Tin Việt Nam – 17/10/2018
Blogger Mẹ Nấm và gia đình rời Việt Nam đi Mỹ
Blogger bất đồng chính kiến Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, và gia đình đã rời sân bay Nội Bài ở Hà Nội trưa hôm 17/10 để đến bang Texas, Hoa Kỳ.
Nhà báo Võ Văn Tạo đã xác nhận thông tin trên tại nơi cư ngụ của mẹ và hai con của nữ blogger ở thành phố Nha Trang, Khánh Hòa và cho VOA biết rằng bà Nguyễn Thị Tuyết Lan và hai con nhỏ của Mẹ Nấm đã rời nhà hôm Chủ Nhật 14/10 và sáng hôm thứ Tư 17/10, họ và nữ blogger đã gặp nhau trên máy bay.
Ông Tạo nói:
Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan cùng hai cháu đã rời Nha Trang để đi Hà Nội từ hôm Chủ Nhật và Mẹ Nấm bị công an dẫn ra từ trại giam Thanh Hóa ra thẳng sân bay Nội Bài, họ gặp nhau trên khoang máy bay và cùng bay sang Mỹ.
Nhà báo Võ Văn Tạo
“Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan cùng hai cháu đã rời Nha Trang để đi Hà Nội từ hôm Chủ Nhật và Mẹ Nấm bị công an dẫn ra từ trại giam Thanh Hóa ra thẳng sân bay Nội Bài, họ gặp nhau trên khoang máy bay và cùng bay sang Mỹ. Tôi biết hiện nay họ chưa tới nơi, thông tin tôi được biết thì có khả năng gia đình Mẹ Nấm đến bang Texas.”
Mạng Lưới Blogger Việt Nam cho biết: “ngày 17/10/2018 Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và gia đình đã đáp chuyến máy bay EVA 398 rời Hà Nội, quá cảnh tại Taipei và sẽ đến Houston trên chuyến bay EVA 52 vào lúc 11 khuya cùng ngày.”
Trên mạng xã hội Facebook trưa ngày 17/10 loan nhiều thông tin chúc mừng nữ tù nhân lương tâm đang phải thụ án 10 năm tù giam với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.”
Từ Sài Gòn, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng viết: “Người được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh ‘Người phụ nữ can đảm thế giới’ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã bước ra khỏi nhà tù cộng sản, bỏ lại bản án tù giam 10 năm.”
Ông Dũng viết tiếp: “Sự kiện trên diễn ra trùng với sự hiện diện của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis ở Việt Nam về một điểm nhấn có thể rất đặc biệt trong mối quan hệ quốc phòng Mỹ – Việt tại Biển Đông.”
Ngoài ra, “sự kiện trên cũng diễn ra trong bối cảnh đang có tin ngoài lề về một chuyến đi Hoa Kỳ của ‘đảng trưởng’ Nguyễn Phú Trọng vào cuối năm 2018,” nhà báo Phạm Chí Dũng viết.
Nhà báo Võ Văn Tạo chia sẻ:
“Đây là tin vui chung cho những người tranh đấu cho tự do dân chủ và tiến bộ xã hội ở trong nước.”
Blogger Nguyễn Hưng Quốc nhận định việc Hà Nội thu xếp cho những nhà tranh đấu bị giam cầm ra nước ngoài sống lưu vong là một biện pháp để dập tắt tiếng nói bất đồng trong nước, ông viết trên Facebook sau khi hay tin Mẹ Nấm rời Việt Nam:
“Chúng ta càng hiểu âm mưu thâm độc của nhà cầm quyền Việt Nam: cho những nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền ra nước ngoài là một cách tốt nhất để làm tắt tiếng nói của họ. Để vô hiệu hoá họ.”
https://www.voatiengviet.com/a/tin-cho-hay-blogger-me-nam-va-gia-dinh-roi-vietnam-di-my/4616979.html
Quốc Tế lên tiếng về việc Mẹ Nấm được trả tự do,
cảnh báo về tình trạng đàn áp nhân quyền
Trước tin tù nhân lương tâm Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được tự do và cùng thân nhân đi Hoa Kỳ, tổ chức Ân Xá Quốc Tế và Human Rights Watch đồng loạt lên tiếng, gọi đây là một tin vui cho tù nhân lương tâm này, nhưng đồng thời cảnh báo về phương thức đàn áp và trả tự do cho các tiếng nói đối lập của chính quyền Việt Nam.
Ân Xá Quốc Tế ra thông cáo cho rằng đây là tin vui nhưng cũng coi đây là điều nhắc nhở mọi người về tình trạng bỏ tù hằng loạt những tiếng nói chỉ trích ôn hòa khác tại Việt Nam.
Ông Nicholas Bequelin, Giám Đốc Khu Vực Đông và Đông Nam Á, nói rõ là tin vui đến sau hai năm Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh chịu tù tội cũng cần là một nhắc nhở về thành tích ngày càng tồi tệ của Hà Nội khi cho bỏ tù những ai dám chỉ trích chế độ.
Cũng theo ông Nicholas Bequelin thì dù nay Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh không còn bị giam tù nữa; nhưng cô bị lưu vong; ngoài ra còn hơn một trăm người khác đang phải sống trong ngục tù chỉ vì họ bày tỏ quan điểm của họ một cách ôn hòa hoặc là ở chốn công khai, trên trang blog hay Facebook.
Amnesty International cũng nhắc đến Luật An Ninh Mạng sắp có hiệu lực tại Việt Nam vào đầu sang năm. Luật này sẽ mang lại cho giới lãnh đạo Việt Nam thêm công cụ để dập tắt những tiếng nói bất đồng. Do đó không nên thi hành luật này để không còn ai phải chịu hành xử khủng khiếp như trường hợp Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và những tiếng nói chỉ trích khác đang phải thụ án tù.
Ân Xá Quốc Tế lặp lại kêu gọi Việt Nam phải trả tự do cho tất cả những tù nhân lương tâm.
Human Rights lên tiếng về Mẹ Nấm
Đại diện của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch tại khu vực Châu Á, ông Phil Robertson, nói vào khi mọi người vui mừng vì Mẹ Nấm và gia đình được tự do thì quyết định này của chính quyền Hà Nội cho thấy rõ chiến lược đàn áp chính trị mới của Việt Nam. Đó là bắt giữ các nhà hoạt động, truy tố họ tại những phiên tòa ‘rừng rú’ và kết án với những mức án nặng nề. Thế rồi những năm bị giam giữ trong điều kiện tù tội khắc nghiệt khiến hy vọng vơi đi, phía Việt Nam đưa ra đề nghị trả tự do và cho đi lưu vong rồi lấy tiếng về biện pháp đó. Hà Nội ngăn trở, xóa bỏ phong trào dân chủ và nhân quyền trong nước bằng cách mỗi lúc nhắm đến một nhà hoạt động nổi tiếng.
