Tin khắp nơi – 11/10/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 11/10/2018

Tin bão Michael: giảm cấp trong đất liền,

hai người thiệt mạng

Hai người thiệt mạng khi bão nhiệt đới Michael thổi vào bang Florida và Georgia vào sáng thứ Năm 11/10, vài giờ sau khi cơn bão trước đó ở Cấp 4 này đổ bộ.

Thống đốc Rick Scott của bang Florida tối thứ Tư 10/10 nói: “Cả nước đang theo dõi cơn bão tàn phá Panhandle,” nhưng ông nói rằng: “Bão Michael không thể phá vỡ Florida.”

Một người đàn ông đã thiệt mạng vì cây đổ vào nhà ở Greensboro, bang Florida – phát ngôn viên Anglie Hightower của Văn phòng Cảnh sát Hạt Gadsden nói với NBC News.

Và một bé gái 11 tuổi thiệt mạng gần hồ Seminole, bang Georgia, khi mái của một garage xe bị bão thổi đâm vào nhà của bé gái này và đâm trúng đầu nạn nhân — ông Travis Brooks nói, giám đốc cơ quan phòng hộ khẩn cấp Quận Seminole cho biết.

Sở khí tượng cho hay tâm bão Michael di chuyển qua phía tây nam và trung tâm bang Georgia qua đêm. Theo dự báo, bão sẽ đi về phía đông bắc qua các bang Carolina và vào Virginia trong ngày thứ Năm, trước khi ra Đại Tây Dương sáng thứ Sáu. Dự báo mưa lớn sẽ trút xuống các bang North Carolina và Virginia, có nguy cơ gây ra lũ quét nguy hiểm.

(Theo NBC, Fox)

https://www.voatiengviet.com/a/tin-bao-michael-giam-cap-trong-dat-lien-hai-nguoi-thiet-mang/4609088.html

 

Florida: Bão Michael Tăng Lên Cấp 4,

Nửa Triệu Dân Di Tản

MIAMI   –     Trung tâm báo bão quốc gia (NHC-Miami) cho biết: bão Michael đã tăng sức mạnh bằng bão cấp 4 từ sáng Thứ Tư trước khi đổ bộ tại vùng cán chảo – nửa triệu dân được lệnh di tản.

Sóng biển có thể dâng cao 13 feet.

Twitter của thống đốc Rick Scott phát từ sáng sớm ghi “Đây là cơ hội cuối cùng để di tản trước khi tình thế trở thành tuyệt vọng trong vài giờ”.

TT Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp với Florida, để tiểu bang nắng ấm được nhận các hỗ trợ cần thiết.

Bão Michael tập trung sức mạnh trong ngày Thứ Ba trên đường di chuyển qua Vịnh Mexico – tâm bão cách Panama City (Florida) khoảng 180 dặm, tốc độ gió 130 dặm/giờ. Khác bão Florence, bão Michael tăng sức mạnh trên đường tiến vào Florida, sẽ đem mưa lớn tới các tiểu bang lân cận là Alabama, Georgia và South Carolina.

Viên chức của cơ quan ứng phó khẩn cấp liên bang (FEMA) báo trước: các tiểu bang sẽ phải chịu đựng thiệt hại về hạ tầng cơ sở, gồm điện, nước, cầu đường.

Tin mới nhận trưa Thứ Tư là bão Michael đã trở thành bão cấp 5, tốc độ gió 150 dặm/giờ, và được mô tả như “quái thú nguy hiểm”.

1 ngôi nhà đang xây tại Panama City bị bão đánh đổ.

NHC phát lệnh báo động với 3.8 triệu dân Florida và bão nhiệt đới ảnh hưởng gần 16 triệu người tại 5,6 tiểu bang.

https://vietbao.com/p114a286330/florida-bao-michael-tang-len-cap-4-nua-trieu-dan-di-tan

 

Nghi can chế bom 90 kg,

dự định cho nổ vào ngày bầu cử Mỹ 6/11

Một người đàn ông ở bang New York bị cáo buộc đã âm mưu thực hiện một vụ tấn công tự sát, kích hoạt một thiết bị nổ tự chế khổng lồ vào đúng ngày bầu cử giữa kỳ 6/11.

Theo đài truyền hình CBS, người đàn ông này là Paul Rosenfeld, 56 tuổi, ông này muốn tự sát để thu hút sự chú ý của mọi người tới “những niềm tin chính trị cấp tiến” của ông.

Bản tin của đài CBS và đài BBC dẫn lời các công tố viên cho biết ông Rosenfeld đã chế tạo một thiết bị nổ nặng 200 pounds (91kg) và muốn kích nổ thiết bị này tại quảng trường quốc gia (National Mall), ngay trước điện Capitol, trụ sở quốc hội Hoa Kỳ ở thủ đô Washington.

FBI đã khám nhà ông Rosenfeld và phát hiện ra quả bom sau khi nhận được thông tin trình báo của một một người đàn ông xin giấu kín danh tính.

Theo văn bản của phòng công tố hình sự, vào tháng 8 và tháng 9, Rosenfeld đã gửi thư và tin nhắn cho một người ở bang Pennsylvania, phác thảo kế hoạch tấn công.

Nhà chức trách tin rằng ông Rosenfeld đã lập kế hoạch tấn công một cách đơn độc. Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết nhân viên FBI đang điều tra khoảng 1.000 mối đe dọa khủng bố trên khắp nước Mỹ.

Ông Rosenfeld bị buộc tội sản xuất thiết bị nổ trái phép, đối mặt một bản án tối đa 10 năm tù giam. Ngoài ra, ông cũng bị buộc tội vận chuyển và lưu trữ vật liệu nổ, cũng với khung hình phạt tối đa lên đến 10 năm tù giam.

https://www.voatiengviet.com/a/nghi-can-che-bom-90-kg-du-dinh-cho-no-vao-ngau-bau-cu-my-6-11/4609151.html

 

Đệ Nhất Phu Nhân:

Phụ Nữ Tố Cáo Tấn Công Sex Cần Có Chứng Cứ

WASHINGTON   –   Trong cuộc phỏng vấn dành cho ABC News trong chuyến đi Kenya vừa qua, đệ nhất phu nhân Melania Trump nhắc nhở “Phụ nữ cần có bằng chứng cụ thể khi lên tiếng tố cáo thủ phạm tấn công tình dục”.

Bà nói “Sẵn sàng hậu thuẫn các nạn nhân” tương tự phát biểu của phu quân”, và lưu ý “các ông cũng cần được hỗ trợ”.

Theo lời bà, truyền thông có thể quá đà khi tường thuật, có thể diễn tả không đúng.

Trong thời gian vận động tranh cử TT Năm 2016, ít nhất 13 phụ nữ tố cáo ứng viên Trump tấn công tình dục hay quấy nhiễu tình dục, bắt đầu với video “Acces Hollywood” 2005 bị phát tán từ Tháng 10-2016. Trong video này, Trump nói “Khi là sao, bạn có thể làm mọi việc…”.

Bà Melania Trump tuyên bố qua CNN hồi Tháng 10-2016 “Mọi vụ phải được xem xét tại tòa án – tố cáo tấn công tình dục không bằng chứng chống lại người nam hay nữ là không công bằng và gây thương tổn”.

Trong 1 buổi tiếp xúc ngắn với báo chí trong lúc du hành Ai Cập tuần qua, bà Melania Trump không xác nhận tin ông Kavanaugh hay bà Ford, nhưng khẳng định chống lại mọi hình thức lạm dụng hay bạo lực.

https://vietbao.com/p114a286329/de-nhat-phu-nhan-phu-nu-to-cao-tan-cong-sex-can-co-chung-cu

 

Donald Trump tung “liên hoàn cước”

4 đòn tấn công toàn diện TQ

Trong vòng chỉ một tuần vừa qua, chính quyền của ông Donald Trump đã liên tiếp tung đòn kiểu “liên hoàn cước” với Trung Quốc. Có ý kiến cho rằng, Bắc Kinh đang lo ngại ông Trump đang trù tính thay đổi chính sách để “giải quyết về căn bản mối đe dọa của Trung Quốc”. Việc một tuần chính phủ Mỹ liên tiếp tiến hành 4 động thái lớn chính là thể hiện của điều này.

Việc ông Donald Trump một tuần liên tiếp tung ra 4 đòn tấn công khiến dư luận cho rằng ông đang trù tính thay đổi lớn về chính sách isd Trung Quốc

Ông Fred Kempe, người đứng đầu cơ quan nghiên cứu nổi tiếng Atlantic Council hôm 6/10 đã phát biểu trên đài CNBC, cho rằng: Sau khi tiến hành một loạt nghiên cứu và kế hoạch, chính phủ Donald Trump đã hoạch định ra những đòn tấn công Trung Quốc một cách chính xác và toàn diện. Những hành động của Mỹ có liên quan đến mọi cơ quan chính phủ, từ Lầu Năm Góc tới Đại diện thương mại Mỹ. Những đòn thế tiến công này của Mỹ sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến kinh tế và an  ninh toàn cầu, thậm chí qua nhiều thế hệ.

Fred Kempe nói, điều các quan chức cấp cao ở Bắc Kinh lo ngại là việc ông Trump tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc không chỉ là việc một nhà kinh doanh tìm kiếm thị trường cởi mở hơn, mà là Washington đang dự tính thay đổi chính sách để giải quyết triệt để các mối thách thức từ Trung Quốc. Hiện họ đã có được đáp án.

Một loạt những tuyên bố và hành động của chính phủ Donald Trump cho thấy ông tin rằng những người tiền nhiệm ông nhiều năm qua đã hành động quá ít trước những hành vi của Trung Quốc những năm qua như mậu dịch không công bằng, vi phạm quy tắc về mạng, tăng trưởng quân sự quá nhanh, phát triển công nghệ và những hậu quả tiềm tàng từ sáng kiến “Vành đai, con đường” của Bắc Kinh.

