Phải sử dụng chính danh: “Đảng tang chứ không phải Quốc tang”!
Âu Dương Thệ (Danlambao) – Nguyên Tổng Bí Thư Đỗ Mười vừa mất ở tuổi 101, hiếm có! Làm người ai cũng phải chết, đó là luật tạo hóa. Nhưng khi sống và nắm quyền thì Đỗ Mười làm gì, có làm lợi cho nhân dân và đất nước không, hay chỉ bo bo lo cho đảng? Suốt từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước Đỗ Mười đã giữ nhiều chức vụ quan trọng, từ Phó Thủ tướng, Thường trực Ban bí thư trung ương, Thủ tướng, Tổng bí thư và làm Thái thượng hoàng chỉ huy Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh. Các “thành tích” của ông là: Cúi đầu thần phục Bắc Kinh tại Hội nghị Thành Đô 1990, phá tan hoang kinh tế tư nhân miền Nam và đày ải hàng triệu tư thương và gia đình phải đi các vùng rừng thiêng nước độc làm “kinh tế mới”, đòi phải để Doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo toàn bộ huyết mạch kinh tế và giành ưu đãi cho các Tập đoàn và Tổng công ti Nhà nước tự do bòn rút ngân sách quốc gia!
Tất cả những chủ trương này của Đỗ Mười là chỉ nhằm phục vụ và bảo vệ độc quyền cho Đảng Cộng sản, trong đó đặc biệt là thành phần bảo thủ cực kỳ giáo điều; bất kể những nguy hại cho nhân dân, tụt hậu của đất nước và nguy cơ lệ thuộc phương Bắc. Những việc làm của Đỗ Mười trong suốt mấy thập niên vừa qua chỉ có lợi cho nhóm độc tài giáo điều CS, nhưng hoàn toàn bất lợi cho nhân dân và và nguy hiểm cho tổ quốc. Vì thế Đỗ Mười không xứng đáng để hưởng “quốc tang”. Để cho chính danh Nguyễn Phú Trọng không được lạm quyền, chỉ được phép tổ chức “Đảng tang” cho Đỗ Mười!
Dưới đây là trích một phần viết về một số hoạt động của Đỗ Mười trong tập sách của tác giả sẽ xuất bản:
“Tại sao sau 32 năm “đổi mới” ĐCS đang bị biến thể thành các nhóm tham nhũng quyền lực và tiền bạc và xâu xé nhau?
Viễn tượng chuyển thành độc tài cá nhân như thế nào?
***
Đỗ Mười cực kỳ giáo điều và vô kiến thức nắm ghế Tổng bí thư
Toàn bộ văn kiện Báo cáo Chính trị Đại hội (ĐH) 7 (6.1991) phản ảnh trung thực cả trình độ nhận thức và khả năng ý thức trách nhiệm như thế nào của nhóm cầm đầu toàn trị. Nó chứng minh rõ ràng về sự thiếu kiến thức căn bản nên không thể có tầm nhìn cần thiết để hiểu được lòng dân và biết được trào lưu quốc tế chính của thời đại. Vì thế họ lại bỏ lỡ một cơ hội tốt cả cho đảng lẫn đất nước. Việc quay lại với quan điểm và lập trường cực kỳ bảo thủ chứa đựng trong các văn kiện chính của ĐH 7 cho thấy, những cán bộ đảng viên muốn có đổi mới, dù chỉ là nửa vời, đã mất hậu thuẫn trong đảng; các thành phần giáo điều bảo thủ nắm thượng phong trở lại.
Trong điều kiện đó Nguyễn Văn Linh, con người ba phải, không còn chỗ đứng. Thứ nhất là lý do sức khỏe. Đỗ Mười cho biết, trong suốt nhiệm kỳ 5 năm (1986-91) một nửa thời gian ông Linh đã bị ốm đau, phần lớn thời gian ông làm việc ở ngay Sài gòn chứ không ở trụ sở Trung ương đảng(TUĐ) ở Hà nội như các Tổng bí thư (TBT) từ trước tới nay. Nhiều khi các cuộc họp của Bộ Chính trị (BCT) cũng được tổ chức ở Sài gòn, nhiều cuộc tiếp khách quốc tế của ông Linh cũng diễn ra ở đây. Thậm chí nhiều chuyến đi nước ngoài ông Linh đã cho chuyên cơ cất cánh và hạ cánh tại phi trường Tân Sơn Nhất. Trong những dịp như thế các ủy viên BCT và Ban bí thư (BBT) không thể thường xuyên và đông đủ tới chào và tiễn người cầm đầu chế độ. Điều này trái với thông lệ và gây khó khăn không chỉ trong làm việc, mà còn cả trong dư luận. Vì thế báo đài trong thời gian này đã cố tình đưa tin tiễn-đón Nguyễn Văn Linh hoàn toàn sai. Việc này chính tờ Đoàn kết, tờ báo của “Hội Việt kiều yêu nước” của Hà nội ở Pháp, cũng đã xác nhận.
Ngoài trở ngại sức khỏe, tính tình thiếu cương quyết và bất định của Nguyễn Văn Linh cũng không tạo lợi thế cho ông trong giai đoạn đảng đang rơi vào hoàn cảnh sợi chỉ treo ngàn cân như từ cuối thập niên 80. Đây là thời gian dụng võ của những người bảo thủ kiên định. Vì thế vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ của Nguyễn Văn Linh, vai trò của Đỗ Mười ngày càng nổi bật, như trình bày ở trên. Tuy đối với bên ngoài cho tới những ngày chót trước khi khai mạc ĐH 7, Nguyễn Văn Linh vẫn là người đứng đầu. Mãi tới ngày thứ 2 của ĐH trên trang nhất tờ Nhân dân đăng hai ảnh lớn song song của Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười đang gặp các đại biểu dự ĐH 7. Điều này là chỉ dấu về sự thay nhân sự ở cấp cao nhất.