Human Rights Watch cho rằng không ai có thể quên Việt Nam là một trong những nhà nước mạnh tay đàn áp nhất ở khu vực Đông Nam Á, với hơn 100 tù chính trị đang phải ở tù chỉ vì dám nói lên quan điểm của họ, hay tổ chức những nhóm không thuộc phạm vi kiểm soát của chính quyền, hoặc tiến hành biểu tình ôn hòa.
Thêm 1 người bị kết án vì liên quan biểu tình
chống dự luật đặc khu và an ninh mạng
Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương, vào sáng ngày 17 tháng 10 năm 2018 tuyên án 7 năm tù giam đối với một cán bộ y tế theo tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu trong cùng ngày.
Tin cho biết bị cáo tên Nguyễn Đình Thành, sinh năm 1991, công tác tác tại Trung tâm y tế thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương từ năm 2015.
Theo cáo trạng của tòa án, anh Nguyễn Đình Thành vào tháng 6 năm 2018 đã soạn thảo, in ấn và phát hơn hơn 3300 tờ rơi để kêu gọi, kích động người dân biểu tình, phản đối dự luật Đặc khu kinh tế ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Vào ngày 8 tháng 6, Công an tỉnh Bình Dương cho biết bắt giữ Nguyễn Đình Thành trong lúc đang sao chép các tờ rơi.
Facebooker Nguyễn Đình Thành còn bị ghi trong cáo trạng rằng từ tháng 11 năm 2017, bắt đầu đăng tải các bài viết có nội dung xấu, xuyên tạc Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam và bị tuyên án 7 năm tù giam về tội “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin tài liệu nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Kể từ sau khi Luật An ninh mạng được thông qua hồi tháng 6 năm 2018, Chính quyền Hà Nội gia tăng bắt giữ và tuyên các bản án tù giam đối với nhiều facebooker tại Việt Nam.
Yêu cầu khởi tố vụ một phụ nữ
bị nói là tự sát trong đồn công an
Sáng ngày 17/10, ông Nguyễn Trọng Chinh, chồng của bà Huỳnh Thị Nhung, chủ nhà nghỉ bị cho là đã dùng kéo tự đâm vào cổ dẫn đến tử vong trong đồn công an sau vài tiếng giam giữ đã chính thức gởi đơn đến Công an tỉnh Khánh Hòa đề nghị khởi tố vụ án chết người xảy ra tại trụ sở Công an Thị xã Ninh Hòa đêm 13/10.
Đơn của gia đình bà Nhung, được nhà báo Hoàng Khương đăng tải trên trang Facebook cá nhân đề nghị làm rõ 4 nội dung như: nguyên nhân nào dẫn đến cái chết của bà Huỳnh Thị Nhung, ai là người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với cái chết của bà; việc bắt giữ người có đúng trình tự pháp luật hay không, hoặc có dấu hiệu tội phạm của việc bắt giữ người trái pháp luật dẫn đến chết người không.
Gia đình nạn nhân cũng yêu cầu giám định ghi âm, ghi hình toàn bộ quá trình hỏi cung theo quy định tại khoản 6 Điều 183 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Theo trình bày của ông Chinh thì vào lúc 15 giờ ngày 13/10 cảnh sát hình sự công an thị xã Ninh Hòa ập vào nhà bắt bà Huỳnh Thị Nhung để xác minh, làm rõ một số dấu hiệu vi phạm pháp luật về ngành nghề kinh doanh nhạy cảm.
Đến 18 giờ cùng ngày, bà Nhung bị đưa về lấy lời khai tại trụ sở Công an Thị xã Ninh Hòa.
Báo Người lao động dẫn thông tin từ bác sĩ Lê Quang Lệnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa, cho biết khoảng 22 giờ 50 phút đêm 13/10, bà Huỳnh Thị Nhung được một nhóm người đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch và cho biết nạn nhân tự sát bằng kéo.
Bác sĩ cho hay nạn nhân có 6 vết thương, trong đó có 3 vết thương vùng dưới ức, 2 vết vùng ngực và 1 vết thương sâu vùng cổ và tử vong sau khoảng 30 phút cấp cứu.
Mãi đến 8 giờ sáng ngày 14/10, gia đình nạn nhân mới được thông báo về cái chết của người thân.
Trước đó ngày 24/8, Đài Á Châu Tự Do loan tin về cái chết của một công dân Hà Nội tên là Hoàng Tuấn Long bị công an nói là “cắn lưỡi tự tử” sau một tuần lễ bị giam ở Trại tạm giam số 1, công an thành phố Hà Nội.
Cho đến hôm nay ngày 17/10, gần 2 tháng sau ngày xảy ra sự việc, gia đình ông Long vẫn chưa nhận được kết quả khám nghiệm pháp y từ bên quân đội, cũng như khởi tố vụ án từ Cơ quan cảnh sát điều tra.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/husband-seeking-justice-10172018085154.html
Việt Nam hãy hủy bản án 20 năm
đối với nhà hoạt động Lê Đình Lượng
Human Rights Watch vào ngày 17 tháng 10 cũng ra thông cáo báo chí kêu gọi Việt Nam hủy bỏ bản án hà khắc 20 năm đối với nhà hoạt động dân chủ và môi trường Lê Đình Lượng.
Kêu gọi của Human Rights Watch được đưa ra một ngày trước phiên phúc thẩm dự kiến đối với ông này sẽ diễn ra vào ngày 18 tháng 10 tại Nghệ An.
Phó giám đốc Văn Phòng Châu Á của Human Rights Watch, ông Phil Robertson, nói rõ bản án 20 năm tù mà tòa sơ thẩm tuyên cho ông Lê Đình Lượng là một trong những bản án hà khắc nhất trong quá trình đàn áp của Việt Nam đối với những nhà hoạt động ôn hòa.
Human Rights Watch cho rằng đây là cơ hội để tòa án sửa chữa sai lầm bằng cách phân biệt giữa việc chỉ trích chính phủ với những đe dọa thực sự đối với an ninh quốc gia, và bảo vệ quyền tự do biểu đạt của con người.
