Tin Biển Đông – 11/10/2018
Bản tin Biển Đông ngày 11/10/2018
Sắp có một cuộc chiến Mỹ – Trung ở Biển Đông?
Ngày 10/10, TS. Mark Valencia, học giả tại Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc, có bài viết đăng trên tạp chí Asia Times, nhận định mối quan hệ Mỹ – Trung đang xấu đi trên nhiều mặt, đặc biệt là quan hệ về quốc phòng. Hải quân Mỹ đang thể hiện sức mạnh ở eo biển Đài Loan, chống lại các yêu sách và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong bối cảnh hiện nay, điều này có thể dẫn đến đối đầu quân sự, thậm chí là xung đột.
TS. Mark Valencia cho rằng nguyên nhân là do những chính sách và hành động của Mỹ ngày càng hung hăng chống lại Trung Quốc ở Biển Đông, thể hiện qua một loạt ví dụ như: Nhà Trắng công bố sẽ có “hậu quả trung hạn và dài hạn” đối với việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, Lầu Năm góc rút lời mời Trung Quốc tham gia tập trận RIMPAC 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cảnh báo Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La, mới đây nhất Phó Tổng thống Mỹ Michael Pence đưa ra bài phát biểu mang tính chiến tranh lạnh để chỉ trích Trung Quốc. Tác giả cho rằng, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã và đang đẩy nhanh các hoạt động quân sự trên biển, bao gồm các cuộc tập trận và hoạt động tự do hàng hải (FONOP) mà Trung Quốc coi là mang tính khiêu khích. Trung Quốc đã đáp lại một cách nhẹ nhàng mối đe dọa ngày càng tăng từ Mỹ, khẳng định các hoạt động của Trung Quốc là nhằm nâng cao năng lực của quân đội, chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến ở Biển Đông. Vấn đề cơ bản ở đây không phải về tự do hàng hải hay việc Trung Quốc quân sự hóa các cấu trúc hay đe dọa các nước khác. Cuộc chiến Mỹ – Trung nhằm giành quyền kiểm soát Biển Đông chỉ là biểu hiện của vấn đề sâu xa hơn là “sự đụng độ giữa các nền văn minh”. Cả hai quốc gia đều cảm thấy có quyền và sứ mệnh lãnh đạo và định hình trật tự thế giới phù hợp theo nhu cầu của mình. Do đó, cuộc đối đầu giữa hai quốc gia này ở Biển Đông chỉ là một cuộc cạnh tranh về hệ thống chính trị, kinh tế. Giả sử có một cuộc xung đột quân sự, câu hỏi đặt ra: tiếp theo sẽ là gì? Như Christopher Hill, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương từng nói, Mỹ có xu hướng coi các tranh chấp quốc tế là “thách thức quân sự núp bóng các vấn đề chính trị. Thực tế thường trái ngược lại, đó là lý do tại sao phần lớn các cuộc xung đột phức tạp nhất thế giới hiếm khi được giải quyết bằng con đường can thiệp quân sự”.
Tổng thống Trump chỉ trích chính quyền Obama bất lực ở Biển Đông
Ngày 10/10, The Economic Times đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích chính quyền tiền nhiệm Obama bất lực trong vấn đề Biển Đông vì đã không ngăn chặn được Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng quân sự tại khu vực. Phát biểu này được đưa ra vài giờ sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo báo cáo về chuyến thăm tới Bắc Kinh vừa qua. Tổng thống Trump cho rằng Trung Quốc muốn gửi đến ông một thông điệp nhưng không thành công và Bắc Kinh đã đối xử với Ngoại trưởng Pompeo với một sự tôn trọng lớn. Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết, Ngoại trưởng Pompeo đã có cuộc họp tốt đẹp, mang tính xây dựng với phía Trung Quốc. Bên cạnh những lợi ích chung, “hai bên cũng có những lĩnh vực bất đồng và những lĩnh vực còn gặp phải thách thức, và chúng tôi sẽ cùng nhau giải quyết. Đây rõ ràng là mối quan hệ quan trọng mà chúng ta cần cố gắng để duy trì”.