Mãi ngày thứ ba (26.6) 1176 đại biểu về dự ĐH mới bầu 146 ủy viên TUĐ (không có ủy viên dự khuyết) và sau đó Ban Chấp hành trung ương (BCHTU) mới bầu BCT và BBT. Nhưng báo và đài chưa được lệnh đưa tin kết quả. Mãi tới buổi chiều ngày cuối 27.6 dưới sự chủ tọa của Lê Đức Anh mới công bố TBT, BCT và BBT mới. Trong diễn văn bế mạc tân TBT Đỗ Mười (1917) mới thông báo, Nguyễn Văn Linh (1915) và Võ Chí Công (1912) đã không ứng cử vì “tuổi cao, sức yếu” và làm “Cố vấn BCHTU” cùng với Phạm Văn Đồng. Buổi sáng cùng ngày Đào Duy Tùng đã đọc kết quả các văn kiện chính đã thông qua tại ĐH 7, như “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội (CNXH)”; trong đó “97% số đại biểu đã nhất trí ruộng đất thuộc quyền sở hữu toàn dân” và “89,7% số đại biểu nhất trí “Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí minh (HCM) làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Các kết quả bỏ phiếu như thế đã nói rất rõ tư duy và trình độ của ĐH như thế nào. Ngoài Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Đào Duy Tùng là những người nổi trội trong các ngày họp ĐH. Võ Văn Kiệt không đóng vai trò chính.
BCT khóa 7 gồm 13 người, đứng đầu Đỗ Mười. Những người chính đã trên hoặc xấp xỉ 70 (tuổi chính thức): Đỗ Mười (1917), Lê Đức Anh (1920), Võ Văn Kiệt (1922), Đào Duy Tùng (1924), Đoàn Khuê (1923). Người trẻ nhất và lần đầu tiên được vào BCT là Nông Đức Mạnh cũng vừa 51 tuổi (1940). Như vậy cho thấy nhân sự chính Khóa 7 chỉ đóng vai giao thời. Điều rất đáng chú ý là cách đưa tin rất tùy tiện về tiểu sử của tân TBT Đỗ Mười. Trong đó các hoạt động và chức vụ của ông được ghi chi tiết cho tới ĐH 3 (1960); nhưng từ ĐH 4 (1976) chỉ ghi rất tóm lược, hoàn toàn không nhắc tới các chức vụ như “Trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp Xã hội chủ nghĩa (XHCN), phụ trách vấn đề cải tạo Công thương nghiệp XHCN tại miền Nam” Có phải như vậy là cố tránh những dư luận rất ác cảm với Đỗ Mười. Trong hơn hai thập niên làm Phó thủ tướng phụ trách các lãnh vực kinh tế, nếu không phải là thủ phạm, thì ít ra ông là người chỉ đạo trực tiếp các mô hình kinh tế cứng nhắc XHCN các thập niên 60 ở miền Bắc và từ 1975 trên toàn quốc và đã đưa tới những hậu quả vô cùng khốc hại cho dân và nước!…
Hội nghị Đại biểu toàn quốc 1. 1994: Phe giáo điều được tăng cường cả trong BCT lẫn BBT
Chỉ một năm sau ĐH 7 đã có hai thay đổi nhân sự quan trọng trong BBT. Tại Hội nghị trung ương (HNTU) 3 (6.92) Ủy viên BCT Nguyễn Đức Bình kiêm nhiệm Bí thư TU và Thượng tướng Lê Khả Phiêu cũng được bầu bổ túc vào Ban này, một cơ quan triển khai hàng ngày các quyết định của BCT. Việc đề cử hai nhân vật này cho thấy một số chiều hướng, cả hai người này đều thuộc khuynh hướng giáo điều bảo thủ ở TU. Trong khi Nguyễn Đức Bình được coi là thân tín của Đỗ Mười thì ông Phiêu đã từng nhiều năm dưới quyền trực tiếp của tướng Lê Đức Anh khi ông cầm đầu quân đội VN chiếm đóng Campuchia. Đặc biệt nay ông Bình phụ trách công tác tư tưởng-văn hóa, tức là chiến lược gia trong BCT; có chân cả trong hai cơ quan cao nhất lo hoạch định, quyết định và thi hành các chính sách của Đảng về lãnh vực tư tưởng, cho thấy vai trò của ông đang lên và thế của phe bảo thủ trong hai cơ quan này lại càng mạnh thêm. Đáng lưu ý nữa là Nguyễn Đức Bình không ưa Võ Văn Kiệt. Ông từng được BCT giao chức “cố vấn” cho Võ Văn Kiệt trong chuyến đi Âu châu của ông Kiệt vào cuối tháng 6.1993, tức là kiểm soát các tuyên bố của ông Kiệt. Ít năm sau Nguyễn Đức Bình đã từng ám chỉ Võ Văn Kiệt thuộc thành phần “cơ hội chính trị” tìm cách gây uy thế ở miền Nam.
