Đọc báo Pháp – 11/10/2018
#MeToo, câu chuyện chỉ mới bắt đầu
Hôm nay, Libération ra một số đặc biệt với thành phần ban biên tập gồm toàn các nữ sử gia. Trong bài xã luận mang tựa đề « #MeToo, câu chuyện chỉ mới bắt đầu », giáo sư Michelle Perrot, đại học Paris 7, viết : « Hiện còn quá sớm để nói là vụ Weinstein đã thật sự thay đổi điều gì trong quan hệ giữa hai giới, vốn đã cố định như vậy từ bao thiên niên kỷ qua ».
Theo giáo sư Perrot, sự xuất hiện đột ngột của #MeToo cần phải được tương đối hóa và được đặt lại trong dài hạn. Phong trào này là sự tiếp nối của cuộc đấu tranh của nữ giới đòi được quyền sử dụng cơ thể của họ một cách tự do, khởi đầu từ những năm 1970. Cơ thể của phụ nữ không phải là một món quà, để sẳn đó, ai muốn xài thì xài. Khi họ nói không, là không. Đi quá giới hạn đó thì sẽ bị coi là sách nhiễu tình dục, thậm chí cưỡng hiếp, trong những vụ mà bao lâu nay người ta vẫn cho là có sự đồng tình của phụ nữ.
Đối với giáo sư Perrot, #MeToo chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu, là một đợt sóng ngầm tràn tới toàn bộ các lĩnh vực, các thành phần, không biên giới, không phân biệt. Ngay cả các nữ tu ở Vatican nay cũng phản đối thái độ xem thường của các chức sắc nam giới đối với họ. Giải Nobel Hòa bình được trao cho nhà hoạt động Nadia Murad và bác sĩ Denis Mukwege vừa nhắc cho chúng ta về bạo lực tàn khốc mà phụ nữ là nạn nhân trong các cuộc xung đột hiện nay ở Trung Đông và châu Phi.
Phong trào #MeToo nay cũng đã lan đến Ấn Độ. Tờ Le Monde chú ý đến việc ngày càng có nhiều cáo buộc cưỡng hiếp và sách nhiễu tình dục trong các tòa soạn báo ở nước này.
Hôm 09/10/2018, Quốc vụ khanh bộ Ngoại Giao Ấn Độ Mobashar Jawed Akbar đã bị 6 nữ phóng viên tố cáo từng bị ông sách nhiễu tình dục, khi ông còn làm nhà báo cho những tờ báo hàng đầu như India Today hay The Sunday Guardian. Tờ Le Monde cho biết đợt tố cáo này đã khởi đầu ngày 05/10, khi một nữ văn sĩ, Sandhya Menon, khẳng định từng là nạn nhân sách nhiễu tình dục của trưởng phòng Times of India tại Hyderabad, K R Sreenivas, và của Gautam Adhikari, tổng biên tập nhật báo DNA, ở Bombay.
Phong trào không chỉ giới hạn trong giới truyền thông, mà đã lan sang giới nghệ sĩ, với việc nữ diễn viên Bollywood Tanushree Dutta vừa đệ đơn kiện nam diễn viên Nana Patekar về một vụ sách nhiễu tình dục cách đây 10 năm. Tiếp đến, một nhà sản xuất chương trình truyền hình,Vinta Nanda, đã mở họp báo để tố cáo đã bị một ngôi sao màn bạc, Alok Nath, cưỡng hiếp cách đây 20 năm.
Le Monde hôm nay dành xã luận với hàng tựa
« Khí hậu : Không quá trễ để phản ứng »
nói về việc Nhóm các chuyên gia Liên Hiệp Quốc về khí hậu (GIEC) vừa công bố một báo cáo báo động về tốc độ hâm nóng khí hậu Trái đất và khẩn thiết kêu gọi quốc tế giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Tờ báo viết : « Những dấu hiệu của sự gia tăng tốc độ hâm nóng khí quyển vẫn ngày càng đáng báo động ». Le Monde nhắc lại rằng năm 2017 vừa được xem là một trong ba năm nóng nhất trong lịch sử hiện đại. Băng ở hai cực tan nhanh thấy rõ, khiến mực nước các đại dương tăng lên, các cơn bão và trận hạn hán dữ dội xảy ra ngày càng nhiều, với những tác động ngày càng đáng lo ngại lên tính đa dạng sinh thái của hành tinh chúng ta.
Theo Le Monde, trong báo cáo nói trên, các chuyên gia của nhóm GIEC nhắn gởi hai thông điệp chính đến các lãnh đạo thế giới.
