Tin Việt Nam – 11/10/2018
Ân Xá Quốc Tế kêu gọi cho Mẹ Nấm
Ân xá Quốc tế tiếp tục lên tiếng kêu gọi Việt Nam cho tù nhân chính trị Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được đoàn tụ với các con và thân mẫu.
Sáng ngày 10/10/2018, Ân xá Quốc tế (Amnesty International) khu vực Đông Nam Á & Thái Bình Dương đăng tải bài viết trên trang Facebook của tổ chức này với kêu gọi Việt Nam trả tự do cho blogger Mẹ Nấm nhân kỷ niệm 2 năm ngày nhà hoạt động nhân quyền này bị bỏ tù.
Tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động nhằm giải thoát tất cả tù nhân lương tâm nêu rõ phản đối mạnh mẽ việc giam giữ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và kêu gọi chính quyền ở Việt Nam trả tự do cho cô ngay lập tức và vô điều kiện.
Blogger Mẹ Nấm hay còn gọi là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt ngày 10/10/2016 sau khi đến trại giam Sông Lô, Nha Trang để thăm một người khác bị kết án 3 năm tù vì chia sẻ các bài viết trên Facebook.
Cô Quỳnh bị kết án 10 năm tù giam trong phiên tòa sơ thẩm ngày 29/6/2017.
Hàng loạt các chính phủ như Hoa Kỳ, Đức, Liên minh Châu Âu… lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho blogger Mẹ Nấm với lý do được nêu rõ là cô chỉ “biểu đạt ý kiến của mình về các vấn đề môi trường và xã hội một cách ôn hoà”.
Báo trong nước dẫn lời của Hội đồng xét xử cáo buộc, từ năm 2012 đến tháng 10/2016, Quỳnh đã sử dụng Facebook cá nhân để đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết có nội dung sai sự thật, không có căn cứ, tuyên truyền xuyên tạc, đả kích, nói xấu đường lối, chính sách của đảng Cộng sản, pháp luật của Nhà nước, xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc.
Hồi tháng 7/2018, nữ tù nhân lương tâm này phải tuyệt thực trong vòng 16 ngày để phản đối tình trạng bản thân bị ngược đãi, khủng bố, đe dọa đến mạng sống khi đang thụ án tại Trại giam số 5, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá.
Tù nhân trẻ Đinh Nguyên Kha mãn án 6 năm
Tù nhân chính trị trẻ Đinh Nguyên Kha vào ngày mai 11 tháng 10 sẽ mãn án 6 năm tù mà thanh niên này phải chịu do bị cáo buộc chính là ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, thân mẫu của Đinh Nguyên Kha vào chiều ngày 10 tháng 10, cho Đài Á Châu Tự Do biết một số thông tin liên quan như sau:
“Bữa hôm 8 Tây cô ra tận trại tù cô thăm Đinh Nguyên Kha một lần chót để cô hỏi hỏi kỹ nó có đúng là 11 Tây tháng 10 họ thả không.
Thì đúng như vậy. Thằng cán bộ cũng nói 11 Tây tháng 10 thả nhưng mà họ sẽ đưa về địa phương quản lý chứ không cho thằng Kha tự động đi về. Mình không biết họ đưa về chỗ nào thành ra ngày mai cô cũng đi săn đón coi ngày mai đưa về chỗ nào chứ họ cũng không muốn mình đi đón thằng con mình.
Hình như nó bị án quản thúc 3 năm thành ra họ sẽ quản lý nó ở đâu rồi họ bắt nó đi honda ôm về hay đi bộ về. Cho con mình về một cách hèn hạ, không cho ai tiếp rước. Cái trận chiến nầy là một mất một còn. Nó tính toán thì cô cũng tính toán.
Ngày mai cô sẽ nhờ những anh honda ôm canh những cổng của nó để coi con mình nó xuống chỗ nào”
Đinh Nguyên Kha sinh năm 1988, cư ngụ tại Long An. Anh bị bắt vào ngày 11 tháng 10 năm 2012 và bị đưa ra xét xử vào ngày 16 tháng 5 năm 2013 với mức án 6 năm tù giam và 3 năm quản chế với cáo buộc chính như vừa nêu. Đinh Nguyên Kha ra tòa cùng vụ với bạn trẻ Nguyễn Phương Uyên.
Đinh Nguyên Kha từng tham gia các hoạt động phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của Việt Nam ở Biển Đông.
Người anh trai của Đinh Nguyên Kha là Đinh Nhật Uy bị bắt vào tháng 6 năm 2013 với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ và bị tuyên án treo 15 tháng.
Sau khi hai người con bị bắt và bị bỏ tù vì những hoạt động yêu nước, thân mẫu của hai anh, tìm cách sử dụng mạng để lên tiếng đòi công lý con con trai bà.
Facebooker Lê Minh Thể bị khởi tố
với cáo buộc ‘xuyên tạc Nhà nước’
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) vào chiều ngày 10 tháng 10 ra quyết định bắt tạm giam 2 tháng và khởi tố ông Lê Minh Thể, một Facebooker để điều tra về cáo buộc có hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo điều 331, Bộ Luật Hình sự 2015.
Tin trong nước loan đi cho biết ông Lê Minh Thể, 55 tuổi, ngụ phường An Thới, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ, đã lập nhiều tài khoản Facebook cá nhân từ đầu năm 2017 đến nay. Nội dung do ông Thể chuyển tải lên các tài khoản Facebook này được cho là có nội dung mà cơ quan chức năng cho là xuyên tạc chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng, Nhà nước.
Theo Cơ quan điều tra, từ tháng 6, ông Thể thường xuyên lên Facebook nhằm mục đích kết nối với các phần tử bị cho là phản động trong và ngoài nước, thực hiện các livestream kêu gọi người dân biểu tình chống hai dự Luật Đặc khu và An ninh mạng.
Vụ án đang được Công an quận Bình Thuỷ, thành phố Cần Thơ điều tra và làm rõ.
Vào tháng 9 vừa qua, cũng tại thành phố Cần Thơ, có 4 facebookers bị tuyên án đó là Nguyễn Hồng Nguyên 2 năm tù, Trương Đình Khang một năm tù, Đoàn Khánh Vinh Quang 2 năm 3 tháng tù và Bùi Mạnh Đồng 2 năm 6 tháng tù. Cáo buộc được đưa ra là lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Đại sứ quán Mỹ “quan ngại” việc kết án 5 nhà hoạt động
Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam hôm 9/10 ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Việt Nam kết án năm nhà hoạt động, trong đó có ông Lưu Văn Vịnh và ông Nguyễn Văn Đức Độ, với án tù từ 8 đến 15 năm với cáo buộc mơ hồ “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Tuyên bố được đăng trên trang web của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam nêu rõ, “Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả tất cả tù nhân lương tâm, và cho phép tất cả các cá nhân ở Việt Nam tự do bày tỏ quan điểm mà không lo sợ bị trừng phạt.”
Và “cũng hối thúc chính phủ Việt Nam đảm bảo hành động và luật pháp của mình, trong đó có Luật Hình sự, nhất quán với những điều khoản trong Hiến pháp Việt Nam cũng như những nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam.”
