Tin Việt Nam – 12/10/2018
Môi trường sống của người dân Vĩnh Tân tiếp tục
bị đe dọa bởi hàng triệu tấn tro xỉ than tồn đọng
Không có “đầu ra”
Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động chính thức, hiện bãi xỉ than của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đã cao khoảng 20 m, có khoảng 4 triệu tấn tro xỉ than chưa có “đầu ra”, khiến môi trường sống của người dân khu vực này tiếp tục bị đe dọa.
Trung Tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, do Trung Quốc đầu tư 95% gồm có 4 nhà máy nhiệt điện, chạy bằng than đá, với tổng công suất lên đến 5.600MW và 1 cảng biển. Toàn bộ dự án được xây dựng tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Hiện nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 1 đã hoạt động thương mại, đồng thời dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng cũng đã hoàn thành xong trên 70%. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhà máy nào hoàn thành đề án tiêu thụ tro xỉ than.
Kể cả không có gió bấc về thì bụi bặm trong nhà lúc nào cũng đầy dẫy, tro nó bay trên bầu trời đấy.
-Người dân Vĩnh Tân
Được biết bãi xỉ than của nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Vĩnh Tân 1 nằm sát nhau và chỉ cách đường quốc lộ 1 khoảng 1 km, cách tuyến đường sắt bắc – nam khoảng 300 m, và rất gần khu dân cư.
Với khối lượng xỉ than tồn đọng ngày lớn, người dân sống trong khu vực này cho biết, dù nắng hay mưa cũng đều lo lắng, nắng thì sợ bãi xỉ phát tán khói bụi vào khu dân cư. Mưa thì lo bãi xỉ có thể vỡ bờ bao.
Chúng tôi liên lạc với cơ quan chức năng địa phương để tìm hiểu thực tế thì được ông Võ Trần Duy Thạch, Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Vĩnh Tân cho biết:
“Hiện giờ việc lu đèn bãi xỉ ở Vĩnh Tân 2 là tương đối đảm bảo, xe chuyên dụng chở tro ra bãi xỉ, đổ xuống rồi cho phun nước lên, và xe lu đầm lên cho nó nằm yên đó rồi lớp keo lên giữ lại, không cho phát tán bụi. Nên hiện giờ phán tán bụi đã giảm, cũng đỡ nhiều. Nhưng đầu ra cho xỉ than thì hơi khó, hiện chỉ xử lý thủ công, chứ đầu ra xử lý xỉ thì chưa có. Công ty đủ năng lực xử lý triệt để thì chưa có. Chính quyền cũng có thành lập ban chỉ đạo để chống việc sạt lở bờ bao, có hệ thống chống lũ nên nó cũng đảm bảo. Nhưng nếu mưa to kéo dài một tuần lễ cũng có nguy cơ có xảy ra vỡ bờ bao, hiện giờ thì chưa vô mùa mưa lớn.”
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Anh Hải ở thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân lo lắng:
“Sợ là sợ đến mùa bấc, từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch năm sau. Mùa bấc là gió từ hướng đó thổi về nhà dân đang ở. Cái bãi xỉ nằm ở phía bắc xã Vĩnh Tân, và nhà dân thì ở hướng tây nam, nếu mà gió thổi về hướng tây nam thì dân người ta chịu hết.”
Tuy nhiên, một người dân không muốn nêu tên ở Vĩnh Tân thì cho rằng, dù không phải mùa gió bấc thì tro bụi vẫn phát tán ra môi trường:
“Kể cả không có gió bấc về thì bụi bặm trong nhà lúc nào cũng đầy dẫy, tro nó bay trên bầu trời đấy. Cứ mỗi một cái lò thì mỗi ngày thải ra khoảng 3.000 tấn tro, mà hiện nay nhà máy 1, 2, 4 đang chạy tổng cộng 6 lò, như vậy theo lý thuyết mỗi ngày thải ra khoảng 18 ngàn tấn tro. Mà đặc thù của tro than đá là rất nhẹ, chỉ một ngọn gió là nó bay.”
Khói bụi và xỉ than từ các nhà máy nhiện điện Vĩnh Tân từng được nhiều chuyên gia khoa học tại Việt Nam cảnh báo sẽ gây tác hại lâu dài đến môi trường. Không chỉ ô nhiễm không khí, mà những người làm nghề nuôi trồng thủy sản ở Vĩnh Tân cũng gặp không ít khó khăn do tôm, cá nuôi lồng bè bị chết nhiều. Vào cuối tháng 6 năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt tại khu vực nuôi cá lồng bè gần nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân.
Dân “sợ” chính quyền không dám nói
Trước đó vào tháng 4 năm 2015, cư dân xã Vĩnh Tân huyện Tuy Phong bức xúc vì đã phải hít thở bầu không khí ngập ngụa khói bụi xỉ than được xả thải từ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nên đã cùng nhau biểu tình chặn Quốc lộ 1A trong 30 giờ. Trong quá trình chặn quốc lộ 1A, nhiều người được cho là quá khích khi dùng đá, bom xăng tấn công lực lượng chức năng khiến nhiều người bị thương. Sau đó hàng chục người đã bị nhà cầm quyền truy tố vì quá khích gây rối.
Người dân không muốn nêu tên ở Vĩnh Tân cho biết thêm:
“Dân ở đây họ khờ khạo quá, họ ngây thơ quá. Nước tưới xỉ than nó thẩm thấu ra xung quanh khu người ta trồng cây trôm thì nó chết thôi. Còn cách đây khoảng hai tháng cá người ta nuôi lồng bè chết rất nhiều, mỗi hộ thiệt hại hàng trăm triệu, có hộ cả tỷ. Nói chung là nguy hiểm lắm nhưng không hiểu sao chính quyền họ làm ngơ. Bà con mình thì trình độ dân trí thấp, sau vụ biểu tình hồi năm 2015 chính quyền truy tố mấy chục người, rồi bây giờ họ sợ họ đâu dám rục rịch nữa. Ai mở miệng ra họ cũng sợ, thậm chí họ chấp nhận hít tro bụi chứ không dám nói.”
Theo Anh Phan Trúc, Trưởng thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, đất xung quanh bãi xỉ đã nhiễm mặn hết, nên không thể nuôi trồng gì được, Anh nói tiếp:
“Nhiễm mặn từ cái bãi than nên hiện nay khu vực đó không trồng trọt cái cây gì được hết, trồng cây gì cũng chết, nước giếng cũng không sử dụng được, không có chăn nuôi được, vì nó nhiễm mặn rồi lấy đâu mà chăn nuôi.”
Sau vụ biểu tình hồi năm 2015 chính quyền truy tố mấy chục người, rồi bây giờ họ sợ họ đâu dám rục rịch nữa. Ai mở miệng ra họ cũng sợ, thậm chí họ chấp nhận hít tro bụi chứ không dám nói.
-Người dân Vĩnh Tân
Người dân thôn Vĩnh Phúc kể lại, cách đây không lâu, khi trời mưa, nước trong bãi xỉ tràn ra, không chỉ làm cây cối chết, mà còn làm ngập đường, nên nhà máy Vĩnh Tân làm một con kênh để thoát nước. Tuy nhiên, Anh Hải ở thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân lại tỏ ra lo lắng về giải pháp này:
“Bây giờ nó làm một cái mương thoát nước lớn lắm. Nó làm từ trong bãi xỉ về thẳng cầu Vĩnh Hảo, nếu có nước thì nước từ trong bãi xỉ chảy thẳng về cầu Vĩnh Hảo, rồi chắc chảy ra biển chứ chảy đâu nữa. Nước chảy về cầu, cầu chảy ra biển. Cái đó là nó ô nhiễm đến môi trường biển nữa.”
