Tin Việt Nam – 10/10/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 10/10/2018

5 người phản đối

BOT Cầu Sông Cái Nhỏ bị khởi tố

Năm người tham gia phản đối trạm thu phí BOT Cầu Sông Cái Nhỏ ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp bị cơ quan chức năng khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cứ trú.

Tin cho biết vào ngày 10/10, Công an huyện Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp ra quyết định như vừa nêu đối với 5 người tham gia phản đối trạm thu phí BOT cầu Sông Cái Nhỏ với cáo buộc “Gây rối trật tự công cộng”.

5 người này gồm Phạm Hoàng Qui; Trần Thanh Tùng; Phạm Anh Vũ; Trần Thiện Thắng và vợ là Nguyễn Thị Thanh Tuyền.

Trước đó vào ngày 01/10, 5 người này bị  cơ quan chức năng địa phương tạm giữ hình sự để điều tra vì phản đối trạm thu phí BOT cầu Sông Cái Nhỏ ở huyện Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp vào ngày 29 tháng 9 vừa qua. Đến ngày 5/10, cơ quan điều tra đã gia hạn lệnh tạm giữ.

Tin cho biết trạm thu phí này thường xuyên không đưa vé và thu phí cao hơn giá niêm yết. Chiều 25/9, người dân lưu thông qua trạm dùng tiền lẻ để trả và yêu cầu buộc xả trạm.

Đến ngày 27/9, Ủy ban Nhân dân Huyện Cao Lãnh phải đối thoại với người dân và hứa sẽ thay đổi, nhưng sau đó tình trạng không đưa vé vẫn tiếp tục diễn ra, và người dân tiếp tục phản đối buộc phải xả trạm lần hai vào chiều 28/9.

BOT Cầu Sông Cái Nhỏ nối liền xã Bình Thạnh với xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh có tổng vốn đầu tư 34 tỉ đồng, bắt đầu thu phí từ đầu năm 2010, dự kiến hết hạn thu phí là tháng 8/2025, tức thời gian thu phí hơn 15 năm trong đó có 5 năm thu thêm sau khi hoàn vốn.

Chuyện người dân phản đối các trạm thu phí do thu quá cao hoặc đặt sai vị trí, thậm chí tiếp tục thu phí sau khi hết hạn thu, xảy ra khắp nơi trên cả nước, và người dân hay tài xế phản đối thường bị kết vào tội gây rối trật tự công cộng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/5-bot-protesters-prosecuted-10102018081954.html

 

Yên Bái: Bức xúc vì xô xát núi Nà Kèn?

Vụ va chạm vì khai thác đá cẩm thạch tại Nà Kèn, Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã tạm khép lại vào cuối hai tuần trước, nhưng người dân nơi đây vẫn tiếp tục thay nhau canh gác bên núi.

Đến ngày 9/10, một số người dân nói họ không dám lên tiếng về vụ việc, nhưng hàng ngày, một tốp người vẫn cứ lên núi, túc trực để canh giữ.

“Nếu mà thấy người của nhân viên R.K là dân sẽ hô hoán báo cho nhau lại kéo lên núi,” một người dân ở Yên Bái xin giấu tên nói cho BBC biết.

‘Đất đai là thiêng liêng đối với nông dân’

Đồng Tâm: Đất quốc phòng hay đất nông nghiệp?

Nhà hát 1.500 tỷ đồng: ‘Quyết định bất thường’?

Gần đây nhất, hôm 3/10, một số người dân Nà Kèn lại bày tỏ bức xúc vì một công văn của chính quyền yêu cầu công an “tổng hợp các chia sẻ, bình luận tiêu cực liên quan đến hoạt động thăm dò khoáng sản tại khu vực trên mạng xã hội…”

Viết trên Facebook, một người dân Yên Bái viết:

“Nói lấy dân làm gốc mà lời nói của dân có ai nghe, giờ dân bức xúc thì bảo cấm không cho bình luận chia sẻ trên mạng vậy công bằng ở đâu?”

Theo tờ Người Lao Động (01/10), đến chiều 30/09, vẫn có hàng trăm người dân vẫn “túc trực tại các lều lán trên núi đá Nà Kèn để ngăn cản doanh nghiệp khai thác đá”, từ vụ việc hôm 2709.

Sự việc xảy ra khi Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam tổ chức thăm dò khai thác đá ở Nà Kèn, gây ra phản đối của dân địa phương, theo tờ báo.

Vụ Tân Thuận và ‘tài sản’ của Đảng Cộng sản

Sáng kiến lạ: Đánh thuế cửa sổ

‘Đừng để vấn đề đất đai làm tổn hại phát triển đất nước’

Phản đối trở thành xô xát giữa dân và nhóm vệ sỹ do công ty R.K. thuê.

Người dân phản đối vì cho rằng họ sống dựa vào nguồn nước trong lòng núi để sinh hoạt và tưới tiêu, và công tác thăm dò, xúc rửa máy làm dầu loang gây ô nhiễm nguồn nước, làm cá và vịt của dân bị chết.

Bắt đầu năm 2014, công tác này bị tạm ngưng.