Đại sứ quán Mỹ nhận định, “Xu hướng gia tăng các vụ bắt giữ và những bản án nặng nề đối với các nhà hoạt động ôn hòa từ đầu năm 2016 đến nay hết sức đáng lo ngại.
Từ đầu năm 2018 đến nay, Việt Nam đã kết án hơn 30 nhà hoạt động ôn hòa, tăng đáng kể so với năm ngoái.”
Tòa Án Thành phố Hồ Chí Minh hôm thứ Sáu, ngày 5 tháng 10, tuyên án tù đối với 5 nhà hoạt động với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền khi tham gia tổ chức có tên “Liên minh Dân tộc Việt Nam”.
Trong khi đó, truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn kết luận của Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác định đây là vụ án xâm phạm an ninh quốc gia do 5 bị cáo trên thực hiện.
Hoạt động của họ bị cáo buộc là có tổ chức chặt chẽ và có sự phân công nhiệm vụ cụ thể.
Oan khuất Thủ Thiêm:
Bản Sonata đầu tiên cho Nhà hát Giao hưởng
Cánh Cò
Hơn hai mươi năm qua, dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đã đẩy người dân tại đây trở thành tha phương cầu thực. 14.600 hộ dân với hơn 60.000 nhân khẩu đã dời đi để nhường chỗ cho siêu dự án này. Những lời hứa mật ngọt ban đầu đã khiến không ít người hy vọng có cuộc sống tươi đẹp hơn khi được là công dân của Khu Đô thị mới vì nhà nước hứa sẽ dành riêng 160 hecta để cất nhà cho những gia đình bị giải tỏa. Họ chưa kịp vui thì tin … buồn ập tới, họ không được phân lô trong khu vực của Đô thị mới Thù Thiêm mà được UBND thành phố cấp một ít tiền hỗ trợ để mua đất tái định cư tận trên Bình Trưng, Cát Lái, Thạnh Mỹ Lợi và Nam Rạch Chiếc, cách xa quê quán của họ hơn mười cây số.
Người dân Thủ Thiêm lúc ấy nhận được mức đền bù 18.380.000 VND một mét vuông vào năm 2009, và họ cay đắng khi biết được rằng chủ đầu tư có đất của họ đã bán lại với giá 350 triệu đồng một mét vuông. Cảm giác bị bóc lột tận xương trên con đường luân lạc đeo đẳng hơn 20 năm, sự uất ức đè nặng lên từng gia đình cho dù họ có cố tìm quên trong đời sống mới.
Hàng trăm hộ không chấp nhận sự bóc lột tàn tệ đã bám trụ lại và bị dồn vào những căn nhà ổ chuột để chờ đợi. Chờ đợi gì sau bao năm mòn mỏi khiến họ quên mất, cái họ đang sống cùng là những căn nhà không thể gọi là nhà, nó có 20 m2 cho một hộ gia đình có đến 8 tới 10 nhân khẩu.
Đất Thủ Thiêm đã có người tự sát vì oan ức, đã có hàng chục người trở thành mất trí vì uất hận, đã có hàng trăm người bỏ công ăn việc làm chỉ để đi khiếu kiện, ngay cả ra tận Hà Nội họ cũng chấp nhận vì họ hiểu rằng phía sau những tờ giấy mà họ nhận được từ chính quyền thành phố là những âm mưu, những trò lách luật, những ve vuốt lẫn hăm dọa trên chữ nghĩa phải được trả lại sự thật. Họ tin vào một điều gì rất mơ hồ, không phải là Đảng mà nhiều gia đình Thủ Thiêm từng bảo bọc, không phải là niềm tin Cách mạng mà cách đây hơn 40 họ gắn bó. Họ khiếu kiện vì biết chắc chắn bị bọn cường hào đỏ áp bức, mà bị áp bức thì phải tranh đấu, đó là thuộc tính của con người.
Hầu như năm nào thì vụ Thủ Thiêm cũng được mang ra mổ xẻ nhằm làm dịu cơn đau của những nạn nhân mất đất. Mỗi lần như vậy người dân lại thấy thêm một thủ thuật của chính quyền trong vấn đề hứa hẹn. Đại biểu Quốc hội đơn vị tp HCM, kiêm chủ tịch HĐND thành phố, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, người gắn bó với vụ án Thủ Thiêm không phải vì sự oan khuất của họ mà bởi bà là chiếc loa của thành phố, gần như phát ngôn viên chính thức về mọi vấn đề mà thành phố đưa ra.
Chiều ngày 9 tháng 5 năm 2018 có lẽ là buổi chiều mà người dân Thủ Thiêm nhớ đời sau hơn 20 năm lặn lội kêu gào trả lại công lý cho họ. Lần đầu tiên trong gần 7 tiếng đồng hồ, hàng chục người dân đã nhìn thẳng vào mặt chủ tọa đoàn tra vấn về những gì mà UBND thành phố đã cướp đoạt bất hợp pháp tài sản của họ. Hàng chục phụ nữ khóc lóc như gia đình có người lìa trần chỉ để hỏi bà Nguyễn Thị Quyết Tâm tại sao bao nhiêu năm rồi mà đơn thư của họ không được giải quyết. Có người bất tỉnh trong buổi chất vấn, có người dứ nắm đấm vào mặt những người đại diện cho chính quyền, nói chung, khi xem lại video do VTC thực hiện người xem cảm nhận rất rõ mảnh đất Thủ Thiêm hôm nay thấm đẫm oan khuất đến mức nào.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm như thường lệ, không tỏ vẻ bối rối trước sự giận dữ của đám đông quần chúng. Không những thế bà còn “tâm sự”: “Cô bác hỏi có day dứt không, xin thưa là tôi rất day dứt. Nghe cô bác nói vậy, xót lắm. Chính quyền giải quyết vấn đề lớn mà cô bác chưa đồng tình và khiếu nại, nghĩa là còn tin chúng tôi. Tôi cam đoan khi nào còn một ý kiến phản ánh thì vẫn còn đeo bám giải quyết vấn đề ở Thủ Thiêm”.
5 tháng sau ngày bà phát biểu về ý nghĩa của hai chữ day dứt, chưa người dân Thủ Thiêm nào nhận được tờ giấy có chữ ký của bà cho biết vụ Thủ Thiêm đã được tiến triển tới đâu. 5 tháng sau ngày ấy là một sự chờ đợi mỏi mòn của người mất đất, và hôm nay bà Quyết Tâm đã qua báo chí cho biết bà hoàn toàn ủng hộ dự án xây Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.
Bà ủng hộ vì theo bà, người dân Khu đô thị mới Thủ Thiêm rất cần nhà hát Giao Hưởng này.
Không khó để nhận ra “Quyết Tâm” tên của bà, từ nay đã trở thành “Nhẫn tâm” dưới mắt người dân. Không những tại Thủ Thiêm mà trên khắp nước, bởi nơi nào người dân còn tấm lòng thiện lương sẽ phát hiện ngay sự nhẫn tâm của bà trong câu nói tưởng chừng rất “vô tội vạ” cốt đánh bóng, tuyên truyền cho nhà nước một dự án như hàng ngàn dự án vô bổ khác trên khắp đất nước này.