Chúng tôi nêu vấn đề tồn đọng xỉ than ở Vĩnh Tân với Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, giám đốc Trung tâm Kinh tế Môi trường Đầu tư và Khu công nghiệp thuộc Đại học Xây dựng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng, thì được ông cho biết như sau:
“Theo tôi vấn đề này thì các nhà máy nhiệt điện ở phía bắc đều đã giải quyết được rồi, tức là cái bụi bay của xỉ than thì người ta làm phụ gia cho xi măng, vật liệu xây dựng, độn đường, gạch không nung… Vĩnh Tân thì mới quá, ở trong miền trung thì từ cơ quan địa phương, cơ quan chuyên môn cũng chưa biết cách giải quyết.”
Tuy nhiên, Ông Phạm Khánh Toàn, Viện trưởng Viện Năng lượng và Môi trường thuộc Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam EVN thì cho rằng cái khó là vấn đề tìm đầu ra cho giải pháp:
“Tóm lại cái giải pháp cho việc tồn đọng xỉ than có thể đưa ra, nhưng nói thật là đầu ra cho giải pháp đó lại không có. Thí dụ người ta phải sử lý cái xỉ than đó để làm vật liệu xây dựng. Nhưng vật liệu xây dựng từ xỉ than lại không có đầu ra cho nó.”
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên – Môi trường, giải pháp để ngăn nước thẩm thấu thì ta phải làm trước khi có bãi thải, từ khi hiết kế nhà máy. Theo ông, đây cũng là kinh nghiệm rất lớn để thấy rằng các giải pháp môi trường phải được tư duy từ sớm, từ khi mà xây dựng nhà máy, chứ không phải để xảy ra sự cố mới kêu gọi các giải pháp.
Đà Nẵng: Dân dựng lều
bao vây nhà máy thép gây ô nhiễm
Sáng ngày 12 tháng 10, hàng trăm người dân ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, tiếp tục tập trung dựng lều trước cổng Công ty cổ phần thép Dana – Ý ngăn cản không cho công nhân vào làm việc để phản đối việc sản xuất thép gây ô nhiễm môi trường.
Truyền thông trong nước đồng loạt loan tin này, cho biết thêm phía nhà máy đã yêu cầu nhiều chính quyền điều công an và dân quân đến để đảm bảo quyền và lợi ích doanh nghiệp cũng như an ninh trật tự.
Thời gian qua, người dân địa phương đã liên tục có những phản đối đối với hai nhà máy thép là Dana Ý và Dana Úc vì cho rằng hai nhà máy này gây ô nhiễm không khí và nguồn nước.
Trước những phản đối của người dân, vào đầu tháng 3 năm nay, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng đã có thông báo không để hai nhà máy thép này hoạt động tại địa phương, hủy bỏ chủ trương giải tỏa, di dời các hộ dân gần 2 nhà máy.
Đến ngày 26/3, chính quyền thành phố có thông báo cho hai nhà máy thép này được hoạt động trở lại trong 6 tháng để xử lý tồn đọng, tức đến ngày 26/9. Tuy nhiên qua thời hạn này nhà máy vẫn không ngừng hoạt động.
Hoạt động tiếp tục tại nhà máy khiến người dân tại đây lo sợ nếu nhà máy tiếp tục hoạt động và xả thải sẽ ảnh hưởng đến đời sống của họ. Trước những phản đối gay gắt của người dân, hôm 4/10, chính quyền Đà Nẵng đã phải ra công văn yêu cầu hai nhà máy thép phải chấm dứt các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường.
Nói với truyền thông trong nước, ông Huỳnh Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thép Dana – Ý cho rằng trong khi thành phố chưa đưa ra phương án cuối cùng thì doanh nghiệp có nguy cơ đóng cửa, phá sản, và hàng ngàn lao động mất việc làm.
Kết luận thanh tra hai nhà máy mới công bố cho thấy trong 10 năm hoạt động, hai nhà máy thép đã mắc một loạt sai phạm về quản lý môi trường do những quyết định sai của chính quyền địa phương
Nhà báo độc lập Đỗ Công Đương
bị tuyên thêm 5 năm tù giam
Nhà báo độc lập Đỗ Công Đương ở Từ Sơn, Bắc Ninh vào sáng ngày 12 tháng 10 bị tòa tỉnh Bắc Ninh tuyên án 5 năm tù giam với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 331 – Bộ luật hình sự 2015.
Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Đỗ Công Đương cho biết phiên tòa diễn ra chỉ vỏn vẹn trong buổi sáng và rất ít tranh luận với luật sư. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do như sau:
“Tại tòa tôi có nói các chứng cứ kết tội anh Đương là không có chứng cứ vì việc thu thập các tài liệu để buộc tội không theo quy định pháp luật nào cả.”
Những quyền tự do ngôn luận là quyền trong hiến pháp có quy định, pháp luật lại không có những quy định rõ ràng. Tôi đề nghị tại tòa là ông không có tội nhưng tòa vẫn kết án như vậy.”
Theo nhận xét của Luật sư Hà Huy Sơn thì tại phiên tòa điều đáng chú ý là ông Đỗ Công Đương dù trình độ văn hóa chỉ mới lớp 5 nhưng đối đáp rất lưu loát. Ông Đương khẳng định không làm gì sai với pháp luật của Việt Nam.
Và tương tự tại phiên tòa xử ông vào ngày 17 tháng 9 với cáo buộc “Gây rối trật tự công cộng”, ông Đỗ Công Dương nói rõ ông đấu tranh chống bất công và nguyên văn lời ông Đương tại tòa được luật sư thuật lại là ‘mong là trời xanh có mắt trừng phạt những kẻ gây ra oan sai cho xã hội này và công lý sẽ được thực thi’.”
Như vậy, nếu tính cả bản án vào ngày 17/9, ông Đỗ Công Đương bị tuyên tổng cộng 2 bản án với 9 năm tù giam.
Ông Đỗ Công Đương được xem là một người hoạt động truyền thông dùng mạng xã hội Facebook phát trực tiếp những bài nói chuyện của mình tố cáo những sai phạm đất đai ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh gọi là “Tiếng dân TV”.
Một số trang mạng ủng hộ chính phủ cho rằng, kênh do ông Đỗ Công Đương làm chủ có sự hậu thuẫn về kịch bản, nội dung của một nhóm những phần tử xấu khác, trong đó có cả luật sư.
Trước đó, 2 tổ chức quốc tế lớn là Phóng viên không biên giới RSF, trụ sở tại Pháp, và Ủy ban bảo vệ Ký giả CPJ, trụ sở tại Hoa Kỳ, lên tiếng yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với nhà báo độc lập Đỗ Công Đương.
AP trong bản tin ngày 12 tháng 10 nêu rõ cơ quan chức năng của đảng cộng sản Việt Nam không dung thứ cho bất cứ thách thức nào đối với quyền cai trị độc đảng của họ, dù rằng kể từ giữa thập niên 80 thế kỷ trước, Việt Nam bắt đầu thực hiện những cải cách kinh tế sâu rộng, cho mở cửa chào mời giới kinh doanh và đầu tư ngoại quốc vào. Nhờ đó Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhất trong khu vực.
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế thống kê hiện có hơn 100 tù nhân lương tâm tại Việt Nam.
Đinh Nguyên Kha được trả tự do,
‘sẽ tiếp tục tranh đấu’
Nhà hoạt động Đinh Nguyên Kha vừa mãn hạn 6 năm tù nói với VOA rằng anh kiên quyết tiếp tục ‘tranh đấu vì lợi ích của dân tộc và chủ quyền lãnh thổ.’
Sáng ngày 11/10, nhà hoạt động Đinh Nguyên Kha mãn hạn tù và được nhiều nhà hoạt động khác chào đón khi trở về nhà ở Long An.
Tôi sẽ tiếp tục đấu tranh giành độc lập cho dân tộc…tiếp tục ủng hộ tiến trình dân chủ hóa đất nước.