Fred Kempe nói, 4 thông tin mà báo chí công khai tuần qua cho thấy nỗ lực mà chính phủ Donald Trump đưa ra để giải quyết các vấn đề trong quan hệ Mỹ – Trung là sâu rộng, nhiều tầng nấc. Các quan chức chính phủ Mỹ cho rằng, trong mấy tuần tới đây phía Mỹ sẽ còn có thêm nhiều động thái nữa.

Thứ nhất, Lầu Năm Góc cho rằng Trung Quốc đã trở thành mối uy hiếp lớn đối với công nghiệp quốc phòng Mỹ

Ngày 5/10, Lầu Năm Góc công bố một bản báo cáo mới.Bản báo cáo này được soạn thảo theo yêu cầu của mệnh lệnh hành chính do ông Donald Trump đưa ra hồi năm ngoái. Báo cáo đã nghiên cứu việc Trung Quốc mở rộng và hiện đại hóa quân sự, chiến lược xâm lược kinh tế, chiến lược sức mạnh mềm và chiến lược chi tiêu phát triển quân sự; đồng thời xác định 300 lỗ hổng có thể ảnh hưởng đến cung ứng vật liệu then chốt cho quân đội Mỹ. Một phát hiện quan trọng là Trung Quốc “đã gây thành mối nguy cơ lớn và ngày càng tăng” đối với việc cung ứng nguyên vật liệu cần thiết của quân đội Mỹ.

Báo cáo đặc biệt nhắc đến việc Trung Quốc khống chế các loại kim loại, kim loại đặc biệt, hợp kim và các vật liệu khác, bao gồm đất hiếm và nam châm vĩnh cửu. Trung Quốc khống chế đại bộ phận khoáng sản đất hiếm của toàn thế giới – loại khoáng sản được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị quốc phòng và an ninh.

Chính phủ Donald Trump dự định sử dụng sách lược của thời kỳ Chiến tranh Lạnh và Chiến tranh thế giới thứ 2 để giải quyết  vấn đề “cổ bình” và những nhược điểm tiềm tại, như đầu tư hàng trăm triệu USD cho các công ty sản xuất vật tư quan trọng cho quân đội (ví dụ Nhôm, Thép, Wolfram và sợi thủy tinh).

Các biện pháp sẽ bao gồm nỗ lực xây dựng lượng dự trữ vật liệu hiếm và mở rộng năng lực của ngành chế tạo Mỹ; ví dụ loại pin Lithium nước biển rất quan trọng trong tác chiến chống tàu ngầm.

Thứ hai, phát biểu về chính sách với Trung Quốc của Phó tổng thống Mike Pence

Hôm 4/10, ông Mike Pence đã có bài phát biểu được đánh giá là “mang tính chất cột mốc” về chính sách đối với Trung Quốc tại Viện nghiên cứu Hudson. Ông Mike Pence đã mạnh mẽ cáo buộc Trung Quốc, cho rằng: “Trong 17 năm qua, GDP của Trung Quốc đã tăng gấp 9 lần; trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Phần lớn thành công này được thúc đẩy bởi đầu tư của Mỹ tại Trung Quốc. Và Trung Quốc cũng đã sử dụng một loạt các chính sách không phù hợp với thương mại tự do và công bằng, trong đó thuế quan, hạn ngạch, thao túng tiền tệ, cưỡng bức chuyển giao công nghệ, trộm cắp tài sản trí tuệ và trợ cấp công nghiệp được ban phát vô tội vạ chỉ là một phần trong số đó. Những chính sách này đã xây dựng nên các cơ sở sản xuất của Bắc Kinh, với hậu quả là tổn thất của các đối thủ cạnh tranh – đặc biệt là Mỹ.

Hành động của Trung Quốc góp phần vào thâm hụt thương mại với Mỹ mà năm ngoái đã lên đến 375 tỷ USD – gần một nửa thâm hụt thương mại toàn cầu của chúng ta. Như Tổng thống Trump vừa nói tuần này: Chúng ta đã tái thiết Trung Quốc trong 25 năm qua.

Hiện giờ, thông qua kế hoạch “Made in China 2025”, Trung Quốc đã đặt mục tiêu kiểm soát 90% các ngành công nghiệp tiên tiến nhất thế giới, bao gồm robot, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo. Để giành được đỉnh cao trị vì nền kinh tế thế kỷ 21, Bắc Kinh đã chỉ đạo các quan chức và doanh nghiệp của mình thâu tóm tài sản trí tuệ Mỹ – nền tảng cho sự lãnh đạo kinh tế của chúng ta – bằng mọi phương tiện cần thiết.

Bắc Kinh hiện yêu cầu nhiều doanh nghiệp Mỹ chuyển giao bí mật thương mại của họ để đổi lại hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. Họ cũng phối hợp và tài trợ cho việc mua lại các công ty Mỹ để giành quyền sở hữu sáng tạo của những công ty này. Tệ hại nhất là các cơ quan an ninh Trung Quốc đã chủ mưu”.

Ông cho rằng hành động của Trung Quốc với mưu đồ khuấy động dư luận Mỹ đã vượt qua Nga, trở thành mối đe dọa hàng đầu của nước Mỹ. Ông nói: “Như một thành viên cấp cao trong cộng đồng tình báo của chúng ta gần đây đã nói với tôi, những gì người Nga làm chẳng là gì cả so với những gì Trung Quốc đang làm trên khắp đất nước này”

Mike Pence còn nêu rõ: “Các quan chức cấp cao Trung Quốc cũng đã cố gắng tác động đến để các nhà lãnh đạo kinh doanh lên án hành động thương mại của chúng ta, tận dụng mong muốn duy trì hoạt động của họ ở Trung Quốc. Trong một ví dụ gần đây, họ đe dọa sẽ khước từ cấp giấy phép kinh doanh cho một tập đoàn lớn của Mỹ nếu từ chối phát biểu chống lại chính sách của chính quyền chúng ta”.

Ông còn đề xuất: “Hy vọng khôi phục được quan hệ hữu hảo Mỹ – Trung như trước khi Trung Quốc xây dựng chính quyền (năm 1949)” và nhấn mạnh, Mỹ hy vọng Trung Quốc phồn vinh thịnh vượng, nhưng phải công bằng và cùng có lợi.

Có ý kiến cho rằng, bài diễn văn của ông Mike Pence là tiếng kèn báo hiệu cuộc chiến tranh Lạnh Mỹ – Trung sắp bắt đầu khởi chiến. Giáo sư Nghê Lạc Hùng – một học giả về vấn đề quốc tế ở Học viện Chính Pháp Thượng Hải đã về hưu nói: “Cảm nhận lớn nhất của tôi là, Mỹ đã triệt để chơi bài ngửa với chúng ta”.

Thứ ba, Lầu Năm Góc sẽ rầm rộ tập trận vào tháng 11 tới

Hãng CNN dẫn nguồn tin của các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Hạm đội Thái Bình Dương đã soạn thảo một đề án bí mật, chuẩn bị vào tháng 11 tới sẽ triển khai hành động quân sự thể hiện vũ lực trong vòng 1 tuần, địa điểm ở Biển Đông và gần Eo biển Đài Loan. Ông Fred Kempe, người đứng đầu “Atlantic Council” cho rằng, hành động này là nhằm gửi tín hiệu cảnh cáo đến Trung Quốc và cũng là hành động uy hiếp, ngăn chặn tham vọng quân sự trong khu vực của Bắc Kinh.

Thứ tư, công bố hiệp nghị mậu dịch tự do Mỹ – Mexico – Canada

Hôm 1/10, Mỹ đã công bố về Hiệp nghị mậu dịch tự do Mỹ – Mexico – Canada (USMCA) được dư luận cho là hàm chứa ý đồ cô lập Trung Quốc. Trong văn bản của Hiệp nghị này quy định: “Nếu bất cứ thành viên tham gia hiệp nghị nào ký kết hiệp định gì với quốc gia phi kinh tế thị trường thì các nước thành viên còn lại có quyền rút khỏi Hiệp nghị”. Ông Fred Kempe cho rằng, “quốc gia có nền kinh tế phi thị trường” thực chất là nói tới Trung Quốc.

Từ cuối năm 2016 tới nay, Trung Quốc luôn ra sức yêu cầu các quốc gia phát triển Âu, Mỹ công nhận địa vị kinh tế thị trường của họ, nhưng do các nước này cực lực phản đối chính sách bán phá giá của Bắc Kinh nên đều công khai phản đối và từ chối thừa nhận tư cách địa vị kinh tế thị trường của họ.

Giới phân tích quốc tế cho rằng, về lý luận mà nói, Hiệp nghị mậu dịch tự do Mỹ – Mexico – Canada (USMCA) mà chính phủ Donald Trump vừa công bố sẽ thay thế Hiệp nghị mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) trước đây. Nhưng điều 32.10 mới tăng thêm khiến bất cứ nước thành viên nào cũng phải suy nghĩ tính toán kỹ trước khi ký kết bất cứ hiệp định mậu dịch nào với Trung Quốc; đồng thời cũng có thể ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc mượn đường các nước láng giềng để tuồn vào Mỹ.

Ông Peter Navarro, Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng hôm 2/10 khi trả lời phỏng vấn của Đài CBS cũng đã xác nhận điều này. Ông nói: “Một bộ phận nhỏ của Hiệp nghị là nhằm vào Trung Quốc”.