Chiều hướng gia tăng ảnh hưởng của cánh giáo điều càng gia tăng với cao điểm là Hội nghị Đại biểu Toàn quốc vào cuối tháng 1.1994. Tại HNTU 6 “kéo dài” (17-18.1.1994) để chuẩn bị cho Hội nghị Đại biểu toàn quốc có 4 người được bầu bổ túc vào BCT là Lê Khả Phiêu, Nguyễn Mạnh Cầm (bộ trưởng Ngoại giao), Đỗ Quang Thắng và Nguyễn Hà Phan. Trong đó ba người đang có chân trong BBT là các ông Phiêu, Thắng (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TU) và Phan (Trưởng ban Kinh tế TU kiêm Phó chủ tịch Quốc hội (QH)). Trong số này Nguyễn Hà Phan cũng thuộc thành phần bảo thủ. Ngược lại, Hội nghị đã cách chức Vũ Ngọc Hải ra khỏi TUĐ và Bộ trưởng Năng lượng với lý do dính lýu vào vụ tham nhũng trong công trình “đường dây 500kV”, một công trình trọng điểm của Võ Văn Kiệt để chuyển điện từ Thủy điện Hòa bình từ miền Bắc vào miền Nam. Ông Hải (sinh năm 1931) là kỹ sư điện, Ủy viên trung ương (UVTU) dự khuyết từ khóa 5 và UVTU chính thức từ khóa 6, là người tin cậy của Võ Văn Kiệt, từ nhiều năm làm bộ trưởng Năng lượng và từ 1987 được ông Kiệt giao cho phụ trách các công tác này và bị cách chức từ 9.92 và bị tù 3 năm. Nhưng sau một năm trong nhà tù thì được thả. Trong thời gian ở tù Thủ tướng (TT) Võ Văn Kiệt, Phó TT Phan Văn Khải và nhiều bộ trưởng đã lại trại giam thăm ông; một việc chưa từng thấy dưới chế độ CSVN. Sau khi được tha Vũ Ngọc Hải lại được Võ Văn Kiệt cử làm “Đặc phái viên của TT”. Đây là một trường hợp hiếm có, nó nói lên sự phản đối của Võ Văn Kiệt đối với các đồng liêu trong BCT.
Nhân sự cấp cao thay đổi theo thế thượng phong cho phe bảo thủ, điều này tạo dấu ấn rất rõ trong các đường lối lớn tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc được tổ chức từ 20-25.1.1994, chỉ trước Tết Giáp Tuất ít ngày. Đây cũng là Hội nghị Đại biểu toàn quốc lần đầu tiên của ĐCSVN từ khi được thành lập 1930 với 647 đại biểu tham dự. Trong số 4 nhân vật chính là cái đinh của Hội nghị là TBT Đỗ Mười, CTN Lê Đức Anh, TT Võ Văn Kiệt và Thường trực BBT Đào Duy Tùng. Trong số này ông Kiệt chỉ là thiểu số.
Hội nghị này đóng một vai trò rất quan trọng, nhằm thẩm định lại tình hình trong đảng và xã hội sau 5 năm “đổi mới” thời Nguyễn Văn Linh, đồng thời nhận định tình hình thế giới sau khi Liên xô và các nước CS Đông Âu tan rã và bình thường hóa quan hệ với TQ. Từ đó đề ra các mục tiêu, đường lối và đề án nhân sự trong thời gian tới. Hội nghị đã nêu ra cảnh báo về “bốn nguy cơ” về chính trị, kinh tế, an ninh và xã hội. Đó là “nguy cơ chệch hướng XHCN”, “nguy cơ tụt hậu xa về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới”, “âm mưu và hành động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch” và “nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác”. Sau này khi nói tới Hội nghị Đại biểu toàn quốc người ta thường gọi là “Hội nghị về bốn nguy cơ”. Nhưng thực sự phe giáo điều chỉ lo ngại về hai nguy cơ là “nguy cơ chệch hướng XHCN” và nguy cơ về “diễn biến hòa bình”. Trong khi đó thành phần cấp tiến trong Đảng và dư luận xã hội lại quan tâm tới hai nguy cơ cho VN, đó là “tụt hậu về kinh tế” và “nạn tham nhũng” bùng nổ. Những khác biệt này dẫn tới những tranh cãi gay gắt ở trong Trung ương và dư luận trong các năm sau này. Vấn đề quan trọng này sẽ được đề cập tới ở phần sau.
Trong Báo cáo Chính trị (BCCT) của Hội nghị này do TBT Đỗ Mười đọc trong buổi khai mạc sáng 20.1.1994 đã cho biết, lập trở lại các Ban cán sự đảng và đảng đoàn ở các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể. Đây là cách gia tăng vai trò kiểm soát của đảng trong các cơ quan chính quyền, QH và các tổ chức xã hội. Lý do được giải thích là, “Trong sáng tác và lý luận, phê bình đã nẩy sinh một số khuynh hướng lệch lạc như phủ nhận thành tựu cách mạng và văn hóa, tách văn nghệ khỏi đường lối chính trị của Đảng, khuynh hướng thương mại hóa, truyền bá văn hóa lai căng, lối sống sa đọa.” Lời lẽ vừa đe dọa vừa xuyên tạc này là nhằm tấn công vào những đòi hỏi của nhiều đảng viên tiến bộ và nhiều chuyên viên và người cầm bút khi ấy đang công khai chỉ trích những sai lầm của ban lãnh đạo mới. Tiêu biểu như Trung tướng Trần Độ, GS Hoàng Minh Chính, GS Phan Đình Diệu, Hồng Hà, Hà Sĩ Phu (TS Nguyễn Xuân Tụ)…
Ngày 25.1.94 trong ngày cuối, Đào Duy Tùng, một ngôi sao chính trị mới rất giáo điều, đã thay mặt Đoàn Chủ tịch trình bày và giải thích một số vấn đề chính đã được Hội nghị thảo luận. Nửa năm sau BBT đã cho mở “Lớp giáo viên Mác-Lênin lớn nhất từ trước tới nay” với 1460 cán bộ để học tập và quán triệt các Nghị quyết của Hội nghị Đại biểu toàn quốc và TBT Đỗ Mười đã đọc diễn văn chỉ đạo.
