Tin Biển Đông – 10/10/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 10/10/2018

Ẩn ý sau việc Anh và Nhật

cử tàu chiến đến Biển Đông

Biển Đông là tuyến giao thông quốc tế quan trọng. Hằng năm, khoảng 1/3 khối lượng thương mại toàn cầu lưu thông qua khu vực này. Biển Đông cũng được cho là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên bao gồm cả dầu khí. Trung Quốc đã yêu sách với hầu hết toàn bộ vùng biển này, tiến hành cải tạo các đảo, đá và cho rằng mình có quyền bảo vệ những yêu sách đó. Trong thời gian qua, các nước như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Australia,… liên tục đưa ra các cảnh báo việc Trung Quốc cải tạo trái phép các đảo, đá và quân sự hóa khu vực này. Các nước yêu cầu duy trì “khu vực Biển Đông là vùng biển tự do, rộng mở và thương mại không bị cản trở”. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phớt lờ mọi lời kêu gọi này và yêu cầu các nước ngoài khu vực không có các hành động gây ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Cuối tháng 8/2018, một tàu chiến đổ bộ trọng lượng 22.000 tấn của Hải quân Hoàng gia Anh HMS Albion đã đi qua quần đảo Hoàng Sa nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải và thách thức các yêu sách quá mức của Bắc Kinh ở khu vực này. Đáp lại, Trung Quốc đã triển khai hai máy bay trực thăng và một tàu khu trục theo sau. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết “các hành động liên quan của tàu Anh đã vi phạm chủ quyền và luật pháp Trung Quốc cũng như luật pháp quốc tế. Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh của mình”.

Ngày 13/9, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản đã triển khai tàu ngầm Kuroshimo cùng với ba tàu chiến diễn tập quân sự tại Biển Đông. Theo báo Asahi của Nhật Bản, đây là lần đầu tiên từ Chiến tranh thế giới thứ 2, một tàu ngầm của Nhật Bản tham gia tập trận hải quân ở Biển Đông. Liên quan đến hoạt động này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc “kêu gọi các quốc gia hành xử thận trọng, không làm những việc gây tổn hại đến hòa bình, ổn định của khu vực”.

Từ đầu năm đến nay, các tàu và máy bay Mỹ cũng thường xuyên đi vào Biển Đông để thể hiện sự phản đối của Washington đối với các tuyên bố chủ quyền lãnh thoror của Trung Quốc. Tuy nhiên, khi thực hiện, các tàu và máy bay Mỹ đã bị các lực lượng hải cảnh Trung Quốc yêu cầu rời khỏi khu vực. Ví dụ, ngày 10/8, máy bay trinh thám chống ngầm P-8A của quân đội Mỹ đã bay qua đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấp trái phép gồm Subi, Chữ Thập, Gạc Ma và Vành Khăn. Trong đó, khi bay qua Subi, máy bay Mỹ đã phát hiện 86 tàu thuyền các loại của Trung Quốc trong đó có tàu Hải cảnh. Trong hành trình bay, tổ bay Mỹ đã 6 lần nhận được cảnh báo của quân đội Trung Quốc rằng máy bay Mỹ đã tiến vào không phận Trung Quốc, yêu cầu lập tức rời đi, giữ khoảng cách, tránh gây ra phán đoán sai lầm.

Cựu chỉ huy NATO James Stavridis phát biểu tại diễn đàn ở Đài Bắc về thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do ngày 31/8 vừa qua, cho biết việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông và quân sự hóa những đảo này đã gây thách thức địa chiến lược lớn nhất trong khu vực. Đồng thời, hành động ngang ngược đó cũng gây khả năng xung đột cao nhất tại đây. Ông James Stavridis cho biết “các quốc gia có cùng chí hướng, gồm Nhật Bản, Australia, New Zealand, Pháp và Anh, đã thực hiện các hoạt động tự do hàng hải trên biển, nên cùng nhau hành động để hình thành một “mặt trận kiên quyết” nhằm giải quyết với Bắc Kinh. Nếu chúng ta có một mặt trận kiên quyết, tôi cho rằng Trung Quốc sẽ sẵn sàng đàm phán để có một giải pháp ngoại giao. Vấn đề này cần sự kiên nhẫn và thời gian”.