Nước mắt và tiếng than khóc của người dân Thủ Thiêm đã và sẽ còn ám ảnh cho bất cứ ai nhớ tới. Trong cái nhà hát đạt tiêu chuẩn quốc tế ấy có tiêu chuẩn nào được tính cho sự ác độc, tàn bạo của kẻ cầm quyền hay không?
Người dân nào sẽ vào cái nhà hát “Giao hưởng” ấy khi nó mọc lên từ hoang tàn của lòng nhân đạo và nỗi ám ảnh bị cướp bóc còn hằn sâu trong lòng người mua vé vào xem.
Người Cộng sản xem ra rất phù hợp với hai câu thơ khuyến khích những hoạt động cách mạng trong xu thế hiện đại:
“Bất nhân nào cũng vượt qua / Nhân dân nào cũng đánh thắng”
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/plight-of-thu-thiem-10102018114822.html
Nhà hát giao hưởng ở TPHCM: Dự án truân chuyên?
Mạng xã hội ở Việt Nam đang tranh cãi việc HĐND TP.Hồ Chí Minh ngày 8/10 thông qua Nghị quyết thống nhất xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch thành phố với tổng kinh phí đầu tư dự án hơn 1.508 tỷ đồng.
Bàn tròn thứ Năm: Thủ Thiêm nóng lên và Điều trần Hiệp định EVFTA
Nhà hát 1.500 tỷ đồng: ‘Quyết định bất thường’?
Vụ Thủ Thiêm ‘đã động đến các quyền của dân’
Theo báo chí Việt Nam, nhà hát này có 1.700 chỗ, 2 khán phòng và được xây dựng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), thực hiện trong giai đoạn năm 2018 – 2022.
BBC điểm lại các cột mốc liên quan dự án đã có từ lâu này nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện ở TPHCM.
Tháng 4/1999:
Thường vụ Thành ủy TPHCM quyết định chuyển trụ sở Công ty Xổ số kiến thiết (23 Lê Duẩn, quận 1) thành Nhà hát Giao hưởng – Vũ kịch thành phố.
Tháng 5/2000:
Ủy ban Nhân dân (UBND) TPHCM ra quyết định duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới ngành Văn hóa thông tin thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010.
Theo đó, sẽ chuyển trụ sở Công ty xổ số kiến thiết thành Nhà hát giao hưởng vũ kịch thành phố, bố trí một rạp hát có vị trí và quy mô tương xứng tại đường Trần Hưng Đạo để làm trụ sở Công ty xổ số kiến thiết.
Tháng 2/2003:
UBND TPHCM giao Sở Văn hóa và Thông tin chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan, chuẩn bị kế hoạch xây dựng rạp xiếc, nhà hát giao hưởng vũ kịch và mở rộng bảo tàng Lịch sử thành phố.
Tháng 11/2010:
UBND TPHCM ban hành Quyết định số 5061/QĐ-UBND về duyệt nhiệm vụ điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trong đó, bố trí thêm một số công trình công cộng cấp thành phố, như: Trụ sở phòng cháy chữa cháy, Bệnh viện quốc tế, Nhà hát giao hưởng, Cung văn hóa thiếu nhi..
Tháng 12/2010:
Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân TPHCM về đầu tư, xây dựng, phát triển các cơ sở vui chơi giải trí cho trẻ em trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011-2015:
“Tổ chức thực hiện các công trình Khu liên hợp Thể dục – Thể thao Rạch Chiếc (quận 2), Bảo tàng thành phố, Nhà hát Giao hưởng – Vũ – Kịch thành phố (tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm), Nhà xiếc thành phố.”
Tháng 3/2013:
Báo chí Việt Nam cho hay UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương xây Nhà hát Giao hưởng – Nhạc – Vũ kịch (HBSO) trong công viên 23.9.
Tháng 4/2013:
Nhạc trưởng Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM, nói với báo chí Việt Nam:
” Ở Lê Duẩn thì diện tích nhỏ, lại không có 4 mặt tiền cho phù hợp với kiến trúc của một nhà hát bề thế. Bến Nhà Rồng vị trí rất đẹp nhưng rất khó có thể giải tỏa những công trình đã có sẵn để xây dựng nhà hát.”
“Còn ở Thủ Thiêm thì quá hoang vu, dù trong quy hoạch thì khu vực này sau sẽ sầm uất nhưng hiện giờ, cho đến lúc nhà hát hoàn thành theo dự kiến (năm 2015) thì ở đó vẫn chưa có cơ sở hạ tầng và nhà hát không thể mọc lên giữa xung quanh là ruộng.”
“Vị trí mà tôi cho là sẽ đẹp nhất là dải eo đối diện Bến Nhà Rồng. Khi nhà hát nằm ở vị trí đó, nếu được thiết kế, xây dựng đúng tầm, nó sẽ trở thành một công trình văn hóa biểu tượng của thành phố, giống như Nhà hát Con sò ở Sydney vậy.”
“Tuy nhiên để xây dựng được nhà hát ở vị trí đó sẽ cần tới cả tỷ USD, trong khi ngân sách xây nhà hát hiện chỉ có 100 triệu USD, như thế cũng là một số tiền quá lớn rồi. Mơ mộng là như thế nhưng phải thực tế và phải đi theo lộ trình. Vả lại, thành phố này cần xây thêm nhiều nhà hát chứ không chỉ một nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch. Rất có thể, những vị trí kia sẽ dành cho những nhà hát được xây dựng trong tương lai.”
Tháng 5/2013:
Báo Sài Gòn Tiếp Thị đăng bài Sáu dự án đủ sức đánh thức Thủ Thiêm, viết: “Đây là một trong số các dự án lấn cấn nhiều nhất và đã mất hơn mười năm trong hành trình tìm địa điểm.”
Theo bài viết, ban đầu dự định sử dụng địa điểm của công ty Xổ số kiến thiết – 23 Lê Duẩn – nhưng không được chấp thuận vì quá nhỏ, sau đó được chuyển sang Thủ Thiêm với một diện tích khá lớn, nhưng “do Thủ Thiêm án binh bất động nên dự án này được khởi động lại tại công viên 23.9”.
“Vẫn có ý kiến cho rằng việc chọn địa điểm 23.9 là để đáp ứng nhu cầu cấp bách trước mắt bởi dự án này kéo dài hơn mười năm, trong khi các máy móc thiết bị, nhạc cụ rất đắt tiền đã mua về và đang trùm mềm. Do vậy mà Thủ Thiêm vẫn phải dành đất để cho con cháu sau này xây dựng nên một nhà hát giao hưởng – tạp kỹ xứng tầm một thành phố 10 triệu dân.”
Cũng theo bài này, “cho đến nay công ty Busmann Haberer, Muller, Inros Lackner, Cộng hoà liên bang Đức nhận lời sẽ là đơn vị tư vấn thiết kế nhà hát, nhưng vẫn còn đang khảo sát cho nên chưa đưa ra được ý kiến chính thức cũng như thiết kế kiến trúc”.