Nhà hoạt động Đinh Nguyên Kha
Anh chia sẻ với VOA:
“Tôi sẽ tiếp tục đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Tôi sẽ chọn những công việc thích hợp nhất với hoàn cảnh hiện tại để tiếp tục ủng hộ tiến trình dân chủ hóa đất nước.”
Đinh Nguyên Kha, 30 tuổi, là thành viên của nhóm Tuổi trẻ Yêu nước, anh bị chính quyền bắt vào năm 2012 và xử phạt lần đầu với mức án đến 10 năm tù, 3 năm quản chế vì rải truyền đơn chống Trung Quốc xâm lược lãnh hải của Việt Nam.
Vào năm 2013, án giảm xuống còn 4 năm tù giam, 3 năm quản chế, nhưng anh phải chịu thêm 2 năm tù nữa vì cáo buộc “gây thương tích.”
Đinh Nguyên Kha nhận định về bản án của mình:
“Trước khi bị bắt thì tôi không có hoạt động công khai. Khi đó xem tin tức trên mạng thì thấy xã hội có nhiều bất công, Trung Quốc lâm le muốn xâm lược, vì mình là người Việt Nam phải có nghĩa vụ lên tiếng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Sau đó tôi biết anh Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình và tôi đã tham gia vào nhóm Tuổi trẻ Yêu nước, rải truyền đơn chống cộng và chống Trung Quốc, vì vậy mà bị lực lượng an ninh bắt và cho là vi phạm pháp luật.”
Truyền thông Việt Nam trích cáo trạng cho biết vào tháng 8/2012 và tháng 10/2012 Đinh Nguyên Kha và một người bạn là Nguyễn Phương Uyên đã có hành vi “tàng trữ, lưu hành các tài liệu chống Nhà nước: Dán các khẩu hiệu, cờ vàng ba sọc đỏ nơi công cộng… rải truyền đơn trên cầu vượt An Sương, thuộc xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP HCM.”
Cả hai thành viên của nhóm Tuổi trẻ Yêu nước đều bị cáo buộc với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” sau khi rải truyền đơn, dán khẩu hiệu với nội dung chống Đảng cộng sản Việt Nam “tham nhũng, bán nước” và phản đối Trung Quốc xâm lược Trường Sa-Hoàng Sa.
Đinh Nguyên Kha từng cùng các tù nhân lương tâm khác tuyệt thực để phản đối chính sách hà khắc về điều kiện nhà tù của Bộ Công an ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và sẽ tiếp tục tranh đấu bảo vệ quyền lợi của tù nhân:
“Đối với một tù nhân như tôi thì không có cách đấu tranh nào khác ngoài cách tuyệt thực, dù nó có ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của mình. Sau khi tôi ra tù cũng xác nhận rằng mình phải tiếp tục đấu tranh như thế nào để cho những anh em trong tù không cần thiết phải tuyệt thực nữa.”
Sau khi tôi ra tù cũng xác nhận rằng mình phải tiếp tục đấu tranh như thế nào để cho những anh em trong tù không cần thiết phải tuyệt thực nữa.
Đinh Nguyên Kha
Được biết trong 6 năm qua, Kha đã ở cùng rất nhiều tù nhân chính trị khác như doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, nhạc sĩ Việt Khang, nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình, ở cùng anh trai mình là Đinh Nhật Uy và gần đây là bác sỹ Hồ Hải.
Khi được các nhà hoạt động khác chào đón mãn hạn tù sáng ngày 11/10 tại Long An, Kha nói: “Sáu năm qua không bao giờ làm tôi nhụt chí. Chỉ thay đổi phương pháp thôi chứ không thay đổi mục tiêu,” theo Facebook của Ca sĩ bất đồng chính kiến Nguyễn Tín.
Nhà hoạt động Trần Thu Nguyệt viết về Kha trên Facebook: “một tuổi trẻ dấn thân bảo vệ đất nước, bảo vệ dân tộc.”
Linh mục Lê Ngọc Thanh viết trên Facebook: “Điều tuyệt vời là Kha bước đầu dấn thân trong cô đơn, không ai trong gia đình hiểu, nay sau 6 năm, Kha đã có mẹ, anh, chị, anh rể, … là những chiến hữu sống chết với chọn lựa dấn thân của Kha.”
Vào tháng 7 năm ngoái, bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ của Kha, đã sang Canberra gặp gỡ các dân biểu Úc, và vào tháng 1 năm 2014, sang thủ đô Washington gặp các giới chức và dân biểu tại Hoa Kỳ để vận động trả tự do cho con trai.
Đinh Nhật Uy, anh trai của Kha, cũng từng bị chính quyền tỉnh Long An bắt giam và xử phạt 15 tháng tù treo và 19 tháng quản chế về tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự.
https://www.voatiengviet.com/a/dinh-nguyen-kha/4610757.html
Ân Xá Quốc Tế cảnh báo
về Luật An Ninh Mạng của Việt Nam
Ân xá Quốc tế cảnh báo Luật An ninh mạng của Việt Nam sẽ có hiệu lực trong 2 tháng tới
Tổ chức Ân xá Quốc tế ngày 11/10 phát đi hình ảnh cảnh báo cho thấy Luật An ninh mạng còn 2 tháng nữa sẽ có hiệu lực thi hành sau khi Quốc hội Việt Nam bấm nút thông qua vào ngày 12/6/2018, bất chấp phản đối của nhiều người dân tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Trường Sơn, người phụ trách vận động khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) viết trên Facebook cá nhân rằng trong dự thảo nghị định hướng dẫn luật an ninh mạng mới ra đời, các điều khoản của nghị định này sẽ yêu cầu các công ty dịch vụ internet bao gồm cả Facebook, Google, Zing lẫn Zalo lưu trữ quan điểm chính trị, các mối quan hệ, lịch sử nhắn tin, thông tin tài khoản, số bảo hiểm xã hội và cả chi tiết tài khoản ngân hàng của người dùng. Và nguy hại hơn, cơ quan chức năng được quyền biết các thông tin đó bất cứ lúc nào họ muốn.
Ông Nguyễn Trường Sơn viết rõ “nếu bạn còn không chắc về mối họa mà luật An Ninh Mạng đem lại, thì giờ bạn đã rõ rồi chứ?”
Hôm 10/10/2018, trên Fanpage của blooger Lê Nguyễn Hương Trà cũng đăng tải bản dự thảo hơn 40 trang – Qui định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng được gửi đi lấy ý kiến các bộ, ngành.
Đáng chú ý là trong điều 54 của dự thảo này, những công ty cung cấp dịch vụ Internet ở Việt Nam như Facebook, Google… sẽ phải lưu trữ thông tin như các cuộc trò chuyện, thông tin giao dịch, thói quen tìm kiếm… và phải cung cấp cho Cục trưởng Cục An ninh mạng khi có yêu cầu điều tra.
Trình chiếu phim Mẹ Vắng Nhà
về blogger Mẹ Nấm tại thủ đô Hoa Kỳ
Phim ngắn ‘Mẹ vắng nhà’ do đạo diễn Clay Phạm thực hiện dành tặng cho nữ blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người đang phải thụ án tù 10 năm với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước, vừa được trình chiếu tại thủ đô Washington D.C. của Hoa Kỳ vào tối ngày 10 tháng 10. Đây cũng là ngày đúng 2 năm nữ blogger này bị bắt.
Buổi công chiếu bộ phim Mẹ Vắng Nhà ở Washington DC là lần cuối cùng trước khi bộ phim được đăng tải lên Youtube và trình chiếu trên Đài truyền hình Việt Nam tại Hoa Kỳ – SBTN.
Quá trình
Phim ngắn Mẹ vắng nhà mở đầu với những video các đài truyền thông trong và ngoài nước đồng loạt loan tin về việc Blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị Công an tỉnh Khánh Hòa bắt giữ và các phiên xử tuyên án nữ blogger 10 năm tù giam với tội danh Tuyên truyền chống nhà nước.
