Đọc báo Pháp – 12/10/2018
Vụ nhà báo Ả Rập Xê Út mất tích
có thể thành ‘‘khủng hoảng quốc tế’’
Vụ nhà báo Ả Rập Xê Út biến mất sau khi vào lãnh sự quán nước này ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 02/10/2018, có thể trở thành « khủng hoảng quốc tế » là ghi nhận của Le Monde. Le Monde dành nhiều trang mô tả các giả thiết về nghi án nhà báo chống chế độ Riyad mất tích, cũng như thái độ lừng chừng của chính quyền nhiều quốc gia đồng minh với Ả Rập Xê Út, trước hết là Hoa Kỳ.
Bài xã luận của Le Monde, mang tựa đề « Jamal Khashoggi : Mệnh lệnh của sự thật », lưu ý là vụ việc thoạt tiên có vẻ chỉ là một vụ án hình sự đơn thuần, đang trên đường trở thành một cuộc khủng hoảng quốc tế. Lãnh đạo các nước phương Tây theo sát vụ này.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu nói đến một vụ tạm giữ, rồi một vụ bắt cóc, giờ đây là một chiến dịch thủ tiêu quy mô được chính quyền Ả Rập Xê Út đạo diễn. Các cáo buộc nói trên thoạt tiên bị cho là phóng đại, thế nhưng với các phát hiện mới lần lượt được các nhà điều tra tung lên truyền thông, người ta ngày càng có xu hướng tin rằng có khả năng chính quyền Riyad đứng đằng sau vụ này, cho dù vẫn còn thiếu nhiều thông tin.
Le Monde ghi nhận thái độ dè dặt của chính quyền Pháp, sau 6 ngày im lặng. Mãi đến ngày 08/10, bộ Ngoại Giao Pháp mới yêu cầu « làm sáng tỏ nhanh chóng nhất có thể » về tình trạng của nhà báo mất tích. Không một lời nào đả động đến Riyad. Lý do : Ả Rập Xê Út vốn là quốc gia mua vũ khí chủ yếu của Paris. Tháng 08 vừa qua, Pháp cũng không chỉ đích danh Riyad khi chỉ trích một cuộc thảm sát mới tại Yemen, do không quân Ả Rập Xê Út tiến hành. Tháng 07 trước đó, Canada đã bị mất các hợp đồng với Ả Rập Xê Út, với lý do dám chỉ trích việc một nhà tranh đấu cho quyền phụ nữ bị chính quyền Riyad bắt giam.
Chỉ đến hôm 10/10, sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng đòi « cấp cao nhất » trong chính quyền đồng minh Riyad giải thích về vụ này, thì bộ Ngoại Giao Pháp mới cho biết « đang tiếp xúc với phía Ả Rập Xê Út » (hôm nay, 12/10/2018, trả lời France 24 và RFI, tổng thống Pháp nhận định vụ nhà báo mất tích là « rất nghiêm trọng », ông khẳng định : « sự thật cần được xác lập » – người viết).
Theo Le Monde, Paris và các đối tác châu Âu cần gây áp lực với Ả Rập Xê Út, để nước này chấp nhận cho Thổ Nhĩ Kỳ thanh tra lãnh sự quán tại Istanbul và nơi ở của lãnh sự. Châu Âu cũng phải yêu cầu Ả Rập Xê Út cung cấp các hình ảnh camera chứng minh nhà báo Khashoggi, được cho là đã rời khỏi lãnh sự quán, theo quan điểm của Riyad. Việc lãnh sự quán thanh minh hệ thống video bị mất điện là không thể chấp nhận được.
Cộng đồng quốc tế cần hậu thuẫn để Thổ Nhĩ Kỳ đi đến cùng trong « cam kết minh bạch », dù cái giá phải trả là khủng hoảng với Ả Rập Xê Út và thái tử kế vị Mohammed Ben Salman.
Le Monde nhắc lại là, tự do báo chí đang trong xu hướng tồi tệ đi. Riêng tại châu Âu, kể từ đầu năm đến nay, đã có ba nhà báo bị sát hại, nhà báo Slovakia Jan Kuciak, nữ phóng viên Malta Daphne Caruana Galizia và mới đây là nữ phóng viên Blugari Viktoria Marinova. Từ chối làm sáng tỏ nguyên nhân chằng khác nào « bật đèn xanh » cho những kẻ thù của tự do báo chí mặc sức hoành hành.