Máy bay ném bom hạt nhân tàng hình của Trung Quốc sắp sửa được đưa vào vận hành
Ngày 10/10, tờ Business Insider đưa tin, các chuyên gia quân sự của Trung Quốc cho biết máy bay ném bom hạt nhân tàng hình Hong-20 (H-20) của nước này sẽ sớm thực hiện chuyến bay đầu tiên, và đây có thể sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi ở Biển Đông. Trao đổi với Hoàn Cầu Thời báo, chuyên gia quân sự Song Zhongping cho biết việc tiết lộ tên của loại máy bay cho thấy tiến triển sản xuất máy bay này, và các bộ phận của máy bay như hệ thống điện tử, áp lực thủy lực và nguồn điện có thể đã hoàn thiện.
http://biendong.net/diem-tin/24105-ban-tin-bien-dong-ngay-11-10-2018.html
TQ không muốn Manila tập trận với Mỹ
trong lúc Tập Cận Bình thăm Philippines
Trung Quốc bày tỏ quan ngại về cuộc diễn tập quân sự chung giữa Mỹ và Philippines trùng thời điểm với chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Philippines vào tháng 11, một quan chức Philippines cho biết ngày 10/10.
Phát ngôn viên Tổng thống Harry Roque cho hay Đại sứ Trung Quốc Triệu Kiến Hoa nêu vấn đề trong một cuộc hội kiến đầu tuần này với Tổng thống Rodrigo Duterte, người đã trấn an đại sứ Trung Quốc rằng Philippines sẽ không tham gia các cuộc tập trận này.
“Trung Quốc đương nhiên bày tỏ lo ngại về một cuộc tập trận mà Mỹ sẽ tiến hành trong khu vực trùng với thời điểm Chủ tịch Trung Quốc có mặt ở Philippines,” ông Roque nói trong một cuộc họp báo.
Ông Roque không nêu chi tiết về những gì mà Trung Quốc đặc biệt lo ngại. Các quan chức quân sự Philippines nói họ không biết về bất kì cuộc tập trận nào của Mỹ với các lực lượng Philippines vào tháng sau.
Chính phủ Philippines sẽ bảo đảm rằng không có gì làm lu mờ chuyến thăm đầu tiên của ông Tập tới đất nước này, chuyến công du mà đôi bên đều cho rằng sẽ “củng cố thêm nữa” mối quan hệ vốn đã vững mạnh, ông Roque nói.
Bộ Ngoại giao Philippines “sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo chuyến thăm của Chủ tịch Tập đạt được thành quả và hiệu quả như chúng ta mong đợi,” ông nói.
Sau khi nhậm chức vào năm 2016, ông Duterte đã nỗ lực hàn gắn mối quan hệ với Trung Quốc vốn đã bị tổn hại do tranh chấp lãnh thổ của hai nước ở Biển Đông. Ông đã loan báo từ đầu nhiệm quyền Tổng thống rằng sẽ chấm dứt các cuộc tập trận tác chiến hàng năm với quân đội Mỹ để không làm phật lòng Trung Quốc, nhưng các cuộc tập trận vẫn tiếp diễn.
Trung Quốc phản đối các cuộc diễn tập quân sự do Mỹ dẫn đầu, đặc biệt là ở các vùng biển tranh chấp, đồng thời cáo buộc Washington can thiệp vào một cuộc tranh chấp hoàn toàn nằm ở Châu Á. Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc diễn tập và tuần tra quân sự để khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không bên trên Biển Đông.
Nguy cơ chiến tranh Biển Đông
trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung
Những hoạt động trên Biển Đông gần đây của tàu khu trục Mỹ USS Decatur, và sự va chạm bởi tàu khu trục Trung Quốc khi cả hai chiếc tàu chỉ cách nhau khoảng 41 mét đã làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Báo Hoa Nam Buổi sáng hôm 6/10 của Hồng Kông cho đăng bài viết của Học giả Collin Koh, thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Bài báo phân tích về nguy cơ chiến tranh Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung ngày càng leo thang.