Báo cáo Chính trị trước Hội nghị Đại biểu toàn quốc đã liệt kê những thành tích kinh tế từ ĐH 7; như giảm lạm phát từ 67% (1991) xuống chỉ còn 5,2% (93); sản lượng lương thực 1993 xấp xỉ 25 triệu tấn đã “vượt mức đề ra cho năm 1995”; sản xuất công nghiệp cũng tăng bình quân 13%/năm, “vượt mức đề ra cho năm 1995”; tăng trưởng công nghiệp 13% (kế hoạch 8-10%), kim ngạch xuất khẩu cũng tăng 20%/năm và vốn đăng kí đầu tư của nước ngoài ở VN lên tới 7,5 tỉ USD. Nếu các con số trên chính xác thì mức tăng trưởng cao trong nhiều lãnh vực kinh tế có thể giải thích theo nhiều cách: Một nền kinh tế đã phải trải qua thời gian tăng trưởng âm trong nhiều năm thì khi tăng trưởng dương thường cao; đây là kết quả của chính sách chấm dứt các biện pháp kiềm chế sản xuất ở trong nước và chính sách phong tỏa của Tây phương giai đoạn trước đây.
Như thế phải nói là, chính nhiều chính sách phi XHCN đã giúp kinh tế phát triển nhanh. Có nghĩa là, sự tăng trưởng kinh tế của VN hoàn toàn có thể diễn ra ở mức cao ngay từ sau 1975, nếu mô hình Kinh tế Thị trường được triển khai, thay vì mô hình CNXH. Nhưng điều này đã không diễn ra, vì từ sau 1975 các chính sách từ nông nghiệp, công nghiệp trới thương nghiệp đều theo mô hình XHCN xơ cứng. Trong đó chính Đỗ Mười là một trong những người chính phải chịu trách nhiệm. Chẳng những không dám nhìn nhận những sai lầm căn bản này, trong Báo cáo Chính trị lại ca tụng các thành quả này là sáng tạo của Đảng và đặc biệt trong đó nhờ giữ sự độc tôn tiếp tục cho Đảng: “Đổi mới là sự nghiệp khó khăn, chưa có tiền lệ, nhưng chúng ta đã mạnh dạn tìm tòi, dũng cảm tiến hành và giành thắng lợi rất quan trọng. Nguyên nhân cơ bản nhất, quyết định nhất là Đảng ta đã giữ vững vai trò lãnh đạo, không chấp nhận đa nguyên đa đảng.”
Thổi lên lạc quan này để họ biện minh phải trở lại mô hình đặt trọng tâm trong phát triển công nghiệp. Vì thế trong Báo cáo Chính trị nhóm lãnh đạo đưa ra chủ trương đầy tham vọng là, “thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa… đây là nhiệm vụ trung tâm có tầm quan trọng hàng đầu trong thời gian tới”. Tuy nhiên dịp này Đỗ Mười đã tìm cách đánh tan những nghi ngại còn lởn vởn trong đảng và ngoài xã hội thời sau 1975 cũng từng chủ trương “tiến nhanh tiến mạnh lên CNXH” với đặt trọng tâm phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng, để tới năm 2000 VN sẽ trở thành một nước công nghiệp. Chính khi ấy Đỗ Mười đã được giao thực hiện công tác này, nhưng chỉ ít năm sau tình hình ngành công nghiệp đã trở thành ác mộng. Có lẽ vì thế nên trong Báo cáo Chính trị lần này Đỗ Mười đã trấn an “đương nhiên chúng ta tiến hành công nghiệp hóa không theo kiểu cũ, không lập lại sai lầm nóng vội…”
Nhưng đó chỉ là cách đáng lừa dư luận, dối trá với nhân dân. Vì cũng trong Báo cáo Chính trị Đỗ Mười lại chủ trương, trong thời gian tới phải “cấp bách” tăng cường vai trò của Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) để nó “đảm nhận vai trò chủ đạo”: “Tiếp tục chấn chỉnh và xây dựng khu vực DNNN hoạt động có hiệu quả, đảm nhận được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế là một việc hết sức quan trọng và cấp bách. Vai trò đó thể hiện ở chỗ mở đường và hỗ trợ cho các thành phần khác phát triển, thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh và lâu bền của nền kinh tế, là một công cụ có sức mạnh vật chất để Nhà nước điều tiết và hướng dẫn nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.”
Như trên đã trình bày, sự thay đổi nhân sự ở các cấp cao nhất thuận lợi cho cánh giáo điều, nên họ đã tạo những dấu ấn ngay trong các đường lối chính tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc. Các lý luận để DNNN làm chủ đạo và nó sẽ làm cho toàn bộ kinh tế tiến nhanh lên chỉ là lập lại một cách máy móc mô hình phát triển kinh tế XHCN xơ cứng từ thời Stalin ở cựu Liên xô và Mao ở Trung quốc giai đoạn nhẩy vọt. Nhưng đối với những người CSVN giáo điều thì phải công nghiệp hóa nhanh với quốc doanh làm “chủ đạo” thì mới là tiêu biểu và đúng với chủ nghĩa Marx-Lenin.