Nhà hoạt động Lê Đình Lượng, 53 tuổi, bị bắt vào tháng 7 năm ngoái với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ theo điều 79 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
Tòa sơ thẩm tại Nghệ An vào ngày 16 tháng 8 vừa qua tuyên ông Lê Đình Lượng 20 năm tù giam.
Cao tốc 34 ngàn tỷ VND bị hỏng do ‘bớt xén’?
Thêm một vụ đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi trị giá hàng ngàn tỷ đồng vừa bắt đầu được sử dụng đã bị hư hỏng nặng gây bức xúc dư luận, theo truyền thông Việt Nam.
Tuyến cao tốc này có tổng mức đầu tư lên đến 34.500 tỷ đồng, trong đó vốn vay JICA (Nhật Bản) gần 16.700 tỷ, vay Ngân hàng Thế giới 12.400 tỷ.
Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi dài gần 140 km và được chia làm 13 gói thầu với nhiều nhà thầu.
Tuyến đường mới chính thức thông xe hôm 2/9 nhưng tới nay đã xuất hiện chi chít ổ gà, đe dọa an toàn tính mạng của người tham gia giao thông, theo Vietnamnet.
Mới đây, hai nhóm chuyên gia thuộc hai cơ quan khác nhau qua khảo sát đều có chung ghi nhận là những vị trí hư hỏng trên cao tốc đều nằm ở tuyến Đà Nẵng – Tam Kỳ, theo Zing.vn.
Nhiều ổ gà nằm chính giữa đường, chiều rộng tới vài chục centimet. Ngoài ra nhiều đoạn đường còn bị chảy nhựa, bong tróc.
Ga ngầm Hà Nội ‘có làm nghiêng Hồ Gươm’?
Luật Trưng cầu Ý dân ở Việt Nam: Khi nào áp dụng?
TBT làm CT nước là giải pháp ‘tình huống’
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc ban quản lý dự án, từ chối tiết lộ cho báo giới Việt Nam danh sách đơn vị thi công những vị trí bị hư hỏng.
Ông Thành nói đoạn cao tốc Tam Kỳ – Quảng Ngãi là của các nhà thầu Trung Quốc, khánh thành hôm 2/9 và “không hư hỏng gì”. Việc hư hỏng là do mưa to và do xe qua tải đi vào cao tốc.
Nghi vấn ‘ăn bớt vật liệu’
Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đã từng có hồ sơ biên bản thanh tra gói thầu A5, thuộc nguồn vốn Ngân hàng Thế giới – dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi từ tháng 4/2017, trong dó chỉ ra nhiều sai phạm, nhưng đến nay chưa xử lý, theo Zing.vn.
Kết luận thanh tra cho thấy đơn vị thi công – Công ty Posco E&C của Hàn Quốc đã bán thầu nhiều lần. Giá trị gói thầu ban đầu là 1.394 tỷ đồng.
Kỹ sư Mai Công Sơn nói với trang Zing.vn là việc bán thầu mang giúp chủ thầu lời 10 – 15% giá trị hợp đồng.
“Việc bán thầu diễn ra nhiều lần thì số tiền bị cắt xén càng lớn”, ông Sơn phân tích.
Ví dụ gói thầu 1000 tỷ đồng, qua tay các nhà thàu nhỏ thì số tiền còn lại để thi công có khi chỉ còn vài trăm tỷ. Con số ít ỏi này sau đó lại bị đơn vị thi công ‘đong đếm’ sao cho vẫn có lời.
Rút cục là họ phải mua các vật liệu rẻ, thậm chí bớt xén vật liệu để thi công.
Thanh tra Bộ GTVT cũng chỉ ra nhiều sai phạm khác ở gói thầu này, như việc thi công không đúng với thiết kế.
Đề nghị làm rõ trách nhiệm cá nhân
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội hôm 15/10 đã đề nghị chính phủ làm rõ câu hỏi của cử tri là vì sao nhiều công trình giao thông, như tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, làm lâu mà hỏng mau, theo Thanh Niên.
Bà Nga cũng để nghị làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan trong các vụ việc này.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng tiếp tục ra văn bản yêu cầu Tổng công ty phát triển đường cao tốc VN (VEC) sửa chữa mặt đường hư hỏng.
Theo văn bản này, ông Thể “nghiêm khắc phê bình” những người có liên quan, như chủ tịch hội đồng tư vấn, Tổng giám đốc VEC và các đơn vị nhà thầu, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế.
Trong khi đó, về mặt pháp lý, luật sư Trần Văn Hùng (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) nói với Zing.vn rằng cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để tìm nguyên nhân hư hỏng cao tốc. Nếu phát hiện ra việc cắt xén vật liệu thì có thể chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, xử lý theo luật định.
Còn kỹ sư Trần Dân, một trong những người tham gia nhóm khảo sát chất lượng tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi nói có ba cơ quan chính phải chịu trách nhiệm. Trong đó đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm lớn nhất vì không làm đúng thiết kế và có khả năng bớt xén, thay đổi vật liệu.
Ông Dân nói với Zing.vn là nếu xác minh được việc này, cơ quan tố tụng có thể khởi tố vụ án hình sự theo luật hiện hành.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45872655
Cựu tướng Phan Văn Vĩnh sẽ bị xử vào ngày 12/11
Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Phú Thọ vào ngày 17/10 cho biết dự kiến đưa ra xét xử vụ án đánh bạc qua mạng ngàn tỷ đối với hai cựu tướng ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa cùng 90 đồng phạm khác vào ngày 12/11 tới đây.
Truyền thông trong nước dẫn lời phát biểu của đại diện Tòa án Nhân dân Phú Thọ cho biết như vừa nêu.
Ông Phan Văn Vĩnh cựu Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, ông Nguyễn Thanh Hóa cựu cục trưởng cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Nguyễn Văn Dương cựu chủ tịch hội đồng thành viên CNC, Phan Sào Nam cựu chủ tịch VTC Online cùng với hàng chục bị cáo khác bị cáo buộc sử dụng internert tổ chức đánh bạc, rửa tiền, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ…
Theo TAND Phú Thọ vụ xét xử sẽ diễn ra vào 12/11 tại trụ sở Tòa án Nhân dân Phú Thọ và dự kiến diễn ra trong vòng 20 ngày.
Vào hôm 15/10, truyền thông trong nước loan tin cho biết ông Phan Văn Vĩnh vừa được đưa ra khỏi trại giam để điều trị bệnh tim mạch và vảy nến.
Tin cho biết hiện nay ông Vĩnh đang nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để điều trị sức khỏe nhưng chưa thể khẳng định sức khỏe của ông Vĩnh có ảnh hưởng tới quá trình xét xử vụ án hay không, phải chờ vào tình hình thực tế.