Những căng thẳng giữa hai quốc gia rất gay gắt, thể hiện trên một số sự kiện: lệnh trừng phạt của Mỹ đối với một đơn vị nghiên cứu thuộc Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc vì đã mua vũ khí của Nga; việc Mỹ thông báo bán vũ khí cho Đài Loan; việc Bắc Kinh triệu hồi đô đốc hải quân Trung Quốc từ Mỹ trở về nước; việc Trung Quốc từ chối không cho tàu hải quân Mỹ đến Hồng Kông; việc hủy bỏ một cuộc đối thoại an ninh cấp cao được lên kế hoạch giữa hai nước…
Những diễn biến này có thể được xem xét trong bối cảnh rộng hơn của một mối quan hệ ngày càng gay gắt, nhất là cuộc tranh cãi thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra. Nhưng khi nói đến những vấn đề Biển Đông, ai cũng thấy rõ, sự bất đồng Trung – Mỹ và những xung đột quân sự – chính trị, đã kéo dài khá lâu trước khi xảy ra cuộc chiến thương mại. Khi Bắc Kinh không thực hiện lời hứa về việc không quân sự hóa Biển Đông, Mỹ đã lập tức hủy bỏ lời mời hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập hải quân đa quốc gia RIMPAC 2018, được tổ chức tại Hawai năm nay.
Học giả Collin Koh nhận định: Biển Đông vẫn là một khu vực quốc tế, mà cộng đồng quốc tế nói chung được tự do qua lại bằng đường biển và đường không. Cho đến nay, hai bên chưa có bất kỳ mưu toan nào nhằm ngăn cản sự qua lại dân sự. Một hành động như vậy đồng nghĩa với sự gây hấn đối sự phát triển kinh tế thế giới, có tới khoảng một phần ba vận chuyển hàng hải của thế giới lưu thông qua khu vực biển này.
Hiện tại, Trung Quốc áp dụng một chiến lược khác đối với việc du hành quân sự. Bắc Kinh đã thách thức các máy bay quân sự nước ngoài, bay gần các căn cứ đóng quân của Trung Quốc ở Biển Đông, mà trong trường hợp gần đây nhất, chính là những thủ đoạn của tàu khu trục Trung Quốc, áp sát và hung hăng thách thức tàu khu trục USS Decatur của Mỹ hôm 30/9.
Lùi bước tức là từ bỏ những yêu sách của đối với Biển Đông, bởi vậy Trung Quốc nhất quyết từ bỏ yêu cầu lâu dài chống lại sự can thiệp của nước ngoài trong các tranh chấp. Đương nhiên làm như vậy sẽ gây những tổn thất chính trị lớn đối với Đảng cộng sản Trung Quốc.
Còn đối với Mỹ, sự lùi bước sẽ làm suy yếu những gì mà họ đang đấu tranh. Đó là sự tự do đi lại của các tàu dân sự và quân sự qua khu vực, và rộng hơn nữa, việc Mỹ lùi bước sẽ gây ra sự nghi ngờ về cam kết an ninh của Washington đối với khu vực. Điều đó có ý nghĩa rất to lớn đối với sự tín nhiệm đối với Mỹ, như là một siêu cường quốc của thế giới.
Bình luận về chiến lược của hai cường quốc, ông Collin Koh cho rằng, cả Trung Quốc và Mỹ sẽ không giảm bớt các hoạt động quân sự của mình. Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động “thể hiện sự hiện diện”, bao gồm điều các chiến hạm tàu chiến và các lực lượng quân sự, giống như việc điều các máy bay ném bom chiến lược B-52 đến Biển Đông trong thời gian gần đây. Ngược lại, Bắc Kinh sẽ tiếp tục quân sự hóa vùng biển, bao gồm việc tiến hành thường xuyên các cuộc tập trận không quân, hải quân và đổ bộ. Trung Quốc sẽ tiếp tục diễn giải những động thái như vậy là những phản ứng “tự vệ” trước những hoạt động của quân đội Mỹ và các thế lực bên ngoài. Vậy liệu những căng thẳng này có kết thúc bằng xảy ra chiến tranh ở Biển Đông hay không?