Quyết định giao cho các DNNN “đảm nhận vai trò chủ đạo” trong kinh tế của Đỗ Mười mang tính cách cực kỳ quan trọng. Từ sau khi đưa ra khẩu hiệu đổi mới từ ĐH 6 đây là lần đầu tiên đã công khai trở lại để DNNN giữ vai “chủ đạo”, tức là nắm quyền sinh sát trong mọi sinh hoạt kinh tế. Đây là cách phục hồi mô hình phát triển kinh tế theo XHCN, trong đó phát triển công nghiệp là trọng tâm. Chủ trương này đã được thực hiện từ ĐH 4 sau khi đất nước thống nhất và nhóm lãnh đạo khi đó quyết áp dụng mô hình phát triển XHCN theo kiểu Liên xô để đưa VN tiến nhanh, tiến mạnh. Khi đó trong vai trò Phó TT chính Đỗ Mười là người chỉ huy và đôn đốc chủ trương này. Điều này còn có nghĩa là, từ Hội nghị Đại biểu toàn quốc tháng 1.1994 phe giáo điều đã toàn thắng trong BCT cho nên họ đã từ bỏ chủ trương nửa nạc nửa mỡ trong kinh tế của ĐH 6.
Quyết định này của Đỗ Mười sẽ có những tác động trực tiếp và lâu dài không chỉ trong kinh tế mà toàn bộ các lãnh vực khác trong xã hội các thập niên tiếp theo. Nó cho thấy, bằng mọi giá nhóm lãnh đạo giáo điều, đứng đầu là Đỗ Mười, một người trình độ học vấn và kiến thức rất thô cạn chỉ muốn chủ quan thực hiện niềm tin riêng của mình bất chấp sự thực và tinh thần khoa học, quyết giữ độc quyền cho đảng!
Đúng ra nếu thông minh và khách quan, biết rút kinh nghiệm thất bại kinh tế của nhiều nước CS, nếu muốn đạt mục tiêu nước giầu dân mạnh thì phải đặt sự phát triển kinh tế VN theo các qui luật của kinh tế thị trường; trong đó qui luật cạnh tranh, vai trò của tư nhân, công nhận quyền tư hữu và một nền pháp luật công minh phải là nồng cốt. Nhưng Đỗ Mười trong thực tế, với các chủ trương để DNNN làm chủ đạo và nắm các huyết mạch chính trong kinh tế thì đúng lại vẫn như con ngựa theo đường cũ!
Quan điểm bảo thủ trở về với mô hình phát triển XHCN như Đỗ Mười nói trong Báo cáo Chính trị tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc cũng được Đặng Xuân Kỳ, con trưởng của cựu TBT Trường Chinh và một trong hai lý thuyết gia của đảng, ủng hộ. Để đề cao thành quả phát triển kinh tế dưới sự lãnh đạo của Đảng qua đổi mới ông ta đã không ngại ngùng tô hồng chế độ, nhưng xuyên tạc và tô đen tình hình ở nhiều nước cựu CS Đông Âu vừa chuyển sang dân chủ đa nguyên: “Ở các nước mà chế độ XHCN đã bị lật đổ [Đông Âu], khi cuộc cuồng phong chính trị đã đi qua và chỉ còn để lại những đổ vỡ ngổn ngang và những rối loạn triền miên, những tâm trạng hoang mang dao động xen lẫn bi quan thất vọng, thì VN vẫn đứng vững và vượt lên phía trước. Cái gì là cốt lõi để VN làm được điều đó, để cả thế giới ngạc nhiên và vui mừng? Đó là bản lĩnh chính trị vững vàng của Đảng ta… chính là chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng HCM”.
Vào ngày cuối của Hội nghị Đại biểu toàn quốc đã bầu bổ xung 20 Ủy viên tung ương (UVTU) mới với lý do, một số UVTU đã xin rút lui vì “lý do sức khỏe”, nhưng không thấy nêu tên những người rút lui khỏi UVTU. Trong số những người mới được bầu có một số người đóng vai trò quan trọng về sau này, như Nguyễn Phú Trọng (Tổng biên tập Tạp chí CS), Phan Diễn (Chánh văn phòng TUĐ), Hồ đức Việt, Đào Trọng Lịch.…
Trình độ hiểu biết và thế giới quan của Đỗ Mười
Nhìn một cách tổng thể, có thể thấy rằng, từ ĐH 7 và nhất là từ Hội nghị Đại biểu toàn quốc khuynh hướng giáo điều bảo thủ đã hoàn toàn nắm thượng phong so với ĐH 6. Nói một cách khác, nếu ĐH 6 đổi mới chỉ nửa vời thì nay đã hoàn toàn tắt lịm! Cho nên nguyên tắc đảng lãnh đạo tuyệt đối, nhất là trong lãnh vực tư tưởng, càng được tăng cường hơn và cả trong cách thi hành tỏ ra xảo quyệt hơn. Các biện pháp kiểm soát tư tửơng các chuyên viên và những người cầm bút của những người cầm đầu chế độ tỏ ra gian xảo hơn, nhưng cũng thô bạo hơn. Cơ chế xin-cho đã đựơc áp dụng bằng cách ban phát các chức vị, học hàm viện trưởng, giám đốc, giáo sư, tiến sĩ cho các đảng viên thân tín trong các viện nghiên cứu và đại học. Xuyên qua các phần tử này những ngân sách lớn hàng tỉ đồng cho các công trình nghiên cứu được gọi là “khoa học”, nhưng kỳ thực chỉ là để tìm ra cách minh họa lãnh đạo và bảo vệ chế độ. Trong số này có cả những đề tài nghiên cứu “cấp Nhà nước” về tư tưởng HCM, như đã trình bày.