Ông Fred Kempe cho rằng, việc ông Trump xây dựng lại mối quan hệ Mỹ – Trung cũng thể hiện các chuyên gia Mỹ có sự chuyển biến về tư tưởng đối với Trung Quốc. Đa số họ đã từ bỏ kỳ vọng trước đó về Trung Quốc; đó là, sự phát triển về kinh tế của Trung Quốc sẽ đem lại những sự thay đổi có thêm nhiều điểm tương đồng với Mỹ.

http://biendong.net/doc-bao-viet/24098-donald-trump-tung-lien-hoan-cuoc-4-don-tan-cong-toan-dien-tq.html

 

Tin nói Trump-Putin

có thể họp thượng đỉnh vào năm tới

Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki vào mùa xuân năm tới, Reuters dẫn tin nhật báo Helsingin Sanomat loan tải ngày 10/10.

Nguồn tin này cho hay các giới chức đôi bên đã bắt đầu xem xét ngày giờ khả dĩ cho cuộc họp.

Tổng thống Phần Lan, Sauli Niinisto, từ chối bình luận về khả năng này nhưng nhấn mạnh rằng mối quan tâm của Mỹ về việc này đang ngày một tăng.

Tổng thống Niinisto nói với tờ Helsingin Sanomat rằng ‘Có lẽ đáng ngạc nhiên là mọi chuyện đã tiến triển theo hướng tốt hơn.”

Văn phòng Tổng thống Phần Lan chưa lên tiếng bình luận về tin này.

Lãnh đạo Nga-Mỹ đã gặp nhau một lần hồi tháng 7 tại Helsinki, Phần Lan.

https://www.voatiengviet.com/a/tin-noi-trump-putin-co-the-hop-thuong-dinh-vao-nam-toi-/4608318.html

 

FBI: TQ là mối đe dọa phản gián lớn nhất của Mỹ

Trung Quốc đang tiến hành một chiến dịch chưa từng có nhằm ảnh hưởng công luận Mỹ trong khi các cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11 đang tới gần và đề ra mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với Mỹ, các quan chức an ninh Mỹ cảnh báo hôm 10/10.

Các thượng nghị sĩ thuộc Ủy ban An ninh Nội địa đã chất vấn Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen và Giám đốc FBI Christopher Wray về tuyên bố của Tổng thống Donald Trump cho rằng Trung Quốc đang can thiệp vào bầu cử Mỹ. Các Thượng nghị sĩ cũng muốn tìm lời giải đáp cho câu hỏi Bắc Kinh và Moscow bên nào là mối đe dọa lớn hơn cho Hoa Kỳ.

Bà Nielsen nói với Ủy ban rằng có hai hình thức đe dọa đối với an ninh bầu cử Mỹ từ các quốc gia khác: tấn công tin tặc hoặc gây gián đoạn cơ sở hạ tầng bầu cử, bao gồm danh sách đăng kí cử tri hoặc máy bỏ phiếu, và ảnh hưởng đến các chiến dịch tranh cử.

“Trung Quốc đang thực hiện một nỗ lực chưa từng có để ảnh hưởng đến công luận ở Mỹ,” bà Nielsen nói. “Chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy bất kì nỗ lực nào của Trung Quốc xâm nhập cơ sở hạ tầng bầu cử.”

Ông Wray đi xa hơn khi được hỏi liệu chăng Trung Quốc đề ra mối đe dọa lớn hơn Nga. Các hoạt động của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 đang là nội dung của cuộc điều tra liên bang rộng lớn trong đo có việc xác định xem liệu Moscow có thông đồng với ban vận động tranh cử của ông Trump hay không.

“Trung Quốc về nhiều mặt là mối đe dọa về phản gián lớn nhất, phức tạp nhất, lâu dài nhất mà chúng ta phải đối mặt,” ông Wray nói. “Nga đang cố gắng tìm lại vị thế sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ. Họ đang chiến đấu trong cuộc chiến của ngày hôm nay. Trung Quốc đang chiến đấu cuộc chiến của ngày mai.”

Tháng trước, Tổng thống Trump tố cáo Trung Quốc tìm cách can thiệp bầu cử giữa kỳ ngày 6/11 tới đây và nói rằng Bắc Kinh không muốn đảng Cộng hòa dành được ưu thế vì quan điểm của ông Trump về vấn đề thương mại với Trung Quốc.

“Trung Quốc đang tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử 2018 vào tháng 11 sắp tới của chúng ta. Chống lại chính quyền của tôi,” ông Trump phát biểu trong một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Ông Trump không nhắc tới nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016 và cũng không đưa ra bằng chứng nào cho lời tố cáo chống lại Trung Quốc vốn bị Bắc Kinh bác bỏ ngay lập tức trong cuộc họp ấy.

Trung Quốc phủ nhận những cáo buộc này, cũng như Nga đã nhiều lần làm vậy. Ông Trump bác chuyện ban vận động của ông có thông đồng với người Nga để khuynh đảo cuộc bầu cử đưa ông vào Nhà Trắng.

https://www.voatiengviet.com/a/fbi-trung-quoc-la-moi-de-doa-phan-gian-lon-nhat-cua-my/4608306.html

 

Mỹ tuyên án

thủ phạm bán danh tính người khác cho Nga

Một người đàn ông ở bang California, bị văn phòng của Công tố viên Đặc biệt Hoa Kỳ Robert Mueller cáo buộc vận hành một dịch vụ đấu giá bán những danh tính bị đánh cắp, bị kết án một năm tù vào ngày thứ Tư tại một tòa án khu vực liên bang.

Richard Pinedo, đã nhận phạm tội lừa đảo danh tính vào tháng 2, có thể thi hành phân nửa bản án tại nhà, thẩm phán liên bang Dabney Friedrich nói.

Cáo buộc hình sự nhắm vào ông Pinedo được công bố vào tháng 2 bởi văn phòng của ông Mueller cùng lúc văn phòng loan báo cáo trạng nhắm vào 13 người Nga và ba công ty ở Nga về cáo buộc họ đã dùng danh tính giả trên mạng để lan truyền những thông điệp mang tính chia rẽ, đi đến Mỹ để thu thập tình báo và tổ chức các cuộc tập hợp chính trị.

Cáo trạng nhắm vào những người Nga không nhắc đến tên ông Pinedo. Tuy nhiên, một nguồn tin nắm rõ vụ việc nói với Reuters rằng ông này được nhắc tới trong hồ sơ truy tố như là người đã giúp những kẻ chủ mưu người Nga rửa tiền, cũng như mua quảng cáo Facebook và thanh toán chi phí mua vật phẩm cho các cuộc tập hợp, thông qua công ty PayPal Holdings.

Cuộc điều tra của ông Mueller đã công bố một số bản cáo trạng và đã chấp nhận những tuyên bố nhận tội trong khi họ điều tra sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Theo bản cáo trạng nhắm vào 13 người Nga, các bị cáo trong năm 2016 đã sử dụng số An sinh Xã hội và ngày sinh của những người Mỹ thật để mở tài khoản PayPal, làm bằng lái xe giả và mở các tài khoản mạng xã hội.

Thẩm phán Friedrich nói tại phiên tòa hôm thứ Tư rằng ông Pinedo dường như “thực sự hối lỗi” và đáng được ghi nhận vì đã hợp tác với các công tố viên. Tuy nhiên, thẩm phán nói án tù là thỏa đáng vì qui mô của hành vi đánh cắp danh tính.

https://www.voatiengviet.com/a/my-tuyen-an-thu-pham-ban-danh-tinh-nguoi-khac-cho-nga/4608297.html

 

Syria : Mỹ đặt điều kiện tái thiết hậu chiến,

buộc Iran rút quân

Tú Anh

Lần đầu tiên Washington bắn tiếng thay đổi chính sách tại Syria. Trong tuyên bố hôm thứ Tư 10/10/2018, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đề cập đến chuyện tái thiết Syria nhưng với điều kiện Iran phải triệt thoái toàn bộ lực lượng, theo bản tin của AFP từ Washington.

Trong bài tham luận tại Trung tâm Do Thái vì An ninh nước Mỹ, ngoại trưởng Mike Pompeo lần đầu tiên phác họa một vài nét chính trong chính sách mới của Washington. Ngoại trưởng Mỹ nhìn nhận, cuộc chiến Syria đã đến một khúc quanh, chế độ Bachar al Assad, với sự trợ giúp của Nga và Iran củng cố kiểm soát trên chiến địa, Daech chưa bị tiêu diệt nhưng chỉ còn là chiếc bóng mờ. Do vậy, Washington sẽ xem xét lại chính sách vì tiêu diệt Daech không phải là mục tiêu duy nhất.

Cũng theo ngoại trưởng Mỹ, chính quyền Donald Trump muốn có một giải pháp chính trị cho Syria cùng lúc bảo đảm an ninh cho Israel. Cụ thể là Iran và các đơn vị võ trang phụ thuộc phải rút hết khỏi Syria. Đó là điều kiện để Hoa Kỳ tài trợ công cuộc tái thiết, nếu không Washington sẽ « không chi ra một đồng ».

Theo một nguồn tin ngoại giao, Hoa Kỳ sẽ « tìm được cách » duy trì một lực lượng ở miền bắc Syria cho dù Quốc Hội không nhiệt tình với việc này.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181011-syria-my-dat-dieu-kien-tai-thiet-hau-chien-buoc-iran-rut-quan

 

Tập trận lớn nhất trong 20 năm của NATO:

Vũ khí của Mỹ có khiến Nga lùi bước?

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chuẩn bị khai hỏa cuộc tập trận lớn nhất của liên minh trong 20 năm trở lại đây. Điều đáng chú ý là Mỹ đưa cả tàu sân bay khổng lồ USS Harry S. Truman đến tham gia các cuộc “dương oai diễu võ” ở ngay cạnh Nga này, giới chức NATO cho biết.