Thông điệp thứ nhất : Các khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính có liên quan đến những hoạt động của con người đúng là nguyên nhân chính khiến cho khí hậu Trái đất nóng lên và tình trạng hâm nóng này đang tăng nhanh. Với tốc độ hiện nay, thế giới sẽ vượt quá mức tăng 1,5°C trong khoảng từ 2030 đến 2052.
Thông điệp thứ hai : Bằng mọi giá phải tránh cho mức tăng nhiệt độ lên tới 2°C và hiện vẫn còn có thể kềm chế mức tăng này ở 1,5°C và như vậy chặn đứng được một phần những tác hại nặng nề của biến đổi khí hậu. Nhưng muốn như thế thì thế giới phải chuyển đổi nhanh chóng và chưa từng có trong mọi lĩnh vực (công nghiệp, nhà ở, giao thông, nông nghiệp…). Nói cách khác là phải có một sự thay đổi sâu rộng về mô hình phát triển.
Vấn đề chính là ở chổ đó. Mặc dù đã ký kết hiệp định Paris 2015, có hiệu lực từ năm 2016, nhưng chưa một quốc gia nào, kể cả nước Pháp, chứ chưa nói đến Mỹ và Trung Quốc, thi hành các biện pháp cần thiết để giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng lồng kính.
Cũng liên quan đến môi trường, tờ Le Monde có bài phóng sự từ Ả Rập Xê Út nói về dự án của nước này xây một khu công nghiệp hóa dầu khổng lồ để sản xuất nhựa xuất khẩu sang châu Á.
Là một trong những quốc gia sản xuất dầu hỏa hàng đầu thế giới, với sản lượng 11 triệu thùng mỗi ngày, Ả Rập Xê Út nhất quyết muốn duy trì vị thế này, đồng thời đầu tư vào nhiều dự án để nâng cao giá trị của nguồn dầu hỏa này. Cùng với tập đoàn Pháp Total, Công ty Dầu khí Quốc gia Ả Rập Xê Út Saudi Aramco sẽ xây một khu công nghiệp hóa dầu mang tên Amiral, mà theo dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2024, với số vốn đầu tư lên tới 9 tỷ euro.
Theo Le Monde, Mục tiêu của dự án này là gia tăng sản lượng nhựa ở Ả Rập Xê Út. Như lời chủ tịch tổng giám đốc Total, nhờ sản phẩm nhựa mà tương lai của ngành công nghiệp dầu khí vẫn còn sáng lạng. Ông cho biết nhu cầu về nhựa đang tăng mạnh ở châu Á và Trung Đông và họ muốn đáp ứng những nhu cầu đó.
Le Monde cho biết ngành hóa dầu hiện đã qua mặt xe hơi, xe cam nhông và máy bay, để trở thành nhân tố chính làm tăng nhu cầu tiêu thu dầu, được dự báo là sẽ chiếm đến 50% từ đây đến năm 2050. Vấn đề là đối với Cơ quan Năng lượng Quốc tế, cho dù ngành công nghiệp hóa dầu thải ra ít khí CO2 hơn là nhiều ngành khác, nhưng sự tăng trưởng quá nhanh của ngành này sẽ góp phần đáng kể vào hiện tượng hâm nóng khí hậu Trái đất.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF lo ngại
một cuộc khủng hoảng tài chính mới,
đó là sự kiện thu hút sự chú ý của nhật báo kinh tế Les Echos. Tờ báo so sánh hệ thống tài chính hiện nay giống như là một con tàu, một lỗ thủng vừa được vá, thì lỗ thủng khác lại xuất hiện.
Theo Les Echos, trong báo cáo về ổn định tài chính, công bố ngày 10/10 tại Bali, IMF đưa ra một tổng kết phần nào khả quan về những cải tổ đã được thực hiện để củng cố hệ thống tài chính trong 10 năm qua. Các ngân hàng nay đã vững mạnh, số lượng và chất lượng vốn đã tăng mạnh. Nhưng theo IMF, hệ thống tài chính mới chưa được thử thách, cần phải thi hành thêm các biện pháp để tăng cường sức kháng cự của hệ thống này. Định chế tài chính quốc tế lo ngại về tình trạng nợ đang tăng lên trên toàn cầu, đặc biệt là nợ của khu vực phi tài chính đã tăng với nhịp độ nhanh hơn mức tăng trưởng kinh tế, nay đã lên đến 167 ngàn tỷ đôla, tức hơn 250% GDP, so với mức 113 ngàn tỷ đôla ( 210% GDP ) năm 2008.
Theo ghi nhận của IMF, hiện giờ, các áp lực vẫn được kềm chế và chỉ giới hạn tại một số quốc gia như Achentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Nam Phi. Nhưng không thể loại trừ khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng với quy mô lớn hơn, với nguy cơ là lần này, toàn bộ con tàu sẽ bị chìm.