Một điều chắc chắn, không một nước nào có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, thật sự muốn trở thành bên đầu tiên nổ súng vì rủi ro bị các nước khác cô lập khi gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định khu vực. Những động thái “thể hiện sức mạnh”, “thể hiện sự hiện diện” và những động thái ‘trả miếng’ của Trung Quốc và Mỹ (và những đồng minh và đối tác của Mỹ) sẽ tiếp tục xảy ra, nhưng được duy trì một cách thận trọng, dưới ngưỡng sử dụng vũ lực hoàn toàn.
Thật khó hình dung nếu Bắc Kinh tuyên bố một khu vực cấm bay hoặc vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Các động thái này có thể gây ra những hậu quả xung đột khu vực, bao gồm cả sự xa lánh của ít nhất một số quốc gia thành viên ASEAN. Nhưng Trung Quốc sẽ không ngừng điều đến các tàu chiến và máy bay tiêm kích để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, giống như trường hợp áp sát tàu khu trục USS Decatur của Mỹ.
Nguy cơ về xung đột vũ trang có dự tính trước ở Biển Đông, có thể giảm đi bởi các nền tảng an ninh khu vực hiện có, như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), sẽ được tổ chức trong tháng 10 này tại Singapore.
Các sự kiện như vậy sẽ đóng vai trò như một kênh cấp cao cho các nhà hoạch định chính sách của các nước có liên quan, nêu lên những quan ngại, và thúc đẩy đối thoại. Trong khi các cuộc đàm phán được thực hiện như thường lệ, tỷ lệ đụng độ bất ngờ hoặc sơ xuất, có thể tăng lên với mật độ gia tăng của các lực lượng hoạt động trong các khu vực biển và không phận giới hạn.
Như vậy, trong sự mất niềm tin chiến lược giữa các quốc gia, vẫn có thể thúc đẩy an toàn hàng hải thông qua việc sử dụng các cơ chế xây dựng lòng tin, chẳng hạn như Bộ quy tắc ứng xử cho Những đụng độ Ngoài ý muốn trên Biển (CUES) được Hải quân 21 nước công bố tại Hội nghị chuyên đề Hải quân Tây Thái Bình Dương trong năm 2014.
Các tình huống đang diễn ra cần được xem xét trong bối cảnh cụ thể, bao gồm việc không ngừng phát triển tàu ngầm, và khả năng quay trở lại những cuộc chạm trán áp sát ở trên không. Giai đoạn cuối của “trò chơi” Biển Đông không nhất thiết phải xảy ra xung đột, mà đúng hơn là những động thái quân sự ‘ăn miếng trả miếng’ và những biện pháp đối phó, được duy trì dưới ngưỡng “chiến tranh”.
Cơ chế xây dựng niềm tin, không chỉ ở những cấp độ chiến lược mà còn ở những hoạt động thực địa, và tính chuyên nghiệp của những người phục vụ trên mặt đất, sẽ là “bức tường thành” chống lại những tình huống thảm khốc như vậy.
Biển Đông: Vũ Khí Độc
Trần Khải
Trận chiến Biển Đông là nơi mịt mù sương khói, ẩn tàng nhiều cạm bẫy, nhưng cũng là nơi các bên sẽ nhá súng hù dọa.
Hiển nhiên là không phải kiểu phi công CSVN đóng vai du kích Hà Nội cho chiến đấu cơ nằm mai phục trên mây để chờ chiến cơ Hoa Kỳ vào giữa trận…
Có khi nhá súng, nhưng các bên không rõ súng thật hay hư, như báo Business Insider vừa ghi nhận rằng Trung Quốc vừa đưa lời hù dọa là chiến cơ tàng hình nguyên tử H-20 sẽ cất cánh, và như thế có thể sẽ làm thay đổi bàn cờ Biển Đông.
Business Insider ghi lời chuyên gia quân sự TQ rằng với tầm hoạt động “tàng hình” khoảng 5,000 dặm, chiếc Hong-20 có thể là hiểm họa cho hàng không mẫu hạm Mỹ ở Thái Bình Dương.