Chính quyền thành phố
có lắng nghe nguyện vọng của người dân?
Nhà hát, quảng trường Thủ Thiêm
Chiều ngày 16 tháng 10, trong buổi bế mạc hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định việc xây dựng nhà hát ở Thủ Thiêm là đúng theo quy định và đúng theo kế hoạch đã đề ra cách đây 25 năm. Vẫn theo ông Nhân, bây giờ mới bắt đầu xây dựng là đã trễ đi so với kế hoạch được đề ra vào năm 1993.
Trước đó, vào ngày 12 tháng 10, Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh đề nghi đặt tên Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm là ‘Quảng trường Hồ Chí Minh’, với tổng kinh phí lên đến 2.000 tỷ đồng.
Mặc dù dự án xây dựng Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông tại khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua vào ngày 29/10/2012, nhưng kiến nghị đặt tên thành Quảng trường Hồ Chí Minh được truyền thông trong nước loan đi vào ngày 12 tháng 10 vừa qua lại khiến dư luận thêm xôn xao.
Bây giờ dân còn đương khó khăn quá trời, đi vay nợ các nơi các nước mà sao còn bỏ tiền ra làm cái đó. Đi vay tiền các nước rồi mắc nợ đầy, mai mốt rồi con cháu trả. – Người dân
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, một người dân bày tỏ bức xúc:
“Bây giờ dân còn đương khó khăn quá trời, đi vay nợ các nơi các nước mà sao còn bỏ tiền ra làm cái đó. Đi vay tiền các nước rồi mắc nợ đầy, mai mốt rồi con cháu trả.”
Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng lại cho rằng những dự án này là hoàn toàn phù hợp với đà phát triển của thành phố, tuy nhiên cần phải lựa chọn thời điểm thích hợp:
“Tôi nghĩ rằng thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố lớn, lớn nhất Việt Nam, cho nên Nhà hát nhạc vũ kịch giao hưởng lớn hay một quảng trường cho xứng đáng thì cũng là cần thiết. Những việc ấy Việt Nam nên có nhưng mà trong tương lai, khi mức sống của nhân dân đã lên cao hơn hiện nay. Ít ra cũng phải là nước thu nhập trung bình ở lớp trên, chứ hiện nay Việt Nam đang là nước thu nhập trung bình ở lớp dưới thấp chứ chưa phải là lớp giữa nữa cơ.”
Đồng tình với Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng việc xây dựng Nhà hát giao hưởng và Quảng trường Hồ Chí Minh hiện đang là vấn đề rất phức tạp:
“Vấn đề hiện nay là trong các ưu tiên về phát triển kinh tế – xã hội – văn hóa, thì các ưu tiên về phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng rất quan trọng. Mà cơ sở hạ tầng chủ yếu là đường giao thông, trường học, trại y tế, những cái đó cấp bách hơn rất nhiều. Còn bây giờ một cái quảng trường như thế trong bản thiết kế thì được, nhưng đưa ra để xây dựng ngay thì cần phải tính toán vì bây giờ còn rất nhiều ưu tiên, mà hơn nữa bây giờ đang là vấn đề về tranh chấp đất đai nữa.”
Tuy nhiên, theo lời Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh trong buổi họp chiều ngày 16 tháng 10, việc xây dựng nhà hát mà mọi người phản đối chỉ tốn kinh phí 1.500 tỷ đồng, tương đương với 4% tiền xây dựng bệnh viện, trường học trong 5 năm qua là 34.000 tỷ đồng. Do đó, xét trên tổng thể thì việc xây nhà hát là điều nên làm vì hiện nay, chỉ duy nhất Nhà hát Thành phố có chức năng một nhà hát đúng nghĩa.
“Thành phố Hồ Chí Minh phải bước sang sông”
Trả lời truyền thông trong nước về dự án nhà hát giao hưởng, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trương Lâm Danh cho biết sở dĩ chọn Thủ Thiêm để xây vì thành phố đang phát triển khu phố Đông tại Thủ Thiêm.
Giải thích rõ hơn về phát biểu này, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm nhận định thành phố Hồ Chí Minh phải bước sang sông:
“Hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là thành phố một bên sông, thế nhưng các nước phát triển bao giờ nó cũng ở hai bên sông. Sở dĩ chưa sang sông được vì công trình hạ tầng chưa đáp ứng được. Bây giờ Thành phố Hồ Chí Minh đã làm được một số cầu, một số hầm qua sông rồi, thì phát triển bên kia sông, chuẩn bị một khu vực như vậy cũng là cần thiết. Bởi vì theo tôi hiểu qua sông thì tiện hơn là mở rộng lên Củ Chi, Cần Giờ theo tôi không phù hợp. Trong khi đó phía đối diện trung tâm nay lại có một khoảng đất rộng, tại sao không làm?”
Điều này được nhiều người nhận xét là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, địa điểm Thủ Thiêm và thời điểm công bố dường như chưa hợp lý vì theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lương Hồng Quang, Thủ Thiêm đang gặp vấn đề về giải tỏa đền bù, vấn đề về quyền của người dân. Tính đến nay, thành phố vẫn chưa đưa ra những phương án đền bù thích hợp cho những người dân bị giải tỏa tại khu vực này.
Trước đó, vào ngày 21/9, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã họp báo thừa nhận trách nhiệm và những sai phạm liên quan đến đền bù và quy hoạch dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, khoảng 14.600 hộ gia đình với hơn 60.000 người dân gốc ở Thủ Thiêm đã bị ảnh hưởng vì quy hoạch giải tỏa xây dựng khu đô thị này từ suốt 20 năm qua vẫn chưa nhận được phương án giải quyết thỏa đáng.
Ý kiến người dân có được lắng nghe?
Trên trang web của Ban Quản lý đầu tư – Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong bài thông tin quy hoạch về Quảng trường trung tâm tại Thủ Thiêm vào năm 2012 có đăng tải nội dung: Nhiệm vụ được tổng hợp dựa trên sự góp ý của các Sở -Ngành-Ban-Hội-Viện và các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực có liên quan (khoa học xã hội, môi trường, lịch sử, kiến trúc, quy hoạch…) dựa trên khảo sát ý kiến của người dân năm 2008.