Về văn hóa, nhật báo La Croix hôm nay
giới thiệu nhà văn Ukraina Andrei Kourkov,
nhân dịp ông đến Paris vào lúc tác phẩm mới của ông được xuất bản tại Pháp.
Là con của một bác sĩ, lớn lên tại Kiev, trong những năm 1980, Kourkov đã chọn học tiếng Nhật, vì lúc đó, do Liên Xô kiểm duyệt rất gắt gao văn hóa Mỹ, nhưng đối với văn hóa Nhật thì lỏng lẻo hơn, nên trí thức Ukraina có thể tiếp cận được các tác giả nổi tiếng của Nhật.
Nhờ biết tiếng Nhật mà trong thời gian đi nghĩa vụ quân sự, suýt nữa Kourkov đã vào làm cho cơ quan mật vụ KGB với nhiệm vụ nghe lén các cuộc đàm thoại của các sĩ quan xứ Mặt trời mọc. Vì không muốn chôn chân trong KGB, Kourkov phải tìm mọi cách để được thuyên chuyển đến làm cai tù trong một nhà tù ở Odessa và chính tại đây, tối đến, ông lại viết chuyện thiếu nhi.
Hết hạn nghĩa vụ quân sự, Kourkov chuyển sang viết kịch bản phim, rồi viết tiểu thuyết, trong bối cảnh Ukraina vừa giành độc lập, mở đầu một thời kỳ hỗn loạn kinh tế. Là người có tài châm biếm cái vô lý của mọi chuyện, Kourkov lấy cảm hứng từ tình hình của nước Ukraina mới để viết cuốn « Chim cánh cụt » và đã nhanh chóng nổi tiếng toàn thế giới. Cuốn « Chim cánh cụt » đã được dịch ra 37 thứ tiếng, kể cả tiếng Hoa. Dần dần Kourkov trở thành người tường thuật về những ngày đầu của nước Ukraina độc lập. Nay nhà văn Ukraina này đã viết tổng cộng 26 cuốn sách, trong đó có 23 tiểu thuyết. Tiểu thuyết mới nhất vừa được xuất bản ở Pháp là « Vilnius, Paris, Luân Đôn » nói về thế hệ trẻ Litva nhờ mở cửa biên giới nên đã có dịp khám phá các quốc gia Liên Hiệp Châu Âu.
Nhưng kể từ khi vùng Crimée bị sát nhập vào Nga, và chiến tranh ở đông Ukraina bùng nổ, Kourkov không còn thích cười như trước đây nữa, nội dung truyện của ông trở nên nghiêm chỉnh hơn một chút.
Trang nhất các nhật báo Pháp
Cải tổ hệ thống hưu bổng, đó là đề tài chiếm trang nhất các nhật báo Pháp hôm nay, 11/10/2018. Sau 6 tháng hội ý, hôm qua, chính phủ Pháp đã công bố những nét chính của kế hoạch cải tổ, được các công đoàn hài lòng đón nhận. Kế hoạch nhằm thiết lập một hệ thống hưu trí phổ quát, sát nhập toàn bộ các hệ thống với nhau và mỗi ngày làm việc sẽ được tính vào lương hưu, chứ không phải như hiện nay là tính trên 25 năm làm việc cuối cùng, đối với những người làm trong khu vực tư. « Cải tổ hưu bổng : một sự đảo lộn lớn », đó là ghi nhận của tờ nhật báo kinh tế Les Echos. Nhật báo Công giáo La Croix thì cho đây là « Một sự đơn giản hóa triệt để. ». Tờ Le Figaro, thiên hữu thì đánh giá : « Hưu bổng : chính phủ chọn phương pháp êm ái ».
Tờ Le Monde cũng dành tựa trên trang nhất cho tình hình chính trị nội bộ nước Pháp, giải thích vì sao việc cải tổ nội các lại khó khăn như vậy. Phải đến thứ bảy tuần này, tức là 8 ngày sau khi bộ trưởng Nội vụ Gérard Collomb từ chức, thành phần tân nội các mới có thể được công bố. Điều này phản ánh những khó khăn của tổng thống Emmanuel Macron trong việc thành lập chính phủ mới.
Riêng tờ Libération thì chú trọng đến phong trào #MeToo vừa bước sang năm thứ hai, với khởi đầu là vụ nhà sản xuất phim người Mỹ Harvey Weinstein ngày 05/10/2017 bị nhiều phụ nữ tố cáo trước đây đã bị ông cưỡng hiếp và lợi dụng tình dục.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181011-metoo-cau-chuyen-chi-moi-bat-dau
Tin đọc nhanh
(AFP) – Đạo sĩ trụ trì đền Yasukuni từ nhiệm sau khi chỉ trích Nhật Hoàng.
