Tin Việt Nam – 06/10/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 06/10/2018

Câu Chuyện Cuối Tuần:

Vở Tuồng Nguyễn Phú Trọng

Cao Minh Hưng

Cái chết của ông Trần Đại Quang đã dấy lên làn sóng dư luận cho là ông ta đã bị đầu độc chết, chứ không phải do “nhiễm virus lạ” và theo như cách nói một cách châm biếm của người dân trong nước, thì ông Quang “chết đúng thep quy trình”. Những gì đã xảy ra trong Hội Nghị Trung Ương đảng cộng sản lần thứ 8 vừa qua đã làm cho những lời bàn tán này càng thêm có cơ sở. Nhìn lại lịch sử của đảng cộng sản Việt Nam từ ngày thành lập đến nay, chúng ta thấy những chính sách của chính quyền cộng sản Việt Nam đều nhất nhất rập khuôn theo những gì xảy ra ở nước đàn anh cộng sản Trung cộng trước đó. Từ những vụ đổi tiền, đánh tư sản, lập khu kinh tế mới, tịch thu ruộng đất của người dân để mở hợp tác xã nông nghiệp, v.v. hay trước đó là những cuộc đấu tố, rồi đến chiến dịch cải cách ruộng đất ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, v.v.

Cách đây không lâu, Tập Cận Bình đã dùng chiêu bài thanh trừng tham nhũng, mà thực chất là chiến dịch thanh trừng nội bộ, bắt giam những tay chân đàn em của các tên lãnh đạo, các tổng bí thư tiền nhiệm. Tập Cận Bình đã chính thức hoá vai trò “hoàng đế” của mình vào ngày 17 tháng 3 năm 2018 khi toàn bộ 2,970 thành viên tại Đại hội Đại biểu “đồng lòng bổ nhiệm” làm chủ tịch nước mà không có giới hạn nhiệm kỳ. Chúng ta thấy vở tuồng này được lập lại với tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng cũng dùng chiêu bài “diệt tham nhũng” nhưng thực chất là dần dần loại trừ các thế lực, tay chân đàn em của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đưa người của mình vào những vị trí then chốt nắm quyền cai trị đất nước. Chưa thỏa mãn với quyền hành của mình, khi nắm mồ của tên chủ tịch nước cộng sản từng nắm bộ công an giết hại bao nhiêu người là Trần Đại Quang còn chưa xanh cỏ, thì Nguyễn Phú Trọng đã cho diễn tiếp màn kịch hội nghị trung ương đảng lần thứ 8 để chính thức hóa soán luôn ngôi chủ tịch nước với con số “100% đại biểu quốc hội ủng hộ” cho ông ta vào vai trò chủ tịch nước. Tấn tuồng này đúng theo kịch bản mà đàn anh Tập Cận Bình đã diễn xong cách đây không lâu.

Mọi người giờ đây đều nhìn rõ hơn bản chất của cái gọi là “quy trình” này.  Đối với những người thờ ơ, thì cho rằng dù Nguyễn Phú Trọng có lên làm chủ tịch nước hay một tên cộng sản nào khác, thì đất nước Việt Nam vẫn trong vòng luẩn quẩn nghèo khổ như trong bao nhiêu thập niên qua, nên chẳng có gì đáng phải bận tâm. Tuy nhiên, nếu chúng ta theo dõi những sự kiện trong thời gian qua, việc Nguyễn Phú Trọng chiếm ngôi chủ tịch nước rồi đây sẽ làm cho thảm cảnh của đất nước vốn đã tồi tệ càng thêm xấu hơn với mối hiểm nguy đất nước sớm rơi vào tay Trung cộng.

Trước đây, trong vai trò là tổng bí thư đảng, những thỏa thuận hay văn kiện mà ông ta có ký kết với Trung cộng thì vẫn có tính cách là của một người lãnh đạo của một đảng phái, chứ không phải là của một quốc gia. Rồi đây với vai trò “hoàng đế” chủ tịch nước kiêm tổng bí thư này, chế độ độc tài của đảng cộng sản vốn đã tàn bạo với người dân trong bao nhiêu năm nay lại càng thêm tệ hại thêm và những văn kiện bán nước, bán đất đai lãnh hải của Tiền Nhân sẽ được mang tính cách quốc gia, khó hủy bỏ được. Nguy cơ quê hương Việt Nam trở thành một chư hầu, một tỉnh của Trung cộng đang ngày càng đến gần hơn!

Mong lòng dân mau thức tỉnh để dẹp tan chế độ cộng sản đang cầm quyền trước khi vở tuồng được những con rối đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng diễn xong thì đã quá muộn.