Song Zhongping, chuyên gia quân sự TQ, nói với Global Times rằng H-20 cũng gọi là Hong-20 được biết chế tạo hoàn tất.
Bộ Quốc Phòng Mỹ từ năm 2017 nghi ngờ rằng chiếc H-20 sẽ trông như oanh tạc cơ tàng hình B-2 của Mỹ, nhưng một băng hình do TQ phổ biến hồi tháng 5/2018 cho thấy trông giống như chiếc B-21 Raider của Mỹ.
Những chi tiết về Hong-20 chưa rõ, nhưng các chuyên gia quân sự Mỹ nói với Business Insider rằng chiếc Hong-20 là oanh tạc cơ nguyên tử có 4 động cơ và được biết có 2 chức năng tác chiến: hoặc dùng phóng vũ khí nguyên tử, hoặc dùng dội bom cho trận chiến vũ khí quy ước.
Báo The War Zone ghi rằng H-20 có lẽ có dàn phi đạn hành trình CJ-10K phóng từ trên không với tầm xa 5,000 dặm, và sức nặng 10 tấn.
Nhưng Fu Qianshao, chuyên gia không lực TQ, hù dọa rằng mục tiêu thiết kế H-2 là có tầm xa 7,500 dặm và sức chở 20 tấn đầu đạn, theo báo Asia Times, dẫn theo Global Times.
Dù là tầm xa 5,000 hay 7,5000 dặm, chiếc H-2 cũng bao trùm vùng tác chiến cả vùng Biển Đông, Đài Loan, và cả các hàng không mẫu hạm Mỹ.
Trong khi đó, bản tin RFI ghi lời Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích chính quyền của người tiền nhiệm Barack Obama «bất lực», không ngăn chặn được Bắc Kinh bành trướng ảnh hưởng ở Biển Đông khiến Hải Quân Trung Quốc hiện trở thành một mối đe dọa cho Hoa Kỳ trong khu vực đang có tranh chấp.
Theo trang Times of India, phát biểu với báo giới bên chiếc Air Force One ngày 09/10/2018, chủ nhân Nhà Trắng khẳng định: «Chính quyền Obama đã bất lực trong chính sách về Biển Đông». Nhận định của tổng thống Donald Mỹ được đưa ra sau khi ngoại trưởng Mike Pompeo đến Bạch Ốc trình bày kết quả chuyến công du Đông Á và các cuộc gặp lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc tại Bắc Kinh vào tuần trước.
RFI ghi rằng Hoa Kỳ thường xuyên tiến hành nhiều cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trong vùng Biển Đông và tham gia tập trận với nhiều nước trong khu vực. Một cuộc tập trận có quy mô lớn, huy động hải quân và không quân, sẽ được quân đội Mỹ tổ chức tại Biển Đông và eo biển Đài Loan vào tháng 11/2018, đúng thời điểm chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Philippines.
Ngày 09/10, Manila cho biết sẽ không tham gia cuộc tập trận quy mô trên của Mỹ. Tuy nhiên, theo South China Morning Post ngày 10/10, quân đội Philippines, lần đầu tiên, sẽ tham gia đợt thao dượt hải quân giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN, dự kiến diễn ra từ ngày 22 đến 29/10.
Trong khi Philippines lạnh cẳng vì sợ TQ trả thù, Nhật Bản làm một vòng vây mới: Lãnh đạo Nhật Bản và 5 nước Đông Nam Á nằm dọc theo sông Mekong đồng thuận hợp tác để thúc đẩy một khu vực “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
Hôm thứ Ba, Thủ tướng Abe Shinzo gặp lãnh đạo các nước Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Lào tại Hội nghị thượng đỉnh Mekong – Nhật Bản lần thứ 10 tại Tokyo.
NHK ghi rằng khi phát biểu khai mạc hội nghị, ông Abe miêu tả khu vực sông Mekong với nguồn nhân lực dồi dào là cây cầu nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Ông bày tỏ hy vọng thúc đẩy hợp tác giữa Nhật Bản với những quốc gia Mekong này để hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở cũng như đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Sau đó, các nhà lãnh đạo công bố Chiến lược Tokyo 2018, đưa ra định hướng cho hợp tác trong tương lai.