Vấn đề hiện nay là trong các ưu tiên về phát triển kinh tế – xã hội – văn hóa, thì các ưu tiên về phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng rất quan trọng. Mà cơ sở hạ tầng chủ yếu là đường giao thông, trường học, trại y tế, những cái đó cấp bách hơn rất nhiều. – TS. Lương Hồng Quang
Nhiều người dân tỏ ra bất bình khi đọc được thông tin này, vì theo bài báo thì ý kiến này đã lấy từ cách đây 10 năm trước, nhiều người còn bày tỏ thắc mắc không biết ý kiến này từ đâu ra như lời một người dân ở Thủ Thiêm:
“Ở đây chính quyền địa phương đâu có báo gì với dân, cái đó là chính quyền tự người ta làm chứ người dân có biết đâu.”
Một người dân khác qua việc này cũng bày tỏ thất vọng đối với bộ máy điều hành:
“Không lẽ nói Quốc hội bù nhìn, tự tung tự tác, không hỏi qua nhân dân coi mình thay mặt nhân dân mà mình thông qua, người dân không biết gì hết, để cho người ta phản đối. Rõ ràng là mấy anh tự tung tự tác rồi!”
Những dự án tại khu đô thị mới Thủ Thiêm không phải là trường hợp đầu tiên người dân lên tiếng phản đối vì không hợp lòng dân. Điển hình như những cuộc biểu tình tại những trạm BOT đặt sai vị trí, những buổi tập trung trước cổng các nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn được phép hoạt động…
Hầu hết những người dân tham gia phản đối khi được hỏi đều cho biết, nếu chính quyền biết lắng nghe hơn, biết điều chỉnh cho hợp lý hơn, thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, theo ý kiến từ một người dân ở Sài Gòn cho rằng lý thuyết là vậy nhưng trên thực tế, quyết định vẫn là từ phía nhà nước, ý kiến người dân vẫn chưa được lắng nghe, hoặc có nghe nhưng chỉ để đó và không áp dụng sửa đổi.
Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh
thăm dân tái định cư Thủ Thiêm
Một ngày sau khi lên tiếng bảo vệ việc xây dựng Nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh đã đến thăm một vài hộ dân tái định cư của dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở quận 2.
Tin từ trong nước loan tin này vào cùng ngày 17 tháng 10, cho biết thêm hai hộ dân được thăm là gia đình bà Trần Thị Em và gia đình ông Trần Ngọc Minh.
Theo đó, bà Em là một trong những hộ gia đình di dời đầu tiên trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Còn ông Minh đã tái định cư và phát triển mô hình kinh doanh tốt.
Trước đó, vào ngày 16 tháng 7, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng đã đến thăm người dân Thủ Thiêm và làm việc với cơ quan chức năng quận 2.
Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu tiến hành giải tỏa Thủ Thiêm để xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm từ hồi đầu những năm 2000.
Đã có tổng cộng 14.600 hộ dân với hơn 60.000 người phải di dời để nhường đất cho dự án mới. Suốt 20 năm qua, người dân Thủ Thiêm khiếu kiện khắp nơi vì bị thu hồi đất với giá quá rẻ mạt. Tuy nhiên lời kêu cứu của họ suốt nhiều năm không được cơ quan chức năng nào giải quyết.
Vào ngày 21/9, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã họp báo thừa nhận trách nhiệm và những sai phạm liên quan đến đền bù và quy hoạch dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, đến nay thành phố vẫn chưa đưa ra những phương án đền bù thích hợp cho những người dân bị giải tỏa.
Bộ Văn hóa lên tiếng
việc xây nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm
Người phát ngôn Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch vừa cho biết quyết định xây dựng Nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm không thuộc thẩm quyền của Bộ mà tùy thuộc vào quyền quyết định của thành phố Hồ Chí Minh.
Truyền thông trong nước loan tin này vào ngày 17 tháng 10, trích dẫn lời ông Nguyễn Thái Bình trả lời truyền thông trong cuộc họp báo thường kỳ quý 3 năm 2018.
Người phát ngôn Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch cho biết hiện Bộ vẫn chưa nhận được thông tin gì về việc xây dựng nhà hát 1.508 tỷ đồng từ phía Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng đã có chỉ đạo Cục Nghệ thuật Biểu diễn trao đổi với Sở Văn hóa – Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên nội dung trao đổi giữa 2 cơ quan vẫn chưa được báo cáo lại cho Bộ.
Trước đó, trong kỳ họp thứ 10 của Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khoá IX ngày 8 tháng 10, sau hơn 3 giờ đồng hồ thảo luận, 100% các đại biểu đã thông qua dự án đầu tư nhà hát 1.500 tỉ đồng.
Dự án này gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận vì công tác đền bù giải tỏa cho người dân Thủ Thiêm sau 20 năm vẫn chưa được hoàn tất, nay lại xây dựng nhà hát mà theo đánh giá là chưa cần thiết vào lúc này.
Vào ngày 16 tháng 10 vừa qua, trong buổi bế mạc hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định việc xây dựng nhà hát ở Thủ Thiêm là đúng theo quy định và đúng theo kế hoạch đã đề ra cách đây 25 năm
Thay loa phường bằng thiết bị thông minh:
Bình mới rượu cũ?
Sau nhiều năm công luận kêu gọi xóa bỏ loa phường vì tính bất cập của nó, gần đây cơ quan chức năng Hà Nội đã có động thái đáp ứng. Đó là dùng thiết bị thông minh gắn tại nhà dân để phường xã phát thanh trực tiếp đến từng nhà. Người dân và các chuyên gia thông tin truyền thông nghĩ gì về việc này?
Ủng hộ bỏ loa phường
Loa phường, một sản phẩm thường thấy ở các nước cộng sản, với mục đích tuyên truyền cổ động các chính sách của nhà nước. Vào ngày 9 tháng 1 năm 2017, phát biểu tại hội nghị triển khai công tác năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đã nhận định ‘loa phường’ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, do vậy cần đánh giá, nếu thấy không hiệu quả thì nên bỏ. Ý kiến của ông Nguyễn Đức Chung khi đó được sự đồng tình của người dân. Có lẽ đây là một trong số ít lần, ý kiến của vị chủ tịch thành phố Hà Nội được người dân hưởng ứng nhiều như vậy.
Bỏ loa phường là rất tốt, bởi vì nó đỡ hẳn một cái kênh ô nhiễm tiếng ồn, bởi vì trong nội đô vì đã phải tiếp xúc với rất nhiều thể loại âm thanh khác nhau rồi.