Các tàu Anh và Nhật đến Biển Đông trong tháng vừa qua, có thể không phải là hẹn trước nhưng cũng không phải ngẫu nhiên, thể hiện việc thời gian khá gần nhau, bởi 2 nguyên nhân: thứ nhất, có khả năng hai bên phối hợp với nhau xuất hiện ở Biển Đông vì Mỹ còn chưa đứng ra tổ chức và làm như vậy cũng sẽ chọc tức Trung Quốc, thiệt hại lợi ích của chính mình; thứ hai, việc hai bên đến Biển Đông trong thời gian khá gần nhau có thể làm phân tán sự tập trung của Trung Quốc, giảm thiểu việc Trung Quốc trút hết phẫn nộ lên một mình mình.

Một số quan chức Nhật Bản vài năm trở lại đây thường nhắc đến “Chiến lược hiện diện”, có thể hiểu là Nhật biết rằng trong cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ, Nhật khó có thể gây ảnh hưởng lớn về kinh tế và quân sự đối với các nước trong khu vực, vì thế cần phải giữ được sự hiện diện của Nhật ở khu vực. Tuy cách làm của Nhật có vẻ âm thầm nhưng thực chất là đang tấn công đòn trùm làm rối loạn môi trường xung quanh của Trung Quốc.

Lợi ích của Nhật Bản đã gắn chặt vào Mỹ, chịu sự chi phối lớn của Mỹ về kinh tế và quân sự, thậm chí đến mức nếu đổ vỡ quan hệ với Mỹ là mất hết, nên Nhật buộc phải thống nhất cao độ với Mỹ. Hiện nay, thách thức Trung Quốc chính là cách làm tốt nhất để tỏ thiện chí với Mỹ. Australia và Anh cũng đều đang làm như vậy, mới đây Đại sứ Trung Quốc Đỗ Khởi Văn tham gia Đối thoại Trung Quốc – các nước đảo quốc Thái Bình Dương tại Nauru đã bị Tổng thống Nauru hạn chế phát biểu do thái độ xấc xược. Nước Anh xa xôi cũng học theo Mỹ, cử 2 tàu đổ bộ đến Biển Đông tuần tra.

Anh hiện có hợp tác kinh tế sâu rộng với Trung Quốc. Ví dụ trong các nước Tây Âu, Anh là nước đầu tiên gia nhập AIIB, sau đó 14 nước Tây Âu đều gia nhập AIIB. Hiện nay, tiến trình đàm phán FTA Trung – Anh cũng được đẩy nhanh hơn FTA Trung – Âu. Mặc dù về chính trị, Anh cố gắng gần Mỹ nhưng về lợi ích lại không hoàn toàn theo Mỹ, mà lại tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc trong những năm qua. Việc Anh gần gũi với Trung Quốc về kinh tế làm Mỹ không hài lòng, nên việc Anh hiện diện ở Biển Đông là nhằm đối trọng và cân bằng lại quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, muốn thể hiện rằng Anh vẫn coi Mỹ là “anh cả” chứ không phải là Trung Quốc.

Mục đích đến Biển Đông của Anh và Nhật có thể là nhằm: i) bày tỏ quan điểmủng hộ về một vùng biển tự do và rộng mở theo luật quốc tế; ii) nâng cao sự hiện diện của mình ở vùng biển chiến lược này; iii) ủng hộ hoạt động tự do hàng hải của Mỹ tại khi vực này; iv) phản đối các hoạt động cải tạo đảo, đá của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông cũng như không công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực này như Trung Quốc đòi hỏi yêu sách của mình trong thời gian qua.