Theo giải thích của ban lãnh đạo đền ngày 11/10/2018, đạo sĩ Kohori đã có những phát biểu « không thích hợp ». Hồi tháng 6/2018, trong một cuộc họp các nhân vật cao cấp của đền hồi tháng 6/2018. Ông Kunio Kohori, 68 tuổi, có cho rằng Nhật Hoàng « đã tìm cách phá hủy đền Yasukuni », « Nhật hoàng càng có những chuyến thăm tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, đền Yasukuni càng bị khai trừ ».
(AFP) – Indonesia kéo dài thêm một ngày công tác cứu hộ.
Chính phủ Indonesia ngày 11/10/2018 thông báo kéo dài thêm một ngày công tác tìm kiếm nạn nhân, đến hết ngày thứ Sáu 12/10. Quyết định này được đưa ra theo yêu cầu của các gia đình nạn nhân. Số liệu thống kê chính thức cho biết có 2.073 người chết và hơn 10.000 người bị thương. Số người mất tích có thể vượt quá con số 5.000 người.
(AFP) – Tổng thống Đài Loan cáo buộc Trung Quốc là một mối thách thức nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định.
Trong bài phát biểu nhân quốc khánh Đài Loan, vào hôm qua, 10/10/2018, tổng thống Thái Anh Văn tuyên bố do nằm ở tuyến đầu vùng Tây Thái Bình Dương, Đài Loan đương nhiên phải hứng chịu nhiều sức ép mạnh mẽ. Việc Trung Quốc đơn phương tấn công ngoại giao và gây sức ép quân sự không làm tổn hại quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Trung Quốc cũng là một thách thức to lớn đối với nguyên trạng hòa bình và ổn định trong khu vực eo biển Đài Loan.
Trả lời phỏng vấn AFP, bà Thái Anh Văn nhấn mạnh : tôi hy vọng Đài Loan và Trung Quốc có thể duy trì quan hệ hòa bình và không khiêu khích nhau.
(AFP) – Thái Lan bắt giữ hai người Việt Nam.
Chính quyền Thái Lan ngày 11/10/2018 cho biết hai người này bị bắt vì tội tàng trữ trái phép xương và thịt cọp sấy khô. Những người này đã thú nhận mua xương và thịt cọp từ một người đồng hương với giá khoảng 750 euro để mang về bán lại trong nước. Theo tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã thế giới WWF, nạn buôn cọp tại châu Á chủ yếu đến từ khoảng 200 trại nuôi ở Thái Lan, Lào, Việt Nam hay Trung Quốc.
(AFP) – Sierra Leone hủy một dự án sân bay do một công ty Trung Quốc chủ thầu.
Chính phủ Sierra Leone ngày 10/11/2018 trong một thông cáo giải thích rằng dự án sân bay mới phục vụ cho thủ đô Freetown về mặt kinh tế là không có lãi, trong khi sân bay hiện tại chưa sử dụng hết công suất. Đây là một trong số các dự án do Trung Quốc tài trợ đã bị tổng thống Julius Maada Bio, trong quá trình vận động tranh cử chỉ trích là « lừa đảo ».
AFP – Gián điệp kinh tế Trung Quốc bị dẫn độ từ Bỉ về Mỹ.
Hôm nay, 11/10/2018, chính quyền Mỹ thông báo một gián điệp kinh tế Trung Quốc bị bắt tại Bỉ đã bị dẫn độ về Mỹ, vì những bị cáo buộc đã đánh cắp bí mật của các công ty hàng không. Đối tượng bị dẫn độ tên là Từ Diên Quân (Yanjun Xu). Theo bộ Tư Pháp Mỹ, Từ Diên Quân là một quan chức Bộ Công An Trung Quốc, bị bắt hôm 01/04 vừa qua tại Bỉ và ngày 10/10 đã được dẫn độ về Mỹ. Đây là lần đầu tiên một nhân viên tình báo Trung Quốc bị dẫn độ về Mỹ.
AFP – Tàu vũ Trụ Soyouz hạ cánh khẩn cấp vì hỏng động cơ.
Một động cơ của tàu vũ trụ Soyouz hôm nay bị hỏng sau khi cất cánh từ căn cứ Baikonour để bay tới Trạm không gian quốc tế ISS. Hai phi hành gia Nga và Mỹ an toàn sau khi phải hạ cánh tàu khẩn cấp. Tất cả các chuyến bay có người trên tàu vũ trụ Nga bay tới Trạm không gian quốc tế bị đình lại cho đến khi có lệnh mới. Cơ quan vũ trụ Nga cho hay hiện tại phi hành đoàn trên trạm ISS vẫn bảo đảm có đủ lương thực thực phẩm và hoạt động của trạm không bị ảnh hưởng bởi sự cố vừa rồi.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181011-tin-doc-nhanh