Theo tôi, cô ấy (blogger Mẹ Nấm) chỉ là một dân thường và bị bắt giam vì làm những việc mà theo tôi là rất bình thường. Đây là điều gây ấn tượng với tôi nhất.- Nữ khán giả Mỹ
Trong khi đó, những hình ảnh trong video do kênh An ninh TV đăng tải khi công an tới khám nhà chỉ là những tờ giấy A4 với những biểu ngữ Khởi tố Formosa, Cá cần nước sạch – Nước cần minh bạch, No-U…
Với sự tương phản giữa những cáo buộc từ phía nhà cầm quyền và những hình ảnh thực tế, Clay Phạm đã gây tò mò cho những người xem phim nhưng chưa biết về blogger Mẹ Nấm. Rồi sau đó khéo léo cho mọi người biết Quỳnh là ai qua lời kể thân mẫu của cô.
Bộ phim xoay quanh cuộc sống gia đình của nữ tù nhân lương tâm – blogger Mẹ Nấm gồm bà ngoại của cô, mẹ cô – bà Nguyễn Thị Tuyết Lan và 2 đứa con nhỏ. Họ phải vật lộn với cuộc sống đời thường khi mà người trụ cột đang phải thụ án tù 10 năm vì tranh đấu cho môi trường, Biển Đông và các nạn nhân chết trong đồn công an.
Sau khi được công chiếu rộng rãi, phim ngắn Mẹ vắng nhà đã chạm đến trái tim nhiều khán giả trong và ngoài nước cũng như đem đến rất nhiều thông tin quý giá, như lời chia sẻ của một nữ khán giả người Mỹ sau khi xem phim:
“Đây là chủ đề trước đây tôi chưa từng biết đến, bộ phim cung cấp cho tôi những thông tin rất thú vị. Theo tôi, cô ấy (blogger Mẹ Nấm) chỉ là một dân thường và bị bắt giam vì làm những việc mà theo tôi là rất bình thường. Đây là điều gây ấn tượng với tôi nhất.”
Một nam khán giả khác cũng rất thích bộ phim cho biết:
“Bộ phim rất thú vị và đầy đủ thông tin. Chúng tôi không được biết nhiều về những tù nhân bị giam giữ tại Việt Nam. Vì vậy, tôi thấy rất vui khi được biết thêm thông tin về những gì đang xảy ra trong nước Việt Nam.”
Khó khăn
Tuy nhiên, trong quá trình làm phim cũng như công chiếu, bộ phim gặp phải nhiều khó khăn, cản trở từ phía nhà cầm quyền Việt Nam.
Trao đổi với những người đến xem buổi trình chiếu phim ngắn Mẹ vắng nhà, đạo diễn Clay Phạm cho biết:
“Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là cái tên rất nhạy cảm đối với Việt Nam, khi quay ở đó cũng bị theo dõi, bị quan sát và sau đó thì bị cấm xuất cảnh, bị tich thu máy móc một lần khi ra nước ngoài. Hiện tại thì cuộc sống bị đảo lộn sau khi cuốn phim được phát tán rộng rãi. Ngay cả bản thân em và gia đình em bị rất nhiều sự cố sau cuốn phim này. Hiện tại thì em phải trốn khỏi địa phương và sống ở một nơi khác.”
Không chỉ riêng về phía nhà sản xuất, buổi trình chiếu phim lần thứ hai tại Thái Lan cũng đã phải hủy bỏ do gặp phải sức ép từ phía chính phủ Hà Nội. Trả lời với báo giới trong buổi họp báo thường kỳ ngày 5/7 Phó Phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng cho biết bộ phim tài liệu Mẹ vắng nhà có nhiều thông tin sai lệch về một cá nhân đã bị xét xử và đang thi hành án theo pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, việc cấm chiếu này vô tình đã góp phần quảng bá, giúp nhiều người biết đến bộ phim này hơn. Hiện tại bộ phim đã được chiếu tại nhiều thành phố ở 16 nước bao gồm cả Việt Nam, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Úc, Canada, Philippines, Đài Loan…
Luật sư Trịnh Hội, Giám đốc điều hành của tổ chức VOICE, người đem bộ phim đi chiếu ở các nước, trong buổi trình chiếu tối ngày 10 tháng 10 cho biết tuy chính quyền Hà Nội kiểm duyệt gắt gao nhưng buổi công chiếu đầu tiên lại là ở Đại sứ quán nước ngoài ở Việt Nam. Sau đó thì một đại sứ quán khác ở Hà Nội cũng đề nghị được chiếu phim này cho nhân viên tại đây xem.
Mặc dù bộ phim Mẹ vắng nhà được nhiều người biết đến, nhưng nhân vật chính trong phim – blogger Mẹ Nấm vẫn chưa biết thông tin gì về bộ phim này. Bà Tuyết Lan – thân mẫu blogger Mẹ Nấm cho biết thêm mỗi lần nói chuyện thì công an có ghi âm và ghi hình thời gian đó nên không thể nói chuyện về bên ngoài được. Nếu đề cập đến bộ phim, lần thăm gặp có thể bị ngừng lại ngay lập tức.
Thông điệp
Hy vọng rằng cuốn phim sẽ cho nhiều người biết hơn về những câu chuyện về tù nhân lương tâm ở Việt Nam và hy vọng mọi người sẽ quan tâm đến giới đấu tranh ở Việt Nam.- Đạo diễn Clay Phạm
Phim ngắn Mẹ vắng nhà được quay trong hai tháng và mất bốn tháng hậu kỳ để hoàn thành. Theo đánh giá, bộ phim đã thể hiện xuất sắc những tình cảnh gia đình của tù nhân chính trị tại Việt Nam hiện nay, khi chính quyền Hà Nội ngày càng đàn áp mạnh mẽ các tiếng nói đối lập.
Theo Luật sư Trịnh Hội, bộ phim có rất nhiều thông điệp muốn gửi đến người xem, nhưng theo anh, thông điệp lớn nhất đó là:
“Tất cả chúng ta, ai cũng có thể làm được một chút gì đó đất nước của mình, cho trên 100 tù nhân lương tâm trên Việt Nam. Mẹ Nấm là một nữ tù nhân lương tâm bị xử 10 năm tù, nhưng mà không phải là tù nhân lương tâm duy nhất. Mỗi người một việc, các bạn có thể là đạo diễn, là diễn viên, luật sư, bác sĩ, mỗi người trong chúng ta ai cũng có thể đóng vai trò nhất định để giúp đất nước chúng ta bớt khổ hơn và trong một ngày gần nhất sẽ không còn tù nhân lương tâm nữa.”
Đây cũng chính là tâm tình mà Đạo diễn Clay Phạm muốn nhắn gửi đến khán giả thông qua bộ phim Mẹ vắng nhà:
“Hy vọng rằng cuốn phim sẽ cho nhiều người biết hơn về những câu chuyện về tù nhân lương tâm ở Việt Nam và hy vọng mọi người sẽ quan tâm đến giới đấu tranh ở Việt Nam.”
Ngưng thu phí BOT cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi
vì chất lượng đường quá kém
Bộ Giao thông vận tải Việt Nam quyết định dừng tạm thời việc thu phí trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi dài 140 cây số.
Quyết định này được ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải vừa ký, và sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 12 tháng 10/2018, tức là ngày mai, thứ sáu tuần này.
Lý do được Bộ Giao thông vận tải đưa ra là đường đã bị hư hỏng chỉ sau 1 tháng vận hành.
Con đường này có số vốn đầu tư là 34500 tỉ đồng, do Tổng Công ty Đầu Tư và Phát Triển Đường Cao tốc Việt Nam quản lý thi công.
Sau khi thông tin về tình trạng hư hỏng mặt đường chỉ sau 1 tháng vận hành được đưa ra, Giám đốc Ban quản lý đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi cho rằng vIệc hư hỏng là do nhiều xe chạy và do mưa.
