Tin Việt Nam – 07/10/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 07/10/2018

Dân Yên Bái chống khai thác đá,

nhà cầm quyền siết thông tin mạng xã hội

Yên Bái – Để phản đối việc một công ty khai thác đá ảnh hưởng đến môi trường và nguồn nước, người dân xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã bắt giữ một cán bộ tuyên giáo huyện.

Báo Người Lao Động mới đây dẫn lời một giới chức thuộc tỉnh ủy Yên Bái xác nhận sự việc xảy ra tại mỏ đá Nà Kèn trong tỉnh. Vào sáng ngày 27 tháng 9, công ty Đá Cẩm Thạch R.K. Việt Nam đưa người và phương tiện đến khai thác tại mỏ đá Nà Kèn ở xã Lâm Thượng. Họ bị nhiều người dân trong xã kéo ra ngăn cản, dẫn tới cuộc xô xát giữa lực lượng bảo vệ của công ty và người dân, khiến hai nhân viên bảo vệ và một người dân bị thương. Người dân cũng bắt giữ một cán bộ được ban tuyên giáo huyện ủy cử tới giải quyết mâu thuẫn nhưng thả ra ngay trong ngày.

Người dân cho rằng việc khai thác đá tại khu vực này sẽ ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của họ, trực tiếp nhất là tác động đến nguồn nước sinh hoạt. Tình hình căng thẳng đã kéo dài suốt tuần qua.

Báo Dân Trí hôm 5 tháng 10 đưa tin, UBND huyện Lục Yên đã yêu cầu công an và quân đội theo dõi và nhận diện tất cả những người đang kéo đến khu vực mỏ đá Nà Kèn để tham gia biểu tình. UBND cũng ra lệnh lập danh sách của tất cả những người đã đưa tin, chia sẻ và bình luận theo khuynh hướng chỉ trích đối với hoạt động khai thác đá này trên các mạng xã hội như Facebook và Zalo.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/dan-yen-bai-chong-khai-thac-da-nha-cam-quyen-siet-thong-tin-mang-xa-hoi/

 

CSVN truy tố thêm 2 nhà hoạt động

thuộc nhóm ‘Hiến Pháp’

Sài Gòn – Nhà cầm quyền CSVN vừa truy tố hai trong tám thành viên của nhóm “Hiến Pháp” bị bắt cóc hồi đầu tháng 9, về tội “phá rối an ninh” theo điều 118 bộ luật hình sự của chế độ.

Trang mạng Người Bảo Vệ Nhân Quyền hôm Thứ Sáu cho biết, gia đình của hai Facebooker Hồ Văn Cương và Ngô Văn Dũng vừa nhận được thông báo từ công an thành phố ở Sài Gòn trong cùng ngày về tình hình của hai ông. Thông báo được gửi đến sau hơn một tháng hai nhà hoạt động bị lực lượng an ninh của chế độ bắt cóc.

Theo thông lệ của công an CSVN trong những vụ án chính trị, họ sẽ bị giam giữ từ bốn tháng trở lên. Họ sẽ không được phép gặp luật sư và gia đình, cho tới khi nào cuộc điều tra hoàn tất. Theo pháp luật Việt Nam dưới chế độ cộng sản, họ đối diện với án tù lên tới 15 năm nếu bị kết án.

Ông Ngô Văn Dũng là một nhà báo công dân từng đưa tin về nhiều đề tài, bao gồm tham nhũng, ô nhiễm môi trường, Trung Cộng xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông, và những vi phạm nhân quyền trong nước. Ông Dũng và ông Cương là hai trong tám thành viên của nhóm Hiến Pháp bị bắt cóc từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 9 vừa qua. Các thành viên khác là Đoàn Thị Hồng, Trần Hoàng Lan, Đỗ Thế Hoá, Hùng Hưng, Trần Phương và Phạm Thảo. Hiện chỉ có ông Phạm Thảo, tức Facebooker Tâm Tâm Nguyên, được tại ngoại.