Nhưng đến năm 2016: Bộ Tài nguyên Môi trường vẫn cấp giấy phép cho R.K. thăm dò khai khác mỏ đá hoa trắng tại núi Nà Kèn, với thời hạn đến 2020.

Tháng 9/2018: Yên Bái vẫn đồng ý cho thăm dò, vụ việc trở nên bạo lực hơn.

Ngày 30/9/2018: Yên Bái ra công văn “Tạm dừng công tác khảo sát phục vụ thăm dò khoáng sản”.

Tỉnh cũng giao cho huyện Lục Yên lấy ý kiến dân, báo cáo lại trước ngày 05/10.

“Nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu của xã Lâm Thượng không phải từ núi Nà Kèn, mà từ một con suối khác cung cấp,” theo chủ tịch UBND huyện Lục Yên, ông Bùi Văn Thịnh nói với báo Nông Nghiệp Việt Nam.

“Đối với việc một người dân xã Lâm Thượng đang bị công an huyện tạm giữ, tôi đã chỉ đạo lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, xác minh. Việc xô xát giữa vệ sỹ Cty Đông Á, được Công ty R.K thuê, cũng sẽ được điều tra làm rõ, xử lý triệt để,”

“Huyện kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, nhưng không chấp nhận bất cứ hành vi nào hành xử theo kiểu luật rừng”, ông Thịnh nói.

Về việc thăm dò, UBND tỉnh trước đó cũng nói rằng doanh nghiệp mới chỉ thăm dò và nếu có thể thì hai năm nữa mới quyết định cho khai thác hay không.

“Để có được giấy phép khai thác thì bắt buộc phải có đánh giá tác động môi trường, lúc đó sẽ có sự tham vấn, lấy ý kiến của người dân. Ngay từ bây giờ, công ty đã sẵn sàng cam kết bằng văn bản đáp ứng đủ nguồn nước đến khi được cấp giấy phép khai thác,” ông Thịnh nói thêm.

Đầu tư lớn được quan tâm

R.K Việt Nam là có 100% vốn đầu tư của Tập đoàn R.K Marble Ấn Độ.

Theo công ty này, họ đã tạo việc làm cho hơn 600 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

27/11/2017: Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị Trần Quốc Vượng ghé thăm công ty.

1/08/2018: Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiền, nguyên là Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, Bí thư tỉnh đến thăm R.K.

Các dự án đầu tư lớn luôn được lãnh đạo Việt Nam quan tâm vì góp phần vào thúc đẩy nền kinh tế, tạo việc làm nhưng trong nhiều trường hợp lại vướng phải vấn đề tranh chấp đất và môi trường.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45798383

 

Bộ Công an soạn thảo 3 văn bản

hướng dẫn thi hành Luật An ninh Mạng

Bộ Công an đang soạn thảo 3 văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng mà Quốc Hội Việt Nam thông qua vào ngày 12 tháng 6 vừa qua và bắt đầu có hiệu lực từ 1 tháng 1 năm 2019.

Truyền thông quốc nội loan tin vừa nêu hôm 10 tháng 10 năm 2018.

Tin cho biết, Trưởng ban soạn thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh này là ông Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.

Sau khi Luật An ninh Mạng được thông qua 30 ngày, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra quyết định giao cho Bộ Công an xây dựng 3 văn bản gồm: Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp bảo vệ an ninh mạng; nghị định quy định chi tiết một số điều trong Luật An ninh mạng và cuối cùng là danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

Phát biểu tại buổi họp Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập, ông Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng là những văn bản quan trọng và phức tạp, liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội… có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều bộ, ngành…

Ông Tô Lâm cũng cho biết, theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng phải nhanh chóng hoàn thiện để trình chính phủ xem xét nhằm đảm bảo có thể thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2019.

Vào ngày 10 tháng 6 vừa qua, dân chúng tại nhiều nơi ở Việt Nam tiến hành biểu tình chống hai dự luật Đặc Khu và An Ninh Mạng. Dự luật Đặc Khu gây quan ngại về việc đất đai bị rơi vào tay người Trung Quốc khi qui định cho thuê 99 năm và ở ba vị trí chiến lược của đất nước là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Những người phản đối dự luật An Ninh Mạng cho rằng đây là công cụ để siết chặt quyền tự do phát biểu của người dân trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay.

Dù bị dân chúng phản đối, thế nhưng Quốc Hội Việt Nam Khóa 14 tại kỳ họp thứ 5 vẫn thông qua dự luật An Ninh Mạng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-s-ministry-of-public-securities-is-working-on-three-guiding-documents-on-cyber-security-law-10102018074238.html

 

Việt Nam – Australia đối thoại

chiến lược ngoại giao- quốc phòng lần 6

Việt Nam và Australia hôm 10/10 tổ chức đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng Ngoại giao – Quốc phòng lần thứ 6 tại Hà Nội. Đây là một cơ chế đối thoại thường niên giữa hai nước đã được bắt đầu từ năm 2012.

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng làm trưởng đoàn. Đoàn Australia do Thứ trưởng Ngoại giao Richard Maude và Quyền Thứ trưởng Quốc phòng Tom Hamilton làm trưởng đoàn.