Phát biểu tại trụ sở của NATO ở thủ đô Brussels ngày hôm qua (9/10), Đô đốc James G. Foggo thông báo, “tàu sân bay USS Harry S. Truman và nhóm tàu tấn công của nó gồm các tàu chiến và máy bay, sẽ tham gia vào cuộc tập trận Trident Juncture.” Ông Foggo là một chỉ huy trong Lực lượng Hải quân Mỹ và là người đứng đầu lực lượng hải quân của NATO.

Cuộc tập trận Trident Juncture sẽ có sự tham dự của tất cả 29 nước thành viên NATO và còn bao gồm hai nước khác là Thụy Điển và Phần Lan. Theo ông Foggo, cuộc tập trận tập trung vào ba mục tiêu chính với tên gọi 3D. Đó là mục tiêu “tăng cường năng lực phòng thủ của NATO, thể hiện năng lực đáng tin cậy của NATO và cùng phối hợp ngăn chặn những kẻ thù tiềm năng”.

Theo thông báo chính thức của NATO, cuộc tập trận sắp tới sẽ diễn ra ở Na-uy từ ngày 25/10 đến 7/11. Có tất cả khoảng 50.000 binh sĩ, 150 máy bay, 60 tàu chiến và 10.0000 phương tiện dự kiến sẽ tham gia khoe sức mạnh vào các cuộc diễn tập quân sự trong khuôn khổ cuộc tập trận Trident.

Khi được hỏi về việc cuộc tập trận rầm rộ sắp tới của NATO diễn ra gần sát các đường biên giới của Nga, Trung tướng Rune Jakobsen của Na-uy đã nói: “Khu vực tập trận cốt lõi nhằm cách xa biên giới Nga đến hơn 1.000km và các chiến dịch trên không có thể diễn ra ở khu vực cách biên giới Nga đến 500km, vì thế không có lý do gì để Nga phải lo sợ hoặc xem đó như một điều gì khác ngoài bản chất là một cuộc tập trận phòng thủ.”

Tàu sân bay USS Truman trước đây đóng tại phía đông Biển Địa Trung Hải và thường được dùng cho các chiến dịch chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay còn gọi là Daesh.

USS Truman là tàu sân bay thứ 8 thuộc lớp siêu hàng không mẫu hạm Nimitz. Tàu được đặt theo tên tổng thống thứ 33 của Mỹ. Các hàng không mẫu hạm hiện đại, chủ lực của Hải quân Mỹ hiện giờ chủ yếu là tàu sân bay thuộc lớp Nitmitz. Các tàu sân bay lớp Nimitz được đánh giá là những chiếc tàu chiến lớn nhất thế giới hiện nay và cũng là tàu sân bay tiên tiến nhất thế giới với lượng choán nước gần hoặc vượt 100.000 tấn. Loại tàu sân bay lớp này có thể mang theo tối đa gần 100 máy bay, trong điều kiện bình thường mang theo 60-70 máy bay và trực thăng.

Cuộc tập trận Trident Juncture diễn ra sau khi Nga vừa kết thúc cuộc tập trận cực kỳ hoành tráng Vostok 2018 với Trung Quốc hồi tháng trước. Được tổ chức ở Siberia, phía đông nước Nga, cuộc tập trận Vostok 2018 có sự tham dự của đến gần 300.000 quân – con số tương đương với 1/3 tổng quân số trong quân đội Nga.

Cuộc tập trận của NATO rõ ràng là một thông điệp răn đe được gửi đến Nga. Đô đốc Foggo thẳng thừng tuyên bố, cuộc tập trận Trident Juncture “sẽ có ảnh hưởng răn đe đối với bất kỳ lực lượng nào đang có ý muốn vượt qua những đường biên giới đó (các đường biên giới của NATO) nhưng không nhằm trực tiếp vào một quốc gia cụ thể nào. Sẽ có ích cho họ (Nga) khi đến tham dự và chứng kiến những gì chúng tôi thể hiện. Và họ sẽ học được nhiều điều. Tôi muốn họ (Nga) ở đó để có thể chứng kiến chúng tôi phối hợp với nhau nhuần nhuyễn như thế nào”.

Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Cả hai bên đều có những động thái quân sự khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về viễn cảnh bùng nổ xung đột trong khu vực.

Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO thậm chí đang triển khai các lực lượng hàng nghìn quân đến đóng tại các khu vực sát với biên giới Nga.

Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Nga liên tục cáo buộc NATO muốn bành trướng vào khu vực ảnh hưởng hậu Xô-viết của Nga. Moscow bắt đầu thực hiện một loạt bước đi nhằm sẵn sàng đối phó và đáp trả NATO.

http://biendong.net/xung-dot-chien-tranh/24092-tap-tran-lon-nhat-trong-20-nam-cua-nato-vu-khi-cua-my-co-khien-nga-lui-buoc.html

 

Brazil : Cố vấn kinh tế của ứng cử viên cực hữu

bị điều tra tham nhũng

Tú Anh

Tại Brazil, chiến dịch tranh cử tổng thống vòng chung kết đã bắt đầu. Jair Bolsorano, ứng cử viên cực hữu, về nhất, đụng với Fernado Haddad, đảng Người lao động. Phe tả có vẻ yếu thế theo một kết quả thăm dò mới nhất. Tuy nhiên, phe bảo thủ phải đối đầu với một cuộc điều tra chống tham ô của tư pháp nhắm vào « bộ trưởng Kinh Tế tương lai » của Bolsorano.

Từ Rio de Janeiro, thông tín viên François Cardona tường thuật :

“Paulo Guedes, được chỉ định từ đầu chiến dịch tranh cử, là bộ trưởng Kinh Tế tương lai của Brazil nếu Jair Bolsorano chiến thắng. Thế nhưng, viện công tố chống tham nhũng của Brazil nghi ngờ chuyên gia kinh tế cực tự do này có dính líu vào một vụ biển thủ công quỹ, chiếm đoạt khoảng 250 triệu đôla trong quỹ hưu trí từ năm 2009 đến 2014.

Vào thời điểm này, Paolo Guedes chưa bị chính thức truy tố, nhưng tai tiếng nổ ra không đúng lúc đối với Jair Bolsorano. Bởi vì ứng viên về đầu vòng một từng nhiều lần cam kết quét sạch thành phần chính khách tham ô đục khoét Brazil.

Để phản công, Jair Bolsorano tiết lộ danh sách những nhân vật có thể tham gia nội các tương lai, một khi ông đắc cử tổng thống Brazil. Thiên về xu hướng cho quân đội vai trò quan trọng trong sinh hoạt chính trị, Jair Bolsorano đã chọn nhiều tướng lãnh để làm bộ trưởng. Hai bộ Nông Nghiệp và Môi Trường sẽ do hai nhân vật thân cận với giới áp lực hành lang điều hành. Về phần bộ Khoa Học, rất có thể sẽ về tay một cựu phi hành gia không gian, trung tá phi công nay là doanh nhân.”

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181011-brazil-co-van-kinh-te-cua-ung-cu-vien-cuc-huu-bi-dieu-tra-tham-nhung

 

Cảnh sát châu Âu

mở chiến dịch lớn điều tra bóng đá Bỉ

Anh Vũ

Hôm qua, 10/10/2018, cảnh sát đã mở chiến dịch khám xét bắt giữ quy mô lớn trong bóng đá của một loạt nước châu Âu. Mẻ lưới lớn này nằm trong khuôn khổ cuộc điều tra của tư pháp Bỉ về nghi án gian lận, rửa tiền và các thương vụ mua bán cầu thủ mờ ám trong làng bóng tròn Bỉ.

Thông tín viên Joana Hostein tại Bruxelles tường trình :

Hôm qua 220 cảnh sát đã được huy động cho khoảng sáu chục vụ khám xét được đồng loạt tiến hành tái 7 nước : Pháp, Luxembourg, Macedonia, Montenegro, Síp, Serbia và tất nhiên là tại Bỉ.

Đây là chiến dịch khám xét trên quy mô rất lớn làm rúng động làng bóng đá Bỉ. Cuộc điều tra được bắt đầu từ cách đây gần 1 năm về các vụ chuyển ngân đáng ngờ liên quan đến những thương vụ chuyển nhượng cầu thủ, các khoản chi hoa hồng được che giấu trong lương của một số cầu thủ và huấn luyện viên.

Ngoài ra các nhà điều tra còn nghi ngờ một số trận đấu dàn xếp tỷ số trong mùa giải trước ở giải vô địch bóng đá quốc gia Bỉ. Những nhân vật nổi cộm bị câu lưu có : Nhân viên môi giới cầu thủ nổi tiếng Moggi Bayat, huấn luyện viên câu lạc bộ Bruges, hiện đang thi đấu tại Cúp C1 châu Âu và 2 trọng tài nổi tiếng nhất của làng bóng tròn Bỉ. Viện Công Tố Liên bang Bỉ cho biết có nhiều người đã bị bắt giữ trong chiến dịch này, nhưng không cho biết chi tiết.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181011-canh-sat-chau-au-mo-chien-dich-lon-nham-vao-nghi-an-gian-lan-cua-bong-da-bi-ok

 

Tên lửa phóng lên trạm không gian hỏng,

phi hành đoàn an toàn

Tên lửa phóng tàu vũ trụ Soyuz với hai phi hành gia Nga và Mỹ trên lên Trạm không gian Quốc tế đã bị hỏng giữa không trung hôm thứ Năm 11/10, buộc phi hành đoàn phải hạ cánh khẩn cấp.

Capsule chở phi hành gia Mỹ Nick Hague và phi hành gia Nga Alexei Ovchinin đã tách khỏi tên lửa ba tầng bị hỏng ở tầng hai sau khi phóng, và đáp khẩn cấp an toàn xuống cách thành phố Dzhezkazgan của Kazakhstan khoảng 20 km về phía đông.