Giả thiết nhà báo bị giết
Về vụ mất tích của nhà báo đối lập Ả Rập Xê Út, Le Monde có bài tổng hợp nhiều thông tin cho thấy, rất có thể ông Jamal Khashoggi đã bị sát hại một cách dã man. Nhóm đặc nhiệm Ả Rập Xê Út phân thành hai tổ, một tổ 9 người và một tổ khác 6 người tới Istabul bằng đường hàng không trong đêm trước ngày họ ra tay. Một nhóm đi theo máy bay tư, nhóm kia bằng hàng không thương mại. Mỗi nhóm tạm trú tại một khách sạn riêng, và hình ảnh của họ đều được camera khách sạn thu lại.
Chưa đầy hai giờ đồng hồ sau khi nhà báo Jamal Khashoggi vào lãnh sự quán, một đoàn nhiều chiếc xe rời lãnh sự quán. Theo báo chí Thổ Nhĩ Kỳ, dựa trên nguồn tin từ an ninh nước này, nhà báo đối lập đã bị giết, một viên bác sĩ pháp y đi cùng nhóm đặc nhiệm Ả Rập Xê Út đã cắt rời thi thể của ông bằng một chiếc cưa. Vẫn theo báo Thổ Nhĩ Kỳ, toàn bộ nhân viên của lãnh sự quán được cho nghỉ phép vào đúng ngày xảy ra vụ mất tích.
Việc chính quyền Riyad có sát hại nhà báo đối lập hay không, chắc chắn còn cần nhiều thông tin mới có thể kết luận. Báo Thổ Nhĩ Kỳ cũng để ngỏ cho chính quyền Riyad « một cánh cửa ». Theo tờ Sabah, thân cận với chính quyền Ankara, thì ông Khashoggi có thể chỉ bị gián điệp nước ngoài bắt cóc.
Quốc Hội Mỹ gia tăng sức ép lên tổng thống Trump
Vẫn theo Le Monde (trong bài « Nhà Trắng phản ứng tối thiểu, Quốc Hội Mỹ đòi hỏi mạnh hơn »), Quốc Hội Hoa Kỳ đã không hài lòng với các phản ứng từ phía chính quyền, cho dù tổng thống đã lên tiếng, cũng như các cộng sự thân cận như cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, ngoại trưởng Mike Pompeo, cho biết đã trực tiếp nói chuyện với thái tử kế vị Ả Rập Xê Út về vụ này.
Hơn 20 thượng nghị sĩ, gồm cả hai phe Cộng Hòa và Dân Chủ, đã yêu cầu Nhà Trắng mở điều tra, căn cứ theo đạo luật Manigtsky, trừng phạt các vụ xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng. Áp lực của các nghị sĩ đặt tổng thống Donald Trump vào thế khó khăn. Cho đến nay, ông Trump không ngừng ca ngợi quan hệ với Ả Rập Xê Út, quốc gia được coi là một đồng minh hàng đầu của Mỹ trong cuộc chiến chống Iran tại Trung Đông.
Cho đến nay, nhiều nghị sĩ lưỡng đảng đã hết sức bất bình về việc Hoa Kỳ hậu thuẫn cho sự can thiệp quân sự của Ả Rập Xê Út tại Yemen. Vụ nhà báo Jamal Khashoggi mất tích mang lại cho họ một cơ hội mới để gây áp lực lên tổng thống.
Le Figaro nhấn mạnh đến thái độ hết sức khó hiểu của tổng thống Mỹ, ông đã không làm gì để báo trước cho nhà báo đối lập về nguy hiểm rình rập, cho dù các cơ quan tình báo Mỹ chắc chắn có được các thông tin. Đối với tổng thống Mỹ, quan hệ với đồng minh Ả Rập Xê Út là bằng mọi cách phải được duy trì, trước hết bởi vì Riayd đang có các hợp đồng mua bán vũ khí với Washington, với tổng trị giá 110 tỉ đô la.