-Anh Trọng
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Anh Trọng, một người dân ở Hà Nội, cho biết ý kiến của mình về chiếc loa phường:
“Với góc độ là người dân Hà Nội sống trong nội đô thì Anh thấy bỏ loa phường là rất tốt, bởi vì nó đỡ hẳn một cái kênh ô nhiễm tiếng ồn, bởi vì trong nội đô vì đã phải tiếp xúc với rất nhiều thể loại âm thanh khác nhau rồi. Với lại trong nội đô người ta đã có nhiều cách tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, kể cả thông tin từ cơ sở. Trong khi loa phường đưa thông tin lại mang tính áp đặt, có thông tin không cần thiết mà nó cứ văng vẳng ở tai rất khó chịu. Thứ nữa là cái thời đại bây giờ có nhiều cách để các cấp chính quyền từ trung ương cho đến địa phương truyền tải thông tin đến người dân, kể cả thông qua mạng xã hội. Cho nên cái việc bỏ loa phường là anh thấy ủng hộ.”
Nhận xét về loa phường, Ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội truyền thông số Việt Nam đưa ra nhận định:
“Tôi nghĩ nó sẽ phụ thuộc vào tính chất, chẳng hạn như những nơi mà thông tin nhiều như ở thành phố thì chắc là nó không cần thiết. Còn tính năng cảnh báo, trường hợp đột xuất thì có nhiều cách khác nhau. Ở những nơi vùng sâu vùng xa mà thông tin rất thiếu thì có thể loa phường còn tác dụng, còn ở thành phố thì tôi nghĩ nó không cần thiết.”
Tuy nhiên ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi đó lại không được sự đồng tình của Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội. Ý kiến ngược lại này phải chăng là do lợi ích nhóm, vì mỗi lĩnh vực, mỗi ngành nghề đều có những dự án, những lĩnh vực thuộc quyền lợi của mình.
Cho đến tháng 8 năm 2017, chính quyền Hà Nội đã tìm ra giải pháp có lẽ sẽ vẫn đảm bảo quyền lợi của các các “nhóm”!? Một trong những nội dung của đề án “Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố”, là dùng thiết bị thông minh gắn tại nhà dân để thay thế loa phường.
Khó khả thi
Thiết bị thông minh mới này có tên M-Gateway, hiện do công ty Mobifone sản xuất và gắn thử nghiệm tại 200 hộ dân tại các quận Ba Ðình, Cầu Giấy và Hoàn Kiếm thuộc trung tâm thành phố Hà Nội.
Theo thông tin từ Trung tâm công nghệ thông tin MobiFone, thiết bị M-Gateway có chức năng phát trực tiếp các bản tin của chính quyền đến từng hộ dân, có thể kết nối với điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng… tuy nhiên tất cả mọi chức năng cần phải kết nối internet mới sử dụng được.
Nhật xét về việc dùng thiết bị thông minh thay thế loa phường, Anh Trọng sống ở Hà Nội, cho biết:
“Cái thiết bị mới đặt trong nhà này, Anh thấy là khó khả thi, trừ khi họ có cái chế tài để bắt từng gia đình phải mua trang bị. Nếu mà để cho người dân tự nguyện thì anh nghĩ nhu cầu của người dân cũng không đến mức họ tự nguyện lắp ở trong nhà đâu. Tại vì, thứ nhất đối với tầng lớp thanh niên hay tuổi trẻ thì họ cũng có nhiều cách để tiếp cận thông tin, còn đối với một số người cao tuổi một chút mà có nhu cầu nghe loa phường, nghe chương trình thời sự qua kênh loa phường thì có lẽ họ cũng khó sử dụng cái thiết bị mà phải cắm qua internet ở trong nhà như thế.”
Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội truyền thông số Việt Nam, kêu gọi lắp đặt thiết bị thông minh tại nhà dân để thay thế loa phường là xâm phạm quyền riêng tư của người dân. Ông nói tiếp:
“Theo tôi dùng thiết bị thông minh thay thế loa phường là không khả thi vì không ai làm như thế cả. Thực ra thì chính quyền có thể để ra một cái địa chỉ trên mạng, rồi thông báo cho người dân biết các việc ấy. Chứ còn lắp một cái thiết bị ở trong nhà dân chắc là chẳng ai đồng ý. Còn nếu người ta đồng ý thì sau đó người ta cũng phá đi chứ chẳng ai để cái đó trong nhà. Còn nếu kêu gọi mua thì tôi nghĩ cũng chẳng ai mua, vì cái đó xâm phạm cái quyền riêng tư ở trong nhà người ta.”
Theo tôi dùng thiết bị thông minh thay thế loa phường là không khả thi vì không ai làm như thế cả. Thực ra thì chính quyền có thể để ra một cái địa chỉ trên mạng, rồi thông báo cho người dân biết các việc ấy.
-Nguyễn Lâm Thanh
Chúng tôi liên hệ bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Hoàn Kiếm, là một trong các quận tại Hà Nội được lắp thử nghiệm thiết bị thông minh thay thế loa phường, để tìm hiểu thêm thông tin liệu có bắt buộc người dân gắn thiết bị mới này không, thì được bà Hiền trả lời như sau:
“Anh ơi nếu anh muốn làm việc thì phải đến quận anh ạ, anh ra đấy đến phòng em làm việc đi, ai lại làm việc qua điện thoại thế anh.”
Một người dân sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết ông cũng muốn có thiết bị này, tuy nhiên ông chỉ lo lắng về chi phí:
“Nếu trang bị toàn dân thì kinh phí nhà nước có đảm bảo không? Cái thứ hai là dân cũng muốn có nhưng có phải mất cước hàng tháng không? ”
Theo Kỹ sư Đoàn Quang Hoạt, thiết bị thông minh thay thế loa phường cũng là một cái ý tưởng hay:
“Thiết bị này vẫn có thể dùng được mục đích của loa phường, thông tin công cộng, thông tin phục vụ cộng đồng, nhưng mà cách thức nghe, thời gian nghe và âm lượng nó cũng phù hợp với từng người hơn. Tôi nghĩ vì phục vụ cho cộng đồng nên chi phí phải là do cộng đồng, tức là nếu nhà nước có điều kiện để trang bị là tốt nhất.”
Tuy nhiên theo Anh Trọng thì nếu để người dân tự nguyện lắp đặt thì không khả thi, trừ khi là có chế tài gì bắt buộc người dân phải mua, mà như thế thì người dân cũng không thấy thoải mái. Anh nói tiếp:
“Nếu thay loa phường bằng thiết bị thông minh gắn trong nhà thì Anh nghĩ đúng là bình mới rượu cũ, nó cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Trừ khi họ dùng cái giải pháp công nghệ gì đấy cao hơn, không phát sinh chi phí trang bị thiết bị mới. Tại vì nếu người dân không mua mà nhà nước trang bị thì thật ra cũng là từ tiền thuế của dân thôi, nó cũng chẳng khác gì.”