NASA cho biết hai phi hành gia trong tình trạng sức khỏe ổn định đã được các đội cứu hộ đưa ra khỏi capsule.

Tên lửa được phóng đi từ trung trung tâm phóng phi thuyền có từ thời Xô Viết ở Baikonur, Kazakhstan chiều 11/10 giờ địa phương. Một phóng viên Reuters quan sát cuộc phóng cách đó khoảng 1 km cho biết giai đoạn đầu đã diễn ra suôn sẻ; và tên lửa tăng cường ở độ cao hơn đã bị hỏng.

Đây là chuyến bay vào không gian đầu tiên của phi hành gia Mỹ Hague, nhưng không thành. Phi hành gia Nga Ovchinin đã từng ở trên trạm không gian sáu tháng vào năm 2016.

Các giới chức cơ quan không gian Roscosmos của Nga và NASA của Mỹ cho biết họ đang điều tra nguyên nhân dẫn đến thất bại của cuộc phóng này.

Tàu vũ trụ Soyuz của Nga hiện là phương tiện duy nhất để đưa các phi hành đoàn đến Trạm không gian quốc tế sau khi đội tàu không gian của Hoa Kỳ thôi hoạt động.

(Theo Reuters, AP)

https://www.voatiengviet.com/a/ten-lua-phong-len-tram-khong-gian-hong-phi-hanh-doan-an-toan/4608986.html

 

Bỉ trục xuất cán bộ Bộ Công an TQ sang Mỹ để xử

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vừa đưa ra cáo buộc tội ‘gián điệp kinh tế’ đối với một nghi phạm là cán bộ cao cấp của Bộ Công an Trung Quốc.

Ông Từ Diên Quân (Xu Yanjun), phó giám đốc Sở Công an Giang Tô, cán bộ phòng 6 của Bộ Công an Trung Quốc đã bị Bỉ bắt hồi tháng 4.

Theo BBC Tiếng Trung từ Hong Kong, ông Từ Diên Quân lo về công tác phản gián và an ninh chính trị.

Hôm thứ Ba tuần này, ông đã bị dẫn độ từ châu Âu sang Hoa Kỳ theo yêu cầu của Washington.

‘Sói già’ Trump đang áp đảo Tập Cận Bình?

Đường Tơ lụa, gián điệp trứng tằm và Trịnh Hòa

‘Chip siêu nhỏ TQ tấn công Apple, Amazon’

Dữ liệu iCloud của TQ đã về tay Bắc Kinh

Giới chức nói ông Từ “tìm cách đánh cắp bí mật công nghệ hàng không và không gian vũ trụ” từ các công ty như GE Aviation, thuộc General Electric Co.

Quan chức Bộ Tư pháp Mỹ nói vụ việc “là một phần của chính sách Trung Quốc đang thực hiện gây hại cho Hoa Kỳ”.

Báo chí quốc tế đánh giá rằng Hoa Kỳ đưa ra vụ việc nằm trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung vẫn tăng độ nóng.

Hoa Kỳ, qua chính lời Tổng thống Donald Trump, và Phó Tổng thống Mike Pence, nêu ra các cáo buộc nghiêm trọng nói Trung Quốc “đánh cắp công nghệ cao” của Mỹ.

Nay, trợ lý trưởng công tố chuyên về an ninh quốc gia Hoa Kỳ, John Demers nói:

“Chúng ta không thể dung thứ nước khác đánh cắp sức mạnh quân sự và thành quả trí não của người Mỹ.”

Ông Từ Diên Quân bị cáo buộc là bắt đầu có các hoạt động từ khoảng tháng 12/2013 nhắm vào các công ty Hoa Kỳ và nước khác ở vị trí đầu bảng về công nghệ hàng không.

Trong bài diễn văn ở Viện Hudson hôm 04/10, Phó Tổng thống Mike Pence nói rằng chiến lược “Made in China 2025” của Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt mục tiêu kiểm soát 90% các ngành công nghiệp tiên tiến nhất thế giới, bao gồm robot, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo.

“Để giành được những đỉnh cao kinh tế trong Thế kỷ 21, Bắc Kinh đã chỉ đạo các quan chức và doanh nghiệp của họ thâu tóm tài sản trí tuệ Mỹ – nền tảng cho sự lãnh đạo kinh tế của Hoa Kỳ – bằng mọi cách có thể.”

“Bắc Kinh hiện bắt buộc nhiều doanh nghiệp Mỹ chuyển giao bí mật thương mại của họ để đổi lại hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. Họ cũng phối hợp và tài trợ cho việc mua lại các công ty Mỹ để giành quyền sở hữu sáng tạo của những công ty này.”

“Tệ hơn, các cơ quan an ninh Trung Quốc đã chủ mưu đánh cắp trọn gói công nghệ Mỹ – bao gồm các bản thiết kế quân sự tối tân,” ông Pence nói.

Trung Quốc luôn bác bỏ các cáo buộc về việc họ chuyện “chuyển giao công nghệ cưỡng bức” hoặc đánh cắp công nghệ.

Đi thăm và giảng bài ở Trung Quốc

Theo cáo buộc của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thì ông đã liên hệ với các chuyên gia trong lĩnh vực này, rủ họ đi thăm Trung Quốc, trình bày ở đại học để nhận quà và chi phí đi lại.

Đây không phải là lần đầu tiên công dân Trung Quốc bị bắt vì tội “làm gián điệp” ở nước ngoài.

Nhưng đây là lần đầu Hoa Kỳ công khai việc bắt tại châu Âu một cán bộ cao cấp của Bộ Công an Trung Quốc.

Cũng liên quan đến bộ này, mới một thứ trưởng là ông Mạnh Hoành Vỹ, đang làm Chủ tịch Interpol thì bị bắt khi về thăm Trung Quốc.

Ngay sau đó, Trung Quốc thông báo cho Interpol, cơ quan điều phối cảnh sát quốc tế, rằng ông Mạnh “đã từ chức” và bị điều tra “tội nhận hối lộ”.

Đương sự chỉ kịp nhắn về cho vợ tại Pháp một hình con dao để bày tỏ dấu hiệu ông “gặp nguy hiểm”.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45822090

 

Nghi phạm ‘giết nữ nhà báo Bulgaria’ bị bắt ở Đức

Một người đàn ông có tên là Severin Karsimirov bị bắt tại Đức trong vụ việc liên quan đến cái chết của nữ nhà báo Bulgaria, cô Viktoria Marinova.

Quan chức Bulgaria nói cảnh sát Đức đã bắt ông Krasimirov theo yêu cầu của phía Bulgaria.

Lệnh bắt giữ được đưa ra trên cơ sở bằng chứng tại hiện trường vụ hiếp dâm và giết người gây chấn động châu Âu.

Vụ giết nhà báo trẻ chấn động Slovakia

Thủ tướng và bộ trưởng nội vụ Slovakia mất chức

Vì sao Bộ trưởng nội vụ Slovakia từ chức?

Nữ nhà báo chết bí ẩn trên tàu ngầm?

Viktoria Marinova, 30 tuổi, từng dẫn một chương trình truyền hình ở Bulgaria.

Trong show gần nhất của cô, hai nhà báo điều tra tham nhũng về việc biển thủ tiền từ quỹ EU đã kể lại công việc của họ.

Các cáo buộc họ nêu ra có liên quan đến một số doanh nhân và chính trị gia.

Chương trình mang tên Detector (Nhà điều tra) được phát trên kênh TVN ở Bulgaria.

Xác cô Viktoria Marinova được tình thấy hôm thứ Bảy tuần trước trong công viên ở Ruse, thành phố phía Bắc Bulgaria, bên sông Danube.

Các bằng chứng ban đầu cho thấy nữ nhà báo bị hiếp, đánh và bóp cổ chết.

Điện thoại di động, chìa khóa xe và kính cùng một số quần áo nạn nhân bị lấy mất, theo cơ quan công tố.

Nay, cảnh sát Đức xác nhận họ bắt một người đàn ông 20 tuổi ở Stade, gần Hamburg.

Nhưng các bằng chứng hiện nay không cho thấy vụ giết người có liên quan đến công việc nghề báo của Marinova.

Tuy thế, theo BBC Monitoring, vụ giết người làm dấy lên cuộc thảo luận về tự do truyền thông ở quốc gia hậu cộng sản.

Các nhà điều tra Bulgaria có vẻ đang làm nhẹ đi, dù không loại trừ khả năng có mối liên hệ giữa vụ sát nhân và công việc của Marinova, các đồng nghiệp nhà báo của cô cho rằng vẫn có ‘góc độ chính trị’ của vụ này.

Lý do, theo họ là ở Bulgaria có bầu không khí đe dọa với nhà báo.

Nhà báo Albena Bachvarova viết trên trang ClubZ.bg nói dù châu Âu kêu gọi có cuộc điều tra nhanh chóng, sẽ còn phải xem Brussels có duy trì sức ép với Bulgaria hay là chỉ chú ý đến các vấn đề lớn hơn của khối như Ba Lan và Hungary.

Ba nhà báo ở EU bị giết trong một năm

Trong một năm qua, ba nhà báo bị giết tại EU.

Tháng 10/2017, nữ nhà báo Malta, Daphne Caruana Galizia bị giết trong xe gài bom gần nhà riêng.

Tháng 2/2018, nhà báo Slovakia, Jan Kuciak cũng bị giết cùng vợ chưa cưới Martina Kusnirova tại nhà.

Vụ việc Jan Kuciak đang điều tra là nghi vấn một nhóm mafia gốc Ý cộng tác với “nhóm thân cận của cựu thủ tướng Robert Fico” để biển thủ quỹ EU.

Các cuộc biểu tình sau đó khiến Bộ trưởng Nội vụ trong chính phủ Slovakia khi đó, ông Robert Kalinak từ chức.