Vì sao Bắc Kinh « dám » bắt cóc
lãnh đạo một tổ chức quốc tế lớn ?
Vụ nhà báo Ả Rập Xê Út mất tích dường như đang có xu hướng làm lu mờ một vụ « mất tích » khác. Đó là vụ chính quyền Trung Quốc « bắt cóc » chủ tịch Cảnh Sát Quốc Tế Interpol. Le Figaro ghi nhận đây là lần đầu tiên Bắc Kinh dám « bắt cóc » một công dân Trung Quốc lãnh đạo một tổ chức quốc tế lớn.
Theo Le Figaro, trước vụ việc này, đã có nhiều nhân vật nổi tiếng, người Trung Quốc, thuộc các giới chính trị, kinh tế, hay văn hóa, đã bị chính quyền tạm giữ, rồi lại xuất hiện, nhưng chưa bao giờ Bắc Kinh dám nhắm vào một nhân vật tầm cỡ như vậy, bởi không muốn hình ảnh Trung Quốc xấu đi đáng kể trong con mắt cộng đồng quốc tế, và như vậy tham vọng gây ảnh hưởng của Bắc Kinh có thể bị chặn đứng.
Le Figaro cho rằng chủ tịch Trung Quốc có thể « đang tìm cách loại bỏ hoàn toàn một phe cánh bị coi là nguy hiểm ». Cựu lãnh đạo Interpol Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei) trở thành thứ trưởng bộ Công An vào năm 2004, đúng vào thời bộ này nằm dưới sự lãnh đạo của cựu lãnh đạo bị hạ bệ Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), bị kết án tù chung thân năm 2015, vì tham nhũng và để lộ bí mật quốc gia. Cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị này còn bị buộc tội âm mưu lật đổ.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là các thanh toán trong nội bộ. Vụ bắt giữ cựu lãnh đạo Interpol diễn ra đúng vào lúc Bắc Kinh đang có xu hướng vươn dài tay ra bên ngoài. Đầu năm 2017, tỉ phú Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jiahua) bất ngờ mất tích tại Hồng Kông, một khu vực thuộc Trung Quốc, nhưng có quyền tự trị về hành chính và an ninh. Cũng năm ngoái, lần đầu tiên Bắc Kinh bắt cóc một người đào tẩu Trung Quốc tại Pháp, mà không thông báo cho chính quyền sở tại.
Ông Tập « chọn sai người »
hay coi thường « lợi ích quốc tế » ?
Trong vụ bắt cóc này, điều có vẻ khó hiểu và kỳ cục là ông Mạnh Hoành Vĩ – một người hoàn toàn không biết tiếng Anh – đã được lãnh đạo Trung Quốc chọn để ứng cử vào chức vụ đứng đầu Interpol. Hồi năm ngoái, Bắc Kinh đã rất tự hào đăng cai lần đầu tiên trong lịch sử một Đại hội của Interpol, do chính một người Trung Quốc làm chủ tịch. Vào dịp này, chính Mạnh Hoành Vĩ « đã có vinh dự » ngồi cạnh lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình. Trong bài diễn văn, ông Tập đã ca ngợi Trung Quốc là « một trong các quốc gia an toàn nhất thế giới », đồng thời khẳng định Bắc Kinh đang tham gia tích cực vào hợp tác quốc tế về an ninh, cũng như « tôn trọng luật pháp quốc tế ».
Về vụ « bắt cóc » ông Mạnh Hoành Vĩ, nhà Trung Quốc học người Mỹ, bà Bonnie Glaser nhận xét : « Nếu Mạnh Hoành Vĩ có tội, thì Bắc Kinh đã chọn sai người… Nếu không phải như vậy, và nếu tất cả đều là chuyện chính trị, thì ông Tập Cận Bình đã đặt quyền lợi của cá nhân mình lên trên các lợi ích của cộng đồng quốc tế ».