Như vậy, trong thời gian tới, các nước ngoài khu vực như Mỹ, Nhật, Anh sẽ không từ bỏ hoạt động tự do hàng hải bởi các nước này không chịu để Trung Quốc khống chế Biển Đông, một tuyến hàng hải xung yếu nối Châu Âu với Châu Á. Ngoài ra, các nước này sẽ có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm gây áp lực ngày càng lớn đối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/24054-an-y-sau-viec-anh-va-nhat-cu-tau-chien-den-bien-dong.html

 

Hải quân Mỹ chuẩn bị kế hoạch lớn, ồ ạt đưa máy bay,

tàu chiến tới Biển Đông để “dằn mặt” TQ

Thực hiện kế hoạch này đồng nghĩa với việc tàu chiến và máy bay Mỹ sẽ hoạt động gần lực lượng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Các tàu san bay USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan thực hiện các hoạt động diễn tập nhằm hỗ trợ an ninh và ổn định ở khu vực Ấn Độ – châu Á – Thái Bình Dương. Ảnh: US Navy

CNN dẫn nguồn giới chức quân sự Mỹ cho hay, Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ đã chuẩn bị một đề xuất mật nhằm thực hiện một cuộc phô trương sức mạnh toàn cầu, như một lời cảnh báo gửi tới Trung Quốc và cho thấy nước Mỹ sẵn sàng ngăn chặn, cũng như đối phó với những động quân sự từ phía họ.

Kế hoạch dự thảo của Hải quân Mỹ đề xuất Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ tiến hành một loạt hoạt động trong vòng 1 tuần lễ vào tháng 11.

Mục tiêu là tổ chức một loạt tập trận tập trung với các tàu chiến, máy bay chiến đấu và binh lính để thể hiện rằng Mỹ có thể đối phó với các đối thủ tiềm tàng một cách nhanh chóng trên vài mặt trận.

Theo kế hoạch, Hải quân Mỹ đề xuất đưa tàu chiến và máy bay vào gần khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái phép trên Biển Đông và eo biển Đài Loan để thực hiện hoạt động tự do hàng hải, nhằm thể hiện quyền di chuyển tự do trong vùng biển quốc tế.

Điều đó cũng có nghĩa là tàu và máy bay Mỹ sẽ hoạt động gần lực lượng của Trung Quốc. Giới chức quân sự Mỹ nhấn mạnh rằng không có ý định tham gia giao chiến với Trung Quốc.

Mặc dù một quan chức nói rằng đây chỉ là “ý tưởng” nhưng bản đề xuất mật này đã được lưu hành ở một vài cấp độ trong quân đội Mỹ.

Giới chức Mỹ thừa nhận rằng Trung Quốc thường coi những hoạt động này là gây hấn. Họ cũng biết rằng tình báo Mỹ sẽ phải tính toán về phản ứng của Bắc Kinh.

Lầu Năm Góc và Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ từ chối đưa ra bình luận về thông tin này.

Mặc dù do quân đội Mỹ thúc đẩy nhưng nếu đề xuất trên được tiến hành vào tháng 11, khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang diễn ra, thì nó sẽ có thể gây ra một số tác động chính trị với chính quyền Trump, trong trường hợp quân đội Mỹ bị Trung Quốc thách thức.

Thông tin về đề xuất của Hạm đội Thái Bình Dương được đưa ra sau nhiều ‘biến động’ mới trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Mới đây, ngày 30/9, tàu khu trục USS Decatur mang tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ đã bất ngờ chạm trán với tàu chiến lớp Luyang của Trung Quốc ở khoảng cách “nguy hiểm” gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), khi tàu Mỹ đang thực hiện hoạt động tự do hàng hải.

Theo Hạm đội Thái Bình Dương, tàu chiến của Trung Quốc đã có các hành vi áp sát, gây hấn và liều lĩnh chặn tàu Mỹ, khiến hai tàu này suýt xảy ra va chạm.

http://biendong.net/bi-n-nong/24031-hai-quan-my-chuan-bi-ke-hoach-lon-o-at-dua-may-bay-tau-chien-toi-bien-dong-de-dan-mat-tq.html

 

Sóng ngầm ẩn dưới căng thẳng

đang leo thang ở Biển Đông

Các hoạt động quân sự gần đây của Mỹ là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại đã lan sang lĩnh vực an ninh.