Tháng 8/2016:
Hội đồng Nhân dân TPHCM ra Nghị quyết: Đẩy nhanh tiến độ dự án Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, Nhà hát giao hưởng, nhạc, vũ kịch, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang…
Tháng 12/2016:
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nói: “Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM điểm lại, 40 năm qua, TP chỉ xây dựng được 1 công trình văn hóa là Nhà hát Hòa Bình, còn trung tâm ca nhạc nhẹ, nhà hát giao hưởng vẫn là… dự án trên giấy.”
“Vì thế, dứt khoát trong nhiệm kỳ này, TP phải hoàn thành 4 công trình văn hóa: nhà hát giao hưởng, trung tâm ca nhạc nhẹ, sân khấu tuồng và nhà biểu diễn xiếc. Tôi ghi nhận câu chất vấn như một lời đề nghị thiết tha. Tôi khẳng định, dầu khó khăn mức độ nào, thì sự đầu tư phát triển các cơ sở văn hóa, an sinh xã hội, giáo dục, y tế vẫn được bảo đảm.”
TP phải hoàn thành 4 công trình văn hóa: nhà hát giao hưởng, trung tâm ca nhạc nhẹ, sân khấu tuồng và nhà biểu diễn xiếc.Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, 12/2016
Tháng 3/2017:
Tờ Đại biểu Nhân dân dẫn lời ông Trần Vương Thạch cho biết
“Dự án xây mới Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch (GHNVK) đã được đề xuất từ năm 1999, trước khi tôi tiếp quản công việc điều hành nhà hát, cho tới năm 2005 thì chính thức được phê duyệt bằng quyết định số 6404/QĐ/UBND ký ngày 16.12.2005 về việc thu hồi và bàn giao nhà, đất số 23 Lê Duẩn (dời chuyển trụ sở Công ty xổ số) để Sở VH, TT – DL TP Hồ Chí Minh đầu tư, sửa chữa, bố trí sử dụng cho Nhà hát GHNVK.”
“Nhưng sau đó có ý kiến cho rằng địa điểm đó chưa xứng tầm cần chọn địa điểm khác phù hợp hơn.”
Sau đó, thành phố dự định xây nhà hát ở Công viên 23.9 với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 2.200 tỷ đồng.
Chúng tôi lại nhận được thông tin thay đổi chủ trương một lần nữa, quyết định đưa nhà hát về xây dựng tại Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2) nhưng địa điểm đó quá xa, rất khó khả thi.Trần Vương Thạch, 3/2017
“Tưởng mọi chuyện đã ổn vậy mà sau đó, có ý kiến cho rằng không nên xây dựng công trình trên Công viên 23.9 là lá phổi xanh của thành phố.”
“Chúng tôi lại nhận được thông tin thay đổi chủ trương một lần nữa, quyết định đưa nhà hát về xây dựng tại Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2) nhưng địa điểm đó quá xa, rất khó khả thi, không thể đưa khách từ trung tâm ra tới ngoại thành để xem biểu diễn như thế được. Vì nhiều khúc mắc như vậy nên tới nay dự án vẫn đang… nằm trên giấy,” ông Thạch cho biết.
Tháng 9/2017:
Bản tin của Thành ủy TPHCM cho hay không có điểm diễn riêng, HBSO phải ký hợp đồng dài hạn với Nhà hát TPHCM và dù đã lấy giá “rất hữu nghị” nhưng cũng mất 16 triệu đồng cho mỗi buổi tập, diễn.
Nhạc trưởng Trần Vương Thạch nói với bản tin: “Chúng tôi tha thiết mong chờ một nhà hát giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch đạt chuẩn và xứng tầm với vị trí, vai trò một TPHCM văn minh, hiện đại, năng động – điều mà chúng tôi đã được hứa từ 20 năm nay.”
“Việc xây dựng nhà hát cho HBSO đã nhiều lần được đưa vào Nghị quyết của TP, từ địa điểm đầu tiên là 23 Lê Duẩn (mặt bằng Công ty Xổ số kiến thiết) rồi chuyển sang Công viên 23/9 và giờ xác định tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.”
“Không thể trách nghệ sĩ chúng tôi bức xúc khi đã nhiều lần tổ chức hội thảo lấy ý kiến, đã mời nhà thiết kế từ Đức, đã có bản vẽ và rồi tất cả lại trôi qua để đến nay phải làm lại từ đầu và không biết đến bao giờ nhà hát mới thật sự hiện diện.”
Tháng 9/2018:
UBND TPHCM có tờ trình HĐND TP chủ trương đầu tư công dự án nhóm A sử dụng ngân sách TP đối với dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch.
Theo đó, công trình trên sẽ do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Văn hóa và Thể thao TP làm chủ đầu tư. Công trình có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.500 tỷ đồng từ ngân sách TP (từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn, Quận 1).
Tháng 10/2018:
Kỳ họp HĐND TP.Hồ Chí Minh diễn ra ngày 8/10, đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm A sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố, thống nhất xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch thành phố với tổng kinh phí đầu tư dự án hơn 1.508 tỷ đồng.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45828040
Phản ứng của người dân quanh việc tăng giá xăng dầu
Liên bộ Tài chính – Công Thương Việt Nam cuối tuần qua vừa ra thông báo đồng loạt tăng giá tất cả mặt hàng xăng dầu. Theo đó, giá xăng sinh học E5 tăng 675 đồng/lít, lên mức 20.906 đồng/lít; xăng A95 tăng 577 đồng/lít, lên mức 22.347 đồng/lít. Các loại dầu cũng tăng 403-752 đồng/lít, kg tùy loại. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ đầu năm nay và cũng là lần thứ ba liên tiếp trong hơn một tháng qua giá xăng dầu tăng mạnh.
Nếu như đối với các doanh nghiệp xăng dầu, mức tăng này giúp họ kiếm thêm hàng trăm tỷ đồng thì với những công ty vận tải, doanh nghiệp sản xuất hay người tiêu dùng, xăng dầu tăng giá khiến hoạt động kinh doanh của họ gặp khó khăn lớn, nhiều người không khỏi đau đầu khi mức thu nhập bị ảnh hưởng và nỗi lo sợ xăng dầu tiếp tục tăng giá vẫn chưa dừng lại.
Giá có ngừng tăng?
Một nhà báo, hiện sống ở miền Nam Việt Nam không muốn nêu tên chia sẻ:“Có một thực trạng ở Việt Nam là lượng người làm nông quá cao, hiện tại cũng vậy và lượng công nhân ở các khu chế xuất, công nghiệp cũng vậy. Cả hai nhóm này đều dùng đến xe máy, tương tác với sản phẩm xăng rất nhiều, thiệt thòi đầu tiên khi xăng tăng là những nhóm lao động chịu thiệt thòi đầu tiên.”
Lạm phát sẽ tiếp tục tăng khi xăng dầu tiếp tục tăng giá kéo theo chi phí sản xuất và tiêu dùng tăng, giá các loại hàng hóa và dịch vụ trên thị trường sẽ tăng theo bởi xăng dầu là đầu vào quan trọng của nhiều ngành.
