Tin Biển Đông – 16/10/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 16/10/2018

Nhật tập trận chung với Mỹ – Phillippine,

ra tín hiệu tới TQ

Lần đầu tiên kể từ Thế chiến II, Nhật điều động một lực lượng hải quân tinh nhuệ tham gia tập trận chung với Mỹ, ra tín hiệu đối kháng với Trung Quốc, theo Business Insider.

Hồi tháng Ba, Nhật Bản đã kích hoạt Lữ đoàn đổ bộ tác chiến nhanh đầu tiên của mình kể từ khi Thế Chiến II kết thúc, với mục đích bảo vệ các hòn đảo dọc theo bờ biển Hoa Đông.

Tuần này đã đánh dấu cuộc tập trận chung đầu tiên của Lữ đoàn đổ bộ tác chiến nhanh Nhật Bản, cùng với Hạm đội 7, Hoa Kỳ trong cuộc tập trận chung Kamandag 2 với Philippine.

Hoạt động của Lực lượng Nhật Bản trong tập trận chung KAMANDAG 2, hôm 6/10/2018. (Ảnh: Marine Corps/Lance Cpl. Christine Phelps/ Business Insider)

Tờ Business Insider đưa tin, các lực lượng của người Nhật đang ở Philippines để tham gia phiên bản tập trận thứ hai của bài tập Kamandag – viết tắt của cụm từ “Kaagapay Ng Mga Mandirigma Ng Dagat” (được hiểu là “Cooperation of Warriors of the Sea” – Những Chiến binh Biển cả đồng tác chiến).

Tập trận thường niên song phương Mỹ – Phi, Kamandag đã diễn ra từ ngày 2/10 – 11/10 năm nay.

“Lữ đoàn đổ bộ tác chiến nhanh” của Nhật Bản trong vai trò hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai trong cuộc tập trận KAMANDAG lần 2 tại Philippines, 6/10/2018. (Ảnh: Marine Corps/Lance Cpl. Kevan Dunlop/ Business Insider)

Đội quân Nhật Bản không vũ trang và đoàn xe bọc thép đã tham gia vào một chiến dịch đổ bộ, tiếp cận bãi biển cùng với Hải quân Mỹ và Philippines với vai trò viện trợ nhân đạo. Đây là lần đầu tiên các loại xe bọc thép của Nhật Bản được sử dụng tại lãnh thổ nước ngoài kể từ Thế chiến II.

Lữ đoàn từ bên trong boong tàu quan sát các hoạt động đổ bộ của tàu USS Ashland trong cuộc tập trận KAMANDAG 2, hôm 4/10/2018. (Ảnh: Navy/Mass Comm. Specialist 2nd Class Joshua/ Business Insider)

Nhật Bản đã giải thể quân đội sau Thế chiến II, nhưng Tokyo đã quay trở lại phát triển lực lượng vũ trang này trong những năm gần đây và thành lập Lữ đoàn đổ bộ tác chiến nhanh (Amphibious Rapid Deployment Brigade – ARDB) vào cuối tháng 3 như một phần nỗ lực chống lại sự gia tăng hoạt động của Trung Quốc tại Biển Hoa Đông và quanh khu vực.

Thuỷ quân Lục chiến Hoa Kỳ và các thành viên của Lữ đoàn đổ bộ tác chiến nhanh của Nhật đứng trên boong tàu USS Ashland sau khi vận hành các xe đổ bộ tấn công trong tập trận chung KAMANDAG 2, hôm 5/10/2018. (Ảnh: Navy/Mass Comm. Specialist 2nd Class Joshua Mortensen/ businessinsider). Hoạt động của Lực lượng Nhật Bản trong tập trận chung KAMANDAG 2, hôm 6/10/2018. (Ảnh: Marine Corps/Lance Cpl. Christine Phelps/ Business Insider)

http://biendong.net/bi-n-nong/24171-nhat-tap-tran-chung-voi-my-phillippine-ra-tin-hieu-toi-tq.html

 

Bản tin Biển Đông ngày 15/10/2018.

Vấn đề Biển Đông nằm trong chương trình nghị sự hàng đầu của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN

Ngày 14/10, South China Morning Post đưa tin, vấn đề căng thẳng lâu nay tại Biển Đông được kỳ vọng sẽ là một trong những nội dung được bàn thảo trước tiên tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các đối tác sắp diễn ra từ ngày 18-20/10 tới đây tại Singapore. Các nhà quan sát hy vọng các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ đạt được đồng thuận nào đó về các vấn đề ít tranh cãi hơn như cứu trợ thiên tai, nghiên cứu khoa học biển, chống khủng bố, trong khi không mong đợi tiến triển gì từ các tranh chấp lãnh thổ.