Washington kéo cả các đồng minh vào cuộc

Các hoạt động quân sự ở Biển Đông đang làm gia tăng bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như với Anh và Nhật Bản.

Trong động thái mới nhất, một tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur của Mỹ đã đi qua vùng biển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tuần tra suốt 10 tiếng đồng hồ trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Ga Ven và Gạc Ma.

Hải quân Mỹ cũng tố Trung Quốc đã cố tình “di chuyển thiếu an toàn và thiếu chuyên nghiệp” khi tàu chiến nước này đi áp sát tàu Mỹ trong khoảng cách chỉ 40m và suýt gây ra va chạm.

Các quốc gia khác cũng tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông. Tuần trước, tàu chiến Anh HMS Argyll đã tham gia một cuộc tập trận với tàu chiến Kaga và tàu khu trục Inazuma của Nhật ở Ấn Độ Dương trước khi tiến vào Biển Đông.

Bắc Kinh đã điều một tàu chiến và máy bay trực thăng để đối phó với sự hiện diện của tàu Anh tại khu vực.

Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền với hầu hết khu vực Biển Đông, nhiều lần yêu cầu các nước bên ngoài không nên can dự vào vấn đề này.

Những động thái gần đây ở Biển Đông cho thấy, các đồng minh của Mỹ cũng có xu hướng can dự nhiều hơn ở khu vực.

Trung Quốc ngày càng hung hăng trong các tuyên bố về chủ quyền ở khu vực. Điều này gây áp lực lên Mỹ, và Washington đáp trả bằng cách kêu gọi các đồng minh như Nhật, Anh, Australia tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, Wu Shicun, Chủ tịch Viện nghiên cứu quốc gia về Biển Đông nhận định.

“Không chỉ có Mỹ, nếu bạn chú ý, các nước lớn khác cũng tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông”, Collin Koh, chuyên gia về an ninh biển tại trường Đại học công nghệ Nanyang, Singapore cho hay.

Lửa lan từ chiến tranh thương mại

Hôm 4/10, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã nhấn mạnh chỉ trích với chính sách của Trung Quốc trên toàn cầu, đưa ra một loạt cảnh báo rằng, Mỹ sẽ không e ngại các đe dọa của Bắc Kinh.

Phó Tổng thống Mỹ nhắc lại hành động áp sát tàu khu trục USS Decatur của tàu hải quân Trung Quốc, khiến tàu khu trục Mỹ phải nhanh chóng có động thái tránh va chạm.

“Hải quân Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tiến hành tự do hàng hải, hàng không ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và lợi ích quốc gia yêu cầu. Chúng tôi sẽ không bị đe dọa. Chúng tôi sẽ không thoái lui”, Phó Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

Ông Pence cũng chỉ trích chính sách ngoại giao “bẫy nợ” mà Trung Quốc sử dụng để mở rộng ảnh hưởng ở toàn cầu, thông qua việc đề xuất hàng tỷ USD cho vay hạ tầng với các chính phủ từ châu Á đến châu Phi, châu Âu, thậm chí cả Mỹ Latin.

Các điều kiện của các khoản vay đều mù mờ, và các lợi ích thì chảy ồ ạt về Bắc Kinh, Phó Tổng thống Mỹ nhận định.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang căng thẳng trong bối cảnh chiến tranh thương mại, khi cả hai nước liên tiếp áp đặt thuế trả đũa lên hàng hóa lẫn nhau. Các nhà phân tích cho rằng, các hoạt động quân sự gần đây của Mỹ là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại đã lan sang lĩnh vực an ninh.

Đông Nam Á tránh rơi vào thế “kẹp bánh mì”

Bắc Kinh đã mở rộng hiện diện tại vùng biển giàu tài nguyên, tuyến hàng hải trọng yếu của khu vực, bằng cách xây dựng trái phép các đảo nhân tạo và thường xuyên điều các tàu chiến và máy bay quân sự đến khu vực.