Vào đầu tháng 10 năm 2018, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tổ chức khảo sát, ý kiến người dân về đài truyền thanh phường sau một năm thực hiện đề án “Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử của chính quyền Hà Nội, tính đến ngày 10 tháng 10 năm 2018, chỉ có 50% ý kiến đồng ý thay thế loa phường bằng thiết bị thông minh.
BTQP Mỹ tới Sài Gòn:
Việt Nam giữa hai cường quốc
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis đã tới Việt Nam trên một chiếc Boeing E-4B, đáp xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vào trưa ngày 16/10 giờ địa phương, báo chí trong nước cho biết. Ông đã được Bí Thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Thiện Nhân đón tiếp. Một chuyên gia về Việt Nam nhận xét chuyến đi thăm Việt Nam thứ nhì của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong vòng 9 tháng cho thấy Hoa Kỳ coi Việt Nam là một đối tác chiến lược quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam sắp lên nắm chức Chủ tịch ASEAN vào năm 2020. Liệu Hoa Kỳ có đạt được những bước cụ thể hướng tới mục tiêu xây dựng một liên minh, trong đó có Việt Nam, để đối trọng với Trung Quốc trong khu vực? VOA-Việt ngữ phỏng vấn nhà báo Nguyễn Văn Huy, chủ nhiệm trang báo điện tử Thông Luận ở Paris. Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy trước đây giảng dạy tại Đại học Paris 7.
Như VOA đã đưa tin, lịch trình tại Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bao gồm một chuyến thăm tới căn cứ không quân Biên Hòa, từng là một căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ trong thời chiến tranh Việt Nam, và giờ là tâm điểm của một chiến dịch do Mỹ bảo trợ để dọn sạch chất độc khai quang, thường được gọi là ‘chất độc Da Cam’ mà quân đội Mỹ đã rải tại Việt Nam trong thời chiến.
Việc ông Mattis ghé thăm căn cứ Biên Hòa do đó mang ý nghĩa đặc biệt. Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam, nhận xét trên trang mạng Scribd.com của ông, rằng bằng động thái đi thăm căn cứ không quân Biên Hòa, Bộ trưởng Mattis và chính phủ Mỹ thừa nhận tầm quan trọng đối với Việt Nam của các vấn đề còn tồn đọng sau chiến tranh, như vấn đề chất độc Da Cam. Cho nên có phần chắc ông Mattis sẽ tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam giải quyết vấn đề này.
Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thỉnh thoảng lại bùng phát trên các vùng biển đang trong vòng tranh chấp trong khu vực, giữa một bên là tàu quân sự Mỹ tuần tra Biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải, và một đàng là tàu Trung Quốc xua đuổi tàu Mỹ “xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền không thể tranh cãi” của họ trên Biển Đông.
Nhưng phát biểu hôm 16/10 tại Việt Nam, Bộ trưởng Mattis khẳng định Hoa Kỳ không có ý muốn kiềm hãm Trung Quốc. Ông nói:
“Sẽ có những lúc hai nước dẫm chân lên nhau, thế cho nên chúng ta phải tìm ra một cách để quản lý quan hệ song phương trong tinh thần xây dựng.”
Do những yếu tố lịch sử và địa lý của mình, Việt Nam bị giằng co giữa hai cường quốc thế giới.
Trong cuộc trao đổi với VOA-Việt ngữ sáng ngày 16/10 giờ Washington, Giáo sư Nguyễn Văn Huy trước đây giảng dạy tại Đại học Paris 7, nhận xét rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump trước đây không mấy mặn mòi với khu vực Đông Nam Á đã đổi thái độ và tích cực quan tâm tới Biển Đông, nhất là sau khi bùng ra chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
Nhà báo Nguyễn Văn Huy:
“Đây là một tín hiệu để xác nhận rằng Hoa Kỳ quyết tâm trở lại Đông Nam Á, và tôi nghĩ rằng vai trò của Hoa Kỳ trong thời gian tới sẽ quan trọng hơn. Hoa Kỳ đã bắt lại liên lạc với Philippines, môt quốc gia mới đây có vẻ như muốn bỏ Hoa Kỳ để theo Trung Quốc. Tổng thống Duterte đã thấy rõ rằng người bạn Trung Quốc của mình không tốt đẹp như mình tưởng đâu. Thành thử Hoa Kỳ đã lôi kéo được một số quốc gia trước đây tỏ ra nghi ngờ Hoa Kỳ.”
Hoa Kỳ và Việt Nam gần đây cũng xích lại gần nhau hơn vì cả hai nước đều chia sẻ chung quan tâm về những hành động đôi khi hung hăng của Trung Quốc để xác quyết chủ quyền trên Biển Đông.
Giáo sư Thayer nói trong chuyến đi của ông Mattis lần này, Hoa Kỳ sẽ lại hối thúc Việt Nam đẩy nhanh hơn nữa hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ, kể cả các cuộc thăm viếng thường xuyên của tàu hải quân Mỹ.
Gần đây quân đội Việt Nam thường xuyên tham gia các hoạt động hợp tác an ninh quốc tế, điều tàu đi dự các hoạt động chung ở nước ngoài. Vào trung tuần tháng 10, Việt Nam triển khai tàu hộ vệ tên lửa 015 Trần Hưng Đạo tới cảng Sakai, tỉnh Osaka- Nhật Bản để duyệt đội hình hải quân trên biển tại Hàn Quốc cùng các chiến hạm của 12 nước khác.
Từ đầu tháng 9 đến tháng 10/2018, các tàu hải quân lớn của nhiều nước cũng liên tục cập cảng ở Việt Nam, thể hiện nguyện vọng thoát Trung ngày càng mạnh mẽ hơn tại Việt Nam.
Tuy vậy nhà báo cảnh báo về khuynh hướng thân Trung trong một số tầng lớp lãnh đạo bảo thủ của Việt Nam, chịu chấp nhận sự hiện diện của Trung Quốc trên đất nước mình vì những vướng mắc có tính cách thương mại hay viện trợ phát triển. Ông nói:
“Trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay có một sự lấn cấn, một khuynh hướng là làm sao thoát được sự áp đảo của ảnh hưởng Trung Quốc. mà Việt Nam hiện nay đang bị áp lực của Trung Quốc dưới hình thức những hợp đồng thương mại, hoặc giúp đỡ cho các đặc khu hay là những khoản viện trợ phát triển có mục đích tăng sức ép để Việt Nam chấp nhận Trung Quốc có mặt tại đó, và nắm được quyền kiểm soát càng tốt để mà nếu mà có xung đột thì họ biến những nơi đó thành những căn cứ an toàn cho Trung Quốc.