Nhưng một số chuyên gia Việt Nam và Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã bác bỏ việc giải thích này và nói rằng việc con đường chỉ sau 1 tháng sử dụng mà hư hỏng là không thể chấp nhận được.
Tình trạng chất lượng công trình hạ tầng kém ở Việt Nam được nói đến lâu nay. Nhiều ý kiến cho rằng vì phải chi ‘lại quả’ lớn, vật liệu công trình bị ‘rút ruột’, cũng như công tác kiểm nghiệm không thực chất dẫn đến thực tế đáng ngại đó.
Lãnh đạo HCM quyết tâm xây nhà hát
bất chấp dân phản đối
Bất chấp sự chống đối của người dân, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh vẫn muốn xây dựng Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch tại Thủ Thiêm, địa điểm của các cuộc tranh chấp đất đai kéo dài hàng thập kỷ.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm hôm 11/10 tuyên bố “thành phố muốn xây nhà hát này cách đây 20 năm rồi” và rằng “kinh phí dành cho công trình này đã được chuẩn bị sẵn.”
Bà Tâm nói “nếu bây giờ mình không làm, thì bao giờ mới làm? Tiền càng để lâu càng mất giá.”
“Nếu bây giờ mình không làm, thì bao giờ mới làm? Tiền càng để lâu càng mất giá.”
Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM
Dự án xây dựng nhà hát đã được Hội đồng Nhân dân (HĐND) TPHCM thông qua tại một cuộc họp bất thường hôm 8/10, với số tiền đầu tư dự kiến lên tới 1.500 tỷ đồng, tương đương hơn 65 triệu USD.
Tuy nhiên ngay sau khi thông tin này được truyền thông trong nước đăng tải, hàng nghìn ý kiến thể hiện trên mạng xã hội cho thấy rất nhiều người dân phản đối kế hoạch của chính quyền thành phố, có người cho rằng thông qua dự án này gấp rút như vậy là “quá nóng vội.”
Sáng ngày 9/10, nhiều người thuộc nhóm ‘dân oan mất đất’ ở Thủ Thiêm đã biểu tình bên ngoài trụ sở HĐND TPHCM để phản đối quyết định của các lãnh đạo thành phố. Họ kêu gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hãy chỉ đạo các quan chức TPHCM hãy ngừng ngay việc xây dựng nhà hát này.
Nhà hát giao hưởng gồm 1.700 ghế ngồi tương lai được giới chức thành phố mô tả là có mục đích “đáp ứng, nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật cho hơn 10 triệu người dân thành phố và hàng triệu du khách mỗi năm”, theo truyền thông trong nước.
Nhưng bà Trương Thị Yến, một đại diện của nhóm dân oan Trường Thịnh-Thủ Thiêm, nói với VOA hôm 10/10 rằng những người dân đang phải “sống khổ sở, lầm than, đói khát”, trong khi chính quyền xây nhà hát giao hưởng trên phần đất chiếm được của dân.
Những vụ tranh chấp và khiếu nại về chính quyền giải tỏa đất đai ở Thủ Thiêm đã kéo dài trong suốt 20 năm qua trong bối cảnh hàng chục ngàn người dân bị buộc phải di dời và mất nhà cửa. Có người đã thắt cổ tự tử sau khi nhà bị cưỡng chế.
Trong mạng Dân trí dẫn lời lãnh đạo UBND TPHCM cho rằng Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch sẽ “góp phần nâng cao trình độ hưởng thụ văn hóa của người dân thành phố trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. Lãnh đạo thành phố nói đây là “công trình mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của thành phố.”
Bên cạnh những ý kiến chỉ trích sự “vô cảm” của các quan chức, nhiều người đề nghị chính quyền hãy sử dụng số tiền đó để xây bệnh viện, trường học, chống ngập lụt hay xây dựng những công trình dân sinh đang rất thiếu thốn tại thành phố đông dân này.
Người đứng đầu HĐND TP HCM nói với Dân Trí hôm 11/10 rằng có nhiều ý kiến từ dư luận xã hội về quyết định xây dựng nhà hát tại Thủ Thiêm và cho rằng phải “lắng nghe, cân nhắc.”
Tuy nhiên bà Tâm nhấn mạnh: “Nếu không đủ bản lĩnh thông qua thì mãi mãi sẽ không làm được cái gì.”
https://www.voatiengviet.com/a/lanh-dao-hcm-quyet-tam-xay-nha-hat-bat-chap-dan-phan-doi/4609317.html
Luật Trưng cầu Ý dân ở Việt Nam: Khi nào áp dụng?
Ý kiến luật sư rằng Việt Nam đã có luật trưng cầu dân ý nhưng đến nay chưa được dùng đến vì nhiều lý do.
‘TBT làm CT nước là giải pháp tình huống’
Lần theo dòng tiền ‘chảy’ từ buôn lậu động vật hoang dã
Hai sự kiện gần đây thu hút sự quan tâm của dư luận Việt Nam là sự kiện Quốc hội sẽ bầu chủ tịch nước sau khi chủ tịch Trần Đại Quang qua đời, và quyết định xây nhà hát 1.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm.
Có ý kiến người dùng mạng xã hội cho rằng người dân có nên được hỏi ý kiến trực tiếp về những vấn đề như vậy.
Về vấn đề này, luật sư Lê Công Định cho BBC hay hôm 11/10 rằng ông không thấy hai sự kiện này nằm trong các quy định cần trưng cầu dân ý, theo luật liên quan.
Luật sư Định lý giải: “Có bốn vấn đề Quốc hội có thể xem xét, quyết định trưng cầu ý dân theo Luật Trưng cầu Ý dân do Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015. Bao gồm: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước; Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.”
“Bầu chức danh chủ tịch nước không thuộc phạm vi các nhóm nêu trên, bởi đã được quy định trong Hiến pháp 2013 (Chương VI từ Điều 86 đến Điều 93).
“Phê duyệt xây nhà hát ở Thủ Thiêm cũng khó có thể xem là loại “vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước” [mục 2] cần phải trưng cầu ý dân”.
Vấn đề nào mới là quan trọng?
Cùng chung quan điểm với luật sư Định, luật sư Hoàng Việt từ TP Hồ Chí Minh nói thêm: “Luật Trưng cầu Ý dân không làm rõ “vấn đề quan trọng khác” là gì, cũng không biết việc bầu chức danh chủ tịch nước hay xây nhà hát có được Quốc Hội coi là vấn đề quan trọng hay không?”
Luật sư Ngô Anh Tuấn từ Hà Nội thì nói với BBC hôm 11/10 rằng ông chưa thấy văn bản nào nói “vấn đề quan trọng khác là vấn đề gì? Và như thế nào thì được coi là quan trọng.”
“Có thể với hai sự kiện nói trên, tôi và một bộ phận người dân cho là quan trọng, nhưng gần 500 đại biểu Quốc Hội là không cho là quan trọng, nên mới không trưng cầu dân ý?”
“Khi luật chưa xác định rõ ràng vấn đề nào là quan trọng với đất nước thì rất khó có cơ sở để thực hiện trưng cầu ý dân,”
“Thực ra họ [Quốc Hội] làm đúng luật. Việc bầu chủ tịch nước thì đã có Hiến pháp và các luật hiện hành quy định rồi nên không cần trưng cầu dân ý. Việc xây nhà hát ở Thủ Thiêm có thể xếp vào “các vấn đề về kinh tế – xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước” nhưng luật không nêu rõ nên họ có quyền không tiến hành [trưng cầu dân ý].”
“Tuy nhiên dù luật không rõ ràng, nhưng người dân bày tỏ sự quan tâm, thì Quốc Hội cần căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá vấn đề nào quan trọng, cần mang ra trưng cầu dân ý.”
“Luật này có hiệu lực từ năm 2016 nhưng tới nay chưa thấy người dân được hỏi ý kiến lần nào. Điều này cho thấy luật không phát huy được mong muốn của người làm luật và không có giá trị thực tiễn đối với người dân,” luật sư Tuấn nói với BBC.
