Tin khắp nơi – 12/10/2018
Mỹ: 7 người chết vì bão Michael
Bão Michael hoành hành các thị trấn ven biển của bang Florida, nhiều dãy nhà bị tốc mái hay trơ sườn, số tử vong tính tới ngày 11/10 là bảy người.
Sau khi ập vào bờ biển Tây Bắc Florida hôm 10/10 với vận tốc gió lên tới 250 cây số/giờ, Michael giảm cường độ xuống còn bão nhiệt đới vào chiều tối cùng ngày và di chuyển về hướng Đông Bắc, trút mưa xuống Georgia và hai bang North và South Carolina, nơi còn đang hồi phục từ sau cơn bão Florence tháng trước.
Bão Michael cướp đi sinh mạng của ít nhất 7 người tại Florida, Georgia và North Carolina, theo tin từ giới chức và truyền thông địa phương.
Gần 950 ngàn nhà cửa và doanh nghiệp bị mất địa ở Florida, Alabama, North Carolina, South Carolina và Georgia ngày 11/10.
Số người trong các trại tạm trú khẩn cấp ở 5 bang vừa kể dự kiến lên tới 20 ngàn, theo Hội Chữ thập đỏ Mỹ.
Bão Michael là cơn bão mạnh hàng thứ ba ập vào lục địa Hoa Kỳ kể từ năm 1935 tới nay.
https://www.voatiengviet.com/a/sau-nguoi-my-chet-vi-bao-michael/4609935.html
Bão Michael gây ra những thiệt hại nặng nề
Florida – Một trong những người sống sót sau khi bão Michael đổ bộ cho biết rằng, thành phố của ông giờ đây trông như vừa bị tấn công bằng bom nguyên tử.
Floria Panhandle là một trong những khu vực chịu tàn phá nặng nề nhất sau khi bị những cơn gió giật mạnh, mưa to và bão lớn đi qua qua. Cho đến nay, bão Michael là cơn bão mạnh thứ ba từng đổ bộ vào Hoa Kỳ. Tính đến sáng Thứ Năm (11 tháng 10), hơn 650,000 ngôi nhà và công ty ở vùng đông nam Hoa Kỳ bị mất điện.
Bão Michael là một cơn bão nhiệt đới đã mạnh dần lên khi cơn bão di chuyển vào đất liền, gây ra mưa lớn và có khả năng sẽ gây ra lốc xoáy tại khu vực North Carolina và South Carolina. Ngay cả trước khi đổ bộ vào đất liền, bão Michael đã làm gián đoạn hoạt động năng lượng tại Vịnh Gulf, cắt giảm hơn 40% sản lượng dầu thô và làm thiệt hại gần một phần ba sản lượng khí đốt tự nhiên, vì công nhân tại các cơ sở ngoài khơi của những nhà máy năng lượng đã được di tản. Ngoài ra, cơn bão còn làm thiệt mạng ít nhất hai người, trong đó có một người đàn ông thiệt mạng vì cây ngã đổ xuống nhà của ông tại tiểu bang Florida, còn người thứ hai là một cô gái, bị mảnh vụn của những tòa nhà rơi trúng tại tiểu bang Georgia.
Tính đến 8 giờ sáng giờ địa phương, tâm bão Michael nằm ở vị trí khoảng 40 dặm về phía tây-tây bắc của Columbia, South Carolina, và di chuyển về phía đông bắc với vận tốc 21 dặm/giờ, với vận tốc gió tối đa là 50 dặm/giờ. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/bao-michael-gay-ra-nhung-thiet-hai-nang-ne/
Dina Powell rút khỏi danh sách
ứng viên đại sứ Mỹ tại LHQ
Giám đốc điều hành Goldman Sachs, Dina Powell, rút lui khỏi danh sách được cân nhắc để kế nhiệm đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley, Reuters dẫn một nguồn tin thân cận cho biết ngày 11/10.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump, bà Powell nói bà vinh dự được Tổng thống cân nhắc nhưng bà muốn lưu lại Goldman Sachs, nguồn tin của Reuters cho hay.
Ông Trump đã trao đổi với bà Powell về vị trí đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc từ khi đại sứ Haley loan báo kế hoạch từ chức trong tuần này.
Bà Powell từng phục vụ trong Tòa Bạch Ốc của chính quyền Trump trong cương vị phó cố vấn an ninh quốc gia.
Có một số giới chức trong Tòa Bạch Ốc phản đối việc bà Powell trở lại và một giới chức cao cấp trong chính quyền Trump nói với Reuters rằng bà Powell không còn được cân nhắc chuyện này.
Tổng thống Trump ngày 10/10 cho biết ông có một vài ứng cử viên cho chiếc ghế đại diện Mỹ tại Liên hiệp quốc thay thế cho đại sứ Haley, người loan báo từ chức hôm 9/10.
https://www.voatiengviet.com/a/dina-powell-rut-khoi-danh-sach-ung-vien-dai-su-my-lhq/4609947.html
Không quân Mỹ ký hợp đồng quốc phòng
trị giá 2,3 tỉ đôla
Không quân Mỹ hôm 10/10 cho biết đã trao nhiều hợp đồng trị giá tổng cộng 2,3 tỷ đôla để phát triển các hệ thống tên lửa để phục vụ an ninh quốc gia.
Theo Reuters, đối tác được chọn gồm có công ty Blue Origin thuộc quyền sở hữu của tỷ phú Amazon Jeff Bezos, công ty United Launch Services, thuộc tập đoàn United Launch Alliance (ULA) liên doanh giữa Boeing Co. và Lockheed Martin Corp; và công ty Northrop Grumman Innovation Systems.
Các hợp đồng quốc phòng này nhằm mục đích phát triển các hệ thống tên lửa đẩy, phóng tên lửa đưa hàng hóa quân sự vào vũ trụ.
Ba hợp đồng vừa kể là một phần nằm trong kế hoạch mới của Bộ Quốc phòng Mỹ, đảm bảo Hoa Kỳ duy trì tiếp cận quân sự liên tục với không gian và giảm sự phụ thuộc vào các động cơ tên lửa sản xuất ở nước ngoài, như tên lửa Atlas V hàng đầu của ULA, hiện đang sử dụng động cơ đẩy phụ RD-180 do Nga sản xuất.
Công ty Centennial, thuộc tập đoàn ULA có trụ sở tại bang Colorado, được trao hợp đồng trị giá 967 triệu đôla để phát triển tên lửa Vulcan; Công ty Kent thuộc hãng Blue Origin có trụ sở tại bang Washington được trao hợp đồng trị giá 500 triệu đôla để cung cấp động cơ đẩy phụ New Glenn và hãng Northrop Grumman của bang Arizona được hợp đồng trị giá 791,6 triệu đôla để cung cấp tên lửa OmegA.
Dự kiến mẫu tên lửa đẩy của Blue Origin và Northrop theo sẽ sẵn sàng bay vào không gian vào cuối năm 2024, và giai đoạn phát triển tên lửa Vulcan của tập đoàn ULA sẽ hoàn tất vào tháng 3/2025.
Blue Origin cho biết trong một tuyên bố rằng công ty sẽ xây dựng một cơ sở phóng tên lửa tại Căn cứ Không quân Vandenberg ở bang California, mặc dù công ty này không cho biết các loại tên lửa nào sẽ được phóng từ cơ sở này.
Mỹ hạn chế công nghệ hạt nhân cho Trung Quốc
Chính phủ Mỹ hôm thứ Năm 11/10 áp đặt hạn chế mới đối với việc xuất khẩu công nghệ hạt nhân dân sự cho Trung Quốc, vì cho rằng Bắc Kinh có thể dùng cho mục tiêu tăng cường quân sự.
Thương chiến Mỹ Trung ‘có ảnh hưởng tới VN’
Có nên quan ngại về thương chiến Mỹ – Trung?
Trung Quốc là một trong các thị trường cần nhà máy điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu điện năng.
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry ra tuyên bố: “Hoa Kỳ không thể bỏ qua ảnh hưởng an ninh quốc gia từ việc Trung Quốc cố gắng tìm kiếm công nghệ hạt nhân bên ngoài thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự Mỹ – Trung.”
Đây là biện pháp mới nhất trong nỗ lực gây sức ép của Mỹ với Trung Quốc, sau khi chính phủ Donald Trump tăng thuế nhập khẩu đối với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc.
Bộ Năng lượng Mỹ nói sẽ không ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng sẽ có thêm biện pháp kiểm tra.
Năm 2017, Allen Ho, 66 tuổi, một công dân Mỹ sinh ra ở Đài Loan, bị Mỹ kết án tù 24 tháng sau khi nhận tội tham gia việc phát triển trái phép chất liệu hạt nhân ngoài lãnh thổ Mỹ.
Allen Ho bị buộc tội tìm kiếm các chuyên gia hạt nhân ở Mỹ để nhờ giúp đỡ cho Trung Quốc.
Cáo trạng của Mỹ ra năm 2016 liên quan ông Allen Ho và Tổng Công ty năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CGNPC).
Vào thời điểm cáo trạng đưa ra, ông Ho là kỹ sư hạt nhân, đóng vai trò tư vấn viên cho CGNPC.
Cáo trạng nói dưới chỉ đạo của CGNPC, ông Ho tìm kiếm, tuyển mộ các chuyên gia sống ở Mỹ trong ngành hạt nhân dân sự để trợ giúp kỹ thuật cho CGNPC ở Trung Quốc.
Thống kê chính thức cho hay năm 2017, Mỹ xuất khẩu hạt nhân trị giá 170 triệu đôla sang Trung Quốc.
Theo một báo cáo 2017 của bộ thương mại Mỹ, Trung Quốc là thị trường thứ hai của các công ty hạt nhân Mỹ, chỉ sau Anh quốc.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45836861
Một viên chức tình báo Trung Cộng
bị buộc tội gián điệp kinh tế ở Hoa Kỳ
Washington, DC – Các viên chức Hoa Kỳ cho biết một viên chức tình báo Trung Cộng đã bị buộc tội gián điệp kinh tế và vừa được đưa ra xét xử lần đầu tiên tại một tòa án của Hoa Kỳ.
Các viên chức Hoa Kỳ cũng cho biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ có một viên chức tình báo Trung Cộng, bị bắt giữ và dẫn độ, phải đối mặt với các bản án ở Hoa Kỳ. Hoa Kỳ xác định ông Yanjun Xu đã làm việc cho Bộ An ninh Quốc gia Trung Cộng đồng thời là cơ quan tình báo và an ninh của Trung Cộng. Sau đó ông Yanjun Xu đã bị bắt giữ tại Bỉ vào đầu năm nay và bị dẫn độ trong đêm đến Cincinnati.
Ông Yanjun Xu bị buộc tội sử dụng một danh tính giả để tuyển dụng một nhân viên của của công ty GE Aviation nhằm mục đích giảng dạy và truyền đạt bí mật hàng không do nhà sản xuất hàng không Hoa Kỳ phát triển. FBI cho biết Ông Xu đã cố gắng có được các thông tin kỹ thuật bao gồm bí mật thương mại từ nhân viên của các công ty hàng không Hoa Kỳ và châu Âu. Ông Xu bị buộc tội che dấu danh tính cá nhân, nhằm tuyển dụng những người mà ông cho rằng có thể cung cấp cho Trung Cộng các bí mật thương mại.
Vào hôm thứ Tư (10/10), biện lý liên bang tại khu phía Nam Ohio cho biết ông Xu có ý định mời các nhân viên ông đã tuyển dụng đến Trung Cộng để trao đổi ý tưởng và sẽ trả tiền cho chuyến đi của họ. Hoa Kỳ cho rằng ông Xu đã có âm mưu thực hiện kế hoạch gián điệp kinh tế kể từ năm 2013.
Vào hôm thứ Tư (10/10), Ông Xu đã xuất hiện trong phiên tòa đầu tiên tại tòa án liên bang ở Cincinnati. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/mot-vien-chuc-tinh-bao-trung-cong-bi-buoc-toi-gian-diep-kinh-te-o-hoa-ky/
Chip gián điệp của TQ tiếp tục được tìm thấy
trong máy chủ của một công ty viễn thông lớn của Mỹ
Phát hiện này cho thấy Trung Quốc vẫn rất “nỗ lực” trong việc cài cắm chip theo dõi vào thành phần quan trọng trong máy tính của các công ty Mỹ.
Một công ty viễn thông lớn của Mỹ đã phát hiện ra phần cứng đã bị thay đổi – được sản xuất bởi Super Micro Computer và đã bị loại bỏ từ tháng 8, đây là bằng chứng mới về việc Trung Quốc cài chip theo dõi vào thiết bị công nghệ của các công ty Mỹ, theo một chuyên gia về bảo mật làm việc tại công ty viễn thông.
Chuyên gia bảo mật, Yossi Appleboum, đã cung cấp tài liệu, các phân tích và bằng chứng khác về việc phát hiện ra vụ việc sau bản báo cáo điều tra của Bloomberg được công bố mới đây.
Appleboum cho biết, những sự tương tác bất thường từ một máy chủ của Supermicro và một cuộc kiểm tra vật lý sau đó cho thấy đã có một bộ phận được cấy ghép vào đầu nối Ethernet của máy chủ, bộ phận được sử dụng để gắn dây cáp vào máy tính.
Ông nói thêm, ông cũng thấy những thao tác tương tự của nhà thầu Trung Quốc đối với phần cứng máy tính của các nhà cung cấp khác nhau, chứ không chỉ có sản phẩm của Supermicro. Ông nói: “Supermicro chỉ là nạn nhân, các công ty khác cũng vậy.”
Những động thái lần này khác với những gì được mô tả trong bản báo cáo của Bloomberg vào tuần trước, nhưng những vẫn giống nhau về đặc điểm chính.
Cả hai đều được thiết kế để cung cấp cho các hacker quyền truy cập vào dữ liệu mạng máy tính được cài đặt trên máy chủ mà không bị phát hiện, và sự thay đổi trong thiết kế cũng được thực hiện tại nhà máy nơi sản xuất các bo mạch chủ – một nhà thầu phụ của Supermicro ở Trung Quốc.
Dựa trên quá trình kiểm tra, Appleboum khẳng định rằng máy chủ của công ty viễn thông này đã bị thay đổi tại nơi sản xuất. Ông cho biết ông đã được thông báo về việc này bởi cơ quan tình báo rằng thiết bị này được sản xuất tại một nhà thầu phụ có nhà máy tại Quảng Châu, Trung Quốc.
Phần cứng bị thay đổi này được tìm thấy tại một cơ sở chứa số lượng lớn các máy chủ của Supermicro, và các kỹ thuật viên của công ty viễn không này không thể trả lời câu hỏi rằng loại dữ liệu nào mà máy sử dụng đang bị “nhiễm độc”. Sự việc sẽ rõ ràng hơn nếu công ty này trình báo với FBI.