Theo một số nhà phân tích, các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông không chỉ làm gia tăng lo ngại từ các nước thành viên ASEAN mà còn khuyến khích sự can dự và hợp tác mạnh hơn giữa các đồng minh của Mỹ, trong đó có Australia, Nhật Bản, New Zealand, Anh và Pháp. Elena Collinson, nghiên cứu viên tại Viện Quan hệ Australia – Trung Quốc thuộc Đại học Công nghệ Sydney, cho rằng “có thể hy vọng sẽ có những thảo luận mạnh mẽ hoặc thực chất hơn tại Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng sắp tới. Bất cứ quyết định nào cũng sẽ tính đến quan hệ của từng nước ASEAN không chỉ với Trung Quốc mà cả với các nước phương Tây”.

Liên quan đến tiến trình đàm phán COC, các nhà phân tích cho rằng sẽ khó có thể đạt được văn bản cuối cùng trong thời gian sớm. Bill Hayton, chuyên gia về Biển Đông, nghiên cứu viên tại Viện Chatham House của Anh cho rằng “Điều quan trọng là cần phải nghĩ về Bộ quy tắc ứng xử là một hành trình, chứ không phải chỉ là cái đích”. Thậm chí nếu như COC được ký kết, theo Pooja Bhatt, nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Không lực, New Delhi, văn bản này sẽ mang tính không ràng buộc, các tranh chấp lãnh thổ sẽ vượt khỏi tầm nhìn của văn bản này, và các nước không phải thành viên ký kết sẽ bị loại, không được can dự vào các bất đồng.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cảnh báo Trung Quốc về đối đầu ở Biển Đông

Theo The National Sentinel ngày 13/10, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cảnh báo Chính phủ Trung Quốc về việc đối đầu ngày càng nguy hiểm ở Biển Đông với các tàu chiến Mỹ đi lại tại các vùng biển quốc tế, lưu ý rằng các quy định của Hải quân cho phép có sự phản ứng với các hành động gây hấn. Liên quan đến vụ tiếp cận nguy hiểm với tàu USS Decatur vừa qua, ông Bolton cho rằng các tàu chiến của Hải quân Mỹ được phép sử dụng sức mạnh đề phản ứng bảo vệ bản thân và các thủy thủ khỏi các hành động đe dọa ở biển cả. Cố vấn an ninh quốc gia Bolton tuyên bố “Chúng tôi sẽ không tha thứ cho các đe dọa đối với các thành viên lực lượng Mỹ. Chúng tôi kiên quyết giữ cho các tuyến đường biển quốc tế luôn mở. Đây là điều mà người Trung Quốc cần phải hiểu. Hành vi của họ đã mang tính khiêu khích đã quá lâu rồi”. Ông Bolton cũng gợi ý các quốc gia khu vực như Philippines, Nhật Bản và các nước khác cần xây dựng và quân sự hóa chính các đảo của mình để chống lại chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc. Ông Bolton nhấn mạnh “Trung Quốc cần phải biết họ chưa đạt được sự đã rồi ở đây. Đây không phải là một tỉnh của Trung Quốc và sẽ không bao giờ là thế”.

http://biendong.net/diem-tin/24187-ban-tin-bien-dong-ngay-15-10-2018.html

 

Cú ‘chạm mặt’ nguy hiểm trên Biển Đông:

Trung Quốc đổ lỗi Mỹ

Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ lên tiếng bênh vực cho hành vi của hải quân Trung Quốc sau vụ tàu chiến Trung Quốc “tiếp cận không an toàn” một khu trục hạm của Hoa Kỳ trên Biển Đông. Đại sứ Trung Quốc đổ lỗi cho phía Hoa Kỳ gây hấn gần lãnh thổ Trung Quốc.

Trước đó, Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cho biết một khu trục hạm của Trung Quốc đã áp sát một cách hung hăng một tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ hồi cuối tháng 9, khiến tàu Mỹ phải vận động gấp để tránh va chạm.

Trong một cuộc phỏng vấn hôm 14/10 với kênh Fox News, đại sứ Trung Quốc Thôi Thiên Khải nói cuộc đối đầu diễn ra “ngay thềm nhà của Trung Quốc.”

“Tàu chiến Trung Quốc có phải là tới bờ biển California, hay Vịnh Mexico đâu. Sự việc xảy ra rất gần với các hòn đảo của Trung Quốc, sát với đường bờ biển của chúng tôi. Vậy ai là kẻ gây hấn? Ai là bên tự vệ? Câu trả lời đã quá rõ ràng,” đại sứ Trung Quốc nói.

Phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Tim Gorman, cho biết tàu chiến của Trung Quốc đã tiếp cận tàu Mỹ USS Decatur một cách “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp” gần Đá Gaven ở Biển Đông. Bãi đá này trong quần đảo Trường Sa, cách tỉnh Hải Nam của Trung Quốc khoảng 1.000 km, nơi mà Việt Nam, Philippines, và Đài Loan cũng có tuyên bố chủ quyền.

Phía Trung Quốc nói đã điều ngay tàu khu trục có phi đạn dẫn đường tới nhận dạng và xua đuổi tàu chiến của Hoa Kỳ.

https://www.voatiengviet.com/a/cu-cham-mat-nguy-hiem-tren-bien-dong-trung-quoc-do-loi-my/4614810.html

 

Trung Quốc tập trận quân sự chung

với Malaysia, Thái Lan

Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan sẽ tổ chức một cuộc tập trận quân sự chung tại Malaysia vào cuối tháng này, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết hôm 14/10.

Cuộc tập trận diễn ra vào lúc mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng căng thẳng về vấn đề Biển Đông.

Tuần này, Trung Quốc và Mỹ đang cạnh tranh nhau trong vòng ngoại giao quân sự mới ở Đông Nam Á, và Bắc Kinh đang nỗ lực xây dựng lòng tin với các quốc gia láng giềng, các chuyên gia nhận định với tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP).

Tổng cộng có 692 binh sĩ của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, 3 tàu hải quân, 2 trực thăng, ba máy bay vận tải Il-76 và bốn xe quân sự sẽ tham gia vào các cuộc tập trận “hòa bình và hữu nghị” từ 20-29/10 ở hai bang của Malaysia và các khu vực ngoài khơi, Tân Hoa Xã dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra hôm Chủ nhật.

“Cuộc diễn tập nhằm tiếp tục thể hiện ý chí chung của lực lượng vũ trang của ba nước trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong vùng biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), tăng cường hợp tác và trao đổi thực tiễn, và tăng cường khả năng phản ứng chung trước các mối đe dọa an ninh khác nhau”, tuyên bố nói, đồng thời thêm rằng cuộc tập trận “không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào”.

Theo SCMP, cuộc tập trận được tổ chức trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, thể hiện trong đối đầu giữa hải quân hai nước trong khu vực Biển Đông đang tranh chấp.

Tháng trước, một tàu chiến Mỹ và một tàu chiến Trung Quốc xuýt va chạm trong khu vực gần quần đảo Trường Sa.

Đây là lần thứ hai Trung Quốc tham gia vào một cuộc tập trận ở Eo biển Malacca, nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, một trong những tuyến vận chuyển quan trọng nhất trên thế giới.

Cuộc tập trẫn diễn ra theo sau chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis tới thăm Việt Nam và Singapore để dự Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng Đông Nam Á, bắt đầu vào ngày 15/10.

Ông Mattis sẽ gặp các nhà lãnh đạo chủ chốt để tái khẳng định mối quan hệ quốc phòng và tiến hành các cuộc họp song phương và ba bên với các quan chức cấp cao, SCMP dẫn nguồn tin Đại sứ quán Mỹ tại Singapore cho biết.

Các nhà quan sát quân sự và ngoại giao nói rằng cuộc tập trận ba bên chứng tỏ các nước ASEAN và Trung Quốc có thể hợp tác với nhau trong các vấn đề quốc phòng và an ninh, đặc biệt trong những khu vực ít nhạy cảm hơn.

“Đối với Malaysia và Thái Lan, đây là một cách thể hiện việc xây dựng niềm tin với Trung Quốc và đồng thời ra dấu rằng họ không đứng về bên nào trong cuộc đấu của các đại cường ở Biển Đông”, SCMP dẫn lời nhà nghiên cứu Collin Koh của trường Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore nói.

Chuyên gia này cho rằng “Ý định của họ là thể hiện quyết tâm thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực với bất cứ ai mong muốn làm như vậy”.

Còn về phía Trung Quốc, ông nói: “Trung Quốc sẽ coi đây như là một cách để chứng minh rằng mình có thể bảo vệ hòa bình và ổn định cùng với các nước ASEAN, và dĩ nhiên nó có thể là cái cớ Trung Quốc dùng để phản đối sự can thiệp từ bên ngoài vào Biển Đông”.

Còn chuyên gia Zhang Jie, chuyên về Biển Đông, của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc nói với SMCP rằng cuộc tập trận có thể giúp cho Trung Quốc cải thiện hợp tác quân sự với các nước ASEAN, vốn là một điểm yếu lâu nay của Bắc Kinh.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-tap-tran-quan-su-chung-voi-malaysia-thai-lan/4614377.html