Theo nhà báo này, lạm phát sẽ tiếp tục tăng khi xăng dầu tiếp tục tăng giá kéo theo chi phí sản xuất và tiêu dùng tăng, giá các loại hàng hóa và dịch vụ trên thị trường sẽ tăng theo bởi xăng dầu là đầu vào quan trọng của nhiều ngành.
Vị này đặt ra câu hỏi vì sao là một quốc gia có sản lượng dầu thô lớn hơn nhiều nước và có hai nhà máy lọc dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi và Nghi Sơn ở Thanh Hóa đã đi vào vận hành nhưng mức giá xăng dầu ở Việt Nam lại cao hơn nhiều nước khác không có trữ lượng dầu thô và không có nhà máy lọc dầu? Phải chăng do sự quản lý trong việc khai thác trữ lượng dầu thô không khoa học và chính sách quản lý tiền tệ của Việt Nam có vấn đề?
Nhà báo này chia sẻ thêm:“Giá xăng tăng, không riêng gì xăng tăng, hiện tại theo tôi biết thì rất nhiều thứ vật giá leo thang là do đồng Việt Nam trượt giá so với đồng đô la. Mà điều đó tôi nghĩ là do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung tác động không nhỏ lên khu vực châu Á – Thái Bình Dương này, mà trong đó thì Việt Nam chắc chắn lãnh đòn nặng hơn những nước khác như Lào, Campuchia vì Việt Nam phụ thuộc quá nặng vào Trung Quốc. Trung Quốc bị ảnh hưởng thì mình bị ảnh hưởng thôi. Điều đó là một hệ lụy chắc chắc phải xảy ra thôi, mà tôi nghĩ là giá xăng còn tăng nữa, vật giá sẽ còn leo thang nữa, nếu cán cân thương mại lệch về phía Mỹ, thì chắc chắn Việt Nam còn bị tăng giá nữa.”
Hầu hết các mỏ dầu ở Việt Nam đều đã khai thác trong thời gian dài và hiện đang trong giai đoạn cuối dẫn tới suy giảm sản lượng tự nhiên. Từ chỗ là một nước xuất khẩu dầu thô, Việt Nam đã nhập khẩu 1,25 triệu tấn dầu thô trong 6 tháng đầu năm 2018 với trị giá gần 600 triệu đô la, tăng hơn 411% so với nửa đầu năm ngoái, như vậy, tự thân xăng dầu được sản xuất trong nước đã bị đội giá lên cao do phải nhập khẩu ngày càng nhiều hơn lượng dầu thô.
Nếu như có đủ thời gian, cơ hội cũng như tri kiến để tìm hiểu về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa… thì người ta không còn đủ thời gian để kiếm sống. Và cứ thế, giá xăng cứ tăng nhảy nhót trên túi tiền người lao động Việt Nam!
Riêng xăng dầu sử dụng, chỉ trong 8 tháng năm 2018, Việt Nam đã chi 5,71 tỷ USD để nhập khẩu hơn 8,6 triệu tấn xăng dầu các loại. Với tỷ giá tăng liên tục từ tháng 7 đến nay, giá xăng tại Việt Nam đang trên đà tăng chưa dừng lại. Cộng thêm tác động của giá thế giới và thuế bảo vệ môi trường đánh lên xăng tăng lên mức 4.000 đồng/lít sắp tới đây, việc xăng dầu tăng giá phi mã khó có thể tránh được.
Ai chịu thiệt
Chia sẻ về nỗi bức xúc của mình, anh Văn Công Thắng, một lao động trong ngành nghề xây dựng cho hay:“Một ngày thì hai vợ chồng đi làm 50 ngàn tiền xăng, thì vợ tranh thủ đi chợ luôn. Nói chung là giờ biết sao, phải nhịn lại thôi, mình phải khắc phục chứ biết sao chừ…!”
Anh Thắng chia sẻ thêm rằng, đây không phải là lần đầu tiên anh đưa ra ý kiến của mình khi giá xăng tăng, tuy nhiên cũng như nhiều lần trước, anh tự hỏi không biết những bức xúc của mình sẽ đến được tai ai?
Từ nhà anh Thắng đến chỗ làm việc gần 45km, với chiếc xe ngốn xăng của mình, một ngày đi và về anh đã phải chi hơn 40 ngàn tiền xăng, cũng đồng nghĩa với 15% tiền công mỗi ngày phải chi trả cho xăng, chưa kể tiền xăng vợ anh đi chợ, đưa đón con đi học… và với đà xăng tăng giá liên tục như hiện tại, có lẽ thời gian tới, toàn bộ tiền công mà anh làm được hàng ngày không đủ để chi trả cho các khoản xăng xe, điện, nước, tiền lo con ăn học và các khoản khác trong đời sống bởi các mặt hàng khác cũng tăng giá theo, duy chỉ có tiền công của anh khó mà tăng theo kịp. Như vậy, không chỉ anh mà những người lao động tay chân khác cũng sẽ khốn đốn hơn cuộc sống hằng ngày.
Càng về sau, chỉ số tăng giá xăng dầu càng đáng sợ. Nhưng đáng sợ nhất vẫn là chuyện người tiêu dùng không thể biết hay không thể để ý được giá xăng đang tăng và mức độ gánh chịu của họ. Bởi vì nếu như có đủ thời gian, cơ hội cũng như tri kiến để tìm hiểu về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa… thì người ta không còn đủ thời gian để kiếm sống. Và cứ thế, giá xăng cứ tăng nhảy nhót trên túi tiền người lao động Việt Nam!
‘Không có sức ép quốc tế, tôi không đi dự EVFTA được’
Quốc PhươngBBC Tiếng Việt
Mặc dù số đông trong khối doanh nghiệp ủng hộ phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA), nhiều ủy ban của EU nêu lo ngại trong đó có vấn đề về nhân quyền, môi trường, phát triển bền vững, một nhà hoạt động cho xã hội dân sự Việt Nam được mời tham dự chính thức phiên điều trần ở Brussels, Bỉ, hôm thứ Tư nói với BBC.
Không thấy có ‘cam kết nhượng bộ’ nào được đưa ra trong cuộc điều trần này, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A nói với BBC Tiếng Việt hôm 11/10/2018, ngay sau cuộc điều trần mà ông được mời tham dự.
“Từ nay đến ngày ký có lẽ 17/10 thì bên ngoài khó có thể biết có gì (thỏa thuận, nhượng bộ) không trong quá trình từ nay đến đó và tôi không nghe ai nhắc đến vụ Trịnh Xuân Thanh cả”, vẫn theo nhà vận động xã hội dân sự, người đồng thời là nguyên Viện trưởng Viện phản biện chính sách IDS (đã tự giải thể).
Bàn tròn thứ Năm: Thủ Thiêm nóng lên và phiên Điều trần EVFTA
Quan hệ Việt Đức khôi phục trước khi EVFTA thông qua?