6 tháng 10, 2018

https://vietbao.com/p112a286186/cau-chuyen-cuoi-tuan-vo-tuong-nguyen-phu-trong

 

79 Cán bộ Cầm Tiền Được Tha,

Tòa Chỉ Xử Tù Nhóm nộp Hối Lộ

SAIGON — Chuyện chỉ xảy ra ở tòa án xã hội chủ nghĩa:  79 cảnh sát cầm tiền hối lộ được tha tội, nhưng duy người cảnh sát môi giới hối lộ và các tài xế nội tiền hối lộ lại bị tòa kết án.

Bản tin VOV kể: Môi giới hối lộ, cựu CSGT Nguyễn Cảnh Chân lãnh 8 năm tù.

Ông Nguyễn Cảnh Chân (nguyên cán bộ đội 1 – phòng CSGT tỉnh Đồng Nai) là bị cáo duy nhất lãnh án tù về tội “Môi giới hối lộ”.

Chiều 3/10, phiên tòa sơ thẩm của TAND TPSG xử vụ ‘logo xe vua’ kết thúc với phần tuyên án.

Tòa tuyên phạt ông Nguyễn Cảnh Chân 8 năm tù về tội “Môi giới hối lộ”. Các bị cáo còn lại cùng ngụ TSG, cùng phạm tội “Đưa hối lộ” bị tuyên phạt: Nguyễn Văn Thới 14 năm tù, Trần Quốc Thái 10 năm tù, Huỳnh Tấn Thắng 4 năm tù, Nguyễn Văn Phúc 3 năm tù, Nguyễn Mai Hữu Nhân 1 năm 6 tháng 23 ngày tù, Trần Trọng Nhân 3 năm 6 tháng tù, Mai Văn Thái Em 3 năm tù, Nguyễn Minh Thiên 3 năm tù và Lê Thị Cẩm Vân 9 năm tù.

Bản án cho rằng, từ tháng 1/2014-8/2015, các bị cáo Nguyễn Văn Thới, Lai Thị Cẩm Vân và các đồng phạm đã cấu kết với một số tài xế, chủ xe tải thường lưu thông trên các tuyến đường thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TPSG góp tiền đưa hối lộ cho TTGT, CSGT để không bị xử phạt.

Các bị cáo tổ chức in logo có số “68” và chữ “Garage Thành Đô”; Vân in logo chữ “xe chở hàng” bán cho chủ xe, tài xế giá từ 2,5-3 triệu đồng/logo dán làm mật hiệu nhận biết khi bị TTGT, CSGT kiểm tra.

Mỗi tháng, Thới lập danh sách các xe mua logo bằng cách ghi biển số các xe vào giấy để theo dõi. Thới và Trần Quốc Thái đã bán được khoảng 15 ngàn lượt logo, thu lời bất chính gần 23 tỷ đồng và một phần số tiền này được dùng để đưa hối lộ.

…Hành vi của các bị cáo, bản án cho rằng đủ cơ sở phạm tội. Về 79 người là CSGT, TTGT mà các bị cáo khai đưa tiền để không xử phạt các xe có dán logo, bản án cho rằng có hành vi đưa tiền nhưng ngoài lời khai thì không có cơ sở nào chứng minh, mặc khác những TTGT, CSGT này cũng phủ nhận lời khai của các bị cáo./

Báo Thanh Niên đăng bản tin có nhan đề rất minh bạch:  “79 CSGT, TTGT ‘thở phào nhẹ nhõm’ khi tòa tuyên án vụ mua bán logo xe vua…”

Về 79 CSGT, TTGT bị tố nhận hối lộ, HĐXX nhận định do cáo trạng xác định chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm về hành vi ‘nhận hối lộ’, nên không đưa những người này tham gia tố tụng trong vụ án.

Báo Thanh Niên viết:

“Trong hồ sơ vụ án “mua bán logo xe vua”, Thới, Vân khai đã dùng gần 6 tỉ đồng để đưa hối lộ cho 80 cán bộ CSGT, TTGT (bao gồm cả bị cáo Chân) trên địa bàn TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.

Cụ thể, Thới tổ chức in logo có số “68” và chữ “Garage Thành Đô”; Vân in logo chữ “xe chở hàng”, “ông mặt trời” bán cho chủ xe, tài xế giá 2,5 – 3 triệu đồng/logo dán làm mật hiệu để TTGT, CSGT không kiểm tra những xe này, bỏ qua lỗi chở hàng quá tải.