AT&T phủ nhận mọi liên quan đến vụ việc, còn T-Mobile hiện tại từ chối bình luận.
Mạng truyền thông của Mỹ là mục tiêu quan trọng của các cơ quan tình báo nước ngoài, bởi dữ liệu của hàng triệu điện thoại di động, máy tính và các thiết bị khác đều được truyền qua hệ thống này.
Cài cắm vào phần cứng là công cụ quan trọng được sử dụng để mở ra “lối vào” vô hình, thực hiện mục đích theo dõi và tìm kiếm tài sản trí tuệ của công ty hoặc bí mật của chính phủ.
Thực ra, những thao tác tương tự đối với đầu nối Ethernet đã từng được Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ sử dụng, chi tiết về vụ việc này bị rò rỉ vào năm 2013. Việc thay đổi phần cứng là cực kỳ khó phát hiện, đó là lý do tại sao các cơ quan tình báo lại đầu tư hàng tỷ USD để thực hiện.
Dựa vào vụ Edward Snowden, rõ ràng rằng Mỹ cũng phát triển những chương trình tương tự, cài cắm công nghệ vào các nước khác để theo dõi. Nhưng Trung Quốc lại đang tạo ra một “phiên bản” theo dõi của riêng mình, tận dụng lợi thế của việc là một quốc gia sản xuất công nghệ toàn cầu.
Theo 3 chuyên gia bảo mật, Sepio – công ty của Appleboum phát hiện ra việc cài cắm này trong bộ phận âm thanh.
Một trong số ít cách để phát hiện ra sự đáng ngờ trong phần cứng là xem xét mức lưu lượng truy cập mạng thấp nhất, không chỉ bao gồm truyền dẫn mạng bình thường, mà còn tín hiệu analog, ví dụ như lượng tiêu thụ điện năng – có thể chỉ ra sự “có mặt” của một bộ phận bí mật được cấy ghép trong phần cứng.
Đối với trường hợp của công ty viễn thông này, công nghệ của Sepio phát hiện ra rằng máy chủ bị cài cắm chip của Supermicro đã xuất hiện trên mạng lưới dưới dạng 2 thiết bị gộp 1.
Máy chủ hợp pháp tương tác bằng một cách và phần cấy ghép là một cách khác, nhưng tất cả lưu lượng truy cập dường như lại đến từ một máy chủ hợp pháp, điều này cho phép nó đi qua bộ lọc bảo mật.
Các chuyên gia an ninh quốc gia cho biết một vấn đề cực kỳ quan trọng đó là, trong một ngành công nghiệp an ninh mạng đạt gần 100 tỷ USD doanh thu mỗi năm thì có rất ít trong số đó được sử dụng để kiểm tra phần cứng có bị thay đổi hay không. Điều này giúp các cơ quan tình báo trên toàn thế giới có thể làm việc không ngừng nghỉ, và Trung Quốc đang nắm giữ lợi thế.
Sau khi bản báo cáo của Bloomberg được công bố, Supermirco đã “phản đối mạnh mẽ”. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không đưa ra bình luận về vụ việc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trực tiếp giải đáp những câu hỏi về việc này, chỉ nói rằng an ninh chuỗi cung ứng là “một vấn đề quan ngại chung và Trung Quốc cũng là một nạn nhân.”
Donald Trump tới tấp ra đòn,
Mỹ – Trung kéo nhau vào Chiến Tranh Lạnh mới
Theo AsiaTimes, Mỹ và Trung Quốc đang có sự leo thang căng thẳng chưa từng có. Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa lên tiếng cáo buộc Trung Quốc đang cố để can thiệp vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra tại Mỹ với một chiến dịch có hệ thống để hủy hoại uy tín của chính quyền trong những khu vực cử tri then chốt.
Mỹ đang siết chặt nền kinh tế Trung Quốc thông qua việc leo thang chiến tranh thương mại và đồng thời đẩy mạnh những nỗ lực quân sự để thách thức chiến lược tham vọng của Trung Quốc trên những khu vực đang tranh chấp trên Biển Đông.
Những lệnh trừng phạt ăn miếng trả miếng trên những mặt trận kinh tế và chiến lược đã khởi đầu cho những gì các nhà phân tích coi là một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới mà Mỹ thực hiện để chống lại Trung Quốc – Một cuộc cạnh tranh có thể leo thang nguy hiểm thành xung đột vũ trang trên biển.
Ông Donald Trump mới đưa cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh lên một nấc thang mới khi áp thuế lên 200 tỷ USD sản phẩm hàng hóa Trung Quốc. Trước đó vào hồi đầu năm Mỹ đã áp thuế lên 50 tỷ USD các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ cũng đe dọa sẽ tiếp tục áp thuế lên khoản hàng Trung Quốc nhập khẩu trị giá 267 tỷ USD nếu Bắc Kinh không giải quyết được những e ngại xung quanh vấn đề mà chính quyền Mỹ coi là sự lợi dụng và thực hiện những chính sách thương mại không công bằng của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng lập tức trả đũa bằng cách áp thuế lên 60 tỷ USD hàng hóa nhập từ Mỹ, trong khi dừng vô thời hạn những đàm phán thương mại nhằm giải quyết tranh chấp.
Có vẻ Trung Quốc coi mối quan hệ căng thẳng với Mỹ là một cuộc tranh chấp đã tồn tại từ trước, với cuộc chiến thương mại đang tiến hành là chiến lược ngăn chặn rộng hơn của Washington, đang trở nên dữ dội hơn qua các hoạt động quân sự trên Biển Đông.
Vào ngày 30.9, một tàu khu trục của quân đội Trung Quốc đã áp sát tàu chiến Mỹ đang thực hiện chiến dịch tuần tra tự do hàng hải FONOP gần Đá Ga Ven và Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hải quân Mỹ cáo buộc Trung Quốc đã tiếp cận theo một cách “hành động không an toàn và thiếu chuyên nghiệp”. Tàu Trung Quốc đã tiến vào trong khoảng cách 40m so với mũi tàu USS Decatur và gần như đã gây nên xung đột hải quân nguy hiểm ở vùng biển này. Một quan chức Mỹ thông tin với Reuters rằng tàu khu trục đang đi trong phạm vi 12 hải lý cách các đá Ga Ven và Gạc Ma.
Đáp trả, Trung Quốc cáo buộc Mỹ vi phạm cái gọi là “chủ quyền và an ninh” và tố cáo việc Mỹ liên tục triển khai các tàu quân sự gần các đảo Trung Quốc [tuyên bố chủ quyền phi pháp] mà không có sự cho phép gây “tổn hại nghiêm trọng” tới quan hệ Mỹ – Trung.
Thời gian gần đây, Bắc Kinh đã quân sự hóa trái phép rất nhiều thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông, làm dấy lên mối quan ngại Trung Quốc đang nhắm tới việc lập nên vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trái phép trên tuyến đường hàng hải cốt yếu của thế giới.
Trên bầu trời, Mỹ cũng chống lại những tuyên bố phi lý của Trung Quốc thông qua việc gần đây đã điều các máy bay ném bom chiến lược B-52 tiến hành “sự hiện diện máy bay ném bom không ngừng” trên Biển Đông – một chính sách bị Trung Quốc đánh giá là “khiêu khích”.
Cùng lúc, Washington đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với các đối tác trong khu vực bao gồm Nhật, Úc, Anh quốc. Hàn Quốc cũng có thể tham gia liên minh này. Vào giữa tháng 9, tàu khu trục Munmu the Great đã áp sát quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam [mà Trung Quốc đã chiếm đóng phi pháp từ những năm 1970] để tránh cơn bão Mangkhut. Bắc Kinh đã ngay lập tức khiển trách về mặt ngoại giao, nói rằng sự hiện diện của con tàu đã vi phạm luật Trung Quốc.
Chính quyền của tổng thống Trump cũng đã thông qua hợp đồng mua bán vũ khí trị giá 1,3 tỷ USD với Đài Loan. Việc tăng sự hỗ trợ về quốc phòng với Đài Bắc là thách thức trực tiếp với những nỗ lực đang tăng lên của Bắc Kinh nhằm ép buộc Đài Loan phải “tái thống nhất”.
Gần đây, trong chuyến viếng thăm Manila, Đô đốc Hải quân Philip Davidson – tư lệnh của Bộ Chỉ huy Ấn Độ – Thái Bình Dương đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới với Philippines. Trong đó, về cơ bản sẽ tăng cường các cuộc tập trận chung, bao gồm cả lĩnh vực an ninh hàng hải, hai bên đang đưa các số lượng các cuộc tập trận thường niên từ 261 lên 281.
Các quan chức không cung cấp thông tin chi tiết về 20 cuộc tập trận được tăng thêm nhưng chúng được hy vọng sẽ tập trung vào hoạt động chống chủ nghĩa khủng bố cũng như các chiến dịch an ninh hàng hải. Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Philippines, tướng Galvez hoan nghênh sự hợp tác sâu hơn trong lĩnh vực an ninh: “Chúng tôi sẽ đã thực hiện điều này qua nhiều năm và vẫn còn rất nhiều điều phải học hỏi”.
Mối quan hệ song phương về quốc phòng đang được tăng cường dù tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bị xem là có khuynh hướng ngoại giao nghiêng về phía Trung Quốc và thường chỉ trích Mỹ và các đồng minh phương Tây truyền thống.
Điều này phản ánh ảnh hưởng lâu dài của Washington tại Philippines, đặc biệt trong hàng ngũ tướng lĩnh quân sự có quyền lực lớn vẫn đang duy trì sự độc lập so với chính sách được ưu tiên của tổng thống Philippines. Hơn nữa, việc âm thầm khôi phục quan hệ hợp tác quốc phòng song phương cho thấy Manila đã tăng sự quan ngại về sự hiện diện của Trung Quốc tại những vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền.
Trong trạng thái hoàn toàn đối lập, các mối quan hệ chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đang bước vào giai đoạn đương đầu nguy hiểm, với các kênh ngoại giao song phương rạn nứt và xung đột. Cuộc họp dự kiến vào tháng 10 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cùng người đồng cấp Trung Quốc là tướng Ngụy Phượng Hòa đã bị hủy bỏ giữa những căng thẳng đang gia tăng.
Trước đó, Trung Quốc đã hủy bỏ cuộc họp giữa Phó Đô đốc Hải quân Trần Kim Long và người đồng cấp Mỹ tại Newport, Rhode Island. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa dự kiến có lịch trình tới thăm Mỹ vào cuối năm nay nhưng Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuần trước đã thông tin chuyến viếng thăm có thể sẽ bị hủy bỏ.
Những căng thẳng song phương đã thâm nhập sâu vào trái tim của nền chính trị Mỹ khi ông Trump cáo buộc Trung Quốc trực tiếp can thiệp vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra tại Mỹ. Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong cuộc họp gần đây, ông Trump đã cáo buộc Bắc Kinh “cố can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng tôi và chúng tôi sẽ không để điều đó xảy ra”.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thẳng thừng phủ nhận những cáo buộc của ông Trump, lặp lại rằng Trung Quốc “sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của bất kỳ nước nào”, và “phủ nhận mọi cáo buộc vô lý chống lại Trung Quốc”.
Trong một bài bình luận cá nhân ngắn đăng trên báo Des Moines Register của bang Iowa, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad đã chỉ trích Bắc Kinh “đặt cược vào việc hăm dọa [cử tri Mỹ] bằng cách chạy những quảng cáo tuyên truyền trên báo chí tự do của chúng ta”.
Bình luận mang tính phê phán của ông đến sau một vụ om sòm được tạo ra bởi quảng cáo do chính phủ Trung Quốc trả tiền xuất hiện trên cùng tờ báo – cảnh báo nông dân Iowa về hậu quả của những cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Washington cáo buộc Trung Quốc thực hiện một chiến dịch có hệ thống để gây mất uy tín cho chính quyền của ông Trump trong những khu vực cử tri then chốt. Đặc biệt là các cộng đồng nông dân ở nông thôn nơi đang chịu thiệt hại vì sụt giảm xuất khẩu sang Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra.
Nếu không được kiềm chế, những căng thẳng leo thang giữa hai siêu cường sẽ phá hủy mạnh mẽ liên kết thương mại khu vực trong khi làm gia tăng rủi ro xung đột vũ trang trên Biển Đông và có thể là tại cả các khu vực khác, AsiaTimes cảnh báo.
Chuyến thăm TQ của Ngoại trưởng Mỹ:
Băng giá, tranh cãi, bất đồng sâu sắc
Hôm 8.10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tới Bắc Kinh, chặng cuối cùng trong cuộc công du 4 nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc và Trung Quốc). Chuyến đi Trung Quốc này của ông không hề vui vẻ, chẳng những không được Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp kiến mà cuộc gặp gỡ, hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cũng diễn ra không trong không khí lạnh giá và căng thẳng.
Chuyến thăm ngắn gọn chỉ 3 giờ đồng hồ của ông Mike Pompeo diễn ra đúng lúc quan hệ Trung – Mỹ đang rất căng thẳng. Ông chỉ tiến hành hội đàm với người đồng nhiệm Vương Nghị và tổ chức một cuộc họp báo chung.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8.10 ra tuyên bố cho biết, ông Vương Nghị phát biểu: “Thời gian gần đây, phía Mỹ ngoài việc không ngừng leo thang trong xung đột thương mại với Trung Quốc, đồng thời còn có một loạt hành vi gây tổn hại quyền lợi của Trung Quốc trong các vấn đề như Đài Loan và vô cớ chỉ trích chính sách đối nội, đối ngoại của Trung Quốc. Những cách làm đó đã trực tiếp đánh vào sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai bên, gây nên bóng mây phủ lên tương lai quan hệ Trung – Mỹ và cũng hoàn toàn không phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước. Trung Quốc yêu cầu phía Mỹ lập tức chấm dứt những lời nói và hành động sai trái”.
Đài CNBC của Mỹ đưa tin: tuy sự trao đổi giữa Mike Pompeo và Vương Nghị hàm chứa những lời lẽ ngoại giao khách sáo điển hình, hai người đều nhấn mạnh tính cần thiết của việc hợp tác, nhưng những lời lẽ của họ với giới báo chí trước khi bắt đầu hội đàm tại nhà khách Điếu Ngư Đài lại bộc lộ sự gay gắt khác thường.
Hai ông Mike Pompeo và Vương Nghị còn công khai tranh cãi, bất đồng về vấn đề bên nào đã hủy bỏ cuộc Đối thoại Trung – Mỹ về ngoại giao và an ninh vốn dự tính được diễn ra trong tháng 10 tại Bắc Kinh; ông Mike Pompeo cũng không được ông Tập Cận Bình tiếp. Trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 6, Mike Pompeo đã chúc mừng sinh nhật của ông Tập. Nhận xét về việc này, ông Daniel Russel – quan chức phụ trách vấn đề châu Á dưới thời Tổng thống Obama nói: “Ngoại trưởng Mỹ đến thăm không được chủ tịch nhà nước Trung Quốc tiếp, lại còn bị nước chủ nhà chỉ trích là tình hình rất không bình thường”.
