Tin Biển Đông – 09/10/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 09/10/2018

Hoạt động xây dựng,

quân sự hóa của TQ tại bãi đá Huy Gơ

Bãi đá Huy Gơ nằm trong cụm đảo Sinh Tồn thuộc Huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam. Sau khi cưỡng chiếm trái phép bãi đá này từ Việt Nam năm 1988, Trung Quốc đã không ngừng bồi đắp, xây dựng để biến nơi đây từ một đảo chìm ban đầu trở thành căn cứ quân sự đồ sộ, thách thức pháp luật quốc tế và các nước ở Biển Đông.

Bãi đá Huy Gơ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam do Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng phi pháp.

Biến Huy Gơ trở thành căn cứ quân sự trái phép ở Biển Đông

Bãi đá Huy Gơ nằm trong cụm đảo Sinh Tồn thuộc Huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam, hay còn gọi là đá Tư Nghĩa, bãi đá san hô chỉ nổi lên khi thủy triều xuống. Cuối tháng 02/1988, phía Trung Quốc bất ngờ cho lực lượng hải quân đổ bộ chiếm đóng bãi Huy Gơ và dựng lên đó nhà tạm để chốt giữ, phòng thủ. Đầu những năm 1990, phía Trung Quốc bắt đầu xây dựng nhà tạm thành nhà kiên cố 02 tầng với cầu cảng, lô cốt và hệ thống thông tin liên lạc, ụ pháo… Từ một đảo chìm ban đầu, chỉ có một căn nhà 02 tầng thì nay căn nhà đó đã được thay bằng một khối nhà cao tầng đồ sộ, từ đầu tháng 01/2014, phía Trung Quốc đã huy động hàng chục tàu vận tải công trình trọng tải lớn, tập trung xây dựng cải tạo trái phép bãi Huy Gơ thành căn cứ quân sự của họ. Theo truyền thông Trung Quốc, nước

này đã đưa tàu Thiên Kình do Công ty TNHH Tập đoàn Công nghiệp Thương mại Thâm Quyến chế tạo ra bãi Huy Gơ để hút cát phục vụ bồi đắp đá này. Tàu dài 127 m, rộng 23 m, là tàu hút trộn bùn hỗn hợp tự hành lớn nhất châu Á, mỗi giờ có thể hút, trộn được 4.500 m khối hỗn hợp cát và nước biển phun ra nơi xa nhất là ngoài 6.000 m. Với tốt độ hút, trộn như trên, trong 174 ngày tác nghiệp phi pháp ở Trường Sa, tàu Thiên Kình có thể đã bồi đắp khoảng 10 triệu mét vuông hỗn hợp cát, đất và nước biển, tương đương 3 lần lượng bê tông dùng xây siêu đập Hoover ở Mỹ.

Hiện nay, căn cứ quân sự do Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi Huy Gơ đã hoàn tất các cơ sở hạ tầng, công trình trên diện tích cải tạo khoảng 9,5 ha bao gồm nhà kiên cố 8 tầng cao khoảng 26 – 27 m, tại 04 góc nhà của các tầng đều bố trí lỗ bắn. Trên nóc bố trí 02 rada hàng hải và 02 ăngten parabol, 01 thiết bị có quả cầu che và các thiết bị thông tin liên lạc, quan sát. Ở tầng 06 của tòa nhà lắp rada điều khiển hỏa lực, kính ngắm quang học, còn tầng 5 lắp 4 bệ pháo 30 mm (07 nòng), tầng 01 lắp 04 bệ pháo 76 mm… Ngoài ra, vị trí hỏa lực lắp đặt pháo 76 mm, pháo 30 mm quay hướng Đông; tháp viễn thông thu phát sóng 4G cao khoảng 50 m; bãi đáp trực thăng, cầu cảng hướng Đông – Tây dài khoảng 80 – 100 m. Ngoài việc bồi đắp và xây dựng khối nhà 09 tầng, Trung Quốc cũng cho nạo vét một luồng dẫn vào cầu cảng của đá Huy Gơ, dài khoảng 900m với độ sâu trên 10m để đón các tàu trọng tải lớn vào cảng.

Lực lượng núp bóng tàu cá hung hãn luôn thường trực

Từ đầu năm 2018 đến nay, số lượng tàu Trung Quốc xung quanh khu vực Huy Gơ – Ba Đầu tăng nhanh đột biến. Hàng chục tàu cá dân binh Trung Quốc neo trong âu tàu do Trung Quốc xây dựng trái phép ở bãi cạn Huy Gơ. Có thời điểm, số lượng tàu khoảng từ 40 đến 50 chiếc tàu cá dân binh, tàu vũ trang giả dạng tàu cá ken thành bè ở bãi Ba Đầu, về ban đêm hệ thống đèn chiếu sáng nhìn như thành phố nổi. Đáng chú ý, trog số đó có cả những tàu tải trọng rất lớn vượt trội các tàu cá thông thường và giàn cẩu tự hành khổng lồ phía sau. Đây có thể là những tàu vận tải xây dựng đa chức năng, lên đến vài nghìn tấn nhưng lại được phía Trung Quốc đưa vào danh sách tàu cá. Những tàu cá này của Trung Quốc nổi tiếng hung hăng và sẵn sàng sử dụng vũ khí để ngăn cản, xuôi đuổi khi có tàu nước ngoài tiếp cận khu vực xung quanh bãi Huy Gơ.

Đội ngư dân là lực lượng “hải quân mới” của Trung Quốc. Những tàu cá của họ được trang bị hệ thống vệ tinh hàng hải cấp độ quân sự gọi là “Beidou”, kết nối với lực lượng tuần duyên Trung Quốc. Trong đó, ngư dân chỉ phải trả khoảng 10% chi phí của hệ thống hiện đại này, phần còn lại chính quyền hỗ trợ. Tại Nam Hải, ngư dân Trung Quốc thậm chí còn được khuyến khích đi vào các vùng biển tranh chấp của các nước và hệ thống vệ tinh trên tàu cá sẽ giúp nghe ngóng các tàu nước ngoài. Với việc trang bị hệ thống định vị này, Trung Quốc đã biến các tàu cá thành vũ khí bí mật, phục vụ cho tham vọng bành trướng trên biển của Trung Quốc. Khi khoác lên mình đồng phục màu xanh, ngư dân Trung Quốc trở thành dân quân biển, núp bóng tàu cá để tiến hành trinh sát, do thám cũng như nhiều hành động gây rối tại vùng biển các nước.

Tàu cá Trung Quốc cũng được biết đến qua các vụ việc gây quan ngại cho các nước trên khắp thế giới. Trong thông cáo ngày 23/2/2018, cảnh sát biển Argentina cho hay họ đã bắn vào tàu Jing Yuan 626 sau khi phát hiện nó đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Argentina một ngày trước đó. Phía Argentina quyết định “triển khai súng máy và đại bác” để ngăn chặn tàu cá Trung Quốc. Trong đoạn video công bố ngày 24/2/2018, một sĩ quan cảnh sát biển Argentina đã cảnh báo tàu Jing Yuan 626 trước khi khai hỏa. Sau đó, cảnh sát biển Argentina đuổi bắt tàu Jing Yuan 626 gần 8 giờ trước khi nhận lệnh ngừng lại từ Bộ Ngoại giao Argentina. Tàu Jing Yuan 626 nhờ đó chạy thoát, không có ai bị thương cũng không có ngư dân nào bị bắt. Liên quan đến vụ việc nêu trên, ngoài Jing Yuan 626 còn có 4 tàu treo cờ Trung Quốc khác và những tàu này tìm cách đâm vào các tàu cảnh sát biển của Argentina.

Không chỉ Argentina, tuần duyên Hàn Quốc hồi tháng 12/2017 phải bắn tới gần 250 phát đạn từ súng máy và các vũ khí khác trong cuộc đối đầu với hơn 40 tàu cá Trung Quốc xâm nhập trái phép vùng biển gần đảo Gageodo, phía Tây Nam Hàn Quốc. Dù đã bị chặn lại và yêu cầu rời đi song các tàu Trung Quốc “trang bị các thanh thép và lưới kim loại phớt lờ cảnh báo, cố tình lao vào tàu tuần tra”, theo thông cáo của tuần duyên Hàn Quốc. Sự hung hãn này buộc phía Hàn Quốc phải “bắn cảnh cáo vào các mũi tàu Trung Quốc”, bao gồm 180 phát từ súng máy M-60 và gần 70 phát súng trường, súng ngắn.

Liên quan tới các hoạt động trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh: “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi”.Việt Nam “kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc có những lời nói, hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.

http://biendong.net/bi-n-nong/24055-hoat-dong-xay-dung-quan-su-hoa-cua-tq-tai-bai-da-huy-go.html

 

Báo Mỹ nói thẳng

TQ tham vọng bá quyền trên Biển Đông

Sau khi đọc bài viết “Không ai thua và thắng trên Biển Đông” của tác giả Hồ Bá, Denny Roy – hội viên chính của Trung tâm Đông Tây đã có bài viết phản đối với ý kiến trên. Ông cho rằng Trung Quốc đang thể hiện tham vọng bá quyền trên Biển Đông với những hành động phi pháp coi thường luật quốc tế, National Interest cho biết.

Tác giả Hồ Bá viết rằng: “Không có cách nào khác ngoài việc thiết lập một trật tự an ninh chung về mặt tổng thể” tại Biển Đông. Điều này đối lập với chính sách của Trung Quốc hiện nay – một chính sách đang thúc đẩy mạnh mẽ việc củng cố đặc quyền đơn phương của Trung Quốc mà không phải là “một trật tự chung và tổng thể về mặt an ninh”.

Thực tế, Bắc Kinh luôn đòi hỏi phải đàm phán theo hình thức song phương giữa những nước và bên tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông (những đòi hỏi của Trung Quốc có thể bao gồm cả quần đảo Natuna của Indonesia).

Theo chuyên gia Mỹ, có thể nói đây là hành động tối đa hóa ảnh hưởng mà Trung Quốc luôn thực hiện với các đối tác yếu hơn. Bề ngoài, Bắc Kinh có vẻ như đang làm việc với ASEAN để đưa ra Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, nhưng đây không phải là dấu hiệu Trung Quốc sẽ nhượng bộ mà chỉ là một hành động “xoa dịu, câu giờ” khác giống như thỏa thuận năm 2002 của Trung Quốc với khối ASEAN.

Hồ Bá nhấn mạnh rằng “dù Trung Quốc phát triển thế nào cũng sẽ không đi theo con đường gọi là ‘bá quyền trên biển’ bởi vì không nước nào có thể ‘kiểm soát’ hay ‘đạt được ưu thế trên Biển Đông”. Đánh giá của ông Hồ Bá trái ngược với chính sách của Trung Quốc hiện nay. Hành động của Trung Quốc rõ ràng đang nhắm vào việc đạt được sự kiểm soát ở khu vực phía nam Trung Quốc với việc tuyên bố cái gọi là “đường 9 đoạn” phi pháp (Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp trên 90% Biển Đông bao gồm tất cả các đảo, bãi đá, mỏm bãi và những dải đá ngầm…).

Thông qua những tuyên bố chính thức và những hành động của quân đội và những lực lượng bán quân sự, Bắc Kinh đã khẳng định 2 yếu tố cơ bản: (1) Những nước khác không được khai thác những nguồn lợi trên hoặc trong lòng biển mà không có sự đồng ý của Trung Quốc; (2) Trung Quốc có quyền hành động tùy ý về mặt quân sự và thương mại trong vùng.

Chuyên gia Mỹ minh chứng cho việc này bao gồm việc hàng năm Trung Quốc đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá phi pháp và tuyên bố đóng cửa những vùng biển khi hải quân của họ tổ chức những cuộc tập trận trên biển (như vụ dẫn tới sự cố chạm trán với tàu USS Cowpens năm 2013). Hơn nữa, tàu của Trung Quốc thường xuyên tìm cách đẩy mạnh cách ứng xử phi pháp thông qua việc gây hấn trên biển, bao gồm cả việc đâm tàu hay đe dọa sẽ đâm vào những tàu của nước ngoài trên biển. Những mục tiêu mà Trung Quốc thực hiện để khẳng định chủ quyền một cách phi pháp với những nguồn tài nguyên trên Biển Đông hay phủ nhận quyền hoạt động của các nước trong khu vực rõ ràng được định nghĩa là “bá quyền trên biển”.

Hồ Bá ngang nhiên cho rằng “không có vấn đề gì với sự tự do hoạt động trên Biển Đông”. Ông ta đúng nếu “sự tự do hoạt động” chỉ đề cập tới tự do hàng hải với những chuyến tàu thương mại nước ngoài di chuyển qua Biển Đông. Định nghĩa “tự do hoạt động” của hải quân Mỹ bao gồm việc những tàu chiến và máy bay quân sự của Mỹ không gặp trở ngại khi hoạt động ở những khu vực được xác định là hải phận và không phận quốc tế theo luật quốc tế.

Hải quân Mỹ tôn trọng Luật Biển – theo dõi Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc – một hành động được phép thực hiện nhưng không phải trong hải phận của Trung Quốc – điều không được phép thực thi. Đôi khi tàu Trung Quốc theo dõi các hoạt động của hải quân Mỹ ở gần Hawaii nhưng chính phủ Mỹ cũng không có ý kiến gì về những hành động đó.

Vấn đề thật sự là Trung Quốc đang khó chịu vì tố Mỹ đang giữ vai trò “cảnh sát khu vực” – một phần trong chiến lược lớn của Mỹ. Hồ Bá cũng đưa ra ý kiến thiên lệch về việc này và tuyên bố: “Mỹ không nhận ra sự thay đổi lớn về chiến lược của việc thay đổi cán cân quyền lực đang nghiêng về phía Trung Quốc” – Mỹ cần nhường địa vị chiến lược vượt trội tại châu Á cho Trung Quốc. Một người Trung Quốc cảm thấy như vậy là một điều có thể hiểu được. Một người muốn hai nước đưa ra giải pháp tốt hơn cho vấn đề hơn là những hành động khinh suất và nguy hiểm của tàu và máy bay Trung Quốc.

Theo National Interest, cho tới nay hành động quấy rối của Trung Quốc tập trung vào những con tàu của nước ngoài đang hoặc đang chuẩn bị để khai thác các nguồn tài nguyên trên biển hoặc trong lòng biển và những tàu đang phải ngăn chặn tàu Trung Quốc chiếm giữ các nguồn tài nguyên. Bắc Kinh cũng hướng sự quấy nhiễu của mình vào bất cứ sự hiện diện quân sự nào của nước ngoài. Không có sự bảo đảm nào khi Bắc Kinh đang tìm cách để quốc tế công nhận Biển Đông là lãnh thổ của mình. Cũng sẽ không có đảm bảo cho việc Bắc Kinh không đòi phong tỏa tuyến đường thương mại trên biển của các nước bất đồng về chính trị với Trung Quốc, báo Mỹ đánh giá.

Tác giả Denny Roy cũng bất đồng với Hồ Bá ở một điểm cơ bản đó là Bắc Kinh đang muốn tạo ra phạm vi ảnh hưởng trên Biển Đông. Hồ Bá cho rằng hành động của Trung Quốc là “không bất chính mà là cách cư xử bình thường của một cường quốc” và Trung Quốc rõ ràng coi mình là một nước đang trỗi dậy và có quyền lực lớn ở vùng đông Á.

Theo chuyên gia Mỹ, Bắc Kinh luôn khẳng định mình không hành động giống một cường quốc thông thường và đặc biệt nói rằng “Trung Quốc sẽ không tìm cách bành trướng, bá quyền hay tạo ra phạm vi ảnh hưởng” – đó là câu “thần chú” của Trung Quốc. Ủng hộ những khẩu hiệu tuyên truyền của Trung Quốc, Hồ Bá nói rằng bất cứ lời bình luận nào ngược lại là “những lời đồn đại và bào chữa để tạo ra sự hoang mang và áp lực với Trung Quốc”.

Hồ Bá lặp lại luận điệu chính quyền Trung Quốc không theo “chủ nghĩa bành trướng” mà chỉ đơn thuần đáp trả hành động xâm phạm của các nước khác, và đặc biệt bàn tay Trung Quốc bị thúc đẩy do những hành động khiêu khích như “Tuần tra vì tự do hàng hải của Mỹ [FONOPS]”. Chuyên gia Mỹ đặt câu hỏi là liệu hành động của Trung Quốc có đơn thuần chỉ là phản ứng lại hay Trung Quốc đang sử dụng các hành động khác như một lý do để thi hành và đẩy nhanh những kế hoạch đã được mình định trước. Lý do sau không được loại trừ – Nhận thức được các thách thức từ nước ngoài có thể ảnh hưởng tới các chiến thuật và kế hoạch của Trung Quốc, việc đổ lỗi cho nước ngoài có những hành động khiêu khích khiến cho Trung Quốc có vẻ ít gây hấn hơn.

Nhưng theo báo Mỹ, những hành động của Trung Quốc có vẻ như không phải chỉ đơn thuần là “đáp trả” như trận chiến không khói bằng cách ngang nhiên đưa giàn khoan nổi xuống Biển Đông một cách ngang ngược như đã làm vào năm 2014. Hơn nữa, Trung Quốc đã xây dựng phi pháp những căn cứ quân sự trái phép ở ngay trung tâm Biển Đông với tổng diện tích khoảng 12km2, lớn hơn bất cứ công trình nào của các nước đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông.

Hồ Bá còn ngang ngược nói rằng tàu khu trục của Mỹ thường hiện diện gần các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền (một cách phi pháp) là “mối đe dọa lớn tới chủ quyền và an ninh của Trung Quốc và người dân Trung Quốc trên những đảo và rặng đá ngầm”. Theo chuyên gia Mỹ đó là một điều ngoa dụ và vô lý. Ví dụ này cho thấy lý lẽ thực chất của Bắc Kinh rằng các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải FONOPS đã khiến Trung Quốc xây dựng các căn cứ quân sự.

Một điểm cơ bản nữa mà Hồ Bá không đề cập tới là Trung Quốc không có quyền tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông vì những thủy thủ của họ đã đi qua đây từ thời xa xưa bởi thực tế rằng Bắc Kinh đã ký một hiệp ước quốc tế trong đó phủ nhận “quyền lịch sử” như một yếu tố cơ bản cho quyền sở hữu.

Bài viết của Hồ Bá đã cho thấy những lập luận về Biển Đông của vị này chỉ như chuyện phiếm trong phòng khách trừ phi ông ta có thể nhận thấy vấn đề về ham muốn tạo ra ảnh hưởng của Trung Quốc và tranh chấp quyền lực Mỹ-Trung, chuyên gia Mỹ nhận xét.

http://biendong.net/doc-bao-viet/24051-bao-my-noi-thang-tq-tham-vong-ba-quyen-tren-bien-dong.html

 

Bản tin Biển Đông ngày 08/10/2018

Ngày 6/10, hãng Gulf News đưa tin, Ngoại trưởng Philippines Allan Peter Cayetano cho biết Philippines muốn Mỹ và Trung Quốc tổ chức đối thoại với nhau sau vụ tiếp cận đến mức gần như nguy hiểm giữa hai tàu chiến của hai nước này ở Biển Đông hôm 30/9 vừa qua. Ông Cayetano nhấn mạnh, như Tổng thống Philippines Rodrigo từng tuyên bố, Philippines là bạn với tất cả, không thù địch với ai, chính phủ Philippines kêu gọi Mỹ và Trung Quốc ngồi lại với nhau và có cuộc nói chuyện “từ trái tim đến trái tim” để tránh xảy ra những vụ tương tự có thể dẫn đến xung đột giữa hai nước, đồng thời ảnh hưởng đến các nước khác trong khu vực. Ngoại trưởng Cayetano cho rằng, “Trung Quốc có lập trường riêng về vấn đề Biển Đông, Mỹ có lập trường riêng, và Philippines có lập trường riêng. Mức độ năng động của các cường quốc khác với các nước tầm trung hay các nước chỉ có sức mạnh mềm. Chúng ta sẽ tiếp tục phải chứng kiến những tranh cãi như vậy cho đến khi nào Mỹ và Trung Quốc ngồi lại với nhau và các nước trong khu vực ngồi lại với nhau”.

Thông điệp của Mỹ: đã đến lúc phải lựa chọn một bên trong vấn đề Biển Đông

Ngày 6/10, tờ South China Morning Post đăng bài viết của tác giả Bhavan Jaipragas cho rằng sau nhiều năm cân bằng mối quan hệ với hai cường quốc, vụ tiếp cận nguy hiểm giữa hai tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc vừa qua đã khiến cho các nước láng giềng nhỏ bé của Trung Quốc phải đứng trước lựa chọn giữa ác quỷ hay biển xanh sâu thẳm. Đối tượng chính trong chuyến thăm tới Trung Quốc của Phó Tổng Mỹ Mike Pence trong tuần này có lẽ là các nhà lãnh đạo Trung Quốc, nhưng theo các nhà phân tích, có một thông điệp dành cho các nước ở khu vực: khi có một trận chiến giành bá chủ giữa hai siêu cường ở Biển Đông, hãy lựa chọn đứng về bên nào. Các nhà quan sát quan hệ Mỹ-Trung cho rằng, có thể sẽ có áp lực ngay lập tức dưới dạng Mỹ hy vọng các nước như Việt Nam, Malaysia, Singapore sẽ thể hiện lập trường cứng rắn hơn chống lại các yêu sách của Trung Quốc đối với khu vực rộng lớn ở Biển Đông – cách mà các đồng minh phương Tây như Pháp, Anh, Australia đã từng làm. Theo Ryan Hass, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Brookings của Washington, ít nhất có một phần đối tượng trong bài phát biểu của Phó Tổng thống Pence là nhằm tập hợp “sự ủng hộ quốc tế đằng sau những nỗ lực của Mỹ chống lại Trung Quốc”. Ian Storey, nhà nghiên cứu ngoại giao ở Singapore cho rằng, Biển Đông có thể đấu trường chính giữa các cường quốc nếu như căng thẳng không giảm bớt, “căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc về các vấn đề thương mại, Đài Loan, lệnh trừng phạt quân đội, và thậm chí cả vấn đề Tân Cương đang có tác động đến vấn đề Biển Đông. Căng thẳng Mỹ – Trung càng tăng thì nguy cơ đối đầu trên biển cũng tăng theo”. Các nhà phân tích khác thì cho rằng khả năng vùng biển này trở thành đấu trường chính trong căng thẳng Mỹ – Trung tăng lên khi Washington hối thúc đồng minh và các nước bạn bè hành động nhiều hơn để thách thức Bắc Kinh trên biển, cụ thể là bằng cách tiến hành các hoạt động tự do hàng hải (FONOP). Theo Gregory Poling, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI), đánh giá sự can dự của “các nước bên ngoài” – cụ thể là Anh – có thể là lý do đằng sau phản ứng “quá dữ dội”, “quá liều lĩnh” của Trung Quốc đối với hoạt động FONOP của tàu USS Decatur vừa qua. Vấn đề là trong thời gian tới, liệu các nước trong khu vực có bị kéo vào cuộc chơi địa chiến lược do các nước lớn định hình hay không và nếu có thì khi nào? Liệu Bắc Kinh có tạo sóng gió ở Biển Đông hay không?

Sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông đe dọa nổ ra chiến tranh

Ngày 7/10, tờ South China Morning Post đăng bài viết của Wang Xiangwei, nguyên Tổng biên tập của tờ báo này, cho rằng sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ ở Biển Đông đe dọa nguy cơ tạo ra các vụ đụng độ có thể dẫn đến chiến tranh. Bài viết nhắc lại sự việc cách đây 17 năm, một máy bay trinh thám của Mỹ thực hiện nhiệm vụ tuần tra thường xuyên tại Biển Đông đã va chạm với một máy bay chiến đấu của Trung Quốc, cho thấy bản chất mong manh của hoạt động quân sự giữa hai cường quốc này. Cuộc đụng độ giữa hai tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc trong tuần trước có vẻ như là những gì được báo trước. Sự đối đầu căng thẳng cùng với cuộc chiến thương mại Mỹ chống lại Trung Quốc cũng như các căng thẳng song phương khác, đã làm dấy lên lo ngại rằng mối quan hệ giữa hai bên, đặc biệt là về quân sự, xấu đi, sẽ không chỉ dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh mà có thể là một cuộc chiến tranh thực sự.

Kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, Washington đã tăng cường các hoạt động tuần tra hàng hải, hàng không ở Biển Đông, phần lớn tại khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, thậm chí còn khuyến khích các nước đồng minh như Anh, Australia, Pháp, Nhật làm điều tương tự. Tuy Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ tại vùng biển này, nhưng các hoạt động quân sự của Mỹ tại đây rõ ràng là nhằm duy trì ảnh hưởng tại Châu Á – Thái Bình Dương, đẩy lùi nỗ lực của Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực. Về bản chất, những gì đang diễn ra ở Biển Đông là cuộc chơi quyền lực giữa cường quốc đang thống trị và cường quốc đang nổi lên. Các nhà phân tích cho rằng vụ suýt đụng độ tuần qua cũng như vụ va chạm máy bay cách đây 17 năm đều tạo ra những sự sợ hãi, nhưng bản chất của vấn đề là Mỹ sẽ không bao giờ ngừng các hoạt động tuần tra thường xuyên vùng biển ngoài khơi Trung Quốc mà chắc chắn sẽ vấp phải sự can thiệp quân sự từ Bắc Kinh. Mỹ đang cố gắng để kiểm tra độ kiên nhẫn của Trung Quốc bằng cách tăng cường tuần tra hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Câu hỏi đặt ra hiện nay là, liệu Mỹ có thực sự muốn đi đến chiến tranh với Trung Quốc về vài mẩu đá và đụn cát, như một số nhà phân tích phương Tây bình luận, hay không?

http://biendong.net/diem-tin/24052-ban-tin-bien-dong-ngay-08-10-2018.html

 

Biển Đông: Chiến hạm dồn dập tập trận

thách thức yêu sách phi lý của TQ

Từ ngày 2/10, cuộc tập trận thường niên của 5 nước bao gồm Anh, Úc, New Zealand, Malaysia và Singapore bắt đầu diễn ra tại Biển Đông. Nhân sự kiện này, các nước ngoài khu vực đã đưa chiến hạm vào khu vực, một sự kiện được nhiều nhà phân tích cho là sẽ tạo áp lực trên Trung Quốc, nước đã đòi hỏi chủ quyền vô lối trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông.

Khu trục hạm lớp Lữ Dương của Trung Quốc bị Mỹ tố áp sát nguy hiểm chiến hạm USS Decatur của Mỹ tuần tra thực thi tự do hàng hải ở Biển Đông mới đây

Cuộc diễn tập quân sự của nhóm 5 nước trong khối Hiệp ước Phòng thủ Ngũ Cường (Five Power Defence Arrangements FPDA) sẽ kéo dài cho đến ngày 19/10, và theo hãng tin Úc AAP sẽ diễn ra tại Biển Đông.

Vấn đề khiến giới quan sát chú ý là các nước như Úc, New Zealand, và cả Anh đã thông báo điều tàu chiến và máy bay đến tham gia diễn tập. Úc chẳng hạn, cho biết sẽ phái hai tàu Hải quân, 9 chiến đấu cơ F/A-18 Hornet, cùng 4 máy bay quân sự khác đến tham gia. New Zealand cũng góp mặt với khu trục hạm Te Mana. Trong khi đó, chiến hạm Anh Argyll trên đường đến cuộc tập trận, đã cùng luyện tập với chiến hạm Nhật Bản ngoài Ấn Độ Dương.

Dĩ nhiên là nội dung diễn tập của các quốc gia trên không liên can gì tới tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc với 4 nước ASEAN quanh Biển Đông. Tuy nhiên cường độ xuất hiện dày đặc của chiến hạm ngoài khu vực trong vùng được cho là sẽ làm Trung Quốc bất an, trong bối cảnh Bắc Kinh tự nhận mình là chủ nhân (phi pháp) của hầu hết Biển Đông, và luôn luôn dọa nạt nước khác mỗi khi lên án tàu thuyền nước họ đi vào vùng mà Trung Quốc luôn tự nhận vơ là lãnh hải của mình.

Theo báo Hongkong South China Morning Post (SCMP) ngày 1/10, bối cảnh hiện nay không mấy thuận lợi cho Trung Quốc và “Bắc Kinh đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng nhiều đối với các yêu sách chủ quyền của họ trên Biển Đông”, vì các cường quốc lớn ngoài vùng đang càng lúc càng tăng cường sự hiện diện trong khu vực.

Đi đầu tất nhiên vẫn là Mỹ, đã tăng cường các chiến dịch không quân và hải quân để thách thức yêu sách phi lý và bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Ví dụ rõ nhất là chuyến tuần tra hôm 30/9 của khu trục hạm USS Decatur vào bên trong vùng 12 hải lý của đá Ga Ven và Gạc Ma.

Bên cạnh đó, Úc và nhất là Nhật Bản, đều tỏ bày tỏ mạnh mẽ thái độ ủng hộ việc thực thi quyền tự do hàng hải tại Biển Đông. Ngoài khu vực, phải kể đến các động thái của Pháp và mới đây là Anh.

Theo SCMP, nhiều chuyên gia phân tích nghĩ rằng trong bối cảnh Mỹ cứng rắn hơn với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, các đồng minh, đối tác của Mỹ khó có thể đứng ngoài.

Chuyên gia an ninh hàng hải Collin Koh thuộc Đại học Kỹ thuật Nanyang tại Singapore nhận định: “Sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông không phải là điều đáng chú ý duy nhất nữa. Người ta có thể thấy rằng các cường quốc khác cũng tăng cường sự hiện diện quân sự của mình tại đây”.

Ngô Sĩ Tồn, viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc cho rằng chính thái độ quyết đoán hẳn lên của Trung Quốc trong việc khẳng định chủ quyền, được các đảo nhân tạo mới bồi đắp ở Biển Đông hỗ trợ, đã khiến Mỹ cứng rắn hơn. Ông Ngô nói: “Điều đó đã gây áp lực lên Mỹ, và Washington đã kêu gọi các đồng minh như Nhật Bản và Anh, thậm chí là cả Úc, cùng tham gia vào việc đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông”.

http://biendong.net/bi-n-nong/24050-bien-dong-chien-ham-don-dap-tap-tran-thach-thuc-yeu-sach-phi-ly-cua-tq.html

 

Nhật Bản, Việt Nam thỏa thuận hợp tác

 để bảo đảm hòa bình ở Biển Đông

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 8/10 đồng ý hợp tác để duy trì hòa bình và an ninh ở Biển Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam với Bắc Kinh.

Trong cuộc họp tại Phủ Thủ tướng ở Tokyo, hai nhà lãnh đạo khẳng định sẵn sàng thúc đẩy thương mại tự do và công bằng thông qua các hiệp định thương mại khu vực, kể cả hiệp định TPP-11, quy tụ 11 đối tác tham gia hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, bất chấp xu hướng bảo hộ đang lan rộng.

Thủ Tướng Abe nói trong một cuộc họp báo:

“Cùng chung bước với Thủ tướng Phúc, tôi quyết tâm thực hiện một khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương rộng mở và tự do bao trùm cả Biển Đông”.

Ông Phúc đang ở thăm Tokyo để dự Hội nghị thượng đỉnh Mekong-Nhật Bản, tổ chức vào ngày Thứ Ba 9/10. Tham gia hội nghị này còn có các lãnh đạo của Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan.

Cùng với một số quốc gia Đông Nam Á khác, Việt Nam và Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền chồng chéo trên Biển Đông. Giữa lúc căng thẳng lên cao, Bắc Kinh cho xây các đảo nhân tạo và cơ sở hạ tầng quân sự trong vùng biển đang trong vòng tranh chấp.

Nhật Bản không tranh giành chủ quyền trên Biển Đông nhưng coi tuyến đường biển trong khu vực là tuyến vận chuyển hàng hóa có tầm quan trọng chiến lược.

Ông Phúc không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng trong cuộc họp báo, ông và ông Abe nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo hòa bình, an ninh hàng hải và tự do đi lại trên biển và trên không ở Biển Đông.

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 45 năm ngày Việt Nam và Nhật Bản thiết lập bang giao, Thủ Tướng Abe cam kết sẽ thúc đẩy các trao đổi và giao lưu giữa người dân hai nước giữa lúc Tokyo đang chuẩn bị gia tăng số công nhân nước ngoài thông qua việc thiết lập một quy chế di trú mới kể từ tháng Tư năm 2019.

Nhật Bản còn hứa sẽ hỗ trợ 1,2 tỷ đô la viện trợ để mua thiết bị kiểm tra an toàn thực phẩm ở Việt Nam nhằm mục đích giúp nước này gia tăng xuất khẩu thực phẩm.

Đưa tin này, báo Nhân Dân nói hai nước sẽ tiếp tục củng cố các quan hệ kinh tế, cổ vũ cho đầu tư Nhật Bản đổ vào Việt Nam, tăng cường hợp tác trong các dự án quy mô về cơ cấu hạ tầng, đào tạo nhân lực, và phối hợp để giúp Việt Nam sử dụng vốn ODA của Nhật Bản hữu hiệu hơn.

https://www.voatiengviet.com/a/nhat-ban-vietnam-thoa-thuan-hop-tac-de-bao-dam-hoa-binh-o-bien-dong/4604508.html