Gián điệp công nghệ
và mối đe dọa lớn nhất của Mỹ
Cũng về Trung Quốc, Le Monde có bài giới thiệu về vụ một gián điệp Trung Quốc được Bỉ cho dẫn độ sang Mỹ. Điệp viên Trung Quốc Từ Diên Quân (Yanjun Xu) bị bắt tại Bỉ hồi tháng 4, trong tiếp xúc với một nhân viên FBI, giả danh người của tập đoàn hàng không General Electric, đến trao tài liệu mật. Điệp viên Trung Quốc bị bắt, đóng vai làm phó tổng thư ký Viện Khoa học Công Nghệ tỉnh Giang Tô (Jiangsu).
Vụ bắt giữ điệp viên Trung Quốc xảy ra chỉ vài giờ sau tuyên bố của lãnh đạo FBI, ông Christopher Waray, trước một ủy ban của Thượng Viện Mỹ, khẳng định Bắc Kinh « là mối đe dọa lớn nhất, phức tạp nhất, lâu dài nhất » của Hoa Kỳ. Theo giám đốc FBI, nếu như Nga quyết đấu để bảo vệ thứ hạng từng có trong quá khứ, sau khi Liên Xô sụp đổ, thì tham vọng của Trung Quốc là hướng đến tương lai.
Le Monde cũng chú ý đến các căng thẳng khác của Hoa Kỳ với Trung Quốc, về thương mại hay tại Biển Đông.
Đàm phán mậu dịch Liên Âu – Việt Nam :
Nhân quyền là yếu tố nhạy cảm
Về Việt Nam, Les Echos có bài mô tả tình trạng các đàm phán đi đến phê chuẩn một hiệp định tự do thương mại giữa Hà Nội và Liên Hiệp Châu Âu đang bị đình trệ. Theo nhật báo kinh tế Pháp, Bruxelles đang ở trong hoàn cảnh thuận lợi để ký kết một hiệp định với Việt Nam, trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang co cụm với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.
Một thỏa thuận sơ bộ giữa chính quyền Hà Nội và Ủy Ban Châu Âu đã được ký kết hồi 2015, đang còn đợi đèn xanh của Nghị Viện và Hội Đồng Châu Âu. Nếu hiệp định được ký kết, các doanh nghiệp châu Âu sẽ có thêm một thị trường mới đầy hứa hẹn. Hiệp định Âu – Việt dự kiến sẽ đặt ra những tiêu chuẩn rất cao về môi trường, và điều này có ý nghĩa chiến lược, tạo lợi thế cạnh tranh cho châu Âu. Tuy nhiên, theo Les Echos, đàm phán hiện nay đặc biệt nhạy cảm về chính trị, đặc biệt về lĩnh vực nhân quyền, « cho dù các điều khoản liên quan đến chủ đề này » đã được đưa vào dự thảo. Một nguồn tin từ Nghị Viện Châu Âu lo ngại là thời điểm thuận lợi để ký kết thảo thuận sẽ trôi qua, bởi cử tri châu Âu sắp bầu lại một nghị viện mới vào tháng 5 tới.
Trang nhất các báo
Về trang nhất các báo Pháp, La Croix hôm nay, với tựa đề chú ý đến « cuộc bỏ phiếu mang tính trắc nghiệm » tại bang Bayern, Đức, Chủ Nhật tới, được coi là một thử thách quan trọng đối với liên minh cầm quyền của thủ tướng Merkel. Tại bang được coi thuộc loại lớn nhất và giàu nhất nước Đức, đảng CSU (đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo ở Bayern) trong liên đảng cầm quyền có nguy cơ bị mất đa số tuyệt đối. Đối thủ của đảng của bà Merkel là các thế lực dân túy, sử dụng chiêu bài mối đe dọa nhập cư, cho dù trên thực tế tình hình của người nhập cư ở Bayern được coi rất ổn định. Theo La Croix, đây là một nghịch lý. Sở dĩ điều này xảy ra, theo tờ báo Công Giáo, là do dưới áp lực của cực hữu, đảng CSU đã đánh mất sự đoàn kết trong liên minh cầm quyền, quay sang phê phán thủ tướng Merkel.