Tờ SCMP cũng viết, cuộc trao đổi giữa hai ông Mike Pompeo và Vương Nghị diễn ra trong không khí băng giá. Ông Mike Pompeo nói thẳng: “Hai nước có bất đồng mang tính căn bản về vấn đề mậu dịch giữa hai nước và chính sách đối nội đối ngoại của Trung Quốc. Báo này cũng nói, ngữ khí của hai người khi đối thoại “rất nghiêm khắc”.
Trang tin Đa Chiều tường thuật lại: trước khi vào hội đàm, ông Mike Pompeo từ xa đã lên tiếng chào người đồng nghiệp Vương Nghị đang đứng chờ bằng cách nở nụ cười và nói “Hello”. Nào ngờ, ông Vương Nghị không đáp lại mà còn nhăn mặt. Báo này nhận xét “ngôn ngữ cơ thể của ông Vương Nghị rất lạnh giá”. Bước vào hội đàm, ông Vương Nghị liền phủ đầu đối phương bằng hàng loạt lời lẽ chỉ trích nặng nề…
Tờ “The New York Times” ngày 8.10 cũng viết, ông Vương Nghị đã sử dụng những lời lẽ “gay gắt khác thường” đối với ông Mike Pompeo, chỉ trích Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, gây nguy hại đến lợi ích của Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan. Ông Mike Pompeo cũng đáp trả một cách gay gắt
không kém, nói hai nước “tồn tại bất đồng có tính căn bản” trong rất nhiều vấn đề. Báo này nhận xét, kiểu đối đầu gay gắt như thế không nên tồn tại trong lễ nghi ngoại giao.
VOA ngày 8.10 cho biết, ông Victor Cha, Giáo sư Đại học George Town, cựu Chủ nhiệm Ủy ban sự vụ châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng nói: “Tôi cho rằng, sự giận dữ mà Vương Nghị bộc lộ chứng tỏ, người Trung Quốc cảm thấy rất bất an về cuộc chiến tranh thương mại. Họ luôn cho rằng Mỹ sẽ ngừng tay. Nhưng rõ ràng đó không phải là điều Mỹ đang làm”. Ông dự đoán quan hệ Mỹ – Trung đang đi vào “quỹ đạo có tính đối kháng rất mạnh”, chí ít kéo dài đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vào tháng 11 tới, cũng có thể lâu hơn nữa…
Tờ “The New York Times” ngày 8.10 cũng cho rằng, việc ông Tập Cận Bình từ chối tiếp ông Mike Pompeo được hiểu là tín hiệu cho thấy Trung Quốc thể hiện sự bất bình mạnh mẽ đối với Mỹ.
The Epoch Times ngày 8.10 viết, Vương Nghị tiến hành chỉ trích Mỹ trên nhiều mặt. Ông coi các mâu thuẫn va chạm mậu dịch, lòng tin hai bên bị phá vỡ, vấn đề Đài Loan… đều do phía Mỹ gây ra và yêu cầu “Mỹ cần chấm dứt những lời lẽ và hành động sai trái”. Ông Mike Pompeo đáp lại: “Đối với những vấn đề ông vừa nêu, giữa chúng ta tồn tại bất đồng có tính căn bản”.
Ngoại trưởng Mỹ cũng nói thêm: “Chúng tôi bày tỏ quan tâm lớn đến những hành động của phía Trung Quốc. Tôi chờ đợi hôm nay có cơ hội thảo luận những hành động đó, vì nó liên quan vô cùng hệ thọng tới mối quan hệ Mỹ – Trung”.
Tại cuộc họp báo, ông Mike Pompeo đã công khai phê phán việc Bắc Kinh mới đây hủy bỏ cuộc đối thoại về an ninh của Bộ trưởng Quốc phòng hai nước. Ông nói, cuộc đối thoại này là “cơ hội quan trọng” để hai bên tiến hành thảo luận, nhưng Trung Quốc đã lựa chọn cách không tiến hành đối thoại chiến lược Mỹ – Trung. Vương Nghị lập tức đáp lại, cho rằng chính phía Mỹ đã hủy bỏ nó.
Được biết, tối 30.9 một quan chức cao cấp Lầu Năm Góc cho biết, do có sự thay đổi vào phút chót của phía Trung Quốc, họ nói Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa không thể tham gia hội nghị với Bộ trưởng James Mattis được nên ông Mattis không tới Trung Quốc nữa, cuộc đối thoại chiến lược giữa hai nước năm nay bị hủy bỏ.
Ông Mike Pompeo cũng giới thiệu tình hình hội đàm giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và nói, không nên để sự bất đồng giữa hai nước Mỹ – Trung ảnh hưởng đến vấn đề Triều Tiên.
Giới quan sát quốc tế nhận xét, trong chuyến thăm Bắc Kinh lần này, ông Mike Pompeo muốn chuyển tới lãnh đạo Trung Quốc hai tín hiệu quan trọng: Mỹ không phản đối Trung Quốc phát triển và mong Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy tiến hình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Về vấn đề thứ nhất, trong khi hội đàm, ông Mike Pompeo đã bày tỏ: mặc dù hai nước Mỹ, Trung bất đồng căn bản trên nhiều vấn đề, nhưng Mỹ không phản đối Trung Quốc phát triển, không có ý bao vây ngăn chặn Trung Quốc và cũng không có chính sách kiềm chế Trung Quốc toàn diện.
Vấn đề thứ hai, Mỹ hy vọng Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Khi hội đàm, ông Mike Pompeo đã ca ngợi lập trường nhất quán của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên và đã có nỗ lực quan trọng trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo.
Tuy nhiên, ngày 9.10, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã tiết lộ một thông tin quan trọng. Theo The Wall Street Journal, ông Moon Jae In dự đoán nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ nhanh chóng gặp gỡ các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga, rất có thể trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Trump – Kim lần thứ 2, Triều Tiên sẽ chuyển hướng sang hai “bạn cũ”. Ông Moon Jae In nói: “trật tự mới của bán đảo đang được xác lập”.
Khi thăm Hàn Quốc và hội đàm với Tổng thống Moon Jae In, ông Mike Pompeo nói cuộc hội đàm giữa ông và nhà lãnh đạo Kim Jong Un về phi hạt nhân hóa bán đảo “rất có tính xây dựng”, rằng “tiến trình phi hạt nhân hóa đã tiến thêm một bước”. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc ông Mike Pompeo ca ngợi lập trường của Trung Quốc về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên chính là ngầm nhắc nhở Trung Quốc không nên tiếp tục chơi trò “lá mặt lá trái”, hoặc “không nên cản trở tiến trình phi hạt nhân hóa”.
Theo báo chí Triều Tiên, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui, người tham gia đàn phán về vấn đề hạt nhân với Mỹ mấy hôm nay đã xuất hiện tại Bắc Kinh, có thể chuẩn bị cho chuyến đi thăm Bắc Kinh sắp tới của ông Kim Jong Un . “The Wall Street Journal” phân tích, bà Choe có thể sẽ tới Moscow để sắp xếp một cuộc gặp gỡ giữa hai ông Kim Jong Un và Vladimir Putin.
Điều này có nghĩa là Triều Tiên có thể đang một mặt ứng phó với Mỹ, mặt khác lại muốn tiếp cận Nga, Trung. “The Wall Street Journal” cho rằng, ông Kim Jong Un chuẩn bị tìm kiếm sự ủng hộ của nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc để kiềm chế Mỹ, đổi lấy sự tiến triển của quá trình tháo dỡ thiết bị hạt nhân…
Có thể ông Donald Trump đã nhìn ra thực chất vấn đề, cùng với việc trừng phạt thuế quan Trung Quốc, gây sức ép với Triều Tiên, lại đồng thời bày tỏ thiện chí với họ nhằm cho Triều Tiên thấy họ cần nhìn rõ tình thế hiện nay…
Tờ “The Wall Street Journal” ngày 8.10 đã bày tỏ bi quan khi cho rằng: giữa hai ông Mike Pompeo và Vương Nghị phát sinh xung đột công khai hiếm thấy đánh dấu việc quan hệ Trung – Mỹ ngày càng xấu thêm, có thể sẽ dẫn đến cục diện phức tạp trong cuộc hội đàm Trump – Kim lần 2 tới đây.
Giữa căng thẳng thương mại, Trump-Tập tính gặp nhau
Tòa Bạch Ốc đang lên kế hoạch cho cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo nhóm G20 ở Buenos Aires, Argentina, vào cuối tháng 11. Reuters ngày 11/10 dẫn nguồn tin từ Wall Street Journal cho hay cuộc gặp nhằm tìm ra hướng giải quyết cho chiến tranh thương mại đang gây rúng động thị trường và phá hoại mối quan hệ song phương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ-Trung.
Chính quyền của Tổng thốngTrump gần đây đã thông báo với Bắc Kinh về quyết định xúc tiến cuộc họp thượng đỉnh, trong khi Trung Quốc kỳ vọng cuộc gặp này có thể mở ra cơ hội để hai bên xoa dịu căng thẳng thương mại đang leo thang.
Kể từ tháng 8, các chuyên gia đàm phán của cả hai phía Mỹ – Trung bắt đầu tìm cách lên kế hoạch các cuộc đàm phán để mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, bế tắc gần đây khiến người ta lo ngại kế hoạch này sẽ không trở thành hiện thực. Cuối tháng rồi, sau khi Washington tuyên bố áp thuế nhập khẩu lên lượng hàng hóa trị giá 200 tỉ đô la của Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã huỷ bỏ các cuộc đàm phán thương mại và trả đũa bằng việc đánh thuế lên 60 tỉ đô la hàng hóa của Mỹ.
Kế hoạch cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới thể hiện nỗ lực của cả hai phía nhằm ngăn không cho căng thẳng thương mại gây tổn hại thêm cho quan hệ hai nước hoặc làm chao đảo thêm thị trường toàn cầu.
Quan hệ song phương Mỹ – Trung hiện cũng đang gặp nhiều vấn đề trên các lĩnh vực khác. Không chỉ đàm phán thương mại đình đốn, các cuộc đàm phán quân sự giữa hai siêu cường cũng ngưng trệ trong khi cả hai phía đổ lỗi cho nhau về vụ “tiếp cận thiếu an toàn” giữa tàu chiến hai nước trên Biển Đông.
Cho tới thời điểm này, chiến lược của Bắc Kinh vẫn đang là đáp trả mạnh mẽ những đòn tấn công thương mại của chính quyền Trump. Tuy nhiên, lượng hàng Trung Quốc nhập từ Mỹ ít hơn nhiều so với chiều ngược lại, (dưới 130 tỉ đô la hồi năm ngoái) nên Bắc Kinh không có nhiều hàng Mỹ để áp thuế trừng phạt. Trong trường hợp Bắc Kinh chĩa mũi dùi vào các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc, theo cách một số quan chức nước này đề nghị, thì rất có thể sẽ tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh, khiến nguồn vốn FDI chảy ra khỏi thị trường đông dân nhất thế giới này trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại.
Đó chính là lý do vì sao Chủ tịch Tập Cận Bình cũng yêu cầu thuộc cấp của mình tiếp tục giao tiếp với Washington và các doanh nghiệp Mỹ, theo thông tin từ các quan chức chính phủ Trung Quốc được Wall Street Journal thuật lại.
(Theo Reuters/WSJ)
https://www.voatiengviet.com/a/giua-cang-thang-thuong-mai-trump-tap-tinh-gap-nhau/4609930.html
Đức Giáo Hoàng chấp nhận
cho Tổng Giám mục Washington từ chức
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chấp nhận cho Hồng y Donald Wuerl, Tổng Giám mục thủ đô Washington, Hoa Kỳ, từ chức, Reuters dẫn nguồn tin Vatican cho biết hôm 12/10. Sự kiện này khiến Hồng y Donald Wuerl trở thành một trong những lãnh đạo Công giáo cao cấp nhất từ chức trong cuộc khủng hoảng lạm dục tình dục trên toàn cầu.
Hồng y Wuerl, 77 tuổi, là Giám mục Pittsburgh từ năm 1988 đến năm 2006. Ông đã bị xem xét về việc xử lý các vụ lạm dụng tình dục trong thời gian tại nhiệm ở đây. Nhưng ông vẫn được giữ danh hiệu hồng y.
Trong một bức thư được công bố ở Washington, Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định ông đã chấp nhận việc từ chức một cách miễn cưỡng và vì sự quả quyết của Hồng y Wuerl. Ông yêu cầu Hồng y Wuerl tiếp tục quản trị giáo phận cho đến khi có một tổng giám mục khác được bổ nhiệm.
Hồng y Wuerl đã bị chỉ trích kể từ khi báo cáo của một bồi thẩm đoàn Hoa Kỳ được công bố hồi tháng Tám về tình trạng lạm dụng tình dục, trong đó nói rằng đã phát hiện chứng cứ có ít nhất 1.000 người, chủ yếu là trẻ em, đã bị lạm dụng tình dục bởi khoảng 300 giáo sĩ trong suốt 70 năm. Bản báo cáo bao gồm 6 giáo phận ở Pennsylvania, kể cả Pittsburgh trong thời gian giáo phận này do Hồng y Wuerl giám quản.
Ông cũng bị cáo buộc có biết về hành vi tình dục sai trái của người tiền nhiệm ở Washington, cựu Hồng y Theodore McCarrick.
Hồng y Wuerl đã lên tiếng bảo vệ cho toàn bộ quá trình làm việc của ông ở Pittsburgh. Ông cũng phủ nhận có biết việc ông McCarrick đã buộc các chủng sinh nam thành niên phải quan hệ tình dục với ông cách đây nhiều năm. Ông McCarrick từng là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của Giáo hội Hoa Kỳ.
Vào tháng 7, ông McCarrick trở thành hồng y đầu tiên trong khoảng 100 năm bị tước chiếc mũ đỏ và danh hiệu “Đức Hồng y”.
Giáo hoàng Phanxicô đã ra lệnh cho ông McCarrick nghỉ hưu sống đời cầu nguyện và ăn năn sau khi các giới chức Giáo hội Mỹ nói một phần của cuộc điều tra riêng biệt cho rằng ông McCarrick đã lạm dụng tình dục một cậu bé 16 tuổi cách đây gần 50 năm là đáng tin cậy và có thể chứng minh được.