Tháng 5. 1997 tại “Hội nghị triển khai các chương trình và đề tài khoa học xã hội cấp Nhà nước giai đoạn 1996-2000”, trong tư cách là TBT, Đỗ Mừơi, một người chưa học hết trình độ tiểu học, đã ra lệnh cho những nhà khoa bảng “trí thức XHCN”, trong đó có các viện trửơng, giám đốc và giáo sư các đại học và viện nghiên cứu phải chứng minh “con đường XHCN” là “cơ sở khoa học”, tức là đưa ra kết luận trước khi có chứng minh!: “Những người làm công tác lý luận cần phát triển lý luận cách mạng VN lên một bước mới, chứng minh được con đường XHCN chúng ta đi là cơ sở khoa học và nhất định sẽ thắng lợi.”
Chính sách ban phát địa vị, học hàm và bỏ tiền bạc rộng rãi vào các chương trình nghiên cứu còn là cách mua chuộc để nắm lấy các giới chuyên viên và trí thức. Một thành phần từ khi có “đổi mới” ngày càng muốn cách xa đảng. Chính nguy cơ này nên vài năm sau Nguyễn Khoa Điềm, ủy viên BCT và Trửơng ban Tư tưởng văn hóa trung ương, đã phải báo động: “Nếu Đảng không lãnh đạo được trí thức thì trí thức sẽ nằm trong tay người khác. Công tác khoa giáo nắm bộ phận trí thức khoa học, bao gồm khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn. Nếu chúng ta nắm được lực lượng này thì sẽ là chỗ dựa trong quá trình xây dựng CNXH. Còn nếu chúng ta để họ rơi vào tay người khác chi phối thì bài học thất bại của Liên xô khiến chúng ta phải suy nghĩ.”
Thái độ ngạo mạn, khinh miệt chuyên viên và trí thức và tinh thần phản khoa học của những người cầm đầu chế độ toàn trị hiện nay cũng vẫn giống hệt như nhóm cầm đầu đảng sau chiến thắng chống Pháp và cai trị miền Bắc 1954. GS Trần Văn Giàu, một nhà khoa bảng hàng đầu của chể độ đã kể rằng, có lần một trong những lãnh đạo chính khi đó đã trả lời cho các “trí thức XHCN” về triết học như sau: “Làm triết học khó gì, các anh cứ xách cặp theo tôi, tôi đi đến đâu, tôi nói cái gì thì các anh cứ nghe, đó là triết học.”
Riêng với Đỗ Mười, một người không có học vấn nhưng chỉ biết trung thành, suốt mấy thập kỷ đã nắm nhiều trọng trách cuối cùng leo lên làm TBT. Nhưng chưa bao giờ ông nhận ra sai lầm, hoặc xin lỗi công khai về những biện pháp làm cho kinh tế quốc doanh bị phá sản và kinh tế tư nhân bị hủy giệt. Cho tới khi làm TBT ông vẫn tin vào mô hình phát triển của CNXH. Tại sao? Thông thường một người có trình độ văn hóa thấp thường hay cả tin và một khi đã tin thì như đinh đóng cột! Đây là tâm lý trung thành mù quáng không dám nghe khác và nói khác. Về tính khí và thái độ của ĐM từ khi ông làm Phó TT, Chủ nhiệm Văn phòng kinh tế Phủ Thủ tướng cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, rồi Phó TT kiêm nhiệm Trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp Xã hội chủ nghĩa ở miền Nam sau khi VN thống nhất, Thường trực Ban Bí thư khóa VI từ giữa thập niên 80, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1988-91) và từ 1991 trở thành TBT cho tới cuối 1997, sau đó suốt 10 năm trở thành nhân vật điều khiển ở đằng sau TBT Nông Đức Mạnh trong hai nhiệm kỳ.
Suốt trên 4 thập niên, đặc biệt từ giữa thập niên 80, Đỗ Mười đã lãnh đạo trực tiếp hay gián tiếp chính trị VN trên mọi lãnh vực từ chính trị, kinh tế, ngoại giao, an ninh quốc phòng tới văn hóa-xã hội. Suốt trong thời gian rất dài này ông đã lãnh đạo trực tiếp hoặc đứng đằng sau giựt dây và luôn luôn khẳng định những quyết định của mình là đúng, hoặc bắt những người trong phe cánh phải thực hiện những ý kiến của mình. Cụ thể như chủ trương triệt hạ tư thương ở miền Nam sau 1975, dùng Doanh nghiệp Quốc doanh giữ vai trò chủ đạo trong kinh tế, ruộng đất là công hữu, cầu thân với BK từ Hội nghị Thành đô 1990, coi chuyên viên, các nhà khoa bảng và báo chí chỉ là công cụ chỉ giữ vai trò tô hồng và vẽ rồng phượng cho nhóm lãnh đạo. Những đồng liêu nào chống lại đều bị Đỗ Mười trực tiếp hay để vây cánh cách chức, cô lập, như UVBCT Trần Xuân Bách, Phó Chủ tịch QH tướng Trần Độ, bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, TT Võ Văn Kiệt, Lê Khả Phiêu…Trái lại, lại ủng hộ triệt để tướng Lê Đức Anh và Nông Đức Mạnh. Đồng thời Đỗ Mười còn dùng quyền lực và uy tín ngăn cản không để BCT điều tra và thảo luận các vụ tố cáo và khiếu nại của nhiều UVBCT, UVTU về các vụ “Năm Châu, Sáu Sứ”, “Tổng cục 2”, nhất là về hồ sơ lý lịch liên quan tới tướng Lê Đức Anh…
Trong những vụ này Đỗ Mười luôn luôn tìm cách đề cao rất tùy tiện và vô giới hạn các chủ trương và quyết định của mình theo ý muốn rất chủ quan, bất chấp sự thật, nếu cần sẵn sàng nói không thành có, có thành không, miễn là thỏa mãn những khẳng định của mình. Trong đó ông sẵn sàng lợi dụng quyền lực và quyền uy bắt những đồng liêu phải chiều theo ý định của mình. Thái độ bấp chấp sự thực, dựng lên những dối trá, bắt mọi người phải thực hiện, không nhận ra được đâu là giới hạn và không được phép vượt qua, đây là thể hiện một tâm lý của một người không bình thường. Những người bị bệnh nặng tâm lý này thường mất khả năng nhận thức đúng về các sự việc, do đó không ý thức được mức độ nguy hại của việc mình làm. Trong phân tâm học thường xếp loại những người như vậy là bị chứng bệnh Narzist.