Sau đó, nội các Fico cũng bị đổ.

Ông Robert Kalinak hiện đang thuộc diện bị cơ quan công tố Slovakia điều tra liên quan tới vụ “bắt cóc” và chuyển một người Việt Nam là Trịnh Xuân Thanh ra khỏi EU mùa hè 2017, theo tường thuật của DPA và trang Europe Online.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45812299

 

Bắc Ailen gây sức ép với Anh về thỏa thuận Brexit

Anh Vũ

Những bất đồng về Bắc Ailen có nguy cơ phá hỏng các đàm phán khó khăn về cuộc ly dị giữa Anh và Liên Hiệp Châu Âu.

Hôm nay, 11/10/2018, đảng cực kỳ bảo thủ của Bắc Ailen, DUP đã đe dọa rút sự ủng hộ đối với thủ tướng Anh Theresa May nếu bà chấp nhận một thỏa hiệp với Bruxelles bất lợi cho Bắc Ailen trong các cuộc đàm phán Brexit.

Tại Bruxelles, đại diện đàm phán của châu Âu về Brexit, Michel Barnier, khẳng định, trong quyết định chia tay với Liên Hiệp Châu Âu, Luân Đôn sẽ áp đặt kiểm soát hành chính đối với các hàng hóa trao đổi giữa Anh và Bắc Ailen. Đây là điều mà Bắc Ailen không chấp nhận.

Giải pháp châu Âu đưa ra là duy trì Bắc Ailen trong liên minh thuế quan để tránh phải thiết lập lại đường biên giới với Bắc Ailen trong lòng Vương Quốc Anh.

Phát ngôn viên của đảng DUP chuyên trách về Brexit, Sammy Wilson tuyên bố : « Chúng tôi sẽ không ủng hộ bất kỳ một thỏa thuận nào có sự dàn xếp bất lợi về kinh tế và thể chế » cho Bắc Ailen. Đại diện của DUP dọa nếu thủ tướng Anh chấp nhận những điều kiện hà khắc của EU, đảng này sẽ rút sự ủng hộ với chính phủ Anh.

Hiện tại, chính phủ của bà Theresa May đang dựa vào 10 nghị sĩ của DUP để có đa số tuyệt đối tại Quốc Hội. Thiếu liên minh này có thể dẫn đến chính phủ bị đổ.

Bà Theresa May nhắc lại bà sẽ không chấp nhận một thỏa thuận nào dẫn đến việc tạo ra « biên giới trên biển với Ailen » nhưng chính phủ của bà có vẻ vẫn sẵn sàng thỏa hiệp với Bruxelles để thúc đẩy các cuộc đàm phán Brexit tiến triển.

Tuần tới, các lãnh đạo EU sẽ gặp nhau tại Bruxelles trong một cuộc họp về Brexit. Hiện vẫn chưa có thỏa thuận nào giữa Luân Đôn và các đối tác trong Liên Hiệp về cách thức kiểm soát thuế quan của EU đối với hàng hóa, tài sản quá cảnh qua phần đất Ailen. Trong khi đó, chỉ còn 6 tháng nữa, ngày 29/03/2019, nước Anh sẽ rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu cũng như thị trường trong liên minh thuế quan.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181011-bac-ailen-gay-suc-ep-voi-chinh-phu-anh-ve-thoa-thuan-brextit

 

Tổng thống Đài Loan kêu gọi Trung Quốc

 đừng là ‘nguồn xung đột’

Tổng thống Thái Anh Văn trong bài diễn văn nhân ngày Quốc Khánh của Đài Loan 10 tháng 10 kêu gọi Trung Quốc hãy đừng là ‘một nguồn gây xung đột’.

Bà cũng đưa ra cam kết tăng cường phòng thủ trước đe dọa quân sự từ Bắc Kinh. Bà tổng thống Thái Anh Văn cho rằng cách thức tốt nhất để bảo vệ Đài Loan là làm cho đảo quốc này trở thành ‘thiết yếu và không thể thay đổi được’ đối với thế giới. Trong khi đó Đài Loan vẫn duy trì thái độ không đối đầu với Trung Quốc.

Bà Thái Anh Văn lặp lại kêu gọi đối với Bắc Kinh là hãy trở nên một cường quốc có trách nhiệm, đóng một vai trò tích cực trong khu vực và trên thế giới, thay vì là một nguồn gây xung đột.

Theo lời vị nguyên thủ Đài Loan thì đảo quốc này sẽ tăng cường an ninh thông qua biện pháp tăng ngân sách quốc phòng hằng năm và phát triển thêm nữa ngành công nghiệp quốc phòng nội địa; đặc biệt các ngành sản xuất tàu ngầm và máy bay huấn luyện.

Bà Tổng Thống Thái Anh Văn có những phát biểu như vừa nêu với một cử tọa gồm các viên chức chính phủ Đài Loan, thành phần công chúng cũng như các nhà ngoại giao trong buổi lễ trước Dinh Tổng Thống ở thủ đô Đài Bắc.

Theo giới quan sát thì những tuyên bố mới nhất của Bà Tổng Thống Thái Anh Văn hoàn toàn nhất quán với quan điểm suốt hai năm cầm quyền vừa qua; và kỳ này được đưa ra khi mà Trung Quốc gia tăng áp lực cũng như vào lúc Hoa Kỳ bày tỏ ủng hộ thêm cho Đài Loan giữa tình hình cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ- Trung Quốc đang dai dẳng.

Trung Quốc cắt đứt mọi tiếp xúc với chính phủ Đài Loan kể từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm chức tổng thống vào năm 2016. Song song đó Bắc Kinh tăng cường áp lực lên Đài Bắc về mọi mặt cả về quân sự, kinh tế lẫn ngoại giao. Mục tiêu được nhận định là nhằm buộc bà Thái Anh Văn phải thừa nhận đảo quốc Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Tuy nhiên bà Thái Anh Văn cương quyết giữ vững lập trường và mạnh mẽ lên tiếng trước những thách thức từ phía Trung Quốc.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/tsai-na-day–10102018133152.html

 

Truyền hình TQ đua nhau mở show ca ngợi ông Tập

Đài truyền hình Hồ Nam ở Trung Quốc vừa mở chuyên mục về chủ nghĩa xã hội và tư tưởng Tập Cận Bình theo mô thức hiện đại, có hình vũ trụ và robot.

Một trong những kênh TV giải trí lớn nhất Trung Quốc, đài Hồ Nam, vừa tung ra chương trình thi đố (quiz program) có tựa đề “Chủ nghĩa xã hội thật tuyệt: Học tập Tập Cận Bình trong thời đại mới”.

Tập Cận Bình thành ‘hạt nhân của Đảng’

Mục tiêu ‘thống nhất lãnh thổ’ của ông Tập

TQ: Tập Cận Bình sẽ ‘làm tiếp’ sau 2023?

Tên rút gọn của chữ Hán là “Tân thời đại học Tập”, chương trình cho người tham gia trả lời câu hỏi từ các phát biểu của ông Tập Cận Bình, lãnh tụ Trung Quốc.

Các chi tiết về thời thơ ấu của ông và triết lý cuộc sống của ông cũng là nội dung dự thi.

Ra mắt đầu tháng 10/2018, chương trình này đã thu hút nhiều người xem.

Hình ảnh mở đầu của chương trình là vũ trụ bao la, và một người máy (robot) xuất hiện để đối thoại.

Nhưng đài truyền hình Hồ Nam không phải là cơ quan truyền thông duy nhất ở Trung Quốc lướt trên làn sóng tôn vinh lãnh tụ.

Tuần này, đài truyền hình trung ương CCTV bắt đầu loạt chương trình 12 phần, trong mảng giáo dục, chuyên nêu các trích dẫn từ lời nói của lãnh tụ Tập.

Tên của chương trình ‘Bình ngữ Cận nhân’ (平语近人) mời các nhà Marxist và chuyên gia văn hóa đến giảng và phát triển những ý tưởng của Tập Cận Bình.

Người ta còn đua nhau lấy các chi tiết từ cuộc đời, sự nghiệp và tư duy của chủ tịch Tập và so sánh chúng với những kinh điển của văn hóa Trung Hoa.

Chẳng hạn, trong chương trình mới nhất phát hôm 08/10 trên CCTV, người ta trích văn hào, họa gia Trịnh Bản Kiều từ thời nhà Thanh và lồng ghép những câu hay của ông vào tư tưởng Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, theo BBC Tiếng Trung từ Hong Kong, giới chỉ trích cảnh báo rằng cách tôn thời lãnh tụ này có thể dẫn đến nạn sùng bái cá nhân như thời Mao.

Điều này sẽ không thành công được trong xã hội Trung Quốc hiện đại, theo một nhà bình luận mà BBC Tiếng Trung trích thuật.

Dù vậy, theo một số báo tiếng Anh, hiện tượng đưa tư tưởng của ông Tập vào “kỷ nguyên phục hưng dân tộc Trung Hoa và chủ nghĩa xã hội đặc trưng Trung Quốc” cho thấy chính quyền đang tạo ra “làn sóng ngưỡng mộ mang tính tâm linh từ các công dân Trung Quốc” (spiritual admiration from citizens) với ông Tập.

Thậm chí, người ta tin rằng mục tiêu của chương trình này là biến hình ảnh cá nhân ông Tập thành một phần bản sắc quốc gia (national identity) của Trung Quốc.

Show truyền hình của Hồ Nam cũng đã bị phê phán trên mạng Weibo với ý kiến của một số người cho rằng họ đang được đem ra “rửa tội” (baptized) bởi thứ tuyên truyền kiểu này.

Từ giáo dục đến đối ngoại

Hồi tháng 10/2017, Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh thông báo họ sẽ mở trung tâm nghiên cứu Tư tưởng Tập Cận Bình và cấp bằng thạc sỹ, tiến sỹ cho ngành này.