Vụ mất tích bí ẩn của nhà báo Saudi, VOA lên tiếng
Cộng đồng quốc tế tiếp tục tăng sức ép với Ả Rập Xê-út, đồng minh thân cận của Mỹ, về sự mất tích của nhà báo Khashoggi, người hay chỉ trích các chính sách của chính phủ nước ông. Hôm 2/10 nhà báo Khashoggi vào lãnh sự quán Ả Rập Xê-út ở Istanbul để làm thủ tục kết hôn và biệt tăm từ đó.
Hôn thê của ông, cô Hatice Cengiz, một công dân Thổ Nhĩ Kỳ, chờ ông ở bên ngoài tòa lãnh sự, nhưng không thấy ông trở ra.
Trong vòng một năm nay, nhà báo Khashoggi sống lưu vong tại Hoa Kỳ sau chiến dịch đàn áp nhắm vào giới bất đồng chính kiến do chính quyền của Quốc Vương Salman phát động.
Các nguồn tin từ Thổ Nhĩ Kỳ nói họ tin rằng ông Khashoggi đã bị giết bên trong sứ quán, và xác của ông đã được tuồn ra ngoài, nhưng chính quyền Ả Rập Xê-út ở Riyadh bác bỏ những cáo buộc đó là ‘hoàn toàn vô căn cứ.’
Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận đề xuất của Saudi để thành lập một nhóm công tác để điều tra vụ việc.
Các quan chức Mỹ, kể cả Jared Kushner, cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump và là con rể của ông Trump, đã thảo luận với Đông Cung Thái tử Saudi Mohammed bin Salman, về vụ mất tích của ông Khashoggi. Ông Kushner và Thái Tử bin Salman có quan hệ thân thiết từ khi ông Trump lên nhậm chức.
Ông Trump đã chọn Saudi làm điểm dừng chân trong chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài của ông trong cương vị Tổng thống Mỹ vào tháng 5 năm 2017, nhưng trong những tuần gần đây quan hệ hai bên đã trở nên căng thẳng hơn, sau khi ông Trump phàn nàn trực tiếp với Quốc Vương Salman về gánh nặng tài chánh của Mỹ khi phải hỗ trợ cho quân đội Saudi, và than phiền về những đợt tăng giá dầu của OPEC, Tổ chức các Nước Xuất Khẩu Dầu.
Quan hệ Mỹ-Saudi cũng gặp thách thức về vụ mất tích của nhà báo Khashoggi trong khi quốc hội tăng sức ép với chính phủ Mỹ về vụ mất tích của nhà báo.
Một nhóm nghị sĩ Mỹ thuộc lưỡng đảng hôm thứ Tư đòi tiến hành một cuộc điều tra riêng về sự mất tích của nhà báo, dựa trên luật nhân quyền.
Hôm 10/10 Giám đốc điều hành của cơ quan chủ quản đài VOA, Cơ quan Hoa Kỳ về Truyền Thông Toàn Cầu (USAGM) John Lansing bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự mất tích của nhà báo Khashoggi, một cộng tác viên của báo The Washington Post. Ông Lansing nói ông cùng góp tiếng với truyền thông quốc tế và các giới chức chính phủ, các tổ chức bảo vệ nhân quyền, kêu gọi phải làm sáng tỏ vụ mất tích của nhà báo Khashoggi.
“Không một ai, nhất là các chính quyền, được phép bịt miệng các nhà báo. USAGM, như nhà báo Khashoggi, hiểu rằng một thế giới được thông tin đầy đủ là một thế giới an toàn hơn, và là một điều kiện tiên quyết cho một nền dân chủ”.
Ông John Lansing, CEO của USAGM, cơ quan chủ quản đài VOA
CEO của USAGM còn nói rằng các phóng viên trên khắp thế giới, kể cả các phóng viên làm việc dưới USAGM như Đài VOA, đài Âu Châu Tự do, Á Châu Tự do, Đài Phát thanh,Truyền hình Cuba, và Hệ thống phát thanh/phát hình Trung Đông, phải đối mặt hàng ngày với hiểm nguy, hoặc đối với kế sinh nhai của mình chỉ vì đã tường thuật sự thật.
Ông Lansing tuyên bố: “Không một ai, nhất là các chính quyền, được phép bịt miệng các nhà báo. USAGM, như nhà báo Khashoggi, hiểu rằng một thế giới được thông tin đầy đủ là một thế giới an toàn hơn, và là một điều kiện tiên quyết cho một nền dân chủ”.
Giám Đốc VOA Amanda Bennett cũng ra thông báo nói rằng:
“Chúng ta phải làm tất cả những gì trong khả năng để chận đứng làn sóng những sự đe dọa và áp bức đối với các nhà báo trên khắp thế giới. Sứ mạng của chúng ta lệ thuộc vào đó.”
https://www.voatiengviet.com/a/vu-mat-tich-bi-an-cua-nha-bao-saudi-voa-len-tieng/4609711.html
Trump: Sắp có đáp án
vụ nhà báo Khashoggi mất tích
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 11/10 nói nhà chức trách sắp khám phá được nguyên nhân nhà báo người Ả Rập Xê Út Jamal Khashoggi bị mất tích, trong khi các nhà điều tra Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị tiến vào lãnh sự quán Ả Rập Xê Út ở Istanbul, nơi ông Khashoggi được nhìn thấy lần cuối cùng.
“Tôi phải tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra … và có lẽ chúng tôi đang tiến gần hơn quý vị nghĩ,” ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “Fox & Friends” của đài truyền hình tin tức Fox News.
Áp lực toàn cầu đã gia tăng đối với Ả Rập Xê Út, một đồng minh thân cận của Mỹ, về việc ông Khashoggi mất tích. Là người nổi danh chỉ trích các chính sách của Ả Rập Xê Út, ông đã vào lãnh sự quán nước này vào ngày 2 tháng 10 để lấy giấy tờ cho đám cưới đã được lên kế hoạch. Hôn thê người Thổ Nhĩ Kì của ông, Hatice Cengiz, người lúc đó đang đợi bên ngoài, nói rằng ông không bao giờ quay trở ra nữa.
Các nguồn tin Thổ Nhĩ Kì cho biết họ tin rằng ông Khashoggi đã bị giết chết bên trong tòa lãnh sự và thi thể của ông đã được mang đi nơi khác. Riyadh bác bỏ các cáo buộc này là vô căn cứ.
Một nhóm các nhà điều tra đang chờ sự chấp thuận chung quyết để đi vào lãnh sự quán lục soát sau đề nghị ban đầu từ chính quyền Ả Rập Xê Út, một quan chức an ninh của Thổ Nhĩ Kì nói với Reuters. Không rõ khi nào thì việc này có thể xảy ra.
Sau đó trong ngày 11/10, Thổ Nhĩ Kì đã chấp nhận một đề xuất của Ả Rập Xê Út lập một nhóm công tác chung để điều tra vụ việc, phát ngôn viên Tổng thống Thổ Nhĩ Kì Ibrahim Kalin được hãng thông tấn Anadolu dẫn lời.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Trump nói Mỹ đang làm việc với Thổ Nhĩ Kì và Ả Rập Xê Út và rằng “Chúng tôi có các nhà điều tra ở đó.”
Nhưng ba nguồn tin trong giới chấp pháp của Mỹ nói vì ông Khashoggi không phải là công dân Mỹ và mất tích ở nước ngoài, nên FBI không có thẩm quyền tự động tham gia điều tra vụ án và chỉ có thể tham gia nếu được một chính phủ nước ngoài như Thổ Nhĩ Kì yêu cầu.
Các quan chức cấp cao của Mỹ, bao gồm con rể kiêm cố vấn cao cấp của ông Trump, Jared Kushner, đã nói chuyện với Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman về vụ ông Khashoggi mất tích. Ông Kushner và thái tử đã vun đắp một mối quan hệ thân thiết ngay sau khi ông Trump nhậm chức.
Ả Rập Xê Út được ông Trump chọn là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trong tư cách Tổng thống vào tháng 5 năm 2017. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây ông Trump dường như đã bớt thân thiện với Riyadh, phàn nàn trực tiếp với Quốc vương Salman về chi phí hỗ trợ của Mỹ cho quân đội Ả Rập Xê Út và giá dầu OPEC tăng cao.
Quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Xê Út đang bị thử thách thêm nữa vì vụ Khashoggi khi chính quyền chịu áp lực từ Quốc hội, nơi vốn đã có căng thẳng về vai trò của Riyadh trong cuộc chiến Yemen.
Một nhóm các thượng nghị sĩ Mỹ thuộc cả lưỡng đảng hôm 10/10 kích hoạt một cuộc điều tra của Mỹ về sự biến mất của ông Khashoggi bằng việc viện dẫn luật nhân quyền.
Nhưng ông Trump hôm 11/10 tỏ ý không muốn đưa ra hành động có thể gây nguy hại cho đầu tư của Ả Rập Xê Út tại Mỹ, đặc biệt là hàng tỉ đôla trong thỏa thuận quốc phòng.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nhấn mạnh rằng các chế tài đáng kể sẽ phải được áp đặt lên “tầng lớp cao nhất” của chính phủ Ả Rập Xê Út nếu kết luận rằng chính phủ này đứng đằng sau vụ giết người.
Gia tăng áp lực, ông Corker nói những thương vụ bán vũ khí cho Ả Rập Xê Út sẽ không được Quốc hội thông qua trong giai đoạn này.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-sap-co-dap-an-vu-nha-bao-khashoggi-mat-tich/4609916.html
Mỹ khó tuyển quân vì thanh niên quá béo
Lầu Năm Góc gặp khó khăn trong việc tuyển tân binh vì thanh niên Mỹ quá béo. Thậm chí, ngay cả với những quân nhân tại ngũ, ngày càng có nhiều người bị thừa cân, ảnh hưởng đến hiệu quả chiến đấu.
Khi trình bày bản báo cáo mới, mang tên « Sức khỏe xấu và chưa sẵn sàng », của nhóm Council for a strong America vào tuần này, tướng nghỉ hưu Samuel Ebbesen nhận xét: « Hiện gần 1/3 thanh niên Mỹ quá béo nên không thể phục vụ quân đội ». Hiện tượng này tác động chủ yếu các bang nghèo miền nam hơn là vùng đông bắc Mỹ giầu có.
Theo số liệu năm 2015 của Lầu Năm Góc, được AFP trích dẫn, 71% thanh niên Mỹ 17-24 tuổi đã không được tuyển vào quân đội vì các lý do thừa cân, thiếu trình độ học vấn, có tiền án tiền sự hoặc sử dụng ma túy.
Kết quả là lần đầu tiên kể từ năm 2005, lực lượng bộ binh Mỹ đã không tuyển được đủ số tân binh mong muốn cho năm 2018, ít hơn 6.500 người so với chỉ tiêu. Tướng Joe Galloway, giám đốc tuyển quân của bộ binh Mỹ phát biểu như trên với báo giới vào tháng Chín.
1,5 tỉ đô la cho chi phí y tế liên quan đến béo phì của quân nhân
Bản báo cáo của nhóm Council for a strong America cũng nhấn mạnh đến tình trạng quân nhân tại ngũ bị béo phì. Năm 2015, khoảng 7,8% trong số họ bị coi là thừa cân – con số này tăng 73% so với tỉ lệ trong báo cáo năm 2011.
Hàng năm, bộ Quốc Phòng Mỹ dành khoảng 1,5 tỉ đô la cho các chi phí liên quan đến tình trạng béo phì của quân nhân, cựu chiến binh và gia đình họ. Ngoài ra, hàng năm, bộ Quốc Phòng còn mất hơn 650.000 ngày lao động do các vấn đề liên quan đến béo phì.
Theo một nghiên cứu của bộ Quốc Phòng Mỹ từ tháng 01/2011 đến tháng 06/2016, được báo cáo « Sức khỏe xấu và chưa sẵn sàng » trích lại, số lần điều trị ở Irak và Afghanistan các ca gãy xương, bong gân nghiêm trọng hay những vết thương khác liên quan đến lối sống không lành mạnh còn cao hơn 72% so với các vụ sơ tán quân nhân bị thương ở chiến trường.
Lầu Năm Góc đã tăng cường tiêu chí thể lực đối với quân nhân tại ngũ. Còn bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis từng đe dọa giải ngũ những người không đạt những tiêu chí này.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181012-my-kho-tuyen-quan-vi-thanh-nien-qua-beo
Bầu cử tổng thống Mỹ 2020 :
Tỉ phú Bloomberg đối đầu với Trump?
Nhà tỉ phú, cựu thị trưởng New York, Michael Bloomberg, có thể sẽ ra tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2020 ? Những đồn đoán có vẻ đúng kể từ khi ông thông báo, vào ngày 10/10/2018, trên các mạng xã hội rằng ông đã đăng ký lại vào đảng Dân Chủ, sau khi rời đảng này vào năm 2001. Tuy nhiên, doanh nhân 76 tuổi này vẫn thận trọng, sẽ đưa ra quyết định cuối cùng sau kỳ bầu cử giữa kỳ diễn ra ngày 06/11.
Thông tín viên RFI Marie Bourreau tường trình từ New York :
« Sau nhà tỉ phú Donald Trump, thêm một người giàu có khác, cũng gốc gác New York, bắt đầu mơ đến Nhà Trắng. Michael Bloomberg từng do dự vào năm 2008, 2012 rồi 2016, nhưng lần này, kỳ bầu cử 2020 có thể là thời điểm tốt. Đặc biệt là doanh nhân người Mỹ vừa thông báo gia nhập lại đảng Dân Chủ. Ông rời đảng này vào năm 2001 để theo đảng Cộng Hòa rồi thành chính trị gia độc lập.
Ông giải thích trong tin nhắn trên mạng xã hội rằng « Hoa Kỳ cần đảng Dân Chủ vì đó là đảng duy nhất đóng vai trò là thành trì chống lại những người đang đe dọa Hiến Pháp của chúng ta ». Rõ ràng ông nhắm đến tổng thống Donald Trump và đảng Cộng Hòa.
Ngoài ra, tỉ phú Michael Bloomberg đã đầu tư 100 triệu đô la từ khối tài sản cá nhân để giúp đỡ đảng Dân Chủ chiếm lại đa số ở Thượng Viện và Hạ Viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới đây.
Giờ thì có lẽ ông đã sẵn sàng đích thân lao vào cuộc đua cá nhân và ra đối đầu với Donald Trump. Việc còn lại là phải thuyết phục được đảng Dân Chủ, nơi mà trào lưu bài tầng lớp tinh hoa, chống phố Wall có thể sẽ có ác cảm với sự ứng cử của nhà tỉ phú 76 tuổi ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181012-bau-cu-tong-thong-my-2020-ti-phu-bloomberg-doi-dau-voi-trump
Phương Tây, đi đầu là Mỹ,
lập liên minh tình báo chống Trung Quốc
Âm thầm nhưng kiên quyết, từ đầu năm 2018 đến nay, năm quốc gia trong nhóm Five Eyes (Năm con mắt) – mạng lưới chia sẻ tình báo hàng đầu thế giới hiện nay bao gồm Anh, Mỹ, Canada, Úc và New Zealand – đã gia tăng trao đổi thông tin mật với nhiều nước cùng chí hướng về hoạt động đối ngoại của Trung Quốc.
