của Đài Loan đã cất cánh khẩn cấp nhằm ngăn chặn hành động không kích của kẻ thù. Đây là nội dung cuộc diễn tập của cơ quan phòng vệ đảo.
Theo Liberty Times Net (Đài Loan), cuộc diễn tập diễn ra từ 5 giờ 30 đến 8 giờ sáng 15/10 với sự tham gia của ba lực lượng hải – lục – không quân, tiến hành diễn tập phòng không liên hợp và ngăn chặn không kích dựa trên kinh nghiệm của cuộc tập trận Hán Quang và “kế hoạch sẵn sàng chiến đấu”.
Theo đó, khoảng 4 giờ sáng tại căn cứ không quân Hoa Liên, bốn máy bay tiêm kích Mirage 2000 và 10 chiến đấu cơ F-16 đã sẵn sàng đợi lệnh. Đến 5 giờ 40 phút sáng, 6 chiến đấu cơ F-16 và 2 tiêm kích Mirage 2000 mang theo dàn thiết bị gây nhiễu điện tử ALQ-184 đã cất cánh khẩn cấp.
Hải quân Đài Loan cũng triển khai nhiều loại tàu khác nhau như tàu khu trục lớp Kidd, tàu hộ vệ lớp Thành Công và tàu hộ vệ La Fayette tham gia diễn tập phòng không. Trong khi, lục quân Đài Loan cũng triển khai các hành động phối hợp toàn diện trong cuộc diễn tập.
Quan chức Đài Loan cho hay, diễn tập lần này là hoạt động huấn luyện thường xuyên của đảo, mỗi ngày đều có chiến đấu cơ tuần tra trên không, các căn cứ đều được bố trị số lượng chiến đấu cơ nhất định theo quy định.
Nội dung diễn tập ngày 15/10 bao gồm cất cánh khẩn cấp tiến hành đánh chặn và giám sát, trong đó có một số chiến đấu cơ đảm nhiệm nhiệm vụ “đóng giả kẻ thù”. Thông tin chi tiết của cuộc diễn tập không được tiết lộ do quân đội Đài Loan coi đây là thông tin cơ mật.
Lực lượng quân sự chênh lệch
Một số ý kiến cho rằng, cuộc diễn tập ngày 15/10 của Đài Loan mục đích nhằm tăng cường khả năng phòng vệ trước sức đe dọa của Bắc Kinh, với nội dung giả định nhóm tàu sân bay Liêu Ninh thực hiện không kích vào Hoa Liên. Đây là nội dung huấn luyện lần đầu tiên được quân đội Đài Loan tiến hành.
Báo tiếng Hoa Đa chiều dẫn lời nhà phân tích quân sự Trung Quốc Ngụy Đông Húc cho rằng, thực tế, chiến đấu cơ trên tàu Liêu Ninh chưa từng bay qua Đài Loan bởi nhóm tàu này được sử dụng chủ yếu vào nhiệm vụ huấn luyện phi công, nhằm chuẩn bị cho tàu sân bay thứ hai của hải quân Trung Quốc chuẩn bị được đưa vào biên chế.
Ông này cũng đưa ra sự so sánh về sức mạnh quân đội hai bờ eo biển từ cuộc diễn tập ngày 15/10. Cụ thể, sức chiến đấu và kỹ thuật tối tân của loạt tiêm kích J-15, với biệt danh Cá mập của Trung Quốc sẵn sàng bỏ xa loạt F-16, Mirage 2000 hay AIDC F-CK-1 Ching-kuo của Đài Loan.
Do đó khi J-15 phối hợp với nhóm tàu khu trục, tàu hộ vệ và tàu ngầm hiện đại, Trung Quốc có thể biến vùng biển phía Đông Đài Loan thành vùng biển bất khả chiến bại, quân đội Đài Loan rất khó đối phó với ưu thế của lực lượng hải-không quân Trung Quốc, ông Ngụy nói.
Ngoài ra, chuyên gia Trung Quốc nhận định, trong tương lai, nhóm tàu sân bay Trung Quốc có thể sẽ vượt qua “chuỗi đảo thứ nhất”, xuất hiện ở vùng biển Thái Bình Dương – phía Đông Đài Loan nhưng động thái này không nhất định nhằm vào Đài Loan mà chủ yếu là để phá vỡ thế kìm kẹp, bao vây của Mỹ và Nhật Bản.
Tuy nhiên, ông này nhấn mạnh, nếu hai bờ eo biển phát sinh xung đột, Bắc Kinh nhất định sẽ triển khai tàu sân bay tới phía Đông Đài Loan nhằm chặn đường rút lui của các thế lực đòi độc lập trên đảo.