Gia đình của năm nhà hoạt động này vẫn chưa được nhà cầm quyền thông báo về tình hình của họ. Công an CSVN đã bắt giữ một thành viên khác nữa của nhóm “Hiến Pháp” là Facebooker Huỳnh Trương Ca vào ngày 1 tháng 9 và truy tố ông về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước” theo điều 117 bộ luật hình sự của chế độ.

Nhóm Hiến Pháp được thành lập hồi giữa năm 2017 với mục đích giáo dục quần chúng về nhân quyền bằng cách phân phát văn bản Hiến Pháp Việt Nam 2013 cho người dân.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/csvn-truy-to-them-2-nha-hoat-dong-thuoc-nhom-hien-phap/

 

Hàng chục ngàn công nhân 2 công ty giày

ở Thanh Hóa lần lượt đình công

Thanh Hóa – Hai cuộc đình công của hàng chục ngàn công nhân thuộc hai công ty giày trong khu công nghiệp Hoằng Long, thành phố Thanh Hóa, đã diễn ra lần lượt vào buổi sáng và buổi chiều Thứ Bảy.

Vào buổi sáng, khoảng 8,000 công nhân công ty giày Aleron Việt Nam thuộc tập đoàn Hong Fu Việt Nam, tập trung ngoài sảnh công ty để đòi quyền lợi. Các công nhân tham gia đình công cho biết, gần đây công ty thường xuyên tạo thêm áp lực trong công việc, tăng định mức sản xuất nhưng không tăng lương cho công nhân. Ngoài ra, các khoản phụ cấp như tiền xăng xe, ăn trưa, tiền thưởng bị cho là không thỏa đáng.

Báo mạng VnExpress đưa tin, liên đoàn lao động thành phố Thanh Hóa và công đoàn công ty đã tổ chức đối thoại và ghi nhận ý kiến của công nhân. Trưa cùng ngày, các công nhân Aleron giải tán. Mọi chuyện tưởng đã tạm yên thì vào chiều cùng ngày, hàng ngàn công nhân thuộc công ty giày Rollsport 2 Việt Nam đồng loạt ngưng việc. Công nhân Rollsport 2 yêu cầu ban giám đốc giải quyết vấn đề quyền lợi tương tự như tại công ty giày Aleron.

VnExpress dẫn lời bà Hoàng Thị Yến, chủ tịch liên đoàn lao động thành phố Thanh Hóa, cho hay công nhân đề nghị tăng lương, tiền ăn trưa, tiền xăng xe, và giảm áp lực về định mức sản xuất. Bà Yến cho hay, cả hai công ty giày vừa kể đã đồng ý tăng tiền ăn trưa từ 15,000 đồng một người một ngày lên 17,000 đồng, tương đương 9 xu Mỹ, ngay từ tháng 10; và sẽ tăng tiền thưởng ngày lễ từ 30,000 đồng lên 50,000 đồng một người, kể từ tháng 1 năm 2019.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/hang-chuc-ngan-cong-nhan-2-cong-ty-giay-o-thanh-hoa-lan-luot-dinh-cong/

 

Hoà Thượng Thích Quảng Độ

bị đuổi khỏi Thanh Minh Thiền Viện

Dưới áp lực chính trị, Hoà Thượng Thích Quảng Độ, đức Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (PGVNTN) đã bị trục xuất khỏi Thanh Minh Thiền Viện ở thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 15/9 vừa qua, nơi ngài đã tá túc hàng chục năm qua sau khi ra tù vào năm 1998, theo thông tin từ Phòng thông tin Phật giáo Quốc tế của Giáo hội PGVNTN.