Thới khai, đường dây của bị cáo thu được hơn 22,794 tỉ đồng, trong đó Thới sử dụng gần 5 tỉ đồng để đưa hối lộ cho các CSGT, TTGT, mỗi lần đưa từ 9 – 300 triệu đồng.”

Thế là, 79 cảnh sát thoát tội vì cầm tiền hối lộ không phải là tội.

https://vietbao.com/p124a286174/79-can-bo-cam-tien-duoc-tha-toa-chi-xu-tu-nhom-nop-hoi-lo

 

Cải cách ngành tư pháp VN

 chờ Tân Chủ tịch nước đã 13 năm

LS Ngô Ngọc TraiGửi tới BBC từ Hà Nội

Ban chấp hành Trung ương vừa họp thống nhất giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.

Theo sự phân công nhiệm vụ hiện nay thì Chủ tịch nước sẽ đảm nhiệm cương vị Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.

TBT Nguyễn Phú Trọng và những câu ấn tượng

Cải tổ Công an có thay đổi tư duy cải cách?

VN: Công an ‘làm việc’ với tướng Phan Văn Vĩnh

Do vậy nhiều vấn đề bất cập của nền tư pháp sẽ đặt ra trách nhiệm cho tân Chủ tịch nước.

Nhưng là một giáo sư chuyên ngành về xây dựng Đảng, liệu nhãn quan nhìn nhận về nền tư pháp của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ thế nào?

Tôi xin đưa ra vài gợi ý cần tiếp tục cải cách đối với nền tư pháp.

Lỗi hẹn cải cách

Năm 2005 Bộ Chính trị Đảng cộng sản ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Tính đến nay đã 13 năm thực hiện và chỉ còn hai năm nữa là cán mốc cuối cùng, nhưng thực tế nhiều mục tiêu đã không được thực hiện.

Một trong các mục tiêu lỗi hẹn là việc chuyển giao công tác thi hành án sang cho Bộ tư pháp. Trong Nghị quyết 49 đã xác định nhiệm vụ “Chuẩn bị điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành án”.

Nghị quyết 49 cũng đã nêu rõ mốc giới hạn đến năm 2010 là chuẩn bị các điều kiện để thực hiện việc chuyển giao.

Trên thực tế không biết công cuộc chuẩn bị thế nào mà đến nay đã là năm 2018 việc chuyển giao vẫn không được thực hiện. Các trại giam giữ vẫn do Bộ Công an nắm giữ.

Đó là một điểm lỗi hẹn trong chính sách mục tiêu về cải cách tư pháp.

Một mục tiêu khác cũng bị lỗi hẹn là về vấn đề “Hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự, thu hẹp đối tượng người có thẩm quyền quyết định việc áp dụng các biện pháp tạm giam”.

Thực tế chẳng có tiến bộ nào trong việc thu hẹp đối tượng người có thẩm quyền quyết định việc bắt tạm giam.

Quy định về bắt tạm giam của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về cơ bản được giữ nguyên từ Bộ luật tố tụng hình năm 2003, đối tượng người có thẩm quyền quyết định việc bắt tạm giam không có gì thay đổi, tuy rằng câu chữ có một vài điểm khác.

Theo đó những người có thẩm quyền bắt tạm giam hiện nay bao gồm:

a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;

b) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;

c) Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.

Sự rộng mở các đối tượng có thẩm quyền bắt giam giữ tạo ra nguy cơ rủi ro cao cho các quyền công dân, và khiến cho nền tư pháp hình sự trở thành môi trường không gian kém dân chủ.

Từ năm 2005 Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu “thu hẹp đối tượng người có thẩm quyền quyết định việc áp dụng các biện pháp tạm giam”, một nội dung rất tiến bộ.

Nhưng vấn đề là nếu cơ quan lãnh đạo cao nhất đã nhìn ra sự bất ổn của việc trao quyền rộng rãi trong việc bắt giữ thì điều gì đã khiến nó không được thực hiện?

Phải chăng quyền bắt giam giữ là một thứ quyền lực quá lớn khiến người nắm quyền không chịu buông?

Trong tương lai vấn đề này sẽ đặt ra với Tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Tinh thần Nghị quyết 49 sẽ vẫn cần được tiếp tục thực hiện và tôi cho rằng cần cắt bỏ thẩm quyền bắt giam giữ của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát.

Khi đó thẩm quyền bắt giam giữa chỉ thuộc về duy nhất chủ thể Tòa án, phù hợp với thông lệ chung của nền tư pháp các nước trên thế giới.

Cụ thể như Nhật Bản và Hàn Quốc đều quy định trong mọi trường hợp việc bắt giam giữ, khám xét và thu giữ đồ vật đều phải có lệnh của Tòa án.