Trung tâm nghiên cứu Tư tưởng Tập Cận Bình và chủ nghĩa Marxist sẽ ra đời ở Đại học Nhân dân (Renmin University), một trong các đại học hàng đầu của Trung Quốc.

Sang tháng 12/2017, có hơn 200 lãnh đạo từ 120 đảng phái quốc tế về Bắc Kinh để ca ngợi thành quả Trung Quốc và sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, theo Tân Hoa Xã.

Tuy thế, với cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ ngày càng tăng độ nóng, cũng có những ý kiến đặt câu hỏi về sự hạn chế của tư tưởng và phong cách lãnh đạo Tập Cận Bình.

Có ý kiến từ giới nhà báo Trung Quốc nói với BBC Tiếng Việt rằng họ lo ngại ông Tập đi lên từ một cán bộ trường Đảng trung ương, nên thiếu một số kỹ năng để ứng phó với đối thủ của ông là Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Ông Tập không dùng mạng xã hội còn ông Trump thường dùng Twitter để công kích Trung Quốc.

https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-45814739

 

Trung Quốc hợp pháp hóa trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ

Anh Vũ

Ngày 09/10/2018, Trung Quốc ban hành một điều luật mới chính thức thừa nhận sự tồn tại của các trại cải huấn ở Tân Cương. Những trại cải tạo giam giữ người Hồi giáo mà Bắc Kinh đã nhiều lần phủ nhận trước các tố cáo của những tổ chức nhân quyền quốc tế, giờ đây đã được hợp thức hóa.

Theo chính quyền tỉnh Tân Cương, các trung tâm cải huấn trên sẽ giúp loại trừ « tư tưởng tôn giáo cực đoan ».

Thông tín viên RFI tại Bắc Kinh, Stéphane Lagarde cho biết thêm chi tiết :

” Không thể giữ kín được lâu về các trại giam người vô cớ giữa ốc đảo vùng viễn tây Trung Quốc. Không thể cứ phủ nhận mãi những đánh giá của tổng thống Mỹ tuần trước về những trại tập trung của chính phủ, trong đó có một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ để tảy não thường xuyên.

Quy định mới có hiệu lực từ ngày 09/10 này ngầm thừa nhận sự tồn tại của các trại tập trung như vậy bởi vì trong điều 33 của luật cho phép triển khai các trung tâm đào tạo nghề ở phạm vi quận huyện, nhằm giáo dục và chuyển hóa những người đã bị nhiễm tư tưởng cực đoan và để giúp họ chuyển biến tư tưởng, trở lại với xã hội và gia đình.

Thông báo được đưa ra ngay sau ngày tỉnh Tân Cương phát động một chiến dịch chống tập tục ăn kiêng của người Hồi giáo. Trên mạng xã hội, nhiều hình ảnh loan truyền cho thấy các nhân viên người Hán chụp ảnh chung với một đồng nghiệp người Duy Ngô Nhĩ tại một quán ăn cùng chú thích nói rằng anh này lần đầu tiên trong đời ăn thịt lợn.

Chiến dịch trấn áp người Hồi Giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ tại Tân Cương như vậy đã làm dấy lên nhiều phản đối, kể cả ở Pakistan, một đồng minh của Trung Quốc. Tuy nhiên điều này không có gì mới. Năm 2017, Trung Quốc đã bổ sung một bộ luật coi việc phụ nữ mang khăn choàng Hồi giáo và nam giới để râu là không bình thường hay thậm chí không chịu nghe đài xem truyền hình Nhà nước đều là những dấu hiệu bị cực đoan hóa.”

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181011-trung-quoc-hop-phap-hoa-trai-cai-tao-nguoi-duy-ngo-nhi

 

Bắc Kinh:

TQ không có ý định can thiệp vào chính trị Mỹ

Hôm 11/10, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc nói Trung Quốc không có ý định can thiệp vào tình hình chính trị Mỹ và hy vọng Washington sẽ ngừng viện cớ để biện minh cho nỗ lực đơn phương theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.

Hãng tin Reuters trích lời người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong (Gao Feng) nói tại một cuộc họp báo hàng tuần rằng từ trước nay Trung Quốc không can dự, và sẽ không can dự vào “cuộc xâm lược kinh tế.”

Tuần trước, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tố cáo Trung Quốc đã có những nỗ lực “nham hiểm” nhằm gây phương hại cho Tổng thống Donald Trump trước các cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng tới. Ông Pence cũng cáo buộc Trung Quốc là đã sử dụng khả năng kinh tế của mình để bắt nạt các quốc gia nhỏ hơn.

Trong mấy tháng gần đây, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có các hành động trả đũa lẫn nhau bằng cách áp thuế quan trị giá hàng trăm tỷ đôla hàng hóa của bên kia trong một cuộc xung đột thương mại đang tiếp tục leo thang, có nguy cơ phá vỡ nền mậu dịch và đầu tư toàn cầu.

Ông Cao nói Trung Quốc sẵn sàng tái khởi động các cuộc đàm phán thương mại với Hoa Kỳ, nhưng đáng tiếc là phía Hoa Kỳ không thực tâm muốn giải quyết vấn đề.

https://www.voatiengviet.com/a/bac-kinh-tq-khong-co-y-dinh-can-thiep-vao-chinh-tri-my/4608978.html

 

TQ, Nga, Triều Tiên

muốn điều chỉnh chế tài của LHQ

Trung Quốc, Nga và Triều Tiên tin rằng vào một thời điểm thích hợp cần phải xem xét điều chỉnh các chế tài của Liên hiệp quốc nhắm vào Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố ngày 10/10.

Bộ đăng một thông cáo với lập trường của ba bên trên website của mình sau khi ba nước tổ chức các cuộc họp tại Moscow hôm 9/10.

Điều này trái ngược với lập trường của Mỹ đòi giữ nguyên các chế tài nghiêm khắc nhắm vào Triều Tiên cho đến khi nước này giải trừ hạt nhân hoàn toàn và có thể kiểm chứng được.

“Đã đến lúc bắt đầu xem xét điều chỉnh hệ thống chế tài của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhắm vào nước CHDCND Triều Tiên. Ba bên cũng phản đối các chế tài đơn phương,” Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một thông cáo được công bố hôm 10/10, một ngày sau cuộc hội đàm cấp công tác tại Moscow.

Phó Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov và Phó Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui đã thảo luận về sự hợp tác của ba nước trong quá trình giải trừ hạt nhân.

Trung Quốc và Nga ủng hộ “các biện pháp đồng bộ và theo từng giai đoạn” mà Bình Nhưỡng mong muốn, để bảo đảm rằng nước này được cộng đồng quốc tế đáp lại trong quá trình này, thay vì chờ đợi giải trừ hoàn toàn.

“Ba bên nhất trí rằng tất cả các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên cần được giải quyết thông qua ngoại giao chính trị hòa bình … Ba bên cũng thảo luận về sự cần thiết phải thiết lập một cơ chế hòa bình trên bán đảo thông qua hợp tác song phương và đa phương,” thông cáo nói.

Tất cả các bên liên quan nên duy trì động lực đối thoại và thực hiện các biện pháp tương ứng để tiến theo cùng một hướng, thông cáo nói.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9/10 tuyên bố hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của ông với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra sau cuộc bầu cử giữa kì ở Mỹ vào tháng sau.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-nga-trieu-tien-muon-dieu-chinh-che-tai-cua-lien-hiep-quoc/4608292.html

 

Hàn Quốc: không thay đổi trong việc trừng phạt Triều Tiên

Hàn Quốc chưa bao giờ xem xét dỡ bỏ lệnh trừng phạt Triều Tiên mà Seoul đã áp đặt vào năm 2010 sau khi Triều Tiên đánh chìm một tàu chiến Hàn Quốc, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon tuyên bố hôm 11/10.

Trong khi lập luận rằng cải thiện quan hệ giữa hai miền Triều Tiên có thể tạo thuận lợi hơn cho tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên, ông Cho nói Seoul chưa sẵn sàng cắt giảm áp lực đối với Bình Nhưỡng.

Ông Cho nói: “Ở giai đoạn hiện tại, tôi nghĩ hãy còn hơi sớm đối với chúng tôi để kêu gọi dỡ bỏ hoặc nới lỏng các biện pháp trừng phạt của LHQ.”

Trước đó, hôm 10/10, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho biết là các biện pháp trừng phạt đã áp đặt chống lại Bình Nhưỡng đang được xem xét.

Các biện pháp trừng phạt đó đã được áp dụng vào năm 2010, sau khi một tàu hộ tống Hàn Quốc bị miền Bắc nhấn chìm, làm 46 thủy thủ thiệt mạng.

https://www.voatiengviet.com/a/han-quoc-khong-thay-doi-trong-viec-trung-phat-trieu-tien/4609081.html

 

Seoul giải oan

cho một viên chức Bắc Triều Tiên đào tị bị xử tử

Tú Anh

Một toà án ở Seoul ngày 11/10/2018 đã minh oan cho một viên chức Bắc Triều Tiên, đào tị sang Hàn Quốc năm 1967, nhưng hai năm sau bị xử bắn với cáo buộc làm nội gián. Chính phủ Hàn Quốc được yêu cầu nhân danh Nhà nước « xin lỗi » gia đình nạn nhân bị kết tội oan ức.

Là phó giám đốc cơ quan thông tấn KCNA của Bắc Triều Tiên, năm 1967, ông Lee Soo Keun, nhân cơ hội theo dõi một sự kiện tại Bàn Môn Điếm, đã vượt tuyến sang miền Nam. Vụ đào tị ngoạn mục của một viên chức cao cấp của miền Bắc được chính quyền tổng thống Park Chung Hee và báo chí Hàn Quốc chào mừng như hành động của một anh hùng.