Thông tin này vừa được hãng tin Anh Reuters tiết lộ hôm 12/10/2018, dựa theo bảy quan chức cao cấp thuộc bốn thủ đô khác nhau.
Nhiều quan chức xin ẩn danh do tính chất nhạy cảm của thông tin được tiết lộ, đã cho rằng đà tăng cường hợp tác giữa các nước có liên quan đã lên đến mức mà người ta có thể nói rằng hoạt động của Nhóm Five Eyes đã mặc nhiên được mở rộng trên vấn đề cụ thể là các hành vi can thiệp của nước ngoài, mà trước tiên hết là của Trung Quốc.
Một quan chức Mỹ đã xác nhận với Reuters rằng : « Các cuộc tham vấn với các đồng minh của chúng tôi, với các đối tác cùng chí hướng với chúng tôi, về cách ứng phó với chiến lược quốc tế quyết đoán của Trung Quốc đã trở nên thường xuyên và ngày càng phát triển ».
Hợp tác ngày càng tăng với Đức, Nhật, Pháp…
Đối với quan chức này thì « Những cuộc thảo luận thoạt đầu chỉ mang tính chất chuyên biệt giờ đây đã trở thành những buổi tham khảo ý kiến lẫn nhau một cách chi tiết hơn về cách thức hành động và cơ hội tiếp tục đẩy manh hợp tác. »
Theo Reuters, hợp tác ngày càng tăng giữa 5 thành viên nhóm Five Eyes, với những nước như Đức, Nhật Bản, và cả Pháp trong một số trường hợp, cho thấy sự mở rộng của một mặt trận quốc tế chống lại các chiến dịch tăng cường ảnh hưởng và đầu tư của Trung Quốc.
Trong thời gian qua, trước những phản ứng càng lúc càng mạnh từ phía Washington, Canberra và nhiều thủ đô khác, Bắc Kinh đã gay gắt bác bỏ các cáo buộc cho rằng Trung Quốc đang tìm cách tác động đến các chính phủ nước ngoài, và các khoản đầu tư hải ngoại của Bắc Kinh đều nhằm ý đồ chính trị.
Theo thẩm định của Reuters, việc mạng lưới Five Eyes tăng cường phối hợp hành động đã nêu bật vai trò của Mỹ. Bất chấp những tín hiệu từ tổng thống Mỹ Donald Trump theo đó ông đã sẵn sàng đơn thương độc mã đối đầu với Trung Quốc, các thành viên trong chính quyền của ông đang nỗ lực làm việc để hình thành một liên minh không chính thức để chống lại Bắc Kinh.
Bắc Kinh thất bại trong việc lôi kéo châu Âu bỏ Mỹ theo Tầu
Đối với Trung Quốc thì đó là một vố đau, xóa tan hy vọng của Bắc Kinh về việc thuyết phục các nước châu Âu rời xa Mỹ để xích lại gần Trung Quốc hơn, trong bối cảnh các nước châu Âu đang bất an trước chính sách “nước Mỹ trên hết” của tổng thống Trump.
Theo các quan chức đã đồng ý trả lời hãng Reuters, thì các cuộc đàm phán đã diễn ra một cách kín đáo, và chủ yếu trên cơ sở song phương. Không quan chức nào xác nhận việc Đức, Nhật Bản hay các quốc gia khác ngoài mạng lưới Five Eyes đã được mời đến các cuộc họp của liên minh tình báo, được thành lập sau Thế Chiến Thứ II để chống lại ảnh hưởng của Liên Xô.
Thế nhưng, một thông báo công bố sau một cuộc họp của nhóm Five Eyes tại Úc vào cuối tháng Tám vừa qua, đã gợi lên một sự phối hợp chặt chẽ hơn, xác định rằng nhóm Năm Con Mắt sẽ sử dụng đến các “quan hệ đối tác toàn cầu” và đẩy nhanh việc chia sẻ thông tin về các hoạt động can thiệp của nước ngoài.
Như vậy là một liên minh quốc tế chống các thủ đoạn của Trung Quốc xen vào nội tình các nước khác đang được hình thành, nối tiếp theo một loạt những hành động ở cấp quốc gia – ở Mỹ, ở Đức, ở Úc… – nhằm hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào các công ty công nghệ nhạy cảm và chống lại những điều mà một số chính phủ cho là một chiến dịch ngày càng mạnh đang được chế độ Tập Cận Bình phát triển, để lũng đoạn các chính phủ và xã hội nước ngoài theo hướng có lợi cho Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181012-phuong-tay-di-dau-la-my-lap-lien-minh-tinh-bao-chong-trung-quoc
Trục Bắc Kinh – Matxcơva :
Nỗi sợ lớn của phương Tây
Từ đầu những năm 2010, quan hệ Nga – Trung Quốc bước sang một trang mới. Hai nước đang xích lại gần nhau. Nhưng Nga – Trung đơn giản chỉ là đối tác hay là đồng minh vững chắc ? Theo các nhà quan sát, quan hệ Bắc Kinh – Matxcơva nửa là đối tác, nửa là đồng minh.
Không có cường quốc châu Á nào là đồng minh thực sự của Trung Quốc. Cả Nhật Bản và Ấn Độ đều thù địch Trung Quốc. Tương tự, ở phương Tây, Nga cũng không có đồng minh. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga đã tính tới việc liên minh với phương Tây, nhưng cuộc khủng hoảng Ukraina 2014 đã khiến điều này là không thể. Mặc dù hiện Nga – Trung chưa phải là đồng minh, nhưng quan hệ hai nước sẽ được củng cố.
Trên đây là những nhận định trong bài viết « Trục Bắc Kinh – Matxcơva, nỗi sợ lớn của phương Tây » của nhà báo, nhà phân tích quan hệ quốc tế Fabien Herbert, chuyên gia về Nga và châu Á. RFI lược dịch bài viết đăng ngày 09/10/2018 trên trang mạng châu Á Asialyst.
Trục chống Mỹ
Điều kiện đầu tiên khiến Bắc Kinh và Matxcơva xích lại gần nhau đương nhiên là sự đối kháng chung của cả hai nước trước Hoa Kỳ. Cường quốc số một thế giới gây khó khăn cho Nga ở châu Âu và Syria, còn Trung Quốc gặp vấn đề với Mỹ ở châu Á. Washington còn bị cả hai đối thủ Bắc Kinh và Matxcơva coi là hiện diện quá nhiều ở lục địa Á – Âu. Quan hệ đối tác Nga – Trung giai đoạn 1 (2011-2014) được tạo ra nhằm đối phó với sự hiện diện khắp nơi của Mỹ.
Nền kinh tế của Nga chỉ đứng thứ 12 thế giới, vì thế Matxcơva cần tìm một đối tác mới tầm cỡ và có nền kinh tế vững chắc. Đương nhiên là tổng thống Nga Putin hướng về nước láng giềng Trung Quốc, quốc gia đã vươn lên đứng đầu thế giới về thương mại từ năm 2014. Trong bối cảnh làn sóng « chống phương Tây » dâng cao ở Nga, Trung Quốc dần dần được Matxcơva coi như đối tác phù hợp nhất để đương đầu với các thách thức trong thế kỷ XXI.
Mặc dù Trung Quốc có sức mạnh kinh tế và quân sự nổi trội nhất ở châu Á, nhưng Bắc Kinh luôn bị Washington phản đối mạnh mẽ. Mặc dù tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi hiệp định TPP, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á vẫn rất mạnh, với 40.000 lính đóng ở Nhật Bản, 28.000 lính tại Hàn Quốc, 2 tàu sân bay và 70 chiến hạm đóng tại Guam.
Ngoài 3 khu vực chiến lược nói trên, quân đội Mỹ cũng hiện diện nhưng với quy mô nhỏ hơn, ở Philippines, Singapore và Thái Lan. Các căn cứ quân sự ở các quốc gia nói trên cho phép Mỹ tiếp cận với biển Đông, nơi có nhiều tranh chấp.
Sự hiện diện quân sự của Mỹ, cho dù gây nhiều tranh cãi, đảm bảo duy trì nguyên trạng ở vùng biển có tranh chấp. Không có quân đội Mỹ, vị trí lấn át của Trung Quốc trong khu vực chắc chắn đủ để Bắc Kinh thắng các nước khác trong các tranh chấp.
Liên minh Nga – Trung có thể sẽ không làm đảo lộn cân bằng địa chính trị ở châu Á, dù là Đông Nam Á hay Đông Bắc Á. Tuy nhiên, quan hệ Bắc Kinh – Matxcơva có thể sẽ tạo thành sức ép ở các khu vực còn lại trên thế giới.
Ở Trung Đông, Trung Quốc ủng hộ chính sách của Nga tại Syria, cũng như thỏa thuận hạt nhân Iran. Ở Hội Đồng Bảo An, Nga và Trung Quốc thống nhất với nhau để phủ quyết các dự thảo nghị quyết của phương Tây. Ở Trung Á, sự hợp tác của Bắc Kinh và Matxcơva đã làm suy yếu vị thế của Hoa Kỳ. Dưới sức ép Nga – Trung và dưới sức ép của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, chính phủ Kirghizistan đã đóng cửa căn cứ không quân của Mỹ ở Manas. Và cuối cùng, ở châu Âu và châu Phi, đầu tư của Trung Quốc và xuất khẩu khí đốt của Nga hợp thành « cặp đôi » ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ.
Liên minh bất cân xứng
Quan hệ đối tác kinh tếNga – Trung đã trở thành quan hệ chiến lược. Hai nước có thể trở thành đồng minh vững chắc chừng nào sức mạnh của hai nước vẫn chênh lệch nhau. Sự không cân xứng đó cũng thể hiện ở cả quy mô dân số : nếu « nước Nga ở châu Âu » có dân số đông đúc hơn nhiều thì vùng Viễn Đông của Nga chỉ có 7 triệu dân so với 1,5 tỉ dân Trung Quốc.
Sự bất cân xứng về kinh tế và dân số khiến Nga không phải là mối đe dọa đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, sự chênh lệch về sức mạnh quân sự và khí đốt lại có lợi cho Matxcơva hơn, khiến Nga hấp dẫn được Trung Quốc, quốc gia vốn có nhu cầu rất lớn về dầu lửa, khí ga và rất muốn cải thiện sức mạnh quân sự.
Việc làm cho các sức mạnh trên được cân xứng có thể sẽ đẩy liên minh Nga Trung vào thế nguy hiểm. Nếu Nga có thể không theo kịp Trung Quốc cả về kinh tế và quy mô dân số ở châu Á, thì Trung Quốc có thể sánh bằng Nga về quân sự trong một tương lai gần, còn chất đốt thì lại không thể khai thác mãi được. Vậy thì hấp lực của Nga chỉ còn là lãnh thổ và khả năng vươn tới châu Âu và Trung Đông, cũng như sức mạnh hạt nhân của Matxcơva.
Tuy nhiên, không nên chỉ nhìn nhận quan hệ Nga – Trung bó hẹp trong quan hệ song phương. Quan hệ này hiện liên quan đến nhiều tổ chức quốc tế và trong khu vực.
Nước Nga đứng giữa Trung Quốc và châu Âu
Quan hệ đối tác chiến lược Nga – Trung sẽ được duy trì nếu hai nước không can thiệp vào vùng ảnh hưởng của nhau. Về điểm này, chỉ có Trung Á là đặt ra vấn đề. Nga không phản đối việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Còn Bắc Kinh không « lấn sân » Matxcơva ở châu Âu và Trung Đông.
Việc « chia sẻ thế giới » như trên chỉ giới hạn ở quyền lợi địa chính trị. Hai nước khá thoải mái với nhau trong lĩnh vực trao đổi ngoại giao và kinh tế, chẳng hạn sự xích lại gần nhau giữa Nga và Nhật và hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và châu Âu. Quan hệ Nga – Trung hiện diễn ra tốt nhờ hai nước có chung cách nhìn về thế giới. Đó là một thế giới đa cực hay đa phương, với giá trị phổ quát là « quyền lực tối cao của Nhà nước », đi ngược với chủ nghĩa tự do ở châu Âu. Chính sự khác biệt trên đã khiến quan hệ giữa Nga và châu Âu xuống cấp trong giai đoạn 2008-2014, liên quan đến xung đột ở Gruzia và cuộc khủng hoảng Ukraina.
Việc Trung Quốc dường như chấp nhân khái niệm « láng giềng gần » của Nga (chỉ các nước Cộng Hòa thuộc Liên Xô cũ mà Matxcơva coi là có lợi ích lâu dài và tuyên bố đặc biệt quan tâm đến số phận của cộng đồng người Nga và người nói tiếng Nga tại các nước này) chắc chắn được Matxcơva coi là một thuận lợi.
Trái lại, phương Tây không thể trao cho Nga phạm vi kiểm soát như vậy. Theo chủ nghĩa tự do của phương Tây, các Nhà nước có thể chọn đồng minh và thay đổi đồng minh mỗi khi thay đổi chính quyền. Quan điểm này không được Matxcơva chấp thuận, vì Nga coi sự ổn định của khu vực ảnh hưởng mang tính quan trọng sống còn đối với an ninh quốc gia. Điều mà Matxcơva mong muốn, là chấm dứt « trật tự tự do » sau Chiến tranh lạnh, vốn được thiết lập dựa trên đống tro tàn của Liên Xô.
Đương nhiên, nếu châu Âu và Nga xích lại gần nhau thì liên minh Nga – Trung có thể bị xem xét lại. Nhưng hiện giờ chưa có dấu hiệu gì cho thấy điều đó có khả năng xảy ra. Thậm chí, nếu xem xét hai đợt tập trận gần đây nhất của Nga, chúng ta còn có thể thấy điều ngược lại. Cuộc tập trận Zapad-2017 là sự hợp tác giữa Nga và Belarus, với kịch bản là Belarus bị châu Âu xâm lược. Vostok-2018 lại là đợt tập trận chung giữa Nga, Trung Quốc và Mông Cổ, đối thủ giả định cũng vẫn là châu Âu. Trung Quốc cũng được mời tham gia các đợt tập trận vào năm tới.
Tóm lại, quan hệ đối tác Matxcơva – Bắc Kinh phụ thuộc vào cả ba yếu tố: sức mạnh quân sự của Mỹ ở châu Âu, châu Á, quan hệ bất cân xứng giữa Nga và Trung Quốc và hai bên hỗ trợ lẫn nhau trong chính sách đối ngoại. Quan hệ Nga – Trung sẽ xấu đi nếu chế độ của nước này hay nước kia đột ngột thay đổi.