Tiến sĩ Huy cho rằng chuyến đi của Bộ trưởng Mattis cho thấy Washington nhận thức rõ tầm quan trọng của Việt Nam trên bàn cờ khu vực.
“Cái vị trí của Việt Nam nó rất là quan trọng. Hoa Kỳ cũng đã thấy và tìm cách lôi kéo Việt Nam sao đừng để Việt Nam nghiêng hẳn về Trung Quốc. Trong vấn đề này, chúng ta thấy rằng đây là một thế cờ rất khó khăn, và Việt Nam cũng không thể đu dây lâu dài được tại vì tới giai đoạn quyết liệt thì Việt Nam phải chọn một hoặc hai chứ không thể nào giữ cả hai được.”
“Chiến tranh có thể sẽ không xảy ra nhưng xung đột nhỏ thì có thể có, chẳng hạn như những va chạm ngoài biển, nhưng tôi nghĩ chiến tranh chắc sẽ không xảy ra.”
Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy
Một số nhà quan sát lo ngại rằng căng thẳng trên Biển Đông có thể leo thang vì những sự xung đột trên Biển Đông trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Mới đây Phó Tổng Thống Mỹ Mike Pence đã đọc một bài diễn văn gay gắt chỉ trích Bắc Kinh về một loạt vấn đề, nhưng Tiến sĩ N Huy tin rằng chiến tranh khó có thể xảy ra.
“Chiến tranh có thể sẽ không xảy ra nhưng xung đột nhỏ nhặt thì có thể có, chẳng hạn như những va chạm ngoài biển, như bên này bắn trước, bên kia bắn sau thì có thể có những đổ vỡ nhỏ nhỏ, nhưng tôi nghĩ chiến tranh chắc sẽ không xảy ra.”
Nhà báo tóm tắt tình hình hiện nay như sau:
“Tôi nghĩ rằng đây nó cũng trở lại một giai đoạn chiến lược của thời Đệ nhị Thế chiến tức là làm sao để ngăn chặn, không cho Trung Quốc xuống được miền Nam một cách tự do như trước, mà phải ngăn chận lại. Vấn đề này nó rất là tế nhị nhưng mà Hoa Kỳ cũng đang tìm cách làm sao để mà hàn gắn lại quan hệ với các nước Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia.”
Việc Bắc Kinh tăng tốc quân sự hóa Biển Đông sau khi lắp đất xây đảo nhân tạo tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong mấy năm qua, đã khơi dậy sự phẫn nộ của nhiều người Việt Nam, cả quan lẫn dân, phản đối ý đồ của Trung Quốc dần dà độc chiếm Biển Đông để khai thác tài nguyên, và kiểm soát tuyến đường biển và cả vùng không phận bên trên Biển Đông.
Các hoạt động quân sự hóa khu vực của Trung Quốc cũng sẽ là chủ đề chính trong chặng dừng chân kế tiếp của ông Mattis sau khi ông rời Việt Nam sang Singapore dự hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN. Hội nghị này còn có sự hiện diện của các Bộ trưởng Quốc phòng từ Trung Quốc, Australia và Nhật Bản.
https://www.voatiengviet.com/a/btqp-my-toi-saigon-vietnam-giua-hai-cuong-quoc/4616304.html
Mỹ chuẩn bị cho dự án
tẩy độc Chất Da cam lớn nhất ở VN
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis hôm 17/10 đến thăm Căn cứ Không quân Biên Hòa, trước đây từng là một căn cứ không quân của Mỹ ở miền nam Việt Nam.
Nơi này sẽ sớm trở thành dự án tẩy độc lớn nhất của Mỹ để khắc phục hậu quả ô nhiễm Chất Da cam do Chiến tranh Việt Nam để lại.
“Tôi đến để thể hiện sự ủng hộ của Bộ Quốc phòng Mỹ cho dự án này và chứng minh rằng Hoa Kỳ làm đúng lời hứa của mình”, ông Mattis nói với người đồng nhiệm Việt Nam tại một cuộc họp riêng sau đó ở thành phố Hồ Chí Minh, gần Biên Hòa.
Hoạt động tẩy độc dự kiến sẽ bắt đầu được tiến hành vào đầu năm tới.
Quân đội Mỹ đã rải Chất Da cam trong Chiến tranh Việt Nam để phát quang các vùng rừng rậm. Nhưng chất này đã góp phần gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, theo Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ, có thể bao gồm cả bệnh Parkinson, ung thư tuyến tiền liệt và bệnh bạch cầu tế bào B mãn tính.
Trong số 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm Chất Da cam, khoảng 3 triệu người vẫn đang phải chịu khổ vì những ảnh hưởng của nó, bao gồm các trẻ em bị khuyết tật nặng hoặc các vấn đề sức khỏe khác nhiều năm sau khi cha mẹ các em bị phơi nhiễm, theo Hội Nạn nhân Chất độc Da cam đặt tại Hà Nội.
Các quan chức Hoa Kỳ, trong đó có ông Mattis – người hiện đang thăm Việt Nam lần thứ hai trong chỉ riêng trong năm nay – hy vọng rằng việc giải quyết các di chứng chiến tranh của Mỹ, như Chất Da cam, có thể trở thành một phương tiện để tăng cường hơn nữa quan hệ vào lúc cả hai nước đều quan ngại về Trung Quốc.
Hoa Kỳ vừa hoàn thành chương trình kéo dài 5 năm trị giá 110 triệu đô la để làm sạch đất bị ô nhiễm Chất Da cam tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, một trong những căn cứ không quân chính từng được sử dụng để phục vụ việc cất trữ và phun rải chất gây rụng lá này từ năm 1961 đến năm 1971.
Nhưng các quan chức của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, cơ quan giám sát dự án này, cho biết địa điểm ở Biên Hòa sẽ lớn gấp 4 lần Đà Nẵng, dự án lớn này dự kiến tốn 390 triệu đô la, theo một tờ thông tin của họ được phát cho các phóng viên.
https://www.voatiengviet.com/a/my-chuan-bi-cho-du-an-tay-do-chat-da-cam-lon-nhat-o-vn/4617235.html