Thực thi yếu kém và cản trở luật sư

Nhiều nội dung mục tiêu cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 đã bị lỗi hẹn so với cột mốc đến năm 2020.

Nhưng sự yếu kém không chỉ xảy ra trong việc thực thi một Nghị quyết của Bộ chính trị mà nó còn xảy ra với chính những quy định pháp luật đã được ban hành có hiệu lực.

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có một số quy định tiến bộ trong việc đảm bảo quyền con người như Quyền im lặng, Ghi âm ghi hình khi hỏi cung, vai trò lớn hơn của Luật sư bào chữa.

Nhưng thực tế thì thấy các quy định này được thực thi yếu kém. Các bị can vẫn phải khai báo mà chẳng được im lặng, cán bộ tư pháp chẳng chịu giải thích cặn kẽ dễ hiểu cho bị can về quyền trình bày lời khai và cách thức thực hiện.

Người có động lực nhất trong việc bênh vực quyền lợi cho những người bị bắt giữ là Luật sư thì lại cũng chưa tự giúp được mình khi đang phải chịu những rào cản chướng ngại bởi chính các cơ quan tư pháp.

Mang danh là hướng dẫn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự mới, Các cơ quan gồm Bộ công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đã cùng nhau ban hành một thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT quy định về phối hợp giữa cơ sở giam giữ và cơ quan tiến hành tố tụng.

Theo những câu chữ lắt léo trong văn bản này thì tóm lại luật sư lại bị cản trở trong việc gặp người đang bị giam giữ.

Thực tế là như vậy, và Tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có thấu hiểu cho nỗi niềm hành nghề nhiều o ép của giới luật sư?

Sao Khối Tư pháp vắng mặt trong Bộ Chính trị?

TBT Trọng: ‘Công an phải bảo vệ Đảng’

Công dân VN bị cấm chê trách quan chức?

Nhưng vẫn hy vọng

Tựu chung lại sự lạm quyền và thuộc tính chuyên chế vẫn còn nặng nề trong lối làm việc của ngành tư pháp.

Tính chất nhân đạo và tinh thần khoan dung tuy rằng đã được nhấn nhá trong luật nhưng lại bị loại bỏ trong khâu thi hành.

Với những vấn đề đã được cải cách và cả những vấn đề đã được đặt ra nhưng chưa cải cách, tựu chung lại cũng chỉ nhằm san sẻ căn chỉnh lại việc nắm giữ thực thi các quyền tư pháp sao cho hợp lý, khoa học và nhân bản hơn mà thôi.

Nhưng lợi ích của nhà nước và xã hội đã không vượt qua được những vị kỷ lợi quyền hẹp hòi luôn muốn ‘làm tất ôm trọn’ của một số bộ ngành đầy quyền lực.

Tới nay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được bầu làm Chủ tịch nước và đảm nhiệm cương vị Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.

Những quan điểm của ông về chống tham nhũng và sắp xếp tổ chức lại ngành công an tạo ra hy vọng cho những tiến bộ về cải cách tư pháp sẽ được thực hiện.

Chúng ta hãy cùng chờ xem.

* Bài phản ánh văn phong và quan điểm của riêng tác giả, một luật sư hiện sống và làm việc ở Hà Nội.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-45762117

 

Hợp nhất hai chức danh

có đúng theo nguyện vọng của người dân?

Ý kiến ủng hộ

Tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XII diễn ra hôm 3/10, 100% đại biểu đồng thuận giới thiệu ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ Tịch nước thay thế cho ông Trần Đại Quang vừa đột ngột qua đời.

Sau đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng khẳng định với báo chí rằng việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được Đảng giới thiệu ứng cử chức Chủ tịch nước là đúng theo quy định của Hiến pháp cũng như nguyện vọng của cử tri và nhân dân.

Nhà báo Đoàn Bảo Châu chia sẻ trên Facebook cá nhân của mình rằng anh hoàn toàn ủng hộ sự nhất thể hóa này. Anh nhấn mạnh trong bài viết của mình:

“Tôi ủng hộ nhất thể hoá bởi sự thay đổi này có nghĩa là sẽ bớt đi được một vị trí to đùng, hữu danh vô thực. Cứ tưởng tượng mà xem, để đi cùng với một chức danh như vậy thì cả một bộ máy phục vụ riêng Chủ Tịch Nước sẽ đi theo, chi phí sẽ đội lên biết bao nhiêu mà đất nước thì đang nghèo, nợ công tăng vù vù, sự tiết kiệm là điều cần thiết Trong quan hệ ngoại giao với các nước, các thủ tục cũng bớt rườm rà, kế hoạch viếng thăm, bàn bạc và kí kết việc gì đấy được lập ra cũng mạch lạc, hiệu quả hơn.”