Nếu hai nước tạo được một liên minh chiến lược vững chắc, đó sẽ là một liên minh mạnh nhất hành tinh, trong lĩnh vực kinh tế và quân sự, có thể được triển khai khắp nơi ở lục địa Á – Âu. Các lãnh đạo Hoa Kỳ đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không để cho Matxcơva và Bắc Kinh liên minh với nhau, nhất là ở thời Liên Xô.
Hiện phương Tây vẫn không muốn Matxcơva và Bắc Kinh liên minh với nhau, nhưng các nước hai bên bờ Đại Tây Dương có ít cơ hội để ngăn chặn liên minh này. Để làm được điều đó, chắc là Tây phương cần đánh vào điểm yếu là Nga, làm cho Matxcơva thấy những viễn cảnh tốt đẹp nhất ở bên phương Tây. Thế nhưng, hiện nay, cả châu Âu và Hoa Kỳ đều không muốn và không có cách nào thực hiện điều đó.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181012-clone-truc-bac-kinh-matxcova-noi-so-lon-cua-phuong-tay
Pháp bán Rafale cho New Delhi :
Đối lập Ấn Độ đòi điều tra « tham nhũng »
Bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ đã đến Paris ngày 11/10/2018 để tìm cách hóa giải cáo buộc « thiên vị » trong thương vụ Pháp bán 36 chiến đấu cơ Rafale với giá 8 tỉ euro cho Ấn Độ vào năm 2016.
Báo chí Ấn Độ xôn xao sau tiết lộ ngày 09/10/2018 của trang thông tin Pháp Mediapart, theo đó, trong một tài liệu năm 2017, một lãnh đạo của Dassault Aviation giải thích rằng công ty liên doanh được hình thành với Reliance là điều kiện « áp đặt và bắt buộc » để tập đoàn hàng không Pháp nhận được hợp đồng xuất khẩu chiến đấu cơ Rafale. Phe đối lập Ấn Độ lại kịch liệt yêu cầu điều tra.
Thông tín viên RFI Antoine Guinard tường trình từ New Delhi :
« Liệu quan hệ đối tác với tập đoàn Reliance có phải là điều kiện nhất thiết và bắt buộc để ký được hợp đồng bán máy bay Rafale cho Ấn Độ hay không ? Theo Mediapart, một nhà lãnh đạo của Dassault dường như đã cho biết như vậy,
Dù sao thì giả thuyết này đã gây tác động mạnh ở Ấn Độ. Từ vài tháng qua, phe đối lập nước này cáo buộc chính phủ đương nhiệm tham nhũng trong hợp đồng bán 36 chiến đấu cơ Rafale cho Ấn Độ, được ký vào tháng 09/2016.
Ông Rahul Gandhi, chủ tịch đảng Quốc Đại Ấn Độ, đảng đối lập chính, đã tổ chức một cuộc họp báo vào thứ Năm (11/10) sau khi trang Mediapart công bố những tiết lộ trên. Ông nói rằng hợp đồng về chiến đấu cơ Rafale là « một trường hợp tham nhũng hiển nhiên ». Những tiết lộ này lại trùng khớp với chuyến công du Pháp, cũng vào ngày thứ Năm, của bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ và bà đến thăm một nhà máy của Dassault.
Về phần mình, tập đoàn sản xuất vũ khí Pháp đã vội bác bỏ các cáo buộc mà Mediapart nêu ra, đồng thời khẳng định đã tự ý chọn Reliance làm đối tác. Lời cải chính được báo chí Ấn Độ nhanh chóng truyền tải.
Tháng trước, cựu tổng thống Pháp François Hollande từng tuyên bố với Mediapart rằng tập đoàn Reliance, mà tổng giám đốc là một người thân cận với thủ tướng Ấn Độ, đã được áp đặt làm đối tác với Dassault ».
Ukraine được phê chuẩn để tách rời khỏi giáo hội Nga
Kiev, Ukraine – Theo bản tin từ Reuters, vào thứ Năm (11 tháng 10) Ukraine đã được phê chuẩn để thiết lập một giáo hội độc lập với Nga được Kiev coi là bước đi cần thiết để tránh việc Moscow can thiệp công việc nội bộ quốc gia. Trong khi đó, giới tu sĩ tại Nga đã phản đối dữ dội đối với sự kiện được coi là sự chia tách lớn nhất trong cộng đồng Thiên Chúa giáo trong 1,000 năm qua.
Sau 3 ngày họp tại Hội đồng Chính Thống giáo ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, các lãnh đạo tinh thần của gần 300 triệu người Chính Thống giáo toàn thế giới đã phê chuẩn cho yêu cầu của Ukraine về việc thành lập một giáo hội độc lập tách khỏi Nga. Hội đồng cũng đưa ra một số quyết định để mở đường cho Ukraine thành lập giáo hội riêng, bao gồm việc tái bổ nhiệm một vị giáo sĩ trưởng người Ukraine, vốn trước đó đã bị giáo hội Chính Thống giáo Nga trục xuất vì lãnh đạo một giáo phận ly khai vào thập niên 90. Để đáp trả, giáo hội Chính Thống giáo Nga cũng tuyên bố sẽ hủy quan hệ với Hội đồng Chính Thống giáo.
Các biến động về tôn giáo tại Ukraine bắt nguồn từ sự căng thẳng giữa Kiev và Moscow sau khi Nga sát nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, và hỗ trợ cho phe ly khai gây chiến tại miền đông Ukraine. Chính phủ Ukraine cáo buộc giáo hội Chính Thống giáo Nga đang gây ảnh hưởng nguy hiểm cho quốc gia và là công cụ của điện Kremlin để biện minh cho hành động chiếm đất và phá rối của Moscow.
Thành công của Ukraine trong việc chia tách giáo hội sẽ là ưu thế lớn cho Tổng Thống Petro Poroshenko trước cuộc tranh cử được dự đoán là sẽ rất sát sao vào năm tới. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/ukraine-duoc-phe-chuan-de-tach-roi-khoi-giao-hoi-nga/
Ba Lan bác bỏ bản đánh giá
thực hiện các quyền cơ bản trong châu Âu
Trong cuộc họp ngày 11/10/2018 tại Luxembourg, chính phủ Ba Lan đã ngăn cản Liên Hiệp Châu Âu thông qua một văn bản về việc thi hành và bảo vệ các quyền cơ bản trong khối, trong đó có điều khoản liên quan đến phân biệt nhắm vào cộng đồng người đồng tính LGBT. Lý do được Ba Lan nêu ra là thiếu điều khoản về sự phân biệt nhắm vào người Công Giáo và Do Thái.
Văn bản trên vẫn được các nước thành viên nhất trí thông qua hàng năm, trừ năm 2018. Bộ trưởng Tư Pháp Ba Lan giải thích lý do phủ quyết là vì các tôn giáo như Do Thái và Công Giáo không được nêu trong đoạn đề cập đến sự kỳ thị nhắm vào « các nhóm tôn giáo ». Ông cho rằng « bảo vệ người theo Công Giáo và Do Thái trước những vụ kỳ thị tôn giáo cũng phải bình đẳng như bảo vệ quyền của người đồng tính, trẻ em, người nhập cư và phụ nữ ».
Tuy nhiên, một nguồn tin ngoại giao cho AFP biết, thực ra « Ba Lan phủ quyết vì một đoạn liên quan đến cộng đồng người đồng tính » không phù hợp với họ. Theo quan chức này, đây là trường hợp « chưa từng xảy ra » và không khí « rất căng thẳng » trong cuộc họp của các bộ trưởng.
Việc Ba Lan phủ quyết khiến văn bản được thông qua chỉ được coi là những kết luận của nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội Đồng Châu Âu là Áo, mà không phải là văn kiện chính thức của khối.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181012-quyen-co-ban-trong-lien-hiep-chau-au-bi-ba-lan-ngan-can
Khối Pháp Ngữ : Tổ chức OIF bầu tân lãnh đạo
Kết thúc thượng đỉnh khối Pháp Ngữ 2018 tại Erevan, Armenia, ngày 12/10/2018, Tổ Chức Quốc Tế Pháp Ngữ OIF bầu một nhà ngoại giao Rwanda vào chức vụ lãnh đạo.
Được nhiều nước châu Phi ủng hộ, đương kim ngoại trưởng Rwanda, bà Louise Mushikiwabo, 57 tuổi, vừa được chỉ định vào chức vụ tổng thư ký tổ chức OIF.
Theo các nhà phân tích đây là một kết quả khá bất ngờ, bởi nhiều người chờ đợi bà Michaëlle Jean, người Canada, sẽ được bầu lại thêm một nhiệm kỳ. Hơn nữa, kể từ năm 2008, Rwanda đã xem tiếng Anh là một ngoại ngữ bắt buộc phải được giảng dậy ở trường học. Một năm sau, Rwanda gia nhập Khối Thịnh Vượng Chung Commonwealth. Sau cùng, nhiều người chỉ trích chính quyền Rwanda lơ là với ngôn ngữ của Molière.
Tuy nhiên, việc khối Pháp ngữ chọn ngoại trưởng Rwanda cho thấy tổ chức này quan tâm đến vị trí của châu Phi. 27 trong số 54 quốc gia thành viên OIF là các nước châu Phi.
Cùng với việc bầu tân lãnh đạo Tổ Chức Quốc Tế Pháp Ngữ, thượng đỉnh các nước sử dụng tiếng Pháp tại Erevan 2018 đã khép lại. Các bên hài lòng khi thấy tiếng Pháp đứng hạng 5 trong số các ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, sau tiếng Hoa, tiếng Anh, Tây Ban Nha và Ả Rập.
http://vi.rfi.fr/phap/20181012-khoi-phap-ngu-to-chuc-oif-bau-tan-lanh-dao
Sierra Leone hủy dự án sân bay 400 triệu đô tiền TQ
Tân tổng thống Sierra Leone hủy dự án với tiền vay của Trung Quốc xây sân bay 400 triệu đô vì ‘không cần thiết’.
Công trình gần thủ đô Freetown dự kiến hoàn tất vào năm 2022 bằng tiền Trung Quốc cho chính phủ tiền nhiệm của Tổng thống Ernest Bai Koroma vay.
Khi đó, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cảnh báo rằng công trình này chỉ tăng thêm gánh nặng nợ nần cho quốc gia châu Phi.
Nay, bộ trưởng hàng không Kabineh Kallon nói với BBC rằng công trình không còn cần thiết nữa, vì sân bay quốc tế hiện đang hoạt động chỉ cần nâng cấp là đủ.
Ông Kallon cũng cho hay Tổng thống Julius Maada Bio “không nhìn thấy nhu cầu gì để xây sân bay ở Mamamah, và đang xem xét việc xây một chiếc cầu nối thủ đô với sân bay hiện thời là Lungi airport”.
TQ chi cho châu Phi thêm 60 tỷ đôla
Kịch mừng Xuân của CCTV ‘phân biệt chủng tộc’
Trung Quốc và món da lừa châu Phi
Sân bay quốc tế hiện có của Sierra Leone nằm cạnh bờ biển và hành khách từ thủ đô phải đến và rời nơi này bằng phà hoặc trực thăng.
Đại sứ Trung Quốc ở Sierra Leone, ông Ngô Bằng, nói với BBC việc hủy dự án sân bay mới “không ảnh hưởng gì đến quan hệ hai nước”.
Cùng lúc, theo BBC News, có nhiều lo ngại tại châu Phi về gánh nặng nợ nần các dự án Trung Quốc gây ra ở châu Phi.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-45834934
TQ: Mỹ bịa đặt chuyện gián điệp thương mại
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 11 tháng 10 nói tố cáo của Mỹ về chuyện một gián điệp Trung Quốc tìm cách đánh cắp bí mật hàng không ‘hoàn toàn là bịa đặt.’
Tại buổi họp báo thường kỳ, ông Lục nhấn mạnh Bắc Kinh hy vọng Washington sẽ bảo đảm quyền pháp lý cho công dân Trung Quốc bị tố cáo đó.
Hôm 10/10, Bộ Tư pháp Mỹ loan báo đã bắt và truy tố một gián điệp cho Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc với cáo buộc làm gián điệp kinh tế tìm cách đánh cắp bí mật thương mại từ một số công ty hàng không và không gian Hoa Kỳ.
Ông Xu Yanjun bị bắt tại Bỉ hồi tháng tư sau một cuộc điều tra của Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI và sau đó được dẫn độ sang Mỹ hôm 9/10.
Vụ này xảy ra trong bối cảnh Washington đang gia tăng áp lực lên Bắc Kinh về chính sách thương mại của Trung Quốc và về cáo buộc Trung Quốc đánh cắp sản phẩm trí tuệ của Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-my-bia-dat-chuyen-gian-diep-thuong-mai/4609959.html
Bắc Kinh đang tìm cách gia nhập CPTPP
Bắc Kinh, Trung Cộng – Theo nguồn tin từ chính phủ Trung Cộng, Bắc Kinh đang muốn gia nhập Hiệp ước Thương mại xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong bối cảnh áp lực từ chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ càng lúc càng tăng.
Theo giới quan sát, Trung Cộng có thể chống lại chiến lược America First của Tổng thống Donald Trump và tăng vị thế chính trị bằng cách gia nhập CPTPP hiện đang có 11 thành viên. Cho đến nay, Trung Cộng chưa bao giờ công khai thể hiện ý muốn gia nhập hiệp ước, và cũng không xin làm thành viên cho phiên bản hiệp ước trước đó là TPP, vì cho rằng thỏa thuận này quá phức tạp. Ý tưởng về hiệp ước TPP được khởi xướng dưới thời Tổng thống Barack Obama và không bao gồm Trung Cộng, tuy nhiên, Tổng thống Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi hiệp ước này vào đầu năm 2017.
Đến nay, thái độ của Trung Cộng đối với CPTPP bắt đầu có thay đổi, và nhiều viên chức Bắc Kinh trong vài tháng qua đã cân nhắc khả năng gia nhập hiệp ước này, theo tờ Tin Sáng Hoa Nam dẫn một nguồn tin ẩn danh cho biết như trên. Giới quan sát cho rằng, việc gia nhập hiệp ước 11 thành viên, bao gồm cả những nước như Nhật, Việt Nam, Canada, Mexico, và Úc, sẽ giúp Bắc Kinh mở rộng các tuyến đường thương mại và gia tăng tiềm năng phát triển trong bối cảnh Trung Cộng đang có nguy cơ bị Hoa Kỳ cô lập kinh tế.