Căn cứ vào đâu để nói ‘Dân đồng ý’
Về lý do vì sao trong hai sự kiện nói trên, Quốc Hội đều nói ‘người dân hoàn toàn nhất trí’ dù không thông qua trưng cầu dân ý, luật sư Hoàng Việt phân tích:
“Trên thế giới, để thực hiện dân chủ người ta có hai cách để tiến hành. Cách thứ nhất gọi là dân chủ trực tiếp – người dân sẽ trực tiếp cho ý kiến về một số vấn đề cụ thể nào đó. Luật trưng cầu ý dân 2015 thuộc dạng này.”
“Cách thứ hai là dân chủ gián tiếp, tức là người dân bầu ra một số đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mình. Những đại diện dân cử này sẽ nói lên tiếng nói của người dân, thay cho người dân.”
“Ở Việt Nam, về lý thuyết thì Quốc Hội gồm các đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân cả nước. Hội đồng nhân dân sẽ đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân ở từng địa phương tương ứng.”
“Có lẽ trong các trường hợp nói trên, Quốc Hội hoặc hội đồng nhân dân đã nhất trí 100% nên chính quyền đã tuyên bố là người dân đã đồng ý.”
“Nhưng trong một số trường hợp cụ thể như vụ xây nhà hát ở Thủ Thiêm, Hội đồng nhân dân đồng ý 100%, nhưng nhiều người dân lại không đồng ý. Điều đó cho thấy có khoảng cách giữa ý chí, nguyện vọng của các đại biểu Quốc Hội hoặc Hội đồng nhân dân với người dân.”
Luật sư Lê Công Định thì cho rằng nói ‘người dân nhất trí’ là “cách nói cưỡng đoạt ngôn từ nhằm mục đích tuyên truyền của Đảng Cộng sản và nhà cầm quyền”.
“Khoan bàn đến việc có trưng cầu ý dân hay không, chỉ xét riêng tính chính danh thật sự của bộ máy nhà nước Việt Nam hiện tại, đặc biệt là cách thức thực thi quyền tự do thể hiện nguyện vọng và ý chí của toàn dân trong việc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, hay sự chấp nhận quyền lãnh đạo tuyệt đối và duy nhất của đảng cộng sản đương quyền, cũng đã thấy hoàn toàn không có sự kiện ‘cử tri cả nước hoàn toàn ủng hộ”.
Cần sửa luật hay xem lại vai trò ĐBQH?
Theo luật sư Hoàng Việt, dư luận Việt Nam cho rằng chính quyền đã quá xa dân khi tự quyết nhiều việc trong khi có những vấn đề bức thiết hơn lại chưa giải quyết.
“Phản ứng của dư luận, dù chỉ trên Facebook, đã dẫn đến một số dự án của chính quyền phải tạm ngưng, ví dụ như dự án chặt hàng loạt cây cổ thụ ở Hà Nội.”
“Điều này cho thấy, cùng với việc xem xét để cho ra đời Luật Biểu tình, cũng cần xem xét sửa đổi Luật Trưng cầu ý dân cho gần với cuộc sống hơn, và có ý nghĩa thiết thực hơn với quyền lợi của người dân.”
Luật sư Ngô Anh Tuấn cũng cho rằng Luật Trưng cầu Ý dân cần quy định cụ thể hơn những vấn đề quan trọng là vấn đề gì.
Chẳng hạn, “những vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến kinh tế” được đề cập trong Luật Trưng cầu Ý dân, cần đưa cụ thể các con số để làm căn cứ đánh giá mức độ quan trọng.
“Ví dụ dự án trên 1000 tỷ thì cần trưng cầu dân ý”, theo luật sư Tuấn.
Tuy nhiên, luật sư Tuấn cũng cho rằng trên thực tế, một bộ luật khó có thể cụ thể đến mức như vậy.
“Cái quan trọng là vai trò của đại biểu Quốc Hội đã thực sự được phát huy hay chưa?”
“Là đại diện dân bầu, đại biểu Quốc Hội hoàn toàn có thể tự xem xét một vấn đề có quan trọng hay không để xem xét, trình lên Quốc Hội. Từ đó bàn thảo, đánh giá xem có quan trọng tới mức cần trưng cầu dân ý hay không, kể cả khi vấn đề đó không được nêu rõ ràng trong luật.”
“Trên danh nghĩa là do dân bầu, gần 500 đại biểu Quốc hội không thể tự quyết mọi vấn đề trong cuộc sống thay cho người dân.”
Luật Trưng cầu Ý dân được Quốc Hội thông qua ngày 25/11/2015 gồm 8 chương, 52 điều,có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016.
Luật quy định cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất 3/4 tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu.
Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành.
Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân.
Theo luật này, kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45832969
Giảm lưu thông tiền mặt có phải để đổi tiền?
Diễm Thi, RFA
Đề án không dùng tiền mặt
Ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, người có học vị Tiến sĩ kinh tế cho rằng đưa ra một tiêu chuẩn giảm chỉ còn 10% như vậy thì đó là một điều gần như không tưởng và có thể còn một ẩn ý trong đó là hợp thức hóa cho việc đổi tiền. Ông nói:
Xét về lượng tiền mặt lưu thông ngoài thị trường và xã hội thì trong 10 năm qua VN in tiền quá nhiều. Bằng chứng là vào năm 2008 thì tổng dư nợ tín dụng cho vay chỉ có 2,3 triệu tỷ đồng, nhưng đến năm 2017 đã lên tới 7 triệu tỷ đồng, tức là gấp khoảng 2,5 lần. Và với mức độ tăng trưởng tín dụng như vậy thì có nghĩa là một năm Ngân hàng Nhà nước và Nhà máy in tiền Quốc gia của Ngân hàng Nhà nước đã phải in từ 400 ngàn đến 500 ngàn tỷ đồng.
Bây giờ muốn thu hút tiền mặt trở lại là điều vô cùng khó khăn trừ phi là đổi tiền, và trừ phi cái đề án vừa rồi (đề án mà phóng viên RFA đề cập) còn có một ẩn ý không nói ra là dùng đề án này coi như một tiền đề hoặc cơ sở hợp thức hóa cho việc đổi tiền, và nó phù hợp với những thông tin đồn đãi vài ba năm gần đây về chuyện Nhà nước có khả năng sẽ đổi tiền. – TS. Phạm Chí Dũng
Bây giờ muốn thu hút tiền mặt trở lại là điều vô cùng khó khăn trừ phi là đổi tiền, và trừ phi cái đề án vừa rồi (đề án mà phóng viên RFA đề cập) còn có một ẩn ý không nói ra là dùng đề án này coi như một tiền đề hoặc cơ sở hợp thức hóa cho việc đổi tiền, và nó phù hợp với những thông tin đồn đãi vài ba năm gần đây về chuyện Nhà nước có khả năng sẽ đổi tiền.
Ông nói thêm rằng với tình hình hiện nay thì Ngân hàng Nhà nước không những không thể thu tiền về mà càng phải bung tiền ra, thậm chí phải in thêm tiền để bù đắp cho bội chi ngân sách, bù đắp cho rất nhiều khoản chi không nằm trong kế hoạch. Ông nhấn mạnh rằng mặc dù với lượng tiền mặt lưu thông nhiều khủng khiếp như hiện nay nhưng tình hình bội chi ngân sách nếu không phải ở trung ương thì ở các địa phương vẫn còn liên tục tiếp diễn và dường như ngày càng tăng cao.
Thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước đây vào năm 2013, 2014 là đỉnh điểm của bội chi ngân sách trung ương, lúc đó bội chi tới 9% so với kế hoạch đề ra, bây giờ ngân sách của một số địa phương đã bội chi rất cao, có thể lên tới gần 20%.