Về phần mình, Le Figaro chú ý đến « vụ giải cứu không thể tin nổi » hai nhà du hành vũ trụ Mỹ và Nga. Hôm qua, hai phút sau khi tên lửa đẩy Soyouz cất cảnh từ sân bay vũ trụ Baïkonour, ở Kazakhstan, hệ thống gặp trục trặc. Phi thuyền mang hai nhà du hành Mỹ Nick Hague và Nga, Alexeï Ovtchinine, đã kịp thời quay đầu trở lại khẩn cấp.
Le Monde với tựa đề « Hưu trí : Chính phủ ngả những lá bài đầu tiên », cho biết hôm thứ Tư, «lần đầu tiên » đại diện của chính phủ, ông Jean-Paul Delevoye, người phụ trách hồ sơ này, có cuộc gặp « cùng lúc » với đại diện giới chủ và các nghiệp đoàn người lao động. Cải tổ chế độ hưu bổng – liên quan đến khu vực tư nhân, công chức, các ngành nghề độc lập – là một hồ sơ nóng. Về nguyên tắc, một chế độ hưu bổng mới duy nhất sẽ phải thay thế cho 40 chế độ khác biệt hiện hành. Hiện tại nghiệp đoàn chính của giới chủ (Medef) hưởng ứng các cải cách của chính phủ, một số nghiệp đoàn lao động lo ngại. Chính phủ hy vọng sẽ thông qua luật cải cách hưu trí trong năm tới.
Libération cũng quan tâm trước hết đến thời sự trong nước, với chủ đề các giảng viên một trường trung học tỉnh Val de Marne, lên tiếng báo động về tình trạng hóa chất amiăng gây nguy hiểm cho sức khỏe. Amiăng được chính quyền Pháp coi là chất độc rất nguy hiểm, kể từ năm 1997. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, nhiều lobby công nghiệp vẫn tiếp tục can thiệp, để giảm nhẹ tầm mức nghiêm trọng của vấn đề. Các nạn nhân, trong đó rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, rất khó nhận được bồi thường. Hôm nay, dự kiến có một cuộc biểu tình toàn quốc tố cáo sự độc hại của chất amiăng.
Báo kinh tế Les Echos dành một phần bài vở số ra hôm nay cho chủ đề sinh nhật 110 năm của tờ báo. Nhìn lại quá khứ, hướng đến tương lai, Les Echos mời 30 nhân vật có tên tuổi chia sẻ hình dung về tương lai thế giới vào năm 2038.
Tin đọc nhanh
(WSJ) – Chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Mỹ có thể gặp nhau bên lề thượng đỉnh G20.
Thượng đỉnh khối G20 sẽ diễn ra vào tháng 11/2018 tại Buenos Aires (Achentina). Theo Wall Street Journal ngày 11/10/2018, Trung Quốc hy vọng một buổi gặp gỡ như vậy có thể là cơ hội để hai bên tìm cách giảm bớt leo thang căng thẳng thương mại hiện nay.
(AFP/Reuters) – Trung Quốc chỉ trích việc Malaysia thả 11 người Duy Ngô Nhĩ và đưa họ sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Những người này bị bắt vì nhập cảnh bất hợp pháp vào Malaysia, sau khi bỏ trốn khỏi một trung tâm tị nạn ở miền nam Thái Lan. Ngày 12/10/2018, bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết đang kiểm tra các chi tiết cùng với Malaysia và hy vọng quốc gia Đông Nam Á này chú ý đến « những quan ngại » của Bắc Kinh. Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Right Watch lo ngại « 11 người này có thể sẽ bị giam cầm, tra tấn nếu bị đưa về Trung Quốc ».
(Reuters) – Đại sứ Philippines tại Liên Hiệp Quốc được bổ nhiệm làm tân ngoại trưởng.
Theo tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, vào hôm nay, 12/10/2018, ông đã yêu cầu đại sứ Teodoro Locsin thay thế ngoại trưởng Alan Peter Cayetano, sẽ rời khỏi nội các để ra ứng cử dân biểu Hạ Viện trong thời gian tới đây. Giới quan sát cho rằng sự kiện đầu tiên trong một loạt các thay đổi nội các dự kiến diễn ra trước các cuộc bầu cử giữa kỳ tại Philippines vào năm 2019.
(AFP) – Singapore Airlines hoàn thành chuyến bay dài nhất thế giới.