Các cuộc thảo luận về việc Bắc Kinh gia nhập CPTPP diễn ra giữa lúc Trung Cộng và Nhật đang tìm cách cải thiện quan hệ, và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sắp đến thăm Bắc Kinh trong tháng 10 này. Nhật là quốc gia đã có công lớn trong việc cứu vãn hiệp ước TPP sau khi Hoa Kỳ rút lui, và đã cùng 10 nước còn lại phê chuẩn phiên bản mới của hiệp ước, được đặt tên lại là CPTPP. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/bac-kinh-tim-cach-gia-nhap-cptpp-de-can-duong-hoa-ky/
Sức ép có thể khiến TQ nhún mình
trước đòn thương mại của Trump
Chủ tịch Trung Quốc có thể nỗ lực giải quyết tranh chấp thương mại khi gặp Trump ở Argentina, khi Mỹ có nhiều lợi thế hơn trong cuộc chiến.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều khả năng sẽ gặp nhau tại Buenos Aires, Argentina bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra vào cuối tháng 11, trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa hai nước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, theo WSJ.
Chính quyền Trump mới chỉ thông báo cho Bắc Kinh về việc xúc tiến kế hoạch gặp mặt giữa hai lãnh đạo trong vài ngày gần đây, trong khi Trung Quốc hy vọng cuộc gặp có thể là cơ hội để cả hai bên tìm cách hạ nhiệt căng thẳng thương mại đang leo thang.
Theo bình luận viên Zhenhua Lu của SCMP, đây là cơ hội hiếm hoi mà Trung Quốc buộc phải nắm bắt, bởi cuộc gặp này được thúc đẩy bởi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow, những người có quan điểm ôn hòa về thương mại với Trung Quốc và luôn lo ngại về nguy cơ thị trường chứng khoán toàn cầu hỗn loạn khi cuộc chiến kéo dài.
Nếu cuộc gặp Trump – Tập không có kết quả khả quan, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nhiều khả năng sẽ khốc liệt hơn, khi quan điểm về thương mại của Trump thường thuận theo những trợ lý có đường lối cứng rắn như Cố vấn Hội đồng Thương mại Quốc gia Peter Navarro hay Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.
Dennis Wilder, giám đốc khu vực Đông Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho rằng Trung Quốc là phía rất muốn có cuộc gặp trực tiếp với Trump để giải quyết vấn đề thương mại.
“Trung Quốc muốn tiếp xúc trực tiếp với Tổng thống Mỹ vì họ cảm thấy rằng những người thay mặt Trump tham gia đàm phán không phải lúc nào cũng biết được giới hạn của ông ấy”, Wilder nói. “Nên họ muốn tìm hiểu từ chính Tổng thống Trump xem chính xác họ cần phải làm gì để thoát khỏi chiến tranh thương mại”.
Theo chuyên gia này, các quan chức cấp thấp hơn sẽ không thể giải quyết được tranh chấp thương mại khi lãnh đạo không cho họ biết một thỏa thuận mà hai bên có thể đạt được sẽ ra sao. “Cách duy nhất tôi cho rằng có thể xử lý vấn đề này là một cuộc gặp trực tiếp giữa hai lãnh đạo”, Wilder nói.
Tuy nhiên, Trump lại là người rất khó lường và ông gần đây cũng liên tục “tung hỏa mù” về một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc. Phát biểu trong một cuộc vận động hôm 6/10, Trump tuyên bố Mỹ “đang xúc tiến một thỏa thuận với Trung Quốc”, nhưng chỉ ba ngày sau, ông khẳng định ở Nhà Trắng rằng Bắc Kinh “chưa sẵn sàng” cho một thỏa thuận thương mại với Washington, đồng thời tiếp tục đe dọa sẽ tiếp tục áp thuế với hàng hóa nước này.
“Họ muốn đàm phán, rất muốn được đàm phán, nhưng tôi bảo họ ‘Các anh chưa sẵn sàng đâu’”, Trump nói. “Chúng tôi đã hủy vài cuộc găp vì tôi nói rằng họ chưa sẵn sàng thỏa thuận”.
Tổng thống Mỹ cũng khẳng định Trung Quốc đang hứng chịu hậu quả nặng nề khi hàng hóa của nước này bị ông tung đòn áp thuế. “Nếu nhìn vào nền kinh tế của họ hiện nay, bạn sẽ thấy một bức tranh hoàn toàn khác”, Trump tuyên bố. “Kinh tế của họ đang tuột dốc không phanh. Tôi vẫn còn nhiều lá bài để chơi và họ sẽ phải ngồi vào bàn đàm phán”.
Trump đến nay đã áp thuế với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đe dọa sẽ áp thuế thêm 267 tỷ USD hàng hóa nữa, khiến gần như toàn bộ hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ sẽ chịu mức thuế nặng. Bắc Kinh mới chỉ đáp trả bằng cách áp thuế 60 tỷ USD hàng hóa của Washington.
Kudlow cũng tuyên bố trong cuộc gặp sắp tới với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Trump sẽ vẫn giữ vững lập trường từ trước tới nay của họ đối với hành vi thương mại của Bắc Kinh.
“Tôi cho rằng phía Trung Quốc sẽ phải tới và nói ‘Được rồi, chúng tôi sẽ thay đổi cơ cấu, tuân thủ luật và sẽ thực hiện một thỏa thuận thương mại công bằng, có ích cho nền kinh tế và lực lượng lao động Mỹ”, cố vấn này nói. “Họ sẽ phải làm điều đó, điều mà họ trước đây chưa thực hiện”.
Lợi thế của Mỹ
Trump đã ra lệnh áp thuế với khoảng 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và đe dọa áp thêm thuế với 267 tỷ hàng nhập khẩu từ nước này. Ảnh: CNN.
Trump đã ra lệnh áp thuế với khoảng 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và đe dọa áp thêm thuế với 267 tỷ hàng nhập khẩu từ nước này. Ảnh: CNN.
Theo các chuyên gia của Economist, sức ép với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại là rất lớn, khi cách tiếp cận đối đầu với Bắc Kinh của Trump nhận được nhiều sự ủng hộ cả trong và ngoài nước. Dù đòn áp thuế và giọng điệu của ông còn gây nhiều tranh cãi, phần lớn doanh nhân, quan chức chính quyền và thành viên lưỡng đảng Mỹ đều có chung quan điểm rằng đã đến lúc trừng phạt các hành vi thương mại của Trung Quốc.
“Mục tiêu của Trung Quốc là vươn lên vị trí thống trị thế giới, và lưỡng đảng của Mỹ đều ủng hộ nỗ lực đẩy lùi tham vọng này”, John Barrasso, ủy viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, tuyên bố. Mỹ đã tung ra một loạt biện pháp đáp trả, từ việc tăng nguồn tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, cho tới truy tố một sĩ quan tình báo Trung Quốc bị cáo buộc hoạt động gián điệp kinh tế.
Sự đồng thuận trong hệ thống dân chủ giúp Tổng thống Trump nhận được sự ủng hộ của dư luận đối với những thiệt hại về tài chính và những hậu quả khác do cuộc cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc gây ra. Ngoài ra, việc có hệ thống đồng minh mạnh trên khắp thế giới cũng giúp Mỹ có lợi thế quan trọng.
Theo Kudlow, những yêu cầu của chính quyền Trump để buộc Trung Quốc phải thay đổi các hành vi thương mại của mình đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhiều nước trên thế giới. “Châu Âu có chung quan điểm với chúng tôi, cả Nhật và Canada cũng vậy, nên chúng tôi sẽ chờ xem kết quả thế nào”, ông nói.
Các quan chức Mỹ cảnh báo với Trung Quốc rằng Trump sẽ không thảo luận về thương mại với ông Tập tại hội nghị G20 nếu Bắc Kinh không đưa ra được danh sách những nhượng bộ chi tiết, theo Financial Times. Các quan chức Trung Quốc tuyên bố họ đã có danh sách đó, nhưng sẽ không đưa ra nếu Mỹ không đảm bảo “môi trường chính trị ổn định”, trong đó có việc chỉ định một quan chức có đủ thẩm quyền để thay mặt chính quyền Trump đàm phán với Bắc Kinh.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải tuần trước chỉ trích các nhà đàm phán Mỹ liên tục thay đổi lập trường, khiến Bắc Kinh “không biết chính xác Washington đang muốn gì” và cho rằng chính quyền Trump dường như đang tìm cách ép Trung Quốc chấp nhận những điều khoản “vô lý”.
“Trung Quốc sẵn sàng đưa ra một số nhượng bộ và đi đến thỏa thuận, nhưng phía Mỹ đang tìm cách đạt được điều như Mỹ sẽ có 100%, còn Trung Quốc chẳng có gì”, ông Thôi nói. “Tôi không cho rằng điều đó là công bằng và khả thi”.
TQ cáo buộc Mỹ gây nhiễu loạn
chính sách an ninh ở Tân Cương
Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi báo cáo của quốc hội Mỹ về chính sách Tân Cương của Bắc Kinh là “lời đồn đại và cáo buộc vô căn cứ”.
“Các chính sách của Trung Quốc nhằm đảm bảo ổn định xã hội, an ninh ở Tân Cương và được người dân ủng hộ”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm nay cho biết tại cuộc họp báo thường ngày, theo AFP.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi quốc hội Mỹ công bố một báo cáo nói rằng tình hình nhân quyền ở Trung Quốc rất tồi tệ và “tàn khốc” do Bắc Kinh đang giam một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng thiểu số khác ở Tân Cương trong các trại cải huấn. Báo cáo cho rằng hành động này của Trung Quốc có thể cấu thành “tội ác chống lại nhân loại”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi báo cáo trên là “những lời đồn đại và cáo buộc vô căn cứ” và cáo buộc Mỹ đang tìm cách làm xáo trộn chính sách an ninh ở Tân Cương. “Các bên liên quan muốn gây nhiễu loạn những nỗ lực của Trung Quốc. Điều này là vô ích”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm.
Bắc Kinh đối mặt với sự phản đối kịch liệt từ các nhà hoạt động, học giả, chính phủ nước ngoài cũng như các chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc với cáo buộc bắt và giám sát hầu hết người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác sống tại Tân Cương. Mỹ thậm chí còn xem xét trừng phạt các quan chức cấp cao và công ty Trung Quốc liên quan tới vấn đề này.
Trung Quốc từ lâu khẳng định Tân Cương phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ các phiến quân Hồi giáo và những người ly khai và bác bỏ mọi cáo buộc, lên án những thế lực bên ngoài âm mưu gây hỗn loạn.
Trung Quốc được cho là đang tiến hành một cuộc “phản công” nhằm chống lại những chỉ trích đối với chính sách tại khu tự trị Tân Cương, nơi các cộng đồng Hồi giáo sinh sống, bằng cách tìm kiếm sự ủng hộ của truyền thông nước ngoài và đưa ra thông điệp tích cực hơn.
Tướng TQ: Chỉ mất hơn 1 tuần, các tướng PLA
đã có thể ngồi ở vỉa hè Đài Bắc uống trà
Trung tướng Trung Quốc Vương Hồng Quang cho rằng, Đài Loan vô cùng thất thế nếu muốn tiến hành một cuộc chiến tranh với Bắc Kinh.
Binh lính Trung Quốc diễn tập ở căn cứ Chu Nhật Hòa. Ảnh: Quân đội Trung Quốc
Chuyên gia Mỹ: Đài Loan có lợi thế trước Bắc Kinh
Mới đây, hãng thông tấn Đài Loan CNA dẫn báo cáo của chuyên gia Ian Easton tại Viện Nghiên cứu dự án 2049 (Mỹ) dự đoán, nếu chiến tranh hai bờ eo biển bùng nổ, kết quả sẽ rất khác với dự tính của Bắc Kinh bởi 5 lý do sau:
Thứ nhất, Mỹ-Đài có thể nắm bắt được thông tin chuẩn bị của Bắc Kinh trước 60 ngày. Đây là thời gian đủ để Đài Loan di dời các cơ sở chỉ huy vào khu vực hầm núi gồ ghề nhưng kiên cố cũng như rải mìn trên biển, phân tản và ngụy trang các đơn vị quân sự…
Thứ hai, phía Tây Đài Loan có 13 bãi biển – nơi Quân giải phóng Trung Quốc PLA có thể đổ bộ nên cần tiến hành kế hoạch chuẩn bị tác chiến ở 13 bãi biển này.
Thứ ba, Đài Loan có nhiều nhà máy hóa chất ven biển – nơi đây vô hình trung sẽ trở thành cái bẫy khí độc khi PLA tấn công.
Thứ tư, nếu không quân PLA tấn công vào hệ thống phòng không và giàn pháo di động thì hiệu quả sẽ không cao.
Dự đoán này dựa vào kết quả, trong Chiến tranh vùng Vịnh, quân đội Mỹ từng ném 88.500 tấn bom đạn nhưng không thể hủy được dù chỉ một xe chở tên lửa đang chạy trên đường. Cũng như trong cuộc chiến Kosovo, các cuộc không kích của NATO diễn ra trong 78 ngày nhưng chỉ phá hủy được 3 trong số 22 tên lửa di động của Serbia.
Thứ năm, sau khi lên bờ, PLA sẽ phải đối mặt với với 2,5 triệu người nằm trong lực lượng dự bị phân bố rải rác trong thành phố và các khu rừng rậm.
Chuyên gia Easton đưa ra kết luận, trong bối cảnh hiện nay, Đài Loan không cần dự toán ngân sách quân sự lớn, chỉ cần đảm bảo trang bị vũ khí phòng ngự tối tân cũng có thể “đầy lùi” sự tấn công từ PLA.
Tướng TQ: Bắc Kinh thống nhất Đài Loan chỉ cần khoảng hơn tuần
Trước báo cáo của chuyên gia Mỹ, Trung tướng Trung Quốc – nguyên Phó tư lệnh quân khu Nam Kinh Vương Hồng Quang đã ngay lập tức phản bác quan điểm này.
Theo tướng Trung Quốc, thứ nhất, nếu cuộc chiến này thực sự xảy ra thì cả hai bên đều phải chuẩn bị cho cuộc chiến.
“Chúng ta (Trung Quốc) gần hai thập kỷ nay đều tiến hành công tác chuẩn bị chiến tranh như dựng chiến trường trong thời bình, trong đó lực lượng chính tấn công Đài Loan đã luôn “sẵn sàng chiến đấu”, trạng thái trực chiến rất cao, ngay cả Chủ nhật hay các ngày nghỉ đều không giống như các lực lượng khác”, ông Vương cho rằng, nếu tấn công, Bắc Kinh chỉ cần 10 ngày đến nửa tháng để chuẩn bị.
“Dựa vào quân lực và khí tài như hiện này, quân đội Trung Quốc có thể chiến thắng các trận đánh. Nhiều nhất mất hơn một tuần, các chỉ huy quân sự của PLA đã có thể ngồi ở vỉa hè Đài Bắc để nhâm nhi trà Ô long rồi”, tướng Trung Quốc cảnh báo.