Cuộc tập trận mới nhất của Trung Quốc diễn ra gần đây có sự tham gia của hàng chục máy bay chiến đấu, trong đó có ít nhất 2 máy bay ném bom J-11B, bắn đạn thật nhắm vào mục tiêu ở Biển Đông, đài Truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin.

“Mỹ sẽ không bỏ rơi Biển Đông. Nước này sẽ tiếp tục là một thế lực lớn ở khu vực”, nhà nghiên cứu Wu Shicun nói.

“Một số, nếu không muốn nói là tất cả các quốc gia Đông Nam Á hiện đang trong thế bị kẹt ở giữa”, ông Collin Koh nói.

Các nước ASEAN đang cố gắng cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, tìm kiếm quan hệ kinh tế bền chặt hơn với Trung Quốc nhưng cũng muốn có cam kết an ninh từ Washington, chuyên gia này nói thêm. “Các nước ASEAN không nhất thiết phải chọn bên nào. Ý tưởng là tối đa hóa lợi ích từ các bên”.

Adam Ni, một nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại và an ninh của Trung Quốc tại trường Đại học quốc gia Australia cho rằng, khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc càng lớn thì càng ảnh hướng đến sự kết nối và dòng chảy hàng hóa ở khu vực.

http://biendong.net/bi-n-nong/24030-song-ngam-an-duoi-cang-thang-dang-leo-thang-o-bien-dong.html

 

Từ vụ tàu TQ chặn tàu Mỹ: Chuyên gia nhận định

về nguy cơ “chiến tranh nóng” Trung-Mỹ ở Biển Đông

Theo chuyên gia Collin Koh, cả Trung Quốc và Mỹ đều chưa sẵn sàng đối đầu quân sự trực diện. Tuy nhiên ta không thể loại trừ nguy cơ ấy, nhất là trong bối cảnh căng thẳng hiện nay.

Nguy cơ Trung-Mỹ đối đầu quân sự trên Biển Đông

Chiến dịch tự do hàng hải gần đây của tàu khu trục USS Decatur và cuộc chạm trán “nguy hiểm” với tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông – khi hai tàu tiếp cận ở khoảng cách 41m – đã khiến căng thẳng giữa hai nước tiếp tục bị đẩy lên mức cao trào mới.

Trong khi đó, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ vốn đã ở trong tình trạng rất tồi tệ, khi hai bên liên tục tung ra những đòn đau nhằm vào đối phương.

Động thái gần đây nhất của Mỹ là lệnh trừng phạt nhằm vào một đơn vị của quân đội Trung Quốc (do đơn vị này mua vũ khí từ Nga), cũng như tuyên bố về thương vụ bán vũ khí 330 triệu USD giữa Mỹ và Đài Loan.

Phía Bắc Kinh cũng không chịu kém cạnh khi lập tức tung những đòn “trả miếng” như từ chối cho tàu Mỹ cập cảng Hồng Kông, hay việc hủy các cuộc đàm phán an ninh cấp cao giữa hai nước.

Những động thái “ăn miếng, trả miếng” trên đã khiến mối quan hệ hiện nay của hai nước Trung-Mỹ thêm phần chua chát.

Tuy nhiên cuộc chiến thương mại chỉ là một phần lí do; bởi trước đó hai ‘ông lớn’ này đã nhiều lần xung đột với nhau vì một số vấn đề chính trị-quân sự, đặc biệt là vấn đề Biển Đông.

Ví dụ, năm nay, Mỹ đã đáp trả động thái quân sự hóa và bồi đắp đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông bằng cách loại trừ Bắc Kinh khỏi cuộc diễn tập quân sự RIMPAC, được tổ chức ngoài khơi đảo Hawaii.

(ND: Nhằm đáp trả quyết định trên của Mỹ, Trung Quốc đã điều tàu do thám đến neo đậu ở gần khu vực đảo này trong thời gian tiến hành diễn tập.)