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, hiện ở Na Uy thì cho rằng mục tiêu của đề án trên rất khó được thực hiện. Ông nói:
Chúng ta muốn đạt mục tiêu thì chúng ta thử xem các nước phát triển có tỷ lệ không dùng tiền mặt như thế nào. Chúng ta thấy có ba nước trên thế giới hiện nay được xếp hạng về người dân không dùng tiền mặt nhiều nhất đó là Canada, Anh và Thụy Điển. Tổng số giao dịch mà không dùng tiền mặt chỉ gần 60% và chỉ 40% dùng tiền mặt. Việt Nam đặt mục tiêu 10% dùng tiền mặt còn phần còn lại dùng cách thanh toán khác thì đó là một mục tiêu có thể nói là rất khó đạt được trong ngắn hạn.
Dân vẫn xài tiền mặt
Theo tổng kết của Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam (VBCA) năm 2017 thì thẻ nội địa vẫn được sử dụng chủ yếu để rút tiền mặt với tỉ trọng ở mức 94% trong những năm gần đây.
Điều này cho thấy tỷ lệ người dân sử dụng tiền mặt vẫn rất cao từ nông thôn cho đến thành thị vì nhiều lý do. Thứ nhất là do thói quen của người dân Việt Nam từ bao đời nay vẫn dùng tiền mặt, thứ hai là muốn sử dụng thẻ thay tiền mặt thì phải đồng bộ giữa bên mua và bên bán, chứ bên mua muốn trả thẻ mà bên bán không chấp nhận hay ngược lại thì giao dịch cũng không thành.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nói thêm về yếu tố mà người làm chính sách phải tính đến khi muốn thúc đẩy người dân trong việc ít thanh toán bằng tiền mặt:
Phải có động lực để những cửa hàng chấp nhận thanh toán không thông qua tiền mặt. các hiện hàng hiện nay thích thanh toán tiền mặt hơn bởi thanh toán tiền mặt thì họ có thể lách thuế, họ lại có tiền ngay lập tức. Nếu thanh toán qua mạng hay thẻ thì họ phải đợi một vài ngày tiền mới vô tài khoản.và lượng tiền đó lại bị theo dõi, bị kiểm soát bởi chính phủ hoặc các cơ quan của chính phủ khi báo cáo thuế chẳng hạn.
Ở nơi em sống là nông thôn miền Bắc thì việc dùng thẻ thì hiện tại chỉ thấy để thanh toán lương cho công nhân thôi, rồi người công nhân muốn chi tiêu sinh hoạt hàng ngày thì đến 90% phải dùng tiền mặt. -Trịnh Bá Tư
Anh Trịnh Bá Tư hiện sống ở tỉnh miền núi Hòa Bình cho chúng tôi biết:
Ở nơi em sống là nông thôn miền Bắc thì việc dùng thẻ thì hiện tại chỉ thấy để thanh toán lương cho công nhân thôi, rồi người công nhân muốn chi tiêu sinh hoạt hàng ngày thì đến 90% phải dùng tiền mặt.
Còn ở những thành phố lớn thì tình hình có khác hơn một chút vì có những siêu thị lớn, những trung tâm thương mại khang trang chấp nhận các giao dịch bằng thẻ, nhưng để người dân có thể chi tiêu tại những trung tâm thương mại này thì mức sống người dân phải cao, chứ với mức lương công nhân hiện nay thì làm sao họ có thể mua sắm tại những nơi như thế. Và chuyện công nhân nhận lương qua tài khoản ngân hàng nhưng phải rút tiền mặt để xài là một nỗi khổ khác. Chị Phương hiện sống ở Sài Gòn cho biết thêm:
Mới trong khoảng 7 năm nay là chuyển thẻ hết. Ngân hàng yêu cầu chuyển lương cho công nhân qua thẻ. Công ty cho mỗi người 50 ngàn để mở thẻ rồi chuyển trực tiếp vô đó. Tội công nhân lắm vì tới tháng lãnh lương phải xếp hàng dài, đông khủng khiếp mấy chục người một lần mà mấy cây rút tiền không đủ tiền để rút.
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nhận định rằng việc thanh toán bằng thẻ sẽ không thể thực hiện được vì Việt Nam hiện đang ngổn ngang giữa một xã hội của người giàu, người trung bình thấp và nghèo. Tỷ lệ người giàu và trung lưu ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20% trong khi tỷ lệ người thu nhập tương đối thấp và nghèo thì còn rất cao. Áp dụng phương tiện thanh toán bằng thẻ thì chỉ có thể áp dụng trong những siêu thị hoặc những trung tâm thương mại cao cấp, chứ làm sao có thể áp dụng ở những khu vực chợ bán lẻ, kể cả chợ bán buôn.
Anh Trịnh Bá Tư nói rằng các cơ quan chức năng đưa ra rất nhiều chính sách nhưng thực tế đều phải bỏ đi vì không thể thực hiện được. Anh chia sẻ:
Với hiểu biết của bản thân em thì đề xuất đó tính khả thi rất thấp vì thực tế thì ở nơi em sống và những người em biết thì chỉ có công ty trả tiền cho công nhân qua thẻ, còn sinh hoạt đời thường của người dân từ buôn bán, chợ búa đều dùng tiền mặt. Nếu chuyển sang dùng thẻ thì yêu cầu về công nghệ và nhiều thay đổi khác nên em nghĩ trước mắt chưa thể thực thi được.
Ngoài việc người dân có thói quen xài tiền mặt thì các vụ mất tiền trong tài khoản ATM thời gian qua mà truyền thông trong nước đưa tin cũng là một trong những lý do khiến người dân không muốn để tiền trong ngân hàng, và chuyện xài tiền mặt không thể giảm được trong tương lai gần.
Đề nghị xây ‘Quảng trường Hồ Chí Minh’
2000 tỷ tại Thủ Thiêm
Tiếp theo đề nghị xây nhà hát giao hưởng hàng ngàn tỷ đồng gây tranh cãi, Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh ngày 12/10 vừa có đề nghi đặt tên Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm là ‘Quảng trường Hồ Chí Minh’.
Theo báo trong nước, ‘Quảng trường Hồ Chí Minh’ dự kiến rộng 27 hecta, bao gồm các hạng mục như cột cờ tổ quốc, nhà trưng bày về chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà sàn và ao cá, công viên bờ sông, cầu đi bộ nối Thủ Thiêm với Quận 1.
Quảng trường trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm được nói sẽ là quảng trường lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư cho dự án được công bố gần 2.000 tỷ đồng.
Theo truyền thông trong nước, với sức chứa tối đa 430.000 người, đây sẽ là nơi diễn ra các sự kiện chính trị lớn và giao lưu văn hóa được nói nhằm ‘tạo hình ảnh một thành phố kinh tế năng động, một trung tâm văn hóa hài hòa truyền thống và hiện đại.’
Dự án này sẽ được Công ty Đại Quang Minh thực hiện theo phương thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao, và do một công ty của Pháp là Defrain Souquet Deso thiết kế.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng diện tích là 930 ha, nằm bên bờ sông Sài Gòn. Từ đầu những năm 2010, thành phố đã bắt đầu tiến hành việc giải toả, xây dựng khu vực này thành một khu đô thị mới. Việc di dời, giải toả đã ảnh hưởng đến khoảng 14.600 hộ dân với hơn 60.000 người. Nhiều người dân ở đây từ 20 năm nay đã khiếu kiện lên trung ương về việc giải toả, quy hoạch mà họ cho là sai trái của chính quyền địa phương.
Hôm 8/10, Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh biểu quyết 100% đồng ý xây dựng Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Nhiều ý kiến của người dân trên mạng sau đó đã phản đối việc xây dựng nhà hát giao hưởng tốn kém vì cho rằng còn nhiều cơ sở hạ tầng khác người dân thành phố cần hơn vào lúc này.
Việt Nam thừa nhận
thực tế khiếu nại – tố cáo phức tạp
Tình hình khiếu nại – tố cáo trong 5 năm qua phức tạp và cần phải tăng cường để có thể giải quyết thỏa đáng.