Thứ hai, quân đội Đài Loan muốn né tránh hỏa lực của Bắc Kinh bằng cách sơ tán thì đây là cách có thể giảm tổn thất nhưng cũng có hạn chế. Ông này cho rằng, dù Đài Loan có di tản tàu thuyền, căn cứ quân sự nhưng trung tâm chỉ huy Viên Sơn, Hoành Sơn ở Đài Bắc khó để né tránh khi nó đã nằm trong trọng tâm phạm vi tấn công của PLA.
“Do hỏa lực tập kích, tác chiến đánh chiếm đảo, đánh thọc sâu là một quá trình liên tục nên đợi đến khi quân đội Đài Loan khôi phục được sức mạnh chiến đấu thì “món dưa chuột cũng đã nguội lạnh rồi” (ý chỉ đã quá muộn)”, tướng Trung Quốc mỉa mai.
Thứ ba, ông này cho rằng, PLA không chỉ đổ bộ lên Đài Loan từ 13 bãi biển phía Tây mà họ có thể tấn công từ các hướng còn lại.
“Quân đội Đài Loan chỉ có khoảng 120.000 binh sĩ, phải phân chia thành nhiều lực lượng như chống đánh chiếm đảo, trấn thủ căn cứ quan trọng… Trong khi lực lực chống đánh chiếm đảo chỉ có khoảng 4-50.000 người, mỗi km triển khai khoảng 100-200 người, 5km được khoảng 300-500 người, không bằng 1 tiểu đoàn nên Đài Loan dễ thất thế khi PLA cử 1 lữ đoàn đối đầu”.
Thứ tư, trước kiến nghị phá hoại các nhà máy hóa chất khiến binh sĩ PLA bước vào cùng khí độc, tướng Trung Quốc cho rằng, đây là hành động chống lại nhân loại nên nếu Đài Bắc thực sự tiến hành thì chính người dân trên đảo sẽ phản ứng lại chứ không cần PLA đổ bộ lên đảo.
Thứ năm, ông Vương Hồng Quang cho rằng, thông tin về cuộc chiến Kosovo hay số lực lượng dự bị của Đài Loan đều là sai sự thật.
Theo ông này, mục đích báo cáo của chuyên gia Mỹ là nhằm thúc đẩy chính quyền bà Thái Anh Văn mua nhiều hơn các loại vũ khí từ Mỹ mà thôi.
TT Moon: Triều Tiên chủ trương
hủy tất cả vũ khí hạt nhân
Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un có chủ trương dỡ bỏ tất cả các vũ khí hạt nhân, vật liệu và các cơ sở liên quan để hoàn thành việc phi hạt nhân hóa “toàn bộ”, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết hôm 12/10.
Ông Moon nhấn mạnh đến quyết tâm của ông Kim về từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa, và tập trung vào kinh tế, nếu chế độ của ông ta được đảm bảo an toàn.
“Về phi hạt nhân hóa toàn bộ, ý của ông ấy là bắt đầu bằng cách ngừng các cuộc thử hạt nhân và tên lửa mới, và tiếp đến là dỡ bỏ các cơ sở sản xuất vũ khí hạt nhân và phát triển tên lửa, cũng như tất cả các vũ khí hạt nhân và vật liệu hiện có”, ông Moon nói, theo bản ghi chép cuộc phỏng vấn của ông với BBC được văn phòng của ông cung cấp.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba của ông với ông Kim Jong Un ở Bình Nhưỡng vào tháng 9, ông Moon nói Triều Tiên sẵn sàng mời các chuyên gia quốc tế giám sát việc tháo dỡ một cơ sở chủ chốt liên quan đến tên lửa và sẽ đóng cửa Yongbyon, khu phức hợp hạt nhân chính, nếu Washington có các hành động đối ứng.
Những động thái này có thể bao gồm chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-53, mở văn phòng liên lạc của Mỹ tại Triều Tiên, viện trợ nhân đạo và trao đổi các chuyên gia kinh tế, Moon nói.
Và khi Triều Tiên có những tiến bộ đáng kể trong việc phi hạt nhân hóa, cần “xem xét nghiêm túc” việc giảm dần các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Bình Nhưỡng, ông Moon nói.
Hoa Kỳ vẫn luôn đòi hỏi rằng các bước phi hạt nhân hóa không thể đảo ngược phải diễn ra trước.
“Việc chấm dứt chiến tranh là một dạng tuyên bố chính trị để kết thúc mối quan hệ thù địch kéo dài giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên, và việc đó sẽ khởi động các cuộc hòa đàm tùy thuộc vào quá trình phi hạt nhân hóa”, ông Moon nói.
“Có sự đồng thuận giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ là mong rằng tuyên bố chấm dứt chiến tranh sẽ được đưa ra vào một ngày sớm nhất có thể được, vì vậy tôi nghĩ rằng đây là vấn đề về thời gian, nhưng chắc chắn việc đó sẽ diễn ra”.
Ý kiến của ông được đưa ra trong bối cảnh Mỹ lo ngại rằng quan hệ giữa hai miền Triều Tiên có thể đang ấm lên quá nhanh so với các cuộc đàm phán để dỡ bỏ các chương trình vũ khí của Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gần đây đã bày tỏ “không đồng tình” với hiệp ước quân sự liên Triều đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng trước. Đây là dấu hiệu về sự bất đồng hiếm hoi giữa hai đồng minh Mỹ, Hàn.
Trong hiệp ước đó, hai miền Triều Tiên đã đồng ý dừng các cuộc tập trận, thiết lập một vùng cấm bay gần biên giới và dần dần gỡ bỏ mìn cũng như tháo dỡ các vọng gác trong khu phi quân sự, bên cạnh các bước đi khác.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-moon-trieu-tien-chu-truong-huy-tat-ca-vu-khi-hat-nhan/4610686.html
Seoul và Bình Nhưỡng tiếp tục
thúc đẩy hợp tác quân sự và kinh tế
Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc thông báo, phái đoàn quân sự hai nước Triều Tiên họp ngày hôm nay, 12/10/2018, tại Bàn Môn Điếm.
Đôi bên tập trung vào các chiến dịch tháo gỡ mìn tại khu vực phi quân sự và tìm kiếm hài cốt lính chết trận trong chiến tranh Triều Tiên. Đây là bước kế tiếp sau khi tuyên bố Bình Nhưỡng được lãnh đạo Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đưa ra nhân thượng đỉnh Liên Triều lần thứ ba ngày 18/09/2018.
Về hợp tác kinh tế, bộ trưởng bộ Thống Nhất Hàn Quốc thông báo phái đoàn cao cấp hai nước Triều Tiên họp lại vào ngày 15/10/2018, cũng tại Bàn Môn Điếm. Hai bên đồng ý nối lại hợp tác kinh tế, cho hoạt động trở lại khu công nghiệp Kaesong. Seoul ra thông báo về cuộc họp cấp cao vào đầu tuần tới trong bối cảnh Mỹ lo ngại hai nước Triều Tiên sưởi ấm quan hệ “quá nhanh”, cả trong lĩnh vực kinh tế lẫn quân sự.
Trong khí đó, Úc điều một tàu khu trục có trang bị tên lửa dẫn đường đến vùng Biển Hoa Đông, nhằm duy trì áp lực thi hành lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào Bắc Triều Tiên.
Hãng tin Mỹ AP trích dẫn một quan chức trong bộ Quốc Phòng Úc cho biết, Canberra huy động hai chiếc máy bay tuần tra lớp AP 3C Orion để hộ tống chiến dịch tuần tra của chiếc tàu khu trục nói trên và 230 thủy thủ. Theo quan chức này, hoạt động tuần tra trên biển của Hải Quân Úc nhằm “duy trì áp lực” cả về kinh tế lẫn ngoại giao đối với Bình Nhưỡng, bởi vì Bắc Triều Tiên vẫn “tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa, trái với nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc”.
Phớt lờ Trung Quốc, Malaysia thả tù nhân Uighur
Malaysia phóng thích 11 người Hồi giáo Uighur và đưa sang Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp yêu cầu dẫn độ của Bắc Kinh, theo thông tin từ luật sư. Nhóm người này đã chạy tới Malaysia sau một vụ vượt ngục tại Thái Lan hồi năm ngoái.
Quyết định của Malaysia có phần chắc làm tăng thêm căng thẳng trong quan hệ giữa Malaysia và Trung Quốc, vốn chịu nhiều sóng gió kể từ khi ông Mahathir Mohamad, người trở thành Thủ tướng Malaysia sau một chiến thắng lịch sử hồi tháng Năm vừa qua, hủy bỏ một loạt dự án trị giá hơn 20 tỉ đô la do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận.
Các công tố viên của Malaysia, nơi có đa số dân theo Hồi giáo, bỏ cáo trạng chống lại nhóm người Uighur dựa trên lý do nhân đạo và nhóm này đã tới Thổ Nhĩ Kỳ, luật sư của họ cho biết.
Cho tới thời điểm này, các cơ quan hữu quan bên phía chính quyền Malaysia cũng như Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa phản hồi những yêu cầu bình luận.
11 người Uighur này bị bắt và bị kết tội vượt biên bất hợp pháp vào Malaysia sau khi táo bạo vượt ngục tại Thái Lan bằng cách đục tường trại giam và dùng chăn làm thang.
Hồi tháng 2 vừa qua, Reuters có đưa tin về việc Malaysia đang chịu sức ép nặng nề vì Bắc Kinh yêu cầu trục xuất nhóm này về Trung Quốc để chịu xét xử. Một số phái bộ ngoại giao của Tây phương đã tìm cách thuyết phục Malaysia chớ dẫn độ họ về Trung Quốc, nước chịu nhiều tố cáo về truy bức người Uighur.
Bắc Kinh cáo buộc các phần tử ly khai cực đoan trong cộng đồng thiểu số Uighur lên kế hoạch tấn công cộng đồng người Hán chiếm đa số tại khu vực Tân Cương bất ổn và một số nơi khác.
Trung Quốc từng bị cáo buộc đàn áp nhân quyền tại Tân Cương, tra tấn những tù nhân người Uighur và kiểm soát chặt chẽ tôn giáo và văn hóa của họ. Phía Trung Quốc phủ nhận tất cả các cáo buộc này.
Trong suốt nhiều năm qua, hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn người Uighur đã chạy lánh bất ổn bằng cách bí mật tìm đường tới Thổ Nhĩ Kỳ thông qua các quốc gia Đông Nam Á.
Nhóm 11 người mới được phía Malaysia phóng thích nằm trong số hơn 200 tù nhân Uighur bị giam tại Thái Lan từ năm 2014.
Mặc dù những người này tự nhận mình là công dân Thổ Nhĩ Kỳ và đòi được đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng hơn 100 người đã bị cưỡng bức đưa trở lại Trung Quốc hồi tháng 7 năm 2015, khiến dư luận thế giới lên án.
Hồi tháng 2, Malaysia loan báo cân nhắc yêu cầu dẫn độ của Bắc Kinh đối với 11 người vừa kể, điều mà Malaysia từng làm trong quá khứ.
https://www.voatiengviet.com/a/phot-lo-trung-quoc-malaysia-tha-tu-nhan-uighur/4609941.html
PNG bị giám sát vì mua xe sang chở lãnh đạo APEC
Chính phủ Papua New Guinea (PNG) bị đặt dưới sự giám sát sau khi nhập khẩu 40 chiếc xe hơi Maserati sang trọng từ Ý cho Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương sắp tới (APEC).
Hình ảnh của những chiếc xe được chuyển đến sân bay Port Moresby bằng máy bay chở hàng được chia sẻ trên mạng xã hội và gây ra lo ngại rằng tiền thuế của dân đã bị chính phủ phung phí để mua hàng xa xỉ.
Loại xe bốn cửa này có giá hơn 100.000 đô la mỗi chiếc, sẽ được các nhà lãnh đạo nước ngoài sử dụng trong thời điểm APEC 2018 diễn ra tại PNG.
Bỉ trục xuất cán bộ Bộ Công an TQ sang Mỹ để xử
VN yêu cầu Facebook lưu trữ ‘quan điểm chính trị’
Truyền hình TQ đua nhau mở show ca ngợi ông Tập
Truyền thông và giới hoạt động đã đặt câu hỏi liệu đất nước Thái Bình Dương nghèo khó này có đang phung phí hàng triệu đô la hay không.
Nhưng chính phủ nói rằng khu vực tư nhân đã “cam kết” chi trả.
Bộ trưởng APEC, ông Justin Tkatchenko cho biết những chiếc xe này “là loại xe tiêu chuẩn được sử dụng tại APEC để chuyên chở các lãnh đạo”.
Ông Tkatchenko nói với tờ The Australian rằng trước đó chính phủ đã trả một khoản đặt cọc để chuyển những chiếc xe về đây. Và rằng toàn bộ số xe này sẽ được bán tức thì cho khu vực tư nhân nên sẽ không trở thành một gánh nặng cho chính phủ.
Nhưng ông này không tiết lộ số tiền mà chính phủ đã chi cho những chiếc xe cũng như ai có thể mua chúng và với giá nào.
Thủ tướng Peter O’Neill cũng nhấn mạnh rằng chính phủ “sẽ không dính líu vào bất kỳ khoản ngân quỹ nào”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence dự kiến sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra vào tuần tới ở PNG.
Keith Jackson, một blogger về các vấn đề PNG, nói với BBC rằng những chiếc xe này là một phần nỗ lực của lãnh đạo PNG nhằm trưng ra một hình ảnh “tinh tế” trước hội nghị thượng đỉnh, bao gồm cả việc tân trang thủ đô Port Moresby với những con đường và tòa nhà mới.
“Và tất cả điều này được thực hiện vào thời điểm các bệnh truyền nhiễm như bại liệt, bệnh lao và sốt rét tái xuất hiện trong nước, giáo viên không được trả lương và khoảng tám triệu người dân đang lâm vào cảnh nghèo đói”, ông nói.
Papua New Guinea là một trong những nước nghèo nhất ở tham dự APEC, với 40% dân số sống dưới mức một đô la một ngày, theo Liên Hiệp Quốc. Vào tháng Sáu, chính phủ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau một đợt bùng phát bại liệt.
Úc dự kiến sẽ cung cấp hơn 100 triệu đô la cho PNG trong hội nghị lần này, theo the Australian Broadcasting Corporation, bao gồm việc triển khai binh lính cũng như máy bay chiến đấu để bảo vệ không phận.
Nhiều nước chủ nhà của APEC thời gian gần đây cũng mua các hạm đội xe hạng sang để chuyên chở các lãnh đạo. Trong năm 2015, BMW đã tài trợ hơn 200 xe cho APEC được tổ chức tại Philippines. Những xe này sau đó được bán cho công chúng.