Lee Soo Keun kết hôn với một phụ nữ Hàn Quốc và trở thành một điệp viên của tình báo miền nam. Tuy nhiên, do thường xuyên bị đồng nghiệp gièm pha, thậm chí nghi ngờ là người của Bình Nhưỡng trá hàng nên ông thất vọng chán nản.

Mất hết niềm hy vọng ở miền Nam, hai năm sau, Lee Soo Keun tìm cách trốn sang Cam Bốt qua ngã Nam Việt Nam. Ông bị mật vụ Hàn Quốc bắt tại phi trường Tân Sơn Nhứt . Áp giải về Seoul, ông bị đưa ra toà án quân sự với cáo buộc là một gián điệp giả vờ đào tị. Bị kết án tử hình vào năm 1969, vài tháng sau, ông bị xử bắn.

Theo AFP, trong nhiều thập niên, câu chuyện của Lee Soo Keun bị sử dụng để phục vụ cho tuyên truyền chống Cộng Sản Bắc Triều Tiên.

Cho đến năm 2017, một toà án ở Seoul mở lại hồ sơ này sau khi Ủy Ban Sự Thật và Hoà Giải Quốc Gia thẩm định ông Lee Soo Keun bị bắt giam trái phép, bị tra tấn ép cung, bị buộc tội gián điệp mà « không có quyền biện hộ ». Theo phán quyết của toà án công bố hôm nay : đã đến lúc Nhà nước xin gia đình nạn nhân tha những lỗi lầm vi phạm trong thời chế độ độc tài.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181011-seoul-giai-oan-cho-mot-vien-chuc-bac-trieu-tien-dao-ti-bi-xu-tu

 

Đối thủ Trung Quốc có trong tay

hệ thống tên lửa mạnh nhất thế giới

Nga và Ấn Độ đã ký kết hợp đồng cung cấp các tổ hợp S-400 cho New Delhi. Đó là thông tin vừa được ông Dmitry Peskov Thư ký báo chí của Tổng thống Nga tiết lộ với hãng tin Sputnik.

Khi được phóng viên của Sputnik hỏi về hợp đồng S-400 giữa Nga và Ấn Độ, ông Peskov nói: “Đúng, chúng ta đã ký kết hợp đồng rồi”.

Trước đó, truyền thông Ấn Độ từng đưa tin, Hội đồng Mua sắm Quốc phòng của chính phủ Ấn Độ đã thông qua việc mua hệ thống S-400 của Nga. Theo đó, trị giá của hợp đồng này có thể lên tới 6 tỷ USD.

Nếu sở hữu trong tay hệ thống tên lửa “vô đối” với nhiều tính năng vượt trội này của Nga, chắc chắn sức mạnh phòng thủ của quân đội Ấn Độ sẽ tăng lên đáng kể.

S-400 là hệ thống tên lửa phòng không đang được nhiều quốc gia “nhòm ngó”. Hiện giá mỗi tổ hợp tên lửa phòng không tối tân này là khoảng 500 triệu USD. Nga ban đầu khẳng định, nước này chưa có kế hoạch xuất khẩu S-400. Nếu thương vụ S-400 giữa Nga và Ấn Độ thành công, Ấn Độ sẽ là quốc gia nước ngoài thứ 2, sau Trung Quốc – láng giềng đầy duyên nợ của nước này sở hữu hệ thống S-400 của Nga. Ngoài ra, các khách hàng tiềm năng khác đang muốn mua hệ thống S-400 của Nga là Belarus, Kazakhstan.

S-400 Triumf là hệ thống tên lửa đất – đối – không tầm trung đến tầm xa, có thể tham gia tấn công hiệu quả tất cả các mục tiêu ở trên không trong tương lai. Loại tên lửa tối tân này do Tập đoàn NPO Almaz-Antey thiết kế và phát triển. Nó được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu quân sự và dân sự khỏi sự tấn công của máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. S-400 Triumf được đánh giá là một trong những loại tên lửa hiện đại nhất thế giới.

S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 30km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay do thám, máy bay chiến lược và chiến thuật có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.

Thông thường, một tiểu đoàn S-400 thường biên chế: xe radar trinh sát, xe đài điều khiển hỏa lực và 8-12 xe mang bệ phóng tên lửa.

Mỗi xe mang bệ phóng mang theo 4 quả đạn tên lửa đặt trong ống bảo quản (thời hạn tới 15 năm). S-400 thiết kế để phóng nhiều loại tên lửa có tầm bắn khác nhau, bao gồm đạn 48N6E (150km), 48N6E2 (200km), 9M96E (40km), 9M96E2 (120km) và 9M38M/9M82M (400km).

Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng.

Ngoài ra, S-400 cũng nổi trội ở khả năng cơ động. Đây là một hệ thống phòng không toàn diện có thể được thiết lập ngay trên mặt đất, ở bất cứ đâu chỉ trong vòng vài phút.

Mỗi hệ thống S-400 đều có một số thiết bị trọng yếu. Ngoài bệ phóng còn có một trạm chỉ huy và 2 radar. Trong đó, một radar giám sát bầu trời, tìm kiếm mục tiêu. Sau khi mục tiêu rơi vào tầm ngắm, chiếc radar thứ hai sẽ bắt đầu bám theo hành trình của nó. Lúc này, bộ phận chỉ huy sẽ xin lệnh có loại bỏ mục tiêu hay không.

http://biendong.net/xung-dot-chien-tranh/24093-doi-thu-trung-quoc-co-trong-tay-he-thong-ten-lua-manh-nhat-the-gioi.html

 

Campuchia: Đe dọa của EU là ‘cực kỳ bất công’

Hôm 11/10, Bộ Ngoại giao Campuchia nói quyết định của Liên minh châu Âu (EU), tăng áp lực thương mại đối với Campuchia vì các quan ngại về nhân quyền là “cực kỳ bất công”, hơn nữa có nguy cơ phá hủy thành quả phát triển mà nước này đã gầy dựng trong hàng thập kỷ qua.

Bộ Ngoại giao Campuchia nói trong một tuyên bố hôm 11/10: “Chính phủ Campuchia xem quyết định này là một sự bất công ở mức độ cao nhất, EU đã phớt lờ một cách trắng trợn những tiến bộ đáng kể của đất nước chúng tôi, bất chấp Campuchia đã trải qua một quá khứ bi thảm trong lịch sử cận đại.”

Tuyên bố viết thêm: “Bằng cách thực hiện các biện pháp thoái lui như vậy, Ủy ban châu Âu có nguy cơ phủ nhận các nỗ lực phát triển đã gầy dựng trong suốt hai mươi năm qua.”

Tuần trước, EU tuyên bố Campuchia sẽ mất quy chế đặc biệt trong việc tiếp cận liên minh kinh tế lớn nhất thế giới, như một phản ứng đối với các quan tâm về nhân quyền xung quanh cuộc bầu cử tháng 7, mà kết quả đã kéo dài hơn nữa chế độ cai trị 3 thập niên của Thủ Tướng Hun Sen.

EU loan báo Campuchia sẽ mất quyền tiếp cận đặc biệt đối với các thị trường châu Âu theo cơ chế thương mại ưu đãi được gọi là ‘Tất cả trừ Vũ khí‘ (EBA) sau 6 tháng tiến hành đánh giá cơ chế miễn thuế dành cho Campuchia.

https://www.voatiengviet.com/a/campuchia-de-doa-cua-eu-la-cuc-ky-bat-cong/4609058.html

 

Miến Điện : Ba nhà báo bị tù

vì phê bình thống đốc Rangoon

Tú Anh

Sau một bài phóng sự chỉ trích chính quyền Rangoon, thủ đô kinh tế của Miến Điện, mờ ám trong thương vụ mua đội xe buýt do Trung Quốc chế tạo, ba nhà báo Miến Điện bị bắt và tống giam từ ngày 10/10/2018. Nhân vật bị nêu tên là thống đốc Phyo Min Thien, một người thân cận của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi.

Theo AFP, Kyaw Zaw Lin, Nayi Min và Phyo Wai Win bị cảnh sát còng tay và áp giải ra toà án Rangoon trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên Miến Điện và quốc tế. Luật sư Kyee Myint cho biết ba nhà báo này bị cáo buộc « loan tin đồn với mục đích đánh động công luận » và bị giam tại nhà tù Insein, nơi bà Aung San Suu Kyi từng bị chính quyền quân sự quản thúc nhiều năm.

Ba nhà báo kể trên, trong đó có tổng biên tập nhóm tuần báo Eleven Media và một phóng viên điều tra, phổ biến một bài phóng sự hôm đầu tuần. Nội dung nói về tình trạng thiếu minh bạch trong một số kế hoạch đầu tư bê bối của thống đốc Rangun, Phyo Min Thien, nhất là trong vụ mua xe buýt của Trung Quốc. Phyo Min Thien được biết là một chính trị gia thân cận của lãnh đạo Aung San Suu Kyi.

Sau vụ hai phóng viên của Reuters bị kết án tù vì tìm hiểu các vụ đàn áp người Rohingya, vụ ba nhà báo của Eleven Media đứng trước nguy cơ hai năm tù giam, cho thấy tự do báo chí tại Miến Điện suy thóai đáng ngại. Trả lời RFI tiếng Pháp, ông Daniel Bastard, đặc trách vùng Châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF cho rằng « đây là một vụ oan trái, các nhà báo chỉ làm công việc đơn thuần của nhà báo, bản cáo trạng không dựa vào một cơ sở nào cả ». RSF kêu gọi chính phủ Miến Điện « trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện » các nhà báo đang bị giam cầm.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181011-mien-dien-ba-nha-bao-bi-tu-vi-phe-binh-thong-doc-rangun-ok