Chính khách khắp nơi kêu gọi VN cải thiện nhân quyền
Tôi thấy không có cam kết nhượng bộ nào được đưa ra trong cuộc điều trần; từ nay đến ngày ký, mà có lẽ là 17/10, thì bên ngoài khó có thể biết có gì không trong quá trình từ nay đến đó; Tôi không nghe ai nhắc đến vụ Trịnh Xuân Thanh cảTSKH Nguyễn Quang A
VN-EU: Cần gỡ rối cho vụ Trịnh Xuân Thanh
Trước hết, trả lời câu hỏi liệu có gì đặc biệt về cuộc điều trần hôm 10/10 liên quan việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói:
“Tôi dự lần đầu nên không so sánh được; tôi nghĩ nó diễn ra bình thường và toàn bộ được livestream cho nên người dự và người xem có thể thấy gì đặc biệt hay không.”
Về điểm chính mà hai bên đã hỏi đáp nếu có liên quan tới nhà hoạt động xã hội dân sự này liên quan tới sự kiện điều trần, ông Nguyễn Quang A cho biết:
“Không có câu hỏi nào trực tiếp cho tôi cả, nhưng có khá nhiều câu hỏi cho EU và chính phủ Việt Nam về nhân quyền, môi trường, lao động cũng như cam kết của Việt Nam.”
Lo ngại của EU?
Khi được đề nghị đưa ra đánh giá về kết quả của điều trần và tác động của nó đến Hiệp định EVFTA mà hai bên đàm phán, ký kết và kỳ vọng thông qua, nhà hoạt động nói tiếp:
“Phần rất đông của doanh nghiệp ủng hộ nhiệt liệt, các quan chức của EU và đại diện của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng vậy, tuy nhiên nhiều đại diện của nhiều ủy ban của EU, chắc là bên Nghị viện, nêu nhiều lo ngại về nhân quyền, môi trường, phát triển bền vững v.v…”
EU cảnh cáo VN vì ngư dân ‘đánh bắt phi pháp’
EU tăng cường bảo vệ dữ liệu người lên mạng
Mỹ bác đề xuất miễn trừ của EU
EU-Nhật ký thỏa thuận thương mại tự do lớn
“EU công bố đã hoàn tất mọi thủ tục cho quá trình xem xét phê chuẩn; có lẽ Hiệp định Thương mại tự do (FTA) này sẽ được ký nhân dịp Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc sang đây sau khoảng một tuần; quá trình phê chuẩn chưa thể đoán trước vì thời gian gấp gáp.”
Về câu hỏi qua cuộc điều trần hôm 10/10, có thể nhận xét thế nào về những quan tâm của phía EU và khả năng đáp ứng của Việt Nam, TSKH Nguyễn Quang A đáp:
“Do hai bên đã thống nhất về văn bản nên tôi không nghĩ sẽ có thay đổi. Họa chăng có thể có cam kết thêm bằng văn bản về lộ trình thực hiện.”
Tôi không biết có thỏa thuận gì giữa EU và Việt Nam về việc dự của tôi, nhưng tôi biết về sự can thiệp rất mãnh liệt của Brussels và phái đoàn EU tại Hà Nội cũng như của Sứ Quán Đức; không có sức ép rất mạnh của họ chắc tôi không dự đượcTSKH. Nguyễn Quang A
Khi được hỏi liệu có nhượng bộ nào đã được hai bên Việt Nam và EU thực hiện, trong đó, vấn đề vụ việc Trịnh Xuân Thanh có tiến triển gì hay không, nhà hoạt động xã hội dân sự trả lời:
“Tôi thấy không có cam kết nhượng bộ nào được đưa ra trong cuộc điều trần; từ nay đến ngày ký, mà có lẽ là 17/10, thì bên ngoài khó có thể biết có gì không trong quá trình từ nay đến đó; Tôi không nghe ai nhắc đến vụ Trịnh Xuân Thanh cả.”
Là một phần thỏa thuận?
Trước câu hỏi về mặt cá nhân ông Nguyễn Quang A, liệu việc xuất hiện của ông ở phiên điều trần có là một phần của thỏa thuận hai bên, chẳng hạn Đức – Việt hay EU – Việt Nam, hay không và có điều gì đặc biệt có thể chia sẻ, nhà hoạt động đáp:
Slovakia vẫn ‘điều tra’ vụ Trịnh Xuân Thanh
Ông Trịnh Xuân Thanh ‘chưa từng đến Slovakia’
VN-EU: Cần gỡ rối cho vụ Trịnh Xuân Thanh
“Tôi không biết có thỏa thuận gì giữa EU và Việt Nam về việc dự của tôi, nhưng tôi biết về sự can thiệp rất mãnh liệt của Brussels và phái đoàn EU tại Hà Nội cũng như của Sứ Quán Đức; không có sức ép rất mạnh của họ chắc tôi không dự được.”
Khi được đề nghị đưa ra nhận xét về vai trò và vị thế của Liên minh châu Âu, đặc biệt vai trò của nước Đức và một số quốc gia khác ở EU, trong hỗ trợ cho đảm bảo nhân quyền và dân chủ hoá ở VN, đặc biệt trước việc có quan sát cho rằng phải chăng đây là ‘sự đổi ngôi’ của EU, khi mà Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo hiện nay của Tổng thống Donald Trump được cho có ‘giảm cam kết và tính hiệu quả’ trong lĩnh vực này, TSKH Nguyễn Quang A đáp:
“Đúng vậy từ khi chính quyền Trump bỏ Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và không quan tâm lắm đến nhân quyền thì EU đã lấp chỗ trống đó và là ngọn cờ mạnh nhất về nhân quyền và môi trường.
“Và như thế Việt Nam phải hết sức chú ý đến lập trường của EU về những vấn đề này. Hàm ý về nhân quyền của EVFTA mạnh hơn CPTPP (Hiệp định Thương mại Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương) và EU nên tận dụng lợi thế đòn bẩy này và khuyến nghị của chúng tôi muốn ép EU hành động theo hướng đó,” nhà vận động nói với BBC Tiếng Việt từ Brussels, Bỉ hôm 11/10.
‘Đối tác lớn của nhau’
Cùng ngày, cổng thông tin của Chính phủ Việt Nam đưa tin về phiên điều trần, trang mạng Báo chính phủ.vn của Việt Nam đưa tin cho hay: “Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) thuộc Nghị viện châu Âu vừa tổ chức một buổi điều trần mở về Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và Hiệp định Bảo vệ Đầu tư (IPA) giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Việt Nam.
“Tham dự buổi điều trần ngày 10/10 có Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh; Trưởng đoàn đàm phán EU, Phó tổng vụ trưởng thương mại châu Âu Helena Konig cùng nhiều chuyên gia và diễn giả đại diện của các tổ chức dân sự, tổ chức phi chính phủ cùng giới doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam.
“TTXVN dẫn lời Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu tại phiên điều trần cho biết Việt Nam đang hòa nhập với thế giới, đã tham gia nhiều công ước quốc tế và có quan hệ đối tác thương mại với nhiều quốc gia. Ông bày tỏ trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, Việt Nam kiên định ủng hộ các mối quan hệ đa phương dựa trên các nguyên tắc nhất quán.
“Khẳng định Việt Nam và EU là đối tác lớn của nhau, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết EU đã hỗ trợ Việt Nam trong phát triển, giảm đói nghèo và hai bên đang từng bước tiến tới mối quan hệ toàn diện hơn.