Sau gần 18 giờ bay, chuyến bay SQ22 xuất phát từ Singapore đã hạ cánh xuống sân bay Newark (New York) ngày 12/10/2018. Tuyến Singapore-NewYork đánh bại kỷ lục của hãng Qatar Airlines với chuyến Doha-Aukland. Singapore Airlines sử dụng máy bay Airbus A340-500, bốn động cơ và tiêu thụ nhiều nhiên liệu hơn máy bay Airbus mới A350-900 ULR.
(AFP) – Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi Mỹ chấm dứt chiến tranh với Triều Tiên.
Ông Moon Jae In đã kêu gọi như trên khi trả lời phỏng vấn báo chí ngày 12/10/2018. Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh rằng lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong Un đã hứa là sẽ loại bỏ toàn bộ vũ khí hạt nhân đang sở hữu, nếu chế độ của ông được đảm bảo an toàn. Theo tổng thống Hàn Quốc, Mỹ nên có động thái đáp ứng là tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), vốn chỉ kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến.
(AFP) – Thủ tướng Nhật Bản công du Trung Quốc từ ngày 25 đến 27/10/2018.
Bắc Kinh hôm nay chính thức thông báo về chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của thủ tướng Shinzo Abe kể từ khi ông trở lại cầm quyền vào cuối năm 2012. Sự kiện này diễn ra vào lúc cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc muốn thúc đẩy hồ sơ giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Hai ông Tập Cận Bình và Shinzo Abe đã nhiều lần gặp nhau bên lề các thượng đỉnh quốc tế, nhưng quan hệ song phương đã xấu đi do tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
(AFP) – Chính phủ Nhật muốn nhanh chóng sửa đổi luật tiếp nhận người lao động nước ngoài.
Phát ngôn viên của thủ tướng Abe, ngày 12/10/2018 cho biết chính phủ đang nỗ lực để điều chỉnh luật đón nhận người nhập cư nước ngoài và kỳ vọng bộ luật này có thể được áp dụng từ tháng 04/2019. Nhật Bản cần tuyển dụng nhân công trong các ngành nông nghiệp, xây dựng và chăm sóc người già, trẻ em.
(AFP) – Ban nhạc Pop Hàn Quốc BTS trình diễn tại Paris nhân chuyến công du Pháp của tổng thống Moon Jae In.
Buổi trình diễn ca nhạc của ban nhạc K-Pop BTS vào ngày Chủ Nhật 14/10/2018 tại Paris làm lu mờ sự kiện tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In lần đầu tiên đến Pháp để vận động cho hồ sơ giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Theo ban tổ chức, ban nhạc BTS tham gia chương trình mang tên “Buổi hòa nhạc hữu nghị Pháp-Hàn”. Hơn 400 nhạc sĩ, sinh viên được huy động cho sự kiện văn hóa chỉ dành riêng cho một số ít khách mời đặc biệt của Pháp và Hàn Quốc.
(AFP) – Nga đòi phương Tây trục xuất đội ngũ cứu hộ nhân đạo khỏi Idlib-Syria.
Trong một phiên họp kín tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc do Nga triệu tập ngày 11/10/2018, đại diện của Matxcơva yêu cầu trục xuất đội ngũ cứu hộ nhân đạo khỏi tỉnh Idlib, sát biên giới giữa Syria với Thổ Nhĩ Kỳ. Nga xem các tổ chức thiện nguyện này một “mối đe dọa”. Lập tức cả Mỹ, Anh và Pháp đều phản công, tố cáo Nga đưa “thông tin sai lệch”.
(AFP) – Chiến đấu cơ tối tân F-35 của Mỹ tạm ngừng hoạt động
suốt ngày 11/10/2018 để kiểm tra đường dẫn nhiên liệu sau vụ tai nạn cách đây hai tuần. Hiện quân đội Israel, Anh và Mỹ đã sử dụng loại chiến đấu cơ tàng hình đắt tiền này. F-35 còn được bán cho Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Đan Mạch, Canada, Hà Lan và Hàn Quốc, nhưng hiện vẫn n
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181012-tin-doc-nhanh