Do đó, động thái chặn đầu tàu Mỹ được cho là “cực nguy hiểm” vừa qua của Trung Quốc có thể được hiểu là hành động trả đũa nhằm thể hiện thái độ không bằng lòng của họ. Nhưng cũng có thể hiểu đó là động thái đe dọa nhằm ngăn căng thẳng giữa hai bên bị đẩy đến mức đỉnh điểm và dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự trực diện.

Cả Trung Quốc và Mỹ đều chưa sẵn sàng cho một cuộc “chiến tranh nóng” như vậy. Chỉ cần tưởng tượng thôi, cũng có thể thấy hậu quả tiềm tàng của cuộc chiến ấy, về cả chính trị và kinh tế, là quá lớn với cả hai nước.

Toan tính của Trung Quốc và Mỹ trên Biển Đông

Về phần mình, Mỹ luôn bày tỏ thái độ ủng hộ tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông – khu vực được coi là vùng biển quốc tế, và rộng hơn nữa, đây là nơi Mỹ thể hiện uy tín siêu cường thế giới của mình khi đảm bảo an ninh trong khu vực.

Trái lại, Trung Quốc không hề giấu giếm tham vọng của mình và thường xuyên có các động thái gây hấn về quân sự trên Biển Đông. Bắc Kinh đã nhiều lần thách thức các máy bay quân sự nước ngoài gần khu vực đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc, và gần đây nhất là cuộc chạm trán ngoài khơi với tàu USS Decatur.

Do đó, nhiều khả năng Trung Quốc và Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tiến hành những hoạt động hiện nay trên Biển Đông. Phía Mỹ sẽ tiếp tục triển khai những chiến dịch hiện diện và phô diễn sức mạnh quân sự, bao gồm các cuộc diễn tập tàu chiến và chiến đấu cơ trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Trong khi đó, phía Bắc Kinh được dự đoán sẽ tiếp tục ngang nhiên quân sự hóa và bồi đắp trái phép trên biển Đông, bất chấp sự phản đối của Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Chính vì lí do này, các quốc gia đồng minh của Mỹ như Australia, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản và Anh đã bắt đầu tăng cường hiện diện và thực hiện nhiệm vụ tuần tra hàng hải trên Biển Đông.

Như vậy, liệu kịch bản đối đầu quân sự giữa Trung – Mỹ có xảy ra hay không? Trong thời điểm hiện tại, thì chủ yếu hai bên vẫn chỉ đang ‘đấu trí’ với nhau.

Không ai trong số các bên liên quan (gồm Trung Quốc, Mỹ và ASEAN) muốn trở thành người đầu tiên khai hỏa, để rồi mang tiếng là “kẻ gây rối” và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định trong khu vực.

Do đó, các biện pháp tăng cường hiện diện và phô trương sức mạnh quân sự vẫn sẽ được các bên liên quan tiếp tục tiến hành, và tất nhiên là họ sẽ cố gắng kiềm chế không động binh hay khai hỏa trong thời gian trước mắt, nhằm tránh kịch bản đối đầu quân sự.

Có thể những căng thẳng trên Biển Đông giữa hai nước Trung-Mỹ sẽ không dẫn đến đối đầu quân sự, nhưng hai bên sẽ tiếp tục tiến hành những động thái mang tính chất “ăn miếng, trả miếng”.

Việc hai bên chuyển sang trạng thái thù địch chắc chắn sẽ không diễn ra nhanh chóng trong một sớm, một chiều. Tuy nhiên, những va chạm “tình cờ” xảy ra cũng có khả năng khiến căng thẳng leo thang đến mức đỉnh điểm mà không hề có sự thông báo hay chuẩn bị từ trước.

Do đó, các cơ chế và thỏa thuận xây dựng lòng tin giữa các bên liên quan, cùng với sự chuyên nghiệp của lực lượng quân sự tại các điểm nóng xung đột sẽ trở thành những công cụ đắc lực nhằm ngăn chặn những kịch bản đối đầu khủng khiếp xảy ra.

http://biendong.net/bi-n-nong/24018-tu-vu-tau-tq-chan-tau-my-chuyen-gia-nhan-dinh-ve-nguy-co-chien-tranh-nong-trung-my-o-bien-dong.html