Đây là thừa nhận được đưa ra tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở được tổ chức ở Hà Nội vào ngày 11 tháng 10.
Số liệu được trình bày tại hội nghị cho thấy trong 5 năm qua các cơ quan tiếp dân đã tiếp hơn 72.600 lượt công dân đến trình bày hơn 21.000 vụ việc và có hơn 2.000 lượt đoàn khiếu kiện đông người.
Trong đó 70% các vụ khiếu nại tố cáo do Thanh tra Chính phủ tiếp; Ban Dân nguyện tiếp 20%; Văn phòng Chính phủ tiếp 5%; các cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam tiếp gần 4%.
Tin cho biết việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo tại các địa phương chưa đúng trình tự, thủ tục, tiếp công dân mang tính hình thức. Ông Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra Chính phủ, được báo giới trích dẫn rằng trong hơn 3 năm qua tình hình khiếu kiện vượt cấp mặc dù có giảm nhưng tính chất, mức độ của các vụ khiếu kiện ngày càng phức tạp. Ông nhấn mạnh các cơ quan có trách nhiệm cần phối hợp đồng bộ để cùng nhau giám sát với số lượng nhiều hơn chứ không làm riêng lẻ như lâu nay.
Ông Khái nhắc đến vụ Thủ Thiêm rằng qua 20 năm giải quyết chưa dứt điểm. Nếu trước đây đưa đoàn giám sát vào giám sát trước để xem giải quyết lần 1, lần 2 làm có tới nơi, tới chốn hay không, có tiếp công dân có đạt không thì chắc chắc vụ việc sẽ được giải quyết rốt ráo hơn.
Hiện nay, nhiều người dân Thủ Thiêm, bị cưỡng chế nhà đất phi pháp phải đi khiếu kiện suốt 20 năm qua, tỏ ra bức xúc hơn; sau khi Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh, trong tuần này, biểu quyết với tỷ lệ 100% đồng ý xây dựng nhà hát giao hưởng tại Thủ Thiêm. Kinh phí được nói rõ hơn 1500 tỷ đồng.
Trước phản ứng không đồng tình của công luận, vào ngày 11 tháng 10, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh lên tiếng bảo vệ quyết định biểu quyết đồng ý 100% của mọi thành viên trong hội đồng.
Theo lời bà Nguyễn Thị Quyết Tâm thì việc xây dựng nhà hát giao hưởng là cho cả thế hệ hiện nay và mai sau.
VN tiếp tục thủ tục để thông qua chủ tịch nước
Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Nam tại phiên họp thứ 28 diễn ra từ ngày 15 đến 17 tháng 10 vào tuần tới đây sẽ chuẩn bị nhân sự chủ tịch nước để Quốc Hội bầu.
Thông tin này được Trưởng Ban Công tác Đại Biểu Trần Văn Túy cho báo giới biết vào ngày 11 tháng 10.
Vào ngày 3 tháng 10 vừa qua, Hội nghị thứ 8 Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 được cho biết 100% đồng ý giới thiệu ông đương kim tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm luôn chức chủ tịch nước thay cho ông Trần Đại Quang, người qua đời đột ngột vào ngày 21 tháng 9.
Thủ tục tiếp theo là Quốc Hội khóa 14 tại kỳ họp thứ 6 dự kiến bắt đầu từ ngày 22 tháng 10 tới đây sẽ tiến hành bỏ phiếu và phê chuẩn.
Nhiều người cho rằng đây là kế hoạch ‘nhất thể hóa’ mà giới lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam đề cập đến lâu nay; tuy nhiên chính ông Nguyễn Phú Trọng tại cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội sau Hội Nghị Trung ương 8 nói rằng ‘đó chỉ là biện pháp tình huống’.
Ngoài việc bỏ phiếu và phê chuẩn chức chủ tịch nước cho ông Nguyễn Phú Trọng, Quốc Hội khóa 6 cũng thực hiện động thái này đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng, người hiện đang giữ chức quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền Thông.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng từ vai trò lãnh đạo Tập Đoàn Viễn Thông Quân Đội Viettel được cử nắm chức vụ hiện nay sau khi cả hai ông nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền Thông là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn chịu kỷ luật trong vụ Mobifone nâng khống giá mua lại 95% Công ty Cổ Phần Nghe Nhìn Toàn Cầu AVG.
Việt Nam gặp gỡ song phương các đối tác
bên lề Hội nghị Hải Quân Tây Thái Bình Dương
Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam, Tư lệnh Hải quân Việt Nam có cuộc gặp gỡ với các quan chức hải quân cấp cao của Nhật Bản và Ấn Độ tại đảo Jeju, Hàn Quốc vào ngày 11 tháng 10, một ngày trước Hội nghị Hải quân Tây Thái Bình Dương lần thứ 16 (WPNS).
Bản tin trong nước loan đi hôm thứ Sáu 12 tháng 10 cho biết Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam đã gặp Đô đốc Yutaka Murakawa, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản.
Hai bên nói về thành công của chuyến thăm Nhật Bản của chiến hạm Việt Nam 015 – Trần Hưng Đạo và chuyến thăm đầu tiên của tàu ngầm Nhật Bản đến cảng Cam Ranh Việt Nam vào tháng trước .
Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam bày tỏ mong muốn đón nhiều tàu hải quân từ Nhật Bản và hy vọng hải quân 2 nước sẽ tăng cường quan hệ đối tác, hiểu biết lẫn nhau cho các mục tiêu chung về tự do hàng hải, hòa bình và ổn định trong khu vực .
Phó Đô Đốc Phạm Hoài Nam khi gặp Phó Đô Đốc Karambir Singh của Hải quân Ấn Độ đã bày tỏ hy vọng Việt Nam và Ấn Độ sẽ duy trì trao đổi thường xuyên các chuyến thăm và chia sẻ thông tin giữa 2 nước. Theo ông Phạm Hoài Nam, các cuộc diễn tập chung sẽ đặt nền tảng cho việc thúc đẩy hợp tác giữa lực lượng hải quân 2 quốc gia trong tương lai.
WPNS lần thứ 16 diễn ra tại hòn đảo nghỉ mát Jeju của Hàn Quốc vào ngày 12 tháng 10, tập hợp 150 đại diện Hải quân từ 46 quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Vương quốc Anh. Diễn đàn toàn cầu về an ninh biển- WPNS được tổ chức hai năm một lần bắt đầu từ năm 1988.
Lãnh đạo Việt Nam và Philippines
bàn về ranh giới biển
Việc phân định ranh giới thềm lục địa giữa Việt Nam và Philippines cần nhiều thời gian để hoàn tất, mặc dù hiện nay đã tới lúc phải làm việc đó.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu như vừa nêu với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khi hai người có cuộc gặp tại Bali, Indonesia, nơi mà nguyên thủ các quốc gia các nước Đông Nam Á (ASEAN) đang nhóm họp.
Truyền thông Philippines loan tin vào ngày 12 tháng 10 dẫn tiếp lời tổng thống Rodrigo Duterte rằng ông cũng nói với phía Việt Nam là Manila không hề bỏ qua phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế La Haye hồi năm 2016 bác tuyên bố chủ quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông trong đường đứt khúc 9 đoạn vì tuyên bố đó không có giá trị pháp lý.
Tin từ Phủ tổng thống của Philippines cho biết chính Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nêu vấn đề phán quyết của tòa trọng tài quốc tế khi hai người gặp nhau ở Bali, Indonesia .
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên 90% diện tích Biển Đông. Các quốc gia ASEAN khác gồm Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines cũng có những tuyên bố chủ quyền một phần tại khu vực Biển Đông, và những tuyên bố này chồng lấn lên nhau, trong đó Việt Nam và Philippines có phần thềm lục địa chồng lấn lên nhau tại quần đảo Trường Sa.