“Ông đánh giá cao các lợi ích do Hiệp định mang lại, từ tăng cường trao đổi thương mại tới thúc đẩy đầu tư của châu Âu vào Việt Nam trong lĩnh vực giao thông vận tải và nâng cao các tiêu chuẩn của Việt Nam để phù hợp với thế giới.”
Cũng Báo chính phủ.vn dẫn nguồn từ Truyền hình Việt Nam (VTV) cho biêt thêm: “Trong phiên điều trần, Hiệp định đã được xem xét dưới nhiều khía cạnh, không chỉ liên quan đến thương mại và đầu tư, mà cả về điều kiện lao động, về công đoàn, hay về góc độ bảo vệ môi trường. Ông Trần Quốc Khánh là trưởng đoàn đàm phán về phía Việt Nam và bà Helena Konig, Phó Tổng vụ Thương mại của Ủy ban châu Âu đã trả lời các câu hỏi.”
Mời quý vị đón theo dõi Bàn tròn thứ Năm của BBC Tiếng Việt về chủ đề này được phát trực tuyến (LIVE) vào lúc 19h00 ngày 11/10/2018 trên kênh Facebook của chúng tôi tại đường dẫn này.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45823940
VN yêu cầu Facebook lưu trữ ‘quan điểm chính trị’
Nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng mà Reuters được tiếp cận cho thấy Google, Facebook sẽ buộc phải lưu trữ nhiều dữ liệu quan trọng của người dùng ở Việt Nam.
Theo đó, dự thảo nghị định này yêu cầu các công ty hiện đang cung cấp dịch vụ email, mạng xã hội, video, tin nhắn, ngân hàng và thương mại điện tử, phải mở văn phòng đại diện tại Việt Nam nếu họ thu thập, phân tích hoặc xử lý dữ liệu cá nhân.
Các công ty như Facebook, Google cũng sẽ được yêu cầu lưu trữ nhiều dữ liệu người dùng, từ hồ sơ tài chính và dữ liệu sinh trắc học đến thông tin về dân tộc và quan điểm chính trị.
Dự thảo này cũng cung cấp cho cơ quan an ninh mạng và cơ quan điều tra tội phạm công nghệ cao của Việt Nam quyền yêu cầu cung cấp các dữ liệu để điều tra hoặc xử lý các vi phạm pháp luật về không gian mạng hoặc để bảo vệ an ninh quốc gia.
Vì sao nhiều Facebook của giới phản biện bị xóa?
Facebook ‘đồng ý hợp tác với VN’
Bị cắt điện vì than phiền trên Facebook
Facebook video call ‘theo sát’ chuyển động người dùng
Nghị định này cho thấy Việt Nam đang chuẩn bị để thực thi chặt chẽ Luật An ninh mạng, theo Reuters.
Các nhà lập pháp Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng vào tháng Sáu, bất chấp phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp, các nhóm nhân quyền quyền và chính phủ phương Tây.
Các ý kiến phản đối cho rằng luật này sẽ làm suy yếu nền kinh tế, cuộc cách mạng kỹ thuật số và bóp nghẹt giới bất đồng chính kiến.
Trước đó, Google, Facebook và các công ty công nghệ lớn khác đã hy vọng dự thảo nghị định hướng dẫn thực thi luật An ninh mạng sẽ giảm bớt các điều khoản mà họ thấy khó chấp nhận nhất.
Nhưng tài liệu mà Reuters được tiếp cận cho thấy những hy vọng đó dường như không thể hiện thực hóa.
Thay vì thế, các công ty này bị đặt trước thách thức là tuân thủ luật của Việt Nam hay rút khỏi thị trường nước này.
Bộ Ngoại giao của Việt Nam, Facebook và Google đều chưa đưa ra bình luận nào về vấn đề này theo đề nghị của Reuters.
Cả Facebook và Google đều được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam. Các nhà quản lý của hai công ty này đã bày tỏ một các cá nhân rằng họ lo ngại Luật An ninh mạng sẽ giúp giới chức Việt Nam dễ dàng kiểm soát khách hàng của mình và khiến nhân viên người địa phương có nguy cơ bị chính quyền bắt giữ.
Việt Nam là ‘trường hợp điển hình’
Việt Nam được coi là trường hợp điển hình ở châu Á, nơi Facebook và Google phải đối mặt với áp lực khi hoạt động dưới một chính phủ đàn áp, theo Reuters.
Nó cũng cho thấy cách chế độ độc tài đang cố gắng đi theo con đường kiểm soát thông tin trực tuyến và ngăn chặn hoạt động chính trị mà không làm tê liệt nền kinh tế kỹ thuật số như thế nào.
Giới chỉ trích lo ngại luật mới sẽ khiến kinh tế internet đang phát triển bị suy yếu, nhưng lại gia tăng đàn áp giới bất đồng chính kiến online. Việt Nam ngày càng tích cực trong việc truy tố các nhà bất đồng chính kiến đăng bài chống chính phủ trên Facebook.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc Hội, ông Võ Trọng Việt, cho biết hồi tháng Sáu rằng việc lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam là khả thi, quan trọng đối với an ninh quốc gia, và phù hợp với các quy tắc quốc tế.
Dự thảo nghị định dự kiến sẽ được công bố trong vòng vài ngày tới để thăm dò ý kiến người dân. Sau khi được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt, Luật An ninh mạng sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2019. Nhưng các quy định đối với các công ty kỹ thuật số về việc mở văn phòng tại Việt Nam và nội địa hóa dữ liệu sẽ chưa có hiệu lực trong một năm nữa.
Trước đó, hôm 13-14/9, phó chủ tịch Facebook Simon Milner đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, theo báo Vietnamnet.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng và ông Simon Milner đã thảo luận về “sự thịnh vượng của Facebook tại thị trường Việt Nam song hành với sự thịnh vượng chung của đất nước Việt Nam”.
Ông Hùng so sánh Facebook, một doanh nghiệp nước ngoài như “con dâu về nhà chồng” và Facebook, cần phải “tiếp nhận và thích nghi với văn hóa, nếp sống hàng ngày của gia đình nhà chồng”.
Có nghĩa bộ quy tắc ứng xử của Facebook “cũng phải tính đến các yếu tố về mặt văn hoá của nước sở tại”.
Theo báo Vietnamnet, ông Milner nói sẽ cam kết hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và chấp nhận thành lập nhóm làm việc chung giữa Facebook và chính quyền Hà Nội.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45819540
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lại thăm Việt Nam
giữa căng thẳng với Trung Quốc
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis sẽ tới thăm Việt Nam vào tuần tới giữa lúc căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang tăng cao về cả mặt quân sự lẫn thương mại.
Bộ trưởng Mattis dự kiến sẽ tới TP HCM ngày 16/10 để bàn thảo phương thức nhằm thúc đẩy hơn nữa các quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Chuyến thăm của ông Mattis diễn ra trong bối cảnh Lầu Năm Góc vừa hủy chuyến đi thăm Trung Quốc trước đó đã lên lịch vào giữa tháng này. Chuyến thăm bị hủy bỏ ngay sau khi Bắc Kinh từ chối không cho chiến hạm USS Wasp của Mỹ cập cảng Hong Kong. Hôm 2/10, Trung Quốc phản đối chiến dịch của Mỹ đưa tàu hải quân vào Biển Đông để thực thi quyền tự do hàng hải.