Chiến lược kêu gọi tiến hành một cách chắn chắn các dự án như xây dựng cơ sở hạ tầng với trọng tâm là công nghệ thông tin viễn thông cũng như hạ tầng đường sắt và đường bộ.
Theo chiến lược, Nhật Bản sẽ hỗ trợ các quốc gia Mekong thông qua phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực như nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm.
Cũng theo chiến lược, các nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục thực thi các lệnh trừng phạt chống lại Bắc Triều Tiên trên cơ sở nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để thúc đẩy Bắc Triều Tiên phi hạt nhân hóa.
Các nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do đi lại, cả trên biển và trên không, trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng hoạt động hàng hải trên Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).
Bản tin VOA ghi nhận: TQ không muốn Manila tập trận với Mỹ trong lúc Tập Cận Bình thăm Philippines.
Trung Quốc bày tỏ quan ngại về cuộc diễn tập quân sự chung giữa Mỹ và Philippines trùng thời điểm với chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Philippines vào tháng 11, một quan chức Philippines cho biết ngày 10/10.
Phát ngôn viên Tổng thống Harry Roque cho hay Đại sứ Trung Quốc Triệu Kiến Hoa nêu vấn đề trong một cuộc hội kiến đầu tuần này với Tổng thống Rodrigo Duterte, người đã trấn an đại sứ Trung Quốc rằng Philippines sẽ không tham gia các cuộc tập trận này.
“Trung Quốc đương nhiên bày tỏ lo ngại về một cuộc tập trận mà Mỹ sẽ tiến hành trong khu vực trùng với thời điểm Chủ tịch Trung Quốc có mặt ở Philippines,” ông Roque nói trong một cuộc họp báo.
Ông Roque không nêu chi tiết về những gì mà Trung Quốc đặc biệt lo ngại. Các quan chức quân sự Philippines nói họ không biết về bất kì cuộc tập trận nào của Mỹ với các lực lượng Philippines vào tháng sau.
Chính phủ Philippines sẽ bảo đảm rằng không có gì làm lu mờ chuyến thăm đầu tiên của ông Tập tới đất nước này, chuyến công du mà đôi bên đều cho rằng sẽ “củng cố thêm nữa” mối quan hệ vốn đã vững mạnh, ông Roque nói.
Bộ Ngoại giao Philippines “sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo chuyến thăm của Chủ tịch Tập đạt được thành quả và hiệu quả như chúng ta mong đợi,” ông nói.
Trong khi đó, Australia kết thân chiến lược với Việt Nam, theo bản tin RFA: Việt Nam và Australia hôm 10/10 tổ chức đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng Ngoại giao – Quốc phòng lần thứ 6 tại Hà Nội. Đây là một cơ chế đối thoại thường niên giữa hai nước đã được bắt đầu từ năm 2012.
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng làm trưởng đoàn. Đoàn Australia do Thứ trưởng Ngoại giao Richard Maude và Quyền Thứ trưởng Quốc phòng Tom Hamilton làm trưởng đoàn.
Tại cuộc đối thoại lần này, hai bên thảo luận một loạt các vấn đề bao gồm hợp tác kinh tế, đặc biệt qua cớ chế của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hợp tác của Australia với khối ASEAN, những lo ngại về chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, an ninh năng lượng, biến đối khí hậu.
Đồng thời tại đối thoại lần này, hai bên cũng nhất trí đề cao tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, tuân thủ luật quốc tế ở Biển Đông, thúc đẩy việc đàm phán Bộ Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN (gọi tắt là COC).
Biển Đông hiền nhiên là tiềm ẩn nguy hiểm. Việt Nam cũng như Lào, Campuchia, Philippines chỉ là nhi đồng so với vũ khí Hoa Lục.
Tuy nhiên, nếu kết một vòng đai quân sự với Nhật, Austrlia, Mỹ, Ấn Độ… hiển nhiên là vùng Đông Nam Á may ra đứng vững như một ASEAN độc lập. May ra.