Đối với một cá nhân bình thường mắc bệnh này thì những hành động của họ chỉ gây nguy hiểm hay tại hại cho chính mình hay một vài người. Nhưng một chính trị gia cầm đầu cả một nước mà bị bệnh này thì là một nguy hại khủng khiếp không lường hết được. Thái độ và tình trạng tâm thần không ý thức được sự việc và nhận ra giới hạn cần phải có thể hiện ngay cả sau này khi rời chức TBT, ông vẫn coi tự coi như một người cha trong gia đình sai bảo đàn con. Chính thái độ này đã đưa Đỗ Mười chọn Nông Đức Mạnh làm TBT suốt hai nhiệm kỳ dưới sự chỉ bảo của ông. Nếu đứng về phương diện giữa cá nhân với nhau thì là chuyện riêng. Nhưng trên quyền lợi chung của một nước thì khi chính quyền rơi vào một người có tâm thần bất ổn như vậy suốt cả môt thời gian dài mấy chục năm là một thảm họa chung cho cả một dân tộc!
Thái độ và hành động cực kỳ quá đáng của Tổng thống Trump, được nhiều nhà quan sát xếp ông cũng thuộc bệnh này, đã gây những tác hại rất lớn cho Hoa kỳ và đồng minh trong thời gian vừa qua, mặc dầu Hoa kỳ là một xã hội Dân chủ Đa nguyên ở mức cao và ông Trump mới chỉ nắm quyền gần hai năm. Ở trong một xã hội độc tài như ở VN và nắm quyền suốt mấy chục năm thì sức tàn phá do người cầm đầu toàn trị bị rối loạn tinh thần còn khủng khiếp như thế nào. Vì ở đó không có những lực cản, không có cơ chế kiểm soát và chế tài như trong một xã hội đa nguyên.
Theo Đỗ Mười, sở dĩ đạt tới những thành quả trên là do tiếp tục chế độ độc đảng dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN: “Đổi mới là sự nghiệp khó khăn, chưa có tiền lệ, nhưng chúng ta đã mạnh dạn tìm tòi, dũng cảm tiến hành và giành thắng lợi rất quan trọng. Nguyên nhân cơ bản nhất, quyết định nhất là Đảng ta đã giữ vững vai trò lãnh đạo, không chấp nhận đa nguyên đa đảng…”
Từ lập trường trên, trong Báo cáo Chính trị người cầm đầu Đảng đã nêu ra “4 nguy cơ” cho ĐCSVN và đề ra các biện pháp. Đó là “Những thách thức là: nguy cơ tụt hậu xa về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới”…; ”nguy cơ chệch hướng XHCN nếu không khắc phục được những lệch lạc trong chỉ đạo thực hiện; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác; âm mưu và hành động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.”
Ở đây do căn bệnh không thể nhận ra sự thực khách quan nên Đỗ Mười đã không thấy được nguyên nhân đích thực gây ra những hậu quả rất xấu trong chính trị, kinh tế và xã hội dưới sự lãnh đạo theo chế độ toàn trị và mô hình phát triển XHCN (Lenin-Mao). Ông đã không dám nhìn thẳng là sự “tụt hậu kinh tế” không chỉ diễn ra dưới chế độ toàn trị ở VN mà là bức tranh thê thảm chung của các nước CS từ Liên Sô (cũ), Đông Âu, Trung Quốc, Bắc Hàn và Cuba từ suốt nhiều thập kỷ. Vì ở đấy Nhà nước xuyên qua ĐCS độc quyền từ ruộng đất, xí nghiệp tới các phương tiện sản xuất khác, nên không có cạnh tranh lành mạnh và vì thế các hoạt động kinh tế thiếu những động lực thúc đẩy phát triển và canh tân trong kỹ thuật sản suất lẫn quản trị. Họ cũng không nhìn nhận tình trạng tham nhũng và các tệ trạng xã hội thường bung ra mạnh nhất tới mức không thể kiểm soát được dưới các chế độ toàn trị. Tham nhũng bắt nguồn từ các cán bộ có quyền lực nhưng tham lam. Quyền lực ví như một động cơ chạy mà không có thắng (phanh), không có sức kiềm chế thì vô cùng nguy hiểm. Vì các chế độ toàn trị là phản ảnh của trận đá banh, cầu thủ cũng là trọng tài -vừa đá banh vừa thổi còi- Đảng thông qua QH của Đảng ban bố luật, viện kiểm sát nhân dân tối cao (của Đảng), Tòa án Nhân dân tối cao (của Đảng), cảnh sát điều tra (cũng của Đảng). Trong tình trạng như thế thì làm thế nào giữa các đồng chí có quyền lực lại có thể thẳng thừng với nhau, điều tra nghiêm túc, xét xử nghiêm và công bằng được!