Hiện không biết liệu Biển Đông có là chủ đề được đưa ra bàn thảo trong chuyến thăm hai ngày của Bộ trưởng Mattis vào tuần sau hay không.
Theo trang mạng Sputnik trích nguồn của Zing.vn, dự kiến ông Mattis sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, và tới thăm sân bay Biên Hòa. Hai vị bộ trưởng này trước đó đã gặp nhau bốn lần.
Sân bay Biên Hòa là một trong những điểm nóng khi nói tới chất độc da cam, và là địa điểm Hoa Kỳ đang hợp tác với phía Việt Nam để giải quyết hậu quả chiến tranh.
Mặc dù chính phủ Mỹ chưa công bố thông tin chính thức về chuyến thăm sắp tới của Bộ trưởng Mattis, Zing.vn dẫn lời Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách an ninh châu Á-Thái Bình Dương, ông Randall Schriver, nói rằng Bộ trưởng Mattis đến Việt Nam lần này là để “thảo luận với các quan chức Việt Nam và thúc đẩy một số dự án song phương cũng như cách hai bên có thể hợp tác trong một số lĩnh vực quan trọng.”
Đây sẽ là lần thứ hai ông Mattis tới Việt Nam và theo Zing.vn, điều này phản ánh phần nào tầm quan trọng ngày càng tăng của hợp tác quốc phòng, an ninh giữa hai nước.
Hồi tháng 1, ông Mattis tới Hà Nội lần đầu tiên trong tư cách Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Không lâu sau chuyến thăm của ông, tàu sân bay USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng trong chuyến thăm đầu tiên của một hàng không mẫu hạm Mỹ kể từ sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975.
Chuyến đi Việt Nam của ông Schriver, và sắp tới của Bộ trưởng Mattis, diễn ra giữa lúc Washington đang vận động các nước đối tác để tạo dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”.
Ông Schriver được Zing.vn trích lời nói rằng Mỹ rất quan tâm đến những “đối tác an ninh mới nổi” trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Việt Nam.
Việt Nam sẽ công khai minh bạch quốc phòng
với quốc tế
Bộ Quốc phòng Việt Nam vào hôm 11/10 cho biết cần công khai minh bạch quốc phòng Việt Nam với quốc tế. Điều này được đưa ra tại Hội thảo khoa học Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2018 diễn ra ở Hà Nội.
Thông tấn xã Việt Nam loan tin dẫn phát biểu của ông Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng quốc phòng Việt Nam như vừa nêu.
Tại Hội thảo, ông Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng là trưởng ban chỉ đạo, biên soạn, xuất bản và công bố Sách Trắng 2018 cho rằng mục đích của Sách Trắng nhằm nêu quan điểm, đường lối chính sách quân sự và quốc phòng của Việt Nam, hợp tác về đối ngoại và nâng cao chất lượng cũng như nhận thức của quân đội và người dân về nhiệm vụ bảo vệ quốc gia.
Ngoài ra, ông Nguyễn Chí Vịnh còn nhấn mạnh Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2018 nhằm công khai minh bạch quốc phòng Việt Nam với quốc tế và cũng là tài liệu chính thức sử dụng để phục vụ đối ngoại quốc phòng, giáo dục và chính sách về quốc phòng của Việt Nam cho người dân nhất là thế hệ trẻ hiện nay.
Giá gạo Việt Nam giảm
do không giành được đơn hàng từ Philippines
Giá gạo chưa đánh bóng của Việt Nam giảm mạnh thêm sau khi không giành được đơn hàng từ phía Philippines vào nửa cuối tháng 5 và do Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu trong tháng 7.
Báo mạng Business World loan tin này vào ngày 11 tháng 10, dẫn nguồn từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.
Theo Mạng lưới thông tin nông nghiệp toàn cầu của USDA, giá gạo tại Việt Nam đã tăng lên trong 5 tháng đầu năm dù bội thu nhưng nhờ nhu cầu xuất khẩu cao. Tuy vậy sang vụ thu hoạch thứ hai thì giá bắt đầu giảm.
Tin cho biết thêm giá gạo chưa đánh bóng đã giảm từ 6.500 – 6.600 đồng/kg trong tháng Năm xuống còn 5.900 đồng/kg trong tháng 9.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Việt Nam xuất khẩu 0,7 triệu tấn gạo sang Philippines và 1,1 triệu tấn sang Trung Quốc – thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.
Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị Gạo Thế giới lần thứ 10 đang diễn ra ở Hà Nội từ ngày 11-12/10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định mới về xuất khẩu gạo, cũng như một chiến lược riêng để phát triển thị trường xuất khẩu gạo.
Ông nhấn mạnh rằng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là chính sách của Đảng và nhà nước Việt Nam.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng bày tỏ mong muốn các đại biểu tham dự từ các nước cùng nhau chia sẻ, đóng góp ý kiến, đồng thời đưa ra cách ứng dụng công nghệ 4.0 trong ngành lúa gạo… Từ đó sẽ giúp việc sản xuất gạo và việc thương mại gạo toàn cầu phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.
Thực tế lâu nay cho thấy người nông dân sản xuất lúa gạo không được hưởng lợi là bao; mà chủ yếu giới thương lái trung gian cũng như các công ty nhà nước được phép xuất khẩu là những người thu lợi trong hoạt động này.
Để thay đổi tình hình, chính phủ Hà Nội ban hành Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo thay cho những qui định cũ. Nghị định 107 có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 10 vừa qua.
Khó thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án lớn
Nhiều ngàn tỉ trong các vụ đại án đang gặp nhiều khó khăn để thu hồi.
Thông tin vừa nói được truyền thông trong nước hôm 11 tháng 10, trích dẫn từ báo cáo bổ sung, giải trình một số nội dung trong cuộc họp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vào tháng 9 năm 2018.
Theo báo cáo, có hơn 6.500 tỉ đồng trong vụ Phạm Công Danh, hơn 13.700 tỉ đồng trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như và hơn 2.500 tỉ đồng trong vụ Phạm Thị Bích Lương liên quan Ngân hàng Agribank… đều rất khó để thu hồi.
Theo Bộ Tư pháp, có 3 nguyên nhân khó thu hồi tài sản tham nhũng.
Một là, số tiền phải thu hồi rất lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp. Ví dụ, vụ Dương Chí Dũng và đồng phạm phải bồi thường cho Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam hơn 358 tỷ đồng, nhưng mới thu được hơn 41 tỷ đồng và gần như không còn khả năng thu hồi thêm.
Thứ hai là tài sản đã bị tẩu tán, che giấu… hoặc tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng. Như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, tài sản mua của dự án nhưng chưa thanh toán đủ tiền, tài sản là dự án chưa thực hiện xong.
Nguyên nhân thứ ba theo Bộ Tư pháp là vướng mắc về cơ chế, thể chế trong việc xử lý tài sản nằm ở nhiều địa phương khác nhau, nên ảnh hưởng đến quá trình thi hành án. Ví dụ vụ Phạm Công Danh, liên quan Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi.