Tin Việt Nam – 08/10/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 08/10/2018

Thêm bốn người biểu tình chống luật đặc khu

bị án tù

Tòa án nhân dân Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, vào hôm 8/10 tuyên án tù bốn thanh niên tham gia biểu tình chống dự luật đặc khu hôm 10/6 với cáo buộc Gây rối trật tự công cộng

Bốn thanh niên nói trên bao gồm: Nguyễn Văn Tuấn (30 tuổi, quê Bắc Giang) bị tuyên 3 năm tù, Trương Ngọc Hiền (21 tuổi, quê Thừa Thiên-Huế) bị tuyên 2 năm tù, Nguyễn Huỳnh Đức (18 tuổi, quê Sóc Trăng) và Bùi Văn Tiến (17 tuổi, quê Vĩnh Long) cùng mức án 1 năm tù và 2 năm quản chế. Riêng bị cáo Tuấn phải bồi thường cho Công an thành phố Hồ Chí Minh 9 triệu 5 trăm ngàn đồng.

Cáo trạng cho biết 4 người này đã tuần hành trái phép qua cá tuyến đường của quận Tân Bình, Phú Nhuận, rồi tiến vào trung tâm thành phố để phản đối Luật Đặc khu. Khi tuần hành, một số người đã đã quậy phá, dùng hung khí gây hư hỏng xe đặc chủng của lực lượng công vụ và xe buýt trên đường.Truyền thông trong nước dẫn cáo trạng của Hội đồng xét xử cho biết các bị cáo khai nhận đã nghe theo một số người trên Facebook nhắn tin, rủ tham gia đi biểu tình; đồng thời chia sẻ tin nhắn đó cho nhiều người khác.

Bị cáo Nguyễn Văn Tuấn được nói là người lang thang, không có việc làm, khi đang ngủ tại Công viên Hoàng Văn Thụ thì gặp một người phụ nữ đề nghị nếu đi tuần hành đến Hồ Con Rùa thì sẽ trả 400 ngàn đồng.

Vào hai ngày 10 và 11/6/2018, đã có nhiều cuộc biểu tình của người dân trên khắp các tỉnh thành Việt Nam phản đối hai dự luật đặc khu cho phép Trung Quốc thuê đất và an ninh mạng. Một số nơi đã biến thành bạo động như tại Bình Thuận khi người dân đập phá tài sản công vụ và đốt cháy nhiều ô tô, xe máy tại Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong. Đến nay đã có hàng chục người trên cả nước bị kết tù với các cáo buộc gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ sau khi tham gia đợt biểu tình này.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/four-more-people-jailed-for-anti-protesting-economic-zone-10082018090234.html

 

Nông dân khóc ròng vì giá thanh long giảm

còn 500 đồng/kg vẫn vắng người mua

Nhiều ngày nay, nông dân tại một số khu vực trồng nhiều thanh long của tỉnh Bình Thuận như Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân… điêu đứng vì không thể tìm được đầu ra cho thanh long.

Theo VOV, tương tự như tình trạng ở nhiều tỉnh có trồng thanh long khác, thanh long ở tỉnh Bình Thuận đang rớt giá thảm hại, từ 12.000 đồng/kg xuống còn 500 đồng/kg trong vòng một tuần qua. Giá rớt chóng mặt nhưng vẫn không có thương lái đến thu mua khiến nhiều nhà vườn phải cắt bỏ trái chín.

Ngày 6/10, giá thu mua thanh long tại nhiều nhà vườn ở Bình Thuận chỉ ở mức từ 500-1.000 đồng/kg. Giá quá thấp đã khiến nông dân lỗ nặng trong vụ này.

Gia đình anh Hòa ở xã Mương Mán (huyện Hàm Thuận Nam) có 600 trụ thanh long với hơn 10 tấn trái đã đến kỳ thu hoạch. Mấy ngày nay, anh liên tục gọi điện cho thương lái đến mua nhưng không được.

Theo anh Hòa, để có được 10 tấn trái thanh long, người trồng phải đầu tư hết khoảng 50 triệu. Nếu không có người mua, gia đình anh và nhiều chủ vườn khác sẽ buộc phải chặt bỏ số thanh long đang chín tại vườn. Khi đó, nông dân vừa mất một khoản thu nhập lớn vì không bán được thanh long, vừa phải mất thêm công băm nhỏ trái thanh long để giữ vệ sinh trên đồng.

Chia sẻ trên Tri thức trực tuyến, anh Hận – một nông dân trồng thanh long tại huyện Hàm Thuận Nam, than thở chưa năm nào giá thanh long lại rớt thê thảm như năm nay. Giá đã xuống tận đáy nhưng nhiều nhà vườn vẫn chưa thể bán được.

Anh Hận cho biết thêm 3 ha thanh long với sản lượng chục tấn đang chín đỏ của gia đình anh đang phải neo trái tại vườn. Trong trường hợp không có người mua, anh buộc phải chặt bỏ để dưỡng cây cho vụ mùa tiếp theo.

Nhiều nông dân cho rằng với chi phí đầu tư lớn, đặc biệt là những hộ chong đèn, mỗi kg thanh long bán ra thị trường với giá từ 10.000 đồng họ mới mong có lãi. Vì vậy, đây là vụ mùa nhiều gia đình trồng thanh long ở Bình Thuận đang phải khóc ròng.

Hiện nay, toàn tỉnh Bình Thuận có 27.000 ha thanh long, sản lượng hơn 500.000 tấn/năm. Trong đó, hơn 80% thanh long đều được xuất khẩu qua con đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Theo các thương lái, giá thanh long giảm mạnh trong vòng một tuần qua là do thị trường Trung Quốc không “ăn hàng” như trước.

Không riêng Bình Thuận, nông dân nhiều tỉnh có trồng thanh long khác như Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang… cũng đang điêu đứng vì thanh long rớt giá và không tìm được đầu ra.

Trong một hội thảo gần đây về nông sản Việt, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang là thị trường tiêu thị nông sản hàng đầu của Việt Nam, trong đó có trái thanh long. Tuy nhiên, thay vì xuất khẩu chính ngạch, hiện các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong nước chủ yếu xuất khẩu qua con đường tiểu ngạch.

Các chuyên gia cho rằng hình thức xuất khẩu này không bền vững và luôn rình rập nhiều rủi ro. Để không rơi vào tình cảnh được mùa rớt giá, phải kêu gọi giải cứu, nông dân cần tìm hiểu kỹ về nhu cầu thị trường, ngày càng chú trọng chất lượng hơn là sản lượng làm ra.

http://biendong.net/the-gioi-dai-duong/24025-nong-dan-khoc-rong-vi-gia-thanh-long-giam-con-500-dong-kg-van-vang-nguoi-mua.html

 

Thanh tra: nhiều sai phạm về quản lý môi trường

tại hai nhà máy thép ở Đà Nẵng

Thanh tra thành phố Đà Nẵng hôm 6/10 công bố kết luận thanh tra hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc cho thấy có nhiều sai phạm về quản lý môi trường và những quyết định sai của chính quyền. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 7/10.

Theo kết luận của thanh tra, trong 10 năm hoạt động, hai nhà máy này đã mặc một loạt sai phạm bao gồm: thay đổi đổi một số máy móc, thiết bị nhưng không lập lại điều chỉnh, bổ sung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), vi phạm luật Bảo vệ môi trường; cả hai công ty chưa được Sở Tài nguyên Môi trường xác nhận hoàn thành toàn bộ công trình, biện pháp bảo vệ môi trường nhưng đã đưa dự án vào hoạt động từ năm 2008 và 2009.

Kết luận của thanh tra cũng cho biết công ty cổ phẩn thép Dana Ý đã không hợp đồng với các công ty môi trường để vận chuyển, xử lý mà chủ yếu tự san lấp mặt bằng, một phần đang lưu giữ tại nhà máy.

Theo kết luận của thanh tra, hàng loạt các sai phạm của hai nhà máy là do những quyết định của lãnh đạo thành phố trong việc phê duyệt dự án hai nhà máy, khiến hàng trăm hộ dân quanh khu vực hai nhà máy phải sống trong môi trường ô nhiễm nguồn nước và không khí.

Cụ thể, báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp được thực hiện từ năm 2006  và được Sở Tài nguyên Môi trường phê duyệt không có ngành nghề luyện thép. Nhưng cả hai nhà máy này đã được phê duyệt cho sản xuất thép.

Người dân thôn Vân Dương, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng từ nhiều tháng nay đã phản đối hoạt động gây ô nhiễm môi trường của hai nhà máy này và yêu cầu chính quyền phải di dời hai nhà máy đi chỗ khác.

Trước những phản đối gay gắt của người dân, hôm 4/10, chính quyền Đà Nẵng đã phải ra công văn yêu cầu hai nhà máy thép phải chấm dứt các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

Trước đó, vào tháng 3 năm nay, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã có công văn thông báo chủ trương không để hai nhà máy thép hoạt động tại địa phương, hủy bỏ chủ trương giải tỏa, di dời các hộ dân gần 2 nhà máy.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/inspection-found-number-of-violations-in-2-controversial-steel-plants-10082018085828.html

 

Sau hình thức kỷ luật Đảng,

cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son sẽ ra toà?

Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Ba Đình sáng thứ Hai, 8 tháng 10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến đại án AVG và nhấn mạnh việc xử lý ông Nguyễn Bắc Son chỉ mới là kỷ luật Đảng.

Theo truyền thông trong nước đưa tin, ngoài ông Nguyễn Bắc Son (nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT), ông Nguyễn Phú Trọng còn nhắc đến ông Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch Đà Nẵng) và cho biết phải có kỷ luật tương ứng về hành chính, nếu cần xem xét về hình sự thì lại đưa ra xử lý hình sự, như vụ án Đinh La Thăng hay Trịnh Xuân Thanh trước đây.

Vào ngày 4 tháng 10 vừa qua, tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XII diễn ra tại Hà Nội (từ ngày 2 đến 6/10), Ban chấp hành Trung ương đã xem xét, quyết định kỷ luật cách chức Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XI và Bí thư Ban cán sự đảng Bộ TT&TT nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Nguyễn Bắc Son.

Ông Son bị xem xét kỷ luật do các vi phạm trong dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu AVG (dự án) gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của nhà nước.

Tại Hội nghị Trung ương 8, cựu Chủ tịch Đà nẵng Trần Văn Minh bị kỷ luật khai trừ khỏi đảng. Ông Trần Văn Minh bị kết luận là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; vi phạm các quy định về quản lý đất đai, về quản lý, sử dụng tài sản công, gây thất thoát và lãng phí lớn cho ngân sách.

Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, TBT Nguyễn Phú Trọng cho biết việc xử lý án tham nhũng, vấn đề kê khai tài sản của cán bộ là nội dung trọng điểm của kỳ tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá 14 (dự kiến khai mạc ngày 21/10/2018). Thêm vào đó, TBT khẳng định thời gian vừa qua đã khắc phục được nhiều tình trạng án chậm, muộn, “đưa vụ nào ra là làm đến nơi đến chốn” và đặc biệt, việc xử lý cán bộ rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/After-party-disciplined-nguyen-bac-son-will-go-to-court-10082018083257.html

 

Cảnh sát Malaysia bắt giữ 31 phụ nữ Việt

Tờ Malay Mail của Malaysia hôm 6/10 cho biết cảnh sát nước này vừa bắt giữ 31 phụ nữ Việt Nam được cho là nhân viên quan hệ khác hàng tại mộ trung tâm giải trí cao cấp ở quận Cheras, Kuala Lumpur hôm 6/10, trong một chiến dịch có tên Op Gegar.

Tờ báo tích lời Cục trưởng Cục Di trú Malaysia Seri Mustafar Ali cho biết cuộc bố ráp diễn ra vào lúc 1 giờ 30 phút sáng. Những điều tra ban đầu cho thấy những phụ nữ Việt có độ tuổi từ 20 đến 40 đã vào Malaysia bằng đường du lịch. Những người này có thể kiếm được tiền thưởng từ khách lên đến 500 RM (tương đương 120 đô la) một ngày.

Thông báo của Cục Di trú Malaysia cho biết những người bị bắt đã không có giấy tờ nhân thân hợp lệ và đã ở quá hạn.

Những người này hiện đang bị giam giữ để điều tra thêm theo luật chống buôn bán người.

Trước đó, vào ngày 4/10, Cục Di trú Malaysia cũng bắt giữ 24 phụ nữ Việt Nam khác do liên quan đến hoạt động mại dâm tại một cơ sở giải trí ở khu vực Putraraya, Kuala Lumpur.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/cops-nab-31-foreign-gros-in-op-gegar-in-cheras-10082018094113.html

 

Nhựa PE của Mỹ đến Việt Nam

để tránh thuế trả đũa của Trung Quốc

Nhiều chuyến tàu chở hạt nhựa PE của Mỹ sẽ đến Việt Nam trong quý tư năm nay để tránh việc Trung Quốc trả đũa, đánh thuế lên hàng nhập khẩu từ Mỹ. Tin này được trang mạng Hiệp hội chất dẻo Việt Nam loan đi, trích dẫn những nguồn tin từ các nhà buôn hạt nhựa khác nhau.

Những lô hàng hạt nhựa này nhập thẳng vào Trung Quốc, chúng sẽ đi qua đường Việt Nam.

Một nguồn tin từ chi nhánh thương mại Mitsubishi cho rằng các chuyến hàng như thế sẽ đến từ tháng 10 trở đi, nhưng số lượng bao nhiêu thì cần chờ đến khi nào cơ quan hải quan Việt Nam công bố mới biết được chính xác.

Các nguồn tin của ngành chất dẻo tiếp cận được với các số liệu hải quan cho biết là lượng hạt nhựa nhập khẩu vào Việt Nam trong sáu tháng đầu năm nay đã vượt mức trung bình của năm 2017, và còn sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Trung Quốc đã tuyên bố đánh thuế lên 60 tỉ đô la hàng nhập khẩu từ Mỹ để trả đũa việc Hoa Kỳ áp thuế lên 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/more-us-polyethylene-to-hit-vietnams-shores-in-q4-10082018093947.html

 

Hoa Kỳ muốn tăng xuất khẩu thịt lợn vào Việt Nam

Vào cuối tháng 9 vừa qua, một đoàn đại diện của Liên đoàn xuất khẩu thịt Hoa Kỳ và Ủy ban thịt heo quốc gia Mỹ (NPB)  đã có chuyến thăm Việt Nam nhằm quảng bá, tìm cách thúc đẩy tiêu thụ thịt heo Mỹ ở Việt Nam.

Tờ Economic Times của Việt Nam trích lời ông Gerald Smith – Trưởng phòng Nông nghiệp đối ngoại, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết Việt Nam là một trong 15 thị trường nhập khẩu thịt heo nhiều nhất của Mỹ và đứng thứ hai ở khu vực Đông Nam Á.

Theo ông Smith, năm 2017, Việt Nam tiêu thụ 1,8 triệu tấn heo, chiếm 57% tổng lượng thịt. Năm 2017, trị giá nhập khẩu các sản phẩm thịt từ Mỹ của Việt Nam là 12 triệu đô la, tăng 140% so với năm trước. Ông Smith cho rằng, với đà phát triển hiện tại, trong năm 2018, xuất khẩu thịt heo của Mỹ vào Việt Nam sẽ còn cao hơn nữa.

Đại diện NPB cho biết trước đây, các nhà chăn nuôi heo tại Mỹ đã nỗ lực nhằm thông qua Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở cửa thị trường giữa hai nước, nhưng rất tiếc đã bất thành.

Vào đầu năm 2016, sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định rút khỏi hiệp định TPP.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/us-pork-seeks-way-to-get-on-vn-s-plate-10082018104702.html

 

Việt Nam Nhật Bản cam kết hợp tác

vì hòa bình và an ninh ở Biển Đông

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng ông cùng với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc quyết tâm thực hiện một vùng Ấn Độ Thái Bình Dương rộng mở và tự do.

Lời phát biểu của Thủ tướng Nhật được đưa ra trong buổi họp báo, sau cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Tokyo vào hôm nay 8/10.

Chuyến đi Nhật Bản của ông Nguyễn Xuân Phúc lần này là để tham gia hội nghị về sông Mekong giữa Nhật Bản và các nước ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng ông cùng với Thủ tướng Abe khẳng định sự cần thiết của hòa bình và an ninh hàng hải ở Biển Đông, cũng như ủng hộ an ninh hàng hải và hàng không ở khu vực này. Tuy nhiên ông không đề cập đến Trung Quốc, nước luôn chỉ trích chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ và các quốc gia phương Tây trong khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn nói rằng ông hoan nghênh cố gắng của Nhật Bản để thúc đẩy sự thịnh vượng ở khu vực.

Báo chí Việt Nam nói rằng ông Abe và ông Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến các cơ quan hữu trách của hai bên ký trao đổi 9 văn kiện hợp tác trong rất nhiều lĩnh vực, giáo dục, kinh tế và an ninh.

Hội nghị Nhật Bản ASEAN về sống Mekong sẽ diễn ra vào ngày mai 9/10.

Trước đó vào ngày 4/10, ông Yoshihide Suga, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản, có nói rằng Nhật Bản mong muốn tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực. Hãng tin Kyodo của Nhật lúc đó dẫn lời một số quan chức Nhật cho rằng Nhật muốn gia tăng sự ảnh hưởng của mình giữa lúc Trung Quốc đã và đang bành trướng thế lực của mình ở dọc lưu vực sông Mekong với tổ chức hợp tác Lan Thương Mekong mà họ đề xướng.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông gia tăng sau khi tàu chiến Trung Quốc áp sát tàu chiến Mỹ đang thực hiện chiến dịch tự do hàng hải của Hao Kỳ sát các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Trường Sa.

Trước đó Nhật Bản đã cho tàu ngầm và tàu chiến vào Biển Đông tập trận, bị Bắc Kinh lên tiếng chỉ trích.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-japan-joint-east-sea-security-10082018083911.html

 

Thái Lan đầu tư vào Việt Nam thì có gì tự hào?

Tang NguyênGửi tới BBC từ TP HCM

Nhiều người Việt thấy vui khi biết nhiều doanh nghiệp Thái đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, điều này nghe như kinh tế Việt Nam sắp vượt qua Thái Lan vậy. Sự thật ở đây là gì?

Vì sao Việt Nam hút đầu tư từ Thái Lan?

Thương chiến Mỹ Trung ‘có ảnh hưởng tới VN’

Đầu tư ra nước ngoài làm gì?

Thu hút đầu tư của nước ngoài là tốt, nhưng không có nghĩa là lấy được tiền của họ. Doanh nghiệp nước ngoài sẽ không đến Việt Nam nếu không thu được lợi nhuận khổng lồ.

Tại sao họ phải lặn lội đi hàng bao nhiêu cây số để đến một nơi xa lạ? Đó là vì ở đất nước xa lạ đó có những lợi thế mà đất nước họ không có: Đó là giá thuê đất rẻ và quan trọng nhất là giá nhân công rẻ. Ngoài ra còn một điều quan trọng nữa: Ở đất nước đó có nhiều khoảng trống để hoạt động.

Thử vào siêu thị, ngó vào nơi để thực phẩm chế biến sẵn chẳng hạn, sẽ thấy: Sản phẩm của Việt Nam rất ít. Ví dụ pho mát, Việt Nam chỉ có duy nhất một sản phẩm, còn lại đều của nước ngoài. Xúc xích, thịt nguội – những mặt hàng tiện lợi cho cuộc sống hiện đại: hầu như cũng chỉ có một, hai doanh nghiệp của Việt Nam.

Tầm quan trọng của sự đa dạng và tự sản xuất hàng hóa

Go-Jek vào VN cạnh tranh dịch vụ xe ôm

Công nghiệp 4.0 và startup: VN cần học từ đâu?

Sự đa dạng của sản phẩm cực kỳ quan trọng. Người Việt nghĩ rằng cùng một mặt hàng mà có nhiều nhà sản xuất thì thị phần sẽ bị bé đi, điều đó không đúng.

Ví dụ một người bận rộn, lại thích ăn xúc xích, ngày nào cũng có thể ăn được nếu có nhiều loại thay đổi, nhưng siêu thị chỉ có một loại nên ăn mãi cũng chán rồi nên phải chuyển sang món khác. Hay như nước hoa: Có nhiều loại nước hoa khiến cho người ta có thể mua nhiều loại của các hãng khác nhau thay vì ngày nào cũng dùng một mùi.

Người Việt khi đi nước ngoài đều hoa mắt trước sự đa dạng của các loại hàng hóa, các doanh nghiệp ở nước họ chắc chắn sẽ không nghèo hơn doanh nghiệp Việt Nam dù phải cạnh tranh khốc liệt. Hàng hóa càng đa dạng thì cuộc sống của người dân càng tốt.

Một ví dụ tiêu biểu và thời sự về tầm quan trọng của đa dạng hàng hóa là Venezuela. Nước này quen bán dầu để mua gần như mọi thứ hàng hóa từ nước ngoài, đến khi giá dầu hạ thì không còn ngoại tệ nữa dẫn đến việc người dân nước này không còn cả giấy vệ sinh để mua.

Phân phát hàng hóa (nhập ngoại) để cho giống Xã hội Chủ nghĩa đã khiến cho người Venezuela thấy chẳng việc gì phải lập doanh nghiệp sản xuất, cộng thêm việc quốc hữu hóa các ngành quan trọng đã giết chết các doanh nghiệp nước này. Đó là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng của một trong những nước từng rất giàu có trước đây.

Như vậy, Venezuela còn là bài học về tầm quan trọng của tự sản xuất. Tự sản xuất ra được tốt hơn là phải nhập ngoại. Tự sản xuất giảm thiểu khả năng khủng hoảng kinh tế. Ví dụ, bánh mì là loại thực phẩm phổ biến ở Việt Nam, việc chúng ta được ăn bánh mì hàng ngày chỉ với vài ba ngàn một chiếc là một việc hiển nhiên. Nhưng sẽ không còn là hiển nhiên nữa nếu biết rằng Việt Nam phải nhập toàn bộ lúa mì, có nghĩa là nếu vì một lý do nào đó như hết ngoại tệ, bị cấm vận hay tai nạn trong khâu vận chuyển chẳng hạn, thì có bỏ ra vài triệu cũng không có nổi một chiếc bánh mì để ăn.

Doanh nghiệp trong nước tự sản xuất ra giấy vệ sinh tốt hơn phải nhập, nhưng việc có nhiều doanh nghiệp cùng sản xuất giấy vệ sinh cũng quan trọng chẳng kém: Nếu chẳng may có một cơ sở sản xuất phải tạm dừng hoạt động vì cháy nổ chẳng hạn, cả nước vẫn sẽ không thiếu giấy vệ sinh vì còn nhiều doanh nghiệp khác cung cấp.

Nhắc đến tầm quan trọng của đa dạng và tự sản xuất hàng hóa để thấy Việt Nam đang rất yếu trong hai việc này, đó là mảnh đất béo bở để doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào chiếm lĩnh thị phần.

VN tăng trưởng ‘vượt trội’ cùng Lào, Campuchia

Việt Nam: Mang cờ Mỹ đi biểu tình làm gì?

Ai tự hào hơn: Người đầu tư hay người nhận đầu tư?

Đầu tư ra nước ngoài vô cùng khó. Chính vì thế chúng ta mới chỉ thấy doanh nghiệp nước ngoài đầu tư đến Việt Nam chứ có mấy khi doanh nghiệp Việt đầu tư được ở nước ngoài? May ra nhớ được một, hai cái tên như: Hoàng Anh Gia Lai đầu tư sang Lào, Myanmar; Viettel sang Lào, Campuchia, Châu Phi. Chưa bàn đến chuyện lỗ lãi, các nước này ở thời điểm đó đều kém phát triển hơn Việt Nam, và đó là cái cớ để người Việt tự hào khi có doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài. Nếu thời gian tới Lào, Campuchia cũng ồ ạt đầu tư ở Việt Nam, chắc chắn đó không phải là tín hiệu đáng mừng.

Tương tự như vậy là câu chuyện với Thái Lan: Không ít người Việt hiện nay hàng năm cố gắng sang Thái để mua sắm từ một đến hai lần. Có người Thái nào lại sang Việt Nam để mua sắm? Chỉ riêng chuyện đó cũng thấy Việt Nam chưa thể là nơi đáng sống hơn Thái Lan được. Dù được coi là ổn định chính trị hơn, Việt Nam cũng chỉ đón lượng khách du lịch quốc tế bằng một phần ba Thái Lan.

Vì thế, dù việc Thái Lan đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam có thể coi là một việc tốt, đôi bên cùng có lợi, nhưng từ đó mà nghĩ rằng Việt Nam có môi trường tốt hơn Thái Lan, nền kinh tế Việt Nam có nhiều triển vọng hơn Thái Lan thì hoàn toàn sai lầm!

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45779463

 

Công nghiệp 4.0 và startup:

Việt Nam cần học từ đâu?

Nguyễn Đình ĐạtNghiên cứu sinh tiến sỹ, ĐH The West of Scotland

Hôm 30/9/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và phát biểu tại Lễ khai giảng của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Ông nhấn mạnh về nhu cầu của thế hệ trẻ Việt Nam cần sáng tạo, tư duy tốt để không tụt hậu, thậm chí bị máy móc thay thế:

“Sinh viên tốt nghiệp đại học ngày nay không những phải có kiến thức và trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải có những kỹ năng để không bị thay thế bởi robot và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là kỹ năng sáng tạo, hợp tác, kỹ năng tư duy phản biện…”

Não trạng VN: Doanh nghiệp kêu cứu thủ tướng

Chính phủ VN gây áp lực lên YouTube

Trong thời gian vừa qua các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam nói rất nhiều về cuộc cách mạng công nghệ 4.0, khởi nghiệp và quyết tâm của Việt Nam nhằm theo kịp bước tiến của cuộc mạng này.

Theo thiển ý, cách mạng công nghệ 4.0 thực chất là cách mạng về tự động hoá và trao đổi dữ liệu trong sản xuất và dịch vụ.

Ngoài phần cứng: máy móc, thiết bị được điều kiển bởi các thuật toán máy tính, điện toán đám mây, nhận thức điện toán, còn có yếu tố nguồn nhân lực.

Theo tôi, chìa khoá thành công trong cuộc công nghệ 4.0 này chính là con người, tức là giới chuyên viên trình độ cao.

Chưa chuẩn bị nguồn nhân lực

Tuy nhiên, theo những nghiên cứu mới đây thì nguồn nhân lực cho công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của Việt Nam vừa yếu về chất lượng lại thiếu về số lượng.

Theo trang tuyển dụng Vietnamworks, đến cuối năm 2018, Việt Nam thiếu hụt 70.000 lao động trong lĩnh vực ICT.

Đến năm 2020, số lượng thiếu hụt nhân lực sẽ lên tới 500.000.

Bác sĩ sẽ đặt đơn thuốc gì cho bạn?

Năm điều nên biết về Jack Ma của Alibaba

Hãng công nghệ VN đầu tiên sẽ niêm yết ở Nasdaq?

VN: Dùng blockchain chống sửa điểm thi

Thêm vào đón, chất lượng nguồn nhân lực ICT của Việt Nam đang có vấn đề. Đa phần sinh viên ra trường đều phải đào tạo lại.

Theo công ty FPT, kỹ sư IT mới ra trường cần ít nhất thêm 1 năm đào tạo mới làm được việc. Theo những nhà tuyển dụng nhân lực cho rằng kỹ sư IT của Việt Nam thiếu đủ thứ, từ tác phong làm việc chuyên nghiệp đến kỹ năng chuyên môn.

Lý do là hệ thống giáo dục và đạo tào của Việt Nam rất lạc hậu.

Bên cạnh đó, cơ chế chính sách phát triển do các doanh nghiệp khởi nghiệp thì chưa có gì đột phá.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp là nơi khởi nguồn của công nghệ sản phẩm dịch vụ sáng tạo. Lãnh đạo Việt Nam đã nêu quyết tâm về điều này nhpng các startup vẫn đang gặp nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý.

Cụ thể, họ mất 20% thời gian để xử lý các vấn đề liên quan đến thủ tục do đó không có nhiều thời gian để phát triển sản phẩm.

Theo nghiên cứu của tôi đang thực hiện tại Anh Quốc, rất nhiều startup Việt Nam đã tìm ra nước ngoài hoạt động, và điểm đến thường là Singapore, nơi điều kiện phát triển rất tốt.

Người sáng lập ra một startup, xin chỉ nêu tên là Nam cho tôi biết anh đã quyết định rời Việt Nam sang Singapore.

“Ngoài nguồn vốn dồi dào, nguồn nhân lực tốt, chính phủ Singapore hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp về thủ tục. Như đăng ký kinh doanh chỉ cần một vài tiếng, doanh nghiệp chỉ cần báo thuế khi doanh thu trên 100.000 đô la Singapore, vì họ cho rằng làm điều này sẽ giảm phiền hà cho doanh nghiệp và khi đến thời điểm đó doanh nghiệp mới đủ chi phí hoạt động.”

Để Việt Nam không đứng ngoài cách mạng công nghiệp 4.0 như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn, Việt Nam phải giải được hai bài toán nói trên.

Đó là phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho các doanh nghiệp hoạt động.

Học hỏi từ đâu?

Việt Nam là nước đi sau nên có thể hỏi từ rất nhiều nước trong khu vực và trên quốc tế.

Nếu như Singapore đã đi khá xa trên con đường công nghiệp hóa và dịch vụ hiện đại, các nước đi chậm hơn vẫn có thể cho Việt Nam nhiều bài học quý giá.

Dưới đây tôi xin nêu ra 11 biện pháp Ấn Độ đã làm giúp phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp:

1.Đơn giản hoá quy trình

Chính phủ Ấn Độ đã tạo một ứng dụng dành cho thiết bị di động và một trang web để giúp các công ty khởi nghiệp (CTKN) đăng ký dễ dàng. Bất cứ ai quan tâm đến việc lập một doanh nghiệp chỉ cần điền vào một biểu mẫu đơn giản trên web. Toàn bộ quá trình hoàn toàn trực tuyến.

2.Giảm chi phí

Chính phủ cung cấp danh sách những tổ chức hỗ trợ liên quan bằng sáng chế và thương hiệu. Họ sẽ cung cấp dịch vụ quyền sở hữu trí tuệ chất lượng cao bao gồm kiểm tra nhanh các bằng sáng chế với mức phí thấp.

Chính phủ sẽ chịu mọi chi phí điều hành các tổ chức này và CTKN sẽ chỉ chịu phí theo luật định. Họ sẽ được giảm 80% chi phí làm bằng sáng chế.

3.Dễ dàng tiếp cận truy cập vào quỹ

Một quỹ được thành lập bởi chính phủ để cung cấp tài chính cho các công ty khởi nghiệp như một quỹ đầu tư mạo hiểm. Chính phủ cũng đứng ra bảo lãnh cho người khởi nghiệp vay, khuyến khích các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác cung cấp vốn CTKN.

4.Miễn thuế trong 3 năm

Các công ty khởi nghiệp sẽ được miễn thuế thu nhập trong vòng 3 năm với điều kiện họ nhận được chứng nhận từ Ban Liên Bộ.

5. Đăng ký đấu thầu

Các khởi nghiệp có thể tham gia các gói thầu của chính phủ. Họ được miễn các tiêu chí “kinh nghiệm / doanh thu trước” áp dụng cho các công ty bình thường.

6.Cơ sở R & D

Các công viên nghiên cứu và phát triển được thành lập để cung cấp các cơ sở vật chất cho các khởi nghiệp trong lĩnh vực R&D đến nghiên cứu và phát triển sản phẩm.

7.Không tốn thời gian cho thủ tục hành chính

Nhiều thủ tục được đơn giản hóa cho các công ty khởi nghiệp tiết kiệm thời gian và tiền bạc. CTKN sẽ được phép tự chứng nhận sự tuân thủ (thông qua ứng dụng di động) cho các thủ tục liên quan đến lao động và môi trường.

8.Giảm thuế cho nhà đầu tư

Các người đầu tư bỏ vốn của họ vào các quỹ đầu tư mạo hiểm do chính phủ lập ra sẽ được miễn thuế từ lợi nhuận đầu tư vốn. Điều này sẽ giúp các công ty khởi nghiệp thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.

9.Lựa chọn nhà đầu tư

Các công ty khởi nghiệp sẽ được lựa chọn các giữa các quỹ đầu tư mạo hiểm được chính phủ thành lập, điều này tạo cho họ quyền tự do lựa chọn nhà đầu tư của mình.

10.Thủ tục đóng cửa đơn giản

Trong trường hợp giải thể – CTKN có thể đóng cửa hoạt động kinh doanh trong vòng 90 ngày kể từ nộp đơn.

11.Kết nối và hợp tác

Chính phủ tổ chức hai cuộc thi khởi nghiệp hàng năm cả trong nước và quốc tế để cho các startup gặp gỡ các đối tác liên quan, điều này sẽ cung cấp cơ hội hợp tác giữa các bên.

Mười một chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trên đã giúp cho Ấn Độ thu được kết quả rất khả quan, trở thành một nước mạnh về khởi nghiệp và công nghệ thông tin.

Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi được những chính sách vừa nêu trên để đi tới thành công trong điều kiện của mình khi tham gia cách mạng công nghệ 4.0.

Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Nguyễn Đình Đạt, nghiên cứu sinh tiến sỹ tại ĐH The West of Scotland, Anh Quốc. BBC Tiếng Việt sẽ tiếp tục giới thiệu các ví dụ phát triển công nghiệp 4.0 ở các nước khác trên thế giới.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-45764017

 

Ông Nguyễn Phú Trọng:

‘TBT làm CT nước là giải pháp tình huống’

Ông Nguyễn Phú Trọng nói với người dân Hà Nội hôm 8/10 rằng việc Tổng bí thư làm Chủ tịch nước không phải vì nhất thể hóa mà là tình huống.

Hội nghị 8 ‘thay đổi cấu trúc quyền lực’ ở Việt Nam

GS Trọng kiêm chủ tịch nước: Phản ứng ban đầu

TBT Nguyễn Phú Trọng ‘sẽ kiêm Chủ tịch nước’

Sau nhiều đồn đoán, bình luận, từ giới quan sát và người dân trong và ngoài nước, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức phát biểu về việc được ‘giới thiệu’ ứng cử chức Chủ tịch nước trong buổi tiếp xúc cử tri Hoàn Kiếm và Ba Đình, Hà Nội.

Đây là chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, theo thông tin từ webisite Chinhphu.vn.

‘Không phải nhất thể hóa’

Theo đó, trong buổi nói chuyện với cử tri Hà Nội, ông Trọng cho hay việc Tổng bí thư làm Chủ tịch nước “Không phải nhất thể hóa” mà chỉ là giải pháp “tình huống”.

“Đến bây giờ thì không phải nhất thể hoá, đây là tình huống. Vừa rồi không may đồng chí Trần Đại Quang – nguyên Chủ tịch nước mất đi, rất đột ngột, mặc dù bệnh hiểm nghèo đã được chữa trị cả năm nay.”

“Khuyết chức danh Chủ tịch nước, phải có người làm thay; Bộ Chính trị, Trung ương chuẩn bị nhiều phương án, quá trình thảo luận rất dân chủ, rất trách nhiệm và nhất trí cao giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Đây là ý kiến của Trung ương còn ra Quốc hội sẽ bầu,” Tổng Bí thư nói, theo trang chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Trọng cho hay “không nên nói là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, nói tắt thì được nhưng không đúng nghĩa”.

Tổng Bí thư giải thích: “Đây là hai cơ chế khác nhau, hai cơ quan khác nhau, không thiên vai nào chính vai nào phụ thì sẽ không chuẩn; đồng thời cũng không nói nhất thể hoá, nôm na thì đây là bầu cho một người để làm hai công việc này.”

‘Cử tri cả nước phấn khởi’

Các cử tri Hà Nội hết sức đồng tình với lựa chọn của Ban Chấp hành Trung ương khi tiến cử ông Trọng làm Chủ tịch nước, theo tường thuật của báo Việt Nam.

“Tôi và cử tri cả nước rất phấn khởi trước thành công của hội nghị Trung ương 8. Đây là hội nghị lịch sử thể hiện sự tin tưởng của toàn Đảng, toàn dân trước sự lựa chọn sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương khi tiến cử Tổng bí thư để Qquốc Hội bầu làm Chủ tịch nước.”

“Ban Chấp hành Trung ương đã giới thiệu Tổng bí thư là người có đủ đức tài, xứng đáng vào vị trí cực kỳ quan trọng, xứng tầm quốc gia và quốc tế. Dân tuyệt đối tin tưởng, đồng tình ủng hộ…,” cử tri Lê Đức Hạnh, phường Kim Mã, Ba Đình được dẫn lời trên báo Việt Nam.

Về tỷ lệ 100% phiếu bầu tại Hội nghị Trung ương 8 cho vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cho hay đó là do vấn đề này đã được đặt ra từ lâu chứ không phải giờ mới nói tới, theo tường thuật của Vietnamnet.

Ông Chung cũng nói việc này “phù hợp với cải cách thể chế, có lợi cho Đảng, đất nước, cho quá trình đối ngoại và vị thế của chúng ta trên trường quốc tế”.

Ông Chung chỉ lo lắng là nếu đảm nhiệm cả vị trí Chủ tịch nước thì Tổng bí thư Trọng sẽ phải ‘gánh vác trọng trách nặng nề hơn’.

Có sát nhập hai văn phòng?

Việc có sát nhập văn phòng Chủ tịch nước và văn phòng Trung ương Đảng [nơi có văn phòng Tổng bí thư] hay không, sau khi ông Trọng lên làm Chủ tịch nước, dường như chưa có sự thống nhất.

Trước đó, trả lời truyền thông Việt Nam, ông Lê Quang Vĩnh, Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng nói “vấn đề sáp nhập hai văn phòng không được đặt ra, Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Trung Đảng vẫn riêng biệt”, theo Vietnamnet.

Ông Vĩnh lý giải rằng văn phòng Trung ương Đảng là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Bộ Chính trị trong tổ chức, điều hành công việc lãnh đạo của Đảng.

“Còn Văn phòng Chủ tịch nước là một chế định trong tổ chức nhà nước, giúp việc cho cả Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước. Chủ tịch nước là một pháp nhân, đồng thời là một thể nhân, vừa là cơ quan, vừa là một người,” ông Vĩnh nói,

Tuy nhiên, ông Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng TƯ thì lại cho hay một trong những ưu điểm của việc Tổng bí thư làm Chủ tịch nước là sat nhập được hai văn phòng:

“Việc thống nhất chức danh sẽ thống nhất được Văn phòng Tổng bí thư và Văn phòng Chủ tịch nước thành một cơ quan, thành một bộ máy giúp việc chứ không phải hai. Như vậy giảm được một đầu mối, biên chế cán bộ sẽ giảm đi”, ông Phúc nói trên một bài báo hôm 5/10 cũng trên Vietnamnet.

Quốc tế nói gì?

Chuyên gia về Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales cũng có chung quan điểm rằng việc ông Trọng lên làm Chủ tịch nước là ‘giải pháp tình thế’.

Mới đây nhất, trả lời phỏng vấn trên trang DW, ông Carl Thayer trả lời: “Tôi cho rằng đây là một sự sắp xếp mang tính tình thế. Ông Trọng ban đầu lưỡng lự khi nắm cả hai vị trí, cho thấy có thể đây không phải là chuyện thâu tóm quyền lực. Quyết định này được thực hiện vì những lý do thực tế.”

Trong khi đó, trên Asia Times, tác giả David Hutt cũng đặt câu hỏi vì sao ông Trọng dường như đã thay đổi suy nghĩ. Bởi trước đây ông Trọng từng tỏ ý lo ngại về quyền lực tập trung không thể kiểm soát.

Ông David Hutt đưa ra hai tình huống. Một là ông Trọng muốn tăng cường quyền lực chính trị cho bản thân. Hai là việc kết hợp hai chức danh này sẽ mang lại sự ổn định hơn vào thời điểm Đảng Cộng sản và xã hội Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45781281