Ông Võ Văn Ái, người phát ngôn của Giáo hội hôm 7/10 cho Đài Á Châu Tự Do biết, kể từ khi bị đuổi khỏi Thanh Minh Thiền Viện, đức Tăng Thống đã phải rày đây mai đó và cuối cùng vào ngày 5/10, ngài đã quyết định rời Sài Gòn về quê quán của mình ở Thái Bình. Ông Ái cho biết: “Vào ngày 15/9 vừa qua như chúng tôi viết trong thông cáo báo chí là Hoà thượng Thanh Minh mời ngài ra khỏi Thanh Minh thiền viện nhưng vì lịch sự mà chúng tôi nói vậy nhưng kỳ thực đó là đuổi ra khỏi Thanh Minh thiền viện và ngài không có một nơi nào để có thể tá túc được do áp lực chính trị. Do vậy ngài đã phải rày đây mai đó và tới ngày 5/10 ngài quyết định lấy tàu suốt về quê tổ của mình là ở Thái Bình

Theo ông Võ Văn Ái, việc Hoà thượng Thích Quảng Độ ở Thanh Minh thiền viện lâu nay đã có những vấn đề vì Hoà Thượng Thích Thanh Minh, trụ trì Thanh Minh thiền viện đã nhiều lần phàn nàn về những áp lực chính trị mà Hoà thượng và chùa của ông phải chịu vì sự có mặt của Hoà thượng Thích Quảng Độ. “Trong hai năm qua, Hoà thượng Thanh Minh đã nhiều lần nói với chúng tôi tức là Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Hoà thượng nói là kể từ khi Hoà thượng Quảng Độ về tá túc tại Thanh Minh Thiền Viện thì chùa gặp khó khăn. Quần chúng, phật tử không dám tới vì công an canh gác. Người nào tới thì bị chụp hình….”, ông Ái cho biết.

Hoà thượng Thích Quảng Độ, năm nay 91 tuổi, là người đứng đầu Giáo hội PGVNTN, một giáo hội không được nhà nước Việt Nam thừa nhận. Ông đã bị chính quyền Việt Nam bỏ tù nhiều năm, bị lưu giam ở Thái Bình trong giai đoạn 1970 – 1980. Vào năm 1995 ông bị Công an thành phố Hồ Chí Minh bắt giam và bị phạt tù 5 năm và 5 năm quản chế với cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước”. Ông bị bắt giam sau khi phát động các hoạt động nhân đạo cứu trợ cho đồng bào sông Cửu Long bị bão lụt.

Đến năm 1998, dưới áp lực từ Hoa Kỳ, Hoà Thượng được trả tự do và bị yêu cầu phải đi tỵ nạn tại Mỹ nhưng ngài từ chối và nói rằng ngài phải ở lại trong nước với quần chúng phật tử.

Sau đó Hoà thượng Thích Quảng Độ đã tá túc tại Thanh Minh Thiền viện, nhưng thực chất  bị giam giữ tại gia. Ông Ái cho biết: “Ngài ở tầng 2 ở thiền viện, chỉ cần bước xuống thang gác là có thể chấp pháp rồi, mà vị trí của một vị tăng là phải chấp pháp cho quần chúng nhưng ngài bị cấm. Có một đồn công an nằm trước thiền viện kiểm soát rất kỹ. Sau này khi ngài bị bệnh nặng thì có cho phép đi khám bệnh ở các bệnh viện ở Sài Gòn và công an theo dõi kỹ. Chỗ đó như nhà tù.”

Hoà thượng Thích Quảng Độ đã từng nhận nhiều giải thưởng nhân quyền quốc tế, và đã từng được đề cử giải Nobel Hoà bình.

Trước khi đi khỏi Sài Gòn, trên chuyến tàu ra Bắc, Hoà thượng Thích Quảng Độ  nói chuyện với ông Võ Văn Ái của phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế và khẳng định sẽ tiếp tục công việc của mình. Hoà thượng nói: “Tôi về quê thì coi như nhập thất nhưng có chùa nhỏ thì tụng kinh. Nhưng giáo hội trước thế nào sau thế, chết thì thôi, làm sao bỏ được Giáo hội”

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ven-thich-quang-do-evicted-10072018085741.html

 

Ca sĩ nhập viện vì bị hủy buổi ca nhạc

 trước quốc tang Đỗ Mười

Một nam ca sĩ ở Hà Nội đã phải vào bệnh viện điều trị vì tinh thần và sức khỏe bất ngờ suy sụp sau khi bị nhà cầm quyền quận Ba Đình bất ngờ hủy buổi trình diễn trước ngày quốc tang dành cho cựu tổng bí thư ĐCS Đỗ Mười.

Sự việc làm dấy lên nhiều lời kêu gọi tôn trọng nhân quyền từ giới ca nhạc và giải trí trong nước, vốn không quan tâm mấy tới những vấn đề chính trị. Theo báo Thanh Niên, dự trù lúc 8 giờ tối ngày 5 tháng 10, buổi trình diễn mang tên “Ngựa Hoang” của ca sĩ Tuấn Hưng sẽ diễn ra tại Cung Thể thao Quần Ngựa ở thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, chương trình đột ngột bị hủy chỉ 2 giờ đồng hồ trước khi bắt đầu. Một công văn của quận Ba Đình nêu “lý do đặc biệt” để ra lệnh hủy buổi trình diễn.

Ca sĩ Tuấn Hưng tổ chức buổi trình diễn này để kỷ niệm 20 năm ca hát của mình. Theo báo mạng VietNamNet hôm Thứ Bảy, ca sĩ Tuấn Hưng đã được đưa vào bệnh viện vào buổi tối cùng ngày, sau khi sức khỏe và tâm lý của ca sĩ bị suy sụp. Được biết Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội đã cấp phép cho buổi trình diễn của ca sĩ Tuấn Hưng.

Theo nhận định của nhiều người, chính quyền quận lẽ ra không có quyền hủy bỏ một buổi trình diễn ca nhạc đã được một cơ quan cấp thành phố cho phép tổ chức. Cho đến nay, chưa biết chính xác “lý do đặc biệt” nêu trong công văn của quận Ba Đình có liên quan tới tang lễ dành cho cựu Tổng bí thư Đỗ Mười diễn ra trong ngày hôm sau hay không.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/ca-si-nhap-vien-vi-bi-huy-buoi-ca-nhac-truoc-quoc-tang-do-muoi/

 

Một phụ nữ Việt Nam bị phạt 7,000 đô la

vì mang 490 hột vịt lộn vào Singapore

Singapore – Một người phụ nữ Việt Nam vừa bị phạt 7,000 đô la Singapore hôm Thứ Tư vì nhập cảng bất hợp pháp 490 hột vịt lộn vào Singapore.

Báo The Straits Times hôm Thứ Năm trích dẫn một thông cáo chung của Cục Nông Lương và Thú Y AVA và Cục Di trú và Kiểm soát ICA cho biết, người phụ nữ Việt này là bà Lê Thị Ứng, 63 tuổi, đã mua hột vịt lộn từ Việt Nam. Bà đặt số trứng nặng tổng cộng 78.4kg vào hai hộp xốp rồi xếp chung vào hành lý. Khi bà tới phi trường Changi hồi tháng trước, các giới chức ICA khám xét và tìm thấy trứng. Bà Ứng sau đó bị xác định vi phạm luật lệ bản xứ vì nhập cảng trứng vịt từ những nguồn không được chấp thuận.

Theo tờ Strait Times, hiện nay không có nguồn cung cấp hột vịt lộn nào được nhà chức trách Singapore chấp thuận. Bất cứ người nào nhập cảng bất hợp pháp sản phẩm trứng hoặc thịt từ những nguồn không được chấp thuận đều có thể bị phạt tới 50,000 đô la Singapore và ở tù tới hai năm. Người tái vi phạm sẽ bị phạt nặng hơn, lên tới 100,000 đô la Singapore tiền phạt và ba năm tù.

AVA giải thích thêm rằng, trong khi Singapore không có dịch cúm gà, bệnh này đang hoành hành trong vùng. Những thực phẩm nhập cảng bất hợp pháp có thể đã không được trải qua quá trình khử trùng bằng sức nóng, là một mối nguy cho sức khỏe của công chúng và thú vật ở Singapore.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/mot-phu-nu-viet-nam-bi-phat-7000-do-la-vi-mang-490-hot-vit-lon-vao-singapore/