Tại cuộc đối thoại lần này, hai bên thảo luận một loạt các vấn đề bao gồm hợp tác kinh tế, đặc biệt qua cớ chế của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hợp tác của Australia với khối ASEAN, những lo ngại về chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, an ninh năng lượng, biến đối khí hậu.

Đồng thời tại đối thoại lần này, hai bên cũng nhất trí đề cao tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, tuân thủ luật quốc tế ở Biển Đông, thúc đẩy việc đàm phán Bộ Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN (gọi tắt là COC).

Vào tháng 3 vừa qua, nhân Thượng đỉnh ASEAN – Australia, Việt Nam và Australia đã nâng tầm quan hệ hai nước thành Đối tác Chiến lược.

Trước đó, vào năm 2009, quan hệ giữa hai bên được xác định là đối tác toàn diện và sau đó nâng lên thành đối tác toàn diện nâng cao vào năm 2015.

Trong năm 2018, hai nước cũng chuẩn bị kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức.

Ngoài đối thoại chiến lược ngoại giao, hai bên cũng định kỳ tổ chức đối thoại nhân quyền và đối thoại quốc phòng.

Quan hệ đối tác giữa hai nước được các chuyên gia đánh giá là phù hợp với chính sách đối ngoại của Việt Nam, muốn mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực thuộc chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương mở đã được Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đưa ra tại Thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng hồi tháng 11 năm ngoái.

Tuy nhiên, hai bên cũng còn có những khác biệt trong các vấn đề về dân chủ và nhân quyền.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-australia-held-6-diplomat-strategic-dialogue-10102018103053.html

 

Hàn Quốc cho lao động Việt Nam

cư trú bất hợp pháp về nước

Bắt đầu từ ngày 1/10 năm nay đến ngày 31/3/2019, Hàn Quốc áp dụng chính sách ân xá đối với người lao động cư trú bất hợp pháp tại nước này. Theo quy định, nếu những lao động này tự nguyện về nước trong khoảng thời gian nêu trên thì sẽ không bị hạn chế nhập cảnh Hàn Quốc.

Bộ Tư pháp Hàn Quốc, trước đó, cho biết nước này sẽ áp dụng chính sách truy quét và ân xá đối với người lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp trong ngành xây dựng, các công việc ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của người bản đại và những công việc ảnh hưởng đến thuần phòng mỹ tục như kinh doanh giải trí không lành manh, kinh doanh massage.

Theo Cục Quản lý lao động nước ngoài (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, số người Việt cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước trong vòng 6 tháng đầu năm là 988 người, số người bị bắt và trục xuất về nước là 518 người.

Hiện có hơn 38.000 người Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/south-korea-give-amnesty-to-illegal-viet-laborers-10102018102441.html

 

Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực,

chống chạy chức chạy quyền

Ban Tổ chức Trung ương đảng cộng sản Việt Nam vào hôm 10/10 đã tổ chức buổi hội nghị để góp ý vào dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực và chống chạy chức chạy quyền đối với các cán bộ, diễn ra tại Hà Nội.

Thông tấn xã Việt Nam dẫn phát biểu của ông Phạm Minh Chính, trưởng ban tổ chức Trung ương thừa nhận đây là nội dung rất khó, chưa làm chuyên nghiệp, chưa có quy định rõ ràng và đây là vấn đề gây bức xúc trong xã hội.

Theo ông Phạm Minh Chính, qua giám sát kiểm tra các vấn đề sai phạm trong công tác cán bộ cho thấy quyền lực được sử dụng chưa bài bản và chưa đúng theo quy định, rất nhiều trường hợp lạm quyền, lộng quyền mà pháp luật chưa có cơ chế để kiểm soát. Do đó ông nhấn mạnh cần phải xây dựng cơ chế để kiểm soát quyền lực chống việc chạy chức, chạy quyền.

Tin nói tại hội nghị, các ý kiến góp ý đều đánh giá cao bản dự thảo do Ban tổ chức Trung Ương soạn và sự cần thiết của quy định này. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng quy định này sẽ khả thi hơn khi triển khai thực tế.

Cũng tin liên quan, ông Trần Văn Túy, trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tại kỳ họp thứ 6 vào cuối tháng 10 sắp tới có 48 trong số 50 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Theo ông Túy, 50 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bằng việc lấy phiếu tín nhiệm nhưng có 2 chức danh mới là Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ thông tin truyền thông sẽ bầu mới nên chưa thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm được.

Ngoài ra, ông Túy cho rằng việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu được thực hiện theo đúng quy định và luật giám sát của Quốc hội.

Theo quy định, quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng việc bỏ phiếu kín, người được lấy phiếu tín nhiệm hơn nữa tổng số đại biểu đánh giá thấp thì có thể xin từ chức. Nếu người lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 đại biểu đánh giá thấp thì Ủy ban Thường vụ sẽ trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Thời điểm lấy phiếu được quy định tại kỳ họp cuối năm thứ 3 mỗi nhiệm kỳ.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vcp-to-establish-the-mechanism-for-power-control-10102018083141.html