Cho nên giữ vững nguyên tắc tiếp tục duy trì chế độ toàn trị thì hoàn toàn mâu thuẫn với mục tiêu chống tụt hậu và chống tham nhũng! Vì vậy hai mục tiêu quan trọng này không thể nào đạt được. Tình hình trong các thập niên sau chứng minh qui luật này.
Có lẽ hai mục tiêu chống “nguy cơ tụt hậu trong kinh tế” và “nguy cơ tham nhũng” đề ra tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc chỉ muốn tạo ra tâm lý hi vọng trong nhân dân và đồng thời biện minh cho mục đích thực sự của nhóm cầm đầu bảo thủ khi đó là tránh và chống “nguy cơ chệch hướng XHCN” và “diễn biến hòa bình”. Qua đó họ tìm cách thuyết phục dư luận là, không thể theo chế độ Dân chủ Đa nguyên với các chính đảng đối lập, trái lại chỉ có chế độ độc đảng theo chủ nghĩa Marx-Lenin mới giải quyết được các khó khăn của đất nước. Theo họ vì thế trong việc thực hiện đổi mới phải giữ đúng nguyên tắc ĐCSVN tiếp tục độc quyền và cương quyết chống lại các ảnh hưởng và sự can thiệp của phương Tây, đứng đầu là Mĩ đang ra sức tìm cách tạo các “diễn biến hòa bình” để làm “chệch hướng XHCN” cuối cùng là phá hủy sự độc quyền của ĐCS.
Trong thực tế, để củng cố vai trò của đảng từ khi làm TBT Đỗ Mười đã tìm cách tăng cường trở lại vai trò lãnh đạo của Đảng đối với chính phủ, các cơ quan nhà nước và các đoàn thể. Đó là việc “lập lại ban cán sự và Đảng đoàn ở cơ quan Nhà nước và các đoàn thể” như trong Báo cáo Chính trị của Hội nghị Đại biểu toàn quốc xác nhận. Không những thế Đỗ Mười còn tấn công cả trong lãnh vực tư tưởng, văn hóa và nghệ thuật. Chính nơi này mặc dù chủ trương “cởi trói cho người cầm bút” đã sớm bị dập tắt, nhưng dư âm của nó vẫn rất đáng ngại. Vì khi ấy chính Tướng Trần Độ đã không chỉ là người ủng hộ mà còn là nhân vật đi đầu chống lại việc kiểm soát tư tưởng và bẻ cong ngòi bút từ phía Đảng. Vì thế Đỗ Mười đã cảnh báo: “Trong sáng tác và lý luận, phê bình đã nẩy sinh một số khuynh hướng lệch lạc như phủ nhận thành tựu cách mạng và văn hóa, tách văn nghệ khỏi đường lối chính trị của Đảng” (BCCT).
Nếu theo dõi diễn biến tư tưởng và lập trường của những người trong BCT, đứng đầu là Đỗ Mười, về vai trò của Đảng đối với bộ máy nhà nước từ ĐH 7 tới ĐH 8 thì rõ ràng đã đi giật lùi. Trong Báo cáo Chính trị ĐH 7 (1991), mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước đã được giải thích: “Đảng lãnh đạo phải bảo đảm phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của Nhà nước. Tính hiệu lực và sức mạnh của Nhà nước chính là thể hiện tính hiệu quả lãnh đạo của Đảng. Ở đây hoàn toàn không có sự đối lập giữa nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng với tăng cường hiệu lực của Nhà nước, không có sự hi sinh cái này cho cái kia…” Xét về mặt lý thuyết thì quan điểm cân bằng quyền lực giữa Đảng và Nhà nước như trên là cần thiết, để Nhà nước vẫn có thể chủ động thực hiện đúng được vai trò của mình, không chỉ là cánh tay dài của BCT trong một chế độ toàn trị. Trên cơ sở này họ biện minh là không cần đa đảng, không cần đối lập:
“Có ý kiến cho rằng, chỉ có cơ chế chính trị đa nguyên với sự tồn tại của đảng phái đối lập thì mới có dân chủ. Thật ra dân chủ hay không dân chủ điều đó không tùy thuộc ở chế độ một đảng hay nhiều đảng.” (Nay Nguyễn Phú Trọng cũng lập lại!)
“Trong điều kiện nước ta hiện nay không có sự cần thiết khách quan để lập nên cơ chế chính trị đa nguyên, đa đảng đối lập. Thừa nhận đa đảng đối lập có nghĩa là tạo điều kiện cho sự ngóc đầu dậy ngay tức khắc và một cách hợp pháp các lực lượng phản động, phục thù trong nước và từ nước ngoài trở về hoạt động chống tổ quốc, chống nhân dân, chống chế độ.” (BCCT ĐH 7)
Nhưng ở đây họ không biết – hay giả vờ không biết- qui luật của quyền lực trong chính trị từ Đông sang Tây từ cổ chí kim. Ở đâu quyền lực càng nhiều, càng lớn và càng lâu thì ở đó người có quyền lực càng tìm mọi cách lợi dụng, dù đó là độc tài cá nhân như thời phong kiến, hay độc tài đảng trị như ở nhiều nước CS. Nhưng chỉ hơn hai năm sau với quyết định “lập lại ban cán sự và Đảng đoàn ở cơ quan Nhà nước và các đoàn thể” Đỗ Mười đã vất vào sọt rác quyết định của ĐH 7 để trở lại vai trò Đảng là người chỉ huy duy nhất và Nhà nước chỉ là cơ quan thừa hành! Vì khi đó Đỗ Mười đã nắm vững quyền lực trong tay!…
5.10.2018