Một số người dân mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc cũng có cùng quan điểm như vậy. Họ đồng ý và ủng hộ hoàn toàn vì cho rằng với việc sát nhập hai chức vụ như vậy thì việc tập trung quyền lực sẽ được thống nhất hơn.

Ông Vũ Tùng một người dân hiện đang sống tại Hà Nội cho RFA biết: “Hiện nay có một suy nghĩ nếu tập trung quyền lực như thế có thể dẫn tới độc quyền không nhưng tôi nghĩ điều đó không lo vì đảng ta lãnh đạo là tập thể lãnh đạo chứ không phải tập trung quyền lực chỉ mọt người. Đồng chí Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước là thực hiện theo nghị quyết chung của Đảng chứ không phải nghị quyết của đồng chí đưa ra nên không có chuyện độc quyền được nên tôi thấy yên tâm về vấn đề này.”

Một người dân khác là ông Trần Đình Thành cũng có ý kiến cho rằng ông hoàn toàn đồng ý về điều này: “Cái đấy riêng cá nhân tôi thì hoàn toàn đồng ý và nhất chí cao, bởi vì việc hợp nhất này nó theo tình hình chung của thế giới. Cái thứ hai về vấn đề ngoại giao thì nó rất là đồng bộ và rất phù hợp tình hình hiện tại của đất nước.”

Ý kiến trái chiều

Một số nhà báo mà RFA tiếp xúc cho rằng nếu theo Hiến pháp thì việc Tổng Bí thư ứng cử chức Chủ tịch nước hoàn toàn đúng, nhưng về nguyện vọng của người dân thì cần phải được xem xét lại.

Nhà báo Trương Duy Nhất, chủ trang Một Góc Nhìn Khác khẳng định: “Cái đó nói đúng hiến pháp thì đúng thật bởi vì nguyên tắc bầu Chủ tịch nước, cứ là đại biểu Quốc hội được Quốc hội ứng cử ra thì coi như là anh trở thành ứng viên. Bên đảng người ta giới thiệu ra miễn người đó là đại biểu quốc hội thì họ đủ quyền ứng viên vị trí Chủ tịch nước. Nhưng còn nói hợp lòng dân không thì khái niệm lòng dân ở đây như thế nào bởi vì hợp lòng dân không thì phải trưng cầu dân ý, nhưng ở đây không có trưng cầu dân ý mà chỉ nói trong nội bộ đảng. Ngay cả trong nội bộ đảng chắc gì 100% tất cả các đảng viên đồng thuận chứ đừng nói lòng dân ý dân ở đây.”

Nhà báo Võ Văn Tạo chia sẻ rằng, ông chưa biết rõ trong Hiến pháp có quy định rõ điều luật đó hay không nên không có nhận định được điều đó đúng hay sai, nhưng phù hợp nguyện vọng của người dân thì ông phản đối mạnh mẽ. Ông cho biết:

Đồng quan điểm với nhà báo Võ Văn Tạo, nhà hoạt động Lã Việt Dũng thành viên của nhóm No-U từ Hà Nội cho rằng anh hoàn toàn không đồng ý với điều đó.

“Tôi cho rằng đó là một tuyên bố hàm hồ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, bởi vì họ nói sự đồng thuận của người dân và cử tri thì rất nhiều người không đồng ý, ngay cả trong nhà tôi nói chuyện với nhau nói là sao ông Trọng ổng tham thế, đã là Tổng Bí thư rồi giờ muốn làm Chủ Tịch nước nữa.”

Anh Dũng cho biết thêm: “Tôi chưa thấy một đất nước nào có dân chủ mà có một người được bầu 100% cả, dù là tiên là phật hay là thánh sống đi chăng nữa thì cái tỉ lệ cũng không thể 100% được và nó chỉ xảy ra ở những nước độc tài như thế rất đáng buồn cho sự dân chủ hóa của đất nước.”

Những ý kiến khác

Ngoài những ý kiến đồng thuận và không đồng thuận của các nhà báo, giới hoạt động và một số người dân còn có một số ý kiến khác cho rằng họ không biết gì về chính trị cũng như người đứng đầu nhà nước như thế nào nên ai sao thì họ làm như vậy.

Một anh thanh niên trẻ từ Sài Gòn giấu tên chia sẻ: “Cái đó chính trị thì mình không biết nhưng mà thoải mái cho người dân làm ăn buôn bán kiếm tiền là được rồi. Dân giàu nước mới mạnh được, chứ dân không giàu sao nước mạnh được. Còn nếu ổng nắm quyền nhiều quá thì dân người ta lên người ta phản động thôi là chuyện bình thường nếu ổng làm cái gì đó sai.”

Môt người dân bán hàng nước tại khu vực quận 3 chia sẻ rằng bà không biết người được bầu là ai và bà theo đám đông: “Giờ người ta sao thì cô vậy chứ đồng tình hay không đồng tình cô đâu biết được, cô đâu biết ông đó như thế nào đâu mà đồng tình hay không cứ đồng tình đi cứ cho ổng lên ổng làm đi. Chứ mình cũng là dân chứ biết mấy ổng như thế nào đâu mà ủng hộ với không ủng hộ, cứ người ta sao mình như vậy.”

Dù có những ý kiến khác nhau về việc Bí thư kiêm Chủ tịch nước, nhưng tất cả đều có chung ý kiến rằng họ mong chờ kết quả thực sự từ việc làm của nhà lãnh đạo sắp tới hơn cả.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/merge-two-titles-according-to-the-wishes-of-the-people-10052018134215.html

 

Lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo Đảng

trong tháng 12

Đảng Cộng sản Việt Nam chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với các Uỷ viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư tại Hội nghị Trung ương 9 sẽ diễn ra vào tháng 12 tới đây.

Ông Lê Quang Vĩnh, Phó Chánh Văn phòng Trung ưởng Đảng nói với báo chí như vậy tại cuộc họp báo kết thúc Hội nghị Trung ương 8 ở Hà Nội hôm 6/10.

Ông Vĩnh cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm trong đảng được thực hiện theo quy định của đảng là sau kỳ họp Quốc hội. Theo đề nghị của Bộ Chính trị, ông Vĩnh cho biết, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất tổ chức Hội nghị lần thứ 9 để lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ.

Việc lấy phiếu giữa nhiệm kỳ lần này sẽ được thực hiện sau khi Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hôi, Hội đồng Nhân dân bầu và phê chuẩn trong kỳ họp thứ 6 khai mạc vào ngày 22/10 tới.

Theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân năm 2015 về lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm các chức danh: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Uỷ ban của Quốc hội, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Năm 2013, tại kỳ họp Quốc hội thứ 5, Quốc hội Việt Nam lần đầu thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh với ba mức tính nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Vào lúc đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có số phiếu tín nhiệm cao thứ nhất và thứ ba trong tổng số 47 chức danh được bỏ phiếu, với hơn 300 phiếu tín nhiệm cao. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng thứ 26 với 210 tín nhiệm cao.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/party-poll-in-december-10062018093008.html

 

Ban chấp hành Trung ương đồng ý

ban hành quy định mới về đạo đức đảng viên

Kết thúc hội nghị Trung ương 8 hôm 6/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Trung ương đảng đã thống nhất việc ban hành quy định mới về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng Ban chấp hành Trung ương cho rằng dự thảo đã được chuẩn bị công phu, vừa có tính khái quát, vừa cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi; giao cho Bộ Chính trị tiếp thu các ý kiến đóng góp bằng văn bản của Trung ương để hoàn thiện và sớm ban hành quy định mới.

Dự thảo quy định về trách nhiệm nêu gương là một trong những nội dung chính được bàn thảo trong hội nghị lần này.

Quy định đề cập đến một loạt những điều tránh của đảng viên đã được dư luận chú ý nhiều thời gian qua như: lạm quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hành tỏng đề xuất, ban hành cơ chế chính sách để trục lợi; lợi dụng doanh nghiệp hoặc để doanh nghiệp lợi dụng; liên kết lập ‘sân sau, lợi ích nhóm’, bao che, móc ngoặc; tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức bao gồm nhận phong bì, phí bôi trơn, quà biếu, tang, giỗ, lễ tết, sinh nhật lên chức để trục lợi; để bố mẹ, vợ chồng, con, anh chị em ruột, người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để can thiệp, chi phối, thao túng công việc của địa phương, doanh nghiệp…

Một trong những điểm trong quy định được báo chí chú ý nhiều nhất trong những ngày qua là quy định cán bộ cấp cao của đảng không được đầu tư tài chính, mua bất động sản ở nước ngoài.

Trong thời gian qua, có nhiều thông tin trên mạng về tình trạng cán bộ đảng viên cao cấp của đảng bỏ tiền mua nhà ở nước ngoài, nhất là khi chuẩn bị về hưu hay sau hưu. Điều này làm dấy lên nhưng nghi ngờ về tham nhũng.

Theo hiệp hội quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ, năm 2017, người Việt đứng thứ 7 trong top 10 nước có công dân mua nhà ở Mỹ nhiều nhất với số tiền tương đương là hơn 3 tỷ đồng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/plenum-passed-new-rule-on-ethic-10062018090509.html

 

Nhà mồ Ba Chúc, tội ác của ai?

Nhà mồ Ba Chúc nằm ở thị trấn Ba Chúc, một xã vùng biên giới thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, Việt Nam, giáp giới với Campuchia. Đây là nơi lưu trữ của hơn ba ngàn bộ hài cốt không còn nguyên vẹn của người dân thôn Ba Chúc trong cuộc tàn sát do Khmer Đỏ gây ra trong suốt 12 ngày chiếm đóng từ 18 đến 30 tháng 4 năm 1978. Hiện tại, theo ghi chép trong khu tưởng niệm thì còn ba người trong thôn sống sót, nhưng trên thực tế, còn nhiều hơn con số 3 mà cứ liệu đã ghi. Những người chúng tôi phỏng vấn dưới đây đều là nhân chứng sống sót sau vụ tàn sát. Và có một câu hỏi đặt ra là liệu có nên giữ nhà mồ như một chứng cứ tố cáo tội ác nữa hay không, khi mà chính quyền Khmer Đỏ đã cáo chung nhiều năm nay?

Sống sót, kinh hoàng…

Chị Phan Thị Đậm, một trong nhiều nạn nhân sống sót sau cuộc tàn sát, chia sẻ: “Cái lúc đó là gia đình bà ngoại chị thì kéo vô trong chùa Phi Lai rồi nhưng bà nội lôi đi, ông bà già chị bốc mang mấy chị em chị lên chân núi, hồi ức chị chỉ có vậy… Lúc đó chị nhỏ có đi lượm xương đâu, có những người họ đi ra ngoài ruộng họ lượm về luôn. Như trước nhà chị, trước bãi này cả đống xương cao chất ngất…”

Chị Đậm cho biết thêm là vụ thảm sát xảy ra vào ban đêm, lúc đó chị được tám tuổi, chị còn nhớ như in cảnh người ta dắt nhau vào trốn trong chùa Phi Lai, tức ngôi chùa nằm bên cạnh khu nhà mồ hiện nay, đông đến mức không có chỗ để đứng. Lúc đó bà nội chị mới bảo rằng những kẻ giết người kia cũng không từ ngôi chùa ra đâu, nên lên núi trốn càng sâu càng tốt. Vậy là gia đình chị kéo nhau vào núi Tượng để trốn. Gia đình chị nấp trong một hang đá nhỏ. Nhiều người ẩn nấp bên trong chùa cũng chuyển hướng lên núi Tượng và dường như họ đều bị giết trên đường chạy trốn. Tất cả những người trong chùa đều bị giết sạch.

Hiện tại, theo ghi chép trong khu tưởng niệm thì còn ba người trong thôn sống sót, nhưng trên thực tế, còn nhiều hơn con số 3 mà cứ liệu đã ghi. Những người chúng tôi phỏng vấn  đều là nhân chứng sống sót sau vụ tàn sát. Và có một câu hỏi đặt ra là liệu có nên giữ nhà mồ như một chứng cứ tố cáo tội ác nữa hay không, khi mà chính quyền Khmer Đỏ đã cáo chung nhiều năm nay?

-TTVN

Hơn một tuần sau thì những người sống sót mới dám trở về nhà. Dường như nhà cửa đã bị đốt sạch, phá sạch. Một đống xương cao chất ngất của những người bị giết, đốt đã được người sống sót thu về chất trước sân đình làng Ba Chúc. Và cũng sau đó vài ngày, gia đình chị phải chuyển xuống Long Xuyên tản cư bởi Ba Chúc trở nên chết chóc, nguy hiểm hơn bao giờ. Sau đó thì chiến tranh biên giới Việt Nam – Campuchia xảy ra và gia đình chị phải chật vật kiếm sống nhiều nơi trong suốt gần mười lăm năm sau mới dám quay trở về Ba Chúc.

Cũng theo chị Đậm, những người sống sót trong vụ thảm sát Ba Chúc không chỉ là ba người. Nhưng nói họ là những người bị giết chưa chết thì không sai, bởi ông Ba Lai, bà Hà Thị Nga và bà Võ Thị Ngọc Châu là những người nằm ngay trong vùng bố ráp và giết tróc của kẻ diệt chủng nhưng do chúng không nhìn thấy hoặc do số trời còn lớn nên sống sót giữa hàng trăm xác người. Nói đến chuyện người ba Chúc còn sót sau đợt thảm sát đó, có lẽ còn nhiều nhưng họ hoặc đi xa Ba Chúc trước đó vài ngày, vài tháng, hoặc chạy trốn trên núi và sau đó bỏ xứ đi nơi khác.

Bảo quản hộp sọ…

Ông Nguyễn Lại, là người dân ba Chúc, khi trận thảm sát xảy ra, ông còn là đứa bé lên ba, hiện tại, ông là người trong nom nhà mồ Ba Chúc, chia sẻ: “Ở đây thì không có bà con thân nhân vì chết hết trơn rồi chỉ là nhờ khách thập phương cúng nhang khói cho các vong linh ở đây. Chỉ là đến ngày 16 tháng 3 âm lịch là ngày giỗ chung thì bà con nơi đây, rồi ban quản lý tập trung vô đây cúng cho các vong linh…”

Cũng theo ông Lại, năm 1979, chính quyền tỉnh An Giang đã xây dựng quần thể chứng tích tội ác Khmer Đỏ gồm 7 hạng mục: Nhà Mồ, Bia Căm thù, Nhà Truyền thống, Nhà Thủy tạ, Hồ sen, Nhà khách và Vòng rào. Nhà Mồ, công trình chính, chứa đựng hộp sọ của 1.159 nạn nhân trong cuộc thảm sát. Trong số đó, có 29 sọ của trẻ sơ sinh, 88 cô gái từ 16 đến 20 tuổi, 155 phụ nữ từ 21 đến 44 tuổi, 103 phụ nữ từ 41 đến 60 tuổi, 86 phụ nữ trên 60 tuổi, 23 nam giới từ 16 đến 20 tuổi, 79 nam giới 21 đến 40 tuổi, 162 nam giới từ 41 đến 60 và 38 nam giới trên 60 tuổi. Ngoài ra, còn nhiều đoạn xương lẻ và mảnh vỡ hộp sọ được bỏ vào trong các rương và bảo quản định kì.

Nói về bảo quản định kỳ, ông Lại chia sẻ:“Cái số người chết là do bọn diệt chủng Khmer đỏ xuống thảm sát bà con ở đây, số hộp sọ 1.159 thì cứ 5 năm một lần mới đem ra tẩm thuốc một lần, tẩm hóa chất để giữ xương.”

Sau khi chúng tôi phỏng vấn ông Lại, ông giới thiệu với chúng tôi các vị bô lão đang tu tập trong chùa Phi Lai và cho biết họ cũng là những người sống sót sau vụ thảm sát, họ biết khá nhiều chuyện. Nhưng khi chúng tôi gặp và đề cập đến vụ thảm sát Ba Chúc thì các bô lão này hỏi giấy tờ tùy thân, hỏi giấy giới thiệu phỏng vấn và đưa ra quan điểm chính trị của họ rằng đây là vấn đề nhạy cảm, không phải lúc nào cũng trả lời được, hơn nữa, họ từ chối trả lời phỏng vấn vì lý do họ được chỉ đạo khi họp chi bộ đảng Cộng sản là không được nói thêm về thông tin thảm sát Ba Chúc một khi chưa có văn bản chỉ đạo của cấp trên.

Cũng có vị nói rằng họ không phải là người thôn Ba Chúc mà họ từ nơi khác đến. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì họ đều là người Ba Chúc và khi cuộc thảm sát xảy ra, trong số họ có người đã cầm súng chiến đấu, có người đã lập gia đình… Như vậy, chắc chắn phải còn mối ẩn khuất nào đó từ câu chuyện thảm sát Ba Chúc.

Và chúng tôi cũng lấy làm lạ là chính quyền khmer Đỏ đã cáo chung từ rất lâu, những bộ hài cốt cần được an nghỉ theo phong tục của người dân nơi đây là hỏa thiêu hoặc chôn cất tử tế chứ chẳng mấy ai muốn mỗi năm, các hộ hài cốt và hộp sọ lại được mang ra lau rửa, nhúng hóa chất một lần theo định lỳ. Hay nói cách khác, các bộ hài cốt và hộp sọ không được phép trở về với cát bụi theo qui luật tự nhiên mà phải bằng mọi giá tồn tại như một chứng tích nhắc nhớ tội ác của một nhóm chính trị đã tiêu vong từ rất lâu!

https://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/ba-chuc-crypt-whose-crime-10052018120322.html